Huyền Trang - Nhà Chiêm Bái và Học Giả
(Hsuan-Tsang, the Pilgrim and Scholar)

Nguyên tác Anh ngữ: Hòa Thượng Thích Minh Châu
Bản dịch Việt ngữ: Ni sư Thích Nữ Trí Hải
Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam tái bản, 1989

---o0o---

 

 

Phần 05

 

VII. HUYỀN TRANG, NHÀ TRƯỚC TÁC

 

Về phương diện trước tác, Pháp sư không để lại nhiều tác phẩm, vì Ngài quá bận với việc dịch thuật. Ngoài ra, Ngài cũng còn nhiều việc làm khác để làm.

Khi còn ở Ấn Độ, để dung hòa hai phái Đại thừa, Trung quán và Du già, Pháp sư đã viết bản Hội tông luận, "về sự dung hòa hai phái", gồm 3.000 đoạn. Tác phẩm này viết bằng Phạn ngữ. Đưa cho Giới Hiền Pháp sư xem, Ngài ca tụng nhiệt liệt và khuyên tất cả nên tìm đọc. Để bác những lời chỉ trích của các pháp sư tiểu thừa, như Prajnagupta (Bát-nhã-cúc-đa) đã viết một bản văn gồm 700 đoạn đã kích Đại thừa, Pháp sư viết cuốn "Chế ác luận" gồm 1.600 đoạn để bác bỏ cuốn sách trên bằng giáo lý đại thừa.

Thật vô cùng đáng tiếc vì 2 bản văn viết bằng Phạn ngữ này đã mất và đến cả bản dịch cũng không còn, vì chúng ta muốn biết Pháp sư làm sao để dung hòa hai học phái Trung quán, Du già và Ngài đã bác bẻ lý thuyết tiểu thừa ra sao để lập Đại thừa giáo. Tương truyền Ngài khởi dịch cuốn Đạo đức kinh ra Phạn ngữ theo lời yêu cầu của vua Kamarupa nhưng trong cuốn "Đời Ngài Huyền Trang" của Tỳ kheo Huệ Lập không nói đến tác phẩm này.

Khi Pháp sư trở về Trung Quốc, thể theo lời Hoàng đế Trung Hoa, Ngài viết Tây Vức ký, ghi lại cuộc du lịch Tây Vức bằng tiếng Trung Hoa. Tác phẩm này được tàng trữ trong tạng kinh Trung Hoa, mang số 1503, bản Thư tịch về Tam tạng Trung Hoa của Nanjio hợp tác với Biện Cơ. Chúng ta có thể chắc chắn rằng tất cả các tài liệu đều do Pháp sư cung cấp, còn lời văn, sự chọn chữ và câu thì do Biện Cơ đảm nhiệm, và cả hai cùng bàn về các đoạn mạch và sườn cốt của cuốn sách.

Trong tác phẩm này, Pháp sư nói đến những xứ Ngài đã viếng thăm hay nghe nói, và tả chúng một cách tỉ mỉ dựa theo một dàn bài vạch sẵn. Những xứ quan trọng Ngài đã viếng thăm và nói đến gồm 138 xứ, kể theo thứ tự sau đây theo Tây du ký.

a- Tên xứ sở:

Cuốn 1:

1. A-kỳ-ni
2. Khuất-chi
3. Bát-lộc-ca
4. Nô-xích-kiến
5. Giả-thời
6. Bố-hãn-quốc
7. Tốt-đổ-lỵ-sắc-na
8. Táp-mạt-kiến
9. Nhị-mạt-hạ
10. Kiếp-bố-đát-na
11. Khuất-xương-nhĩ-ca
12. Hát-hãn
13. Bổ-hát
14. Phát-địa
15. Hóa-lỵ-tập-di-già
16. Yết-sương-na
17. Đát-mật
18. Xích-ngạc diễn-na
19. Hốt-lộ-ma
20. Dũ-mạn
21. Cúc-hòa diễn-na
22. Hoạch-sa
23. Kha-đốt-la
24. Câu-mế-đà
25. Dược-già-lãng
26. Hất-lô tất-manh-kiên
27. Hốt-lẫm
28. Phược-hát
29. Nhuệ-mạt
30. Hồ-thiệt-kiện
31. Đạt-thích-kiện
32. Yết-chức
33. Phạm-diễn-na
34. Ca-tất-thí

Cuốn 2

35. Lam-ba
36. Na-yết la-hạt
37. Kiện-đà-la

Cuốn 3

38. Ô-trượng-na
39. Bạt-lộ-na
40. Đát-hựu thỉ-la
41. Tăng-ha bổ-la
42. Ô-lặc-thi
43. Ca-thấp di-la
44. Bán-nô-ta
45. Yết-la-xà bổ-la

Cuốn 4

46. Kiệt-ca
47. Chí-na bộc-để
48. Xà-lạn đạt-la
49. Khuất-lộ-đa
50. Thiết-đa-đồ-lô
51. Ba-lý-dạ-đát-la
52. Mạt-thố-la
53. Tát-tha-nê-thấp-phạt-la
54. Tốt-lộc-cần-na
55. Mạt-để bổ-la
56. Bàn-la-hấp-ma-bổ-la
57. Cụ-tỳ-sương-na
58. Á-bê-chế-đát-la
59. Tỳ-la-san-nỏa
60. Kiếp-tỷ-tha

Cuốn 5

61. Yết-nhã cúc-xà
62. A-du-đà
63. A-da-mục-khê
64. Bát-lã-da-già
65. Kiều-thưởng-di
66. Bệ-sách-ca

Cuốn 6

67. Thất-la-phạt-thất-để
68. Kiếp-tỷ-la-phạt-tốt-đổ
69. La-ma
70. Câu-thi-na yết-la

Cuốn 7

71. Bàn-la-niết-tư
72. Chiến-chủ
73. Phệ-xá-ly
74. Phất-lật-thị
75. Ni-ba-la

Cuốn 8 và 9

76. Ma-kiệt-đà

Cuốn 10

77. Y-lạn-nỏa-bát-phát-đa
78. Chiêm-ba
79. Yết-châu-ôn-kỳ-la
80. Bôn-na-phạt-đàn-na
81. Ca-ma-lũ-ba
82. Tam-ma-đát-tra
83. Đam-ma-lật-để
84. Kiết-na-nỏa-tô-phạt-lặc-na
85. Ô-đà
86. Cung-ngự-đà
87. Yết-lăng-già
88. Kiều-tát-la
89. Án-đạt-la
90. Đà-na-yết-kiệt-ca
91. Chây-lỵ-da
92. Đạt-la-tỳ-đà
93. Lâm-la-cư-tra

