.

 

Vượt Khỏi Giáo Điều
(
Beyond Dogma)
Nguyên tác: His Holiness Dalai Lama
Việt dịch Tâm Hà Lê Công Đa

---o0o---

 

 

PHẦN THỨ HAI
TÂM LINH VÀ CHÍNH TRỊ

 

TỪ BI

 

Thay mặt toàn thể nhân dân Tây Tạng, tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả qúy vị, những người đã quan tâm sâu xa đến nền văn hoá và truyền thống của Tây Tạng trên cả hai bình diện tinh thần lẫn thế tục. Xin cảm ơn một lần nữa về những gì mà qúy vị đang góp tay để gìn giữ cho những truyền thống này không bao giờ bị mai một.

Hôm nay tôi sẽ xin được hầu chuyện cùng qúy vị về vấn đề bình an tâm hồn.  Lý do mà nền văn hóa Tây Tạng có một tầm mức quan trọng như thế - ít nhất đối với tôi- vì nền văn hóa của chúng tôi có một tiềm năng lớn lao trong việc làm tăng tiến sự bình an tâm hồn. Trong một giai đoạn cực kỳ khó khăn như mọi người đều biết, xảy ra tại Tây Tạng hồi gần đây, một trong những yếu tố đã giúp chúng tôi giữ vững niềm tin, không mất hy vọng chính là nhờ bản sắc đặc biệt của nền văn hoá đó.

Mặc cho bao thử thách và tình huống khó khăn, nền văn minh này đã cho phép chúng ta bảo tồn được sự thanh thản và an bình tâm hồn. Gần đây tôi càng ngày càng có dịp được tiếp xúc với khá nhiều các nhà khoa học phương Tây, thảo luận cùng họ về những mối bực dọc, khủng hoảng tâm thần mà con người hôm nay đang mắc phải cũng như tìm kiếm những phương thức khả dĩ có thể chữa trị chúng. Họ đã cật vấn tôi khá lâu về sức mạnh và tình trạng tâm thần của nhân dân Tây Tạng, và họ đã rất ngạc nhiên khi thấy mặc dù phải kinh qua những biến cố thương tâm, người Tây Tạng vẫn giữ được cho mình một trạng thái bình ổn tâm hồn. Ðiều này đã được đặc biệt ghi nhận ở một số người phải trải qua một thời gian dài trong các trại tù, lao động khổ sai của Trung Cộng.

Tôi xin được chia xẻ cùng qúy vị một trường hợp điễn hình. Vị phó trú trì của tu viện Namgyal mới lưu vong qua Ấn Ðộ gần đây, đã bị Trung Cộng bắt bỏ tù từ năm 1959, rồi sau đó được chuyển vào trại lao động khổ sai, và bị đày ải trong khoảng mười tám năm trời như thế. Sau khi đặt chân đến tu viện lưu vong của Ngài tại Ấn Ðộ, chúng tôi lại có dịp chuyện trò tán gẫu với nhau. Ngài đã kể lại cho tôi nghe về cuộc đời và những kinh nghiệm sống mà Ngài đã trải qua. Ngài có nói đến chuyện sau khi bị rơi vào tay Trung Cộng, Ngài ở vào một trạng thái khá nguy hiểm đối với một người tu sĩ, đó là khả năng có thể đánh mất lòng từ đối với những kẻ đã hành hạ tra tấn Ngài. Ðây là một nhận định rất đáng lưu tâm!

Tôi thường hay trêu chọc, bảo rằng suốt qua một thời gian dài gian khổ bị Trung Cộng hành hạ kỹ như thế mà khuôn mặt của ông ta chẳng hề đổi thay gì cả. Mặc dù ông ấy già hơn tôi, nhưng tóc lại còn ít bạc hơn tôi nữa -qúy vị có thể không trông thấy tóc bạc của tôi đâu vì tôi mới cạo đầu sáng nay! Nhưng điều đáng nói hơn hết là ông ấy vẫn luôn giữ được trên môi một nụ cười tuyệt diệu. Theo tôi, tất cả có được đều do nền văn hoá của Tây Tạng, của Phật giáo.

Cũng có thể lấy kinh nghiệm khiêm tốn của tôi làm một thí dụ. Là một tu sĩ Phật giáo, tôi được đào luyện về tu tập, học hỏi về triết lý và giáo lý Phật giáo, nhưng chẳng có một chút chuẩn bị nào để đối phó  với những yêu cầu của thời đại tân tiến. Thế mà tôi đã phải gánh vác những trách nhiệm khá lớn lao. Tôi đã bị mất tự do ở vào tuổi mười sáu và mất nước lúc lên hăm bốn tuổi. Tôi đã phải sống kiếp lưu vong trong suốt ba mươi bốn năm qua, làm thân tỵ nạn tại một xứ sở ngoại quốc. Trong suốt thời gian này, trong khi đang phục vụ cho cộng đồng Tây Tạng lưu vong, đất nước chúng tôi vẫn còn đang gánh chịu biết bao điêu linh và thống khổ. Mặc dù với tất cả những thảm trạng như thế, tôi vẫn giữ được tâm hồn mình, bình an, thư thái.

Trong một vài trường hợp khách du lịch trở về từ Tây Tạng hoặc các trại tỵ nạn tại Ấn Ðộ thường có một ấn tượng sai lầm rằng người Tây Tạng hiện đang sống có vẻ rất hạnh phúc, luôn luôn mĩm cười, có gì là đau khổ đâu. Nhận định sai lầm này có thể là điều bất lợi duy nhất cho thái độ tinh thần của chúng tôi.

Làm thế nào để phát triển sự bình an và thanh thản tâm hồn? Tôi luôn nghĩ rằng bản tánh của con người là tốt đẹp. Thực tế mà nói, trong mỗi chúng ta không phải là không có những tình cảm ganh tỵ, hận thù, tuy nhiên tôi vẫn luôn tin rằng bản chất đích thực của con người vẫn là lòng yêu thương trìu mến và nhân ái. Từ ngày mở mắt chào đời cho đến khi thở hơi cuối cùng, sự hiện hữu của ta gắn bó chặt chẽ  với yêu thương và nồng ấm tình người. Một thực tế mà mọi người đều biết là trẻ con nếu được nuôi dưỡng trong một gia đình đầy tình yêu thương thường có nhiều triển vọng phát triển đầy đủ nhân tính tốt đẹp, trong khi những đứa trẻ trưởng thành trong một bầu khí thiếu vắng tình thương, từ bi nhân ái chung cuộc đều có những thái độ tiêu cực trong đời sống cũng như tạo nên những căng thẳng bất cứ nơi nào mà họ có mặt. Sự hiện hữu hay thiếu vắng tình thương yêu, từ ái trong gia đình gây nên một tác động rất hiển nhiên.  Các y sĩ và nhà khoa học cho biết rằng trạng thái tâm hồn tĩnh lặng là một yếu tố then chốt cho sức khỏe của con người. Thêm vào đó, những tuần lễ đầu tiên sau khi chào đời, những tiếp xúc thể xác giữa đứa bé và người mẹ hay bất kỳ ai đó, là một yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc đánh thức và phát triển bộ óc của đứa trẻ.

Chúng ta ai cũng biết rằng những lúc mà tâm trạng mình đang phấn chấn vui vẻ, có cảm tưởng như cả thế giới đang mĩm cười với mình, ta sẽ chấp nhận những khó khăn hay tin buồn một cách dễ dàng hơn là lúc mà tâm hồn ta đang buồn bả, hoang mang giao động hay bất ổn, lúc đó chỉ cần một biến cố nhỏ cũng đủ làm cho ta nổ bùng những tình cảm tiêu cực. Nếu đời sống của chúng ta cứ luôn bị những tình cảm tiêu cực này chế ngự , chúng ta sẽ không còn ăn ngon miệng, bị mất ngủ hoặc đau ốm bệnh hoạn mà kết quả là đời sống của chúng ta sẽ bị thu ngắn lại. Tình trạng thư thái tâm hồn vì thế rất quan trọng.

Con người sống trong xã hội phương Tây thường rất chính xác như một bộ máy, họ thích hoạt động một cách tự nhiên hơn là do động cơ thúc đẩy. Theo tôi, động cơ thúc đẩy mới là điều quan trọng, bởi lẽ chúng ta rất khó có thể phê phán giá trị của một hành động nếu không liên hệ đến cái gì đang nằm đàng sau hành động đó.  Nói cho cùng, năng lực của đời sống, của hoạt động nhân loại chính là ý hướng. Nó diễn ra trong tư tưởng của chúng ta, cũng giống như sự hiện hữu của vô vàn các phẩm vật trên thế gian này -có cái ích lợi có cái độc hại- mà ta luôn cố gắng tìm cách thu thập hay loại bỏ; trong thế giới nội tâm, trong tâm hồn của ta cũng thế, cũng chất chứa đủ trăm, ngàn loại tư tưởng khác nhau. Có cái rất hữu ích  vì chúng mang đến cho chúng ta hạnh phúc, cho tâm hồn ta thư thái và thêm sức mạnh. Nhưng có cái gây phiền nhiễu ta, làm cho ta mất tinh thần, khủng hoảng và thậm chí đẩy ta đến chỗ tự vẫn.

Tư tưởng và tình cảm vì thế có thể là tích cực hay tiêu cực. Cho nên điều trước tiên ta phải nhận chân giá trị của nó trước khi bồi dưỡng những cái tích cực và loại bỏ những cái tiêu cực. Bằng cách đó, chúng ta có thể đào luyện được sự bình an tâm hồn. Mấu chốt của vấn đề là khả năng phân biệt được những tư tưởng nào có ích hay không. Phương cách hay nhất là chúng ta không nên để cho mình bị vướng mắc bởi những tư tưởng, tình cảm đó. Giản dị nhất là xem chúng như một phần của tổng thể của ta và không có gì để phải bận tâm với chúng. Những khi mà chúng ta phải đối đầu với vấn nạn hay hiểm nguy, tình cảm giận dữ và hận thù có vẻ như che chở ta, cho ta những nguồn năng lực mới. Tuy nhiên sự chấp trước âm thầm len lỏi sâu vào tâm hồn ta; và ta chào đón chúng như một người bạn cố tri thân ái. Chung cuộc, người “bạn cố tri” này sẽ là kẻ lừa phỉnh ta không thương tiếc. Trong  số những loại tình cảm này, giận dữõ và sợ hãi chẳng hạn, sẽ nhanh chóng phơi bày bộ mặt thật của chúng, còn những tình cảm khác như chấp trước sẽ lần hồi tạo nên những hệ qủa tiêu cực theo với thời gian. Một khi mà chúng ta biết rõ được bản chất của các thái độ tiêu cực và nhận diện một cách đúng đắn các hậu qủa do chúng mang lại, ta sẽ rất dễ dàng cảnh giác chúng.

Từ đó  chúng ta có thể bắt đầu giải trừ chúng đểø vun xới các tình cảm tốt đẹp -từ bi, hỷ xả và thiện cảm. Bằng cách này chúng ta có thể trưởng dưỡng những tình cảm tích cực và làm suy yếu dần những tình cảm tiêu cực. Ngay cả cho dù chúng vẫn còn tiếp tục xuất hiện cũng sẽ chỉ là những tình cảm thoáng qua, không lưu lại một dấu ấn rõ rệt nào trong tâm trí chúng ta. Trong một vài trường hợp, tốt nhất là ta cứ việc bày tỏ nổi giận dữ hay hối hận đối với những việc làm trong qúa khứ để loại trừ những cảm giác này. Tuy nhiên, một cách tổng quát, nên lưu ý rằng nếu ta cứ để cho sự giận dữ và các tình cảm tiêu cực khác bộc phát một cách dễ dàng, chúng sẽ trở thành thói quen và lần hồi biến ta thành một người nổi nóng khá thường xuyên. Ðó là lý do tại sao mà tôi cho rằng chúng ta cần phải áp đặt một số biện pháp kỹ luật để rèn đúc tâm hồn mình. Thứ kỹ luật này không thể được áp đặt từ bên ngoài; chúng phải được áp đặt tự bên trong do trí thông minh sẵn có của mỗi người. Bằng cách này ta sẽ chấp nhận chúng một cách dễ dàng.

Ðể huấn luyện tâm hồn, thời gian là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Ðừng bao giờ trông chờ việc ta có thể hoàn toàn chuyển hóa trong một vài phút, hay thậm chí một vài tuần, khi nghĩ rằng ta đang đón nhận ân sủng từ  một bậc giác ngộ có thể giúp cho ta đạt đến kết qủa một cách nhanh chóng. Ðó là một thái độ hoàn toàn không thực tế. Công việc tu tập đòi hỏi thời gian, trong nhiều năm, có khi nhiều thập kỷ. Thế nhưng nếu chúng ta kiên trì, nắm vững mục tiêu và mọi phương tiện để đạt đến cứu cánh, chắc chắn ta sẽ thu hoạch được những tiến bộ theo thời gian.

Làm thế nào để chúng ta giảm thiểu dần sự giận dữ và thù hận? Trong một vài trường hợp, ví dụ như nếu động cơ thúc đẩy là lòng từ bi, giận dữ có thể là một khía cạnh tích cực. Thù hận ngược lại, luôn luôn là một tình cảm tiêu cực. Chúng ta phải đo lường và nhận thức được bản chất độc hại của những loại tình cảm khốn khổ này như lòng thù hận chẳng hạn. Như tôi đã từng phát biểu trước đây, sự hận thù làm cho chúng ta mất đi cả sức khỏe lẫn bạn bè cũng như nó sẽ làm ung thối cả cuộc đời ta. Những tình cảm tiêu cực gây nên nhiều vấn nạn ở mọi cấp độ khác nhau: cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia, cũng như cả quốc tế. Lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy rằng những kẻ gây nên những khổ đau khôn cùng cho kẻ khác thường bị  thúc đẩy bởi nỗi giận dữ vô bờ và lòng tham lam quá độ. Thái độ như thế  đã được bắt nguồn từ vô minh. Ðiều này không có nghĩa rằng những người này có tâm địa ác độc, chung quy họ cũng chỉ là những con người. Tuy nhiên họ đã để cho tâm trí của mình bị chế ngự và hướng dẫn một cách mù quáng bởi những tình cảm tiêu cực, biến họ trở thành những kẻ sát nhân.

