Vượt Khỏi Giáo Điều
(
Beyond Dogma)
Nguyên
tác: His Holiness Dalai Lama
Việt dịch Tâm Hà Lê Công Đa
---o0o---
PHẦN THỨ NHẤT
NHỮNG QUÁN TƯỞNG VỀ TÂN THIÊN NIÊN KỶ
Hôm nay tôi lại được nhìn thấy một số khuôn
mặt quen thuộc cũ tuy nhiên đây cũng là lần đầu tiên tôi hân hạnh gặp gỡ
đa số qúy vị. Ðiều này cũng chẳng có gì quan trọng bởi vì đi bất cứ nơi
đâu tôi cũng luôn luôn có cảm giác là được gần gũi những con người giống
như chính bản thân tôi. Hiển nhiên chúng ta đều là những con người trọn
vẹn với ý nghĩa của nó, đặc biệt là khi khuôn mặt chúng ta rạng rỡ những
nụ cười nói lên những cảm tình chân thật của một con người. Tôi đã nhìn
thấy những cảm xúc chân thành đó trên hầu hết những khuôn mặt của mọi
người và cho tôi được hân hạnh chia xẻ cùng qúy vị. Cảm giác thân thiện
này luôn luôn tràn ngập tâm hồn tôi cùng với ý thức về tính cách nhất
thống của nhân loại. Thái độ suy nghĩ này theo tôi, rất là quan trọng bởi
vì nó giúp ta nhận ra và chia xẻ những vấn nạn, khổ đau của tha nhân.
Mặc dù nhìn nhân loại như một tổng thể
nhưng ta phải công nhận rằng không phải là không có những yếu tố làm chia
cách chúng ta chẳng hạn như tín ngưỡng, phong tục tập quán, ngôn ngữ, và
văn hoá. Tuy rằng tính cách đa dạng này có thể làm cho cuộc sống phong phú
thêm nhưng chúng ta cũng đừng nên quá đặt nặng vào nó vì không khéo sẽ làm
tổn thương đến tính cách thống nhất của con người hoặc để rồi phải đối đầu
với những vấn nạn vô nghĩa.
Hơn lúc nào hết, thế giới hôm nay đang trên
đà gia tăng dân số và sự tiến bộ trên lãnh vực truyền thông làm cho chúng
ta trở nên gần gũi với nhau, sự sống còn của nhân loại vì thế phần nào dựa
trên mối quan hệ hổ tương giữa những con người. Ðó là lý do tại sao mà hơn
lúc nào hết, bây giờ chúng ta phải nhìn nhân loại như một thực thể duy
nhất. Những vấn nạn mà chúng ta hiện đang đương đầu đã vượt ra khỏi tầm
vóc của cá nhân hay quốc gia. Chúng ta chỉ có thể giải quyết nó bằng nỗ
lực của tinh thần chia xẻ trách nhiệm chung.
Thái độ tinh thần của chúng ta có vẻ như
hoàn toàn không đáp ứng với những nhu cầu khẩn thiết hiện nay. Bởi thế tốt
nhất là chúng ta cần phải nắm vững thực tại để có thể chuẩn bị cho mình
một thái độ tinh thần, nếp sống, sinh hoạt tương xứng.
NHỮNG SUY NGHĨ VỀ XÃ HỘI HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI CỦA THẾ GIỚI
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Ngài có ưu điểm là đang sống gần gũi với cả
hai giá trị Tây phương lẫn Ðông phương, một bên được gọi là những xã hội
tiện nghi hưởng thụ còn một bên là những xã hội mang tính bảo thủ truyền
thống. Cả hai hiện đang ở giữa một cuộc khủng hoảng đạo đức chưa từng thấy.
Xin được nghe ý kiến của Ngài về vấn đề này mà chúng tôi nghĩ là những lời
khuyên sẽ mang đến rất nhiều lợi lạc. Chúng tôi cũng rất muốn biết cảm
tưởng của Ngài về tương lai của thế giới mà chúng ta đang sống. Tuy nhiên
trước tiên, nếu có thể được, xin Ngài vui lòng phác thảo ra những nét
chính về triết học Phật giáo để chúng tôi dễ dàng trong việc theo dỏi dòng
tư tưởng của Ngài.
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình là người
có khả năng đưa ra những lời khuyên bảo có thể giúp cho những ai đang
gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cho mình một giải pháp thoát khỏi những
khổ đau tinh thần hay bất cứ những khổ đau nào khác. Ngay chính bản thân
tôi, đôi khi cũng cảm thấy mình hoang mang, băn khoăn, lo lắng kể cả những
lúc chính mình phải trực diện với những xung đột nội tâm. Tuy nhiên, tôi
nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau chia xẻ những quan điểm
khác biệt cũng như những kinh nghiệm cá nhân đa dạng cuả chúng ta.
Tôi thường có thói quen nhấn mạnh đến tầm
quan trọng của hạnh phúc và sự thành đạt, mà tôi tin rằng đó chính là cứu
cánh của đời người. Thí dụ,ï một người tự chọn bước vào một cuộc hành
trình tâm linh bằng tất cả nỗ lực phi thường, thách đố mọi khó khăn gian
khổ không phải chỉ với một mục đích đơn giản là để được trở thành một kẻ
tử vì đạo, mà chắc chắn là họ hy vọng tìm kiếm cho mình một niềm hạnh phúc
lâu dài. Ðể đạt được mục đích này, họ có thể đã không thèm quan tâm tới
những phúc lợi cá nhân trong đời sống hiện tại. Cho nên theo tôi, cách
thức mà chúng ta suy nghĩ rất là quan trọng trong việc tìm kiếm hạnh phúc.
Chính thái độ tinh thần cuả chúng ta mới là một trong những yếu tố hàng
đầu trong việc kiếm tìm hạnh phúc.
Quán chiếu và phân tích sự việc một cách có
luận lý sẽ giúp chúng ta phát triển một lối tư duy đúng đắn. Nếu tâm hồn
chúng ta càng rộng mở càng thư giản chừng nào, chúng ta sẽ càng dễ dàng có
một cái nhìn chính xác về sự vật chừng ấy. Nó cho ta hai lợi điểm. Nếu ta
để cho tâm hồn ta mở ngỏ, trước tiên nó sẽ làm cho ta thanh thản, thoải
mái với chính mình. Và như vậy, một khi tầm nhìn của chúng ta không còn bị
hạn chế, ta sẽ rất dễ dàng tìm ra cho mình những giải đáp trước những vấn
nạn, khó khăn.
Chúng ta là những con người sống trên trái
đất này cùng với vô vàn những con người khác, hạnh phúc của chúng ta quan
hệ mật thiết với hạnh phúc của đồng loại. Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng
hạnh phúc của cá nhân tách rời, không lệ thuộc với hạnh phúc của người
khác. Cho nên một điều chắc chắn rằng nếu chúng ta khát khao hạnh phúc cho
chính mình, chúng ta cũng phải quan tâm một cách sâu xa đến hạnh phúc của
toàn thể nhân loại. Ðó là lý do tại sao tôi thường hay nhấn mạnh đến sự
quan trọng của việc triển khai mộït ý thức trách nhiệm phổ quát cho tương
lai.
Trong tôn giáo của chúng ta, trong những
lời nguyện cầu của chúng ta thường hay nói đến “phúc lợi của toàn thể nhân
loại” hoặc “hạnh phúc của con người”. Thế nhưng khi tôi nói đến sự cần
thiết của một trách nhiệm phổ quát, nó không phải chỉ đơn thuần là một lý
tưởng tôn giáo mà là một thực tế bao hàm cả hai mặt hành động và dấn thân
tham dự.
Những thay đổi lớn lao của thời đại đã làm
biến đổi khuôn mặt của thế giới, đặc biệt là trong lãnh vực truyền thông
giữa con người. Hãy lấy Tây Tạng và những dân tộc quanh vùng Hy Mã Lạp sơn
làm thí dụ. Ðã có một thời người ta có thể sống một cách biệt lập trên
những vùng núi non cao thẳm. Tuy nhiên, tình huống này đã không còn xảy ra
trong một thế giới lắm đổi thay, cho dù ngay cả chúng tôi muốn sống biệt
lập, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.
Bây giờ xin mời qúy vị hãy cùng tôi nhìn
phớt qua khía cạnh phát triển kinh tế. Thật khó mà tưởng tượng nổi rằng
trong thời đại hôm nay lại có một quốc gia hay một lục địa sống hoàn toàn
dưới một chế độ chuyên chế. Một điều rõ ràng rằng, không những các quốc
gia đơn thuần mà ngay cả những châu lục cũng phải sống nương tựa vào nhau
trên bình diện kinh tế.
Rồi đến lãnh vực trao đổi thông tin và kiến
thức, khoảng cách không gian đã không còn là một chướng ngại, vấn đề
truyền thông chung quanh trái đất này bây giờ chỉ diễn ra trong vòng nháy
mắt. Lúc còn trẻ, Ấn Ðộ và Trung Quốc đối với tôi quả thật là xa xôi diệu
vợi, bởi vì phải tốn cả tháng trời mới có thể đi đến đó được. Bây giờ thì
chỉ cần vài tiếng đồng hồ là người ta có thể đi từ Ấn Ðộ đến AÂu Châu hay
từ AÂu Châu đi Mỹ quốc. Dĩ nhiên những cuộc hành trình bằng máy bay này có
thể làm cho chúng ta mệt mỏi nhưng nó khẳng định một điều rằng phía bên
kia trái đất đang nằm ở trong tầm tay với của chúng ta. Thế giới ngày càng
trở nên nhỏ bé và mỗi phần của nó lại phải nương tựa vào những phần khác.
Hãy lấy thí dụ về lãnh vực môi trường, một quốc gia riêng lẻ, cho dù là
một siêu cường đi nữa cũng không thể nào một mình tự giải quyết được những
vấn nạn lớn lao về môi trường, như là sự xói mòn tầng ô-dôn chẳng hạn.
Thực tế hôm nay cho thấy trái đất của chúng
ta trở nên nhỏ bé hơn và tất cả mọi người, tất cả mọi quốc gia đều phải
sống nương tựa chặt chẽ vào nhau. Thế nhưng về mặt tâm linh, về mặt tinh
thần có vẻ như chúng ta chưa được chuẩn bị để theo kịp với thực tế cho nên
đã không hòa điệu được với khuynh hướng phụ thuộc ngày càng gia tăng. Từ
không gian nhìn xuống trái đất, có ai thấy được những biên giới chia cắt
các quốc gia? Chắc chắn là không! Cũng thế, nếu ta quán tưởng sâu xa về sự
phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng trên trái đất, những vấn nạn nhỏ bé
cục bộ của chúng ta sẽ mất đi sức nặng và từ đó chúng ta sẽ bắt đầu nhìn
sự vật trong tính toàn cầu, trong khái niệm chung của con người muôn thuở.
Trong ý nghĩa đó, khái niệm về “anh” và
“tôi” đã mất đi tính ưu tiên của nó, và khi ta nhận thức rõ điều này, dòng
tư tưởng sẽ tự động dẫn ta đến một cảm giác sâu xa hơn về một ý thức trách
nhiệm đối với điều thiện phổ quát. Thế cho nên, ta càng dính dấp vào những
chuyện mang tầm vóc thế giới nói chung, ta càng cảm thấy bình yên hơn,
hạnh phúc hơn trong đời sống cá nhân. Ðiều đó cũng có nghĩa là nếu ta biết
chăm sóc đến tha nhân, quan tâm đến phúc lợi của người khác chừng nào, ta
sẽ bớt dần đi những thói xấu ganh tỵ, kiêu căng, độc ác chừng ấy. Không
nghi ngờ gì nữa, những thói xấu đó cọng với tinh thần cạnh tranh ganh đua
đã làm cho chúng ta sống không hạnh phúc trong mỗi ngày qua. Thế nhưng khi
ta quan tâm đến phúc lợi của mọi người như là của chính chúng ta, tự
nhiên ta sẽ cảm thấy một niềm an lạc lớn lao tràn ngập tâm hồn.
Cách đây chẳng bao lâu, thế giới này đã bị
phân chia thành hai khối, Ðông và Tây. Sự phân cách này đặt căn bản trên ý
thức hệ chính trị hơn là kinh tế. Một khi mà vũ khí nguyên tử của phe này
nhắm vào phe kia, người ta không thể nói đến chuyện trợ giúp nhau mà phải
nhìn thẳng vào thực tiễn thế giới trên căn bản của khái niệm “anh” và “tôi”,
của “chúng ta“ và “họ“. Như thế đó, thế giới đã bị chia cách bởi ý thức
hệ và quyền lực. Ðể tự bảo vệ mình, hai phe sẵn sàng chấp nhận nguy cơ bị
tiêu diệt bởi một trận chiến nguyên tử. Trong những tình huống như vậy,
những suy nghĩ của chúng ta không thể không bị đóng khung trong ý niệm
cái này là của chúng tôi, cái kia là của họ. Nhưng bây giờ kỷ nguyên đó có
thể đã qua rồi, chúng ta mường tượng đang bước vào một trật tự thế giới
mới.
Mấy năm trước đây, trong dịp hội kiến với
Tổng thống Bush tôi có phát biểu rằng trật tự thế giới mới sẽ là một điều
rất tuyệt vời nếu được kết hợp với tinh thần từ bi. Nếu không có từ bi,
tôi sợ rằng nó sẽ không thể thành công. Chúng ta đang bước vào một thời
điểm rất thuận lợi và quan trọng của lịch sử thế giới. Ðây là lúc mà chúng
ta có cơ hội để ngồi lại làm việc cùng nhau cho những mục tiêu tốt đẹp của
nhân loại.
Khi ta suy nghĩ về một ý thức trách nhiệm
chung và có một cái nhìn về lâu về dài về mọi chuyện, vấn đề kiểm soát
sinh sản trở nên cần thiết. Trên quan điểm của người con Phật, sự hiện hữu
của con người là một điều vô cùng qúy giá, thế nên, việc ngăn ngừa sinh
sản có vẻ như không được đúng đắn. Tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đối
đầu với tình trạng quá tải về dân số mà thế giới có thể chịu đựng, thế nên
khi có sự chọn lựa giữa một bên là sự sống còn của nhân loại và một bên
chỉ là một số lượng nhỏ của những kẻ sắp ra đời, hiễn nhiên, chuyện kiểm
soát sinh sản là một điều cần thiết. Nhưng tôi cũng cần phải nhấn mạnh ở
đây là, biện phápï kiểm soát phải mang tính cách bất bạo động.
Những biến chuyển của tình hình thế giới đã
đưa đến việc tiết giảm, kể cả hủy bỏ các loại vũ khí nguyên tử, một điều
mà ai cũng thấy là rất tuyệt vời. Việc giải trừ quân bị là một điều cần
thiết. Tất cả các loại vũ khí hiện có nên được tiết giảm từng loại một, từ
các loại vũ khí của chiến tranh quy ước, đến chiến tranh hóa học cũng như
vũ khí nguyên tử. Thực tế cho thấy việc ngưng sản xuất vũ khí có thể gây
nên những vấn nạn trầm trọng cho nền kinh tế và kỹ nghệ. Tuy nhiên những
khó khăn đó tôi nghĩ là không đáng giá so với phúc lợi chung của nhân loại,
ta nên từ bỏ nó trong khi kiếm tìm một giải pháp khác để giải quyết vấn đề.
Những khác biệt về truyền thống tôn giáo
cũng là một khía cạnh quan trọng trong thế giới này và tôi tin chắc rằng
đa tôn giáo là một điều vô cùng cần thiết. Ta không chối cãi rằng những
tôn giáo khác nhau đã đưa ra những quan điểm siêu hình khác biệt, tuy
nhiên một điều rất rõ ràng là những thông điệp căn bản của các tôn giáo
chính đều rất giống nhau. Với những điều kiện thuận lợi hiện có, ta hãy
học hỏi để có thể làm việc cùng nhau, sống với nhau trong tinh thần hòa
điệu.
Chiến tranh lạnh đã là sản phẩm của quá khứ,
cuộc đối đầu giữa Ðông và Tây không còn nữa. Tuy nhiên vẫn còn một khoảng
cách không thể lấp bằng trong vấn đề phát triển kinh tế giữa Bắc và Nam.
Sự chênh lệch đáng kể về kinh tế đã tạo nên những vấn nạn lớn lao cho các
quốc gia mở mang. Trên quan điểm đạo đức, sự cách biệt về mức sống đã là
điều khó chấp nhận, nó lại còn mang thêm những khó khăn cho các quốc gia
phát triển mà hậu quả cụ thể là sự di dân hàng loạt của các công nhân từ
các xứ nghèo của Phi Châu, Trung Ðông, Viễn Ðông đổ xô đến Pháp, Ðức để
tìm kiếm công ăn việc làm.
Trong những giải pháp mà người ta có thể
hình dung ra để giải quyết vấn đề như từ chối không cho nhập cảnh, trục
xuất những người di dân đều không bền vững. Hơn thế nữa, đó không phải là
một giải pháp dài hạn. Phương cách hay hơn hết là làm sao tạo ra được công
ăn việc làm tại những quốc gia nghèo nhằm mục đích khuyến khích và nâng
cao mức sống của người dân địa phương để họ không còn tìm cách di dân đi
nơi khác với hy vọng kiếm tìm một đời sống tốt đẹp hơn.
Chắc chắn là một số quốc gia thời hậu Cộng
sản hiện đang phải đối đầu với một số khó khăn lớn lao nhưng tôi nghĩ là
họ có nhiều tiềm năng để thành công về mặt kinh tế hơn là một số quốc gia
khác. Các quốc gia ở vùng Viễn Ðông, Trung quốc, Ấn độ cũng thế. Vùng đất
gặp nhiều khó khăn nhất, theo tôi là Châu Phi, một lục địa bao la với
những khó khăn chồng chất. Cách đây không bao lâu tôi có dịp viếng thăm
Gabon, nơi mà trước đây nhà bác học Abert Schweitzer đã từng sinh sống.
Abert Schweitzer là một người Pháp, một con người vĩ đại đã chứng tỏ một
tinh thầnï can đảm phi thường trong việc phục vụ những người nghèo khổ,
những người cần được trợ giúp. Nếu muốn cái hố ngăn cách giữa Nam và Bắc
ngày càng thu hẹp, hơn ai hết những nỗ lực chính phải đến từ những người ở
phía Nam. Những quốc gia giàu có có thể cống hiến những trợ giúp nhưng
đồng thời dân chúng tại các quốc gia nghèo hơn cũng phải đứng ra tự gánh
vác trách nhiệm cho chính vận mệnh của họ.
Một sự kiện bất hạnh và đáng tiếc khác là
ngay tại chính trong lòng các quốc gia phát triển cũng hàm chứa một sự
phân cách lớn lao. Thành phần ưu đãi tuy chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong
xã hội nhưng lại nắm hết toàn bộ tài nguyên quốc gia trong khi đại đa số
quần chúng còn lại đều là những kẻ vô sản. Quả là một điều rất đáng tiếc.
Tuy không phải là một chuyên gia về các vấn đề Phi Châu, nhưng trong
chuyến thăm viếng vừa qua, điều đập vào mắt tôi trước tiên là ở đây đang
cần một nhu cầu căn bản, đó là học vấn, giáo dục. Thật khó mà tưởng tượng
là chỉ nội trong một quốc gia cũng đã bị phân chia manh mún ra thành từng
sắc dân, bộ lạc, nói những ngôn ngữ khác nhau. Ðiều này tạo ra thêm nhiều
vấn nạn mà ngay cả cá nhân tôi tôi cũng không biết phải giải quyết như
thế nào. Ðối phó với tất cả những vấn đề nan giải đó, chắc là người ta
phải khẩn cầu Trời Phật che chở!
Khi đề cập đến một số vấn đề quốc tế, tôi
thường phát biểu với thân hữu: “Qúy vị đang sống trong các quốc gia dân
chủ,đang hành xử quyền dân chủ mà ai cũng thấy là rất tuyệt diệu và cần
thiết. Thế nhưng, ngay tại xứ mình thì quý vị áp dụng nó một cách trân
trọng như vậy nhưng hiếm khi thấy qúy vị đem những nguyên tắc này ra sử
dụng trong các quan hệ quốc tế!”
Một số các nhà tư duy khoa học nay cho
rằng đã đến lúc không còn nên phân biệt giữa hai phạm trù đối nội và đối
ngoại nữa; chúng ta bây giờ đã là thành viên của một đại gia đình, tất cả
đều bình đẳng như nhau, thế nên những vấn đề chung của cả thế giới cũng
nên được xem như là những vấn đề “nội bộï” cả. Tôi nghĩ rằng đây là một
cái nhìn rất thoáng và cao quý. Ðem áp dụng tinh thần này vào thực tiễn,
chúng ta sẽ giải quyết được một số vấn nạn chung.