Cuốn 11

94. Tăng-già-la
95. Cung-kiến-na-bổ-la
96. Ma-ha-lặc-đà
97. Bạt-lộc yết-liệp-bàn
98. Ma-ha-lạp-bàn
99. A-tra-li
100. Khế-tra
101. Phạt-lạp-tỳ
102. A-nan-đà-bổ-la
103. Tô-lặc-đà
104. Cụ-chiết-la
105. Ô-xà-diễn-na
106. Trịch-chỉ-đà
107. Ma-hê-thấp-phạt-la-bổ-la
108. Tín-độ
109. Mậu-la-tam-bộ-lô
110. Bát-phạt-đa
111. A-điểm-bà-súy-la
112. Lang-yết-la
113. Ba-lặc-tư
114. Tí-đa-thế-la
115. A-phản-trà
116. Phạt-lặc-nỏa

Cuốn 12

117. Tào-cử-tra
118. Phất-lật-thị-tác-đảng-na
119. An-đát-la-phược
120. Khoát-tất-đa
121. Hoạt-quốc
122. Măng-kiện
123. A-lị-ni
124. Yết-lã-hồ
125. Ngật-lật-sắc-ma
126. Bát-lị-hạt
127. Hê-ma-đạt-la
128. Bát-đạt-sáng-na
129. Dâm-bạc-kiện
130. Khuất-lãng-nỏa
131. Đạt-ma-tất-thiết-đế
132. Thi-khí-ni
133. Thương-di
134. Kiếp-bàn-đà
135. Ô-sái
136. Khê-sa
137. Chiếc-cú-ca
138. Cú-tát-đát-na

b.- Hoàn cảnh địa lý

Khi tả về xứ nào, Pháp sư đề cập đến địa dư trước hết. Nhờ thế mà chúng ta biết rằng kinh đô Kucha (Khuất-chi) chẳng hạn, dài chừng 1.000 lý từ đông sang tây và 600 lý từ trung tâm đến phía bắc. Kinh đô Kosala dài chừng 1.000 lý vây quanh là núi. Rừng dày trùng điệp và chu vi của thủ đô ước chừng 40 lý. Kinh đô Ma-kiệt-đà chu vi chừng 5.000 lý.

c. Đất đai và nông nghiệp

Sau khi tả hoàn cảnh địa lý, Pháp sư đề cập đến đất đai và nông nghiệp. Xứ Kashmir chẳng hạn, rất thuận lợi cho nghề trồng trọt và sản xuất hoa quả dồi dào. Xứ Udyana không được phì nhiêu và sản phẩm của đất đai không được dồi dào, mặc dù người ta gieo tất cả loại hạt giống. Xứ này sản xuất rất nhiều nho nhưng ít mía. Đất có nhiều vàng và sắt lợi cho việc trồng cây củ nghệ. Những khu rừng tăng trưởng rất mạnh và hoa quả dồi dào. Và xứ Ma-kiệt-đà, đất đai rất phì nhiêu, mùa màng xanh tốt. Lúa trồng rất nhiều hạt lớn và có vị ngon ngọt. Lúa này có màu sắc sang chói và thường được cho là loại lúa của những bậc vương giả dùng.

d. Khí hậu

Sau đó Ngài tả về khí hậu. Xứ Mathùra (Mạt-thố-la) chẳng hạn, có một khí hậu nóng trong khi xứ Samarkand (Táp-mạt-kiên) khí hậu ôn hoà. Xứ Udyana mùa hạ và đông điều độ, gió mưa đúng thời. Xứ Ca-thấp-di-la thời tiết băng giá, tuyết rất nhiều nhưng gió không dữ dội lắm.

e. Tánh tình và phong tục

Kế đến Pháp sư đề cập đến tánh tình và tập quán của người dân chẳng hạn những người ở Urasa (Ô-lắc-thi) không biết đến công lý hay lễ lạc gì, họ có bản chất bạo động và hung dữ, ưa lừa dối lường gạt. Họ không tin Phật giáo. Người xứ Vaisali (Phệ-xá-li) trái lại, thật thà hiền lương, họ kính đạo đức, trọng học vấn. Họ cũng có người tà đạo và người theo chính pháp. Người xứ Varanasi thì lễ độ ôn hoà, kính trọng những người hiếu học. Phần đông tin theo tà thuyết, trừ một số ít tin theo Phật giáo. Người xứ Ma-kiệt-đà tính tình giản dị trung thực. Những người này kính trọng người ham học và rất tôn sùng Phật pháp.

f. Những chùa thờ Phật và Đền thờ Thần

Kế đến Pháp sư nói đến số lượng chùa và đền Ngài thấy ở trong xứ. Ở Kiều chưởng di chẳng hạn có chừng 12 chùa suy sụp và hầu như hoang vu. Có tất cả chừng 500 vị sư ở trong những chùa ấy học giáo lý tiểu thừa. Có chừng 50 đền thờ thần và số người tà giáo rất đông. Ở Xá-Vệ, có hàng trăm ngôi chùa phần đông đổ nát, ở đấy một số ít sư họ giáo lý của pháp Chánh lượng bộ. Ở Ma-Kiệt-Đà, có chừng 50 chùa chứa 10.000 vị tăng học Đại thừa giáo. Có nhiều đền thờ thần và người tà giáo rất đông.

g. Những tháp thờ Phật tích

Pháp sư không bao giờ quên tả chi tiết những bảo tháp và chùa chiền chứa Xá lợi Phật hay có liên quan đến một vị học giả Ấn Độ danh tiếng nào. Chẳng hạn trong Vương quốc Ba-Lợi-Ca, có một ngôi chùa mới. Trong chùa này, ở giữa phòng thờ tượng Phật về phía Nam có một cái chậu Đức Phật thường dùng để tắm rửa, chứa chừng một "thốn" nước. Có nhiều màu chói mắt, nhưng thật khó nói được chậu ấy làm bằng thứ kim loại hay đá gì. Ngoài ra còn có một cái răng Phật dài chừng 2 phân, rộng 1 phân, màu trắng ngà và chất sáng trong. Lại có môt chiếc cán chổi của Phật làm bằng thứ cỏ Kusa dài chừng 5 tấc, chu vi hơn 1 tấc. Cán nạm ngọc quý.

