Giai
đoạn thứ hai, tu khi nhận ra Chân tâm. Ở trên chúng ta đã
nhận ra nơi sáu căn đều sẵn có Chân tâm, đến đây không
còn đi theo sáu căn để tìm Chân tâm nữa, mà nhận ra mình
thật có Chân tâm. Bấy giờ có hai việc:
1.
Khi nhận ra Chân tâm thì đi, đứng, nằm, ngồi đều nhẩm
đi nhẩm lại câu “Chân tâm hiện tiền”. Vừa thấy cái
gì, vừa nghe cái gì liền nhớ “Chân tâm hiện tiền”, trở
về mình chớ không chạy theo bên ngoài.
2.
Nhẩm đi nhẩm lại như vậy cho thuần thục, đến khi nào
trong đầu liên tục “Chân tâm hiện tiền, Chân tâm hiện
tiền”. Tuy nhiên, ở giai đoạn này chúng ta chỉ biết Chân
tâm qua ngôn ngữ, qua lời nói của mình. Sự thật ta chưa
thấy được Chân tâm, chưa sống được với Chân tâm. Song
nhờ nhớ Chân tâm hiện tiền nên không nhớ chuyện khác.
Ngồi thiền nhớ Chân tâm hiện tiền, không suy tính, không
nói gì. Đó là mượn ngôn ngữ Chân tâm hiện tiền chận
đứng những nghĩ tưởng, lần lần tâm yên. Chỉ nhớ Chân
tâm hiện tiền tạm gọi là định. Vì tâm không chạy theo
các cảnh duyên bên ngoài và vọng tưởng bên trong nên thuộc
về định.
Nhớ
mãi như vậy chưa phải chỗ cuối cùng, mà chúng ta cần chuyển
qua giai đoạn thứ ba. Tới giai đoạn thứ ba là cay đắng
nhất, bởi vì hai giai đoạn trước có thể năm tháng, bảy
tháng được, chớ giai đoạn thứ ba này có thể năm năm,
mười năm không biết qua được chưa? Qua được mới thể
nhập Chân tâm. Chân tâm còn gọi là Phật tánh, chân lý…
nhiều tên nhưng tên nào cũng qui về một cái đó thôi. Vì
vậy nói Chân tâm cũng được, nói Phật tánh cũng được,
nói chân lý cũng được, nhưng phải đúng nghĩa của nó.
Bây
giờ làm sao thể nhập được Chân tâm? Trước hết chúng
ta định nghĩa Chân tâm là gì? Chân tâm là từ gọn trong các
kinh chữ Hán. Nếu hiểu một cách đơn giản thì chân là chân
thật, tâm là cái biết của mình. Cái biết chân thật gọi
là Chân tâm. Nhưng biết chân thật là biết làm sao? Chữ Hán
nói Chân tâm là “liễu liễu thường tri”. Liễu liễu là
rõ ràng, thường tri là thường biết, đọc đổi lại là
thường biết rõ ràng. Cái thường biết rõ ràng là Chân tâm.
Như
vậy ở đây tôi định nghĩa Chân tâm là thường biết rõ
ràng. Thường biết rõ ràng mà không nghĩ cái này, nghĩ cái
kia. Nên nói thường biết rõ ràng mà không niệm, tức không
có vọng niệm khởi lên. Quí vị ngồi nhìn ra vườn thấy
cây cối xinh tươi, đừng khởi niệm gì khác, đó là sống
với Chân tâm. Vừa thấy cây cối xinh tươi liền so sánh cây
này đẹp, cây kia xấu là mất Chân tâm.
Thế
thì có ai không có Chân tâm? Chúng ta biết thấy, biết nghe,
biết xúc chạm v.v… cái biết đầu đó là cái biết của
Chân tâm, qua niệm thứ hai, thứ ba là qua vọng tưởng, vọng
thức, không còn Chân tâm nữa. Chúng ta tu nên khéo dừng ở
bước đầu, đừng để bị lôi qua lớp thứ hai, thứ ba.
