TUYỂN
TẬP TƯỞNG NIỆM
DAISETZ
TEITARO SUZUKI
1870 - 1966
Bản dịch:
HẠNH VIÊN
Nguyên tác:
IN MEMORIAM DAISETZ
TEITARO SUZUKI 1870 - 1966
(The Eastern Buddhist, New series, August 1967)
--o0o---
THOMAS MERTON
D.T. SUZUKI: CON NGƯỜI
VÀ SỰ NGHIỆP
"Người
ta có thể cảm thấy tự hào khi sống cùng thời với vài nhân vật nào đó
trong thời đại này"
Albert Camus.
Chúng ta đang sống trong một
thời đại rất bất thường. Cho nên cũng không lạ nếu xuất hiện những
con người bất thường. Dù có lẽ không quen thuộc bằng những tên tuổi
như Einstein hay Gandhi (đã trở thành biểu tượng của thời đại chúng ta)
song Daisetz Suzuki hoàn toàn không kém lỗi lạc hơn bất cứ người nào như
vậy. Và dù sự nghiệp của ông có thể không gây tiếng vang và tác động
rộng rãi như của họ, ông cũng đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng
tri thức và tâm linh của thời đại chúng ta. Ảnh hưởng của Thiền vào
phương Tây, tác động với sức mạnh sung mãn nhất của nó lúc tàn cuộc
thế chiến thứ hai, giữa sự nổi loạn của hiện sinh chủ nghĩa, vào buổi
bình minh của kỷ nguyên hạch tâm và điều khiển học, khi triết học và
tôn giáo Tây phương đang khủng hoảng và khi ý thức con người bị đe dọa
bởi sự tha hóa sâu sắc nhất, thì sự nghiệp và ảnh hưởng nhân cách của
Bác sĩ Suzuki đã chứng tỏ vừa đúng lúc vừa hiệu quả: có lẽ hiệu quả
hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Ở đây tôi không nói đến nhiệt tình hời
hợt của phương Tây đối với vẻ ngoài và những bọt bèo của Thiền
(mà Giáo sư Suzuki đã có thể tự lượng giá một cách khách quan và độ
lượng), mà về hoạt chất men của tuệ giác Thiền ông đã đưa vào tư
tưởng Tây phương vốn đang dậy men, qua những tiếp xúc của ông với
các giới phân tâm học, triết học, và tư tưởng tôn giáo như trường hợp
Paul Tillich.
Rõ ràng Bác sĩ Suzuki đã đem
đến cho thời đại đối thoại này một tặng phẩm tuyệt vời của
riêng ông: khả năng thấu hiểu và nắm vững những tiêu điểm minh xác vốn
là tiền đề cho sự giao tiếp có thể hy vọng đạt hiệu quả. Ông đã
làm được điều này một cách hiệu nghiệm hơn thế rất nhiều vì người
ta thấy rõ ông hoàn toàn thoát khỏi những chi phối của các mô thức tư
tưởng bè phái và chủ nghĩa hình thức khoa bảng. Không có gì thúc ép
ông tham gia những trò chơi phức tạp phải vận dụng mánh khóe để tạo
ưu thế trong giới trí thức. Do đó, hiển nhiên, một cách tự nhiên và
không khó khăn, ông đứng vào vị trí kiệt xuất. Ông phát ngôn với đầy
đủ thẩm quyền, thẩm quyền của một con người đơn giản nhưng sáng suốt,
hiểu rõ những giới hạn của con người và không có ý cải thiện chúng
bằng những cấu trúc giả tạo không có chút ý nghĩa hiện thực. Nói theo
một thiền ngữ, ông không cần đặt thêm một cái đầu nữa lên đầu mình.
Điều này hiển nhiên là lợi thế trong bất cứ cuộc đối thoại nào,
vì khi con người nỗ lực giao tiếp với nhau, tốt hơn họ nên nói bằng
tiếng nói đặc thù của riêng mình chứ không phải xóa mờ những cá
tính bằng cáchử cùng một lúc nói qua hàng loạt lớp mặt nạ quy cách.
Tôi may mắn được quen biết
Bác sĩ Suzuki và có hai lần trò chuyện ngắn với ông. Nghĩ lại, điều này
không những đáng giá, tôi còn muốn nói là khó thể quên được. Với riêng
tôi, đó là một sự kiện phi thường bởi lẽ, trong môi trường sống của
tôi, không phải luôn luôn gặp được tất cả những người mình muốn gặp
trên phương diện nghề nghiệp nếu tôi đang giảng dạy tại một trường
Đại học. Từ lâu, tôi đã biết đến sự nghiệp của ông, đã trao đổi
thư từ với ông, và chúng tôi đã cho ấn hành một tập đối thoại ngắn
chủ đề "Minh triết về tính không hư " như đã tìm thấy về mặt
đối chiếu, trong Thiền, và trong Các Linh mục sa mạc Ai-cập. ("Minh
triết trong tính không hư", đối thoại giữa D. Suzuki và Thomas Merton,
trong New Directions số 17, New york, 1961). Trong chuyến đi Mỹ cuối cùng của
ông tôi đã vinh dự được ông tiếp kiến. Ta phải gặp con người này để
cảm nhận sâu sắc về ông. Đối với tôi, dường như ông là hiện thân
của tất cả những phẩm chất kỳ cùng của một ‘con người siêu việt’
trong truyền thống Á Đông cổ đại, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo.
Hay hơn thế, gặp ông người ta có cảm giác gặp ‘vô vị chân nhân’
mà Trang Tử và các Thiền sư đã từng nói. Và dĩ nhiên đây là người mà
ta thật sự muốn gặp mặt. Còn ai khác nữa? Trong lúc gặp gỡ Suzuki và uống
với ông một chén trà, tôi có cảm tưởng mình đang đối mặt với người
đó. Nó giống như cuối cùng người ta đang trở về nhà mình. Một kinh
nghiệm tuyệt vời, ít nhất cũng có thể nói vậy. Người ta không cần phải
nói nhiều, vì nói nhiều thì thường quay sự chú ý vào những tiểu tiết
mà cuối cùng thì lạc đề. Khi ta thật sự đứng trước một con người,
muôn trùng tiểu tiết sẽ tự nhiên biến vào trong cái đại đồng được
nhận thấy mà không cần diễn đạt. Khi ta thuật lại điều đó lần nữa,
chỉ còn là chi tiết trùng lặp mà thôi. Chân nhân lúc đó đã đi làm
công việc của ông ở đâu đó từ lâu rồi.
Nãy giờ tôi phát ngôn chỉ
đơn giản như là một con người. Hẳn tôi cũng đã phải phát ngôn với tư
cách là một tu sĩ và giáo sĩ Công giáo, được nuôi lớn trong một truyền
thống tôn giáo Tây phương nhất định, nhưng với, hy vọng vậy, lòng cầu
thị chính đáng và tinh thần rộng mở trước những truyền thống khác. Một
người như vậy chỉ có thể mạo muội nêu lên những nhận định về Phật
giáo một cách đầy thận trọng, bởi y không thể đoan chắc là mình có tầm
nhìn đáng tin tưởng để nhìn sâu vào những giá trị tinh thần của một
truyền thống mình hãy còn xa lạ. Riêng tôi, có thể mạo muội nói, qua
Bác sĩ Suzuki, Phật giáo cuối cùng đã trở thành hoàn toàn dễ hiểu đối
với tôi, dù trước đó nó đã từng là một mớ hỗn tạp rất bí hiểm
và mê hoặc của những từ ngữ, hình tượng, giáo thuyết, truyền thuyết,
nghi lễ, kiến trúc và nhiều thứ khác. Theo tôi dường như vẻ hoa lệ
văn hóa vĩ đại và gây nhiều ngộ nhận vốn đã từng khoác lên mình những
hình thái đa dạng của Phật giáo ở nhiều miền khác nhau của châu Á,
là bộ y trang diễm lệ phủ lên một cái gì rất mực giản đơn. Những tôn
giáo vĩ đại nhất, thực chất, đều rất đơn giản. Tất cả chúng đều
bảo lưu những dị biệt cốt yếu rất quan trọng, nhưng chắc chắn ở tận
cùng tâm khảm, Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Do thái giáo đều
vô cùng giản dị (dù tôi vẫn có thể nói về vẻ hoa lệ gây nhiều ngộ
nhận) và cuối cùng tất cả đều qui kết về điều đơn giản nhất gây
nhiều ngộ nhận nhất: sự đối diện trực tiếp với Hữu thể Tuyệt đối,
Tình yêu Tuyệt đối, lòng Từ bi Tuyệt đối hay Chân không Tuyệt đối, bằng
sự dấn thân trực tiếp và hoàn toàn tỉnh thức đi vào cuộc sống thường
nhật. Trong Thiên chúa giáo sự đối diện đó có tính chấtử thần học
và cảm tính, thông qua ngôn ngữ và tình yêu. Trong Thiền nó có tính chất
siêu hình và trí năng thông qua tuệ giác và tính không. Tuy thế Thiên chúa
giáo cũng có truyền thống chiêm nghiệm khước từ hay nhận thức bằng
"không biết" trong khi những lời cuối cùng mà tôi nhớ là Bác sĩ
Suzuki thường nói (trước những lời từ giã thông lệ): "Điều quan
trọng nhất chính là Tình yêu!" Phải nói là với tư cách một người
Thiên chúa, tôi đã thật sự rúng động. Thực ra Prajĩa (Trí) và Karuịa
(Bi), theo nhà Phật, chỉ là một; hay Caritas (tình yêu) thực sự là tri thức
cao nhất.
Tôi đã gặp Bác sĩ Suzuki
trong hai lần viếng thăm ngắn ngủi, và không hề cảm thấy mình đã phí
thời giờ mưu tìm những giảng giải trừu tượng, giáo điều về truyền
thống của ông. Trái lại tôi đã cảm thấy mình được tiếp chuyện với
một người thuộc truyền thống hoàn toàn khác với mình, rất chín chắn,
hoàn thiện; một người đã tìm ra con đường của mình. Người ta khó có
thể hiểu Phật giáo nếu không tiếp cận nó bằng phong cách sống thực
này, trong một con người mà trong đó Phật giáo đang thể hiện sinh động.
Cho nên chẳng còn vấn đề hiểu hay không thể hiểu những học thuyết
không thể không nói là ngoại lai đối với một người Tây phương, mà chỉ
có vấn đề nhận chân một giá trị tự nó đã rõ ràng hiển nhiên. Tôi
dám chắc không có một người Tây phương tỉnh thức và thông minh nào lại
không cảm thấy như vậy khi gặp Daisetz Suzuki.