Tại xứ Vàrànasi, về phía đông bắc thủ đô, phía tây sông Vàrànasi, có một bảo tháp do vua A-Dục xây, cao hơn 24 thước, phía trong dựng một trụ đá màu xanh nhạt, bóng như gương. Mặt trụ sáng loáng rõ ràng, và thường thường có thể thấy hình của Như Lai. Về phía tây nam chùa Lộc Uyển, có một bảo tháp bằng đá cũng do vua A-Dục xây. Mặc dù nền tháp đã suy sụp, tháp vẫn còn cao chừng hơn 24 thước. Trước tháp có một trụ đá cao gần 20 thước, đá bóng sáng. Những người thành tâm đến khấn vái có thể thấy được nhiều hình ảnh khác nhau tùy điềm xấu tốt, và có nhiều người thấy thật. Đấy là nơi Như Lai đã chuyển Pháp luân sau khi chứng ngộ.

h. Chùa liên quan đến những đệ tử Phật

Suốt cuộc Tây du, Pháp sư tả tỉ mỉ tất cả những ngôi chùa có liên hệ đến những đại đệ tử Phật. Khi Ngài đến xứ Mathurà (Mạt-thố-la), Ngài thấy những bảo tháp chứa di tích những đệ tử Phật danh tiếng nhất như Ngài Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Phú-Lâu-Na Di Đà-La-Ni-Tử, Ưu-Ba-Li, A-Nan, La-Hầu-La, Văn-Thù và nhiều Bồ tát khác. Hàng năm suốt ba tháng ăn chay (tam nguyệt trai: tháng Giêng, tháng Năm, tháng Tám Âm lịch) và 6 ngày chay (lục trai) trong tháng, những tín đồ tranh nhau để lễ bái, dâng cúng phẩm vật cho những tháp ấy. Tháp ngài Xá Lợi Phất thường được những người học giáo lý A-tỳ-đàm cúng bái, tháp Mục-Kiền-Liên do những người học tham thiền, tháp Mantaniputra do những người tụng kinh, tháp Ưu-Bà-Li do những vị ni sư, tháp La-Hầu-La do những người chưa thọ đại giới và tháp những Bồ tát do những người đại thừa.

Ở thủ đô A-du-đà có một ngôi chùa cổ, ở đấy Thế thân Bồ tát trú trong 10 năm; trong thời gian ấy Ngài viết nhiều luận tiểu thừa và đại thừa. Gần đấy có một ngôi chùa cũng xưa là nơi Bồ tát Thế Thân giảng pháp cho những vị vua nhiều xứ, cho những ẩn sĩ và Bà la môn từ bốn phương. Về phía bắc bảo tháp chứa tóc và ngón tay, có những di tích một ngôi chùa cổ. Ngài luận sư Thắng Thọ phái Kinh bộ soạn bộ Tỳ-bà-sa luận ở đấy. Cách chừng 5 hay 6 lý về phía tây nam của thủ đô, ở giữa rừng cây Yêm-một-la, có một ngôi chùa cổ, ở đấy Bồ tát Vô Trước nghiên cứu học hỏi và hướng dẫn những người xuất gia, cư sĩ. Bồ tát Vô Trước lên Linh Đài để học Di Lặc Bồ tát về Du già Sư-địa-luận, Trang nghiêm Đại thừa kinh luận, Trung biên Phân biệt luận v.v... và giảng giáo pháp vi diệu cho Đại chúng. Về phía tây bắc ngôi giảng đường cũ ấy người ta thấy một ngôi chùa cổ gần sông Hằng về phía bắc. Ở giữa ngôi chùa ấy, có một bảo tháp cao hơn 25 thước, đây là nơi Thế Thân Bồ tát lần đầu tiên khát khao giáo lý đại thừa. Ở A-gia mục khư (khư: có nghĩa là gò đất hay khoảng đất bỏ hoang [BT]) có một ngôi chùa hơn 200 vị tăng. Đấy là nơi ngày xưa luận sư Giác Sứ soạn bộ Luận Đại-Tỳ-bà-sa. Lại ở ca Thấp Di La, có một ngôi chùa 30 vị tăng, nơi ấy ngày xưa Tăng già Bạt-Đà-La soạn bộ Thuận chánh lý luận.

i. Những câu chuyện

Pháp sư không bao giờ quên kể những chuyện liên quan đến xứ sở hay nơi mà Ngài đến viếng. Nhờ vậy sự tường thuật của Ngài thêm linh động với những câu chuyện hứng thú lượm lặt từ khẩu truyền. Khi Pháp sư đến A-du-đà, Ngài kể chuyện Bồ tát Thế Thân theo Đại thừa như sau:

"Ở trong một ngôi chùa cũ có một tháp gạch cao chừng 25 thước. Đấy là nơi Thế Thân lần đầu tiên khao khát Đại thừa giáo. Ngài Thế Thân đến từ Bắc Ấn. Lúc ấy Ngài Vô Trước sai một môn đệ ra gặp ngài Thế Thân. Người môn đệ đứng ngoài cửa sổ và khi đêm đã quá khuya, ông bắt đầu tụng kinh Thập địa, Thế Thân cảm thấy tâm bừng sáng và hối hận vô cùng vì đã không nghe được giáo lý vi diệu thậm thâm. Ngài quy mọi sự luống dối cho cái lưỡi, và dùng một con dao toan cắt lưỡi mình để sám hối khẩu nghiệp quá khứ. Nhưng Ngài Vô Trước liền đứng trước mặt tán dương Ngài như sau:

"Giáo lý đại thừa chứa những nguyên lý vi diệu của chân lý, chư Phật đều tán thán Đại thừa và thánh hiền thờ kính. Bây giờ tôi muốn nói, đã đến lúc ông nên tự mình nhận thức. Không gì công đức bằng. Theo lời dạy cao cả của chư Phật, cắt lưỡi không phải là sám hối. Ngày xưa, lưỡi ông dùng để phí báng Đại thừa, thì nay ông nên dùng lưỡi sửa lỗi mình và tự đổi mới, đấy là điều hay nhất. Nếu ông ngậm miệng không còn thốt lời nào thì phỏng có ích lợi gì?"

