Lời Giới
Thiệu
Quyển
LUẬN TỌA THIỀN của Thiền sư Đại Giác là món quà vô giá
tặng cho những bạn đang khát khao pháp vị Thiền tông.
Trên
hình thức một quyển sách rất nhỏ, song nội dung hàm chứa
được diệu chỉ bất khả thuyết của Thiền gia. Nếu độc
giả chỉ đọc suông để tìm những lý thú thông thường,
sẽ khó thấy giá trị của nó.
Quả
thật người quyết nương ngón tay để thấy mặt trăng, chịu
khó nghiền nát những vỏ cứng ngôn từ, bỗng nhiên diệu
chỉ giáo ngoại biệt truyền xuất hiện.
Phật
tử Việt Nam chịu ảnh hưởng Thiền tông rất sâu đậm,
hầu hết các vị trụ trì ở những đại già lam đều xuất
thân từ dòng phái Lâm Tế. Thế mà, hỏi đến phương pháp
tu của tông Lâm Tế thế nào, có mấy người hiểu biết.
Đó là điều đáng buồn và đáng thẹn của Phật tử Việt
Nam.
Thích
Nhật Quang, một Thiền sinh trong Tu Viện Chơn Không, xem qua
quyển Tọa Thiền Luận thấy sự thiết yếu của nó, phát
tâm phiên dịch để góp phần làm sáng tỏ đường lối của
Tu viện nói gần, giúp ích cho đại đa số Phật tử Việt
Nam hiểu biết phần nào phương pháp tu hành của tông Lâm
Tế nói xa.
Để
giúp thêm tài liệu nghiên cứu của các Thiền sinh, ngoài những
Kinh, Luận trong chương trình tu học. Tu viện cho xuất bản
quyển sách này và sẽ xuất bản những quyển khác tương
tợ.
Để
khích lệ sự cố gắng tham khảo của dịch giả, chúng tôi
có ít lời giới thiệu cùng độc giả.
THÍCH
THANH TỪ
LUẬN TỌA THIỀN
Thiền
sư Đại Giác.
Xét
thấy, Tọa Thiền là pháp môn đại giải thoát. Các pháp từ
đó mà lưu xuất, muôn hạnh từ đó mà thông đạt, thần
thông, trí huệ, phước đức, đều từ trong cửa này mà khởi
lên, cho đến con đường tánh mạng của trời, người cũng
đều từ cửa ngõ này mà mở ra.
Chư
Phật đã từ cửa ngõ này mà ra vào. Người thực hành hạnh
Bồ-tát chính phải vào cửa này, hàng Nhị thừa thì còn ở
giữa đường, bọn ngoại đạo tuy có đi mà chẳng vào được
con đường chính. Phàm các tông Hiển, Mật chẳng thực hành
pháp môn này, thì chẳng còn con đường nào khác để thành
Phật.
1.
HỎI: Nói rằng Tọa Thiền là cội nguồn của các pháp, ý
chỉ đó thế nào?
ĐÁP:
Thiền là Phật trong tâm, Luật là Phật tướng ngoài, Kinh
Giáo là lời Phật nói ra, niệm Phật tức là niệm danh hiệu
Phật, tất cả đều từ trong Phật tâm lưu xuất, thế nên
nói cội nguồn là vậy.
2.
HỎI: Pháp Thiền vô tướng, vô niệm, linh đức chẳng lộ
bày, kiến tánh cũng chẳng có chứng cứ, do đâu mà có thể
tin được?
ĐÁP:
Tâm ta cùng tâm Phật một vị, há chẳng phải là linh đức
ư? Tâm ta ta chẳng biết, bảo cái nào làm chứng cứ? Tức
tâm tức Phật, cầu chứng cứ gì bên ngoài?
3.
HỎI: Có thể tu pháp nhất tâm, cũng tu muôn hạnh, muôn thiện,
công đức có gì so sánh được?
ĐÁP:
“Chóng giác xong Như Lai Thiền, sáu độ muôn hạnh thể tự
tròn đầy”. Thế thì, một pháp thiền gồm đủ tất cả
pháp. Há chẳng thấy nói: “Ba cõi chỉ một tâm, ngoài tâm
không pháp khác”. Dù tu muôn hạnh mà không nhận pháp tâm
này, thì không thể đắc ngộ. Nếu chẳng đắc ngộ mà thành
Phật, lẽ ấy làm gì có?
4.
HỎI: Pháp tâm này đâu thể tu hành, dù có dụng công tu hành,
cũng chẳng được khai ngộ, kết quả thành Phật chẳng nhất
định, thì dù cho nhọc nhằn tu hành, nào có lợi ích gì?
