3.- KỸ
THUẬT THIỀN
Nói
theo sách vở, thì thiền tông có nhiều điểm tương đồng
với những tôn giáo và triết học khác. Những tư tưởng
về sự nghèo khó, tự do chấp nhận và tiếp xúc với thực
tại đề cập trong chương trước, đều được tìm thấy
ngay cả trong Lão Trang, Vệ Ðàn Ðà và những trước tác của
nhiều nhà thần bí Ki Tô giáo. Mặc dù thiền có thể đi xa
hơn những hệ thống khác về những điểm này, nhưng không
có gì khác biệt căn để về phương diện kinh nghiệm tâm
linh tối hậu. Tuy nhiên về phương pháp thì thiền thật là
độc đáo. Trong khi số phận hầu hết mọi nền tín ngưỡng
là dần dần theo thời gian đã đi xa hẳn tinh thần nguyên
thủy, thì thiền trái lại có thể duy trì tinh thần ấy mãi
đến ngày nay.
Sau
hơn 1400 năm nó vẫn chưa thoái hóa trở thành triết lý suông
hay thành một hình thức tuân giữ tín điều trong khi ý nghĩa
nguyên thủy không còn được biết đến. Có hai lý do giải
thích sự bất biến này, thứ nhất là tiêu chuẩn của thiền
là một kinh nghiệm tâm linh hoàn toàn xác định không thể
lầm lẫn, thứ hai là vì những bậc thầy từ khởi thủy
đã đặt ra một phương cách truyền thừa không bao giờ có
thể được giải thích bằng tri thức, một phương cách nmà
nếu được sử dụng thì chỉ có thể đem lại một kết
quả duy nhất là kinh nghiệm tâm linh này. Hai yếu tố không
rời nhau là ngộ (Satori) và công án. Satori là một kinh nghiệm
chắc chắn do cách nó xảy đến và hậu quả của nó trên
đương sự. Ðấy là một sự đảo lộn tâm thức, hệt như
một bàn cân sẽ bật lên thình lình khi một vật nặng hơn
được đặt vào dĩa cân bên kia. Do đó ngộ là một kinh nghiệm
thường xảy đến sau một nỗ lực dai dẳng để tìm ra ý
nghĩa của thiền. Nguyên nhân gần nhất để ngộ đạo có
thể là một biến cố tầm thường, nhưng hậu quả lại được
các thiền sư diễn tả bằng những từ ngữ lạ lùng nhất.
Một thiền sư viết về kinh nghiệm bản thân như sau:
Ðấy
là một điều vượt ngoài mô tả, rất khó nói, vì không
có gì trên đời để so sánh được... Khi tôi nhìn quanh bốn
phương và trên dưới, toàn thể vũ trụ với muôn vàn đối
tượng giác quan bây giờ bỗng hoàn toàn khác lạ. Những gì
tước kia đáng ghê tởm, cùng với vô minh và dục vọng, nhìn
lại thì chỉ là tự tâm tôi tuôn phát, tâm ấy vẫn luôn
luôn chân thật và trong suốt.
Một
vị khác viết:
Những
hoài nghi và do dự trước đây bây giờ hoàn toàn tan rã như
một tảng băng dưới ánh mặt trời. Tôi la lớn: "Kỳ diệu
thay! Không có sanh tử cần phải thoát ra, cũng không có vô
thượng bồ đề cần phải đạt đến".