Nói xong Vô Trước biến mất. Thế Thân vâng lời, không cắt lưỡi nữa. Sáng hôm sau, Ngài đến lạy VôTrước, và được nghe giảng Đại Thừa. Từ đấy Thế Thân ngày đêm học hỏi, tư tưởng cao rộng. Ngài viết chừng 100 bộ luận về Đại thừa được rất nhiều người đọc và bàn đến."

Khi Pháp sư đến Xá-vệ, Ngài kể chuyện quy y của Chỉ-Man theo Phật giáo, chuyện ông Cấp Cô Độc mua Kỳ Viên, chuyện vua Lưu Ly tàn sát dòng họ Thích Ca.

Khi tả về thành Ca-Tỳ-La-Vệ, Pháp sư còn tả tỉ mỉ chuyện Tiên A-Tư-Đà đoán vận mệnh thái tử và những giai đoạn trong đời Cù Đàm từ lúc ở nhà tại kinh đô Ca-Tỳ-La-Vệ. Khi kể về Câu-Thi-Na, Pháp sư kể rành mạch chuyện đức Phật nhập Niết bàn và chuyện ba lần Ngài đã ra khỏi quan tài. Lần đầu tiên Ngài đưa ra hai cánh tay và hỏi A-Nan xem ca Diếp đã đến chưa. Lần thứ hai, Ngài ngồi dậy giảng pháp cho thân mẫu. Lần thứ ba Ngài đưa chân ra cho Ma-Ha-Ca-Diếp. Tại Ba-La-Nại, Pháp sư kể chuyện Bồ tát sinh làm nai chúa và đã tình nguyện hy sinh mình để cứu sống một nai mẹ. Ngài cũng kể tường tận về lần thuyết pháp đầu tiên của đức Phật ở Phệ-xá-ly. Ngài kể chuyện người con gái có chân nai và sinh 1.000 con trai. Ở Ma-Kiệt-Đà, Pháp sư kể chuyện địa ngục do vua A-Dục xây, chuyện thành phố Ba-tra-ly-Phật, chuyện A-Pháp A-Ma-Lặc, sự quy y của A-Dục, và cuộc tranh luận giữa những Phật tử và người ngoại đạo.

j. Hoàn cảnh địa dư của Ấn Độ

Ngoài sự tường thuật các xứ sở Ngài đã đi qua, Pháp sư còn nhận xét tổng quát về địa dư xứ Ấn, khí hậu, phép đo lường, thiên văn, lịch pháp, các thành phố, lâu đài, chỗ ngồi, cách ăn mặc, áo quần, tập tục, sự sạch sẽ và hay tắm của dân chúng, chữ viết, ngôn ngữ, sách, sự nghiên cứu Phệ-đà, những tông pháp Phật học, những giai cấp, hôn nhân, hoàng gia, thuốc, v.v... Sự miêu tả này rất quan trọng vì nó trình bày một hình ảnh rõ ràng của xứ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7 cùng với phong tục tập quán của dân chúng, sự giáo dục, chính thể v.v...

Trước hết, Pháp sư giảng tên của Ấn Độ như sau:

Danh từ Thiên Trúc có nhiều cách giảng khác nhau và rất mơ hồ. Ngày xưa Tàu âm là Thân độc hay Hiền đậu, ngày nay được trở thành Ấn Độ theo Hoa ngữ có nghĩa là mặt trăng. Mặt trăng có nhiều danh từ chỉ và Ấn Độ là một. Vì trong xứ này những thánh hiền thường hướng dẫn thế sự như mặt trăng chiếu khắp. Do đó mà có tên Ấn Độ.

Đoạn Pháp sư tả chu vi của 5 xứ Ấn là hơn 90.000 lý. Ba bề là biển. Về phía Bắc có núi tuyết chắn ngang, rộng về phía bắc hẹp về phía nam, có hình bán nguyệt. Toàn diện tích đất chia thành 70 xứ. Các mùa nóng nực và đất có nhiều nước. Đất trồng trọt đựơc dẫn thủy dồi dào nên rất phì nhiêu. Miền nam có nhiều rừng, nhiểu cỏ và xanh tốt. Miền tây đất chai sạn và không hoa mầu.

k. Tinh thần, bản sắc dân Ấn

Pháp sư có những nhận xét sau đây về tính tình, tinh thần người Ấn.