Mặt khác, phẩm chất sống thực
này còn thể hiện rõ trong khối lượng đồ sộ những tác phẩm đã ấn
hành của Bác sĩ Suzuki. Một người lao động năng nỗ, độc đáo và hiệu
quả, được ban cho một đời sống trường thọ và lòng nhiệt tình không
mệt mỏi đối với chủ đề của mình, đã để lại cho chúng ta cả một
thư mục Thiền bằng Anh ngữ. Rất tiếc tôi không được biết các công
trình bằng tiếng Nhật của ông hoặc có thể nói nó là bao nhiêu. Nhưng
những gì chúng ta có bằng tiếng Anh chắc chắn là sự trình bày đầy đủ
và xác thực nhất một truyền thống và kinh nghiệm Á đông chưa từng ai
cung cấp trong điều kiện mà Tây phương có thể tiếp cận. Cái độc đáo
của Bác sĩ Suzuki nằm ở sự trực chỉ mà một nhà tư tưởng Á đông
dùng để truyền thông kinh nghiệm của mình về một truyền thống cổ xưa
và sâu thẳm của Đông phương bằng ngôn ngữ Tây phương. Điều này hoàn
toàn khác với
những bản dịch ít nhiều đáng
tin cậy về các kinh điển Đông phương của các học giả Tây phương vốn
không có kinh nghiệm về những giá trị tinh thần của châu Á, hay ngay cả
kinh nghiệm về những truyền thống châu Á đã được Tây phương thâu nhận.
Một lý do vì sao sự truyền
bá Thiền qua phương Tây của Bác sĩ Suzuki đặc biệt hiệu quả là vì
ông có một khả năng khác thường để chuyển hóa Thiền thành những tổng
thể xác thực thuộc truyền thống huyền bí Tây phương vốn rất gần
gũi với nó. Tôi không rõ Suzuki đã có sự hiểu biết sâu sắc thế nào về
các nhà thần bí Tây phương, nhưng chắc chắn ông đã nghiên cứu kỹ về
Meister Eckhart (tôi muốn mở ngoặc ở đây rằng tôi đồng ý với luận
điểm cuối cùng của ông về Thiền và chủ nghĩa thần bí, trong đó ông
khẳng định Thiền "không phải là chủ nghĩa thần bí" nhằm
tránh vài ý thức mơ hồ tai hại nào đó. Nhưng vấn đề này còn đòi hỏi
nhiều nghiên cứu sâu xa hơn).
Mặc dù Bác sĩ Suzuki đã coi
ý tưởng Tây phương khá hời hợt vào lúc đó về Eckhart như một hiện
tượng độc nhất và hoàn toàn dị giáo, chúng ta phải thừa nhận, với nền
học thuật mới mẻ hơn, rằng Eckhart đại diện cho trường phái chính thống
sâu sắc và rộng rãi lúc bấy giờ trong tư tưởng tôn giáo Tây phương:
đó là quay về với Plotinus và Pseudo-Dionysius Pháp quan Tối cao Pháp viện,
được truyền lại ở Tây phương qua Scotus Erigena và trường phái trung cổ
của Thánh Victor, nhưng cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thầy của
Eckhart, Thánh Thomas Aquinas. Sau khi tiếp xúc với truyền thống tương đối
ít được biết đến này, Suzuki thấy nó đồng điệu nên đã có thể vận
dụng nó. Tôi cảm thấy, như trong cuộc đối thoại nói trên với ông, rằng
ông có khả năng sử dụng ngôn ngữ thần học, mà bằng ngôn ngữ đó sự
Sa đọa của Con người được mô tả, trong Thánh kinh và bởi các Giáo phụ
của Giáo hội, để nêu bật lợi thế tâm lý và tâm linh. Ông nói một
cách thoải mái và hoàn toàn tự nhiên về những hàm ẩn của sự "Sa
đọa" liên quan tới sự vong thân của con người, và ông đã làm thế
cũng với cung cách tự nhiên giản dị như các Cha trong Giáo hội là Thánh
Augustine hay Thánh Gregory ở Nyssa đã làm. Nếu chân lý mà nói được, nó
được nói chung chung rất nhiều trong kiến giải tâm linh và tâm lý của
các Giáo phụ và trong cả tư duy hiện sinh Ky tô giáo được định hướng
một cách phân tâm học của những người như Tillich, vốn chịu ảnh hưởng
nhiều hơn cả những người đã được khai thị trong truyền thống
Augustine. Bác sĩ Suzuki hoàn toàn quen thuộc với môi trường này và ông
hoàn toàn có khả năng nắm vững các biểu tượng truyền thống này. Thực
ra ông quen thuộc chúng còn hơn rất nhiều lý thuyết gia Tây phương. Ông
thấu hiểu và đánh giá cao ngôn ngữ biểu tượng của Thánh kinh và của
các Giáo phụ một cách trực tiếp hơn nhiều người hiện đại chúng ta,
kể cả Công giáo, những người ít nhiều vẫn còn lúng túng với đề tài
này. Toàn bộ thực tại về "Sa đọa" ghi đậm nét trong bản tánh
chúng ta, trong cái Jung gọi là những nguyên hình tượng trưng, và các Giáo
phụ (cũng như những nhà trước tác Kinh thánh) quan tâm đến ý nghĩa hình
mẫu này nhiều hơn là sự Sa đọa như một ‘biến cố lịch sử’. Ngoài
Suzuki còn có nhiều người khác, dù không thuộc Thiên chúa giáo, đã trực
nhận tầm quan trọng của biểu tượng này. Hai tên tuổi dễ nhớ nhất
là Erich Fromm, nhà phân tâm học, và nhà thơ độc đáo ít được biết đến:
Edwin Muir, người dịch Franz Kafka sang Anh ngữ. Tôi không nghĩ Bác sĩ Suzuki
thuộc loại người quan tâm đến việc mình có ‘hiện đại’ hay không.
Một chân nhân không ngôi thứ chẳng bao giờ quan tâm đến những nhãn hiệu
như vậy, vì ông biết không có thời gian nào trừ hiện tại, và rằng
ông biết không thể nắm bắt được quá khứ hay tương lai, mà chỉ có hiện
tại mà thôi.
Có thể nói toàn bộ các tác
phẩm của Bác sĩ Suzuki đều tập trung nhiều về cùng chủ đề này. Thỉnh
thoảng ông mới quay lại và nhìn Thiền qua tiêu điểm văn hóa hay phân
tâm học, hay từ quan điểm của chủ nghia thần bí Cơ đốc (trong Eckhart),
nhưng ngay cả lúc đó ông cũng không thực sự xa rời Thiền sang một lãnh
vực nào khác, không ngay cả một cái nhìn triệt để mới về mục tiêu của
ông. Ông nói rất nhiều về những đề tài như nhau, kể những Thiền thoại
tuyệt vời như nhau, có lẽ bằng những ngôn ngữ tinh tế khác nhau, để
cuối cùng kết luận như nhau: số không bằng vô hạn. Tuy thế không hề
có sự đơn điệu trong các tác phẩm của ông và người ta không cảm thấy
ông lập lại chính mình, bởi thực tế mỗi cuốn sách là một điều hoàn
toàn mới mẻ. Mỗi cuốn sách là cả một trường kinh nghiệm mới. Những
ai trong chúng ta đã từng viết nhiều hẳn có thể ngưỡng mộ phẩm chất
này trong sự nghiệp của Suzuki: tính kiên định đáng phục của nó, tính
nhất thể của nó. Pseudo-Dionysius nói trí tuệ của nhà tu trầm mặc chuyển
dịch trong cái motus orbicularis - tức cái chuyển động lượn vòng, như sự
lượn vòng của con diều hâu bên trên con mồi vô hình nào đó, hay sự
xoay vần của một hành tinh quanh một mặt trời không thấy được. Sự
nghiệp của Bác sĩ Suzuki quả là chứng nhân của sự vận hành câm lặng
của prajĩa vốn là (theo ngôn ngữ của cùng truyền thống Tây phương
Areopagite và Erigena) một "vòng tuần hoàn mà chu vi của nó không ở đâu
và tâm của nó ở mọi chỗ." Còn lại chúng ta du hành trong đường
bay tuyến tính. Chúng ta tiến xa, đạt đến những vị trí tít mù, từ bỏ
chúng, chiến đấu và rồi ngỡ ngàng vì sao chúng ta lại khích động đến
vậy, dựng nên những hệ thống rồi vứt bỏ đi, rồi lại lang thang cùng
trời cuối đất mưu tìm một cái gì mới hơn. Bác sĩ Suzuki ở ngay nơi
ông ở, trong cõi Thiền của ông, và tìm thấy điều mới mẻ bất tận
trong từng cuốn sách mới. Chắc chắn đây là biểu thị của một tặng vật
tuyệt trần, một phẩm chất đặc biệt của thiên tài.
Trong bất kỳ trường hợp nào,
sự nghiệp của Suzuki đối với chúng ta vẫn như là một tặng phẩm vĩ
đại, như là một trong những thành tựu tinh thần và trí tuệ vô song của
thời đại. Đối với chúng ta, điều quý hơn hết chính là cung cách xích
lại giữa Đông và Tây, đưa Nhật bản và Hoa kỳ đến chỗ hòa hợp
trên bình diện sâu xa giữa lúc mà mọi thứ dường như chỉ nhằm nuôi dưỡng
mâu thuẩn, chia rẽ, thiếu cảm thông, hiểu nhầm lẫn, và chiến tranh. Thời
đại chúng ta không luôn luôn có nhiều công trình về hòa bình. Chúng ta
có thể tự hào về một con người đương đại đã dâng hiến trọn đời
mình cho những công trình đó, và đã hoàn thành một cách mỹ mãn.
T.M.
CHARLES A. MOORE
SUZUKI: CON NGƯỜI
VÀ HỌC GIẢ
Thành quả của Bác sĩ Suzuki trong lĩnh
vực hàn lâm thật đồ sộ. Nói về đời ông trên lĩnh vực này là không
cần thiết, cũng như bất cứ nhận định hay đánh giá nào về những
thành quả và đóng góp to lớn này của ông đều là khập khiểng.
Những đóng góp của ông cho học
thuật tuy vậy, thật ra chưa phải là điều có ý nghĩa nhất trong sự nghiệp
của đời ông. Những đóng góp của ông cho sự thông cảm của thế giới,
và nhất là cho sự cảm thông lẫn nhau giữa các dân tộc ở phương Đông
và các dân tộc phương Tây, tuy kỳ vĩ nhưng thường chưa được đánh
giá đúng mức. Niềm hâm mộ Thiền tông ngày nay phần lớn nhờ vào những
trước thuật phong phú và đặc sắc của Bác sĩ Suzuki về chủ đề đó,
lại dẫn đến sự xao lãng hay thậm chí quên mất khối lượng hoạt động
khôn kể của ông trong suốt cuộc đời học giả trải gần 70 năm chuyên
chú vào việc phát triển sự cảm thông giữa Đông và Tây.
