|
. |
ĐỨC
PHẬT
VÀ HÀO QUANG CHÂN LÝ
(The light of truth)
The Singapore Maha Bodhi School xuất bản
***
Giảng sư
LOKANATHA
Phỏng dịch TT Thích
Giải Thông
--- o0o
---
12
TỰ THẮNG NHỜ HIỂU BIẾT SỰ
THẬT
Phật Giáo là tôn giáo khoa học,
và vì là tôn giáo khoa học nên phải biết phân tích.
Như quý vị đã biết, trước kia tôi là một nhà hóa học, và ngành
dược thuộc khoa học phân tich. Trớ trêu thay từ tri kiến phân tích dược
học, tôi tìm đến Phật Giáo vốn là tôn giáo phân tích. Trước kia tôi quen
phân tích các tinh thể sunfat đồng, nhưng
giờ đây tôi đang phân tích những tinh thể phức tạp của chính mình,
bởi vì nếu bạn hiểu chính mình tức là bạn hiểu toàn bộ thế giới.
Con người là gì? Con người là
một hợp thể 5 yếu tố (5 uẩn) xuất phát từ tham ái, bắt rễ nơi
vô minh. Tất cả 5 yếu tố đều mang tính chất vô thường, khổ,
vô ngã; có nghĩa là nó không có một cái TA kéo dài. Tất cả các
pháp (vạn vật) đều tạm bợ ngắn ngủi. Cái gì thoáng qua
đều vượt ngoài tầm kiểm soát, và cái gì vượt ngoài tầm kiểm soát
của chúng ta phải được gọi là không (sự trống rỗng), không
có một cái ta bất diệt.
Ðây là một khám phá của Ðức Thế
Tôn phù hợp với sự khám phá của tâm lý hiện
đại rằng đời sống là một sự
trôi chảy, tất cả đều biến đổi, không có gì
tồn tại mãi trên vũ trụ này. Mỗi thứ dều trôi chảy như một dòng sông.
Herakleitos–một đại triết gia đã
nói: "mọi sự đều trôi chảy". Ðức
Phật nói: "Các pháp đều vô thường".
Con người là một ngọn lửa đang
bừng cháy, không bao giờ giống nhau trong hai khoảnh khắc liên tục. Ðời
sống là một tiến trình của sự liên tục trở thành. Sự biến đổì ám chỉ cái
chết và tái sinh liên tục. Một ngọn lửa không bao giờ giống nhau trong
hai khoảnh khắc liên tục và con người cũng vậy. Cho dù sức đốt thể chất
hay sức nóng tâm linh, con người chỉ là một tiến trình đang bừng cháy.
a) Cuộc đời là gì? Cuộc
đời như giấc mộng. Bằng chứng nào? Quá khứ ở đâu? Ta ở nơi nào? Quá khứ
đã qua giống như giấc mộng rỗng không; tương lai thì chưa đến,
ngay khi ta nói hiện tại ở đây thì nó
đã trở thành quá khứ qua rồi! Thế nên chúng ta không có mặt ở quá
khứ, không có mặt ở tương lai. Vậy thì chúng ta có
mặt ở đâu? Có phải ở nơi hiện tại ngắn ngủi tạm bợ? Nơi niệm
tưởng thoáng qua? Nhưng chắc chắn là không thể có một bản ngã thường
hằng trong niệm tưởng thoáng qua. Do đó
cuộc đời là không–sự trống rỗng. Và được sống thường hằng vĩnh
viễn trong cái không này, đó là đại hồng ân, vì nơi đây tất cả khổ lụy
đều vĩnh viễn dứt hẳn. Hãy nhớ rằng con người chỉ là một niệm
tưởng thoáng qua và không bao giờ hiện hữu cái ngã hay cái ta nào tồn
tại trong niệm tưởng ngắn ngủi đó. Những niệm tưởng
đến và đi liên tục, không bao giờ giống nhau trong hai khoảnh
khắc liên tiếp. Nếu một người trong khi đang nằm mơ mà biết mình
đang mơ, vị đó hoặc là
tỉnh giấc, hoặc là cười thầm hình thái mơ mộng. Giấc mơ xấu không làm vị
đó sợ sệt chút nào.
b)Cuộc đời hoàn toàn là
một hiện tượng tâm linh. Giấc mơ là một hiện tượng tâm linh. Do đó
đời là một giấc mộng, cuộc đời hoàn toàn là một hiện tượng tâm
linh, vì vậy cuộc đời là một giấc mộng. Khi chúng ta đang
nằm mộng, đặc biệt nếu giấc mơ xảy ra có tính cách khủng khiếp, chúng ta
hoảng sợ và sự đau khổ tâm linh mà ta chịu đựng trong giấc mơ không khác
gì sự đau khổ có thật trong
tình trạng ta đang sống. Bởi vì cuộc
đời hoàn toàn là hiện tượng tâm linh, thế nên chúng ta đau khổ
trong giấc mơ do sự kiện chúng ta nghĩ là giấc mơ có thật. Tương tự như
vậy, khi một vị Thánh đạt được đỉnh cao tu
tập, vị Thánh đó thức tỉnh từ cơn ác mộng của
cuộc đời và
phấn khởi thấy rằng những gì mình tưởng là đúng, là thật thì chủ yếu chỉ
là một giấc mơ hư ảo và khi đã chứng minh được sự kiện này bằng cách
phân tích cuộc đời trong những kỳ hạn quá khứ và tương lai.