Mặc dù họ có bản tính rụt rè hấp tấp, họ tỏ ra rất lương thiện và trực tính. Về tài sản họ không làm giầu phi pháp. Về các nhiệm vụ công dân, họ cho phép nhiều dễ dãi. Họ sợ hình phạt đời sau và khinh thường nghề nghiệp sinh lợi. Họ không ưa dối trá lường gạt, và dùng sự thề thốt để tôn trọng giao ước. Nền hành chính của họ rất mực công bình chính trực, phong tục tập quán rất thanh bình hòa nhã. Những tội nhân phản loạn vượt luật triều đình hoặc âm mưu phản chủ thường bị cầm tù khi việc ác bại lộ. Nhưng họ không bị hình phạt thể xác. Họ được tự do sống chết mặc họ, nhưng không được kể làm người nữa. Nếu có phạm vào thuần phong mỹ tục hay công lý, không trung hiếu, thì bị cắt mũi, tai hoặc chân hay đày biệt xứ hoặc đến biên địa hoang vu. Về những tội khác, có thể nộp tiền để chuộc tội. Các tội nhân không bị tra tấn để ép thú tội. Nếu một tội nhân thành thật thú tội thì chỉ bị phạt xứng với tội lỗi. Nếu tội nhân cố che giấu bào chữa, sẽ bị thử thách bằng 3 thứ: nước, lửa, thuốc độc để biết sự thật và trị tội. (Nếu quả thật vô tội, thì nhờ các thần linh, ba thứ ấy sẽ không làm hại được người bị thử thách theo lòng tin thời bấy giờ. Lời chú của dịch giả).

l. Sự sạch sẽ:

Pháp sư tỏ ra có nhận xét sắc bén khi Ngài kể về những đặc điểm sau đây của người Ấn, về sự sạch sẽ của họ, về sự tắm rửa trước sau khi ăn, sự tắm bằng nước thơm:

"Họ hết sức tôn trọng sự sạch sẽ. Không mãnh lực gì đổi được ý định của họ về phương diện này. Trước khi ăn họ tắm rửa. Họ không bao giờ ăn thức ăn thừa. Chén bát ăn không được chuyền quanh. Những chén bát gỗ và đất mỗi khi dùng là bỏ. Chén bát bằng vàng, bạc, đồng, sắt thì được chùi đánh bóng. Sau khi ăn, họ dùng cành liễu để xỉa răng, đoạn rửa tay, súc miệng. Trước khi tắm rửa, họ không động chạm nhau. Sau khi tiểu tiện họ cũng rửa sạch. Thân thể họ thoa nhiều thứ hương khác nhau gọi là phấn trầm hương và mạt hương. Khi những vị vua tắm thì có nhạc công đánh trống đàn hát. Trước khi dâng lễ hay cầu nguyện họ cũng tắm rửa rất kỹ càng."

m. Giáo dục:

Pháp sư có vài nhận xét đúng đắn về giáo dục ở Ấn. Những trẻ vỡ lòng học cuốn sách 12 chương gọi là Tất-đàm. Sau khi lên bảy họ lần lượt học các bộ luận sau đây:

1. Thanh minh: Khoa học về âm thanh, danh từ, ngôn ngữ, nguồn gốc và những chữ cùng gốc.

2. Công xảo minh: khoa học về các nghệ thuật, tiểu xảo, máy móc, âm dương, lịch v.v...

3. Y phương minh: Khoa học về y lý, bao gồm những câu thần chú, bí thuật, đá trị bệnh, thuật châm cứu v.v...

4. Nhân minh: Khoa học về những vấn đề nội tại, xét về ngũ luân, những nguyên lý vi tế về nhân quả.

Những người Bà-la-môn học bốn quyển Vệ-đà.

1. Thọ (Ayurveda): Dạy sự dưỡng sanh tính tình nhân cách.

2. Trì (Yajurveda): Nói về tế lễ, cầu nguyện.

3. Bình (Sàmaveda): Nói về lễ nghi, bói toán, chiến lược, binh, chiến hành.

4. Chú (Atharvaveda): Khoa học về thần bí như niệm chú, thuốc.

n. Sự đo lường:

Pháp sư tả sơ qua về đơn vị chiều dài của người Ấn thời bấy giờ. Đơn vị căn bản là do tuần bằng một ngày quân hành, theo truyền thống các vị thánh vương xưa để lại. Tính theo thời xưa 1 do tuần bằng 40 lý. Ở Ấn thường dân tính nó bằng 30 lý và trong các thánh giáo, nó bằng 16 lý. Một do tuần bằng 8 Câu-lô-xá (Kroshas). Một Câu-lô-xá là khoảng cách từ đấy 1 tiếng bò rống to có thể nghe. Câu-lô-xá (Kroshas) gồm có 500 cung (dhanu). Một cung (dhanu) chia thành 4 khuỷu tay (hastas). Một khuỷu tay (hasta) gồm 24 đốt (angulis). Một đốt tay (anguli) gồm 7 hạt lúa (yavas) v.v... cho đến 1 con chấy (yuka), con rận (liksha), một hạt bụi trong ánh nắng xuyên qua khe cửa, một sợi lông bò, 1 lông cừu, 1 lông thỏ v.v... mỗi thứ chia thành 7 phần đến 1 anu (vi tế). Hạt bụi nhỏ xíu này chia ra 7 phần thành một hạt vô cùng nhỏ, không thể chia được nữa mà không trở thành hư vô, và được gọi là cực vi.

Pháp sư lại nói đến sự phân chia thời gian ngắn nhất gọi là sát-na (kshana), 120 sát-na làm thành một đát sát-na (takshana), 60 đát-sát-na bằng 1 lạp-phược (lava), 30 lạp phược bằng 1 mâu-hô-lật-đa (muhurta), 5 mâu-hô-lật-đa thành một thời (kala), 6 thời (kàlas) thành một ngày đêm (ahoratra). Nhưng thường người ta chia ngày đêm thành 8 kàlas (8 thời). Khoảng thời gian từ trăng khuyết cho tới trăng tròn gọi là suklapaksha (bạch-phần). Khoảng thời gian từ trăng thượng tuần cho đến khi tối hoàn toàn gọi là krishnapaksha (hắc-phần). Khoảng này dài 14 hay 15 ngày vì có tháng thiếu, tháng đủ. Hắc phần và bạch phần tiếp theo làm thành một tháng, 6 tháng là 1 hành (ayana). Khi mặt trời di chuyển bên ngoài thì gọi là Bắc hành, khi di chuyển bên trong thì gọi là Nam hành. Hai thời kỳ này họp thành một năm (vatsara). Một năm lại chia thành 6 mùa. Từ ngày 16 tháng giêng đến rằm tháng 3, thời tiết dần dần nóng nực. Từ 16 tháng 5 đến rằm tháng 7 là mùa mưa, từ 16 tháng 7 đến rằm tháng 9 là mùa tăng trưởng mãnh liệt, từ 16 tháng 9 đến rằm tháng 11 là mùa dần dần lạnh, từ 16 tháng 11 đến rằm tháng 12 là mùa rất lạnh.

