2.- BÍ QUYẾT
CỦA THIỀN
Có
lần một nho sinh đi đến thiền sư để hỏi về giáo lý
Phật, vị thiền sư đã trích dẫn một lời nói của Khổng
Tử: "Các trò nghĩ rằng ta có điều gì dấu các trò chăng?
Không, ta không có điều gì dấu các trò cả". Vị thiền sư
không để cho nho sinh hỏi thêm câu nào, nên người kia bỏ
đi trong tâm trạng hoang mang và bối rối. Vài ngày sau, khi
hai người cùng đi dạo trong núi ngang qua một bụi hoa dại,
vị thiền sư quay lại hỏi: "Ông có ngửi thấy gì không?".
Nho sinh trả lời có, thiền sư bảo: "Đấy, tôi có dấu gì
ông đâu!" Nho sinh tức thì liễu ngộ. Vì nói về bí quyết
của thiền thì thật mâu thuẫn, và mặc dù những câu trả
lời của các thiền sư phần lớn đều có vẻ khó hiểu,
họ đã không che dấu chúng ta điều gì. Thiền khó hiểu chính
vì nó quá rõ ràng, chúng ta không bao giờ gặp được vì cứ
lo tìm kiếm một cái gì bí ẩn. Chúng ta ham để mắt về
phía chân trời, nên không thấy được những gì nằm ngay
dưới chân ta. Thiền sư Bạch Ẩn nói:
Tất
cả chúng sanh vốn là Phật,
Như
băng và nước vẫn là một.
Ngoài
nước không có băng,
Ngoài
chúng sanh, tìm đâu thấy Phật?
Vì
không biết đạo nằm ngay trước mắt,
Người
ta tìm nó tận đâu đâu.
Như
người ở ngay giữa dòng sông,
Mà
kêu gào xin nước uống.
Con
người thường không đủ đức bình dị để thấy những
sự việc hiển nhiên gần gũi nhất. Thiền nhận thấy những
tín đồ Đại thừa đang tìm chân lý qua kinh điển, qua những
người thánh thiện và những vị Phật, và tin rằng những
vị này và kinh điển sẽ khai thị chân lý cho họ nếu họ
sống một đời xứng đáng. Người nào tỏ vẻ khiêm tốn
nghĩ rằng tuệ giác là một cái gì quá cao siêu không đời
nào hiển lộ trong những sự vật hàng ngày, thì sự khiêm
tốn ấy chỉ là một hình thức kiêu căng vi tế. Trong thân
tâm, người kia tự cho mình rất cao siêu, phải ra khỏi thế
gian mới thấy được chân lý, và người ấy kiêu căng đến
độ chỉ đón nhận chân lý từ kim khẩu của thánh hiền
và từ thánh điển. Họ không chịu thấy chân lý ngay trong
người thường, việc thường, ngay trong chính mình, vì họ
quá kiêu căng để nhìn mình đúng như thật.
Thay
vì đi tìm chân lý, người ấy che dấu những bất toàn của
mình dưới lớp áo "công đức" và tiếp xúc với Phật qua
những chiếc mặt nạ. Ðối với thiền, thì dọn mình cẩn
thận để đi tìm chân lý ở một thời điểm vị lai, từ
một nguồn bên ngoài mình, chính là trì hoãn việc nhìn thấy
mọi sự đúng như bản chất của chúng (như thật tri kiến)
ngay trong lúc này, dù chúng tốt hay xấu. Một người không
thể thấy chân lý ngay trong chính mình, thì không một vị
Phật nào có thể khai thị cho họ. Một người không thấy
được chân lý ngay lúc này thì không hy vọng gì thấy nó
trong tương lai. Bởi thế, thiền dạy rằng, không ai có thể
tìm thấy Phật ở trong một cõi thiên đường nào, nếu họ
đã không tìm thấy Phật ngay trong chính mình, và ngay trong
chúng sinh khác. Họ đừng hòng đạt tuệ giác trong một am
cốc nào, nếu không thấy được chân lý ngay trong đời sống
hàng ngày của thế gian.
Nguyên
lý đầu tiên của Ðại thừa là mọi sự vật dù bề ngoài
có vẻ xấu xa vô nghĩa đến đâu, cũng đều là những mảnh
vụn của Phật tính, và điều này có nghĩa cần phải chấp
nhận mọi sự vật, không thể gạt bỏ một cái gì khỏi
xứ Tịnh độ, xem nó là "thế tục" tầm thường, thấp kém.
Như Thomas Kempis đã viết: "Nếu lòng người chân chính, thì
mọi sinh vật đều là những tấm gương phản chiếu đời
sống, một cuốn thánh kinh. Không có một sinh vật nào dù
hèn mọn đến đâu, mà không phản chiếu sự thuần thiện
của Thượng đế". Khi được hỏi đạo là gì, một thiền
sư trả lời: "Tâm bình thường là đạo". Tổ Bách Trượng
bảo rằng thiền có nghĩa là: "Ðói ăn, khát uống, mệt ngủ".
