|
.
SỰ CỐNG
HIẾN CỦA ĐẠO PHẬT
CHO CUỘC ĐỜI
Truyền
Đan
|
|
Phần
Hai
Tôi
có nhân duyên với Đạo Phật từ khá sớm, hồi còn học
trung học vào đầu thập niên 40. Thế Giới ấy đối với
tôi là niềm vui thích và tin tưởng càng ngày càng lớn. Bây
giờ tôi đã như một con kiến bò quanh một cái bánh kem để
trên đĩa, tôi mon men nhấm nháp, càng vào sâu càng thấy hương
vị đậm đà, càng ích lợi.
Trong
các tôn giáo lớn, Đạo Phật đứng một mình. Có người
nói Phật Giáo không phải là tôn giáo, có người lại cho
rằng Phật Giáo tôn giáo hơn tất cả các tôn giáo. Đạo
Phật không quan tâm danh từ chữ nghĩa khen chê, có phải là
tôn giáo hay không, vì tất cả danh tướng, phân biệt, đều
là sản phẩm của vọng tưởng, Đạo Phật chỉ chú trọng
khai thị và hướng dẫn con người xa lìa vọng tưởng (nguồn
gốc của đau khổ) để tự lực giải thoát, việc đó không
một thần thánh nào làm được dùm hắn.
Học
giả Smith Huston, trong cuốn The Religions of Man trình bày những
tôn giáo lớn của con người, ông vạch ra sáu điểm đặc
biệt khác đời của Phật Giáo là:
- Không
quyền lực,
-
Không nghi lễ,
-
Không tính toán, suy lường,
-
Không tập tục truyền thống,
-
Không khái niệm về quyền tối thượng và ân điển của
một Thượng-đế,
-
Không bí mật.
Ông
cũng nhắc lại câu truyện một người hỏi Phật:
- Ngài
có phải là Thượng-Đế không?
Đáp: Không.
-
Ngài có phải là một Thiên Thần không?
Đáp: Không.
-
Ngài có phải là một vị Thánh không?
Đáp: Không.
-
Vậy thì Ngài là gì?
Đáp:
Ta là Bậc Giác Ngộ.
Việc
tìm hiểu Phật-Giáo dành cho ta nhiều bất ngờ thích thú và
cũng đầy ngưỡng mộ, có người đã nói "đọc Phật, tôi
đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác". Tạp chí L'Express
tại Pháp trong số đặc biệt tháng 10-1996 dành cho "Làn Sóng
Phật-Giáo" có nhắc lại lời nói của bác-học A.Einstein:
"Phật-Giáo là tôn giáo duy nhất dung hợp được với khoa-học
hiện đại". Ông còn nói rõ: "Nếu có một tôn giáo nào đương
đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là
Phật Giáo. Phật Giáo không cần xét lại quan điểm của mình
để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học.
Phật Giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để
xu hướng theo khoa học vì Phật Giáo bao hàm cả khoa học cũng
như vượt qua Khoa học." - Triết gia Michel Hulin cũng cho
rằng "Phật-Giáo là triết học của thời đại chúng ta".
Kết quả một cuộc thăm dò cho biết có khoãng hai triệu người
hiện nay tán thành Phật-Giáo trong một nước Pháp có truyền
thống Kitô lâu đời và vững chắc ở Âu-Châu. Có nhiều
người Pháp thường xuyên đến tu tập tại hàng trăm ngôi
chùa Mật-Tông Tây-Tạng, một số thọ giới Tỳ Kheo, và chùa
Thiền Tào-Động Nhật-Bản sẵn có hoặc mới được xây
cất thêm rải rác khắp nước Pháp.
Điều
thích thú khi tôi đến với Đạo Phật là tôi vẫn là tôi,
tôi phục vụ tôi, tự chủ, độc lập, tự do, không sợ hãi
thần phục một sức mạnh, không nô lệ. Hồi đầu, khi nghe
lời nào không hợp ý là tôi cãi lại, tôi nói rằng Ông Phật
nói vậy tôi thấy không đúng. Năm mười sáu tuổi, nghe Ông
nói: "Tình thương là nguồn gốc của đau khổ", tôi không
chịu. Tôi nhớ lúc còn nhỏ nằm trong lòng mẹ, ấm áp trong
tình thương của mẹ, tuyệt vời như vậy sao là khổ được?