Có
những lối diễn đạt còn linh động hơn. Trong nhiều trường
hợp, nó giống như trung tâm vũ trụ đã được nổ tung, ngoại
giới bỗng chốc tan rã như núi băng rộng lớn tan rã. Vì
Satori là sự giải thoát khỏi tâm trạng căn thẳng thường
ngày, khỏi sự bám víu vào những ý tưởng sai lầm về sở
hữu. Toàn thể cơ cấu cứng chắc mà con người dùng để
giải thích vũ trụ theo lối thông thường bây giờ bỗng rã
rời thành mảnh vụn. Hậu quả là một cảm thức tự do vô
hạn, và bằng chứng của sự chứng ngộ chân thật là, người
nào trải qua kinh nghiệm ấy thì không còn hồ nghi về tính
toàn vẹn của sự giải thoát. Nếu còn một chút hoài nghi
nào, chẳng hạn như tự hỏi: "Lẽ nào quá đơn giản như
thế?" thì thế là Satori chưa toàn vẹn, vì nó bao hàm một
lòng mong ước bám vào kinh nghiệm ấy, sợ nó mất đi, và
khi còn ước muốn ấy thì sự chứng ngộ không thể là tuyệt
đối. Lòng mong mỏi bám giữ lấy Satori, muốn bảo đảm rằng
mình đã sở hữu nó, chính lòng mong ước ấy đã giết chết
Satori. Nhưng cảm giác chắc chắn của riêng đương sự không
đủ để chứng minh Satori; một vị thầy kinh nghiệm có thể
biết ngay môn đệ mình có còn hoài nghi nào không, trước
hết là bằng trực giác của ông ta, thứ hai là bằng cách
thử môn đệ bằng một công án.
Trong
khi Satori là thước đo của thiền, vì không có Satori thì cũng
không có thiền, thì công án chính là thước đo của Satori.
Danh từ công án nghĩa đen là một công văn, nhưng cuối cùng
nó mang ý nghĩa một vấn đề căn cứ trên hành động và
lời nói của những thiền sư nổi tiếng. Ðấy là một vấn
đề không chấp nhận giải đáp nào thuộc phạm vi tri thức,
giải đáp không có một liên hệ hữu lý nào với câu hỏi,
và câu hỏi thường thuộc loại nghịch lý không ăn nhập
gì đến tri thức. Ðây là một vài thí dụ: "Hãy chỉ ra tiếng
vỗ của một bàn tay". "Một người nuôi con ngỗng trong chai.
Nó lớn dần và không thể thoár ra ngoài chai được. Không
được đập vỡ chai cũng không được làm con ngỗng bị thương,
làm thế nào để đem nó ra?" Và câu sau đây cốt nhạo báng
những nhà duy lý Ðại thừa thường tuyên bố rằng vạn pháp
trong vũ trụ đều biểu hiện của một thực thể duy nhất:
"Vạn pháp qui về Một, vậy Một qui về đâu?". "Một người
đu mình trên cây cao chỉ với hai hàm răng cắn chặt một
cành cây, toàn thân mình, tay chân đang lơ lửng. Duới đất
có người hỏi thiền là gì. Làm sao trả lời được?".
Ðối
với những nguời Tây phương những công án trên đều vô
nghĩa. Ðìều cần chú ý là mọi công án đều đưa ta vào
tình thế nan giải, bắt buộc phải chọn lựa giữa hai trường
hợp đều không thể chấp nhận như nhau. Như thế, mỗi công
án đều phản ảnh cái công án vĩ đại của cuộc đời,
vì đối với thiền, vấn đề của sự sống chính là vượt
ra ngoài cả hai chuyện xác định và phủ định, lấy và bỏ,
vì cả hai đều chướng ngại cho chân lý. Mọi công án cuối
cùng đều đưa đến ngõ bí này. Người ta khởi sự bằng
cách cố lý luận bằng tri thức, làm như nó chứa đựng một
vài biểu tượng và ẩn dụ. Trong công án về con ngỗng, thì
ngỗng tượng trưng cho con người và cái chai là cuộc đời:
hoặc con người phải từ bỏ thế gian để tìm giải thoát,
hoặc bị nghiến nát dưới bánh xe đời. Cả hai đều là
những cách tự tử. Cần gì phải từ bỏ cuộc đời và nếu
ta để cho nó nghiền nát mình thì có lợi ích gì? Ðây là
thế nan giải mà môn đệ thiền phải đương đầu và phải
tìm lối thoát. Lúc tìm ra được chính là lúc tia chớp Satori
xuạt hiện: con ngỗng đã ở ngoài chai mà cái chai vẫn nguyên
lành. Bỗng nhiên hành giả đã thoát ra khỏi cái lao ngục
tưởng tượng do chính mình tạo tác, lao ngục đó là quan
niệm cứng đơ về cuộc đời mà y đã sáng tạo do lòng ham
muốn sở hữu. Khi được hỏi: "Làm sao tôi thoát khỏi bánh
xe luân hồi?", một thiền sư trả lời: "Ai buộc ngươi vào
đó?"