Con mắt không bao giờ thỏa mãn
khi thấy, cũng vậy, tai không bao giờ thỏa mãn khi nghe. Thấy và nghe
với lòng đam mê thì chẳng khác gì uống nước muối và sự khát nước không
bao giờ hết khát được.
Ðức Thế Tôn dạy: thế giới đang
cháy. Con mắt đang bừng cháy, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đang bừng cháy
với ngọn lửa tham, sân, si, sinh, già, bệnh, chết, buồn rầu, kêu ca,
than khóc, đau khổ, tuyệt vọng.
Bây giờ tôi đã giảng đến đây,
tôi nguyện nỗ lực hết sức mình để tưới chân lý vào ngọn lửa sáu
giác quan của quý vị. Tôi hy vọng lúc bài Pháp này kết thúc, những ngọn
lửa từ nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của quý vị sẽ trở nên lạnh nhạt,
êm dịu hơn, không những chúng ta tưới thêm nước sự thật mà chúng ta còn
học cách để hạn chế nhiên liệu của cái: nhìn không tham, nghe không
tham, nếm không tham, xúc chạm không tham, tư duy không tham. Khi nhìn
bất cứ vật gì, chúng ta phải luôn luôn phân tích hình sắc của nó để
thấy đúng thực tánh của hình sắc đó. Chúng ta phải nhận thức được rằng
hình sắc không đáng yêu như ta tưởng đâu. Bởi vì nếu ta phân tích
hình sắc gồm 32 phần của thể xác, thì ta mới phát hiện rằng 32 phần này
về thực chất không thú vị gì, hoặc ghê tởm và chán ghét. Trong Phật Giáo
chúng ta luôn luôn cố gắng phân tích vạn pháp qua những thành phần cấu
tạo của chúng để thấy các pháp đúng như
thực tướng. Bởi vì thấy các pháp đúng như thực tướng của chúng
thì ta mới tháo gỡ được các ràng buộc. Chúng ta nhớ rằng phải phân tích
liên tục mới đưa đến trí huệ, chúng ta nên
sống cuộc đời liên tục có chánh niệm. Nhờ luôn luôn chánh niệm,
tự nhiên sau đó ta sẽ nhìn thấy đúng thực tướng của chúng. Nghĩa là khi
ta nhìn sự vật gì, chúng ta phải biết mình đang nhìn gì; khi nói chúng
ta phải biết mình đang nói gì; khi dứt ý niệm chúng ta cũng phải nhận
thức được việc đó. Khi ăn hay uống cũng
phải ý thức được sự kiện đó. Nhờ luôn luôn thực hành chánh niệm,
luôn luôn tỉnh giác, chúng ta sẽ không bao giờ bị vọng tưởng và do nhìn
đúng thực tướng của các pháp, chúng ta dễ
đoạn trừ mọi luyến ái. Chúng ta từ bỏ nô lệ mọi sự vật. Nhờ từ bỏ nô lệ
mọi sự vật, chúng ta hưởng được
sự giải thoát an vui.
Trong Phật Giáo điều này gọi là Niết Bàn–viễn ly các pháp vốn vô
thường. Bởi vì các pháp vốn vô thường đều vượt ngoài năng lực của chúng
ta, và chúng ta không nên chấp thủ vào bất cứ một luyến ái, ràng buộc
nào nó vốn không tùy thuộc vào chúng ta.
Cần nhớ rằng cái giá của khoái
lạc là đau khổ, khoái lạc không thể nào đạt
được mà không trả giá; khoái lạc một chút mà đau
đớn thì vô củng. Ðức Thế Tôn không muốn khoái lạc hay đau khổ.
Ngài muốn con đường hạnh phúc khinh an của hòa bình vĩnh cửu.
Quý vị có biết 11 sự lợi lạc kỳ
diệu của tình thương bao la không? Chúng ta hãy an trú trong tình thương
yêu vốn cho ta sự an lạc ngọt ngào. Phật Giáo dạy pháp Giải Thoát qua
đời sống phạm hạnh. Có lần Ðức Thế Tôn dạy: "Thực hành lòng từ bi vô
lượng đối với chúng sanh sẽ được 11 thiện pháp kỳ diệu đầy lợi lạc".
Tôi phải nhắc nhở quý vị biết
rằng trong Phật đạo chúng ta có 40 đề mục thiền quán. Trong 40 đề mục này
có 4 mục dành cho tâm thái chư thiên, hay còn gọi là tứ vô lượng tâm
bao gồm: tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả.
Nhờ rộng trải vô lượng lòng từ
bi, hỷ xả, ta gặt hái được nhiều quả lành. 11 quả lành mà vị đó
được hưởng là
gì?
l) Vị đó ngủ trong an lạc.
2) Vị đó thức trong an lạc.
3) Vị đó ngủ không thấy ác
mộng.