ĐÁP:
Tông này là pháp môn sâu mầu kín nhiệm, nếu tai ta được
một lần nghe, liền thành thắng nhân Bồ-đề. Người xưa
nói:
“Người
nghe tông này mà không tin, phước còn vượt hơn trời, người;
kẻ học mà không thông hiểu thì trọn đến quả Phật”.
Nên biết, pháp này là tâm tông của Phật. Phật tâm tự nó
vốn chẳng có mê, ngộ, đây chính là diệu thuật của Như
Lai. Dù rằng chưa được tỏ ngộ, nhưng một phen ngồi thiền,
tức là ngồi tòa Phật, một ngày ngồi thiền, một ngày làm
Phật, trọn đời ngồi thiền là trọn đời làm Phật, kiếp
tương lai cũng như thế, người chỉ tin thế ấy, là người
đại căn cơ.
5.
HỎI: Nếu đã như thế, thì tôi cũng có thể tu hành. Vậy
làm thế nào an tâm? Phải dụng tâm thế nào?
ĐÁP:
Phật tâm tất cả đều không trước tướng. Lấy lìa tướng
làm thật tướng. Đi, đứng, ngồi, nằm trong bốn oai nghi,
lấy ngồi làm nghĩa an ổn. Do ngồi ngay thẳng mà tư duy thật
tướng.
6.
HỎI: Nghĩa ngồi ngay thẳng, tư duy thật tướng này, xin nói
rõ hơn?
ĐÁP:
Ngồi ngay thẳng, chính là đức Như-Lai kiết-già-phu-tọa.
Tư duy thật tướng, cũng gọi là ngồi thiền.
Kết
pháp giới định ấn, thân tâm chẳng động, mắt mở chừng
phân nửa, giữ mũi thật ngay thẳng, sẽ thấy các pháp hữu
vi in tuồng giấc mộng, như làn bọt nước, cũng chẳng khác
bong bóng nổi. Chớ buộc niệm !
7.
HỎI: Chân ngồi kiết-già, tay bắt ấn là oai nghi của Như-Lai,
còn mắt mở phân nửa, giữ mũi ngay thẳng là việc gì?
ĐÁP:
Mắt mở lớn sẽ thấy xa, bị cảnh lăng xăng trước mắt
bức bách, tâm dễ tán loạn. Nhắm mắt thì sa vào cảnh hôn
trầm, trong tâm không được sáng suốt. Mắt mở phân nửa,
thì niệm chẳng vội vàng, thân tâm nhất như… Xét rõ, thì
sanh tử, phiền não chẳng có thể gần gũi. Đó gọi là lập
địa thành Phật, là đại dụng đại cơ.
8.
HỎI: Dù được nghe các việc như thế rồi, nhưng lòng tin
vẫn chưa vững. Đọc tụng kinh chú chứa công ấy, trì trai
giữ giới xướng danh hiệu Phật, nhóm đức ấy, việc đó
có chỗ tựa nương. Riêng chẳng làm việc gì khác, yên ngồi
trong thiền định, hay có những kỳ đặc sao?
ĐÁP:
Nghi như thế là nghiệp sanh tử, nghi như thế là phiền não
chướng. Thực hành tất cả pháp tâm không sở đắc, gọi
là thậm thâm Bát nhã, là trí huệ Bát nhã. Trí huệ này,
là kiếm báu có thể chặt đứt cội nguồn sinh tử. Tu các
căn lành, mong được quả báo, đó là phàm phu mê muội. Hàng
Bồ-tát khi tu các căn lành, chẳng cầu quả báo ấy, chỉ
hướng đến đại từ đại bi mà tu thiện căn, cho nên thành
chất liệu Bồ-đề.
Vì
mong cầu quả báo mà tu các căn lành, chỉ thành đạt quả
phúc nhỏ hẹp trời người, hạn định trong nghiệp sinh tử
hữu lậu thôi.
9.
HỎI: Chẳng nhờ chứa nhóm các căn lành, công đức thì đâu
có thể thành tựu muôn đức, tròn đầy Phật quả được?
ĐÁP:
Nếu đợi nhóm hợp đủ các căn lành, công đức thì phải
trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành Phật được.
Ngược lại, người thực hành nhân quả bất nhị pháp môn
là thành Phật ngay trong đời này. Nghĩa là, minh tự tâm, ngộ
tự tánh, nhận thấy tự mình vốn sẵn là Phật, chẳng đợi
đến nay mới thành.
10.
HỎI: Người kiến tánh thành Phật, chẳng y cứ nhân quả.
Vậy thì, không thể tu các căn lành sao?
ĐÁP:
Người kiến tánh thành Phật, dù có tu các căn lành, chỉ
vì lợi ích, chẳng vì quả báo. Bởi giáo hóa chúng sanh, nên
dạy nhân quả, do vì thân mình không sở đắc, nên chẳng
trông vào các công đức; vô tâm với tất cả.