Ông là một trong số rất ít
nhà tư tưởng Đông phương thật sự hiểu Tây phương; và ông cũng là một
trong số rất ít người Đông phương có thể giải thích Tây phương cho Đông
phương mà không xâm hại đến tinh thần phương Tây - tư tưởng, triết học,
và tôn giáo Tây phương. Sự giải thích đa diện của ông về Đông phương
cho người Tây phương thật lừng danh và rất có ý nghĩa. Chúng ta không
được lãng quên giá trị của những đóng góp vô kể của con người này
cho việc hiểu nhau của nhân loại. Những ai trong chúng ta ngày nay đang bị
ngự trị bởi cùng một mối quan tâm này, cùng mối quan tâm hai mặt là
làm phát triển một cách tích cực sự cảm thông và làm hủy diệt một
cách tiêu cực sự hiểu nhầm, thảy đều mang một món nợ ân nghĩa rất
lớn đối với Bác sĩ Suzuki vì sự nghiệp tiên phong và trường cửu này
của ông dành cho sự cảm thông. Chúng ta cũng có thể thẳng thắn cân nhắc
xem liệu khối lượng đồ sộ các công trình hiện đang được nghiên cứu
trong cùng chiều hướng đó có bắt rễ được chăng nếu không nhờ sự
gieo trồng hạt giống từ đây và sự phát triển hạt giống đó cho đến
khi nở hoa trọn vẹn.
Trước khi trở lại khía cạnh
trí thức trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ Suzuki ở cuối bài
này, chúng ta hãy nhìn qua một Suzuki con người, một cá nhân, một bạn hữu,
vì đây chính là khía cạnh dường như chưa được hiểu rõ hay đánh giá
đúng của nhân cách vĩ đại này - bởi vì tất cả mọi điều về ông một
lần nữa bị mất hút trong ý tưởng đơn nhất về sự giảng thuật Thiền
của ông. Thật là bi kịch - bởi vì người này là một con người dị
thường với tất cả mọi phẩm chất của sự vĩ đại và không một khuyết
điểm nào. Với tình bạn thâm giao trong gần 27 năm, người ta thật sự bị
chinh phục bởi sự ân cần, từ ái, sự hợp tác, thân hữu, và sự nồng
nhiệt trong nhân cách của con người vĩ đại này.
Một phẩm chất nổi trội nơi
con người vĩ đại này, cái phẩm chất định hình tính cách của mọi vĩ
nhân thật sự, tuy thế, lại thường bị quên lãng. Đó là tính khiêm tốn.
Tự cao tự đại và ích kỷ là những khái niệm xa lạ đối với ông. Tất
nhiên ông hẳn phải tự hào về những thành quả của mình; ai cũng vậy.
Nhưng tự hào vì kiêu mạn thì hoàn toàn tuyệt tích nơi tính cách con người
này. Hiển nhiên Bác sĩ Suzuki nghĩ về đời mình là một cuộc đời làm
việc. Ông là một con người dâng hiến. Ông làm việc miệt mài. Chỉ có
sự an tịnh phi thường của tâm thức mới có thể làm cho con người không
biết mệt mỏi này kiên trì rất lâu dài như vậy, rất tích cực như vậy
và rất hiệu quả như vậy, dưới những căng thẳng rất hao tổn tâm lực
đối với bất cứ người cao tuổi nào.
Đó là những tính cách chung,
dĩ nhiên, nhưng chúng cho thấy những khía cạnh thú vị về con người vĩ
đại đang được vinh danh trong số tập san Người Phật tử phương Đông
này. Nhưng thêm vài thông tin cá nhân - những tiểu tiết - cũng có thể rất
thú vị. Chúng không nhất thiết vén mở một cái gì có ý nghĩa về Bác sĩ
Suzuki nhà tư tưởng đúng như mẫu người mà mọi người khắp thế giới
biết về ông, nhưng chúng cho thấy, hơn bất cứ tính cách chung nào, sự
ân cần, tử tế, độ lượng của Suzuki con người.
Câu chuyện tâm đắc của tôi
liên quan đến việc ông tới Honolulu dự Nghị hội Triết gia Đông-Tây lần
thứ tư, vào năm 1964. Các quan chức hàng không lúc ấy được lưu lý trước
rằng một triết gia Nhật lỗi lạc, người đã trên 90 tuổi, sẽ đến trên
một chuyến bay. Tưởng là đón một ông già lụ khụ chắc sẽ không thể
tự xoay sở đi từ máy bay đến chỗ các bạn bè đang chờ đợi, các
nhân viên hàng không đã cho đặt ngay chân cầu thang máy bay một chiếc xe
lăn. Bác sĩ Suzuki là một ông già, hiển nhiên, nhưng không phải là bất lực.
Ông không cần một chiếc xe lăn. Tuy nhiên, nhạy bén trước tình thế ấy
và cảm kích sự chu đáo dành cho mình, trong tích tắc ông quyết định chấp
nhận sự ưu đãi để ngồi lên xe lăn và được đẩy vào phòng khách của
phi trường với tất cả vẻ đường bệ của một người bất lực. Những
ai chứng kiến cảnh tượng này đều nhận thấy tinh thần của ông hiển
lộ qua hành động đó, việc chấp nhận sự ưu đãi một cách có ý thức
của ông dù ông không cần đến, và sự mãn nguyện thấy rõ mà ông đã
đem lại cho các tiếp viên khi họ tưởng là đã thực sự giúp đỡ ông.
Một tình huống hơi khôi hài, vâng, nhưng cũng đầy cảm động.
Một tình tiết thú vị khác,
nghiêm túc hơn, diễn ra trong một hội thảo của Nghị hội Triết gia Đông
- Tây lần 3 năm 1959. Một thành viên của hội thảo vốn là người Ki-tô
triệt để đã tỏ ra xao động khi Thiền không chịu suy nghĩ một cách
nghiêm túc về sự chết và định mệnh của con người, cũng như số phận
của nó sau khi chết. Ông ta đã lưu ý Bác sĩ Suzuki rằng chính ông - Suzuki
- cũng không thể phân biệt sự khác nhau giữa sống và chết. Bác sĩ
Suzuki đã giản dị đáp: "Ồ, sống và chết, như nhau thôi!" Người
chất vấn chưa thỏa mãn, nhưng các thành viên còn lại đều cảm nhận sâu
sắc và hài lòng - và có lẽ họ còn ngộ ra một điều gì đó. Đây quả
là một ví dụ "hoa mỹ" về trí tuệ Thiền và tính trào lộng của
Bác sĩ Suzuki.
Một chuyện vui khác, tuy vẫn
nghiêm túc, tái diễn đến ba lần trong suốt thời kỳ những cuộc Hội thảo
các Triết gia Đông - Tây mà lần nào Bác sĩ Suzuki cũng hứa sẽ trở lại
vào lần sau - dù không ai đang hiện diện thực sự tin ông có thể trở lại.
Với tư cách cá nhân tôi đã thông báo trước thính giả quá đông đảo
đang tham dự buổi thuyết trình trước công chúng của ông năm 1964 rằng
ông sẽ trở lại đây năm 1969, dù lúc đó ông đã gần 100 tuổi. Đáp lại
là sự hoan nghinh nhiệt liệt dành cho con người can đảm có tinh thần bất
khuất này - không cam chịu ngay cả kết thúc không tránh khỏi của con người.
Bất hạnh thay, ông đã không thể thực hiện ý định đó, nhưng lòng can
đảm, cả quyết, và tinh thần lạc quan của người đã nhận thấy những
cuộc hội thảo ấy rất có giá trị mà ông cần phải tham dự đã được
thính giả hôm đó ghi nhận một cách sâu sắc. Thật rúng động.
Một điển hình về lòng tốt
của ông được thể hiện trong thời gian Nghị hội Triết gia Đông - Tây
lần thứ nhất, vào năm 1939. Ông đã nhận lờitham dự của Viện Đại học
Hawaii- và hiển nhiên sự tham dự của ông có ý nghĩa đặc biệt đối với
Hội thảo. Tuy nhiên lúc đó vợ ông lâm trọng bịnh và lẽ đương nhiên
mọi kế hoạch của ông buộc phải hủy bỏ. Vậy mà, ý thức rằng cuộc
hội thảo cần đến sự đóng góp của mình, ông vẫn "hiện diện"
bất chấp những khó khăn và trở ngại đang có. Ông đã viết bản tham luận
và gởi đến hội nghị - một cử chỉ hợp tác đầy lịch thiệp và rất
điển hình. Nó được coi là một trong những tiểu luận về Thiền đặc
sắc nhất của ông. (Hồ sơ lưu của Hội thảo năm đó: Triết học - Đông
và Tây)
Có nhiều chuyện kể về tính
cách thâm trầm sâu sắc của con người vĩ đại này, người không bao giờ
đắm chìm trong triết lý cũng như lĩnh vực hàn lâm đến mức đánh mất
phong cách cá nhân của mình. Một câu chuyện về lòng nhiệt tình liên quan
đến "hiệp ước" mà Bác sĩ Gregg M. Sinclair, Viện trưởng Danh dự
Viện Đại học Hawaii, và Bác sĩ Suzuki đã ký kết trong Hội thảo các Triết
gia Đông-Tây 1964, cả hai hứa sẽ gặp lại nhau ở Kamakura (Liêm thương)
để mừng sinh nhật bách niên của Bác sĩ Suzuki. Tình thân nồng nhiệt hữu
giữa hai con người xuất chúng này - hai nhà hoạt động trường kỳ cho sự
thông hiểu Đông Tây - hẳn sẽ tuyệt vời biết bao trong một dịp gặp gỡ
như vậy, nhưng tiếc thay, điều đó không bao giờ xảy ra.
Cũng có thể kể lại một chi
tiết hơi cá nhân. Năm 1963, với tư cách Chủ tịch của Nghị hội, tôi
có dịp viếng thăm Nhật Bản, Trung Quốc, và Ấn Độ, để thảo luận
trước với các thành viên của Nghị hội Triết gia Đông-Tây sắp tới
vào năm 1964 về lĩnh vực riêng của từng người trong chương trình nghị
sự, và bản tham luận mà mỗi người sẽ trình bày trước hội nghị. Tôi
thật hân hạnh được dự cái mà tôi tạm gọi là "buổi tiệc
tempura". Đồ ăn và thức uống đều tuyệt hảo, nhưng còn tuyệt hơn
là sự hiện diện của một vĩ nhân mà tôi có vinh dự gọi là bạn thân.
Ông đã "cầm cự" với tất cả chúng tôi trong nhiều "phương
diện" khác nhau, khiến cho mọi người hiện diện đều rất thích
thú. Không ai ngờ đó là một ông già 90 tuổi. Ông vẫn còn trẻ - đầy
năng lực và nhiệt tình - ung dung thoải mái trong nhóm bạn hữu và các học
giả thân quen - bất chấp tuổi tác!
Ta hãy điểm qua khía cạnh học
thuật và hàn lâm của Bác sĩ Suzuki, không phải trong ý nghĩa chuyên môn,
mà là một cố gắng ghi nhận những hoàn cảnh in bóng con người đằng
sau sự nghiệp của ông.
Rất thường khi tất cả phản
ứng trước những tác phẩm của Bác sĩ Suzuki là tâm trạng hoang mang,
không lĩnh hội được. Và cũng thường khi sự không hiểu này dẫn đến
những bình phẩm rằng sách ông viết tối nghĩa, và nói theo ngôn ngữ của
những nhà tư tưởng vốn không thể hay sẽ không bao giờ hiểu, nó gợi
lên những bình phẩm bôi bác chẳng hạn như, nói theo lời một triết gia
Tây phương nổi tiếng: "Vô nghĩa!" Một trường hợp như vậy không
phản ánh con người Suzuki mà phản ánh, nơi những người không lãnh hội
được, sự thiếu tâm hồn cởi mở và có lẽ thiếu cả chiều sâu để
thông hiểu bất cứ điều gì nếu đó không là những ý tưởng quen thuộc
của họ.