Tôi tự hỏi không biết có người
nào đau khổ vì chứng bệnh mất ngủ. Nếu có, hãy rộng trải lòng từ bi, bạn
sẽ được giấc ngủ an lành, bạn sẽ thức dậy an lành, bạn sẽ không gặp ác
mộng. Bởi vì khi lòng tràn ngập tình thương, bạn sẽ nhắm mắt êm ái, bạn
sẽ mở mắt nhẹ nhàng như búp sen hé nở.
4) Vị đó được mọi người yêu
quý. Vì vậy lòng yêu thương ban cho bạn nhiều thiện hữu cõi người, nhưng
hãy nhớ rằng thiện hữu cõi trời còn hữu ích hơn gấp bội so với bạn cõi
người tầm thường. Ngạn ngữ có câu: "Thiện hữu cứu mình". Nếu bạn lành
của bạn là người trời, họ chẳng bao giờ ruồng bỏ bạn. Có hai loại bạn,
những bạn bè qua quan hệ từ trước, qua quan hệ từ kiếp trước, đó là tình
bạn chân thật. Và có những bạn bè thực sự trở thành bạn qua thiền định.
Nếu bạn gặp được những thiện hữu cõi trời,
họ có năng lực hơn các thiện hữu cõi trần và họ không bao giờ
ruồng bỏ bạn. Người giàu thường có nhiều bạn nhưng khi họ mất hết của
cải thì họ cũng mất luôn cả bạn hữu. Những người như vậy chỉ là những
bạn hữu ngắn ngủi nhất thời.
5)Vị đó được các dạng
phi nhân yêu quý. Lòng yêu thương đem đến
cho bạn nhiều thiện hữu phi nhân. Bạn không cần lo sợ về quỷ ma trong
bóng đêm nếu bạn rộng mở lòng từ. Bởi vì ngay đến loài ma quỷ
cũng trở thành thiện hữu nếu bạn yêu thương mọi người trên toàn cõi vũ
trụ bao la này.
6) Vị đó được chư thiên
thần chiếu cố. Lòng yêu thương sẽ đem đến
cho bạn nhiều thiện hữu thiên thần. Vậy thì hãy siêng năng tu
dưỡng tình bằng hữu thiên thần bằng cách thường xuyên trải lòng yêu
thương đến với họ. Các thiện hữu cõi trời có năng lực vô song, có uy lực
cứu giúp mạnh mẽ hơn các thiện hữu cõi trần. Ðúng lúc cần họ sẽ đứng gần
hộ trì cho bạn. Quả vậy, lòng yêu thương sẽ được toàn thế giới ngưỡng
mộ.
7) Không có lửa, thuốc độc hay
gươm dao nào có thể ngăn chặn bước đi
của vị đó. Cũng không có bom đạn nào khiến bạn sợ hãi khi bom đạn
từ bầu trời rơi xuống nghiền nát Hỡi con người khiếp sợ? Hãy mở rộng
lòng thương yêu, bạn sẽ trở thành con người vô úy (không lo sợ). Lòng từ
bảo vệ và ban cho bạn cảm giác an bình tịnh lạc. Do luôn luôn mở rộng
lòng từ, bạn chỉ giản dị cất tiếng với lòng vui sướng hoan hỷ! Bạn sẽ
chẳng bao giờ lo sợ nếu bạn sống trong tình thương yêu vô bờ bến, vì
lòng thương yêu sẽ hộ trì cho bạn thoát khỏi mọi nguy hiểm. Nếu bạn luôn
luôn sống trong không khí cởi mở từ hòa thì không có sự hãm hạì nào có
thể đến với bạn. Tình thương là vật che chở tốt nhất, khí giới tốt nhất
và là áo giáp tốt nhất. Tình thương yêu luôn luôn là người đáng yêu quý,
bạn còn có thể mỉa mai chế giễu sự lâm nguy nữa là khác, tình thương yêu
cũng bảo vệ bạn chống lại tâm tham ái và đam mê. Tình thương yêu là vị
hộ pháp tốt đẹp nhất trên trần gian này.
8) Tâm vị đó sớm được bình
thản. Tình thương yêu mau nhiếp tâm. Trong khi tu tập thiền quán, nếu
bạn rộng mở tình thương yêu vô lượng thì bạn sẽ rất thành công. Có nhiều
người than phiền rằng họ không thể định tâm
được, bất cứ khi nào họ khởi sự thiền quán thì tâm
của họ đi lạc hướng. Nếu họ tỉnh giác trải rộng lòng từ vô lượng
thì tâm họ sẽ dễ dàng chánh niệm vào đề mục.
9) Diện mạo hảo tướng khinh an.
Tình thương yêu đem đến cho bạn vẻ duyên
dáng và sắc đẹp vô song. Ðây là nét đẹp thầm kín, toàn hảo nhất trên
trần gian. Thế giới tiêu đi mỗi tuần 10
triệu đô la cho phí tổn mỹ phẩm và trang bị sắc đẹp. Sau chiến
tranh, hiện nay ta thấy rõ có sự suy thoái khắp nơi. Vì vậy kinh tế
nghiêm túc là một trong những vấn đề tái kiến tạo, tiết kiệm. Hãy để
dành tiền (nếu bạn có). Những chuyên gia về mỹ phẩm và sắc đẹp
đã
lố bịch trước sức mạnh hùng tráng cúa tình thương yêu, yếu tố vốn ban cho
sắc đẹp chân thật.
