Cuộc đời Tôn giả Xá Lợi Phất

Cuộc đời tôn giả Xá Lợi Phất

 

Tác giả: NYANAPONIKA THERA

Dịch giả: NGUYỄN ĐIỀU

 

 

MỤC LỤC

Lời nói đầu

PHẦN THỨ NHẤT: Từ khi sanh ra đến lúc đạt Thánh quả

PHẦN THỨ HAI: Trí duyên viên mãn

PHẦN THỨ BA: Ðoạn chót của cuộc đời Ngài trả món nợ trần cuối cùng

PHẦN THỨ TƯ: Pháp của Ðại đức Sàrìputta

PHẦN THỨ NĂM: Ðại đức Sàrìputta trong Túc Sanh Truyện

PHỤ LỤC: Những Thánh tích của hai Ðại đức Sàrìputta và Maha Moggallana

 

 

LỜI NÓI ÐẦU

Trong tủ sách Phật giáo, chúng ta hằng tìm thấy không biết bao nhiêu những cuốn sách nói về Ðức Phật hoặc chung quanh các lời dạy, những giáo thuyết của Ngài.

Tuy nhiên, quả vị của một đấng Phật Tổ lại là quả vị cao nhất, hoàn toàn nhất trong các đạo quả giải thoát mà hành giả (Phật tử) đang đi trên con đường Bát Chánh phải trải qua một thời gian vô lượng, với một lòng kiên nhẫn sắt đá mới có thể đạt được.

Gương giải thoát trong Phật giáo không phải chỉ riêng là Ðức Phật, mặc dù Phật là một tấm gương sáng nhất trong những tấm gương soi thấu con đường tận diệt vô minh phiền não, mà còn có những tấm gương khác cũng vô cùng rực rỡ và đáng noi gương không kém. Những tấm gương ấy là những vị Ðộc-giác hay Thanh-văn giác, tức những đệ tử Phật đã được chứng quả giải thoát.

Trong thời gian Ðức Phật còn tại thế nhiều vị đại đệ tử của Ngài đã đóng những vai trò rất quan trọng trong công việc truyền bá Phật giáo và lèo lái con thuyền Giáo hội.

Ðề cập đến những vị Thánh Tăng ấy chúng ta không thể nào không nhắc đến lịch sử của ngài Sàrìputta (Xá-lợi-phất). Ngài chẳng những là một đại đệ tử ưu tú của Ðức Phật, mà còn là một nhà thông thái có thể xem là bậc nhất trong hàng Thanh-văn giác.

Ngày nay, nếu chúng ta có dịp đi hành hương ở các nước Phật giáo theo truyền hệ Nam tông như các nước Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan v.v... các Phật tử chắc chắn sẽ trông thấy trên bệ thờ đấng Giải thoát, hai bên mặt và trái của Ðức Phật, có tượng hai vị đại đệ tử đứng chắp tay hầu Ngài. Một trong hai vị đó chính là Ðức Thanh-văn giác Sàrìputta (Xá-lợi-phất) vậy.

Lịch sử của vị đại đệ tử này cũng chẳng kém phần đạo vị và rất xứng đáng cho mọi người noi gương, vì con đường giải thoát của Ngài đã đi cũng lại là con đường Bát Chánh của chư Phật.

Do đó, kẻ phiên dịch cuốn sách nhỏ bé này không có ước vọng gì hơn là cống hiến cho quý vị Phật tử bốn phương thêm một tài liệu làm gương mẫu quý giá, hầu may ra có thể đáp ứng được phần nào nguyện vọng của những ai hằng ước nguyện chóng giải thoát hay trở thành bậc Thanh-văn giác.

Ngưỡng mong quý vị học giả cao Tăng chỉ dạy thêm nếu bản dịch này có điều chi sơ sót. Người dịch vô cùng cảm tạ.

Nguyện cầu Tam Bảo hộ trì cho ngài Ðại đức Nyanaponika, vị đã có công nghiên cứu và soạn ra quyển sách này.

Xin cho tất cả chúng sanh đều được an vui và không bao giờ oan trái.

Dịch giả

NGUYỄN ÐIỀU

 

HỒI HƯỚNG

THÀNH TÂM CHIA ÐỀU

PHẦN PHƯỚC PHIÊN DỊCH NÀY

ÐẾN TẤT CẢ CHÚNG SANH,

NHẤT LÀ SONG ÐẤNG SANH THÀNH

VÀ CÁC BẬC THẦY TỔ CỦA DỊCH GIẢ.

NGUYỄN ÐIỀU

Saigon tháng 12-1996

 

PHẬT NGÔN

 

Không sự bố thí nào quý hơn là bố thí Pháp bảo

Không hương vị nào quý hơn hương vị của Pháp bảo

Không sự thỏa thích nào quý hơn sự thỏa thích trong

Pháp bảo

Không sự vượt thắng cái khổ nào quý hơn là vượt

thắng cái khổ dục vọng.

(Trích Pháp Cú Kinh, Dhammapada 354)

 

 

PHẦN THỨ NHẤT

TỪ KHI SANH RA ÐẾN LÚC ÐẠT THÁNH QUẢ

Câu chuyện bắt đầu từ trong hai làng Bà-la-môn ở Ấn Ðộ gọi là Upatissa và Kolita. Hai làng này cách xa thành Ràjagaha (Vương Xá) chẳng bao nhiêu.

Trước khi Ðức Phật ra đời, có một thiếu phụ thuộc giòng Bà-la-môn tên Sàrì, sống trong làng Upatissa(1) đã thọ thai, và đồng thời tại một làng khác gọi là Kolita, cũng có một thiếu phụ Bà-la-môn khác mang thai. Nhưng có điều lạ là cả hai thiếu phụ này thọ thai trong một ngày. Người thiếu phụ thứ hai tên là Moggallì. Hai gia đình của hai thiếu phụ này giao hảo với nhau rất thân mật và đã kết thân cùng nhau bảy đời.

Kể từ ngày mới thọ thai, hai gia đình Bà-la-môn kia chăm sóc hai thiếu phụ ấy rất chu đáo và sau một thời gian đến ngày nở nhụy khai hoa, cả hai thiếu phụ đồng sanh ra hai đứa con trai cũng cùng trong một ngày.

Trong lúc đặt tên cho đưùa bé, thiếu phụ có tên Sàrì đã nhận tên Upatissa mà đặt cho con trai mình, bởi vì gia đình của nàng là một gia đình đứng đầu trong làng. Tương tự như thế, cậu bé con trai của nàng Bà-la-môn Moggallì bên làng kia lại được đặt tên là Kolita.

Khi hai cậu bé bắt đầu khôn lớn, chúng được cha mẹ giáo dục thật chu đáo, và được học hỏi nhiều môn học từ những danh sư nổi tiếng nhất trong xứ. Hai cậu đã trở nên lão thông tất cả những môn học thời bấy giờ.

Mỗi chàng trai xuất chúng ấy đều có hằng năm sáu trăm người thanh niên Bà-la-môn khác theo làm môn đệ. Họ thường dắt nhau đi thưởng cảnh bơi lội hoặc vào trong những công viên vừa giải trí vừa luận bàn thời sự. Upatissa hay dùng năm trăm chiếc võng, và Kolita với năm trăm cỗ mã xa.

Hồi ấy tại thành Ràjagaha (Vương Xá) mỗi năm có một kỳ lễ tưng bừng giống như hội Vu Sơn. Ðôi thanh niên trí thức này được mời ngồi vào những chiếc ghế danh dự để chứng kiến cuộc lễ. Thoạt đầu họ có vẻ vui thú khi những hồi trình diễn trở nên hào hứng, và họ đã tặng nhiều món tiền thưởng để các diễn viên, trình diễn thêm những màn đặc biệt mà họ thích nhất. Họ giải trí vui vẻ như vậy đến hai ngày, nhưng qua đêm thứ ba thì cả hai bỗng trở nên buồn bã, vì họ vừa ý thức được một điều gì. Họ không còn vui vẻ hay tươi cười nữa. Họ cũng chẳng màng treo thêm những món tiền thưởng hậu như hai ngày trước.

Mỗi người đồng có một ý nghĩ: “Ở đây có gì lạ mà ta phải ngồi nhìn? Tất cả những người này khi đã đến trăm tuổi rồi thì họ sẽ phải đi theo thần chết. Vậy việc mà ta nên làm là mau mau đi tìm một con đường để thoát chết”.

Những ý nghĩ như vậy cứ lẩn quẩn trong đầu óc họ, ngay khi họ còn ngồi trong cuộc lễ. Sau đó Kolita bèn nói với Upatissa:

– Này bạn Upatissa! Thế này là nghĩa làm sao? Do đâu bạn lại không vui vẻ và thích thú như hai ngày trước? Tôi nhìn bạn như đang lo âu một điều gì, vậy bạn có thể cho tôi biết được chăng?

– Này bạn Kolita! Tôi thấy ngồi nhìn những cảnh tượng này chẳng lợi ích chi cả. Nó hoàn toàn vô vị. Tôi nghĩ phải đi tìm một con đường giải thoát cho chính tôi, Kolita ạ. Ðó là vấn đề mà tôi đang băn khoăn trong tâm. Nhưng mà còn anh nữa, anh Kolita ạ, tôi thấy anh cũng không có vẻ an tâm chút nào!

Kolita đáp:

– Tôi quả có sự suy tư đúng như anh vừa thốt.

Khi biết rằng người bạn cùng mang một nỗi âu lo như mình, Upatissa bèn nói:

– Ðó là một mối quan tâm đáng khen của chúng ta. Nhưng muốn đi tìm một người thầy để dạy cho chúng ta con đường giải thoát, chỉ có cách là chúng ta phải rời bỏ nhà cửa để du phương và tìm sống với các bậc đạo sĩ hữu hạnh, song biết ẩn sĩ đắc đạo nào mà chúng ta theo bây giờ?

Thuở ấy, có một Giáo chủ sống trong thành Ràjagaha (Vương Xá). Vị này thuộc phái Du sĩ Paribbàjaka, tên gọi là Sanõjaya. Ông có một số môn đồ rất đông.

Với ý định sẽ gia nhập làm môn đệ của vị ấy, Upatissa và Kolita bèn tìm đến đó. Mỗi người cùng dắt theo năm trăm thanh niên đồ đệ của mình rồi tất cả đều được nhận vào môn phái của Sanõjaya. Kể từ đó, tiếng tăm và hậu thuẫn của đạo sĩ Sanõjaya liền trở nên vang dậy.

Sau một thời gian ngắn, đôi bạn Upatissa và Kolita đã học hết học thuyết của Giáo chủ Sanõjaya. Họ hỏi thầy đạo sĩ rằng:

– Thưa thầy, giáo pháp của thầy chỉ có chừng ấy hay còn gì hay hơn nữa?

Sanõjaya đạo sĩ đáp:

– Chỉ có thế, và các ngươi đã biết cả rồi.

Nghe vậy, đôi bạn Upatissa và Kolita liền nghĩ: “Nếu chỉ có thế mà mình lại tiếp tục cuộc đời đạo sĩ này với ông ta thì vô ích quá! Mình đã lìa bỏ gia đình, sống đời để tìm giải thoát thế sự, mà theo ông thầy này mình chẳng được chi cả!”.

Rồi họ lại nghĩ tiếp: “Nhưng nước Ấn Ðộ rộng bao la, nếu mình kiên nhẫn tầm Sư không thối chuyển, cứ đi từ làng này qua làng khác, tỉnh nọ đến tỉnh kia chắc hẳn sẽ tìm được một vị thầy dạy cho ta phương pháp thoát tử!”.

Kể từ đó mỗi khi họ nghe có một đạo sĩ uyên bác nào, dù ở xa đi nữa, đôi bạn Kolita và Upatissa cũng tìm đến cầu đạo. Nhưng chẳng có một vị nào giải đáp nổi một câu hỏi của họ, trong khi đối với những người khác các vị đạo sĩ ấy đều tỏ ra thông suốt.

Sau khi đi khắp cả xứ Ấn Ðộ, cả hai phải cùng quay về, và lúc về đến chỗ cũ, họ đồng cam kết với nhau rằng:

“Trong hai người nếu ai tìm được con đường bất tử trước phải chỉ lại cho người kia”.

Từ đó họ chính thức kết làm huynh đệ và tình giao hữu giữa đôi thanh niên lại càng sâu đậm hơn.

Chẳng bao lâu, sau khi Upatissa và bạn là Kolita hẹn ước như thế, thì Ðức Thế Tôn - đấng hoàn toàn giác ngộ lại đến thành đô Ràjagaha (Vương Xá). Vì khi Ngài đã thuyết xong một bài pháp nói “Lửa” tại thị trấn Gàyà, Ngài bèn nhớ đến lời hứa mà Ngài đã hứa với vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la) trước khi đắc thành Chánh đẳng Chánh giác laø Ngài sẽ trở lại thành Ràjagaha (Vương Xá) ngay sau khi Ngài đã đắc được đạo giác ngộ. Ðức Thế Tôn du hành suốt quãng đường dài từ Gàyà đến thành Ràjagaha và được vua Bimbisàra thân hành đón tiếp tại Trúc Lâm tinh xá (Veluvana Vihàra).

Trong số sáu mươi mốt vị Thánh A-la-hán mà Ðức Bổn Sư đã phái đi để truyền bá cho thế gian về ân đức của Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo), có Trưởng lão Assàji, người thuộc nhóm năm đạo sĩ trước đây là những vị đồng tu khổ hạnh với Ðức Thích Ca khi Ngài chưa đạt được giác ngộ, và cũng chính những vị đó sau này đã trở thành những đệ tử đầu tiên của Ngài. (Tức năm thầy Kiều-trần-như).

Trưởng lão Assàji, sau khi đã du hành truyền đạo bèn trở lại thành Ràjagaha.

Vào một buổi sáng nọ, trong khi Trưởng lão đang trì bình khất thực trong thành, Ngài được Upatissa, người đang đi trên con đường dẫn đến tu viện thuộc phái đạo sĩ du phương Sanõjaya, trông thấy. Bị kinh cảm bởi vẻ mặt trang nghiêm và thoát tục của Ðại đức Assàji, Upa-tissa nghĩ: “Trước đây ta chẳng bao giờ trông thấy một nhà sư như vậy. Ông ta phải là một trong những Thánh Tăng A-la-hán (Arahatta). Nếu không chắc hẳn ngài cũng là người đang bước trên con đường đến Thánh quả A-la-hán? Tại sao ta không thử đến gần ngài để tìm hiểu xem ngài được thọ giáo với ai? Ðâu là Ðạo môn của ngài và ngài đã học được giáo lý như thế nào?”.

Nhưng Upatissa lại nghĩ: “Giờ phút này không tiện để cho ta đặt những câu hỏi như vậy vì ngài còn đang khất thực trên đường phố. Tốt hơn ta nên theo sau ngài như một người ngưỡng mộ”. Và rồi Upatissa đã thực hiện ý nghĩ của mình.

Sau khi đức Trưởng lão khất thực xong, Upatissa lại thấy ngài dời chân đến một nơi khác, dường như với ý định chọn nơi thanh vắng để dùng bữa. Ông ta bèn tiến nhanh đến phía trước sửa soạn cho ngài một chỗ ngồi bằng chiếc tọa cụ của chính ông đã mang theo, rồi ông cung kính dÂng đến đức Trưởng lão Assàji. Khi ngài dùng bữa xong thì Upatissa liền dâng đến ngài nước rửa tay lấy từ trong bình đựng nước của ông, và cùng một cách như thế, ông đã lo lắng cho ngài bằng tất cả cử chỉ của một người đệ tử đối với bậc thầy.

Sau khi trao đổi với nhau qua những lời chào hỏi thông thường, lịch sự và lễ phép, Upatissa nói:

– Kính đạo sĩ, nét mặt của ngài thanh tịnh quá. Phong thái của ngài sao mà trong sạch sáng sủa thế. Kính đạo sĩ, vậy ngài đã theo vị nào để trở thành thoát tục? Và ai là thầy của ngài, cũng như ngài đã thọ giáo ra sao?

Ðức Assàji đáp lời: – Này đạo hữu! Ðúng vậy chính vị Giác ngộ, người con cao quý của giòng Sakya chính là Bổn Sư của bần đạo. Ði trên con đường của Ngài, bần đạo đã tiến hóa. Ðức Thế Tôn ấy là bậc đã giải thoát, và cũng nhờ Pháp bảo của Ngài mà bần đạo đã được thanh tịnh.

– Thưa đạo sĩ. Vị Ðại phúc ấy chắc phải thông rõ vạn pháp và ngài phải học hỏi có bao nhiêu mới đạt được mức thanh tịnh như thế?

Bị chất vấn như vậy, đức Trưởng lão Assàji bèn tự nghĩ rằng: “Những học giả du phương này thường không hiểu pháp Ba-la-mật của Ðức Phật. Ta sẽ chỉ cho ông ta rõ Ba-la-mật pháp cao dày như thế nào?”. Vì vậy ngài nói:

– Dù sao bần đạo hãy còn trên bước đường tu tập. Con đường giải thoát mà bần đạo đã đi kể từ khi xuất gia đến giờ chưa xa mấy. Bần đạo chỉ mới bước được vài bước thuộc vào những bước mở đầu trong giáo lý và phẩm hạnh này. Bần đạo không thể giải nghĩa Pháp bảo của Ðức Thế Tôn cặn kẽ đến đạo hữu được.

Người tầm đạo ấy liền thưa:

– Kính Ðại đức. Tôi tên là Upatissa, đang quyết lòng tìm đạo. Xin ngài làm ơn chỉ dẫn cho tôi tùy theo khả năng của ngài. Dù nhiều hay ít tôi cũng vẫn kính cẩn lắng nghe. Nếu là Chánh pháp thì chỉ một câu đã giúp người thành tâm tìm ra nẻo giải thoát.

Và ông ta năn nỉ tiếp: – Xin ngài chỉ dạy cho tôi theo sức hiểu biết của ngài. Với ánh sáng giác ngộ dù chỉ le lói đi nữa, nó vẫn có giá trị và đầy đủ khả năng giúp người thiện tâm tìm ra con đường chơn lý.

Ðể đáp lại, Trưởng lão Assàji ngâm kệ rằng:

Sabbe dhammà hetuppabhàvà

Tesam hetum Tathàgato àha

Tesannena yo nirodho, eva

Màdì mahàsamanoti

“Vạn pháp đều sanh ra bởi một Nhân,

Ðức Thế Tôn đã chỉ rõ Nhân của nó,

Ngài cũng dạy cho cách diệt tắt,

Nhân ấy! Ðó chính là Giáo pháp

của bậc đại Sa-môn”.

(Kệ ngôn trên đây ngày nay đã trở thành một trong những triết lý căn bản và nổi tiếng nhất của Phật giáo. Bất cứ lúc nào nó cũng có thể đóng vai như một sự nhắc nhở về lần tiếp xúc đầu tiên của Ðại đức Upatissa (Sàrìputta) với Pháp bảo, và nó cũng là một sự ghi nhớ có giá trị về Trưởng lão Assàji, vị thầy đắc đạo A-la-hán của ông).

Nhắc lại thanh niên Upatissa, khi nghe hết hai câu đầu, Upatissa đắc được Pháp nhãn, chứng đạo Nhập lưu (Tu-đà-hoàn) và lúc dứt hai câu cuối cùng ông đã hoàn toàn lắng nghe với vẻ mặt của một người đang được giải thoát.

Khi ông đã trở thành một bậc nhập Thánh lưu rồi, và trước khi đạt được những quả vị cao hơn, ông đã cảm nhận rằng: “Ánh sáng cùng ý nghĩa của sự giác ngộ đã tìm thấy nơi đây rồi”. Và ông cung kính nói với đức Trưởng lão:

– Xin ngài khỏi giải rộng thêm về Pháp bảo này nữa. Như thế đó là đủ tất cả. Upatissa xin quy y đấng Thế Tôn và Ðại đức.

– Nhưng thưa ngài! Hiện vị thầy của chúng ta đang ở đâu?

– Này kẻ tầm đạo! Ngài đang ở trong Trúc Lâm tinh xá.

– Bạch Ðại đức! Thỉnh Ðại đức đi trước. Tôi có một người bạn và chúng tôi đã hẹn ước với nhau rằng: “Nếu ai tìm được đạo bất tử trước tiên sẽ chỉ dạy cho người kia. Vậy tôi phải đi thông báo cho người bạn tôi biết, rồi chúng tôi sẽ cùng theo con đường Ngài đã đi để đến ra mắt đấng Thiên Nhơn Sư”.

Ðoạn Upatissa cung kính mọp xuống tận bàn chân của đức Trưởng lão, lễ bái và từ giã ngài để trở lại nơi cư ngụ của những đạo sĩ du phương.

Kolita trông thấy bạn mình tiến lại gần và thầm nghĩ: “Hôm nay nét mặt của bạn ta hoàn toàn thay đổi. Chắc hẳn anh ấy đã tìm ra con đường thoát tử?”.

Và khi ông hỏi bạn về chuyện ấy, Upatissa đáp:

– Vâng, thưa bạn! Tôi đã tìm ra đạo bất tử.

Rồi ông đọc thuộc lòng cho bạn mình nghe kệ ngôn mà ông đã nghe. Khi kệ ngôn chấm dứt, Kolita liền đắc quả Nhập lưu (Tu-đà-hoàn) và liền hỏi:

– Bạn thân mến! Hiện đấng Thượng Sư ngụ ở đâu?

– Thầy cuûa tôi, đức Trưởng lão Assàji đã cho tôi biết rằng đấng Thượng Sư đang ở tại Trúc Lâm tinh xá.

Kolita liền bảo:

– Này Upatissa vậy chúng ta hãy đến ra mắt Ngài đi.

Nhưng Upatissa là người luôn luôn kính trọng thầy, nên ông ta bèn đề nghị với bạn rằng:

– Này bạn! Trước tiên chúng ta hãy đến thầy cũ của chúng ta đã, ngài du sĩ Sanõjaya, và bảo cho ông ấy biết rằng chúng mình vừa tìm được đạo bất tử. Nếu ông ta đón nhận, ông ta sẽ đạt được con đường thật. Dù cho ông ta không tin đi nữa có lẽ ông cũng được ảnh hưởng do lòng tin tưởng mãnh liệt của chúng ta, rồi sẽ cùng đi yết kiến đấng Thượng Sư để nghe giáo lý của Ngài. Biết đâu ông ta cũng gặt hái được đạo quả giải thoát?

Do đó cả hai cùng đến gặp đạo sĩ Sanõjaya và báo tin rằng:

– Thưa thầy! Thầy đang làm gì đó? Một đấng Giác ngộ đã xuất hiện trên thế gian này. Giáo lý của Ngài đã khai sáng nhân sanh và được thực hành chơn chánh trong cộng đồng do những Tăng sĩ đệ tử của Ngài. Vậy Ngài hãy cùng đi với chúng tôi đến ra mắt đấng Thượng Sư đã tròn đủ Thập độ.

Ðạo sĩ Sanõjaya ngạc nhiên la lên rằng: “Ta chẳng hiểu các ông muốn nói cái gì?”.

Rồi ông từ chối không đi theo họ, mà còn khoe khoang với họ về danh dự và tiếng tăm của ông ta để hy vọng thuyết phục hai học trò mình ở lại hưởng thụ và chỉ tin tưởng nơi danh vị của ông thầy cũ.

Nhưng họ đã quyết: – Thầy ạ! Chúng tôi đã dứt khoát, không còn bất cứ ý muốn nào ở lại đây. Thầy ơi! Thầy chỉ cần quyết định rằng đi theo chúng tôi là nên hay không mà thôi?

Thất bại trong những lời thuyết phục, Sanõjaya nghĩ: “Nếu họ hiểu nhiều như vậy, họ sẽ chẳng nghe theo những gì ta bảo. Tốt hơn hãy để họ ra đi càng sớm càng tốt, kẻo không những đệ tử khác hay biết sẽ có hại”.

Tư tưởng xong ông ta liền đáp: “Thôi các ông hãy đi đi, còn ta không thể đi được”.

– Thưa thầy, tại sao không?

– Vì ta là một vị thầy có nhiều môn đệ. Nếu ta đảo lộn hệ thống môn đồ như thế thì chẳng khác nào một bệ nước vĩ đại đem đổi lấy một bình chứa nhỏ nhoi. Bây giờ ta không thể nào trở lại cuộc sống như là một đệ tử được.

Họ lại khẩn cầu: – Xin thầy đừng nghĩ như thế thầy ạ!

– Nhưng ta đã quyết định rồi, các ông hãy đi đi, ta không thể đi được.

– Thầy ơi! Khi Ðức Phật xuất hiện trên đời, bao nhiêu người từ hạ dân đến quyền quý cao sang đều tôn thờ Ngài, mang cả những bảo vật đến dâng cúng kia mà. Danh vị của thầy làm sao so sánh với đấng Toàn giác. Cho nên, khi chúng tôi đã theo Phật rồi, những gì sẽ xảy đến cho thầy, chắc thầy đoán biết chứ?

Ðể đáp lại câu đó, đạo sĩ Sanõjaya trả lời:

– Này các đệ tử, các ông suy nghĩ gì kỳ lạ vậy? Trên đời này người ngu muội nhiều hay người trí thức nhiều?

– Người ngu muội nhiều, thưa thầy. Song người trí thức thì ít lắm.

– Nếu vậy thì này các ông. Chắc các ông cũng biết rằng những người trí thức sẽ đến với Ðức Phật Cồ Ðàm (Gotama), còn những kẻ ngu muội sẽ về với ta, chỉ những người ngu muội thôi. Bây giờ các ông có thể đi đi. Nhưng ta chẳng bao giờ đi theo các ông cả.

Vì vậy, đôi bạn Upatissa và Kolita, khi rời thầy đã nói:

– Thưa thầy. Rồi đây thầy sẽ hối hận vì những tư tưởng sai lầm của thầy.

Sau khi họ đi rồi, có một sự rạn nứt trong những môn đồ Sanõjaya và tu viện của ông ta đã trở nên gần như trống trải.

Thấy tư thất của mình vắng lặng các môn đồ, đạo sĩ Sanõjaya đã uất ức đến hộc máu tươi. Năm trăm đệ tử của ông đã rời bỏ theo Upatissa và Kolita. Trong số đó chỉ có hai trăm năm mươi người trở lại với đạo sĩ du phương Sanõjaya.

Với số còn lại là hai trăm năm mươi người, cộng thêm những người tùy tùng xưa kia, đôi bạn Upatissa và Kolita bèn nhắm Trúc Lâm tinh xá trực chỉ.

Lúc đó, đức Thượng Sư đã an tọa trong hàng, Tứ chúng (2 ) và đang thuyết pháp. Khi Ðức Thế Tôn thấy hai người tiến đến, Ngài bèn công bố với chư Tăng và Phật tử rằng:

– Ðôi bạn Upatissa và Kolita đang đến đây sẽ là những đệ tử ưu tú của Như Lai. Thật là một đôi bạn phước duyên song toàn.

Khi đến gần, hai người ấy liền trịnh trọng đảnh lễ Ðức Thế Tôn và ngồi lại một bên. An tọa xong, họ bạch với Ðức Phật rằng:

– Bạch Ngài! Xin Ngài cho chúng con được thọ giáo để được đi trên con đường tấn hóa và xin Ngài dắt dẫn chúng con trên con đường giải thoát tối thượng.

Ðức Thế Tôn thuyết: “Này các Tỳ-kheo! Các vị hãy đến đây! Khi Pháp bảo đã được thuyết giảng, hấp thụ vào tâm rồi thì đời sống của kiếp người là những ngày tháng trong sạch để chấm dứt cả phiền não”.

Phật thuyết chỉ có thế và Ngài xem như rất đầy đủ cho những hàng xuất gia cao thượng.

Sau đó, Ðức Bổn Sư tiếp tục bài pháp tùy theo căn cơ của mỗi cá nhân để đưa họ vào một sự suy gẫm. Trường hợp đặc biệt của hai thủ lãnh môn đồ vừa đến, pháp của Ngài đã làm cho họ đạt tới A-la-hán quả. Nhưng hai vị ấy chưa hoàn toàn ngộ được ba đạo Thánh tâm cao thượng hơn. Lý do là vì tính chất, vĩ đại của trí tuệ hòa hợp với sự hoàn toàn của một đại đệ tử mà họ còn phải đạt tới. (SàvakaPàramì nõàna).

Từ khi trở thành đệ tử của Ðức Phật, Upa-tissa có tên là Sàrìputta (Xá-lợi-phất) và Kolita được gọi là Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên).

Sau đó, Ðại đức Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) đến ngụ tại một làng trong xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), gọi là làng Kallavàla. Ở đó ngài phải nhờ vào vật bố thí của thập phương bá tánh. Vào ngày thứ bảy sau khi xuất gia, khi ngài đang thực hành phận sự của bậc Sa-môn (Thiền định), thì sự lười biếng và hôn trầm kéo đến ngài. Nhưng nhờ pháp câu thúc của Ðức Phật, ngài đã đẩy lui được sự lười biếng (điều này căn cứ vào một bài pháp trong Kinh Anguttara Nikàya VII N. 58), và sau đó khi nghe đức Thượng Sư dẫn giải cho ngài về đề mục Thiền định Sơ cấp (Dhàtu Kammatthàna), Ngài đã hoàn thành công việc, đạt tới ba đạo tâm cao hơn và chứng được sự hoàn toàn tối thượng của một đại đệ tử (Sàvaka Pàramì).

Trong lúc đó thì Ðại đức Sàrìputta (Xá-lợi-phất) tiếp tục sống bên cạnh đấng Bổn Sư trong một cái hang gọi là Sakarakhatalena (Ðộng Heo), và thường đi vào thành Ràjagaha (Vương Xá) khất thực. Nửa tháng sau lễ xuất gia của ngài, Ðức Thế Tôn đã thuyết một bài pháp về sự nhận thức của tâm (3 ) cho người cháu của Ðại đức Sàrìputta tên là Dghanakha (một đạo sĩ du phương) nghe. Ðại đức Sàrìputta đứng phía sau Ðức Bổn Sư để hầu. Trong khi theo dõi những ý tưởng liên tục của bài pháp, Ðại đức Sàrìputta (Xá-lợi-phất) đã nhận thấy rằng đó chính là sự chia sớt những món ăn tinh thần quý báu mà đức Thượng Sư thân hành trao lại cho người đời.

Nhờ hiểu biết như vậy mà Ðại đức Sàrìputta đã chứng được trí thức tối thượng tròn đủ của một đại đệ tử, và cũng đắc được đạo quả A-la-hán với bốn Tuệ phân biệt (Tứ phân biệt tuệ) (4 ). Còn người cháu của ngài khi dứt bài pháp đã đắc quả nhập lưu (Tu-đà-hoàn).(5 )

Nếu có người hỏi: “Ðại đức Sàrìputta không có một trí tuệ vĩ đại sao? Và nếu có tại sao ngài lại đạt được sự hoàn toàn của một đại đệ tử sau Ðại đức Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên)? Câu trả lời là chính vì sự vĩ đại đó mà thời gian phải cần thiết để cho nó được chuẩn bị chín muồi. Chẳng hạn như một thường dân muốn đi đâu, họ liền đặt chân ra đường. Nhưng trường hợp những hạng vua chúa thì lắm sự chuẩn bị chu đáo lại cần thiết. Chẳng hạn như thắng xe tứ mã, bố trí quan quân v.v...

Trường hợp nói trên cũng tương tự như vậy.

Cùng ngày hôm ấy, khi bóng chiều đã đổ dài trên ngàn cây nội cỏ, đức Thượng Sư gọi tất cả môn đồ của Ngài tựu hợp và tỏ lời nâng nhị vị A-la-hán Sàrìputta (Xá-lợi-phất) và Mahà Mog-gallàna (Mục-kiền-liên) lên hàng Huynh trưởng hướng dẫn Tăng chúng.

Trong dịp này, có một số Tăng sĩ không hài lòng và bàn tính với nhau: “Ðức Bổn Sư nên cho phẩm vị Trưởng lão đến những vị xuất gia đầu tiên mới phải, nghĩa là nhóm năm đệ tử đầu (năm thầy Kiều-trần-như). Nếu không thì hoặc cho nhóm hai trăm năm mươi Tỳ-kheo dẫn đầu do ngài Yasa hay cho ba mươi vị trong nhóm Bhadda Vaggiya (Thắng Dục Sĩ), còn không thì Ngài phải cho đến ba huynh đệ Kassapa chứ?