11.
HỎI: Người vô tâm như thế nào? Nếu đã vô tâm, thì ai
kiến tánh, ai ngộ đạo? Cái gì lại hay vì chúng sanh mà thuyết
pháp giáo hóa?
ĐÁP:
Vô tâm là nói người không tất cả tâm ngu si, chẳng phải
nói người không tâm biện biệt cặn kẽ tà chánh. Ta chẳng
nghĩ tưởng chúng sanh, cũng chẳng vọng cầu Phật đạo, lại
chẳng nghĩ mê, chẳng cầu ngộ, chẳng chạy theo sự tôn kính
của người, cũng chẳng thích nghe danh hư lợi dưỡng, chẳng
nhàm chán độc hại oán thù, mặc cho tất cả việc lành dữ,
chẳng khởi niệm sai biệt, đó gọi là Đạo Nhơn Vô Tâm.
Thế
nên nói: Đạo vô tâm hợp với người, người vô tâm hợp
với đạo.
12.
HỎI: Trì trai giữ giới, đọc tụng kinh chú, xướng danh hiệu
Phật, công đức đó có hơn kém nhau chăng?
ĐÁP:
Người trì trai là lìa ăn tham dục, kiếp tương lai sẽ được
phước đức lớn. Giữ giới, là vì ngưng tâm ác, sinh tâm
lành. Người có tâm lành, nếu sinh trong cõi trời, người
thì địa vị rất là tôn quý. Còn người đọc tụng kinh
chú, là gìn giữ pháp Phật, nên đời sau sẽ được trí huệ
lớn. Do xướng danh hiệu Phật, đời sau quyết chắc sanh đất
Phật. Lại vô tâm này là Phật tâm. Công đức Phật tâm này
lời lẽ không diễn tả xiết, nghĩ lường không thể cùng
tột, thật là chẳng thể nghĩ nghị.
13.
HỎI: Giờ đây, công đức của căn lành đã rõ ràng rồi,
chẳng còn nghi ngờ nữa. Nhưng đối với công đức của vô
tâm còn có chỗ chưa hiểu?
ĐÁP:
Học đòi oai nghi Phật, truyền đạt lời nói Phật và xướng
danh hiệu Phật, đều có công đức. Lại đạo nhơn vô tâm
cũng hay có các công đức. Nếu bảo vô tâm không công đức,
thì các hạnh khác không thể có công đức. Vì tất cả căn
lành là nhân duyên công đức của trời, người, còn vô tâm
là con đường chóng chứng đạo Bồ-đề. Công đức đó không
thể dùng lời lẽ mà kể xiết, thực là một đại sự nhân
duyên, phiền não, sinh tử tự tiêu diệt, thân tâm nhất như,
tức tâm thành Phật, còn nghi gì nữa ư?
Người
xưa nói: “Cúng dường ba đời các đức Phật, chẳng bằng
cúng dường một đạo nhơn vô tâm” Thực là, cảnh giới
chỉ có Phật với Phật biết nhau, hạng phàm phu cùng Nhị
thừa chẳng có thể lường nổi.
14.
HỎI: Các kinh chẳng nói vô tâm, cũng chẳng khen ngợi. Cớ
sao tông này lại quý trọng lẽ ấy đến thế?
ĐÁP:
Trong các kinh nói đến lẽ này rất nhiều. Như nói: “Ngôn
ngữ đạo đoạn”. Hoặc nói: “Bất khả thuyết”. Hay là:
“Cứu cánh không”. Cũng nói: “Một đại sự nhân duyên”.
Hoặc lại nói: “Các pháp vốn tịch diệt”. Đức Thích
Ca đóng cửa thất, Ngài Tịnh Danh ngậm miệng. Đây há chẳng
phải chỉ bày cảnh giới vô tâm là gì ư? Vì ảnh hưởng
đến bậc Bồ-tát đã chứng trí, nên đức Thế Tôn không
nói đó thôi. Lại hàng Nhị thừa còn kém cỏi nên Phật cũng
chẳng nói. Do đó, kinh Pháp Hoa dạy: “Đối với hạng người
không trí, chớ nói kinh này”. Ấy chẳng ngoài ý dẫn trên.
Các
kinh có đến tám muôn bốn ngàn pháp môn, nhưng chẳng ngoài
hai pháp sắc, không. Tất cả loài có hình tướng đều thuộc
sắc là thân, còn loài chẳng lộ bày tướng ra, đều thuộc
Không. Thân có hình tướng, nên nói là sắc, tâm không hình,
nên bảo rằng không. Các kinh điển của Phật nói, đều chẳng
rời ngoài hai pháp sắc, không này. Đó là nói cảnh giới
vô tâm bất khả thuyết. Sở dĩ, chẳng khen ngợi lẽ này,
là vì ngôn ngữ chẳng đến được, nên chỉ nói “Ngoài
giáo truyền riêng”.