Mỹ phẩm đắt tiền chỉ tạo nên
sắc đẹp vay mượn, nó vốn là sự ngụy trang
lừa đảo–vọng ngữ. Thế nên chúng ta hãy luôn luôn mở rộng tình
thương yêu vô hạn đối vớì nhân loại Một nét duyên dáng vô hình sẽ tỏa
quanh chúng ta, ban cho chúng ta dáng điệu nhìn chung là đáng yêu.
Tình thương yêu không phải là
phẩm hạnh kín đáo kỳ diệu sao? Nó ban cho
con người dáng vẻ đáng yêu không phải tốn tiền. Chúng ta có được sắc đẹp
thực sự mà không tốn tiền là nhờ trải rộng tình thương yêu vô
hạn. Bởi vì sắc đẹp chân thực là gì? Ðó là sự duyên dáng. Vẻ đẹp duyên
dáng chỉ xuất phát từ tình thương yêu vô hạn. Ở các nước Tây phương
người ta gọi là vẻ quyến rũ. Ở các nước Ðông phương người ta gọi là vẻ
duyên dáng. Vẻ
đẹp duyên dáng là người tiêu biểu hấp dẫn cao cả nhất, dù nó là một
phương thuật bán hàng hay một phương diện đời sống nào khác, nếu người
nào có lòng quảng đại về tình thương yêu, vị đó
sẽ lôi cuốn được khách hàng, vị đó sẽ hấp dẫn bạn bè, vị đó sẽ thu hút
mọi người.
Nên nhớ rằng con đường
thượng sách nhất để trở nên đẹp đẽ
không phải chỉ sử dụng mỹ phẩm đóng sẵn của Hollywood mà chỉ đơn thuần
rộng trải tình thương yêu vô hạn. Lòng từ bi đó phải thấm nhuần
toàn khắp vũ trụ, bởi vì trong Ðạo Phật không có biên giới, không có
địa phận nào cho tình thương yêu cả. Tình thương là vô tận. Nó
phải xuyên suốt toàn cầu. Tình thương yêu là vô lượng. Nó có một năng
lực bất tận. Chúng ta tin những thế giới trùng điệp
trong Phật Giáo. Những thế giới đều lên đến con số bao la (nhờ thiên
văn) và
tình yêu thương cũng phải như không gian bất
tận. Nó phải hướng về phía đông, tây, nam, bắc, trên, dưới và
chung quanh. Chúng ta thương yêu không phải chỉ có loài người thôi mà
còn thương yêu cả loài vật, loài thực vật nữa. Mỗi ngọn cỏ phải tràn đầy
lòng từ vô lượng. Chúng ta yêu những dòng sông, những quả núi và khắp
bầu trời. Tất cả sự sống là thực vật, khoáng vật, và sự sống động vật.
Trên toàn cầu này không có gì là không đang
sống. Tất cả đời sống là một, và vì vậy chúng ta phải thương yêu
toàn cầu, bất cứ ở đâu cũng không có một kỳ thị phân biệt nào. Vẻ đẹp
bên trong chiến thắng vẻ đẹp thô kệch xấu xí bên ngoài và làm con người
lôi cuốn được kẻ khác. Vẻ duyên dáng đó có
thể đạt được bằng sự thực hành lòng từ vô biên, và lòng từ đó
phải được tu tập ngày đêm không ngừng nghỉ.
10)
Vị đó chết thanh thản. Người ta thường chết một cách khiếp sợ.
Họ sợ chết, đôi khi họ bị dằn vặt khổ sở hết sức kinh khủng. Trong kinh
Phật được kể rằng khi một người sắp tái sinh vào cảnh khổ ngục, ngay
trước khi chết, vị đó thấy ngọn lửa "hỏa ngục" và bạn có thể
tưởng tượng những cảm giác của người sắp chết phải bị ra sao không? Ngay
trước khi chết vị đó trông thấy những ngọn
lửa khổ hình phóng lên, bản thân không thể nào an lạc; nhưng nếu
vị đó có thực hành thiền định về lòng từ quảng đại,
đương nhiên vị đó sẽ không còn khiếp sợ. Lòng từ làm cho bạn sống
hạnh phúc và chết hạnh phúc. Bạn còn muốn gì nữa. Tình thương yêu là quý
hóa nhất và cao thượng nhất! Nó làm cho bạn ngủ an lạc, chết an lạc. Hai
điều không giống nhau sao?
Ban đêm đi ngủ, điều này giống
như chết. Khi thức dậy, tươi tỉnh lạỉ, bạn
như được tái sinh.
11)
Nếu bạn không chứng đạt Niết Bàn trong đời này, bạn sẽ được tái
sanh vào cảnh trời. Lòng từ
ái đưa đến sự tỉnh thức và an vui. Hai cảnh này không phải giống
nhau sao?