Nhiều
nhà học giả Tây phương nghĩ rằng sự tĩnh tọa trong thiền
(những nỗ lực tham công án) là một hình thức thôi miên
có mục đích đưa người ta đến trạng thái xuất thần.
Hoàn toàn ngược lại, muốn thành công với một công án,
người ta không được phép thụ động, cũng không được
mơ màng hay làm cho tâm ý tê liệt như trong trạng thái xuất
thần. Cũng như đạo đức, tri thức là một tên tớ giỏi
và một người chủ xấu. Trong khi thông lệ con người bị
kềm kẹp giữa những hình thái tư duy, thì thiền có mục
đích kiểm soát tri thức để vượt ra ngoài tri thức. Và
giống như trong trường hợp con ngỗng và cái chai, cái chai
tri thức cũng không bị phá hủy. Công án không phải là một
phương tiện đưa đến tình trạng xuất thần hôn mê, và
hôn mê không thể nào là một sự chứng đắc cao nhất mà
con người có thể đạt được. Công án chỉ là một phương
tiện để phá vỡ một rào chắn, hay như các thiền sư thường
mô tả, nó là hòn gạch dùng để gõ cửa, khi cửa đã mở
thì có thể vứt hòn gạch. Cái cửa này là hàng rào kiên
cố mà con người đã dựng lên giữa mình với giải thoát.
Khi cửa đã mở vào lúc đạt ngộ, thì không phải hành giả
rơi vào trạng thái xuất thần mà có cái nhìn mới mẻ về
cuộc đời, thấy nó đẹp tuyệt diệu.
Những
nhà phê bình Tây phương sai lầm nói trên có lẽ đã lẫn
lộn thiền chính thống với một chi phái có từ thời lục
tổ Huệ Năng. Ngài nhận xét rằng có một số người tưởng
thiền định là cứ việc ngồi yên lặng với một tâm thức
hoàn toàn trống rỗng. Những người như thế theo ngài, không
khác gì những vật vô tri như tảng đá hay khúc gỗ.
Tham
công án không phải là để luyện đức tính thụ động, ngược
lại nó bao hàm cuộc tranh đấu tâm linh cam go nhất,đòi hỏi
một tinh thần khám phá lớn lao. Một thiền sư viết:" Khi
đã nêu một công án lên trong tâm thức, thì đừng bao giờ
để cho nó tuột mất. Hãy cố đào sâu ý nghĩa công án với
tất cả nỗ lực kiên trì không lay chuyển, quyết đạt đến
đích. Ðừng đoán mò về công án, đừng tìm ý nghĩa của
nó trong văn chương. Hãy đi thẳng đến nó không dựa vào
trung gian nào". Một khi hành giả bắt đầu tham công án thì
vô số ý tưởng bắt đầu khởi lên trong tâm thức - ý nghĩa
tượng trưng, liên tưởng, giải đáp có thể và đủ thứ
tư tưởng mông lung. Tất cả những thứ này phải được
gạt bỏ không nương tay, chúng càng xen vào tâm tư thì hành
giả càng phải nỗ lực tập trung vào công án, cố gắng chọc
thủng tình trạng bế tắc mà công án đề ra. Thỉnh thoảng
vị thiền sư hỏi han về sự tiến triển của môn đệ. Khi
người này chỉ đưa ra một giải đáp có tính cách tri thức
và luận lý, thì thiền sư sẽ gạt phăng đi mà bảo phải
tham lại. Quá trình này có khi tiếp tục nhiều năm cho đến
khi cuối cùng người môn đệ đi đến một ngõ bí. Y nhận
ra rằng mọi giải đáp tri thức đều vô hiệu, y đi đến
một tình trạng ở đấy thế nan giải của cuộc đời bao
hàm trong công án trở thành một thực tại khổng lồ, một
vấn đề cấp bách đến nỗi nó đã dược so sánh với một
viên sắt đỏ rực án ngữ nơi cổ họng người ta.
