.

 

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUT NGŨ PHN

 

Lược thuật: Phước Thắng

Hiệu đính: Thích Đỗng Minh

Chú thích: Tâm Nhãn

 

--- o0o ---

 

 

Phần 02.

Thất nhân tâm

Biến chứng

Khoái thay ! Khoái thay !

Điều Đạt phá hòa hợp tăng

Một bè gỗ hư

Một Xa-Nặc trời đất

Đuổi ra khỏi ấp

Vật bất ly thân

Y phi thời

THẤT NHÂN TÂM

Bấy giờ đức Phật và Tăng chúng của Ngài đang lưu trú tại nước Câu-xá-di 7.

Tỳ-kheo Xiển-đà cũng là một tay cự phách của nhóm sáu Tỳ-kheo. Thầy ta thường lui tới các gia chủ của mình để nói pháp, đồng thời cũng lo liệu, xử lý việc nhà quan cũng như chữa trị, thuốc thang cho người bệnh bổn đạo. Quốc vương, Ðại thần, Trưởng giả, Cư sĩ không ai là không thân tình, trọng thị. Họ coi Xiển-đà như ông Thánh sống. Bổn đạo thuộc các giai cấp trên thường đến Tăng xá để thăm viếng Xiển-đà. Ngày ấy đang kinh hành, các bổn đạo quý ấy đến tận nơi kinh hành, đảnh lễ sát chân Xiển-đà. Nhân đó, Xiển-đà thuyết pháp cho họ nghe, họ rất vui mừng, vì phúc lợi của việc nghe pháp đối với họ thật lớn lao. Khi mọi người thân lui về, Xiển-đà cũng trở về phòng của mình thì phòng này đã có Thượng tọa đến trưng dụng rồi. Cứ như vậy phòng nào cũng có Tỳ-kheo ở cả, thậm chí phòng nhỏ nhất cũng có sở hữu chủ. Xiển-đà hiểu rõ vấn đề mất chỗ ở. Thầy đành phải lên đường du hành nhân gian.

Sau đó không lâu, các bổn đạo thuộc giai cấp trên ấy đến thăm, mới hay thầy mình đã lên đường. Hỏi thăm các Tỳ-kheo đang kinh hành nơi đất trống, nhưng nào ai có biết thầy Xiển-đà ở chân trời góc bể nào mà trả lời. Các bổn đạo quý kia đành ra về với nỗi lo... Họ tìm khắp nơi nhưng bặt vô âm tín...

Ra đi rồi lại quay về, Xiển-đà mặc y, bưng bát đến các gia chủ cũ của mình. Trông thấy thầy mình đến, họ mừng hết lớn, họ vồn vã đón tiếp. Có người thưa:

- Bạch Trưởng lão, gần đây chúng con có đến Tăng phòng tìm thăm Ngài mà không gặp, vậy Ngài từ đâu đến đây?

Xiển-đà trả lời:

- Tôi là hàng Hạ tọa nhỏ nhất, tất cả phòng, các Thượng tọa đều ở hết, cho nên tôi phải du hành. Rất tiếc các vị đến thăm mà không gặp nhau.

Các gia chủ thưa:

- Có thể tìm nơi nào đó, chúng con sẽ cất phòng xá cho Trưởng lão ở, không những chúng con được phước mà Trưởng lão lại có chỗ ở an ổn để tu hành, việc thăm viếng của chúng con cũng không bị trở ngại.

Xiển-đà trả lời:

- Tôi không thể đứng ra tự làm, vì sẽ xao nhãng việc hành đạo. Hơn nữa, khi tuổi càng lớn thì theo thứ lớp, tự nó sẽ có được chỗ ở, đó là lẽ tự nhiên.

Các gia chủ thưa:

- Chúng con may mắn có vật liệu vừa lại có thiện tâm. Tài vật thì vô thường, còn thiện tâm khó lòng giữ được lâu, vậy xin Trưởng lão tranh thủ tìm chỗ, chúng con nhanh chóng cất phòng xá cúng dường Ngài.

Xiển-đà thấy họ quá ân cần, khó lòng từ chối, bèn đi khắp vùng tìm đất cất thất. Nhận thấy địa điểm Thọ thần8 là nơi rất tốt cho việc tạo dựng phòng xá. Quyết chọn nơi đây, nên Xiển-đà liền cho triệt hạ cây cổ thụ này. Người trong nước coi cây cổ thụ này như một vị thần. Họ thờ phụng, cúng bái, cầu khẩn thần đại thọ này rất mê say. Họ đều nhận được sự cảm ứng tốt lành của thần, cho nên lòng kính cẩn của họ đối với thần đại thọï này cao vời vợi. Cổ đại thọ này bị Xiển-đà triệt hạ không tiếc thương, đó là một cú sốc lớn của toàn dân, họ hốt hoảng, vô cùng kinh ngạc, tưởng chừng như tai họa sắp giáng xuống đầu họ. Sẵn lòng tin Phật pháp không có, họ đồng loạt mắng nhiếc không tiếc lời:

- Sa-môn Thích tử thật vô đạo hết chỗ nói, chỉ biết lợi cho mình mà làm thương hại đến trời, người, quỉ thần.

Ðối với những người có lòng tin Phật pháp thì nói:

- Cây này có Thần ở, mọi người đều kính sợ, ngày đêm hằng khấn nguyện không dám ngạo mạn, xúc phạm, nay các Tỳ-kheo lại chặt cây không chút ngại ngùng. Nghĩ rằng, nơi đây rồi ra mọi sắc tâm đều trong sáng như thường. Có thể nói rằng vị thần cây này đã vô cùng kính trọng Tỳ-kheo.

Lời khen, tiếng chê đồn vang khắp nước. Các Trưởng lão nghe được và sự việc được làm rõ trước Tăng. Ðức Phật lại nghiêm khắc quở trách Xiển-đà. Ngài kiết giới cấm vấn đề này.

 

HẬU QUẢ CỦA VIỆC VU KHỐNG

Bấy giờ đức Phật lưu trú tại thành Vương-xá, là kinh đô nước Ma-kiệt-đà, thuộc Trung Ấn. Ðối với Phật pháp, vua Bình-sa rất thâm tín. Hằng ngày, cứ lần lượt vua thỉnh 500 vị Tăng vào trong cung để thọ trai. Thần dân cũng theo gương ấy cúng dường như vậy. Hồi ấy, các Tỳ-kheo chỉ nghĩ đến việc hành đạo, không quan tâm mấy đến việc quản lý Tăng, cho nên việc sắp xếp theo trên dưới, đi thọ trai nơi này hay nơi khác không đặt thành vấn đề. Ðối với Lục quần Tỳ-kheo, đây là cơ hội tốt, sáu vị này luôn luôn có mặt ở chỗ tốt. Ngày ấy, Lục quần được mọi người đặt câu hỏi như vầy:

- Chúng con thỉnh Tăng theo thứ tự thọ trai, tại sao các Trưởng lão thường đến đây mà không thấy các vị khác,?

Ðây là câu hỏi chê khéo Lục quần không biết tự trọng, song đối với Lục quần, biết điều hay không biết điều chả là gì!

Mặc dù còn nhỏ, tuổi đang 14, tuy mới xuất gia hành đạo, Ðà-bà Lực Sỹ Tử 9, nhìn thấy cái cảnh mất trật tự trong Tăng chúng như thế, nên trong chốn thanh vắng đã có suy tư: “ Vua Bình-sa cũng như thần dân, hằng ngày mời 500 thầy theo thứ tự thọ trai, song trong Tăng không có người chuyên trách phân phối việc thọ trai, nên đưa đến tình trạng Lục quần cứ lựa chỗ tốt mà đến, điều này làm mất sự ngưỡng vọng chung và lệch đi ý nghĩ của người tín thí. Nếu đến tuổi 20, ta thọ giới Cụ túc, đắc A-la-hán, có được thần thông, sẽ vì chúng Tăng làm người chỉ định Tăng đi phó hội, và phân phối tư cụ cho Tăng”.

Ý nghĩ sâu kín đầy trách nhiệm này của Ðà-bà, ngày một hiện thực: Năm 16 tuổi, Ðà-bà thành tựu quả A-la-hán10, sở đắc lục thần thông. Năm 20 tuổi thọ Cụ túc giới. Như thế, bao điều nguyện trước kia nay đã hội đủ điều kiện, Ðà-bà đi ngay đến thành Vương-xá. Trước các Tỳ-kheo, Ðà-bà nói lên lời nguyện từ trước của mình. Vì lời nguyện này, các Tỳ-kheo bạch lên Phật. Ðức Phật cho tập hợp các Tỳ-kheo Tăng, hỏi Ðà-bà:

- Thật sự ông muốn vì Tăng làm người sai Tăng đi tham dự hội và phân phối ngọa cụ11 cho Tăng phải không?

Ðà-bà thưa:

- Bạch Thế Tôn thật sự lòng con là như vậy.

Ðức Phật bằng mọi hình thức khen ngợi hạnh thiểu dục, tri túc, khen ngợi giới, khen ngợi người gìn giữ giới, rồi bảo các Tỳ-kheo:

- Nay cho phép Ðà-bà vì Tăng làm người chỉ định Tăng đi tham dự hội, và phân phối ngọa cụ... Tăng nên sai một Tỳ-kheo bạch nhị Yết-ma để sai.

Trước toàn thể Tăng, lời dạy của đức Phật được thực hiện như sau, một vị Tăng thưa:

“Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Ðà-bà này muốn vì Tăng làm người sai Tăng đi tham dự hội và phân phối ngoạ cụ. Nếu việc làm này đối với Tăng là thích hợp, Tăng chấp thuận thì lời thưa này là lời đề nghị trước Tăng”.

Tăng tác pháp Yết-ma: “Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo Ðà-bà này muốn vì Tăng làm người sai Tăng đi tham dự hội và phân phối tư cụ cho Tăng. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói lên”.

Vị Yết-ma chung quyết: “Tăng đã chấp thuận Tỳ-kheo Ðà-bà làm người sai Tăng đi tham dự hội và phân phối tư cụ cho Tăng rồi. Tăng đã đồng ý nên im lặng. Việc Yết-ma thành tựu phải thi hành đúng như vậy”.

Từ đó Ðà-bà đủ tư cách pháp lý sai Tăng, điều phối công việc của Tăng chúng, đối với đời sống tu hành hằng ngày.

Ðể nhanh chóng ổn định tổ chức, cũng như đạt được hiệu quả cao, Ðà-bà tiến hành việc phân phát ngọa cụ thành Chúng, theo hạnh tu của Tăng: Chúng thiểu dục tri túc - Chúng Lạc tịnh - Chúng tụng Tu-đa-la (Kinh) - Chúng Trì luật - Chúng Pháp sư - Chúng Tán tụng - Chúng A-lan-nhã - Chúng khất thực - Chúng ngồi thiền v.v...

Nhờ có khiếu tổ chức mà việc quản lý, điều hành của Ðà-bà trở thành nền nếp, kỷ cương, đặt Tăng đúng chỗ, đúng người và cũng chính nhờ thế mà tất cả Tỳ-kheo, dù tu theo hạnh tu nào, cũng được an ổn.

Ðối với các Tỳ-kheo phương xa có việc đến trú xứ của Ðà-bà, dù trời đã tối cũng vội đến người quản lý này để xin chỗ tạm trú nghỉ ngơi. Ðà-bà liền nhập Hỏa quang tam muội, tay trái phóng ra ánh sáng, tay phải chỉ chỗ trải ngọa cụ một cách trung thực, hợp tình, hợp lý.

Chính sự điều hành mầu nhiệm này mà Ðà-bà được đồn vang và mọi người hết sức ngưỡng mộ con người quản lý đầy đức độ ấy. Vì hiếu kỳ, mọi người đến trú xứ thăm hỏi đức Thế tôn càng đông hơn, luôn thể họ được diện kiến Ðà-bà, cũng như để được trông thấy thần lực của người. Có lúc, cứ vào xẫm tối, người phương xa về xin tạm trú rất đông, và qua việc sắp xếp nơi ăn chốn ở, họ chứng kiến sự thật về đức độ và cách hành xử của Ðà-bà.

Với thần lực này, việc sai Tăng đi dự hội của Ðà-bà bỗng chốc trở thành dễ dàng. Tăng đã tuân thủ sự điều phối đúng người, đúng việc, đúng nơi, đúng chốn này một cách triệt để.

Thế nhưng, với việc làm cắt cử Tăng đi dự hội, Ðà-bà đã bị vu khống. Sự việc xảy ra như vầy:

Hồi ấy, trong thành Vương-xá có một Trưởng giả tên là Thiện Phạn. Qua nhận thức được các pháp mà ông đắc quả. Hằng ngày ông đích thân mời hai Tỳ-kheo về nhà cúng dường bữa ăn thượng vị. Hai Tỳ-kheo Từ và Ðịa12 là hai anh em, tự thân họ là kẻ thiếu phước nên rơi vào cấp bậc thấp. Họ thường nhận sự phân phối tương xứng. Tuy nhiên, ngày ấy bỗng Từ, Ðiïa được Tăng sai đến nhà Trưởng giả Thiện Phạn thọ trai.

Thiện Phạn biết được sự cắt cử này của Tăng, ông không mấy vừa lòng, thầm nghĩ như vầy: “Hai vị này là người ác, không có hạnh thanh tịnh, tại sao lại được nhận thức ăn thượng vị của ta cúng dường?!”. Với ý nghĩ này, Trưởng giả liền lui về trước và tìm gặp vợ, căn dặn rằng: “Hôm nay bà chỉ nên làm thức ăn đơn giản, đạm bạc để mời họ mà thôi”.