Thấy chỉ biết thấy, nghe chỉ biết nghe, không thêm bớt
chi khác, vừa có thêm bớt là đã lạc qua thức rồi. Ví dụ
quí vị thấy hoa là hoa, nếu thấy rồi so sánh hoa này với
hoa kia tốt xấu v.v… là hết Chân tâm. Nếu cả ngày thấy
hoa là hoa, người là người, cảnh là cảnh, đó là Chân tâm,
đang sống trong Chân tâm. Như vậy Chân tâm tìm ở đâu? Nó
sẵn nơi sáu căn, đâu cần tìm ở đâu. Chỉ biết dừng ở
niệm đầu thì sống với Chân tâm, nếu đi quá niệm đầu
thì mất Chân tâm. Như thấy đứa bé, chúng ta biết đây là
đứa bé, nhưng thường mình có dừng ở đó không? - Không.
Đứa bé này dễ thương quá! Như thế là qua niệm thứ hai
thứ ba, không còn niệm ban đầu nữa. Tất cả sự vật khác
cũng thế.
Người
biết tu không phải nhắm mắt, bịt tai, vẫn thấy như mọi
người mà tu. Còn chúng ta vừa thấy, vừa nghe liền có lộn
xộn, thành ra tu hoài không có kết quả, rồi kêu trời sao
tu khó quá! Khó từ đâu? Ông Thánh nào đem cái khó đến cho
mình? Chính chúng ta không làm chủ được, ngay chỗ dừng mình
không dừng, cứ tiếp tục phóng tâm, tất nhiên tu sẽ khó.
Nếu biết dừng thì việc tu không khó.
Trên
đường tu chúng ta phải nắm cho thật vững cái nào chân,
cái nào không phải chân. Chân tâm là sống trở về Bản tâm,
Bản tánh của mình, còn phân biệt khen chê, phải quấy, tốt
xấu là đi trong trần tục. Đi sâu trong trần tục thì nhắm
mắt về đâu? Thì sẽ gặp lại những người ân oán với
mình mà trả đền. Như vậy trầm luân tại sáu căn, mà giải
thoát cũng từ sáu căn. Đường lối này mới nghe qua thấy
lạ nhưng sự thật không lạ, y theo kinh, y theo các Thiền sư
mà hành, không có gì lạ hết. Nhưng muốn phân biệt rành
rõ từng chặng, từng quãng, chúng tôi chia ra từng phần như
vậy cho quí vị dễ thấy biết.
Chân
tâm là thường biết rõ ràng mà không có niệm, không dấy
lên khen chê tốt xấu… do đó cả ngày sống trong Chân tâm.
Nếu cứ nhìn cái này, cái nọ sanh ra khen chê thì cả ngày
sống trong thói quen của thế gian, tạo nghiệp trầm luân sanh
tử. Người biết tu và người không biết tu đồng thấy một
sự vật mà hai bên khác nhau. Khác nhau chỗ nào? Chỗ thế
gian gọi khôn với dại. Người không phân biệt bị chê dại,
người phân biệt thế này thế nọ, hay dở tốt xấu tưởng
là khôn. Nhưng cái khôn đó là khôn trầm luân, còn cái khờ
này là khờ giải thoát, vì vậy các Thiền sư đâu có lanh
lợi.
Những
kẻ lanh lợi quá chưa chắc đã làm được điều gì, chưa
chắc tu được kết quả. Phải lặng lẽ, thấy biết như
nhau. Một bên đuổi theo phân biệt, một bên dừng phân biệt.
Thấy biết mà không khởi niệm phân biệt, đối chiếu so
sánh, đó là sống với Chân tâm. Như vậy chúng ta cùng đi,
cùng sinh hoạt như mọi người mà vẫn tu được, nếu không
thì cứ so sánh đối chiếu, khen chê… Tôi ngồi trong thất
nghe quí cô, quí thầy làm cỏ ngoài vườn, dẫn hết chuyện
này tới chuyện nọ, năm trên năm dưới, rù rì rủ rỉ hoài,
tôi thấy tội nghiệp quá. Sao mà dừng không được! Làm cỏ
thì cứ làm cỏ, chuyện năm trên năm dưới bỏ qua đi, vậy
mà có ai chịu đâu. Làm thinh lại buồn. Có gì đâu mà buồn,
mình cứ lo nhổ cỏ.