Nhìn vào lịch sử nhân loại một lần nữa ta sẽ thấy rằng tuyệt đại bộ phận những thành công kiệt xuất đều được thực hiện bởi những con người có lòng vị tha và tâm hồn bình ổn. Ða phần những nhạc sĩ tài danh những nhà nghệ sĩ lớn đều có một cuộc sống nội tâm an bình. Dĩ nhiên không phải là không có ngoại lệ, tuy nhiên một cách tổng quát mà nói, nhà nghệ sĩ rung lên những tiếng tơ đồng phát xuất từ sự tĩnh lặng nội tâm nhằm giải bày những nỗi lòng sâu kín của mình. Bằng cách đó, nhà nghệ sĩ tạo ra niềm hạnh phúc và mang đến nguồn cảm hứng cho kẻ khác.

Chúng ta cũng có thể rút ra một bài học trong thời cận đại qua tấm gương của Mahatma Gandhi, một nhân vật kiệt xuất có ý thức kỷ luật tự giác cao.  Ông ta sống rất thỏa mãn hạnh phúc với những nhu cầu tối thiểu. Mặc dù được đào tạo từ nền giáo dục Tây phương và ý thức được những đặc quyền đặc lợi của một cuộc sống tiện nghi vật chất và những cơ may mà nền văn minh đó mang lại, ông đã chọn lựa sống một cuộc sống tuyệt đối đơn giản tại Ấn Ðộ, chẳng khác gì một kẻ ăn mày. Ðiều này phản ánh một tinh thần kỷ luật tự giác và một tâm hồn vị tha cao quý. Tất cả mọi khía cạnh tích cực mà con người cố gắng để hoàn tất đều là kết qủa của những tình cảm tích cực này của tâm hồn.

Kinh nghiệm của chính bản thân tôi, cũng như của nhiều người khác, cho ta thấy ở mức độ nào các thái độ tinh thần tích cực mang lại hạnh phúc cho cá nhân mình và cho người khác, và ở mức độ nào các thái độ tiêu cực trở nên tàn hại. Trên căn bản đó mỗi cá nhân cần tự mình nỗ lực vận dụng những năng lực sẵn có để phát triển tâm hồn mình.

Con người sinh sống trong một môi trường xã hội nhất định. Mặc dù ai cũng công nhận rằng tốt nhất là chúng ta có nhiều bạn và không có kẻ thù, nhưng rồi mọi người đều có cả bạn lẫn thù trong cái đám đông đó. Nhưng bạn và thù thật  ra không hiện hữu y như thế. Tình thân hữu và sự thù địch chỉ là kết qủa của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố hàng đầu chính là thái độ tinh thần của chúng ta. Khi chúng ta mở rộng vòng tay ra với tha nhân và sẵn sàng cống hiến tình thân hữu và thân ái của ta đối với họ, lập tức chúng ta đã tạo dựng nên một bầu khí tốt lành.  Ngay cả không nhận thức được điều này, họ cũng sẽ  tiến đến ta bằng một khuôn mặt rạng rỡ nụ cười -không phải là khuôn mặt căng thẳng hay  nụ cười giả dối mà là sự chân thành cởi mở. Ngược lại nếu ta chỉ sống bằng những ác niệm, những tư tưởng tiêu cực, không thèm đếm xỉa đến quyền lợi và nguyện vọng của tha nhân; hay nói một cách khác, chúng ta chỉ nghĩ đến cá nhân mình và có khuynh hướng khai thác, lợi dụng kẻ khác cho những mục tiêu cứu cánh của mình, tình huống sẽ trở nên tồi tệ. Cuối cùng rồi ngay cả những người thân cận nhất trong gia đình cũng sẽ lánh xa ta. Như vậy, vấn đề đã trở nên rõ ràng rằng bạn hay thù chẳng qua chỉ là sản phẩm của chính thái độ của chúng ta.

Một số khác  đã suy nghĩ một cách sai lầm rằng tiền bạc có thể mang đến cho ta bạn bè.  Không chắc như vậy -bởi vì nó đồng thời cũng mang đến kẻ thù! Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ về những người đang chào đón ta với nụ cười rộng mở trên khuôn mặt: Họ thật sự là bạn ta hay chỉ là bạn của túi tiền mà ta đang có? Không thể biết được. Bao lâu mà ta còn tiền, có thể họ sẽ đến cụng ly sâm banh với ta và mọi chuyện đều diễn ra một cách tốt đẹp. Thế nhưng khi ta bắt đầu rỗng túi, bạn bè đều lần lượt biến mất như là một phép lạ. Bây giờ thì rất khó mà điện thoại cho họ, hoặc có thể ta lại bị họ cúp máy không chừng. Tiền bạc và của cải vật chất dĩ nhiên là cần thiết nhưng chúng không phải là vật thiết thân. Sự giàu có thật sự chỉ được tìm thấy bên trong của mỗi con người.

Từ bi, hỷ xả, hy vọng và nhẫn nhục là những tình cảm tốt đẹp mà tất cả các tôn giáo lớn đều cố gắng phát huy và củng cố. Bạn không nhất thiết phải là người có tín ngưỡng -mọi người đều có quyền có tín ngưỡng hay không- mới có thể làm tăng tiến những thái độ tích cực này trong tâm hồn mình. Chúng ta nên nhớ rằng các tôn giáo lớn của thế giới đều chuyên chở  chung một thông điệp và khuyến khích phát triển những đức tính tốt đẹp của con người. Mặc dù giáo điều của mỗi tôn giáo có thể khác nhau nhưng tựu trung, thông điệp chính đều giống nhau. Trên căn bản của mẫu số chung này, thông điệp của thương yêu và từ bi sẽ được tung ra khắp tận cùng thế giới nếu tất cả những ai đang bước đi trên hành trình tâm linh cùng ngồi lại làm việc với nhau trong tinh thần hoà điệu và tương kính.

Tuy nhiên nếu những kẻ  luôn mạnh miệng cổ võ những phẩm chất tốt đẹp của con người lại quay ra cải vã chỉ trích lẫn nhau thì làm sao họ lại có thể rao truyền thông điệp này đến kẻ khác? Chắc chắn mọi người sẽ nói rằng, với chút ít mai mỉa: “Coi bọn họ kìa! Khoan dung và tương kính ở chỗ nào? Ngay cả bọn họ còn chẳng chịu được nhau thì nói gì ai.” Thế nên nếu chúng ta muốn giúp đỡ nhân loại một cách thực tiễn, chúng ta phải bắt đầu bằng việc biến mình thành một tấm gương tốt của lòng tương kính, sự hoà hợp và tinh thần hợp tác trước mắt nhìn của thế giới. Nhìn từ xa, những cách biệt có vẻ như rất  lớn lao. Tuy nhiên nếu ta chịu khó tiếp cận với tha nhân và chia xẻ những kinh nghiệm của họ, chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để hòa điệu với kẻ khác cho dù có những khác biệt về đức tin, giáo lý; và làm thế nào để cùng nhau phát triển các khía cạnh tích cực của đời sống nhân loại. Cho nên việc quan trọng hàng đầu là duy trì  mối quan hệ tốt đẹp, và các phong trào tôn giáo khác biệt cần nên chia xẻ, giao tiếp cùng nhau. Cho dù tất cả những xung đột do nguyên nhân bất đồng tín ngưỡng xảy ra tại Bosnia hay Phi Châu, luôn luôn vẫn có những bước khích lệ hướng về việc hòa giải. Tuy nhiên cần có những nỗ lực kiên trì trong hướng đó!

 

Thưa Ngài, gần đây chúng tôi có dịp được đọc một bản tài liệu liên quan đến nỗi thống khổ của Tây Tạng, trong đó kể cả lời khai của một nhà sư bị tù đày hơn ba mươi ba năm trời -hai mươi bốn năm trong nhà tù và chín năm  trong các trại lao động khổ sai. Ông ta đã trải qua những đau đớn bởi những nhục hình tra tấn khó tưởng tượng nỗi, biến ông trở thành kẻ tàn phế suốt đời. Như thế bằng cách nào chúng ta có thể đạt được sự bình an tâm hồn vốn hàm chứa thanh thản và đức hạnh khi chúng ta được nghe những câu chuyện như thế? Phải chăng bày tỏ nỗi giận dữ và làm một cái gì đó một cách thực tiễn là những đáp ứng tương xứng nhất?

 

Ðiều quan trọng nhất là ta không thờ ơ lãnh đạm đối với những chuyện như thế, ta cảm nhận sâu xa tình huống này nhưng trong một chiều hướng xây dựng hơn, không biết qúy vị có hiểu điều tôi muốn nói không. Chúng ta không nên để cho mình bị tràn ngập bởi những cảm thức đến độ tê cóng. Tôi không chắc là tôi có hiểu rõ câu hỏi của qúy vị hay không, tuy nhiên nếu vấn đề đặt ra là để duy trìõ sự an bình nội tâm một cách có hiệu quả khi phải đối đầu với những tình huống như qúy vị vừa trình bày, điều này tùy thuộc một phần lớn vào mức độ phát triển tinh thần của mỗi cá nhân.

 

Với những thử thách khủng khiếp mà Ngài và dân tộc Ngài đang trải qua và tiếp tục chịu đựng, có khi nào Ngài nghĩ đến thiên nhiên, đến hoa viên cây cảnh?  Ngài có quan niệm rằng chúng là những biểu hiện rõ nét của nền văn minh? Theo ý kiến của Ngài, cảnh trí có cho ta một thông điệp nào không? Những hoa viên, cảnh trí có thể giúp ta tìm ra được sự bình an tâm hồn, giúp ta nhận thức, đưa ta đến con đường minh triết?

 

Tôi tin chắc rằng mỗi khi tinh thần ta bị khủng hoảng, nếu ta chịu khó bước ra ra bên ngoài ngắm nhìn phong cảnh, thở hít bầu không khí trong lành và lắng nghe chim chóc ca hót, tâm hồn chúng ta sẽ tạm thời lắng xuống. Nói cho cùng, mặc dù với tất cả kiến thức và khả năng, chúng ta vẫn là một phần tử của thiên nhiên, là một sản phẩm của thiên nhiên. Tổ tiên của chúng ta hàng ngàn năm trước đã sống rất gần gũi với thiên nhiên. Hôm nay trong chúng ta vẫn còn lưu lại những dấu vết của đời sống đó: ngay cả trong những ngôi nhà tân tiến nhất, chúng ta vẫn thích trang hoàng đồ đạc trong nhà bằng gỗ và cây kiểng xanh tươi -cái đó như đã ở trong máu huyết của chúng ta.

Trong quá khứ, tất cả cuộc sống con người hầu như nương dựa vào cây cối. Hoa là vật điểm trang, trái cây là thực phẩm, lá và vỏ cây cho ta áo quần và nơi trú ẩn. Chúng ta lẫn trốn trên những cành cây để đề phòng thú dữ.  Chúng ta dùng củi để sưởi ấm khi lạnh giá, và khi về già chiếc gậy nâng đỡ ta trước sức nặng của thời gian, đó cũng là vũ khí để ta tự bảo vệ mình. Chúng ta đã gắn bó với cây cối như thế. Bây giờ, trong các văn phòng cực kỳ hiện đại, chung quanh ta là những máy móc tối tân, những dàn vi tính với hiệu suất cao, ta dễ dàng quên đi những mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên. Cũng là chuyện rất bình thường khi ta cố gắng cải thiện phẩm chất của đời sống thông qua những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên đồng thời một điều cũng khá quan trọng là nếu ta biết được những giới hạn của sự tiến bộ đó và giữ cho mình tỉnh táo để thấy một sự thực là ta vẫn còn nương tựa vào thiên nhiên. Nếu môi trường sống của chúng ta bị thay đổi đến tận gốc rễ, chúng ta sẽ không còn cách gì để tự bảo vệ chính mình. Ðó là lý do tại sao cả tư duy lẫn hành động của chúng ta đều nền đi theo con đường Trung Ðạo.

 

Trong trí tưởng của người Tây phương, thường có sự mù mờ giữa sự ức chế tình cảm và sự tìm kiếm an bình nội tâm. Khi chúng ta ức chế một cái gì đó, chúng ta thường mang những gì được coi là vấn nạn trong đời sống của mình đem đi dấu biệt vào một xó xỉnh nào đó và nghĩ rằng ta có thể quên chúng đi để có thể tiếp tục sống mà khỏi phải đối diện với chúng. Thưa Ngài, Ngài  có suy nghĩ gì về nghệ thuật ức chế này?

 

Tôi nghĩ là tôi đã từng đề cập phớt qua đến vấn nạn này khi nói rằng, trong một số trường hợp, cụ thể là sự sợ hãi chẳng hạn, không nhất thiết là một điều xấu khi bạn cứ cho những tình cảm này bộc phát ra để rồi loại bỏ chúng. Tuy nhiên điều này không phải là không có những mối hiểm nguy. Thực vậy, nếu ta thiếu ý thức kỷ luật tự giác và cứ để mặc cho tất cả mọi loại tình cảm xâm nhập tâm trí ta tuôn ra một cách tự nhiên, lấy cớ là ta phải để cho nó bộc phát, chúng ta sẽ đi đến chỗ quá trớn và không chừng vi phạm cả luật pháp quốc gia. Trên bình diện xã hội hay cá nhân, chúng ta cần có một thứ kỷ luật nội tâm để hướng dẫn tư duy của ta theo một chiều hướng xây dựng. Những tình cảm của con người thường không có giới hạn, và sức mạnh của những tình cảm tiêu cực là vô tận.

Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng trong trường hợp như thế chúng ta có thể gọi đó là ức chế. Ngược lại, đây là vấn đề có vẻ rất tích cực. Chúng ta học hành và tu tập với mục đích từng bước loại bỏ sự vô minh. Tu tập nhiều khi không phải là chuyện dễ dàng. Mỗi khi mệt mỏi ta tưởng như sẽ không còn thể nào tiếp tục được nữa. Thế nhưng khi bắt đầu ý thức được những lợi lạc của sự tu tập, chúng ta sẽ tự thiết định cho mình một thứ kỷ luật và nỗ lực vươn theo. Bằng học tập, chúng ta mở rộng tầm kiến thức của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là ta ức chế được vô minh!

 

 

 

ÐẠO ÐỨC VÀ XÃ HỘI

 

Một số nguyên tắc đạo lý cần thiết cho nhà chính trị như thế nào thì cũng cần thiết          cho nhà tu hành tôn giáo như thế.

