|
.
TIẾN THẲNG
VÀO THIỀN TÔNG
THÍCH
THANH TỪ
|
|
TOÁT
YẾU LÝ BÁT NHÃ
Thiền
viện Trúc Lâm - Đà Lạt, ngày 20.5.2003 - 20.4 Quí Mùi
Thiền
viện chúng ta trong tất cả thời như sám hối, ăn cơm, tọa
thiền, xả thiền đều tụng Bát-nhã. Tóm lại, chỉ có bài
kinh Bát-nhã là chúng ta tụng niệm thường nhất, ngoài ra
ít có bài kinh nào khác. Người ta đặt câu hỏi, tại sao
ở Thiền viện ít kinh quá, chỉ có bài kinh Bát-nhã thôi,
quí vị nghĩ sao? Chính chỗ đó, nếu chư Tăng không hiểu,
không nắm vững thì cũng hơi ngờ về chủ trương của mình.
Trong
nhà thiền thường nói: “Ai muốn vào nhà Thiền thì phải
đi từ cửa không.” Cửa không là cửa vào nhà Thiền, cho
nên nói tới thiền là nói tới cửa không. Như vậy chữ “không”
của nhà Thiền là không gì? Đó là “không” của Bát-nhã.
Bát-nhã là cánh cửa để chúng ta đi vào nhà thiền. Nếu
chúng ta không từ cánh cửa Bát-nhã mà vào thì chắc chắn
không vào được. Đó là chỗ thiết yếu. Nếu người tu thiền
không nắm vững, không hiểu được lý Bát-nhã thì khó tiến
được tới chỗ cứu kính của người tu thiền, nhất là
Thiền tông.
Tôi
đã từng giảng bài kinh Bát-nhã cho Tăng Ni nghe nhiều lần.
Song hôm nay nhận thấy những điểm thiết yếu trong bài kinh
Bát-nhã, nên tôi tóm tắt trình bày với quí vị về yếu
lý Bát-nhã để tất cả biết ứng dụng trong đời tu của
mình. Lý Bát-nhã cao siêu sâu sắc như thế nào? Đó là một
vấn đề chúng ta phăng lần từ từ sẽ thấy.
Hiện
giờ, quí vị đang thấy cái bàn trước mắt tôi và khoảng
trống bên cạnh cái bàn. Tôi xin hỏi cái bàn hiện có đây
là thật, hay khoảng trống hiện có đây là thật? Người
thế gian chỉ nhìn thấy cái bàn hiện có trước mắt, sờ
mó được là thật. Còn hư không trống rỗng, sờ mó không
được nên nói không thật. Nếu cái bàn hiện có mà ta nói
cái bàn giả, hư không trống rỗng không sờ mó được ta
nói thật, họ sẽ bảo mình điên. Cái không có gì hết mà
nói thật, còn cái sờ sờ trước mắt, sờ mó được, sử
dụng được lại nói giả là sao? Đây là những vấn đề
người tu Phật phải hiểu cho tường tận, nếu không thế
gian sẽ cho rằng chúng ta hoang tưởng hoặc điên. Điều này
hết sức khó đối với chúng ta.
Bây
giờ đặt câu hỏi lại, cái bàn này có là do duyên hợp hay
tự có? Ai cũng nhận là duyên hợp. Từ duyên hợp mà thành
nên thiếu duyên thì tan hoại. Như vậy đứng về mặt nhân
duyên mà nói thì cái bàn có tướng, có hình dáng chúng ta
thấy, sờ mó được nhưng nó có trong duyên hợp hư giả.
Còn khoảng trống không do cái gì hợp? Khoảng không là trống
rỗng, không có duyên hợp. Cái duyên hợp thì thành rồi hoại,
sanh rồi diệt. Cái không duyên hợp thì không thành, không
hoại, không sanh, không diệt. Cho nên Bát-nhã có câu: “thị
chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất
tịnh…’’, nghĩa là tướng không của các pháp không sanh,
không diệt, không nhơ, không sạch… Do không sanh, không diệt
nên nó còn hoài, trước sau không bao giờ đổi thay. Còn sanh
diệt là cái tạm, có rồi hoại mất.