Trên
phương diện tu hành chúng ta khéo một chút thì dễ tu, ngược
lại không khéo trường hợp nào cũng khó tu. Quí vị thấy
khi kể chuyện đời xưa toàn khen chê. Khen người này hay,
chê người kia dở, kể hoài kể hoài không hết, nhưng rốt
cuộc được cái gì? Hay của người ta mà dở cũng của người
ta. Thực tế của mình bây giờ không lo, cứ lo chuyện thiên
hạ! Đó là khuyết điểm giới tu sĩ đang có, tôi nhắc cho
quí vị nhớ.
Chữ
thường biết rõ ràng, ý nghĩa ra sao? Thường là mãi mãi,
lúc nào cũng biết, chớ không phải như cái suy nghĩ khi có
khi không. Cái biết của suy nghĩ, cái biết của phân biệt
khi có khi không, còn cái biết của Chân tâm liên tục, từ
thủy tới chung không bao giờ gián đoạn. Chúng ta bây giờ,
biết do suy nghĩ tính toán, cái biết đó nằm trong sanh diệt.
Quí vị vừa khởi nghĩ tốt xấu, hơn thua, khi buông ra hỏi
cái nghĩ lúc nãy đâu, tìm không biết nó ở đâu. Cứ một
lát lại phát nghĩ tứ tung. Khi khởi không biết nó ở đâu,
khi dừng cũng không biết ở đâu. Như thế nó thật hay giả?
Khởi lên thì có, buông đi không biết ở đâu, kiếm không
ra, làm sao thật được.
Còn
Chân tâm ở sáu căn có lúc nào thiếu không? Lỗ tai cứ nghe,
con mắt cứ thấy, thân biết xúc chạm, động tới chỗ nào
không biết? Ngủ động tới cũng biết. Một cái thường biết,
một cái biết sanh diệt, vậy cái biết nào chân, cái biết
nào vọng? Chúng ta kiểm lại xem mình đang sống với cái biết
nào? Chắc cả khối vọng tưởng, hết nghĩ cái này đến
nghĩ cái kia, hết khen người này đến chê người nọ. Cứ
thế cả ngày từ sớm đến chiều. Người nào khen chê nhiều
thì nói chuyện nghe say mê.
Ở
đây chúng ta chỉ biết cái gì sẵn nơi mình, vì có sẵn nên
lúc nào cũng biết. Tất nhiên khi ngủ, con mắt nhắm nhưng
giả sử ai mở đèn mình cũng biết. Lỗ tai khi ngủ không
nghe, nhưng có người đến gõ cộp cộp mình cũng nghe. Nó
sẵn sàng, không thiếu nên thường biết. Chữ thường biết
là như vậy, chớ không phải thường biết chỗ khác. Ngay
nơi sáu căn lúc nào cũng biết, đó gọi là thường biết.
Biết thế nào? Biết một cách rõ ràng.
Chữ
rõ ràng này tôi cần nói cho quí vị hiểu rõ. Rõ ràng là
ngay nơi hiện tại. Như khi chúng ta nhớ những chuyện cũ,
đó là cái biết ôn lại từ quá khứ. Hoặc ta tính toán những
chuyện tương lai, đó là cái biết ở vị lai do mình suy tưởng.
Ôn quá khứ rồi suy tưởng vị lai, cái biết đó thuộc gì?
Thuộc vọng tưởng hay vọng niệm. Còn cái biết thấy thì
biết, nghe thì biết, không nghĩ tưởng, không suy tính, đó
là cái biết Chân tâm.
Nơi
mình cái biết Chân tâm sẵn sàng, đầy đủ ở sáu căn mà
chúng ta không thèm nhớ, lại nhớ cái biết sanh diệt lộn
xộn, rồi buồn, thương, giận, ghét… không yên, còn nói
tu khó quá! Cái thật không nương tu, cứ ôm cái giả không
khó sao được, tu muôn kiếp cũng không thành Phật được.