Theo thánh giáo của Như Lai, một năm chia ra 3 mùa. Từ ngày 16 tháng giêng đến rằm tháng 5, đây là mùa nóng, từ 16 tháng 5 đến rằm tháng 9 là mùa mưa. Từ 16 tháng 9 đến rằm tháng giêng là mùa rét. Hoặc năm chia làm 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ba tháng mùa xuân gọi là Chế-tát-la (chaitra), Phệ-xá-thư (vaisakha), Thệ-sắt-ha (jyeshtha), theo trung Hoa là từ ngày 16 tháng giêng đến rằm tháng 4. Ba tháng mùa hạ là An-sa-đà (Ashadha), Thất-phiệt-nỏa (Sravan), Bàn-đát-la-bát-đà (Bhadrapada) từ ngày 16 tháng 4 đến rằm tháng 7. Ba tháng mùa thu là A-thấp-phược-khố-xà (Asvina), Ca-lặc-để-ca (Karttika), Mạt-già-thủy-ra (Màrgasirsha) từ ngày 16 tháng 7 đến rằm tháng 10. Ba tháng mùa đông là Báo-sa (Pushya), Ma-khư (Bàgha), Phá-lặc-lũ-noa (Phalguna), từ ngày 16 tháng 10 đến rằm tháng giêng. Theo cách phân chia này, những vị tăng theo lời dạy của Phật, thường giữ hai mùa an cư, hoặc là ba tháng đầu hay ba tháng sau. Ba tháng đầu theo Trung Hoa từ 16 tháng 5 đến rằm tháng 8. Ba tháng sau từ 16 tháng 6 đến rằm tháng 9. Những vị dịch kinh và luận ngày xưa nói mùa kiết hạ kiết đông. Đấy là vì ở biên địa không hiểu cách đọc của miền Trung Quốc cho đúng, hoặc họ dịch kinh trước khi nắm vững thổ ngữ địa phương, nên có lầm lẫn.

o. Dinh thự nhà cửa

Pháp sư cũng chú ý tả rất rành mạch về những thành phố, dinh thự, nhà cửa: "Làng xóm đều có cổng hình vuông, rộng và cao. Những con đường lớn, đường nhỏ thì ngoằn ngoèo, không bằng phẳng, có nhiều ụ đất tường và cổng dơ dáy. Sạp, cửa tiệm có những bảng tên và nằm hai bên đường. Đồ tể, ngư ông, ca sĩ, kịch sĩ, đao phủ, người quét đường, đều có nhà ở ngoài khu vực làng. Đi đường thì họ đi bên trái. Nhà họ có thành bao quanh. Đất thấp và ẩm, những thành quách có nhiều lớp gạch. Tường làm bằng tre đan và gỗ. Nhà có hành lang và những lần gỗ có mái phẳng tô vôi và lợp ngói. Những tòa lầu đều làm theo một kiểu như ở Trung Hoa. Tranh, cói cỏ, ngói hay bảng gỗ đều được dùng làm đồ lợp. Vôi hồ để tô tường. Nền nhà được rắc phân bò cho hợp vệ sinh. Thỉnh thoảng cũng rắc hoa. Những tu viện thì được xây cất khác thường, có gác chuông ở bốn góc và những gian trại có tầng. Kèo cột đòn tay đều có chạm trổ công phu. Cổng, cửa sổ, thành lũy đều được vẽ nhiều hình để trang hoàng. Những nhà ở của thường dân thì sặc sỡ ở bên trong và giản dị ở bên ngoài. Chỗ danh dự là chỗ giữa nhà, cao rộng và đặc biệt. Những gian phòng có nhiều tầng và những nhà hai tầng đều theo những kiểu mẫu khác nhau. Cửa mở về phương đông. Ngai vua cũng hướng đông."

p. Chỗ ngồi, cách ăn mặc

"Để ngồi và nghỉ ngơi, họ dùng giường bằng dây bện lại. Những người trong Hoàng gia, những người tai mắt, học giả, công chức, người giầu trang sức khác nhau, không theo cùng một kiểu. Ngôi vua thì cao, rộng và cẩn nhiều ngọc, gọi là ngai sư tử, bọc nhiều vải quý. Chỗ vua để chân được trang hoàng bằng ngọc. Phần đông dân chúng và công chức dùng những ghế ngồi chạm trổ đẹp đẽ và trang hoàng sặc sỡ tùy thích."

Pháp sư tả quần áo của họ không được may cắt, họ thích phục sức giản dị mầu trắng và khinh thường những mầu sắc hỗn độn lòe loẹt. Đàn ông mặc những tấm vải quấn quanh thắt lưng, vắt qua vai và thòng xuống dọc thân thể về bên phải. Áo đàn bà cũng quấn ngang thắt lưng và phủ xuống, hai vai đều che kín. Trên đỉnh đầu họ có một búi tóc, tóc còn lại bỏ xõa xuống, Một số người cắt râu mép và có những tập tục kỳ dị. Họ mang tràng hoa quanh đầu, thân thể trang sức bằng vàng ngọc và đeo kiềng cổ. Áo của họ gồm có Kiều-xa-la (Kausheya) là lụa dệt bằng tơ tằm hoang, Xô-ma (Kshauma) làm bằng vải kép, Kiêm-bát-la (Kambala) dệt bằng lông dê mịn và có thể xoắn lại, được xem là vải mặc rất quý. Ở Bắc Ấn, thời tiết cực lạnh, dân chúng mặc áo quần chật và ngắn, trông như những người rợ Hồ. Áo quần và cách trang sức của những người tà giáo có nhiều kiểu pha trộn và nhiều màu. Họ mang lông công và đuôi công, hoặc trang sức bằng sọ người (kapaladharinas) và kiềng cổ, hay đi trần truồng. Họ mặc áo bằng lá hay vỏ cây, nhổ tóc râu hoặc để tóc rất dài ở hai bên thái dương, còn tóc trên đỉnh đầu thì bện lại. Áo quần thường nhật thì không đồng nhất, có màu đỏ hoặc trắng.