Hồi
xưa khi đọc tới câu “chư pháp không tướng”, tôi hơi
ngại chữ “tướng”. Bởi vì “tánh không” thì dễ hiểu,
còn nói “tướng không” thì hơi khó hiểu. Nhưng thật ra
không có gì lạ. Cái bàn có tướng vì có hình thức, còn
hư không không tướng nên nói là tướng không. Có là tướng
thì không cũng là tướng. Cái bàn có tướng cái bàn, hư không
có tướng hư không. Tướng không ấy không sanh, không diệt,
không nhơ, không sạch. Tướng có thuộc về sanh diệt giả
dối tạm bợ.
Nhưng
ở thế gian hiện giờ, muôn người như một chỉ nhìn cái
có mà bỏ cái không. Song họ đâu biết rằng tất cả cái
có đều tựa trên cái không, kể cả quả địa cầu này.
Có cái có nào mà không ở trong cái không đâu? Cái có là
duyên hợp mà có, cho nên sanh rồi diệt liên miên. Còn cái
không bao bọc tất cả đó, có sanh có diệt không? - Không.
Chúng ta tu mà không rõ, không thấu triệt được lý Bát-nhã
nên không hiểu gì hết. Bát-nhã là chỉ thẳng cho Thể tánh
không của muôn pháp, muôn sự vật. Đã là Thể tánh thì không
cái nào rời nó được.
Như
cái nhà chúng ta đang ở, nó thành hình cái nhà nhờ khoảng
không, nếu có cái gì trong đây thì không cất được cái
nhà. Được cái nhà rồi, mà trong này bít hết thì dùng được
không? Vô dụng. Thành ra từ cái không mà thành cái nhà. Cái
nhà có rồi, trong cái nhà cũng phải trống không mới sử
dụng được. Hình cái nhà là sắc, khoảng không trong cái
nhà là không, vậy “sắc tức là không”. Từ đất trống
dựng nên cái nhà nên “không tức là sắc”. Sắc không,
không rời nhau. Ngoài không, không có sắc, chính trong sắc
đó là không, vì có cái không trong ấy. Cho nên “sắc tức
thị không, không tức thị sắc”, nói đi nói lại nghe rất
khó hiểu. Chính cái khó hiểu đó nói lên lẽ thật.
Cái
nhà, bao bọc xung quanh là sắc, trong ruột trống không. Khi
cái nhà chưa có là khoảng đất trống, từ đất trống đó
mới xây dựng được. Như vậy trước khi xây dựng nó là
không, nên gọi là Tánh không. Tánh là cái sẵn. Khi xây dựng
rồi, trong nhà có những khoảng trống để sử dụng, đây
cũng là không. Ngay trong nhà, có các vật dụng có hình tướng
và những chỗ trống không hình tướng. Rõ ràng ngay trong cái
có, có cái không sẵn. Cái không đối với cái có gọi là
tướng không. Tánh không, tướng không ở sẵn trong tất cả
mọi sự vật.
Nói
đến con người chúng ta, nếu lỗ mũi không trống thì chắc
không thở được. Lỗ mũi trống rỗng mới hít thở được,
lỗ tai trống mới nghe được, miệng trống mới ăn cơm được.
Vậy trong con người có cái không không? Sắc tức thị không,
không tức thị sắc. Cho nên không tách rời ra được. Như
vậy cái không không rời cái có, cái có cũng không rời cái
không. Song cái có thuộc về sanh diệt, còn cái không thì không
sanh diệt. Đáng tiếc chúng ta chỉ biết cái có, bảo vệ
gìn giữ nó tức là bảo vệ gìn giữ cái sanh diệt. Còn cái
không không sanh diệt thì không biết gì hết. Vì vậy Phật
gọi chúng sanh sống trong mê lầm.