Nhưng hơn mười năm sau, khi đã có gia đình, con tôi còn bé
nhỏ, gặp khi bị nóng sốt li bì, suốt đêm tôi ngồi bên
con săn sóc, lòng dạ sót sa lo lắng, chợt nhớ lại lời Ông
Phật nói, tôi mới biết mình sai, nếu không thương con thì
đâu có khổ. Bốn năm trước đây, ở xa được tin mẹ mất
quê nhà, tôi òa lên khóc như một trẻ thơ, thật không có
một đau khổ nào lớn như thế. Lúc đầu theo học Thày, tôi
cũng cãi, cãi rồi mới biết mình sai. Vậy mới hay con người
ngu như tôi đâu biết được cái dốt của mình, hệt như
con cá dưới nước nghe con rùa đi chơi trên cạn về kể chuyện
không cho là thật. Nay tôi có lễ Phật, lạy Thày, đều là
do lòng tự nhiên kính phục, biết ơn, trọng người chỉ
lối, chẳng có mảy may nô lệ, sợ hãi, mà chính các Vị
đó cũng dạy như vậy, nhất định không chịu trói cột,
dầu bằng một sợi chỉ nhỏ bằng vàng.
Đạo
Phật tuyệt đối không khống chế con người, người Phật
tử chỉ tin nơi Tự Tâm mình, tự mình làm chủ mình chứ
không ỷ lại vào thần linh. Chữ "Phật" không chỉ danh một
ngôi vị thánh linh cao cả do con người sợ hãi vì yếu đuối,
bất lực trước những sức mạnh của thiên nhiên và những
bất công của xã hội, nên tự nhiên nghĩ tưởng phải có
một Đấng Toàn Năng ngự trị nơi cao để nương tựa, để
thờ phượng, để cầu xin.
Phật
phiên âm từ chữ Phạn Buddha chỉ đơn giản có nghĩa là "Người
Biết" (Giác Giả), người nào giác ngộ người đó là Phật.
Ông Phật cũng nói rõ ràng không được thần phục mù quáng,
đối với tất cả các học thuyết, kể cả học thuyết của
Ông nói, ta phải nghe, suy xét, thực hành, nếu có thấy kết
quả thật sự làm cho cuộc đời hết hẳn đau khổ thì hãy
tin nghe.
Tôi
cũng nhận thấy rằng cái Pháp ông Phật cho tôi chỉ là một
cống hiến, nó phục vụ tôi, nó chỉ dẫn tôi đi đường
xa đến đích, khi đến nơi nó trở nên vô dụng, vì qua sông
rồi đâu còn cần bè, và tôi phải bỏ nó đi, nếu không
thì mất tự do vì nó (Kinh Kim Cang), lúc nào tôi cũng vẫn
là chủ của mình. Thành ra tôi đến với Đạo Phật chẳng
phải vì ông Giáo-Chủ, cho ông Giáo-Chủ mà chỉ vì hạnh
phúc, tự do cho chính mình, để phục hồi sự trọn vẹn cố
hữu của mình, sung sướng là vậy. Nay mỗi lần vào chùa,
đứng trước Đức Phật ngồi trên tòa cao, tôi ngước mắt
nhìn khuôn mặt an lành từ bi của Phật, lòng hân hoan mỉm
cười như nhìn mặt mẹ, chẳng cần nghiêm nghị cúi đầu,
lo lắng e sợ có thể bị trừng phạt, cũng chẳng cần cầu
xin ân huệ vì như Ông dạy luật nhân quả, cầu đâu có được.
Hơn năm chục năm rồi, tôi vẫn ở trong đạo như ở trong
vườn hoa trái nhà mình, với lòng thích thú say mê như thế.