Một thiền sư khác cho rằng, con người tôn giáo đích thực
thì cứ sống cuộc đời mình trong mọi hoàn cảnh khác nhau
của thế gian. Người ấy sáng dậy, mặc áo đi làm việc.
Khi muốn đi thì đi, muốn ngồi thì ngồi. Người ấy không
khát khao thành Phật. Vì sao? Nguời xưa có câu rằng: "Nếu
ta nỗ lực để thành Phật, thì vị Phật ấy chính là nguồn
gốc của luân hồi sinh tử".
Nếu
mọi sự vật trong bản chất chính là đạo hay Phật tính,
thì cần gì nỗ lực để thành Phật và đạt Niết bàn? Ðối
với những người có mắt để nhìn, thì chân lý vĩnh cửu,
Phật tính hiển lộ trước mắt ta ngay bây giờ ở chỗ này,
trong chính những tư tưởng và hành động của ta, trong dòng
biến dịch đang tuôn chảy không ngừng. Bởi thế, thật phi
lý để đi tìm Phật tính xem nó như là một cái gì khác hơn
sự sống thường nhật. Tổ Huệ Năng dạy rằng, sự khác
biệt giữa một đức Phật và phàm phu là: Phật nhận chân
được Phật tính, còn phàm phu thì không. Thiền sư Bạch Ẩn
nói: "Ðất này chính là Tịnh độ, thân này chính là Phật
thân".
Bởi
thế, thiền cho rằng nỗ lực để thành Phật tức là đã
phân biệt giữa mình với Phật, ấy là nguồn gốc của ngã
chấp, nó có nghĩa là tách rời ngã ra khỏi cuộc đời, khỏi
chúng sinh khác và đây là một hình thức điên nhẹ, vì người
điên là người tự cô lập nhất trong thế giới. Bởi thế,
thiền gạt bỏ thẳng tay mọi ý tưởng ngoại lai về Phật
và Niết bàn. Nó phá vỡ không nương tay mọi khái niệm và
biểu tượng về Phật. Một thiền sư nói: "Nếu các ông muốn
hiểu thiền chính thống nghĩa là gì, thì đừng để người
khác đánh lừa; bất luận trong ông hay ngoài ông, nếu ông
gặp một chướng ngại nào thì hãy diêt nó lập tức. Gặp
Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, giết hết đừng ngần
ngại, vì đây là cách giải thoát duy nhất. Ðừng vướng
bận một đối tượng nào, hãy vượt lên trên, vượt qua
và giải thoát". Tục ngữ thiền có câu: "Ðừng chần chờ
ở nơi nào có Phật, và nơi nào không có Phật, càng nên vượt
qua cho mau". Một câu chuyện lý thú về điểm này là câu chuyện
tổ sư Ðan Hà và tượng Phật gỗ. Vào một đêm đông, Ðan
Hà tạm trú trong một ngôi chùa. Khi lò lửa lò sưởi gần
tắt, ngài đi đến bàn thờ Phật lấy xuống một pho tượng
gỗ bỏ thêm vào lò sưởi. Khi hay chuyện, vị chủ chùa trách
cứ Ðan Hà về tội bất kính. Ðan Hà làm bộ bới tìm đống
tro mà nói:
- Tôi
đang nhặt xá lợi đây.
Vị
chủ chùa ngạc nhiên hỏi:
- Làm
sao ngài nhặt xá lợi được từ một cái tượng gỗ.
Ðan
Hà trả lòi:
- Nếu
không có xá lợi thì dĩ nhiên đây không phải là Phật và
tôi cũng chẳng mang tội bất kính. Vậy thì ngài hãy cho tôi
xin nốt pho tượng còn lại để sưởi chứ?
Thiền
bởi thế là pháp tu trực tiếp nhất, gạt bỏ mọi trợ duyên
cho tín ngưỡng vì dễ đưa người ta đến chỗ hoang mang.
Kinh điển chỉ có lợi ích khi được xem như những cậy gậy
chống, và những thiền sư thường ví nó với ngón tay chỉ
mặt trăng. Chỉ có người điên mới cho ngón tay là mặt trăng.
Thiền được tóm tắt như sau:
Bất
lập văn tự,
Giáo
ngoại biệt truyền.
Trực
chỉ nhân tâm,
Kiến
tánh thành Phật.
(Ðặc
biệt truyền thừa sự giác ngộ không lệ thuộc kinh điển,
không dựa vào ngôn ngữ, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh
thành Phật).
Nhưng,
trong khi chúng ta có thể hiểu rằng chân lý thiền quá rõ
ràng, nó ở ngay trước mắt ta mọi lúc, điều ấy cũng không
giúp chúng ta bao nhiêu. Dường như không có gì đặc biệt
trong đời sống thường nhật. Không có gì trong sự ăn cơm,
mặc áo, rửa tay chứng tỏ về Niết bàn và Phật tính cả.
