Ánh Đạo Vàng
(In lần thứ 14)
Võ Đình Cường
HUẾ – 1999
--- o0o ---
LỜI THÚ TỘI
( Thay lời Tựa )
KÍNH
bạch đức Thế Tôn! Như một đứa bé khát sữa được nút vú mẹ, như một kẻ bộ
hành sắp bị cháy nắng trong sa mạc được hụp xuống giữa khe nước mát, con
đã say sưa tìm lại dấu vết của đời Ngài qua các sách sử. Và từ bao năm
tháng, con mân mê cái mộng cao xa là được ca ngợi đời Ngài trên mặt
giấy.
Nhưng
đời Ngài lộng lẫy thế kia, huyền diệu thế kia, nguy nga thế kia chỉ làm
cho con ngây ngất say mê đứng nhìn, và càng nhìn con lại càng nhận thấy
ý định của mình quá táo bạo trước nhiều nỗi khó khăn.
Từ
ngày Ngài xuất hiện đến nay, trên hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua bao
nhiêu lớp người trồi sụp, bãi bể nương dâu đã mấy lần thay đổi:
những vết tích đã xoá nhoà trong trí nhớ của người đời, những nét chữ đã
lu mờ trong sách sử. Di tích của Ngài tuy được giừ gìn trong các đền
chùa tháp điện, cũng không khỏi lấm màu sắc thời gian. Tài liệu bị mất
mát, sai lạc nhiều. Cho nên làm sống lại đời Ngài, thời đại xa xưa của
Ngài, những tục lệ lễ nghi, cách ăn nói giống hệt thời ấy, là những việc
không bao giờ con dám cả quyết. Lại thêm, mọi sử gia đều đứng về một
phương diện khi viết đời Ngài. Tuy những điểm chính thì không ai có thể
làm sai chạy, đổỉ thay đi được, nhưng những chi tiết thì mỗi người thấy
mỗi cách, theo mỗi quan điểm của họ.
Bạch
Thế Tôn, con đến quá chậm: Ngài nhập diệt lâu rồi, và mỗi người trưng
bày mỗi cách hình ảnh của Ngài theo tầm mắt và sự hiểu biết của họ. Con
lựa hình ảnh nào đây cho giống Ngài nhất? Theo nhà tâm lý chăng? Ôi!
Nhiều “vì trạng thái tâm hồn... thế này thế kia; nhiều “vì hoàn cảnh thế
này, thế khác” quá!. Theo nhà khảo cổ chăng? – Ồ, khô khan! Tên người,
tên xứ, tên núi, tên sông! “Cái bia ấy dựng lên từ lúc nào? Cây
bồ-đề kia có lẽ mới trồng lại?”
Nhưng
con cũng không muốn giới thiệu đời Ngài với một ngôn ngữ trừu tượng, với
nhiều ẩn dụ, nhiều huyền thoại kỳ bí có thể làm độc giả có ấn tượng sai
lạc về bản chất của Ngài. “Ðất chuyển động ba lần khi Ngài xuất thế”,
“con rắn thần đến quấn quanh Ngài bảy vòng để bảo vệ Ngài trong trận bão
tố lớn dưới gốc cây bồ-đề trước lúc Ngài thành đạo, v.v...” Như thế
là nghĩa làm sao? Bị thôi miên bởi uy lực của danh từ, hình tướng,
người ta khó tìm thấy được cái ý nghĩa thâm sâu ẩn giấu trong mỗi sự
việc. Và do đó, có thể có một số độc giả tưởng rằng đức Phật là một thần
linh từ trời cao rơi xuống, hay cho rằng đây là một “chuyện hoang
đường” không có thật!
Vì sợ
hai chữ hoang đường của độc giả, con để vào đây rất ít tượng trưng và kỳ
bí–có rất nhiều trong các sách khác. Và như thế, nghĩa là đã giảm bớt
rất nhiều linh diệu, cao thâm, lộng lẫy của đời Ngài. Con đã để đời Ngài
ra ngoài vòng hào quang huyền diệu đáng lẽ phải bao phủ lấy Ngài. Và để
lấp bớt cái khuyết điểm lớn lao ấy, con thế vào một chút văn chương, một
chút nghệ thuật: ở đây một làn hương, ở kia một điệu nhạc, ở nơi khác
một tia nắng nhạt hay một cánh bướm vàng...
Nhưng
văn chương nghệ thuật dầu sao cũng có giới hạn của nó! Ngài là bậc Siêu
phàm, hiện thân của Cao cả, của Thuần tuý, của Linh diệu. Con, một kẻ
phàm tục, nương mình lên không khỏi đất, mắt loà trong bụi đỏ, làm sao
thấy rõ được những cảnh tượng huyền vi? Lưỡi con ngắn quá, chỉ bập bẹ
lại những pháp âm mà xưa Ngài đã phát ra từ ấn Ðộ và bây giờ còn vang
dội mãi trên hoàn cầu; tay con vụng về thế này thì làm sao tung ra được
những luồng ánh sáng? Bạch Thế Tôn, đời Ngài là một biển cả, mà múc nước
con chỉ có hai bàn tay!
Cho
nên mục đích của con khi viết quyển sách này rất ngắn ngủi. Không phải
làm sống dậy cái xứ Ấn Ðộ 2500 năm trước: không phải diễn tả đúng theo
từng ly, từng tí đời của Ngài; không làm việc của một nhà khảo cổ, hay
nhà tâm lý học ; không phải đứng trong phạm vi hẹp hòi của một kẻ mê tín
đầy thành kiến. Con chỉ là một kẻ thấy đời đẹp đẽ, cao thượng của Ngài
mà sùng mộ, và muốn đem giới thiệu với mọi người đời Ngài mà mỗi ý tưởng
là một ánh sáng chói ngời, mỗi lời nói là một bài học quý báu, mỗi cử
chỉ là một ý nghĩa cao thâm. Nếu độc giả sau khi đã đọc xong quyển sách
này, hay khi đứng trước tượng Ngài, cảm nhận được đấy là hình ảnh của
lòng Từ bi rộng lớn, hiện thân của ý chí dũng mãnh, của Trí tuệ sáng
suốt, thì con đã đạt được mục đích.
Hôm
nay công việc đã xong xuôi, đốt nén hương tín thành, con đến quỳ trước
điện Ngài, xin dâng quyển sách này lên Ngài chứng giám. Ðây là tất cả
trí óc của con. Ðể phô bày trong muôn một tâm hồn thâm diệu của Ngài,
con đã đặt tất cả tâm hồn con vào đó. Con đã nhỏ những giọt nước mắt
nóng trên trang giấy khi con tưởng tượng lại những giọt nước mắt của
Ngài đã nhỏ trên vết thương của nhân loại: con đã vui sướng– dầu chỉ là
một nỗi vui sướng thô kệch– theo với nỗi vui sướng tinh khiết của Ngài,
khi Ngài tìm ra được ánh sáng dưới gốc bồ-đề...
Bạch
Thế Tôn, vì bao nhiêu tâm huyết và lòng thành thực của con, xin Ngài hãy
lượng xét mà xoá bỏ một ít những lỗi lầm và vụng dại mà con có thể mắc
phải khi viết quyển sách này.
Kính dâng,
VÕ ĐÌNH CƯỜNG
--- o0o ---
Mục lục |
Giới thiệu |
Lời bạt
Phần 01|
Phần 02 |
Phần 03 | Phần 04 |
Phần 05
Phần 06 |
Phần 07 | Phần 08
|
Phần 09 |
Phần 10
--- o0o ---
Vi tính : Mỹ Hồ
Cập nhật ngày:
01-05-2002