Ánh Đạo Vàng
(In lần thứ 14)
Võ Đình Cường
HUẾ – 1999
--- o0o ---
Phần 09
Tịnh-phạn vương sống qua những năm buồn vô hạn từ khi Thái tử bỏ cung điện
ra đi. Ngài nhớ tiếng, nhớ hình ngườị con anh dũng mà bây giờ không biết
đang phiêu bạt nơi nao.
Còn
công chúa Da-du, thì không có gì khuây khoả nổi! Mất đấng chúa tể của
lòng mình, nàng không còn biết cái vui là gì nữa. Trong cung điện cũ
tiếng đàn địch đã im bặt lâu rồi, thế mà âm thanh còn vang dội lại trong
tai người cô phụ, tưới mãi dầu vào ngọn lửa tiếc thương. Tuy thế lòng
nàng vẫn còn ấp ủ chút hy vọng: Thái tử còn sống. Mỗi khi nghe ai nói
đến một kẻ tu hành đang ẩn náu ở một xứ xa nào, nàng liền tâu với
Tịnh-phạn vương cho quân ruỗi ngựa đi tìm. Quân về mình còn lấm bụi
phương xa, quỳ xuống tâu với Tịnh-phạn vương, giữa hai hơi thở:
– Tâu
bệ hạ, chúng tôi đã gặp rất nhiều kẻ tu hành không nhà, không cửa, nhưng
về Thái tử Tất-đạt-đa, viên ngọc quý của thành Ca-tỳ-la-vệ. chúng tôi
tìm chẳng được tăm hơi.
Một
hôm, sau những ngày đông buồn bã đã trôi qua, những đọt xoài non đã điểm
trắng trên lá xoài xanh, cảnh vật đã choàng xong chiếc áo xuân mới, nàng
Da-du đi dạo quanh hồ. Ở đấy, xưa kia, thảm nước xanh đã nhiều lần chiếu
vẻ đẹp phương phi của Thái tử bên cạnh vẻ đẹp hiền hậu của nàng. Cũng ở
đấy, mặt nước hồ buồn bây giờ chỉ chiếu lẻ một bóng hình tiều tuỵ của kẻ
vọng phu: hai mắt nàng không còn trong sáng như xưa nữa, vì đã bao lần
làm suối cho lệ chảy; vành môi đẹp của nàng hơi trĩu xuống ở hai bên
khoé dấu vết của những đêm cắn cổ tay vào miệng cho tiếng khóc khỏi bật
lên. Làn tóc óng ả dợn sóng của nàng bây giờ bới lại theo kiểu những
người quả phụ. Ngọc vàng không còn quấn quýt bên tay nàng nữa. Áo nàng
may bằng vải thô thường để dùng trong lúc tang chế. Nàng nắm sợi dây
lưng nạm ngọc của Thái tử mà nàng giữ mãi bên mình làm kỷ niệm sau cái
đêm hãi hùng, mở đầu cho những chuỗi ngày sầu hận–cái đêm Thái tử bỏ
cung điện ra đi. Gần nàng, một đứa bé độ 9, 10 tuổi, mặt mày tuấn tú
đang đuổi theo đàn bồ câu. Ðấy là La-hầu-la, sợi dây giao nối mối tình
cua Thái tử và nàng Da-du.
Trong
lúc con nàng đang nô đùa với đàn chim, nàng tư lự ngồi ngắm mây trôi,
như cố tìm trong ấy một vết tích của người chồng lưu lạc. Nhưng nghe sau
lưng có tiếng động, nàng giật mình xây lại, một người thị nữ quỳ xuống
bên cạnh, thưa:
– Thưa
lệnh bà! Có hai người lái buôn ở xứ Hạt-tin-bua (Hastinpour) tên Ðề-vy
(Tripourha) và Bà-lỵ (Bhallouk), ở từ phía Nam lại. Họ mang theo đủ các
loại hàng quý, các thứ chim lạ và ngọc ngà đầy bao; nhưng có một tin quý
nhất: họ đã gặp Thái tử.
