4.- ÐỜI
SỐNG TẠI THIỀN VIỆN
Hành
động đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành
lập một Tăng đoàn gồm những khất sĩ không nhà, những
hiền nhân rày đây mai đó, những người từ bỏ tất cả
để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý. Họ sống bằng
cách xin ăn từ những cư sĩ, và sở hữu của họ không có
gì ngoài y bát, một gốc cây và một tảng đá. Từ khởi
thủy, họ không phải là những nhà khổ hạnh tự hành xác
để sám hối; họ không xem lối sống đơn giản tự nó là
cứu cánh mà chỉ là phương tiện để giải thoát những phiền
toái hàng ngày để có thể tập trung toàn lực vào công việc
quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình để giúp ích
cho người.
Không
bao lâu sau khi Phật niết bàn, những khất sĩ không nhà này
bắt đầu nhóm họp thành những đoàn thể Tăng già và dần
dần con số khất sĩ tăng lên nhanh chóng. Những tòng lâm bắt
đầu mọc lên khắp nơi ở Ấn Ðộ, lan tràn đến Tích Lan,
Tây Tạng và Trung Hoa, và cho đến ngày nay, đoàn thể Tăng
già có mặt khắp vùng Ðông Á, trong quần đảo Hạ Uy Di,
và cả ở miền Tây Mỹ quốc, cùng một màu y vàng quen thuộc
và bát khất thực từ nhà này đến nhà khác.
Khỏi
phải nói, Phật giáo cũng không thoát khỏi bất cứ tệ đoan
nào của chế độ tu viện. Lý tưởng nguyên thủy của một
vị tỳ kheo rất cao cả; nhiệm vụ xã hội của vị ấy là
làm một người "hướng đạo, triết gia và bạn lành" cho
quần chúng nơi họ sống. Bởi vì, nguyên tắc của Phật giáo
là kính trọng mọi sự trong vũ trụ, nên vị tỳ kheo thường
rất thận trọng trong việc sử dụng mọi vật dụng người
ta cung cấp để khỏi lạm phí bất cứ thứ gì. Trên nguyên
tắc, vị tỳ kheo phải mặc y phục bằng vải vụn người
ta vứt đi, và khi những tấm y này rách, thì vẫn còn có thể
dùng nó để lau chùi. Mọi sự vật đều có giá trị, không
được khinh thường một cái gì, không được vứt bỏ một
cái gì nếu còn có thể dùng được. Nhưng nếu một cơ sở
Tăng già duy trì chế độ khất thực, muốn giữ sự trong
sạch nguyên thủy lâu dài, thì những tu sĩ phải là những
người đã đạt đến trình độ phát triển tâm linh rất
cao, mà những vị này lại rất hiếm. Trong khi đó, không thiếu
gì những tu sĩ đã trở thành những người lười biếng suy
đồi, sống bám vào đoàn thể như những ký sinh vật lợi
dụng sự mê tín của quần chúng ngu si. Tu viện trở nên giàu
có, đầy những tặng vật của vua chúa và thương gia, cho
đến khi nhà của tu sĩ "dưới gốc cây, trên tảng đá" ở
nhiều nơi đã trở thành lâu đài nguy nga tráng lệ. Giẻ rách
đã trở thành những y phục lụa là sặc sở, trong khi viện
trưởng các tu viện lại mang tất cả kiểu cách và cả đến
uy thế của những nhà cai trị thế tục. Nhưng sự phát triển
này không phải là những điều lợi của nó, vì tài sản
gia tăng của các đoàn thể Tăng già đã giúp cho họ hoàn
thành những công trình mỹ thuật vĩ đại vốn là sở trường
của óc tưởng tượng và năng khiếu biểu tượng trong Phật
giáo.