Ngược lại, cho phép tôi
trích dẫn nhận xét của nhà Hán học lỗi lạc E. R. Hughes, người đã đọc
tham luận tại Nghị hội Triết gia Đông Tây năm 1949, tiếp theo buổi hội
thảo mà Bác sĩ Suzuki đã trình bày bản tham luận có nhan đề "Lý
tính và Trực giác trong Phật giáo" của ông. Bác sĩ Huges nói:
"Không ai đã nghe tham luận của Bác sĩ Suzuki mà không có ấn tượng rằng
ông đã trình bày quan điểm của mình một cách trọn vẹn và chính xác đến
tỉ mỉ. Từ nhãn quan của người ngoài cuộc, dòng tư tưởng của ngài
Suzuki có thể so sánh với sự điêu luyện của việc đi trên dây.
Riêng tôi, ngài Suzuki bằng sức mạnh mới đã giúp tôi hiểu điều mà đối
với tôi là một sự kiện hiển nhiên của lịch sử, theo đó con người
không thể miễn trừ triết lý, và quan tâm hàng đầu của triết lý là chủ
nghĩa phê bình, phê bình ngoại diện, phê bình tư tưởng, phê bình ngôn ngữ;
và, do vậy, một triết gia từ đầu tới cuối phải ứng xử với những
nghịch lý mà một số có thể là bất khả lý giải một cách rất con người."
Bất cứ
ai đã đọc sách của Suzuki với
sự hiểu biết sâu sắc và với ý hướng chân thành đều có ấn tượng
về "tính hoàn thiện và chính xác nghiêm cách" mà ông luôn tự thể
hiện - với cả sự chân tình của con người.
Sự chân tình này cũng từng
được minh họa trong kỳ Hội nghị các Triết gia Đông Tây năm 1964. Lúc
ấy Bác sĩ Suzuki đọc bài tham luận uyên bác trước công chúng - một lần
nữa lại tràn ngập thính giả - về địa vị của nhân cách cá biệt
trong Thiền. Vì bài diễn văn của ông, cũng như các bài khác trong loạt đề
tài, được truyền hình và do đó cần phải giới hạn trong độ dài
chính xác một giờ, Bác sĩ Suzuki thật ra không có đủ thời gian để trình
bày chủ đề này một cách trọn vẹn. Một học giả thiếu cần mẫn sẽ
để mặc không bận tâm - miễn ông làm xong nhiệm vụ. Nhưng Bác sĩ Suzuki
thì không. Ông đã tự nguyện đề nghị trình bày thêm trong "giờ uống
cà phê" đặc biệt dành cho các thành viên của Hội nghị (không trước
công chúng), như vậy mới đầy đủ và ông có thể thuyết minh thêm về
các khía cạnh chuyên sâu của đề tài. Thật là một cử chỉ rộng lượng.
Mà cũng là một kinh nghiệm đáng ghi nhận cho tất cả những ai có liên
quan. Bác sĩ Suzuki bàn sâu vào các lĩnh vực chuyên môn của Thiền với sự
trong sáng rõ ràng đáng ngạc nhiên và tận tâm đến mức người hoài nghi
nhất trong cử tọa cũng bị cuốn hút vào đỉnh cao thưởng ngoạn triết
lý hiếm thấy nơi tác giả này. Đó là một thắng lợi về nhân cách lẫn
triết học của con người đã dùng hết cách - dù có thể kiệt quệ - để
mang đến cho các nhà nghiên cứu trong hội nghị trọn vẹn lợi ích của
những tác dụng tinh thần của triết học vốn có ý nghĩa vô cùng đối với
ông và, với tấm lòng tận tụy của ông, cũng có ý nghĩa như thế với các
học giả khác.
Mọi vĩ nhân, dù ở trong hay
ngoài lĩnh vực học thuật, đều là đối tượng của phê bình. Có những
người vạch lá tìm sâu trong việc trình bày Thiền của Bác sĩ Suzuki với
lập luận rằng cách ông chú trọng một vài khía cạnh, nhất là những
khuynh hướng phản lý của nó, mà xem nhẹ một số những thực hành liên
hệ, nhất là tọa Thiền (zazen). Hiển nhiên cũng có những sự phê bình
thiển cận, đòi hỏi học giả nào cũng phải quán thông mọi khía cạnh của
mỗi đề tài mà ông quan tâm. Thay vì vậy, Suzuki chắc chắn cảm thấy rằng
khía cạnh Thiền mà ông đang giới thiệu là cốt lõi của đề tài và có
ý nghĩa nhất, đặc biệt đối với những người phương Tây. Với họ,
ông cố gắng giải thích cái ông nghĩ là nền tảng của tâm thức Đông
phương xét trên tổng thể - tương phản với tâm thức Tây phương xét
trên tổng thể. Ông đã hoàn thành công việc này một cách xuất sắc và
hoàn thiện.
Cũng có người nói đến
"Thiền của Suzuki", ngụ ý loại Thiền mà ông mô tả không phải
là Thiền chính thống mà chỉ là sự diễn giải cá nhân của Suzuki và do
đó còn khiếm khuyết nhiều. Họ đã phớt lờ khối lượng đồ sộ các
tác phẩm căn bản của Thiền Trung Hoa (Ch’an) và Thiền Nhật Bản (Zen) chứa
đựng đầy sự kiện, văn bản, và tư liệu trình, đặc biệt là bộ ba
quyển Thiền luận (Essays) của ông. Gọi đó là "Thiền của
Suzuki" rõ ràng là phi lý.
Tuy nhiên, còn có một cách
khác để xem xét hiện trạng này, nhất là với những tác phẩm sau này của
Suzuki. Chúng bộc lộ hai sự kiện căn bản và rất giá trị. Thứ nhất,
Suzuki có tinh thần phóng khoáng đủ để không bị khống chế bởi sự định
hình từ chương, điển cố, và chuẩn mực của Thiền, mà đủ để đối
mặt với sự nghiên cứu và giải thích Thiền với tính sáng tạo của một
học giả chân chính. Thứ hai và vấn đề quan trọng hơn - ít được chú
ý - là Suzuki trong những năm cuối đời không chỉ là một báo cáo viên của
Thiền, không chỉ là diễn giải viên, mà là một cộng sự quan trọng cho
sự phát triển Thiền và làm cho nó phong phú. Suzuki chắc chắn đã đưa vào
Thiền vài kiến giải nào đó của riêng ông. Ông đưa thêm vào những
khái niệm xem ra không tương hợp với những tác phẩm ban đầu và với
cái có thể được coi là Thiền nguyên thủy - dù đó là Thiền gì! Đó
không phải là học vấn cạn cợt. Thay vì vậy, nên xem xét nó trong ánh
sáng của toàn bộ truyền thống triết học Đông phương, nơi
mà, qua bao thế hệ, các triết
gia nối tiếp nhau đã đưa những tư tưởng độc đáo và sáng tạo của họ
vào quan điểm truyền thống, đóng góp cho sự phong phú của nó, ý nghĩa
uyên áo của nó, và sự phát triển chính thống vượt khỏi tầm diễn đạt
thuần túy truyền thống. Về cuối đời, Suzuki đã viết nhiều về cái
được gọi là "Thiền của Suzuki" mà một độc giả có đầu óc
từ chương không muốn thấy cho lắm, nhưng điều đó chỉ phát huy những
tiềm năng phong phú hơn của Thiền và, nói theo kiểu triết lý, điều này
cũng tốt thôi. Một con người vĩ đại, một học giả lớn, không chỉ
đơn thuần lặp lại quá khứ; họ phát triển và làm phong phú quá khứ bằng
những kiến giải mới của thiên tài của họ.
Cũng có người không ngớt nhắc
nhở chúng ta rằng Suzuki không phải là một Thiền sư, làm như điều này
sẽ tự nhiên giảm đi sự tinh thuần trong sự nghiệp của ông. Việc làm
này, giỏi lắm, cũng chỉ là sự phê bình vặt vãnh mà ta nên bỏ qua. Những
người biết rõ thực tế chắc chắn sẽ phớt lờ nó. Suzuki đã thành tựu
giác ngộ, ông đã kinh nghiệm satori, là một sự kiện lịch sử rõ ràng.
Người ta nói, cho tới những ngày cuối đời, ông vẫn hành lễ tại ngôi
chùa nơi mà sự chúng đắc vĩ đại này đã xảy ra. Nhưng, còn hơn thế,
Suzuki chưa bao giờ tuyên bố ông là một Thiền sư. Ông tự nhận mình là
một nhà nghiên cứu Thiền - và chắc chắn ông là nhà nghiên cứu xuất sắc.
Một học giả đaõ dành trọn đời mình để nghiên cứu một triết lý
hay một nhân sinh quan có thể phát ngôn với thẩm quyền xem ra như ngụ ý
khoác lấy một loại thẩm quyền có thể ông không có. Suzuki là một người
có thẩm quyền về Thiền. Có lẽ ông là người có kiến thức sâu sắc
uyên thâm nhất trong suốt lịch sử Thiền tông. Nhưng
Suzuki còn là một người khiêm tốn.
Ông không bao giờ khoa đại về mình; là một học viên và một học giả,
và chắc chắn ông là thế ấy, vượt ngoài mọi thành tựu của bất cứ
ai trong lĩnh vực này. (Thử nghĩ xem Thiền có ý nghĩa gì đối với thế
giới - Đông và Tây - nếu không có công trình vàthành quả to lớn của
Suzuki.)
Cho phép tôi đề cập thêm lần
nữa một kinh nghiệm có phần cá biệt. Đó là niềm hãnh diện tôi từng
trải qua, cùng với mọi người ở viện Đại học Hawaii, từ Viện trưởng
cho tới các sinh viên, khi Bác sĩ Suzuki, cùng với Bác sĩ S. Radhakrishnan và
Bác sĩ Hồ Thích, được chính thức trao Học vị Danh dự trong một buổi
lễ trang trọng bất thường nhất trong kỳ Hội nghị các triết gia Đông-Tây
năm 1959. Đây là những bộ óc xuất sắc vĩ đại nhất của ba truyền thống
lớn ở châu Á. Một kinh nghiệm đầy gợi hứng cho mọi người. Niềm hãnh
diện mà chúng tôi, những người ở viện Đại học Hawaii dự phần vào
việc tôn vinhSuzuki, đã cảm nhận, càng gia tăng bội phần bởi sự kiện
- oái oăm thay - rằng Đại học Hawaii (theo tôi biết) là viện Đại học Tây
phương duy nhất tôn vinh con người vĩ đại này, học giả vĩ đại, và
là biện hộ sỹ tối cao cho giao ngộ Đông Tây, trong
hình thức duy nhất mà các viện
Đại học có thể tôn vinh những người có thành tích to lớn như vậy - tấm
bằng Học vị Danh dự. Chúng tôi ở viện Đại học Hawaii cảm thấy chính
mình được tôn vinh khi tôn vinh ông.