Lòng từ biến bạn thành một
vị thần ngay bây giờ trở đi. Lòng từ ban cho bạn năng lực vô
biên, vượt hơn năng lực của mình và của người khác. Lòng từ khiến bạn
thành một vị Phật tối thượng–giống như một bà mẹ sẵn sàng hy sinh đời
mình cho đứa con duy nhất. Vì vậy ta nên thường xuyên ban phát lòng từ
của mình đối với tất cả chúng sinh trên cõi đời này. Ðây là giáo huấn
cao thượng của Ðức Thế Tôn. Hận thù không thể dập tắt được hận thù, chỉ
có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu toàn thế giới đều quy
ngưỡng Ðức Phật thì chiến tranh sẽ không còn xảy ra nữa. Ðạo đức cộng
tình thương đưa đến hòa bình hạnh
phúc. Tham ái đi đôi với hận thù gây
ra chiến tranh và nghèo khổ. Ðại từ bi là mẹ của mọi đức hạnh. Mong sao
chúng sanh trên toàn cầu giữ mãi tâm niệm nhân ái này.
Chúng ta cố gắng
gởi đến quý vị một bài Pháp nữa của Ðức Phật. Bởi vì nếu chúng ta
muốn hiểu Phật Giáo một cách đúng đắn thì
chúng ta phải thường xuyên tìm hiểu từ đầu nguồn–chính là Ðức Phật. Khi
nước xuất phát từ đầu nguồn, nó tinh khiết, nhưng khi nước chảy xuống
mặt đất nó trở nên bất tịnh. Vì vậy
chúng ta đứng bao giờ phí sức học Phật từ những sách do nhiều tác giả
viết ra mà phải luôn luôn nghiên cứu Phật học ngay từ những lời dạy của
chính Ðức Phật. Giờ đây tôi sẽ gởi đến quý
thiện hữu một chút pháp vị nữa từ một bài giảng sâu sắc của Ðức
Thế Tôn. Trong Kinh Trung A Hàm, Ðức Phật dạy: có 6 giác quan bên trong
và 6 nhóm ý thức, 6 nhóm xúc (tiếp nhận), 6 nhóm thọ (cảm giác), 6 nhóm
ái (yêu thích) tạo thành 36 loại tất cả. Như tôi đã nói đạo Phật là khoa
học giải thoát, là khoa học phân tích nên mọi thứ phải được phân xét lý
giải.
Chúng ta phải dùng mắt để nhìn
đúng tiến trình của cái thấy là gì. Chúng ta có mắt, có sắc thể, con mắt
thêm vào hình thể liền khởi lên cái biết thấy, căn (mắt), trần (hình),
thức (ý) chạm vào nhau; phát sinh xúc (tiếp xúc); rồi xúc phát sinh thọ
(cảm giác) và thọ phát sinh ái (yêu thích). Tương tự như vậy xảy ra khi
ta nghe, tai thêm vào âm thanh phát khởi cái biết của tai. Rồi tai, âm
thanh và cái biết nghe chạm vào nhau tạo nên xúc. Rồi xúc phát sinh thọ,
rồi thọ phát sinh ái. Tương tự như vậy xảy ra khi chúng ta ngửi, nếm,
chạm và suy nghĩ.
Ðức Phật dạy: sau khi phân tích
36 pháp, chúng ta thấy rằng không có cái Ta nào bất diệt, bất biến bên
trong 36 pháp này. Bởi vì nếu có người nói rằng con mắt là "ta",
điều này không chấp nhận được, vì sự sinh diệt của mắt là hiển
nhiên, con mắt là vô thường (tạm bợ), và vì nó vô thường nên chúng ta
không thể gọi nó là "ta", bản ngã của ta, chúng ta không thể gọi
hình thể là ta, chúng ta không thể gọi cái biết thấy là ta hoặc xúc thọ
hay ái là ta. Khi phân tích rằng các hiện hữu đều có sự sinh diệt của chúng,
ta mới đi đến kết luận rằng cái ta khởi lên rồi biến mất và vì
vậy nói rằng con mắt là "ta" đều không chấp
nhận được. Như vậy con mắt là vô ngã. Biện chứng tương tự áp dụng
cho các hình thể. Hình thể vốn vô thường và xúc, thọ, ái tất cả đều vô
thường, vì thế cái "ta" không thể tìm thấy được trong bất cứ một giác
quan nào hoặc không tìm thấy được trong một pháp nào thuộc 36 pháp đã
nói. Vạn pháp đều vô thường. Do vậy không có cái ta nào bất biến trong
cái thường chuyển cả.
Như tôi đã giảng ngay từ đầu bài
pháp rằng chúng ta chỉ ở trong những niệm tưởng tạm bợ thoáng qua, và vì
những niệm tưởng cứ mãi thoáng qua nên chúng ta cứ mãi tạm thời không cố
định, không có cái ta bất biến nơi
con người. Con đường đưa đến nguồn gốc của ngã
kiến–cái nhìn cá tính, vốn coi như của mình. Cái này là tôi hoặc cái này
là chính tôi, hoặc là mắt, hình sắc, cái biết thấy, hay xúc, thọ, ái,
hoặc tương tự coi cái nghe và các giác quan khác là phụ. Vì vậy bạn thấy
đó, cảm giác của cái ta khởi lên qua tập quán tư duy bất thiện từ quá
khứ vô tận. Chúng ta vẫn cứ suy nghĩ như vầy: cái này thuộc về tôi, cái
này là tôi, cái này là chính tôi. Nhưng từ đây
trở đi, chúng ta khởi sự tư duy ngược lại nếu chúng ta thường nói
với sự cân nhắc mỗi và mọi điều mà chúng ta thấy hay nghe, ngửi hay nếm,
hay chạm, hay suy nghĩ rằng: "Ðây không thuộc về tôi, đây không phải là
tôi đây không phải là bản ngã của tôi; như thế bạn mới quân bình được
tập quán suy nghĩ xấu trước kia và cái nhìn cá tính sẽ được hóa giải.