Vào
thế kỷ thứ 6, tu viện Phật giáo ở Trung Hoa đã đi đến
một giai đoạn phát triển cao độ. Sử chép rằng có những
tu viện chứa đến trên ngàn tu sĩ, như những tu viện khổng
lồ ngày nay ở Tây Tạng và Mông Cổ. Nhiều tu viện giống
như cả một đô thị. Từ nguyên thủy, các vị tổ thiền
tông đã quy tụ những đoàn thể này, và đem lại một đời
sống mới cho chế độ tòng lâm. Sự phát triển của tập
đoàn thiền viện như ngày nay ta thấy, có nguồn gốc từ
thời đại tổ sư Bách Trượng viên tịch vào năm 814. Bách
Trượng thấy cần phải xây đựng những tu viện khác với
những loại đã có từ trước, ở đây đoàn thể Tăng già
thường sống một đời trầm mặc xa rời thực tế.
Trong
khi ấy, điều cốt yếu của thiền là phải liên lạc mật
thiết với những sinh hoạt thường ngày của thế gian. Nếu
còn phải giúp xã hội áp dụng Phật giáo vào đời sống
hàng ngày, thì các bậc thầy trong Phật giáo không thể hoàn
toàn tách rời xã hội. Bởi thế, Bách Trượng vạch ra một
số quy luật và giới điều đặc biệt cho thiền viện, và
tác phẩm này được biết dưới nhan đề: "Bách Trượng thanh
quy" lập ra nền tảng cho sinh hoạt thiền viện từ đấy về
sau. Theo Bách Trượng thì muốn duy trì sinh khí tu viện, điều
cốt yếu là tu sĩ không được chỉ sống nhờ vào khất thực.
Nguyên tắc đầu tiên trong quy luật của ngài là: "Một ngày
không làm một ngày không ăn" (Bất tác bất thực) và vì lý
do này hầu hết mọi thiền viện đều có nông trại trồng
lúa và rau cải cung cấp cho Tăng chúng. Ngài bắt buộc mỗi
thiền sinh phải đảm trách một công việc tay chân, vì theo
tinh thần thiền, không có việc gì là hèn hạ. Bởi thế,
những người mới đến thiền viện thường được giao phó
những công việc nhẹ nhàng thú vị hơn những người đã
tu cao.
Mỗi
tu viện được tổ chức trong tinh thần tự trị và dân chủ,
có người nấu bếp, thư ký, giám sự, những người chuyên
môn về các công nghệ và trông coi nghĩa địa. Trong khi viện
chủ hay trụ trì tu viện không có phần vụ đặc biệt nào,
vị ấy cùng làm với Tăng chúng mọi việc thông thường.
Sinh hoạt của Tăng chúng tập trung ở nhà thiền, một tòa
nhà hình chữ nhật lớn nhỏ tùy số chúng. Chính ở đây
chư Tăng thực tập tọa thiền, giữ chút ít vật dụng tùy
thân, và ngủ đêm. Ngoài nhà thiền còn có nhà ăn, nhà bếp,
nhà vệ sinh, bệnh đường, phương trượng (dành riêng cho
vị trụ trì), một khu vườn và thường có thêm rừng hoặc
ruộng và một số văn phòng và phòng khách. Giáo sư Suzuki
có xuất bản một tác phẩm nhan đề là Sự tu luyện của
tu sĩ Thiền tông được họa sĩ Zenchu Sato ở Kamakura minh họa.
Những bức tranh này không cốt phô trương giá trị nghệ thuật
mà cốt cho ta thấy rõ tinh thần đồng đội trong một tu viện
Thiền tông.
Một
trong những điều đáng chú ý nơi các tranh vẽ này là vẻ
hạnh phúc vui tươi của chư Tăng trong khi làm việc. Dù đang
bổ củi, nấu cơm, giặt áo hay cạo tóc, ai nấy đều có
nét mặt hân hoan, biểu hiện đức siêng năng cầm mẫn. Quả
thế, sự cần mẫn của tu sĩ thiền đã trở thành ngạn ngữ,
và ở Nhật khi người nào giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp
thì người ta ví nhà ấy giống như một thiền viện. Ðể
ngăn ngừa sự phóng túng nguy hiểm, đời sống thiền viện
tuân theo kỷ luật gắg gao, mọi việc đều phải được thi
hành nghiêm túc và đúng giờ, trở thành gần như là những
nghi lễ. Thời giờ và nguyên liệu được tiết giảm đến
mức tối thiểu, và sở hữu của tỳ kheo ít ỏi đến độ
vừa đủ để làm gối kê đầu. Nhưng điều này không cốt
nhắm đến khổ hạnh mà theo thiền, khi làm việc gì chỉ
nên sử dụng thì giờ, năng lực và nguyên liệu vừa đủ
cho việc ấy.