Trên
bình diện triết lý, chúng ta có thể hiểu rằng vấn đề
lớn của cuộc đời là làm sao lôi con ngỗng ra khỏi chai
mà không làm chai vỡ hay ngỗng chết, làm sao tránh khỏi xác
định cũng như phủ định, làm sao giải thoát khỏi hai điều
lựa chọn đều bất khả, một là thắng lướt thế gian bằng
cách cố chiếm đoạt tất cả, hai là để cho chúng ta hoàn
toàn bị hoàn cảnh thống trị. Nhưng điều ấy không có nghĩa
rằng chúng ta sẽ nhận chân được vấn đề xem như đấy
là điều cần thiết cấp bách nhất. Sự chọn lựa là ở
giữa một đằng cố thủ lấy mình chống lại thế gian, đàng
khác là hoàn toàn tuân phục định mệnh, chối bỏ khả năng
hành động của chính mình để hoàn thành bất cứ một điều
gì. Phần đông chúng ta tránh tình trạng thứ hai và nỗ lực
một cách yếu ớt để thực hiện điều thứ nhất bằng
cách bám chặt vào những sở hữu vật lý và tâm linh của
chúng ta, dồn chứa dần dần để tích trử vào kho tàng sở
hữu. Trong khi trường hợp thứ nhất không bao giờ có thể
kiện toàn, vì chúng ta càng nắm chặt, thì đối tượng ham
muốn của chúng ta càng thoát, còn ý tưởng về trường hợp
thứ hai làm cho ta sợ như chết. Nếu chúng ta có nghĩ tới
vấn đền này, thì nó cũng chỉ mang một ý nghĩa triết lý
xa xôi như Ngày Phán Xét Cuối Cùng. Vì có khá nhiều thời
giờ giữa bây giờ và lúc đó, cho nên ta cứ hy vọng sẽ
có một giải đáp xuất đầu lộ diện. Nhưng sự tham công
án làm cho vấn đề trở thành một thực tại cấp bách, và
khi chạm đến ngõ bí, hành giả được ví như một con chuột
bị đuổi đến một lỗ cống bị bít, như một người đã
leo hết ngọn sào hay đạt tới bờ vực thẳm cố thoát khỏi
một cơn hỏa hoạn khốc liệt. Chỉ khi đạt đến tình trạng
tuyệt vọng này, những bậc thầy mới dục môn đệ phải
nỗ lực thêm. Phảilàm thế nào để vượt qua cây sào, con
chuột phải lấy hết sức bình sinh phá vỡ thành lỗ cống.
Một thiền sư nói: "Khi tiếp tục kiên trì tham cứu không
gián đoạn, ta sẽ thấy không có cái mốc tri thức nào để
bám lấy mà giải quyết công án, nó tuyệt đối không có
ý nghĩa gì, hoàn toàn vô vị vô duyên, và ta bắt đầu có
cảm giác khó chịu, mất kiên nhẫn".
Sau
một thời gian cảm giác này càng mạnh, công án trở thành
một khối bí ẩn không thể nào chọc thủng. Hành giả giống
như một con muỗi cố cắn thủng một khối sắt. Trong khi
khối sắt hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu nhỏ nhoi của
nó, thì con muỗi cũng tự quên mình và xuyên thủng qua được
như hư không. Thế là xong việc. Không có cách nào để diễn
tả giây phút ấy. Chỉ có thể bảo rằng đấy là lúc xiềng
xích của ảo tưởng đã rã rời trước áp lực mãnh liệt
của ý chí. Sự tham công án là cốt để tập trung tâm ý
và kích thích ý chí đến cao độ và trong những giai đoạn
cuối cùng, nỗ lực càng được kích thích vì công việc càng
trở nên khó khăn, Bởi thế khi nan đề cuối cùng được
đối phó, hành giả sẽ đối mặt với nó bằng tất cả
nghị lực của mình, và khi năng lực dữ dội của ý chí
gặp phải sự trơ lì của công án, giống như con muỗi gặp
khối sắt, thì ngay lúc ấy, một tia chớp Satori xuất hiện.