Khác
hẳn với các tôn giáo khác, Phật Giáo có mặt trên thế gian
không phải cốt cho người ta tôn thờ, cúi lạy, cầu xin mà
chỉ có mục đích duy nhất là khai thị cho con người biết
ra chỗ sai lầm căn bản nó là nguyên nhân của tất cả đau
khổ, và cống hiến cho thế gian cái nhận thức đúng đắn
về một hạnh phúc tột cùng, rồi chỉ cho con đường thực
hiện hạnh phúc đó. Tiến-sĩ Hubert Benoit trong hàn-lâm-viện
Pháp là một học giả triết gia, ông nói trong bài tựa bộ
Doctrine Suprême của ông (có dịch ra Anh ngữ) đại ý là không
có một học thuyết nào, một tôn giáo nào đã đưa ra được
phương thức giải quyết trọn vẹn vấn đề thân phận con
người, ngoài Phật-Giáo Thiền-Tông.
Vì
làm chủ nên chỉ trông cạy chính yếu vào sức mình, phải
đốt đèn lên mà đi bằng đôi chân của chính mình và thụ
hưởng cái kết quả do chính mình thành tựu được, chẳng
phải là ân huệ ai ban. Nhưng tại sao tôi tin được có cái
hạnh phúc tột cùng ở cuối đường xa? Không phải như
A, nhắm mắt tin lời nói của B, B tin lời C, tin đuổi theo
nhau đến Z, mà thực sự Z cũng chưa hề đích thân sờ mó
đến Sự-Thật. Sự-Thật (hay Chân-Lý) chẳng phải là cái
biết bằng tri thức do nghiên cứu, học hỏi mà được. Sự-Thật
chỉ là chỗ cảm chứng sâu xa vĩnh hằng bằng thực nghiệm.
Tôi tin chỗ chưa đến vì chẳng riêng một Ông Thích-Ca nói
vậy mà đã có đến mười ngàn người tại nhiều quốc gia
Á-châu nghe Ông chỉ đạo đã thành tựu được quả vị giải
thoát, cũng kinh nghiệm và cũng nói như nhau. Hơn nữa, tôi
thấy lý thuyết phân minh rành rẽ, chẳng một mảy may mê
tín hoang đường, và chính bản thân mình trong khi thực hành
đúng cách quả đã thấy khởi đầu cái sức mạnh có khả
năng chuyển đổi tâm linh.
Quán
xét sâu rộng cái thân phận làm người bị bó buộc, sướng
ít khổ nhiều, khi nó hiển lộ rõ ràng ghê gớm, lúc nó ẩn
núp dưới lớp vỏ hào nhoáng lừa gạt, tôi nghĩ ta không
thể mê muội mãi tình trạng này và, như ý Kinh Pháp-Hoa, nó
cần được giải quyết tận cùng rốt ráo, nếu lối đi có
nhiều bậc thì phải đi hết bậc cuối cùng để bước lên
tầng lầu trên, không chịu dừng lại nửa đường, đi hết
đường mới thôi, cũng không chịu uống aspirin cho êm dịu
nhất thời, tùy trình độ mình mà khởi hành từ bậc thích
hợp. Đạo Phật cho đó là việc quan trọng của con người,
chẳng phải là việc quan trọng nhất, mà là việc quan trọng
duy nhất, không có việc thứ hai đáng coi là quan trọng. Nếu
có muốn giúp ai thì cũng nên giúp người đó làm xong việc
này, nếu có người đói lạnh thì cho ăn cho mặc cũng là
để bảo họ tiếp tục làm xong việc này, gọi là bố thí
cứu cánh, cũng gọi pháp thí.