Nhưng tại sao Ngài không kể đến các vị đại Trưởng lão này, mà đem phẩm vị đó ban đến những người mới xuất gia sau cùng?”. Ðức Bổn Sư dọ hỏi về đề tài bàn tán của họ, và khi được biết Ngài bèn dạy:

– Như Lai không thiên vị mà chỉ cho phẩm vị ấy theo hạnh nguyện của họ. Tỷ như Kondanõnõa (chỉ nhóm Kiều-trần-như), trong kiếp trước họ đã bố thí vật thực chín lần giữa mùa gặt đến tiền thân của Như Lai. Họ không có nguyện vọng trở thành đại đệ tử, họ chỉ có nguyện vọng được bước vào giáo lý của Như Lai đầu tiên, cùng chung được phẩm đạo cao nhất là A-la-hán. Ðiều đó giờ đây đã đúng sự thực. Nhưng Sàrìputta và Màha Moggallàna, trong vô lượng quá khứ vào thuở Ðức Phật Anomadassi, họ sanh làm một thanh niên Bà-la-môn tên Sàrada và một người điền chủ tên Sirivaddhaka. Họ đã có nguyện vọng trở thành những đại đệ tử khi gặp Ðức Phật trong kiếp sau cùng. Này chư Tỳ-kheo! Hãy nghe đây! Phẩm vị mà Như Lai cho họ chính là nguyện vọng của họ đấy. Chư Như Lai không bao giờ thiên vị.

Phần sưu tập về địa vị của Ðại đức Sàrìputta này được lấy ở đoạn chú giải trong Kinh Anguttara Nikàya, bộ Etavagga và một số trích từ những bài kệ song đối trong chú giải Pháp Cú Kinh (Dhammapàda Sutta). Trong đó, một số những đặc điểm chính yếu về vai trò của Ðại đức Sàrìputta được hoàn toàn ghi nhận. Ngoài ra, đức năng trong tình bạn sâu xa giữa ngài với Ðại đức Mahà Moggallàna cũng được mô tả, không những khi ngài còn ngoài đời, một thanh niên được giáo dưỡng trong nhung lụa, mà cả đến lúc xuất gia sống đời sống vô gia đình. Rồi đạt được Thánh quả. Ðức năng ấy vẫn luôn luôn bền bỉ trong sạch như ánh sáng mặt trời.

Trong khi vừa thấm nhuần được giáo lý giải thoát và trước khi tiến xa hơn trên con đường thanh tịnh, ý tưởng đầu tiên của ngài là nghĩ đến bạn, ông Kolita cùng lời thề mà ngài đã nguyện. Ðại đức Sàrìputta có một trí tuệ vô song và tiềm tàng do tu tập trong nhiều kiếp qua. Trí tuệ ấy trong kiếp này là lúc đã chín muồi, chỉ chờ dịp để phát hiện. Do đó nó đã biểu lộ tức khắc giúp Ngài nắm được ngay yếu chất Phật giáo lúc chỉ được nghe vài câu pháp của Trưởng lão Assàji. Và hy hữu hơn nữa là ngài đã kết hợp được sức thông minh ấy với cá tính khiêm tốn, dịu dàng, tự nhiên và biểu lộ bằng sự hiểu biết khiến cho bất cứ ai cũng kính phục. Ðối với đạo chủ Sanõjaya, dù biết rằng ông ấy vô cùng lầm lạc, nhưng Ðại đức Sàrìputta vẫn giữ một thái độ tôn kính như xưa. Bởi vậy, ta không thể thắc mắc gì khi biết rằng suốt đời sống của ngài, ngài luôn luôn tỏ rõ sự kính trọng đối với Trưởng lão Assàji vì chính nhờ vị này mà ngài đã được bước vào giáo lý của Ðức Phật.

Như ta đã biết, theo chú giải Kinh Vva Sutta (Sutta Nipàta), và cũng trong Chú Giải cuốn số 392 trong Kinh Pháp Cú rằng: Bất cứ lúc nào, khi Ðại đức Sàrìputta cùng sống trong một tinh xá với Trưởng lão Assàji, ngài luôn luôn đến nghiêng mình đảnh lễ trước Trưởng lão ngay sau khi đã lễ bái Ðức Thế Tôn. Ngài làm như thế, ngoài cái nghĩa kính trọng còn nghĩ rằng: “Vị Ðại đức này là thầy đầu tiên của ta. Nhờ ngài mà ta tìm thấy và hiểu được tuyệt pháp Ba-la-mật của Phật”. Và khi đức Trưởng lão Assàji ngụ trong một nơi nào khác, Ðại đức Sàrìputta thường hướng về nơi Trưởng lão đang ở để tỏ lòng tôn thờ bằng cách chắp tay nghiêng mình lễ bái khắp các phương.

Những điều này đã dẫn đến một sự hiểu lầm. Mỗi khi trông thấy như thế, chư vị Tỳ-kheo thường bảo với nhau rằng: “Ðã là đệ tử Phật mà ngài Sàrìputta còn lễ bái những phương trời. Ngay cả bây giờ mà ông còn chưa bỏ được những tư kiến tôn sùng những trời Phạm Thiên ư?”.

Nghe được những lời chỉ trích này, Ðức Thế Tôn bèn dạy rằng:

– Này chư Tỳ-kheo! Không phải như thế đâu. Sàrìputta không phải lễ bái các phương trời đâu. Ông ta chỉ lễ bái đến ai mà nhờ đó ông ta tìm thấy Pháp bảo của Như Lai, vì ông ta xem kẻ ấy là thầy của mình và Sàrìputta là người rất biết ơn Thầy Tổ.

Sau đó, Ðức Thế Tôn liền thuyết cho chư Tăng đang họp nhau bàn tán nghe về Kinh Nàva (Nàvasutta), Phật dạy:

– Ðược về trời phải kính trọng người chỉ rành Thiên đạo. Vậy người đời sao không lễ bái ông thầy đem Pháp bảo đến cho mình?

Một thí dụ khác nói về sự biết ơn của Ðại đức Sàrìputta đuợc ghi trong câu chuyện Ràdha Thera (Ðại đức Ràdha). Chú giải về câu kệ thứ 76 trong Pháp Cú (Dhammapàda) thuật rằng:

Tại một tinh xá trong thành Sàvatth (Xá-vệ), có một người Bà-la-môn nghèo. Ông ta chăm lo những công việc lặt vặt như làm cỏ, quét dọn v.v... Và chư Tăng đã bố thí vật thực cho ông để sống. Tuy nhiên họ không muốn cho ông xuất gia.

Ngày kia, Ðức Thế Tôn khi quan sát căn trí của người này, đã thấy rằng ông Bà-la-môn ấy có duyên đắc A-la-hán. Ngài bèn dọ hỏi các vị Tỳ-kheo đang tụ họp bàn về ông ta và hỏi họ xem có ai còn nhớ là đã nhận sự giúp đỡ nào của ông Bà-la-môn nghèo kia không. Ðại đức Sàrìputta nhận rằng ngài có nhớ một lần khi ngài đang khất thực trong thành Ràjagaha (Vương Xá) ông Bà-la-môn nghèo cực này đã cho ngài một vá cơm đầy mà ông vừa kiếm được để sống. Ðức Bổn Sư bèn bảo Ðại đức Sàrìputta làm lễ xuất gia cho ông, và từ đó ông được gọi tên là Ràdha.

Sau đó, Ðại đức baét đầu hướng dẫn và ông Ràdha luôn luôn vui vẻ ghi nhận mọi điều dạy dỗ dù khó nhọc đến đâu cũng không chút buồn giận.

Cứ thế, sau một thời gian thực hành theo lời giáo huấn của thầy, ông Ràdha đã trở nên thanh tịnh, rồi chẳng bao lâu nữa ông đã đắc quả A-la-hán.

Lần này chư Tỳ-kheo trở lại bàn tán về hạnh kiểm và năng lực chỉ đạo của Ðại đức Sàrìputta. Họ bảo rằng:

– Khi muốn nhận học trò hay khuyên học trò làm như thế nào thì mình cũng phải làm được như thế ấy.

Ðể đánh tan dư luận về vấn đề này, Ðức Phật nói:

– Không phải như thế đâu, này chư Tỳ-kheo. Sở dĩ ông Sàrìputta đem những pháp khó hành dạy học trò như vậy là vì trước đây Sàrìputta đã thọ ơn do một hành động cao thượng của người kia đã làm đến ông ta.

Và để bổ túc vào câu chuyện ấy, Ðức Bổn Sư đã kể lại một sự tích trong Alnacitta Jàtaka (Túc Sanh Truyện Alnacitta). Ðó là câu chuyện của một con voi biết ơn.

(Xin xem Jàtaka, truyện số 156).

 

 

PHẦN THỨ HAI

TRÍ DUYÊN VIÊN MÃN TÌNH BẰNG HỮU

Nếu Ðại đức Sàrìputta nổi tiếng về đức tánh biết ơn sâu dày, thì tình bằng hữu của ngài đậm đà cũng không kém. Với Ðại đức Mahà Moggallàna, một người bạn cũng là một đồng chí trong thuở thiếu thời của ngài. Ngài luôn luôn giữ chặt tình bằng hữu. Và những bằng chứng khác nữa là sau khi xuất gia, họ đã tìm đến nhau để đàm luận về Pháp bảo rất nhiều. Nhờ thế mà có lần khi Ðại đức Sàrìputta còn đang tiến triển trên con đường đạt đến đạo quả, sự luận pháp đã giúp cho ngài nhiều tia sáng hữu dụng đặc biệt. Ðiều đó đã được ghi lại trong Kinh Anguttara Nikàya Catukka Nipàta số 167.

Ðoạn ấy thuật rằng: Một lần nọ, Ðại đức Mahà Moggallàna đến gặp đạo huynh của ngài là Sàrìputta và nói: “Này sư huynh Sàrìputta. Có bốn con đường tiến hóa là:

1- Tiến hóa khó khăn mà chậm chạp thì trực tiếp hiểu biết.

2- Tiến hóa khó khăn mà nhanh chóng cũng được trực tiếp hiểu biết.

3- Tiến hóa dễ dàng mà chậm chạp thì được hiểu biết trực tiếp.

4- Tiến hóa dễ dàng mà nhanh chóng thì cũng được hiểu biết trực tiếp.

Thế thì cái nào trong bốn cách tiến hóa này đã cho tâm trí của đạo huynh thoát khỏi những điều xấu xa không còn dư sót?”.

– Này đệ Mahà Moggallàna. Chỉ có cách thứ tư là “Tiến hóa dễ dàng nhanh chóng và hiểu biết trực tiếp”.

Cắt nghĩa như đoạn trên chính là dập tắt các nhơ bẩn trong tâm rồi, chuẩn bị cho sự chấp nhận hay sáng suốt, đó là một việc làm không khó khăn lắm(6 ) nên được gọi là Dễ (Sukha Patipadà), ngược lại tức là Khó hay Khổ sở (Dukkha Patipadà). Nếu sau khi dập tắt hết các nhơ bẩn nơi nội tâm rồi, con đường hành đạo để tiến tới giác ngộ dù khó khăn đến đâu với Sa-môn loại này cũng trở thành dễ dàng và nhanh chóng. Do đó họ vẫn có thể chứng đạt một cách thiết thực và vững chắc.

Ở đây, sự hiểu biết trực tiếp (hay còn gọi là trạng thái nối liền với đạo quả) được gọi là nhanh chóng (Khippabhinõnõà) còn ngược lại là chậm chạp (Dandàbhinõnõà).

Trong kỳ luận đạo này, những câu nói của Ðại đức Sàrìputta ám chỉ đến sự đạt được quả vị A-la-hán của ngài. Tuy nhiên, khi nói đến ba đạo Thánh đầu tiên, vấn đề cắt nghĩa còn tùy theo các chú giải trong Kinh điển. Nhất là để luận về câu “Tiến hóa dễ dàng, chậm chạp thì được hiểu biết trực tiếp”.

Nhờ những cách đàm luận như thế, đôi bạn Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã hiểu biết nhau và trao đổi cho nhau những kinh nghệm, những nhận định về Pháp bảo. Họ cũng thường lui tới hội họp để tham dự những vấn đề bàn cãi giữa Tăng chúng.

Có một dịp khác, nhằm khi họ hợp tác với nhau trong việc thức tỉnh những vị Tỳ-kheo đã lầm lạc nghe theo lời xúi dại của ông Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa). Thái độ rất ý nghĩa của Ðại đức Sàrìputta là ngẫu nhiên khen ngợi một cách nhân từ những thật quả của ông Devadatta đã đạt được, khiến ông quá tự đắc với những thành công ấy mà lâm vào tình trạng chia rẽ Tăng chúng, gây một biến cố làm suy đồi Phật giáo ngay khi Ðức Thế Tôn còn tại tiền. Kết quả những Tỳ-kheo lầm lạc đã được tỉnh ngộ.

Căn cứ theo Clavagga, Sangha Bhedaka Khandhaka, Sanghabheda Kathà thì có một đoạn thuật lại rằng:

“Khi ấy, Ðức Phật bảo Ðại đức Sàrìputta vào công bố trong thành Ràjagaha là tất cả những hành vi và ngôn ngữ của ông Devadatta sẽ không còn liên hệ vì không được Ðức Phật, đức Pháp và đức Tăng nhìn nhận nữa...”

Ðại đức Sàrìputta nói:

– Trước đây đệ tử đã từng tán dương vài khả năng tu tập của ông Devadatta bây giờ đệ tử tuyên bố ngược lại sợ rằng sẽ gây hoang mang trong dân chúng chăng?

Ðức Phật bèn dạy:

– “Này Sàrìputta. Khi ông ca ngợi khả năng của ông Devadatta, ông có nói một cách thật thà không?”.

– Vâng. Bạch Ðức Thế Tôn.

– Thế thì bây giờ, này Sàrìputta. Ông cũng chỉ nói một sự thật về Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) mà thôi.

Do đó, sau khi được Tăng chúng công cử, Ðại đức Sàrìputta cùng với một số Tỳ-kheo đã vào thành Ràjagaha (Vương Xá) truyền rao như lời Phật dạy.

Ông Devadatta khi đó đã công khai chia rẽ Tăng chúng bằng cách tuyên bố là ông có thể hướng dẫn mọi hoạt động của chư Tăng một cách riêng rẽ. Ông bèn dắt năm trăm vị Tỳ-kheo trẻ tuổi lên núi Linh Thứu (Ðỉnh núi có nhiều giống kênh kênh chuyên ăn xác người chết ở) lập đoàn thể riêng.

Ðể gọi họ trở về, Ðức Phật đã sai hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna đến đó. Trong khi ông Devadatta đang an nghỉ thì hai vị đại đệ tử Phật này liền giảng giải cho các vị Tỳ-kheo lầm lạc ấy nghe về Pháp bảo khiến họ đắc quả Nhập lưu (Tu-đà-hoàn) và đồng kéo nhau về với Ðức Bổn Sư.

Có một lần khác, khi Ðại đức Sàrìputta và Ðại đức Mahà Moggallàna đang cùng hợp tác hướng dẫn Tăng lữ thì khi đó có một số Tỳ-kheo do Ðại đức Assàji làm thầy (Không phải Trưởng laõo Assàji đã nói trên) và Ðại đức Punabbasu đang ngụ tại Ktagiri bỗng làm những điều đáng chê trách, mặc dù đã được các hàng huynh đệ khả kính khuyên nhủ nhiều lần, những vị Tỳ-kheo này vẫn không sửa đổi tư cách. Do đó, hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna lại được phái đi để phân xử. Hai vị tôn túc này đã phải dùng đức kiên nhẫn vô biên mới giải quyết được vấn đề. Kết quả những vị Tỳ-kheo phạm lỗi vào chịu nghiêm phạt đúng theo giới luật. Nhất là họ phải sám hối với nhau về tội công kích cá nhân lẫn công kích Tăng-già. (Theo Culavagga Kammakkhadhaka Pabbàjaniya Kamma Pàràjika Pàli Sanghàdisesa Kanda Kuladusaka Sikkhàpada).

Thế nhưng chẳng có gì làm chia rẽ tình bằng hữu của Ðại đức Sàrìputta được. Và căn cứ theo chú giải của bộ Kinh Mahàgosinga Sutta thì cũng có một sợi dây cảm mến sâu đậm giữa ngài và Ðại đức Ananda, người luôn luôn hầu cận Ðức Phật. Sở dĩ như thế là vì Ðại đức Sàrìputta nghĩ rằng “Phận sự chăm nom Bổn Sư là việc lẽ ra chính mình phải lo mỗi ngày”. Còn sự cảm mến của Ðại đức Ananda đối với Ðại đức Sàrìputta là bởi Ðại đức được Ðức Phật tuyên bố ngài là một đệ tử ưu tú. Khi Ðại đức Ananda (A Nan) làm lễ xuất gia bậc thấp (Sa-di) cho một người học trò trẻ. Ngài đã dẫn ông ấy đến Ðại đức Sàrìputta để thọ giới bậc cao (Tỳ-kheo). Ðại đức Sàrìputta đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu của Ðại đức Ananda... Cứ như thế cả hai đã có tới năm trăm học trò chung.

Bất cứ khi nào Ðại đức Ananda được y phục tốt hay những vật dụng tốt khác, ngài thường đem biếu cho Ðại đức Sàrìputta, và ngược lại khi Ðại đức Sàrìputta có bất cứ những đồ dâng hiến đặc biệt nào phát sanh đến ngài, ngài cũng đem biếu lại Ðại đức Ananda. Một lần nọ, Ðại đức Ananda được một bộ y rất quý do một người Bà-la-môn dâng cúng. Sau khi được Ðức Phật cho phép ngài đã giữ bộ y đó đến mười ngày, cho Ðại đức Sàrìputta trở về vì ngài đang đi vắng. Trong Tiểu chú giải còn nói rằng:

“Các học giả Phật giáo sau này biết đâu sẽ chẳng bình phẩm: – Ðại đức Ananda vì chưa đắc đạo quả A-la-hán nên cảm tình cá nhân vẫn còn nhưng Ðại đức Sàrìputta là một vị A-la-hán tại sao cũng có những hành động tương tự?”.

Và Tiểu chú giải đã phân tích rõ:

“Sự kính mến của Ðại đức Sàrìputta nào phải giống như một tình cảm ràng buộc của người đời mà là một lòng thương do đức hạnh của Ðại đức Ananda. Trong Phật giáo gọi là Ðức cảm (Guna bhatti)”.

Có một lần, Ðức Phật dạy Ðại đức Ananda: “Này Ananda! Trong hàng tứ chúng có rất nhiều người cảm mến Ðại đức Sàrìputta. Còn ông, ông có bằng lòng vị Sa-môn ấy không?”.

Ðại đức Ananda cung kính trả lời:

– “Bạch Ðức Thế Tôn! Dường như tất cả mọi người đều bằng lòng Ðại đức Sàrìputta, chỉ trừ những kẻ còn ấu trĩ, hư hỏng, ngu muội hoặc ở trong một tinh thần bại hoại. Bạch Ðức Thế Tôn! Ðại đức Sàrìputta là một vị toàn học, có một trí tuệ vô biên, bạch Ðức Thế Tôn! Trí tuệ ấy còn quảng bác, trong sáng, nhanh nhẹn, sắc bén và tiềm ẩn chẳng khác nào ánh sáng phản chiếu ra từ một tảng pha lê. Ðại đức Sàrìputta là một người ít đòi hỏi, tri túc, vắng lặng, không thích đông đảo và giàu nghị lực. Ngài còn có tài biện luận, có nghệ thuật nghe để thanh lọc và thu thập. Thật là một bậc luôn luôn chỉ lo tự kiểm soát để loại trừ những gì là tội lỗi (căn cứ theo Kinh Devaputta. S. Susimasutta).

Trong Kinh Thera Gàthà (N. V-1034) chúng ta thấy Ðại đức Ananda diễn tả sự cảm mến của ngài khi Ðại đức Sàrìputta lên đường về quê để tịch diệt. Ngài kêu lên:

– Khi người bạn cao thượng Sàrìputta đã ra đi, cuộc đời này đối với tôi như chìm vào đêm tối.

Ngài cứ nhắc đi nhắc lại như thế phía sau đoàn người tiễn biệt mà chân không buồn bước, đến nỗi họ và ngay cả Ðại đức Sàrìputta đã bỏ ngài một khoảng rất xa. Sự mến tiếc đã làm cho những người xung quanh hầu như chỉ biết có ngài. Nét ưu buồn của Ðại đức Ananda khi Ðại đức Sàrìputta lên đường nhập diệt cũng được diễn tả rất cảm động trong Kinh Cunda Sutta.

Ðại đức Sàrìputta là một người bạn thật, có ngôn ngữ rất trong sáng và đầy đủ. Ngài thông hiểu nhiều phương pháp để khai triển những cái đẹp, những cái cao thượng ở những người xung quanh. Và trong khi làm như thế ngài đã không chần chờ, đôi khi còn tích cực một cách thẳng thắn xây dựng bất cứ ai có dịp thân cận với mình. Chính Ðức Bổn Sư cũng nói: “Chỉ có những người như vậy mới dám vạch rõ những lỗi lầm của bạn”.

Nhờ vậy mà ngài Sàrìputta đã từng giúp Ðại đức Anuruddha (A-nậu-lâu-đà) bẻ gãy hết những chướng ngại sau cùng để tiến tới phẩm vị A-la-hán. Câu chuyện này được ghi lại trong Kinh Tikanipàta soá 128 thuộc bộ Anguttara Nikàya.

Kinh ấy thuật như sau:

“Có một lần nọ, Ðại đức Anuruddha đến gặp Ðại đức Sàrìputta. Sau khi chào hỏi và an tọa hợp lễ rồi, ngài bèn hỏi Ðại đức Sàrìputta:

– Này đạo huynh Sàrìputta! Với đôi mắt tinh tường nhờ thanh tịnh, với một sự nhận xét không còn phàm tình, tôi có thể nhìn thấy dòng đời muôn mặt. Sự vững chắc và nghị lực của tôi thật là bất tuyệt. Tôi lúc nào cũng ghi nhớ và không bị nhầm lẫn. Thể xác yên tịnh và không bị xáo trộn. Tâm trí của tôi được tập trung vào một điểm (đề mục). Thế mà thần thức tôi dường như không được thoát khỏi những nguyên nhân bại hoại, nhất là không được tự do lạc trụ, ngược lại còn bị vướng mắc.

Ðại đức Sàrìputta trả lời:

– “Này ngài Anuruddha. Chính vì ngài đã nghĩ như vậy về đôi mắt tinh tường, về sự nhận xét thoát tục, về trình độ vững chắc, về trạng thái không nhầm lẫn của mình v.v... mà ngài tự động dính mắc. Ðó là pháp ngã mạn còn ẩn phá trong ngài. Rồi ngài càng biết rằng mình đang có những khả năng ấy mà vẫn không được tự tại là ngài càng thắc mắc, và còn thắc mắc là không có tiến hóa. Sự tự phụ, một hình tướng của ngã mạn (Màna) và hoạt ý thắc mắc (Uddhacca) là hai trong ba chiếc xiềng (Samyo-jana) hằng đeo dính theo hành giả cho đến phẩm A-la-hán mới bị bẻ gãy.

– Này ngài Anuruddha! Thực ra, đó là một điều tốt đẹp nếu ngài từ bỏ những tư tưởng tự phụ này, ấy chính là ngài đang vững tiến trên con đường giải thoát.

Sau đó, Ðại đức Anuruddha đã xa lìa ba trạng thái chướng ngại ấy, chẳng màng nghĩ đến chúng nữa và ngài đã thấy được yếu tố bất tử. Từ ấy, Ðại đức Anuruddha tìm sống riêng rẽ tách rời khỏi mọi sinh hoạt bận rộn, chăm chú hăng hái với một tư tưởng quyết định: “Trước khi đạt được đời sống thực sự này, ngài phải hiểu và kinh nghiệm được nó. Ðối với ngài mục tiêu cao nhất là kiếp sống cao thượng đó”. Là thể hiện đầy đủ ý nghĩa: “Những đứa con trọn đời đi khỏi gia đình để góp mặt vào một đại gia đình”. Ngài lại còn biết rằng: “Còn lười biếng là còn tái sanh. Bất tử là phải vĩnh cửu. Giải thoát là không còn dính mắc vào bất cứ cái gì nằm trong vòng sanh diệt này”. Vì thế Ðại đức Anuruddha đã trở thành một trong những vị Thánh A-la-hán.

Ðại đức Sàrìputta đã gây quảng kiến cho đồng đạo và đã được khám phá ra nhiều thiện pháp mới lạ: Mỗi người có một bẩm tánh trong khả năng tiến hóa. Những bẩm tánh ấy có khi giống nhau, có khi khác nhau, có khi biến thành thiện pháp, có khi biến thành ác pháp. Theo Kinh Mahà Gosinga Sutta thuộc Majjhima Nikàya số 32 thì một buổi chiều kia, khi các Trưởng lão Mahà Moggallàna, Mahà Kassapa, ngài Anuruddha, ngài Revata và ngài Ananda đồng đến Ðại đức Sàrìputta để nghe pháp. Ðại đức Sàrìputta đã tiếp họ và nói:

– Thaät hân hạnh cho rừng cây Sàlagosinga này. Ðêm nay có trăng. Tất cả những cây Sàla trổ đầy hoa và tỏa hương thơm như mùi hương từ cung trời bay xuống, thoang thoảng đâu đây. Này đạo huynh Ananda! Theo ngài thì vị nào sẽ làm cho rừng Sàla Gosinga này rực rỡ hơn lên?

Cùng câu hỏi đó, ngài cũng đem hỏi những vị kia, và mỗi vị đã trả lời khác nhau tùy theo cá tính của họ. Sau cùng Ðại đức Sàrìputta nói lên câu trả lời của riêng ngài như sau:

– Chỉ có vị Tỳ-kheo nào đã kiểm soát được tư tưởng mình, không còn lệ thuộc dưới sự sai khiến của phóng tâm nữa. Bất cứ ý nghĩ nào có tính cách lâu bền và đạt được đạo quả mà ngài hằng ao ước để nghiền ngẫm về buổi sáng, ngài có thể suy gẫm đúng trong khoảng thời gian ấy. Bất cứ kiến thức nào có tính chất lâu bền hay đạt được quả vị mà ngài hằng mong muốn để nuôi dưỡng chơn tâm vào buổi trưa ngài cũng có thể gìn giữ được vào lúc đó. Và bất cứ nhận thức nào bền vững hữu đạt mà ngài ưa thích để nhiếp giữ đề mục vào buổi tối, ngài cũng có thể làm được trong thời gian đó.

Vì thế như một chiếc tủ đựng quần áo, đựng đồ trang sức của một ông vua hay một quan đại thần, dù có chứa đầy những loại phục sức nhiều màu sắc đi nữa, khi được sử dụng nhà vua hay một quan công thần sống có thứ tự cũng ăn mặc hợp thời, hợp cách theo từng mỗi tình cảnh, mỗi thời gian của nó. Những hạng vua chúa hay vương thần hằng giữ đúng phong ngoại của mình như thế thường được mọi người chiêm ngưỡng và có mãi vẻ uy nghi.

Với một Sa-môn, khi đã kiểm soát được tâm tánh rồi, không còn bị lệ thuộc dưới sự thống trị của ái dục nữa, thì mọi hành vi, cử chỉ cũng điều độ như thế. Nghĩa là tâm nào phải bền vững, tâm nào tự phát sanh mọi biến chuyển được nhiếp nhận một cách thuần thục, thoải mái, không dư sót, đúng thời điểm chắc chắn.

– Này đạo huynh Moggallàna. Một Sa-môn như thế thì chỉ có ngài, vị có thể ban cho khu rừng Sàla Gosinga này sự trong sáng đó.

Sau đó, các ngài cùng đến Ðức Phật bạch lại mọi việc. Và Ðức Thế Tôn đã tán dương đồng ý hết thảy những lời đàm luận của họ.

Ngài còn tiếp:

– Các ông có thể nhận thấy trong lời nói của ông Sàrìputta: Với tất cả sức thông minh và địa vị của ông trong hàng Tăng lữ. Ông đã dẹp bỏ được những khuôn mẫu độc tôn của kẻ thường cố gắng đặt kiến thức của mình lên trên những kẻ khác. Làm thế nào mà ông đã hiểu một cách dễ dàng phương pháp tiêm nhiễm những ý thức riêng của ông vào những bậc đồng đạo trong một nghệ thuật tự nhiên và huyền dịu đem đến cho họ một sự thấm nhuần lồng trong một khung cảnh vui tươi như vậy.

– Ðây quả thực là bản thức của ông đã phản ảnh ra, và đã lôi cuốn những người đồng đạo với ông hưởng ứng để đối đáp một cách tương tự.

Ngoài các vị Ðại đức vừa kể trên ra, Ðại đức Sàrìputta còn luận đạo với những vị Tôn giả khác nữa. Chẳng hạn như các ngài Kotthita, Upavàna, Samiddhi, Savittha, Bhumija và một số vị nữa.

Riêng Ðức Phật, theo Kinh điển chúng ta thấy Ngài rất thường đích thân nói chuyện với Ðại đức Sàrìputta. Và ngược lại có khá nhiều bài pháp mà Ðức Bổn Sư thuyết cho những đệ tử thông luật của Ngài nghe, đã được Ðại đức Sàrìputta dùng làm đề tài để học hỏi...

Có một lần, Ðại đức Sàrìputta đã lập lại những lời dạy mà Ðức Phật thuyết cho ngài Ananda nghe vào một dịp nọ: “Những đối xử làm cho đời sống trong sạch (Brahmacariyà) gọi là tình bằng hữu, tình đồng đạo và tình đoàn thể cao đẹp”. (theo Kinh Magga Samyutta Khandha - No. 2)

Không có gì hoàn hảo hơn là những thí dụ cắt nghĩa về giáo lý mà chính một đại đệ tử của một bậc Tôn sư đã thể hiện được.

MỘT VỊ ÐỠ ÐẦU TĂNG LỮ

Sự nổi bật của Ðại đức Sàrìputta trong hàng môn đồ của Ðức Phật là đức tánh chăm lo giúp đỡ những vị khác. Chúng ta tìm thấy thuật sự này trong Kinh Devadaha Sutta:

“Những vị khách Tăng khi sắp trở về chốn cũ của họ, đến từ giã Ðức Phật, Ngài thường khuyên các Tỳ-kheo ấy đến chia tay với Ðại đức Sàrìputta. Phật bảo:

– Này các đệ tử! Sa-môn Sàrìputta thật không những là một người thông thái hằng giúp đỡ huynh đệ trên phương diện tinh thần, mà ông còn có khả năng cung ứng những nhu cầu vật chất cho đồng đạo nữa”. (Kinh gọi hai sự giúp đỡ đó là misànuggaha: Vật dụng và Dhammà nuggaha: Pháp dụng).

Chú giải còn nói: Vị Trưởng lão này không đi khất thực trong lúc sáng sớm như những vị Tỳ-kheo khác. Thay vì thế, khi các vị đã đi rồi, ngài bèn thả bước xung quanh tinh xá. Và bất cứ ở đâu nếu ngài tìm thấy đồ đạc không thu xếp, chỗ ngụ không sạch sẽ, ngài liền dọn dẹp quét hốt mọi rác rưới, và sửa soạn ngay cả giường chiếu, bàn ghế, chén bát, bình nước, thứ tự và sẵn sàng để cho những vị kia đi về sẽ dùng. Ngài làm như thế, ngoài đức tính chăm sóc chư Tăng, còn nghĩ rằng: “Những đạo sĩ khác, không phải người trong Phật giáo khi viếng thăm tinh xá, có thể thấy được sự vô trật tự rồi chỉ trích chư Tỳ-kheo hoặc coi rẻ Tăng chúng”.

Sau đó, ngài thường đi đến bệnh xá và an ủi những bệnh nhân bằng cách tìm hiểu xem họ cần những gì. Ðể đáp ứng các nhu cầu của họ, ngài đã dắt các vị Sa-di cùng đi với ngài để tìm thuốc men dưới hình thức đi khất thực như thường lệ. Hay ngài dẫn họ đến những nơi thích hợp (tức thí chủ đã yêu cầu ngài trước) để kêu gọi thuốc men. Khi đã được thuốc, ngài bèn giao lại cho các vị Sa-di và bảo:

– Này các ông! Chăm sóc cho những người bệnh là một điều mà Ðức Bổn Sư hằng khen ngợi. Bây giờ các ông hãy trở về và phải luôn luôn làm việc hết lòng.

Rồi ngài tiếp tục khất thực hoặc đến dùng bữa tại một nhà thí chủ. Ðây là một thói quen của ngài trong khi ở chung với cộng đồng Tăng chúng.

Nhưng khi ngài có một cuộc hành trình cùng với Ðức Thế Tôn, ngài thường không đi chung với những vị dẫn đầu, hay không tỏ ra kiểu cách cho người ta biết ngài là một đại đệ tử. Trái lại, ngài chỉ giao y bát cho các vị Sa-di mang hộ, rồi đích thân trước tiên chăm sóc những Tăng sĩ già yếu, thứ đến là những vị không được khỏe mạnh và những vị mới xuất gia hay những đệ tử mới bước chân vào đường đạo. Trong nhiều trường hợp ngài phải ở cạnh họ trong nhiều giờ, tự tay thoa bóp vào những chỗ đau đớn trên thân thể bệnh nhân và phân lượng thuốc uống cho từng người một. Chỉ khi nào ngài thấy họ thuyên giảm ngài mới từ giã đi săn sóc chỗ khác.