Cái thật nhớ chỉ nửa phần trăm thôi, còn cái giả ôm ấp
từ sớm tới chiều, cho tới ngủ cũng còn vọng tưởng, mộng
mị đủ thứ hết. Người thật tu chỉ sống với cái thật
thôi. Vì vậy họ hơi khờ khờ, ít nói, không lanh lợi. Bởi
họ nhớ chuyện của họ, chớ đâu nhớ chuyện của ai. Ngược
lại, người ít tu thì lanh lợi lắm, ngồi lại tía lia hết
chuyện này đến chuyện nọ.
Người
biết tu thích sống với cái thật của chính mình. Trong nội
tâm, tôi tạm chia có hai phần: tâm sanh diệt và tâm không
sanh diệt. Tâm sanh diệt là tâm vọng tưởng nổi lên hụp
xuống liên tục không dừng. Tâm không sanh diệt là cái thường
biết rõ ràng ở sáu căn. Chúng ta phải sống với cái nào?
Ai cũng quen sống với tâm sanh diệt. Tâm không sanh diệt thì
không bị luân hồi, còn tâm sanh diệt theo các thứ buồn thương
giận ghét, tạo thành nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử.
Biết
rõ hai thứ như vậy mà không nhận, không sống với Chân tâm,
đó là người đáng thương. Có mà không dùng nên Phật nói
chúng sanh mê muội đáng thương! Phật thương là thương mê
muội, không phải thương nghèo đói. Chúng sanh cứ sống với
cái hư dối rồi hơn thua, phải quấy cả ngày, không bao giờ
dừng. Cuối cùng than khổ, than khó, than cuộc đời đủ thứ
chuyện. Cuộc đời đủ thứ chuyện, nhưng chuyện của người
ta, chớ có phải chuyện của mình đâu mà xen vào, rồi than!
Người
biết tu, giả sử ai nói thẳng vô mặt “anh hay chị xấu
quá”, mình không xấu mình biết là được, chớ chạy theo
bên ngoài rồi đua với nhau, tranh hơn thua chỉ khổ thôi. Cho
nên tu cả ngàn, hai ba ngàn người nhưng kiểm lại, người
đạt được đạo lý chỉ trên đầu ngón tay. Đa số tu gieo
duyên thôi, không chịu hết sanh tử. Sanh tử do mình, không
phải ai tạo, mình không chịu dừng thì làm sao hết được?
Muốn dừng đâu có khó. Như ai không ưa, mắng mình “đồ
ngu, cả ngày lừ đừ”, mình cười nói “ừ ngu cũng được”.
Ngu mà hết sanh tử càng tốt, người khôn nhưng đi trong luân
hồi thì ai hơn? Vừa nghe nói ngu liền muốn cự lại, để
giành nhau đi trong sanh tử. Như vậy ai khôn, ai ngu? Chúng ta
ở đời cứ bị lệ thuộc người khác. Ai vừa chọc tức
liền nổi ầm ầm lên, chê người ta xấu mình cũng không
tốt gì. Cho nên phải làm sao giữa người tu và người không
tu khác nhau.
Chúng
ta nhớ lại sự tích các vị Tổ, các vị Bồ-tát hồi xưa,
có vị nào tu một đời thành Phật đâu, phải trải qua nhiều
đời. Có vị nào trong khi tu mà đánh lộn với nhau không?
Bây giờ ở chùa thỉnh thoảng có không? Không đánh cũng mắng
thầm, nói lén, không bao giờ yên hết. Vì vậy chúng ta phải
xét lại sự tu của mình. Tu là sống trở về Chân tâm, cái
thường biết rõ ràng. Quá khứ thuộc về niệm, vị lai thuộc
về tưởng. Tưởng nhớ quá khứ, vị lai đó là vọng niệm.
Người tu biết niệm vọng tưởng phải bỏ. Ở đây dùng
chữ không niệm là không ôm quá khứ, không suy tính vị lai,
chỉ sống ngay hiện tại cho nên rõ ràng thường biết. Như
vậy mới gọi là không niệm.
Chúng
ta ngồi yên mà nói loạn tưởng là loạn tưởng cái gì? Hoặc
nhớ quá khứ, hoặc tưởng vị lai. Đó gọi là vọng niệm.
Bây giờ không chạy theo niệm quá khứ, vị lai, chỉ sống
với cái hiện tại, như vậy có định không? Tỉnh táo mà
không nhớ, không nghĩ chuyện gì xa xôi, cứ ngay trong hiện
tại mà sống, đó là đang định, đang sống với Chân tâm.