Bây giờ hãy nói đến chuyện viện trợ cho các
Quốc Gia Thứ Ba, người ta luôn luôn áp đặt lên đó một số điều kiện hoặc là
một số giới hạn để tìm cách hạn chế nó. Quan niệm về viện trợ như vậy tự
nó đã bị hạn chế vì chúng ta đã đặt ưu tiên trên chính quyền lợi của quốc
gia mình, vì vậy đã tạo nên những chướng ngại cản trở cho việc điều hành
một cách êm đẹp ngay giữa các quốc gia với nhau. Những giới hạn này phải
nên được hủy bỏ, thay vào đó là thiện ý chính trị. Mà muốn đạt đến mục
tiêu của thiện ý chính trị,ta không thể không xây dựng trên căn bản của
tình nhân đạo, trên những nguyên tắc đạo đức vững chắc, đó là lòng vị tha
và ước muốn tạo phúc lợi cho con người, cởi bỏ bớt cho họ những gánh nặng
khổ đau.
Nếu thiện ý chính trị được đặt nặng trên
những nguyên tắc này, tôi tin chắc rằng nó sẽ là một khí cụ lợi hại. Nhà
chính trị không phải từ trên trời rơi xuống. Họ cũng không phải sinh ra từ
không gian mà là một sản phẩm của xã hội, như chúng ta vậy. Nếu trong một
xã hội mà toàn thể dân chúng đều chung hưởng một nền đạo đức luân lý cao
qúy tốt đẹp, nhà chính trị được sản sinh ra từ xã hội này chắc chắn không
thể không kính trọng những giá trị đó. Ngược lại, một xã hội không được
xây dựng trên một nền tảng đạo lý, những thành viên của nó không hề tôn
trọng bất kỳ giá trị đạo đức nào ngay cả cho chính mình, thì quả là điều
phi lý khi họ lại lên tiếng phê phán những nhà chính khách của mình.
Một số người thường tự động liên hệ giữa
đạo đức cùng một số nguyên tắc, lòng vị tha chẳng hạn, xem đó là cái nhìn
thế giới dưới chiếc kính màu tôn giáo. Lối suy luận đó hàm chứa rằng tất
cả tín đồ của mọi tôn giáo đều tuân thủ một số tiêu chuẩn đạo đức, còn
những ai không có tín ngưỡng cho dù có chấp nhận những nguyên tắc đạo đức
này đi nữa họ cũng vẫn là những kẻ vô dụng, vô tích sự. Thật là một lầm
lẫn lớn khi người ta tin rằng đạo đức chỉ là một phó sản của tôn giáo. Ta
có thể hình dung ra hai loại người có đời sống tinh thần: loại thứ nhất là
những người gắn chặt cuộc đời họ với niềm tin tôn giáo, trong khi loại thứ
hai là những người được sinh ra bình thường như mọi người, sống với tình
cảm giản đơn như yêu thương người láng giềng, sẵn sàng giúp đỡ, cư xử tốt
với họ. Ðây cũng là loại người có đời sống tinh thần vậy. Tin theo tôn
giáo là một điều tốt, thế nhưng con người vẫn có quyền sống mà không theo
bất cứ một tín ngưỡng nào. Tuy nhiên nếu không có những phẩm chất đạo đức
căn bản của con người, nếu không nuôi dưỡng sinh hoạt tâm linh cho đời
sống thế tục, cá nhân sẽ không bao giờ có được một cuộc sống hạnh phúc và
họ rất dễ dàng trở thành một tai họạ cho xã hội.
Bây giờ chắc sẽ có người hỏi, vậy thì cái
gì được xem là phẩm chất đạo đức căn bản? Tôi có thể trả lời ngay mà
không cần suy nghĩ, đó là sự ân cần chăm sóc đến kẻ khác, đó là lòng
thương yêu trìu mến trong mỗi con người. Bản chất yêu thương xuất hiện
ngay từ những ngày đầu tiên khi ta hiện hữu trên trái đất này. Hãy nhìn
một bà mẹ chăm sóc đứa con của mình: tình thương yêu qủa là rất tự nhiên.
Nếu không có tình cảm này có lẽ bà mẹ đã không cho con bú và có lẽ bà ta
cũng sẽ không có cả sữa. Ðứa trẻ cũng thế, nó tìm đến vú mẹ một cách tự
nhiên, rồi được nâng niu với tất cả những ân cần thương yêu từ người mẹ,
nếu không được như thế chắc là đứa trẻ đã không rúc vào vú mẹ.
Như vậy đó, tình cảm ân cần thương yêu được
biểu hiện ngay từ thuở đầu đời và đó chính là phần cốt lỏi của bản chất
con người. Không có tôn giáo nào hướng dẫn ta, không có luật pháp nào bắt
buộc ta và cũng không có trường học nào dạy ta về cái tình yêu thương tự
nhiên này. Tình cảm yêu thương đó đã xuất hiện cùng một lúc với thể xác
ngay từ khi ta mới chào đời. Ðó là một đặc tính bẩm sinh của con người.
Ngay từ ngày đầu tiên, đời sống của ta đã được đánh dấu bởi tình thương
yêu đối với tha nhân và qủa thật là một điều cần thiết để bảo tồn cái bản
chất tự nhiên đó của nhân loại qua suốt kiếp người.
Ðó là lý do tại sao mà tôi thường hay bảo
lưu quan điểm của mình cho rằng bản chất của con người là yêu thương, là
nhân chi sơ tính bổn thiện! Nếu chúng ta sống một cách tử tế phù hợp với
bản chất yêu thương tự nhiên, chắc chắn ta sẽ gặt hái được rất nhiều lợi
lạc, không phải chỉ riêng cho chính bản thân mình mà cho cả xã hội mà ta
đang sống. Ðối với tôi, cái tình cảm yêu thương trìu mến này có thể được
xem như là một thứ tín ngưỡng phổ thông. Mọi người đều cần đến nó. Những
người có đức tin cũng như những người không đức tin. Những đức tính tốt
đẹp này chính là nền tảng căn bản của đạo lý.
Nếu qúy vị đồng ý với những gì mà tôi vừa
phát biểu về lòng thương yêu vị tha này, xin hãy đón nhận nó như là một
phần của qúy vị, càng nhiều càng tốt. Ngược lại, nếu suy nghĩ theo một
hướng khác, tôi e rằng quý vị sẽ phải sống triền miên trong những nỗi giận
dữ. Nhưng mà chuyện đó đâu có gì quan trọng, mọi người tự do mà!
Xin cảm ơn toàn thể qúy vị. Ðó là tất cả
những gì mà tôi muốn trình bày hôm nay.
Những phát biểu của Ðức Ðạt Lai
Lạt Ma đã làm chúng ta ý thức được tầm quan trọng trong lãnh vực tư duy
của một nhà khoa học nhân văn cần nên có. Là một bác sĩ y khoa, tôi đang
chuẩn bị một số câu hỏi có thể làm đề tài cho các cuộc thảo luận khác liên
quan đến sinh học và đời sống tâm linh của nhân loại trong tương lai. Hiển
nhiên là tôi đã phác thảo những câu hỏi này trong khung cảnh của nền tôn
giáo độc thần đang chế ngự phương Tây -Do thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi
giáo.
Những tiến bộ gần đây trên các
lãnh vực y khoa, sinh học, di truyền học đã cho con người khả năng sao
chụp lại một cách không hạn định cùng một sinh thể, nghĩa là khả năng tái
tạo, nhân giống mọi sinh vật để có thể cùng mang những đặc tính chung về
thể chất lẫn tinh thần, tức là người ta có thể ấn định trước được cung
cách, thái độ sống cuả chúng. Trong tương lai, qua sự can thiệp trực tiếp
vào việc truyền sản, chúng ta có khả năng tạo ảnh hưởng lên các thế hệ mai
sau, ấn định số lượng cũng như bản sắc của mọi cá nhân. Trong rất nhiều
năm, phôi bào của súc vật và có thể cả bào thai của con người sẽ là đối
tượng để nghiên cứu thí nghiệm về lãnh vực này.
Căn cứ vào những thí nghiệm như
thế -thường được các cơ quan truyền thông tường trình đầy đủ- thưa Ðức Ðạt
Lai Lạt Ma, Ngài tin rằng vào thời điểm nào trong quá trình thụ thai của
sinh vật bắt đầu hàm chứa những hạt mầm tinh thần hay dấu hiệu thiêng
liêng của sự sống?
Phật giáo quan niệm rằng ý thức xâm nhập
vào sinh vật ngay từ phút giây đầu tiên của sự thụ thai, bởi lẽ đó mà phôi
bào vẫn được coi như là một sinh vật. Cho nên chúng tôi xem hành động phá
thai cũng giống như việc cướp đi sự sống của một con người và dĩ nhiên đây
không phải là một việc làm chánh đáng. Ðó là lý do giải thích tại sao
chúng tôi đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc sử dụng phương thức bất
bạo động trong việc kiểm soát sinh sản. Tuy nhiên không phải là không có
những trường hợp miễn trừ. Ví dụ như trường hợp người ta biết chắc rằng
đó là một quái thai hay sinh mạng của người mẹ bị hăm dọa chẳng hạn. Dĩ
nhiên tôi phát biểu trên quan điểm của một người Phật tử. Bất cứ hành động
nào ta cũng phải nên cân nhắc giữa tốt và xấu, giữa lợi và bất lợi. Tựu
trung điều quan trọng vẫn là ý hướng và động cơ thúc đẩy đằng sau hành
động đó.
Còn vấn đề vận dụng ngành di
truyền học thì sao, thưa Ngài, -đây là một viễn tượng đã trở thành cụ thể-
phải chăng khi người ta có thể thay đổi được những quy luật liên quan đến
thân phận con người, nhân loại đã cướp quyền tạo hóa?
Người ta có thể đi sâu vào việc vận dụng
ngành di truyền học để cải thiện thể chất con người, não bộ, v.v...
Phật giáo không quan niệm về một đấng Tạo
hóa cho nên vấn nạn này được nhìn dưới một lãnh vực khác, đó là nghiệp,
tức là những tác hành xảy ra từ những kiếp trước cùng với những hậu quả
gây ra bởi những tác hành này. Cho nên nếu một người là đối tượng của sự
vận dụng của ngành di truyền học thì đó chỉ là kết quả gây ra do những
việc làm của họ trong quá khứ mà thôi. Một khi chúng ta nhận thức được
cái chuổi nguyên nhân và hậu quả, chúng ta cần phải quan tâm đến cái kết
quả thiện hay ác gây ra do sự vận dụng nói trên. Ví dụ, nó có mang lại cho
ta những kết quả khích lệ nào không trên phương diện trị liệu?
Nhưng rồi việc này lại đẻ ra một vấn nạn
khác: để tìm hiểu xem nó mang lại xấu hay tốt cho nhân loại ta lại cần
phải thí nghiệm. Và như thế, con người một lần nữa trở thành những con vật
thí nghiệm. Vấn đề này làm cho vấn nạn càng trở nên phức tạp, nan giải.
Người Phật tử quan niệm rằng thí nghiệm trên súc vật cũng không khác gì
trên con người và khó mà chấp nhận những chuyện như vậy.
Mục tiêu của việc nghiên cứu
ngành di truyền học là nhằm giảm thiểu những bệnh tật và khổ đau của nhân
sinh. Nếu Ngài cho rằng khổ đau là một phần tất nhiên của thân phận con
người, tại sao ta lại không nghĩ rằng bằng vào những nỗ lực thí nghiệm
trên một số ít người, ta hy vọng sẽ giải phóng nhân loại ra khỏi khổ đau?
Thật khó mà trả lời. Nhưng tôi xin phép
được hỏi qúy vị: Qúy vị có tin tưởng rằng với sự vận dụng ngành di truyền
học, mai đây con người sẽ trở nên bất tử? Tôi nghĩ việc đó khó khăn lắm.
Trước tiên tôi không chắc đó là
điều người ta cố gắng muốn vươn tới.
Có hay không, tôi thật tình không biết. Giả
dụ như điều đó có thể xảy ra thì rồi đến một lúc nào đó người ta cũng phải
tìm biện pháp ngăn ngừa sự sinh sản nếu không muốn gánh lấy hậu qủa trầm
trọng của sự gia tăng dân số. Mặt khác nếu giả dụ như ta có khả năng chấm
dứt sự sinh sản và cái chết của con người cùng một lúc, thì ta cũng phải
thiết định và giữ gìn một trạng thái quân bình nào đó bởi vì nếu thất bại
thì quả là một đại họa.
Hãy để cho tôi trở lại câu hỏi.
Trong triết thuyết của các tôn giáo độc thần, sự khổ đau thường được quan
niệm như là một phương tiện dẫn đến sự cứu rỗi. Còn Phật giáo thì sao thưa
Ngài?
Tôi nghĩ rằng Phật giáo cũng quan niệm
tương tự. Bằng quan sát và quán chiếu về nỗi khổ đau của con người, ta
mong muốn được giải phóng khỏi những nỗi khổ đau ấy.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, tôi xin
phép được hỏi Ngài về những liên hệ giữa Tây Tạng và Trung Quốc. Có vẻ như
Ngài rất tin tưởng rằng Tây phương sẽ tạo áp lực lên Trung quốc về vấn đề
này. Ngài có thể tin được chuyện là Tây phương chịu hy sinh một thị trường
lớn với hàng tỉ khách hàng để bảo vệ cho nền độc lập tự trị của vài triệu
người dân Tây Tạng? Có phải là điều quan trọng hơn, hiệu qủa hơn, về lâu
về dài, là nên tạo một ảnh hưởng tinh thần lên Trung quốc thay vì cứ mãi
chống đối họ? Ngài có nghĩ rằng diễn tiến phát triển kinh tế tại Trung
quốc có thể đi song hành với sự tồn tại của hệ thống chính trị? Ngài có
nghĩ rằng những giá trị tinh thần của Tây Tạng sẽ cưỡng chống lại những
tiến bộ kinh tế do Trung quốc mang lại? Có phải là sự phát triển của nền
kinh tế Trung quốc mang lại mối hiểm họa lớn nhất cho Tây Tạng?
Suốt mười bốn năm qua chúng tôi đã cố gắng
thảo luận một cách nghiêm chỉnh với Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng, thế
nhưng cho dù nhiều lúc đã phải xuống nước đối với họ, những nỗ lực của
chúng tôi cũng chưa đi đến đâu cả. Thế cho nên một điều rất rõ ràng là,
những áp lực của cộng đồng quốc tế quả là điều vô cùng cần thiết. Từ những
kinh nghiệm riêng của chúng tôi cho thấy những nỗ lực của chúng tôi không
mang lại kết quả cụ thể chúng tôi càng thấy sự quan trọng của áp lực quốc
tế. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn trông cậy mọi
chuyện vào người khác.
Lý do mà chúng tôi chọn lựa đường lối bất
bạo động, cho dù bị chỉ trích, là vì chúng tôi tin rằng cuối cùng vẫn phải
có một giải pháp giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Một giải pháp như thế chỉ có
thể thành tựu một cách trực tiếp giữa hai quốc gia mà thôi. Sự hỗ trợ của
nhân dân Trung Quốc, đặc biệt thành phần trí thức, sẽ là một yếu tố vô
cùng cần thiết. Ðó là lý do giải thích tại sao chúng tôi theo đuổi phương
thức bất bạo động ngay từ lúc khởi đầu cho dù phải chấp nhận những khó
khăn. Bằng cách này tôi nghĩ là càng ngày càng có nhiều người Trung quốc,
trong cũng như ngoài nước, bắt đầu quan tâm và có cảm tình với cuộc tranh
đấu của chúng tôi. Có nhiều người Trung quốc đã lên tiếng cảm ơn chúng tôi
khi chọn lựa phương thức này. Dù gì đi nữa, tôi nghĩ rằng chọn lựa phương
thức thương thảo để giải quyết vấn đề là một hành động mang giá trị tinh
thần.
Trong mười bốn năm qua, tôi cũng đã chứng
kiến những phái triển kinh tế đáng kể tại Trung quốc, ta phải mang ơn cho
sự giải phóng hệ thống kinh tế đó. Tuy nhiên trên bình diện chính trị, đã
không có một chút nhỏ thay đổi nào, không có một chút nhỏ cải thiện nào.
Tôi nghĩ rằng về lâu về dài, sự giải phóng kinh tế sẽ mang lại sự giải
phóng chính trị.
Bây giờ nhìn vào xã hội Trung Quốc ta sẽ
thấy rằng nó được hình thành bởi ba giai tầng khác nhau. Trước hết là
thành phần lãnh đạo và những người trung thành với đảng Cộng sản . Kế đến
là thành phần trí thức, sinh viên học sinh và sau rốt là đám đông quần
chúng. Nếu chúng ta chịu khó phân tích mối quan tâm chính của từng giai
tầng, ta thấy rằng thành phần thứ nhất chỉ nghĩ đến quyền lực và cách thế
để cai trị đất nước. Những người lãnh đạo đảng Cộng Sản luôn luôn muốn bám
vào quyền lực bằng mọi giá và sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện cho mục
tiêu này. Ðều đó đã được chứng tỏ rõ ràng qua vụ Thiên An Môn.
Thành phần thứ hai là một nhóm thiểu số có
ảnh hưởng mà mục tiêu cuối cùng của họ là xây dựng một thể chế dân chủ tại
Trung Quốc. Còn thành phần thứ ba, quần chúng, họ chỉ quan tâm đến đời
sống thiết thực hàng ngày, mức sinh hoạt, cái ăn cái mặc, chỗ ở, chiếc xe
đạp hoặc cao hơn, chiếc xe gắn máy, cái tủ lạnh, cái máy giặt... Tôi nghĩ
là họ chẳng thèm quan tâm đến việc đất nước có dân chủ hay không. Việc
phát triển kinh tế do đó tạo thêm niềm tin cho nhóm thứ nhất và thứ ba,
đặc biệt nhóm thứ ba sẽ cảm thấy thỏa mãn về chuyện này. Nhóm thứ hai vì
thế bị cô lập, ở vị thế bất lợi và do đó có thể họ sẽ bị xuống tinh thần.
Nếu đúng như vậy thì qủa thật là một tai họa không phải chỉ riêng cho một
tỷ dân Trung Quốc mà cho cả hành tinh của chúng ta.
Nhìn kỹ vào đất nước Trung Quốc chúng ta
thấy gì? Ðó là một quốc gia có dân số đông đảo nhất thế giới. Dân chúng
đang sống dưới cái ách của một chế độ chuyên chế độc tài mà ý thức hệ luôn
cổ võ cho một bộ máy chiến tranh. Hơn thế nữa, Trung Quốc hiện đang có vũ
khí nguyên tử trong tay. Thế nên nếu kinh tế của họ phát triển theo với
một nhịp độ như hiện nay, tôi nghĩ là chúng ta sẽ trông thấy một số hậu
qủa nghiêm trọng xảy ra không phải chỉ đối với những quốc gia lân bang với
họ như Tây Tạng mà ngay cả những nước lớn như Ấn Ðộ cũng như cả toàn thế
giới.
Bây giờ xin được trả lời phần thứ hai câu
hỏi của qúy vị, tôi nghĩ rằng vấn đề phát triển kinh tế tự nó không phải
là một mối hăm dọa đối với nền văn hóa hay đời sống tinh thần của nhân dân
Tây Tạng, nếu trong khi thực hiện, người ta quan tâm đến những điều kiện
sẵn có của đất nước này. Phát triển kinh tế có thể đi đôi với phát triển
văn hóa. Trong Phật giáo, khi nói đến hạnh phúc nó cũng bao hàm cả những
phúc lợi về mặt vật chất.
Ðiều mà chúng tôi quan tâm là, sự phát
triển kinh tế của Trung quốc đã tạo nên một vấn đề nghiêm trọng trong việc
thuộc địa hóa Tây Tạng khi Trung Quốc mang một số lượng lớn dân của họ vào
đất nước chúng tôi. Mối hăm dọa lớn đối với Tây Tạng là vấn đề di dân, đặc
biệt là sự di dân hàng loạt người Trung Quốc vào Tây Tạng. Chính cơn lũ
những người Trung Quốc thực dân này đã tạo nên một bầu khí cực kỳ căng
thẳng trên khắp đất nước chúng tôi, tiếp tục gia tăng tình trạng vi phạm
nhân quyền sẫn có. Thêm vào đó, nó cũng đã gây nên những thiệt hại đáng kể
trên lãnh vực môi sinh. Không biết có được tính toán trước hay không, một
sự huỷ diệt văn hoá đã xảy ra tại Tây Tạng và tôi nghĩ đó là mối nguy cơ
lớn nhất cho tương lai của đất nước chúng tôi.
Thưa Ngài, trong một lần phát
thanh gần đây, Ngài tuyên bố rằng Ngài có cảm giác mình như là một người
Mác xít. Ý nghĩa đích thực của lời tuyên bố này là gì? Bằng cách này hay
cách khác, Ngài đã nhiều lần biểu tỏ một niềm tin tưởng sâu xa vào thể chế
dân chủ, kể cả ý hướng từ bỏ quyền lực chính trị nếu Tây Tạng được tự trị.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, theo ý Ngài thể chế dân chủ hiện nay có gần gũi
với những giá trị của Phật giáo hay không? Có mâu thuẫn nào không giữa
những giá trị này và những qui luật của dân chủ ?