Về
Phật Pháp, không ai dám tự nhận là diễn tả trung thực,
đầy đủ được Đạo Phật, kể cả Đức Phật, bởi nên
Ngài nói trong Kinh Lăng-Nghiêm : "Phàm hữu ngôn thuyết, giai
phi thật nghĩa". Chỗ Thật-Nghĩa phải là đích thân đi đến,
sống và kinh nghiệm Nó, nếu chưa chứng ngộ, cũng là chưa
kiến tánh thành Phật, thì dù ông có mang danh hiệu gì, hình
tướng nào, tu tập phép lạ, nói năng biện tài, vẫn chỉ
là phàm phu trong luân hồi, đối với Thật-Nghĩa chưa hề
dính dáng. Mà với Chân-Lý (Thật-Nghĩa), chỉ có thể chứng
được, kinh nghiệm được, chứ không thể nói được, vì
ngôn ngữ của thế gian không thể diễn tả, cho nên Tổ-Sư
nói "Uống nước lạnh nóng tự biết", huống là người còn
đang đi đường như tôi, cho nên những điều tôi viết đây
chỉ là cái thấy biết nông cạn bằng tri thức về Đạo
Phật, chỉ đáng được coi như phương tiện khơi mở giúp
người hướng về Đạo. Tôi rất ước mong chúng ta nhận
được rằng Đạo Phật là kho báu vô lượng cống hiến cho
con người nhiều, rất nhiều ích lợi hơn như đa số chúng
ta, dàu là tăng tục Phật tử, đã biết, đã nói.
Giáo
Pháp do Phật nói chia ra nhiều thời kỳ: Hoa-Nghiêm, A-Hàm,
Phương-Đẳng, Bát Nhã, Pháp-Hoa, nhưng nói chung vẫn là tùy
bệnh cho thuốc, đại khái có 5 loại thuốc dành cho 5 căn
cơ trình độ cao thấp, cũng gọi là "thừa" (cỗ xe): Nhân
Thừa, Thiên Thừa, Thanh-Văn Thừa, Duyên-Giác Thừa, Bồ-Tát
Thừa. Các thừa ấy là những bậc thang kế tiếp phương tiện
lập ra để chung cuộc đưa đến Phật Quả. Người tu không
được chấp vào một thừa nào để trụ tại đó, nên Kinh
Pháp-Hoa, phẩm Phương-Tiện, Phật nói: "Đức Phật dùng sức
phương tiện nơi một Phật Thừa phân biệt nói thành ba.",
và "Không có thừa nào khác, chỉ có một Phật Thừa". Những
lời dạy này nên được hiểu là việc tu học phải nhắm
đến mục đích tối hậu là giác ngộ thành Phật, được
giải thoát cứu cánh, không có chuyện hoặc cốt tu để an
tâm chốc lát, thành thiện nhân, được nhiều phước đức,
hoặc cốt lên cõi trời, hoặc cốt được những quả vị
Nhị Thừa rồi thôi. Không nên chỉ đi một phần đường
rồi đứng lại. Phật vì lòng từ bi bình đẳng mà lập ra
nhiều bậc cốt giúp người trung hạ căn là đa số chúng
sanh niềm tin chưa trọn, được đi lên từng bậc dễ dàng,
với người thượng căn thì đốn tu đốn ngộ, thẳng đến
Phật Quả.
Những
lời dạy trong Nhân Thừa, Thiên Thừa đều nhắm vào luân
lý thế gian, làm con người lương thiện, có nhân nghĩa, ngay
thẳng, làm lành lánh dữ, thương yêu giúp đỡ đồng loại
và súc vật ... và chuẩn bị cho bước xuất thế gian. Trong
phạm vi này, Phật dạy con người biết tin nhân quả, biết
sợ họa báo mà không làm ác, biết chọn làm thiện để được
phước quả. Tiêu chuẩn thiện ác ở đây căn cứ vào lợi
ích chúng sanh gồm cả người và súc vật. Ở trình độ này,
có những pháp môn tiêu biểu như sau:
- Thập
thiện: thực hành 10 điều thiện gồm 3 điều thuộc hành
động của thân là không giết hại và không xúi người khác
giết hại người và súc vật, không trộm cắp, không tà dâm;
4 điều thuộc lời nói: không nói điều bịa đặt, không
nói lời không đúng, không nói hai lưỡi, không nói lời độc
ác; 3 điều thuộc ý tưởng: không khởi các ý nghĩ tham lam,
sân hận, ngu si.