Có một lần, khi cũng vì những lý do như vậy mà Ðại đức Sàrìputta đã đến nơi rất trễ, lúc đó những vị kia đã ngơi nghỉ. Ngài không tìm được một chỗ vừa phải để nghỉ lưng qua một đêm. Ngài phải ngồi dưới một mái lều làm bằng những lá y. Ðức Bổn Sư rõ như vậy, nên ngày hôm sau Ngài triệu tập Tăng chúng và thuật cho họ nghe câu chuyện đối xử của một con voi, một con lừa và một con chim đa đa. Phật kể: “Ba con thú này cảm thấy muốn được an ninh phải sống nương dựa lẫn nhau. Chúng quyết định tôn một con lên làm anh cả để tạo trật tự rồi từ đó sống chung hòa thuận: nhỏ kính lớn, lớn thương nhỏ”. (Truyện số 67, ghi trong Tittira Jàtaka)

Sau đó, Ðức Phật chế ra điều luật rằng: “Chỗ nghỉ ngơi phải được sắp đặt theo thứ bậc”. (Theo Vinaya Cùlavagga, Senàsanà Khandhaka).

Còn về việc tiếp độ các hàng Tăng lữ trên phương diện tinh thần, Ðại đức Sàrìputta cũng tích cực không kém. Căn cứ Kinh Thera Gathà và chú giải thì khi ngài đến thăm ông Samitti-gutta, người đang bị bệnh cùi hoành hành trong một bệnh xá, ngài đã thân mật giảng cho ông Samittigutta nghe rằng:

– Này bạn! Ðã lâu lắm rồi, pháp tập hợp (Khandha) hằng tiếp diễn. Và cảm nghĩ chỉ là sự đau khổ. Chỉ khi nào Ngũ uẩn không còn hoạt động liên tục nữa thì sẽ dứt khổ.

Khi nghe xong những lời này, sự quán tưởng về những cảm nghĩ đã trở thành một đề mục cho bệnh nhân. Lúc Ðại đức Sàrìputta đi rồi, ông Samittigutta theo những lời chỉ dạy của ngài đã phát triển được nội thức và đạt tới Lục thông (Chalabhinnà) của một bậc A-la-hán(7 ).

Lần khác, khi ông Anàthappnïdïika (Cấp-cô-độc) đang hấp hối nằm trên giường bệnh thì Ðại đức Sàrìputta đã cùng với Ðại đức Ananda tới thăm, ngài đã thuyết vào tai cho người sắp chết một phần pháp nói về sự ra đi không dính mắc, và ông bá hộ Anàthappnïdïika đã thức tỉnh do bài pháp thâm thúy này( 8).

Có một bài pháp khác cũng do ngài Sàrìputta thuyết cho ông Anàthapipnïdïika (Cấp-cô-độc) nghe khi ông này ở trong giường bệnh đã được ghi lại trong Kinh Sotàpatti Samïyutta, đoạn III câu số 6 như sau:

“Những động lực đưa đến sự tái sanh trong trạng thái thống khổ là ba gốc chướng ngại, năm sợi dây thằng thúc, và mười điều bất thiện”.

Pháp này được thấm nhuần khi ông Anà-thapnïdïika đang bước vào trong lãnh vực Thánh lưu nên sự đau đớn thể xác không còn lung lạc ông ta được nữa. Kết quả ông đã thấy rõ bốn uẩn như không và bốn Quả, bốn Ðạo không còn dư sót.

Lại một lần, đức Trưởng lão Channa đang ngã bệnh, bị một nỗi đau đớn vô biên. Ðại đức Sàrìputta đến thăm ngài, cùng đi với Trưởng lão Mahà Cunda. Khi trông thấy vị Sa-môn bị bệnh hoạn dày vò, Ðại đức Sàrìputta lập tức tình nguyện đi tìm thuốc men và vật thực thích hợp cho ngài. Nhưng Trưởng lão Channa vội cho biết ngài quyết định chấm dứt cuộc đời. Nên sau khi họ đã đi rồi ngài liền nhập diệt.

Kế đó, Ðức Phật đã giảng giải về hành động của Trưởng lão Channa. Ngài xác nhận đó không phải là một điều quyết định sai lầm vì Trưởng lão Channa đã đắc A-la-hán trước khi dứt khoát an nghỉ.

Nghệ thuật tiếp độ của Ðại đức có thể tìm thấy trong Kinh Channovàda Sutta thuộc bộ Majjhima Nikàya số 144. Ðoạn ấy nói rõ:

“Bất cứ khi nào Ðại đức Sàrìputta làm bổn phận đạo sư đến những người sắp trút hơi thở cuối cùng, ngài cũng luôn luôn tỏ ra là một người kiên nhẫn phi thường. Ngài cứ khuyên nhủ và khai ngộ dồn dập cả đến trăm ngàn lần, cho đến khi nào bệnh nhân phát khởi thiện tâm, ngài mới an lòng chấm dứt.

Nghệ thuật ấy cũng được Ðại đức Sàrìputta áp dụng để dạy dỗ học trò. Bất cứ người nào mới bước chân vào đạo mà được Ðại đức Sàrìputta hướng dẫn, ngài cũng đều làm cho người ấy đắc quả Nhập lưu (Tu-đà-hoàn), sau đó ngài mới chịu thả lỏng để đi dạy dỗ các vị khác.

Số Tăng lữ dưới sự dạy dỗ của ngài nhờ thu thập được giai đoạn căn bản vững chắc ấy đã tiếp tục thực hành đến lúc đạt được quả vị A-la-hán nhiều vô số kể”.

Trong Kinh Sacca Vibhanga Sutta thuộc bộ Majjhima Nikàya số 141, Ðức Phật đã nói:

“Ðại đức Sàrìputta như một người mẹ nuôi nấng các con, trong khi Ðại đức Mahà Moggal-làna như là một người vú hằng nâng niu các con. Ðại đức Sàrìputta hướng dẫn cho đến quả Nhập lưu còn Ðại đức Mahà Moggallàna thì nâng đỡ hành giả đến mục tiêu cao nhất”.

Ðể bổ túc về nghệ thuật dẫn đạo của Ðại đức Sàrìputta, Chú giải còn nói thêm:

“Ðiểm đặc biệt của Ðại đức Sàrìputta là không phân biệt học trò mình hay học trò người. Hễ ai chịu sự dạy dỗ của ngài, ngài luôn luôn hướng dẫn bằng tất cả sự sốt sắng, luôn luôn giúp đỡ trên mọi phương diện vật chất lẫn tinh thần nhất là chọn cho họ đề mục Thiền định cùng thường xuyên khai triển trí thông minh của họ, cho đến khi nào họ thấu triệt được Thánh lưu và tiến lên khỏi sự nguy hiểm của dục trần thấp thỏi. Khi nào Ðại đức Sàrìputta tách rời học trò khi ấy ngài biết chắc rằng: “Giờ đây, với sức trưởng thành của họ, họ có thể tự tiến hóa để nhường tay cho những vị cần hướng dẫn khác”.

Nhưng Ðại đức Mahà Moggallàna thì khác. Ngài cũng huấn luyện học trò cùng phương pháp như vậy, nhưng ngài không thả lỏng họ, dù cho họ có vững chắc trong giai đoạn đầu. Ðại đức Mahà Moggallàna có vững chắc trong giai đoạn đầu. Ðại đức Mahà Moggallàna có một đức thận trọng vô song, ngài quan niệm như một lần Phật đã thuyết:

“Chỉ một mầm móng vi tế của tội lỗi còn ngấm ngầm trong tâm, Như Lai cũng không khen ngợi. Dù cho hành giả có được pháp Hữu tịnh trong một thời gian nào đó đi nữa mà gốc rễ của tội lỗi vẫn còn thì pháp Hữu tịnh ấy có thể tan biến dễ dàng như một cái búng ngón tay”.

Nhắc đến nghệ thuật huấn đạo của Ðại đức Mahà Moggallàna khác với Ðại đức Sàrìputta như vậy không có nghĩa là nói rằng phương pháp của ngài Mahà Moggallàna tỏ ra chắc chắn hơn phương pháp của Ðại đức Sàrìputta, mà chỉ có thể chứng minh tại sao hai vị đã theo Ðức Phật cùng một lần, mà về sau học trò của Ðại đức Sàrìputta lại nhiều hơn học trò của Ðại đức Maha Moggallàna.

Mặt khác, Chú giải ghi lại những lần Ðại đức Sàrìputta đã dắt dẫn nhiều huynh đệ đạt đến đạo quả A-la-hán không phải là ít.

Chẳng hạn như có một đoạn nói: “Vào lúc ấy có chư Tỳ-kheo trong giai đoạn huấn luyện tâm thức bậc cao (Sekhà) thường đến gần Ðại đức Sàrìputta để nhờ chọn đề mục Thiền định. Trong số đó có Sa-môn Trưởng lão tên Lakuntika Bhaddiya đã đắc được quả A-la-hán nhờ sự hỗ trợ của Ðại đức Sàrìputta”. (Theo Kinh Udana VII-1).

Với những đóng góp như vậy, Ðại đức Sàrì-putta đã có công trong việc phát triển Pháp Bảo rất nhiều. Ngài là một bậc lãnh đạo vĩ đại của Tăng-già, và là một tấm gương sáng trong hàng Tứ chúng. Những bài học mà ngài đã lưu lại cho ta sau này không những chỉ bén nhọn và sáng tỏ, thức tỉnh được tâm tánh của con người mà còn là một sự lợi ích thiết thực, trong đó cái tên Sàrìputta giống như một bàn tay nâng niu, một bóng mát vĩ đại cho những ai ngưỡng mộ muốn bước theo dấu chân của ngài.

Lại nữa, trong Kinh còn ghi nhận những tiểu tiết về cách thưởng thức Pháp bảo của Ðại đức Sàrìputta trước những Sa-môn mà ngài chưa có dịp thân cận. Chẳng hạn như chuyện ngài Punna Mantàniputta, một cao Tăng mà Ðại đức Sàrìputta chỉ nghe danh chứ chưa được làm quen. Khi hay tin Trưởng lão này muốn đến thăm, ngài đã vui vẻ tiếp đón và chăm chú thưởng thức một bài pháp của vị khách Tăng một cách kính phục, khi bài pháp chấm dứt, ngài đã vô cùng khen ngợi (9 ).

Sự làm chủ được thể xác cũng như đối với những nhu cầu tinh thần của chư Tỳ-kheo dưới sự đảm trách của ngài. Ngài đã không kềm chế họ bằng những lời quở dạy hiền từ, và làm cho họ trở nên quả cảm bởi sự khen ngợi về những cố gắng xứng đáng, hướng dẫn họ trên con đường tiến hóa, cùng chỉ cho họ tất cả những gì mà họ cần làm để xứng đáng là đệ tử của Phật. Những gì ngài nói ra tự ngài đã thực hành được. Ðó là mãnh lực lôi kéo và làm biểu lộ những đức tánh tốt nhất cho các hàng học trò.

Ðại đức Sàrìputta đã hòa hợp những phẩm tánh của một ông thầy hoàn toàn với đức hạnh của một người bạn trọn vẹn. Ngài như một ánh đèn, vừa là một vật dụng hằng ngày, cần thiết của Giáo hội Tăng-già vào thời Ðức Phật.

Vì đã được trọn đủ những đức tánh của một kiếp sống đầy phẩm Thánh của chính mình nên ngài rất tinh tường trong khi nhận thấy giới đức nơi những vị khác. Ngài là chuyên viên để phát triển nó trong những ai đang ngấm ngầm chứa đựng nó. Và trong số những người ca ngợi khi giới đức của một vị nào bộc lộ ra ngoài như một cánh hoa đến kỳ khai nở thì ngài là người đầu tiên làm việc đó. Sự ca ngợi của ngài là một sức mạnh che chở cho đóa hoa tiếp tục nở rộ, chứ không phải gây kinh động cho nó dừng lại ở đó. Ðức tánh hoàn toàn riêng biệt này của ngài không phải vô tình hay giả tạo, mà là một sự hòa hợp súc tích bên trong, về sự tán dương tinh thần với những phẩm tánh tốt nhất và huyền dịu nhất của một Thánh nhơn.

SỰ ÐẠT TỚI MỤC ÐÍCH

Trong Theragàthà có hai bài kệ số 995 và 996 là những câu mà nhờ đó Ðại đức Sàrìputta khi nghe đã đắc quả A-la-hán.

Ngài đã thuật lại rằng: “Có một lần nọ, Ðức Phật thuyết pháp cho một vị Tỳ-kheo khác nghe, bần đạo đã chú tâm theo dõi bài pháp ấy để tìm sự lợi ích thiết thực cho mình. Kết quả thật vô cùng xứng đáng, vì nhờ nó bần đạo đã thoát khỏi những dục tâm, bần đạo đã tẩy trừ được phiền não”.

Trong hai bài kệ nối tiếp số 996 và 997, Ðại đức Sàrìputta đã nói lên rằng: “Ngài không gặp một chút trở ngại nào trong việc phát triển năm sức mạnh phi thường (Abhinõnõà)”. Còn căn cứ theo kệ ngôn Iddhividha, trong Kinh Patisamhbidà Magga thì khi ấy ngài đã đại tín thắng thức và nắm vững sự định tâm trong các bậc thiền. Sức thuần thục ấy gọi là Lực an trụ (Samàdhi Vipphàriddhi), nó có khả năng hộ trì tâm lý khỏi những biến hiện tự nhiên và bất thần của Nội ma lẫn Ngoại ma. Ðiều này được diễn tả do một mẫu chuyện chép trong Kinh như sau:

“Một lần nọ, khi Ðại đức Sàrìputta đang hành đạo với Trưởng lão Mahà Moggallàna tại miền Kapotakandarà. Lúc ấy, ngài đang tham thiền ngoài chỗ trống với cái đầu vừa cạo. Khi đó, có một hung thần xuất hiện và đánh lên đầu ngài một cái như trời giáng. Cú đánh thực là ác nghiệt. Nhưng ngay lúc bị đánh, đức Sàrìputta đã hoàn toàn nhập định. Kết quả ngài cũng chẳng hay biết chi cả”.

Câu chuyện này rút từ Kinh Udàna, cuốn số 15, đoạn 4. Kinh ấy còn tiếp tục câu chuyện như sau:

Ðại đức Mahà Moggallàna đã trông thấy việc bất ngờ đó và lại gần Trưởng lão Sàrìputta hỏi xem ngài có làm sao không. Ðại đức hỏi:

– Này đạo huynh! Ngài có an tịnh không? Và chẳng có việc gì làm rầy ngài chứ?

– Tôi rất thoải mái, phỉ lạc, này pháp đệ Mahà Moggallàna. Tôi tham thiền nhiều tiến triển lắm. Chỉ khi xả thiền thì cái đầu của tôi làm trở ngại chút ít thôi.

Ðại đức Mahà Moggallàna liền tán thán lên ngay nơi ấy:

– Này đạo huynh Sàrìputta! Thật là kỳ diệu. Thật là một trạng thái kỳ lạ. Này đạo huynh Sàrìputta! Sức mạnh thể xác và năng lực của ngài thật là vô địch. Vì vừa đây đạo huynh Sàrìputta! Có một hung thần đã giáng cho ngài một cái đánh trên đầu, và là một cú đánh đầy sức mạnh. Với một cái đánh như thế, người ta có thể hạ nổi một con voi cao bảy tám do tuần. Hoặc giả một người có thể dùng sức mạnh đó thì xẻ đôi được một quả núi. Thế mà Ðại đức Sàrìputta chỉ nói: “Tôi cảm thấy phỉ lạc lắm này đệ Mahà Moggallàna. Tôi tham thiền khá tiến hóa, chỉ có cái đầu tôi làm trở ngại chút ít thôi”.

Sau đó Ðại đức Sàrìputta trả lời:

– Ôi! Thật là tuyệt diệu, này đệ Mahà Moggallàna! Thật là một kỳ lực, này đệ Mahà Moggallàna! Sự bén nhạy thể chất và năng lực tinh thần của ngài vĩ đại làm sao đến nỗi ngài có thể trông thấy một hung thần tức khắc. Về phần tôi, tôi đã không trông thấy kịp như đôi mắt siêu tốc của ngài.

Kinh Anupada (Trong Majjhima Nikàya No III) còn chứa phần mô tả sự đạt được đạo quả của Ðại đức Sàrìputta, do chính Ðức Thế Tôn thuyết. Trong đó Ðức Phật nói rằng: “Ðại đức Sàrìputta ta đã thành công và thông hiểu chín bậc thiền, nghĩa là bốn thể chất thiền và boán siêu thể chất thiền (Jhàna) đồng thời với sự Không thức và Không nghĩ”.

Trong Kinh Sàrìputta Samyutta, phần Khandha Vagga, chính đức Trưởng lão đã xác nhận sự thật như thế khi nói chuyện với Ðại đức Ananda. Ngài phân tích:

“Xuyên qua các bậc Thánh mà ngài đã vững chắc tiến lên là nhờ những TUỆ DIỆT TƯ THỨC như: Tôi chẳng bao giờ quan niệm là tôi đang tiến vào bậc thiền này hay vượt khỏi bậc thiền kia, cho dù thực tế tôi đang tiến hành trong đó”.

Và trong một dịp khác, ngài đã diễn tả cho Ðại đức Ananda nghe về sự đạt được an trụ để phát triển nội trí như thế nào. Nhất là làm sao để thoát khỏi sự lôi cuốn của Tứ đại gồm đất, nước, lửa và gió. Thí dụ như ngài nói “Hãy niệm đất như đất mà không cần biết đất đó nằm trong Tứ đại. Và tương tự như thế, đối với ba đại kia cũng vậy”.

Theo đó, đối với bốn bậc thiền, Lạc Trụ Siêu Thế (hay còn gọi là Lạc Trụ Vô Sắc), ngài cũng không để cho Lực tri giác xuất hiện.

Ðiều này mới nghe qua ta có cảm tưởng như lúc ấy ngài đã hoàn toàn biến thành một người Vô thức. Nhưng kỳ thật ngài vẫn còn một thức. Ðó là Thức hướng về Niết-bàn, thức tách rời mọi sự ràng buộc từ bất cứ pháp thể nào (Bhava Nirodha).

Thái độ tách rời này đối với các bậc Thiền là những công lực sẵn sàng để duy trì an tịnh trong trạng thái trống rỗng (Sunõnõata Vihàra), mà Ðại đức Sàrìputta hằng nuôi dưỡng.

Chúng ta đọc trong Kinh Pindapàta Pàri-suddhi, soá 151 (thuộc bộ Majjhima Nikàya Trung A Hàm) thấy rằng: Có một lần Ðức Phật đã khen ngợi về những nét tươi tỉnh của Ðại đức Sàrìputta, và Ngài dạy Ðại đức hãy nói ra cho chư Tăng biết nhờ trạng thái tư tưởng nào mà có được những nét tươi tỉnh này. Ðại đức Sàrì-putta vâng lời đáp:

– Ðệ tử thường tập tánh pháp bền chịu trong sự trống rỗng.

Do đó Ðức Phật đã tán thán: “Ðây chính là nơi cư trú của những hàng vĩ nhân”.

Tiếp theo là Ðại đức Sàrìputta đã mô tả pháp trạng ấy bằng chi tiết. Kinh Udàna còn ghi rõ “Chính Ðức Thế Tôn đã ba lần trông thấy Ðại đức Sàrìputta khi ngồi thiền phía ngoài tinh xá đã ngâm những câu kệ (Udàna) để làm vững chắc cho tâm con yên tĩnh”.

Chúng ta hãy đọc lại và thử tưởng tượng theo Kinh Devadaha, trong Samyutta Khandhaka No 2, một khung cảnh ngồi thiền của Ðại đức Sàrìputta thật ngoạn mục như sau:

“Một lần nọ, Ðức Thế Tôn ngụ trong nước Sakya, tại thành Devadaha, Ngài đã tìm thấy Ðại đức Sàrìputta nhập sâu trong Thiền cảnh dưới một vòm cây Elagalà. Giống cây này chỉ mọc ở chỗ nào luôn luôn có một dòng nước chảy qua. Người ta đã làm cái vòm cây ấy bằng bốn cây trụ trên đó để bụi cây đan nhau tạo thành một mái nhà. Bên dưới, mặt đất được trải cát bằng phẳng và ở chính giữa có lót những viên gạch để ngồi. Thật là một chỗ mát mẻ, yên lặng với những luồng gió nhẹ, trong sạch từ dưới nước thổi lên.

Và Ðức Thế Tôn đã tán thán cái khung cảnh ấy.

Còn nói về sự đạt được Tuệ phân biệt (Patisam-bhidànõàna) của ngài, Ðại đức Sàrìputta đã diễn tả trong Kinh Anguttara Nikàya số 172 như sau:

“Này các đạo huynh. Sau khi bần Tăng xuất gia được nửa tháng, bần Tăng đã trực nhận được ý nghĩa của Pháp thân, trong sáng của ngôn ngữ, an tịnh của ý thức do Tuệ phân biệt từ thể phần chi tiết. Những điều này bần Tăng đã nhiều lần đem trình bày cho chư huynh đệ và giảng giải cho quý vị hiểu một cách tường tận về bản chất của nó. Nếu vị nào bị phân vân hoặc không nắm vững trong khi bần Tăng đã tận lực thì chỉ có Ðức Bổn Sư là người có khả năng làm sáng tỏ tất cả”.

Căn cứ theo đó thì Ðại đức Sàrìputta là người rất am tường về mọi trạng thái chứng đạt đạo quả. Ngay cả trí tuệ là vấn đề phức tạp nhất mà Ðại đức Sàrìputta cũng thông đạt, nên Ðức Phật đã nói:

– Nếu có một kẻ hằng nói về mình rằng họ đã vững chắc và hoàn toàn trong đức hạnh, an trụ trong thanh tịnh, giải thoát trong cao thượng thì người ấy chính là Sàrìputta, một Sa-môn có thể nói được một cách trung thực.

Rồi Phật còn xác nhận:

– Nếu có một kẻ hằng nói về mình rằng họ là đứa con thật sự của Ðức Thế Tôn thấu hiểu được giáo lý của Ngài, thông suốt và thực hành được Pháp bảo, xứng đáng làm người thừa tự Pháp bảo và không thừa hưởng những nguồn lợi ở đời thì người đó chính là Sa-môn Sàrìputta mới có thể nói đúng.

– Này chư Tỳ-kheo! Ngoài Như Lai ra, Sàrìputta sẽ là người có thể lăn được bánh xe tối thượng Pháp bảo một cách đúng đắn gần giống như Như Lai đã lăn. (theo Majjhima Nikàya III, Anupada Sutta)

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA, NGƯỜI XỨNG ÐÁNG

LĂN BÁNH XE PHÁP BẢO

Những bài pháp của Ðại đức Sàrìputta và những mô tả của Ðức Phật hay của các vị Tôn túc khác về ngài đã chứng tỏ Ðại đức Sàrìputta đóng một vai trò hàng đầu trong việc chuyển lăn bánh xe pháp.

Chúng ta thấy điều này đã được chứng minh bằng hai thời pháp cổ điển trong Kinh Sammà-ditthi No 9, thuộc bộ Majjhima Nikàya (Trung A Hàm) và một phần trong Kinh nói về “Sự so sánh những bước chân voi”.

Ðoạn nói về “Sự so sánh những bước chân voi” này quả là một kiệt tác trị tâm bệnh một cách rất khoa học. Nó bắt đầu bằng sự nhắc lại bốn pháp Diệu đế. Tiếp theo nó phân tích từng sự thật về mỗi hoạt động của Ngũ uẩn, của bản chất con người, từ sự kết hợp thân thể tính đến sự kết hợp ý thức tính. Nó còn nói rõ sự cấu tạo của Tứ đại mà mỗi đại trong đó cái nào được gọi là Nội thể hay cái nào được gọi là Ngoại thể. Những bộ phận và những động tác thân thể nào được ý thức chỉ huy và những cái nào bị ngoại cảnh chi phối. Nó còn nói rõ cái mà người ta gọi là bản ngã vốn chỉ là nội tâm bám chặt vào ngoại cảnh. Khi đã nhận thức như vậy thì sẽ thấy rõ xác thân tứ đại hẳn là một ngoại cảnh. Tuy cả hai nội tâm và ngoại cảnh đều có bản chất vô thường, nhưng cái vô thường của nội tâm ta có thể dùng thiền định chỉ huy, còn cái vô thường của ngoại cảnh ta chỉ biết có khổ.

Rồi bài pháp lại tiếp:

“Vô thường là một định luật, không phải là nguyên nhân của khổ, chỉ vì sự bám chặt vào những sắc thái vô thường mới là mầm móng của muôn điều khổ não. Sự bấn loạn khi ý thức không bắt kịp hay không biết rõ mọi biến đổi của sắc thân chính là khởi điểm của một chuỗi huân tập và làm nảy sanh ra cái mà ta gọi là bản ngã (tức Ngũ uẩn) đau khổ”.

Khi một Sa-môn có được sự nhận thức như thế rồi, đồng thời với sự thanh tịnh sáng suốt đã được phát triển trong tâm, Sa-môn ấy khi đương đầu với những chướng ngại như mất mát, chê trách hoặc thù hận, họ sẽ không khó chịu hay bấn loạn tư tưởng. Trái lại, họ sẽ rất sáng suốt thấy rõ phiền não nổi lên ở nơi nào liền diệt ngay tại nơi ấy. Chẳng hạn như phiền não nổi lên ở nhãn căn thì diệt ngay nhãn thức; phiền não nổi lên ở nhĩ căn thì diệt ngay nhĩ thức; phiền não nổi lên ở thiệt căn thì diệt ngay thiệt thức; phiền não nổi lên ở thân căn thì diệt ngay thân thức; phiền não nổi lên ở ý căn thì diệt ngay ở ý thức; phiền não nổi lên ở tâm sơ định thì diệt ngay ở sơ định thức; phiền não nổi lên ở tâm cận định thì diệt ngay ở cận định thức v.v...

Cứ như thế, Sa-môn trong Phật giáo khi đã an tịnh và nhập lưu (kể từ đạo quả Tu-đà-hoàn) thì họ chỉ tiến chứ không có thối. Dù trong khi tiến hóa, sắc thân tứ đại của họ có bị đánh ngã, tâm trí họ cũng vẫn không bị tổn thương. Ðối với họ, sau khi đã dẹp bỏ mọi phiền não, mọi vướng mắc, mọi câu chấp rồi tâm trí chỉ còn một việc duy nhất là đề mục Thiền định.

Những hạng Sa-môn này khi nghe được Pháp bảo của chư Phật thì trạng thái an tịnh nơi họ liền trở nên tinh khiết, trong suốt, ý niệm vô lượng liền lập tức phát sanh. Họ tưởng nhớ đến Ðức Phật, đức Pháp và đức Tăng cùng một lúc tỏa ra tâm đại xả trước vạn pháp vui cũng như khổ”.

Còn đối với những ai chưa đạt được quả Thánh, thời pháp tiếp:

“Khi hành giả hướng tới đức Phật, đức Pháp và đức Tăng, sự bình thản của họ nếu không được bền vững, họ cũng vẫn tiếp thọ kinh cảm để tinh tấn gầy dựng thanh tịnh. Và sự tiếp thọ kinh cảm ấy chính là tia sáng hướng dẫn hành giả trở về với đề mục cao thượng. Mặt khác, nếu sự an tịnh luôn luôn bền vững hành giả chắc chắn sẽ tăng trưởng phỉ lạc. Và họ chỉ cần kéo dài tình trạng phỉ lạc này để bước đến ngưỡng cửa Thánh nhơn không còn xa mấy”.

Trên đây là tất cả những yếu pháp được coi như do Ðại đức Sàrìputta đã khám phá và thuyết ra. Phần hậu luận dành cho phàm nhân được trình bày bằng cách so sánh toàn bộ một con người với một ngôi nhà có năm cửa ván xung quanh và một cửa kính chính giữa. Cửa ván thì khi đóng, che mắt được đạo tặc, song cửa kính thì dù đóng hay mở, đạo tặc cũng nhìn thấy rõ bên trong. Cửa ván có thể bị những ngoại vật ô uế làm hư mục, nhưng cửa kính chỉ bị các vật ấy làm mờ đục mà thôi. Người chủ nhà khôn ngoan là người chỉ mở cửa ván bên ngoài cho bạn lành bước vào và luôn luôn lau chùi cửa kính bên trong cho thật trong sáng để thấy rõ mọi phía xung quanh hầu tìm bắt ngoại tặc lẻn vô ẩn núp đâu đấy mà đuổi ra, không cho xâm nhập tận trung tâm.

Tương tự như thế, một con người có năm giác quan (Ngũ căn) ví như năm cửa ván bên ngoài, và ý căn ví như cửa kính bên trong. Bạn xấu ví như đạo tặc, ngoại vật ô uế ví như ác pháp. Bạn lành ví như giới đức. Việc lau chùi cửa kính ví như thiền định. Sự trong sáng ví như thiện pháp. Và sau cùng, người chủ nhà ví như con tâm.

Người thiện trí thức là người không phải chỉ biết lo gìn giữ ngôi nhà cho được tốt đẹp trong khi nó còn vững chắc, mà một cách thấy xa hơn, người ấy còn phải lo kết nạp bạn lành chuẩn bị vật liệu để khi ngôi nhà cũ xiêu, sụp đổ, họ có thể dựng lại một ngôi nhà mới khang trang hơn.

Tương tự như thế, bậc hữu học là người luôn luôn cảnh giác Ngũ căn, ngăn ngừa Ngũ trần, gìn giữ giới đức và thanh lọc nội tâm cho được trong sạch. Cao thượng hơn nữa là những hàng hữu học ấy tình nguyện xuất gia khép mình vào đời sống Sa-môn để thường xuyên thực hành thiền định. Nếu giới luật là khuôn thước để huấn luyện Ngũ căn, thì thiền định là phương pháp để thuần thục ý thức.

Các Sa-môn khi đã vững chắc trong thiền định rồi thì sự ham muốn, sự buồn rầu, sự ràng buộc chỉ là những nhiễu nhương cố hữu của Ngũ uẩn. Loại trừ những phiền não ấy bằng tâm vô lượng không cảm thấy vui sướng rằng mình đã tiêu diệt được nó là đạt đến Thánh quả giải thoát.

Do đó, nội dung của bài pháp nói trên đã diễn tả trọn vẹn bốn chơn lý hằng có (Tứ diệu đeá). Trong khi thuyết giảng bài pháp ấy, Ðại đức Sàrìputta đã khéo léo như một nhạc trưởng kỳ tài, biết sử dụng nghệ thuật phối hợp âm thanh ở mức độ toàn hảo nhất, khiến cho ban nhạc vang lên một cách uy nghiêm và hùng tráng. Còn trong bài pháp kia, Kinh Sammà Ditthi (nói về Chánh kiến), Ðại đức Sàrìputta quả thật là một người cầm đuốc soi đường. Vì giữa rừng sanh tử vô minh, ai muốn được giải thoát phải bước chân vào hẳn Bát Chánh đạo của chư Phật, và cửa ngõ đầu tiên mà hành giả phải đi xuyên qua là Chánh kiến, tức thấy hiểu chơn chánh.

Ðề pháp này khi được Ðại đức Sàrìputta phân tích đã trở thành một kiệt tác giáo lý. Ngài còn chứng minh cho thính giả thấy rằng Chánh kiến là cái chìa khóa để mở cổng đi vào Thánh đạo. Ai không có Chánh kiến là người ấy không có tất cả.

Theo ngài, Chánh kiến không phải chỉ đơn giản là khả năng nhận thức đuùng đắn, khách quan như quan niệm của thế gian, mà một cách khác hẳn “Chánh kiến là thanh tịnh hiểu biết”, hay “không có một câu chấp nào hết trong khi nhận thức vấn đề”. Vì câu chấp (tức thành kiến) thường rơi vào một trong hai trạng thái là khách quan hay chủ quan, sẽ làm cho tâm trí của con người vẩn đục. Hoặc nói một cách khác, Chánh kiến trong Phật giáo không phải là nguyên nhân của Chánh tín như nhiều người lầm tưởng, mà nó chính là thành quả của thiền định.

Mặt khác, nếu chúng ta chịu khó đọc lại năm bộ A Hàm (Nikàya)(10 ) của Tạng Kinh (Sutta Pitaka), chúng ta sẽ thấy Chánh kiến như một đề tài chính, luôn luôn được nhắc đến.

Chú giải còn ghi rõ: Nói đến Chánh kiến là nói đến Bát Chánh Ðạo. Hay nói đến Chánh kiến là nói đến Tứ Diệu Ðế. Nơi nào có Chánh kiến là nơi đó có hạt giống thánh thiện đã được gieo. Trong Tạng Kinh, Chánh kiến và Tứ Diệu Ðế được nhắc đến ba mươi hai lần, và tất cả ba mươi hai lần ấy đều liên hệ đến Thánh quả.

Một bài pháp khác của Ðại đức Sàrìputta trong bộ Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikàya Quyển I 63) là Kinh Samma Citta (Chánh Tâm) đã được thuyết cho chư Thiên và Thánh nhơn từ Tư-đà-hàm trở lên nghe. Trong bài pháp này, Ðại đức Sàrìputta đã nói đến những kiếp sau cùng của “vài hàng chúng sanh sắp bước chân ra khỏi rừng sanh tử luân hồi”.