                                                                                    Ðức Ðạt Lai Lạt Ma.

 

            Hôm nay xin được hầu chuyện cùng qúy vị về vấn đề đạo đức trong đời sống xã hội; tức là cái gì cấu thành điều thiện, cái gì được xem như một hành vi lương thiện. Trước tiên ta cần phân biệt ra hai thế giá đạo đức mà theo tôi, cái thứ nhất có quan hệ mật thiết với tôn giáo, tâm linh còn cái kia thì không. Một vài tiêu chuẩn luân lý trong đó có công bình và lương thiện được coi như gắn bó với đời sống tâm linh, tuy nhiên một cách tổng quát, tôi hoàn toàn tin tưởng vào giá trị chân thực của một số nguyên tắc đạo lý được áp đặt nhằm tạo nên phúc lợi cho chính chúng ta cũng như cho tha nhân.

            Khi ta nói rằng một hành động là vô luân hay sai trái cũng có nghĩa là nó gây ra những tác hại đối với kẻ khác. Chúng ta cũng cần phải biết phân biệt giữa hậu quả tức thời, trước mắt của một hành động  và những hậu quả cơ bản, lâu dài của nó. Một hành động có thể được xem như mang lại lợi ích trong thời điểm này nhưng về lâu về dài có thể biến thành những hệ quả tiêu cực. Cũng thế, có những hành động thoạt tiên gây ra những khó khăn, nhưng trải qua một thời gian dài lại mang đến những kết quả hoàn toàn tích cực. Cho nên trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề chính là hãy nhìn vào hệ quả cơ bản của nó.

            Thế cho nên trên quan điểm này chúng ta sẽ nói về đạo đức hay luân lý -ngay cảđối chiếu với cuộc sống súc vật; nói một cách khác, làm thế nào mà chúng mang lại phúc lợi cho đồng loại. Có những loại thú vật sống thành từng bầy đoàn đã biểu lộ  những dấu hiệu của lòng vị tha, dĩ nhiên là có phần hạn chế, tuy nhiên tất cả đâu có gì khác nhau nếu ta nhìn trên khía cạnh vị tha là sự quan tâm đến những kẻ chung quanh mình. Trong số những hành động của thú vật mà ta có thể quan sát được -chúng không cần biết đến luật pháp, tôn giáo hay hiến pháp- ta có thể phân biệt ra được cái nào tốt , cái nào xấu. Nếu có một thứ luân lý giữa thú vật, chúng  cũng không cần phải quan tâm rằng chúng có tín ngưỡng hay không, lại càng có thêm lý do để chúng hiện hữu giữa con người.

            Một hành động trên nguyên tắc được xem là tích cực hay tiêu cực, lợi lạc hay tác hại đều tùy thuộc vào ý hướng thúc đẩy ở đàng sau. Một hành động thoạt xem như thô lỗ hay cưỡng chế có thể coi là đúng đắn nếu được thúc đẩy bởi động cơ vô cùng sâu sắc, đáng tán dương cũng như  nó mang lại phúc lợi cho kẻ khác. Ngược lại, đôi khi có những ý hướng , mục tiêu vô cùng gian trá qủy quyệt lại được che dấu bằng hành động bề ngoài thoạt trông có vẻ rất cao thượng. Ðối với tôi, một hành động được coi là thiện nếu được thúc đẩy bởi lòng vị tha, bởi ý hướng khát khao muốn làm điều tốt cho kẻ khác, trong khi đó một hành động được gọi là ác nếu được thúc đẩy bởi ác tâm, ý hướng muốn gây tác hại cho tha nhân. Trong chiều hướng này ta có thể thiết định được một chuỗi nguyên tắc đạo lý mà không cần phải dựa vào các khái niệm tôn giáo hay tín ngưỡng. Hơn thế nữa, súc vật thường rất nhạy cảm trước thái độ của chúng ta: ví dụ như ta tiến đến một con chó với những ý xấu được che dấu, nó sẽ nhận ra và cảm được chuyện đó. Ngược lại nếu ta đến với y trong một tâm trạng cởi mở, yêu thương, trìu mến, nó cũng cảm thấy được và bởi vì  nó biết rằng ta không lừa dối nó, nó sẽ rất hạnh phúc để được thấy ta. Thế nên, trong mối tương quan, ngay cả súc vật cũng yêu chuộng sự thành thật và đau đớn trước những dối trá.

            Tôi tin chắc rằng trong thâm tâm của mỗi người đều có khuynh hướng tự nhiên là yêu chuộng sự ngay thẳng thành thật và nhân ái, bởi vì mỗi chúng sanh đều khát khao hạnh phúc và ý hướng muốn thoát khỏi khổ đau. Và hơn thế nữa, mỗi cá nhân đều có quyền được đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và chấm dứt khổ đau. Ðây là một quyền lợi bình đẳng của con người. Tôi thường hay phát biểu nhận định căn bản này như sau: Ý nghĩa, mục tiêu của đời sống con người là vươn tới thịnh vượng và hạnh phúc. Có thể có người không đồng ý với quan điểm đó, tuy nhiên đối với tôi có rất nhiều lý do để tin tưởng rằng điều này là đúng.

            Quả thực, chúng ta hoàn toàn không biết chắc những gì sẽ xảy ra trong tương lai, con người vẫn sống với niềm hy vọng rằng mọi chuyện đều sẽ xảy ra tốt đẹp cho họ; họ nhìn về tương lai với sự mong chờ như thế. Một ngày nào đó khi một người đánh  mất đi niềm hy vọng, nếu không tự vẫn, họ cũng sẽ rơi vào trạng thái hoàn toàn tuyệt vọng và cuộc sống của họ sẽ tàn lụi. Không thể nào hoàn tất được đời mình khi chúng ta sống trong tâm trạng hoàn toàn chán nản. Tuy nhiên nếu chúng ta luôn giữ cho niềm hy vọng ở tương lai không bao giờ thui chột, chúng ta sẽ có khả năng vượt qua mọi nỗi khó khăn để sống. Vì lẽ đó, tôi luôn nghĩ rằng mục đích của đời sống con người là tìm kiếm hạnh phúc.

            Tôi tin chắc rằng hạnh phúc tinh thần luôn quan trọng hơn khoái lạc thể xác. Cái gì đã làm cho tinh thần ta hạnh phúc hay đau khổ? Tất cả đều dựa trên những mối liên hệ của ta với tha nhân. Nếu mọi người chung quanh quan tâm ưu ái đến ta, đối xử tốt với ta cũng như cho ta biết những thiện ý của họ, tâm hồn ta như được bồi dưỡng và cảm thấy hân hoan vui vẻ. Ngược lại, nếu tha nhân đối xử với ta một cách tệ bạc, ác độc, chúng ta sẽ vô cùng đau đớn. Trong sự săn sóc nuông chiều và thương mến của kẻ khác tâm hồn ta cảm thấy thoải mái và tự động dẫn đến sự thư giản thể xác. Tâm hồn ta càng hạnh phúc bao nhiêu, thể xác ta cũng sẽ hưởng phúc lợi lớn lao như thế. Thế cho nên tôi luôn tin rằng nhân ái, thương yêu và trìu mến là những thái độ tình cảm rất quý giá, quan trọng trong đời sống con người.

            Có rất nhiều nghề nghiệp khác nhau trong môi trường sinh hoạt của nhân loại -ví dụnhư những người hoạt động trong lãnh vực giáo dục, luật pháp, thương mại, chính trị- đều có thể được đánh giá là hữu ích cho nhân sinh căn cứ vào thái độ và ý hướng được biểu lộ qua những thành tựu của họ. Không cần biết ta sinh hoạt trong ngành nghề nào, nếu ta có ý hướng cống biến đời mình cho lợi ích của kẻ khác, cung cách cư xử của ta sẽ có cơ may trở nên hữu ích; trong khi đó có những lãnh vực hoạt động thường được đánh giá là tốt, như tu hành chẳng hạn, trong thực tế lại có thể gây nên những điều tệ hại hơn là tốt lành, nếu động cơ được thúc đẩy không phải là nỗi khát khao được giúp đỡ đồng loại. Cho nên ngay cả sự can thiệp quân sự giới hạn mà động cơ thúc đẩy cực kỳ xác thực và vị tha, về lâu về dài có thể được minh chứng là có tính cách xây dựng.

            Chúng ta đang sống trong một xã hội tân tiến, ngay trung tâm của những thành tựu vượt bực của nền khoa học kỹ thuật và những tiến bộ vật chất đáng kể, ta đang có nguy cơ đánh mất những giá trị của con người. Bởi vì đời sống của chúng ta đang bị máy móc hóa và thiếu quân bình, tại sở làm cũng như gia đình, bất cứ chuyện gì cũng máy móc (dĩ nhiên là thiếu nhân tính), những phẩm chất của con người đã và đang mất đi phần nào tính cách quan trọng. Quan niệm cho rằng giàu có tự nhiên sẽ mang đến thỏa mãn và hạnh phúc nay đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên nếu chúng ta đem so sánh niềm hạnh phúc của một con người đang sống trong cảnh nghèo hèn nhưng giữa một khung cảnh đầy tình người, tràn ngập thương yêu và nhân ái với một người khác tuy cực kỳ giàu có nhưng phải sống trong một bầu khí khó khăn bực bội, bị vây bủa bởi những khuôn mặt thù nghịch, thiếu thân thiện, một điều hiển nhiên ai cũng thấy rằng người thứ nhất là kẻ có hạnh phúc hơn.

            Cho dù nhìn trên bình diện tính tình, tâm trạng, hoặc lối sống, người ta thấy rằng trẻ con được nuôi dưỡng trong một bầu khí gia đình hoà thuận, có giáo dục thường thành công hơn trong cuộc đời hơn là những đứa trẻ trưởng thành trong một môi trường khó khăn, khắc nghiệt thiếu vắng tình thương yêu, trìu mến.

            Thân xác chúng ta không phải là một sản phẩm của máy móc; cho nên nó hoạt động và phát triển khác biệt. Những tiện nghi vật chất bao quanh chúng ta có thể là những nguyên nhân và điều kiện tạo nên những thoải mái thể xác, tuy nhiên vì thân xác ta không phải là một bộ máy, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ. Những yếu tố mang lại hạnh phúc phải được vun trồng từ bên trong của mỗi chúng ta. Thật là một lầm lẫn lớn lao nếu tin rằng chỉ cần những điều kiện vật chất là đủ để mang lại hạnh phúc;  những nguyên nhân thực sự thật ra phải được phát triển từ nội tâm.

            Ðó là lý do tại sao tôi luôn tin rằng bản chất đích thực, phẩm chất nguyên thủy của con người bao gồm lòng thương yêu, và trìu mến.  Thế nên khi chúng ta bày tỏ lòng thương yêu, vị tha của mình, chúng ta không thể làm gì khác hơn ngoại trừ cảm thấy thỏa mãn bởi vì chúng ta đang hành động phù hợp với thiên lương của mình. Nếu chúng ta làm điều trái ngược, tức là chúng ta đã phản lại bản tánh căn bản của mình và điều này sẽ làm cho ta bị tổn thương. Cho dù bản tánh căn bản của chúng ta là tốt đẹp, trong thực tế sự giận dữ, ganh tị, độc ác vẫn là những mặt trái trong nhân cách con người. Kinh qua lịch sử nhân loại người ta thấy không thiếu gì những vụ gây hấn và những kẻ thích thú khi làm những điều tàn ác được diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, điều này đã khiến nhiều người cho rằng bản tánh của con người là xấu ác và bạo động -một quan điểm không phải hoàn toàn là không có cơ sở.  Ai cũng biết rằng, nếu một người cứ phải sống trong giận dữ hai mươi bốn giờ trong ngày thì chắc là khó có thểø sống lâu, trong khi đó một người mà tinh thần luôn luôn đầy ắp thương yêu sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, êm đềm lâu dài. Mặc dù tham dục và độc ác là một phần của tâm hồn con người, tôi vẫn luôn tin rằng những lực chủ động trong ta vẫn là tình thương yêu và nhân ái.

            Ðiều quan trọng trước tiên là chúng ta phải hiểu ý nghĩa của hai tiếng thương yêu. Thương yêu là nỗi khát khao trông thấy hạnh phúc được mang lại cho những ai bị tước đoạt. Ta trải lòng từ ra với những kẻ đang khổ đau, và mong cầu cho họ xa lìa mọi khổ nạn. Chúng ta thường có thói quen trìu mến yêu thương những ai thân cận với ta nhất, kế đến là bạn bè, chứ chẳng hề quan tâm đến kẻ lạ, và đối với những kẻ làm hại ta thì chẳng bao giờ. Ðiều này cho thấy khi tình yêu thương chỉ hướng đến những người gần gũi nhất với ta, nó đã bị nhuộm màu sâu đậm bởi chấp trước và tham ái và đó không phải là tình yêu thương trọn vẹn. Tình thương yêu đích thực phải được san sẻ đồng đều đến mọi người, không hạn định vào những người thân, bởi vì nó được xây dựng trên căn bản nhận thức rằng tất cả mọi người, giống như chúng ta, đều mong cầu tìm kiếm hạnh phúc và chạy trốn khổ đau. Hơn thế nữa, nó còn phải dành cho mọi con người quyền được tìm kiếm hạnh phúc và giải phóng khỏi đau khổ. Như thế, tình thương yêu đích thực mang tính chất vô tư, nó bao gồm tất cả mọi người không phân biệt, ngay cả đối với kẻ thù ta.

            Ðối với từ bi, ta không nên lầm lẫn nó với lòng thương hại vốn bị đồng hoá với sự khinh rẻ và cho mình cái ấn tượng rằng mình đang ở một vị thế cao hơn những người đang đau khổ. Lòng từ bi thật sự hàm chứa  nguyện vọng chấm dứt mọi khổ đau cho tha nhân và một ý thức trách nhiệm đối với những người đang đau khổ. Ý thức trách nhiệm này có nghĩa là chúng ta muốn dấn thân vào việc tìm kiếm những phương thức  nhằm xoa dịu những ai đang gặp phải khó khăn. Tình yêu thương thật sự đối với tha nhân sẽ được chuyển hóa thành lòng can đảm và sức mạnh. Một khi can đảm lớn mạnh, sự sợ hãi tan biến; đó là lý do tại sao lòng nhân ái và tình huynh đệ được coi như là cỗi nguồn của sức mạnh nội tâm. Càng phát triển lòng thương yêu đối với tha nhân bao nhiêu, chúng ta càng cảm thấy tự tin vào mình bấy nhiêu; càng can đảm bao nhiêu chúng ta sẽ càng cảm thấy thư giản và an lạc bấy nhiêu.