Trong
khi một số thiền viện ở Nhật đã trở thành những viện
bảo tàng nghệ phẩm Trung Hoa và Nhật Bản như hội họa,
đồ gốm, đồ đồng, sơn mài và điêu khắc trên gỗ, những
nghệ phẩm này không được trình bày la liệt như ở các
chùa thuộc tông phái khác. Sự trang trí một thiền viện thường
thực hiện trong tinh thần kiệm ước. Mục đích là làm sao
mỗi một công trình nghệ thuật được thưởng thức một
cách trọn vẹn, mà điều này không thể có nếu trình bày
quá nhiều nghệ phẩm cùng một lúc. Cho nên bầu không khí
nổi bật trong thiền viện là sự bình dị khắc khổ, rải
rác đó đây trưng bày những nghệ phẩm tuyệt đẹp được
chọn lựa một cách cẩn thận. Nhưng sự giản dị này không
có nghĩa là thiếu trang hoàng. Thiền đã ảnh hưởng nhiều
đến nghệ thuật kiến trúc và trang trí. Cấu trúc các gian
phòng tự nó đã đẹp không cần phải trưng bày thêm một
vật gì. Những bình phong bằng giấy làm thành những tường
ngăn trong một gian phòng Nhật Bản, những khung gỗ của bình
phong, màu vàng nhạt của thảm rơm trên nền nhà, những đường
thẳng dài và thấp đều có một vẻ đẹp im lặng khó tả,
dù chúng chỉ được làm bằng nguyên liêu thô sơ rẻ tiền.
Thiền đường là một gian phòng mà vật trang hoàng duy nhất
trong đó là bàn thờ Phật đặt ở giữa, đôi khi chỉ có
một cành hoa ở trước. Gian phòng dài và hẹp hai bên là chỗ
nghỉ của chư Tăng và chỗ tọa thiền. Vào giờ thiền định
họ đi vào thiền đường ngồi vào chỗ hướng về giữa
phòng. Vị Tăng quản chúng tiến lên quỳ trước điện, trong
khi ngoài kia một vị khác triệu tập những người đến trể
bằng cách đánh bảng trên đó có khắc:
Sanh
tử là việc lớn,
Cuộc
đời thực vô thường.
Hãy
quí từng giây phút,
Thời
gian không chờ ai.
Vị
quản Tăng thắp một nén hương, và khi ông trở về chỗ ngồi
thì việc tọa thiền khởi sự. Khi ấy hai vị Tăng khác tiến
lên bàn thờ cúi chào nhau và vái tượng Bồ tát, rồi mỗi
người cầm một mảnh gỗ dẹp có hình tháp gọi là cái bê
(keisako) và sau khi cúi đầu một lần nữa, họ tách ra đi
về hai phía thiền đường. Họ bắt đầu đi lui tới trước
hai hàng tu sĩ ngồi thiền, cẩn thận theo dõi xem người nào
ngủ gật. Ban đầu họ đi rất nhanh, về sau chậm bước dần
cho đến khi họ đi nhẹ như những cái bóng. Bỗng chốc một
người dừng lai trước một vị có vẻ đang ngủ, quất vào
vai vị ấy vài cái thật đau với tấm bê đang cầm, khiến
y trở lại ý thức trọn vẹn. Sau một hồi họ trở về chỗ,
và thời thiền định tiếp tục cho đến khi cây hương cháy
hết. Khi ấy vị quản Tăng rung chuông và gõ hai mảnh gỗ
vào nhau. Ðây là dấu hiệu được nghỉ xả hơi, để bước
qua giai đoạn khác. Tăng chúng đứng lên thành hàng và bắt
đầu kinh hành bước rất mau và lặng lẽ quanh thiền đường,
càng lúc càng đi mau. Khi một cây hương khác đã cháy hết,
vị quản Tăng lại gõ bảng. Sau một hồi kinh hành cho tỉnh
táo, chư Tăng trở lại tọa thiền, những thời tọa thiền
và kinh hành này kéo dài ba tiếng cho đến thời ngọ trai bắt
đầu lúc mười giờ. Mỗi vị Tăng có một cái ô đựng những
chén ăn nhỏ bằng gỗ, bên ngoài phủ một chiếc khăn ăn.