- Tứ
Nhiếp Pháp: gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
- Tứ
Ân: trong đời sống, con người phải lo báo đền bốn ơn
nặng gồm ơn Phật, ơn Thày, ơn Cha Mẹ và ơn Chúng-Sanh.
Việc
vun trồng phước đức là bổn phận của nguời con Phật (tu
sĩ và cư sĩ) làm suốt trên đường tu đạo, trước là chánh
(nhân thừa và thiên thừa), sau là phụ (Tam Thừa: Thanh Văn,
Duyên Giác, Bồ Tát), tuy phụ nhưng vẫn cần thiết.
Lên
đến Tam Thừa là đã qua lãnh vực xuất thế gian. Quả vị
cao nhất của Thanh văn là A-La-Hán, người đắc A-La-Hán đã
ra khỏi tam giới (Dục, Sắc, Vô sắc giới), thoát hẳn luân
hồi trong sáu đạo (Trời, Người, Atula, Súc sanh, Ngạ quỉ,
Địa ngục), chỗ đó là Niết-Bàn. Chữ Niết-Bàn chỉ thường
dùng với Nhị-Thừa (Thanh Văn, Duyên Giác), vì người Nhị-Thừa
còn chấp và trụ vào chỗ đến. Bồ-Tát và Phật không trụ
và không chấp bất cứ gì, nên ít nói Niết-Bàn. A-La-Hán
đã giải quyết xong phân đoạn sanh tử (sanh tử từng đoạn,
từng kiếp) nhưng biến dịch sanh tử (chuyển dịch từ vị
này qua vị khác trên đường đến Phật Quả) hãy còn, cho
nên nói là giữa dòng.
Bồ-Tát
Diệu-Giác là bậc Thánh đã siêu cả hai bờ, đã thành tựu
quả vị cứu cánh nhưng chưa nhập Pháp-Thân, còn tự do ra
vào sáu cửa (lục đạo) để thực hành đại nguyện độ
sanh. Chỗ này là điểm sai khác quan trọng giữa Đại-Thừa
và Tiểu-Thừa. Tuy còn trên đường nhưng người phát tâm
Đại-Thừa đã lấy việc độ sanh làm bổn phận, cảm cái
khổ của chúng sanh nên tu giác ngộ để giúp chúng sanh thực
hiện giác ngộ, giúp họ chuyển nghiệp, chẳng phải cầu
Niết-Bàn riêng cho mình và trụ ở đó. Người có tâm nguyện
hạn hẹp như thế, Phật gọi là "tiêu nha bại chủng", cái
mầm hư thối, đã uổng ơn Phật còn phụ chúng sanh. Độ
sanh là giúp chúng sanh đi con đường làm Phật, các đại nguyện
của Đức Dược-Sư Lưu-Ly Quang Như-Lai cũng ghi rõ là cứu
giúp chúng sanh ra khỏi các nạn khổ "rồi tu đắc đạo Vô-thượng
Bồ-đề" (lời trong kinh), chứ không phải chỉ hết khổ rồi
thôi. Xin chớ hiểu độ sanh là lo học lấy một mớ tri giải
nông cạn, suy đoán, tưởng tượng theo ý riêng, vốn là sai
lầm, rồi đi nói dạy lại người khác mà không chân thật
tự tu thân mình nhắm đến thành Phật; lại càng không phải
là thuộc lòng năm ba bài cúng làm kế sinh nhai, hoặc lợi
dụng lời nói hay hình thức nhà Phật để tổ chức những
việc giả dối bên ngoài, hoàn toàn không ăn nhằm gì đến
Phật Pháp, hay dùng chữ "Phương tiện" để dối mình gạt
người (chỉ có Phật và Tổ Sư kiến tánh mới có thể phương
tiện), thâm tâm cốt cầu lợi dưỡng hoặc đề cao cá nhân,
muốn mọi người qui tụ về mình, lấy ta làm trung tâm chớ
không lấy Phật Pháp làm trung tâm. Những tội này Kinh Đại-thừa
có kể ra và Tổ Bách-Trượng (thế kỷ thứ 9) đã nhắc đến
trong bộ Thanh Qui của Ngài. Cũng để có đủ năng lực độ