            Ðối nghịch với thương yêu là ác tâm, nguồn gốc của mọi tội lỗi. Trên căn bản này, chúng ta định nghĩa thế nào là kẻ thù? Một cách tổng quát, chúng ta xem kẻ thù là những ai có ý làm tổn hại ta, những người thân, tài sản của ta; tức là những kẻ chống phá hoặc hăm dọa trực tiếp đến những nhân tố tạo nên sự mãn nguyện và hạnh phúc của ta . Khi kẻ thù nhắm đánh vào tài sản, bạn bè hoặc quyến thuộc của ta, họ có vẻ như đang tấn công vào chính cỗi nguồn tạo nên hạnh phúc của ta. Tuy nhiên rất khó mà khẳng định rằng bạn bè và tài sản của ta là nguồn gốc thật sự của hạnh phúc, bởi vì rốt lại yếu tố chủ động vẫn là sự an bình nội tâm; chính sự bình an tâm hồn này làm cho chúng ta thư giản và hạnh phúc, nếu mất nó chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống trở nên vô cùng khốn khổ.

            Kẻ thù bên ngoài không có đủ khả năng để tiêu diệt hạnh phúc của chúng ta. Thực ra sự giận dữ, hận thù, ác tâm -nếu chúng ta nhận ra chúng- mới chính là mầm mống huỷ diệt sự an bình nội tâm và do đó làm tiêu tan niềm hạnh phúc của chúng ta. Chúng mới chính là kẻ thù đích thực. Những ai đạt được một mức độ an bình nội tâm cao sẽ vẫn giữ được tâm trạng thư giãn, an lạc cho dù phải đối đầu với những tình huống cực kỳ khó khăn, khi mà hạnh phúc đang ở trong nguy cơ bị triệt phá toàn diện. Tuy nhiêm một người mà tâm hồn luôn bị xâu xé bởi những ngọn lửa độc hại của ác tâm, hận thù, ganh tỵ sẽ chẳng thu hoạch được gì cho đời mình ngoại trừ khốn khổ cho dù họ được ở trong những tình huống tốt đẹp nhất.

Như thế, ta thấy rằng kẻ thù đích thực của hạnh phúc hiện hữu ở trong lòng mỗi con người; ta đừng chạy đi tìm kiếm một kẻ thù thực sự nào ở bên ngoài. Chìa khóa của hạnh phúc chân thật nằm ở trong tay chúng ta. Nếu hiểu được như thế ta sẽ khám phá ra những giá trị thiết yếu của lòng nhân ái, tình huynh đệ và vị tha. Càng nhìn rõ được những phúc lợi mà những giá trị này mang lại bao nhiêu, ta sẽ càng tìm mọi cách để loại bỏ các giá trị đối nghịch với chúng; và như vậy ta đã có thể chuyển hoá được nội tâm mình.

Ðể trở lại chủ điểm của vấn đề thảo luận, tôi có thể nói rằng một hành động mang phúc lợi được phát khởi từ lòng vị tha, sẽ luôn là một hành động công chính, tốt lành. Ðiều này mang lại cho tôi niềm tin tưởng rằng tất cả các tôn giáo chính của nhân loại, với tất cả thiện tâm của mình,  đều chia xẻ chung một mục tiêu là củng cố các giá trị nhân bản, được triển khai bằng các phương tiện khác nhau tùy theo triết lý và đường lối tu tập riêng của mình. Thế cho nên ngay chính từ cốt lõi của các tôn giáo độc thần như Cơ đốc, Do thái giáo, hay Hồi giáo đều được đặt căn bản trên đức tin vào một Ðấng Sáng Tạo. Từ đó người ta học cách yêu Thượng Ðế đồng thời cùng với tình yêu tha nhân, tuy nhiên tôi tin chắc rằng mục tiêu chung của những truyền thống tâm linh này đều là học tập cách yêu thương đồng loại. Ðiều này có thể được giải thích là, bởi vì Thượng Ðế đã dạy ta như thế; thế cho nên  càng tin kính Thượng Ðế bao nhiêu, ta càng phải vâng theo những lời giáo huấn đó, đặc biệt là trên lãnh vực liên quan đến tình huynh đệ giữa con người. Mục tiêu tối hậu của tôn giáo vì thế chính là khuyến khích con người yêu thương lẫn nhau.

Cơ Ðốc giáo không hề chống lại ý niệm tái sanh luân hồi, tức là khái niệm về những đời sống tiếp nối nhau. Tôi đã có cơ hội đàm đạo vấn đề này với một người bạn Cơ Ðốc và trình bày với ông ta rằng không có gì khác biệt giữa ý niệm tái sanh luân hồi và thần học Cơ Ðốc. Ông ta đã trã lời rằng những vấn nạn gây nên bởi niềm tin vào tái sanh luân hồi ở chỗ là nó tạo nên một khoảng cách nhất định giữa tín đồ và Thượng Ðế, thế nhưng nếu con người tin tưởng và chấp nhận rằng đời sống của mình là do Thượng Ðế tạo dựng và sự hiện hữu đó là duy nhất, đồng thời người ta cũng cần có một yếu tố mới trong mối liên hệ sâu xa và khẩn thiết lớn lao giữa Thượng Ðế và con người. Tôi nhận thấy rằng  những ý tưởng của ông ta phản ánh một luận cứ nhất định và lý giải đó rất có cơ sở. Trong giáo lý Cơ Ðốc, điều này giải thích sự cần thiết của tình yêu thương huynh đệ giữa con người và lòng tha thứ hỷ xả.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào các tôn giáo không đặt niềm tin vào một đấng Thượng Ðế sáng tạo như Phật giáo hay đạo Jain, quan niệm rằng mỗi cá nhân tự làm chủ vận mệnh của mình: mỗi người tự mình tạo ra các nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc. Trách nhiệm là ở chúng ta mà không ai khác. Nếu chúng ta gây nên những tác hại cho kẻ khác, chúng ta sẽ gánh chịu đau khổ; nếu chúng ta phụng sự tha nhân, chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc. Dựa trên căn bản của luật nhân quả mà các tín đồ của các truyền thống tôn giáo này giải thích sự cần thiết của sự xử thế với lòng nhân ái.

Như vậy mối quan hệ đúng đắn giữa đạo đức và tôn giáo là gì? Những người đang dấn bước trên con đường tâm linh xem đạo đức là nền tảng căn bản mà họ vươn tới, thế nên họ tránh không muốn gây khổ đau cho người khác mà ngược lại, đối xử với mọi người bằng lòng nhân ái. Tùy theo tín ngưỡng của mỗi người, họ diễn giải ý niệm đạo đức một cách khác nhau, chẳng hạn như xem đó là thánh ý của Chúa hay là hồng ân của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Căn cứ vào niềm tin tôn giáo của mình, chúng ta cho rằng nếu tuân thủ theo một số nguyên tắc đạo đức nào đó ta sẽ được đi lên thiên đàng hay thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Tuy nhiên, từ cội rễ của những niềm tin này, tôi tin chắc rằng có một chuổi nguyên tắc đạo lý phổ quát mà trong thực tế đã không cần phải dựa vào bất cứ tôn giáo tín ngưỡng nào mà vẫn có thể được vun đắp, phát triển trong nội dung giáo lý của bất cứ truyền thống nào mà ta đã lựa chọn. Nếu chúng ta chấp nhận và thực hiện nền luân lý phổ quát này, vốn đã được mọi người công nhận, củng cố và cải thiện nó thông qua niềm tin tôn giáo, việc tu tập tâm linh cũng như những sinh hoạt thế gian của chúng ta sẽ hòa nhịp với nguyên tắc đạo đức này. Ngược lại, nếu chúng ta hành trì tu tập tôn giáo một cách tinh chuyên thế nhưng chẳng bao giờ chịu sống một đời sống phạm hạnh đạo đức, sự tu tập đó cũng chẳng mang lại điều gì tốt đẹp. Thế cho nên đối với tôi, hình như các tôn giáo lớn đã đồng ý với nhau về tính cách quan trọng của một nền đạo lý căn bản.

Vấn đề đặt ra là sự đa dạng của các truyền thống tâm linh có thực sự cần thiết hay không  nếu tất cả các tôn giáo đều giống nhau ở điểm căn bản. Tại sao lại có quá nhiều các triết thuyết và quan điểm tôn giáo khác biệt trong khi chỉ cần một tôn giáo duy nhất  là đủ? Tôi thường hay so sánh sự đa dạng của tôn giáo như các loại thực phẩm khác biệt cần thiết cho thân thể chúng ta. Con người có những khẩu vị khác nhau, người thì thích mùi vị này kẻ thì thích món ăn kia, có người thích ăn cơm Tây, kẻ thích cơm Tàu hoặc các thực đơn khác. Mọi người đều muốn ăn uống  theo một khẩu vị đặc biệt nào đó của riêng mình. Ðó là lý do tại sao các nhà hàng thường cung ứng một thực đơn phong phú tha hồ cho khách lựa chọn, còn nếu họ chỉ phục vụ một món duy nhất ngày này qua ngày khác thì chắc là họ sẽ dẹp tiệm sớm!

Tôi nghĩ rằng cùng một nguyên tắc như thế được áp dụng cho việc bồi dưỡng tâm linh. Nhằm đáp ứng với những nhu cầu khác biệt của con người, cũng như thỏa mãn tâm tính, khát vọng, khuynh hướng của mỗi cá nhân mà đủ mọi triết thuyết, tôn giáo, truyền thống tâm linh được ra đời. Bởi lẽ nhu cầu của con người quá phong phú đa dạng, quả là điều cực kỳ khó khăn cho một tôn giáo có thể cung ứng nổi.  Thế nên nhiều đường lối tu hành chừng nào thì lại càng tốt chừng nấy!

Cùng một lúc ta có thể khẳng định rằng các đức tin khác biệt có thể sống hoà điệu cùng nhau, bởi vì ngay từ căn bản, nguyên tắc đạo lý phổ quát là nền tảng quan trọng chung của mọi tôn giáo.  Nó đủ để đáp ứng cho tất cả tín đồ của các truyền thống khác biệt có thể thông cảm hiểu biết nhau hơn  và giúp cho họ áp dụng một cách tốt đẹp những điều mà họ học hỏi được từ các tôn giáo khác, nhằm cải thiện phương thức tu tập cá biệt của mình. Bằng cách này, người ta có nhiều khả năng hơn để đánh giá  các truyền thống khác và từ đó sẽ dẫn đến sự tương kính nhau hơn.

Hồi còn sống ở Tây Tạng, tôi đã không hề có một cuộc tiếp xúc thật sự nào với đại biểu của các tôn giáo khác, dù rằng Thánh kinh cũng đã được dịch ra tiếng Tây Tạng, tận trong tâm khảm của tôi, tôi luôn tin chắc rằng Phật giáo là tôn giáo hoàn hão nhất và tự nhủ, quả là điều tuyệt diệu vô cùng nếu tất cả mọi người đều cải đạo qua Phật giáo. Thế rồi, lần hồi từng tí một, tôi đã có dịp du hành trên khắp thế giới, gặp gỡ đại diện của các đức tin khác, những người có kinh nghiệm thấu đáo trong truyền thống tu tập riêng biệt của họ, đó là những người đã cống hiến trọn cuộc đời của mình cho suy niệm hay giúp đỡ tha nhân. Thông qua những tiếp xúc cá nhân và trao đổi với họ tôi nhận thức được tầm quan trọng lớn lao của các tôn giáo khác với tất cả niềm kính trọng sâu xa. Dĩ nhiên Phật giáo vẫn là con đường tuyệt  diệu nhất đối với tôi bởi vì nó tương hợp với bản chất của tôi. Thế nhưng điều này không có nghĩa làtôi tin rằng Phật giáo là một tôn giáo tốt nhất cho tất cả mọi người. Phương thức tiếp cận mà tôi vừa trình bày sẽ giúp mở rộng cánh cửa tâm hồn và mang lại những ân sũng cho bất cứ ai thực hành nó.

Một lần nữa, tôi nghĩ rằng nếu các tôn giáo biết học cách sống chung với nhau trong hoà điệu và tương kính thì quả là điều hạnh phúc cho tất cả mọi người. Khi bạn nhìn vào những trường hợp đau buồn như  đã xảy ra tại Bosnia, nơi mà nhân danh tín ngưỡng, người ta đã xâu xé giết hại lẫn nhau, gây ra vô số thảm cảnh cho biết bao lương dân vô tội không thể nói hết được, bạn chỉ còn biết đau xót sâu xa cho những tình huống như thế.

Ðể kết luận, chúng ta hãy cùng suy nghĩ  đến một vài câu hỏi có thể thoáng qua tâm trí ta. Chẳng hạn như ta tin chắc rằng bản chất cơ bản của con người là thiện lương, cũng như phát triển tình thương yêu đối với tha nhân sẽ đủ để mang lại hoà bình; thế nhưng khi nhìn vào lịch sử thế giới, chúng ta chẳng thấy điều gì ngoại trừ  những vấn nạn do con người gây ra vẫn tiếp diễn từ hàng ngàn năm qua. Như vậy làm thế nào để chúng ta có thể tin vào khả năng mang lại một tình yêu thương phổ quát? Cũng vậy, chúng ta có còn hy vọng vào sự hoà điệu tương kính giữa các tôn giáo, khi mà chúng ta thấy cùng chia xẻ chung đức tin, con người vẫn chém giết lẫn nhau suốt qua chiều dài lịch sừ?