Nhưng, khi một vị sư hỏi Triệu Châu rằng đạo là gì, thì
ngài đáp đời sống thường ngày chính là đạo. Vị sư lại
hỏi làm thế nào để sống hợp với đạo, thì Triệu Châu
trả lời: "Nếu muốn sống hòa hợp với đạo, thì sẽ xa
đạo". Bởi vì sự sống, ngay trong những loạt biến cố tầm
thường hàng ngày là một cái gì không thể nắm bắt và định
nghĩa. Không bao giờ nó ở nguyên trạng dù chỉ trong chốc
lát; chúng ta không bao giờ có thể làm cho sự sống đứng
yên để phân tích và định nghĩa. Nếu chúng ta cố suy nghĩ
về tốc độ của thời gian đang trôi và tốc độ của sự
biến chuyển nơi sự vật, thì tâm thức chúng ta bị đặt
vào trong một cơn lốc, vì đấy là tốc lực không bao giờ
có thể đo tính. Chúng ta càng cố gắng nắm lấy thời gian
hiện tại, cố giữ lại một cảm giác khoái lạc, hay cố
định nghĩa một cái gì bằng một lối ổn thỏa cho tất
cả mọi thời, thì thực tại càng tuột khỏi tầm tay chúng
ta.
Người
ta thường bảo rằng định nghĩa là giết chết, và nếu ngọn
gió phải dừng lại một giây để cho chúng ta nắm bắt và
định nghĩa nó, thì nó không còn là gió nữa. Cuộc đời
cũng như thế. Mọi sự vật và biến cố vĩnh viễn di động
và biến dịch. Chúng ta không thể nắm bắt giây phút hiện
tại để giữ nó ở lại với chúng ta, không thể gọi lại
thời gian hay giữ mãi một cảm giác. Khi chúng ta cố làm việc
ấy, thì chúng ta chỉ có một hoài niệm đã chết, thực tại
không có ở đấy và chúng ta không thể nào thoải mái. Nếu
bỗng chốc ta thấy mình hạnh phúc, và cố nghĩ cách duy trì
hạnh phúc ấy bao nhiêu thì càng thấy nó qua nhanh bấy nhiêu.
Chúng ta cố định nghĩa hạnh phúc để có thể tìm lại nó
mỗi khi cảm thấy đau khổ. Một người nghĩ rằng: "Tôi hạnh
phúc vì tôi đang ở đây. Bởi thế đối với tôi hạnh phúc
có nghĩa là đến ở nơi nầy". Lần khác, người ấy đau
khổ và đang cố áp dụng kinh nghiệm lần trước, nhưng đến
nơi cũ thì chỉ còn cái hoài niệm đã chết về hạnh phúc,
định nghĩa trước của y không còn đúng nữa. Bởi vì hạnh
phúc cũng giống như những con chim xanh Maeterlink, khi cố bắt
chúng thì chúng mất hết màu sắc; cũng như khi cố lấy nước
bằng bàn tay, càng nắm chặt nước cầng chảy mau qua các
kẽ tay. Khi được hỏi đạo là gì, một thiền sư đã trả
lời: "Bước mau lên!" vì chúng ta chỉ có thể hiểu được
đời sống khi ta đuổi kịp nó, gật đầu với nó và chấp
nhận những biến chuyển đổi thay bất tận của nó. Do sự
chấp nhận ấy mà môn đệ thiền luôn luôn có một cảm thức
ngạc nhiên bén nhạy, vì mọi sự luôn luôn đổi mới.
Vũ
trụ bắt đầu tạo dựng ngay bây giờ, vì mọi sự ngay trong
phút này mới được sinh ra, vũ trụ cũng chấm dứt ngay bây
giờ, vì mọi sự ngay trong giây phút hiện tại đang chết.
Thiền là một trực giác bén nhạy về sự vật khi chúng đang
sống và biến chuyển, khác với sự nắm bắt ý tưởng và
cảm giác về sự vật, những biểu tượng chết của một
thực tại sống. Thiền sư Takua (Đạt Quán) nói về nghệ
thuật đánh kiếm, một nghệ thuật chịu nhiều ảnh hưởng
của thiền, như sau: "Thái độ tâm thức không can thiệp là
yếu tố cốt tủy trong nghệ thuật đấu kiếm cũng như trong
thiền. Nếu có một kẽ hở nào dù chỉ bằng tơ tóc giữa
hai động tác, thế là thua ngay". Nghĩa là sự giao tiếp giữa
biến cố và phản ứng của tâm trước biến cố, không dược
để cho gián đoạn vì suy nghĩ. Ông nói tiếp: "Khi hai tay vỗ
vào nhau thì âm thanh tự nhiên bộc phát không có một lúc
chần chờ. Âm thanh không đợi để suy nghĩ trước khi phát
ra. Ở đây không có thời gian xen vào giữa, động tác này
tiếp theo động tác khác không bị gián đoạn bởi ý thức.