Chúng ta không bao giờ tin về bản ngã, và đó chính là sự giác ngộ tối
thượng, sự tỉnh thức siêu việt, đó là Niết Bàn. Con đường
đưa đến tiêu trừ cái nhìn cá tính là đừng coi nó là của mình...
dù là mắt, là tai, cái nghe hay bất cứ cái nào trong 6 giác quan khác
hay những phần hỗ trợ cho chúng. Người đệ tử thực học của Ðức Phật trở
nên nhàm chán cảnh đời và các giác quan khác nên được giải thoát. Ðối
với người đệ tử đó, nhờ được giải thoát
nên được tri kiến giải thoát, triệt để tin
tuởng rằng đây là kiếp sống cuối cùng, rằng vị đó
đã sống đời phạm hạnh thanh cao, rằng Phật sự đã
làm xong và giờ đây không còn nữa những gì đã làm. Ðức Thế Tôn dạy như
vậy.
Khi bàì pháp vừa thuyết xong,
tâm của 60 vị Sa Môn đều giải thoát mọi
kiết sử. Nói cách khác nhờ bài pháp độc
nhất đó mà 60 vị Sa Môn chứng quả A La Hán tối thượng. Họ tiêu
trừ các lậu hoặc như dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu v.v... Họ trở thành
bậc tỉnh thức, Ðấng Toàn Giác. Họ chứng đắc Niết Bàn tối thượng chính
ngay cuộc đời này. Trong Phật Giáo không cần phải đợi
chết mới đạt đến mục đích, mà người ta
có thể đạt Niết Bàn tối thượng ngay tại đây yà bây giờ. Ngay lúc tôi đang
thuyết pháp, quý vị có thể đoạn diệt được tâm tham, tâm sân, tâm
si và đạt được trạng thái vô tham, vô sân,
vô si ở đỉnh cao gọi là
Niết Bàn, niềm hạnh phúc cao tột nhất. Cầu mong tất cả quý vị càng sớm
càng tốt đạt được cảnh giới an lạc
tối thượng.
Trước khi kết thúc, tôi muốn
chấn chỉnh một số quan niệm về đạo Phật, vì nơi đây còn có một số
người không phải là Phật tử. Tôi sẽ cố gợi lên một ý tưởng rõ ràng về
Phật Giáo là gì. Có lần khi tôi còn ở trong một trại tập trung, tôi nhớ
một người bạn cùng bị giam đã cố giải thích về triết học Phật Giáo cho
một thính giả là tôi. Ông là một linh mục Thiên Chúa La Mã. ông ta giảng
về Phật Giáo và tôi là một hội viên của thính chúng. Một người không
phải Phật tử lại đi giảng Ðạo Phật cho người Phật tử nghe–vì tôi muốn
nghe những gì ông ta trình bày. Tôi thấy rằng có vài điểm tuyệt
đối không đúng. Bởi vì tôi vốn là một chuyên gia Phật tử, lẽ dĩ
nhiên Phật Giáo là đề tài của tôi. Chúng tôi không thể kỳ vọng một thành
viên của một tôn giáo nào khác làm chuyên gia cho Phật Giáo.
Tôi thấy có vài sai lầm và đây
là một số nhầm lẫn hiện đang phổ
biến có liên quan đPhật Giáo–tôn
giáo mà tôi sẽ chấn chỉnh
tốt đẹp hầu giúp người ngoại đạo có
thể hiểu một cách đúng đắn Phật Giáo
là gì. Trước tiên, vị thượng nhân đó nói rằng Phật Giáo không
phải là tôn giáo mà Phật Giáo chỉ là một triết lý.
Tôi phải chứng minh rằng Phật Giáo cũng được gọi là tôn giáo, bởi
vì, Tôn giáo là gì? Tôn giáo là phương pháp diệt trừ đau khổ, bởi vì nếu
không có đau khổ trên thế gian này thì tôn giáo sẽ hóa ra dư thừa. Chúng
ta có tôn giáo chỉ vì trần gian này có đau khổ. Tôn giáo là phương tiện
để đi đến cứu cánh. Nó ban cho sự an ủi
trước mọi bất trắc cuộc đời, nó cho ta sự trầm tĩnh an lạc. Phật Giáo có
Bát Chánh Ðạo–con đường tám điều
chân chính, diệt khổ. Do vậy Phật Giáo là tôn giáo tuyệt vời, nó
tạo ra các bậc A La Hán, những người tự mình thoát ly mọi đau khổ, vì
giáo pháp của Phật đoạn trú mọi đau khổ.