sanh nên người tu Đại-Thừa phải đi đến cứu cánh, được
tròn Phật Quả, không chịu một nửa đã thôi, tự giác rồi
để giác tha mới gọi giác hạnh viên mãn. Giác nghĩa là giác
ngộ, nhập vào Tri-Kiến Như-Lai, thành Phật, chẳng phải cái
biết suông bằng tri thức. Đại-Thừa là Bồ-Tát-Đạo, có
tâm Bồ-Tát mới gọi Đại-Thừa, nên người tu Đại-Thừa
tuy còn phàm phu đã thọ giới Bồ-Tát. Giới Thanh-Văn (Sa-Di,
Tỳ-Kheo) là thân giới, thọ rồi xả được, khi chết mất
giới, khi đại vọng ngữ (chưa ngộ nói đã ngộ) cũng mất
giới, kiếp sau mới thọ lại được. Giới Bồ-Tát là tâm
giới, thọ rồi tồn tại mãi mãi, thành Phật vẫn còn, không
thể xả được. Giới Thanh Văn y cứ vào tướng (cạo đầu,
mang y), giới Bồ-Tát không trụ nơi tướng, vì thế Thanh-Văn
có hành động trái mới phạm giới, nhưng Bồ-Tát chỉ mới
khởi ý xấu (chưa hành động) là đã phạm giới.
Theo
Giáo-môn, con đường Bồ-Tát có 56 bậc: thập Tín, thập Trụ,
thập Hạnh, thập Hồi Hướng, tứ Gia-Hạnh, thập Địa, Đẳng-Giác,
Diệu-Giác. Hàng Thánh (Trụ, Hạnh, Hướng) đã biết Pháp-Thân,
hàng Địa (từ Sơ-Địa đến Thập-Địa) mới lần lần chứng
Pháp-Thân. Quả A-La-Hán bằng mãn Thất-Địa, lên Bát-Địa,
đã sạch ngã chấp vi tế, không còn luân hồi trong tam giới,
nhưng pháp chấp vẫn còn, khi nhập Diệu-Giác chấp này mới
hết hẳn, cả thô lẫn tế.
Tại
sao Phật Pháp có đến 5 thừa, giáo pháp chia ra làm nhiều
thời khác nhau như vậy? Vì chúng sanh có nhiều trình độ
và Đạo này siêu việt khó hiểu, khó tin, khó vào, tri kiến
của Phật lại không thể nghĩ bàn. Cảnh giới thánh trí Phật
thuyết ban đầu, người nghe chỉ ngơ ngác nhìn nhau không hiểu,
lại dễ sanh tâm phỉ báng. Do vậy, Phật phải mở thời A-Hàm,
cũng đạo giải thoát nhưng phương tiện biến chế cho hợp
với căn cơ con người, được khai mở rồi dần dần hướng
dẫn lên cao. Kinh Pháp-Hoa, phẩm Hóa-thành dụ, Phật nói như
con đường đến chỗ trân bửu đã nguy hiểm, nhiều nạn
dữ lại quá dài xa, chúng nhân đi mệt nhọc, sợ sệt, muốn
lui về, vị Đạo-Sư thương sót bèn biến hoá ra một cái
thành cho họ được vào nghỉ ngơi, an ổn, lấy sức, sau đó
lại thẳng đến chỗ châu báu cũng được. Phật nói với
hàng Thanh-Văn: "Chỗ tu của các ông chưa xong, bậc của các
ông (chỉ mới) ở gần với huệ của Phật. Phải quan sát
suy lường Niết-Bàn đã đặng đó chẳng phải chơn thật
vậy. Chỉ là sức phương tiện của Như-Lai, ở nơi một Phật
Thừa phân biệt nói thành ba. Như vị Đạo-Sư kia, vì cho mọi
người ngơi nghỉ mà hóa làm thành lớn, đã biết nghỉ xong
mà bảo họ rằng chỗ châu báu ở gần, thành này không phải
thật, chỉ là của ta biến hoá làm ra đó thôi." (Bản dịch
của Hòa-Thượng Trí Tịnh) . Tuy vậy, vẫn có một số người
thiển cận, mới được ít vội cho là đủ, ham vui dừng lại
Hóa-thành, cốt hưởng lạc riêng, bỏ trốn phận sự độ
sanh.