Hành giả bỗng thấy rằng hóa ra không có gì cả. Một thiền
sư ghi lại: "Vào lúc ấy ta không còn gì phải làm, và chỉ
còn biết bật lên một tiếng cười lớn". Phương tiện duy
nhất của chúng ta để khám phá kinh nghiệm này là ngữ lục
của các thiền sư, nghe họ kể cái cách Satori đã đến với
họ. Thiền sư Bạch Ẩn diễn tả giai đoạn sau cùng của
việc tham công án như sau:
"Khi
hành giả hoàn toàn nắm lấy công án, sẽ đến một giai đoạn
y hoàn toàn căng thẳng. Như một người trên bờ vực thẳm,
y không biết mình phải làm gì. Bỗng nhiên y thấy cả thân
tâm đều tan vào công án. Ðây là điều mà người ta gọi
là trạng thái buông xả. Khi tỉnh khỏi cơn mê và lấy lại
hơi thở bình thường, thì cũng như cảm giác của người
uống nước tự biết mát lạnh. Ðấy là một niềm vui khó
tả".
Từ
ngữ quan trọng trong lời trích dẫn này là buông xả. Vì nếu
công án tiêu biểu vấn đề lớn lao mà mỗi con người phải
đương đầu dù hữu thức hay vô thức, thì cũng hệt như
cuộc đời, công án không bao giờ có thể nắm bắt được.
Những thiền sư phân biệt hai loại mệnh đề (cú), mệnh
đề sống và mệnh đề chết. Mệnh đề chết là những mệnh
đề có thể phân tích và giải đáp hợp lý, còn mệnh đề
sống là những mệnh đề không bị hạn cuộc trong một lối
giải thích nhất định. Công án thuộc mệnh đề thứ hai,
vì nó giống như cuộc đời, vừa phù du vừa bí ẩn. Bởi
thế, khi hành giả đạt đến mức cuối cùng của sự bế
tắc để thấy ra rằng không thể nào nắm lấy công án, thì
y cũng nhận ra rằng không bao giờ nắm bắt được sự sống,
không thể nào chiếm hữu sự sống hay làm cho nó đứng yên
một chỗ để phân tích, lý giải. Bởi thế, nếu y buông
xả, và sự buông xả này cũng là chấp nhận cuộc đời như
là cuộc đời, nghĩa là một cái gì không thể biến thành
sở hữu của riêng ai, luôn luôn tự tại, tự nhiên và vô
hạn. Công án là một lối trình bày vấn đề then chốt của
cuộc đời dưới một hình thức mãnh liệt nhất. Bởi vì,
ngõ bí cuối cùng của công án, của mệnh đề sống, chính
là ngõ bí mà những người cố nắm bắt chiếm hữu bất
cứ đối tượng nào trong đời sống, luôn luôn gặp phải.
Họ chỉ nắm được xác của đối tượng, mà theo thời gian
cũng phải tàn tạ. Bởi thế, môn đệ thiền thường được
giao cho tham cứu một cái gì không thể bị giết chết bởi
định nghĩa và phân tích, phải cố nắm bắt nó khi nó đang
sống, và ngay khi nhận ra ràng không thể nào nắm bắt nó
được thì y buông ra. Trong một tia chớp, y hiểu rằng mình
quả thật đien rồ khi phủ nhận cái quyền sống của sự
vật bằng cách nắm bắt lấy chúng làm của riêng. Khi ấy,
y đạt đến sự giải thoát của tâm thức, nhờ nhận ra rằng
mọi đau khổ chính do con người cố nhốt gió vào trong chiếc
hộp, nắm giữ cuộc đời không để cho nó sống.
Dĩ
nhiên có nhiều trình độ chứng ngộ, mà muốn đạt đến
sự chứng đắc cao độ thì cần phải tham nhiều công án.