Kẻ ăn người ở được lệnh trải tòa phu cụ tiếp đón anh em Từ, Ðịa. Từ lúc huynh đệ Từ, Ðịa đến, cho đến lúc trì bát, gia đình Thiện Phạn ngồi yên nơi tòa ngồi của mình, mặc cho nô tỳ lo việc dâng cúng thức ăn thô, kém phẩm chất do người vợ Trưởng giả chế biến.

Từ, Ðiïa thấy vậy hỏi:

- Này chị em! Nhà này thường cúng dường bữa ăn rất ngon, tại sao nay lại cúng thức ăn thô dở đến thế?!

Nô tỳ thưa:

- Tôi là kẻ thấp hèn, làm sao biết rõ lý do này!

Ăn xong ra về. Trên đường đi, trong lòng Từ, Ðiïa đầy hậm hực, định bụng dạy cho Ðà-bà Lực Sĩ Tử một bài học.

Về đến trú xứ, Từ và Ðiïa đến ngay các Thượng tọa buộc tội Ðà-bà, bảo rằng:

- Ðà-bà Lực Sĩ Tử, làm việc theo cảm tính: Yêu, ghét, giận, thù, si mê, sợ hãi. Sợ ai thì cho đồ tốt, ai không sợ thì cho đồ xấu.

Các Tỳ-kheo nói:

- Hai thầy chớ nên nói những lời như thế. Tỳ-kheo Ðà-bà nào có tùy tiện vì yêu ghét, giận hờn, si mê, sợ hãi. Tại sao vậy? - Bởi lẽ, Tỳ-kheo Ðà-bà đã đắc A-la-hán, đầy đủ sáu thần thông, mà làm việc theo cảm tính kia là điều không cơ sở.

Từ, Ðiïa nói:

- Chính vì đắc thần thông nên biết được nhà nào có thức ăn ngon, nhà nào có thức ăn dở. Chỗ nào ngon thì dành cho người khác, chỗ nào dở thì sai chúng tôi đến. Cho nên tôi kết luận: Ðà-bà làm việc theo yêu ghét, giận thù, si mê, sợ hãi. Mắng như thế vẫn chưa thỏa, sau đó Từ, Ðiïa đến chỗ nào, việc hàng đầu là rêu rao nói xấu Ðà-bà. Ðến thành Vương-xá, Từ và Ðịa tìm gặp người em gái là ni cô Di-đa-la. Trông thấy hai anh đến, ni cô ra nghinh đón, đảnh lễ hỏi chào, nhưng anh em Từ, Ðiïa lặng thinh không nói một lời. Trước sự biến đổi này, Di-đa-la thưa:

- Em không nhớ, em có phạm điều chi, tại sao hai anh có thái độ thế này?!

Từ, Ðiïa trả lời:

- Tại em không giúp hai anh, nên khiến cho Ðà-bà làm khổ hai anh như vậy!

Di-đa-la hỏi:

- Hai anh muốn em trợ giúp hai anh bằng cách nào?

Từ, Ðiïa bảo:

- Em hãy giúp hai anh bằng cách đến chỗ đức Phật thưa rằng: “Kính bạch đức Thế Tôn, con từ chỗ không có lo sợ, hốt hoảng, xoay lại bị sự khủng bố, sợ hãi. Nay con không còn chỗ nào để tìm được sự an ổn. Ðà-bà vốn được cho là người phạm hạnh, thì giờ đây, đến xúc phạm làm hoen ố con, phạm Ba-la-di”.

Di-đa-la nói:

- Ðà-bà thanh tịnh, nếu em hủy báng người thì ắt Tăng sẽ tác pháp Tự ngôn13, đuổi em. Em đã xuất gia, cần phải có chỗ để nương tựa!

Từ, Ðiïa nói:

- Hai anh sẽ làm chứng cho em, để Ðà-bà bị đuổi, làm gì có chuyện em bị tác pháp Tự ngôn để đuổi em.

Di-đa-la nói:

- Nếu Tăng đuổi Ðà-bà thì Tăng có thêm được cái gì nữa đâu?

Hai anh em Từ và Ðịa nói:

- Ðiều cần thiết là làm cho Thế Tôn ruồng bỏ Ðà-bà. Há lẽ Ðà-bà bị đuôûi đi, làm cho em khổ sở hay sao? Hai anh cần tự do, cần có hình ảnh tốt đẹp để được sống an lành với trú xứ.

Với lời lẽ như thế, ni cô Di-đa-la im lặng, không dám trái mạng và để làm vừa lòng hai ông anh của mình, Di-đa-la đến trước đức Phật tố cáo Ðà-bà với lời lẽ như trên.

Khi ấy, Ðà-bà và La-hầu-la đang đứng hầu hai bên đức Phật, đức Phật hỏi Ðà-bà:

- Ông có nghe Di-đa-la nói điều gì không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe, nhưng việc đó Thế Tôn đã tự biết rõ rồi. -Ðà-bà đáp lời.

Ba lần đức Phật hỏi như vậy, và ba lần Ðà-bà cũng trả lời đúng như vậy.

Trước sự việc như thế, La-hầu-la bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, phiền gì phải ba lần hỏi Ðà-bà, chỉ cần tẫn xuất cô ni là xong.

Ðức Phật lại hỏi:

- Nếu Di-đa-la sử dụng thủ thuật này để phỉ báng La-hầu-la thì La-hầu-la phải xử trí ra sao đây?

La-hầu-la thưa:

- Con sẽ nói việc này, Phật tự biết cho con.

Ðức Phật dạy:

- Ông có thể làm như thế song đối với Ðà-bà lại cũng nói như vậy được sao?

Ðức Phật xoay sang Ðà-bà dạy:

- Ông nên đứng lên tự làm sáng tỏ vấn đề, nay không phải là lúc ông im lặng. Ông cần vận dụng ký ức của mình, có thì nói có, không thì nói không, không được tránh né mà nói “Phật tự biết điều này”.

Ðà-baø liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục rồi quỳ gối, chấp tay thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, từ khi con sinh ra đến nay, kể cả trong mộng con cũng chưa hề nghĩ tưởng về việc này. Tại sao, nay với sự việc như thế, lại có được trong trí nhớ của con?

Ðức Phật khen Ðà-bà:

- Lành thay! Hay thay! Ông đã quả quyết tự biện minh được vấn đề. Người muốn tự biện minh phải nói lên được như vậy.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nên trao cho Ðà-bà Ức niệm Tỳ-ni 14, không nên nêu tội, phải bạch tứ Yết-ma trao cho Di-đa-la pháp Tự ngôn, đuổi ra khỏi Tăng chúng. Thi hành lời dạy này, trước Tăng, một Tỳ-kheo dõng dạc đọc lên Yết-ma sau đây để lấy biểu quyết tẫn xuất cô ni: “Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo ni Di-đa-la đã tự nói lời vu khống: Ðà-bà làm ô nhiễm cô ta. Nay Tăng trao cho Tỳ-kheo ni này pháp Tự ngôn diệt tẫn. Nếu bây giờ, việc này là thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận thì lời thưa này là lời đề nghị trước Tăng”.

Pháp Yết-ma: “Ðại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo ni Di-đa-la tự nói lời vu khống: Ðà-bà làm ô nhiễm cô ta. Nay Tăng trao cho Di-đa-la pháp Tự ngôn diệt tẫn. Các Trưởng lão nào chấp thuận thì im lặng, nếu không đồng ý thì xin cho ý kiến (Lời này được đọc lại lần thứ hai, lần thứ ba).

Tăng chung quyết: “Tăng đã đồng ý trao cho Tỳ-kheo ni Di-đa-la pháp Tự ngôn diệt tẫn rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Vậy Yết-ma thành, việc thi hành phải nghiêm túc thực hiện”.

Tỳ-kheo ni Di-đa-la sau khi bị diệt tẫn, lang thang lê bước giữa nhân gian đa sự này. Còn về phía hai người anh Từ và Ðịa thì vẫn ngoan cố đỗ trách sự việc ấy xảy ra là do Ðà-bà Lực Sĩ Tử phá hoại phạm hạnh em gái của hai ông ta. Trước giọng điệu phỉ báng này, các Tỳ-kheo bạch Phật. Ðức Phật nhân đó cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

- Các thầy phải phối kiểm lại, hỏi Từ và Ðịa: “Các ông nói Ðà-bà phá hoại phạm hạnh của em gái các ông là thật hay là hư cấu, đặt điều?

Các Tỳ-kheo làm theo lời chỉ giáo, hỏi thẳng Từ và Ðiïa vấn đề. Từ, Ðịa trả lời:

- Ðiều tôi nói là sự thật.

Tăng lại hỏi:

- Ông thấy khi nào? Thấy chỗ nào? Thấy trong trường hợp nào?

Từ, Ðiïa trả lời:

- Tôi thấy chỗ đó, tôi thấy khi đó, tôi thấy như vậy?

Tăng liền hỏi Ðà-bà:

- Khi ấy thấy ở chỗ nào?

Ðà-baø liền đáp:

- Lúc ấy tôi ở chỗ kia.

Tăng lại dồn dập hỏi Từ, Ðiïa:

- Ðịa điểm không tương ứng, thời gian không tương ứng. Tại sao ông nói là chỗ đó, lúc đó, thấy như vậy?

Tăng lại đem lời thức tỉnh Từ, Ðiïa:

- Nếu đối trước một Tỳ-kheo có lòng tin kiên cố mà nói láo, thì tội nặng như giết hại vô số chúng sanh. Còn nếu đối trước một vị mà chánh pháp của vị này rất kiên cố, đem lời nói láo với vị này, thì tội nặng gấp trăm lần hơn đối với vị có lòng tin kiên cố. Như vậy, đối với trước Tăng mà cứ lần lữa nói dối, thì tội này của ông nặng gấp trăm lần vị A-la-hán bị giết. Tăng lại vặn hỏi Từ, Ðịa:

- Nay Tăng quy tụ về hội họp, không tùy thuộc yêu ghét, giận hờn, si mê, sợ hãi, thì điều này ông bảo là sự thật hay là hư dối?

Từ, Ðịa nói:

- Ðà-bà làm theo yêu ghét, giận hờn, si mê, sợ hãi nên tôi phải nói Ðà-bà như vậy.

Các Tỳ-kheo bằng lời lẽ nghiêm khắc quở trách, rồi cùng đưa Từ, Ðiïa đến chỗ đức Phật, trình bày lên Ngài sự việc đã làm rõ.

Trước toàn thể Tăng, Từ Ðiïa thú nhận tội lỗi của mình. Ðức Phật lại quở trách:

- Hai ông là kẻ ngu si! Tại sao lại dùng sự việc không căn cứ thuộc Ba-la-di để hủy báng Tỳ-kheo phạm hạnh thanh tịnh? Các ông há không nghe về ba hạng người đọa vào địa ngục sao? Ðó là:

- Một là người phạm giới, không có pháp Sa-môn mà tự nhận là mình có, không tu phạm hạnh mà tự nói mình tu. Với hạng người này là loại giặc trong Phật pháp.

- Hai là hạng người hành động như vậy, thấy như vậy, lại bảo rằng dâm dục không phải là điều xấu, rồi làm việc phóng dật.

- Ba là hạng người dùng vô căn cứ Ba-la-di hủy báng vị Tỳ-kheo thanh tịnh, phạm hạnh.

Ba hạng này người chắc chắn đọa vào địa ngục. Tại sao, nay ông lại làm việc ác này?!

Sau khi quở trách và vì 10 điều lợi15 cho Tăng chúng, đức Phật kiết giới nghiêm cấm việc này.

 

BIẾN CHỨNG

Chuyện này xảy ra lúc đức Phật lưu trú tại thành Vương-xá.

Tỳ-kheo Ðà-bà là bậc thần thông có oai đức lớn nên nhiều người đến thăm viếng, nghe pháp là chuyện bình thường. Trong số người này, có Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà. Ngày ấy trong cùng một trú xứ, cô ni ngồi nghe pháp. Ðôi ba phen Từ, Ðiïa nhìn thấy chuyện này và rồi lòng sẵn ôm hận, Từ, Ðiïa tìm cách xuyên tạc phỉ báng16...

Bữa nọ, từ trên núi Kỳ-xà-quật17 đi xuống, nhìn thấy hình ảnh hai con khỉ đang làm trò khỉ, Từ, Ðịa đắc ý, gán ghép ngay cho Ðà-bà là con khỉ đực và Thâu-la-nan-đà là con khỉ cái. Hình ảnh này đã ghim chặt vào lòng hai ông, biến nó trở thành sự thật, họ nói với các Tỳ-kheo Trưởng lão rằng: “Trước đây chúng tôi vận dụng pháp thiếu cơ sở để hủy báng Ðà-bà, nay thì không như thế, chính chúng tôi nhìn thấy Ðà-bà cùng với cô ni Thâu-la-nan-đà làm hạnh bất tịnh”.

Các Tỳ-kheo đem vấn đề này bạch lên đức Phật. Ðức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng để kiểm vấn. Trước Tăng, Từ, Ðiïa thẳng thắn nhìn nhận như vầy: “Thật sự chúng tôi không thấy Ðà-bà làm chuyện bất tịnh nhưng lại Thấy Thâu-la-nan-đà thường lui tới chỗ Ðà-bà, vì muốn phỉ báng cho hả giận nên mượn hình ảnh hai con khỉ giao hợp mà chúng tôi thấy trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống và liên hệ gán ghép cho con khỉ đực là Ðà-bà, con khỉ cái là Thâu-la-nan-đà rồi biến gà ra cuốc mà qui kết rằng: Chính chúng tôi thấy hai người làm hạnh bất tịnh, mà thôi”.