Theo thiển ý của tôi chúng ta vẫn có quyền hy vọng bởi vì tình huống đã thay đổi khá lớn lao trong thời đại ngày nay. Trong quá khứ, chúng ta có thể đề cập đến giá trị của lòng vị tha cũng như một số ý thức trách nhiệm liên hệ đến tha nhân, thế nhưng chúng ta đã không nhất thiết hiểu biết sự lợi ích của các thái độ này. Thế giới hiện đại đã phát triển đến mức độ mà hai thái độ này nay đã trở nên cần thiết, nếu không nói là không thể thiếu được. Những giá trị sâu sắc và cổ điển này nay đã trở thành chủ yếu. Hơn thế nữa, với sự nhanh chóng và tầm mức quan trọng của lãnh vực trao đổi và truyền thông giữa con người và các quốc gia, chúng ta dễ dàng được thông báo về những gì đang xảy ra ở tận những nơi xa xôi, và như thế cảm thấy trở nên gần gũi hơn với những con người đang sống xa cách ta muôn trùng diệu vợi. Ðiều này tạo nên sự đoàn kết lớn lao hơn giữa con người với nhau. Thế nên tôi tin chắc rằng nếu chúng ta nỗ lực đúng mức hơn, chúng ta sẽ tạo dựng nên một thế giới hoà điệu. Ðó là tất cả những gì tôi muốn trình bày cùng qúy vị hôm nay.

 

Thưa Ngài, từ bi có những hạn chế nào không? Những gì là hạn chế của lòng khoan dung?  Có gì khác nhau giữa chấp nhận và tùng phục?

 

Tôi có thể khẳng định rằng lòng từ bi không bao giờ có giới hạn vàchúng ta cũng không có lý do gì để phải áp đặt những giới hạn lên từ bi. Tôi nghĩ rằng vấn đề câu hỏi muốn nêu lên là chúng ta có nên phản ứng và từng bước chống trả lại những kẻ đã tấn công ta hay không. Tôi cho là chúng ta có thể phản ứng, nhưng đồng thời cũng nên rải tâm từ bi đến những kẻ đang gây hấn, xâm lược ta. Trong tâm trạng như thế, những bước tiến hành sẽ trở nên hiệu quả hơn. Nếu lòng từ bi biến mất và tâm hồn ta đầy dẫy hận thù và giận dữ, ta sẽ bị chìm ngập trong hoang mang bối rối. Trong thực tế, bất cứ những biện pháp nào được thực hiện do ảnh hưởng bởi những cảm tính như thế  sẽ có nguy cơ bị chệch hướng và trở nên vô hiệu. Hận thù phải được phân biệt với cơn giận tự nhiên; hận thù luôn luôn là điều đáng lên án và không bao giờ mang lại lợi ích cho ta; ngược lại giận dữ trong một vài tình huống có thể trở nên hữu ích, và nếu như được thúc đẩy bởi tâm từ bi, nó có thể có khả năng làm cho ta phản ứng nhặm lẹ; trong trường hợp này nó có tính xây dựng.

 

Thưa Ngài có gì khác nhau giữa tuân phục và nhẫn nhục?

 

Lòng nhẫn nhục thật sự có nghĩa là chúng ta không phản ứng lại những việc sai trái màkẻ ác gây ra cho ta mặc dù ta có đầy đủ phương tiện để phản ứng, chẳng hạn như việc phục thù và hành động lấy mắt trả mắt khi ta có cơ hội. Ngược lại, tuân phục không dính dấp gì đến nhẫn nhục, đây là trường hợp ta không có khả năng phản ứng lại kẻ đang gây tác hại cho ta, cho dù ta có thể rất giận dữ.

 

Thưa Ngài, có những vị Phật được xuất hiện dưới dạng phụ nữ?

 

Dĩ nhiên! Hãy nhìn vào trường hợp của Arya Tara, người phụ nữ đầu tiên đã đạt đến trạng thái giác ngộ, một hạnh nguyện tự phát hướng đến Phật quả cho phúc lợi của toàn thể chúng sanh, và đó là một bậc nữ lưu. Khi đạt đến giác ngộ, Ngài đã phát nguyện như thế này: “Có rất nhiều người đã đạt được Phật quả mang thân nam giới tuy nhiên rất ít người đạt được qủa vị này trong tấm thân nữ giới, tôi nay đã chứng qủa bồ đề, xin nguyện tiếp tục tinh tiến trên con đường giác ngộ trong thân phụ nữ và thành Phật dưới dạng nữ giới!” Chúng ta có thể kết luận rằng Tara có thể là vị nữ lưu đầu tiên trong Phật giáo!

Trong kinh Viên Giác (Paramitayana - Vehicles of Perfection), cũng như  ba phẩm đầu tiên của Tantras luôn luôn nói rằng quả vị Phật được thành tựu trong dạng nam giới. Tuy nhiên trong phẩm thứ tư của Tantras, đã không có sự phân biệt giữa nam giới và nữ giới; sự giác ngộ có thể thành tựu một cách dễ dàng đối với người nữ cũng như nam.

 

Suốt ngày chúng ta cạnh tranh không ngừng với tha nhân để dành phần lợi lộc cho cá nhân mình, rồi buổi tối khi về nhà, chúng ta tự coi mình là người tốt và chia xẻ chúng với anh chị em thân nhân của ta. Làm thế nào chúng ta có thể sống một cách mâu thuẫn như thế?

 

Nói như thế phải chăng là chúng ta đã không hề có bạn bè thân hữu trong suốt cả ngày? Ðây là một trạng huống khó khăn mà ta thường gặp trong một  vài khung cảnh xã hội -khi ta bị bắt buộc phải sống thường xuyên trong một bầu khí bị ngự trị bởi tinh thần cạnh tranh. Dĩ nhiên cạnh tranh bao gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn như ta có thể nói rằng tu tập Phật giáo là một hình thái cạnh tranh xây dựng: tâm ta luôn luôn ở trong trạng thái tranh chấp với những yếu tố tiêu cực sẵn sàng xâm chiếm và như thế nó đã phải chiến đấu bằng đủ mọi vũ khí giải độc. Trong thương trường cũng như trong đời sống xã hội nói chung, cũng cần phải có chỗ đứng cho sự cạnh tranh hữu ích và chánh đáng, được thúc đẩy bởi ý hướng tốt và nêu ra được tấm gương tốt cho mọi người. Hơn thế nữa, chúng ta biết rằng hình thức tiêu cực của tinh thần cạnh tranh thường được thúc đẩy bởi ý hướng xấu, như  cạnh tranh bẩn thỉu hoặc do thù hằn.  Ngoài ra phải kể đến sự cạnh tranh mang tinh thần vô tư, đặc biệt là trong thương trường, mà những nỗ lực không ngoài mục đích mang đến lợi nhuận và kiếm sống. Tất cả, theo tôi đều tùy thuộc vào thái độ tinh thần thúc đẩy những hoạt động này.

Trong một xã hội mà sự cạnh tranh là một hiện hữu đương nhiên, những phản ứng của con người thường khác biệt tùy theo bản tánh và cách nhìn vấn đề của họ. Nếu chúng ta cư xử một cách lương thiện, tử tế mà vẫn bị kẻ khác phá hoại bởi những người lợi dụng bản tánh tốt đẹp của ta để cạnh tranh bất chính, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ phải phản ứng, nhưng sẽ không dùng các thủ thuật bá đạo;  bởi vì trong những tình huống như vậy nếu không biểu lộ tinh thần cạnh tranh, ta sẽ làm ngăn trở sự tiến bộ.

 

Theo Ngài những gì là yếu tố chính mà bậc phụ huynh cần nên bao gồm vào nền học vấn của con trẻ?

 

Cho dù phẩm chất trí tuệ mà nền giáo dục mang lại cho ta là gì đi nữa nó cũng phải được hoà điệu với những nguyên lý căn bản của con người, thế nên nền giáo dục đó cần bao gồm những yếu tố của tình thương yêu và từ bi, bởi vì không có gì bảo đảm rằng chỉ kiến thức không thôi là thực sự hữu ích cho con người. Tôi thấy rằng trong số những kẻ gây nên những vấn nạn lớn lao cho xã hội đã không thiếu gì những người có học thức cao và giàu kiến thức, tuy nhiên họ thiếu căn bản đạo đức, tức là hướng đến việc phát triển từ bi, trí huệ và thị kiến rõ ràng. Bởi lẽ đó, một điều hiển nhiên là không phải chúng ta chỉ đảm bảo cho con trẻ có một nền học vấn cao, mà đồng thời còn phải tạo dựng nên một môi trường thuận tiện cho việc vun trồng các phẩm chất tốt đẹp như tình yêu tha nhân chẳng hạn.

Làm thế nào để dạy trẻ lòng từ bi? Không phải chỉ bằng lời nói suông mà là bằng hành động, ta phải nêu ra những tấm gương tốt và sống theo như thế để cho trẻ con có thể học bằng cách quan sát, bắt chước theo cha mẹ chúng; đó là lý do tại sao môi trường gia đình rất quan trọng trong giáo dục.

 

Người ta từng nói rằng cười là món quà đặc biệt được ban cho con người. Theo ý Ngài, con người đã cười quá nhiều hay chưa đủ?

 

Tôi đã được biết rằng một số loài khỉ cũng có khả năng cười dỡn; tôi không rõ lắm.  Nhưng nói chung, hình như cười là một bản tính đặc biệt của nhân loại. Chắc chắn cũng có một số người ít khi mĩm cười! Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng người ta lại có thể cười cợt quá mức. Ai mà biết? Có một vấn nạn là những người cười quá độ thì rất hiếm, trong khi những người không chịu mĩm cười thì lại quá nhiều!

 

Thưa Ngài, tại sao lại có chuyện hạnh phúc của người này có được là do ở sự mất mát hạnh phúc của kẻ khác?

 

Gốc rễ của vấn đề này là do ta thiếu tầm nhìn xa thấy rộng hoặc là những người không theo một hành trình tâm linh nào cụ thể. Khi ta tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình bằng cách tước đoạt hạnh phúc của kẻ khác, tự thâm tâm ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy vui sướng và về lâu về dài ta sẽ trở nên cô độc, không còn liên hệ được với tha nhân.

 

Xã hội mà chúng ta sống đang vươn tới đỉnh cao của sự phát triển khoa học, kỹ thuật. Thế nhưng chúng tôi vẫn có ấn tượng rằng tình cảm của chúng ta cũng như vòng vây của bạo lực do tham ái gây ra trải qua hàng ngàn năm đã chẳng biến đổi chút nào. Theo ý Ngài, làm thế nào thế giới có thể giải quyết vấn nạn này mà không gây khổ đau cho những kẻ yếu hèn xấu số?

 

Liên quan đến phần thứ nhất của câu hỏi, về vấn nạn của bạo lực, tôi cho rằng có rất nhiều yếu tố can dự vào: hai nguyên nhân quan trọng nhất là sự gia tăng nhân số và bên cạnh đó là việc thủ đắc vũ khí quá dễ dàng. Ðể giải quyết vấn nạn này, chúng ta cần phải cân nhắc khi hoạch định các chính sách về hạn chế sinh sản và về giải trừ quân bị. Vấn đề hiện nay không phải là làm cho đầu óc con người bị tràn ngập bởi những nguồn thông tin không ngừng gia tăng, mà là bằng phương tiện đó tạo cơ hội đồng đều cho họ được hấp thụ các chất liệu bổ dưỡng tinh thần, để cho mỗi người có thể tự thay đổi tâm tánh và cải thiện thái độ cư xử của họ đối với tha nhân. Trong trường hợp này, ngành truyền thông đóng một vai trò khá quan trọng; tuy nhiên tôi không khỏi phiền lòng khi thấy họ chỉ chú mục vào các chuyện tiêu cực. Tôi nghĩ rằng để có thể có được một ấn tượng công bằng và quân bình hơn đối với sự việc, bộ phận truyền thông cần nên quan tâm đồng đều đến những vụ việc phản ánh được phẩm chất tốt đẹp và những thành tựu của con người, nếu không chúng ta rốt cùng sẽ tin rằng bản tánh của con người là xấu ác, thích gây hấn, và như vậy chúng ta sẽ sống trong thất vọng.

 

Phần thứ hai của câu hỏi đối phó với vấn nạn bạo lực liên hệ đến tâm thủ đắc của con người.  Thưa Ngài, nhân danh những người nghèo khổ yếu kém nhất trên thế gian này, ta làm thế nào để giải quyết vấn nạn này mà không phải sử dụng đến các biện pháp triệt để? Làm thế nào để những kẻ giàu có biết phát triển lòng kính trọng đối với kẻ khác?

 

Tôi nghĩ rằng mọi tôn giáo đều tối thiểu khuyến khích chứ không hề  chối bỏ sự phát triển cuả tinh thần tri túc. Bằng cách cho thấy được những lợi lạc của thái độ sống này người ta có thể giải thích làm thế nào để chúng ta có thể mãn nguyện với những gì ta có, dù ít ỏi nhất. Gần đây tôi có dịp thăm viếng tu viện Grande Chartreuse và vô cùng sửng sốt khi biết được những tu sĩ ở đây sống hoàn toàn cắt đứt với những liên hệ của thế giới bên ngoài, không cả tin tức báo chí hay đài phát thanh, và tôi đã rất ngạc nhiên đầy thán phục trước phẩm chất tuyệt vời và cuộc sống rất giản đơn của họ.

Như vậy làm thế nào để một người không dính dấp gì đến cuộc sống tu hành tôn giáo có thể học được cách sống thoả mãn với những sở hữu tối thiểu?  Trên một khía cạnh khác, phải chăng những người giàu có nhất đang là kẻ nô lệ cho tài sản, đồng tiền của họ? Những người triệu phú đâu có nghĩa  là sẽ được thụ hưởng một tuổi thọ lâu dài và có sức khỏe dồi dào hơn kẻ khác; mặc dù những tài sản mà họ có trong tay chưa hẵn đã làm cho họ có một đời sống hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta luôn nhắc nhở mình như thế, chúng ta sẽ học được cách sống thỏa mãn với những gì hiện có.

Trong một lần thăm viếng Hoa Kỳ, tôi đã được một vị khách qúy giàu có mời về nhà ăn trưa. Tôi đã có dịp quan sát sự giàusang và tiện nghi phô bày trong ngôi nhà của họ và thầm nghĩ rằng những người này đang sống một cuộc sống hoàn toàn thỏa mãn. Ðến cuối bửa ăn tôi vào phòng tắm để rửa ráy thay đồ và bất chợt nhìn vào tủ thuốc khép hờ của họ: đủ các loại thuốc ngủ và giảm thống. Tôi kết luận rằng họ đã không hạnh phúc lắm như ta tưởng.

 

Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, phải chăng đối nghịch của vị tha là ích kỷ? Có phải là chúng ta cần một ít ích kỷ để đạt đến hạnh phúc?