Ðây là một bài pháp phân tích thật rõ ràng về các Thiên cảnh, Siêu thức cảnh, Vô lượng thọ cảnh v.v... mà Ðại đức Sàrìputta đã làm cho chư Thiên tụ hội nhiều vô số kể.

Có một đoạn thuật lại rằng: “Khi ấy rất đông chư Thiên từ quả Thánh thấp đã đắc lên quả Thánh cao, và một số chư Thiên khác nhờ nghe pháp mà bước được vào đạo Thánh lưu (tức Tu-đà-hoàn). Căn cứ theo Kinh điển thì ấy là bài pháp đưa đến kết quả đạt Thánh cao nhất trong đời Ðại đức Sàrìputta”.

Mặc dù đó chỉ là một bài pháp tóm tắt, có vẻ như huyền hoặc, vì không có một chứng minh thực tế nào, không có một chú giải thí dụ nào cho phàm nhân hiểu được, nhưng nó là những Thánh ngôn mà các đại Thiền sư từ xưa đến nay hằng tôn tụng và trì chú.

Lịch sử Phật giáo Tích Lan cũng chép:

“Thánh Tăng Mahinda, con trai Hoàng đế Asoka (A Dục), khi truyền Phật giáo vô nước Tích Lan, một buổi chiều nọ đã thuyết lại hai bài pháp Samma Citta và Mahà Vamsa (XIV-34ff.)”.

Quốc Sử ấy còn nhấn mạnh: “Khi nghe pháp có vô số chư Thiên và các hàng Ðại trí thức đã thấm nhuần Pháp bảo”.

Kết quả của hai bài pháp này sở dĩ vĩ đại như vậy là vì Ðại đức Sàrìputta đã cung cấp một cách rành mạch những sự gợi thức cho các hàng chư Thiên và Ðại trí thức về những cảnh kế tiếp sau kiếp hiện hữu của họ. Chẳng hạn như có một số chư Thiên khi đang phát triển để đắc lên những bực Thánh cao hơn, thời gian cần thiết phải còn dài, mà tuổi thọ đang có lại ngắn ngủi, nên họ đâm ra lo lắng cho tuổi trời của mình, và nhất là không muốn bị tái sanh vào cõi Ngũ uẩn (người) như trường hợp lắm lúc đã xảy ra. Bài pháp của đức Trưởng lão đã cắt nghĩa đến họ một cách đầy đủ để cho họ có thể xét đoán nổi vị trí của mình, vì thói thường khi còn ở ngoài Thánh đạo, muốn được tiến hóa, cần phải có một sự định hướng giá trị mới có thể dắt dẫn hành giả tiến cao hơn được.

Kinh Sangiti và Dasuttara là hai bài pháp khác nữa trong những bài pháp của Ðại đức Sàrìputta. Ðó là hai phần sau cùng của bộ Digha Nikàya, một bộ Kinh bao gồm những bài pháp dài. Cả hai phần này có thể xem như là bảng mục lục của bộ Digha Nikàya hay Trường A Hàm, vì nó liệt kê toàn những đề pháp được đánh số từ một tới mười. Lý do của sự đánh số là để giúp trí nhớ cho những người muốn nắm vững nội dung bộ Kinh này. Về sau các Phật Học Viện đã gọi bảng mục lục ấy là bảng kê khai Pháp số, và toàn thể học Tăng sẽ tùy theo trình độ mà phải học thuộc lòng những Pháp số ấy trước khi trở thành Giảng sư để đăng đàn thuyết pháp.

Kinh Sangiti đã được Ðại đức Sàrìputta nói ra dưới sự chứng minh của Ðức Phật. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng Ðức Bổn Sư đã hoàn toàn chuẩn y bảng danh mục Pháp bảo do Ðại đức Sàrìputta thiết lập. Trong khi Kinh Sangiti ghi lại những Ðề pháp có trật tự từ thấp tới cao, thì Kinh Dasuttara nêu rõ các chi của từng Ðề pháp một. Như vậy hễ nói đến pháp số một là Ðề pháp ấy chỉ có một chi, và khi nói đến pháp số hai là Ðề pháp ấy có hai chi, pháp số ba có ba chi, pháp số bốn có bốn chi v.v...

Kỹ thuật chương mục hóa Pháp bảo này trong Tạng Kinh của Ðại đức Sàrìputta rõ ràng là sự đóng góp sau cùng của cuộc đời ngài cho Phật giáo. Vì trước khi nhập diệt Ðại đức Sàrìputta đã nghĩ: “Pháp bảo ví như một kho tàng châu báu. Muốn sử dụng một cách đủ giá trị và có hiệu lực, toàn bộ châu báu ấy phải được sắp xếp có hệ thống”.

Hơn nữa, khi ấy lại nhắm vào lúc Giáo chủ Nigantha Nàtaputta, một người cầm đầu tôn giáo cùng thời với Ðức Phật, qua đời. Các đệ tử của ông ta đã chia rẽ và y cứ theo những lời dạy hoàn toàn vô trật tự. Ðại đức Sàrìputta e sợ nguy cơ ấy có thể xảy đến cho Phật giáo, nên đích thân tự làm công tác này.

Mặt khác, ngay sau khi Ðức Bổn Sư tịch diệt, hiển nhiên hơn câu chuyện của ông Nig-antha Nàtaputta, còn có cÂu chuyện của Giáo chủ Mahà Vra (Ðạo lõa thể). Ðiều này đã chứng minh rằng Ðại đức Sàrìputta đã có một cái nhìn thật xa. Bằng có là trong các thời pháp sau cùng của ngài, ngài luôn luôn lập lại:

“Hỡi chư huynh đệ! Ðạo pháp này phải được tất cả học thuộc lòng, hòa hợp với nhau mà không có sự xích mích. Chỉ như thế, đời sống Tăng lữ mới duy trì vững bền để phục vụ cho sự an vui và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại”.

Chú giải còn cho biết rằng: Mục đích của Kinh Sangiti là đem đến sự ưa thích ở pháp hòa thuận (Samaggisasa) trong giáo lý giải thoát bằng sự tiên đoán để di huấn đầy đủ (Desanà Kusalatà).

Riêng Kinh Desuttara, Ðại đức Sàrìputta đã mở đầu bằng câu:

“Dasuttaram pavakkhàmi Dhammam nib-bànappattiyà. Dukkhassantà kiriyàya sabba ganthapamoca ram...”.

Nghĩa là: Bài pháp mang tên Dasuttara mà bần Tăng sắp nói ra đây là một giáo lý để đạt đến Niết-bàn và chấm dứt phiền não, cắt đứt sợi dây ràng buộc nô lệ”.

Rồi trong đoạn sau, ngài đã nhấn mạnh: “Pháp bảo khi đã kết tập và ghi nhớ có hệ thống, sẽ được truyền bá nguyên vẹn đủ chi tiết của nó. Ðây chính là lý do khiến bần Tăng thuyết ra hai bài Yếu lục ấy”.

Trong cuốn sách này, chúng ta chỉ có thể nhắc đến một vài “đóng góp độc đáo” vào kho tàng Pháp bảo của Ðại đức Sàrìputta mà thôi, vì hãy còn rất nhiều những bài pháp của ngài nằm rải rác trong Tam tạng Kinh điển mà chúng ta không có dịp bàn kỹ.

Một bảng tóm tắt về những bài pháp khác của Ðại đức Sàrìputta đã thuyết, được trình bày ở phần cuối cuốn sách này để giúp cho những ai muốn tra cứu có thêm một số tài liệu.

Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu khả năng Chú Giải (Atthakathà) của Ðại đức Sàrìputta trong Tam tạng Pàli. Trước hết hãy nói về quyển Niddesa, thuộc bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu A Hàm). Ðây là quyển Chú Giải duy nhất được lưu truyền kể từ thời Ðức Phật. Kinh này chia làm hai phần là Mahà Niddesa (Ðại Chú Giải) và Cula Niddesa (Tiểu Chú Giải). Mahà Niddesa bàn về Atthaka Vagga ở trong Kinh Nipàta. Còn Cula Niddesa thì dẫn giải đoạn Paràyana Vagga trong Khagga Visàna nằm ở phần cuối Kinh này.

Nhiều học giả khi nghiên cứu Phật giáo đã xác nhận cuốn Niddesa là quyển sách xưa nhất. Có thể nó đã xuất hiện vào thời kỳ đầu tiên có Tăng bảo trong giáo pháp của Ðức Phật Thích Ca. Bằng chứng là trong Kinh Udàna có ghi rõ sự thuộc nằm lòng đoạn Atthaka Vagga của Ðại đức Sona. Kinh Anguttara Nikàya cũng ghi lại sự thuộc nằm lòng đoạn Paràyana Vagga của một tín nữ là bà Nanda Màtà.

Vẫn biết Kinh Phật là do chính Ðức Phật thuyết ra, nhưng sự chú giải lại do các đại Sa-môn đảm nhận. Và Ðại đức Sàrìputta là một đại đệ tử đã làm công tác đó trước nhất. Nghĩa là ngài đã làm ngay trong thời kỳ Phật giáo mới bắt đầu có Tăng bảo.

Có ít nhất là năm trường hợp trong Kinh Nipàta, chính Ðức Phật đã tuyên dương công tác này của Ðại đức Sàrìputta.

Cũng có vài thuyết cho rằng cuốn Niddesa là do công lao của nhiều vị đại đệ tử của Ðức Phật hợp lại mà thành. Tuy nhiên, căn cứ theo chú giải trong Kinh Thera Gathà do Ðại đức Bha-dantà Cariva Dhammapàla biên soạn thì tác giả của Kinh Niddesa là Ðại đức Sàrìputta (Dhamma Enapati). Còn theo Giáo sư E. J. Thomas trong “Nguyên sử Phật giáo” thì hầu hết nội dung của Niddesa là đóng góp của Ðại đức Sàrìputta.

Ngoài ra, Giáo sư E. J. Thomas còn viết:

“Nét đặc biệt nhất của Kinh Niddesa là gồm có một bảng kê khai đồng ngữ đã được bình giải rõ ràng. Những giảng luận như thế không phải dùng để cắt nghĩa từng tiếng hay từ đoạn riêng biệt, mà trái lại có thể áp dụng chung cho bất cứ chỗ nào có một câu pháp tương tự. Do đó người ta có thể gọi nó là một “Bình luận tự điển”. Những bình luận như thế rất hữu ích trong việc nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), nhất là để y cứ theo Thánh nghĩa hơn là cứ suy giải theo sức hiểu biết của mình”.

Ðiều này chỉ cho chúng ta thấy rằng: Một hệ thống học hỏi từ ngữ và ngôn lý trong Phật giáo đã được thành hình tối cổ. Hệ thống này chỉ có một điểm bất tiện là không có những quy tắc tự vựng như văn phạm ngày nay... Thay vào đó, Niddesa lại có một lối phân tích (Patisambhidà) khá đầy đủ, chẳng hạn như phân tích Nghĩa lý (Attha), phân tích Ðiều kiện (Dhammà), phân tích Tự căn (Nirutti), phân tích Ứng đối (Patibhàna) v.v... Riêng cách phân tích Tự căn lại được chia ra làm bốn phần nhỏ đã rất thịnh hành trong thời gian tiếng Pàli còn là một sinh ngữ.

Ngày nay, mặc dù tiếng Pàli không được đàm thoại trong đời sống hằng ngày, nhưng các hệ thống phân tích ấy vẫn giúp ích cho nhiều học giả muốn nghiên cứu Phật giáo không ít.

Theo Kinh điển chúng ta được biết thì Ðại đức Sàrìputta đã đạt được bốn Tuệ phân biệt (Catu Patisambhidà nõàna) hai tuần lễ sau khi xuất gia, nghĩa là lúc đạt được đạo quả A-la-hán. Và căn cứ theo nghệ thuật phân tích văn pháp (Nirutti Patisambhidà) trong Patisambhidà Magga thì chúng ta có thể tin rằng Ðại đức Sàrìputta không những là tác giả của bộ Niddesa mà Ngài còn là tác giả của Patisambhidà Magga nữa. Trong Mahà Niddesa, có một đoạn Kinh mang tên Sàrìputta (còn gọi là Kinh Thera Panõhà) được chú giải. Ðây là phần sau cùng của Attaka Vagga. Mở đầu chú giải này là những kệ ngôn ca ngợi ân đức của Ðức Bổn Sư và những câu hỏi đặt ra cho Ngài, nhưng Ngài đã ủy thác cho Ðại đức Sàrìputta giải đáp. Riêng bài kệ mở đầu trong Kinh Mahà Niddesa là bài kệ tán dương oai lực của Ðức Phật sau khi Ngài đã lên cõi trời Tavatimsa nói về Vi Diệu Pháp (Abhidhammà) rồi trở về.

Ngoài ra, trong Kinh Thera Panõhà, mặc dù mang tên Sàrìputta, nhưng cũng có nhiều chỗ ghi các câu hỏi của Ðại đức Sàrìputta đặt ra và được Ðức Phật trả lời.

Nhiều học giả còn cho rằng Kinh Patisam-bhidà Magga là thiên khảo luận của Ðại đức Sàrìputta, vì họ nhận thấy nội dung của nó hoàn toàn là khả năng phân tích và tầm tư tưởng thâm sâu của vị Thánh Tăng uyên bác này.

Ở đoạn mở đầu, Patisambhidà Magga trình bày những bài khái luận về bảy mươi hai thứ hiểu biết (Nàna) và về những loại kiến thức sai lầm, mà xuyên qua đó chúng ta có thể chiêm ngưỡng được cái trí tuệ vô song của Ðại đức Sàrìputta. Trong bài Kinh khai thuyết về sự hiểu biết cũng như trong những chương khác của tác phẩm, người ta đã tìm thấy một số lớn những danh từ giáo lý xuất hiện lần đầu tiên, và chỉ trong Patisambhidà Magga mà thôi. Tác phẩm cũng chứa đựng những lời cắt nghĩa tỉ mỉ về các thuật ngữ và các giáo thuyết đã được giới thiệu tóm tắt trong nhiều phần pháp và trong những bộ xưa hơn nữa của Tam tạng Kinh (Tipitaka Sutta).

Một học giả Cao Tăng Tích Lan, Ðại đức Mahà Nàma người đã viết bài Saddhamma-ppakàsini, chú giải cho tác phẩm, đã không ngần ngại phát biểu:

– Nói đến Patisambhidà Magga là nói đến Ðại đức Sàrìputta, vì trong đó nhân vật của ngài được nhắc đến hai lần: Lần thứ nhất (trong Iddhi Viddha Kathà) như là một bậc đã làm chủ được phép tỏa rộng thanh tịnh (Samàdhivipphàra Iddhi). Lần thứ hai (trong Mahà Panõnõà Kathà) Ngài như là bậc duy nhất hiểu thấu chiều sâu trí tuệ của Ðức Phật (Solasa Panõnõà Niddesa)”.

Cho nên, chúng ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi đọc trong Kinh Atthasàlini thấy ghi rằng: “Thuở ấy Ðức Phật thuyết Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) trong vòng ba tháng ở coõi trời Tàvatimsa cho mẹ Ngài, Hoàng hậu Màyà, người đã được sanh làm chư Thiên nơi cõi trời ấy nghe. Cứ mỗi ngày, khi trở về thế gian độ ngọ, Ngài hằng thuyết lại cho Ðại đức Sàrìputta về các pháp thâm diệu vi tế.

Kinh Atthasàlini còn ghi rõ:

“Trí tuệ của Ðức Thế Tôn dồi dào như nước trong lòng biển cả thì sức hiểu biết của Ðại đức Sàrìputta nhiều như những lượn sóng. Hễ nước chảy đến đâu thì sóng gợn đến đó. Nước bốc thành hơi thì sóng cũng biến thành hơi. Và dưới sức nóng của ánh sáng mặt trời, người lữ hành mệt mỏi trên sa mạc đã nhìn thấy hơi nước bằng những lượn sóng”.

Có điều là Ðại đức Sàrìputta, sau khi đã thấm nhuần Vi Diệu Pháp bảo của Ðức Phật rồi, chỉ đem truyền lại cho chư huynh đệ và đệ tử những pháp mà ngài nhận thấy cần thiết, thực tế và hợp với trình độ hiểu biết của họ. Ngài cũng không quên hệ thống hóa Vi Diệu Pháp ấy cho dễ học, dễ nhớ.

Nhiều học giả còn cho rằng: Tất cả Vi Diệu Pháp đều bắt nguồn từ Ðại đức Sàrìputta và ngay cả bộ sách vĩ đại Patthàna cũng là công trình của vị đại Thánh Tăng này.

Về nghệ thuật sắp xếp và thừa truyền lại Vi Diệu Pháp của Ðại đức Sàrìputta, theo Attha Sàlin, chú giải của đoạn Dhamma Sangani, thì ngài đã tác văn những phần như sau:

1- Ðoạn bốn mươi hai Song Liên Kệ (Duka) trong Suttanta Màtikà sau Abhidhamma Màtikà. Cả hai phần này dẫn đầu bảy cuốn Vi Diệu Pháp, và được giảng giải trong Kinh Dhammasangan.

2- Kinh thứ tư và cũng là phần sau cùng trong Dhammasangan là Atthuddhàrakanda đã dùng đề cập về sự cương yếu (hay tóm tắt).

3- Ðặt ra cách giúp trí nhớ để dễ học nằm lòng (Vàcana Magga).

4- Ðánh số cho đoạn Patthàna trong Kinh Anupada (thuộc Majjhima Nikàya No III) vì đây là một phần Kinh mà Ðức Phật đã nói về các chiều biến thiện của tâm thức thiền và những trạng thái đồng sanh tâm mà chính Ðại đức Sàrìputta cũng đã từng trải qua sau khi tiến lên khỏi mỗi giai đoạn của sự đạt thiền. Phương pháp đánh số này là cả một nghệ thuật, vì nhờ đó mà người ta có thể rút ngắn được những phép phân tích qua chi tiết có thể gây lầm lẫn trong ý thức thiền định.

Kinh Dhamma Sangan còn nhắc lại lời khen ngợi của Ðức Phật:

– Ðại đức Sàrìputta quả thật là một bậc am hiểu Pháp bảo rốt ráo. Ngài không những đủ sức trả lời một số câu hỏi của Như Lai trong vòng một ngày hay một ngày một đêm một cách trong sáng, mà ngài còn thừa sức để luận đạo với Như Lai cả đến bảy ngày bảy đêm đem về tất cả mọi vấn đề.

– Này chư Tỳ-kheo! Có năm tuyệt phẩm mà một trưởng tử của vị vua cai trị toàn thế giới có thể lãnh đạo thiên hạ vững chắc như vua cha, không bị bất cứ một kẻ thù nghịch nào làm đảo lộn.

– Vậy năm tuyệt phẩm ấy là gì? Ðó là người kế vị bậc Thế giới vương biết rõ thế nào là nhân, thế nào là quả, thế nào là điều kiện thiên nhiên, thế nào là điều kiện xã hội và thế nào là trình độ con người.

– Này chư Tỳ-kheo! Tương tự như thế. Khi Sa-môn Sàrìputta tròn đủ năm tuyệt phẩm này rồi thì ông sẽ có thể quay bánh xe tối thượng Pháp bảo một cách đúng đắn như Như Lai đã từng lăn. Bánh xe này không thể bị làm đảo lộn bởi những kẻ ngoại đạo, bởi chư Thiên hay Bà-la-môn giáo, cũng không bởi bất cứ kẻ nào trên cõi đời này.

– Này chư Tỳ-kheo! Năm tuyệt phẩm ấy là gì?

Là Sàrìputta trong vô lượng kiếp trước đã gieo trồng hạnh trí tuệ, ý thức thế nào là lợi ích cao thượng (Nhân), biết phương pháp giáo huấn (Quả), dùng những biện pháp đúng đắn (Ðiều kiện thiên nhiên), hiểu rõ lúc nào hợp thời (Ðiều kiện xã hội), và tùy theo đề tài hội họp (Trình độ) mà ông sẽ nói pháp. (Anguttara Nikàya V. 132).

Ngoài Ðức Phật ra, những vị Tôn túc khác cũng đã tán dương khả năng của Ðại đức Sàrì-putta. Chẳng hạn như Ðại đức Sangsa (về các kệ ngôn số I. 231 - I. 233), Trưởng lão Mahà Kassapa (theo các câu kệ số 1082-1086) và nhất là Tôn giả Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) khi nghe Ðại đức Sàrìputta thuyết xong bài pháp “Nói về sự vô tội”, Ngài đã ngâm mấy câu sau đây để ca ngợi công đức của bậc Thánh Tăng ấy:

“Này chư Tỳ-kheo huynh đệ! Thật là kỳ diệu. Thính giác của tôi, khi nghe được Pháp bảo của đạo huynh Sàrìputta thì nó tự nhiên thanh tịnh, ý tưởng tự nhiên no đủ”. (Theo Majjhima Nikàya No 5)

Nói tóm lại, đức hạnh và khả năng của Ðại đức Sàrìputta vô cùng vĩ đại. Vĩ đại không những ngay trong lúc Ðức Phật còn tại tiền, mà sự vĩ đại ấy cho mãi đến ba trăm năm sau vẫn còn được các bậc Thánh nhơn ca tụng. Chúng ta thử đọc lại Kinh Milinda Panõhà (Mi Lan Ðà Vấn Ðạo để xác nhận điều ấy là một sự thực).

Kinh Milinda Panõhà chép:

“Vua Mi-lan-đà đã so sánh Ðại đức Nàgàsena (Na-tiên) với Thánh Tăng Sàrìputta và nói: “Trong rừng Pháp bảo của chư Phật, không có một nhân vật nào khác như Ngài để có thể trả lời những câu hỏi của trẫm, ngoại trừ đức Trưởng lão Sàrìputta, một vị đứng đầu về vạn pháp”. Và uy tín vĩ đại đó vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay, tạo ra một sự khích lệ người đời bởi những giáo lý đáng ôm ấp của một vị đại đệ tử Phật. Tiếng vang ấy được bảo tồn phát triển lẫn tàng trữ trong một số những cuốn sách quý nhất của Phật giáo.

THÂN QUYẾN CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA

Như chúng ta đã biết, Ðại đức Sàrìputta sanh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn giáo (Brahman) thuộc làng Upatissa (còn gọi là Nàlaka) gần thành Ràjagaha (Vương Xá). Thân sinh ngài là ông Vaganta và thân mẫu ngài là bà Sàrì. Ngài còn ba người em trai tên là Cunda, Upasena, Revata và ba chị em gái là các nàng Càlà, Upacàlà và Ssupacàlà.

Cả sáu người này đều lần lượt xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Ông Cunda sau này có tên là Samanuddesa có nghĩa là “Môn đồ non nớt” trong hàng chư Tăng, mặc dù đã thọ Tỳ-kheo giới. Lúc ấy Tăng chúng gọi như thế là để phân biệt ngài với đức Trưởng lão Mahà Cunda.

Khi Ðại đức Sàrìputta tịch diệt, Cunda là vị làm chủ táng, và cũng là người đi thông báo cho Ðức Phật biết, đồng thời dâng cốt thể đến Phật vì đó là Thánh tích của một vị đại đệ tử.

Câu chuyện được ghi lại trong Kinh Cunda. Phần tóm lược của nó sẽ được trình bày thêm trong cuốn sách này.

Ông Upasena sau được gọi là Vagantaputta, hay “Con trai nhà Vaganta” (cũng như Ðại đức Sàrìputta có nghĩa là con trai của bà Sàrì) đã được Ðức Phật khen ngợi như là một trong những Tỳ-kheo gương mẫu, luôn luôn giữ một thói sống thanh tịnh baèng pháp Tri túc (Samantap Pàsàdika). Theo bộ Salàyatana Sam-yutta, chương 7, Kinh số 7 thuật lại thì ngài đã tịch vì bị rắn cắn.

Revata là người em trai nhỏ tuổi nhất, và chính mẹ ông đã muốn ngăn cản việc xuất gia bằng cách cưới vợ cho ông khi ông còn là một thiếu niên. Nhưng ngay vào ngày đám cưới, ông đã trông thấy bà nội của người vợ tương lai, một cụ già một trăm hai mươi tuổi, tàn tạ với nét già yếu. Ông lập tức trở nên ghê sợ cuộc sống ở đời, bèn lìa khỏi hôn lễ và trốn vào một ngôi chùa để xin xuất gia.

Vào những năm sau, trên đường đến thăm Ðức Phật, ngài đã dừng chân tạm ngụ tại một khu rừng đầy cây xiêm gai (Khadìvà vana) và trong thời gian nhập hạ ở đó, ngài đắc quả A-la-hán. Sau đó, người ta gọi ngài là Ðại đức Revata Khàdravaniya (ngài Revata trong rừng Xiêm gai). Ðức Phật đã xem ngài như là người đứng đầu những vị cư ngụ trong rừng ấy.

Còn ba người chị em gái của Ðại đức Sàrì-putta là Càlà, Upacàlà và Ssupacàlà, vì muốn noi gương những người anh, cũng đã trở thành những Tỳ-kheo-ni sau khi họ đã lập gia đình. Trong thời gian sống với chồng mỗi người đều có một đứa con trai, và chúng được đặt tên có nghĩa là “theo chân người mẹ”. Các cậu ấy cũng lần lượt “theo chân” như thế. Ba người này lại được Ðại đức Revata Khàdravaniya cho xuất gia làm Sa-di. Hạnh kiểm tốt của họ đã được Ðại đức Sàrìputta khen ngợi khi ngài đến thăm thầy họ bị bệnh. Ðiều này có ghi trong đoạn chú giải của Kinh Theragàthà (Phần V, kệ 42).

Riêng ba nàng Càlà, Upacàlà và Ssupacàlà là những Tỳ-kheo-ni được người đời tán tụng rằng họ đã từng bị Ma vương (Màra) đến gần cám dỗ rồi không thành thì chất vấn sỉ vả. Nhưng cả ba Tỳ-kheo-ni đã đối phó một cách rất tuyệt diệu. Những chuyện này được ghi lại trong kệ ngôn Thergàthà và Kinh Bhikhun Samyutta.

Trái ngược với những nàng này, bà mẹ của Ðại đức Sàrìputta lại là một người rất đố kỵ Phật giáo, chỉ trung thành với đạo Bà-la-môn. Do đó, bà đã thường xuyên phỉ báng Tăng chúng. Trong chú giải Kinh Dhammapàda, có một đoạn thuật lại rằng:

“Một lần nọ, khi Ðại đức Sàrìputta còn ở trong làng cũ Nàlaka của ngài với một số lớn chư Tỳ-kheo theo tu học. Ngài bèn về nhà mẹ trong một dịp đi khất thực. Với ngài, bà đã không thể từ chối, nên mời vào để lo dâng vật thực, nhưng trong lúc làm như vậy, bà không ngớt tuôn ra những lời quá khích. Bà nói:

– Ai lại đi ăn những đồ người ta bố thí. Nhỡ khi ông không được những thứ cháo chua mà người ta cho, chắc ông phải đi từ nhà này qua nhà khác mà kiếm những đồ còn lại trên vá trên chén chứ!

– Ði xin được chỉ có vậy mà ông dám bỏ cả gia tài hàng tám chín trăm triệu để làm một ông thầy tu. Ông đã làm cho tôi mắc cở với hàng xóm. Thôi, bây giờ ông hãy ăn đi.

Và khi bà cho những vật thực đến các vị Tỳ-kheo khác cùng đến với con bà, bà cũng làm như thế, bà liền bảo:

– Lại mấy ông nữa. Mấy ông là những kẻ đã theo cái nhóm bắt thằng con trai của tôi đi làm mọi. Thôi, ăn đi các ông ơi.

Cứ như vậy, bà tiếp tục lăng nhục chư Tăng. Nhưng Ðại đức Sàrìputta chẳng nói một lời, ngài nhận vật thực rồi dùng và im lặng trở lại tinh xá.

Ðức Phật biết được chuyện này do Ðại đức Ràhula, người trước đó là một trong những vị Tỳ-kheo bị bà lăng nhục, thuật lại. Còn tất cả Tăng chúng khi được nghe chuyện đó đều ngạc nhiên về sự nhẫn nại không tưởng tượng nổi của đức Trưởng lão. Sau đó, Ðức Phật đã khen ngợi ngài Sàrìputta giữa Tăng chúng bằng cách ngâm bài kệ:

“Kẻ đã trừ bỏ được sự nóng giận là người có thể làm tròn phận sự của mình một cách chính đáng. Kẻ biết giữ gìn những lời giáo huấn là người thoát khỏi dục vọng. Kẻ biết tự chỉ huy lấy mình là biết tạo cho mình một kiếp sanh sau cùng. Trong Pháp bảo giải thoát, Như Lai gọi kẻ ấy là một vị Phạm thiên (Brahma) vậy”.

Nhưng đến khi cuộc đời của Ðại đức Sàrì-putta gần chấm dứt, chuyện lăng nhục ấy không còn nữa. Ngài đã cảm hóa được người mẹ. Câu chuyện sẽ được kể sau này. Và mục đích thuật lại chuyện ấy là cốt đưa chúng ta đến một sự suy gẫm về những đặc tính tự thắng của một Trưởng lão vĩ đại. Ấy là ba đức tánh khiêm tốn, nhẫn nại và hỷ xả của ngài.

LỬA SÂN HẬN ÐÃ HOÀN TOÀN DẬP TẮT

Nhắc lại vùng xung quanh Kỳ Viên tinh xá nơi Ðức Phật đang cư ngụ, có một nhóm rất nhiều người bàn tán với nhau về những phẩm tính cao thượng của Ðại đức Sàrìputta. Họ nói rằng:

– Với một đức nhẫn nại như thế, Sa-môn Sàrìputta đã trở nên bậc Vô ngại. Dù khi có ai lừa dối hay đánh đập ngài, ngài cũng không cảm thấy một ý nghĩ oán hận.

Có một ông Bà-la-môn là người cố chấp cái thiên kiến sai lạc của mình, đã hỏi:

– Ai là người không nóng giận đâu?

– Ðó là Ðại đức Sàrìputta.

Ông bèn xuyên tạc: “Ông ấy không nóng giận bởi vì chẳng có ai khiêu khích ông ta. Và chính tôi rất rành cách làm cho kẻ khác giận mình”.

Một hôm, khi đi khất thực, Ðại đức Sàrìputta đã vào trong thành phố, nơi ông Bà-la-môn có mặt. Lão Bà-la-môn ác ý này liền tiến gần phía sau ngài và bất thần đánh lên lưng ngài một cái như trời giáng. Ðại đức Sàrìputta vẫn tiếp tục chầm chậm bước đi, mặt cũng không quay lại. Ngài chỉ thản nhiên nói: “Cái gì vậy kìa?”.

Ông Bà-la-môn vừa hổ thẹn vừa hối hận, ông bèn quỳ mọp người xuống dưới chân đức Trưởng lão để tạ tội. Ðại đức Sàrìputta tỏ vẻ ngạc nhiên, hiền từ hỏi: “Ông làm như thế để chi vậy?”.

Người Bà-la-môn ngượng ngập trả lời:

“Thưa ngài! Vì muốn thử lòng nhẫn nhục của ngài nên tôi đã đánh lén ngài một cái rất tàn nhẫn. Bây giờ tôi hiểu ra sự thật, xin ngài tha lỗi cho tôi.

Rồi ông Bà-la-môn tiếp: “Bạch ngài! Nếu ngài sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của tôi, tôi xin thỉnh ngài từ nay về sau chỉ đến khất thực trước nhà tôi để tôi được chuộc tội bằng cách dâng cúng”.

Trong khi yêu cầu như vậy, ông đã cung kính nâng lấy bình bát của đức Trưởng lão. Ngài đã dịu dàng trao bát lại cho ông và ra dấu bảo ông ta hãy đưa mình về nhà để dâng hiến vật thực.

Nhưng những người khác khi thấy ông ta xúc phạm một vị đại Sa-môn như vậy, họ trở nên tức giận, tay cầm gậy gộc tập trung trước nhà ông Bà-la-môn với mục đích trừng phạt lão già hung ác này.

Khi Ðại đức Sàrìputta nhận vật thực xong bước ra và ông Bà-la-môn theo sau, hai tay bưng bình bát của ngài. Thấy vậy họ đồng la lên:

– Bạch ngài! Xin ngài hãy bảo ông Bà-la-môn này quay lại.

Ðức Trưởng lão hỏi: “Này các đạo hữu tại gia! Tại sao các người làm như vậy?”.

Họ đồng trả lời: “Người này đã vô lý đánh lén ngài. Và chúng tôi đến đây cốt để trả lại cho ông cái hành động bất nhân đó”.

Ðức Trưởng lão mỉm cười nói: “Cám ơn các đạo hữu đã có lòng che chở cho bần đạo, và những kẻ bất bình trước mọi hành động bất thiện là những người tốt. Nhưng này quý vị thiện tâm! Ông ấy đã đánh quý vị hay đánh bần đạo?”.

Tất cả đều trả lời: “Bạch ngài! Chính ngài bị đánh”.

Nghe thế đức Trưởng lão bèn tuyên bố: “Ðược rồi! Nếu chuyện đó xảy ra đến bần đạo thì ông ta đã sám hối với bần đạo rồi. Bây giờ quý đạo hữu hãy vui vẻ giải tán”.