Phật Giáo chắc chắn được gắn cho thuật ngữ "Tôn Giáo". Bởi vì
theo định nghĩa của chúng tôi thì tôn giáo là phương pháp diệt trừ đau
khổ. Dĩ nhiên có nhiều người định nghĩa về
tôn giáo một cách khác nữa. Họ nói tôn giáo là phụng thờ Trời
(Thượng Ðế), nhưng Phật tử chúng tôi cũng phụng thờ trời, bởi vì chúng
tôi cho rằng Trời là một đấng toàn hảo. Bất cứ ai toàn hảo đều là trời,
bởi vì không có trời nào hơn đấng toàn hảo. Theo như người Phật tử chúng
tôi thì bất luận ai đạt được sự tận diệt tuyệt
đối về tham, sân, si, đố kỵ, nghi ngờ, kiêu mạn, vị đó là Trời.
Bởi vì không có trời nào cao hơn chân lý. Không có trởi nào cao hơn sự
toàn hảo. Nếu có vị trời nào cao hơn sự toàn hảo thì vị đó không phải
toàn hảo và vị đó không còn là trời nữa. Thế nên trời là đấng toàn hảo.
Chúng tôi coi Ðức Phật là Ðấng Toàn Hảo tuyệt đối
sau khi đạt được viên mãn toàn hảo. Chúng tôi gọi Ngài là vị
Trời. Ngài không còn một tì vết nào về tham dục, dù Ngài sinh ra là một
con người. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ Ðề lúc 35 tuổi Ngài hoàn toàn
đoạn trừ tham ái, sân hận và si mê v.v... Ngài trở thành: Ðấng Toàn Hảo,
một vị Phật, Ðấng Toàn Giác. Vốn toàn hảo nên chắc chắn Ngài được tôn
hiệu là Trời, bởi vì Ngài là môt vị Trời thanh tịnh. Ngài là Thiên
Thượng Thiên có nghĩa là Trời của các vị Trời.
Phật tử chúng tôi phụng thờ
Trời vậy thì Phật Giáo là một tôn giáo chứ không phải chỉ thuần túy là
một triết lý, không còn ngờ gì nữa đó là một triết lý cao siêu nhất từng
được một chúng sanh toàn hảo khai sáng nhưng Phật Giáo cũng là một tôn
giáo, chúng ta có thể gọi Phật Giáo là một tôn giáo triết lý.
Điểm lầm lỗi kế tiếp mà
vị thượng nhân đưa ra cho rằng Niết Bàn là một giấc ngủ không mơ. Nhưng
chúng tôi nói Niết Bàn chẳng phải là một giấc ngủ không mơ. Niết Bàn là
sự tỉnh ngộ cao độ. Như tôi đã giải thích
trước kia rằng cuộc đời là một giấc mộng, chỉ khi nào chúng ta
bừng tỉnh khỏi cuộc đời mộng ảo này thì ta được tôn hiệu là Phật–bậc
Giác Ngộ tối thượng. Sống là mộng nhưng đạt
được Niết Bàn là tỉnh giấc mơ cuộc đời.
Mục đích của Phật Giáo là làm cho chúng ta thức tỉnh trước cuộc
đời mộng ảo, làm cho chúng ta luôn luôn là người tỉnh giác. Vì vậy Niết
Bàn không phải là một giấc ngủ không mơ mà là một trạng thái tỉnh thức
tối thượng, trạng thái mà các bậc Thánh hưởng được
ngay đây và bây giờ chứ không phải sau khi chết mới đạt được Nếu tôi nhớ
không lầm thì ở những tôn giáo khác, chúng ta phải chết trước đã rồi mới
đạt được phước lành. Trong Phật Giáo
không cần phải đợi chết, bởi vì Ðức Phật lúc 35 tuổi, Ngài đã tận
hưởng phước lạc cao tột, có thể thực hiện trên cõi đời này, Ngài chứng
vô thượng Niết Bàn, sự toàn hảo tối thượng. Niết Bàn là sự tỉnh giác cao
tột. Toàn thế giới như đang ngủ, đang mơ,
mơ trong cơn ác mộng, người ta coi giấc mộng trống rỗng này là
thật. Do vậy mà toàn thế giới này đau khổ. Vô minh–tức sự ngu si là nỗi
đau khổ nghiêm trọng nhất. Trí tuệ là hạnh phúc cao đẹp nhất. Niết Bàn
không phải là giấc ngủ không mơ. Niết Bàn không phải là hư vô hay không
hiện hữu. Niết Bàn là thực tại của chân lý trường tồn tối thượng. Thế
giới không thực, là hư ảo vì vạn pháp đều tạm bợ và biến đổi. Vắng mặt
trần gian hư ảo đó là chân Niết Bàn tối thượng hay là trạng thái
tỉnh thức siêu đẳng. Tôi vẫn nói rằng toàn thế giới đang bốc cháy. Niết
Bàn là trạng thái tỉnh giác, trạng thái tươi mát, nơi không còn những
ngọn lửa của 6 giác quan. Có sự khác biệt giữa Ðức Phật và những đệ tử
của Ngài đối với những cá nhân tầm thường. Vì những vị phàm phu khi nhìn
sự vật với lòng khát ái, đam mê và khi nghe với lòng khát ái, đam mê, họ
đang bị đốt cháy khắp nơi. Trái lại, Ðức
Phật nhìn sự vật với tâm ly dục, nghe với tâm ly dục, ngửi, nếm, chạm,
nghĩ đều buông xả, không một chút đam mê,
lạc thú.