 

Khi nói đến vị tha có nghĩa là chúng ta không nên nghĩ đến phúc lợi cho riêng cá nhân mình. Ðiều này không có nghĩa là ta phải trở thành những kẻ tử vì đạo! Nó chỉ có một ý nghĩa rất đơn giản là ta không nên bỏ quên người khác để chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho riêng cá nhân mình, tức là ta quan tâm đến đồng loại nếu không quan trọng hơn thì tối thiểu cũng bằng ta.

Khi tư tưởng và hành động của chúng ta luôn hướng đến tha nhân và làm mọi cách cho họ được hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng hạnh phúc sẽ đến với chúng ta một cách rất mau chóng, tự nhiên. Yêu thương tha nhân và từ bỏ phúc lợi của chính bản thân mình không bao giờ đưa đến đau khổ. Ðó là lý do tại sao tôi thường hay nói rằng nếu chúng ta muốn chấp nhận thực hiện một thái độ vị kỷ, hãy làm một cách thật thông minh. Ðây là lý lẽ: chúng ta thường có thói quen chỉ nghĩ đến mình mà quên đi quyền lợi và nguyện vọng của kẻ khác, cao điểm là việc khai thác lợi dụng tha nhân cho lợi nhuận của cá nhân mình. Trong những tình huống như vậy, cho dù chúng ta đang đi kiếm tìm hạnh phúc, ta sẽ không đạt được gì ngoài đau khổ.  Ngược lại, nếu ta cố gắng giúp đỡ tha nhân, phục vụ kẻ khác, mang đến hạnh phúc cho họ, chung cuộc  ta sẽ là người thu được ích lợi, bởi vì ta sẽ cảm thấy sung sướng hạnh phúc hơn. Ðó là điều mà tôi gọi là ích kỷ thông minh.

Trong số các tâm trạng khác nhau mà ta được biết, chẳng hạn như  lòng tham ái, có thể là tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào những gì thúc đẩy chúng. Hãy xem trường hợp biểu hiện rõ rệt ý thức của bản ngã: nếu đây rõ ràng là một thái độ trịch thượng bề trên đưa đến việc chống đối và coi thường kẻ khác, chúng ta đang đối diện với sự kiêu hảnh, một trạng thái tiêu cực của tâm hồn.  Thế nhưng nếu cùng một khái niệm đó -ý thức về bản ngã- cũng có thể được biểu lộ dưới hình thức của sự tự tin, dẫn đến lòng can đảm và niềm tin chắc chắn rằng, ví dụ như,  mình có khả năng đạt đến giác ngộ cho phúc lợi của muôn người. Trong trường hợp này, nó có tính xây dựng và tích cực.

 

Ngài nghĩ như thế nào về sự mê đắm?

 

Khi chúng ta mê say điều gì, sự dấn thân và lòng quyết tâm của ta càng gia tăng. Thật ra bạn có thể áp dụng quan điểm này đối với mọi loại tình cảm kể cả tiêu cực hay tích cực. Lòng từ bi chẳng hạn được coi là tích cực trong khi tinh thần chấp trước được coi là tiêu cực. Có một số  tình cảm tự nó không là tích cực hay tiêu cực. Nếu chúng ta coi sự mê đắm như là một tình cảm cực kỳ mạnh mẽ, có thể đưa ta đến sự dấn thân và một tinh thần trách nhiệm cao độ thì đó chính là khía cạnh tích cực của lòng mê đắm. Có lần tôi tham dự một buổi hội thảo quan trọng gồm những nhà chuyên môn và mỗi người phát biểu khá lâu, phân tích khá chi tiết về lãnh vực chuyên môn của mình. Họ thật sự là những nhà uyên bác.

Ðến phiên tôi phát biểu, tôi có cảm tưởng rằng không còn gì để phải nói nữa, thế nhưng như thường lệ, nhân danh tư cách một nhà tâm lý học Phật giáo, tôi muốn nhấn mạnh đến sự quan trọng của động cơ thúc đẩy, của ý hướng -tức là động lực thúc đẩy đằng sau mọi hành động của chúng ta- cũng như về ý thức trách nhiệm. Tôi tiếp tục phát biểu là tôi sợ rằng với sự phân tích một cách chi ly thái quá về phương thức tiếp cận như thế, nếu ngôi nhà của qúy vị bị phát hoả, những người bạn thân yêu của tôi ơi, lúc đó chắc qúy vị sẽ đứng yên một chỗ để phân tích tình huống, đặt vấn đề hỏa hoạn đã được bắt đầu như thế nào, phát khởi ở đâu, tại sao nó lại cháy theo kiểu cách như vậy, v.v... và v.v... Tất cả mọi người đều bật cười!

 

NHÂN QUYỀN

VÀ BẤT BẠO ÐỘNG

 

Hôm nay chúng ta nói chuyện về nhân quyềnvà bất bạo động. Cá nhân tôi thành thật mà nói không xem việc thực hành bất bạo động là một hành động duy nhất để chống lại bạo động. Ðối với tôi, bất bạo động chỉ xứng đáng được coi là chủ nghĩa hoà bình bất bạo động khi nó được xây dựng trên lòng nhân ái và vị tha. Vấn đề nhân quyền cũng thế.

Xa lìa khổ đau và an hưởng hạnh phúc là nỗi khát vọng chung của tất cả mọi con người. Khi kinh nghiệm bản thân cho ta những khả năng để hiểu được rằng ta không cô đơn trong ước vọng xa lánh khổ đau và được sống hạnh phúc, lúc đó ta sẽ có đủ năng lực để phát triển lòng từ bi, tức là ước nguyện được thấy mọi người giải thoát khỏi đau khổ. Ðồng thời ta cũng sẽ học được ý nghĩa của thương yêu, tức là ước nguyện được thấy mọi người tìm được hạnh phúc. Những khái niệm căn bản này có thể tạo cho ta mối quan tâm và chú trọng đặc biệt hơn về nhân quyền. Thế cho nên tôi nghĩ rằng tôn trọng nhân quyền và thực thi bất bạo động có mối liên hệ mật thiết với yêu thương và từ bi.

Theo thiển ý của tôi, phẩm chất của lòng vị tha này là cơ bản. Không những nó cần thiết cho việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo trên thế giới, mà còn ươm đầy cuộc sống đời thường của ta với an lạc và hạnh phúc. Thế nên thảo luận về những chủ đề này, tôi nghĩ  là mình có thể bắt đầu bằng cách nói về lòng yêu thương.

Xin được trở lại với đề tài ban đầu. Không cần biết đến chủng tộc, học vấn, tôn giáo, mức sống của chúng ta như thế nào, chúng ta đều bình đẳng khi mới sinh ra -chúng ta đều là những con người và đều có chung ước vọng bẩm sinh là xa lánh khổ đau và tìm kiếm hạnh phúc. Hơn thế nữa, con người đều có quyền được sinh ra để sống hạnh phúc và giải phóng khỏi mọi khổ đau. Tuy nhiên trong thực tế, mặc dù mọi người đều chia xẻ ước vọng này một cách đồng đều, bản chất của xã hội cho thấy có người lại được hưởng nhiều lợi quyền hơn kẻ khác và thông thường kẻ nghèo thường hay bị thiệt thòi, lợi dụng. Dù đứng trên quan điểm đạo đức hay thực dụng, đây là một sai lầm lớn lao. Thực tế cho thấy trong bất kỳ xã hội nào hễ càng bất công bao nhiêu thì càng có nhiều người khốn khó bấy nhiêu, những vấn nạn xã hội sẽ có cơ  bùng nổ và xã hội đó chắc chắn sẽ ngày càng bệnh hoạn hơn.

Ðể bắt đầu, điều quan trọng là bạn phải thấu hiểu được rằng hạnh phúc của chính cá nhân bạn liên quan đến người khác biết chừng nào. Con người tự bản chất là một sinh vật xã hội và hạnh phúc của mỗi chúng ta đều tùy thuộc vào kẻ khác. Trong một xã hội mà phúc lợi của mọi người đều được đảm bảo và một bối cảnh tốt đẹp được xây đắp, dĩ nhiên sự lương hảo của mỗi cá nhân cũng sẽ được triển khai. Không bao giờ có chuyện hạnh phúc của mỗi cá nhân hoàn toàn độc lập với kẻ khác; thế nên nếu chúng ta đảm bảo được phúc lợi cho tha nhân, có nghĩa là cùng một lúc chúng ta đang bắt tay tạo dựng nên những hoàn cảnh tốt đẹp cho phúc lợi của chính cá nhân mình.

Mỗi cá nhân thường cảm thấy mình hạnh phúc nhất, thư giản nhất khi họ có thể chia xẻ được niềm hạnh phúc và sự tin cậy với kẻ khác, đó là bản tánh chung của con người. Chúng ta cần sự nâng đỡ của đồng loại và mong muốn có nhiều bạn bè. Mỗi khi chúng ta có dịp được cười đùa với nhau, ta vui hưởng niềm sảng khoái chung. Cá nhân tôi luôn luôn thích thú mỗi lần gặp bạn bè cho dù họ có mang lại lợi ích cho tôi hay không. Thực tế cho thấy cười chính là liều thuốc bổ, mang lại cho ta niềm thư giản một cách tự nhiên.

Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ chú trọng đến mình, chỉ nghĩ đến cá nhân mình, đến phúc lợi của riêng mình, luôn bác khước, khai thác, và lợi dụng kẻ khác, với cung cách cư xử đó ta tự cắt lìa mình với thế giới bên ngoài và điều đó sẽ làm cho chúng ta mất hạnh phúc. Như vậy, một điều hiển nhiên là càng quan tâm đến tha nhân, lo lắng cho phúc lợi của họ bao nhiêu, ta sẽ càng có thêm nhiều bạn bè và cảm thấy được đối xử ân cần, nồng hậu bấy nhiêu.

Trong số những bạn bè của ta không phải là không có những người chỉ đến với ta do tiền bạc và địa vị mà ta có, họ không phải là những bằng hữu chân thực mà thật ra là bạn của túi tiền, thế lực của ta. Một điều chắc chắn là bao lâu mà ta còn tiền bạc và thế lực họ sẽ còn quanh quẩn bên cạnh ta, thế nhưng một lúc nào đó khi ta rơi vào tình trạng suy sụp, họ sẽ biến mất như một chiếc cầu vồng, chứng tỏ rằng họ không phải là những người bạn trung thành, đáng tin cậy. Ðến khi ta cần họ, chạy đi kiếm hoặc tìm cách gọi điện thoại cho họ, những kẻ được gọi là bạn bè này bỗng dưng biến mất tiêu không biết ở phương trời nào! May mắn lắm nếu được họ trả lời điện thoại thì cũng chỉ là những lời ngắn gọn, nhát gừng!

Ðể có được bạn bè chân thực và được họ thật tình thương mến, ta cũng phải thương mến và bày tỏ mối thiện cảm của ta đối với họ. Trong trường hợp này, ta sẽ có được vô số bằng hữu chân tình.

Nếu chúng ta bày tỏ lòng nhân ái đối với tha nhân, đặc biệt chiếu cố đến những kẻ bất hạnh cũng như những người mà quyền sống không được tôn trọng, chính ta sẽ tạo dựng cho mình nền tảng của hạnh phúc và thái độ sống đúng đắn có giá trị.

Hãy lấy trường hợp của cá nhân tôi, những kinh nghiệm bản thân mà tôi đã trải qua làm một thí dụ.  Tôi là một người dân mất nước, và đáng buồn hơn, dân tộc tôi đang phải sống trong cảnh thống khổ. Tây Tạng đang bị tàn phá. Tôi đang phải đối diện với những trạng huống kinh khủng cũng như đã từng kinh qua những kinh nghiệm bi thảm. Tuy nhiên xin cảm ơn bằng hữu và những tấm lòng ưu ái mà họ dành cho tôi, nhờ đó tôi vẫn có thể tiếp tục cuộc sống bình thường.

Tôi nghĩ rằng bất bạo động có nhiều cấp độ khác nhau. Ngay cả được che dấu bởi động lực đen tối và một tâm hồn đạo đức giả, gian dối và ác độc, một người vẫn có thể nói ra được những lời dịu ngọt, dễ thương cũng như biểu lộ những cử chỉ thân thiện, như biếu tặng quà cáp chẳng hạn. Hành động này chỉ bất bạo động ở ngoài mặt; trong thực tế đây là một hành động đầy ác tâm.  Trái lại, do sự thúc đẩy bởi ý hướng muốn giúp đỡ tha nhân, hoặc vạch cho người khác thấy những lỗi lầm của họ, có thể ta có những ngôn ngữ hoặc hành động xem ra cộc cằn thô lỗ, nhưng tận trong thâm tâm, đó là một hành vi bất bạo động.

Thế cho nên chính động cơ thúc đẩy ở đàng sau mới quyết định tính cách bạo động hay bất bạo động của một hành động. Thái độ bất bạo động được thúc đẩy bởi thiện ý dù được thể hiện ra hành động hay bằng lời nói cũng đều mang lại lợi ích.  Thế nhưng khuyến khích, thúc đẩy tinh thần bất bạo động và hành động bất bạo động  cũng chưa đủ để loại trừ bạo động.  Trên tất cả, ta phải khích lệ mọi người tự  mình nuôi dưỡng lòng thương yêu và trìu mến đối với tha nhân.

Trong thời đại này quả là một điều cần thiết để tạo dựng nên một bầu khí hoà điệu và đoàn kết hơn giữa các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Ðã có quá nhiều yêu tố làm phân cách xã hội chúng ta: giàu nghèo, khuynh hướng chính trị, v.v... Tôn giáo vì thế có mặt để giúp con người học cách biết tự chế hơn, làm tiết giảm tinh thần chấp trước và đối kháng cũng như  giúp đỡ họ tìm kiếm sự an bình. Thế nên nếu tôn giáo trở thành  một cái cớ để gây thêm chấp trước, hận thù,hoặc tranh dành bè phái thì quả là một thảm trạng đáng buồn.