Chân tâm không thiếu, không vắng mặt lúc nào hết. Vậy nhưng
chúng ta bỏ Chân tâm hay Chân tâm bỏ chúng ta? Chân tâm sờ
sờ ở đó mà cứ chạy kiếm cái khác, không chịu sống cho
thực tế với cái đang có. Vì vậy tôi khuyên quí vị tu phải
nhớ Chân tâm của mình.
Chân
tâm thì không có niệm. Tại sao? Không nhớ quá khứ, không
tưởng vị lai nên không có niệm. Chỉ sống thực tế ngay
hiện tại thôi. Tới giai đoạn này là thể nhập Chân tâm.
Ban đầu chúng ta phải biết rõ Chân tâm là gì. Kế nói Chân
tâm là không niệm, dứt khoát sống với Chân tâm là không
cho niệm khởi. Vì niệm khởi thuộc quá khứ, vị lai, chỉ
sống ngay trong hiện tại là sống với Chân tâm.
Tập
mãi cho đến khi thuần thục, chỉ còn hai chữ không niệm.
Chúng ta tu không phải dùng ngôn ngữ nói hoài. Ban đầu nói
để thâm nhập, khi thâm nhập rồi thì buông ngôn ngữ, chỉ
sống không niệm. Không nghĩ quá khứ, không tưởng vị lai,
sống hiện tiền, nhẹ nhàng, thảnh thơi làm sao. Hiện tại
như thế nào biết như thế ấy, đó là sống với Chân tâm.
Chân tâm là biết rõ ràng, mà chỉ có hiện tại mới rõ ràng.
Ngồi đây thấy người, thấy vật rõ ràng, nghe tiếng động
rõ ràng, không có niệm thuộc về quá khứ hoặc tưởng tượng
vị lai. Người sống như thế là hết vọng tưởng.
Ở
đây không có gì để đè, để dằn vọng tưởng, mà phải
thấy như thật. Vọng tưởng là niệm của quá khứ, quá khứ
đã qua đâu còn, tưởng vị lai nhưng vị lai chưa đến nên
đâu có. Như chúng ta tưởng mai mình tới thăm huynh đó, sẽ
nói gì với huynh, nhưng tới nơi người ta không có ở nhà.
Tính chi trước, mất công vậy? Tới đó gặp nhau nói gì thì
nói, tính trong đầu tùm lum, sự thật không đúng như vậy.
Chúng ta phải hiểu, đừng phí thời gian vô ích, phải sống
ngay trong hiện tại. Đó là sống với Chân tâm.
Người
biết tu không phải giờ ngồi thiền mới tu, không phải đi
kinh hành mới tu mà lúc nào cũng tu hết. Ngồi nhìn sự vật
không có niệm quá khứ, vị lai. Ngồi không có chuyện gì
hết thấy thảnh thơi, cười thôi. Còn chúng ta nhớ chuyện
quá khứ ai mắng mình, mặt mày méo xẹo, khổ chuyện năm
trên năm dưới, sao không sống ngay bây giờ?
Rút
gọn lại Chân tâm là không niệm. Nhiều khi đi kinh hành vừa
nhớ chuyện gì tôi liền nói Chân tâm là không niệm, có niệm
thì không được rồi. Cứ thấy đường thì đi, đi tự tại,
không cho mấy chú đó chen vô. Như vậy chúng ta tu trong mọi
hành động đều dễ dàng, chớ không khó. Tập mãi cho đến
khi thuần thục, chỉ còn hai chữ “không niệm”. Đi đâu
cũng nhớ không niệm.
Nhưng
còn hai chữ “không niệm” cũng là còn từ ngữ, chưa phải
cái thật không niệm. Cho nên tới giai đoạn cuối cùng buông
luôn hai chữ “không niệm” thì tâm thênh thang và còn mãi.