Vào giờ ăn họ lấy ra những chén này đặt trong tủ để
ở thiền đường và đi đến phòng ăn ở đấy có những
bàn gỗ dài thấp đặt trên nền. Các tu sĩ thiền tông ăn
một ngày ba bửa: điểm tâm vào lúc 4 giờ sáng, ngọ thực
vào lúc 10 giờ và một bửa ăn gọi là dược thực. Theo nguyên
tắc thì tu sĩ không được ăn sau ngọ, nhưng vì điều kiện
khí hậu ở Nhật Bản không cho phép nên phải ăn thêm bửa
chiều gọi là dược thực gồm những thức ăn còn thừa sau
bửa trưa. Trong một thiền viện, việc ăn uống tuân theo một
nghi thức đặc biệt khởi đầu là một bài kinh ngắn, sau
đó là năm điều quán tưởng:
- Thứ
nhứt, hãy suy tưởng về công lao làm nên cơm này.
-
Thứ hai, ngĩ đến đức hạnh mình có xứng với sự cúng
dường này không.
-
Thứ ba, đề phòng tâm ý để lìa lỗi lầm mà tham sân si
là gốc.
-
Thứ tư, hãy xem thức ăn này như vị thuốc trị bệnh khô
gầy.
-
Thứ năm, vì muốn thành đạo mà phải ăn.
Ðọc
xong, những thị giả tiến lên. Một người mang cơm sớt vào
mỗi bát, một người mang thức ăn, và một người khác pha
trà. Khi tất cả mọi người đã nhận thức ăn, mỗi người
đặt một phần nhỏ trên lễ bàn để cống hiến cho quỷ
thần, đọc rằng:
Các
ngươi chúng quỷ thần,
Nay
tôi cho đồ cúng.
Cơm
này biến khắp mưòi phương,
Mời
hết thảy quỷ thần cùng hưởng.
Sau
đó những đồ cúng được mang ra ngoài cho chim ăn. Bắt đầu
ăn, các tu sĩ quán tưởng ba điều:
- Miếng
thứ nhất, nguyện đoạn hết thảy ác.
-
Miếng thứ hai, nguyện tu hết thảy lành.
-
Miếng thứ ba, nguyện độ hết thảy chúng sanh.
Bửa
ăn tiếp tục trong im lặng, trong khi một thị giả mang thêm
thức ăn. Người nào muốn thêm thì chắp hai tay trước ngực,
người không muốn thì xoa hai tay vào nhau khi thị giả đi qua.
Sau khi ăn xong, trong bát của họ không còn một mảnh thức
ăn nào dính lại, bát được tráng cẩn thận bằng nước
trà và cuối cùng chư Tăng uống hết nước tráng chén trong
bát của mình. Xong họ dùng khăn lau bát để cho vào trong hộp,
trong khi chư Tăng tụng bài kiết trai:
Khi
ăn xong, thân tôi được khỏe mạnh,
Năng
lực của tôi biến khắp mưòi phương ba đời.
Ðể
đảo ngược bánh xe nhân quả, tâm không móng lên một ý tưởng
nào.
Cầu
mong tất cả chúng sanh chứng đắc các thần thông.
Hoặc
là bài:
Không
gian vô tận, từ bi của tôi cũng trải đến mọi loài.
Tâm
giải thoát khỏi mọi việc thế gian.
Như
hoa sen xinh đẹp tinh khiết vươn lên khỏi bùn, định lực
tôi cũng thế, dù phải sống trên thế gian đầy ảo tưởng.
Với
tâm trong sạch, tôi kính lễ đức Phật, đấng Chánh đẳng
giác.