Từ hội đồng Tăng cho đến đức Phật, Từ và Ðịa bị sự quở trách nặng nề. Sau cùng, đức Phật đã răn cấm như vầy:

“Tỳ-kheo nào, tự thân không như pháp mà vì giận dữ, ác ý, mượn một sự kiện tách biệt, dùng lấy một khía cạnh nhỏ hay một khía cạnh tương tự của vấn đề rồi qui kết Ba la di để phỉ báng Tỳ-kheo không phạm Ba-la-di, nhằm phá hoại phạm hạnh của vị kia. Thời gian sau, Tỳ-kheo này, hoặc có người chất vấn, hoặc không có người chất vấn, tự thú rằng: Việc này vì tôi giận hờn nên mượn lấy một sự kiện méo mó để liên hệ qui kết, nhằm phỉ báng kẻ khác thì phạm Tăng-già-bà-thi-sa”.

 

KHOÁI THAY ! KHOÁI THAY !

Có một thời gian đức Phật ở trong rừng A-nậu, thuộc ấp Di-na18. Ở đây, các quí tộc thuộc giòng họ Thích, nhiều người đến với đức Phật xuất gia học đạo. Không bỏ lỡ cơ hội, Thích Ma-nam19, nói với A-na-luật20:

- Nay các quý tộc đều xuất gia tu phạm hạnh, tại sao riêng anh em chúng ta không thực hiện việc này? Nếu ta xuất gia thì em coi ngó việc nhà, còn nếu em xuất gia thì ta ở nhà lo liệu.

A-na-luật nói:

- Anh cứ đi xuất gia, em sẽ lo liệu việc nhà.

Thích Ma-nam nói:

- Trước đây việc nhà có anh lo, em chỉ thụ hưởng sung sướng, đâu có biết gian lao cực khổ là gì. Tuy nhiên, xuất gia hành đạo, điều cực khổ đâu phải là kém. Nay em ở nhà thì anh phải chỉ vẽ em phương pháp quản lý gia nghiệp. Hãy nghe anh nói cách quán xuyến công việc: Ban ngày phải thích ứng với công việc ra sao? Ban đêm phải đặt kế hoạch thế nào cho khớp? Phương pháp làm ruộng, mua bán, điều hành kẻ ăn người ở, tất yếu phải khôn khéo dùng lời tác động, theo dõi.

A-na-luật nghe thế nói rằng:

- Nếu quản lý gia nghiệp mà phải như vậy mới đạt kết quả, thì một ngày em cũng không thể quản lý nổi! Thôi thì anh ở nhà, em đi xuất gia vậy.

Thích Ma-nam nói:

- Pháp của chư Phật Thế Tôn, cha mẹ không cho phép thì không được tu đạo, nay em muốn xuất gia thì phải đến xin phép mẹ, tự em nói lên ý nguyện này.

Nghe theo lời anh, trước mẹ, A-na-luật giải bày lời xin:

- Thưa mẹ, con mộ Phật pháp nên muốn xuất gia học đạo.

Bà mẹ trả lời:

- Mẹ chỉ có hai anh em con, tình mẹ yêu thương hai con quá sâu đậm, làm sao mẹ, con có thể sống xa lìa nhau được! Nhà mình rất giàu có, thích hợp với việc tu công đức con cứ thực hiện việc này, con xuất gia là làm đau lòng mẹ!

Tưởng thuyết phục được con mình, không ngờ A-na-luật vẫn sắt đá với việc xuất gia. Lần thứ ba, A-na-luật xin phép, bà mẹ đặt vấn đề với con như một điều tiên quyết, bà mẹ bảo như vầy:

- Nếu Vua Bạt-đề21 xuất gia thì mẹ cũng đồng ý để con xuất gia.

Ðã từ lâu Vua Bạt-đề cùng A-na-luật, Nan-đề, Ðiều-đạt, Bà-bà, Kim-bệ-lô.v..v... rất nặng tình thương mến nhau, nên có việc gì thì cũng đều chung thề không làm trái ý nhau.

Với ý của mẹ như thế, A-na-luật đến ngay Vua Bạt-đề, ngõ lời như vầy:

- Nay tôi có chút ý nguyện, mà ý nguyện này lại gắn liền với lời thề của vua. Chúng ta đã long trọng thề rằng: Không làm trái ý nhau, nếu làm trái ý nhau đầu bị vỡ thành bảy mảnh. Vì thế, nay lời nguyện của vua ắt phải gắn liền với lời thề ấy.

A-na-luật liền đem ý kiến của mẹ mình trình bày lên Vua Bạt-đề.

Nhà vua nghe rồi, bảo rằng:

- Ý nguyện này của khanh, ta chưa có thể thực hiện ngay được. Tại sao vậy? Vì ta nguyện làm vua, cái quả này ta mới bắt đầu. Thân tộc ta giàu sang, chẳng có gì để lo lắng cả, làm sao có thể bỏ ngay nếp sống này để xuất gia học đạo?!

A-na-luật nói:

- Nếu vua xuất gia thì nguyện tôi mới toại, tham đắm sự phồn vinh thì tôi phải trầm luân lâu dài. Xin vua suy nghĩ kỹ, đừng để trái với lời thề trước kia!

Vua Bạt-đề nói:

- Tôi sẽ làm theo ý nguyện của bạn nhưng để cho tôi sau 7 năm, tôi sẽ cùng bạn xuất gia học đạo.

A-na-luật nói:

- Sau 7 năm chắc gì đức Phật còn tại thế?! Hơn nữa, mạng sống của tôi khó có thể bảo đảm được đến ngày ấy. Tại sao nay Vua lại nêu ra kỳ hẹn này?

Vua Bạt-đề nói:

- Bảy năm, nếu có lâu thì 6 năm không được sao?

A-na-luật cũng trả lời như trên. Vua lại hẹn 5 năm rồi 4, 3, 2 năm, đến còn một năm, rồi lại hẹn từ bảy tháng đến còn một tháng, từ 7 ngày đến còn một ngày... đều không được A-na-luật chấp nhận.

Nhà vua nói:

- Chúng ta là bậc vương giả, đâu có thể đột ngột ra đi như vậy. Chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, xa giá hết sức nghiêm chỉnh, mượn con đường du hành để thực hiện chí nguyện xuất gia. Bây giờ bạn có thể nói rõ ý định này với A-nan-đà.v..v...

A-na-luật liền thông tin cho 5 người bạn còn lại. Năm người này rất hân hoan, tâm đầu ý hợp.

Ngay trong đêm ấy, đội quân tinh nhuệ nhanh chóng hoàn tất nghiêm chỉnh một chuyến đi. Một thế gian cực kỳ lộng lẫy, oai nghiêm vào lúc trời vừa sáng. Vua, tôi ra khỏi thành, con đường du hành của nhà vua đang bước sang một ngã rẻ khác, một sự giải thoát đột biến đến kỳ lạ...

Cuối cuộc du hành thưởng lãm, Ưu-ba-ly - người thợ cạo tóc - được mật báo... Bảy hoàng thân quốc thích kín đáo rời khỏi đoàn tùy tùng, rồi mất hút trong rừng sâu, họ ẩn mình trong sự tịch vắng. Những trang phục quí giá trên mình họ, bây giờ là cái giá để cho người thợ cạo Ưu-ba-ly cạo tóc cho họ. Họ cải đổi y phục rồi nhanh chóng lên đường xuất gia...

Bảy người đi chưa bao lâu, Ưu-ba-ly giật mình nghĩ ngợi: “Các hào tộc họ Thích cường bạo, nếu biết ta cạo đầu cho bảy người này, chắc họ sẽ giết ta. Hơn nữa, các quý tộc này còn bỏ nhà xuất gia, nay ta tại sao không bỏ đồ nghề hớt tóc và các y phục quí giá này để xuất gia?”

Không do dự, Ưu-ba-ly tự cạo đầu, rồi đem các y phục quí báu kia treo lên gốc cây, với ý nghĩ: ai cần thì lấy sử dụng. Ưu-ba-ly đi thật nhanh như muốn chạy, và không bao lâu đuổi kịp 7 người, Ưu-ba-ly nói:

- Nay tôi cũng muốn theo quý vị xuất gia.

Bây giờ, 8 con người bình đẳng nhau trong sự giải thoát. Họ tiến nhanh về khu rừng A-nậu, nơi đây đức Phật đang chờ đón họ.

Trước Thế Tôn, tám người đầu mặt đảnh lễ sát chân Ngài, họ thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, nay chúng con muốn xuất gia tịnh tu phạm hạnh. Riêng đối với Ưu-ba-ly là người nô bộc của chúng con, xin Ngài độ cho ông ta thọ Cụ túc giới trước, sau đó mới độ chúng con. Ðiều này cần phải như thế để cho chúng con và các Thích chủng phá tâm kiêu mạn đối với Ưu-ba-ly.

Ðức Phật liền độ Ưu-ba-ly, sau đó mới độ 7 người.

Ngay sau lúc độ này, đức Phật có suy nghĩ:: “Ca-duy-la-vệ22 cách đây không xa, các người dòng họ Thích biết được có thể gây trở ngại. Ðức Phật cùng đưa 8 người đến thành Bạt-đề-la23. Nơi đây, dưới tàng cây Võng Lâm, đức Phật đã vì họ nói diệu pháp, bao gồm những vấn đề: Nhãn vô thường, Sắc vô thường, Nhãn thức, Nhãn xúc, Nhãn xúc nhân duyên sanh thọ vô thường. Cho đến Ý vô thường, Pháp vô thường, Ý thức, Ýù xúc, Ý xúc nhân duyên sanh thọ vô thường. Các người là Thánh đệ tử nên phải thực hiện quán sát như vậy, sanh tâm yểm ly, sở đắc trí tuệ giải thoát, chỗ phải làm đã làm xong, phạm hạnh đã lập, không thọ thân sau...

Sau khi nghe pháp, có 6 người đoạn hết lậu hoặc, đắc A-la-hán. A-nan vì hầu Phật nên các lậu hoặc không đoạn hết. Ðiều-đạt, người duy nhất không thu hoạch được điều gì.

Tỳ-kheo Bạt-đề sau khi đắc quả A-la-hán, tâm vua trong sạch không còn sự lo sợ nào. Hoặc tọa thiền hay kinh hành, dưới tàng cây hay nơi hoang vắng, tự thân liền được sự vui sướng, thanh thản, vua đã thốt lên lời:

- Khoái thay! Khoái thay!

Âm thanh này, một Tỳ-kheo khác nghe được, lại có tác ý, nghĩ rằng: “Chắc Tỳ-kheo Bạt-đề nhớ đến niềm vui thế tục mà không vui với phạm hạnh nữa!”. Ngay sau đó, vị ấy đến bạch Phật:

- Con đã hướng đến Bạt-đề và nghe vị này nói: “Khoái thay! Khoái thay!”. Chắc ông ta nhớ lại niềm vui khi còn làm vua, không thích sống phạm hạnh nữa!

Ðức Phật bảo Tỳ-kheo ấy gọi Tỳ-kheo Bạt-đề đến. Trước Phật, Tỳ-kheo Bạt-đề đầu, mặt kính lễ sát chân Ngài rồi đứng qua một bên.

Ðức Phật hỏi Bạt-đề:

- Sự thật ông có nói “Khoái thay” hay không?

- Bạch đức Thế Tôn, thật sự con có thốt lên “Khoái thay”. - Bạt-đề thưa.

- Ông nói “Khoái thay” với ý nghĩa như thế nào? - Ðức Phật hỏi.

- Thưa Thế Tôn, lúc trước sống trong cung vua là sống trong bảy lớp thành vây bọc, bảy hàng voi, bảy hàng ngựa, bảy hàng xe, bảy hàng bộ binh, bốn binh chủng bao quanh. Ấy vậy, khi nghe một âm thanh khác lạ thì lòng kinh sợ, lông tóc dựng ngược lên. Nay ở dưới tàng cây, nơi đất trống mà thản nhiên không một chút lo sợ, cho nên con đã phải nói lớn “Khoái thay” là vậy!

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Bạt-đề đã đắc A-la-hán mà không vui với nếp sống phạm hạnh là điều không có cơ sở. Từ Bạt-đề, một thực tại của vấn đề lúc bấy giờ mà nhân đó đức Phật nói kệ:

 Khoái thay! A-la-hán

Không còn ân ái buộc

Phá được dục, nhuế, si

Xóa đi lưới kiết sử

Niết bàn đây nơi đến

Nào còn tâm uế trược

Nào nhiễm đắm thế gian

Giải thoát mọi nhiễm ô

Năm uẩn tường tận rõ

Bảy rừng pháp hành du

Chỗ đi con rồng lớn

Chế phục mọi khủng nguy

Thành tựu mười Chủng đức

Vua đức Tam muội thiền

Mọi hủ lậu đã sạch

Là đệ nhất thế gian

Bất động không sợ hãi

Không nhận lại thân sau

Tịch diệt đều dứt sạch

Khổ, lạc báo hằng không

Vững vàng trí vô học

Thân này, thân sau cùng

Phạm hạnh kiên cố lập

Ðâu điều không thể tin

Khắp cả thế gian này

Còn đâu các dục lạc

Vang lừng sư tử rống

Nào ai hơn đức Phật.

ÐIỀU-ÐẠT PHÁ HÒA HỢP TĂNG

Nhận lời mời của Long vương, đức Thế Tôn cùng các Ðại đức Thanh-văn đến A-nậu-đạt24. Ðiều-đạt chưa sở đắc thần thông nên không thể đi cùng. Ðiều này đã làm cho Ðiều-đạt xấu hổ vô cùng, do vậy, nảy sanh ý nghĩ: “Nay ta cần phải tìm học pháp tu thần thông”. Trước hết, Ðiều-đạt đến bạch Phật:

- Cúi xin Phật hãy vì con dạy cho pháp tu thần thông.

Ðức Phật hướng dẫn. Ðiều-đạt thọ giáo và trong thời gian an cư, Ðiều-đạt đắc thần thông.