Máu
chảy rần rần trong huyết quản công chúa, nàng vội vã đứng dậy, mắt ứa lệ
mừng, giọng run run vì cảm động:
– Con
hãy bảo họ vào trước màn gấm (Tục Ấn Ðộ, những người đàn bà quý phái khi
tiếp chuyện với người lạ phải đứng khuất sau một bức màn), kể chuyện gặp
Thái tử cho ta nghe. Nếu thật như lời họ nói, ta sẽ ban thưởng cho họ
bao nhiêu ngọc vàng cũng không tiếc.
Hai
người lái buôn được mời vào trong Cung Vui bước từng bước kính cẩn trên
những bậc thềm vàng, đi ngang qua những phòng rộng nguy nga, giữa hai
hàng cung nữ. Họ đến trước màn hoa và nghe ở trong đưa ra một giọng nói
thanh tao và ngân nga như tiếng chuông đồng:
– Hỡi
các người ở phương xa lại! Phải chăng các người đã gặp Thái tử
Tất-đạt-đa.
Ðề vỵ
trả lời:
– Thưa
lệnh bà, chúng tôi đã gặp Người cao cả ấy!. Chúng tôi đã quỳ xuống hôn
chân Ngài. Ngài bây giờ rực rỡ danh vang, oai phong hơn một ví đại đế.
Ngài đã thành Phật, chinh phục cả muôn loài vì cái đạo Từ bi mà Ngài đã
tìm được dưới gốc bồ-đề. Ngài đi thuyết pháp từ xứ này sang xứ khác và
thu hút sau bước chân Ngài biết bao tâm hồn lung lạc, như một làn gió
hút theo bao nhiêu lá vàng rụng trên đất...
Công
chúa sung sướng hỏi dồn:
–
Nhưng cái Ðạo nhiệm mầu ấy, Ngài làm thế nào để tìm được?
Bà-lỵ
thay lời bạn, kể lại cho công chúa nghe cái đêm giông tố tơi bời mà đức
Phật đã chiến đấu và toàn thắng được bao nhiêu dục vọng nhơ nhớp xấu xa
của thế gian đã hiện hình dưới quyền chỉ huy của Ma vương. Chàng tả cái
buổi mai rực rỡ huy hoàng, sau khi Ngài đã chứng được quả bồ-đề và nỗi
do dự của Ngài trước khi đi truyền đạo vì Ngài nhận thấy chúng sanh mải
quay cuồng trong trường danh lợi, đắm say trong vũng lầy nhục dục, uống
lỗi lầm trong muôn suối si mê, chưa đủ trí, đủ sức để nhận hiểu chân lý
cao thâm huyền diệu mà Ngài đã tốn biết bao tâm huyết mới tìm ra được.
Nhưng may thay! Lòng từ bi của Ngài thúc giục Ngài phải cứu chúng sanh
đau khổ. Ngài nhận thấy đấy là bồn phận của Ngài như Ngài đã tự nguyện
khi mới xuất gia. Dầu công cuộc truyền đạo có khó khăn bao nhiêu, Ngài
cũng không thể chối từ để an hưởng một cách ích kỷ Đạo vô thượng mà Ngàí
đã vì chúng sanh nhiều hơn là vì mình, tìm ra được. Vả chăng, trong đám
bùn lầy, không phải không nẩy lên được những chồi sen quí, trong đám
người si mê không phải tuyệt nhiên không có những kẻ tinh anh. Và dầu
tinh anh hay mê muội, mỗi người đều có sẵn một mầm giải thoát. Xét như
thế, Ngài quyết định đem Ðạo Ngài ra truyền bá khắp thế gian.
Thế
rồi Ngài vượt núi đi đến xứ Ba-la-nại (Bénarès), vào trong Vườn Nai, tìm
nhóm ông Kiều-trần-như để thuyết pháp cho họ nghe. Các ông này thấy Ngài
đi đến, tỏ vẻ khinh bỉ. Nhưng khi đến gần, thấy tướng mạo ọai nghi và
rực rỡ của Ngài, họ kính cẩn đứng dậy chào, rồi lặng yên nghe thuyết
pháp.