Ðứng trên quan điểm đạo đức mà nói, tôi
thấy một số phạm trù của chủ nghĩa Mác rất có giá trị chẳng hạn như chế độ
bình sản, bảo vệ kẻ nghèo chống lại sự bóc lột của thiểu số. Những khái
niệm này ta có thể chấp nhận được. Tôi tin là người ta có thể cho rằng hệ
thống kinh tế gần gũi nhất với Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Ðại thừa,
là hệ thống kinh tế xã hội. Chủ nghĩa Mác đặt căn bản trên những tư tưởng
tốt đẹp, thí dụ như bảo vệ quyền sống cho những người bị thiệt thòi nhất
trong xã hội. Tuy nhiên khi đem áp dụng những nguyên lý này vào thực tế,
người ta đã xây dựng trên căn bản hận thù bạo động đối với giai cấp chủ
nhân và rồi sự thù hận này được chuyển thành giai cấp đấu tranh và sự tiêu
diệt giai cấp bóc lột. Một khi giai cấp chủ nhân bị loại trừ thì rồi cuối
cùng cũng chẳng còn gì lại cho dân chúng và tất cả đều trở thành vô sản
nghèo đói. Bởi vì ngay từ đầu đã hoàn toàn vắng bóng tinh thần từ bi.
Tương lai của Tây Tạng đã được quyết định,
nó sẽ phải là một quốc gia dân chủ. Tôi không biết có sự mâu thuẫn nào
giữa dân chủ và Phật giáo hay không, nhưng tôi có thể nói rằng Phật giáo
Ðại thừa chính là tôn giáo của dân chủ. Sau đây là một thí dụ. Một cộng
đồng tăng lữ (tức Tăng già, Shangha) thành hình khi nó quy tụ được ít nhất
bốn vị tăng sĩ . Khi có một vấn đề quan trọng cần phải lấy quyết định, tất
cả tăng sĩ trong nhóm như là một khối thống nhất sẽ giải quyết vấn đề chứ
không phải chỉ một mình người lãnh đạo của nhóm. Tương lai của Tây Tạng,
theo tôi, lý tưởng nhất là sự pha trộn của các hệ thống kinh tế. Nếu qúy
vị hỏi thêm gì khác, hoặc chất vấn tôi loại hình kinh tế đó như thế nào,
câu trả lời của tôi chắc là rất ngắn!
Thưa Ngài, xin được hỏi Ngài một
câu hỏi liên quan đến vấn đề Nam và Bắc mà Ngài đã từng đề cập đến khi trả
lời câu hỏi của chúng tôi trước đây. Thực tế cho thấy là có đến 80% tiền
viện trợ của Pháp cũng như các quốc gia Tây phương cho các quốc gia đang
phát triển, đều lọt vào túi của tham nhũng. Như vậy Ngài quan niệm như thế
nào về kiểu cách liên hệ giữa các quốc gia kỹ nghệ và Thế Giới Thứ Ba?
Vâng, tôi đã từng đề cập đến vấn đề này khi
phát biểu rằng, điều cần thiết là phải làm giảm bớt hố sâu ngăn cách giữa
các quốc gia phía Nam và phía Bắc. Việc trước tiên là phải làm giảm khoảng
cách ngay trong tự thân của các quốc gia phát triển, giữa thiểu số được ưu
đãi và đại đa số quần chúng. Như tôi đã phát biểu trước đây, trước tiên
mỗi quốc gia phải tự mình vận dụng những nỗ lực để đạt đến tiến bộ. Ðiều
này quá hiển nhiên. Người ta không thể đứng yên một chỗ suốt đời duỗi cánh
tay ra mà có thể giải quyết mọi vấn đề. Người Tây Tạng chúng tôi trong
thời gian lưu vong đã nhận được một số lượng viện trợ đáng kể. Trong thời
gian đầu, chúng tôi hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp này. Nhưng chúng
tôi cũng biết rằng điều trước tiên là mình phải thể hiện những nỗ lực lớn
lao để bảo đảm cho sự tồn tại của chính mình. Bây giờ thì không những
chúng tôi có khả năng đáp ứng những nhu cầu của chính mình mà còn có thể
làm việc trên nhiều dự án khác nhau nhằm mục đích bảo tồn bản sắc và nền
văn hóa của Tây Tạng.
Thế nên, những nỗ lực trước tiên phải là
của các quốc gia Thế Giới Thứ Ba. Hiện nay các quốc gia này được lãnh đạo
bởi một giai tầng ưu đãi, thường là tốt nghiệp tại các nước phương Tây và
bởi thế đã có một khoảng cách đáng kể giữa họ và dân chúng. Thế nên, bước
cần thiết đầu tiên để xóa bỏ sự chia cách này là giáo dục quần chúng, tạo
điều kiện cho những thành phần không được ưu đãi trong xã hội có cơ hội
được nâng cao trình độ kiến thức.
Trong chuyến viếng thăm Gabon vừa rồi, tôi
đã phát biểu với những người bạn Phi châu rằng, qúy vị đang sống trên một
lục địa bao la, có quá trình lịch sử, nhiều tiềm năng lớn lao và tài
nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng cái mà qúy vị thiếu là sự tự tin ở
chính mình. Phải phát triển niềm tự hào, phải nuôi dưỡng sự quyết tâm, và
dồn tất cả mọi nỗ lực để thực hiện sự biến đổi tình huống hiện tại. Hãy
nhìn tấm gương của Mahatma Gandhi: mặc dù ông ta được hấp thụ một nền học
vấn cao của Tây phương nhưng ông ta không bao giờ quên hay xa rời chiếc
nôi văn hóa của chính mình.
DUYÊN KHỞI VÀ Ý THỨC GIÁC NGỘ
Xin Ngài vui lòng cho biết một cách vắn tắt Phật giáo là gì? Chúng
tôi thường thắc mắc không biết đó là một triết lý hay là một tôn giáo; đối
với Tây phương, nhiều khi Phật giáo được hiểu một cách giản đơn đó là ý
niệm về sự tái sanh, tuy nhiên chúng tôi biết chắc không phải như thế.
Ðể trả lời câu hỏi này, tôi có
thể nói một cách tổng quát rằng bản chất của Phật giáo là bất bạo động,
nếu nhìn trên quan điểm hành xử cá nhân, nhưng nếu đứng trên quan điểm
triết học thì đó là yếu tính duyên khởi của mọi hiện tượng. Ðể có thể hình
dung ra khái niệm về bất bạo động, tôi có thể khẳng định rằng cách hành xử
lý tưởng nhất là hãy làm tất cả điều thiện cho kẻ khác. Nếu người ta cảm
thấy rằng chuyện này là khó khăn thì ít nhất chúng ta nên tránh đừng gây
tổn hại cho người.
Về mặt nhân duyên của hiện
tượng, một sự thực mà chúng ta thấy là tất cả mọi hiện tượng đều tùy thuộc
vào những nguyên nhân khác nhau và điều kiện sinh ra chúng, hay nói một
cách khác, mọi hiện tượng hiện hữu trong mối tương quan với nhau và phụ
thuộc vào nhau. Ý niệm về nhân duyên giúp cho chúng ta hiểu rõ được niềm
hạnh phúc, nỗi khổ đau của chúng ta chỉ được hình thành với sự tham dự của
những nguyên nhân và điều kiện và sự hiện hữu của chúng phụ thuộc vào một
số yếu tố nhất định. Hiểu như vậy sẽ dẫn ta đến một thái độ bất bạo động.
Như vậy, nhìn trên quan điểm
hành xử -bất bạo động- chúng ta có thể xem Phật giáo như là một tôn giáo,
còn nếu ta quan tâm đến khái niệm về yếu tính duyên khởi của hiện tượng,
Phật giáo được coi như là một triết học. Tuy nhiên nếu hiểu theo đúng
nghĩa của từ “tôn giáo“ bao hàm sự tin tưởng vào một Ðấng Thượng Ðế Sáng
Tạo thì Phật giáo không đáp ứng với định nghĩa tôn giáo. Một số học giả
phương Tây cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo mà đúng hơn là
một khoa học về tâm linh. Sự thực là một bộ phận lớn của Phật giáo chuyên
tâm vào lãnh vực tham thiền, tuy nhiên chúng tôi được hướng dẫn làm cách
nào để thông qua thiền định, con người có thể tiến triển trên đường tu
tập và đạt đến những đẳng cấp tinh thần cao hơn. Nhìn trên khía cạnh này,
Phật giáo được xem như là một tôn giáo.
Trên thế giới như quý vị thấy ở một bên
chúng ta có các tôn giáo được xây dựng chủ yếu trên đức tin nhưng đồng
thời ở thái cực kia lại cũng có những người tin theo chủ nghĩa duy vật một
cách triệt để. Cả hai lối tiếp cận hoàn toàn đối nghịch nhau, chỉ có Phật
giáo là đi thep con đường trung đạo. Ðối với những tín ngưỡng được xây
dựng trên căn bản đức tin, Phật giáo không được xem như là một tôn giáo.
Tuy nhiên ta cũng không thể xếp loại Phật giáo vào hàng ngũ của chủ nghĩa
duy vật. Phật giáo vì thế có thể là chiếc cầu nối liền hai lối tiếp cận.
Sự tái sanh là một phần trong những giáo
lý cơ bản của Phật giáo. Thông qua thiền quán về những chân lý cơ bản này,
con đường tâm linh của ta ngày càng phát triển và cuối cùng ta đạt đến sự
chứng nghiệm. Ngược lại ta sẽ không đạt được sự chứng nghiệm tâm linh nếu
thiền quán trên những ý tưởng vốn dĩ đã sai lầm từ căn bản hoặc không hề
hiện hữu. Thí dụ,ï do thấy được sự hiện hữu của tánh không, cũng như tính
chất vô thường của các hiện tượng, về sự khổ đau... mà ta có thể tập trung
thiền quán trên những đề mục này. Như vậy nhờ biết rằng chúng hiện hữu nên
ta có thể quán tưởng về chúng và đạt đến sự chứng ngộ, nếu không ta chỉ
hoài công vô ích. Nguyên lý về tiền kiếp và hậu kiếp, sự tái sanh là một
trong những giáo lý cơ bản của Phật giáo.
Thưa Ngài, cách thức vận y phục
của Ngài có mang một ý nghĩa tôn giáo nào không? Cụ thể là việc để trần
một cánh tay chẳng hạn?
Chỉ là để cho bắp thịt cánh tay phát triển
thôi mà! (*) Xin qúy vị lưu ý rằng chiếc y mà giới tăng sĩ chúng tôi
đang bận đây có nguồn gốc từ Ấn Ðộ. Bởi vì Ấn Ðộ là một xứ nóng, người tu
sĩ không những để cánh tay trần mà còn để ngực trần nữa, ngoại trừ khi họ
quấn khăn. Còn bên Cam Bốt chẳng hạn, tăng sĩ bận áo dài tay bên trong
chiếc y màu vàng của họ vì trời lạnh. Tại Tây Tạng, mặc dù thời tiết rất
lạnh, chúng tôi không bận áo tay dài mà thường quấn vào người một tấm khăn
dày. Tôi thấy cũng cần lưu ý qúy vị rằng chiếc y của người tu sĩ Phật giáo
được may bởi những mảnh vải khác nhau kết hợp lại. Sự nối kết những mảnh
vải này nhằm tránh cho tâm ta không bị vướng mắc vào chuyện ăn mặc áo quần.
Tuy nhiên, một đôi khi khâu vào cho nhiều lại càng bị vướng mắc thêm nhiều!
(*)
(*) Ghi Chúcủa người dịch: Ðức Ðạt Lai Lạt
Ma đang nói đùa (joking). Ngài luôn luôn tạo không khí cởi mở thoải mái
với người đối thoại qua lối nói đùa dí dỏm của Ngài.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Ngài đã
từng nói rằng triết học của Phật giáo đặt căn bản trên nhân duyên giữa các
hiện tượng với con người. Như vậy phải chăng Phật giáo ở vào một trạng
huống tốt đẹp hơn để có thể hiểu được những yêu cầu của ngành sinh thái
học hiện nay?
Khi ta nhìn sự hiện hữu mang tính phụ thuộc
và các hiện tượng tương thuộc lẫn nhau, hai chuyện này sẽ giúp ta nhìn rõ
vấn đề. Về khía cạnh nhân duyên, ta nên nghĩ rằng nếu ta muốn đảm bảo
hạnh phúc cho tương lai thì điều cần thiết là ta phải tạo ra những nguyên
nhân đưa đến hạnh phúc ngay từ bây giờ. Cũng thế,thế hệ của chúng ta hôm
nay không thể sử dụng môi trường cho tiện ích của riêng cá nhân mình mà
phải nghĩ đến tiện ích của những thế hệ tương lai. Nếu ta nhìn vào tính
phụ thuộc của sự hiện hữu, ta sẽ thấy rằng tình trạng của môi trường sống
đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của chính
chúng ta. Nếu không khí mà chúng ta thở không trong lành, dĩ nhiên ta phải
nhận chịu những hậu qủa rủi ro. Thế nên một điều rất quan trọng là ta nên
nhìn vấn đề trên sự tương quan cuả nguyên nhân và hậu quả cũng như về yếu
tính duyên khởi giữa các hiện tượng. Quan điểm về lý duyên khởi đặc biệt
góp phần giúp ta nhìn thế giới một cách thánh thiện cũng như mang tính
toàn cầu.
Nhân loại từ lúc ban sơ đã tranh
luận về vấn đề một xã hội lý tưởng. Thưa Ngài, phải chăng xã hội Tây Tạng
trước khi bị Trung quốc xâm lăng năm 1959 được coi như là một xã hội lý
tưởng?
Xã hội Tây Tạng cổ không phải là một xã hội
hoàn hảo. Ðó là một xã hội nông nghiệp và chăn nuôi dựa trên căn bản của
chế độ nông nô. Tuy nhiên nếu ta so sánh với các quốc gia đương thời như
Trung Quốc, Ấn Ðộ, nó không đến nổi quá khắc nghiệt mà ngược lại có phần
nhân ái hơn. Tôi tin rằng một số các nền văn minh tối cổ, như người da đỏ
bản xứ tại Mỹ chẳng hạn, thường bày tỏ lòng tôn kính đối với đất đai,
thiên nhiên, cây cối. Trong văn hóa Tây Tạng, mối liênhệ giữa chúng tôi
với thiên nhiên, kể cả loài vật rất là an lạc. Chúng tôi sống hòa điệu với
thiên nhiên. Từ khi mới lập quốc cho đến sau này, khi chúng tôi tiếp xúc
với Phật giáo, xã hội Tây Tạng nói chung rất là nhân ái và cởi mở. Ðó là
một xã hội mà trong đó mọi người cảm thấy sống một cách thoải mái. Từ
những lý do này, tôi tin rằng đây có thể là một xã hội kiểu mẫu.
Ngài có nghĩ rằng nói nhiều để
diễn đạt tư tưởng có thể không phải là nét đặc biệt của nhân loại bằng sự
im lặng?
Ðối với những ai lựa chọn con đường tâm
linh, tu hành hoặc đang thực tập thiền định, im lặng là một phần tối cần
thiết. Những ai không theo con đường tâm linh, những người không có đức
tin, im lặng là một cách thế nghỉ ngơi, thư giãn.
Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng có
nhiều người trông có vẽ như là người lớn -chẳng qua là do tuổi tác của họ,
nhưng thật ra họ giống như trẻ con bởi vì họ không thực hành thiền định?
Tôi nghĩ rằng có rất nhiều cách để xác định
sự trưởng thành. Tuổi tác là một và rồi cách thức mà người ta suy nghĩ, sự
phát triển phẩm chất của một con người và cuối cùng là kinh nghiệm và sự
chứng nghiệm tâm linh. Nếu nhìn như vậy thì có nhiều người rất già mà tâm
hồn họ còn trẻ cũng như nhiều người rất trẻ mà qua cung cách suy nghĩ họ
đã tỏ ra rất chín chắn.
Thưa Ngài, Ngài có thể giải
thích hiện tượng hiện có một số đông những người trẻ Tây phương đang quay
về với trí tuệ và những giá trị tinh thần của Ðông phương trong khi truyền
thống của Tây phương không phải là không phong phú?
Ða phần các quốc gia Tây phương đều chia xẻ
chung một nền văn minh Cơ Ðốc lâu đời. Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ
thay đổi và cũng không có lợi gì để thay đổi. Tuy nhiên, trong số hàng
triệu con người sống trên thế gian này chắc chắn là họ có những sở thích,
những bản chất, những khuynh hướng tinh thần cá biệt, không ai giống ai cả.
Trong số đó, sẽ có những người cảm thấy mình gắn bó với Phật giáo cũng
giống như tại Tây Tạng, một xứ có truyền thống Phật giáo lâu đời, vẫn có
những người theo Hồi Giáo, Cơ Ðốc giáo... Cho nên qủa là điều bình thường
khi có những người Tây phương thích Phật giáo, bây giờ cũng như trong
tương lai. Trong số này, có người thì bị lôi cuốn bởi lối suy luận có
phương pháp hoặc lối hành thiền của Phật giáo. Có người thì bị thu hút bởi
khả năng là nếu theo đuổi cuộc lột xác này họ sẽ tỉnh thức với con mắt thứ
ba thay vì với hai con mắt trần như trước đây!
Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng nền
giáo dục cao cấp chỉ làm cái công việc đơn giản là sửa soạn tâm hồn cho bộ
môn khoa học rèn luyện trí óc và người thầy không làm việc gì khác hơn
ngoài sự phân phối kiến thức. Theo Ngài, họ có một nhiệm vụ cao cả nào
không?
Ðây là một câu hỏi rất có ý nghĩa! Nét độc
đáo căn bản của nhân loại, làm cho con người vượt lên trên tất cả mọi loài
vật khác, là trí thông minh vượt bực. Do ở trí thông minh này mà xã hội
của chúng ta tràn ngập đủ màu sắc khuynh hướng dị biệt, người này khác với
người kia, và dẫn ta đến những cung cách hành xử rất khác biệt. Ðiều này
có thể mang lại những tình huống rất khó xử và cả những vấn nạn khó khăn
nữa.
Hãy nhìn vào trường hợp của một cá nhân
chẳng hạn. Anh ta có thể thay đổi lề lối suy nghĩ của mình và rồi đưa đến
những xung đột nội tâm. Tôi thường hay nói đùa rằng, con người sẽ không
phải là con người nếu không luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn và xung đột
nội tại. Tuy nhiên, do có đầu óc thông minh, chúng ta có thể vượt qua được
những mâu thuẫn, những xung đột để đi đến một giải pháp vẹn toàn. Trí khôn
của con người là nguyên nhân và đồng thời cũng là giải pháp cho tất cả
những vấn nạn của chúng ta. Giáo dục, chìa khóa của kiến thức, sẽ giúp
phát triển và kích thích sự thông minh này. Tuy nhiên điều này không có
nghĩa là nó luôn luôn mang đến những chuyện tốt đẹp. Nó có thể tạo ra
những vấn nạn khác khi nó mang lại những điều xấu.
Giáo dục tự nó không mang tính tiêu cực hay
tích cực. Vấn đề là làm sao ta có thể nâng cao, vận dụng được trí thông
minh của con người vào những điều thiện, bởi thế đối với nhà giáo dục điều
quan trọng nhất là phải can đảm, thành thật và lương thiện. Cho dù ở trong
cương vị một bậc phụ huynh trong gia đình hay người thầy giáo trong các
cấp tiểu trung hay đại học, nhà giáo dục không phải là người chỉ làm nhiệm
vụ rao truyền kiến thức mà phải là người giúp đỡ cho người học trò mình có
một đời sống đúng nghĩa, không những chuẩn bị cho họ hài lòng thỏa mãn với
cuộc sống riêng tư mà còn trở nên những con người hữu dụng cho xã hội. Ðể
làm được điều này, người thầy phải quan tâm sâu xa đến tương lai của người
học trò, và không ngừng khích lệ chúng. Thế nên một điều cần thiết là việc
hấp thụ kiến thúc phải đi đôi với phát triển lòng vị tha.
Tôi tin chắc là Ngài cũng đã lưu
ý đến tình trạng trong đất nước này có rất nhiều người trẻ bị lây nhiễm
bệnh AIDS, nhiều người bị nghiện ngập cũng như số lượng những người tự tử
ngày càng gia tăng trong giới trẻ. Thưa Ngài, Ngài có những đề nghị nào
cho những nhà lãnh đạo đất nước này để giúp họ tìm ra những phương thức
giải quyết những vấn nạn kinh khủng đó?