Sau khi đức Trưởng lão đã khuyên nhủ đám người trở về xong, ngài bèn cho phép ông Bà-la-môn quay vào, rồi im lặng tìm đường trở về tinh xá. Chuyện này xảy ra đúng vào lúc Ðức Phật đang thuyết những câu Pháp Cú Kinh số 389 và 390 (Theo chú giải Dhammapada). Những câu ấy đã nói lên sự giảng nghĩa của Ðức Phật về bản chất của ông Bà-la-môn, tức là chỉ rõ tính thật thà hơn là nghiệp thức do tái sanh. Ngoài ra, Phật cũng gián tiếp dạy rằng: “Chính tư tưởng phân chia giai cấp đã khiến cho một số người có hành động ngông cuồng như vậy”.

Ðức Phật còn dạy tiếp:

– Ðừng để ai đánh đập kẻ lầm lỗi ấy. Người có sự hổ thẹn là người sẽ nhận sự trừng phạt xứng đáng nhất. Chính sự hổ thẹn sẽ làm cho ông bị cắn rứt còn hơn là nhận lại trăm ngàn cái đánh.

– Thu phục được ông Bà-la-môn như thế không phải là chuyện dễ. Người nào đã kềm giữ được tư tưởng của mình khỏi những gì thương yêu trìu mến càng nhanh thì sự đau đớn sẽ không dày vò thân xác được. Và như vậy sự bực tức trong nội tâm cũng dần dần biến mất đi.

Tính hướng thiện của Ðại đức Sàrìputta cũng vĩ đại như đức nhẫn nhục của ngài. Ngài sẵn sàng ghi nhận mọi sự khuyên bảo của bất cứ ai không những bằng sự thành thật mà còn với lòng biết ơn nữa.

Trong chú giải Kinh Devaputta Samyutta Susimo có một đoạn thuật rằng:

“Một lần nọ, vì vô ý mà chéo y nội của ngài lệch đụng xuống đất. Một ông Sa-di bảy tuổi đã trông thấy và chỉ cho ngài. Ðại đức Sàrìputta liền bước sang một bên và sửa lại y phục với một thái độ vâng lời và vui vẻ. Sau đó, ngài tiến đến trước mắt vị Sa-di và đưa tay nói rằng:

– Giờ thì y phục của tôi đã chỉnh tề rồi Sư ạ.

Ðể ám chỉ đức tính này, trong Kinh Mi Lan Ðà Vấn Ðạo (Milinda Panõhà Sutta) còn có mấy dòng kệ nói về Ðại đức Sàrìputta như sau:

“Người nào dù chỉ là bảy tuổi, nếu nhìn thấy hình thức dễ duôi trước tôi, và chỉ rõ cho tôi, tôi sẽ sẵn sàng hoan hỷ nhận. Tôi luôn luôn mong mỏi được nhắc nhở một cách ham thích và nhiệt thành. Tôi còn biết ơn những người ấy mãi mãi và kính trọng họ như những ông thầy”.

Có một lần, Ðức Phật hiền từ khiển trách Ðại đức Sàrìputta vì đã không tiếp độ một kẻ hữu duyên đến nơi đến chốn. Ðó là câu chuyện liên quan đến người Bà-la-môn tên Dhànanõjàni. Ðại đức Sàrìputta ngẫu nhiên đến viếng nhằm lúc ông này đang đau nặng và thoi thóp trên giường bệnh. Ðức Trưởng lão vì biết những người Bà-la-môn hằng ngưỡng mộ cõi trời Phạm Thiên, nên ngài đã chỉ dẫn cho ông Bà-la-môn sắp chết ấy con đường đạt tới cõi trời đó bằng những giới hạnh của chư Phạm Thiên.

Kết quả ông Bà-la-môn đã được sanh lên cõi trời Phạm Thiên thực sự.

Nhưng khi Ðại đức Sàrìputta thăm viếng xong trở về, Ðức Bổn Sư đã bèn dạy:

– Này Sàrìputta! Trong khi có nhiều pháp để đạt được những quả vị cao hơn, sao ông không cống hiến mà chỉ gieo vào tư tưởng của bệnh nhân chỉ có pháp lành tới cõi trời Phạm Thiên rồi ông ra về?

Ðại đức Sàrìputta trả lời:

– Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử nghĩ: “Vì những người Bà-la-môn này luôn luôn ngưỡng mộ cõi trời Phạm Thiên, nên đệ tử đã không hướng dẫn cho ông Bà-la-môn Dhànanõjàni ấy con đường đạt tới cảnh Phạm Thiên là gì?”.

Ðức Phật bảo:

– Nếu nghe được Pháp bảo cao hơn thì ông ấy có thể đắc vào Thánh đạo. Nhưng bây giờ là quá muộn vì Dhànanõjàni đã chết và đã trở thành một trong những Phạm thiên rồi.

Chúng ta tìm thấy câu chuyện này trong Kinh Dhànanõjàni, thuộc bộ Majjhima Nikàya như một sự mô tả rất thâm diệu về thật tính không ưa thích tái sanh của Ðức Phật, cho dù đó là sự tái sanh trong cõi trời cao nhất.

Riêng ông Dhànanõjàni, Ðức Phật xét thấy nếu được tiếp độ đúng mức ông có thể đạt đến quả A-na-hàm trước khi chết, nghĩa là chỉ tái sanh lại một lần nữa mà thôi.

Bàn về trường hợp ông Dhànanõjàni, đây không phải là điều sơ hở của Ðại đức Sàrìputta, mà vì lúc đó đức Trưởng lão chưa đắc được pháp Quán thế tâm (Lokiya Abhinnà) như Ðức Phật, nên ngài đã không phân biệt được sự thật đó. Kết quả, ông Bà-la-môn Dhànanõjàni ấy phải tốn một thời gian vô lượng nữa trong cõi trời Phạm Thiên, và sẽ phải sanh làm người trước khi ông đạt được đạo quả cứu cánh.

(Còn trong Kinh Tevijjà có thuật một vài lần Ðức Phật đã tiếp độ một số người tới cõi Phạm Thiên là bởi duyên năng của họ không thể tiến cao hơn được nữa, chứ không phải Ðức Thế Tôn đã làm một việc giống như Ðại đức Sàrìputta).

Và Ðại đức Sàrìputta cũng đã nhận một sự khiển trách hiền từ khác nữa của Ðức Phật lúc ngài bạch hỏi Ðức Bổn Sư tại sao có một số chư Phật trong quá khứ đã không để cho giáo lý của các Ngài tồn tại lâu dài. Và Ðức Phật đã trả lời rằng:

– Ðiều ấy là bởi những vị Toàn giác đó không thuyết nhiều Pháp bảo, không đặt ra nhiều Giới luật cho các hàng đệ tử, cũng không tạo nên sự tuyên đọc Biệt biệt Giải thoát pháp (Pàtimokkha).

Ðại đức Sàrìputta lại bạch tiếp:

– Giờ đây chắc Ðức Thế Tôn có nhiều thời gian hơn để ban bố những điều luật và tuyên hạnh chú đọc Biệt biệt Giải thoát pháp Pàtimokkha để cho đời sống của Giáo hội sẽ tồn tại lâu dài?

Ðức Phật bèn dạy:

– Này Sàrìputta! Việc đoù hãy để cho chính Ðức Tathàgata, bậc có trách nhiệm biết rõ về thời gian tính ấy. Ðức Thế Tôn sẽ không chế định giáo điều cho các hàng đệ tử, cũng không khuyên đọc Biệt biệt Giải thoát pháp nữa khi nào không thấy có những dấu hiệu hư hoại trong hàng Tăng lữ (Theo Pàràjika Pàli chương mở đầu).

Ðiều quan tâm của vị đại đệ tử ấy chính là ngài mong mỏi cho giáo pháp giải thoát được bền vững càng lâu càng tốt. Và đó cũng là điềm “Huyền cơ khả mật” của một vị Phật.

Bất cứ một đấng Toàn giác nào cũng vậy: Giáo pháp của Ngài luôn luôn có một tuổi thọ và tuổi thọ ấy chỉ có đấng Toàn giác thuyết ra nó rõ mà thôi. Ðức Phật ấy phải biết trước thời mạt pháp, và Ngài sẽ không để lại bất cứ một lời dạy nào khi trên thế gian không còn lấy một người có thiện tâm.

Rồi Ðức Thế Tôn giảng giải tiếp cho Ðại đức Sàrìputta nghe:

– Vào thời mạt pháp đó, người hành đạo cầu tiến sẽ vô cùng ít ỏi. Và vị Tỳ-kheo sau chót trong Tăng-già của Như Lai sẽ là ông Sotàpàna. Do đó, thật là tội nghiệp nếu sau ông Sotàpàna mà còn Phật ngôn để cho người đời đem ra chế giễu”.

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ KHIỂN TRÁCH

VÌ NHÓM HỌC TRÒ

Theo Càtuma Sutta, tức Kinh số 67 trong Majjhima Nikàya, thì có một lần Ðức Phật đã khéo léo khiển trách Trưởng lão Sàrìputta như sau:

“Lúc ấy có một số đông Tỳ-kheo mới nhập môn, là những đệ tử của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Lần đầu tiên họ kéo đến để xin ra mắt Ðức Phật, nhưng khi đến nơi lại chia ra làm nhiều nhóm nói lời nhảm nhí với những Tỳ-kheo đang ngụ trong tinh xá Càtuma.

Nghe có sự ồn ào, Ðức Phật liền tập trung Tăng chúng để hỏi nguyên do. Ngài được biết đó là sự hỗn loạn bởi những vị Tỳ-kheo mới đến gây ra. Trong Kinh không nói rõ là các vị Tỳ-kheo thăm viếng có mặt lúc Phật hỏi hay không. Nhưng chắc chắn là họ phải có mặt, vì Ðức Phật đã nghiêm khắc thốt ra những lời dạy như sau:

– Này các Tỳ-kheo! Các ông hãy đi ngay. Như Lai muốn các ông ra khỏi chỗ này lập tức. Các ông không thể đến gần một vị Phật bằng đức hạnh như vậy.

Bị quở phạt, có một số Tỳ-kheo kinh sợ bỏ đi, còn một số chỉ có mặt trong đám chứ không gây ra sự ồn ào được phép ở lại.

Sau đó, Ðức Phật nói với Ðại đức Sàrìputta:

– Này Sàrìputta! Ông nghĩ như thế nào khi Như Lai đuổi nhóm Tỳ-kheo ấy?

– Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử nghĩ: “Ðức Thế Tôn muốn giữ mãi sự trang nghiêm thanh tịnh trong lúc này”. Do đó, chúng đệ tử phải tôn trọng và vâng lời, rút lui một cách có trật tự.

Ðức Phật dạy:

– Này Sàrìputta! Dừng lại! Ðừng để cho những ý nghĩ như thế phát sanh trong ông nữa.

Và Ðức Phật quay sang Ðại đức Mahà Mog-gallàna cũng hỏi một câu tương tự.

Ðại đức Mahà Moggallàna trả lời:

– Bạch Ðức Thế Tôn! Khi Ðức Thế Tôn đuổi những vị Tỳ-kheo ấy đi, đệ tử nghĩ rằng: “Ðức Thế Tôn vì muốn giữ lại sự trang nghiêm thanh tịnh để làm gương giải thoát cho tất cả nhân loại”. Do đó, đệ tử và đạo huynh Sàrìputta giờ đây phải trở về chăm lo Tăng chúng.

Ðức Thế Tôn nói:

– Này Mahà Moggallàna! Ðúng thế! Ông trả lời đúng đấy! Việc cần thiết hoặc là chính Như Lai, hoặc là Sàrìputta, hoặc là Mahà Mog-gallàna phải đích thân khuyên giáo chúng Tăng.

Phần kết thúc, tuy bài Kinh không nêu rõ nhưng chắc chắn là hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã trở về giáo huấn những học trò của mình một cách nghiêm khắc và kỹ lưỡng.

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ VU CÁO

Có một lần, Ðức Phật ngụ tại Kỳ Viên tinh xá cùng với đông đảo chúng Tăng, Ðại đức Sàrìputta là nạn nhân của một sự kết tội sai lầm. Chuyện xảy ra như sau:

Lúc ấy là thời gian ra hạ, mùa mưa cũng vừa chấm dứt. Chư Tăng phương xa đến nhập hạ tại Kỳ Viên tinh xá đang lần lượt kiếu từ Ðức Phật và những vị Tôn túc để trở về.

Vì Tăng chúng quá đông nên khi tạm biệt nhau, Ðại đức Sàrìputta đã thành thật tuyên bố một câu: “Bần đạo chỉ quen nhớ những vị nào theo tên ám chỉ giới hạnh hơn là tên của gia đình đặt cho họ”.

Trong số đó có một vị Tỳ-kheo, không ai biết tên gọi căn cứ theo giới hạnh của ông là gì hoặc tên của gia đình đặt cho ông ra sao. Nhưng vì ông hằng mong muốn Ðại đức Sàrìputta gọi ông bằng một cái tên ám chỉ ông là người đức hạnh, ít nhất cũng trong khi cáo từ nhau.

Tuy nhiên, giữa đám đông Tăng chúng, Ðại đức Trưởng lão đã không cho ông ta sự phân biệt này. Và vị Tỳ-kheo ấy đã trở nên bất mãn, ông bèn suy nghĩ: “Ngài không tiếp độ mình như tiếp độ những vị khác!”.

Rồi ông ta có mặc cảm Ðại đức Sàrìputta đối xử bất công. Lúc ấy, nhân việc đức Trưởng lão đi ngang, chéo y của ngài bị gió phất quét nhẹ lên mình ông, khiến ông càng bực tức hơn nữa. Ông liền đến gần Ðức Phật phàn nàn:

– Bạch Ðức Thế Tôn! Chắc Ðại đức Sàrì-putta đang hãnh diện mình là một đại đệ tử nên đã đánh con một tát tay đến nỗi tai con gần như bị hỏng. Sau khi làm như vậy, ngài đã không tỏ ra vẻ người hối lỗi với con mà còn bỏ đi không đếm xỉa gì đến con cả.

Ðức Phật bèn gọi Ðại đức Sàrìputta vào và truyền lệnh đại hội Tăng chúng.

Trong khi chờ đợi, Ðại đức Mahà Moggallàna và Ðại đức Ananda dọ biết rõ có một sự cáo oan xảy ra, vội gặp gỡ tất cả các nhóm Tỳ-kheo và nói lên rằng:

– Bạch chư huynh đệ! Xin các ngài hãy tới dự Tăng hội. Khi Ðại đức Sàrìputta đối diện trước Ðức Bổn Sư rồi, ngài chỉ thốt ra những sự thật. Sự thật ấy sẽ vang rền như tiếng gầm của một con sư tử.

(Câu này dịch sát theo chữ Pàli là “Shanada” có nghĩa là một giọng nói tự nhiên lẫn trầm hùng, đảm bảo chắc chắn ấy là sự thật).

Và đúng như điều vừa nói! Khi Ðức Bổn Sư chất vấn Trưởng lão Sàrìputta, thay vì ngài vạch rõ sự vu cáo, ngài lại nói:

– Bạch Ðức Thế Tôn! Khi một người đã được vững chắc trong đạo quả, làm chủ được bản tâm rồi, người ấy có thể nào làm đau đớn một đồng đạo của mình mà bỏ đi không một lời sám hối?

– Bạch Ðức Thế Tôn! Ðệ tử của đấng Siêu xuất tam giới khi đã thuần thục trong Thánh đạo thì không còn trạng thái sân hận hoặc thù nghịch nữa, trái lại chỉ có một phẩm tánh hỷ xả vô biên như quả đất. Ðại cầu này có bao giờ phản đối bất cứ vật gì dù dơ hay sạch, dù đẹp hay xấu, dù thuận hay nghịch mà thế gian vất lên mình nó đâu?

Mặt khác, đệ tử của đấng Toàn giác khi đã chứng quả Bất lai (A-la-hán) thì tham dục không còn nữa, dù chỉ vi tế trong một sát-na thời gian hay trong một tế bào vật chất.

Theo chú giải Kinh Shanada thì lúc Ðại đức Sàrìputta thốt ra những lời như vậy, quả địa cầu đã rung chuyển đến chín lần để xác minh sự thật. Và toàn thể đại hội đã giải tán với tấm lòng kinh cảm. Riêng vị Tỳ-kheo vu khống thật vô cùng hối hận. Ông xấu hổ quỳ mọp dưới chân Ðức Thế Tôn để xin nhận tội nói xấu của mình.

Kế đó Ðức Phật liền khuyên:

– Này Sàrìputta! Hãy tha lỗi cho vị Tỳ-kheo ngu dại này đi, kẻo không cái đầu của ông ấy sẽ vỡ làm bảy miếng.

Ðại đức Sàrìputta cung kính đáp lời:

– Bạch Ðức Bổn Sư! Tự nhiên là đệ tử đã tha thứ cho vị Tỳ-kheo này rồi.

Và với hai bàn tay chắp lại, đức Trưởng lão tiếp: “Ngoài ra, đệ tử cũng xin Sư ấy tha lỗi cho đệ tử nếu vì vô tình mà đệ tử làm bất cứ điều gì mích lòng”.

Ðoạn cả hai được Ðức Phật xử hòa.

Chư Tăng vô cùng thán phục. Họ đều nói: “Ðại đức Sàrìputta quả thật là một tấm gương tốt. Ngài đã tỏ ra thân mến đối với vị Tỳ-kheo vu khống kia. Hành động của ngài chính là một hành động đại xá. Lẽ ra ông ta phải tỏ vẻ hạ mình biết lỗi trước ngài mới phải, đằng này ngài lại đưa hai tay với vẻ cung kính xin lỗi ông ta nữa”.

Nghe Tăng chúng bình phẩm, Ðức Phật còn giải thích thêm:

– Này chư Tỳ-kheo! Ðối với ông Sàrìputta thì việc nuôi dưỡng lòng sân hận và oán thù không thể nào có được. Tâm hồn của Sa-môn Sàrìputta giống như quả đất vĩ đại hay vững chắc như trụ thành môn và yên lặng như một hồ nước trong.

Rồi Ngài ngâm kệ:

“Chỉ có quả đất và những cột trụ chống đỡ cửa thành trì mới là những vật không bao giờ biết sân hận. Với một tâm hồn trong sáng như một bể nước yên lặng thì một Sa-môn có giới đức như thế, vòng sanh tử luân hồi sẽ không còn xoay tròn họ nữa”.

Có một câu chuyện khác cũng nói về đức tánh này của Ðại đức Sàrìputta. Ngay trong thời gian Tăng-già mới thành lập, một Tỳ-kheo tên Kolàlika, nhận thấy sự sốt sắng chăm lo tổ chức Giáo hội của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna, sanh lòng ganh tị và hiểu lầm hai vị đại đệ tử này có dụng ý gì đây, rồi đến bạch với Ðức Thế Tôn về “những ham muốn tội lỗi của hai vị ấy”.

Ðức Bổn Sư liền khuyên dạy:

– Này Kolàlika! Ðừng nên nói như vậy. Ông nên có những ý nghĩ thân thiện và tin tưởng nơi Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna thì hơn, vì họ là những người có hạnh kiểm rất tốt và đầy lòng từ bi”.

Nhưng ông Tỳ-kheo lầm lạc không vâng lời Ðức Phật. Ông cứ khăng khăng với sự kết tội sai lầm của mình. Chẳng bao lâu sau, khắp thân thể ông mọc đầy mụn nhọt, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi ông chết vì cái bệnh này.

Chuyện đó được khá nhiều chỗ trong Kinh nhắc đến. Chẳng hạn như trong các Kinh Brahma Samyutta No 10, Kinh Nipàta Mahà Vanga No 10, Kinh Anguttara Nikàya V-170 và Kinh Takkàriya Jàtaka No 481.

Chính sự so sánh về hai câu chuyện vu cáo nói trên đã cho ta biết tầm quan trọng của tính ăn năn tội lỗi. Không phải vấn đề hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna chịu nhận hay không chịu nhận sự sám hối của Tỳ-kheo Kolà-lika, mà chính là đương sự có thấy rõ ác tâm của mình hay không. Những lời sám hối của ông ta nếu có đến các ngài cũng sẽ chẳng làm thay đổi gì thái độ của nhị vị đại đệ tử ấy, vì hai Trưởng lão này lúc nào cũng hỷ xả cho vị Tỳ-kheo tội lỗi nói trên vì hai ngài không muốn cho ông ta phải nhận hậu quả của nghiệp ác.

 

PHẦN THỨ BA

ÐOẠN CHÓT CỦA CUỘC ÐỜI NGÀI TRẢ MÓN NỢ TRẦN CUỐI CÙNG

Bây giờ câu chuyện của chúng ta lại trùng vào lúc Ðức Bổn Sư sắp an nghỉ Niết-bàn (Pari-nibbàna).

Theo Kinh Mahà Parinibbàna, chương 2, thì khi ấy Ðức Thế Tôn đang kiết hạ tại làng Beluva gần thành Vesàli. Khi mùa Hạ chấm dứt, Phật đã rời nơi đó, cũng đi trên con đươøng cũ, trở về Jetavana Vihàra (Kỳ Viên tinh xá).

Phật về tới nơi, đức Trưởng lão Sàrìputta liền đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi lui lại vị trí nhật hành của mình. Nhưng hôm nay, không phải như thường lệ, ngài chợt có tác ý chẳng muốn làm việc gì khác hơn là hành thiền trọn ngày. Ðoạn ngài lấy chiếc tọa cụ bằng da của ngài ra, và phủi chân sạch sẽ ngồi lên bằng tư thế kiết già để nhập sâu vào trong A-la-hán Thánh định.

Ấy là dấu hiệu xác thân tứ đại của ngài đang tiến đến thời kỳ tan rã. Trong khi ngài sắp quyết định giờ an nghỉ vĩnh cửu của mình, ngài bỗng nhớ đến Ðức Phật và muốn biết xem Ðức Thế Tôn sẽ nhập diệt sau hay trước những đại đệ tử? Và ngài quán thấy rằng chính những đại đệ tử sẽ nhập diệt đầu tiên.

Sau đó, ngài bắt đầu quán xét thân thể của ngài và thấy rõ xác thân ô trược ấy chỉ chịu thêm được một tuần lễ nữa.

Rồi ngài tìm hiểu tiếp “Ta sẽ nhập diệt nơi nào đây? Kế ngài quán thấy: Ðức Ràhula sẽ nhập diệt cùng lúc với những vị Thiên Thánh trong từng trời thứ 33, và đức Trưởng lão Kondanõnõa sẽ nhập diệt tại hồ Chaddanta (vùng Hinsàlaya). Sau đó là đến phiên nhập diệt của mình”.

Khi những điều quán thấy như vậy và chấm dứt thì Ngài bỗng nhớ đến mẹ già, và một tác ý hiếu hạnh lại đến. Ngài nghĩ: “Mặc dù bà là mẹ của bảy vị A-la-hán(11 ) nhưng bà không tin tưởng gì đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Không biết hiện tại bà có chút thiện duyên nào hộ trợ để bà có thể đạt đến sư tin kính nơi Tam Bảo ấy hay không?

Rồi ngài dùng Tuệ nhãn xem xét thấy nhất thời bà đang đủ điều kiện để khai thị được Trực giác đạo (Abhisamaya), tức mở đầu cho những bước tiến hướng vào Thánh lưu. Ngài mừng rỡ vội xem xét tiếp thì thấy người có duyên để cứu độ bà lại chính là ngài chứ chẳng phải ai khác.

Vả lại, ngài tự nghĩ: “Mình đã bao phen dắt dẫn cả nhân loại lẫn chư Thiên nương ở Tam Bảo mà chứng được Thánh quả, chẳng lẽ mình không thể tẩy trừ nổi tư kiến sai lầm của chính mẹ mình hay sao?”.

Ðoạn ngài quyết định phải tiếp độ bà để đền đáp ơn sanh dưỡng ra ngài trong kiếp chót. Nhưng hiện tại sức khỏe của ngài quả rất kém, bởi ngài đang chuẩn bị để nhập Niết-bàn. Thời gian còn lại không cho phép ngài trì hưỡn thêm nữa.

Nhất tâm như vậy, ngài lập tức đến xin phép Ðức Bổn Sư để trở về làng cũ Nàlakà.

Ðồng thời ngài cũng đến gặp Ðại đức Cunda, yêu cầu người bào đệ này mời 500 vị Tỳ-kheo trong nhóm của ngài, chuẩn bị y bát để cùng đi Nàlakà. Và Ðại đức Cunda đã làm theo ý muốn ấy.

Do đó, chẳng mấy chốc tinh xá dưới sự hướng dẫn của Ðại đức Sàrìputta bỗng trở nên hoạt động. Chư Tăng thì mạnh ai nấy lo thu gọn chỗ ở, chuẩn bị hành lý. Phần ngài thì ngài dọn dẹp căn phòng của mình thật sạch sẽ, rồi ngài bước ra tận ngoài ngõ đứng nhìn vào nơi ngụ mà nghĩ rằng: “Ðây là cái nhìn cuối cùng của ta, vì ta chẳng bao giờ trở lại chỗ này nữa”. Ðoạn cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo, Ðại đức Sàrìputta đến đảnh lễ Ðức Thế Tôn thêm lần nữa, và ngài nói:

– Bạch Ðức Thế Tôn. Xin Ngài cho phép đệ tử có đôi lời tán dương ân đức một vị Phật, vì thời gian nhập diệt của đệ tử đã đến. Ðệ tử sắp từ bỏ kiếp sống trần tục này.

Rồi ngài tiếp:

– Ôi một đấng Cứu thế! Một Thánh nhơn vĩ đại vô biên. Từ kiếp sống trầm luân, nhờ Ngài mà đệ tử đã được giải thoát. Ðệ tử sẽ không còn đi và về trong cõi tội lỗi nữa. Và đây là lời phụng bái sau cùng đến Ngài.

– Kiếp sống nhục thể của đệ tử đã ngăn lại rồi. Chỉ còn bảy hôm nữa, sau đó Ngũ uẩn này không kéo dài thêm được. Khi thân thể đã nằm xuống, gánh nặng luân hồi của đệ tử cũng không còn nữa.

– Ôi Ðức Bổn Sư! Thật là một hồng ân xin Ngài cho phép đệ tử ca ngợi ân đức của Ngài. Với lần sau cùng sắp nhập Niết-bàn này, đệ tử đã từ bỏ các ràng buộc hiện có để tương lai sẽ bất sanh bất tử.

Bây giờ, chúng ta hãy nhắc lại những lời dạy của Ðức Phật. Nếu Ðức Thế Tôn trả lời là “Như Lai cho phép ông nhập diệt” những kẻ hẹp hòi thù nghịch sẽ nói rằng: “Ngài tán đồng sự chết”. Và nếu Phật trả lời: “Ðừng nhập diệt vội” thì họ sẽ bảo Ngài mong muốn sự tiếp tục kiếp vô thường.

Do đó, Ðức Thế Tôn đã không nói gì theo hai cách trên. Nhưng Ngài lại hỏi:

– Này Sàrìputta! Nơi nào sẽ là chỗ nhập diệt của ông?

– Bạch Ðức Thế Tôn! Trong xứ Magadha, tại làng cũ gọi là Nàlakà, và chính căn phòng mà ngày xưa đệ tử được sanh ra sẽ là nơi nhập diệt của đệ tử.

Rồi Ðức Thế Tôn đề nghị:

– Này Sàrìputta! Hiện ông có đủ thời giờ chăng? Sau lần tiếp xúc này, những huynh đệ của ông trong hàng Tăng lữ sẽ không có dịp để thấy lại một Tỳ-kheo như ông nữa. Vậy ông nên ban bố cho họ một thời pháp cuối cùng đi.

Ðức Trưởng lão bèn thuyết một bài pháp, từ sự trình bày những uy lực mầu nhiệm của ngài cho tới mọi chiều sâu chơn lý tối thượng, rồi trở lại những tầm thường diễn tả các sự thật về cuộc đời. Cứ như vậy mà ngài đưa thính giả lên những pháp tận cùng sâu xa rồi lại cắt nghĩa thấp xuống đến những pháp tầm thường thấp thỏi. Ngài đã giảng giải Bảo pháp hết sức trực tiếp theo một phương pháp ước lệ thực tế. Và khi ngài kết thúc thời pháp, ngài đã quỳ mọp dưới chân Ðức Bổn Sư để tỏ lòng tôn kính. Khi ôm đôi chân chí tôn của Ðức Phật, Ngài đã nói:

– Sở dĩ đệ tử lễ bái những bàn chân này là vì đệ tử đã được đầy đủ sự hoàn toàn của một bậc giác ngộ để được sống trong cái thời gian vĩnh cửu và trong một không gian bất hoại (Kalpas). Nguyện vọng duy nhất của đệ tử đã được thể hiện đầy đủ. Kể từ đây về sau, đệ tử sẽ không còn dịp để tiếp xúc hay gặp gỡ Ðức Thế Tôn nữa. Giờ là phút nghiêm trọng, vì nó là sự thông tri sau cùng giữa các bậc Toàn giác. Cõi Niết-bàn, một cảnh giới không tuổi thọ, không sanh tử, bình thản, tối thượng lạc, chẳng tạo sanh đau khổ và vô cùng ổn định. Nơi đó hàng trăm ngàn chư Phật đã bước chân vào, và rồi đây đệ tử cung sẽ nhập vào cảnh đó.

Sau cùng, đức Trưởng lão khải sám:

– Bạch Ðức Thế Tôn! Từ trước đến giờ nếu đệ tử có hành vi hay lời nói nào làm Ngài không vừa ý, xin Ðức Bổn Sư hãy tha lỗi cho đệ tử vì giờ đây là điểm thời gian mà đệ tử sắp ra đi, không bao giờ trở lại.

Ðức Phật hiền từ trả lời:

– Này Sàrìputta! Không một hành vi hay lời nói nào của ông có thể làm cho Như Lai chẳng vừa ý hay quở trách ông được, bởi ông là một Tỳ-kheo uyên bác, có một sức thông minh vĩ đại, có một trí tuệ tiềm tàng sắc bén, nhanh nhẹn, sáng sủa và quảng đại (12 )

Rồi Phật lại tiếp:

– Này Sàrìputta! Thật là cao thượng khi một đệ tử chân thành khải sám trước Tôn sư. Nhưng thật sự lỗi lầm dù chỉ một tiếng nói hay một hành vi vô ý của ông cũng không có nữa. Với lòng từ bi, Như Lai luôn luôn chúc lành đến ông. Bây giờ thì ông có thể lên đường, và hãy tưởng nhớ đến những gì hợp thời.

Ðến đây chúng ta thấy rằng vào những dịp hiếm có như đã nói. Khi Ðức Bổn Sư tỏ lời khiển trách các đại đệ tử của Ngài: Ðó không phải là Phật bất bình đối với Ðại đức Sàrìputta về bất cứ chuyện gì. Nhưng ấy chính là Ngài muốn vạch rõ cho đệ tử ưu tú của Ngài thêm con đường nhận định bổn phận, hoặc thêm phương pháp quán sát một vấn đề.

Ngay sau khi Ðức Thế Tôn cho phép, và Ðại đức Sàrìputta đã lìa khỏi đôi bàn chân của Ðức Phật theo thể thức tôn kính mà Ngài đã thường làm, thì lúc ấy đại địa cầu đã làm cho nước trong năm châu bốn biển dao động như chứng tỏ rằng: “Mặc dù tôi đã chịu đựng được những dãy núi điệp trùng thắt lên thân thể tôi, như ngọn Meru hùng vĩ, như thành sơn cao ngất Cakkavàla và Himavantu (Hy-mã-lạp-sơn) chẳng hạn tôi cũng không chịu nổi ngày hôm nay, một ngày mà giới đức từ bi vô lượng đã được quy tụ”.

Tiếp theo đó, bỗng có một tiếng sấm đầy uy vũ vang lên trên tất cả các từng trời, và không biết một dãy mây khổng lồ từ đâu hiện ra che áng hầu hết không gian, rồi một trận mưa lịch sử đã đổ ào trên mặt đất.

Ðức Thế Tôn lại nghĩ: “Giờ đây Ta sắp cho phép một vị Chưởng pháp như Sàrìputta khởi hành”. Rồi Ngài rời khỏi chỗ ngồi của mình đến một căn phòng đầy hương thơm và đứng trên một tấm thảm ngọc.

Ðại đức Sàrìputta đi xung quanh căn phòng ấy đến ba lần giữ bên mặt của ngài về hướng Ðức Phật và làm những động tác tôn kính tại bốn nơi khác nhau. Khi ấy, thì một ý nghĩ phát lên trong trí óc ngài: “Một thời gian vô lượng và một không gian bất tận không biết đã trải qua bằng bao trăm ngàn đại kiếp (Kalpas) chính là giờ phút này. Khi ta mọp xuống dưới chân Ðức Phật Anomadassi và phát đại nguyện được gặp vị Thích Ca Như Lai. Nguyện vọng ấy đã được thể hiện và ta đã gặp Ngài. Lần gặp gỡ đầu tiên ta đã được Ngài thọ ký. Giờ đây là lần chiêm ngưỡng sau chót của ta đối với Ngài vì trong tương lai sẽ chẳng bao giờ có nữa”.