Bài
học Phật dạy cho hàng Nhị-Thừa gồm các giáo lý: Tứ Đế,
Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên, Vô Ngã
... Lên Đại-Thừa Phật mới thuyết các giáo pháp Phương
Quảng, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, riêng pháp đốn ngộ chỉ
thân truyền cho Ma-Ha Ca-Diếp, chẳng phải riêng ưa ông này
mà vì giữa Hội Linh-Sơn, Phật dùng phương tiện đặc biệt
để tiếp dẫn, trong đại chúng có một mình Ca-Diếp ngộ
được. Đó là chuyện Niêm Hoa Thị Chúng, ngày nay vẫn còn
truyền tụng trong nhà Thiền.
Tại
đây tôi không đi vào chi tiết các giáo lý kể trên, xin quí
vị tìm đọc các sách biên khảo để biết rõ. Tôi thấy
cuốn What the Buddha Taught của Ngài Rahula do Ni-Sư Trí-Hải dịch
lấy tên là Tư-Tưởng Phật Học trình bày các giáo lý căn
bản, rất có giá trị. Bộ Phật Học Phổ Thông của Hòa-Thượng
Thiện-Hoa cũng rất lợi ích mà dễ hiểu. Thật không có một
tôn giáo nào đã có một kho tàng Kinh, Luận, sách, vĩ đại
như Phật Giáo, tha hồ cho các đệ tử và học giả tìm hiểu,
nhận được biết bao ích lợi và vui thú trong đó. Nhưng có
điều xin người đọc chớ có ôm chặt những kiến thức,
chấp nó, mà bị nó trói buộc; cho rằng chỉ những điều
mình thâu lượm được, mình phán đoán chấp nhận mới là
Chân-Lý cố định, thì sẽ sai lầm hoặc chôn chân tại đó,
không còn thể tiến xa hơn. Kinh của Phật thuyết, Luận của
Tổ nói, mỗi cuốn chỉ diễn tả một số khía cạnh của
Sự-Thật, như hạt kim cương nhiều mặt, mỗi mặt cho thấy
một màu sắc khác nhau mà màu sắc nào cũng đẹp, nhưng một
màu sắc không thể là hạt kim cương mà cũng chẳng phải
chẳng là hạt kim cương, tất cả các mặt đều qui vào một
đỉnh. Lời Phật, lời Tổ còn không thể chấp huống chi
những điều viết trong các sách của các tu sĩ, cư sĩ hay
học giả, nhất là các vị không thực hành đúng đắn một
pháp tu chân truyền hoặc chỉ nghiên cứu qua sách vở và suy
đoán, đều là những người chưa hề đến Bồng-Lai, mới
chỉ được nghe nói về Bồng-Lai rồi tưởng tượng nghĩ
lường ra cảnh Bồng-Lai trong trí óc, theo cái trí khôn chật
hẹp méo mó của phàm phu, để nay nói viết về Bồng-Lai.
Tôi đã từng đọc những bài viết, nghe những lời nói của
tăng nhân, học giả nói sai ngược Phật Pháp, thật là độc
hại. Tuy vậy, không phải là phủ nhận hoàn toàn giá trị
các sách, có những tác phẩm ích lợi ít nhiều, nhưng không
có sách nào hoàn toàn đúng, tất cả đều tương đối, chỉ
xin thận trọng và tránh thái độ chấp trước, rồi trong
tổng thể các điều đã đọc sẽ dệt lên một cái biết
khá trong sáng.