Tôi nghĩ rằng phương thức đầu tiên để vượt
qua những căn bệnh xã hội là phát triển ý thức kỷ luật tự giác trong đời
sống cá nhân qua đó con người tự mình có thể kiểm soát lấy mình. Thật khó
mà đem bất kỳ loại kỹ luật nào từ bên ngoài áp đặt lên con người. Ðể có
thể giải thích thêm về sự tự giác cá nhân, tôi xin nêu ra một thí dụ về
những ngôi làng trên vùng thượng du Hy Mã Lạp Sơn. Một số giới chức hữu
trách Ấn Ðộ, các cảnh sát viên cũng như rất nhiều người địa phương đã cho
tôi hay rằng trong quá khứ tại đây ít khi xảy ra những tội ác, thỉnh
thoảng mới có những vụ trộm cắp lặt vặt hoặc đánh lộn, và hầu như không hề
có chuyện nói láo, nói gạt lẫn nhau. Mặc dù ở đây thiếu vắng những tiện
nghi về mặt vật chất, không có một nền giáo dục hiện đại nhưng con người
sống với nhau rất lương thiện. Thế nhưng qua những năm gần đây, khi giáo
dục và những tiến bộ của nền văn minh hiện đại được mang đến từ vùng đồng
bằng, tội ác lại ngày càng gia tăng. Như vậy, tội ác sẽ không xảy ra khi
mọi người biết áp dụng sự tự chế thông qua tính kỷ luật tự giác trong mỗi
cá nhân, lúc đó họ không cần đến bất cứ loạïi cảnh sát nào đến từ thế giới
bên ngoài. Thí dụ này cho ta thấy tầm quan trọng của ý thức kỷ luật tự
giác.
Tuy nhiên xin qúy vị hiểu cho rằng tôi
không bao giờ cổ võ cho việc kiềm chế một cách có hệ thống tất cả mọi dục
vọng, ước mơ xuất hiện trong tâm hồn của mỗi con người. Ngược lại, như tôi
đã trình bày, loại kỹ luật chân chính đáng tin cậy không thể bắt nguồn từ
sự kiềm chế mà là từ sự hiểu biết sâu xa tất cả mọi nguyên uỷ hành động
của chúng ta. Trong cơn bốc đồng, chúng ta có thể đạt đến những khoái cảm
trong phút chốc, thế nhưng chúng ta phải ý thức được những hậu quả cuả
chúng, tuy có thể không xảy ra ngay trước mắt nhưng chắc chắn là sẽ xuất
hiện trong tương lai. Thế nên chúng ta phải dùng óc thông minh và trí tuệ
của mình để ngăn chặn những ham muốn tức thời, đưa chúng lên bàn cân để
cân nhắc những hệ quả tốt xấu và cuối cùng quyết định lựa chọn một con
đường tốt nhất.
Hãy lấy thí dụ về trường hợp những người có
những liên hệ tình dục không đúng đắn hoặc nghiện ngập ma túy. Cái gì đã
đưa đẩy họ vào con đường này? Phải chăng là do khoái cảm nhất thời? Tuy
nhiên nếu đem so sánh cái khoái cảm nhất thời đó với những hậu qủa trầm
trọng của hành động này gây nên, một điều hiển nhiên rằng khoái cảm trong
phút chốc không đủ để trả giá cho những hậu qủa tiêu cực về lâu về dài.
Thế nên một điều cần thiết là ta phải ý thức về những hành động của chúng
ta và hậu quả của chúng. Ðức tin dĩ nhiên là điều cần thiết, nhưng giáo
dục lại càng quan trọng hơn. Toàn thể cộng đồng chúng ta phải chia xẻ
trách nhiệm chung, không phải chỉ riêng các giới hữu trách. Ðể xây dựng
một xã hội lành mạnh, mọi thành viên trong xã hội phải cùng nhau chia xẻ
trách nhiệm.
Thưa Ngài, Ngài có ý kiến như
thế nào về việc sử dụng “áo mưa” để ngừa thai?
Rất tốt, một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên
tôi có một giải pháp tốt hơn cho việc kiểm soát sinh đẻ và phòng ngừa bệnh
AIDS: Sống độc thân, giữ gìn trinh tiết! Như vậy chắc là chúng ta sẽ có
nhiều tăng sĩ và nữ tu! Nhưng nếu điều này quá khó khăn, không thể thực
hiện được thì giải pháp mà quý vị vừa nêu ra cũng tốt vậy.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, vừa mới
đây Ngài đã lên tiếng ca ngợi thiên nhiên, thế nhưng chúng tôi tin rằng
còn có một lãnh vực môi sinh khác, cũng rất nhức nhối, đó là con người.
Ngài có ý kiến gì về trách nhiệm của chính phủ đối với những người bị lùa
ra khỏi mảnh đất của mình đang sống, những kẻ lưu vong, những kẻ vô gia cư,
nói chung là những điều bất hạnh hiện đang xảy ra khắp nơi?
Khi chúng ta đề cập đến chính phủ, mà chính
phủ ở đây là do dân bầu ra theo nguyên tắc dân chủ thì phân tích cho cùng
người dân chính là những vị lãnh đạo thực sự của đất nước họ. Họ chọn lựa
ra chính phủ có trách nhiệm hoàn tất những bổn phận mà họ giao phó. Dĩ
nhiên khi đắc cử, chính phủ phải có trách nhiệm đối với những công dân của
họ, đặc biệt là những thành phần yếu kém, không được ưu đãi trong xã hội,
vì những lý do đạo đức cũng như tính cách thực tiển của vấn đề. Nếu xảy ra
một sự đổ vỡ giữa các giai tầng trong xã hội, những vấn nạn tất sẽ xảy ra.
Ý kiến cá nhân của riêng tôi, cũng như một số thân hữu Phật tử trong cả
hai giới cư sĩ lẫn tu sĩ, đều đồng ý rằng một hệ thống kinh tế lý tưởng
nên xây dựng theo đường lối xã hội.
Câu trả lời của Ngài vừa rồi chỉ
mới ở trên bình diện quốc gia. Thưa Ngài, trên bình diện quốc tế, giả dụ
như chúng ta sẽ có một bảng nguyên tắc phân định rõ nghĩa vụ và bổn phận
mà chúng tôi tạm gọi là luật quốc tế, theo Ngài những gì được xem là một
căn bản chung mà chúng ta có thể đồng ý với nhau để nói lên nỗi khát khao
của toàn thể nhân loại?
Dù trên lãnh vực cá nhân hay quốc gia, theo
tôi nguyên tắc chính để hướng dẫn chúng ta phải là quyền làm người. Nếu
chúng ta sống trong một đất nước mà quyền làm người hiện hữu và được tôn
trọng, chúng ta có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và bổn phận đó. Thật là
dễ chịu biết chừng nào nếu chúng ta thoải mái thụ hưởng quyền làm người mà
không bị buộc ràng bởi bất cứ một trách nhiệm nào cả! Thế nhưng, bất hạnh
thay điều đó có vẻ như là không tưởng. Dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng điều quan
trọng hơn cả vẫn là ý thức trách nhiệm và tinh thần tham dự của mỗi chúng
ta trong mối quan tâm đối với kẻ khác. Theo tôi đó là nguyên tắc căn bản,
nhưng cũng xin hiểu cho rằng tôi không phải là một chuyên gia trên lãnh
vực quan hệ quốc tế hay luật quốc tế. Tuy nhiên bản thân tôi hoàn toàn tin
tưởng một cách sâu xa rằng trên bình diện cá nhân cũng như quốc gia, một
điều tuyệt đối cần thiết là chúng ta nên có một ý thức về tinh thần trách
nhiệm chung và lòng quan tâm đối với tha nhân.
Tôi xin được nói thêm đôi chút về tinh thần
trách nhiệm chung. Khi chúng ta cảm thấy mình chia xẻ một gánh nặng trách
nhiệm, mối quan tâm, tinh thần liên đới, chúng ta bắt đầu cảm thấy một mối
tình cảm sâu sắc, một sự khích lệ lớn lao. Ðây không phải là loại tình cảm
có tính cách tự phát, không có nguyên nhân mà là sản phẩm của cả một sự
quán chiếu lâu dài và sự phân tích gay gắt đầy luận lý. Ðây là một thứ
tình cảm lành mạnh. Loại tình cảm có chiều sâu này khác với loại tình cảm
hời hợt mà chúng ta kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày, thường thoáng
hiện qua tâm trí ta mà không do một lý do đặc biệt nào cũng như không để
lại một dấu ấn sâu sắc nào, tức cũng là những loại tình cảm ngẫu nhiên
thoáng hiện trong bất cứ giây phút nào trong ngày, thường tạo nên bất ổn
cho tâm trí ta, chẳng những đã không củng cố thêm sức mạnh tinh thần cho
ta mà nó còn huỷ diệt sự an bình cuả tâm hồn chúng ta nữa.
Dĩ nhiên mọi người chúng ta đều biết tình
cảm là gì và vì thế chúng ta chỉ nên nuôi dưỡng những loại tình cảm thuần
lý và không để cho mình bị phiền nhiễu bởi những loại tình cảm vô nghĩa.
Hãy lấy một thí dụ, trong khung cảnh đời sống gia đình chúng ta thường
xuyên chi phối bởi đủ thứ bực dọc gây nên bởi những chuyện lặt vặt trong
cuộc sống đời thường. Tuy nhiên nếu chúng ta để cho tầm nhìn của mình mở
rộng bao quát lên đời sống quốc gia, rồi rộng ra là nhân loại, chúng ta sẽ
lần hồi phát triển một ý thức về tinh thần trách nhiệm chung. Bằng cách
này tôi tin chắc là chúng ta sẽ không còn bị dễ cáu giận trước những lo
toan đời thường.
Trong Phật giáo, chúng tôi có ý niệm về Bồ
đề tâm, tức là ý thức vươn đến sự giác ngộ. Khái niệm này bao hàm hạnh
nguyện được thực chứng quả vị Phật để mang lại mọi điều tốt lành cho toàn
thể chúng sanh, nó cũng tương đương với khái niệm về một ý thức trách
nhiệm chung. Từ kinh nghiệm cá nhân cuả tôi, tôi thấy rằng những lúc chúng
ta đang buồn bã hoặc tâm hồn bị xao động là lúc tốt nhất để chúng ta hướng
tâm hồn mình đến ý thức giác ngộ. Nếu chúng ta nghĩ rằng mình đang đảm
nhận một trách nhiệm lớn lao khi chúng ta đang hoang mang hay gặp khó
khăn, tâm hồn chúng ta rộng mở, thư giản và trở nên mạnh mẻ hơn. Nói một
cách khác, khai triển ý thức trách nhiệm chung đòi hỏi rất nhiều ở nỗ lực
của chính mỗi cá nhân nhưng cuối cùng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hạnh
phúc hơn.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, công
luận thế giới phương Tây hiện đang thảo luận rất nhiều về các vấn đề “tôn
giáo”, “luân lý”, “đạo đức” chứng tỏ người ta đang có một nhu cầu cần một
số tiêu chuẩn đạo lý áp dụng trong tất cả mọi ngành nghề. Người ta đang
nói đến đạo đức chính trị, đạo đức kinh doanh, sinh học, y học, báo chí...
Người ta đang quay về với những giá trị đạo lý. ThưaNgài, Ngài nghĩ như
thế nào về khuynh hướng này? Làm thế nào để giải thích hiện tượng này? Và
tại sao nó lại xảy ra như thế?
Tôi nghĩ rằng đây là thành quả của kinh
nghiệm. Sau khi đối đầu với những vấn nạn lớn lao, những khó khăn chồng
chất, người ta nhận thức sự cần thiết phải có một tiêu chuẩn đạo đức.
Thưa Ngài, đúng như thế, tại
Pháp, Ðức cũng như Hoa Kỳ người ta đang nói về đạo đức trong kinh doanh.
Ngài có nghĩ rằng hai khái niệm đạo đức và kinh doanh có thể hoà hợp được
với nhau không? Phải chăng tiềân bạc và đạo đức là hai phạm trù riêng
biệt? Nhiều người cho rằng đạo đức chỉ là một cách thế để quản lý kinh
doanh, nếu nhìn thuần túy trên vấn đề lương bỗng thì đó là phương thức tốt
nhất để điều hành nội bộ cũng như quan hệ với thế giới bên ngoài. Thưa
Ngài, quan niệm này có làm hạ giá trị cái khái niệm cao cả của đạo đức hay
không?
Theo tôi trước tiên quý vị phải hiểu thế
nào là đạo đức. Chúng ta có thể phân biệt chúng ra làm hai loại. Loại thứ
nhất liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng; qua đó chúng ta phải theo một hành
trình tâm linh, tuân thủ một số tín điều luân lý do tôn giáo đó vạch ra.
Loại thứ hai dành cho những người không theo bất cứ tôn giáo nào nhưng tự
động chấp nhận một số tiêu chuẩn đạo lý căn cứ trên kinh nghiệm bản thân
trong việc kiếm tìm hạnh phúc cho chính họ. Tôi nghĩ rằng chính ước muốn
chấp nhận một số tiêu chuẩn đạo đức không phụ thuộc vào một tín điều tôn
giáo -lòng yêu thương dịu dàng trìu mến của con người- được coi như là một
sắc tháiđộc đáo của bản chất nhân loại.
Tôi cũng thường giải thích mọi chuyện như
thế này: Chúng ta có rất nhiều ngành nghề, nhiều lãnh vực hoạt động khác
biệt. Thương mãi, chính trị, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, y học, luật
học...rất nhiều thứ. Nếu tất cả những ngành nghề này đều được xây dựng
trên căn bản tình người, chẳng hạn như sự hiểu biết và yêu thương người
láng giềng cuả mình, thì những hoạt động của nó sẽ mang đầy tính nhân bản,
tích cực và hiệu qủa. Dĩ nhiên không phải là không có những vấn nạn, khó
khăn, nhưng tôi nghĩ là rất ít. Ngược lại nếu tất cả những ngành nghề hoạt
động này đều mang tính cách máy móc, trống vắng tình người, đây sẽ là mầm
mống gây ra những tai họa.
Tôn giáo cũng thế, nếu được xây dựng trên
căn bản tình người, trong đó mỗi cá thể đều quan tâm đến hạnh phúc của tha
nhân, nó sẽ tạo nên một hệ qủa tích cực lên toàn tập thể. Ngược lại nếu
tôn giáo không xây dựng trên nhân tính, không mang tình liên đới, không có
lòng nhân ái, chắc chắn nó sẽ tạo nên những vấn nạn cho con người.
Bây giờ ta nói đến khía cạnh luân lý trong
thương trường. Ai cũng biết là tất cả mọi công ty kinh doanh đều đặt căn
bản trên cạnh tranh và lợi nhuận, sự hoà điệu giữa kinh doanh và luân lývì
thế thoạt trông có vẻ rất mong manh tuy nhiên không phải là không đạt
được. Tinh thần cạnh tranh có thể được coi như mang tính tích cực nếu động
cơ của nó là tốt. Cạnh tranh xấu là những hành vi lợi dụng người, làm tổn
hại kẻ khác. Cạnh tranh tốt đưa đến phát minh và cải thiện những sinh hoạt
của con người. Tôi nghĩ rằng kỹ nghệ cũng là lãnh vực cần đặc biệt quan
tâm và chia xẻ trách nhiệm về vấn đề môi sinh, cho nên ta không thể không
lưu tâm đến khía cạnh đạo đức của nó. Những doanh gia hoạt động trên
thương trường cũng là những con người, họ cũng cần những tình cảm yêu
thương, nồng hậu của con người như chúng ta. Cho nên tôi nghĩ đạo đức phải
được coi như là sợi dây nối liền giữa nhu cầøu cá nhân và những yêu cầu
của môi sinh.
Có một vài sự kiện có vẻ nghịch
lý đập vào trí tưởng của chúng tôi, phần nào liên hệ đến câu hỏi trước đây
là, chưa bao giờ mà sự phát triển của khoa học kỹ thuật và những gia tăng
hiệu năng của nó đối với môi trường sống cuả cá nhân lại đồng thời cũng
làm gia tăng sự rối loạn trật tự của xã hội như thế. Phải chăng cái mà
chúng ta gọi là tính thuần lý đôi lúc chỉ là ảo tưởng của sự thuần lý. Xin
được biết ý kiến của Ngài về vấn đề này?
Tôi không nghĩ rằng xã hội của chúng ta là
một xã hội thuần lý. Lúc thì người ta đưa ra những lý lẽ này, lúc thì
người ta đưa ra những lý lẽ khác. Có thể luôn luôn người ta có một luận lý
tương ứng với từng hoàn cảnh, nhu cầu, cho lợi nhuận của mình chẳng hạn,
mà không đếm xỉa đến những hậu quả về lâu về dài của những hành động do
mình gây ra. Như vậy, khi cá nhân nâng tầm nhìn vấn đề của mình lên một
cách rộng lớn hơn, về lãnh vực môi trường chẳng hạn, những cái mà mình
từng nghĩ là có vẽ như hợp luận lý đó sẽ mất đi sự giá trị và tầm mức quan
trọng của nó. Cho nên vấn đề chủ yếu là chúng ta áp dụng lý trí suy luận
của mình như thế nào. Chúng ta có một tâm hồn rộng mở hay chật hẹp? Chúng
ta chỉ nhìn vào khía cạnh đặc thù của vấn đề hay đặt nó trên bối cảnh
toàn cầu? Chúng ta có một tầm nhìn dài hạn hay ngắn hạn? Ðầu óc của chúng
ta thiển cận hay sáng suốt?
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, Ngài có
nghĩ rằng một vị Phật sẽ được tái sanh trong xác thân của một giống người
khác hơn là Tây Tạng hay Châu Á, có thể là một người AÂu Châu hay Phi Châu
chẳng hạn?
Vâng, dĩ nhiên. Phật giáo chúng tôi quan
niệm rằng sự hóa hiện của chư Phật không phải chỉ ởù trong thế giới loài
người mà ngay cả trong thế giới loài vật.
Từ lâu, súc vật đã bị đối xử như
là một thứ dụng cụ, dùng làm thực phẩm cho con người, y phục, phương tiện
chuyển vận, làm đồ giải trí và thậm chí là vật thí nghiệm tàn nhẫn của
khoa học để phục vụ cho sự thỏa mãn của con người. Thưa Ngài, Ngài nghĩ
như thế nào về quyền sống của súc vật?
Trên quan điểm Phật giáo, sinh mạng của mọi
loài chúng sanh -con người cũng như súc vật- đều quí giá như nhau và tất
cả đều có quyền được sống hạnh phúc. Cho nên thật quả là một điều hổ thẹn
khi người ta sử dụng súc vật không chút xót thương, nhất là trong các thí
nghiệm khoa học. Dù qúy vị không nhìn vấn đề này thuần túy trên quan điểm
tôn giáo, hẵn qúy vị cũng thấy rằng các loài vật, chim chóc, thú hoang
-nghĩa là tất cả những sinh vật sống trên trái đất này- đều là bạn đồng
hành của con người. Chúng là một thành phần của thế giới này, con người
cùng chia xẻ thế giới này với chúng. Cứ nghĩ đến một ngày nào đó nếu tất
cả loài vật đều biến mất trên thế giới này, lúc đó chúng ta sẽ ân hận biết
bao. Tôi cũng nhận thấy một điều rằng kẻ nào không có lòng từ ái đối với
súc vật, sẵn sàng tàn sát chúng không chút xót thương, thì sớm hay muộn
họ cũng sẽ là những người không có lòng nhân ái đối với đồng loại. Ngược
lại, nếu chúng ta biết thương yêu loài vật, trân trọng sinh mạng của chúng
chừng nào, chúng ta lại sẽ càng biết tôn trọng đời sống con người hơn thế
nữa.
Thưa Ngài, Phật tử có bị bắt
buộc phải ăn chay hay không?
Trên quan điểm của một Phật tử, tôi nghĩ
rằng điều quan trọng là nên ăn chay trường. Tôi luôn luôn phát biểu rằng,
cho dù trên bình diện cá nhân một người không cần lúc nào cũng phải giử
mình kiêng khem với các thức ăn chay lạt, nhưng nếu khi một số đông người
tụ họp lại với nhau trong các tiệc tùng, hội nghị, tôi nghĩ người ta cần
nên tránh bớt chuyện ăn thịt. Ngay bản thân tôi, tôi cũng đã cố gắng hết
sức mình để quảng bá việc ăn chay vào xã hội Tây Tạng.
Trong thời gian tổ chức hội nghị
này, một Phật tử Tây Tạng đã nhiều lần mời chúng tôi đi ăn trưa tại một
nhà hàng mà thực đơn chính là thịt.
Có lẽ vị Phật tử này là dân du mục thuộc
vùng cao nguyên Tây Tạng.
Thưa Ngài, để đạt đến thực chứng
tâm linh, người ta có nhất thiết cần phải rút ra khỏi đời sống xã hội?
Tổng quát mà nói thì một người dấn thânvào
đời sống tôn giáo không cần thiết phải thoát ra ngoài đời sống xã hội. Tuy
nhiên -một thực tế đúng đắn cho tất cả mọi truyền thống tôn giáo- là khi
một người cảm thấy sẵn sàng thực sự cống hiến đời mình cho thành quả của
thiền định tu tập, điều tốt nhất cho họ là nên rút lui ẩn dật để tu tập
trong một khoảng thời gian nào đó.