Hỏi
thân người thật hay giả thì trăm người nói thật. Có phải
thật không? Nếu thật thì không chết, mà chết thì không
thật. Nhưng trăm người đều nói thật. Cái giả mà ngỡ
là thật, có phải mê lầm chăng? Từ cái nhà, con người,
cho tới muôn vật giữa cuộc đời này, những gì có tướng
đều là duyên hợp, mà duyên hợp đều hư giả. Lẽ thật
là như vậy. Người thấy được như vậy là thấy bằng trí
tuệ. Trí tuệ cứu kính cùng tột, không gì có thể so sánh
nổi.
Con
người thì ngũ uẩn đều không, sự vật tứ đại cũng không.
Thế nên biết không vật nào trên thế gian có hình có tướng
mà chẳng phải Tánh không. Từ cái không có sẵn dựng thành
có, đó là Tánh không. Có vật nào, trong ruột nó không trống
không? Như cái cây có những khoảng hở trống mới hút nước
lên được, không có thì làm sao hút nước? Cái gì cũng có
khoảng hở trống, nằm sẵn bên trong và bao phủ bên ngoài.
Muôn sự muôn vật trước không, rồi sau hoại cũng thành không.
Như vậy cái không là nguồn gốc của muôn pháp.
Dùng
Trí tuệ Bát-nhã nhìn tường tận các pháp, tự tánh nó là
không, duyên hợp giả có, hết duyên nó hoại trở thành không.
Trước không, sau không, khoảng giữa cũng không, cái không
trùm hết, cái có chỉ là giả tướng tạm bợ. Với con mắt
thường thấy giả tướng lầm cho là thật, còn cái không
lại không biết gì hết. Nếu bảo cái không là thật, cái
có là giả thì thiên hạ nói mình điên. Nên chỗ đó rất
khó nói vậy!
Nếu
biết thân giả dối thì những thứ chung quanh như được mất,
hơn thua, phải quấy có giá trị không? Gốc đã không thật
thì mọi thứ chung quanh làm sao thật được. Vậy mà ai nói
hơn một tiếng mình cãi ầm lên, mới thấy chúng ta tu trong
cái mê lầm. Bởi tu trong mê lầm nên than tu khó quá, cứ gặp
chướng này, chướng nọ. Do vậy Phật mới dạy “chiếu
kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, chỉ
cần thấy thân năm uẩn này không thật thì khổ ách nào cũng
qua hết. Câu nói đó là một chân lý, chúng ta tụng thì tụng
mà không thấy được chân lý.
Bởi
thấy thân này thật nên cái gì được mình vui, cái gì mất
mình buồn, cái gì thịnh mình thích, cái gì suy mình không
thích. Quả thật chúng ta đang bị quay cuồng trong cái giả
dối đó. Thí dụ một thầy ở Trúc Lâm ra chợ, người ta
xầm xì ông thầy xấu quá, về buồn không? Rồi cũng thầy
ở đây ra chợ, người ta khen đẹp quá, về vui không? Tướng
đẹp, tướng xấu là tướng hư giả, khen chê là trò chơi,
không có giá trị gì hết mà chúng ta lại lệ thuộc vào nó
nên khó tu. Bây giờ biết rõ lẽ thật như vậy, việc tu dễ
hay khó? Nên biết việc tu hành không vững chắc gốc từ si
mê mà ra. Nếu chúng ta không dẹp, không dứt bỏ được thì
rất khó tu. Huynh đệ xử sự nhau gặp vui buồn gì đó, liền
thối Bồ-đề tâm.
Đối
với con mắt Trí tuệ Bát-nhã, tất cả mọi thứ trên thế
gian đều là trò chơi, chúng không có giá trị gì. Thấy cho
tột cùng thì sự sống chỉ là tạm bợ, không bảo đảm
tới đâu hết, ngày nào còn mừng ngày đó. Nó giả dối như
vậy mà mình không biết, cứ ngỡ nó quí, nó đẹp, nó sang
trọng đủ thứ. Từ mê lầm về thân rồi mê lầm luôn tất
cả những thứ chung quanh thân. Như vậy cả một cuộc đời
mê lầm. Tuy hình thức xuất gia mà nội tâm không hơn gì người
thế tục. Nên nhớ chúng ta đi tu là để thức tỉnh, để
giác ngộ chớ không phải để mê lầm. Cho nên người xuất
gia phải tỉnh, không được mê lầm như người thế tục.