Nếu ta chia trí và suy nghĩ nên làm cái gì khi thấy đối phương
sắp đánh mình tức là ta đã để cho đối phương một dịp
may quật ngã mình. Hãy để cho sự chống trả tiếp theo sự
tấn công không gián đoạn, khi ấy sẽ không có hai động
tác tách biệt được gọi là tấn công và chống trả. Nếu
sự tấn công là ngoại giới hay cuộc đời, và sự chống
trả là phản ứng của ta trước cuộc đời, thì điều này
có nghĩa là sự phân biệt giữa ngã và cuộc đời bị phá
hủy; ngã chấp biến mất khi sự tiếp xúc giữa hai bên có
tính cách đồng thời đến độ chúng cùng biến chuyển một
lúc, cùng theo một nhịp độ. Thiền sư Đạt Quán nói thêm:
"Tính cách lập tức của động tác nơi ta sẽ chấm dứt bằng
sự tự bại của đối phương. Nó giống như một con thuyền
lướt xuôi dòng thác. Trong thiền cũng như trong nghệ thuật
đánh kiếm, một tâm thức không do dự không gián đoạn, không
có trung gian là điều tối cần. Bởi thế trong thiền thường
hay nói đến một làn chớp hay những tia lửa lóe ra từ sự
cọ xát hai viên đá lửa. Nếu ai hiểu điều này có nghĩa
là nhanh chóng tức là lầm to. Nó chỉ có nghĩa là sự đồng
thời của động tác, sự di chuyển không gián đoạn của
năng lực sống".
Cũng
như khi ta nghe nhạc, nếu ta dừng lại để xem xét phản ứng
tri thức và cảm xúc của ta trước một bản hòa âm khi nó
đang được chơi, để phân tích cấu tạo của một nhạc
khúc, hay để nhẩm lại một đoạn đặc biệt nào đó, thì
toàn thể bản nhạc sẽ không dược nghe một cách trọn vẹn.
Muốn nghe trọn vẹn khúc hòa âm ta phải để hết tâm trí
vào sự tuôn chảy của dòng nhạc ngay khi nó đến và đi,
giữ tâm thức mình luôn luôn theo nhịp điệu của nhạc. Suy
nghĩ về những gì đã qua, thắc mắc về những gì sắp đến,
phân tích động tác của nó trên tâm mình, là đã gián đoạn
bản hòa âm, để trôi mất thực tại. Toàn thể sự chú ý
phải hướng về về khúc hòa âm và phải quên mình đi. Nếu
có một nỗ lực hữu thức nào để tập trung vào khúc hòa
âm, thì tâm thức đã bị dẫn xa bởi cái ý tưởng về chính
mình đang cố tập trung tư tưởng. Ðấy là lý do tại sao
Triệu Châu bảo vị sư rằng nếu y cố sống hòa hợp với
đạo thì y sẽ xa đạo. Thiền còn đi xa hơn cái việc bảo
con người phải lắng nghe hòa âm thay vì suy nghĩ về phản
ứng của mình đối với khúc hòa âm ấy, vì khi bảo một
người nào dừng suy nghĩ tức đã làm cho họ nghĩ về sự
dừng suy nghĩ. Cho nên, thiền áp dụng phương pháp tích cực
là nhấn mạnh khúc hòa âm của cuộc đời. Mọi lời bàn
về nỗ lực hòa hợp tâm thức với đời sống sẽ bày thêm
một khái niệm về cái tôi đang nỗ lực, và do đó lôi sự
chú ý của người ra khỏi hiện thực cuộc đời. Chính thực
tại cuộc đời là cái mà các thiền sư muốn chỉ cho ta;
họ chỉ cho ta chứ không xác định hay phủ định gì về
nó. Bởi thế, một thiền sư nói với môn đệ: "Hãy chỉ
cho ta yếu nghĩa của thiền mà không xác định cũng không
chối bỏ. Phải nói thật nhanh, không thì ba chục hèo!". Người
môn đệ không có thì giờ dừng lại để suy ra một câu trả
lời; vị thầy bắt buộc phải trả lời lập tức và tự
nhiên như chính sự sống đang chuyển động.
Một
thiền sư nhóm họp đồ chúng rồi đưa lên một cây gậy
và hỏi: "Các ông có thấy cái này không? Nó là cái gì? Nếu
các ông bản nó là một cây gậy thì không khác gì một người
thường, có gì là thiền? Nhưng nếu các ông bảo chúng tôi
không thấy cây gậy nào cả thì tôi bảo rằng, ta đang cầm
đây, làm sao các ông chối bỏ được sự kiện ấy?"