Mỗi
ngày hai lượt, viện chủ gặp gỡ các vị Tăng để xem mức
tiến triển của họ trong việc tham công án, và để chỉ
giáo cho từng người. Rất nhiều sách tịch Thiền tông ghi
lại những mẩu đối thoại này, nhiều mẩu đã được trích
dẫn. Vị Tăng được đưa vào nhà phưong trượng, cung kính
lễ bái theo hồi chuông rung, nhưng khi cuộc đối thoại bắt
đầu thì những nghi lễ hoàn toàn dẹp bỏ. Vị Thầy có thể
khởi sự bằng cách hỏi môn đệ vài câu về công án mà
ông ta đang tham. Một vị hỏi:
- Ngươi
có thể nắm hư không được không?
-
Bạch ngài, dạ được.
-
Ngươi làm thử đi.
Người
môn đệ đưa tay chụp hư không, nhưng vị Thầy la lên:
-
Thì ra cách đó à? Quả thật ngươi chưa biết gì cả.
Người
môn đệ hỏi:
-
Vậy thì ngài làm thế nào?
Vị
Thầy liền nắm ngay lỗ mũi của môn đệ véo một cái và
la lên:
-
Ðấy, nắm hư không bằng cách như thế đấy!
Hoặc
có thể môn đệ hỏi Thầy:
- Thầy
sẽ nói gì khi con đến Thầy mang không mang theo gì cả?
-
Hãy quăng nó đi
-
Con đã bảo là con không có gì, thế thì con sẽ vứt cái gì?
-
Nếu vậy thì ngươi hãy đem nó đi chỗ khác.
Ngay
cả việc ôm giữ ý tưởng: "thiền là không sở hữu", cũng
sai sự thật. Hành vi của vị thầy kéo lỗ mũi học trò không
phải là điên cuồng hay tàn bạo, mà cốt chứng minh đạo
thiền bằng một hành vi cụ thể, chỉ cho ta thầy thiền là
sự sống thực. Những danh từ bí ẩn, những cử chỉ lạ
lùng có thể được xem là tượng trưng, nhưng một cái tát
thì hoàn toàn linh động, cụ thể. Không có gì để triết
lý về nó. Danh từ có thể được viết ra, được tưởng
tượng như có chứa đựng chân lý, nhưng một cái tát là
một cái tát; một khi nó đã được giáng xuống, thì không
thể rút lại hay phân tích. Khi vị thầy bảo: "Thiền là nhìn
thấy suốt tự tánh của mình", thì người ta có thể bám
vào câu đó xem nó như là chân lý về thiền, và thế là hoàn
toàn sai lạc. Nhưng khi vị thầy cho một cái tát, thì người
môn sinh không thể bám lấy cái tát ấy, và bởi thế vị
thầy đã thực sự diễn đạt chân lý về thiền.
Một
đôi khi viện chủ giảng dạy một cách hệ thống hơn bằng
một buổi giảng về ý nghĩa thâm áo của một bộ kinh. Khi
ấy tất cả Tăng chúng tụ họp đến giảng đường. Những
buổi giảng này thường được tổ chức vào thời gian có
thiền hội, nghĩa là những tuần lễ có ngày vía Phật. Vào
những dịp ấy, Tăng chúng thức dậy lúc 2 giờ sáng thay vì
4 giờ, và ở gần suốt cả ngày trong thiền đường. Việc
chấp tác được dẹp bớt trong khi thông thưòng việc này
chiếm hầu hết thời giờ. Những buổilễ này được cử
hành trọng thể và có nhiều thời khóa tụng kinh. Chư Tăng
đắp y đến giảng đường với một dáng điệu trang nghiêm.
Vị thầy đến sau rốt, được hai thị giả theo hầu. Sau
khi đảnh lễ tượng Phật, ông ngồi vào pháp tòa, trước
mặt ông là một cái bàn cao vừa tầm. Ðoạn ông có thể
đọc lên một đoạn kinh thiền, dừng lại để giải thích,
hoặc ông có thể thuyết giảng về thiền. Nếu ông giảng
thiền thì có thể xảy ra vài sự cố. Một hôm khi thiền
sư vừa thăng tòa, thì bên ngoài một con chim cất tiếng hót.
Vị thầy không nói gì, và mọi người lắng nghe chim hót.
Khi tiếng hót đã dứt, thiền sư tuyên bố rằng bài thuyết
pháp đã xong, rồi bỏ đi.