15.
HỎI: Thế thì, sắc thân này có thể là mê ư? Cũng có thể
là ngộ ư? Tâm là vật gì? Căn bản của mê và ngộ không
thể không biết đó. Lại tâm ở trong thân, hay ở ngoài thân,
nó từ chỗ nào dấy lên như thế?
ĐÁP:
Sắc thân bốn đại, năm uẩn đầy khắp mười phương, là
căn bản của tất cả chúng sanh. Nhân duyên hòa hợp, thì
thân thể kiến lập, gọi đó là sinh. Quả báo đổi dời,
thì bốn đại phân tán, gọi đó là chết. Sắc tướng, thì
có phàm thánh, tâm thể vốn chẳng ngộ, mê. Tuy nhiên, giả
có mê, nên gọi chúng sanh, ngộ gọi là chư Phật. Mê ngộ
chỉ nhân vọng tâm, chân tâm thì không mê ngộ, chúng sanh
hay Phật vốn nhân nơi một tâm mê ngộ này. Rõ được bản
tánh, thì hoàn toàn không có phàm, thánh sai biệt. Nên kinh
Thủ Lăng Nghiêm nói:
“Bản
tánh nhiệm mầu tròn sáng, rời ngoài các danh tướng, xưa
nay chẳng có thế giới chúng sanh”
16.
HỎI: Tâm tánh vốn chẳng mê. Nếu vậy, mê tình khởi từ
chỗ nào?
ĐÁP:
Nếu khởi vọng niệm, mê liền theo đó mà đến. Mê đến,
nên phiền não sanh. Vọng niệm nếu dứt thì mê cũng từ đó
mà đi. Mê đã đi, nên phiền não diệt. Nên biết, pháp phiền
não là pháp sinh, đó là hạt giống sanh tử, Bồ-đề là pháp
diệt, thì là vui tịch diệt. Khi mê, các pháp đều là phiền
não. Lúc ngộ, các pháp đều là Bồ-đề. Người đời chẳng
biết cội gốc mê ngộ này, nên nhàm sanh tử, buộc niệm
chẳng khởi, cho đó là một niệm không sanh, là vô tâm. Đó
vẫn là niệm sanh tử, chẳng phải vô tâm, chẳng phải tịch
diệt. Dùng niệm dứt niệm, là sanh tử nối tiếp.
17.
HỎI: Tiểu thừa thì rơi vào lý Không, chẳng biết vô tâm.
Đại thừa Bồ-tát có thể được vô tâm chăng?
ĐÁP:
Hàng Bồ-tát đến Thập địa vẫn còn lầm trí nhị chướng,
chẳng được vô tâm. Một hoặc chướng này, vào đệ Thất
địa, tâm tìm pháp vẫn còn, nên bị chướng. Đến đệ Thập
địa, có tâm giác chiếu, nên cũng bị chướng, cho đến lúc
thành Đẳng Chánh Giác, mới hợp với vô tâm này.
18.
HỎI: Đã là hạng Bồ-tát đến Thập địa còn chẳng biết,
huống nữa bọn phàm phu sơ tâm học đạo, thì làm sao có
thể hợp với vô tâm?
ĐÁP:
Đại thừa thì không thể nghĩ bàn. Có trường hợp thẳng
tiệt (chặt đứt) một niệm, chóng ngộ cội nguồn.
Các
nhà bên giáo lập Tam hiền, Thập thánh là vì hạng người
căn cơ chậm lụt. Hạng lợi căn, ngay khi mới phát tâm liền
thành Chánh giác. Cũng có trường hợp thẳng đến thành Phật
một cách nhanh chóng không thể nghĩ lường.
Bậc
Thập Địa, Đẳng Giác hợp với vô tâm, thì ngang với hạng
người hiện nay kiến tánh thành Phật. Nên biết, trong lý
vô tâm không có sai khác.
19.
HỎI: Thấy tánh thành Phật, việc đó thế nào? Tánh là gì?
Thấy là thấy cái gì? Dùng trí có thể biết chăng? Con mắt
có thể thấy chăng? Nghĩa đó ra sao?
ĐÁP:
Học kinh luận được trí, tức là trí phân biệt bằng thấy
nghe hiểu biết. Ở đây, người tu hành chẳng dùng trí ấy
mà thấy biết bằng hồi quang phản chiếu, bằng tự tánh
sẵn có, cũng gọi là huệ nhãn. Tuy nhiên, sau khi thấy tánh
rồi, vẫn thụ dụng bằng thấy nghe hiểu biết như thường.