Lại
nữa, học Phật như dò đường trên bản đồ: từ Saigon đi
Vũng-Tàu, theo xa lộ Biên-Hoà chạy đến Long-Bình thì phải
quẹo mặt, cứ đứng trên xa lộ thì không thể đến biển
Vũng-Tàu. Còn qua nhiều chỗ tẽ, nhiều thị tứ mà không
nên rẽ vào, không nên dừng lại, cho đến đúng chỗ giáp
biển mới ngưng. Người học Phật trên lý thuyết xin học
hết các giáo lý căn bản mới có được một khái niệm tương
đối đầy đủ về chỗ cứu cánh, nếu mới biết được
một chút, một phần đã cho là đủ thì chắc chắn trong khi
thực hành sẽ rơi vào ngã tẽ, nhất là gặp phải tà sư
ngoại đạo mang bảng hiệu Phật nhưng dạy pháp ma, không
những không được cái kết quả thật sự như Phật mong ước
mà còn "nhận giặc làm con", uổng phí một cơ hội làm người,
phụ trọng ân Phật. Kinh điển Đại-Thừa vừa giúp ta nhận
ra các chỗ chấp trước để trừ bỏ và, quan trọng hơn cả,
chỉ cho thấy mình có Tự Tâm, đây chính là Phật, lòng tin
Tự Tâm là điều kiện cốt yếu cho việc thành tựu Phật
Quả.
Tuy
vậy, bấy nhiêu mới chỉ là cái biết suông bằng tri thức.
Cái biết này chỉ có ích lợi thật sự nếu từ đó hạ
thủ công phu, hiển lộ Tự Tánh ngay nơi tâm mình (Kiến Tánh),
phát huy tất cả công đức, tất cả diệu dụng, nhưng sẽ
có hại nếu khư khư ôm giữ làm cái vốn tri giải để
luận bàn, tranh cãi, kinh gọi sở-tri chướng.
Cũng
như dò đường xong, ta phải cất bước đi bằng đôi chân
của chính mình đến tận mí nước Vũng-Tàu, lội xuống dầm
mình trong nước biển mênh mông, trong suốt mát mẻ, tự do
vũng vẫy, hưởng tất cả khoái lạc. Được rồi mới hay
lời Phật, Tổ nói thật không gạt người. Đến đó không
phải chỉ ngồi bên cạnh Phật, đến đó là làm Phật, Phật
không riêng là Người Giác, khi nhập Pháp Thân, Phật là Tánh
Giác bao trùm khắp không gian và thời gian. Đây là bản thể
tuyệt đối siêu việt, người thế gian có đặt tên là Thượng-Đế
hoặc Ngôi Vị gì cũng chỉ là danh từ, không gọi là gì càng
đúng vì nơi đó lìa danh tướng, lìa ngôn thuyết, lìa tâm
duyên, ngôn ngữ và trí óc con người không đến được. Nên
nói "Ngôn ngữ đạo đoạn, Tâm hành xứ diệt".
Sau
cùng, cũng không nên quên rằng còn có một yếu tố quyết
định cho việc tu học là Thiện Tri-Thức. Đây, nếu không
phải là một Vị Tổ-Sư đã kiến tánh thì cũng phải là
Vị Thày đức lớn có chánh kiến, cái thấy biết đúng đắn
và rốt ráo về Chánh Pháp, là Vị đã dày công hành trì và
kinh nghiệm thực hành trong một dòng tu chân truyền đã sản
xuất nhiều Thánh nhân. Người xưa nói "Thiện Tri-Thức một
đời khó gặp", nên có khi đi bộ hàng trăm dặm, trải qua
nhiều tháng, nhiều năm, chịu nhiều gian lao cực khổ, thời
xưa nếu may mắn được gặp, còn bị đuổi, bị thử thách
tam tứ phen mới được thâu nạp. Kinh Viên-Giác, phẩm Phổ-Giác
Bồ-Tát, Phật nói: "- Thiện nam tử, chúng sanh đời mạt pháp,
người muốn tu hành nên phát đại tâm cầu thiện tri-thức,
tức là phải cầu người có chánh tri-kiến."
|