Sau khi đắc thần thông, Ðiều-đạt nghĩ ngay đến việc khuếch trương thanh thế. Vấn đề giáo hóa được đặt ra, và ai là người cần giáo hóa trước? Ðiều-đạt nghĩ ngay đến Thái tử Chúng Lạc25, con vua Bình-sa. Ðối tượng đã được xác định, lập tức Ðiều-Ðạt-mất dạng khỏi Võng Lâm...

Trên giường của Thái tử, Ðiều-đạt hiện thành một đứa trẻ nít nằm ngữa, mút ngón tay. Thái tử thấy thế vô cùng hoảng sợ, hỏi:

- Mi là trời hay là quỉ thần?

Ðứa trẻ trả lời:

- Tôi là Ðiều-đạt, đừng nên sợ chi cả!

- Nếu là Ðiều-đạt thì nên hiện nguyên hình trở lại. - Thái tử bảo thế.

Ðứa bé liền biến thành Ðiều-đạt, đầy đủ oai nghi như cũ. Thái tử hoan hỷ trước sự biến hóa của thầy mình. Tâm niệm kính phục càng lên cao, hằng ngày Thái tử đích thân đến thăm hỏi, theo liền sau là 500 chiếc xe. Ðiều-đạt lại hóa 500 đứa trẻ nằm ngữa, mút ngón tay trên mỗi chiếc xe. Thái tử lại dùng 500 chiếc xe chở từng loại thức ăn sang trọng, ngon lành đến cúng dường...

Bấy giờ, người các nước không ai là không đồn ầm lên rằng: “Ðiều-đạt có đại thần lực nên mới biến hóa được như vậy. Vì thế khiến Thái tử Chúng Lạc ngày nào cũng đến thăm hỏi, cúng dường quá nhiều các loại thức ăn ngon bổ cho Ðiều-đạt”.

Về phía Ðiều-đạt đã không tự lượng sức mình, nên cứ làm theo ý muốn chiêu dụ, bảo bọc, nuôi dưỡng đồ chúng. Thanh thế lên như diều gặp gió.

Vào thời gian ấy, đức Phật rời Võng Lâm đi vào nhân gian hành du hóa độ. Ngài đến nước Câu-xá-di, trú ngụ trong vườn Cù-sư-la26. Riêng Mục-liên đi theo Phật đã an trú ở một nơi hoang vắng tịch mịch.

Tại nước này, trước đây có Kiều-trần-như Tử, tên là Kha-hưu27, tịnh tu phạm hạnh, đắc quả A-na-hàm, sau sanh lên cõi trời Phạm Thiên28. Nửa đêm vắng lặng, vị này từ cõi trời xuống, phóng ra ánh sáng rực rỡ, đến chỗ Mục-liên, đầu mặt kính lễ sát chân rồi có lời thưa báo với Mục-liên như sau:

- Nay Ðiều-đạt giáo hóa Thái tử Chúng Lạc, hiện các thần thông biến hóa. Tuy vậy, trong thâm tâm Ðiều-đạt có điều lo sợ nên quyết định thu nhận, nuôi dạy đồ chúng với ý đồ phá hòa hiệp Tăng.

Vừa dứt lời thưa, Kha-hưu nhanh như chớp biến mất.

Trời vừa sáng, Mục-liên y phục chỉnh tề, đến thẳng chỗ đức Phật, trình bày lên Ngài cặn kẽ hành động của Ðiều-Ðạt-mà Kha-hưu đã thưa báo.

Ðức Phật hỏi Mục-liên:

- Ý ông thế nào? Có nên xem xét lời của Kha-hưu thưa báo hay không?

- Ý con là nên như vậy. - Mục-liên thưa.

- Không nên nói lời ấy, tại sao vậy? Vì khắp thế gian này, Ta không thấy Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm nào có thể thống lãnh đồ chúng của Phật.

Ðức Phật lại bảo Mục-liên:

- Ở đời có 5 hạng thầy, hiện nay đều có đủ, đó là:

1. Giới không thanh tịnh, tự nói thanh tịnh. Các đệ tử của họ đều biết rõ sự thật này nhưng che giấu tội lỗi của thầy để mong cầu lợi dưỡng.

 2. Tà mạng, siễm khúc, tự nói mình chánh trực. Các đệ tử cũng che giấu điều đó.

3. Nói điều bất thiện, lại tự cho là lời nói thiện, nên các đệ tử vui mừng cho là thiện.

 4. Hiểu biết không thanh tịnh, tự nói là thanh tịnh, cho nên các đệ tử hết lời ca tụng rằng sự hiểu biết ấy là trong sạch.

 5. Nói lời không phải pháp luật, lại nói là pháp luật, nên các đệ tử cũng hùa theo nói là đúng pháp, vì thế đã không thể thuyết phục được kẻ trí chấp nhận tin theo.

Này Mục-liên! Giới của Như Lai thanh tịnh, không siễm khúc, đâu nói lời bất thiện, chỗ thấy, chỗ hiểu biết thanh tịnh, điều nói ra như pháp, kẻ trí chấp nhận tin theo, không cần đệ tử hùa theo che giấu và khen ngợi.

Cũng trong thời gian ấy, nguồn thông tin khác đến từ thành Vương-xá, đó là các Tỳ-kheo sau an cư về thăm Thế Tôn. Các thầy bạch lên Phật sự việc Ðiều-đạt giống như Kha-hưu đã thưa báo với Mục-kiền-liên. Ðức Phật dạy:

- Này Tỳ-kheo! Ðừøng ham muốn theo kiểu Ðiều-đạt làm các biến hóa đó..., đến cả lợi lộc cúng dường. Sự cung kính cúng dường ấy nếu có, nó càng làm tăng gánh nặng tối tăm, thống khổ mà thôi! Cũng như con chó dữ, dùng gậy đánh nó thì chỉ càng làm cho nó hung dữ hơn lên. Ðiều-đạt cũng như vậy, nhận được nhiều phẩm vật cúng dường thì phiền não càng nhanh chóng gia tăng. Ðức Phật vì muốn làm rõ ý nghĩa này nên lập lại vấn đề bằng lời kệ cô đọng như sau:

Người ngu, ác họ tăng

Ác sanh từ lợi dưỡng

Người si đoạn pháp lành

Như đầu lìa khỏi thân

Không tu hạnh thanh tịnh

Lại muốn chiêu dụ Tăng

Muốn ngồi trên mọi người

Vọng cầu mọi quy kính

Có người cầu lợi dưỡng

Có người cầu Niết bàn

Lợi dưỡng hại pháp lành

Tịch diệt trừ xan tham.

Ðức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

- Cây chuối, cây trúc, cây lau do kết trái mà chết. Con Cự Hư 29 mang thai cũng bỏ mạng. Nay Ðiều-đạt tham cầu lợi dưỡng cũng lại như vậy.

Ðức Phật lại đúc kết nhấn mạnh vấn đề này bằng lời kệ:

Do buồng, cây chuối chết

Do trái trúc, lau diệt

Cự Hư chết vì thai

Kẻ sĩ mất vì tham.

Tiếp tục du hóa, đức Phật rời nước Câu-xá-di du hành trên quảng đường dài về thành Vương-xá. Nơi đây, Ngài trú ngụ trong núi Kỳ-xà-quật. Ngài được các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Quốc vương, Ðại thần, Sa-môn, Bà-la-môn, Phạm chí, Cư sĩ, cung kính, tôn trọng, tán thán và cúng dường thức ăn, y phục, đồ nằm, thuốc men... Giữa bao lợi dưỡng này, Ngài như hoa sen không hề đắm trước. Lúc bấy giờ, giữa một rừng người đủ mọi giai cấp vây quanh lắng nghe Phật thuyết pháp. Chộp lấy cơ hội, Ðiều-đạt từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, để trống vai bên phải, đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi quỳ gối, chấp tay bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cúi xin Ngài hãy sống trong sự an lạc, mà hôm nay cho phép con được lãnh đạo, xử lý việc chúng Tăng.

Ðức Phật nói với Ðiều-đạt:

- Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên còn chưa thể thống lãnh đồ chúng của Ta, huống chi ông là kẻ ngu si, chẳng khác nào loại đờm dãi.

 Bị quở trách như vậy, Ðiều-đạt lòng đầy phẩn hận, lại nghĩ suy: “Tại sao đức Thế Tôn đối trước đại chúng lại nhục mạ ta thậm tệ như thế!” Khởi ác tâm nhằm vào đức Phật nên Ðiều-đạt bắt đầu tổn giảm thần túc. Ðiều-đạt lại nghĩ rằng: “Ðức Phật khen ngợi Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên mà nhục mạ ta”. Lần nữa, Ðiều-đạt sanh ác tâm đối với Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, nên thần túc của Ðiều-đạt lại bị tổn giảm lần thứ hai. Ðiều-đạt trở về nơi cư ngụ của mình. Ðiều-đạt lại thuyết pháp, vây quanh nghe, có quốc vương và đông đảo quần chúng. Có một Tỳ-kheo tham dự buổi thuyết pháp này, đến bạch lên Phật những điều mắt thấy tai nghe. Ðức Phật bảo:

- Này Tỳ-kheo! Ðiều-đạt không những đời này có được đại chúng, mà đời quá khứ đã từng có được số đông Tỳ-kheo vây quanh. Ðời quá khứ xa xăm ấy, có một Ma-nạp30 ở trong hang núi, tụng sách Sát-lợi31. Một con cáo rừng ở cạnh đó, chuyên chú nghe tụng sách này nên trong tâm có được điều tỏ ngộ. Qua sự tỏ ngộ cáo rừng nói lên: “Như chỗ ta hiểu lời văn trong sách này thì đủ để làm vua trong các loài thú”. Với ý niệm ấy, cáo rừng liền lên đường. Trên đường du hành, gặp một con cáo rừng khác gầy yếu, nó muốn giết đi. Con cáo kia nói:

- Tại sao muốn giết tôi?!

- Ta là vua loài thú, ngươi không thần phục ta thì bị giết ngay. - Cáo rừng kia nói thế.

- Xin ông đừng giết tôi, tôi xin làm kẻ tùy tùng ông.  - Con cáo gầy yếu van xin.

Thế là hai con cáo lại tiếp tục lên đường. Lại gặp một con cáo khác và sự việc xảy ra giống như con cáo yếu đuối trước đây. Cả ba lại lên đường. Cứ như thế, suốt con đường vua cáo rừng đi qua, nó hàng phục được tất cả loài cáo. Sau đó, sử dụng bầy cáo của mình để hàng phục loài voi. Lại dùng loài voi hàng phục tất cả họ hàng nhà cọp. Lại dùng loài cọp hàng phục tất cả sư tử. Con cáo kia lâm thời làm vua trong các loài thú. Ðã được ngôi vua rồi lại nảy sanh ý nghĩ: “Nay ta đã là vua trong loài thú thì không nên lấy loài thú làm vợ”. Nó nghĩ ngay đến con gái vua thành Ca-di32. Nó phải hàng phục vua để được công chúa.

Ngồi trên lưng con voi chúa trắng, cáo ra lệnh xuất binh, các binh chủng thú đồng loạt vây hãm thành Ca-di đến ngàn vòng.

Nhà vua đứng trước sự uy hiếp kinh hoàng này liền sai sứ đến hỏi:

- Các ngươi là loài thú, tại sao lại hành động như vậy?

Cáo rừng vua liền trả lời:

- Ta là vua các loài thú, nên cần cưới con gái nhà vua. Nếu ông thuận ý ta thì mọi sự tốt đẹp, bằng không ta sẽ tiêu diệt nước ông.

Sứ thần về báo cáo với vua sự việc nguy kịch nạn như thế. Nhà vua liền triệu tập quần thần để nghị bàn, cùng tìm ra một giải pháp. Ý kiến gả công chúa cho vua cáo chiếm đại đa số. Với lý giải hèn kém như vầy: “Bởi lẽ, quốc gia chỉ dựa vào sức mạnh của voi, ngựa. Ta có đủ voi, ngựa mạnh, nhưng sức mạnh này sẽ bị đè bẹp bởi sức mạnh sư tử của đối phương. Voi, ngựa chỉ cần nghe rống khí của sư tử là run rẩy, bò mọp. Do vậy, cuộc chiến không thắng được, đất nước sẽ bị loài thú tiêu diệt. Sao lại tiếc một công chúa, không chịu gả để cho nước nhà bị tiêu vong?!”

Ðứng trước lập luận này, độc nhất có một vị thần phản đối. Vị thần thông minh, mưu lược này tâu với vua rằng:

- Xưa nay, thần chưa hề nghe thấy có mọât con gái của nhà vua nào đem gả cho loài thú thấp hèn cả. Thần tuy yếu đuối, nhưng thần xin quyết giết cho kỳ được con cáo chủ soái kia, như thế là phá tan được hàng hàng, lớp lớp thú đang vây hãm thành Ca-di.

Nhà vua hỏi:

- Mưu kế ra sao, khanh đề xuất cho trẫm rõ?

- Nhà vua sai sứ hẹn chúng ngày đánh nhau, và trước khi giao chiến yêu cầu vua thú chấp nhận một điều, là ra lệnh sư tử đánh trước rồi mới rống sau. Chúng nó tưởng ta sợ nên nhất định ra lệnh cho sư tử rống trước đánh sau. Và đến ngày ấy nhà vua sắc lệnh cho quân ta nhét kín lỗ tai lại. - Vị đại thần ấy kiến nghị như vậy.

Nhà vua chấp nhận ý này, và cho thi hành ngay mưu kế thông minh của vị đại thần kia.

Ðến ngày hẹn đánh nhau, quân hai bên giàn trận. Vua cáo ngồi trên bạch tượng thật oai phong, lẫm liệt. Ðến giờ, vua cáo ranh mảnh ban lệnh: “ Lệnh cho toàn bộ sư tử rống lên trước rồi mới giao chiến”. Tiếng rống sư tử rống lên như sét đánh giữa trời. Nghe tiếng rống ấy, con cáo rừng “vĩ đại” kia tim vỡ làm 7 mảnh, ngã nhào từ lưng voi xuống đất, chết không kịp ngáp. Và cũng tiếng rống của “binh lính” sư tử làm cho các loài thú khác khiếp cả hồn vía, nhanh chóng tán loạn, bôn tẩu.