Dĩ  nhiên mỗi tôn giáo đều có những bản sắc đặc biệt riêng. Trên bình diện siêu hình có thể còn có những khác biệt lớn lao hơn giữa các tôn giáo.  Tựu trung tôn giáo có thể được phân ra làm hai nhóm chính: Một số tôn giáo gắn chặt vào niềm tin về một đấng Thượng Ðế Sáng Tạo và phần còn lại thì không tin như thế. Ðứng trên quan điểm triết học, đây là một sự khác biệt lớn lao. Tuy nhiên, tất cả các tôn giáo chính đều đồng ý với nhau về sự quan trọng của lòng thương yêu, nhẫn nhục và khoan thứ.  Mặc dù mỗi tôn giáo có thể trình bày bản chất xác thực của tình thương yêu  đó một cách khác nhau, tất cả đều khẳng định sự cần thiết của tình thương yêu và nhân ái, tất cả đều khuyên dạy tín đồ của mình nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp này bằng nhiều cách khác nhau. Như thế đã có một căn bản tương đồng rất có ý nghĩa giữa các tôn giáo trên thế giới.

Thực tế cho thấy một trong những cỗi nguồn chính của sự hoà điệu giữa các tôn giáo là tính cách phổ quát của những lời dạy về tình thương yêu;  chúng ta càng sớm nhận ra mục đích của tình thương yêu đó và bản chất qúy giá của nó chừng nào, ta sẽ càng cảm thấy kính trọng hơn các tôn giáo khác  chừng nấy.

Trong cuộc sống hàng ngày, hạnh phúc tùy thuộc lớn lao vào trạng thái tâm hồn của chúng ta. Những ngày mà tâm hồn ta thư thái yên tĩnh sẽ là những ngày rất hạnh phúc.  Trái lại những ngày ta mất đi niềm thanh thản, ta sẽ cảm thấy bất hạnh. Ðiều đó thật quá rõ ràng.

Bây giờ vấn đề đặt ra là mục tiêu của đời sống là gì? Tôi luôn cho rằng đó là hạnh phúc. Tại sao? Bởi vì ngay cả những người đang chấp nhận một cuộc sống tu hành, cũng không ngoài mục đích đi tìm kiếm hạnh phúc. Họ coi tôn giáo như là phương cách tốt nhất để đạt đến hạnh phúc cho nên đã chọn lựa theo đuổi một hành trình tâm linh như thế . Cũng vậy, một người chấp nhận làm việc trong địa hạt kinh tế (hay bất cứ lãnh vực nào khác) bởi vì họ nghĩ rằng đó là cách thế tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất để hoàn tất đời mình.

Cho dù ta không thể biết chắc chắn những gì xảy ra trong tương lai, hầu như mọi người đều tin rằng mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Mặc cho bao nhiêu vấn nạn mà ta phải đương đầu trong suốt cuộc đời, ta vẫn tiếp tục hy vọng rằng mọi việc sẽ êm xuôi trong tương lai. Cái ngày mà chúng ta  ngưng hy vọng, chúng ta có nguy cơ  rơi vào trạng thái tuyệt vọng hoặc đi đến chỗ tự vẫn. Ðó là lý do tại sao tôi cho rằng sự kiếm tìm hạnh phúc đã mang lại ý nghĩa cho đời người.

Có người quan niệm hạnh phúc trong tầm phụ thuộc của vật chất hay những yếu tố bên ngoài; chẳng hạn như xem giàu có và quyền lực là những chỉ dấu của hạnh phúc.  Quả thật sống trong tiện nghi vật chất, được kề cận bên cạnh bạn bè và gia đình, vui thú với tiếng tăm danh vọng  và những cuộc đàm luận hay ho, đều là những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc  cho ta. Tuy nhiên nếu xem những yếu tố này là gốc rễ chính của hạnh phúc, thì tất cả những ai đang thụ hưởng giàu sang, danh vọng, được bao quanh bởi một bầu khí dễ chịu phải là người đang sống hạnh phúc. Thực tế không phải là như thế! Ðiều này cho thấy mặc dù những điều kiện thuận lợi này có thể góp phần tạo nên hạnh phúc cho ta, chúng không phải là những nguyên nhân cơ bản, không thể không có.

Ta không cần biết đến chuyện con người đang hưởng thụ những tiện nghi vật chất đầy đủ hay không, nếu tâm hồn họ an bình, thư giản và cảm thấy hài lòng với chính mình, họ là những người đang sống trong hạnh phúc; và ngược lại. Như thế, một điều rất rõ ràng sự an bình nội tâm là cỗi nguồn của hạnh phúc. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong cuộc sống đời thường. Có những ngày tâm hồn chúng ta cảm thấy thư thái, hạnh phúc, cho dù bất chợt gặp phải khó khăn hay trở thành nạn nhân của một chuyện rủi ro, ta vẫn chấp nhận chúng một cách dễ dàng không mảy may khó chịu. Thế nhưng trong những ngày mà tâm hồn ta buồn lo, xao động, dù chỉ một chuyện không đáng kể xảy ra cũng gây nên những khủng hoảng lớn khiến ta vô cùng bực bội.

Một cách tổng quát, thoạt nhìn vào các xã hội phát triển Tây phương với tất cả những tiện nghi của đời sống hiện đại được cung ứng mà kết quả tạo nên một cuộc sống tuyệt vời về mọi mặt. Thế nhưng nếu bạn có thì giờ để đàm luận riêng tư  với những cư dân của các xã hội này, bạn sẽ thấy tâm hồn của họ bị ô nhiễm bởi những tư tưởng hoài nghi, nhận thức sai lầm, những âu lo, ganh ghét và tranh chấp tị hiềm.

Như vậy làm thế nào để chúng ta có thể phục hồi được sự an lạc của cái tâm mình?  Bằng ma túy hay rượu chè chăng? Chắc chắn là không rồi! Còn nếu mang chuyện này đi than phiền với một vị y sĩ, như chúng ta thường làm đối với những bệnh hoạn thể chất: “Bác sĩ à, tôi đang lâm bệnh tinh thần, xin bác sĩ  tìm cách chữa trị cho tôi!” Chắc chắn là vị bác sĩ  sẽ trả lời bằng cách lắc đầu, cho biết là ông ta sẽ không làm gì được và chỉ cho ta đi chỗ khác. Một cách tóm tắt, hạnh phúc là cái mà chúng ta chỉ có thể tạo dựng lên từ chính bên trong nội tâm mình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta thực hiện được việc này?  Ðâu là con đường tốt nhất để đạt đến hạnh phúc?

Ðể trả lời những câu hỏi này xin hãy lấy những kinh nghiệm của cá nhân tôi làm một thí dụ. Một số đông bạn bè và bản thân tôi đều đi đến một kết luận chung: Chúng ta càng phát triển tình thương yêu, trìu mến đến tha nhân, lòng khao khát phụng sự họ bao nhiêu, ta càng cảm thấy tâm hồn của mình an lạc bấy nhiêu. Khi chúng ta có ý nguyện giúp đỡ tha nhân, những thái độ cư xử của ta đối với họ sẽ tích cực hơn. Khi tâm ta không còn ganh tỵ, ta sẽ thấy không cần thiết phải dấu diếm họ bất cứ chuyện gì. Với sự hiện diện của họ, chúng ta cảm thấy là mình sẽ bớt dè dặt và tâm hồn cởi mở hơn. Ngược lại, trong quan hệ đối xử với kẻ khác nếu thâm tâm ta luôn nuôi dưỡng những ý tưởng độc hại của ganh tỵ và dối trá, tự nhiên là chúng ta sẽ bị ngăn cách và cô lập, chúng ta sẽ luôn luôn là kẻ đứng ở ngoại biên của mọi vấn đề.

Khi chúng ta có ý hướng giúp đỡ tha nhân, mối quan hệ giữa ta với họ sẽ trở nên thoải mái dễ dàng hơn. Ngược lại, chúng ta sẽ vẫn luôn nhút nhát, lưỡng lự và ở trong trạng thái cảnh giác cao độ mỗi khi tiếp cận tha nhân. Khi tâm ta muốn giúp đỡ kẻ khác, ta sẽ bớt đi nỗi sợ hãi và lo âu. Khi tâm ta mang ý hướng tốt đẹp, ta sẽ cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Bằng cách này, chúng ta sẽ học để nhận ra được lòng nhân ái qúy giá như thế nào, có giá trị đối với ta ra sao. Và bây giờ, vấn đề là làm thế nào để phát khởi lòng nhân ái?

Tất cả mọi người -ở trong bất kỳ tình huống nào-  đều có khả năng tự nhiên phát khởi lòng từ bi ở trong tâm mình. Từ ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời, uống bầu sữa mẹ, lòng từ bi này đã bắt đầu lớn dậy ở trong ta. Ðây chính là biểu trưng của tình thương yêu, trìu mến. Nếu đứa trẻ cảm thấy không gần gũi với người mẹ, nó sẽ không chịu bú sữa; cũng thế nếu người mẹ không có tình yêu thương trìu mến vô bờ đối với đứa con, bầu sữa của bà sẽ cạn nguồn. Tôi cho rằng những hành động của buổi đầu đời này đã thiết định nên nền tảng của toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Mọi người cũng đồng ý rằng một đứa trẻ được trưởng thành trong một bầu khí gia đình  đầy ắp thươgn yêu, trìu mến  nó sẽ có cơ may tự cảm thấy mãn nguyện, học hành giỏi dang và có một cuộc sống hạnh phúc; trong khi đó một đứa trẻ mà tuổi ấu thơ thiếu tình thương mến luôn xao lảng trong chuyện học hành. Bởi vì chúng thiếu những hổ trợ tình cảm cần thiết trong tuổi trưởng thành, tất cả đều có khuynh hướng tạo nên những vấn nạn rắc rối trong suốt cuộc đời.

Ðến giây phút cuối của cuộc đời, trước giờ lâm tử, kẻ sắp chết phải bỏ lại tất cả những người yêu dấu nhất. Thế nhưng y sẽ rất sung sướng nếu có một người bạn thân kề cận bên cạnh dù y biết rằng điều đó không mang lại một mục đích gì cả. Bởi lẽ đó, tôi cho rằng từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt, trong suốt cuộc đời ta, nhu cầu cho và nhận tình cảm thương yêu trìu mến là nhu cầu căn bản của con người.

Ta biết rằng tình trạng tâm hồn của chúng ta có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và chức năng của các tế bào cấu thành thể xác của chúng ta. Cụ thể như khi tâm hồn chúng ta thư giản, thoải mái, hệ thống tuần hoàn sẽ họat động một cách bình thường; các bộ phận sẽ làm việc tốt đẹp và khó bị lão hoá. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong lo âu phiền muộn, giận dữ , sự căng thẳng tâm lý này sẽ tác động lên các hệ thống điều hòa cơ thể mà kết quả là chúng ta sẽ bị bệnh cao huyết áp.  Cơ thể của những người này cũng mau chóng già cỗi. Một tâm hồn khủng hoảng  chẳng giúp ích gì cho sức khoẻ của thể xác, trong khi đó một tâm hồn thư giản sẽ trợ lực cho cơ thể một cách toàn hảo.

Một khi đã nhận thức được những lợi điểm của lòng nhân ái, chúng ta cũng nên tìm cách để tu dưỡng nó. Ðồng thời nếu ta nhìn thấy được sự độc hại gây ra bởi những tình cảm đối nghịch với lòng nhân ái, chẳng hạn như giận dữ, ganh tỵ và đặc biệt là lòng hận thù, ta cũng phải tìm cách loại bỏ và ngăn ngừa không để chúng trở thành một phần trong bản tánh của ta.

Con người thường yêu bạn ghét thù. Thế nhưng kẻ thùlà gì? Phải chăng kẻ thù là người tìm mọi cách để hảm hại ta, thể xác, tài sản, gia đình, bằng hữu ta, nói tóm lại là những gì  mang đến cho ta hạnh phúc?  Chúng ta có thể coi tài sản, danh vọng, bạn bè, thân quyến của ta, v.v... là nguồn gốc thường tình của hạnh phúc, và như vậy bất cứ ai làm thiệt hại những gốc nguồn này, thói thường được coi là kẻ thù.

Nhưng ta cũng đã biết rằng gốc nguồn chính của hạnh phúc là sự an bình nội tâm. Những ai đã tu tập để phát triển được sự an bình này, những ai đã có một vài kinh nghiệm tu chứng sẽ không dễ dàng bị phiền nhiễu bởi loại kẻ thù thông thường này. Tuy nhiên, hận thù, ác tâm, và ganh tỵ sẽ huỷ diệt ngay lập tức trạng thái yên tĩnh tâm hồn này. Kẻ thù đích thực của ta, như vậy không ai khác hơn là ác tâm. Kẻ thù ngoại tại có thể là kẻ thù thực sự của ta ở một giai đoạn nhất định, nhưng một điều mà ai cũng có thể thấy, trong một tương lai nào đó thay vì hảm hại ta có thể họ lại quay trở thành những người bạn giúp đỡ ta. Thế nhưng những kẻ thù nội tại vẫn luôn luôn là những kẻ thù -suốt từ đầu, giữa chừng, cho đến cuối; nó không bao giờ mang đến lợi ích gì cho ta cả. Bởi thế thật là một điều hoàn toàn vô lý và đầy mâu thuẫn khi một đằng thì ta chạy đi tìm hạnh phúc, còn đằng khác thì ta mở cửa cho lòngï đố  kỵ và độc ác vào trú ngụ trong tâm ta, những tên thủ phạm chính đang tìm cách diệt trừ hạnh phúc của ta.

Làm thế nào để chúng ta có thể tiêu diệt được kẻ thù này, tức là cái mà ta gọi là hận thù? Phương thuốc đánh thẳng vào sự thù ghét là lòng nhẫn nhục, là sự thực hành hạnh nhẫn nhục. Những lúc mà chúng  ta cảm thấy bất ổn, bị giày vò bởi những khổ đau tinh thần là lúc mà ta thường sinh ra phản ứng thù ghét. Như vậy muốn thoát khỏi tâm trạng thù ghét chúng ta phải sống và cư xử như thế nào đó để không còn mang lấy những khổ đau tinh thần. Chúng ta phải làm tất cả mọi chuyện có thể được để xa lìa khổ đau; khổ đau phải được ngăn ngừa. Thế cho nên một điều rất quan trọng là việc chuyển hóa hoàn cảnh, tốt hay xấu, thành một cơ hội để cải thiện chúng. Khi một điều bất hạnh xảy đến với ta mà ta không ngờ tới, như bệnh hoạn chẳng hạn, nếu chúng ta chỉ biết nghĩ đến mình, nỗi khó khăn sẽ trở nên to lớn bội phần và chúng ta coi đây là chuyện có vẻ như hoàn toàn bất công đối với ta. Thế nhưng nếu chúng ta nghĩ đến tha nhân, đến những vấn nạn của họ, dù chỉ trong một khoảnh khắc, chúng ta sẽ thấy rằng tình huống của mình không có gì là đặc biệt.