Người
hiểu được giáo lý đầu tiên là ông Kiều- trần-như. Sau ông, bốn người
đồng tu là: Ác-bệ, Thập-lịch Ca-diếp, Ma-ha-nam, Bạc-đề đều khai ngộ
được cả. Luôn trong ba tháng, Ngài thuyết pháp ở Vườn Nai, có một chàng
thanh niên tên Ða-xá và 54 người khác thuộc dòng quí phái xin qui y theo
Ngài.
Sáu
chục người đệ tử đầu tiên ấy, sau khi giữ đủ giới luật và được đức Phật
cặn kẽ dặn dò, đều được Ngài thọ ký cho đi truyền đạo khắp nơi. Ngài rời
Vườn Nai, đi về phía Nam, đến xứ ưu-lâu-tần-loa. Ở đấy, Ngài độ cho một
vị tổ sư rất thần thông và rất có thế lực của đạo thờ lửa là ông
Ca-diếp, và hai em ông. Rồi Ngài lại đi đến xứ Ma-kiệt-đà. Vua
Tần-bà-sa-la gặp lại Ngài vui mừng khôn xiết, và sau khi đổ nước hoa vào
hai bàn tay Ngài, vua xin cúng cho Ngài vườn Trúc Lâm rất có tiếng đẹp ở
xứ ấy để Ngài dùng làm nơi thuyết pháp. Ở đấy, giáo lý của Ngài rất được
dân gian sùng phục. Chẳng bao lâu, cả xứ Ma-kiệt-đà từ vua cho đến dân
đều theo Ðạo Ngài cả. Số đệ tử mỗi ngày mỗi đông, trong ấy, chín trăm
người được đắp y như Phật và được Ngài cho đi truyền giáo khắp nơi.
– Thưa
lệnh bà–Bà-lỵ kết luận–phương pháp tu hành của Ngài dạy tuy không thể kể
xiết được nhưng có thể tóm tắt trong một câu này mà chúng tôi được nghe
Ngài dạy: “Tránh các việc dữ, làm các việc lành, giữ tâm ý trong
sạch, đấy là đạo của chư Phật.”
Tịnh-phạn vương nghe tin, tức tốc truyền cho sứ giả đi mời Phật về. Nhưng
chín lần, chín đoàn sứ giả ra đi, chín lần mất tích. Mỗi ngày Tịnh- phạn
vương và nàng Da-du lên lầu, đưa tầm mắt ngóng trông bọn sứ giả. Nhưng
xa xa, không thấy có đám bụi mù nào dấy lên dưới chân những con tuấn mã
của bọn sứ giả. Ai có ngờ đâu bọn sứ giả khi đến Trúc lâm, gặp lúc Phật
đang thuyết pháp, những lời ấm áp, êm dịu của Ngài đã lách vào tâm hồn
họ, như một làn hương lẫn trong gió mà vào phổi, như một giọt sương thắm
đượm vào giữa nhuỵ hoa, họ đã say mê mà quên mất nhiệm vụ của họ là đến
mời Phật về. Lần thứ mười, Ưu-đà-di khi vào vườn Trúc lâm, lượm một nắm
bông gòn nhét vào tai, đến bên chân Phật, quỳ xuống thưa một mạch những
lời dặn của Tịnh-phạn vương.
Ðức
Như Lai nhận lời ngay. Ngài bảo giữa đại chúng:
– Ðã
lâu ta có ý định về thăm nhà, vì đấy cũng là một bổn phận của kẻ tu
hành. Hỡi các Tỷ kheo, các người không nên viện một cớ gì để không báo
ân cha mẹ. Ta sẽ về thăm phụ hoàng ta. Ưu-đà-di, người hãy về trước, báo
tin ấy cho Ngài hay.
Ưu-đà-di sung sướng sụp lạy tạ Ngài, rồi nhảy lên mình ngựa phi về cung.