Hai chữ “không niệm” không nhớ nữa, tâm không có mảy
may gì khác. Thảnh thơi, nhàn hạ, không có một niệm dấy
khởi, lúc đó tâm mình ở đâu? Bao lớn? Mở mắt ra thấy
Chân tâm rồi. Chân tâm luôn hiện tiền, trùm khắp, không
thiếu vắng lúc nào hết, mà tại mình bỏ quên. Vừa thấy
khởi phân biệt tốt xấu, vừa nghe khởi phân biệt khen chê,
do đó Chân tâm bị bỏ quên.
Bây
giờ mình thấy cứ thấy, không khởi phân biệt, nghe cứ nghe,
không thèm nói hơn thua, như vậy là đang sống trong Chân tâm.
Đi đâu, nằm ngồi cứ thế ấy thì sống được với Chân
tâm. Còn ngồi thiền nhìn xuống lim dim mà nhớ chuyện năm
ngoái, năm kia thì thiền hay vọng tưởng? Ở ngoài nhớ ít,
vô ngồi thiền nhớ càng nhiều nữa. Nhớ chuyện này chưa
rồi nhớ chuyện khác, nói tu mà không có kết quả đúng như
thật.
Chúng
ta phải biết tu là sống trở về với Chân tâm của mình.
Lối tu này không sợ lạc, vì đâu có đi kiếm gì mà lạc.
Bỏ điên đảo vọng tưởng sống với cái chân thật của
mình, được nhiều hoặc ít vậy thôi chớ không lạc. Đó
là điểm thứ nhất. Thứ hai mình không tưởng tượng gì
hết, chỉ buông những gì vô lý, sống với Chân tâm của
mình. Người tu cứ tưởng thế này thế nọ dễ phát điên
lắm.
Tôi
khi trước cũng bị lầm, ngồi thiền kềm cho hết vọng niệm,
nghĩ như vậy là định. Nhưng đó là bệnh, có khi mất ngủ,
có khi đau đầu. Bây giờ tôi ngồi thiền như ngồi chơi vậy
thôi. Hiện tại mình đang sống trong Chân tâm, mắt thấy tai
nghe trong Chân tâm, ngồi như bình thường rất khỏe. Chúng
ta đi, đứng, nằm, ngồi trong hiện trạng bình thường, không
cần nhắc mà tâm cũng an nhiên. Đó là tu sâu.
Tôi
thường ví dụ, như có người nói “anh nói chuyện thấy
ghét quá, tát tai anh cho coi”, nhưng người ta không tát thì
có thành đánh không? Nói tát tai không phải là đánh, chừng
nào cái tay của họ đụng mặt mình mới là đánh, còn nói
trên miệng thôi chưa phải đánh. Cũng thế, chúng ta nói không
niệm nhưng chưa thật không niệm, chừng nào buông hai chữ
“không niệm”, tâm mình vẫn thản nhiên tự tại mới thật
là không niệm.
Chúng
ta đi từng bước, từ có hình thức, lần lần có ngôn ngữ,
đến buông hình thức, buông ngôn ngữ. Khi ấy mới sống thật
trở về Chân tâm. Sống được vậy ngày mai ra đi không sợ
luân hồi. Luân hồi do niệm, niệm tạo nghiệp thương ghét
dẫn chúng ta đi trong luân hồi. Bây giờ hết niệm thì ai
dẫn đi? Cho nên Thiền tông nói giải thoát sanh tử ngay trong
kiếp này, nếu mình sạch hết niệm, vô niệm thì ra khỏi
sanh tử. Còn cứ niệm hoài thì còn sanh tử. Con đường tắt
của Thiền là ở chỗ đó, nên gọi “trực chỉ nhân tâm,
kiến tánh thành Phật”, nghĩa là chỉ thẳng tâm người,
thấy tánh thành Phật.
Đường
lối tu này không phải tự ý tôi đặt ra, mà đã có sẵn
trong kinh Phật, các Thiền sư xưa nay đã từng nói. Tôi sẽ
dẫn kinh cho quí vị thấy.
Phật
nói kinh Kim Cang, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng cho Lục Tổ nghe
đến đoạn: “Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Hi
hữu Thế Tôn, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện
phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân
phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ,
vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát
ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc
sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm,
ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là Trưởng lão Tu-bồ-đề
bạch Phật rằng: Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo
hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát.
Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao
hàng phục tâm kia? Phật bảo: Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát lớn
nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ sắc sanh
tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên
không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.