Người ta bảo có 1700 công án, và mặc dù người môn đệ
không cần thiết phải giải quyết tất cả mọi công án ấy
mới có thể hiểu thiền một cách trọn vẹn, rất hiếm khi
chỉ một công án mà thôi lại đủ để đạt thành Satori
tối hậu. Trong những giai đoạn đầu của sự tu thiền, tia
chớp chứng ngộ chỉ kéo dài vài giây, càng về sau nó càng
kéo dài hơn, cho đến khi cuối cùng hành giả có một sự
chứng ngộ quét sạch bóng dáng của hoài nghi và do dự. Có
một vài sự tương đồng giữa Satori và sự hoán cải đột
ngột trong Ki Tô giáo, William James đã đưa ra một số trường
hợp đáng chú ý về điểm này trong tác phẩm của ông nhan
đề: Những hình thái khác nhau của kinh nghiệm tôn giáo và
chúng ta có thể so sánh các trường hợp này với những pháp
thoại của thiền sư, James kể trường hợp một người nỗ
lực cầu nguyện, và mỗi khi cố kêu cầu thượng đế, y
cảm thấy có một cái gì ứ nghẹn nơi cổ họng. Cuối cùng
một cái gì ấy nói: "Ngươi hãy xưng tội đi. Vì nếu không
ngươi sẽ chết". Bởi thế, người ấy làm một nỗ lực
cuối cùng để cầu xin sự khoan hồng của thượng đế, trong
khi y vẫn bị bóp cổ. Y quyết định phải đọc cho hết lời
cầu xin dù có phải nghẹn cổ mà chết. Cuối cùng điều
y nhớ được là, thời gian đang rơi lại phía sau trên mặt
đất, cùng với bàn tay vô hình đã bóp cổ y... "Khi tôi tỉnh
dậy, trời dường như mở rộng với ánh sáng tuôn tràn. Không
phải chỉ một lúc mà suốt ngày đêm, ánh sáng tràn ngập
linh hồn tôi, tôi được đổi mới, mọi sự bỗng nhiên trở
thành mới mẻ lạ thường, tất cả đều thay đổi". James
chứng minh rằng, trong hầu hết mọi trường hợp, sự hoán
cải đột ngột thường tiếp theo sau một cảm giác tuyệt
vọng khốn khổ cùng cực, rất giống với ngõ bí tột cùng
mà thiền giả bắt gặp trước khi chứng ngộ. Ông cho rằng
Thần Học Thệ phản giáo với sự nhấn mạnh tội nguyên
thủy và sự bất lực của con người, chính là ám chỉ loại
kinh nghiệm tâm linh này. "Trong cơn buồn khổ tột độ, cái
tôi hữu thức tuyệt đối không làm gì được. Nó hoàn toàn
bị phá sản không còn biết nương vào đâu, cảm thấy không
làm được việc gì ích lợi". Kế tiếp là sự hoàn toàn
tuân phục của linh hồn trước thượng đế, điều này rất
giống cái mà thiền sư Bạch Ẩn gọi là "sự buông xả".
Một người Thệ phản ở Pháp Adolphe Monob nói về kinh nghiệm
hoán cải của ông như sau: "Từ bỏ mọi công đức, mọi thế
lực, bỏ hết tất cả tài sản riêng tư, chỉ nhận thấy
nỗi thống khổ tột cùng của tôi trước sự khoan hồng của
thượng đế... tôi cầu nguyện ráo riết như chưa bao giờ
từng cầu nguyện trong đời". Nhiều người hoán cải nói
về hậu quả của sự quy hàng tối hậu này là, nó đã đem
lại cho họ một cái gì hoàn toàn mới mẻ về cuộc đời,
dưới cái nhìn đó mọi sự đều biến đổi, tràn trề sự
vinh quang của thượng đế. Ta có thể so sánh với ngữ lục
của các thiền sư về hậu quả của Satori. Bạch Ẫn nói:
"Như uống nước, chỉ có mình biết nó nóng hay lạnh. Ðấy
là một niềm hoan lạc khó tả". Một thiền sư khác diễn
tả: "Khi tôi nhìn quanh bốn phương trên dưới, toàn thể vũ
trụ bỗng nhiên khác lạ. Những gì trước kia có vẻ đáng
ghét thì bây giờ tôi chỉ thấy nó tuôn phát từ chính mình,
từ tự tánh vẫn luôn luôn trong suốt".