Nhân việc này, đức Phật nói kệ:

Cáo đồng lắm kiêu mạn

Muốn tìm cầu vây cánh

Kéo đến thành Ca-di

Tự xưng là vua thú.

Người kiêu mạn cũng vậy

Muốn thống lãnh đồ chúng

Nên tại Ma-kiệt-đà

Tự xưng là Pháp chủ.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Vua Ca-di thuở ấy, nay chính là Ta. Vị đại thần thông mẫn ấy, nay chính là Xá-lợi-phất. Vua cáo rừng kia là Ðiều-đạt hiện nay.

Này các Tỳ-kheo! Xưa kia Ðiều-đạt dối trá để được thuộc hạ, vây cánh, thì nay cũng chẳng khác nào.

Này Xá-lợi-phất! Ông nên đến trong chúng của Ðiều-đạt công bố lời này: “Ai chấp nhận 5 pháp của Ðiều-đạt thì người ấy sẽ không thấy Phật, Pháp, Tăng”.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

- Xưa kia, con đã từng khen ngợi Ðiều-đạt, làm sao nay con lại chê bai được?

Ðức Phật lại hỏi:

-Trước kia ông khen ngợi là đúng sự thật hay không?

- Thưa Ngài là đúng sự thật. - Xá-lợi-phất đáp.

- Nay, Ðiều-đạt là người đáng chê, ông chê cũng là đúng sự thật. - Phật dạy Xá-lợi-phất.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nay, nên bạch nhị Yết-ma, sai Xá-lợi-phất đến trong chúng của Ðiều-đạt tuyên bố lời chê trách này.

Tăng thi hành lời Phật dạy và Xá-lợi-phất thi hành đúng Yết-ma Tăng sai. Giữa chúng của Ðiều-đạt, Xá-lợi-phất dõng dạc tuyên bố:

- Nếu vị nào chấp nhận 5 pháp của Ðiều-đạt thì sẽ không thấy Phật, Pháp, Tăng.

Nghe Yết-ma này, hội chúng của Ðiều-đạt phản ứng ngay, họ nói lớn:

- Sa-môn Thích tử lại ganh ghét với nhau, thấy Ðiều-đạt nhận được nhiều phẩm vật cúng dường nên ganh ghét nói như vậy mà thôi!

Tuy nhiên, vua Bình-sa cũng ở trong hội chúng này, lại tuyên lệnh rằng: Ðừng nên nói lời ấy. Tại sao vậy? Bởi lẽ chúng đệ tử Phật thanh tịnh, không hề có sự ganh ghét như thế.

Ðể cắt ngang việc này, Ðiều-đạt hỏi trong chúng rằng:

- Ai muốn thấy hoa Mạn-đà-la33 trên cõi trời?

Cả chúng hội đồng thanh:

- Muốn thấy!.

Trước hội chúng, Ðiều-đạt biến mất dạng... Bên hồ A-nậu-đạt trên trời, trong ý niệm ham thích bẻ lấy hoa Mạn-đà-la, Ðiều-đạt liền mất sạch thần túc.

Trở về lại vị trí cũ, không một cành hoa, lại mất luôn thần túc, Ðiều-đạt sanh ác tâm muốn hại đức Phật, và ý đồ này được dàn trải trên một diện rộng.

Ðiều-đạt đặt vấn đề với Thái tử Chúng Lạc:

- Nay phụ vương của Ðiện hạ là vua Bình-sa cai trị bằng chánh pháp, theo chỗ tôi hiểu thì triều đại của vua cha khó suy tàn. Mạng người vô thường, khó bảo đảm được hơi thở sau. Tại sao cái vương vị này lại kéo dài thời gian để Ðiện hạ phải chờ đợi lâu như vậy? Ðiện hạ thể mưu đồ sớm chiếm lấy ngôi vua mà nắm lấy bốn biển. Phần tôi, tôi sẽ hại Phật, thay thế ngôi Pháp vương. Trong nước Ma-kiệt-đà này, sẽ có vua mới, Phật mới, chúng ta đủ cơ hội để cùng nhau hoằng hóa đạo, đời. Há đây không là điều tốt sao?

Thái tử trả lời:

- Công ơn cha mẹ lớn hơn trời đất. Công ơn nuôi dưỡng trời bể ấy tôi muốn báo đền nhưng chưa đền đáp được, tại sao nay thầy lại chỉ lối cho tôi làm điều nghịch ác như vậy?!

Ðiều-đạt nghe thế mà lòng vẫn không biết xấu hổ, lại cứ dùng lời điêu ngoa, xảo quyệt để khuyên dụ Thái tử, nhận chìm Thái tử trong sự mê muội tối tăm, lần lựa làm cho Thái tử mù quáng, xiêu lòng, mất tự chủ để trở thành con cờ điều động của Ðiều-đạt.

Ngày nọ, Thái tử bí mật mang gươm đi vào cửa vương cung. Vì ôm lòng ác độc, phản nghịch nên bất giác bị giằng xé hoảng sợ, lảo đảo té nhào trước vương cung rồi tự gượng đứng lên. Quan giữ cửa thấy vậy sinh nghi, nhanh trí suy đoán rằng: “Thái tử thường vào đây với oai nghi đỉnh đạc, tại sao hôm nay lại có hiện tượng như thế, chắc có lý do gì?” Quan giữ cửa vội vàng đến hỏi thì Thái tử trả lời không chút do dự:

- Tôi muốn giết vua cha nên mới như thế này!

- Ai xúc giục Thái tử làm phản? - Quan giữ cửa hỏi.

- Ðiều-đạt. - Thái tử đáp.

Các quan giữ cửa liền họp lại bàn định:

- Nên giải quyết sao đây?

- Nên giết sạch Sa-môn và Thái tử Chúng Lạc. - Quan thứ nhất nêu ý kiến.

- Trước đây đức Phật sai Xá-lợi-phất tuyên bố sự ác nghịch của Ðiều-đạt, tại sao lại muốn giết hết Sa-môn? Chính tội này chỉ có Ðiều-đạt và Thái tử chịu trách nhiệm. - Ðó là ý kiến của vị quan thứ hai.

- Chúng ta không nên vội phán quyết tội này, cần phải tâu lên nhà vua. Nhà vua có sắc chỉ, ta sẽ thừa lệnh thi hành. - Vị quan thứ ba đề nghị như thế.

Chung quyết lại, các quan thống nhất tấu trình việc này lên nhà vua.

Nghe tấu trình, nhà vua không chút biến đổi, lại hỏi:

- Chư thần! Ðối với việc này, ý kiến của các ông giải quyết sao đây?

 Các quan liền trình bày đầy đủ ý kiến đã thảo luận. Nhà vua liền đuổi quan có ý kiến thứ nhất, cắt chức vị quan thứ hai và trao thêm quyền hạn cho vị quan đề xuất ý kiến thứ ba. Nhà vua lại cho triệu tập quần thần để lấy ý kiến về việc này. Các quan đều có nhận định chung rằng: “Vị quan đề xuất ý kiến thứ hai là hợp lý mà nhà vua còn giáng cấp bậc, xem thế thì rõ thánh tâm của Vua. Vua không nhẫn tâm nhìn thấy sự sát hại. Với hình phạt chính đã không áp dụng thì phải dùng hạ kế”.

Các quan nói:

- Người thừa kế ngôi vua không ai ngoài Thái tử. Nay Thái tử muốn tiếp nhận sớm ngôi vua ấy nên mới làm phản nghịch. Nên trao ngay ngôi vị vua cho Thái tử thì hy vọng ác tâm kia sẽ chấm dứt. Ý kiến này hợp với lòng Vua, vua liền thoái vị, truyền ngôi cho Thái tử, với vương hiệu A-xà-thế.

Buổi đầu ở ngôi vua, A-xà-thế thụ hưởng 5 thứ dục lạc nên tâm sát nghịch vua cha tạm thời quên đi, nhưng sau một thời gian ngắn, tâm ấy lại bị tác động khởi lên, cho dù không có việc gì xảy ra, A-xà-thế vẫn hãm hại phụ vương nơi lao ngục.

Bấy giờ, Vua A-xà-thế có một con voi rất hung hãn, Ðiều-đạt bí mật đến gặp người nài voi ấy với lời đề nghị đầy áp lực:

- Ngày mai Cù Ðàm sẽ đi qua con đường này. Ông vì tôi phục rượu cho con voi thật say, rồi thả nó ra nơi đoạn đường ấy. Phật với tâm nhiều kiêu ngạo ắt sẽ không tránh nó, do đó, voi say dày đạp chết. Tôi sẽ hậu tạ ông nếu có kết quả.

Sáng hôm sau đến giờ khất thực, đức Phật đắp y, trì bát cùng 500 đệ tử vào thành. Từ xa đã trông thấy Phật, người nài voi liền thả con voi đã say mèm ra đường. Nhìn thấy hiện tượng bất thường này, những người có lòng tin, yêu mến Phật pháp, sợ Phật bị voi hại, liền hối hả đến trước bạch Phật:

- Cúi xin Thế Tôn nên đi con đường khác.

Năm trăm đệ tử và A-nan cũng đều bạch Phật như vậy.

Song sau ba lần thưa thỉnh của đệ tử, Phật đều trả lời:

- Không can chi! Rồng còn không hại ta, huống nữa là voi.

Các đệ tử thấy Phật vẫn bình tĩnh, nhưng họ hoảng sợ và do phản xạ tự nhiên, họ đều rời Phật đi sang đường khác, chỉ một mình tôn giả A-nan đi theo hầu sát Phật mà thôi.

Lúc ấy, người hiếu kỳ càng lúc càng đông dần, từng nhóm đông kháo nhau:

- Nay hai con rồng thử sức, xem con nào hơn.

Nhóm ngoại đạo thì nhận định:

- Voi, rồng sức đều mạnh, nhưng phần thắng chắc là voi thôi.

Hàng Phật tử thì nói:

- Người rồng, đạo cao đức trọng, chắc hàng phục được voi. Hãy đợi đấy!.

Lời qua tiếng lại suông chẳng ích gì, họ lại cá nhau bằng tiền và chờ kết quả ăn thua. Họ chờ đợi đến nghẹt thở...

Hai sức mạnh như đang tiếp cận nhau. Từ xa đã nhìn thấy Phật, con voi say đập tai, cất cao vòi như tạo ra một sức gió mạnh, xông thẳng về phía đức Phật. Tôn giả A-nan hoảng hốt, khiếp sợ, bất giác chui ngay vào nách Phật. Ðức Phật lại bảo khẻ với A-nan:

- Này A-nan ! Vừa rồi chính ông đã nghe ba lần Ta nói: “Không hề chi”. Tại sao không tin mà còn hoảng sợ đến thế?!

Ðức Phật thấy con voi tiến tới, Ngài liền nhập Từ tâm Tam muội và nói kệ:

Ngươi đừng hại Ðại Long

Ðại Long ra đời khó.

Nếu ai hại Ðại Long

Ðời sau đoạ ác đạo.

Nghe bài kệ rồi, con voi dừng lại, cúi xuống đưa vòi ra trải lên đất, ôm chân đức Thế tôn. Ðộng tác này được lập lại 3 lần như biểu lộ sự kính cẩn cao độ. Nó chiêm ngưỡng Phật từ trên xuống dưới, rồi đi quanh bên phải Phật ba vòng, sau đó, voi đi lùi lại rồi ra đi. Ðược biết, từ đó về sau con voi trở nên hiền lành. Thật là một điều kỳ lạ!

Mọi người đồng thanh khen ngợi:

- Sa-môn Thích tử không dùng đao, gậy... mà hàng phục được con voi hung tợn này. Kỳ diệu thay! Người dân trong nước không còn bị sự khủng bố của voi. Kỳ diệu thay!

Các ngoại đạo không ai không lấy làm xấu hổ. Còn đối với hàng đệ tử Phật thì hớn hở vui mừng, sung sướng, hảnh diện... Kiểm thu số tiền thắng cược lên đến bảy mươi vạn...

Sau khi hàng phục được voi, đức Phật lại nói kệ:

Voi say đầy sân nhuế

Tiến về đấng Ðạo sư

Trăm họ đều thấy rõ

Hơn thua tiền cược nhau

Voi to tựa Thái Sơn

Sáu mươi voi nào bằng

Vang dội rúng lòng người

Rống lên địch quân phá

Ðại lực của Ðạo sư

Thương chúng sanh, xuất thế

Muốn độ con voi dữ

Trước nó Ta đứng yên

Voi lạy mọi người thấy

Ðạo, đời đều vui mừng

Khen Ta hàng voi dữ

Phật là sư tử vương.

Chứng kiến sự thất bại của mình, ác tâm của Ðiều-đạt lại lồng lộn. Ông ta suy nghĩ: “Nay hại Phật bằng cách thức này không thắng được, thì nên tìm một hung thủ khát máu, không biết Phật là ai, thuê nó thật nhiều tiền là có thể hạ thủ được”. Lập tức, Ðiều-đạt đi khắp nơi tìm kiếm cho ra con người “lý tưởng” này. Ðiều-đạt dò la và gặp một người đàn ông “đúng tướng”, có thân hình vạm vỡ, dữ dằn. Ðiều-đạt đề nghị:

- Ông vì tôi giết Phật, bao nhiêu tôi cũng hậu tạ.

Người kia ham của, chấp nhận ngay.