Phật giáo không tôn thờ Thượng
Ðế. Như vậy ai là những thần linh của họ và họ thờ phượng như thế nào ?
Phật giáo không công nhận bất cứ một vị
Thượng Ðế vĩnh hằng cũng như một vị Thượng Ðế Sáng Tạo nào. Ngược lại
Phật giáo quan niệm rằng bất cứ một con người bình thường nào nếu cố gắng
theo đuổi một hành trình tâm linh, phải tự thanh lọc cái tâm của mình để
từ đó phát triển được những phẩm chất nội tại và tiến đến giác ngộ, giải
thoát. Những con người này được gọi là đạt đến Thánh qủa. Chúng tôi cũng
công nhận sự hiện hữu của những đấng siêu nhiên, những người mà thông qua
hành trình tâm linh đã đạt đến sự chứng ngộ ở một mức độ nào đó, chúng tôi
gọi họ là những bậc Thánh Tăng. Ðối với Phật tử chúng tôi, những nhân vật
siêu nhiên này - tức là chư Phật và chư Bồ Tát- hiện hữu, mà qua đó chúng
tôi cúng bái và dâng lời cầu khẩn. Chúng tôi làm như thế với ý nguyện đạt
đến qủa vị Phật. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao để đáp ứng lại những
ý hướng, mong cầu khác nhau của mọi loài chúng sanh, chư Phật đã phải hoá
hiện ra dưới những hình thức khác nhau. Những hình thức hoá hiện này tức
là chư vị Phật, Bồ Tát trong thần thoại.
Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng
những thế hệ trẻ tương lai của Tây Tạng đều có chung ý nguyện là bảo tồn
bản sắc Tây Tạng của họ trước những quyến rũ của xã hội tiêu thụ Tây
phương?
Một cách tổng quát, tôi nhận thấy rằng tất
cả những người Tây Tạng nay phân tán cùng khắp trên thế giới, kể cả những
xã hội tiêu thụ Tây phương đều có ý muốn bảo tồn nền văn hóa và truyền
thống của họ. Dĩ nhiên không phải là không có những rủi ro.
Ðối với những người đang gánh
chịu đau khổ bởi những căn bệnh kinh niên; những người trẻ trong lứa tuổi
mười tám đôi mươi đang mắc phải bệnh AIDS, thưa Ngài, chúng ta có thể làm
được những gì để giúp họ chịu đựng và xoa dịu những khổ đau đó?
Ðiều đó còn tùy vào vị trí của mỗi chúng ta
trước nỗi khổ đau. Nếu qủa thực con người chúng ta không có một đời sống
nội tâm nào khác thì khổ đau sẽ vẫn mãi là khổ đau, chúng ta rất khó mà
trốn chạy chúng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã được trui rèn để suy nghĩ
theo một hướng đi tinh thần nào đó thì khi đối diện với khổ đau ta sẽ rất
dễ dàng có khả năng hiểu biết và chịu đựng chúng. Chúng ta sẽ biết cách
làm thế nào điều hướng tư tưởng của chúng ta đến những nỗi khổ đau lớn lao
hơn là của mình đang gánh chịu và nhờ vậy sẽ làm giảm được nỗi khổ đau của
chính chúng ta.
Một Phật tử nếu đang mắc bệnh AIDS hoặc bất
cứ một căn bệnh đau đớn nào khác có thể quán tưởng về luật nhân qủa. Họ có
thể nhìn những đau đớn hiện tại của mình là kết quả của những hành động
xấu gây ra trong quá khứ và nhờ đó có thể loại trừ được tất cả những cơn
đau tiềm ẩn chất chứa trong họ. Họ cũng có thể suy nghĩ rằng qua nỗi khổ
đau của mình, họ đang gánh chịu những nỗi khổ đau của tha nhân và từ bỏ
những hạnh phúc của cá nhân mình cho hạnh phúc chung của toàn thể chúng
sanh. Họ cũng có thể nhìn vào bệnh hoạn của chính mình như là một cách thế
tốt nhất để hiểu rõ những khiếm khuyết trầm trọng của kiếp sống và đi đến
kết luận rằng đó chính là bản chất của khổ đau, và từ đó họ thấy được
những bất lợi của vòng sinh tử luân hồi. Như vậy, càng nhận thức sâu xa về
tình huống hiện tại, những khổ đau của họ sẽ càng giảm bớt và rồi họ sẽ
thấy nó không còn quan trọng nữa. Ðiều này có thể mang lại cho họ những
nổi an ủi.
Nhân đây tôi cũng muốn xin được nêu lên một
điều rằng, bằng mọi giá, xã hội của chúng ta cần phải loại bỏ khuynh
hướng phủi tay trước những khổ đau của đồng loại, coi những người ốm đau
bệnh tật, những kẻ bơ vơ không nơi nương tựa, như là gánh nặng của xã hội.
Ngược lại trong tinh thần từ ái, chúng ta phải cố gắng hết sức để giúp đỡ
những người thiếu may mắn này.
Thưa Ngài, Ngài có nghĩ rằng sự
tách rời giữa thần quyền và thế quyền là một điều cần thiết trong thể chế
dân chủ? Phật giáo phải chăng là một tôn giáo không chấp nhận mọi khuynh
hướng cực đoan? Nếu đúng như vậy thì lý do tại sao ?
Vâng, điều quan trọng theo tôi là nhà thờ -
được xem như một cơ sở tu học- cần phải tách biệt đối với nhà nước. Về
điểm này, chúng tôi đã hoàn thành xong một bản hiến pháp sẽ có hiệu lực
ngay sau khi Tây Tạng dành được độc lập, trong đó nói rõ rằng nhà nước
tương lai là một nhà nước dân chủ do dân trực tiếp bầu ra.
Tôi nghĩ rằng tính chất nguy hiểm của chủ
nghĩa cực đoan tôn giáo rất hạn chế trong Phật giáo. Phật giáo như qúy vị
biết, bao gồm nhiều trường phái triết học, cụ thể như bộ phái Ðại Tỳ-bà-sa
luận (Vaibashiska) được hình thành cho những người có khuynh hướng tiến bộ
với tầm nhìn khoáng đạt và sâu sắc. Cũng trong Phật giáo, cùng chia xẻ
chung một giáo lý, chúng tôi có Tiểu thừa và Ðại thừa hay còn được gọi là
Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ tát đạo. Những tông phái và các cách thức
tiếp cận khác nhau sở dĩ ra đời là nhằm đáp ứng với trình độ tri thức cá
biệt của mỗi cá nhân cũng như bản chất và khuynh hướng dị biệt cuả mỗi con
người. Một khi mà những quan điểm triết học khác biệt cùng cộng tồn hoà
điệu ngay từ trong cốt lõi của Phật giáo để đáp ứng với nhu cầu tu học của
từng cá nhân, chúng tôi rất dễ dàng cảm thông với các tín ngưỡng khác, bởi
vì chúng tôi hiểu rằng để mang lại những phúc lợi lớn lao đáp ứng với khát
vọng của nhân loại, họ có thể đưa ra các quan điểm siêu hình, triết học
khác biệt. Bởi lẽ đó, chủ nghĩa cực đoan không có chỗ đứng trong Phật
giáo.
Tôi quan niệm rằng chúng ta cần phải chấp
nhận nguyên tắc đa nguyên tôn giáo trong mối liên hệ giữa các tín ngưỡng
và cách thức tốt nhất để ngăn ngừa tinh thần cực đoan là phải cải thiện
mối liên hệ giữa các tôn giáo.
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, một câu
hỏi cuối về một vấn đề mà chúng tôi cho là rất quan trọng: Thưa, đó là
vai trò của người phụ nữ trong Phật giáo so sánh với các tôn giáo khác?
Nếu chúng ta nhìn vào Giới Luật của Phật
giáo (giới tu sĩ cũng như hàng cư sĩ), chúng ta sẽ thấy rằng phụ nữ cũng
như nam giới đều có thể xuất gia thọ giới để trở thành tỳ kheo hoặc tỳ
kheo ni. Thế nhưng theo kinh sách Ấn Ðộ còn được lưu truyền lại, cũng
trong Giới Luật này, vị Tỳ Kheo ni thường có một vị trí khiêm nhượng hơn
so với nam tăng sĩ, cho dù họ có tuổi đạo cao hơn.
Tuy nhiên trong tông phái Tối Thượng Thừa
của Phật giáo hay Mật tông Ðại thừa, vai tròphụ nữ được quan tâm đặc biệt
hơn, tức là chiếm một vị trí khá quan trọng. Một số điều luật trong Giới
Luật Phật giáo không ít thì nhiều đã bị ảnh hưởng bởi khung cảnh xã hội
của Ấn Ðộ lúc bấy giờ, vốn không coi trọng vai trò của người phụ nữ. Hiện
nay người ta đang nêu lên ý kiến về việc bổ khuyết Giới Luật và rồi sẽ có
một hội nghị để thảo luận về vấn đề này.
KHÁT VỌNG HÒA BÌNH
Bây giờ xin nói đến hòa bình. Hoà bình là
một vấn đề quan trọng. May mắn thay, con người nói chung đều có khuynh
hướng yêu chuộng hòa bình thay vì chiến tranh đẫm máu cho nên ta có khả
năng giảm thiểu bạo động để tạo dựng nên một xã hội hoà điệu, an bình, đầy
tình người cho dù có đôi lúc bản chất tốt đẹp của chúng ta đã không chế
ngự được những tình cảm nông nổi. Có hai phương thức để đạt tới mục tiêu
này: chiến lược ngắn hạn và dài hạn.
Về mặt ngắn hạn, tôi nghĩ rằng qúy vị đã có
những phương cách hữu hiệu để đối phó với các vấn nạn hiện đại như vấn đề
bạo động chẳng hạn. Thế nên những ý kiến của tôi có thể chẳng giúp đỡ được
qúy vị bao nhiêu.
Về một chiến lược dài hạn, nghĩa là nói về
tương lai, tôi quan niệm rằng giáo dục phải là yếu tố hàng đầu qua đó đầu
óc thông minh của con người nên được điều hướng vào một hướng đi đúng đắn.
Thật là một điều hữu ích nếu ta chịu khó nhìn kỹ vào những thất bại của
nền giáo dục hiện đại. Một thí dụ hiển nhiên là có nhiều quốc gia đã cố ý
nuôi dưỡng những tình cảm tiêu cực như thù hận các quốc gia láng giềng
chẳng hạn. Thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy nhân loại không thể sống
còn nếu không có sự hợp tác chân thành của quốc tế. Những khái niệm như
“nước tôi”, “nước anh,” “đạo tôi,” “đạo anh” vì thế ngày càng trở nên
không mấy quan trọng. Ngược lại chúng ta cần phải khẳng định một sự thực
rằng tha nhân cũng có phẩm giá đáng tôn trọng như chính chúng ta. Ðấy
chính là nhân loại! Ðây cũng là lý do tại sao chúng ta cần phải tái thẩm
định lại hệ thống giáo dục của chúng ta.
Bây giờ xin nói đến lãnh vực truyền thông.
Tôi rất kính trọng bộ môn này và rất thích cái lối ưa xen vào công chuyện
của người khác của nó. Một số nhân vật quan trọng không phải là lúc nào
cũng lương thiện, đàng hoàng. Thế nên qủa là điều tối cần thiết khi chúng
ta có bộ phận truyền thông để lưu tâm theo dỏi họ. Ký giả ai cũng biết là
rất thính mũi và thường là họ làm việc rất hữu hiệu. Tuy nhiên mặt khác,
tôi không khỏi cảm thấy phiền khi thấy họ cứ hay đào sâu vào những khía
cạnh tiêu cực làm cho tâm hồn con người dễ bị chán nãn, ngã lòng. Theo tôi
nên có sự cân đối trong vấn đề mà ký giả chọn lựa để tường trình. Họ
thường phơi bày cho ta thấy quá nhiều trạng huống bất hạnh, mà với thiện
tâm và bản chất nhân ái của con người như tôi đã từng đề cập, ta dư khả
năng cũng như tiềm năng để thay đổi chúng. Bản chất này phải là nguồn cội
của tư duy chúng ta và là nền tảng của bất cứ sự phát triển nào. Mỗi khi
tự thấy mình mâu thuẩn với một vài người tôi thường phát biểu: “ Bỏ qua
một bên những điều không tốt lành trên báo chí, hãy nhìn vào hàng triệu
người trẻ, già, bệnh hoạn đang được giúp đỡ ta không không thể không cảm
ơn lòng từ ái hay thiện ý của con người; những tình cảm tích cực cũng hoạt
động song hành cùng với tiêu cực.”
Do thiếu giao lưu, kinh nghiệm cá nhân của
tôi cho thấy tôn giáo đôi lúc cũng là nguồn gốc của nhiều vấn nạn. Một khi
mà chúng ta xây dựng được những quan hệ tốt, tầm nhìn của chúng ta sẽ rộng
mở hơn. Từ đó chúng ta khám phá ra rằng chúng ta có thể làm việc với nhau
trên một số căn bản chung cũng như chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Bằng
cách này, tôi tin rằng mối tương kính sẽ được phát triển và những xung đột
về tôn giáo chắc chắn sẽ giảm thiểu.
Bây giờ chúng ta nói tiếp đến những khó
khăn gây ra bởi các chính khách, những nhà lãnh đạo quốc gia. Dĩ nhiên khi
đối đầu với các nhà độc tài, những chế độ chuyên chế ta khó mà nói trước
được những gì sẽ xảy ra; đây là những trường hợp đặc biệt khó khăn. Tuy
nhiên đối với những chính khách trong các quốc gia dân chủ, qủa là một
điều tốt khi ta thấy họ vận dụng phần lớn trí tuệ của mình vào việc phục
vụ kẻ khác. Thế nhưng khi mùa bầu cử gần đến, phần trí tuệ còn lại đó của
họ được đặt để vào bàn tay của các cử tri, điều này chẳng giúp ích gì cả
mà còn tạo nên một trạng thái mất quân bình. Như vậy thì làm thế nào để
cải thiện phẩm chất của các chính khách? Tôi thật tình không biết.
Tất cả những yếu tố trọng yếu này cần nên
được khảo sát thật nghiêm túc, sâu sắc về lâu về dài khi người ta quan tâm
đến nhân loại như một thể thống nhất. Mỗi chúng ta là một thành phần của
đại gia đình nhân loại đó cho dù chúng ta có những quá trình đào tạo, bối
cảnh xã hội khác nhau. Không cần biết anh là giáo viên, nhà kinh tế, chính
khách, luật sư, thành phần tăng lữ, thương gia, hay là “kẻ bụi đời,” tất
cả đều phải chia xẻ một phần trách nhiệm cũng như vận dụng tất cả mọi khả
năng của mình để mang lại một khung cảnh hoà đồng tuyệt diệu cho thế giới
mà chúng ta đang sống.
Vào thời buổi mà một số các chế độ độc tài
chuyên chế đang sụp đổ, những sự kiện não lòng xảy ra như ở Bosnia, Châu
Phi nhắc nhở chúng ta một điều cần thiết là phải làm thế nào để ngăn ngừa
những tình trạng như thế xảy ra trong tương lai. Người ta đang nói nhiều
đến “trật tự thế giới mới”. Thật khó mà thay đổi một cấu trúc xã hội đã
được xây dựng lâu đời. Thế nhưng bây giờ thì cấu trúc xã hội cũ đang trền
đường sụp đổ, mở đường cho một thời điểm với những thay đổi lớn lao. Tuy
nhiên khi mà người ta không biết mình phải làm gì, người ta lại càng thêm
lo âu bối rối. Nhưng cho dù trường hợp nào xảy ra đi nữa, tất cả đều tùy
thuộc vào các chính phủ biết nắm lấy các cơ hội.
Vẫn còn một số khó khăn trong việc tài giảm
vũ khí nguyên tử. Bao lâu mà loại vũ khí này còn tồn tại, thảm họa vẫn có
thể xảy ra cho nhân loại bởi vì số phận của chúng ta luôn luôn bị đặt vào
trong tay của một thiểu số người vô trách nhiệm. Hơn thế nữa với việc giải
trừ quân bị, chúng ta có thể giới hạn được những thiệt hại mỗi khi xung
đột nổ bùng. Phần tôi, tôi vẫn luôn lên tiếng cổ võ cho sự giải trừ quân
bị ngay chính trong tâm hồn của mỗi con người bằng cách giảm bớt lòng thù
hận, tăng trưởng tinh thần từ bi.
Dĩ nhiên là chúng ta cũng không thể không
quan tâm đến lãnh vực hạn chế sinh sản. Sự cách biệt giữa Nam và Bắc cũng
là đầu mối của nhiều vấn nạn. Một số chuyên gia cho biết là nếu các quốc
gia phía Nam đạt đến một mức sống tương đương như các quốc gia phía Bắc,
lúc đó những tài nguyên của thế giới sẽ cạn nguồn. Lại thêm một tình huống
nan giải khác.
Ðể kết luận, chúng ta có thể tự hỏi là tư
duy của con người được thay đổi như thế nào.
Một lần nữa, điều này hoàn toàn tùy thuộc
vào cố gắng, nỗ lực của mỗi cá nhân. Nhân đây tôi cũng xin phép được lưu ý
cộng đồng nhân loại, đặc biệt là tất cả những ai hiện đang hoạt động tích
cực trong các tổ chức xã hội, rằng: Ðiều căn bản vẫn là tâm ý của con
người. Chúng ta có thể hoàn tất mọi công tác khó khăn nếu chúng ta có
quyết tâm. Chúng ta sẽ chẳng đạt được điều gì cả, cho dù là những việc dễ
dàng nhất, nếu chúng ta luôn luôn có thái độ bi quan yếm thế. Theo kinh
nghiệm cá nhân của tôi, tin tưởng và quyết tâm là hai yếu tố quan trọng để
thành công.
CAÂY HÒA BÌNH
Cho tất cả những cư dân của đất nước trù
phú với cảnh quan tươi đẹp này - Tôi nguyện cầu cho quý vị và quê hương
của quý vị được luôn hạnh phúc, giàu mạnh, và nhân ái.
-Từ quyển sổ lưu niệm của
làng Marzens,
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đời thứ Mười
Bốn.
Thật là một điều hân hạnh cho tôi được có
mặt cùng với qúy vị trong buổi chiều hôm nay để cùng nhau ươm trồng cây
hoà bình này. Tôi được đến sinh hoạït cùng cộng đồng này trong một vài
ngày nhằm giới thiệu đến qúy vị một vài nét căn bản của triết học Phật
Giáo. Vùng quê ở đây gắn bó với thiên nhiên thật là êm đềm và dễ chịu,
không khí của nó rất thích hợp cho loại tu học của chúng ta. Ðược dịp tản
bộ quanh đây và gặp gỡ một vài cư dân địa phương, tôi nhận thấy khuôn mặt
của họ đều rạng rỡ những nụ cười khiến tôi có cảm giác như được gặp lại
những bạn bè quen thuộc cũ.Thành thật cảm ơn mối cảm tình nồng hậu đó.
Tôi nghĩ rằng sống trong một ngôi làng nhỏ,
cái cảm giác của cuộc sống cộng đồng có phần nào sống động hơn là sống
trong một thành phố lớn, nơi mà con người thường bị chìm ngập vào đám
đông. Tôi luôn luôn nghĩ rằng cái cảm giác được sống gần gũi với đồng
loại trong mối thương yêu nồng đượm là một trong những đặc tính thiết yếu
nhất của thân phận con người. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng khi mà phần tâm
linh của chúng ta luôn hướng về điều nhân đức, về khía cạnh tích cực của
mọi vấn đề, về lòng yêu thương đồng loại, chúng ta phần nào đã tìm ra cho
mình phương cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn nạn. Khi đối đầu với những
vấn nạn nhân sinh, biện pháp giải quyết bằng võ lực sẽ không bao giờ mang
lại những kết quả lâu dài. Ðó là lý do giải thích tại sao tôi thường hay
đề cập đến tầm mức quan trọng của tình tương thân tương ái giữa những con
người cũng như ý thức về tinh thần trách nhiệm trong đời sống cộng đồng.
Những khái niệm về cộng đồng và lòng nhân ái chính là nền tảng của nền hoà
bình ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nó được bắt nguồn trong mỗi cá nhân
từ thuở ban sơ và tích lũy dần qua cuộc sống của cộng đồng nhân loại, cho
nên đó phải là mối quan tâm của tất cả chúng ta.