Quay
về Ki Tô Giáo, chúng ta tìm thấy một điểm tương đồng
nữa do James ghi lại: "Tôi cầu xin sự khoan hồng, và bỗng
nhiên trực nhận rõ ràng có sự tha thứ và đổi mới nơi
con người tôi. Tôi đứng lên thốt lới: Mọi việc cũ đã
qua, mọi sự trở nên hoàn toàn mới mẻ. Giống như tôi đi
vào một thế giới khác, một kiếp sống khác, cảnh vật
thiên nhiên tràn đầy ánh vinh quang của thượng đế, cái
nhìn tâm linh của tôi được soi sáng, khiến tôi thấy được
vẻ đẹp trong từng mỗi vật thể của vũ trụ, rừng cây
ngân vang những tiếng nhạc trời". Các thiền sư thường có
vẻ tế nhị và dè dặt hơn khi nói đến niền hoan lạc của
đời sống mới bên trong họ. Vì một vài lý do nào đó họ
dường như không quan tâm đến điều đó như những nhà thần
bí Ki Tô giáo, và rất hiếm khi họ nói về sư say sưa mê
mẩn của mình lúc khám phá được kho tàng vô giá. Họ thường
mô tả thật rõ ràng giây phút chứng ngộ, nó dường như
rung chuyển toàn thể vũ trụ, nhưng những gì tiếp theo sự
chứng ngộ ấy thì họ chỉ nói thoáng qua. Một thiền sư
viết: "Thình lình một tiếng sấm nổ, cửa tâm thức mở
toang. Và kìa, ông già đang ngồi trong đó với tất cả vẻ
quen thuộc của ông (Phật tánh)". Sau đó họ chỉ đề cập
sự chứng ngộ của họ theo tiêu chuẩn những việc thông
thường nhất, vì mục đích của họ là cốt chỉ cho mọi
người thấy thiền là một cái gì vô cùng tự nhiên và liên
hệ mật thiết với đời sống thường nhật, trong khi Phật
là: "Ông già ngồi trong ngôi nhà quen thuộc của ông". Phật
vẫn luôn luôn ở đấy, vì nhà của ngài là sự sống thường
nhật, nhưng không ai nhận ra ngài.
Sau
đây là một ẩn dụ quen thuộc trong nhà thiền. Ðối với
những người chưa tu, thì núi chỉ là núi, cây chỉ là cây,
người chỉ là người. Sau khi đã học thiền một thời gian,
đã thấy được sự trống rỗng và vô thường của mọi
hiện tượng, thì núi không còn là núi, cây không còn là cây,
người cũng không còn là người, vì trong khi những người
phàm phu tin rằng mọi sự là thực có, thì người đã giác
ngộ một phần sẽ thấy mợi vật chỉ là giả danh (tạm
gọi), không thực chất và vô thường như mây nổi. Nhưng
đối với người đã giác ngộ hoàn toàn thì núi lại là
núi, cây là cây và người là người. Như vậy, trong khi Satori
có những đặc tính giống như sự hoán cải đột nhiên, chúng
được giải thích khác nhau. Trước hết sự hoán cải chỉ
đến với người nào hoàn toàn hợp nhất với thượng đế
bên ngoài, trong lúc Satori lại là sự nhận chân tự tánh sâu
xa nhất của chính mình. Sự hoán cải xảy đến khi có một
yếu tố bên ngoài làm thay đổi vũ trụ, trong lúc Satori là
nhìn thấy vũ trụ đúng như thực chất của nó. Trong thiền
không có ngăn cách giữa sinh diệt và bất sinh diệt, vì phàm
phu là Phật, sinh tử là Niết bàn, vô minh là giác ngộ; chỉ
tâm người làm nên sự phân biệt. "Tâm có thể biến thiên
đường thành địa ngục và biến địa ngục thành thiên đường"
(Milton).