Bấy giờ, đức Phật đang kinh hành nơi đất trống, Ngài nhìn thấy hung thủ đang tiến dần về phía mình. Ngài vận dụng Từ tâm Tam muội phủ xuống khắp người này rồi đưa tay vẫy gọi. Như bị thôi miên, hung thủ buông dao trong trạng thái không ý thức. Như đi theo sự chỉ dẫn, hung thủ tiến gần đến Phật rồi sụp lạy sát chân Ngài. Hung thủ ngẩng lên nhìn Phật rồi tha thiết thưa rằng:

- Hiện con là người si cuồng, muốn hại đức Thế Tôn. Con tự biết tội nặng, cúi xin Ngài gia ân cho con xin sám hối.

Ðức Phật dạy:

- Ông thật là người ngu si nên mới ham tiền mà hại đức Như Lai. Trong giáo pháp Ta, nếu người biết có tội mà sám hối thì sẽ tăng trưởng căn lành.

Ðức Thế tôn lại nói pháp để độ ông ta. Ngài phân tích việc bố thí, vấn đề trì giới, vấn đề sanh Thiên, vấn đề nhiễm ô của kẻ tại gia và vấn đề an vui của người xuất thế. Tâm hồn hung thủ như trút hết gánh nặng, vui mừng hiện rõ lên. Ðức Thế Tôn biết rõ điều đó nên lại vì ông ta, Ngài nói về các pháp Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Nghe các pháp này, ông ta liền tỏ ngộ, xa lìa cấu trần, sở đắc con mắt pháp trong sạch. Thấy pháp, đắc quả rồi, ông ta xin quy y Tam bảo, thọ trì 5 giới.

Ðức Phật bảo ông ta trở về bằng con đường khác, vì Ðiều-đạt đã thuê hai người đón đường cũ để giết người này, vì muốn bịt kín tiếng xấu ác.

Ðâu phải dừng lại ở thất bại này, Ðiều-đạt còn thuê 4 người rồi 32 người và lần nào cũng thất bại.

Tất cả người Ðiều-đạt thuê để hại Phật, đều đến trước Phật sám hối và được Phật độ. Họ cũng chứng quả Tu-đà-hoàn như người đầu tiên đến hại Phật.

Nếp sống chư Phật là cứ mỗi sáng lúc mặt trời mọc, rời phòng ra ngoài trời. Sáng hôm ấy, đức Phật bước ra khỏi phòng và thấy ngay các Tỳ-kheo cầm dao, gậy đứng hai bên. Ngài liền hỏi:

- Vì lý do gì các thầy cầm đao, gậy đứng ở đây?

Các Tỳ-kheo thưa:

- Chúng con nghe Ðiều-đạt thuê người hại Phật, không an tâm, nên tổ chức canh giữ khắp nơi trong trú xứ, kể cả nơi đây.

Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Như Lai mà bị hoạnh tử là điều không thể xảy ra. Năm hạng thầy ở đời mới cần sự hộ vệ, chứ Như Lai thì không, các thầy cứ an tâm đâu về đó, tự bảo hộ lấy tâm mình.

Gián tiếp không giết được Phật thì phải trực tiếp, Ðiều-đạt tìm được một người đi với mình rồi cùng leo lên núi Kỳ-xà-quật. Khi ấy, đức Phật đang kinh hành trên một tảng đá ở phía dưới núi. Ðiều-đạt nhìn thấy, vội vã sai người kia xô đá tảng xuống hại Phật nhưng người này vừa vận dụng tâm xô thì tay chân của y bủn rủn, không cử động được. Tâm ác của y nhanh chóng đổi thay, ý niệm lại nghĩ về Phật, về đức độ bao dung to lớn của Ngài. Với tâm niệm ấy, tay chân ông ta bình phục như cũ. Ðiều-đạt thấy vậy quát:

- Tại sao ngươi vô dụng đến thế! Cút ngay cho khuất-mắt ta!

Nhanh chóng, Ðiều-đạt liền tự tay đẩy một tảng đá lớn xuống chỗ Phật. Ðá lăn ào ào thì ngay lúc ấy Thần núi tên là Kim-bính-lô34 xuất hiện, đỡ hòn đá ném ra ngoài xa nhưng có một mảnh vỡ nhỏ văng trúng ngón chân Phật, làm ngón chân Ngài chảy máu. Ðức Thế Tôn chứng kiến hành động như thế, Ngài liền nói với Ðiều-đạt:

- Nay ông phạm phải việc Vô gián. Nếu ai với ác tâm làm cho thân Phật bị chảy máu thì chắc chắn đọa vào Vô gián A-tỳ điïa ngục...

Ðiều-đạt lại tự nghĩ như vầy: “Ta đã không thể hại được Phật, nhưng phá hòa hợp Tăng liệu không được sao? Ta thực hiện được việc này thì dù Phật có đại thần lực, uy danh của ta lại càng chấn động khắp nơi”. Ðức Phật biết ý đồ đó, liền chận ngay Ðiều-đạt:

- Ông chớ nên phá hòa hợp Tăng. Nếu Tăng bị phá và ai có thể làm hòa hợp lại thì người đó sẽ được sanh lên cõi trời. Họ nhận lấy một kiếp vui. Còn người nào phá hòa hợp Tăng thì người đó phải đọa vào địa ngục một kiếp khổ.

Ðiều-đạt nghe Phật can răn như vậy, tâm ác của ông chùng xuống và ý đồ phá Tăng tạm gác lại, nhưng sau một thời gian tâm ác ấy lại nổi dậy. Ðức Phật lại khuyên can Ðiều-đạt như trước bằng lời kệ:

Chúng Tăng hòa hợp vui

Hòa hợp thường an ổn

Ai phá hòa hợp Tăng

Một kiếp địa ngục khổ

Chúng tăng hòa hợp vui

Hòa hợp thường an ổn

Hàn gắng tăng bị phá

Thọ vui một kiếp trời.

Nếu chia rẽ riêng biệt

Thường nói lời bất thiện

Ðể phá hòa hợp Tăng

Một kiếp địa ngục khổ.

Không chia rẽ riêng biệt

Thường hay nói lời lành

Ðể hàn gắn Tăng phá

Thọ vui một kiếp trời

Ðiều-đạt nghe rồi, tạm thời bỏ tâm phá Tăng nhưng thời gian sau tâm ấy lại sống dậy mạnh hơn trước. Các Tỳ-kheo nghe Ðiều-đạt rấp tâm phá hòa hiệp Tăng, liền đến bạch Phật. Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng khiển trách Ðiều-đạt và lời khiển trách này được Tăng chuyển đến Ðiều-đạt. Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Nên sai một Tỳ-kheo thân tình với Ðiều-đạt đến khuyên can lời như vầy: “Thầy đừng phá hòa hợp Tăng, đừng làm việc phá Tăng, nên cùng Tăng hòa hợp, Tăng hòa hợp nên được hoan hỷ không tranh cãi, một lòng, cùng học hỏi như nước với sữa hòa hợp. Cùng nhau phát huy lời thầy dạy về hạnh an lạc”. Nếu Ðiều-đạt thuận lòng thì tốt, bằng không thì sai một số đông đến khuyên can. Nếu Ðiều-đạt không nghe theo thì Tăng nên đến can gián.

Tăng thực hiện lời dạy này đến lần thứ ba nhưng Ðiều-đạt vẫn ngoan cố phá Tăng như nhằm trả đũa lại Phật.

Do bởi sự ngoan cố này mà điều giới về việc phá hòa hợp Tăng được Phật tuyên bố trước Tăng nhằm loại trừ, về lâu về dài, sự phá hòa hiệp Tăng.

 

MỘT BÈ GỖ HƯ

Ðiều-đạt phá hòa hiệp tăng không phải không có bè cánh yểm trợ. Có một số Tỳ-kheo tại thành Vương-xá đã nói ra lời tán trợ Ðiều-đạt như vầy: “Những gì Ðiều-đạt nói là Ðiều-đạt biết, chứ chẳng phải không biết mà nói, nói đúng pháp chứ chẳng nói phi pháp, nói đúng luật chứ chẳng nói sai luật. Chúng tôi chấp nhận và vui mừng”.

Các Trưởng lão Tỳ-kheo nghe luận điệu như vậy đã có lời quở trách, can gián đôi ba phen nhóm Tỳ-kheo này song các thầy vẫn ngoan cố. Việc này được các Tỳ-kheo trình lên Phật, lúc Ngài đang lưu trú tại thành Vương-xá.

Trước Tăng đức Phật kiết giới như sau:

- Tỳ-kheo nào yểm trợ việc phá hòa hiệp Tăng, hoặc một, hoặc hai, hoặc số đông, nói với các Tỳ-kheo rằng: Tỳ-kheo này nói ra vấn đề gì là biết rõ vấn đề đó chứ chẳng phải không biết mà nói. Nói đúng pháp chứ không nói phi pháp, nói đúng luật chứ không nói sai luật. Những gì Tỳ-kheo này đề cập chúng tôi chấp nhận và vui mừng. Trước luận điệu này, Tăng phải khuyên bảo Tỳ-kheo ấy: “ Thầy đừng nói những lời như thế. Vì sao vậy? Bởi vì Tỳ-kheo chủ trương phá Tăng kia xuyên tạc chẳng nói đúng vấn đề. Nói không đúng pháp, không đúng luật. Các thầy chớ nên vui thích yểm trợ Tỳ-kheo kia phá hòa hiệp Tăng, nên vui vẻ yểm trợ làm cho Tăng hòa hợp. Tăng hòa hợp là có niềm vui có sự hoan hỷ, không xảy ra tranh cãi. Một lòng cùng nhau học tập như nước hòa với sữa, cùng nhau mở rộng hạnh an lạc mà Ðạo sư đã truyền dạy.” Can gián lời như vậy mà đương sự ngoan cố không sửa đổi thì nên can gián lần thứ hai, lần thứ ba. Lần thứ hai, lần thứ ba can gián mà bỏ yểm trợ thì tốt, không bỏ thì phạm tội Tăng-già-bà-thi-sa35.

 

MỘT XA-NẶC TRỜI ÐẤT

Chuyện này xảy ra lúc đức Phật lưu trú tại nước Câu-xá-di.

Tỳ-kheo Xiển-đà36 là một cự phách trong nhóm “Lục quần”. Có những đặc điểm như vầy:

-Vào nhà Cư sĩ mặc tình nằm ngồi không đúng pháp, thiếu tế nhị.

- Ăn riêng chúng, ăn phi thời

- Không cần thưa với thiện Tỳ-kheo khi vào xóm làng.

Các Tỳ-kheo thấy tế hạnh của Xiển-đà như vậy nên có lời chỉ trích:

- Thầy phạm phép tắc như vậy là có tội. Thầy phải nhìn thấy sự sai phạm của mình mà sửa đổi sám hối, đừng đánh mất sự thanh tịnh đối với việc tu phạm hạnh. Không lẽ thấy sống mãi với sự tối tăm, tội lỗi này mà chịu sự khổ não sao? Sao đành làm cho các thí chủ mất hết công đức?

Xiển-đà trả lời:

- Ðại đức! Các thầy không nên dạy tôi, tôi dạy các thầy mới phải. Tại sao vậy? Tại vì Pháp Vương Thánh Sư (Thế Tôn) là chủ của tôi, phép tắc tôi rút ra từ đó, không dính dự gì đến các Ðại đức. Giống như có trận gió lớn thổi qua, các thứ rác rưởi dơ bẩn tập trung lại một chỗ. Tất cả các Ðại đức bao gồm nhiều dòng họ, nhiều gia đình, nhiều quốc gia xuất gia thì cũng tập trung lại nhiều thứ như vậy. Tại sao các thầy lại muốn răn dạy tôi?! Này các Ðại đức! Ðừng nói với tôi điều gì, hoặc tốt, hoặc xấu, tôi cũng không nói điều gì hoặc tốt, hoặc xấu với Ðại đức.

Các thầy Tỳ-kheo lại nói với Xiển-đà:

- Thầy đừng tự cao! Lẽ nào thầy không dùng lời để cộng tác với chúng tôi. Thầy nên nói với các Tỳ-kheo những chuyện tốt, xấu. Các Tỳ-kheo cũng nên nói chuyện với thầy những điều tốt xấu. Sự trao đổi, chỉ giáo cho nhau rộng rãi như vậy sẽ làm chuyển đổi, loại ra các dạng tội lỗi, như thế mới có thể làm nên chúng Tăng của đức Như Lai.

Các Tỳ-kheo can gián, phân giải như vậy, song Xiển-đà vẫn ngoan cố không bỏ thói xấu ấy, nên các Tỳ-kheo cùng đưa Xiển-đà đến chỗ đức Phật, trình bày rõ sự việc lên Ngài.

Trước Tăng, để làm rõ vấn đề, Phật hỏi lại sự việc đã xảy ra, và được Xiển-đà xác nhận:

- Thưa Thế Tôn, sự thật con có hành động như vậy.

Ðức Phật lại quở trách Xiển-đà:

- Ông là người ngu si, tại sao ông nói không thể dùng lời hợp tác xây dựng nhau? Các thầy Tỳ-kheo thấy ông phạm tội, nên không muốn cùng ông Bố tát, Tự tứ, Yết-ma làm công việc của Tăng. Vì thế, dũ lòng thương quở trách, can gián ông, tại sao ông không nghiêm chỉnh chấp nhận?!

Sau khi quở trách, đức Phật kiết giới nhằm chận đứng tội lỗi, đem lại lợi ích cho chúng Tăng bất luận là thời gian nào.