Để kết luận, tôi muốn
thêm một lời về Suzuki và Hawaii. Có rất nhiều nhân vật vĩ đại - các
chính khách, các ông trùm công nghiệp, các nhà lãnh đạo tôn giáo - đã đến
Hawaii và nhận được nơi đây lòng hiếu khách nổi tiếng của nó. Lòng
hiếu khách chân thành và luôn tràn đầy. Nhưng chưa có vị khách nào của
Hawaii đi vào lòng Hawaii sâu đậm như Suzuki. Ông đã viếng thăm Hawaii nhiều
lần. Ông luôn dành thời gian và tài năng của mình cho nó một cách hào
phóng. Và người dân Hawaii - các học giả ở Hội nghị, hàng ngàn công
chúng chờ nghe diễn văn của ông, những người tìm thấy nơi ông lời
khuyên hay sự giúp đỡ, các sinh viên, các hội đồng khoa, và hàng trăm Phật
tử - tất cả đều tôn sùng ông. Tôn trọng, ngưỡng mộ, ngay cả sùng
kính cũng chưa đủ. Tất cả chúng tôi đều yêu quý con người này - và
chúng ta nghĩ ông cũng thích chúng ta, và chính điều này thêm nhiều ý nghĩa
cho sự mất mát lớn lao vì sự ra đi của ông.
C. A. M.
SIR HERBERT READ
SUZUKI: THIỀN VÀ
NGHỆ THUẬT
Trong tất cả các tôn giáo, Phật giáo
Thiền tông là một tôn giáo rèn luyện một cách đặc trưng nhất những
tiềm năng thẩm mỹ, vì thế, nó là một tôn giáo thu hút sự quan tâm của
nghệ si khắp nơi, kể cả thế giới Tây phương. Hầu hết mọi người Tây
phương đều nhờ Bác sĩ Daisetz Suzuki mà hiểu tinh thần Thiền trong nghệ
thuật, và chính ông hơn bất cứ ai khác đã thành công khi lý giải tại
sao đạo Phật Thiền, xét như một triết lý tôn giáo và tâm linh, dường
như lại thích hợp vô cùng với thế giới nghệ thuật Tây phương. Ít cóữ
nhà tư tưởng phương Tây về nghệ thuật có thể tự cho là có hiểu biết
thiết cốt về tôn giáo này mà bản thân vốn là một thứ kỹ luật tinh
thần. Riêng tôi tìm thấy nơi Thiền sức mạnh tăng cường cho vài thị kiến
nhìn sâu vào bản chất của nghệ thuật và của hoạt động sáng tạo vốn
dĩ không phải xa lạ trong lịch sử nghệ thuật Tây phương, nhưng lại là
cái ở phương Tây chưa từng là thành phần của một nền triết học tổng
quan về đời sống, chưa từng dự phần vào một truyền thống nhất
quán. Plato, Boehme, Goethe, Schiller, Schelling, Novalis, Wordsworth, Blake, Hopkins,
Simone Weil - tất cả họ và những người khác nữa đã diễn đạt những
tình cảm vốn hoàn toàn phù hợp với học thuyết Thiền, nhưng họ đã
phát biểu trong tư cách cá nhân và nghệ sĩ, và không hề có ý thức là
đang cống hiến cho một truyền thống chung.
Những người có thẩm quyền
đồng ý rằng Thiền, trước tiên và trên hết, là kỹ luật hơn là học
thuyết, hay ít nhất, những thị kiến căn bản đặc trưng của một Thiền
sư chỉ có như là kết quả của kỹ luật. Các tôn giáo khác - có lẽ hầu
hết các tôn giáo đều có giáo luật riêng, có giai đoạn dài nhập môn
hay rèn luyện tâm linh; nhưng kỹ luật Thiền được đặc trưng bằng một
số hành trì và những hành trì này nối thẳng Thiền với kỹ luật của
các môn nghệ thuật. Dĩ nhiên, người ta có thể nói (như BS Suzuki đã từng
nói) lý do tại sao có nhiều Thiền sư cũng là nghệ sĩ chính vì sự rèn
luyện tâm linh của họ không tránh khỏi khơi dậy nơi họ những bản
năng nghệ thuật. Họ tự nhiên thành nghệ sĩ, và cũng vì loại giác ngộ
mà họ truy tầm chỉ có thể đạt được khi nhìn thấy thế giới này như
một chuỗi những cá biệt cụ thể - bằng dự tri có tính cách vật lý,
như Whitehead đã nói, về những thực thể hiện tồn. Sự dự tri này về
thực tại trong hiện thực tính của nó chắc chắn là điều họa sĩ Cézanne
muốn nói là "sự nghiên cứu cụ thể về thiên nhiên", mang
"hình dáng cụ thể cho cảm giác và tri giác", và thành công của
ông là kết quả của một kỹ luật thị giác, một sự rèn luyện đôi mắt
hầu tránh những trừu tượng hóa của tinh thần hay tri thức, giúp cho cảm
giác của ông khi đứng trước thiên nhiên có thể ‘nhận chân’ nó trong
tận cùng hiện thực tính và cụ thể tính của các cảm giác ấy. Bác sĩ
Suzuki nói rằng, "thế giới của nghệ sĩ là thế giới của sáng tạo
tự do", đó là sự khái quát hóa nguy hiểm; nhưng liền sau đó ông
thêm: "điều này chỉ có thể đến từ những trực giác trực tiếp
và tức thời khởi lên từ hiện thực tính vạn vật, không bị cản ngại
bởi giác quan hay trí năng". Nghệ si "sáng tạo nên hình và tiếng
từ cái không hình và không tiếng", về phương diện này, Suzuki nói,
thế giới của nghệ sĩ trùng hợp với thế giới của Thiền.
Nhưng làm sao người nghệ sĩ
sáng tạo hình và tiếng mà ‘không bị cản ngại bởi giác quan và trí năng’?
Tính cụ thể quả thật là một phẩm tính đã được gạn lọc đi tất cả
những cặn bã của tri thứcỢ thoát khỏi những phức tạp trí năng và những
câu nệ luân lý trong mọi sự mô tả’, nhưng nghệ sĩ, khác với Thiền
giả, phải dự cảm tính cụ thể bằng giác quan của mình. Thiền không hề
cần đến ‘ngoại giới’, còn nghệ thuật là một tiến trình ngoại giới
hóa, hay vật thể hóa. Một bên là Thiền sư có thể hài lòng mà phác họa...
lên trên khung vải vô biên của thời gian và không gian giống như một đàn
nhạn đang bay in bóng trên mặt nước mà không hề lưu tâm, và mặt nước
lung linh bóng hình đàn nhạn một cách tự nhiên như nhiên’, thì bên kia
người nghệ sĩ (gác qua một bên một vài tinh xảo kiểu Croce) phải mượn
sự diễn đạt của chất liệu để nói lên những trực giác của mình,
mà điều này chỉ có thể thực hiện thông qua các giác quan.
Tuy nhiên, về vấn đề này, hẳn
phải có cách nhìn nào đó có thể loại trừ tiến trình sinh lý học tự
nhiên của cảm tính. Tâm lý học hiện nay về nghệ thuật đã phát triển
khái niệm thấu cảm (Einfuhlung), và ngày càng dựa trên đó để lý giải
những giá trị thẩm mỹ. Có nhiều định nghĩa về thấu cảm, khác nhau
theo mức độ tinh vi và phức tạp, nhưng tựu chung đều là sự đồng nhất
hóa tâm (tinh thần) và vật (hình thái). Tâm tùy thuận vật (khi chúng ta dự
cảm tác phẩm nghệ thuật trong tính cụ thể của nó) và vật tùy thuận
tâm (khi người nghệ sĩ nhào nặn hình thể cho tới lúc nó nhận được một
cách chính xác dấu ấn của tinh thần). Có nhiều Thiền thoại minh họa tiến
trình biện chứng này - như câu chuyện nổitiếng về một nghệ sĩ nuôi
ý định vẽ một cành trúc trong mười năm trời, đã nhập thân thành
trúc, cuối cùng quên mất trúc khi vẽ một cành trúc. Trong triết lý nhà
Thiền, điều này được gọi là ‘nhịp hòa điệu của tâm’, ngụ ý muốn
nói tâm tự đồng hóa một cách vô thức với sự phát triển hữu cơ và
hình thể của trúc. Nghệ sĩ lúc ấy vẽ trúc với tính tất yếu hữu cơ,
có nghĩa là, một cách tự nhiên, với cái ‘tâm bình thường’.
Nhưng trong mối liên hệ này
"tinh thần" có ý nghĩa gì? Đó là một từ ngữ có thể được các
triết gia về tôn giáo sử dụng một cách tùy tiện và khinh xuất, nhưng
những ai đang đối mặt trước những thực thể hiện hành của nghệ thuật
hẳn sẽ e dè trước tính mơ hồ mông lung của nó. Mỹ học là biện chứng
pháp của hình thể và tình cảm, mà tình cảm không hề đồng nhất với
tinh thần, mặc dù tinh thần thì có lẽ có thể đồng nhất với xúc cảm.
Sự phân biệt giữa tình cảm và xúc cảm có lẽ chưa từng được định
hình một cách rạch ròi và đương nhiên chưa có ranh giới nào cụ thể;
nhưng người ta có khuynh hướng xem tình cảm là một chức năng tâm lý căn
bản, một tiến trình diễn ra giữa cái bản ngã và một nội dung cho sẵn,
và truyền cho nội dung ấy một giá trị xác định hiểu theo nghĩa là chấp
nhận hay chối bỏ (định nghĩa của Jung), trong khi xúc cảm nhìn chung là một
hoạt động tâm thần toàn diện, "một mẫu chung của linh hồn, được
đặc trưng một mặt bằng sự cảm giác vận động thân thể có thể cảm
nhận và mặt khác là sự nhiễu loạn đặc thù của quá trình ý niệm
hóa." Người ta đã từng nói: "chúng ta có cảm giác, và cảm xúc
có chúng ta". Đối với tâm tính thời mông muội, như Jung vạch rõ,
"một người bị khống chế bởi xúc cảm mãnh liệt là người bị ma
quỷ ám". Cảm xúc trong ý nghĩa này đã trở thành độc lập, bứt khỏi
đẳng trật của ý thức. "Do đó, không có gì lạ là, tâm tính thời
mông muội nhìn thấy trong đó hoạt động của một hữu thể vô hình xa lạ,
một hồn ma (tinh thần). Tinh thần hay hồn ma ở đây là sự phản ảnh của
một cảm tính độc lập, giải thích tại sao người xưa gọi một cách
thích đáng những tinh thần là những hình bóng - hồn ma bóng quế."