Thêm một điểm sai lầm nữa mà vị
linh mục quý kính đã nói rằng Phật Giáo là tiêu cực. Không đúng như vậy.
Bởi vì đạo Phật ban cho trái quả tối thượng
nhất ngay ở đây và bây giờ, làm sao gán cho đạo Phật là tiêu cực
được? mà đạo Phật phải là một tôn giáo lạc quan cao siêu nhất bởi vì đạo
Phật giải thoát con người khỏi đau khổ ngay ở đây và trong tình
trạng đang sống bây giờ, nhưng Ðức Phật không ngừng ở đấy. Ngài
chỉ đạy con đường thoát khổ. Nói một cách
khác, Ngài chữa lành bệnh nhân, ban cho họ hạnh phúc bất tận và
vì vậy Ðức Phật được gọi là vị Y
sĩ vĩ đại nhất trần gian này, bởi vì Ngài giải thoát nỗi thống
khổ của con người ngay đây và bây giờ, và vì con người được chữa lành
mọi chứng bệnh đau khổ về thân tâm, Phật Giáo quả là một tôn giáo lạc
quan nhất chứ không phải bi quan như vị
linh mục đã ngộ nhận.
Như Ðức Thế Tôn đã dạy: "Này
các Tỳ Kheo, giống như nước trong các đại dương chỉ
có một vị, đó là vị của muối. Cũng vậy, Giáo Pháp của ta cũng là
một vị, đó là vị giải thoát. Và vì Phật Giáo là đạo của giải thoát, làm
sao ta có thể gắn cho Giáo Pháp giải thoát là tiêu cực được?
Một cách đoan chắc, nếu một bệnh nhân được chữa lành chứng bệnh sốt rét,
bệnh nhân không bao giờ dám nói thuốc điều trị của Bác sĩ chữa bệnh cho
anh ta là tiêu cực và bệnh nhân sẽ nói đó là thuốc hay
nhất đã chữa lành bệnh cho mình. Cũng tương tự như vậy, thuốc Bát
Chánh Ðạo chừa cho con người hết đau khổ,
đó là thần dược lạc quan nhất bởi vì nó chữa lành bệnh cho con
người ngay tại đây và bây giờ, đồng thời
ban cho vị đó niềm hạnh phúc cao tột nhất.
Phật Giáo có 4 chân lý cao
thượng. Chân lý thứ tư hướng dẫn chúng ta
con đường thoát khổ, an nhập hạnh phúc của Niết Bàn tối thượng
trường cửu. Do vậy Phật Giáo là tôn giáo lạc quan nhất trên thế giới.
Phật Pháp dạy rằng sự lạc thú là gốc rễ của khổ đau, bởi vì nếu bạn
vướng mắc vào khoái lạc của mắt thì chẳng khác gì bạn đang cố uống nước
muối, bạn càng uống càng thấy khát, càng nhìn bạn càng muốn nhìn, càng
nghe bạn càng muốn nghe. Không sao chấm dứt được tiến trình này. Trên
trần gian đây không bao giờ có một cá thể
độc nhất nào nhờ vui hưởng khoái lạc của 6 giác quan mà đạt
được hạnh phúc trường cửu. Vị đó chỉ đạt được sự khao khát triền miên,
bởi vì càng đeo dính vào khoái lạc 6 giác quan thì bạn càng trở nên khao
khát mãnh liệt. Ðiều duy nhất mà con người
đạt được qua sự luyến ái 6 giác quan là sự khao khát và đánh mất
Niết Bàn. Vì vậy phần đông chúng ta bị thất bại do nô lệ vào 6 giác
quan. Nay chúng ta thử làm ngược lại bằng kinh nghiệm từ bỏ khoái lạc từ
6 giác quan. Sự từ bỏ như Ðức Phật đã làm. Hãy dũng cảm hình thành một
chứng nghiệm đối nghich, bạn sẽ thấy lòng khao khát đoạn diệt và bạn sẽ
hưởng được niềm an lạc vĩnh cửu, bởi vì
ngọn lửa tham dục đã tàn rụi,
trạng thái tươi mát sẽ có mặt. Nơi đây ngọn lửa không thể nào
nhóm lên được lần nữa, không có diêm, không có nhiên liệu để tái phát
ngọn lửa mới, con người không còn tái sinh trong lục đạo
luân hồi nữa. Cũng có một ngộ nhận nữa, vị linh mục chỉ có giải thích 3
chân lý đầu mà không đề cập đến chân lý thứ tư là Ðạo đế Bát
Chánh Ðạo–trong Phật Giáo là chân lý quan yếu nhất cần phải lưu tâm, đó
chính là phương thuốc đưa ta đến Niết Bàn
tối thượng.
--- o0o
---
Mục Lục|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|7
|
8
|
9
|
10|
11|
12
|
13
--- o0o ---
|
Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Vi tính : Mỹ Hồ
Trình bày : Nhị Tường
Cập nhật
ngày: 01-05-2002
|
|