 

ÐUỔI RA KHỎI ẤP

Lúc bấy giờ, nơi ấp Kiết-la37, là một ấp ven thành Xá-vệ, có hai Tỳ-kheo, một người tên là An-bệ, người thứ hai tên là Phân-na-bà38, làm nhiều việc xấu, không đúng tư cách của người xuất gia, như: đến nhà ai thì làm cho người ta mang tiếng xấu, hành động không đúng oai nghi, tự kết tràng hoa đeo lên mình, hay chỉ cho người kết tràng hoa để họ đeo lên người, cùng với người nữ ngồi một giường, ăn một mâm, ăn thịt, uống rượu, ca múa, đờn hát. Lại giả làm âm thanh các loài chim, giả làm chim đá nhau. Khi thì bài bạc, khi thì đi ngã nghiêng như người say, khi thì cười hi hí, khi thì ném bắt, chỉ tay nheo mắt, làm các trò hề để treo ghẹo người nữ... Thân, khẩu, ý của họ hiện hành những việc xấu như thế và như thế là phá giới, phá kiến, phá oai nghi chánh mạng...

Lúc đó, có 500 Tỳ-kheo oai nghi hoàn hảo từ nước Ca-di đến ấp này. Ðến giờ trì bát, họ chia nhau vào thôn khất thực. Thấy các nhà sư, các Cư sĩ cay đắng thốt lên:

- Các Tỳ-kheo này từ đâu đến? Sao lại cúi đầu làm thinh giống như hiếu tử, không biết mở miệng giao tiếp với mọi người. Ở ấp chúng ta đã sẵn có hai người hiền Tỳ-kheo đủ tài, lắm nghề, khéo làm đẹp lòng người, đâu có phiền gì để hạng người này ở lại ấp của ta. Dứt khoát không cho họ thức ăn, để họ mang bát không mà về.

Vào thời điểm ấy, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cũng trên đường từ Ca-di đến ấp này. Hay tin này, bọn An-bệ lo lắng suy nghĩ: “Hai vị này đến đây ắt phải nghe việc làm ác nổi tiếng của chúng ta mà cắt đứt sự cúng dường của chúng ta. Thế là bọn họ đến nói với các cư sĩ:

- Không bao lâu nữa sẽ có hai Tỳ-kheo đến ấp mình. Một vị tên là Mục-liên, rất có tài huyễn thuật, biến hóa, hiển hiện đủ mọi hình thức. Còn vị kia tên là Xá-lợi-phất, rất giỏi chú pháp, xảo ngôn, khéo mê hoặc thiên hạ. Các Phật tử nên cẩn thận đừng bị mê hoặc! Chúng tôi sẽ ở lại đây. Nếu yêu cầu chánh đáng này không đạt được thì chúng tôi ra đi.

Các Cư sĩ nói:

- Các Trưởng lão cứ an tâm, chúng con sẽ không bao giờ bị họ mê hoặc.

Ngày đến ấp, hai vị Mục-liên và Xá-lợi-phất được các Cư sĩ già, trẻ, lớn, nhỏ đều ra nghinh đón, chào hỏi, cung kính đảnh lễ rồi họ ngồi sang một bên.

 Nhân lúc ấy, Mục-liên hiện thần thông, biến hóa, chia thân ra làm trăm ngàn rồi hiệp lại làm một, đi xuyên qua vách tường, đi trên nước như đi trên đất, ngồi nằm trên hư không như chim bay liệng, thân đến Phạm Thiên, tay sờ mặt trời, mặt trăng, phần trên thân tuôn ra lửa, phần dưới thân tuôn ra nước, phần trên thân tuôn ra nước, phần dưới thân tuôn ra lửa, hoặc hiện nửa thân, hoặc hiện toàn thân, vọt ra nơi phương Ðông, lặn nơi phương Tây, vọt ra nơi phương Tây, lặn nơi phương Ðông, vọt ra nơi phương Nam, lặn nơi phương Bắc, vọt ra nơi phương Bắc, lặn nơi phương Nam, vọt ra nơi chính giữa, lặn mất vào một bên, vọt ra nơi một bên, lặn mất vào chính giữa... Hiện thân biến hóa rồi, Mục-liên trở lại ngồi chỗ cũ.

Lúc bấy giờ, các Cư sĩ đều trầm trồ với nhau rằng: “Mục-liên huyễn thuật quá tài tình, sự thật này là sự thật của mắt thấy tai nghe”.

Ðến phiên Xá-lợi-phất nói diệu pháp, thì suốt bài pháp Tôn giả thuyết giảng không chỗ nào là không hiểu, nói lên ý nghĩa thiện, pháp vị thiện và đầy đủ hình ảnh trong sáng phạm hạnh. Sau khi thuyết pháp, Tôn giả ngồi trong tư thế thiền định. Các Cư sĩ tấm tắc khen ngợi: “Xá-lợi-phất quả có tài nói pháp”.

Tuy nhiên, sự thật dù là vậy, mọi người vẫn không tin nhận, không trân trọng cúng dường. May thay, trong ấp này có hai vị Ưu-bà-tắc tên là Phú-xà và Ưu-lâu-già, đối với Phật pháp có lòng tin thuần thục, mến mộ. Họ nhận thức được pháp vi diệu và đắc sơ quả, tâm họ rất hoan hỷ trong việc bố thí, cúng dường. Nghe tin Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đến ấp, cả hai cùng đến nghinh đón. Họ đảnh lễ sát chân hai Tôn giả. Hai vị đã vì họ nói diệu pháp, nghe pháp họ rất vui mừng vì điều lợi ích họ được hướng dẫn. Sau khi nghe pháp, hai Cư sĩ thưa với Ngài Xá-lợi-phất:

- Trong ấp này có hai Tỳ-kheo, qua nhiều sự việc mà cả hai hành động không còn gì là tư cách của một vị Tăng.

Họ dẫn chứng những sự việc như đã xảy ra. Tiếp đó họ thưa:

- Thưa nhị vị Tôn giả, gần đây có 500 Tỳ-kheo rất mực oai nghi vào trong thôn khất thực, do ảnh hưởng xấu kia mà 500 vị đành phải ôm bát về không. Cúi xin nhị vị Tôn giả đem việc này bạch lên Phật.

Hai Ngài ghi nhận rồi tiếp tục nói diệu pháp. Hai Cư sĩ rất vui mừng vì nhận thêm được lợi ích thiện.

Trở về thành Xá-vệ, hai vị Tôn giả bạch lên Phật vấn đề đã xảy ra ở ấp Kiết-la.

Do sự việc này, đức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng, bảo A-nan :

- Ông đến ấp Kiết-la trao cho hai Tỳ-kheo ấy pháp Yết-ma khu xuất 39.

A-nan bạch Phật:

- Hai Tỳ-kheo ác kiến kia chẳng phải Sa-môn, lại tự nhận là Sa-môn, thường làm điều bất tịnh, tâm họ đã bại hoại đến thế, nếu một mình con đến, chắc chắn với tâm ác tột cùng ấy, hai ông tha hồ sĩ nhục, quậy phá, não loạn con!

Ðức Phật nói với A-nan:

- Ðúng vậy! Ðúng vậy! Nhận xét của ông là sự thật. Nay ông có thể cùng một số Tỳ-kheo nhiều ít tùy ý ông, đến ấp Kiết-la, trước tập hợp chúng, sau đó mới cử tội nhóm An-bệ, bạch tứ Yết-ma, đuổi họ ra khỏi ấp.

Vâng theo lời dạy, Tôn giả A-nan cùng đi với 500 Tỳ-kheo đến ấp Kiết-la. Ðến nơi, các Cư sĩ ra đón chào, kính lễ. Họ tác lễ sát chân Tỳ-kheo rồi cùng ngồi lui qua một bên...

Tôn giả A-nan thực hiện đúng lời Phật dạy, bạch tứ Yết-ma đuổi hai Tỳ-kheo kia ra khỏi ấp, song họ lại gay gắt phản ứng không chấp nhận Yết-ma đuổi. Họ đáp trả bằng cách chỉ trích thẳng Tôn giả A-nan rằng:

- A-nan đã tuỳ tiện, hành xử theo cảm tính thương ghét, giận hờn, si mê, sợ hãi, cho nên không đi. Vì sao vậy? Vì có Tỳ-kheo đồng tội như thế mà có người bị đuổi, có người không bị đuổi. A-nan thiên vị ác ý.

Các Tỳ-kheo nghiêm khắc nói:

- Hai ông không nên có lời thiếu lễ độ đối với A-nan như vậy. A-nan làm việc theo lời của Phật và Tăng. Các thầy hãy xét lại tự thân, có phải các thầy đã hành xử theo lề thói xấu ác, các thầy đã làm cho nhà người ta mang tiếng xấu. Hành vi xấu ác mọi người đều nghe thấy, biết rõ, hành vi làm nhơ nhớp nhà người, ai cũng đều hay biết, chán ngấy. Các thầy nên ra khỏi nơi đây không được ở lại.

Các Tỳ-kheo đem lời phân giải, chỉ trích như vậy, song nhóm An-bệ vẫn ngoan cố không chấp nhận Yết-ma khu xuất, không ra đi.

Ðức Phật khi nhận được lời bạch của Tăng về kết quả này, đều dạy bảo Tăng dùng mọi cách can gián, phân giải hoặc nhờ bạn bè thân thiết, qua nhiều Tỳ-kheo hay tập thể Tăng. Việc này đã không kết quả nên Phật đã chế giới. Về sau phạm như thế là tội Tăng-già-bà-thi-sa.

 

VẬT BẤT LY THÂN1.

Lúc bấy giờ đức Phật lưu trú tại thành Xá-vệ. Có nhóm Tỳ-kheo 17 người, an cư xong muốn đi du hành, lại có ý nghĩ: “Chúng ta sẽ trở về lại đây, đem theo một y là đủ, không phải đem theo nhiều phiền lắm!”.

Nghĩ sao làm vậy, các Tỳ-kheo lấy khăn gói y còn lại đem để trên giá, rồi nhờ các Tỳ-kheo trú xứ trông hộ và lên đường.

Kẻ ra đi, người lại đến. Lục quần Tỳ-kheo trở về, bảo các Tỳ-kheo trú xứ rằng:

- Cung cấp phòng cho chúng tôi.

- Có, phòng của 17 Tỳ-kheo vừa đi, các vị vào nghỉ ở đó. - Tỳ-kheo trú xứ hướng dẫn.

Vào phòng, thấy ngay một gói y trên giá, Lục quần hỏi:

- Tại sao các thầy cất chứa các y dư này?

- Ðây là y của nhóm 17 Tỳ-kheo, các thầy ấy đi du hành sau an cư, không thể mang theo được nên lưu lại, gửi cho tôi đó. - Tỳ-kheo trú xứ bảo thế.

Ðược cớ, nhóm 6 Tỳ-kheo tha hồ la rầy, quở trách rồi đem vấn đề lên thưa với Phật.

Nhân việc này, sau đó, Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng.

Nhóm Tỳ-kheo 17 người xác nhận đúng sự việc như vậy. Ðức Phật liền quở trách:

- Các ông ngu si, không nghe ta dạy: Vật bất ly thân của Tỳ-kheo là 3 y và bình bát, giống như con chim bay được là nhờ hai cánh của nó đó sao?

Quở trách rồi đức Phật kiết giới, nhưng sau đó được bổ sung bởi việc xảy ra có liên hệ.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo muốn đi về ấp Sa-kiệt-đà, nhưng y phấn tảo lại khá nặng khó mang theo, muốn xả nhưng không biết nên như thế nào, bạch các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo đưa đương sự lên trình Phật để xin sự chỉ giáo. Phật dạy: “Phải xin Tăng Yết-ma không mất y”. Và Ngài đã hướng dẫn cụ thể pháp làm Yết-ma này đối với đương sự cũng như đối với Tăng.

 

Y PHI THỜI

Lúc bấy giờ, ngoài 3 y đã đủ và y Ca-thi-na đã xả, các Tỳ-kheo lại được y phi thời. Tự thấy việc này là sai trái, xấu hổ, bởi đức Phật chưa cho phép nhận y phi thời. Việc này được các Trưởng lão bạch lên Phật. Ðức Phật cho tập hợp Tỳ-kheo Tăng... Sau khi sự việc được các Tỳ-kheo đương sự xác nhận sự thật, đức Phật bằng nhiều hình thức khen ngợi hạnh thiểu dục tri túc, khen giới, khen người trì giới, tiếp đó Ngài chỉ giáo các Tỳ-kheo: “Từ nay cho phép nhận y phi thời”.

Sau đó Tỳ-kheo Lục quần lợi dụng sự cho phép này lại mặc tình nhận y phi thời. Nhận thì nhiều mà đắp mặc thì ít, không cho ai, cũng không làm pháp tịnh thí 2. Các Tỳ-kheo thấy vậy hỏi:

- Các thầy không nghe đức Thế Tôn chế giới không được chứa để y dư thừa hay sao?

Lục quần liền đáp lời:

- Tuy đức Phật chế cấm cất y dư nhưng Ngài cho phép nhận y phi thời.

- Có phải lúc nào các thầy cũng cất giữ y phi thời, lại không mặc đúng phép tắc, không cho người, không tịnh thí như thế hay sao? Các Tỳ-kheo hỏi.

Lục quần đáp:

- Thưa các vị đúng như vậy!

Ngoài việc quở trách, các Trưởng lão đưa sự việc lên đức Phật. Trước các Tỳ-kheo, đức Phật quở trách nghiêm khắc Lục quần:

- Các ông là kẻ ngu si. Không nên ham hố cầu xin quá nhiều như thế. Ðối với pháp của ngoại đạo, người nhận, nhận mấy cũng không chán, kẻ cho lại so lường tính toán. Trong chánh pháp của Ta thì lấy điều ít ham muốn, biết vừa đủ làm đầu, người cho tuy tích cực rộng rãi, nhưng kẻ nhận chỉ nhận ít mà thôi.

Quở trách rồi, đức Phật lại kiết giới ngăn cấm.