Như vậy, có vẻ như khái niệm
nghệ thuật của Thiền gần gũi với xúc cảm hơn tình cảm, và khi Jung
xác quyết thêm rằng xúc cảm bắt nguồn từ một vài mẫu hình thức (mà
ông đặt tên là archetypes: những ý tượng nguyên thủy hay nguyên tượng),
vốn tối cổ, có tính tập thể, phổ quát và rất nhạy cảm đến nỗi làm
phát sinh "một sự biến dạng ý thức mà Janet gọi là hạ thấp bình
diện tâm lý", lúc đó chúng ta có cảm tưởng đã đạt được cái tương
tự như trạng thái ý thức được nâng cao mà các Thiền giả sơ cơ Nhật
Bản gọi là Satori, ngộ. Jung, trong cuốn Minh giải Thiên nhiên và Tâm thần
(ngay cái đề sách cũng gợi ý Thiền), đã nêu lên mối quan hệ giữa sự
hạ thấp bình diện tâm lý này với những hiện tượng cận tâm lý học
(hay tiền tâm lý học, parapsychological). Cảm xúc do vậy có thể được định
nghĩa như một trạng thái vô thức tương đối, là nơi diễn ra sự hoán
đổi gần như ma thuật trong tương quan chủ thể - khách thể. Một "mẫu
bản năng" của hình ảnh nổi lên. Những hình ảnh này không
có nền tảng trong tri giác trực
tiếp. Dường như trong vô thức luôn có một tiên nghiệm (a priori), cái nhận
thức không thể lý giải theo nhân quả về một tình cảnh có khi không thể
hiểu theo thể cách bình thường của tri giác. Từ hậu cứ khó lý giải
này của nhận thức xuất hiện những hình ảnh thích ứng nhưng không phải
được gây ra bởi những biến cố trực tiếp (có nghĩa là, bởi một
tình cảnh khách quan). Jung có cách giải thích riêng về hiện tượng kỳ lạ
này, mà ông gọi là tính đồng bộ (synchronicity), và không quên nêu lên
nhân cách nổi trội trong đó giả thuyết của ông đã được nói đến từ
lâu trong triết học Trung hoa, nhất là trong Lão giáo mà Thiền là hậu duệ.
Đặc điểm chung của nền triết lý này là tư duy bằng cái toàn thể,
và, như Bác sĩ Spiegelberg nêu ra trong phần Giới thiệu, điều đó dẫn đến
khái niệm bao hàm toàn thể vốn ban phát "ý nghĩa" (chữ của
Wilhem dịch từ chữ Đạo) cho vạn vật trong tính cụ thể của chúng, khắc
phục sự "phân liệt tâm thần" của những tôn giáo chủ
trương tách rời Thượng đế và
Thiên nhiên. Triết lý toàn diện này với những tạp kỹ của nó "nắm
bắt toàn bộ tình huống" có vẻ như xem sự hiện hữu của tính đồng
bộ là đương nhiên, và Bác sĩ Jung chỉ ra rằng không giống như tinh thần
Tây phương được đào tạo theo cách Hy lạp, "tâm thức Trung hoa không
xem chi tiết là cứu cánh của vạn vật, mà quan niệm chi tiết là một phần
của cái toàn thể". Vì những lý do hiển nhiên, một sự vận hành tri
thức như vậy là bất khả đối với trí năng không được hỗ trợ. Sự
phán đoán do đó lại càng phải dựa trên những mệnh hàm vô tỷ của ý
thức, nghĩa là dựa trên cảm quan (cái ‘sens du réel’, cảm nhận về thực
tại) và trực giác (tri giác bằng những nội dung thăng hoa)."
Nghệ thuật Thiền phản ảnh
nghịch lý này: "Một trong Tất cả và Tất cả trong Một", do đó
nó tìm cách trình bày những mẫu nguyên tượng nào siêu việt phạm trù nội
- ngoại và cố liên kết những tình cảm chủ quan với những trạng huống
hoàn toàn mang tính xúc cảm trong đó cái "Một", trong khi vẫn duy
trì thể tính cụ thể và cảm quan của nó, lại trở thành, có vẻ như vậy,
một định tinh không thể tách rời khỏi hình ảnh toàn thể chòm sao. Nếu
có thể duy trì sự khác biệt giữa cảm xúc và cảm giác (mà với nó, nếu
chúng ta đeo đuổi luận điểm đến tận cùng, chúng ta có thể tương liên
sự dị biệt giữa những nguyên lý nối kết nhân quả và phi nhân quả),
như thế sự khác biệt đặc thù giữa nghệ thuật Thiền và hầu hết những
hình thức nghệ thuật Tây phương trở thành rõ rệt. Chữ "hầu hết"
đầy thận trọng được dùng ở đây là vì có thể có một vài giai đoạn
nào đó trong chủ nghĩa lãng mạn Tây phương đã từng ý thức được sự
dị biệt và đã cố tìm hiểu ý tưởng "Một trong Tất cả và Tất cả
trong
Một" - Schelling đã có ý tưởng
đó, rồi Coleridge và Wordsworth đã cố thể hiện cụ thể ý đó trong thơ
của họ. Đặc biệt Coleridge đã nhận thấy ý tưởng (mà ông nhận từ
Heraclitus, Spinoza, cũng như từ Schelling) và một sự đề huề giữa
"Thượng đế như là chủ thể tối hậu" với "Thế giới như
khách thể tối hậu", trong một thứ toàn thể được xây dựng một
cách hữu cơ, là mục tiêu bất biến của ông. Chính nỗi lo sợ rơi vào
"cái sai lầm thô kệch nhất" đó, chủ nghĩa phiếm thần, đã ngăn
ông phát triển một triết lý gần gũi hơn nữa với đạo Lão hơn với
Cơ đốc giáo. Có lẽ đó là quan điểm của riêng ông, cũng như Blake từng
công khai kết án Wordsworth đã rơi vào sai lầm này.
Trong dịp này, tôi sẽ không
nói đến mối liên hệ giữa nghệ thuật Thiền với những thể loại nghệ
thuật đương đại đôi khi vẫn thừa nhận lấy cảm hứng từ triết lý
Thiền. Dù rất đồng cảm với những nhà thơ và họa sĩ say mê Thiền như
một triết lý, tôi vẫn cảm thấy nói chung họ chưa thật sự hiểu ý nghĩa
(Ý Nghĩa viết hoa) cũng như chưa thực hành kỹ luật của nó. Trừu tượng
nói riêng (mà tôi là người cuối cùng xem thường nó như một loại hình
nghệ thuật hầu như gây ấn tượng với chúng ta chẳng qua bằng sự trống
vắng tinh thần của một nền văn minh kỹ thuật) dường như mâu thuẫn với
nguyên tắc "Một trong Tất cả và Tất cả trong Một". Nó mưu tìm
cái mà Mondrian gọi là "nền văn hóa của những quan hệ thuần
lý", có nghĩa là "những tạo hình thuần túy không chịu điều kiện
của tình cảm và khái niệm chủ quan". Có mối quan hệ gần gũi hơn
giữa Thiền và phong trào trong nghệ thuật hiện đại nay được gọi là Hội
họa động (Action Painting: Hội họa hành động). Bạn của tôi, Georges
Duthuit, đã tạo ra những hỗ tương tất yếu đó từ những năm 1936. Những
mô tả của ông về các phương pháp của một số Thiền sư hầu như thu
hút sự quan tâm của những nghệ
sĩ Tây phương nào đã từng phát triển một trường phái gọi là ‘hội
họa-động’ (action painting) vào lúc đó:
"Vào khoảng năm 1215, một
họa sư Thiền Ợ tên là Mục Khê đến Hàng châu sửa sang lại một tu viện
đã đổ nát. Bằng những nét mực cuồn cuộn như dòng xoáy, với sự
thành công không thể phủ nhận, ông đã cố bắt chộp những khoảnh khắc
xuất thần, ghi lại những ảnh hiện phiêu hốt đến từ cái cuồng của
rượu, cái ngốc của trà, hay cái không hư của thảo mộc vô tình. Trần
Dung, cùng thời đó, nổi tiếng vì nếp sống thanh đạm và năng lực chu
toàn trách nhiệm của một quan án. Khí lực của những áng văn, những bài
thơ của ông và của những con rồng mà những chiếc vòng của chúng được
ông tôi luyện nên từ bọt sóng của thác lũ trên một chiếc đe bằng đá
hoa cương. Và cuối cùng, ông còn nổi tiếng bởi cái dáng dấp của một
tửu đồ quanh năm lúy túy. ‘Ông vẩy nực thành mây trên tranh. Ông phun nước
thành sương mù. Khi hứng lên bởi rượu, ông hét to và, vò cái mũ trong
tay, ông biến nó thành bút lôngợ để nguệch ngoạc một cách thô bạo
trên tranh, sau đó hoàn chỉnh lại bằng cây bút
thật’. Một trong các họa sĩ
tiên phong của trường phái, Vương Hiệp, sống vào đầu thế kỷ thứ 9,
khi say thường thực hiện những kiệt tác phithường bằng cách nhúng cả
đầu ông vào mực rồi tùy hứng lăn nó trên mặt lụa vậy mà hình
thành, như có phép lạ, những sông nước, cây cỏ, non núi chập chùng. Nhưng
có lẽ không người nào, trong số các bậc thầy này, phá lệ hơn Ying
Yu-chen (?), trị sự của tu viện lừng danh Ching-Tzu (?), có thú vui như mèo
(rình chuột) là trây trát và vò nát giấy vẽ."
So với điều này thì phương
pháp sáng tác của một họa sĩ-động ngày nay có vẻ tương đối hiền lành.
Nhưng các Thiền sư, bất chấp những trò lạ lùng mê hoặc của họ, trước
hết và trên hết là những người đã được tôi luyện tinh xảo. Như
Duthuit đã dẫn, "từ khi trí tưởng tượng được tôn lên ngôi cao, để
tiếp tục ngự trị, nó cần phải sở đắc một vài công cụ đã trải
qua thử thách và không thể thiếu, và được hoàn chỉnh dần qua nhiều thế
hệ. Điều này đòi hỏi họa sĩ phải có một cổ tay nhuần nhuyễn, một
bàn tay vững vàng và điêu luyện". "Bàn tay" này chỉ có được
bằng sự tự nguyện rèn luyện nghệ thuật viết chữ (thư pháp). Nghệ
thuật Thiền, như hầu hết mọi nền nghệ thuật Đông phương, không thể
là cái gì khác hơn sự nới rộng thủ thuật căn bản này. Toàn bộ chủ
ý của kỹ luật Thiền trong hội họa là biến cây bút thành dấu chỉ ngẫu
hứng và tự nhiên của cảm xúc, một thứ phản ánh tức thời như một cái
nháy mắt hay một tiếng cười bật ra. "Phương tiện" được dùng
phải vô hình như thể xung lực chạy trong huyết quản.