Bởi
thế, tâm chính là chìa khóa của sự sống. Khi vô mình nó
tạo nên sự hổn độn, khi giác ngộ thì nó hiển lộ Phật
tánh. Do đó trong thiền cũng như trong mọi tôn giáo Ðông phương,
công việc cốt yếu là chế ngự tâm. Ðiều này được hoàn
thành tốt đẹp nhất qua việc tham công án, và để yểm trợ
cho công việc này các thiền sư đã phát triển một kỹ thuật
thiền định gọi là tọa thiền để giúp cho hành giả an
nghỉ thân xác, bài trừ những ý tưởng mông lung và bảo
trì năng lực thần kinh của mình để có thể dành trọn nỗ
lực cho công án. Tọa thiền có lẽ phát xuất từ Yoga của
Ấn Ðộ, vì thế ngồi cũng tương tự và hành giả phải
thận trọng chú ý thở cho đúng cách. Nhưng mục đích của
Yoga và tọa thiền khác nhau, vì các thiền sư không bao giờ
chấp nhận những trạng thái xuất thần mà Yoga xem trọng.
Các ngài nêu rõ rằng, mặc dù khi tọa thiền có thể xảy
ra những trạng thái xuất thần, nhưng chúng không phải là
mục tiêu của sự luyện tập. Trái lại các ngài tuyên bố
rằng ta không bao giờ đạt đến tuệ giác với những trạng
thái tâm thức siêu nhiên ấy, vì tâm thức người Trung Hoa
đòi hỏi một cái gì hoàn toàn thực tiển và linh động.
Ðiều này không có nghĩa tọa thiền đúng, Yoga sai, mà chỉ
có nghĩa rằng những loại tâm thức khác nhau sẽ đạt giác
ngộ theo những đường lối khác nhau, những gì đúng với
người Ấn Ðộ là sai với người Trung Hoa, vì dân xứ lạnh
hay ôn đới thường cần một cái gì hùng mạnh hơn dân vùng
nhiệt đới, nơi người ta có thề sống với mức hoạt động
tối thiểu. Mục đích của tọa thiền chỉ là để giải
tỏa cho tâm khỏi nghỉ đến thân xác, và giảm thiểu mọi
sự phân tán để có thể hoàn toàn tập trung vào một công
án đặc biệt. Những thời dành để tọa thiền trong ngày
tại một thiền viện là cốt để tập trung nỗ lực vào
một công án, mặc dù những bậc thầy khuyến cáo những môn
đệ phải luôn luôn mang công án trong tâm bất cứ lúc nào,
trong mọi công việc và hoàn cảnh. Nhưng ta nên nhớ tọa thiền
và công án tự chúng không phải là mục đích của đời sống
thiền. Chúng chỉ là hình thức thể dục tâm linh yểm trợ
cho sự phát sinh một kinh nghiệm nào đó, và khi kinh nghiệm
đã đạt được thì những phưong tiện dùng để làm phát
sinh kinh nghiệm ấy có thể bị dẹp bỏ. Vì mục đích của
thiền không phải là vĩnh viễn rời bỏ thế gian để đi
đến độc cư ở một nơi nào. Sự độc cư ấy chỉ là phương
tiện để đạt tri kiến và tri kiến ấy chỉ hữu dụng khi
hành giả thực hành hạnh Bồ tát đem lại giác ngộ cho tất
cả mọi người. Sự lầm lẫn xem tọa thiền và tham công
án là mục đích tối hậu, thì cũng như lầm ngón tay chỉ
với mặt trăng, làm hỏng mục tiêu của sự tu tập. Như lời
luận trong tranh chăn trâu:
"Khi
đã biết được điều cốt yếu không phải là bẫy hay lưới,
mà là thỏ và cá, thì khi ấy giống như vàng đã được tách
khỏi quặng, như mặt trăng ra khỏi đám mây".