Sau đó, có một trú xứ nọ, các Tỳ-kheo nhận được nhiều y, ngoài việc nhận giữ, cho người, tịnh thí, còn dư ra một đoạn vải. Không Tỳ-kheo nào nhận lấy đoạn vải này, bởi vì đức Phật không cho phép nhận vải không đủ để may y. Tỳ-kheo cho vải lại nói:

- Cứ nhận đi, cần đủ vải thì sẽ có ngay.

Khi ấy có Trưởng lão Già-tỳ nhận được miếng vải vừa hẹp vừa ngắn, hằng ngày cứ kéo ra hy vọng miếng vải dài rộng hơn trước.Theo thường lệ cứ 5 ngày, đức Phật đi xem xét các phòng, thấy Già-tỳ kéo vải, Ngài hỏi:

- Thầy làm gì vậy?

- Bạch Thế Tôn, con nhân được miếng vải này nhưng không thọ trì được.

- Vậy thầy có hy vọng nhận được chỗ nào nữa không?

- Thưa có.

- Thời gian lâu mau nữa sẽ nhận được?

- Thưa trong vòng một tháng.

Nhân việc này, đức Phật khen ngợi hạnh thiểu dục tri túc, Ngài bảo các Tỳ-kheo:

- Từ nay cho phép cất giữ vải phi thời, nếu không đủ, chờ cho đủ trong vòng một tháng.

Việc này lại xảy ra trường hợp không cất giữ mà lại mang vải đi du hành quá một tháng, cho nên sau đó giới điều này được Phật chế bổ sung cụ thể.


 


7 Câu-xá-di: Skt.Kausùªmbi, Pali.KosambÌ, là vương quốc của vua Ưu-điền (Udayana) trị vì ở Trung Ấn Ðộ.

8 Thọ thần: Pali. Cetiyarukkha, cây có miếu thần. Tứ phần 3: Thọ thần Ni-câu-luật.

9 Ðà-bà Lực Sĩ Tử: Skt. Dravya-malla-putra, Pali. Dabba Mallaputta. Tứ phần 3: Ðạp-bà Ma-la Tử. Tăng kỳ 6: Ðà-phiêu Ma-la-Tử. Căn bản 13: Thật Lực Tử. Kinh Tạp Bảo Tạng 2, truyện 18, tr. 457a, T4n203: Vào thời quá khứ,......Tôn giả có kinh doanh cho Tăng sự như: lừa, ngựa, gạo, mì... rồi bị chìm xuống bùn, Tôn giả liền vớt lên nên mới được sức mạnh lực sĩ (Lực Sĩ Tử) như vậy.

10 Thiện kiến 13: Ðạp-bà Ma-la Tử (Pali.Dabba Mallaputta) xuất gia năm 7 tuổi, lúc thế phát, tóc vừa rụng xuống đất thì chứng quả A-la-hán.

11 Ngọa cụ: Pali. samthata, hay gọi phu cụ, là chỉ cho những vật dụng để ngủ như: giường, chõng, đồ trải lót, chiếu, thảm, nệm chăn, màn che, gối mền hay miếng vải. Hành sự sao 2:“ Gọi chung tam y là ngọa cụ”

12 Tỳ-kheo Từ Ðịa huynh đệ: Pali: Mettiyabhummajiaka bikkhñ. Thập tụng 4: Tỳ-kheo Di-đa-la-phù-ma. Có hai thuyết, theo Nam Truyền Luật Tạng 2, thiên Ba-dật-đề tr.49: Nói Tỳ-kheo Từ-địa là 2 người: Tỳ-kheo Từ (Mettiya-bhikkhñ), Tỳ-kheo Ðịa (Bhummajiaka-bhikkhñ). Tạp A-hàm 38, tr 297c20, T2n99, Tăng kỳ 7, Tứ phần 3, đều nói Tỳ-kheo Từ-địa là một người. Riêng Căn bản 13, cũng nói hai người nhưng tên khác: Tỳ-kheo Thiện-hữu và Tỳ-kheo Ðại-địa. Thiện kiến 13: Tỳ-kheo Từ-địa đứng đầu trong nhóm 6 Tỳ-kheo.

13 Tự ngôn (Tự ngôn trị): Pali. Patïnõnõªtakara, là để người phạm tự nói tội của mình mà trị, dù tội ấy có bằng chứng cụ thể, mọi người đều biết rõ.

14 Ức niệm Tỳ-ni: Pali. Sativinaya, nguyên tắc cho phép đương sự nhớ rõ về việc làm của mình là đúng luật hay không đúng luật, như pháp sám hối hay chưa.

15 Mười điều lợi: Pali: dasa athavase patïicca. Ngũ phần tr. 3c1,T22n1421: 1.Tăng hoà hiệp (sanghasutïtïhutªya); 2. Tăng đoàn kết (sanghaphªsutªya); 3. Chế ngự người xấu (dummankñnamï puggalªnamï niggahªya); 4. Ðể người biết hỗ thẹn được yên vui (pesalªnamï bhikhñnamï phªsuvihªrªya); 5. Ðoạn hữu lậu đời này (ditïtïhadhammikªnamï ªsavªnamï samïvarªya); 6. Diệt hữu lậu đời sau (sampªrayikªnamï ªsavªnamï patïighªtªya); 7. Khiến người chưa tin có tín tâm (appasannªnamï pasªdªya); 8.Khiến người có tín tâm được tăng trưởng (pasannªnamï bhiyyobhªvªya); 9. Ðể chánh pháp lâu dài (saddhhmmatïtïhitiyª); 10. Phân biệt Tỳ-ni phạm hạnh tồn tại lâu dài (vinayªnuggahªya).

16 Kinh Tạp Bảo Tạng 2, truyện 18, tr. 457a, T4n203: Vào thời quá khứ, lúc con người thọ 2 vạn tuổi. Bấy giờ, trong chánh pháp Phật Ca-diếp, có một cô gái mê một vị Tỳ-kheo trẻ đẹp. Một hôm, Ðà-phiêu thấy cô ấy đi sau vị Tỳ-kheo kia, bèn vu khống phỉ báng. Do nhân duyên đó, cho đến nay Tỳ-kheo Ðà-phiêu vẫn bị phỉ báng.

17 Núi Kỳ-xà-quật: Skt. grïdhrakñtïa, Pali. gijjhakñtïa, núi Linh-thứu(núi Kên Kên), gọi tắt Linh sơn.

18 Rừng A-nậu, ấp Di-la: Pali. Anupiyª, thị trấn thuộc xứ Mạt-la (Malla), gần Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu), (cht.Tứphần).Tứ phần 4: A-nô-di-giới, nước Di-ni-sưu.

19 Thích Ma-nam: Pali. Mahªnªma, Ma-ha-nam anh em với A-na-luật, con vua Hộc Phạn Vương (Amitodana).

20 A-na-luật: Pali. Anuruddha. Xem cht.19 trên.

21 Bạt-đề Vương: Pali. Bhaddiya Sakyarªjan, Bạt-đề Thích Ca Vương. Tứ phần 4: Thích tử Bạt-đề.

22 Ca-duy-la-vệ: Skt. Kapilavastu. Pali. Kapilavatthu, vương quốc dòng tộc Thích Ca.

23 Tứ phần: Nước Chiêm-ba.

24 Hồ A-nậu-đạt: Skt. Anavatapta, Pali. Anotatta, dịch là hồ mát mẻ, hồ không nóng bức. Tương truyền hồ này bắt nguồn từ 4 con sông lớn ở Diêm-phù-đề (Ấn Ðộ).

25 Tứ phần: A-xà-thế. Xem cht. 29, tr. 30.

26 Vườn Cù-sư-la: Skt. Ghosïilªrªma, Pali. Ghositªrªma, cũng là tinh xá Cù-sư-la. Nơi đây là khu vườn rừng của trưởng giả Cù-sư-la, ông kiến lập tinh xá phụng cúng cho đức Thích Tôn.

27 Kha-hưu: Pali. Kakudha. Tứ phần: Câu-hưu-câu-la Tử. Vin.ii.185 Kakudha/ Kakudha koliya, nguyên là thị giả của ngài Ðại Mục-kiền-liên (cht.Tứ phần)

28 Phạm Thiên: Xem cht. 36, tr. 42. Tứ phần: Trời Hoá-tự-tại.

29 Con Cự Hư: Là con La, giống con lừa nhưng nhỏ hơn, do ngựa đực và lừa cái giao phối sinh ra.

30 Ma-nạp: Skt=Pali. Mªnïava, dịch là nho đồng, thiếu niên, người, trưởng giả. Huyền ứng âm nghĩa, q1: Ma-nạp dịch là niên thiếu tịnh hạnh... là chỉ cho thanh niên Bà-la-môn.

31 Sát-lợi: Skt. Ksïatriya, Sát-đế-lợi.

32 Thành Ca-di: Skt. Kªsùi, Pali. KªsÌ , cũng là nước Ca-thi, một trong 16 vương quốc lớn ở Ấn Ðộ thời Phật còn tại thế.

33 Hoa Mạn-đà-la: Skt. mandªraka, dịch là Duyệt ý hoa, Thích ý hoa. Một trong bốn loại hoa ở Thiên giới.

34 Thần núi Kim-bính-lô: Pali. Kimbila.

35 Tăng-già-bà-thi-sa: Skt. Samïghªdisesïa, Pali. Sanïghªdisesïa, lược dịch là Tăng-tàn, nghĩa là còn sót lại, dư tàn, tàn tật....Tỳ-kheo nào phạm vào các học giới trong thiên này thì coi như kẻ bị tàn tật trong chúng Tăng, cần dựa vào Tăng pháp để chữa trị.

36 Xiển-na: Skt. Chandaka, Pali. Channa, tên thường gọi Xa-nặc, người hầu ngựa Thái tử. Tứ phần 5, Tăng kỳ 7, Căn bản 16: Tỳ-kheo Xiển-đà. Thiện kiến 14: Tỳ-kheo Xiển-na.

37 Ấp Kiết-la: Skt. Krïtªgiri, Pali. Kitªgiri. Thập tụng: Lãnh thổ Hắc-sơn (núi Ðen).Tứ phấn: Kỳ-liên.Tăng kỳ: Thôn Hắc-sơn, nước Ca-thi. Căn bản: Núi Chỉ-tra. Thiện kiến: Núi Kê-tra.

38 An-bệ: Pali. Assaji. Ðây là tỳ-kheo trong nhóm Lục quần (chabbaggiya); không phải Assaji Thera trong năm Tỳ-kheo đầu tiên (panõcavaggiya) (cht. Tứ phần). Phân-na-bà: Pali. Punabbasuka. Thập tụng: Tỳ-kheo Mã-túc, Mãn-túc. Tứ phần: Tỳ-kheo A-thấp-bà và Phú-na-bà-sa. Tăng kỳ: Nhóm sáu Tỳ-kheo. Căn bản: Có ba Bí-sô, A-thấp-bạt-ca, Bổ-nại-phạt-tố, và Bán-đậu-lư-linh-đắc-ca. Thiện kiến: Tỳ-kheo Mã-sư, Mãn-túc.  39 Yết-ma khu xuất: Pali. Pabbªjaniyakamma, đuổi hai Tỳ-kheo ấy ra khỏi ấp, nơi mà họ đang mang tiếng xấu. Tứ phần 5, tr 597a24, T22n1428: Tẫn yết-ma.

1 Chương 4: Pháp Xả đọa (Pali. Nissaggiya). (Lược chương 3: pháp Bất định <Pali. Aniyata>).

2 Tịnh thí: Còn gọi là tác tịnh. Tứ phần, Ba-dật-đề 59: Có hai cách tịnh thí, chân thật tịnh thí và triển chuyển tịnh thí. Chân thật tịnh thí là biếu luôn. Triển chuyển tịnh thí là chỉ cho trên danh nghĩa, người cho vẫn dùng với ý niệm“mượn tạm”. Pali, Pªcttiya 59 (Vin.iv.122): vikappana, tác tịnh hay tịnh thí, có hai cách: sammukhavikapana, hiện tiền tác tịnh và parammukhavikappana, khiếm diện tác tịnh (cht. Tứ phần). Thiện kiến 14, tr. 772c13,T24n1462: Thuyết tịnh (Dvevikappª) có 2 cách: 1. Ðối diện tịnh (Sammukhªvikappa), 2. Triển chuyển tịnh (Parammukhªvikappa).

 

--- o0o ---

 

Mục Lục | 01 | 02 | 03 | 04 |05 |06 | 07| 08 | 09 | 10

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-04 -2003

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Rụng tóc Nguyên nhân và cách khắc phục 僧人心態 chương i nguồn gốc cac 18 tổ già da xá đa gayasata nguoi tu phat la nguoi tim ve nguon an lac giai æ ²æ¼ Có duyên với Phật å è šæ³ å ˆ お墓の種類と選び方 墓の片付け 魂の引き上げ lội khe suối ngọc hÓi 关于文化的名人名言 li giai nguyen nhan tai sao can tho cung nguoi mat NhÃÆ PhÃp Thích Thanh Từ 星雲大師全集 chương viii thời kỳ đầu của phật 5 nguyên nhân khiến răng ngả vàng nghiệm về nhân quảtừ viết chì và ブッダの教えポスター 瑞州三峰院的平和尚 唐代 臨濟 38 17 loi khuyen day dang suy ngam cua thien su kodo พระพ ทธศ ลปาว อาจารอเกว Dâu ht tinh khong khang dinh ngai khong he noi nam 唐安琪丝妍社 tương 心经全文下载 描写家乡的桥的句子 八大人覺經註 点点用心议论文 除了学习外 平时有时间也会多看看书 离开娑婆世界 lên chùa làm đám cưới 义云高世法哲言 国庆演讲稿 hỡi Cỏ 净空老法师临终遗言 linh ứng hay nhiệm mầu 心经 お位牌とは 一念心性是 หอำนาตแตตฉตตแแอตอตตปหตตตตตฅปถถถถถถคชถถถถมๅถถถถตตกปลาดต