Những vị tăng có ba y, ba y ấy có nhiều kiểu tùy theo tông phái, đường viền rộng hoặc hẹp, những mảnh vá (điệp) hoặc nhỏ hoặc lớn. Áo tăng-khư-vĩ phủ vai trái che hai nách, hở bên trái và kín bên phải, được cắt dài quá thắt lưng. Áo Nê-phúa-ta-na không có thắt lưng, khi mặc thì xếp thành những nẹp và buộc lại bằng dây. Màu áo thay đổi tùy tông phái, hoặc vàng hoặc đỏ không giống nhau. Những người giai cấp Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn trong sạch giản dị, sống đạm bạc cần kiệm. Những vị vua, đại thần có áo quần và đồ trang sức đẹp đẽ nhiều màu. Họ trang điểm đầu bằng vòng hoa và mũ nạm ngọc, mang nhẫn, vòng, kiềng. Có những thương gia giàu có chỉ chuyên bán đồ trang sức. Phần đông đi chân trần, một số mang giày dép. Họ nhuộm răng, đen hoặc đỏ, sửa soạn tóc, xâu tai, trang điểm mũi và có mắt lớn. Đấy là vẻ bên ngoài của họ.

q. Mẫu tự

"Về mẫu tự thì do Brahmadeva (Phạm Thiên) sáng chế và truyền lại cho đến nay. Có tất cả 47 chữ, phối hợp tùy đối tượng và dùng tùy trường hợp. Mẫu tự này truyền bá sâu rộng và lập thành nhiều ngành. Tùy địa phương và dân chúng có ít thay đổi, nhưng kể chung các từ ngữ không khác nguyên trạng bao nhiêu. Trung Ấn còn giữ sự chính xác của thần thánh. Cách phát âm rất trong sáng và đáng làm mẫu mực. Những người ở biên địa và vài vùng khác thì lại có nhiều cách đọc sai lầm, thiên về sự thô hóa ngữ và không kể đến sự duy trì bản sắc uyên nguyên. Về các ký sự, có một viên chức ghi chép và giữ gìn. Những sử gia gọi là Nilapita (Ni-la-bê-tra) ghi lại các biến cố lành dữ, các tai ách và các việc may mắn đã xảy ra."

Như vậy cuốn Tây Vực Ký ngày nay thật là quan trọng, vì đó là cuốn sách độc nhất miêu tả một cách chính xác và linh động xứ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 7, với quang cảnh địa lý, khí hậu, thảo mộc, nông nghiệp, với bản sắc dân tộc, những nơi Phật tích. Cunningham viết sách về cổ Ấn với cuốn Tây Vực Ký bên cạnh, ông ta định xứ các nước ngày xưa và dò tên của chúng theo những chi tiết mà Pháp sư đã viết trong sách Ngài. Hầu hết những Phât tích đều được tìm ra và tên những tháp được xác nhận nhờ cuốn Tây du của Ngài. Nhiều học giả Nhật đưa ý kiến làm lại cuộc Tây du của Ngài Huyền Trang theo hết đường đi của Ngài đến Ấn Độ, hy vọng sẽ có nhiều khám phá mới lạ quan trọng trong phạm vi Phật học. Hơn nữa, trong cuốn sách này Ngài cũng đã cho nhiều chi tiết về lịch sử Phật giáo, sẽ làm sáng tỏ sự thành lập các chi phái Phật học và nêu rõ vai trò của những luận sư quan trọng trong sự lập thành các thuyết phái mới. Quyển Tây Vực ký của Pháp sư thật dã đóng góp rất nhiều trong địa hạt lịch sử và địa dư Ấn Độ, cũng như địa hạt Phật học.

Để thấy phần nào tính tình cao thượng, học thức uyên bác và văn chương điêu luyện của Ngài, chúng ta tạm dịch ra đây toàn bức thư của ngài gửi cho Prajna-prabha (Trí Quang), một vị Tỳ kheo Ấn ở Nalanda. Qua bức thư này, chúng ta cũng có thể thấy được sự kính trọng của ngài đối với Pháp sư Giới Hiển.

"Tỳ kheo Huyền Trang triều Đường, xin cung kính gởi bức thư này đến Tam tạng Trí Quang ở Ma- Kiệt-Đà, Trung Ấn. Kể từ khi pháp đệ bái biệt Ngài, hơn 10 năm đã trôi qua. Vì đường sá cách trở cho đến nay đệ vẫn chưa được tin tức gì của Ngài và với thời gian hoài niệm của đệ về Ngài càng ngày càng sâu đậm.

Nay có Tỳ kheo Pháp Trưởng (Dharmarudha) đến cho hay Ngài vẫn được khang an, đệ thực vui mừng như chính mắt được chiêm ngưỡng tôn nhan, nỗi mừng không tả xiết. Nay tiết trời có thay đổi ngày càng nóng nực, chẳng hay Ngài thấy pháp thể thế nào.

Năm qua, tin lại cho hay rằng luật vô thường đã mang đi vị pháp sư cao cả của chúng ta, Ngài Giới Hiền. Nghe tin đệ thật bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Ôi! Con thuyền trên bể khổ đã chìm và đôi mắt của trời và người đã khuất dạng. Có ngờ đâu nỗi sinh ly đã giáng xuống chúng ta quá sớm.

Vị hộ trì chánh pháp thật đã trồng những hạt giống lành và vun xới cây công đức từ vô lượng kiếp, cho nên ngày nay vóc mạo Ngài thì uy nghi, thiên tư thì xuất chúng. Ngài đã thừa hưởng đức hạnh của ngài Thanh Thiên và vinh quang của Ngài Long Thọ. Ngài đã đốt lại bó đuốc Tuệ và treo cao ngọc chánh pháp. Ngài đã dập tắt ngọn lửa nồng trong núi rừng tà kiến khắc phục cơn đại hồng thủy của biển ngụy thuyết. Ngài đã cổ võ những người biếng nhác, khiến họ tiến lên đường đến đất châu ngọc và đã chỉ đường cho những kẻ lạc lầm. Vĩ đại thay, cao cả thay, cột trụ lớn của cánh cửa Pháp mà Ngài là tượng trưng ấy.