Tôi được biết rằng đây là một mảnh đất phì
nhiêu màu mỡ và khu vực này luôn luôn có một đời sống sung túc, phồn
thịnh. Tôi sẽ luôn nguyện cầu cho sự phồn thịnh này luôn bền vững và mọi
cư dân tiếp tục có một cuộc sống tươi vui, thanh bình và hạnh phúc. Hy
vọng rằng những nguyện vọng của qúy vị luôn thành tựu tốt đẹp và hoà bình
sẽ ngự trị giữa mọi con người. Ðối với cái cây mà chúng ta vừa mới ươm
trồng đây, tôi sẽ nhờ bạn bè thân hữu luôn đến thăm chừng nó và báo cho
tôi biết nó đã tăng trưởng đến mức nào.
NHAÂN LOẠI VÀ THIÊN NHIÊN
ÁN MA NI BÁT DI HỒNG! Sáu chữ của câu thần
chú này có mục đích giải trừ mọi khổ nạn của sáu loại chúng sanh đang
trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Khái niệm này đưa ta đến mối nhận
thức một cách tự nhiên rằng khổ đau và hạnh phúc của con người cùng với
điều kiện môi sinh của thế giới mà ta đang sống đều liên hệ mật thiết với
nhau. Rất cảm ơn nhã ý của qúy vị đã mời tôi đến ngôi trường Ðại học này,
tuy còn non trẻ nhưng cũng đã rất nổi tiếng. Tôi rất hân hạnh được có
maàu7841?t tại đây hôm nay và biết thêm được một điều rằng nơi đây từng là
một căn cứ quân sự đã được cải biến để trở thành một trung tâm của kiến
thức và học vấn.
Môi sinh và bảo vệ môi sinh là những vấn đề
mang tầm mức quan trọng hiện nay. Ðây không phải là vấn đề thuần túy về
luân lý hay đạo đức mà là chuyện sinh tử của chúng ta. Mối quan tâm của
tôi đối với những vấn đề liên quan đến môi sinh không phải là kết quả của
một sự nghiên cứu lâu dài trên lãnh vực này mà thật ra là một chuyện khá
ngẫu nhiên. Như qúy vị biết, tại Tây Tạng đi đến đâu qúy vị cũng có thể
uống nước một cách thoải mái. Còn tại Ấn Ðộ và một số nơi khác, người ta
phải phân biệt giữa nước uống được và các loại nước khác. Ðó là lý do tại
sao tôi lại ngạc nhiên khi thấy người ta đề cập đến chuyện môi sinh cũng
như tại sao tôi lại bày tỏ mối quan tâm của mình về lãnh vực này. Sau khi
tham khảo ý kiến với một số nhà chuyên môn, qủa thật tôi thấy rằng đây là
một vấn đề khá hệ trọng nếu không nói là nghiêm trọng.
Những tai họa gây ra bởi chiến tranh thường
xảy ra trước mắt và rất dễ thấy. Trong khi đó sự tàn phá liên quan đến
lãnh vực môi sinh thường diễn ra một cách chậm chạp hơn. Không thể nhận
thấy được từ lúc ban đầu, nó từ từ tăng trưởng cho đến khi người ta nhận
ra được thì mọi chuyện thường là đã quá muộn màng. Bởi thế tôi rất hân
hoan và tràn trề hy vọng khi thấy rằng lãnh vực môi sinh nay đã trở thành
một mối quan tâm đối với tất cả mọi người. Với trí óc thông minh và đầy
tham vọng -cũng là một phần của bản chất con người- đôi lúc chúng ta vô
tình hay cố ý chạy theo những hoạt động có thể gây nên những tổn hại về
lâu về dài. Tuy nhiên nếu được kiểm soát đúng mức, cũng với trí thông minh
đó, nó có thể giúp ta tìm ra những phương thức để giải quyết mọi vấn nạn.
Ðó cũng là lý do mà tôi cảm thấy rằng thật
quả là một điều quan trọng nếu chúng ta được thúc đẩy bởi lòng từ bi, biết
đặt mình vào bối cảnh khổ đau của đồng loại cũng như thấy được những hệ
quả tiêu cực về lâu về dài. Một cách tổng quát, nếu con người được thúc
đẩy bởi lòng nhân ái, họ sẽ càng trở nên tự tin và quyết tâm hơn. Tôi tin
chắc rằng sự quyết tâm này là cơ bản nếu được đi đôi với trí tuệ hoặc óc
thông minh; sức mạnh nội tâm và lòng can đảm chính là những yếu tố cần
thiết giúp ta vượt qua mọi chướng ngại trong đời sống. Cũng vậy, tất cả
mọi vấn nạn liên quan đến khoa học kỹ thuật, dân số, kinh tế một khi đã
phát sinh trên quy mô toàn cầu cần phải được trình bày, thông tin đầy đủ
đến với mọi người. Bằng cách cho người ta thấy mối quan tâm về những hiểm
họa cũng như nhận thức được yêu cầu cấp thiết cần phải tìm ra những giải
pháp, chúng ta dễ dàng tập trung năng lực của mình vào việc kiếm tìm những
biện pháp giải quyết thỏa đáng. Một học viện chuyên nghiên cứu về môi sinh
một cách khoa học sẽ cung cấp cho chúng ta những dữ kiện đầy đủ chất lượng
để có thể đánh giá sự tiến triển và xuống cấp của lãnh vực môi sinh. Bằng
cách tiếp cận một cách khoa học, với sự hổ trợ của ngành truyền thông, đó
là căn bản của vấn đề.
Mối quan tâm của chúng ta về lãnh vực môi
sinh dĩ nhiên là sẽ không hạn chế một cách cục bộ vào khu vực của mình,
biên giới của quốc gia mình. Ðây là vấn đề mà tất cả mọi người sinh sống
trên thế giới này đều phải quan tâm. Quả là một điều cần thiết nếu mọi
người đều nhận thức được điều này để cùng bắt tay nhau đối đầu với vấn
nạn. Theo thiển ý của tôi, nếu thế hệ trẻ được rao truyền ý thức về những
vấn đề môi trường ngay từ thuở còn thơ, những mối quan tâm này sẽ là một
phần của kho kiến thức được lưu trữ lại trong suốt đời người.
Một trong những vấn nạn lớn lao nhất mà
lãnh vực môi sinh phải đương đầu, đó là nền kinh tế hiện đại. Dĩ nhiên
không thể chối cãi được rằng nền kinh tế cần phải được phát triển, tuy
nhiên nếu chúng ta chỉ thuần tuý nghĩ đến chuyện lợi nhuận tất sẽ không
tránh khỏi được những tai hại. Ðồng ý rằng chúng ta có quyền tận dụng các
nguồn tài nguyên thiên nhiên, thế nhưng đừng quên mối hiểm họa là chúng ta
sẽ làm khô kiệt nó nếu khai thác quá mức. Một số nhà chuyên gia còn đi xa
hơn khi tuyên bố rằng chúng ta phải thay đổi kiểu cách sống Tây phương.
Tôi không biết điều này có hiện thực hay không, nhưng một điều chắc chắn
rằng trong thế giới này mọi sự mọi việc đều tương quan ràng buộc với nhau.
Thế cho nên điều quan trọng nhất là nên tìm một con đường trung đạo thay
vì cực đoan.
Thưa Ngài, trong xã hội Tây
phương, làm thế nào để có thể hoà hợp giữa tiến bộ khoa học với mối quan
tâm của chúng ta liên quan đến việc bảo vệ môi trường? Một cách cụ thể,
Ngài có tin rằng nhân loại và thiên nhiên không thể tách rời, hoặc ngược
lại, Ngài nghĩ như thế nào nếu chúng ta tưởng tượng rằng thế giới này sẽ
như thế nào nếu vắng bóng con người?
Theo vũ trụ quan của Phật giáo, ngay tại
thời điểm ban sơ của vũ trụ không có con người. Cũng thế, đến một thời
điểm tương lai nào đó, xã hội loài người sẽ biến mất trong khi vũ trụ sẽ
còn tồn tại trong một thời gian. Có thể lúc đó chúng ta sẽ có thái bình
vĩnh viễn trên mặt địa cầu -ai mà biết được! Theo tôi, chìa khóa của vấn
đề là, như tôi đã nhiều lần phát biểu, mối liên hệ giữa khoa học kỹ thuật
và việc bảo vệ môi sinh. Tôi được biết rằng hiện nay rất nhiều cơ xưởng
được xây dựng có khả năng giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm. Chẳng hạn như
lúc còn ở Stockholm, một số thân hữu cho tôi biết rằng các loại cá đã
biến mất trên dòng sông chảy qua thành phố này trước đây nay đã bắt đầu
thấy xuất hiện trở lại và nước sông đã trở nên tinh khiết hơn, và điều này
không có nghĩa là các cơ xưởng trong vùng phải bị dẹp tiệm. Thí dụ này cho
thấy là chúng ta có thể có những giải pháp để hạn chế sự ô nhiễm môi sinh
mà không cần phải làm đình trệ nền kỹ nghệ. Dĩ nhiên tôi không phải là
người hiểu biết kinh nghiệm trên lãnh vực này, xin nhường lại cho các
chuyên gia để họ tìm ra những giải pháp thích đáng.
Thưa Ngài, có phải đến lúc
chúng ta nên hổ trợ cho một chính sách nông nghiệp phù hợp với một số tập
quán đặc biệt của các quốc gia đang phát triển nhằm giữ vững và khuyến
khích việc bảo tồn một số thói quen có tính truyền thống trong lãnh vực
thực phẩm ăn uống, thay vì chúng ta cứ luôn áp đặt quan điểm Tây phương
vào các hoạt động nông nghiệp?
Vâng, trong những trường hợp như thế, vấn
đề quan trọng là phải làm sao thích nghi vào từng tình huống, điều kiện
cuả mỗi nơi. Việc sử dụng các sản phẩm hoá chất như phân bón, thuốc sát
trùng chẳng qua chỉ là những nhu cầu tạm bợ nhằm nâng cao sản lượng và
phòng ngừa sự tàn phá mùa màng, thế nhưng nó đã gây ra những hậu quả rất
tiêu cực, đó là tệ trạng ô nhiễm môi sinh. Tại một số quốc gia bị hăm dọa
bởi nạn đói hoặc đối đầu với những khó khăn gây ra bởi tình trạng nhân
mãn, ta có thể can thiệp vào nếu cần. Những khó khăn này trên thực tế
thường là hậu qủa do việc người ta quá chú trọng vào ngân sách quốc phòng
thay vì nông nghiệp. Còn những nơi mà những khó khăn do hậu quả thiên
nhiên gây ra như hạn hán, hoặc đất đai cằn cỗi khiến dân chúng phải sống
cơ cực vì thiếu thốn thực phẩm, ta không thể không tận dụng mọi phương
tiện có thể có được nhằm nâng cao sản lượng của đất đai. Trong một số
trường hợp khác, nếu điều kiện và hoàn cảnh cho phép, tốt hơn là ta cứ giữ
lại các hình thức canh tác theo truyền thống, điều đó phần nào nói lên
được lòng kính trọng và ý hướng bảo tồn thiên nhiên của chúng ta.
PHỤNG SỰ NHAÂN LOẠI
Thưa Ðức Ðạt Lai Lạt Ma,Ngài là
một đứa trẻ ngoại lệ. Những thiếu nhi quan tâm đến tương lai của thế giới
vừa mới đứng ra thành lập một hiệp hội. Ngài có muốn trao truyền một thông
điệp nào cho chúng không?
Tương lai trải dài trước mắt chúng ta quả
thật là rất quan trọng. Thiếu nhi là người chịu trách nhiệm trực tiếp với
tương lai. Trên căn bản nhận định rằng bản chất con người vốn tốt đẹp,
tình cảm yêu thương, tâm địa lương hão của trẻ thơ được phát xuất một cách
tự nhiên. Lúc còn bé, đứa trẻ thường không có nhận thức phân biệt giữa một
con người này và một con người khác; chẳng hạn như đối với chúng, nụ cười
cuả người đối diện quan trọng hơn là chủng tộc, quốc tịch, văn hóa của họ.
Tôi yêu mến cái giá trị tốt đẹp của thái độ như thế, nó mang lại cho tôi
biết bao hy vọng khi nhìn về tương lai.
Tuy nhiên ta không thể không quan tâm đến
một vài phương diện khác của vấn đề. Trẻ con nói chung đều có một tâm hồn
nồng hậu, nhân ái; thế nhưng trong một số lãnh vực cuả nền giáo dục mà
chúng tiếp thu phần nào đã làm gia tăng sự cách biệt giữa chúng với nhau,
tạo nên khoảng cách giữa đứa trẻ này và những đứa trẻ khác. Theo tôi,
điều quan trọng là bản chất tốt đẹp của thiếu nhi cần phải được nuôi
dưỡng. Ðiều này có nghĩa là giáo dục phải được hoà điệu nhịp nhàng cùng
với bản chất nhân ái sẵn có của trẻ thơ. Thế nên yếu tố quan trọng nhất là
chúng cần phải được nuôi dưỡng trong một bầu khí đầy yêu thương, trìu mến.
Một cách lý tưởng mà nói thì những phẩm chất của con người cần phải được
triển khai cùng với lòng nhân ái, thế nhưng nếu cần phải chọn lựa giữa một
bên là những phẩm chất quan trọng chung và bên kia là lòng nhân ái, tôi
thường phát biểu rằng tôi sẵn sàng lựa chọn lòng nhân ái.
Những vốn liếng về thông minh và học vấn mà
con người tích lũy được dù quan trọng đến thế nào đi nữa cũng chưa đủ để
xây đắp tương lai. Tâm hồn của chúng ta cần phải được ươm đầy lòng vị tha
thông qua việc học tập những giá trị căn bản của nhân loại, tình yêu đối
với tha nhân là một thí dụ.
Hãy để cho lòng nhân ái thẩm thấu vào tâm
hồn của mỗi con người và giữ cho tâm hồn của chúng ta luôn ở trong trạng
thái tích cực, sinh động. Chúng ta hãy làm phong phú thêm óc thông minh
của mình bằng những phẩm chất tốt đẹp này và biết vận dụng một cách khéo
léo tất cả những gì mà chúng ta tiếp thu được từ giáo dục để xây dựng cho
mình một cuộc sống thỏa mãn và hạnh phúc.
Ngài có thể giải thích cho chúng
tôi biết tại sao trong xã hội Tây phương, cha mẹ và con cái thường là
không thuận thảo với nhau ?
Ðiều này tôi quả tình không biết. Có quá
nhiều yếu tố, điều kiện gây nên những xung đột trong đời sống gia đình,
chẳng hạn như thói quen, tập quán hoặc là những khuôn mẫu mà chúng ta đặt
để buộc con cái phải tuân theo. Dĩ nhiên quả là điều đáng buồn nếu ta phải
chứng kiến sự thiếu vắng tình thương giữa cha mẹ và con cái. Theo tôi
chúng ta khó có thể quy trách cho bất cứ yếu tố nào trong chuyện xung đột
này. Nguyên nhân thì rất nhiều, thế nên khi tìm cách giải quyết vấn đề ta
phải nhìn chúng một cách toàn diện.
Thưa Ngài, những quan điểm của
Tây phương về chính trị, kinh tế có vẻ như rất thành công trong thập niên
60, nhưng đã không còn thích hợp trong thập niên 90. Nó không còn làm cho
người ta hài lòng nữa. Theo Ngài, làm thế nào để cải thiện tình huống
này?
Từ thuở bé đến giờ, tôi rất yêu thích bộ
môn khoa học kỹ thuật. Một số người cho rằng sự phát triển của bộ môn này
tự nó không phải là điều hoàn toàn đáng mong ước, nhưng theo thiển ý của
tôi, không được đúng lắm trong trường hợp này. Tất cả đều tùy thuộc vào
thái độ của chính chúng ta. Khoa học kỹ thuật chỉ là phương tiện, công
cụ. Nó thực hiện những gì mà chúng ta đòi hỏi, tốt hay xấu hoàn toàn do
chính chúng ta làm chủ, quyết định. Như vậy mọi chuyện đềy tùy thuộc vào
động cơ thúc đẩy và phương cách mà chúng ta sử dụng chúng. Tôi nghĩ rằng
trong thời đại này tất cả chúng ta đang chứng kiến sự bùng nỗ lớn lao của
kiến thức, tuy nhiên do quá chú trọng đến kiến thức, chúng ta đã không
quan tâm mấy đến sự phát triển lòng nhân đức, vị tha, bác ái.
Nói như thế, tôi nghĩ rằng mọi việc bây giờ
đã có vẻ trở nên sáng tỏ hơn. Con người hẵn nhiên không phải là sản phẩm
của máy móc, thế nên khát vọng đạt đến hạnh phúc chân thật không thể nào
hoàn toàn nương tựa vào những cảnh huống bên ngoài. Dĩ nhiên chúng ta cũng
cần phải có một cuộc sống vật chất tối thiểu, nhưng đó không phải là cỗi
nguồn của hạnh phúc. Chúng ta phải tự nỗ lực tìm kiếm ngay chính trong bản
thân cuả mỗi chúng ta những nguyên nhân của hạnh phúc và thỏa mãn. Chúng
phải được phát triển ngay bên trong của mỗi con người. Theo tôi, vấn đề
này rất là rõ ràng.
Mặc dù điều này có vẻ như rất khó giải
thích, tuy nhiên tôi cũng xin cố gắng để diễn tả điều mà tôi vừa khẳng
định. Trước tiên, chúng ta phải nhận thức được rằng hạnh phúc chỉ có thể
tìm thấy được trong tâm hồn của chính mình. Những ai nghĩ rằng chỉ có khoa
học kỹ thuật là có khả năng giải quyết mọi vấn đề, và với sự tiến bộ trên
lãnh vực vật chất, mọi mục tiêu đều có thể đạt tới được, theo tôi đều là
những người có quan điểm cực đoan. Chúng ta cần phải nhận thức được những
giới hạn của lối tiếp cận như thế. Và một khi chúng ta bắt đầu bằng cách ý
thức được những giới hạn này, chúng ta sẽ không bao giờ bị xúc động khi
phải đối diện với những chướng ngại bên ngoài.
Theo tôi, mỗi khi phải đối diện với những
nỗi khó khăn, tốt nhất là chúng ta chớ vội đi sâu vào vấn đề, thay vì nên
lùi lại, nhìn ngắm chúng với một tâm hồn rộng mở, đặt chúng vào trong mộr
bức tranh toàn cảnh lớn hơn. Bằng cách này tôi tin rằng chúng ta sẽ rất dễ
dàng tìm ra những giải pháp. Cụ thể hơn như khi chúng ta phải đối đầu với
những vấn đề nghiêm trọng, nếu ta không đứng tách ra ngoài để nhìn vấn đề
và tìm cách đối phó, chúng ta sẽ không nhìn thấy gì cả, những khó khăn sẽ
trở nên nặng nề và chúng ta sẽ rơi vào trạng huống tiêu cực hơn. Ngược
lại, nếu chúng ta quan sát chúng từ xa, tiếp cận chúng với một thái độ
rộng mở, khảo sát vấn nạn từ mỗi góc cạnh, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy
được những trạng huống tích cực của vấn đề.
Tôi nghĩ rằng quả là điều quan trọng nếu
chúng ta biết tổng hợp trí óc thông minh tự nhiên sẵn có của mình cùng với
lòng can đảm để có thể phát triển lòng tự tin trong mỗi chúng ta. Kinh
nghiệm cá nhân cho tôi biết thái độ này rất ích lợi cho sự bình an của tâm
hồn.
Thưa Ngài, bằng những phương
sách nào, các chính khách có thể mang lại cho quần chúng hạnh phúc hơn?
Theo tôi vấn đề này không phải chỉ đặt ra
cho giới chính khách mà thôi. Nó liên hệ đến tất cả mọi giới: giáo viên,
nhà khoa học, lý thuyết gia chính trị, chuyên gia tâm lý, nói chung là tất
cả những ai đang hoạt động trên các lãnh vực khoa học về tâm trí, tinh
thần. Một cách cụ thể, tất cả mọi người đều phải tự tìm kiếm cho mình
những phương cách để mang lại sự bình an tâm hồn. Y khoa càng ngày càng
khám phá thêm những mối liên hệ mật thiết giữa sự thanh thản tâm hồn và
sức khỏe thể xác. Những nghiên cứu như thế đáng được đẩy mạnh thêm.
Bên cạnh đó, theo tôi lãnh vực truyền thông
cũng đóng một vai trò khá quan trọng trong chuyện này. Ngành truyền thông
của chúng ta hiện đang ở vào thời đại tân tiến, cho nên tôi tin chắc
chúng có thể đảm nhiệm được công việc như những nhà giáo dục nhằm kích
thích tâm hồn của con người. Những ký giả vì thế cũng mang một sứ mệnh
quan trọng.
Nhân đây tôi cũng xin được bày tỏ đôi điều
về vấn đề này. Tôi nghĩ là ngành truyền thông đại chúng hiện đang quá chú
trọng đến việc khai thác các khía cạnh tiêu cực trong đời sống xã hội;
điều này đã tạo cho công luận có một ấn tượng tiêu cực về bản chất của
nhân loại nói chung. Thông thường, một khi bạn mang một ấn tượng như thế,
bạn sẽ rất dễ dàng sinh ra chán nản, và thực tế cho thấy là người ta mất
đi niềm hy vọng để sống.
Nhân loại -mặc dù được coi như một đại gia
đình- đã phải gánh chịu khổ đau bởi rất nhiều vấn nạn.Thế nhưng cho dù con
người phải đối diện với vô vàn những khó khăn như thế, ta vẫn có khả năng
chuyển hóa chúng. Chúng ta có thể cải thiện hoàn cảnh sống bởi vì thiện
tâm và lòng nhân ái là một phần của bản chất con người. Nếu chúng ta biết
phối hợp trí óc thông minh của mình với sự thúc đẩy của lòng nhân ái,
chúng ta có khả năng thay đổi cuộc sống của chúng ta và qua đó, chuyển hóa
xã hội. Tôi nghĩ rằng đây là điểm căn bản.
Ðiều này giải thích tại sao tôi luôn quan
niệm rằng khi cần phải đối phó với những vấn đề liên quan đến con người,
điều tốt nhất là ta nên cân nhắc kỹ lưỡng. Tất cả những trạng huống tiêu
cực của nhân loại dĩ nhiên không phải là không quan trọng, nó cho báo chí
những tin hay. Tuy nhiên đồng thời ta cũng đừng nên bỏ qua khía cạnh tích
cực của đời sống vốn được xây dựng trên bản chất tốt đẹp và trí tuệ của
con người.
Gần đây tại một số quốc gia đã có những
cuộc thảo luận liên quan đến vai trò của truyền thông đại chúng. Những gì
cần phải được tường thuật? Tường thuật như thế nào? Những phần nào liên
quan đến đời tư của con người mà truyền thông không được đụng tới? Tôi
cũng có một vài thiển ý liên quan đến những vấn đề này, đặc biệt là những
lãnh vực mà các nhà lãnh đạo thường quan tâm. Trong thời gian qua thực tế
cho thấy là đã có một số các khuôn mặt lãnh đạo lạm dụng chức quyền, họ
không hề tuân thủ một chút nào về nguyên tắc đạo đức hoặc ý thức kỹ luật
tự giác. Ðối với những trường hợp như vậy, tôi nghĩ rằng ngành truyền
thông có quyền kiểm chứng và phơi bày cho công luận biết những tệ trạng
như thế, đó là lý do tại sao tôi ủng hộ những hoạt động của họ và đánh giá
cao khả năng điều tra tìm tòi của người ký giả, có thể chỏ mũi vào bất cứ
nơi nào.
Một con người lương thiện không thể có sự
mâu thuẫn nào giữa dáng vẽ bên ngoài và đời sống nội tâm của họ. Tôi nghĩ
rằng ngành truyền thông cần cho công luận thấy một vài khuôn mặt nổi tiếng
đã khéo léo che dấu con người thật của họ bằng một mả ngoài rất lịch sự,
dễ thương. Trong những trường hợp như thế, tốt hơn là ta đành phải chấp
nhận chuyện xâm phạm đời tư cá nhân, tuy nhiên, xin đừng quên rằng mục
đích chung cùng của chúng ta là phụng sự nhân loại trong ý hướng cải thiện
xã hội. Ðiều này không cho phép ta làm việc cẩu thả, sai lầm hoặc bị lôi
kéo bởi những động cơ tiêu cực. Tôi quan niệm rằng nếu chúng ta không chịu
phơi bày ra những mặt xấu xa của xã hội chẳng hạn như ma túy, sát nhân,
sách nhiễu tình dục, khai thác trẻ con... ngày qua ngày, những người lương
thiện sẽ vẫn còn tiếp tục hứng chịu những đau khổ gây ra bởi những tệ nạn
này. Nếu chúng ta biết giải thích mọi việc một cách sáng tỏ, công luận từ
đó sẽ quan tâm đến vấn đề và tìm ra những phương thức làm giảm thiểu khổ
đau.
Tôi cũng nhận thấy rằng khi người ta nói về
luân lý, đạo đức người ta thường liên hệ những phẩm chất này với những ý
niệm tôn giáo. Theo tôi, một việc khá quan trọng là ta cần nên tách rời
giữa hai ý niệm đạo đức và tôn giáo. Tôn giáo dĩ nhiên giúp ta củng cố,
trợ lực và phát triển đạo đức; thế nhưng khi ta nói đến những khái niệm
như lòng vị tha, tình huynh đệ chúng ta nên nhận thức rằng những tiêu
chuẩn đạo đức này tự nó hiện hữu, độc lập đối với mọi tôn giáo, bởi vì
những tình cảm này được hình thành do bản chất tự nhiên của con người
-tình nhân ái và lòng thương yêu.
Thưa Ngài, quan niệm của Ngài
như thế nào về việc kiểm soát sinh sản và Ngài có ý kiến gì về việc phá
thai?
Ðể trả lời cho câu hỏi này tôi thường giải
thích theo quan điểm của người Phật tử vốn quan niệm rằng đời sống của tất
cả mọi loài chúng sanh, kể cả côn trùng sâu bọ và đặc biệt là con người,
đều rất qúy giá. Nếu nhìn vấn đề như thế thì tất cả mọi hình thứckiểm
soát sinh sản đều cần phải được ngăn cấm. Tuy nhiên những sinh mạng qúy
giá đó nay đã đạt đến một số lượng đáng kể, thế nên chúng ta không thể
không khẩn thiết kêu gọi mọi người phải quan tâm đến vấn đề hạn chế sinh
sản một cách nghiêm túc, vì đó là phương cách duy nhất để hạn chế tình
trạngï gia tăng dân số. Như tôi đã từng đề cập, khi mà tài nguyên của trái
đất đang khô kiệt dần, tôi chấp nhận chuyện hạn chế sinh sản một cách bất
bạo động.
Còn phá thai là một chuyện khác, đó là một
hành động sát nhân. Truyền thống Giới Luật Phật giáo chỉ rõ rằng ta không
được giết hại con người, cho dù đó là một bào thai. Tuy nhiên không phải
là không có những trường hợp ngoại lệ mà ta phải xem xét, chẳng hạn như đó
là nguồn gốc gây nên sự khổ đau trầm trọng cho một thành viên trong gia
đình, ví dụ một bà mẹ mang thai có nguy cơ tử vong lúc lâm bồn hoặc những
người có thể sinh ra quái thai.
Thưa Ngài, làm thế nào để giúp
đỡ những người mang những khổ đau thể xác lớn lao, những người không đủ
sức khoẻ để có thể theo đuổi con đường dẫn đến giác ngộ?
Có nhiều loại bệnh hoạn về thể chất khác
nhau. Những loại tạo ra những ảnh hưởng trầm trọng đến tâm trí của bệnh
nhân thì quả thật là rất đáng thương và bi đát; thế nhưng có những loại
chỉ gây nên những đau đớn về thể xác, như là các bệnh kinh niên, bán thân
bất toại hoặc tạo ra những biến chứng trầm trọng, nhưng tâm trí người bệnh
vẫn tỉnh táo và như vậy họ có thể dự phần vào các sinh hoạt tâm linh ở một
mức độ nào đó. Sự học hỏi Giáo Pháp không phải là một hoạt động về lãnh
vực thể chất mà đòi hỏi sự vận dụng tâm trí và một thái độ tâm linh cần
thiết. Những ai đang đau đớn có thể được hướng dẫn để quán tưởng về các
đề mục tham thiền như tình yêu thương, lòng can đảm, về đức tin cũng như
tinh thần từ bi, nhân ái; những việc này sẽ tạo cho họ thêm tin tưởng cũng
như làm cho đời sống của họ trở nên có ý nghĩa và giá trị hơn. Tuy nhiên
sự hướng dẫn phải được thực hiện một cách khéo léo.
Thưa Ngài, ta có thể làm được gì
khi một người biết mình đang bị bệnh AIDS hoặc một căn bệnh bất trị khác?
Một lần nữa, theo tôi những phản ứng của
một người trước loại bệnh hoạn như thế đều tùy thuộc vào mức độ tham dự
vào những sinh hoạt tâm linh của họ. Tôi không biết phải nói như thế nào
đối với những kẻ vô thần hoặc không có một niềm tin tôn giáo cụ thể nào.
Tuy nhiên điều tôi muốn trình bày ở đây là dù thế nào đi nữa, chúng ta
không nên bỏ rơi hoặc gạt họ ra bên lề xã hội và như thế ta có thể làm
giảm thiểu được sự khổ đau gây nên bởi cảm giác bị hất hủi, tuyệt vọng,
không được che chở nơi họ. Chúng ta phải cho người bệnh thấy là họ không
bao giờ bị gạt ra ngoài. Ðó là trách nhiệm lớn lao của xã hội.
Nếu một người không còn một mảy
may hy vọng nào sống sót -ví dụ như đang ở trong trạng thái hôn mê chẳng
hạn- có phải là điều quan trọng nếu ta kéo dài sự sống của họ một cách giả
tạo? Chúng ta có tạo nghiệp hay không khi phải chấm dứt sự sống không
ngoài mục đích ngăn chặn những đau đớn không cần thiết khác?
Chúng ta hãy nhìn vấn nạn này trên quan
điểm của người bệnh. Tâm trí của họ có còn tỉnh táo, lý trí của họ có đủ
khả năng để suy luận hay không? Nếu còn đủ, một điều rất quan trọng là ta
phải để cho họ sống, dù chỉ trong một ngày hay một buổi để may ra họ có
thể có cơ hội phát triển trạng thái đức hạnh về mặt tâm linh như lòng từ
bi và hỷ xả chẳng hạn. Trong trường hợp bệnh nhân đang ở trong trạng thái
hôn mê bất tỉnh, tâm trí không còn hoạt động nữa, ta cần nên xem xét một
số yếu tố khác, chẳng hạn như ý muốn của những người thân trong gia đình
cũng như quyết định ai sẽ là người trách nhiệm đứng ra chấm dứt sự sống.
Như vậy quả tình vấn đề không phải là đơn giản, ta không thể có câu trả
lời trên căn bản những lời khuyên thông thường.
Tuy nhiên quan trọng hơn cả là chúng ta cần
phải xem xét động cơ đàng sau mỗi hành động. Ðạo Phật dạy chúng ta không
nên huỷ diệt sự sống của bất kỳ sinh vật nào. Nếu một người đang đau đớn,
họ phải chấp nhận hoàn cảnh khổ đau đó để thanh lọc nó. Tuy nhiên qủa là
một lầm lẫn lớn nếu ta không thèm đếm xỉa đến nỗi khổ đau của người khác,
xem đó là nghiệp qủa mà họ phải gánh chịu và ta không thể làm gì được. Mỗi
chúng ta đã và đang tích lũy một nghiệp qủa riêng. Nó đã được thu nhận, và
tiềm ẩn trong mỗi con người. Tương lai vì thế nằm ở trong tay của chính
chúng ta chứ không ai khác. Những khó khăn trở ngại, những bệnh tật, khiếm
khuyết... là kết qủa của những tác hành mà chúng ta phạm phải trong quá
khứ, rất khó mà trốn chạy được. Ðối diện với bệnh hoạn và khổ đau người ta
thường tìm đủ mọi cách để tránh né chúng, cố làm vơi bớt đi những gánh
nặng khó khăn; và cho dù ngay cả khi trực nhận thấy rằng ta không đủ lực
để chữa trị hay làm khuây khoả, ta phải nên nhớ rằng tất cả những vấn nạn
này đều là kết quả của những tác hành mà ta đã gây ra trong quá khứ.
Làm thế nào để giúp đỡ một người
đang ở trong trạng thái hôn mê ?
Nếu đó là một người có tín ngưỡng, ta nên
giúp họ theo quy cách tôn giáo mà họ đang tu tập. Cá nhân tôi không thể
đưa ra một giải đáp chắc chắn nào trước cả. Riêng đối với quan điểm của
một Phật tử,tôi nghĩ là con người nên biết cách chuẩn bị cho mình trước
khi sự việc bi đát xảy ra bởi vì một khi đã rơi vào trạng thái hôn mê, quả
thật là hơi muộn màng khi nói đến chuyện tâm linh.
Làm thế nào để một người có thể
thoát khỏi tình trạng nghiện rượu?
Theo tôi, tốt nhất là ta nên tìm kiếm lời
khuyên từ những bác sĩ chuyên môn. Tạm thời hãy để qua một bên bất cứ
những niềm tin tôn giáo của người đó, điều dễ dàng nhất là ta cứ nhìn vào
và nhận thức được những tổn hại gây ra do việc rượu chè quá độ cả trên hai
bình diện tinh thần lẫn thể xác, để hiểu được rằng do nghiện ngập ta đã bị
người đời xa lánh, cô lập. Một khi đã có một cái nhìn rõ ràng về mặt bất
lợi của việc nghiện rượu và phát triển được lòng quyết tâm từ bỏ nghiện
ngập, tôi tin chắc là bạn có thể thay đổi được đời mình. Tuy nhiên nếu
bạn không đủ ý chí và nghị lực để có được một thái độ tích cực, tốt nhất
là hãy nên đến các trung tâm y khoa chuyên chữa trị về cai rượu hầu như
bây giờ đều có mặt khắp nơi.
Khi một người Tây Tạng giết một
con trâu để nuôi sống gia đình, có phải họ đã gây ra một ác nghiệp? Hoặc
khi một cận vệ phải giết kẻ khác để bảo vệ sinh mạng của Ngài? Chúng ta
giải thích như thế nào về những trường hợp trên?
Dĩ nhiên đó đều là những hành động bất
thiện. Tuy nhiên nghiệp tác động vào mỗi hành động của chúng ta dựa trên
nhiều yếu tố, chẳng hạn như ý hướng thúc đẩy hành động, sự hành động và
những ý tưởng theo sau hành động đó.
Thưa Ngài, những gì được xem như
là những thái độ tình dục không đúng đắn? Ngài nghĩ như thế nào về đồng
tình luyến ái?
Tùy thuộc vào các yếu tố như cơ quan sinh
dục, thời gian và không gian mà một số hành động được coi như là không
đúng đắn chẳng hạn như giao cấu không đúng chỗ trên bộ phận của cơ thể
hoặc xảy ra không hợp thời hợp chốn. Ðây là những hành động mà người Phật
tử xem là vô luân về mặt tình dục. Miệng và hậu môn dĩ nhiên không được
coi là những bộ phận sinh dục, sử dụng các bộ phận này trong việc giao
cấu, dù nam hay nữ đều được coi như là vô luân trong tình dục. Ngay cả thủ
dâm cũng thế.
Giao cấu vào ban ngày cũng được coi như là
vô luân, ngay cả việc giao cấu với người bạn tình mà họ đang tuân thủ một
số nguyên tắc đạo đức, hạnh nguyện dù chỉ là tạm thời, chẳng hạn như từ
khước ham muốn tình dục, sống độc thân... Bắt buộc người khác phải giao
cấu với mình cũng được liệt vào loại liên hệ tình dục không đúng thời,
đúng lúc.
Giao cấu không đúng chỗ nếu được xảy ra tại
những nơi như chùa chiền, chỗ thờ phượng, hoặc bất cứ nơi nào mà một trong
những người bạn tình cảm thấy không thoải mái. Một hành động tình dục được
coi là đúng đắn khi đôi vợ chồng sử dụng các bộ phận chức năng sinh dục
trong việc giao cấu, không có một ngoại lệ nào khác. Làm tình với gái điếm
do chính mì nh trả tiền mà không phải là một người thứ ba nào khác, ngược
lại không được xem như là hành vi không đúng đắn. Tất cả những thí dụ vừa
nói nêu ra một số khái niệm thế nào là đúng và không đúng đắn trong thái
độ tình dục theo quan điểm đạo đức của Phật giáo.
Ðồng tình luyến ái, bất luận là giữa người
nam hay người nữ, đều được xem là những liên hệ tình dục không đúng đắn.
Xin được nhắc lại một lần nữa rằng những gì được coi là không đúng đắn nếu
sử dụng các bộ phận không xứng hợp trong chuyện giao hợp. Vấn đề này như
thế có lẽ đã sáng tỏ?
Thưa Ngài, Phật giáo giải thích
như thế nào về vấn đề ý thức đối với các sinh vật bé nhỏ như côn trùng hay
vi trùng chẳng hạn? Phải chăng tất cả các loài hữu tình đều có ý thức? Còn
cây cỏ, đất đá thì sao, chúng có vẻ như là những vật vô tình? Phải chăng
cây cỏ cũng có Phật tánh?
Tôi đã từng thảo luận vấn đề này với các
nhà khoa học. Không nhiều thì ít, chúng tôi đã đồng ý với nhau trên quan
điểm rằng mọi vật có thể tự mình chuyển động được -đặc tính mà cây cối
không có- đều có ý thức, linh hồn. Dĩ nhiên rễ cây cũng chuyển động khi
chúng phát triển, tuy nhiên đây không phải là chuyển động tự nó mà chỉ
được xảy ra khi cây cối tăng trưởng. Vì thế ta không thể gọi cây cối là
“chúng sanh”, tức là có linh hồn. Tuy nhiên ta có thể kết luận rằng một tế
bào vi tế nhất, tế bào amíp chẳng hạn, vẫn được coi như là một sinh vật vì
nó có khả năng tự chuyển động.
Một khi đã không xem các loại rau cỏ là
sinh vật, ta không thể xem chúng là có Phật tánh. Ðối với một số loài cây
ăn thịt, tôi không có khả năng phán đoán khả năng giăng bẩy bắt mồi của
chúng là do chúng có ý thức hay chỉ là kết quả của một phản ứng thuần túy
hóa học. Vấn đề này xin được mở rộng để thảo luận. Tuy nhiên trong một số
trường hợp, người ta không thể không đặt vấn đề. Ðóa hoa này chẳng hạn,
được xem như là loài vô tình -tức là không có linh hồn- hay là một chúng
sanh? Chúng ta thỉnh thoảng được phép nêu lên nghi vấn bởi vì trong một số
kinh sách Phật giáo đã từng đề cập đến các loài chúng sanh có thể được
xuất hiện dưới dạng thể của loài vô tình hay cây cối,v.v... Bởi lẽ đó,
chúng ta cũng không thể khẳng định dứt khoát rằng một đóa hoa có phải là
sinh vật hay không, vì lẽ chúng ta không thể biết được một chúng sanh đang
hoá hiện ra dưới hình thức như thếù.
Phật giáo quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ
thiên nhiên, cây cỏ, không phải vì chúng là loài hữu tình, là những tạo
vật có thể đánh động lòng từ bi thương xót nơi chúng ta mà bởi vì thiên
nhiên tự nó chính là môi trường sống, cũng như bảo vệ sự sống còn của muôn
loài sinh vật. Nếu một thành phố bị hỏa thiêu thành tro bụi, có phải là
một số lượng rất lớn những mái ấm gia đình của con người đã bị hủy diệt?
Cũng thế, sự tàn phá thiên nhiên cũng chẳng khác gì hơn, bởi vì một số
lượng lớn loài vật sẽ bị mất đi nguồn thực phẩm, chỗ cư trú, tức là mất đi
khả năng sinh tồn.
Ðối với các loài vi khuẩn, theo kinh sách
Phật giáo, cơ thể của chúng ta chứa một số lượng đáng kể. Người ta ước
tính ra là có thể có hơn 80,000 loại như thế, đây là một con số khá lớn.
Ở vào chiều kích nào, trình độ tiến hoá nào những vi sinh vật này có thể
được coi như là những chúng sanh? Tôi không thể nói thêm được điều gì
ngoại trừ cho rằng các sinh vật bé nhỏ, súc vậr -nếu chúng ta quan niệm
chúng là súc vật hẵn nhiên là chúng phải có một số hình thức sinh hoạt của
loài hữu tình- vì thế chúng ta có thể xem chúng là có linh hồn.
Thưa Ngài, xin Ngài giải thích
cho chúng tôi khái niệm về cộng nghiệp, ví dụ nghiệp lực của một quốc gia
như Cam Bốt, Tây Tạng? Cộng nghiệp của các quốc gia này đã được biểu hiện
như thế nào?
Chúng ta có thể nhận thức được thế nào là
cộng nghiệp của một quốc gia. Thế nhưng cho dù các nghiệp quả được tích
lũy của một cá nhân và chung một nhóm người có thể được phát tác đồng lúc,
điều này không nhất thiết là tất cả nghiệp lực của họ đều được gây ra bởi
cùng một thời điểm giống nhau. Tôi không tin rằng tất cả những nguyên nhân
của cộng nghiệp được tạo ra cùng một lúc mà đó là kết quả của từng cá nhân
gây ra ở những thời điểm khác nhau. Lực của những tác hành này cộng thêm
với những yếu tố khác đã tạo nên cộng nghiệp mà qua đó một nhóm người hay
cả một quốc gia phải hứng chịu.
Có một số tội phạm chiến tranh
tại các quốc gia AÂu Châu, cụ thể là Ðông AÂu và một vài quốc gia khác
tại Á Châu, như Cam Bốt, Việt Nam chưa hề bao giờ bị truy tố hoặc ngay cả
trong vài trường hợp nhận được sự khoan hồng trước khi bị mang ra xét xử.
Ngài nghĩ như thế nào về chuyện này?
Thật quả là điều hổ thẹn khi nhìn thấy một
số quốc gia vừa mới được giải thoát khỏi ách chuyên chế độc tài hồi gần
đây lại quay ra oán hờn và trả thù trả oán lẫn nhau trong khi lẽ ra người
ta nên chấp nhận và tha thứ cho nhau. Ðối với các quốc gia vừa mới được
hưởng tự do dân chủ, đây không phải là thời điểm để rửa hờn và thanh thỏa
chuyện cũ. Trái lại đây chính là lúc cần tập trung nỗ lực để xây dựng quốc
gia, tái tạo xã hội. Tôi vẫn luôn nêu lên những cảm nghĩ này mỗi khi có
dịp thăm viếng các quốc gia đó. Riêng tại Trung quốc, mặc dù nền kinh tế
đã được giải phóng nhưng họ vẫn theo đuổi một chế độ chính trị độc tài áp
bức. Tình trạng vi phạm nhân quyền xảy r a khắp nơi, đặc biệt là tại các
khu vực của sắc dân thiểu số, cụ thể là Tây Tạng, trên thực tế là một
quốc gia đang bị họ chiếm đóng.
Tôi rất mực hoan hỷ và khâm phục các hoạt
động cao quý của những tổ chức như Hội AÂn Xá Quốc Tế (Amnesty
International) đã làm việc với tinh thần cực kỳ thành khẩn, rất có hiệu
quả và nhiệt tình trong lãnh vực bảo vệ quyền làm người.
Thưa Ngài, Ngài đã từng nói đến
việc tài giảm vũ khí cần đi đôi với việc giải trừ quân bị ngay chính trong
tâm hồn của mỗi con người. Chúng tôi rất muốn được biết thêm làm thế nào
đểø giải trừ quân bị ngay chính trong tâm hồn của mỗi người trong khi
chúng ta hàng ngày đã phải đối mặt với kẻ thù, và hận thù thì ngự trị khắp
nơi. Trong cuốn sách The Ways of the Heart, Ngài có gợi ý về việc thành
lập một quân lực quốc tế cho tương lai. Như vậy tổ chức này theo Ngài, sẽ
hoạt động như thế nào trong khi Ngài là người chủ trương bất bạo động? Ðội
quân này có được võ trang hay không?
Mọi người đều biết rất rõ rằng khả năng
giết chóc lẫn nhau giữa con người vẫn còn tồn tại khi nào mà vũ khí vẫn
còn vung lên giữa các quốc gia hay đơn giản hơn ngay trong nội bộ của
chính mỗi quốc gia. Dù bất cứ trường hợp nào đi nữa chúng ta cũng cần phải
làm một cái gì đó để chận đứng tệ trạng buôn lậu vũ khí bởi vì tình huống
ngày càng trở nên kinh khủng và vô trách nhiệm. Hãy suy nghĩ một cách
nghiêm chỉnh đến các vấn nạn về quân bị và vũ trang: Nếu nhìn vấn đề một
cách thấu đáo ta thấy rằng các học viện quân sự là nguyên nhân chính gây
nên tình trạng đổ vỡ hủy diệt và mối kinh hoàng ngự trị trên trái đất này
bắt nguồn từ vũ khí. Thế nên mối hiểm họa xung đột vẫn luôn luôn có cơ may
xảy ra khi mà các trung tâm quân sự vẫn còn hiện hữu, dù là ở phe này hay
phe kia.
Ðó là lý do giải thích tại sao việc giải
trừ quân bị là điều cần thiết, dĩ nhiên cần được tiến hành từ từ từng bước
một. Ðầu tiên nên bắt đầu bằng việc giải giới vũ khí nguyên tử, tiếp theo
là loại bỏ các loại vũ khí hóa học, sinh học và cuối cùng là các loại vũ
khí của chiến tranh quy ước. Trước hết ta cần phải có sự đảm bảo quốc tế
để theo dõi tiến trình này, kể cả kiểm soát việc buôn bán vũ khí, lãnh vực
mà không thiếu gì những kẻ vô lương tâm đang hoạt động. Ðể giám sát việc
giải trừ quân bị, có thể là chúng ta cần có một cơ quan pháp lý, hình thức
giống như cảnh sát quốc tế. Tổ chức Liên Hiệp Quốc gần đây đã tham dự khá
nhiều vào các hoạt động quân sự giải phóng, chúng ta cũng cần một lực
lượng như thế trong phạm vi khu vực hay toàn cầu để giám sát công tác hoàn
toàn giải trừ quân bị một quốc gia. Lực lượng hỗn hợp này trong ý tưởng
của tôi chẳng khác gì lực lượng kiểm soát hoà bình của Liên Hiệp Quốc. Với
cung cách này mỗi chúng ta có thể sẽ trở thành một vị Bồ Tát, và dĩ nhiên,
lực lượng này không cần phải trang bị vũ khí! Tuy thế tôi nghĩ rằng đây là
một vấn đề rất khó khăn.
Có thể một số người đã không hiểu ý nghĩa
của việc giải trừ quân bị ngay chính trong tâm hồn của mỗi con người. Theo
tôi, kẻ thù tồi tệ nhất cuả chúng ta là sự thù hận. Ðó cũng chính là kẻ
thù của sự an bình tâm hồn, của tình thân hữu và hoà điệu giữa con người,
là ba yếu tố then chốt trong việc triển khai tích cực nhằm xây dựng một
thế giới tốt đẹp. Hận thù phải được tiết giảm để cho từ bi và thiện cảm
lên ngôi. Ðó chính là khái niệm về giải trừ quân bị trong tâm hồn mà tôi
đã từng đề cập.
Thưa Ngài, xin Ngài nêu bật
những đặc điểm của nhân loại?
Dĩ nhiên đây là câu hỏi liên quan trực
tiếp đến thực tại của thế giới hiện tượng vốn có nhiều mức độ khác nhau. Ở
mức độ cao nhất, chúng ta không thể nào tìm ra được sự hiện hữu tuyệt đối
của cái mà ta gọi là thực tại.
Tuy nhiên thông thường mà nói, tôi luôn cho
rằng thực tính của nhân loại chính là lòng nhân ái. Giáo dục và kiến thức
đồng thời cũng mang lại những phẩm chất tốt đẹp khác, thế nhưng nếu ta
muốn trở thành một con người đúng nghĩa cũng như mang lại ý nghĩa thoả
đáng cho sự hiện hữu của mình, ta cần phải có thiện tâm.
Cái gì nối kết Pháp với hạnh
phúc? Phải chăng là cảm thụ?
Khi nói đến hạnh phúc ta nói đến hai trạng
thái khác nhau: thứ nhất, hạnh phúc được hiểu như là một cảm giác hài lòng
thỏa mãn, một thứ kinh nghiệm dễ chịu; mặt khác, hạnh phúc còn là những gì
mang lại cho tâm hồn ta những hân hoan sâu lắng hơn. Khi bạn tưởng đến
Pháp và đi vào thực hành, bạn được xem như là đang tích lũy công đức, bởi
vì tất cả mọi loại hạnh phúc và thỏa mãn đều là kết qủa trực tiếp hay gián
tiếp của các tác hành tích cực, tốt đẹp. Tôi có cần phải khẳng định thêm
một lần nữa rằng tham dự vào các hoạt động tinh thần lành mạnh là con
đường ngắn nhất dẫn đến an lạc, thanh thản tâm hồn? Bình an, thanh thản
tâm hồn có thể không nhất thiết được cảm nhận như là một cảm giác đặc
biệt, thế nhưng nó xúc tác trên cảm xúc thể chất tạo ra niềm vui, hạnh
phúc. Thanh bình và an lạc của Niết Bàn không tạo ra một thực trạng thuộc
về thế giới cảm xúc mà là một trạng thái hoàn toàn giải thoát khỏi khổ đau
cùng những mối dây ràng buộc ta vào vòng luẩn quẩn của sinh tử luân hồi.
Từ cái nhìn này, đây chính là trạng thái hạnh phúc vĩnh cữu. Phật qủa vì
thế cũng đồng nghĩa với cực lạc, tuyệt đối hạnh phúc. Nếu qúy vị muốn đi
một bước xa hơn và hỏi tôi: Như vậy cái gì là bản chất của cái gọi là cực
lạc này ?, tôi bắt buộc phải trả lời rằng đây là điều không thể thấu đáo,
không thể nghĩ bàn, hoàn toàn vượt ra ngoài khả năng tinh thần của chúng
ta.
Làm thế nào để có thể phát triển
được sự can đảm tinh thần? Phải chăng đây là một thuộc tính tích cực?
Không còn nghi ngờ gì nữa, can đảm là một
thái độ tích cực và cần thiết. Nếu bạn thiếu can đảm, hãy luôn luôn tự
nhắc nhở mình: “Tôi sẽ can đảm, Tôi sẽ can đảm,” vàphải kiên trì suy nghĩ
như thế mãi.
Lòng can đảm có thể được phát triển bằng
cách nào? Trước tiên bạn phải có khả năng nhận biết mỗi loại tình cảm để
có thể cô lập những loại thường gây kích động và phiền nhiễu đến tâm hồn
của mình. Bạn biết được loại tình cảm tiêu cực này, thường là những loại
tình cảm vụn vặt không quan trọng -không hợp lý, không chính đáng, làm cho
tâm hồn của bạn phản ứng một cách bối rối, kích động. Trong khi đó các
loại tình cảm khác như lòng từ bi, tình thương, nhân ái là những tình cảm
căn bản lành mạnh và tích cực. Nếu luôn suy nghĩ đến chúng sẽ làm bạn tăng
trưởng lòng can đảm và sức mạnh đạo đức; và khi bạn quán tưởng sâu xa đến
bản chất bất toại của chu kỳ cuộc sống, nó sẽ dấy lên trong lòng bạn những
tình cảm đột biến thay đổi sâu xa, tạo nên một nhu cầu khẩn thiết phải tự
giải phóng cho chính mình ra khỏi những hệ lụy đó.
Xu hướng mạnh mẽ này mà mục tiêu chính là
nhằm giải thoát mình ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, chính là điều mà tôi
cho là trạng thái tích cực của tâm hồn -không nhất thiết là bạn phải đạt
đến 100%- bởi vì nó được bắt nguồn từ một tiến trình tư duy lành mạnh cũng
như những lý luận đã được thực chứng bởi kinh nghiệm. Cũng như khi ta phân
chia việc tu tập Ðại thừa ra làm hai phạm vi: pháp, cũng còn được gọi là
phương tiện thiện xảo, và trí huệ- tôi nghĩ là chúng ta có thể đồng hoá
những phẩm chất này với pháp và xem trí thông minh như là trí huệ. Chắc
chắn là pháp tương ứng với những khía cạnh tích cực của phản ứng và trí
huệ chính là sự biểu hiện trí thông minh của chúng ta.
Bây giờ nói đến chuyện làm thế nào để phát
triển lòng can đảm, đây qủa là một vấn đề khó nuốt! Tuy nhiên thực ra, tôi
tin một cách chắc chắn rằng toàn bộ cuốn Nhập bồ đề hành kinh
(Bhodicharyavatara) của Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva), ngay từ những dòng
đầu tiên của chương nhất cho đến đoạn cuối của chương mười và phần kết
luận đều nêu lên chủ đề về con đường đưa đến tỉnh thức cũng như phương
thức tu dưỡng lòng can đảm và quyết tâm. Tuy nhiên tùy theo căn cơ, tâm
tính và trình độ thông minh khác nhau của mỗi cá nhân, có người có thể ưa
thích giá trị của kỹ thuật được đưa ra trong cuốn sách này nhưng cũng có
người lại chọn một đường lối khác hơn.
Tôi hoàn toàn tâm đắc với câu nói sau đây
của Geshe Potawa: “Vòng luân hồi sinh tử không có điểm khởi đầu cũng như
nguồn gốc cho nên nó không thể tự chấm dứt. Ta không thể so sánh nó như
một trái cây trên cành, cho dù không ai chăm sóc vẫn lớn lên, chín tới và
rơi rụng khi bắt đầu thối rửa.” Thế cho nên một khi bạn cảm thấy chán ngán
cái vòng luẩn quẩn của tử sinh và có ý hướng muốn tìm cách phá vỡ nó để
thoát ra, thật là sai lầm khi khoanh tay ngồi chờ sự giải thoát tìm đến
với bạn. Thời gian tự nó không thể mang đến sự chấm dứt của vòng sinh tử.
Bạn phải là người chủ động từ đầu; bạn phải khởi đi một cách có ý thức từ
bước đầu tiên nhằm đảo ngược tiến trình của vòng luân hồi sinh tử. Khoanh
tay ngồi chờ dòng sinh tử tự chấm dứt chỉ là hy vọng hảo huyền, nếu không
nói là biểu hiện của một cuộc sống vô nghĩa.
Thưa Ngài, vô chấp và vô phân
biệt khác biệt nhau như thế nào?
Hoàn toàn khác nhau. Vô phân biệt bao hàm
một thái độ hoàn toàn xả bỏ trước đối tượng, trong khi vô chấp vẫn còn
mang một vài vướng mắc, dính líu.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề, ta nên hiểu thế nào
là chấp trước. Có hai loại chấp trước: Loại thứ nhất được gây ra do trạng
thái tâm hồn bị quấy đục bởi dục vọng hoặc các yếu tố tâm linh tiêu cực
khác và do đó cần phải được loại bỏ. Loại thứ hai là sự lôi cuốn bởi các
đối tượng của lòng từ bi -sự lôi cuốn này không phải là kết quả của những
tình cảm hay tư tưởng tiêu cực- do đó cần phải được đào sâu và củng cố.
Khi chúng ta thực tập thiền định về tánh
không, chúng ta làm công việc giải trừ những kiến thức sai lầm về hiện
tượng và sự vật, những kiến thức sai lầm đã làm cho chúng ta tin chắc rằng
mọi vật đều bền vững và hiện hữu một cách độc lập. Thật là điều quan trọng
để sửa chữa những kiến giải sai lầm này, tuy nhiên trong nỗ lực nhằm nâng
cao tiềm năng của những phẩm chất lành mạnh và tích cực cũng như loại bỏ
các xu hướng tiêu cực, độc hại trong mỗi chúng ta, quả là điều khó khăn
khi giữ cho ý thức của ta luôn luôn tỉnh táo để có thể phân biệt được cái
nào nên trau dồi cái nào nên loại bỏ. Những tính năng phân biệt của chúng
ta như thế vẫn còn nguyên vẹn.
Cũng cùng một tâm cảnh như thế, vị Bồ tát
phải nhổ đến tận gốc rễ và loại bỏ hoàn toàn tính kiêu căng tự phụ. Một vị
Bồ tát khiêm nhường phải tự hạ mình trước mọi loài chúng sanh, đây là điều
hoàn toàn tự nhiên. Ðiều này chẳng mảy may cản trở cái năng lực phi
thường và lòng dũng cảm tuyệt vời của Bồ tát trong tâm nguyện giải thoát
mọi loài chúng sanh ra khỏi khổ nạn. Tâm đại từ bi này, vốn đã không còn
bị vướng mắc bởi mọi hình thức chấp trước tiêu cực, là một thí dụ chứng tỏ
cho thấy thái độ dính líu tích cực ở một mức độ quan trọng lớn lao hơn cho
phúc lợi của kẻ khác thay vì cho hạnh phúc của riêng cá nhân mình.
Một người biết sử dụng trí thông minh của
mình song song với việc thực hành tu dưỡng tinh thần, tức là nếu cần
thiết, sử dụng cả pháp cùng với những tính năng sáng tạo của tâm thần, họ
sẽ học được cách khám phá ra những sắc thái vi tế giữa một bên chỉ biết
chăm sóc đến bản ngả của mình, một hình thức của chấp trước, và bên kia là
những tình cảm cao thượng biết cống hiến đời mình cho hạnh phúc tha nhân.
Chỉ có sự hoà hợp duy nhất giữa pháp và trí huệ mới có thể đưa ta đến sự
phát triển các tính năng vững chắc của nhận thức phân biệt. Thế cho nên
tôi thường phát biểu rằng khi nói đến bản ngã tức là cũng đồng thời nói
đến một ý thức tự giác vững mạnh. Một trong những hình thức biểu hiện của
ngã tức là không quan tâm đến kẻ khác, không thèm đếm xỉa đến hạnh phúc
của tha nhân và đi xa hơn nữa là khai thác mọi cơ hội nhằm mang đến lợi
nhuận cho cá nhân mình, miễn sao cho mình vui thích là đủ! Thái độ tinh
thần này dứt khoát là rất tiêu cực, cần phải loại trừ.
Ngược lại, một khía cạnh khác của ngã có
thể được xem như là sự biểu hiện của niềm tự tin lớn lao, loại niềm tin
khiến chúng ta có thể nói một cách mạnh dạn rằng: “Tôi có thể làm được
việc này, việc kia. Tôi có khả năng mang lại những điều tốt đẹp cho mọi
người. Tôi có thể đạt đến hoàn toàn giác ngộ để cứu độ chúng sanh.” Loại
tình cảm này chắc chắn là không thể bị loại bỏ mà ngược lại cần phải được
phát triển và củng cố. Như thế, những tiến bộ trên hành trình tu tập sẽ
giúp cho tâm hồn ta ngày càng thư giản, tỉnh lặng cùng một lúc với trạng
thái hoàn toàn tỉnh thức, sáng suốt biểu hiện khả năng quán chiếu nội tâm
và tập trung trí tuệ cao độ.
Thưa Ngài, có gì khác biệt giữa
giận dữ và hận thù?
Cá nhân tôi phân biệt hai thứ tình cảm loạn
động này như sau. Hận thù phát sinh ra do nỗi oán hận người mà động cơ
thúc đẩy chắc chắn không bao giờ phát xuất từ lòng từ bi. Tình cảm này vì
thế phải được hoàn toàn loại bỏ. Giận dữ mặt khác chỉ là hệ quả của một
phản ứng tình cảm cấp thời,mà theo kinh điển, vẫn có thể được sử dụng
trong hành trình tu chứng. Giận dữ trong một vài trường hợp có thể được
coi như là sự biểu lộ của lòng từ bi chẳng hạn như được sử dụng như là một
chất xúc tác hay là một sức thúc đẩy cần thiết trước một hành động khẩn
cấp.
Xin Ngài định nghĩa về khái niệm
thế nào là có một kẻ thù?
Khi bạn “đỏ mặt” lên vì giận dữ một người
nào đó, hãy hỏi cái tâm trạng nóng giận của bạn lúc đó kẻ thù là cái gì?
Trong cuốn Nhập bồ đề hành kinh của Shantideva (Bhodicharyavatara), chương
nói về lòng khoan dung và nhẫn nhục đã có một định nghĩa rất rõ về kẻ thù,
tức là người trực tiếp hăm dọa đến đời sống của ta, của bạn bè quyến
thuộc, của tất cả những gì là tài sản, sở hữu của ta, v.v... Bạn của những
kẻ thù ta cũng được xem như là kẻ thù. Tuy nhiên với phương pháp tu tập
chuyển hoá tư tưởng (Tây Tạng gọi là lodjong), một người có thể thiết lập
được mối tương quan bình đẳng không phân biệt giữa mình và người khác, và
do đó đi đến nhận thức rằng không có gì được gọi là thù hay bạn. Ðây không
phải là sự phủ nhận sự hiện hữu của khái niệm bạn thù: Thù vẫn là thù, bạn
vẫn là bạn. Tuy nhiên phương pháp tu tập này chỉ cho ta thấy rằng ta không
có lý do gì để phải giận dữ bất cứ ai được coi như là kẻ thù của ta, cũng
như không nên vướng mắc vào một lối đối xử đặc biệt nào đối với những
người được ta coi như là bạn bè, quyến thuộc. Nhìn ở góc cạnh này, hắn ta
là kẻ thù của tôi vì hắn đã gây nên những thiệt hại cho tôi, nhưng nhìn ở
một góc cạnh khác, tôi có thể xem y như một người bạn vì y đã cho tôi cơ
hội thực tập nhẫn nhục và phát triển lòng khoan dung. Với quan điểm này ta
không còn xem y như là kẻ thù địch, mà ngược lại rất hữu ích, hữu dụng đối
với ta.
Dựa trên những giáo lý Phật
giáo, làm thế nào để chúng ta học hỏi được những kinh nghiệm về các hành
vi bạo động, như chiến tranh chẳng hạn?
Ðiều quan trọng nhất là tránh chuyện sát
sanh. Ý tưởng cho rằng một người có thể được quyền tước đi mạng sống của
kẻ khác phải được hoàn toàn tẩy sạch trong tâm trí của mọi người.
Mục lục
| Phần thứ 01 |
Phần thứ 02 |
| Phần thứ 03 |
Phần thứ 04 |
Phần thứ 05 |
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---