Đã xuất gia rồi mà vẫn tiếp tục mê lầm thì đời tu sẽ
đi về đâu? Chắc là vào cửa sanh tử, mất nơi này tiếp
tục chui vào nơi khác, không biết bao giờ ra khỏi dòng sanh
tử?
Trí
tuệ Bát-nhã là trí tuệ tột cùng thấy đúng lẽ thật, nhưng
chúng ta ít khi nào nhìn đúng với Trí tuệ Bát-nhã. Nếu không
có Trí tuệ Bát-nhã thì chưa bước vào được ngưỡng cửa
nhà Thiền. Quí vị nhớ! Ví dụ người nói mình tu thiền,
mà thấy cô gái đẹp mỉm cười với mình thì vướng mắc
liền; hoặc ai sỉ nhục, mình thấy đau khổ quá liền thối
tâm, đó là người chưa thông, chưa thấu suốt được Trí
tuệ Bát-nhã. Cho nên chúng ta tu phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã
cho tới cùng tột, chớ không được thấy hay nghe ở ngoài
tai thôi. Phải đi sâu, phải thấu suốt được trí tuệ chân
thật, vì chỉ có trí tuệ đó mới có thể đưa chúng ta tới
chỗ giác ngộ viên mãn. Cho nên trong kinh Bát-nhã, Phật nói
“tam thế chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề”, nghĩa là ba đời chư Phật đều y
cứ Trí tuệ Bát-nhã này mà được thành Vô thượng Chánh
đẳng Chánh giác.
Chúng
ta tu nếu không sử dụng Trí tuệ Bát-nhã sẽ gặp rất nhiều
thứ chướng ở trong cũng như chướng ở ngoài. Chướng ở
trong là thân bệnh hoạn sanh chướng. Do thấy thân thật nên
bệnh hoạn ta buồn khổ. Chướng ở ngoài là gặp nghịch
cảnh hoặc ai xử sự với mình không tốt thì sanh chướng.
Khi ta tu thấy tướng lạ, có người bảo đó là ma quỉ phá
mình cũng chướng. Nếu tận dụng trí Bát-nhã thì thấy thân
không thật, những gì có tướng đều không thật. Tất cả
đã không thật thì có gì phá chúng ta được đâu. Thấy chúng
chỉ cười chơi thôi, vì biết rõ nó giả dối.
Thân
đau đến chết là cùng chớ có gì quan trọng, nó là không
mà. Đã là không thì thêm cũng chỉ thêm một ít thời gian
cho cái không đó thôi, chớ có gì quan trọng. Ngược lại,
nếu thấy thân thật, vừa động tới nó là thấy quan trọng
liền. Đang tu mà bị bệnh hoặc bên ngoài phá phách thì thối
Bồ-đề tâm, tu không được. Nhất là những vị nỗ lực,
cố gắng tu cho thành công, càng nỗ lực càng thấy chướng.
Tại sao? Vì cố gắng quá sức mà theo không kịp với chí
nguyện của mình, rồi ngã bệnh, sanh ra cái này cái nọ, phát
hoảng lên. Đó là sai lầm. Cho nên thấy thân không thật thì
tất cả đều không thật. Mọi thứ đã không thật, mình
sợ là sợ cái gì? Hiểu như vậy, thấy như vậy thì việc
tu không chướng, nhờ không chướng nên tu mới tới nơi tới
chốn. Người thấu triệt được lý Bát-nhã thì cười hoài.
Có gì đâu, mình đã là không thật, thì mọi thứ đối với
mình cũng toàn không thật, đùa chơi cho vui thôi. Vì vậy đi
tới đi lui cười hoài, không thèm kềm giữ gì hết.
Sở
dĩ chúng ta sợ cảnh bên ngoài, âm thanh bên ngoài là vì thấy
cảnh thật, âm thanh thật. Bây giờ thấy cảnh giả dối,
âm thanh giả dối, qua rồi mất thì không còn chướng nữa.