Hơn nữa, giáo lý tam thừa, nhị giáo, tất cả những đề tài về thuyết trường tồn và hủy diệt của các tà phái Ngài đều thông suốt tường tận. Ngài hiểu rõ nghĩa trong câu uẩn khúc nhất và hiểu nghĩa tất cả những thuyết bí ẩn. Những Phật tử và người khác đạo đều tìm đến Ngài và Ngài trở thành vị lãnh đạo tâm linh của Ấn Độ. Những lời dạy của Ngài chân thành và chính xác, Ngài dạy suốt ngày đêm chẳng nề mỏi mệt. Lời dạy của Ngài làm lợi lạc cho cả mọi người, biến đổi tùy theo nhu cầu và khả năng của họ, và dòng kiến văn của Ngài không bao giờ cạn. Ngay khi đệ đi tìm chánh pháp, đệ đã có may mắn được dự các buổi thuyết pháp của Ngài và nghe những lời vàng ngọc. Mặc dù còn ngu muội kém hèn, đệ cũng đã lãnh hội được rất nhiều qua những lời Ngài chỉ giáo. Khi đệ trở về xứ, Ngài đã không nề hà ban cho những lời dạy quý hóa và ân cần nhắn nhủ. Ngay giờ đây, đệ vẫn còn như vẳng bên tai tiếng Pháp âm huyền diệu. Chúng ta những tưởng Ngài còn trường thọ để chúng ta được noi theo gương mẫu cao vời của Ngài. Thế mà ngờ đâu, luật vô thường một sớm đã gọi Ngài đi vào vô tận. Nghĩ đến sự Ngài khuất bóng mà không trở lại, đệ thật muôn vàn cảm thán.

Pháp huynh đã từ lâu thụ giáo với Ngài và hầu cận bên Ngài từ thơ ấu, có lẽ pháp huynh khó lòng cưu mang nỗi biệt ly đau đớn thế này. Nhưng chúng ta làm được gì bây giờ? Mọi pháp đều phải chịu sanh diệt, luật vô thường khắt khe dường ấy! Xin cầu mong pháp huynh chóng qua cơn tang thương này mà không quá ưu tư.

Ngày xưa, khi Đức Thế Tôn qua đời, Ca Diếp tôn giả can đảm gánh trọng trách cao quý của Ngài và sau khi Thương Na Hoa Tu từ trần, Ưu-ba-cúc-đa đã truyền bá chánh pháp sâu xa. Ngày nay, Pháp sư đã khuất bóng, thiết nghĩ pháp huynh hãy tiếp tục sứ mạng của Ngài. Cầu mong pháp âm huyền diệu của huynh sẽ tuôn chảy như nước non cao. Trong các kinh điển mang về, đệ đã dịch được bộ Du-già Sư-địa và những bộ khác, tính cả hơn 30 quyển. Bản dịch Câu-xá và Thuận-chính-lý vẫn chưa xong và đệ hy vọng hoàn tất năm nay.

Thiên Tử Đường triều vẫn được khang an, giang sơn vững chắc, với lòng từ bi của ngôi Thiên đế, Ngài đã đóng góp nhiều trong công việc truyền bá giáo lý của đấng Pháp vương. Ngài đã đề tựa cho tất cả những sách mới dịch. Ngài ra lệnh cho đình thần sao chép các bản dịch và cho lưu hành khắp xứ cũng như trong các nước lân bang. Mặc dù chúng ta đang ở khoảng cuối của thời tượng pháp, giáo pháp cũng vẫn còn chói ngời quang minh không khác thời mà Thế Tôn thuyết trong vườn Thệ-đa, xứ Thất-la-phiệt.

Đây là những tin tức đệ xin chuyển đến. Khi qua Tín-độ-hà, đệ đã đánh mất một ngựa chở đầy kinh sách, đệ xin viết lại đây những cuốn đã rơi mất. Kính mong tôn huynh gởi lại cho đệ khi nào có dịp. Cùng với thư này, đệ có kèm theo ít lễ vật cúng dường, xin tôn huynh hoan hỷ. Đường dài trắc trở, khó thể gửi nhiều, dám mong tôn huynh đừng chê trách.

Đệ xin kính bái."

 

 

---o0o---

 

| Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6

 

---o0o---

Source: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/index.htm

Trình bày: Phổ Trí

Cập nhật: 01-12-2005

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Chữ 班禅额尔德尼 phat giao tu an do truc tiep truyen vao viet nam phần mở đầu phật tánh trong cõi ảo kinh hải Thu tinh trong ống nghiệm อาจารอเกว s ¹ Thương dáng chợ quê 栃木県 寺院数 ba loai gioi hanh giai thoat chung sinh khoi dau êm bên đời mưa nắng ကဆ န လပ ည န dạy con niệm phật húy 證嚴上人第一位人文真善美 chứ ในรายาใ8คมนา duc phat co dam nha tam ly tri lieu vo song 禅の旋 diem dac sac co ban cua tam ly hoc phat giao Phát chùa khải tường phóng sinh yêu mến tự do cơm sôi nhỏ lửa 阿彌陀經教材 cuoc doi do co bao lau ma khong chiu tu hanh 印顺法师关于大般涅槃经 新学期新展望内容怎么写 Vì sao các ông bố trẻ thường dễ bị neu ban that su muon binh yen day la chia khoa 佛曰 nghi ve van hoa tam linh va tin nguong ngay nay æ å å º nhung chiu duoc thong kho moi co the truong thanh nhung cau noi dang suy ngam cua nguoi do thai nhung nguoi nu xuat gia tu phat co chung duoc Cái hanh phuc 100 大一学期改进措施与下学期计划 tac hai cua dien thoai thong minh voi doi song 嘉言录 Tuổi Phật giáo Hạnh phúc trong sân chùa