Tin
Phật sắp trở về tung ra trong thành Ca-tỳ-la-vệ như một tràng pháo nổ.
Thôi, đã qua rồi những ngày buồn bã trôi giữa dòng tiếc thương và mong
nhớ! Dân trong thành trở lại hoạt động vui vẻ như thời còn Thái tử, cái
lẽ kiêu hãnh của dân gian Mọi người thi nhau trang hoàng cửa nhà mình để
làm vui lòng đấng tôn quý nhất của cả nước. Từ phía cửa Nam vào tận
trong hoàng cung, đường đều lát toàn cành xoài thơm và tưới trào nước
hoa sứ. Trên bến sông đức Phật sẽ sang ngang, mấy chục cặp voi được
trang hoàng rừc rỡ đã đợi sẵn để đón Ngài về. Bọn ca nhi vũ nữ đã được
lệnh đi theo Ngài để vừa múa hát vừa tung hoa sao cho chân voi Ngài sẽ
ngập dưới đường hoa.
Nàng
Da-du nóng lòng muốn gặp Ngài ngay, sai quân khiêng kiệu đưa mình đến
gần cửa Nam, nơi Tịnh-phạn vương đã truyền dựng tịnh xá cho Ngài, và
đứng đấy ngóng trông về phía trước. Và phía trước, bọn Ba-li-a (Paria)
sống chui rúc trong những vòm lá ở ngoài thành, cũng đã dậy từ lúc gà
chưa gáy, đợi tiếng trống đầu tiên báo hiệu Ngài về, hay tiếng voi ré là
trèo lên cây, để khỏi làm bẩn mắt đấng Tinh khiết. Nhưng bầu trời vẫn im
lặng trong sự chờ đợi, không vang dội một tiếng trống hay tiếng voi ré.
Họ bắt đầu chán nản, và để khỏi mỏi mắt trông chờ, họ cúi xuống lượm lá
úa rơi trên đường, uốn lại một nhành cây hay chấp thêm một vài cành hoa
vào cột khải hoàn môn.
Giữa
lúc ấy, một người chậm rãi đi đến, đầu cạo trọc mình choàng một chiếc áo
cũ, tay nắm một bình bát hình trái bí. Theo sau có mấy người khác cũng
choàng một thứ áo ấy. Nhưng người đi đầu có vẻ oai nghi lạ kỳ, và trên
đường người đi, toả ra một luồng tôn nghiêm kính cẩn. Người ấy nắm bình
bát đưa ra trước cửa mọi nhà: người ta đổ đồ ăn vào đấy với vẻ sùng bái
như khi dâng lễ cúng thần. Nhiều kẻ thấy mình đứng không vững trên hai
chân run, liền sụp quỳ xuống, và cảm thấy rất yên ổn trong dáng điệu ấy.
Khi đến gần cửa Nam, nàng Da-du từ trong chạy xổ ra, kêu lên: “Ôi
Thái tử!” Nàng nghẹn ngào không nói được nên lời, quỳ xuống ôm lấy
chân Phật mà khóc...
Một
người đệ tử đi theo Ngài, bạch:
– Thưa
Thế Tôn! Ngài đã dứt hết dục vọng, tránh tất cả những sự đụng chạm của
những bàn tay đàn bà, sao còn đứng yên để bà Da-du ôm chân Ngài như thế?
Phật
trả lời:
– Các
người hãy coi chừng đấy! Ðừng làm tổn thương một tâm hồn đang bị ràng
buộc trong tình cảm, vì sự dửng dưng của các người, khi đã thoát ra
ngoài vòng trần luỵ! Các người càng nhẫn nhục bao nhiêu, các người lại
càng được tự do bấy nhiêu...
Xưa
kia, mấy vạn năm rồi, ta là một gã lái buôn tên Ram, ở miền bể phía Nam
đối diện với hòn đảo Lan-ca, nơi có rất nhiều ngọc quý. Vợ ta, nàng
Lúc-mích, chính là Da-du bây giờ, cùng với ta sống ở đấy. Nhà ta nghèo
túng, ta phải tính cuộc đi làm ăn xa. Nhưng vợ ta khóc lóc, xin ta hãy ở
nhà, vì nỗi đường xá xa xôi, hiểm trở. Nhưng ta không muốn ở nhà để nhìn
thấy sự nghèo túng của vợ rất yêu quý của ta. Ta đành dứt tình, vượt
biển ra khơi, trải qua bao nhiêu lần sắp chết vì bão tố, ta lặn xuống
đáy bể, mò được một viên ngọc quý hơn tất cả nhũng kho tàng eủa các vua
chúa hiệp lại. Ta lận hòn ngọc vào lưng, dong buồm trở về xứ cũ. Nhưng ở
đấy dân gian đang bị nạn đói kém. Ta đi mấy ngày đường không có một hạt
cơm ăn, nhưng cũng lần mò về được tới nhà. Về nhà ta thấy vợ ta đang nằm
bất tỉnh, sắp chết đói ở ngưỡng cửa vì đã mấy ngày thiếu ăn. Ta liền nắm
hòn ngọc chói như ánh mặt trời, chạy đi từng nhà xin đổi lấy một nắm
gạo. Một người láng giềng chạy ra đưa cho ta một ô gạo và nhận hòn ngọc
quý về. Lúc-mích thoát chết nhờ nắm gạo ấy, sung sướng ứa lệ nói với ta:
“Ôi quả thật, tình chàng đối với em không bờ bến.”
Thuở
ấy, để cứu mạng một người thân, vỗ về một tâm hồn đau khổ ta đã mất hòn
ngọc quý. Nhưng bây giờ dầu ta có cứu bao nhiêu mạng người, có vỗ về bao
nhiêu tâm hồn đau khổ, thì viên ngọc quý–một vạn lần quý hơn viên ngọc
xưa–mà ta đã tìm được dưới những làn sóng sâu hơn, nguy hiểm hơn trước,
viên ngọc bây giờ không vì một sự gì có thể lu mờ mất mát đi được. Cái
bé nhỏ của viên ngọc xưa đối với viên ngọc bây giờ cũng như tổ kiến sánh
với hòn núi Mérou; tình thương xưa sánh với lòng Từ bi của ta bây giờ
như một vũng sương đọng trong dấu chân con thỏ sánh với biển lớn. Một
khi tình thương đã vượt ra ngoài sự ràng buộc của dục vọng, thì không có
gì có thể làm cho nó đụe vẩn đi được.
Tịnh-phạn vương ở trong triều nghe tin con về, đầu cạo trọc, tay nắm bát
đi xin những đồ ăn của bọn cùng dân hạ tiện, thì nổi giận đùng đùng.
Ngài bứt râu bạc, ngài khạc xuống đất ba lần. Ngài truyền thắng ngựa
chiến cho ngài ra cừa Nam. Ngựa ngài vụt qua trước mặt đám dân kinh
ngạe, khi họ chưa kịp phủ phục bên đường. Gần đến cửa Nam, ngài thấy một
đám người đen nghịt chen chúc trên đường rộng, mà người đi đầu là Phật.
Ngài đưa mắt quang đãng nhìn cha ở đằng xa phóng ngựa tới với một vẻ
hung hăng như một viên tướng ra trận. Nhưng đến gần, Tịnh-phạn vương
bỗng dịu lại trước cái nhìn hiền từ và tôn kính của người con đứe hạnh.
Phật chắp tay vái chào đứe cha với một dáng điệu nhu thuận mà oai nghi.
Tịnh-phạn vương nhìn con, nhận thấy một vẻ thiêng liêng hiện trên đỉnh
trán rộng và một oai lực làm khuất phục cả mọi người đi theo sau. Ngài
cảm biết rằng người đang đứng trước mặt mình đấy đã xa xôi với mình lắm
rồi, không còn giữ lại dấu vết gì của vị hoàng tử xưa nữa. Tuy vẫn ở
trong phạm vi người, vẫn lăn lộn với người, con ngài bây giờ đã thoát ra
ngoài vòng trần tục, đã vượt lên mấy tầng cao trên nhân thế rồi!
Mặc
dầu thế, Tịnh-phạn vương vẫn làm ra vẻ trách con:
– Có
đời nào một vị Thái tử như Tất-đạt-đa, người sắp nối ngôi ta, trị vì một
đại quốc, một vị Thái tử oai phong như thế mà khi về nước lại ăn mặc tầm
thường, đầu cạo trọc, nắm bát đi xin từng miếng ăn, miếng uống của đám
Ba-li-a! Ðáng lẽ ra, con phải trở về giữa sự oai nghi hùng tráng của một
rừng gươm giáo, giữa sự vang rền của tiếng trống, tiếng chiêng. Con thấy
đó, quân lính đang dàn đặc hai bên đường, cả một kinh thành đang đợi con
về để tung hô thiên tuế. Sau chín, mười năm trời con bỏ cung điện ra đi,
để cha con phải nuốt sầu trên ngôi báu, vợ con phải đau khổ trong Cung
Vui, và cả một kinh thành đã im lìm trong không khí tang tóc, cha tưởng
ngày về của con hết sức rực rỡ để bù lại những ngày ảm đạm đã qua. Cha
có ngờ đâu bao nhiêu sự sắp đặt linh đình của cả nước, bao nhiêu dàn bày
oai nghi của cả triều đình chỉ để đón chờ một kẻ đói cơm rách áo! Con
ơi! Sao thế hử?
– Thưa
phụ vương, đấy là tục lệ của dòng họ con.
Tịnh-phạn vương dẫy nẩy:
– Dòng
họ con kể từ đức Ma-ha-sa-ma đến nay đã gần một trăm đời vua, có khi nào
có một hành vi lạ lùng như thế đâu?
– Thưa
phụ vương, con không nói đến cái giòng giống thế gian, nối nhau qua khí
huyết, con muốn nói đến dòng giống của chư Phật quá khứ và vị lai. Xưa
và sau này chư Phật làm thế nào, bây giờ con làm thế ấy. Con chỉ biết
giữ gìn cái kho báu vô giá mà các đức Phật đã truyền lại cho con.
Tịnh-phạn vương ngạc nhiên nhìn chiếc áo đã ố màu của Phật, hỏi:
– Kho
báu gì đâu?
Thế là
Phật dịu dàng nắm tay cha, đi về phía hoàng thành, giữa Tịnh-phạn vương
và nàng Da-du. Vừa đi, Ngài vừa thuyết pháp cho dân chúng đang kính cẩn
theo sau Ngài nghe. Với giọng ấm dịu và trong sáng, Ngài rải rắc trong
tâm hồn mọi người nỗi an lành thanh tịnh. Ngài tung vãi ánh sáng ra khắp
nơi, đuổi tan những làn u ám đang đọng trong tâm trí mọi người.
Tịnh-phạn vương nhìn sững miệng Ngài, say sưa uống những lời quý hơn vàng
ngọc. Và công chúa Da-du đôi mắt dần dần ráo lệ, mỗi lúc mỗi tươi thêm.
Ðêm
ấy, trong cung điện của Tịnh-phạn vương, không có tiếng đàn tiếng địch,
thế mà mọi người nghe như reo dậy trong lòng mình một điệu nhạc thiêng.
Và khi đặt lưng xuống chiếu, dân gian trong thành Ca-tỳ-la-vệ thấy mở ra
trướe mắt mỗi người một con Ðường Vàng sáng rực, rộng thênh thang, trên
ấy những bóng vàng đang nhẹ nhàng tiến bước...
--- o0o ---
Mục
lục |
Giới thiệu |
Lời bạt
Phần 01|
Phần 02 |
Phần 03 | Phần 04 |
Phần 05
Phần 06 |
Phần 07 | Phần 08
|
Phần 09 |
Phần 10
--- o0o ---
Vi tính : Mỹ Hồ
Cập nhật ngày:
01-05-2002