Một
thiền sư hỏi môn đệ: "Có lần một thiền sư hỏi Qui Sơn,
ý Ðạt Ma qua Trung Hoa là gì, Qui Sơn đưa cây gậy lên. Ông
hiểu thái độ của Qui Sơn như thế nào?" Người môn đệ
trả lời: "Ý của vị Tổ Sư là khải thị chân lý bằng
phương tiện một thực tại khách quan". Vị thầy bảo: "Ngươi
hiểu như vậy cũng đúng. Nhưng cần gì phải lý luận như
thế!". Khi ấy người môn đệ hỏi: "Vậy thì thầy hiểu
như thế nào?" Vị thầy lẳng lặng đưa cao tích trượng của
ông lên.
Một
hôm tổ Bách Trượng đặt một cái bình trước hai môn đệ
và bảo: "Ðừng gọi đây là một cái bình, nhưng phải nói
cho ta biết nó là cái gì?" Một môn đệ trả lời: "Không
thể gọi nó là một thanh gỗ". Tổ Bách Trượng cho rằng
câu trả lời ấy không được, nên hỏi người kia, và để
trả lời, vị môn đệ thứ hai tiến tới đá đổ bình nước
rồi bỏ đi. Kết quả Bách Trượng truyền pháp cho vị này
thừa kế.
Với
cách ấy, những thiền sư đưa tâm thức của môn đệ mình
trực tiếp với cuộc sống, với quá trình luôn luôn di động
chuyển biến, mà cũng chính là Phật tính hiển lộ thường
trực. Biết được Phật tính chính là biết sự sống miên
viễn tách biệt với những ngăn cách do ngã chấp, xem cái
tôi như một thực thể tách biệt khỏi cuộc đời, chỉ chú
trọng những phản ứng riêng tư của mình trước thực tại
xem như mình là một cái gì tách biệt với thực tại. Ðức
Phật dạy rằng nguyên nhân sự điên đảo này chính là khát
ái (tanha) thường dịch lầm là dục vọng, nhưng danh từ tanha
nghĩa đen là cơn khát, nghĩa là khát ái đối với sự sống.
Trong giáo lý đức Phật, nó có nghĩa là sự khao khát đời
sống kể như một thực thể biệt lập, như một người đứng
ở ngoài xem xét những hậu quả mà cuộc sống sẽ đem lại
cho mình. Ngoài hậu quả nầy y không có một nhận thức nào
về cuộc sống, y chưa từng sống một cách thực thụ.
Trở
lại với tỷ dụ nghe nhạc, người ấy giống như kẻ bận
tâm quá độ về những cảm giác của mình đối với nhạc
khúc đến nỗi y chỉ nghe nhạc với nửa người của y, vì
trong khi y suy nghĩ về những hậu quả của nhạc khúc đầu
tiên, thì ban nhạc đã chơi nhiều nhạc khúc khác mà y hoàn
toàn không nghe được. Trong khi những nhà tư tưởng Ðại
thừa xét những vấn đề này trên phương diện tri thức,
lưu tâm đến ý tưởng hơn là thực tại, thì trái lại thiền
vượt ngoài mọi tư duy lý luận. Khi được hỏi về ý nghĩa
tối hậu của đạo Phật, thiền trả lời: "Cây bách trước
sân", "bụi tre dưới đồi" v.v... nghĩa là bất cứ gì đưa
tâm thức trở về, từ tư duy trừu tượng đến thực tại
cuộc sống.
Một
điểm đặc biệt quan trọng khác của thiền có thể gọi
là "sự nghèo nàn về tâm linh". Hầu hết mọi hình thức tôn
giáo đều nhấn mạnh sự nghèo khó và xem của cải là chướng
ngại cho tiến bộ tâm linh, nhưng trong khi thiền sư dĩ nhiên
không có của cải vật chất nào đáng kể, họ giải thích
sự nghèo khó theo nghĩa tâm lý hơn là vật lý. Thông thường
để định nghĩa sự sống, người ta phải xác định (về
người, vật, hay tư tưởng), rằng "cái này là của tôi".
Nhưng vì sự sống vĩnh viễn tuôn chảy, nên mỗi khi chúng
ta tưởng mình sở hữu một cái gì, thì ta đã đánh mất
nó. Chúng ta chỉ sở hữu độc một ý tưởng của riêng ta
về đối tượng mà ta ưa muốn - một ý tưởng có khuynh hướng
cố định, không chịu lớn theo đà phát triển của sự vật.
Một thói đặc biệt của người bị ám bởi lòng tham chiếm
hữu đối với vật chất hay tư tưởng, là muốn cho mọi
sự vẫn y nguyên. Không những họ muốn tài sản tiếp tục
ở trong tay họ, mà họ còn muốn nó đừng biến đổi. Có
những nhà thần học và triết gia tỏ ra vô cùng lo lắng nếu
có ai hoài nghi những tư tưởng của mình về vũ trụ, vì
họ tưởng tượng trong lý thuyết của mình đã chứa đựng
chân lý tối hậu và mất lý thuyết thì cũng như mất chân
lý.