Một
dịp khác, thiền sư dang hai tay ra và lặng yên. Ông ta sắp
rời nhà giảng thì bỗng nhiên một môn sinh đứng lên hỏi
tại sao thầy không nói gì cả. Ông trả lời: "Kinh đã được
các pháp sư giải thích, luận thì các luận sư cũng đã trình
bày. Vậy ông còn hỏi gì nơi tôi? Tôi không phải là một
thiền sư sao?". Một thiền sư khác bảo đồ chúng: "Nói thì
phạm lỗi hủy báng, yên lặng lại là lừa dối. Vượt trên
tất cả sự im lặng và nói phô có một lối đi lên, nhưng
miệng tôi không đủ rộng để chỉ lối ấy cho các ông".
Nói xong ngài rời giảng đường. Ðôi khi các môn đệ đứng
lên hỏi, hoặc vị thầy bảo một người trình bày kiến
giải về thiền. Ví dụ một thiền sư khởi sự bằng cách
đưa ra một cây gậy và bảo: "Gọi là cây gậy thì chấp
có, không gọi là cây gậy lại là chấp không? Không chấp
có không thì gọi nó là gì? Nói mau! Nói mau!" Khi ấy một
một sinh bước ra nắm lấy cây gậy bẻ đôi và hỏi: "Cái
này là gì?" Ðôi khi những lời ấy chứa đựng ẩn nghĩa
hoặc liên quan đến ngữ lục thiền mà chỉ có những học
giả uyên thâm hiểu nổi, nhưng đây mới chỉ là những khó
khăn bề mặt. Sự phân tích trên bình diện tri thức có thể
làm hiển lộ một phần ý nghĩa, chúng như những quả bóng
láng lẩy bằng thép. Gươm tri thức càng chặt xuống mạnh
mẽ bao nhiêu quả bóng càng nhảy xa bấy nhiêu. Cuối thời
giảng pháp, chư Tăng tụng bốn lời nguyện lớn trước khi
trở về thiền đường:
Chúng
sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
Phiền
não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp
môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
Phật
đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.
Ngoài
những hoạt động đặc biệt có tính cách tôn giáo và nghi
lễ đã nói trên, đời sống thiền sinh bận rộn nhất với
công việc duy trì tu viện. Nhưng đối với thiền, việc này
cũng được xem như tu tập vì trên quan điểm Phật tính thì
không hoạt động nào thánh thiện hơn hoạt động nào. Bởi
thế, thiền nhấn mạnh rằng mọi hoạt động thường ngày
đều là đạo, vì thông thường ta ưa tìm tôn giáo bên ngoài
đời sống thường nhật, Groege Herbert nói:
Tất
cả đều dự phần vào Chúa.
Không
có gì dù hèn hạ đến đâu.
Mà
nhân danh chúa không trở nên sáng sạch.
Ðối
với kẻ nào phụng sự Chúa thì mọi công việc đều trở
thành thiêng liêng.
Chỉ
khác ở chỗ, người tu Phật giáo bảo rằng họ làm việc
vì sự giác ngộ của tất cả mọi loài. Nhưng nói cho cùng,
không có gì khác biệt giữa đôi bên, vì mọi loài đều có
Phật tính, và phụng sự chúng sinh tức là phụng sự cái
nguyên lý tối cao trong vũ trụ, là hành động phù hợp với
định luật tối thượng của đời sống trong đó mợi hữu
tình đều là Phật sẽ thành. Chúa Jesus cũng có nói vào Ngày
phán xét cuối cùng: "Bất cứ gì các con đã làm cho người
huynh đệ của các con, chính là các con đã làm cho ta".
Văn
học thiền thường nói đến yếu tố giác ngộ trong những
công việc thường ngày. Một môn đệ hỏi Bách Trượng:
- Từ
bấy lâu nay con đã đi tìm Phật mà chưa thấy. Con phải tiếp
tục như thế nào?
Bách
Trượng trả lời:
-
Cũng như đang cởi trâu mà đi tìm trâu.
-
Người ta sẽ làm gì sau khi biết được ngài?
-
Cũng như ngồi trên lưng trâu mà về nhà.