Ý niệm về cái gì cấu thành vấn nạn là một ý niệm hoàn toàn tương đối. Trong nỗi khó khăn ta vẫn có thể tìm thấy những khía cạnh tích cực. Cùng một lúc, một cảnh huống nào đó có thể được xem là bi đát quá sức chịu đựng của con người nhưng cũng có thể được xem là mang đến nhiều phúc lợi. Tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của chúng ta. Nhưng cho dù trường hợp nào đi nữa, ta phải xem rằng mọi chuyện không bắt đầu có vẻ như vượt khỏi sức chịu đựng của ta. Khi đối đầu với vấn nạn, nếu ta nhìn chúng qúa gần, ta sẽ không thấy gì cả và chúng sẽ xuất hiện không đúng nguyên vẹn như thực tế; điều này khiến chúng trở thành có vẻ như khó chịu đựng nổi đối với ta. Tuy nhiên nếu chúng ta chịu khó lùi lại, chúng ta sẽ có khả năng thẩm định chúng  và rồi vấn nạn sẽ không còn trầm trọng như ta tưởng.

Ðể có thể hiểu thấu đáo những hậu quả tai hại của việc từ khước tha nhân cũng như những phúc lợi do lòngï quan tâm đến người khác mang lại, điều tốt nhất là ta phải biết dừng lại và quán chiếu trong từng giây phút theo cách thức sau đây. Chúng ta hãy bước ra khỏi cái tôi của mình, đóng vai một quan sát viên ngoại cuộc hay, thí dụ như, là một thành phần thứ ba đối với một nhóm người đang có nhu cầu cần giúp đỡ;  trong một thí dụ khác, quán chiếu đến cái tôi thường nhật, cái tôi thông thường đó -như một người nào khác, một người hoàn toàn vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình mà chẳng quan tâm đến ai khác.  Trong khi tự quán sát mình như vậy ta sẽ lần hồi thấy một cách rõ ràng hơn những tai hại của thói vị kỷ và tâm ta sẽ tự động hướng về những người đang có nhu cầu cần giúp đỡ lúc nào không hay.

Nếu  thực tập suy nghĩ theo cách này, ta sẽ tự động bắt đầu hiểu biết hơn về những hệ quả tiêu cực của thói quen chỉ biết nghĩ đến mình cũng như những phúc lợi của việc quan tâm đến kẻ khác. Nó sẽ giúp ta giảm thiểu được mãnh lực lôi cuốn của chấp trước và thù ghét để từ đó phát triển tình thương yêu và lòng quan tâm đến tha nhân.  Hãy cảm tạ phương pháp tu tập này, sự chuyển hóa sẽ dần dần diễn biến trong ta. Tuy nhiên chúng ta phải cẩn thận -đừng bao giờ mong chờ sự chuyển biến sẽ xảy ra trong nháy mắt, như khi ta dang tay bật một ngọn đèn! Hãy luôn nhớ rằng, điều quan trọng là ta cần phải có thời gian để có thể tu tập một cách chậm rãi vàtiệm tiến.

Tôi tin rằng đi theo con đường này để phát triển tình thương yêu và lòng từ bi cũng như tiết giảm giận dữ, đố kỵ là một hoạt động tâm linh phổ quát không cần phải đòi hỏi vào bất cứ niềm tin tôn giáo nào. Ðối với tôi, quả là điều lầm lẫn khi tin rằng lòng nhân ái là sản phẩm đặc quyền của tôn giáo vì như thế sẽ có người không thèm đếm xỉa đến nó nếu họ không thích thú đến khía cạnh tâm linh. Mọi người đều có quyền có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, thế nhưng bao lâu mà chúng ta vẫn còn tìm kiếm hạnh phúc và tiếp tục sống trong xã hội này, tình thương yêu và trìu mến là điều không thể thiếu.

Ðể kết luận, tôi xin được nói rằng gốc rễ căn bản của việc tôn trọng nhân quyền và bất bạo động là lòng yêu thương , nhân ái đối với tha nhân.

 

Phải chăng bạo động là một vấn đề thuộc về con người? Là bản năng, bản tánh? Lúc nào thì một người được quyền bạo động -trong trường hợp nào thì được coi là sức mạnh?

 

Dĩ nhiên bạo động là một phần của bản tánh con người, thế nhưng bản tánh này có nhiều mặt khác nhau và tôi không tin rằng bạo động là một trong những lãnh vực quan trọng đáng kể. Lúc mới sinh ra hầu như ta u mê trước mọi chuyện, nhưng rồi theo năm tháng nhờ được học tập ta bớt dần ngu dốt. Như vậy là ta đã thay đổi tình huống ban đầu. Cũng thế, ta được sinh ra với các thói xấu như thù ghét, hung hăng gây hấn, nhưng do tập luyện ta vẫn có thể và phải thay đổi được chúng.

Câu hỏi của qúy vị đặt ra là trong trường hợp nào sự bạo động được biện minh. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng đầu tiên là ta cần phải phân biệt được sự giận dữ và thù hận. Có thể có lúc giận dữ mang khía cạnh tích cực, hữu ích trong trường hợp nó mang lại một đáp ứng nhanh chóng. Tuy nhiên nói chung tôi cho rằng giận dữ là một dấu hiệu của sự yếu đuối; lòng khoan thứ mới là dấu hiệu của sức mạnh.

 

Thế nào là tha thứ?

 

Lòng tha thứ?  Ðây là một tình cảm qúy báu, quan trọng vô cùng! Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn nhắm mắt lại và quên đi những điều xấu ác mà người ta gây ra cho bạn; bạn phải ghi nhớ chúng.  Thế nhưng do thương yêu và kính trọng tha nhân cũng như các lý do khác đã ngăn cản bản không trả đủa lại những hành vi xấu ác đó. Ðây mới là điều quan trọng.

 

Thưa Ngài, trẻ em Tây Tạng hiện nay vẫn còn tiếp tục theo đuổi việc học tập giáo lý Phật giáo hay không?

 

Có những người vẫn tiếp tục theo đuổi nhưng có người không. Tất cả đều tùy thuộc lớn lao vào khung cảnh gia đình mà chúng sinh sống.

 

Ngài có nghĩ rằng ở một mức độ nào đó thì một người Cơ Ðốc cũng giống như một người Phật tử mà thôi?

 

Vâng, có thể như thế. Có rất nhiều điều mà những người Phật tử  có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của các anh chị em Cơ Ðốc giáo. Gần đây trong một dịp viếng thăm một tu viện Thiên chúa giáo, tôi khám phá một điều là những tu sĩ ở đây có rất nhiều điểm tương đồng với Phật tử Tây Tạng. Một vài khía cạnh như sống nghèo khổ và tri túc chẳng hạn, tôi nghĩ rằng những tu sĩ này còn tỏ ra hơn hẵn các tăng sĩ Tây Tạng chúng tôi, một số có thể đang có một đời sống khá tiện nghi.  Nếu những tăng sĩ Tây Tạng có thể học hỏi được một vài điều từ các tu sĩ Cơ Ðốc, những người Cơ Ðốc giáo cũng có thể học được từ những người bạn Tây Tạng về kỹ thuật phát triển lòng từ, tình thương yêu, công phu nhất-điểm thiền định, cũng như để cải thiện lòng vị tha. Về những lãnh vực vừa nói, cũng chẳng có gì khó khăn khi vay mượn những kỹ thuật đặc biệt này của Phật giáo, như một số những người bạn Cơ Ðốc  của chúng tôi đang làm. Khi các tôn giáo khác biệt cùng ngồi lại với nhau, sẽ có rất nhiều điều người ta có thể học hỏi lẫn nhau.

 

Ngài có nghĩ rằng chủ trương bất bạo động của Ngài có thể dẫn đến sự diệt chủng nhân dân Tây Tạng?

 

Bất bạo động về lâu về dài vẫn là phương pháp đấu tranh tốt nhất, sâu sắc nhất.  Cụ thể là do lựa chọn đường lối này mà càng ngày chính nghĩa của TâyTạng càng được đông đảo nhân dân Trung quốc ủng hộ.

 

Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Ngài có những lời khuyên nào cho giới cư sĩ để họ có thể tiến bộ trong tu tập nhằm phát triển lòng từ và nhân ái?

 

Ðiều trước tiên là ta phải nhận thức được khả năng vô lượng ở trong ta. Trong Phật giáo chúng tôi gọi đó là Phật tánh hiện hữu trong mỗi cá nhân. Nhưng cho dù không bước vào lãnh vực này, đã là con người, chúng ta đều có một số tình cảm nhất định, chẳng hạn như lòng quyết tâm hoặc trí thông minh; sự kết hợp của hai yếu tố này sẽtạo nên những cống hiến đáng kể.  Ðiều quan trọng là chúng ta nên liên kết trí thông minh của mình với thiện ý. Không có trí thông minh chúng ta không thể hoàn tất bất cứ việc gì. Không có thiện ý chúng ta sẽ không biết được việc hành xử trí thông minh của mình sẽ mang lại xây dựng hay hủy diệt. Ðó là lý do tại sao điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải có thiện tâm, và đừng quên rằng những phẩm chất này là một phần trong bản tánh cơ bản của con người.

 

NGHĨA VỤ CỦA TÔN GIÁO

 

Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng sự tách biệt  giữa giáo hội và nhà nước -giữa thần quyền và thế quyền- là một điều tốt đẹp?  Ngài có nghĩ rằng một điều rất đáng khuyến khích nếu để cho  giáo hội có nhiều khả năng trong việc kêu gọi nhà nước, hoặc can thiệp một cách tích cực vào các lãnh vực tiện ích xã hội, như môi sinh chẳng hạn?

 

Nhìn trên khía cạnh kinh viện, tôi nghĩ rằng tốt nhất là nhà nước và nhà thờ hoạt động biệt lập nhau. Thế nhưng điều này không có nghĩ a là nhà thờ quay mặt lại với xã hội, không đứng trên quan điểm tinh thần để bày tỏ ý kiến của mình hoặc tích cực hoạt động trong các lãnh vực liên quan đến môi sinh, vì đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến phúc lợi của toàn thể dân chúng.

Rốt lại, mục tiêu hàng đầu của tôn giáo và sự tu tập của họ là gì nếu không là phục vụ nhân sinh. Thế nên nghĩa vụ của các nhà tôn giáo là phải dấn thân và nỗ lực góp phần giải quyết các vấn nạn xã hội. Thực tế cho thấy quả là điều rất lợi ích nếu một người biết hòa trộn những hoạt động chính trị của họ cùng với sinh hoạt tâm linh. Có lần tôi được dịp tham dự một cuộc hội nghị với các nhà chính khách Ấn. Họ đã thú nhận một cách khiêm nhượng rằng, là chính khách họ mù tịt về lãnh vực tôn giáo. Tôi đã trả lời rằng, chính trị gia phải nên là những người có tín ngưỡng hơn ai hết, do tác động của những việc làm của họ gây nên đối với xã hội. Trong thực tế, những tư tưởng của một nhà khổ tu, người cống hiến trọn đời mình cho tham thiền nhập định đã không có một tác động lớn lao đối với quần chúng. Thế nhưng sự đồi bại phát xuất từ một tâm hồn bất ổn của một chính trị gia và hậu quả xảy ra của việc làm xấu xa tai tiếng đó sẽ gây tác hại đến một số lượng lớn con người.

 

Sống giữa một xã hội truyền thông điên loạn như hiện nay, có phải là Ngài đang gặp khó khăn khi không  có nhiều thì giờ dành cho việc tu tập thiền định?

 

Bao lâu mà những chuyện tiếp xúc đối thoại xảy ra trong một bầu khí nồng ấm tình người, nó chẳng hề gây phiền nhiễu gì  cho tôi cả, trái lại tôi còn thích thú là đàng khác! Bất cứ sự trao đổi nào giữa con người với nhau mà thiếu vắng sự nồng hậu, tình người đều chẳng khác gì sự đối thoại của những cổ máy, và dĩ nhiên tôi không thích thú điều đó. Tôi thường bắt đầu một ngày làm việc của tôi rất sớm, trước khi bình minh, khoảng bốn giờ sáng. Ðó là lý do tại sao tôi thường cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào buổi chiều.

 

 

 

---o0o---

Mục lục
| Phần thứ 01 | Phần thứ 02 |
| Phần thứ 03 | Phần thứ 04 | Phần thứ 05 |

---o0o---

| Thư Mục Tác Giả |

---o0o---

Cập nhật : 01-05-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

崔红元 tiếng hát sau cánh cửa từ bi dục 一念心性 是 thien su thich nhat hanh duoc trao huan chuong 末法时代 Myanmar Ký sự mùa xuân Phần 3 Bagan tÃÆ 投影备品备件方案 moc ban kinh phat chua vinh nghiem duoc cong nhan the ในรายาใ8คมนา vn vấn đáp về việc ăn chay tịnh hóa tôn tượng hư bể sヾ 7 tÃƒÆ 关于青春的议论文 Tùy sở trú xứ thường an lạc お寺との付き合い 檀家 tấm vai tro cua gia dinh trong viec dat duoc hoa binh æ ¹æ žå ç å² å šã ç ç vì sao ăn chay cần kiêng những chất cay อาจารอเกว 位牌 文字入れ 进寺庙需要空腹吗 7 ác nghiệp đừng bao giờ làm ngÒ do con người và vì con người ๆ ภขง 證嚴上人第一位人文真善美 八卦山圖書館 7 kieu quy nhan dung bao gio de mat trong cuoc doi 河南有专属的佛教 nghệ thuật ăn trong chánh niệm nét đẹp của niệm phật nhân vía bồ tát quán thế âm 19 Ăn chay đẩy lùi độc tố Ăn mặn làm tăng huyết áp 9 地藏十轮经 cầu siêu và tạo phước để hồi 教师节的对联 Na vị thuốc hạ khí tiêu đờm 新学期新展望内容怎么写 Suối 12 cách ngăn ngừa cảm lạnh 祖国在我心中 khuyen