Nhưng
chân lý vốn linh hoạt, không bị trói buộc bởi bất cứ
gì thiếu sự sống, nghĩa là một khái niệm bất biến. Một
khi chúng ta tưởng đã nắm được chân lý cuộc đời thì
chân lý đã tan biến. Chân lý không thể trở thành sở hữu
của riêng ai, bởi vì chân lý chính là sự sống, và người
nào nghĩ rằng mình sở hữu tất cả sự sống thì thật là
phi lý. Một phần không thể sở hữu toàn bộ. Trang Tử kể
câu chuyện sau đây: "A hỏi B, người ta có thể lấy đạo
làm của riêng không. B trả lời, chính ngay xác thân ông cũng
không phải của ông, thì làm sao đạo lại là của ông được?
A nói, nếu thân tôi không phải là của tôi thì của ai? B
trả lời, đó là một hình ảnh đại biểu cho đạo. Ðời
ông không phải của ông, nó đại biểu cho sự hòa điệu
của đạo. Cá tính ông không phải của ông, nó đại biểu
cho sự thích nghi của đạo. Ông sống mà không hiểu thế
nào, ông chết mà không biết vì sao, tất cả đều là vận
hành của đạo. Thế thì làm sao ông có thể lấy đạo về
cho riêng mình?"
Không
ai có thể chiếm hữu cuộc đời; cũng thế không có một
tư tưởng nào cho con người nắm lấy để định nghĩa cuộc
đời; cho rằng mình đã nắm được bí quyết sự sống chính
là ảo tưởng. Nếu sự sống đã không bao giờ có thể nắm
bắt, thì làm sao có thể hiểu được? Bằng cách nào ta có
thể biết được chân lý nếu không thể định nghĩa chân
lý là gì? Thiền trả lời, bằng cách đừng cố nắm bắt
hay định nghĩa nó. Ðấy là lý tưởng vô trú của Phật giáo
hay vô vi của Lão Trang. Chẳng những ta không bao giờ sở hữu
được cái gì, mà theo Phật giáo và Lão Trang, người cố
chiếm hữu là kẻ bị ám, là những tên nô lệ cho ảo tưởng.
Giải thoát là có thể an nhiên tự tại như chính cuộc đời,
là làm một cơn gió bay đâu cũng được, người ta nghe tiếng
gió nhưng không biết được gió từ đâu đến và sẽ đi
đâu. Chúa Jésu bảo đấy là một con người sinh từ Ðấng
thánh linh. Nhưng vô trú không có nghĩa là chạy trốn thực
tại để ẩn trong một am cốc thanh tịnh nào, vì chúng ta
không bao giờ có thể thoát khỏi những ảo tưởng của mình
về cuộc đời, chúng ta vẫn mang chúng theo mình, và mong thoát
ly ảo tưởng lại là một ảo tưởng khác. Bởi vì dù có
thái độ hài lòng hay sợ hãi đối với những ảo tưởng
của mình, chúng ta đều bị chúng ám ảnh, do đó vô trú của
Phật giáo hay vô vi của Lão Trang không phải là chạy trốn
cuộc đời mà tùy thuận theo nó. Giải thoát chỉ xảy đến
khi chúng ta hoàn toàn chấp nhận thực tại. Những người
nuôi ảo tưởng đều là những người không chịu di chuyển;
những người sợ ảo tưởng là những người chạy giật
lùi về những ảo tưởng lớn hơn, trong khi những người
chinh phục được ảo tưởng thì tiếp tục bước tới.
Sự
nghèo nàn của môn đệ thiền tông bởi thế là khía cạnh
tiêu cực của giải thoát; vị ấy nghèo vì tâm không vướng
những ham muốn vật chất và tri thức. Tâm trạng này là sự
thể nghiệm lý thuyết tánh không (Sunyata) của Ðại thừa,
sự trống rỗng của mọi hiện tượng. Không gì có thể nắm
bắt được (vô sở đắc) vì mọi sự đều trống rỗng (không),
cũng không có một cái gì làm chủ sự nắm bắt vì ngã cũng
là không. Bởi thế kinh Viên Giác dạy, tất cả các pháp hữu
vi như mây nổi, như trăng tàn, như bóng tàu trên đại dương,
như bờ cát luôn bị nước cuốn, và những thiền sư vì đã
nhận được sự mong manh của ngã và pháp nên không còn bám
víu vào những thứ ấy. Theo kinh Pháp Cú họ là những người
"không sở hữu một vật gì, những người đã giải thoát
nhờ hiểu được sự trống rỗng của vạn pháp. Ta không
thể biết hành tung của những vị ấy, cũng như không thể
theo dõi dấu chim bay".
Vì
đời sống thiền không di động trong hoen rỉ, là sự phóng
khoáng của tâm linh không bị ràng buộc bởi những hoàn cảnh
ngoại giới và ảo tưởng tâm thức. Bản chất chân thật
của thiền không thể được mô tả bằng lời mà chỉ có
thể hiểu bằng so sánh. Nó như ngọn gió lướt trên mặt
đất không dừng lại nơi nào, không vương vấn vật gì, mà
luôn luôn thích nghi với sự lên xuống của mặt đất. Nếu
sự so sánh này làm cho người ta tưởng thiền là một chủ
nghĩa buông trôi, mơ mộng, thì ta nên nhớ đấy không luôn
luôn là một cơn gió nhẹ nhàng như Lão Trang vào thời suy
đồi, mà là một cơn lốc dữ dội quét sạch mọi sự vật,
một ngọn cuồng phong băng giá đi thẳng vào trọng tâm của
cuộc đời, đâm suốt qua tim.
Sự
giải thoát, thái độ nghèo nàn trong thiền chính là từ bỏ
mọi sự mà tiến lên, vì sống phải là như vậy, mà thiền
là tôn giáo của sự sống. Những thiền sư thường bảo các
môn đệ hãy quên hết mọi sự đã học trước kia khi bước
vào cửa thiền, hãy quên hết những kiến thức của họ về
Phật giáo vì chính đức Phật cũng dạy, giáo lý của ngài
như chiếc bè để qua sông, khi lên bờ thì hãy bỏ bè lại.
Nhưng nhiều môn đệ của ngài đã xem chiếc bè như bờ bên
kia. Khía cạnh "từ bỏ tất cả" trong thiền, nói một cách
tích cực, lại là đưọoc tất cả. "Người nào từ bỏ cuộc
đời của mình thì sẽ sống". Giáo sư Suzuki nhận xét rằng,
trong khi một vài thiền sư ưa nói đến sự nghèo nàn, thì
những vị khác lại nhấn mạnh thái độ hỷ túc đối với
mọi sự. Một thiền sư nói:
Năm
ngoái chưa đủ gọi nghèo,
Năm
nay mới thật nghèo.
Năm
ngoái không đất cắm dùi,
Năm
nay cái dùi cũng không có.
Thiền
sư Vô Môn lại nói:
Mùa
Xuân có trăm hoa,
Mùa
Thu có trăng tỏ.
Mùa
Hè có gió mát,
Mùa
Ðông tuyết trắng rơi.
Hãy
tống khứ hết ý tưởng bá láp ra khỏi đầu ngươi,
Thì
sẽ thấy mùa nào cũng vô cùng tuyệt diệu.
Thiền
sư đón nhận sự biến chuyển của bốn mùa, cũng như chấp
nhận sanh, già, bệnh, chết; không luyến tiếc dĩ vãng, cũng
không lo sợ tương lai. Người học thiền được tất cả
vì chấp nhận tất cả: thông thường, càng nhiều sở hữu
thì càng nhiều mất mát. Lại nữa, chiếm hữu vật gì tức
là phủ nhận cái quyền sống và biến dịch của vật ấy.
Bởi thế, sự mất mát độc nhất trong thiền chỉ là mất
sự phủ nhận ấy.
Qua
những trình bày trên, học giả Tây phương sẽ đặt câu hỏi:
"Thế thì luân lý, đạo đức đứng ở đâu trong đạo thiền?"
Mọi tôn giáo đều có quy điều đạo đức và đức Phật
tóm tắt giáo lý của ngài như sau:
Dứt
làm các điều ác,
Siêng
làm các hạnh lành.
Giữ
tâm ý thanh tịnh,
Là
lời chư Phật dạy.
Người
ta có thể tự hỏi, phải chăng có một mối nguy trầm trọng
khi thiền chấp nhận tất cả mọi sự xấu cũng như tốt
xem như biểu hiện của Phật tính, vì nếu thế thì người
ta có thể biện minh cho bất cứ hành động nào. Quả thế
đây là một trở ngại mà các thiền sư phải đương đầu.
Những môn sinh thiếu trưởng thành thường lấy sự phá chấp
của thiền để biện minh cho nếp sống phóng dật buông lung,
và chính vì lý do này các thiền viện thường có một thanh
quy nghiêm nhặt. Giải pháp cho khó khăn này là, đừng để
ai học thiền khi họ chưa thuần thục kỷ luật đạo đức.
Trong khi đạo đức không phải là kỷ luật tôn giáo, nó vẫn
có thể đưa con người đi được một đoạn đường tiến
đến mục đích. Ðạo đức không thể đi trọn con đường,
vì thường cứng ngắc, có tính cách tri thứ và giới hạn.
Thiền bắt đầu ở chỗ đạo đức không còn áp dụng. Ðồng
thời đạo đức chỉ có giá trị khi nó được công nhận
làm phương tiện đạt đến cứu cánh; đạo đức là một
tên tớ giỏi, nhưng lại là một ông chủ kinh khủng. Khi sủ
dụng đạo đức như một tên tớ thì nó có thể làm con người
thích nghi với xã hội, dễ dàng hòa hop với bạn bè, và nhất
là nó cho con người tự do để phát triển tâm linh. Nhưng
khi đạo đức biến thành ông chủ,thì con người trở thành
những kẻ cuồng tín lệ thuộc vào bọ máy quy ước đạo
đức. Khi xem đạo đức như phương tiện để đạt đến
cứu cánh, nó giúp cho xã hội có thể sống còn bảo đảm
con người khỏi bị đồng loại cản trở, và nếu đạo đức
không đem lại trí tuệ tâm linh, thì ít nhất cũng đem lại
tự do cần thiết để phát triển tâm linh.