Sau cùng, bằng một cử chỉ chắp tay đưa lên cao đầy tôn kính, Ðại đức Sàrìputta đã dời gót khởi hành, mắt nhìn về hướng Ðức Phật với một tư thế bái biệt. Ngài bước đi thụt lùi như vậy cho đến khi nào không còn trông thấy Ðức Thế Tôn nữa. Và do đó, lại một lần nữa đại địa cầu cũng không thể chịu được, đã rung động làm cho nước bốn bể năm châu nổi sóng.

Kế đó, Ðức Phật bèn nhắn nhủ giữa những hàng Tăng chúng: “Này chư Tỳ-kheo! Các ông hãy đi đi! Ði tiễn chân vị Ðại sư huynh của mình”.

Phật vừa nói xong thì cả bốn nhóm Tăng lữ có mặt lập tức nối gót Ðại đức Sàrìputta ra khỏi Kỳ Viên tinh xá, để lại một mình Phật ở đó.

Riêng Ðại đức Ananda là người sẵn sàng đưa tiễn đầu tiên, và là người tỏ vẻ u buồn nhiều nhất. Ngài không ngớt thốt ra những lời thống thiết. (Như đã nói ở hai trang 44-45).

Dân chúng sống trong thành Xá-vệ cũng vậy khi nghe tin này, họ đồng kéo nhau ra khỏi nhà tiễn đưa Ðại đức Sàrìputta như một dòng suối dài bất tuyệt. Họ còn mang cả những vật thơm và tràng hoa để tỏ dấu chịu tang nữa. Cả đoàn dân chúng đi tiễn chân đức Trưởng lão, người nào cũng tỏ vẻ thổn thức và rơi lệ.

Ðại đức Sàrìputta sau đó đã khuyên nhủ đám đông dân chúng rằng:

– Hỡi quý Phật tử! Ðây là con đường mà không ai tránh khỏi. Rồi ngài yêu cầu họ trở về.

Còn đối với chư Tỳ-kheo không cùng đi với Ngài đến Nàlakà, Ngài lại nhắc nhở:

– Xin các vị hãy trở về. Ðiều bần đạo mong muốn nhất là từ nay về sau mong các vị đừng dễ duôi trong việc chăm sóc Ðức Phật.

Cứ như thế, Ngài đã khuyến dụ cả Tăng lẫn tục lần lượt trở lui. Sau cùng, chỉ còn lại nhóm đệ tử riêng của Ngài mới cùng Ngài lên đường theo ý định. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn những Tăng sĩ đang thổn thức, vừa đi vừa kể lể:

– Trước đây, vị Ðại đức của chúng ta dù có đi bao nhiêu chuyến hành trình rồi cũng trở về, nhưng lần này thì chuyến đi lại là lần ra đi không bao giờ trở lại.

Ðức Trưởng lão nghe được liền khuyên họ rằng:

– Này các huynh đệ! Các vị hãy giữ tâm thanh tịnh, vì sự luyến tiếc bất cứ hình thức nào của thế gian cũng đều vô nghĩa mà chỉ tạo thêm cho mình cái khổ.

Dù sức đang yếu nhưng ngài đã phải giảng giải cho họ nghe thật nhiều lần họ mới bình tâm.

Suốt cuộc hành trình, Ðại đức Sàrìputta đều nghỉ lại một đêm ở bất cứ nơi nào có người nghinh đón. Và như vậy trong một tuần lễ, ngài đã ban rải ân huệ giải thoát cho khá nhiều kẻ hữu duyên trong chuyến gặp gỡ sau cùng này.

Khi đến Nàlakà vào một buổi chiều, ngài bèn dừng chân gần một cây đa ở cổng làng. Thình lình lúc ấy có người cháu trai của ngài nhân việc đi ra ngoài nhìn thấy. Người ấy vội đến đảnh lễ đức Trưởng lão. Xong ngài bèn hỏi:

– Thân mẫu của bần Tăng có ở nhà không?

Người ấy trả lời: “Bạch ngài có ạ!”.

Ðức Trưởng lão liền nói: “Vậy phiền ông đi thông báo giùm cho bà biết là bần Tăng sắp về và nếu bà có hỏi chi tiết thì hãy bảo với bà rằng bần Tăng sẽ ở lại trong làng này chỉ một ngày mà thôi! Xin bà cứ sửa soạn căn phòng mà trước đây bần Tăng đã chào đời, và sắp xếp chỗ ở cho năm trăm vị Tỳ-kheo khác nữa nhé”.

Ông Uparevàta, tên người cháu của Ðại đức Sàrìputta, sốt sắng đến gặp mẹ ngài và báo rằng:

– Thưa bà! Ngài Sàrìputta đã về.

Nghe xong bà liền hỏi: “Hiện giờ ông ấy ở đâu?”.

– Thưa bà! Ngài đang ở tại cổng làng.

– Ông ta đi một mình hay có ai nữa không?

– Thưa bà, ngài về với năm trăm vị Tỳ-kheo.

Khi bà hỏi “Tại sao ông ta về” thì người cháu bèn thuật lại những lời nói của đức Trưởng lão. Bà liền nghĩ “Tại sao ông ta yêu cầu mình cung cấp chỗ ngụ cho rất nhiều người như thế? Phí bỏ thời gian còn trẻ để làm một Sa-môn, bộ khi về già ông ta muốn trở về làm cư sĩ hay sao?”.

Nhưng rồi bà cũng sắp đặt chỗ ngụ đầy đủ như vậy cho đức Trưởng lão và những vị Tỳ-kheo kia. Bà còn đốt nhiều cây đuốc và trao lại cho người cháu đem đến đức Trưởng lão và chư Tăng để soi đường đi về nhà.

Chẳng mấy chốc, Ðại đức Sàrìputta cùng với chư Tỳ-kheo đã vào đến sân nhà bà và ngài tự ý bước thẳng vào căn phòng cũ của mình. Sau đó, ngài nhân danh mẹ ngài mời tất cả chư Tỳ-kheo đến những chỗ dành riêng cho họ để nghỉ ngơi.

Ðại đức Sàrìputta khi ấy chợt cảm thấy một sự đau đớn lan tràn cả thân xác, ngài vội vã lên nằm trên chiếc giường của mình và nhập ngay vào đại định. Những Tỳ-kheo có bổn phận hầu hạ ngài liền túc trực quan sát. Họ thấy da mặt ngài lúc đỏ lúc xanh, nhưng đức Trưởng lão vẫn nằm im thiêm thiếp, phong thái vẫn bình an. Kế đến từ hạ thân của ngài thải ra một chất nước. Thì ra ngài đang bị bệnh đi tả hoành hành. Những học trò của ngài phải thay phiên nhau tẩy uế. Cứ một chiếc thùng đưa ra thì một thùng khác trao vào.

Người đàn bà Bà-la-môn thoạt đầu có vẻ đố kỵ những vị Tỳ-kheo kia, nhưng khi thấy họ chăm sóc con bà một cách tận tình và kính trọng thì đâm ra có hảo cảm. Rồi càng theo dõi bệnh tình của Ðại đức Sàrìputta bà càng lo sợ. Lúc bấy giờ, chính bà lại nhận thấy sự có mặt của năm trăm vị Tỳ-kheo kia quả là một điều cần thiết cho bà.

Trong Kinh còn thuật lại rằng: Lúc đó có một chuyện lạ xảy ra: Bốn vị Thiên vương cùng hỏi lẫn nhau “Hiện tại không biết vị Ðại A-la-hán, bậc thông hiểu vạn pháp kia đang trú ngụ nơi đâu?”. Cả bốn vị Phạm thiên ấy đã lập tức thấy rõ ngài đang ở tại Nàlakà, trong căn phòng ngài được sanh ra trước đây. Ngài lại đang nằm trên giường bệnh và sắp nhập Niết-bàn.

Liền đó, họ cùng bảo nhau giáng trần để chiêm bái ngài lần chót. Khi bốn vị Thiên vương đã đến phòng bệnh của Ðại đức Sàrìputta, họ tự động dùng thiên lực làm cho cơn đau của đức Trưởng lão giảm xuống, rồi thỉnh ngài xả thiền để xin lời chỉ dạy.

Ðức Trưởng lão hỏi: – Các ông là ai?

– Bạch ngài! Chúng tôi là Tứ Ðại Thiên Vương.

– Tại sao các ông đến đây?

– Chúng tôi muốn hầu ngài trong thời gian bệnh hoạn.

Nghe thế Ðại đức Sàrìputta bèn nói:

– Xin để mặc bần đạo. Vì bần đạo đã có học trò chăm sóc ở đây rồi, các vị có thể đi đi.

Khi Tứ Ðại Thiên Vương rời khỏi thì có vị vua Trời khác tên Sakka, cũng trong một vẻ tôn kính như thế, lại hiện đến thăm ngài. Tiếp theo là những vị Ðại Phạm Thiên cũng đến vấn an, nhưng tất cả đều được đức Trưởng lão bảo trở về như trước.

Người đàn bà Bà-la-môn, mẹ ngài, khi thấy những vị chư Thiên đến rồi đi như thế, bèn tự hỏi: “Họ là ai vậy kìa? – Ai mà đến tôn kính con ta như thế rồi lại đi?”. Bà tới tận cửa phòng của đức Trưởng lão để hỏi thăm Ðại đức Cunda về bệnh trạng của ngài. Ðại đức Cunda vốn thấu rõ ý muốn của Ðại đức Sàrìputta từ trước nên bước vào trong bạch với ngài rằng:

– Bạch đức Trưởng lão. Vị đại Tín nữ đã đến.

Ðại đức Sàrìputta liền mời bà vô và hỏi:

– Vì sao thân mẫu lại đến đây vào giờ bất thường này?

Bà trả lời:

– Này con! Thân mẫu đến để thăm con. Con hãy nói cho thân mẫu biết những người vừa rồi đến thăm con đầu tiên là ai vậy?

– Thưa thân mẫu! Ðó là bốn vị Ðại Thiên Vương.

Nghe thế bà liền hỏi:

– Như thế thì ông còn cao quý hơn những người đó nữa ư?

Ðức Trưởng lão đáp:

– Họ chỉ là những bậc hộ trì Phật pháp. Khi Ðức Bổn Sư đản sanh họ chính là những kẻ đến hầu hạ đầu tiên. Trong giáo lý giải thoát, họ ví như những cận vệ quân luôn luôn có uy quyền trong tay để bảo vệ một vị Phật Tổ.

– Sau khi họ đi rồi thì vị đến kế tiếp là ai thế?

– Thưa thân mẫu. Ðó là vua trời Sakka.

– Này ông con yêu quý! Ðối với đức vua Trời kia, ông có cao thượng hơn không?

Ðại đức Sàrìputta trả lời:

– Thưa thân mẫu! Ông chỉ như vị Sa-di là người theo hầu hạ và mang vác những vật dụng của một Tỳ-kheo. Khi Ðức Bổn Sư từ trên cõi trời thứ ba mươi ba (Tàvatimsa, Ðao-lợi) trở về vị trời Sakka đã mang bát và y phục của Ngài để tiễn Ngài từ Thiên giới đến cõi trần với một lòng tôn kính.

Bà lại hỏi tiếp:

– Và khi vị trời Sakka đi rồi, những vị đến sau đã dùng hào quang làm sáng cả căn phòng này là ai vậy?

– Thưa Tín nữ thân mẫu. Ðó là các vị Giáo chủ, những Ðại Phạm Thiên, những Thiên sư của chính thân mẫu đấy.

– Vậy thì ông là người cao cả nhất. Này ông con quý mến của mẹ, ông còn cao quý hơn những Ðại Phạm Thiên mà xưa nay thân mẫu hằng ngưỡng mộ ư?

– Vâng, thưa thân mẫu. Vào ngày Ðức Bổn Sư ra đời, thân mẫu nào biết rằng chính bốn vị Ðại Phạm Thiên ấy đã đón rước Ngài trong một vuông lụa đầy hào quang vàng chói.

Khi nghe vậy, mẹ Ngài bèn nghĩ: “Nếu oai lực của người con trai mình như thế thì oai lực vô biên của đấng Bổn Sư ông còn to lớn biết dường nào?”.

Trong khi bà đang phân xét như vậy, bất chợt một sự kính ngưỡng nơi Tam Bảo bỗng phát sanh và phỉ lạc tràn ngập cả tâm tư bà.

Ðức Trưởng lão quán thấy biết rằng sự thỏa thích và niềm tin đã bừng lên trong tâm hồn người mẹ rồi, đây chính là lúc mà ngài phải thuyết pháp để báo ơn sanh thành dưỡng dục. Ngài hiền hòa hỏi:

– Này thân mẫu tín nữ. Thân mẫu đang suy nghĩ gì vậy?

Bà trả lời:

– Thân mẫu đang suy nghĩ: “Nếu con trai của mình mà có phước hạnh như thế thì ân đức của Phật Thích Ca Cồ Ðàm còn to lớn biết là dường nào?”.

Ðại đức Sàrìputta liền tiếp lời:

– Ngay giây phút Ðức Bổn Sư ra đời, ngay giờ khắc Ngài chứng được quả giải thoát vĩ đại và sau khi đạt đến sự Toàn giác rồi, Ngài bắt đầu Chuyển pháp luân. Trong ba lần này có hàng vạn hiện tượng cõi đời phải rung chuyển và chấn động. Không có một đấng nào có phước đức ngang hàng với Ðức Phật. Không có một đấng nào có sự an trụ, có trí tuệ, có hạnh giải thoát, có một độ thuần thục và một sức nhận thức pháp giải thoát cao hơn Phật.

Tiếp theo, Ðại đức Sàrìputta liền cắt nghĩa cho bà một cách chi tiết những lời tán dương vừa rồi. Chẳng hạn như ngài nói:

– Thực ra, chỉ có Ðức Thế Tôn mới là đấng Ðại phúc hơn hết. Vì Ngài đã tròn đủ mười ân đức như: Ứng Cúng (Araham), Chánh Biến Tri (Sam màsambuddho), Minh Hạnh Túc (Vijjà-caranasam panno), Thiện Thệ (Sugato), Thế Gian Giải (Lokavidu), Vô Thượng Sĩ (Anuttaro), Ðiều Ngự Trượng Phu (Purisadammasàrathi), Thiên Nhơn Sư (Satthàdeva-manussànam), Phật (Buddha), Thế Tôn (Bhagavà)

Cứ như thế Ngài đã lần lượt làm cho bà thấu hiểu hết ân đức Phật đến ân đức Pháp, hết ân đức Pháp đến ân đức Tăng.

Khi người con cao thượng của bà sắp chấm dứt bài pháp, cụ bà Bà-la-môn tín nữ kia liền đắc quả Nhập lưu (Tu-đà-hoàn) một cách không dư sót. Và bà nói:

– Này người con đáng kính của mẹ! Này ngài Upatissa, tại sao trước đây ông không làm như thế để dắt dẫn mẹ? Tại sao trong suốt những năm qua ông không ban bố cho mẹ một sự hiểu biết bất tử này?

Ðức Trưởng lão bèn nghĩ: “Giờ thì ta đã đền đáp xong công ơn sanh thành của người mẹ ta rồi, người thiếu phụ Bà-la-môn mà trước đây dân làng ai cũng tôn kính và đều gọi là Rùpa Sàri. Chính nhờ bà, ta đã nên người. Pháp bảo mà ta vừa giảng cho bà thế là đủ”.

Ðoạn ngài yêu cầu bà để ngài nằm yên trong chốc lát.

Khi bà đã rút lui, ngài bèn hỏi Ðại đức Cunda:

– Này Pháp đệ! Không biết bây giờ là canh mấy rồi nhỉ?

– Bạch ngài! Trời chỉ mới vừa rạng đông.

Ðức Trưởng lão liền yêu cầu:

– Xin Pháp đệ hãy bảo chư Tỳ-kheo tập hợp lại.

Và lúc chư Tỳ-kheo tề tựu đông đủ, ngài bèn nói với Ðại đức Cunda rằng:

– Hãy khiêng tôi đem đặt vào phòng khách.

Ðại đức Cunda liền vâng lời và làm theo ý muốn của ngài.

An vị xong, đức Trưởng lão bèn tuyên bố với chư Tỳ-kheo:

– Này các huynh đệ. Trong bốn mươi bốn năm, bần đạo đã cùng sống và du hành truyền đạo với các vị, nếu bần đạo có một hành vi hay lời nói nào không vừa lòng, xin chư huynh đệ bỏ lỗi cho tôi nhé.

Tất cả đồng trả lời: – “Bạch ngài, dù một sự mích lòng nhỏ nhất đi nữa cũng chẳng bao giờ phát sanh giữa ngài với chúng tôi, ai đã noi gương ngài, theo chân ngài dù ngài khuất bóng đi nữa, họ cũng còn ghi khắc hình ảnh của ngài trong tâm khảm và như vậy bạch ngài: Nếu trước đây chúng tôi có lỗi lầm gì xin ngài từ bi tha thứ!”.

Nói xong, đức Trưởng lão liền góp nhặt những y phục xung quanh ngài, rồi tự mình phủ lên mặt, nằm xuống nghiêng mình về phía phải. Sau đó, ngay khi Ðức Bổn Sư đang sắp sửa nhập vào Vô dư Niết-bàn (Maha parinibbana) thì ngài bèn nhập vào trong cửu phẩm đại định theo cách tiến và thoái rồi nhiếp lại từ Sơ thiền trở lên cho tới Ðệ Tứ đại định. Ngay giây phút ngài đạt đến mức định ấy, thì vừng thái dương cũng vừa ló dạng ở chân trời và ngài đã hoàn toàn nhập diệt vào Niết-bàn vĩnh cửu nơi không còn dư sót bất cứ một sự dính mắc đau khổ nào.

Hôm ấy, là ngày trăng tròn tháng Kattika theo dương lịch là ngày 15 tháng 10.

Cụ bà Bà-la-môn khi chưa hay ngài đã nhập diệt suy nghĩ rằng: Không biết bệnh tình của ông con ta ra làm sao? Bà ngồi dậy đi vào trong phòng của đức Trưởng lão đặt tay lên hai chân của ngài. Lúc đó bà mới biết rằng ngài đã nhập diệt. Bà liền quỳ xuống dưới chân ngài than khóc: “Ôi người con trai yêu quý của mẹ! Trước đây mẹ đã không biết được phúc đức vô lượng của người. Vì thế mẹ không tạo được của cải bất diệt trong nhà này, và mẹ đã không biết nuôi nấng, giúp đỡ đến hàng trăm vị Sa-môn chơn chánh như giờ đây. Mẹ không tập được hạnh quý không xây cất được tinh xá”.

Bà cứ than thở như vậy cho đến khi mặt trời mọc. Lúc vầng thái dương vừa soi rõ cả không gian, bà mới cho mời những thợ chạm danh tiếng và ra lệnh mở kho của báu để lấy ra những khối vàng nặng nhất hầu chi dụng, và chế tạo đồ trần thiết trong tang lễ.

Sau đó là những cột phướn và những cửa tam quan được dựng lên ở trung tâm ngôi làng. Nơi ấy, vị tín nữ đã cho cất một ngôi nhà tế toàn bằng các loại gỗ quý. Ở xung quanh ngôi nhà tế, bà cho kiến tạo một số tiểu đình giao thông nhau bằng những hành lang rộng rãi, có mái che, và hai bên có những bao lơn bắt dính vào nhiều cây cột khảm vàng thật đẹp.

Ðoạn cuộc tế lễ bắt đầu. Người tham dự chẳng những rất đông họ hàng dân chúng mà còn có cả các hàng chư Thiên lẫn lộn. Khi số người vĩ đại ấy đã lễ bái theo nghi thức đủ một tuần lễ, họ bèn dựng lên một lò thiêu cao trọng bằng tất cả các loại trầm có mùi thơm quý nhất. Nhục thể của Ðại đức Sàrìputta được đặt lên giàn thiêu ấy và châm lửa đốt bằng những bó mồi do những rễ cây Usiva làm ra. Suốt đêm hỏa thiêu ấy, tất cả mọi người tham dự đều được nghe chư Tăng thay phiên nhau thuyết pháp. Ðức Trưởng lão Anuruddha cũng có mặt trong đêm lễ hỏa thiêu này. Ngài chính là người đã đích thân dùng nước hoa dập tắt ngọn lửa sau cùng. Ðại đức Cunda bèn góp nhặt những di hài còn lại và đặt vào trong một vuông vải lọc.

Trong khi làm như vậy, Ðại đức Cunda lại nghĩ “Ta không nên lưu lại tại đây lâu vì lúc này là thời gian Ðức Bổn Sư cũng chuẩn bị nhập diệt. Ta phải đi báo cáo cho đấng Toàn giác biết sự nhập diệt của Ðại sư huynh ta, vị đệ tử mà Ngài gọi cái tên Sàrìputta như một người thông hiểu vạn pháp”.

Liền đó, ngài lấy vuông vải lọc chứa đầy di hài Thánh thể, đồng thời với những di vật bình bát và y phục của Ðại đức Sàrìputta, rồi đến thành Sàvatth (Xá-vệ). Trên đường đi, chỉ có ban đêm là Ðại đức mới dừng chân tạm nghỉ.

Trên đây là những mẫu chuyện đã được ghi lại trong chú giải Kinh Cunda, thuộc Sati-patthàna Samyutta. Kinh này còn được bổ khuyết do những song kệ trong chú giải bộ Mahà Parinibbàna Sutta. Sự tự thuật còn giữ lại trong Kinh Cunda được trích dịch như sau:

KINH CUNDA

(SATIPATTHANA SAMYUTTA 23)

Có một lần Ðức Thế Tôn nguï tại Kỳ Viên tinh xá của ông Trưởng giả Cấp-cô-độc (Anàtha-pindika) trong thành Xá-vệ (Sàvath).

Khi ấy, Ðại đức Sàrìputta lại ngụ trong làng Nàlaka, xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) và đang bị bệnh hoạn dày vò thân thể trầm trọng. Vị sư đệ tên Cunda là người đã hầu cận ngài.

Sau khi Ðại đức Sàrìputta tịch diệt, ông Cunda vội nhặt tất cả những di vật như bình bát, y phục của Ðại đức Sàrìputta đem đến thành Sàvatthì, vào tận trong rừng Jeta công viên của ông bá hộ Cấp-cô-độc. Khi đến nơi, ông đi thẳng đến Ðại đức Ananda để thông báo trước tiên, và lúc chào kính xong, ông ta bèn bạch với Ðại đức Ananda rằng:

– Bạch Ðại đức! Trưởng lão Sàrìputta đã nhập diệt rồi, và đây là bình bát và y phục của ngài để lại.

Ðại đức Ananda liền buồn bã đề nghị:

– Này đạo hữu Cunda! Về việc này chúng ta nên đến yết kiến Ðức Thế Tôn. Biết đâu khi hầu Ngài, chúng ta sẽ chẳng được nghe Ðức Phật dạy dỗ nhiều điều hữu ích?

Ðại đức Cunda lập tức tán đồng: “Vâng, bạch ngài!”.

Sau đó, họ cùng đến ra mắt Ðức Thế Tôn. Khi đã đảnh lễ Ðức Bổn Sư xong, họ ngồi sang một bên và Ðại đức Ananda liền bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Bạch Ðức Bổn Sư! Ðạo hữu Cunda thuật với đệ tử là Trưởng lão Sàrìputta đã nhập diệt và đây chính là bình bát và y phục của ngài.

Rồi Ðại đức Ananda buồn bã tiếp:

– Ôi Ðức Thế Tôn! Khi đệ tử nghe tin Ðại đức Sàrìputta đã nhập diệt, thân thể đệ tử trở nên bàng hoàng yếu ớt. Mọi vật chung quanh trở nên mờ hẳn đi, và đối với đệ tử chúng không còn là những vật hữu dụng nữa.

Ðức Phật dạy: “Này Ananda! Sao lại như vậy? Khi Sàrìputta nhập diệt, ông ấy đã lấy đi của ông phần phước đức hay phần an trụ nào không? Ông ấy đã chia của ông phần trí tuệ hay phần giải thoát nào không?

– Bạch Ðức Thế Tôn, không phải như thế. Khi Ðại đức Sàrìputta nhập diệt, ngài không lấy của đệ tử một phần phước đức, an trụ trí tuệ hoặc pháp giải thoát nào cả. Ngài cũng không lấy của đệ tử một phần hiểu biết và nhận rõ con đường giải thoát nữa. Nhưng bạch Phật! Ðại đức Sàrìputta là một vị cố vấn trí tuệ hoàn toàn của đệ tử. Ðại đức đã giảng giải Pháp bảo một cách trọn vẹn, chính ngài là đấng dẫn dắt các hàng Tỳ-kheo lên Thánh đạo. Chúng đệ tử cũng còn nhớ rõ sự huấn pháp của Ðại đức nó linh hoạt, hữu lạc và thực dụng làm sao.

– Này Ananda! Trước đây Như Lai chẳng dạy cho ông rồi hay sao? Tất cả bản chất của mọi vật gần gũi và yêu mến đối với ta, trước sau gì cũng phải chịu một sự chia lìa, và do đó đệ tử của Như Lai phải quán tâm về pháp ấy chứ? Những hình thức nào được sanh ra, được lớn lên, được đoàn tụ, hẳn đều là nguyên nhân của sự tan rã, sự bại hoại. Những trạng thái đó đến với ta không có báo trước như thế nào thì cũng sẽ bỏ đi, không cần ta như thế ấy!

– Thực ra, ta muốn bám víu cũng không bao giờ được. Này Ananda! Ví như một cành cây đến lúc không chịu nổi sức nặng của nó, tự nó phải gãy đổ, dù cho thân cây có cứng rắn đến đâu. Sàrìputta cũng vậy, ông sẽ nhập diệt, tức là ông đã rời khỏi cộng đồng Tăng lữ dù cho cộng đồng ấy có vĩ đại, có mạnh mẽ đến đâu. Này Ananda! Như Lai xin lập lại cho ông ghi nhớ rằng: Mọi pháp hành thực tiễn hay không thực tiễn, mọi hình thức vi tế hay thể khối sanh có mặt trên cõi đời này, tập hợp, phát triển rồi thì phải tiêu hoại. Chúng đã đến như thế nào thì sẽ đi như thế đó. Ðây chính là pháp vô thường vậy!

– Này Ananda! Do đó ông hãy tạo cho mình một hòn đảo rắn chắc để khỏi chìm đắm trong bể khổ. Ông nên từ bỏ những trạng vật vô thường. Ngay cả thể xác của ông, ông cũng nên cảnh giác để diệt trừ những pháp dễ duôi trên con đường xây đời vĩnh cửu. Phật giáo sẽ là hòn đảo rắn chắc, sẽ là động lực thoát khỏi sự vô thường, sẽ là bước chân liên tục để đưa ông vào cảnh giới bất tử.

Chú giải còn ghi rõ một đoạn thuật sự như thế này:

Khi ấy, Ðức Bổn Sư đưa thẳng cánh tay của Ngài để nhận lấy vuông vải lọc chứa di hài của Ðại đức Sàrìputta do Tỳ-kheo Cunda đặt vào tận bàn tay của Ngài và nói:

– Này chư Tỳ-kheo! Ðây là những di vật có màu sắc ngọc trai của một Tỳ-kheo mà trước đây không lâu đã xin phép Như Lai để nhập diệt. Ông là người đã tu tập để hoàn toàn trong một thời gian vô lượng và trải qua hằng trăm ngàn đời kiếp. Công đức ấy đã tạo ông thành một bậc Sa-môn vô cùng xứng đáng. Ông là người đã đạt được quả vị gần nhất của Như Lai. Và chỉ có ông mới được như thế. Trừ Như Lai ra không ai có thể bì kịp trí tuệ của ông, vì trí tuệ ấy đã được tạo ra do công trình hàng vạn kiếp. Sự vĩ đại của trí tuệ ông có thể ví như ánh sáng mặt trời, lúc nào cũng nhanh chóng tinh anh và tiềm tàng vô cùng tận. Vị Tỳ-kheo ấy bao giờ cũng tri túc, không ham thích dù chỉ là sự ham thích của những bậc Thánh nhơn, không ưa tạo hợp, đầy nghị lực và là người dẫn dắt khả kính của nhiều bạn đồng đạo, bởi luôn luôn biết tẩy trừ những điều tội lỗi của kẻ khác. Ông là người đã đi vào trong cuộc sống không gia đình, chối bỏ những của cải ham chuộng của thế gian mà ông có thể hưởng được như một người thừa tự. Gia tài bá hộ của cha mẹ ông không phải chỉ to lớn gần đây, mà thực sự đã giàu có qua hằng năm trăm đời. Ông chính là một Sa-môn đích thực và trong vô lượng kiếp qua ông đã thực hành pháp Ba-la-mật của Như Lai. Ông đã song hành và kiên nhẫn như quả đất. Với ông, tất cả đều vô hại, nhưng với ác pháp ông ví như một con vật chúa đoàn có đôi sừng bén nhọn, sẵn sàng ngăn chận những kẻ xấu có thể gây nguy hại cho đồng loại của mình. Ôi cao quý thay! Một Tỳ-kheo trong Phật giáo bao giờ cũng có một tư tưởng khiêm nhượng, người con trai cứu thế chính là ông vậy.

– Này chư Tỳ-kheo! Các ông hãy xem đây! Di hài của Ðại đức Sàrìputta, một vị Thánh Tăng đầy trí tuệ, đầy quảng đại, trong sáng, linh hoạt, sắc bén và tiềm tàng. Sự tri túc, ít ham muốn của ông với đức tánh thích ẩn dật, không ưa động hợp và đầy nghị lực đã làm cho ông trở nên một vị cố vấn lỗi lạc đối với những đồng đạo, khi họ còn tiến bước trên con đường giải thoát.

Tiếp theo, Ðức Phật còn đọc những câu kệ sau đây để ca ngợi vị đệ tử vĩ đại của Ngài:

– Trong một trăm ngàn kiếp sống qua, người đã năm lần thoát ly xiềng xích gia đình đem thân hành đạo thiện. Người luôn luôn giữ tâm mát mẻ đối với những kẻ xung quanh, tình thương bao giờ cũng tỏa rộng. Căn thức được kềm chế rồi thì linh hồn trở nên cao thượng và ngày nay cũng như mãi mãi về sau này đều được mọi người tôn kính. Dù ông Sàrìputta đã nhập diệt, tấm gương sáng chói biểu lộ sức mạnh kiên nhẫn của ông, người sau chỉ còn biết ví như quả đất. Trong trí tuệ của ông chỉ có một con đường duy nhất, con đường phát tiết lòng từ bi, thiện cảm và mát mẻ một cách êm ả. Quả địa cầu này đã bền vững song song với ông giờ đây vẫn còn nâng đỡ con người đáng tôn kính ấy. Chư Tỳ-kheo! Hãy hướng về con đường Sàrìputta mà đi, mặc dù giờ đây ông đã nhập diệt.

– Người ấy thuở thiếu thời đã xa hẳn gia đình chỉ biết giữ trong tâm hồn mình một sự ôn hòa khiêm nhượng, tìm kiếm một thành trì kiên cố và bình thản bước mãi trên một lộ trình duy nhất. Sống cuộc đời khất sĩ, từ nơi này đến nơi khác, không màng danh lợi, không phải để cái tên Sàrìputta được người sau tôn thờ, mà là để soi sáng đồng loại đang vướng mắc trong vòng đau khổ. Nếu có ai mà suốt đời dù sống giữa đô thị náo nhiệt hay trong rừng sâu thăm thẳm cũng chẳng làm phương hại đến một chúng sanh thì người đó chính là Sàrìputta. Chư Phật đã ví ông như một con vật chúa đoàn uy vũ, suốt đời chỉ biết thương hàng đồng loại. Người đã thắng tất cả, hoàn toàn làm chủ lấy mình dù đã tịch diệt, người sau có tôn thờ đến đâu cũng không xứng đáng được.

Sau khi Ðức Thế Tôn đã ca ngợi hạnh phúc vô lượng của Ðại đức Sàrìputta như thế, Ngài bèn cho xây một Bảo tháp để tôn thờ di hài ấy.

Tiếp đó, Phật ngỏ ý với Ðại đức Ananda. Ngài muốn đi đến thành Ràjagaha (Vương Xá).

Ðại đức Ananda bèn thông báo cho chư Tỳ-kheo hay để chuẩn bị hành trình với Ðức Thế Tôn. Khi Ðức Phật vừa đến nơi thì Mahà Mog-gallàna Trưởng lão cũng đã nhập diệt.

Ðức Phật, một lần nữa, lại nhận những di hài như trước và dạy các hàng Phật tử lập Bảo tháp phụng thờ. Xong xuôi Ngài khởi hành từ thành Ràjagaha, qua nhiều đoạn đường, đi về hướng sông Ganga để đến xứ Ukkacela. Nơi đó Phật dẫn chư Tỳ-kheo đến bờ sông Ganga để thuyết một bài pháp nói về sự an nghỉ Niết-bàn của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna mà chư Thánh Tăng sau này gọi là Ukkacela Sutta.

*

KINH UKKACELA

Sau khi hai Trưởng lão Sàrìputta và Mahà Moggallàna nhập diệt chẳng bao lâu thì có một lần khi Ðức Thế Tôn đang ngụ tại xứ Vajji, trong vùng Ukkacela, gần bờ sông Ganga (Hằng Hà). Nhân vào lúc Ðức Phật vừa an tọa ngoài trời và có chư Tỳ-kheo ngồi xung quanh, Ðức Thế Tôn bèn bảo các đệ tử im lặng rồi thuyết rằng:

– Này các vị Tỳ-kheo! Sự hội họp này ngày hôm nay dường như có vẻ trống rỗng, vì hiện tại Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã nhập diệt rồi. Không phải Như Lai cho đó là một sự trống rỗng thường tình vì dù sao cũng có chư Tăng hội họp nơi đây. Cũng chẳng phải Như Lai đang thương tiếc Sàrìputta và Mahà Moggallàna, hay nghĩ đến những nơi nào mà hai đại đệ tử ấy đã ngụ mà Như Lai cảm thấy trống rỗng bởi lòng từ mẫn đối với chư vị đó. Hiện tại xác thân Như Lai cũng yếu chẳng bao lâu sẽ nhập Niết-bàn. Như Lai làm sao đủ sức khỏe để dắt dẫn toàn thể Tăng chúng đoạt được mục đích mong muốn? Phải chi Sàrìputta và Mahà Moggallàna còn hiện tiền thì con đường tiến tới giải thoát của chư đệ tử có thể đảm bảo hơn.

Trong quá khứ, những bậc Ðộc-giác, những bậc Toàn giác và những đấng Thế Tôn cũng đều có những cặp đệ tử ưu tú như Như Lai đã có Sàrìputta và Mahà Moggallàna vậy. Trong tương lai chư Phật cũng sẽ có như thế, như hiện tại Như Lai đã có hai vị đệ tử ưu tú vừa nhập diệt. Ðó là những công đức vô lượng, những nhân vật tuyệt diệu nhất. Này chư Tỳ-kheo! Các ông nên tưởng nhớ đến những đại đệ tử Phật như thế, vì họ đã song hành và hòa hợp trong Ba-la-mật pháp của vị Bổn Sư. Họ có thể thay thế Ðức Thế Tôn để giáo huấn các hàng đệ tử một cách đúng đắn. Ðối với toàn thể tứ chúng họ rất yêu mến và cũng được kính mến tin tưởng trở lại bởi mọi người. Này chư Tỳ-kheo, họ là hiện thân của những phúc đức kỳ lạ, là hội tụ của những tâm trí cao thượng nhất. Các ông hãy niệm tưởng đến các bậc hoàn toàn như thế. Và khi một đôi đại đệ tử thuộc hạng này đã nhập diệt, đối với một đấng Toàn giác, không có vấn đề âu sầu than tiếc.

– Những hình thức nào được sanh ra, trưởng thành bởi cấu hợp chỉ là những sự biểu thị cho giai đoạn tan vỡ. Nó đã bắt đầu như thế nào thì nó cũng sẽ kết thúc như thế ấy, đây là một định luật không ai có khả năng biến đổi được.

– Này chư Tỳ-kheo! Do đó các ông hãy tự tạo cho mình một hòn đảo, để tránh làn sóng sanh tử luân hồi. Hãy tập từ bỏ cái bản ngã vô thực của mình đi, tẩy trừ sự dễ duôi, phải đem giáo lý giải thoát mà xây dựng cho đời mình.

Chúng tôi muốn kết thúc CUỘC ÐỜI CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA (hay Xá-lợi-phất)... bằng những lời dạy trên đây của Ðức Phật. Những giáo huấn này vẫn còn âm vang mãi cho đến ngày nay.

Ðại đức Sàrìputta không phải chỉ được chính Ðức Phật khen ngợi, không phải chỉ được toàn thể Thánh Tăng thời Phật còn tại tiền tán dương, mà ngày nay Ngài cũng vẫn được tất cả Phật tử trên năm châu bốn biển tôn kính, xem Ngài như là một đại bác học trong kho tàng Phật giáo.

Ðại đức Sàrìputta tịch vào ngày trăng tròn tháng Kattilà, tức nhằm ngày Rằm tháng Mười dương lịch. Còn Ðại đức Mahà Moggallàna nhập diệt sau đó nửa tháng, vào một ngày Uposattha có trăng non. (Theo chú giải Kinh Ukkacela). Rồi nửa năm sau thì đến ngày nhập Niết-bàn của Ðức Thế Tôn, theo thông lệ chư Phật quá khứ.

Nếu kể luôn sự nhập Niết-bàn của Ðức Phật, thì đây là một chuỗi tịch diệt vô cùng lịch sử của ba nhân vật vĩ đại nhất thế gian.

Khoảng cách từ Ðại đức Sàrìputta viên tịch đến khi Ðức Thế Tôn nhập Niết-bàn chỉ có sáu tháng. Trong vòng nửa năm trời đó, chư Thiên và nhân loại đã trải qua một thời gian đầy quả phúc lẫn mất mát:

Ðầy quả phúc vì trước khi nhắm mắt, các Ngài dù Thanh-văn giác hay Toàn giác, đã đem tất cả ân đức của mình ban bố hết cho thế gian, bởi các Ngài không bao giờ mang quả phúc vào trong cõi Vô sanh Bất diệt.

Mất mát vì nhân loại khi đã vắng bóng các Ngài rồi thì muôn ngàn kiếp sống luân hồi về sau mỗi ngày một tiến sâu vào cảnh hỗn mang đen tối.

Một điều đáng cho chúng ta lấy làm thắc mắc là tại sao các Ngài không nhập diệt bằng một lịch trình xa hơn, nghĩa là cách nhau đôi ba năm nay càng lâu càng tốt, để cho chúng sanh mê muội được nhờ. Ðàng này các Ngài đã lần lượt ra đi chỉ trong vòng sáu tháng?

Sự giải đáp chỉ có thể tìm thấy trong Kinh Milanda Panõhà (Mi Lan Ðà Vấn Ðạo): Theo đó, đức Na-tiên Tỳ-kheo đã giảng giải cho vua Mi-lan-đà nghe rằng:

– Tâu đại vương! Trong nhiều trăm ngàn kiếp qua, đức Trưởng lão Sàrìputta đã từng làm thân phụ của vị Bồ-tát. Có khi là ông nội, có khi làm chú bác, anh em, con cháu, hoặc bạn bè của chính Bồ-tát tiền thân Phật Thích Ca.

Do vòng nhân duyên tiến hóa ấy, liên kết các Ngài cùng thời từ nhiều kiếp trước. Cho nên đến kiếp sau cùng, sự gặp lại của ba vị chỉ là giai đoạn viên mãn tự nhiên, và tuổi thọ nhục thân của các Ngài phải suýt soát nhau. Còn cái vòng sanh tử trước đó chính là những nấc thang để nâng các Ngài lên cõi bất tử.

Trong kiếp sống sau cùng, các Ngài chỉ còn một việc phải làm là thắp sáng ngọn đuốc giải thoát một cách vinh quang để chiếu sáng cho cõi đời.

Sức sáng ấy bây giờ và mãi mãi về sau vẫn còn tiếp tục.

PHẦN THỨ TƯ

PHÁP CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA

Những Kinh đã được Ðại đức Sàrìputta thuyết ra bao gồm nhiều đề tài khác nhau có liên hệ với đời sống phạm hạnh. Nó diễn tả từ những tư thức đơn giản đến những điểm sâu xa trong giáo lý và sự thực hành thiền định của nhà Phật. Một bảng kê khai những bài pháp ấy với sự trình bày tổng quát về mỗi đề tài sẽ được đưa ra dưới đây. Vị trí sắp xếp của chúng trong Kinh tạng không chỉ rõ một hệ thống đạo sử nào để người Phật tử có thể định được thời gian tính của nó.

Tuy nhiên, cũng có một số ít nội dung các cuốn Kinh nói về những biến cố đặc biệt đã xảy ra và được ghi nhận trong thời gian Ðức Phật còn sanh tiền và đang lãnh đạo Giáo hội.

PHÁP CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA TRONG MAJJHIMANIKYA GỒM CÓ:

PHÁP SỐ 3: NHỮNG KẺ THỪA HƯỞNG PHÁP BẢO (DHAMMA DAYADA)

Sau khi Ðức Phật đã thuyết về “Kẻ thừa hưởng Pháp bảo và loại người đáng thừa hưởng của cải trên đời”, Ngài bèn vào tư thất an nghỉ. Ðại đức Sàrìputta liền tiếp tục giảng giải cho chư Tỳ-kheo về đề tài “Làm thế nào để kềm chế lấy mình và tại sao không kềm chế được?”.

Sau thời pháp là lúc Ðức Bổn Sư nhập định, họ bèn theo cách đó để luyện tập cho tư tưởng mình trở nên thuần thục và thanh tịnh hầu loại trừ những điều phóng tâm lẫn chán nản. Kết quả là tâm họ đã trở nên trong sáng và ưa thích pháp cô tịch. Lý do, Ngài đã nói rõ sự nguy hiểm của mười sáu Tùy phiền não trong tâm và chỉ cho Tăng chúng biết được con đường Trung đạo, con đường có thể tận diệt tất cả các pháp xấu xa. Hay nói cách khác đó là Bát Chánh đạo.

PHÁP SỐ 5: SỰ CHẤM DỨT TỘI LỖI

Trong số bốn hạng người:

Kẻ gây tội và biết rằng đó là tội.

Kẻ có tội mà thành tâm ăn năn quyết lòng chừa bỏ.

Kẻ không làm tội và ghê sợ tội lỗi.

Và kẻ không tội lỗi mà luôn luôn tinh tấn tiêu diệt những nguồn gốc gây ra tội lỗi.

Nếu phạm tội mà biết rằng đó là tội hoặc khi mình dễ duôi phạm nhằm tội lỗi rồi sau đó tự ăn năn, vẫn còn có thể giác ngộ, hơn là làm tội mà không biết tội hay có tội mà không ý thức được nó.

Ðại đức Sàrìputta đã giảng giải rõ ràng tại sao Phật giáo lại phân tích như vậy. Trong bài pháp này, Ngài còn chỉ rõ tầm quan trọng trong việc tự kiểm soát lấy tư tưởng và làm sao tạo cho nó sự phát triển.

PHÁP SỐ 9: SAMMADITïTïHI SUTTA

Nói về Chánh kiến (Sammàditïtïhi) xin xem cuốn “Chánh Kiến Trong Ðạo Phật”.

PHÁP SỐ 28: MAHA HATTHIPADA PAMA SUTTA

Ðó là bài pháp khá sâu sắc, nói về “Sự so sánh những bước chân voi” (Hatthipàda) đã được nhắc đến trong đoạn trước.

PHÁP SỐ 45: MAHA DEVALLA SUTTA

Bài pháp thuộc loại thâm thúy này nhắc lại sự Minh giảng của Ðại đức Sàrìputta trước một số câu hỏi do Ðại đức Mahà Kotthika đặt ra. Ðại đức ấy cũng là một trong những người đã đạt được Tuệ phân biệt.

Trưởng lão Sàrìputta đã tạo cho cuộc đối đáp trở nên vô cùng tuyệt diệu với những câu hỏi sáng sủa và những đoạn trả lời thâm thúy, sâu xa đã làm cho thính giả lẫn người luận đạo chấp nhận một cách thích thú mọi khía cạnh trong chiều sâu của trí tuệ. (Dĩ nhiên là bắt đầu bằng Chánh kiến và kết thúc bằng Chánh định.)

PHÁP SỐ 69: GULISSANI SUTTA

Ðây là bài pháp thuyết cho ông Gulissàni nói về phương diện trông nom cũng như thực hành Pháp bảo của các Tăng sĩ trú ngụ trong rừng. Ðại đức Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) đã đặt nhiều câu hỏi để bàn luận. Ðức Trưởng lão còn xác nhận rằng “Không phải riêng những Sa-môn ẩn tu trong rừng mà ngay cả các Tăng sĩ ngụ trong những vùng phụ cận thành phố cũng phải thực hành cùng một phận sự mà Pháp bảo đã dạy rõ”.

PHÁP SỐ 79: DHANANJANI SUTTA

Ðại đức Sàrìputta giảng giải cho ông Bà-la-môn Dhànanõjàni nhiều phận sự khác nhau của một người Cư sĩ, là không phải chỉ lo sám hối những ý nghĩ hay hành động sai lầm. Cũng không phải cứ lo làm sao tránh khỏi những hậu quả đau khổ của những tội lỗi đã tạo từ trước sẽ đem đến trong tương lai.

Khi chưa lâm chung, còn nằm trên giường bệnh được nghe bài pháp ấy, ông đã tỉnh ngộ trút hết những phiền toái trong tâm, rồi một lòng tin nơi Ðại đức Sàrìputta, niệm tưởng đến ân đức của những bậc Phạm hạnh. (Như đã nói ở đoạn trước, trang 102).

PHÁP SỐ 114: ASEVITABBA SUTTA

Pháp nói về điều nên thực hành hay chẳng nên thực hành (Sevitabba: Nên. Asevitabba: Chẳng nên).

Ðại đức Sàrìputta nghiên cứu kỹ lưỡng những lời dạy tóm tắt của Ðức Phật về các pháp nên thực hành, nên nuôi nấng hay phát triển. Và những pháp nào không nên thực hành như thế. Pháp này được trình bày một cách có liên hệ với những hành động, lời nói và ý nghĩ của con người luôn luôn bị ảnh hưởng bởi những đối cảnh của Lục căn.

PHÁP SỐ 143: ANATHAPINDIKA SUTTA

Pháp thuyết cho ông bá hộ Cấp-cô-độc (Anàthapindika): Ðại đức Sàrìputta đã đến bên giường bệnh để giảng giải cho ông bá hộ Cấp-cô-độc nghe về sự gìn giữ tâm hồn, không cho dính mắc vào những âu lo cố hữu.

Ngài hướng dẫn bệnh nhân lần lượt từ căn thức một và dạy ông theo lối kiểm soát: “Này người thợ sanh diệt. Ta không còn âu lo ở con mắt, không còn âu lo ở lỗ tai, không còn âu lo ở cái lưỡi, không còn âu lo ở lỗ mũi, không còn âu lo ở làn da xúc cảm nữa. Vì ngươi đã không bao giờ ngừng nghỉ việc tạo ra xác thân ô uế này. Nó đã chứa trong đó sáu cái nguy hiểm mà giờ đây ta đã biết rồi. Chúng đã được sáu đối tượng là hình sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngọt và sự xúc tiếp vừa lòng nuôi nấng. Sáu sự cấu hợp ấy đã tạo ra sáu cảm nhận đầy vô thường, đầy phiền não”.

Ông cứ tiếp tục quán xét như vậy, ghi nhớ theo thứ tự từ Lục thức, Lục nhập (hay còn gọi là Lục thọ), rồi đến những biến thức trong thiền tâm. Những hình thức gồm sự tan rã từ một thế giới này sanh ra một thế giới khác. Và tất cả các cảnh giới cũng thế. Nghĩa là thoát ly khỏi những màng lưới ràng buộc của Danh và Sắc.

Tóm lại, chỉ có phép quán xét để an tịnh thì mới nên thực hành cho thuần thục, thấm nhuần bởi khi một người sắp chết, sự bắt đầu cho một kiếp sống tiếp theo chính là ở chỗ tâm trí an trụ, các thức sẽ duyên theo đó mà tiến sanh.

PHÁP CỦA ÐẠI ÐỨC SRPUTTA

TRONG DGHA NIKYA

PHÁP SỐ 28: SAMPASA DANIYA SUTTA

Ân đức trọn lành là nguồn phát sanh niềm tin tưởng. Ðại đức Sàrìputta đã ca ngợi một cách hùng hồn ân đức của chư Phật trước sự hiện diện của Ðức Bổn Sư, khi đó Ngài đang thuyết về những phẩm tính vô song (Anuttariya) của những bậc Toàn giác. Ðó là sự phát biểu đúng lúc để nói lên lòng tin tưởng tuyệt đối của Ðại đức Sàrìputta đối với Ðức Phật. Ðây có thể xem như một sự bổ túc cho bài pháp được Ðức Phật mệnh danh là “Tiếng gầm con sư tử” (Sìhanada) của Ðại đức Sàrìputta. Nội dung của nó hoàn toàn trùng hợp với phần đầu của một đoạn giảng giải về giáo lý giải thoát đã được ghi trong Kinh Mahà Parinibbàna.

PHÁP SỐ 33: SANGITI SUTTA

Ðây là một bài pháp do Ðại đức Sàriputta nghe Ðức Phật thuyết rồi lập lại một cách thuộc lòng trong Kinh Sangti Sutta.

PHÁP SỐ 39:

Một bài pháp gồm 10 chi, cắt nghĩa rộng rãi, đã được nói một cách tóm tắt ở đoạn trước (Pháp này nằm trong Kinh Dasutara Sutta).

TRONG ANGUTTARA NIKYA

Những số La mã sau đây là số đánh trên các cuốn sách (Nipàta) và những “số thường” là số những bài Kinh. Sự phân chia các Kinh phần trong Anguttara Nikàya chỉ danh số như vậy.

II. 37. SAMACITTA SUTTA

Pháp này nói về sự Nhập lưu (kể từ Tu-đà-hoàn trở lên). Và các Thánh chỉ tái sanh lại một lần mà thôi. Pháp ấy còn nêu rõ điều kiện tái sanh của chư Thánh A-na-hàm nữa.

III. 21

Pháp phân biệt những đấng Cao thượng (Aniya Puggala). Thân biệt chứng là hậu quả của Chánh kiến hoàn toàn (Ditthipatto) và được giải thoát là nhờ Ðức tin vững chắc (Saddhà Vimutto).

IV. 79

Ðại đức Sàrìputta bạch hỏi Ðức Phật tại sao lòng can đảm của một số người lại bị chướng ngại pháp đánh bại. Có một số người khác nhờ lòng can đảm ấy đã chiến thắng được chướng ngại pháp, và những thành quả đôi khi còn vượt khỏi sự mong muốn của họ. Ðức Phật trả lời rằng: “Sức mạnh chính trong lòng can đảm là có tâm đại lượng”. Nếu thiếu đức tánh đó thì lòng can đảm không thể bền bỉ để vượt qua mọi ác pháp. Ðó là điều mà chư Phật đã chỉ rõ và hằng được các hàng Ðạo sĩ hay Bà-la-môn thực hành từ lâu.

IV. 156

Pháp này nói về bốn điều Thái quá và bốn Trực giác tánh. Bốn điều Thái quá thì làm nguyên nhân của sự biến mất những trạng thái tinh thần lành mạnh. Còn bốn Trực giác tánh thì khiến cho hành giả biết được cách chắc chắn là họ sắp mất thiện tâm. Ðức Thế Tôn gọi bốn điều Thái quá là pháp Hư hỏng và bốn Trực giác tánh là nền tảng của Trí tuệ. Vậy bốn điều Thái quá ấy là gì?

– Là tham quá độ. Oán giận quá độ. Dối trá quá độ. Ngu dốt (hay Vô minh) quá độ. Người mắc phải bốn điều thái quá ấy rồi thì khó đạt đến quả Giác ngộ.

Ngược lại nếu một người có bốn Trực giác tính thì khi những ác pháp như tham, sân, si, dối trá phát sanh họ lập tức cảnh giác không để cho chúng lộng hành thái quá. Rồi từ đó họ tinh tấn giũa mòn chúng lần lần để trở lại làm chủ được lý trí và phát triển trí tuệ. Họ chắc chắn sẽ chứng quả Giải thoát.

IV. 167

Nói về sự không dễ duôi, không lười biếng và hạnh tinh tấn. Ðó là những pháp phát triển vững chắc trên con đường giải thoát.

IX. 171

Ðại đức Sàrìputta phân tích về một lời dạy tóm tắt của Ðức Phật bao gồm cả những trạng thái Chấp ngã (Attabhàva) và đặt một câu hỏi bổ túc. Ðức Phật đã giảng giải rành câu hỏi đó và được Ðại đức Sàrìputta tái thuyết lại trong Kinh Samacitta Sutta.

IX. 172

Ðại đức Sàrìputta nói rõ về sự ngài đã đạt đến bốn Tuệ phân biệt (Patisambhidànõàna) hai tuần lễ sau khi ngài được xuất gia (nghĩa là cùng lúc ngài đắc quả A-la-hán). Ngài công bố như vậy cốt để Ðức Phật xác nhận.

Phần Pháp luận với ngài Mahà Kotthika về những giới hạn của hai pháp có thể cắt nghĩa được là pháp Ngoại trần và pháp Nội thức (Phassayatana). Sâu xa hơn nữa là nói về thế gian có đặc tính phân tán và sau khi phân tán, hình thức của cõi người sẽ biến thể ra sao. Theo đó, Ngũ trần dù nằm trong trạng thái vi tế... (Tiểu thế giới) hay trong khung cảnh hoàn vũ (Ðại thế giới) đều luôn luôn vô thường. Khi Ngũ trần vô thường thì Ngũ căn cũng không thể nào vững bền được. Kết quả, Lục thức, nhất là Ý thức là những cái hoàn toàn giả tạo. Ðại đức Sàrìputta nhắc lại lời Phật dạy: “Ai có Chánh kiến thì nhận thức được như thế và sẽ chắc chắn giải thoát”.

IV. 175

Nói về sự cần thiết trong việc kiểm soát được cả hai cảm thức: Cảm thức ngoại cảnh và cảm thức nội tâm. Ðồng thời với khả năng suy luận một cách hợp lý (Vijjàcarana) sẽ giúp cho hành giả chấm dứt được một số tà ý hay phiền não.

IV. 179

Pháp đề cập về những động lực hỗ trợ để đạt đến Niết-bàn, và những chướng ngại cản trở sự tiến tới mục tiêu ấy.

V. 165

Nói về năm nguyên nhân tại sao người đời thường chất vấn một vị Sa-môn với một ý nghĩ khinh thường rằng: “Nếu ông ấy trả lời câu hỏi một cách đúng đắn thì tốt, bằng không ta sẽ dạy lại cho ông ta cách giải đáp”. Ðây chính là một ý định tội lỗi do vô minh ngã mạn gây ra. Ác tánh đó chỉ có ở hạng người phàm tục chứ không bao giờ phát sanh trong tâm một vị Thánh hay Bồ-tát.

V. 167

Pháp nói về phương pháp để thanh lọc các hàng Tăng lữ trong Giáo hội.

VI. 14, 15

Nói về hai nguyên nhân hằng gây ra hậu quả trong giờ phút lâm chung là trạng thái tâm tánh êm dịu hay bứt rứt. Ý nói cái chết diễn ra một cách bình thản hay đau khổ.

VII. 41

Ðại đức Sàrìputta giảng rằng một Sa-môn khi đã có những sức mạnh siêu phàm. Nếu vị ấy vui mừng tán dương sức mạnh đó vững chắc như tảng đá, tinh túy như một chất nước lấy ra từ những đóa hoa, có sức thiêu đốt như lửa, bàng bạc mọi nơi như không khí. Hoặc giả Sa-môn ấy, cứ xem thường nó, coi như không có gì cả thì năng lực siêu phàm ấy vẫn có thể hỗ trợ hành giả một cách hữu hiệu như nhau.

VII. 66

Nói về cử chỉ tôn kính lễ bái, Ðại đức Sàrìputta thuyết: “Những hành vi này có thể giúp cho người Phật tử quen đi một số động tác phạm hạnh. Nhất là thói quen ấy lại hướng về đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Ngoài ra; cũng có thể hướng về tư tưởng độ thế hay mong muốn lợi tha (Patisanthàra)”.

IX. 6

Nói về phương pháp tìm hiểu tánh tình dân chúng của một địa phương xuyên qua y phục, vật thực, chỗ ở, làng xóm, thành thị hay xứ sở v.v... Một Sa-môn trước khi truyền bá giáo lý giải thoát vào một vùng mới cần phải hiểu rõ như thế. Nghĩa là sứ giả của Như Lai khi ở trong một quốc độ nào phải thấy quốc độ ấy thích hợp với mình.

IX. 11

Một tiếng “Gầm sư tử” thứ hai của Ðại đức Sàrìputta được trình bày, trước sự chứng minh của Ðức Phật ngay khi có một Tỳ-kheo cáo oan về Ngài. Khi ấy Ðại đức Sàrìputta chỉ mỉm cười, rồi công bố cho mọi người biết những pháp giải thoát khỏi sự oán giận là hai đặc tính không cố chấp trong bản ngã và tâm chẳng bao giờ muốn làm hại kẻ khác của một số đại Sa-môn.

IX. 13

Ðây là bài luận đạo của ngài với Ðại đức Mahà Kotthika về mục đích của đời sống Thánh Tăng.

IX. 14

Ðại đức Sàrìputta chất vấn Ðại đức Sàmiddhi về những yếu pháp giải thoát, rồi cống hiến thêm một số chứng minh của mình để bổ túc.

IX. 16

Một đoạn trình bày về tính ngay thẳng tự nhiên của Ðại đức Sàrìputta dù cho đối với những kẻ đối lập cũng vậy. Ngài đã cải chính một câu nói của Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta)... Vì ngài cho rằng câu nói ấy có thể bị vị Tỳ-kheo đến thuật lại với ngài thêm bớt. Sau đó đức Trưởng lão đã thuyết cho vị Tỳ-kheo ấy nghe về một tư tưởng vững chắc đã được phát triển đầy đủ. Tư tưởng ấy không thể bị lung lay bởi bất cứ ác ý nào hết.

IX. 84

Ðề cập về Niết-bàn (Nibbàna), một cứu cánh được diễn tả bằng những từ ngữ như Vô sanh, Bất diệt, Tịnh lạc, Chẳng cấu hợp, Không điều kiện v.v... Tất cả đều vượt khỏi cảm thức của con người.

X. 7

Ðại đức Sàrìputta mô tả về những trạng thức thiền định của ngài. Cuối cùng bài mô tả ấy ngài đã nói rõ điểm hội tụ của những trạng thái ấy là Niết-bàn, là sự chấm dứt sanh diệt.

X. 65

Bài pháp có tựa “Tái sanh là một nỗi khổ và không tái sanh là một hạnh phúc”.

X. 66

Nghe được giáo lý của Ðức Phật, làm được lời Phật dạy là hạnh phúc. Không thỏa thích trong việc nghe giáo lý và không thỏa thích trong sự thực hành Phật giáo là một điều bất hạnh và thoái hóa.

X. 67. 68

Những nguyên nhân làm hăng hái hay thối chí trong việc phát triển thiện tánh.

X. 90

Nói về mười sức mạnh để giải thoát những ác pháp ngấm ngầm trong tâm mà một vị A-la-hán lúc còn phàm đã nhờ nó mà đạt tới Thánh quả. Mười sức mạnh này chỉ hiển hiện khi hành giả đã vững chắc trong Thiền định, nhất là trong Minh sát tuệ. Ðại đức Sàrìputta phân tích rõ: Sự thanh lọc nội tâm không phải chỉ mang lại sự yên ổn, mà còn đạt được trạng thái trong sáng nữa.

PHÁP CỦA ÐẠI ÐỨC SRPUTTA

TRONG SAMYUTTA NIKYA

NINÀDA SAMYUTTA

No 24

Ðại đức Sàrìputta chỉ dẫn phương pháp thoát khỏi vòng luân hồi bằng cách nói rõ trong sự sanh tử ấy khổ não không phải chỉ phát sanh đơn phương từ nội tâm của một chúng sanh, mà nó hằng phát sanh song song từ tâm của một chúng sanh khác hay từ ngoại cảnh, ở đây ám chỉ sự ảnh hưởng tâm tánh giữa người này với người kia và những khoái lạc Ngũ trần.

No 25

Bài pháp này cũng đồng nội dung với số 24, nhưng có thêm hai chi tiết là sự vui và sự khổ (Sukha-Dukkha).

No 31

Nói về những điều kiện để kéo dài kiếp sinh tồn. (Ý đề cập về những thể chất và vật thực).

No 32

Kàlàra Sutta: Khi được Ðức Phật chất vấn, Ðại đức Sàrìputta đã bạch rằng: Tuệ phân biệt đã giúp ngài hiểu rõ sự đắc quả A-la-hán và cũng nhờ đó ngài nhận thấy nguyên nhân của sự sanh đã bị tận diệt. Hành động trong hiện tại của một vị A-la-hán (hay Phật) sẽ không có quả trong tương lai.

Ðại đức Sàrìputta còn nói “Tận diệt tức là sanh vĩnh cửu” (Khnà Jàti). Sau đó, ngài tiếp tục đáp những câu hỏi sâu xa hơn của Ðức Phật về nguyên nhân và khởi đầu của sự SANH, rồi đến sự TRƯỞNG THÀNH cùng những trạng thức phát triển phụ thuộc khác dự phần vào việc lập thành những cảm nghĩ.

Ðức Trưởng lão đã tiết lộ: Chính tuệ thấy rõ mọi vật đều vô thường một cách chắc chắn, không nghi ngờ đã giúp ngài ghê sợ các khoái lạc từ Ngũ trần (Nandi).

KHANDHA SAMYUTTA

No 1

Ðại đức Sàrìputta cắt nghĩa tỉ mỉ về lời nói sau đây của Ðức Phật: “Ta không thể cản được sự đau đớn của xác thân, nhưng ta có thể sửa trị nổi những đau khổ của linh hồn”.

No 2

Bài pháp nói về sự huấn luyện của Ðại đức Sàrìputta cho những Tỳ-kheo sắp đi hành đạo tại những vùng biên giới xa xôi. Vì những Tỳ-kheo này sẽ phải đối phó với nhiều câu hỏi do những kẻ ngoại đạo chất vấn. Cuối thời pháp ngài đã tóm lược: Làm thế nào để tẩy trừ được tất cả các tánh tham, sân, si trong Ngũ uẩn, đó chính là đề tài mà quý vị có thể giảng cho bất cứ ai nghe về giáo pháp của chư Phật.

No 122, 123

Nói về tầm quan trọng của sự hiểu biết rằng “Ngũ uẩn chỉ là một khối giả tạo”. Nếu một người đang trau giồi giới hạnh mà ý thức được như vậy thì có thể đạt tới Thánh lưu. Còn một bậc đã nhập Thánh lưu rồi mà lấy Vô thường, Khổ não, Vô ngã làm đề mục thì từ bậc Thánh thấp họ sẽ tiến lên bậc Thánh cao hơn. Riêng một vị A-la-hán mà có thói quen quán tưởng thường xuyên như vậy thì vị A-la-hán ấy có thể đạt được trí tuệ viên giác.

No 126

Bài pháp nói về sự ngu muội và sự hiểu biết khi một người may mắn gặp được Pháp bảo của Ðức Phật.

SARÌPUTTA SAMYUTTA

No 1-9

Ðây là một loạt chín bài pháp đã được Ðại đức Sàrìputta thuyết về sự phát triển đầy đủ trong chín phẩm trật thiền định, nghĩa là từ Sơ thiền đến trạng thái chấm dứt mọi ý nghĩ, mọi cảm thức, Ngài còn bổ túc thêm: Trong khi tiến hóa như vậy, hành giả phải coi chừng sự xuất hiện của Ngã mạn. Vì theo tâm ý phàm tình, khi một người đạt được bất cứ một phẩm hạnh gì, kẻ ấy thường cho là quan trọng, và do đó cái TA lại được “Bổ Dưỡng”.

No 10

Một lần nọ, gần thành Ràjagaha (Vương Xá). Sau khi đi khất thực, Ðại đức Sàrìputta đã ngọ thực gần một trường thành. Lúc ấy có một nữ đạo sĩ tên là Sucimukh tới gần ngài và hỏi:

– Thưa ngài! Trong khi thọ thực ngài có bắt buộc phải quay mặt về một hướng hay một số hướng nào cố định như những đạo sĩ (dĩ nhiên ngoài Phật giáo) hay không?

Ðại đức Sàrìputta vui vẻ trả lời:

– Bần Tăng không hướng vào bất cứ một hướng nào nhất định hết. Tất cả phương hướng đối với bần Tăng đều như nhau. Một Sa-môn khi đã kiếm được vật thực bằng một cách chơn chánh rồi thì trước khi thọ hưởng chỉ nghĩ đến cha mẹ hoặc Thầy Tổ. Nếu biết những bậc ân nhân ấy ở phương nào thì Sa-môn có thể hướng về phương ấy để cúng dường. Nhưng hành động đó không phải là một ngưỡng vọng phương hướng, mà chỉ đơn giản là một phạm hạnh tri ân.

Nữ đạo sĩ Sucimukh nghe những lời lẽ chơn chánh ấy và nhìn thấy phong độ an tịnh của Ðại đức Sàrìputta đã kinh cảm một cách sâu xa. Sau đó, bà liền đi từ đường này sang đường khác, phố nọ đến phố kia mà truyền rao lên rằng: “Những tu sĩ phái Sakya (Thích Ca) nuôi mạng rất chơn chánh. Họ dùng những vật thực mà không ai có thể chê trách được. Xin quý vị hảo tâm hãy cúng dường cho họ”.

(Nghệ thuật giảng đạo của Ðại đức Sàrìputta trong bài này, theo Dgha Nikàya 31, cũng có khả năng cảm hóa như phương pháp của Ðức Phật trong Kinh Sgàlavàda).

SALAYATANA SAMYUTTA

Nội dung bài pháp này có thể tóm lược như sau: “Chính dục vọng trong những đắm say trần cảnh (Lục trần) đã tạo nên vòng sanh tử luân hồi, chứ không phải do nơi Lục căn và đối tượng của chúng là Lục trần”.

JAMBUKHADAKA SAMYUTTA

Kinh gồm phần giải đáp đến một số câu hỏi của người cháu Ðại đức Sàrìputta tên là Jambukhà Daka. Ông ấy là đạo sĩ thuộc phái Paribbàjaka. Nội dung có thể chia ra làm hai phần:

No 1

Giảng giải về đặc tính giải thoát tuyệt đối của Niết-bàn.

No 2

Phương pháp để chứng đạt được phẩm A-la-hán, trình độ Thánh tâm đã tẩy trừ hết tham lam, sân hận, và si mê.

No 3-16

Ðại đức Sàrìputta trả lời những câu hỏi về “Những kẻ truyền bá chơn lý. Mục đích của đời sống thanh tịnh và các Ðấng đã tìm được nơi an nghỉ vĩnh cửu”. Nổi bật nhất là ngài đã làm cho thính giả chú ý và ghê tởm những cảm não và si mê, những xấu xa nhơ bẩn mà bản tâm con người bị phủ kín. Rồi ngài nói đến các pháp mà người đời khó làm được trong giáo lý của Ðức Phật.

INDRIYA SAMYUTTA

No 44

Có một lần được Ðức Phật gạn hỏi, Ðại đức Sàrìputta đã bạch rằng: “Chính nhờ sự không trông cậy vào đấng Siêu thoát và từ kinh nghiệm của bản thân, Ðại đức bỗng hiểu được năm sức mạnh của tâm linh (Ngũ lực). Nghĩa là nhìn thấy con đường dẫn đến chỗ bất tử”.

No 48, 50

Phần pháp này đề cập trọn vẹn về Ngũ lực (Pãnca Bala) và trình bày rất chi tiết do Ðại đức Sàrìputta. Một chỗ khác trong Kinh còn gọi “Ấy là con đường trí tuệ”.

SOTAPATTI SAMYUTTA

No 55

Pháp nói về bốn yếu tố cần thiết để nhập Thánh lưu (Sotàpattiyamga).

PHẦN THỨ NĂM

ÐẠI ÐỨC SRPUTTA

TRONG TÚC SANH TRUYỆN (JTAKA)

Theo Kinh điển, chúng ta thấy rằng Ðại đức Sàrìputta xuất hiện rất thường trong Túc Sanh Truyện, tức những câu chuyện về tiền thân của Ðức Phật. Trong đó, tiền thân Phật (hay còn gọi là Bồ-tát) và Ðại đức Sàrìputta đã tái sanh làm nhiều nhân vật khác nhau nhưng có liên hệ.

Có những kiếp sống, chúng ta thấy Ðại đức Sàrìputta là một ông thầy, còn đức Bồ-tát là người học trò. Chẳng hạn như các câu chuyện Túc Sanh có tên là Susma (số 163) Culanandiya (số 223), Slavimamsa (số 305), Kàrandiya (số 356) và Mahà Dhammapàla (số 447).

Trong câu chuyện ghi sau cùng, tuy đức Bồ-tát là người học trò và Ðại đức Sàrìputta là ông thầy, nhưng người học trò cũng đã đem đến cho thầy mình một bài học giá trị là hãy nên phân biệt mỗi hạng người mà dạy dỗ. Không nên khuyên nhủ kẻ không muốn nghe hoặc không có ý định tìm hiểu kiến thức của mình.

Cũng có những lần luân hồi mà Ðại đức Sàrìputta sanh làm người, còn đức Bồ-tát là một con thú. Ví dụ như trong các truyện: Romaka Jàtaka (số 227).

Chuyện Ðại đức Sàrìputta là một đạo sĩ rất khéo léo, có thể nuôi và huấn luyện một con chim đa đa (tiền thân Phật) theo ý muốn của mình. Và chuyện Bhojàjaniya Jàtaka (số 23) hay Dhammadhena Jàtaka (số 122).

Cũng có lắm khi vai trò của hai vị này lại đổi ngược. Chẳng hạn như trong Jaruda Pàna (số 256) và truyện Kundakakucchi Sindhava (số 254) thì Ðại đức Sàrìputta sanh làm một con thú, còn đức Bồ-tát thì làm người.

Nhưng ngộ nghĩnh hơn nữa là trong câu chuyện Kurunga Mga, cả đức Bồ-tát lẫn Ðại đức Sàrìputta đều sanh làm thú.

Phần sau đây là những mẫu tóm tắt trong Túc Sanh Truyện. Ở đó ta thấy tiền thân của Ðại đức Sàrìputta đã xuất hiện một cách có ý nghĩa:

No 11. LAKKHANA JTAKA

Khi ấy Ðại đức Sàrìputta sanh làm một trong hai anh em con một gia đình nọ. Người em (tiền thân Sàrìputta) rất thông minh, còn người anh thì ngu tối. Cả hai đã giúp đỡ cha mẹ bằng cách chăn coi một đàn thú trên đồi. Từ nhà họ đến nơi cho đàn thú ăn cỏ phải trải qua một khu rừng nguy hiểm. Người em nhờ óc thông minh đã đưa bầy thú đến nơi một cách an toàn. Nhưng người anh ngu dốt (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa) đến phiên mình đã làm mất cả đàn gia súc.

No 23. BHOJÃJANIYA JTAKA

Truyện này thuật lại kiếp ấy đức Bồ-tát sanh làm một con ngựa chiến phi thường và Ðại đức Sàrìputta sanh làm một kiếm sĩ kỵ mã được giao phó trách nhiệm đi bắt bảy vị vua đối nghịch. Sau đó người kiếm sĩ đã thành công nhờ tinh thần bền chí của ông và sự hy sinh của con ngựa tuyệt diệu.

No 69. VISAVANTA JTAKA

Câu chuyện kể lại một con rắn (tiền thân Sàrìputta) có một thứ nọc trị khỏi bệnh nan y của người, nhưng khi nhả nọc ra thì rắn phải chết. Kết quả con rắn chịu chết vì muốn cứu ân nhân của mình.

No 99. PAROSAHASSA JTAKA

Ðại đức Sàrìputta sanh làm đệ tử của một đạo sĩ tu theo phái ẩn dật. Người đệ tử ấy đã thấu hiểu rõ ràng mọi câu nói vừa ngắn gọn vừa cao xa của thầy (tiền thân Phật). Ðây là câu chuyện được xem như nhiều kiếp tu luyện óc thông minh của ngài.

No 122. DUMMEDHA JTAKA

Truyện kể lại kiếp ấy Ðại đức Sàrìputta sanh làm vua xứ Bénares (Ba-la-nại). Ðây là một ông vua rất thông minh, có tài nhìn thú biết được giống tốt. Lúc đó đức Bồ-tát sanh làm một con bạch tượng loại quý, còn Ðề-bà-đạt-đa (Devadatta) đồng thời là vua Ma-kiệt-đà và là chủ con bạch tượng ấy. Sau đó ông bị mất con voi quý chỉ vì tánh ganh tị.

No 151. RJOVDA JTAKA

Tiền thân của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna là hai người đánh xe ngựa chiến của hai vương quốc hùng mạnh.

Một hôm nọ, cả hai người cùng đánh xe gặp nhau trên một con đường hẹp. Mỗi bên đều muốn bên kia nhường lối cho mình đi trước. Và họ đã quyết định ăn thua bằng cách tán dương oai lực của những nhân vật mà họ kính trọng nhất.

Kết quả, người đánh xe thứ nhất (tiền thân Ðại đức Sàrìputta) thắng cuộc, vì ông đã minh chứng được giới đức của vị vua lãnh đạo xứ sở mình. Vị vua được ca ngợi ấy không ai khác hơn là tiền thân Ðức Phật.

No 256. ALINACITTA JTAKA

Chuyện tiền thân Ðại đức Sàrìputta là một con voi rất khôn ngoan hiền lành và rất nhớ ơn người.

No 206. KURUNGA MIGA JTAKA.

Trong kiếp nọ, Ðại đức Sàrìputta sanh làm một con chim gõ kiến, và Ðại đức Mahà Mog-gallàna sanh làm một con rùa. Cả hai đã hợp lực cứu được mạng sống của bạn mình là một con nai tức là tiền thân Phật, khỏi tầm sát hại của tên thợ săn (tiền thân Ðề-bà-đạt-đa). Nhưng sau đó đến lượt con rùa bị bắt và nhờ con chim gõ kiến giải thoát.

No 223. CLANANDIYA JTAKA

Thuở kia, Ðại đức Sàrìputta sanh làm một giáo sư Bà-la-môn, và Ðề-bà-đạt-đa sanh làm học trò của ngài. Ngài luôn luôn khuyên đồ đệ chẳng nên khó tánh, hiểm ác và tàn bạo, nhưng lời dạy dỗ ấy đã trở nên vô ích.

No 254. KUNDAKA KUCCHI SINDHAVA JTAKA

Ðại đức Sàrìputta sanh làm một con ngựa thật kỳ diệu, và đức Bồ-tát là một người buôn ngựa. Con ngựa lúc trước do một người đàn bà làm chủ, nhưng về sau lại thuộc vào tay người lái buôn.

No 256. JARUDAPNA JTAKA

Câu chuyện nói về Mãng xà vương (tiền thân Ðại đức Sàrìputta) đã giúp Bồ-tát lúc đó là một người lái buôn để chuyên chở một số vàng bạc mà người thương gia ấy vừa may thu hoạch được.

No 272. VYAGGA JTAKA

Có một lần Tỳ-kheo Kokàlika sanh làm một con chằn tinh, vì thế nên không thể sống chung được với tiền thân hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna.

No 227. ROMAKA JTAKA

Truyện thuật Ðại đức Sàrìputta sanh làm một đạo sĩ rất trí tuệ. Vị đạo sĩ ấy đã nuôi và huấn luyện một con chim đa đa, tiền thân đức Bồ-tát.

No 281, 292. ABBHANTARA VÀ SUPATTA

Ðây là hai chuyện kể lại sự ngẫu nhiên trong kiếp chót. Truyện số 281 thuật lúc ấy ngài Ràhula nhờ một ít nước xoài pha đường của Ðại đức Sàrìputta, đã giúp cho mẹ là một Tỳ-kheo-ni trị khỏi bệnh no hơi. Còn trong câu chuyện số 292 thì Ðại đức Sàrìputta đã đích thân tìm hộ những món ăn dễ tiêu để giúp bà. Ðây là kết quả của việc một kiếp trước bà đã nuôi dưỡng tiền thân của hai Ðại đức Sàrìputta và Ràhula.

No 310. SAYHA JTAKA

Kiếp ấy Ðại đức Sàrìputta sanh làm một ông vua có viên cận thần tên Sayha là tiền thân Ðề-bà-đạt-đa. Vua sai người cận thần đi chiêu dụ một đạo sĩ thông thái vừa là bạn cũ của vua về giúp triều đình, nhưng việc chiêu dụ đã thất bại. Vị đạo sĩ thông thái ấy chính là tiền thân Ðức Phật.

No 313. KHANTIVDI JTAKA

Tích thuật khi đức Bồ-tát sanh làm một đạo sĩ rất đức hạnh. Người thuở bấy giờ vẫn gọi ngài là một đạo sĩ nhẫn nại (Khantavàdi), đồng thời Ðề-bà-đạt-đa sanh làm một vị vua hung bạo. Ðể thách thức đức nhẫn nại, bạo vương đã đem vị đạo sĩ kia ra hành hạ một cách tàn nhẫn, nhưng không lay chuyển nổi phạm hạnh của người chơn tu. Kết quả đức nhẫn nại của vị đạo sĩ đã cảm hóa được viên quan tổng chỉ huy quân đội trong triều đình (tiền thân Ðại đức Sàrìputta, và chính vị võ quan này đã đến băng bó những vết thương cho đức Bồ-tát.

No 315. MAMSA JTAKA

Khi ấy, Ðại đức Sàrìputta sanh làm một người thợ săn và đức Bồ-tát làm con trai một người lái buôn. Lúc cả hai quen nhau và trở thành bạn hữu, thanh niên lái buôn đã dùng những lời lẽ chơn chánh để thuyết phục bạn mình từ bỏ cái nghề hung ác ấy.

No 361. VANNARODHA JTAKA

Truyện nói về kiếp chót khi hai vị đại đệ tử Sàrìputta và Mahà Moggallàna còn đang sống trong một nơi vắng vẻ. Lúc ấy, có một người ăn xin hằng sống nhờ vật thực còn dư của hai ngài. Nhưng tên ăn mày lại có ác ý muốn gây sự bất hòa giữa hai ngài. Kết quả người ăn xin đã thất bại vì hai vị đại đệ tử này lúc nào cũng cảnh giác, không nghe những lời gièm siểm xấu xa và sau cùng đồng bảo hắn hãy đi nơi khác.

Trong Túc Sanh Truyện có đoạn còn thuật lại rằng: Trường hợp tương tự như thế đã xảy ra trong một kiếp nọ, khi người ăn xin kia sanh làm một con chó sói, còn hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna sanh làm một con sư tử và một con cọp.

No 412. KOTISIMBALI JTAKA

Tích kể lại khi Ðại đức Sàrìputta sanh làm ông vua xứ Garada hay còn gọi là vua Supanna. (Supanna Ràja). Vị vua này đã cứu sống một cây cổ thọ khỏi bị hại vì nơi đó là chỗ ở của một vị thọ thần (tiền thân Bồ-tát).

No 444. KANHA DIPYANA JTAKA

Kiếp đó Ðại đức Sàrìputta sanh làm một vị đạo sĩ tên nimandiviya đã bị một ông vua kết tội oan và đem ra hành hạ bằng cách dùng khí giới đâm xuyên qua thân thể. Nhưng vị đạo sĩ vẫn giữ hạnh nhẫn nại, không để tâm oán hận và ghi nhớ rằng đó chỉ là kết quả của những nghiệp ác từ kiếp trước.

Ðức Bồ-tát lúc ấy cũng là một đạo sĩ, bậc huynh trưởng của tiền thân Sàrìputta tên là Kanda Dipàyana, đã hết lời ca ngợi thái độ cao thượng của người sư đệ mình.

No 472. MAH PADUMA JØTAKA

Truyện kể lúc Bồ-tát sanh làm Hoàng tử Mahà Paduma và tiền thân của Ðại đức Sàrìputta là một vị thần núi. Nhờ vị thần ấy mà ngài Hoàng tử thoát chết.

 

PHỤ LỤC

NHỮNG THÁNH TÍCH CỦA HAI ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA VÀ MAH MOGGALLNA

Trên ngọn đồi ÀSanõchi ở Bhopal. Sanõchi có tên cũ là Kakanara và trong bộ Mahàvansa gọi là Chetigiri. Có những di tích của mười ngôi Bảo tháp. Những di tích ấy nằm trong số các công trình kiến trúc xưa nhất còn tồn tại trên xứ Ấn Ðộ.

Với những nét kiến trúc cổ kính và nghệ thuật điêu khắc thần kỳ, người ta phải công nhận rằng nó được kiến tạo trong một thời kỳ Phật giáo cực thịnh và đã biểu lộ nền văn minh cao ngất của Phật giáo. Những đặc điểm, chẳng hạn như vô số nét chữ khắc trên đó đã được người ta chép lại và các nhà khảo cổ đã xác nhận rằng chúng được tạo lập vào khoảng thời đức vua A Dục (Asoka Ràjà), nghĩa là vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Một số các di tích ấy được bảo tồn nguyên vẹn, trong khi những cái kia bị phôi pha bởi thời gian trôi qua hằng bao nhiêu thế kỷ nên chỉ còn lại bằng những mô đất và đá.

Một trong những Thánh tích ấy là ngôi Bảo tháp thứ ba bây giờ vẫn tồn tại và rất nổi tiếng. Chính ông Alexander Cunningham và Ðại úy F. C. Meisey đã khám phá ra các di Thánh thể của hai vị Ðại đệ tử Phật là các đức A-la-hán Sàrìputta và Mahà Moggallàna vào năm 1851.

Cũng trong thời gian đó, người ta còn tìm ra nhiều Thánh thể lưu lại của nhị vị A-la-hán nói trên trong một Bảo tháp tại vùng Satadhàra cách Sanõchi chừng sáu dặm.

Khi chân trục ở trung tâm Bảo tháp tại Sanõchi bị sụp sâu vào lòng đất rồi, ngọn đồi Bhopal chỉ còn ló lên như một phiến đá cao khoảng năm thước Anh và nằm theo hướng Nam Bắc.

Bên dưới tảng đá tưởng nhớ ấy, người ta tìm thấy hai chiếc hộp làm bằng sa thạch màu xám. Mỗi cái có những dòng điêu khắc đơn giản bằng nét chữ Brahmin trên nắp hộp.

Chiếc hộp nằm ở phía Nam có khắc chữ “S” nghĩa là di tích của ngài A-la-hán Sàrìputta, trong khi chiếc hộp nằm ở phía Bắc mang câu chuyện truyền kỳ của Ðại đức Mahà Moggallàna, hay nói cách khác đó là di tích của một đại A-la-hán có nhiều thần thông nhất trong các môn đệ của Ðức Phật.

Chiếc hộp nằm cực Nam lại chứa một hộp con khác, phẳng và rộng làm bằng chất bạch nu. Hộp ấy rộng khoảng hơn sáu tấc và cao chừng ba tấc Anh. Bề mặt của nó thật cứng và bóng nhẵn. Ngay cả chiếc hộp lớn đựng nó, nếu cho một người thợ chạm hay tiện trông thấy họ sẽ tấm tắc khen rằng “Nó đã được tạo ra do một bàn tay tinh xảo nhất”.

Xung quanh cái hộp con là những mảnh gỗ đàn hương mà người ta tin rằng đó chính là các vật còn lại của những chiếc hòm đựng để thiêu Thánh thể của hai vị A-la-hán kia. Bên trong ngoài các di Thánh thể ra, người ta còn tìm thấy nhiều loại ngọc thạch quý giá. Chiếc hộp con này còn chứa một mảnh xương (Xá lợi) của Ðại đức Sàrìputta. Ðó là Xá lợi duy nhất dài đến một tấc Anh.

Còn chiếc hộp nằm phía Bắc cũng chứa một hộp vuông nhỏ làm bằng bạch nu khác. Tương tự như chiếc hộp bên này, nhưng nó nhỏ, nhẹ hơn và bề mặt mềm hơn. Bên trong có chứa hai viên ngọc Xá lợi của Ðại đức Mahà Moggallàna. Trong hai viên ấy, viên lớn nhất dài khoảng non nửa tấc Anh.

Mặt trong mỗi chiếc nắp của hai chiếc hộp nhỏ đựng Xá lợi ấy có khắc sâu bằng một thứ mực đặc biệt hai chữ “SA” (có nghĩa là chiếc hộp này đựng Xá lợi của ngài Sàrìputta) và chữ “MA” (có nghĩa là Xá lợi của Ðại đức Mahà Moggallàna).

Theo những chữ khắc ở Bảo tháp mà ông Cunningham ghi lại thì hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna là những môn đệ dẫn đầu của Ðức Phật. Do đó các ngài thường được Kinh sách nói đến như những đệ tử tay mặt và tai trái của Ðức Bổn Sư.

Ngoài ra, những tro cốt của các ngài cũng được bảo tồn kỹ lưỡng sau lễ Thánh hỏa và được lưu thờ cùng hai vị trí là bên mặt và bên trái của đấng Toàn giác như lúc Ngài còn tại thế (Theo cuốn Bhilsa Topes - 300).

Diễn tả như vậy là căn cứ vào một sự thật mà Ðức Phật thường làm khi còn sanh tiền là Ngài hay ngồi quay mặt về hướng Ðông, Ðại đức Sàrìputta hầu bên phải, còn Ðại đức Mahà Moggallàna hầu bên trái của Ngài, tức là phía Nam và phía Bắc theo phương hướng vậy.

Một trong những cuốn sách mà ông Cun-ningham viết để lại, có lưu chú gọi đó là đoạn nói về những đài kỷ niệm Ðức Phật tại địa phương (Buddha Bhita). Ông ta đã tìm ra hai vuông hộp làm bằng chất bạch nu có vân nhạt cũng đựng Thánh vật trong một Bảo tháp tại Satadhàra. Những vuông hộp này cũng có chạm khắc giống như hai cái ở Sanõchi: Ý nói đó là Tôn hài của hai Ðại đức Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Ngôi Bảo tháp này có nhiều dấu hiệu cho ta biết là đã bị nhiều lần cướp đoạt. Tuy nhiên, ngọc Xá lợi trong đó vẫn còn lưu lại an toàn.

Ông Cunningham, người tỏ ra rất giỏi về môn khảo cổ đã lưu lại một phóng sự tường trình, nhiều chi tiết nhất về mọi vấn đề trong việc đào xới những bí vật.

Những bí vật ấy được đem ra ánh sáng một cách rõ ràng giá trị, đầy tôn kính. Và giờ đây nằm trọn trong các Bảo tháp mà chúng ta vừa bàn đến. Cũng chính nhờ ông mà sự tin tưởng đối với những Thánh vật này được trở nên chắc chắn và lâu dài.

Theo Ấn Sử, các Thánh vật trong cả hai Bảo tháp trước đây đã bị người Anh dời về nước và đặt tại Viện Bảo Tàng Victoria và Albert nhưng có vài sự trái ngược do lời mô tả của ông Cunningham về những vuông hộp đựng ngọc Xá lợi và những chiếc hộp vừa kể, trong đó Xá lợi được tàng trữ, đã cho ta có lý do mà tin rằng chính ông hoặc một nhân vật khảo cổ nào khác đã di chuyển các viên ngọc Xá lợi từ Sanõchi đến đựng trong hộp vuông nhỏ mà sau này người ta tìm ra tại Satadhàra. Do đó, những chiếc hộp nhỏ trong các hộp lớn mà người sau này không biết rõ gốc tích một cách quả quyết là những chiếc hộp ở Sanõchi.

Riêng những Thánh vật Xá lợi đã được bảo tồn ở Bảo Tàng Viện Victoria và Albert cho tới năm 1939 thì hội Ðại Bồ Ðề Tràng Ấn Ðộ (Mahà Bodhi Society) đã gởi đến chính phủ Anh một văn thư yêu cầu hoàn trả những báu vật ấy lại cho Ấn Ðộ. Lời yêu cầu đó đã một lần được chấp nhận nhưng vào năm ấy đệ nhị thế chiến lại bùng nổ. Sự hoàn chuyển Thánh tích đã bị hoãn lại vì lý do an ninh. Ðến ngày 24 tháng 12 năm 1946, công việc ấy mới được thực hiện.

Vào ngày đó, mọi Xá lợi Thánh vật đã được chánh phủ Anh trao lại cho các đại diện hội Ðại Bồ Ðề Tràng tại hai Viện Bảo Tàng Victoria và Albert. Sau đó, cuộc lễ chuyển hoàn về cựu thổ đã xảy ra một cách trọng thể.

Tuy nhiên, trước khi đem về tàng trữ tại Ấn Ðộ, các ngọc Xá lợi được chuyển sang xứ Tích Lan và được dân chúng Tích Lan cung nghinh một cách hân hoan và sùng kính.

Vào năm 1947, các ngọc Xá lợi đã được trình bày cho dân chúng lễ bái trong thời gian hai tháng rưỡi tại Viện Bảo Tàng Colombo. Theo sự phỏng đoán, trung bình cũng có hai triệu người đến lễ bái. Người ta còn thuật lại rằng không chỉ những người theo Ðạo Phật, mà có cả đến rất đông tín đồ Ấn Ðộ giáo và Thiên Chúa giáo cũng đến chiêm bái ngọc Xá lợi.

Ðoạn đường kế tiếp để cung thỉnh Xá lợi là từ Tích Lan đến một ngôi chùa mới đang được xây dựng để tái phụng thờ tại Sanõchi, gần thủ phủ Calcutta. Ở đó, người ta lại một lần nữa, đem ngọc Xá lợi trưng bày cho dân chúng lễ bái tại chùa Derama Ràjika, vì đó là trụ sở trung ương của hội Ðại Bồ Ðề Ấn Ðộ. Những cảnh tượng ngưỡng vọng và sùng bái Thánh tích một cách tấp nập như ở Tích Lan lại cũng xảy ra ở đây.

Hằng hai ba tuần lễ liên tiếp, những đoàn người chen chúc nhau không dứt đã đến ngôi Quốc Tự Ấn Ðộ để chiêm bái từ sáng đến chiều tối. Hầu hết những người đến lễ bái là theo Ấn Ðộ giáo, nhưng cũng có một số lớn những người theo các đạo khác. Nhưng tất cả đến đó đều lễ bái một cách vô cùng kính cẩn.

Cũng có nhiều đoàn chiêm bái từ các nơi xa xôi trong và ngoài nước Ấn Ðộ tấp nập về chiêm ngưỡng di tích của hai bậc tối thượng xứ Phật này.

Kế đó là lời thỉnh cầu của chính phủ Miến Ðiện. Họ cũng ao ước Xá lợi được đem đến trưng bày ở nước họ cho dân chúng lễ bái. Sự thỉnh cầu này đã được hoan hỷ chấp thuận. Vì vậy, một cuộc lễ tiếp rước long trọng được cử hành tại Miến Ðiện đã làm sống lại một thời gian vàng son an lạc nhất trước đây khi Phật giáo còn cực thịnh. Ðể cho mọi người đều có một dịp chiêm bái, các viên ngọc Xá lợi đã được cung nghinh vòng quanh trong xứ, dọc theo nhiều con sông trên một thuyền rồng (Irrawaddy) từ Mandalay đến Rangoon. Chiếc thuyền rồng cho Xá lợi chạy bằng hơi nước này được những chiếc thuyền khác trang trí một cách lộng lẫy theo phong tục Miến Ðiện hộ tống. Và tại mỗi thành phố dọc theo hai bên bờ sông những Thánh tích Xá lợi lại được dân chúng rước lên bờ, đem an vị trong một ngôi chùa chính tại nơi ấy cho dân chúng lễ bái. Ðồng thời các cuộc lễ khác cũng được tổ chức.

Ðã có không biết bao nhiêu ngàn người từ những làng mạc kế cận đến nghe pháp và cầu kinh. Ðiều đáng chú ý là trong thời gian Xá lợi được rước lên an vị như thế những buổi thuyết pháp và những thời cầu kinh đã được tổ chức liên tục suốt ngày lẫn đêm.

Ðoạn để đáp ứng lời thỉnh cầu của chính phủ Népal, ngọc Xá lợi lại được đưa sang Népal và Ladakh.

Sau một thời gian cung nghinh khắp nơi cho người đời chiêm bái, Xá lợi được rước về Ấn Ðộ, và chính phủ Miến Ðiện đã thỉnh cầu để được chia một phần Xá lợi đem về Miến Ðiện tạo Bảo tháp phụng thờ.

Giáo Hội Ðại Bồ Ðề Tràng của Ấn Ðộ đã chấp thuận lời yêu cầu đó, và chính vị Thủ Tướng nước Miến Ðiện đã đích thân bay sang Calcutta tiếp nhận. Hai nước này cũng tổ chức một cuộc lễ trao Xá lợi trọng thể vào ngày 20 tháng 10 năm 1950.

Phần Xá lợi phân phối cho Miến Ðiện sau này đã đem phụng thờ tại ngôi Lạc Thế Tự mà người Miến Ðiện gọi là KABA AYE JEDI dịch sang tiếng Anh là World Peace Pagoda.

Ngôi chùa này được xây bên cạnh tòa Ðệ Lục Ðại Hội Kết Tập Phật giáo, một cơ quan cao cấp Phật giáo gần Rangoon. Nhiều cuộc lễ thật trang nghiêm cho việc đăng quang và an vị Xá lợi đã được tổ chức kéo dài từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 3 năm 1952.

Một phần Xá lợi khác cũng được cống hiến cho dân tộc Tích Lan để phụng thờ trong một ngôi Bảo tháp mới do hội Ðại Bồ Ðề Tràng (Mahà Bodhi) Tích Lan xây cất.

Trong khi soạn giả đang ghi chép lại các diễn tiến lịch sử này, những viên ngọc Xá lợi ấy được tạm thời an vị trong một ngôi chùa của Giáo Hội Ðại Bồ Ðề Tràng Tích Lan tại thủ đô Colombo để cho công cuộc kiến trúc hoàn tất.

Riêng phần nước Ấn Ðộ, ngày 30 tháng 11 năm 1958 những Thánh thể vật lưu thế như chúng ta vừa nói, lại được tái an vị ở Sanõchi, trong Bảo tháp, tại một ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Ngôi chùa và Bảo tháp này đã được xây cất với một công trình vĩ đại là cốt để tái phụng trì Xá lợi vậy.

Giờ đây Xá lợi đã trở về cố thổ và gieo vào lòng Phật tử đến hành hương từ khắp các nước bốn phương trên thế giới một sự sùng kính sâu xa và khiến họ chẳng bao giờ quên được đời sống của những Thánh nhơn đệ tử ưu tú nhất của một đấng Toàn giác.

Những vị đã gặt hái được các Thánh quả cao thượng nhất, đầy đủ nhất trong giáo lý của chư Phật.

Hai cái tên Sàrìputta và Mahà Moggallàna (Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên) ấy từ nay cho đến hết năm ngàn năm sẽ sống song song với tám muôn bốn ngàn pháp môn của Ðức Phật như một sức mạnh hộ pháp, hay một gương sáng lưu truyền.

Dịch xong tại Sài Gòn tháng 12 năm 1966

Dịch giả NGUYỄN ÐIỀU

 

 

(1) Trong Kinh Cunda, Satipatthàna Samßyutta và Chú Giải thì nơi sanh của Ngài là Nàlàkà - hay Nàlàgàma. Không chừng đó là tên phụ. Có điều chắc chắn là nơi ấy gần vùng Nalanda... Ở Nalanda có một Ðại Học Ðường đầu tiên trên thế giới. Chính Ðường Huyền Trang đã tòng học tại đây. Còn ông Bà-la-môn, tức thân sinh của Ðại đức Sàrìputta tên là Vaganta.

(2) Ðó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thiện nam, Tín nữ

(3) Kinh Dighanakha Sutta, Majjhima Nikàya N.74.

(4) Theo chú giải trong Anguttara Nikàya phần thứ 4, số 172.

(5) Căn cứ theo Thera Gàthà do Ðại đức Sàrìputta thuyết, các kệ ngôn số 995-996.

(6) Ðây là theo căn duyên của những ai có trí tuệ phi thường như Ðại đức Sàrìputta. Theo Kinh điển Phật giáo thì Ðại đức Sàrìputta có trí tuệ bậc nhất trong các đệ tử Phật.

(7) Theo Thera Gathà

(8) Trong Majjhi, số 143

(9) Theo Trung A Hàm ( Majjhima Nikàya) số 24.

(10) Năm bộ A Hàm ấy là : 1- Trường A Hàm (Dìgha Nikàya). 2- Trung A Hàm (Majjhima Nikàya). 3- Tạp A Hàm (Samßyutta Nikàya). 4- Tăng Nhất A Hàm (Anguttara Nikàya). 5- Tiểu A Hàm (Khuddaka Nikàya)

(11) Bảy anh chị em của Ðại đức Sàrìputta sau khi xuất gia đều đắc quả A-la-hán

(12) Viết dựa theo Kinh Vangisa Samßyutta No. 7

 

----o0o---

 

Xem tập sách (bản PDF)

Xem tập sách (bản WORDS)

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

大学生申请助学金的申请理由怎么写 Tưởng phận 第三世多杰羌佛经藏总集 崔红元 净宗阿弥陀经讲经视频 ºøÇ 印順法師的大乘密教觀點之探討 gá Ÿi cÓn สโตร ส รา º æ الطاوية والبوذية في علم 新学期新展望内容怎么写 忏悔 æ ²æ¼ æ žä ç nguoi tu phat la nguoi tim ve nguon an lac giai ác khẩu làm tổn thương người khác 藥師琉璃光如來本願功德經 楞严经拼音版 曹洞宗宗務庁ホームページ 新西兰台湾佛寺 LỜI PHẬT DẠY äºŒä ƒæ tho va thien 瑞州三峰院的平和尚 唐代 臨濟 Dà u 云南省拆除水箱套什么定额 åƒäæœä½ 放下凡夫心 故事 thu gui me cua con loi cua mot thai nhi Ï khuyên sÃ å µä½ æœº lá Ÿ Giç Cà ri chay Vai trò của Trần Nhân Tông và hòa giải å žå æ 正念正知正見 ý nghĩa chắp tay trong nghi thức phật Tạp bút Lề đời TẠgoi mien bac yeu dau cua toi Mẹo dùng quả nho chữa bệnh háºnh thung 5