Việc tu không bị chướng nhờ trí tuệ vững, thấy được
lẽ thật. Ngược lại, tu mà sanh đủ thứ bệnh tật, đủ
thứ sợ sệt là vì còn thấy thân thật, còn đam mê. Thấy
thân thật thì mọi cảnh đều thật hết. Một chùm mê kéo
theo nhau, dĩ nhiên phải sanh chuyện này, chuyện nọ.
Cho
nên chủ yếu là chúng ta phải tận dụng Trí tuệ Bát-nhã.
Tận dụng không có nghĩa là tụng hết bài Bát-nhã, mà phải
ứng dụng lý Bát-nhã vào cuộc sống, vào sự tu. Lúc nào
mình cũng nhìn mọi vật chung quanh bằng Trí tuệ Bát-nhã,
nhất định không có cái gì phá phách, dụ dỗ ta được.
Còn nếu chúng ta dùng con mắt phàm tục, mê lầm tức nhiên
việc tu gặp khó khăn. Đó là chỗ rất thiết yếu. Vì vậy
người muốn vào cửa Thiền phải đi bằng Trí tuệ Bát-nhã,
nhất định không nghi ngờ gì cả. Dù ai ngồi thiền có hào
quang, muốn bay lên hư không cũng được, nhưng không có Trí
tuệ Bát-nhã thì vẫn bị kẹt như thường. Cho nên dùng Trí
tuệ Bát-nhã vào việc tu thì tất cả đều bình thường,
an ổn.
Trong
Bát-nhã nói năm uẩn, sáu trần cho tới Mười hai nhân duyên,
Tứ đế cũng không thật. Nghe như vậy hiểu sao được? Thân
này không thật là phải, còn chánh pháp của Phật cũng không
thật nữa sao? Phật nói thế nghĩa là tất cả các pháp đều
là phương tiện giả lập để chỉ dạy, hướng dẫn chúng
ta tu tập nên cũng không thật. Như mê thì dùng từ giác để
đánh thức, nếu hết mê rồi giác cũng phải bỏ đi. Tất
cả vì chúng sanh mê lầm nên Phật mới dùng pháp Tứ đế,
Mười hai nhân duyên, Lục độ… để giáo hóa. Nếu tất
cả chúng ta không còn mê lầm thì những pháp ấy đâu cần
dùng nữa. Nhiều người đọc kinh Bát-nhã ngạc nhiên, nói
ngũ uẩn không thì phải, còn pháp của Phật là chân lý, tại
sao cũng nói không? Phật nói thế để chúng ta biết tất cả
pháp Ngài lập nên nhằm diệt trừ sự si mê của chúng sanh,
tất cả đều là pháp đối đãi nên không thật. Như mê thì
lấy giác đánh thức, tham thì lấy bố thí, nóng giận thì
lấy từ bi… để trị. Khi bệnh lành thì pháp cũng phải
bỏ, chỉ tạm dùng để đối trị thôi, chớ không có pháp
thật. Thấy tột như vậy mới không chấp ngã, chấp pháp.
Đa
số người tu bây giờ không chấp ngã thì chấp pháp. Pháp
mình tu là số một, pháp kia là số hai, số ba. Đôi khi vì
pháp tu mà mạt sát lẫn nhau. Đâu biết pháp là phương tiện
để giúp chúng ta đi tới cứu kính, chớ pháp không phải
để so sánh hơn thua. Chúng ta tu phải thấy tột cùng lẽ thật
mới không còn chấp, không còn khổ. Có cái gì thật đâu
mà khổ? Giả sử ai đó nổi giận chửi mình, ta biết rõ
mình không thật thì lời chửi cũng không thật, có gì khổ?
Đằng này, nếu thấy mình thật, lời chửi thật, bị người
ta chửi liền xách gói đi. Đó là chướng. Chướng vì thấy
mình thật, thấy lời chửi thật. Thế là mê. Tại mê nên
chướng, hết mê thì hết chướng. Phật dạy “chiếu kiến
ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” là vậy. Qua
tất cả khổ ách vì mình không còn thấy có một pháp thật.
Như vậy trí tuệ là con đường đưa chúng ta tới giác ngộ.
Nếu không có trí tuệ, không bao giờ được giác ngộ.
Nếu
nói cái gì cũng không hết, vậy tu rồi chúng ta còn gì? Đó
là một vấn đề. Trong Thiền sử ghi, ngày xưa có một cư
sĩ đến hỏi Thiền sư:
- Bạch
Hòa thượng, Ngài được bao nhiêu tuổi?
Thiền
sư trả lời:
- Tôi
bằng tuổi với hư không.
Cư
sĩ hỏi:
- Hư
không bao nhiêu tuổi?
Thiền
sư trả lời:
- Hư
không bằng tuổi với tôi.
Quí
vị nghĩ sao? Hòa thượng có lẫn chưa? Ngài đã trả lời
để thấy rằng hư không bất sanh bất diệt, cái gì bất
sanh bất diệt thì nó là thật. Ngài thấy được Thể chân
thật của mình rồi thì bất sanh bất diệt, nên nói đồng
tuổi với hư không.
Để
đi thẳng vào chỗ tu hành, tôi nhắc lại ngoài thân và tâm
sanh diệt, chúng ta còn gì nữa không? Ngay thân này ai cũng
biết là thân sanh diệt, còn tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy,
tốt xấu là tâm sanh diệt. Hiện giờ mình đang sống với
thân và tâm sanh diệt, nên hướng đi của chúng ta là con đường
sanh tử liên tục. Vì tâm sanh diệt luôn luôn tạo nghiệp
sanh diệt. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử, thì đừng chấp
thân sanh diệt là quan trọng, tức thấy thân tứ đại không
thật. Đừng chấp tâm sanh diệt là quan trọng, tức bốn uẩn
thọ, tưởng, hành, thức không thật. Không kẹt nơi hai thứ
chấp ấy, chúng ta mới qua khỏi mé sanh tử.
Như
vậy ngoài thân tâm sanh diệt này, chúng ta còn cái gì nữa?
Nó ở đâu, chỉ được không? Được chớ, cái thật đó
ở ngay nơi sáu căn. Mắt đối cảnh liền thấy, nếu chúng
ta thấy mà không khởi niệm nào, đó là cái thấy của mình.
Nếu có niệm tiếp theo thì cái thấy ban đầu mất đi. Lỗ
tai nghe tiếng chỉ nghe thôi, đừng khởi niệm nào tiếp theo
thì cái nghe đó là thật mình. Rồi ngửi, nếm… sáu căn
không thiếu vắng lúc nào hết, nhưng vừa tiếp xúc với sáu
trần liền khởi động niệm thì cái thật nhảy qua mất,
do đó chúng ta không sống được với cái thật.
Quí
vị xét thật kỹ những giờ phút chúng ta ngồi thiền được
năm mười phút không có niệm nào chen vào mà vẫn tỉnh sáng,
mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe… thì năm mười phút đó mình
sống với cái gì? Cái đó sẵn rồi, khi không có niệm sanh
diệt lấn át, phủ che thì cái thật ấy hiện tiền. Như vậy
cái biết trong khi mình nhìn thấy sự vật mà không có niệm
nào, đó là cái biết thật. Nếu có niệm dấy theo thì sanh
ra phê phán xấu, đẹp… tức rơi vào sanh diệt rồi. Nên
nhớ cái chân thật bị phủ lấp bởi những niệm sanh diệt.
Cho nên chúng ta tu là dẹp bỏ các niệm sanh diệt phủ lấp.
Ngồi thiền cứ ngồi yên tĩnh sáng suốt, vừa có niệm dấy
lên liền bỏ, đó là dẹp cái phủ lấp. Khi thấy cảnh cứ
thấy thôi, vừa dấy niệm liền bỏ, đó là dẹp bỏ cái
phủ lấp. Dẹp hết cái phủ lấp sanh diệt, thì cái chân
thật bất sanh bất diệt hiện bày. |