Một
khu vườn phải có trật tự để những cây nhỏ và hoa không
hại nhau, nhưng vẻ đẹp của khu vườn không phải ở nơi
trật tự ấy, mà ở nơi những cây cối trật tự ấy mà
được tăng trưởng. Và cũng như khu vườn cần được vun
xới hoạch định trước khi trồng hoa, quy luật đạo đức
cũng phải thuần thục trước quy luật tâm linh, vì cũng như
những cây hoa có thể hại lẫn nhau, những môn đồ tâm linh
cũng có thể trở thành những kẻ phóng dật. Tuy nhiên đạo
đức trong ý nghĩa một phương tiện để thích nghi với xã
hội, tự nó không đủ chuẩn bị cho đạo thiền. Cần có
một cái gì mạnh hơn nếu năng lực tâm linh muốn được
phát triển tự do, mà đấy chính là kỷ luật tự giác. Ðức
tính này thường rất hiếm thấy trong xã hội loài người,
mặc dù không có xã hội nào có thể tồn tại lâu dài nếu
không có tự giác và sự trường cữu của nền văn minh Trung
Hoa so với Cổ Hy Lạp, chính là nhờ Phật giáo và Khổng giáo
đều nhấn mạnh sự tự giác kỷ luật một cách nghiêm nhặt.
Bởi thế, một thiền sư luôn luôn bắt môn đệ phải qua
một thời gian gắt gao trước khi học thiền. Sự luyện tập
này được gọi là "nuôi lớn Thánh thai" (trưởng dưỡng Thánh
thai). Có nhiều mẩu chuyện về những kỷ luật mà các thiền
sư đã tự buộc mình trong những giai đoạn đầu cuộc đời
tu tập, làm sao họ đã hoàn toàn khắc phục được những
tư tưởng và cảm xúc của mình, làm sao họ đã tập kiên
gan cùng sương tuyết trong những ngôi chùa đổ nát không có
mái, có thể trông thấy sao trời lấp lánh về đêm.
Có
một loại tranh về Thập mục ngưu đồ (mười giai đoạn
chăn giữ con trâu tâm linh) chứng minh điểm nầy. Công việc
liễu đạo thiền được trình bày dưới ẩn dụ một người
đuổi bắt và chăn giữ một con trâu tượng trưng cho tâm.
Có mười bức tranh trình bày con trâu bị theo dõi, bị bắt
và kềm chế cho đến khi nó thuần thục chịu để cho người
cưỡi về nhà. Khi ấy con trâu quên mất, chỉ còn người
chăn trâu ngồi yên lặng trong chòi. Bức tranh kế tiếp chỉ
có một vòng tròn trắng nhan đề "Trâu và người đều mất
dấu", mọi ảo tượng đã bị đánh tan và toàn thể vũ trụ
khách quan chỉ là sự trống rỗng. Nhưng đây chưa phải là
tất cả, bởi vì, mặc dù người môn đệ đã nhận chân
được tính cách phù du của mọi hiện tượng, y vẫn chưa
trực tiếp xúc chạm với chính cuộc đời, y thấy mọi sự
là ảo ảnh, nhưng chưa nhận chân được Phật tính căn để
trong đó. Bởi thế, bức tranh kế tiếp được gọi là "Trở
về nguồn cội" trình bày một vài tia lá cỏ bên cạnh một
dòng suối trong, trong khi ở bức tranh cuối cùng chúng ta thấy
những vị Bồ tát truyền thông cho mọi người những gì ngài
tìm được dưới hình thức một vị thần đem lại may mắn
đi vào đô thị với đôi tay ban pháp lành. Trong bức tranh
thứ năm trình bày con trâu đang được dẫn về, có bài thơ
kèm theo:
Ðừng
bao giờ tời roi và thừng,
Trâu
sẽ đi lạc vào nơi ô uế.
Ðến
khi con trâu đã thuần,
Nó
ngoan ngoãn theo ta không cần giữ.
Khi
tâm thức đã hoàn toàn được chế ngự, có những thói quen
thích đáng, thì có thể bỏ những hạn chế bắt buộc, nhưng
chỉ khi đạt tới bức tranh cuối cùng con người mới có
thể bước đi một mình không cần theo dấu thánh hiền ngày
xưa. Vị ấy có thể xách giỏ đi vào trong chợ, chống gậy
về nhà, chung đụng với những kẻ hàng thịt, rượu chè
mà làm cho tất cả mọi người cùng hướng về Phật giáo.