Họa sĩ Tây phương hiện đại
có thể hiểu những phương pháp và bản ý của kỹ luật Thiền, nhưng hiếm
khi y có khả năng thành tựu cái ân điển trời ban cần thiết này, hoặc
vì y không thể thoát khỏi lề lối tư duy trí năng hay phân tích khái niệm
vốn là bản tánh thứ hai đối với người phương Tây, hoặc chỉ đơn giản
vì y chưa từng trải qua (bởi nó khó thực hành) sự rèn luyện căn cơ của
thư pháp. Những yêu cầu này tương quan mật thiết vì nếu không có sự
giải phóng về vật lý đạt được bằng tài năng điêu luyện trong sự
diễn đạt nhịp nhàng, người nghệ sĩ không chắc sẽ có được sự giải
phóng về tinh thần, trạng thái ý thức trực giác hay trí tuệ siêu việt,
còn gọi là prajĩa.
Bác sĩ Suzuki nói: "Con người
là một cây sậy biết suy nghĩ nhưng sự nghiệp lớn của nó chỉ hoàn
thành khi nó không còn tính toán nghĩ suy. ‘Tính ngoan đồng’ phải được
phục hồi sau nhiều năm ròng rã luyện tập nghệ thuật vong ngã. Đạt
được điều này, con người nghĩ mà không nghĩ. Y suy nghĩ như mưa rào từ
trời cao, y suy nghĩ như sóng vờn trên mặt biển, y suy nghĩ như sao sáng giữa
trời đêm, y suy nghĩ như mầm lá xanh rờn nhú ra dưới làn gió xuân sang.
Quả thật, y là mưa, là biển, là sao, là lá."
Nếu chúng ta tin, như tôi tin,
rằng Tây phương - để sống sót qua những sức mạnh hủy diệt tinh thần
của nền kỹ thuật duy lý - cần phải tìm lại bản tính ‘ngoan đồng’
như Bác sĩ Suzuki đã nói, như thế hội họa trừu tượng (cụ thể hơn là
‘hội họa-động’) có thể là một phương pháp hữu hiệu. Nhưng đối
với bản tánh của vạn hữu, người nghệ sĩ Tây phương mới chỉ khởi
bước trên hành trình tái định hướng và tái cấu trúc dài đằng đẵng
này. Chỉ cải hóa chưa đủ. Việc rèn luyện cần có trên thực tế và về
tinh thần vượt qua những giới hạn nhỏ bé của một kiếp nhân sinh.
Theo những gì tôi nói, và những
gì mà những bậc thầy về đề tài này, như Bác sĩ Suzuki, đã nói, thì sự
khai ngộ này không thể có được từ sách vở. Nó ở chỗ thâm sâu hơn
tri thức đơn thuần. Một tác giả chỉ có thể khơi gợi niềm khát khao tỏ
ngộ. Và sự khát khao này, theo Suzuki, không dẫn đến đâu ở bên ngoài,
mà ở trong chính nội tâm của người khao khát tầm cầu. "Truy cầu
và người truy cầu, khao khát và người khát khao đều là một. Như vậy
đương nhiên không thể có bất cứ tiêu chí chỉ đạo tri thức nào. Khi lữ
khách và đường cái quan là một thì người ngoại cuộc có thể giúp gì
cho anh ta? Kim chỉ nam của tri thức và lý luận mãi mãi không hơn kim chỉ
nam. Kinh nghiệm cá nhân và trực giác-Bát nhã là một."
(Hồi ký sau đây của Sir
Herbert Read xuất hiện lần đầu tiên trong số kỷ niệm đặc biệt của tạp
chí F.A.S (số 59 và 60 năm 1960) bản dịch Nhật ngữ. Ed.)
Bác sĩ Daisetz Suzuki đã trở
thành hình ảnh huyền thoại ở châu Âu, một hiền triết điển hình của
Đông phương, xa cách, trong sáng, tách biệt với nền văn minh duy vật và
triết lý vật chất của chúng ta. Nhưng chúng ta thừa biết ông không hề
chỉ trích lối sống của chúng ta và cũng đã từng sống nhiều năm ở một
đất nước duy vật chất nhất là nước Mỹ. Tuy thế, lần đầu tiên gặp
ông ở Thụy sĩ, vào năm 1953, đối với tôi vẫn là một cảm giác lạ
lùng. Lúc đó cả hai chúng tôi là diễn giả ở hội thảo thường niên
Eranos Tagung ở Ascona, cùng chia xẻ lòng mến khách của phu nhân Frau Olga
Frobe-Kapteyn, người đã biến ý tưởng tổ chức cuộc hội thảo lừng
danh này thành hiện thực. Trong bối cảnh đó chúng tôi đã trở thành bạn
hữu, và sau này chúng tôi đã
gặp lại nhau trong nhiều dịp
khác.
Dịp cuối cùng tôi gặp ông
tám tháng trước khi ông mất. Tháng 11 năm 1965, tôi viếng thăm Nhật Bản
theo lời mời của người bạn và là người bảo trợcủa Suzuki, ngài Sazo
Idemitsu, và đã được ưu tiên gặp Suzuki một cách riêng tư thân tình. Điều
đáng nhớ nhất trong lần gặp này là cuộc viếng thăm tư thất của ông,
mà ông đã giới thiệu với tôi với niềm tự hào giản dị. Chúng tôi đã
ngồi đàm đạo trong ba, bốn tiếng. Ông kể với tôi những "công việc
đang làm", và những gì ông vẫn dự định làm "nếu tôi còn sống".
Cùng đi với tôi lúc đó là con trai tôi, một thanh niên mới 23 tuổi, và
điều gây ấn tượng mạnh nơi tôi là cung cách lịch thiệp mà Suzuki dành
cho nó, đối xử như với một người xứng đáng được hưởng cung cách
ấy của ông, như với một nhân
vật thông thái.
Tôi không thể tự gọi mình
là học trò của Bác sĩ Suzuki, nhưng tôi đã đọc nhiều tác phẩm của
ông và cũng như mọi người Tây phương khác, tôi mang ơn ông sâu sắc đã
giúp mình hiểu được Thiền, đặc biệt trong quan hệ với lĩnh vực mỹ
thuật. Quả thật, tôi có thể nói rõ hơn: qua sự thấu hiểu triết lý về
nghệ thuật của Thiền mà tôi đã nhận thức được một số chân giá trị
của nghệ thuật Đông phương, và của tiến trình sáng tạo trong mọi nền
nghệ thuật khác. Bác sĩ Suzuki đã từng nói rằng "thế giới của nghệ
sĩ là thế giới của sáng tạo phiêu bồng và điều này chỉ có thể đến
từ trực giác, trổi dậy một cách trực tiếp ngay tức thì từ tự thân
của vạn hữu, không lệ thuộc vào trí năng hay giác quan." Ngưới nghệ
sĩ "sáng tạo nên âm thanh và hình tượng từ cái vô
hình vô thanh." Có nghĩa là,
theo cách nói của Tây phương, nghệ sĩ là người có thể biến trực giác
của mình thành sự diễn đạt hữu hình và khả kiến, và anh ta làm điều
này không phải bằng cách mô phỏng thô thiển hình thức bên ngoài mà bằng
sự tự-đồng nhất với những trạng thái của thiên nhiên và với mạch
chuyển động nhịp nhàng vốn mang đến cho chúng ý nghĩa sinh động.
Bác sĩ Suzuki còn cho rằng bất
cứ ai trước khi thành tựu sự vĩ đại, phải phục hồi được tính ‘ngoan
đồng’ của mình bằng những năm dài rèn luyện trong nghệ thuật vong
ngã. Bản thân ông đã thành tựu tính ‘ngoan đồng’ của mình; và ấn tượng
còn mãi trong tôi về người, đó là sự dung hòa giữa nét ngây thơ của một
đứa trẻ và sự thánh thiện của một vị thánh.
H. R.
SHIN’CHI HISAMATSU
VẤN ĐÁP: VỀ
CÁI CHẾT CỦA MỘT
"NGƯỜI-CHẾT-VĨ ĐẠI"
Chính người thầy đáng kính của
tôi, Bác sĩ Kitaro Nishida, đã giới thiệu tôi với Bác sĩ Suzuki vào năm
1920. Kể từ đó, tôi đã tiếp nhận nhiều sự trợ Pháp của Bác sĩ
Suzuki trong thời gian gần 45 năm. Vì vậy không những tôi kính trọng Bác sĩ
Suzuki như là "Sư thúc" mà bản thân tôi còn cảm thấy rất gần gũi
với ông. Thế rồi, sáng sớm ngày 12 tháng 7 năm 1966, ông chợt viên tịch
sau cơn đau bụng dữ dội do tắc ruột.
Nhìn lại quãng đời ông, tôi
không khỏi cảm nhận niềm sùng kính thiêng liêng. Buồn thay, tang lễ ông
tôi đã không dự được vì cơn bịnh của mình. Thay vào đó, tôi đã gởi
bức điện chia buồn: Cách nhau vô lượng kiếp; không rời nhau một sát
na. Sau đó, khi mãn kỳ tang chế thất tuần, chúng tôi những người ở Thiền
viện F.A.S, đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể Bác sĩ Suzuki vào trưa
ngày 4 tháng 9 năm 1966, giữa kỳ nhiếp tâm (sesshin) mùa thu, ở Linh vân viện
(Reiun-in), chùa Diệu tâm (Myoshin-ji).
Trong dịp đó, tôi bổng gào
lên và mở cuộc vấn đáp cuối cùng với Bác sĩ Suzuki. Cuộc vấn đáp
này và bài diễn văn truy điệu tiếp theo được kể lại như vầy:
Ohhhhhhhh!
Hởi Người bị đau này!
Ngài có khổ không?
Không sao,
Cám ơn!
Bác sĩ Suzuki, trải qua một đời
gần tròn thế kỷ, trước sau vẫn chuyên tâm tham cứu Thiền trong một
đường hướng độc đáo. Đối với ông, tu và học là một và như nhau.
Ông còn mưu tìm, nhờ khả năng Anh ngữ thông thạo của mình, cơ hội truyền
bá Thiền ra hải ngoại. Nhờ vậy ông đã làm cho Thiền, từ chỗ chỉ
được biết ở phương Đông, thành phổ biến khắp thế giới, và hơn thế,
thành dưỡng chất cho cuộc sống tâm linh con người và do đó đã đóng
góp cho nhân loại một cách sâu sắc và quảng đại. Đây quả là đại hỷ
cho Chánh Pháp.
Khoảng mười năm trước, khi
tôi xuất ngoại viếng thăm nhiều vùng khác nhau, từ Hoa Kỳ, châu Âu, Ai Cập,
Cận Đông, Trung Đông, và Ấn Độ, tôi đã bất ngờ nhận thấy bất cứ
nơi nào tôi đến tên tuổi của Bác sĩ Suzuki đều được biết đến như
một nhà minh triết của Đông phương, và Thiền tông gắn liền với tên
tuổi đó.
Trong danh tiếng đó của ông
không thể tránh khỏi những mức độ nhận thức khác nhau giữa nông cạn
và sâu sắc, chính xác hay sai lầm, tán thưởng hay phê phán. Nhưng dù sao,
sự trọng vọng một người như Bác sĩ Suzuki, người được biết đến
trên khắp thế giới vì những đóng góp độc đáo của ông cho tôn giáo
và văn hóa, không những chưa từng có ở Nhật bản mà còn rất hiếm có
trên thế giới. Có thể nói không ngoa rằng ông là một trong những kho
tàng vĩ đại nhất của thế giới cũng như là quốc bảo của Nhật bản.
Cho nên thông báo bất ngờ về cái chết của ông đã làm đồng bào trong
nước và cả hải ngoại đau buồn, thương tiếc.
Đối diện với sự ra đi của
ông, làm sao chúng ta có thể thấu hiểu thích đáng cái được gọi là
cái chết của conngười-toàn-thế-giới này? Ngay cả khi chúng ta suy niệm
về cái chết với ý nghĩa thông thường của nó - cái chết của bản
thân chúng ta hay của người khác - chúng ta nhận ra, nếu chiêm nghiệm nó
một cách sâu lắng, rằng còn lâu ta mới biết được cách trả lời. Do
đó càng nan giải hơn nhiều để lãnh hội ý nghĩa một cái chết mà với
sự am hiểu thường tình không bao quát được như cái chết của Bác sĩ
Suzuki. Biết bao người đã gởi điện chia buồn và đã đến dự tang lễ.
Nhưng tôi tự hỏi họ đã giải thích thế nào về cái chết của con người
siêu việt sống-chết này - cái chết của Bác sĩ Suzuki, một "Người-Chết-Vĩ
đại". Tôi cho rằng đây là mối quan tâm sâu thẳm của hết thảy
chúng ta.
Từ trước đến nay, Thiền tông,
như mọi người đều biết, không còn nhìn vấn đề "sống và chết"
đơn thuần là một đối tượng biện luận mà là mối quan tâm toàn diện
và ách yếu nhất của chính chủ đề sống và chết. Mà không chỉ trong
Thiền tông, nói chung trong cả Phật giáo, vấn đề "sống và chết"
được xem là vấn đề căn bản nhất. Sự chết không tự hữu ngoài sự
sống; sự sống không tách rời sự chết. Sự sống có cái chết theo sau;
sự chết đồng hành với sự sống. Chính vì thế cái chết không phải
là một khủng hoảng tuyệt đối duy nhất; sống cũng là một khủng hoảng.
Do đó trong Phật giáo có những từ ngữ như Shôji jidai (sinh tử sự đại:
vấn đề lớn lao là sống và chết) hay Shôji no ichi daiji (sinh tử nhất đại
sự ; một vấn đề trọng đại duy nhất là sống và chết). Đối với
thuật ngữ "sinh-tử" (hay sống-và-chết), đó quả là vấn đề mênh
mông ẩn ý. Nó mang nhiều ý nghĩa hơn ngữ nghĩa của nó. Có lẽ nó bao
hàm cảý nhân loại, do đó, cả thế gian này. Nếu không chúng ta đã chẳng
thể nói là "sinh tử sự đại"
Vấn đề sống-và-chết này sẽ
không có tính hệ trọng hay tuyệt đối nếu nó bao hàm bất cứ điều gì
có tính cục bộ chẳng hạn như sinh lý học hay tâm lý học, hoặc nếu
nó bao hàm bất cứ cái gì đặc thù có thể phân biệt bằng những khái
niệm như đúng-sai, tốt-xấu, ưa-ghét v.v. Ở đây chúng ta thấy cái lý do
tại sao cần phải thăm dò bằng yếu tính hiện sinh vào ẩn ý của hạng
từ "sanh-tử". Một sự thăm dò bằng yếu tính hiện sinh vào ẩn
ý của hạng từ hoàn toàn giống như sự thăm dò bằng yếu tính hiện
sinh vào chính vấn đề sống và chết. Vấn đề đến đây, do đó, không
phải là vấn đề đặc thù hay cá biệt; cũng không phải là vấn đề -
ngay cả khi nó bao hàm hết thảy - có thể được lý giải với cung cách
thuần khách quan. Nó thực sự là vấn đề cốt lõi của hữu thể chủ
quan. Do đó giải pháp của nó sẽ mang ý nghĩa cùng lúc với giải pháp rốt
ráo cho toàn bộ vấn đề về con người. Đối với cái chết của Bác sĩ
Suzuki, mọi phương cách tiếp cận thông thường rõ ràng là bất xứng khi
chúng ta biết ông là người đã từng dẫn giải vấn đề sanh-tử cho thế
giới.
Tôi nghĩ trong chúng ta chắc
có người đã nghe chuyện Phật Thích-ca-mâu-ni, khi nhập niết bàn, đã
nói với các môn đệ vây quanh ngài: "Nếu có ai trong các ông nghĩ rằng
ta sắp nhập niết bàn thì người đó chưa phải là đệ tử của ta. Mà
ai nghĩ rằng ta không nhập niết bàn cũng chưa phải là đệ tử của
ta." Theo Thích-ca-mâu-ni, khẳng định cũng như phủ định việc nhập
niết bàn của ngài đều không thể thành đệ tử của ngài. Thiền tông
đã lấy điều này làm một công án. Chúng ta, cũng như những đệ tử của
Phật Thích-ca, làm sao trực nhận điều đó vào giây phút này? Nghe câu
nói này của Thích-ca-mâu-ni về việc nhập niết bàn, những người bình
thường có thể hoang mang và ta thán: "Chúng con không hiểu nỗi những
ẩn ngữ này của ngài; nó vượt ngoài tầm lãnh hội của chúng con."
Nhưng một môn đồ của Thích-ca sẽ đương đầu với cái chết của Phật
như thế nào để xứng đáng là một môn đồ thật sự? Đây là một vấn
đề tối hệ trọng.
Vào thế kỷ thứ 9 ở Trung quốc,
thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn có nói: "Trên đường đi, nếu ngươi
gặp một người đạt đạo, hãy chào ông ấy không bằng lời cũng không
im lặng." Hương Nghiêm muốn nói, với một người đã đạt Chánh
giác hay Niết bàn, thì cả lời nói lẫn im lặng đều vô dụng. Như vậy,
chúng ta sẽ chào một người Giác ngộ bằng cách nào? Câu hỏi này cần
được xem xét như một vấn đề toàn diện và triệt để, chứ không phải
bất cứ gì đặc thù kể cả lời nói hay sự lặng im.
Không giải đáp được thách
thức này của Thích-ca-mâu-ni trước giờ lâm chung của ngài, chúng ta
không tránh khỏi nhìn nhận Bác sĩ Suzuki đơn giản chỉ là một người đã
được sinh ra và đã chết, một cách thông thường. Dù những thành quả của
ông to lớn vô kể, chỉ ca ngợi chúng chưa phải là tán dương ông thật sự.
Tôi muốn nói trừ khi chúng ta có thể thật sự tán dương ông trong phương
diện Giác ngộ, ta không thể tiếp cận thấu đáo và hiểu rõ ý nghĩa thật
của những thành tựu này của ông.
Tất cả những người ngưỡng
mộ Bác sĩ Suzuki đều nhất trí cho rằng ông không chỉ là quốc bảo vô
tiền của Nhật Bản mà còn là kho tàng vô giá của thế giới. Nhưng không
phải chỉ có vậy. Đối với những ai đang băn khoăn tự vấn về sự hiện
hữu của mình, với sự tra vấn triệt để về thế giới và lịch sử, vấn
đề đối mặt với niết bàn của Suzuki quả thật nan giải. Tuy nhiên, một
cách căn bản, đó cũng là nói về cái chết của mọi Chân-Nhân.
Đây là một trường hợp khác
về cách nhìn vấn đề của một Thiền sư, Đạo Ngộ Tông Trí, cũng ở
Trung quốc thế kỷ thứ 9. Một hôm Đạo Ngộ cùng thị giả là Tiêm
Nguyên Trọng Hưng đến viếng tang một thân hữu. Thị giả Tiêm Nguyên xoa
tay vào quan tài, hỏi thầy: "Người này sống hay chết?" Thông thường,
hiển nhiên người nằm đó đã chết, nhưng Tiêm Nguyên đang truy tìm giải
đáp cho vấn nạn sanh-tử, đã phải hỏi một câu chừng như vô nghĩa. Sư
Đạo Ngộ liền đáp: "Ta sẽ không nói ‘sống’; ta cũng không nói
‘chết’." Lời đáp này thể hiện cùng tiêu điểm với câu nói
trên của Thích-ca-mâu-ni. (Những ví dụ tương tự rất thường xảy ra
trong Thiền tông trong thời kỳ đầu.) Thiền sư Đạo Ngộ, dù được thỉnh
vấn nhiều lần cùng câu hỏi này, chỉ một
mực trả lời: "Ta không
nói! Ta không nói!" Và Tiêm Nguyên, khi nghe câu đáp của thầy đã ngộ
ra điều mà thầy thực sự muốn nói. Ngày nay, bạn thử nghĩ xem ông đã
ngộ cái gì?
Đối với cách tiếp cận cái
chết, không chỉ có lời giải đáp thiên về phủ định "không sống
cũng không chết", mà còn những câu mang vẻ khẳng định. Thế kỷ thứ
10 ở Trung quốc có thiền sư Đại Tùy Pháp Chân, khi được hỏi "Ông
sẽ ra sao khi sinh-tử đến?" đã trả lời không chút do dự: "Được
mời trà ta uống trà; được mời cơm ta ăn cơm." Tôi e là nhiều người
cho rằng câu trả lời lạc đề. Nhưng ngược lại, điều này bắn trúng
ngay tâm điểm.
Có nhiều ví dụ tương tự
như vậy trong Thiền tông; nhưng chúng ta không nhất thiết chỉ gặp trong
quá khứ. Chúng ta đang trực diện sự "sinh-tử đến" của Bác sĩ
Suzuki. Vậy Bác sĩ Suzuki sống hay chết? Nên hiểu cái chết của một người
đã đạt đến cái Chết vĩ đại vượt ngoài sanh-tử, như thế nào? Nên
hiểu thế nào về cuộc sống của ông? Nên trả lời câu hỏi này ra sao?
Tôi đã thực hiện cuộc vấn
đáp trực diện cuối cùng của mình với Daizets-koji. Bạn đã làm việc đó
như thế nào? Riêng tôi, bằng cách ấy tôi đã thể hiện niềm kính trọng
và biết ơn sâu sắc cố Bác sĩ Suzuki. Đó không gì hơn là: "Cách nhau
vô lượng kiếp, không rời một sát na"
NGƯỜI đang đau này là ai?
Nếu anh muốn nhìn thấy
"TÔI" lúc lâm chung,
Trước tiên hãy chết cái Chết
vĩ đại!
Vì "Tôi" không trả lời
bạn đâu;
"Tôi" hiện diện vô
hình trước mắt bạn,
Chạm đến, không cảm thấy,
Mường tượng, không tông tích.
---o0o---
Mục Lục
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5 | 6
| 7
---o0o---
Source:
PhatViet (Phật
Giáo Việt Nam)
Chân thành cảm ơn Ðạo Hữu Tâm Diệu
đã gởi tặng phiên bản diện tử Unicode này
---o0o---
|
Thư mục Tác Giả |
---o0o---
Trình bày:
Nhị Tường
Cập nhật : 01.02.2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục