TUYỂN
TẬP TƯỞNG NIỆM
DAISETZ
TEITARO SUZUKI
1870 - 1966
Bản dịch:
HẠNH VIÊN
Nguyên tác:
IN MEMORIAM DAISETZ
TEITARO SUZUKI 1870 - 1966
(The Eastern Buddhist, New series, August 1967)
--o0o---
KARL FREDRIK ALMQVIST
TƯỞNG NIỆM
Xin cho tôi, với tư cách một người Tây
phương, khẳng định rằng tôi tin với sự ra đi của Bác sĩ Suzuki, đất
nước Nhật bản đã mất đi một trong những người con vĩ đại nhất. Bác
sĩ Suzuki là một trong những người xứng đáng đại diện cho truyền thống
văn hóa Nhật, một trong những nền văn hóa quí báu nhất trên thế giới,
người nhận thức rõ di sản tinh thần cần phải được truyền thừa cho
thế hệ mai sau cũng như cho toàn nhân loại, và là người cống hiến trọn
đời mình cho sứ mệnh đó. Điểm độc đáo trong sự nghiệp-đời người
của Bác sĩ Suzuki là năng lực sáng ngời của ông trong việc dẫn giải bằng
ngôn ngữ Tây phương học thuyết của Phật giáo và những phương pháp chứng
nghiệm tâm linh của nó. Thỉnh thoảng, trong những buổi mạn
đàm nơi ngôi nhà thanh lịch của
ông ở Liêm thương, đã nhiều lần ông nêu rõ sự khó khăn, thậm chí có
khi là bất khả, khi giải thích bằng ngoại ngữ cái ý nghĩa ẩn tàng của
những chân lý tinh thần. Nhưng chính vì lý do đó mà chúng tôi trong thế
giới Tây phương càng mang ơn ông nhiều hơn trước những nỗ lực kiên
trì này trong suốt cuộc đời ông. Tại sao ông làm điều này? Chúng tôi
có thể hỏi như vậy. Tôi chưa bao giờ hỏi ông câu đó, nhưng tôi nghĩ có
lẽ những cố gắng của ông nhằm giới thiệu với người Tây phương về
Phật giáo và những hệ phái khác nhau của nó, đặc biệt là Thiền tông
và Tịnh độ tông, bắt nguồn từ tâm nguyện ông hằng nung nấu là mang lại
cho họ cách hiểu dễ dàng hơn về Truyền thống Thiêng liêng quan yếu này
- một thái độ rộng lượng xét vì những khắc khoải tinh thần và luân
lý mà con người đang chịu đựng trong thời đại ngày nay. Chúng ta biết,
nhờ Bác sĩ Suzuki và những tác phẩm của ông, nhiều người trong thế giới
Tây phương đã tìm lại được mái ấm tinh thần của họ.
Nhưng hơn thế, tôi tin là còn
có một động lực khác đằng sau những nỗ lực của Bác sĩ Suzuki hướng
về Tây phương. Đó là khát vọng cháy bỏng của ông muốn sử dụng mọi
phương sách khả dĩ để thành tựu sự hàihòa giữa những nền văn hóa dị
biệt, nhằm bảo vệ các giá trị tinh thần nói chung. Ông có một niềm
tin vững chắc vào tính đồng nhất siêu việt giữa các tôn giáo lớn,
tính thống nhất của các học thuyết thiêng liên của họ, và cả trong ý
nghĩa sâu thẳm nằm bên dưới những dị biệt về hình thức. Những diễn
giải của Bác sĩ Suzuki về chủ nghĩa thần bí Thiên chúa giáo mới thật
là tương hợp, và thật thú vị làm sao khi nghiên cứu về tác phẩm của
ông "Chủ nghĩa thần bí: Thiên chúa giáo và Phật giáo", trong đó
ông phân tích sự gắn bó giữa hai truyền thống này, một sự gắn bó
không bao hàm ảnh hưởng của hệ thống tư tưởng này trên hệ thống
kia, mà đúng hơn là sự tồn tại của một truyền thống siêu hình trên
thế gian và trong mọi thời đại.
Trên tất cả, Bác sĩ Suzuki là
một người Nhật đúng theo nghĩa truyền thống và chính xác của từ này.
Ông tuyệt nhiên tin rằng Nhật Bản có một sứ mệnh đặc biệt để hoàn
thành trong thời đại này của chúng ta và trong cơ cấu của toàn thể
nhân loại. Sứ mệnh này là chỉ cho thế giới thấy rằng một quốc gia
có thể hoàn toàn có cấu trúc kỹ thuật hiện đại mà đồng thời vẫn
bảo vệ được truyền thống cổ xưa trong tính nguyên vẹn về tinh thần
và nghệ thuật của nó. Thực hiện điều này, theo ông, phải là công việc
quan trọng nhất của giới trẻ Nhật bản. Cốt lõi của quan điểm tổng
quát của Bác sĩ Suzuki là nước Nhật phải giới thiệu cho thế giới một
giải pháp tận gốc và độc đáo, vốn nằm ở chỗ quân bình - sự cân bằng
- giữa những nhu cầu ngoại tại trong đời sống hiện đại và những nhu
cầu nội tâm cấp thiết của sự chiêm nghiệm và cuộc sống truyền thống,
như thể hiện trong Phật giáo và Thần đạo. Cuộc sống hiện đại đại
diện cho những ngẫu nhiên của hiện hữu, trong khi cuộc sống truyền thống,
từ sự chiêm nghiệm hướng về nghệ thuật và thủ công, đại diện cho
cái Tuyệt đối, cái Vô hạn, vốn mang ý nghĩa cho thân phận con người.
Bác sĩ Suzuki là một trong những
tâm hồn lớn nhất trong thời đại của ông, là một thiện nhân khả ái.
Chúng ta, những người bạn ngưỡng mộ ông, sẽ đau buồn khi mất ông, nhưng
thiên tài của ông vẫn còn mãi qua sự nghiệp ông để lại cho chúng ta.
DAIEI KANEKO
HỒI TƯỞNG VỀ
D. T. SUZUKI
Thật đau buồn trước hung tin bất ngờ
về cái chết của Bác sĩ Daisetz Suzuki, nhà lãnh đạo Phật giáo trong thời
đại chúng ta.
Ai cũng biết, tri thức của Bác
sĩ Suzuki về Phật giáo thấm đẩm tinh thần satori (ngộ). Từ bước khởi
đầu tầm Đạo, ông đã mong tìm giải đáp cho vấn đề ách yếu nhất -
chuyện sinh và tử của con người. Mọi nỗ lực của tuổi trẻ ông đều
tập trung vào mục đích này. Cuối cùng ông đã nhận ra vấn đề đã được
giải quyết từ lâu trong satori hay là kinh nghiệm về tuyệt đối khẳng định.
Từ đó ông hướng mục tiêu vào việc ghi lại kinh nghiệm này trong văn học
Phật giáo, nhất là văn học Thiền, và phổ biến nó ra thế giới. Việc
làm này cũng chính là lời thệ nguyện của ông.
Bác sĩ Suzuki là một người
say mê đọc sách. Ông thông thạo tín ngưỡng, sự uyên áo và những tư
tưởng của Đông và Tây phương, cổ cũng như kim, một cách đáng kinh ngạc.
Thú đọc sách rộng rãi của ông được tập trung vào chủ đề nói trên,
và ông gạt qua bất cứ hệ thống tư tưởng nào không soi rọi ánh sáng
cho vấn nạn đó. Ông không quan tâm tập hợp các dòng tư tưởng hay học
thuyết Phật giáo chính yếu của những nhà sáng lập các trường phái lớn
của Phật giáo. Trực giác và trải nghiệm là đặc tính nổi bật trong tư
tưởng của ông.
Tuy thế, rõ ràng Bác sĩ Suzuki
không chỉ là một Thiền giả đã chứng ngộ theo kỷ luật của một vị
thầy. Người ta nói, khi các tín đồ Thiền trình bày chỗ hiểu của họ
về Thiền, Bác sĩ Suzuki thường trả lời: "Đó là chỗ xa chân lý nhất."
Lời nói và tư tưởng của ông đôi khi làm cho người nghe hay độc giả có
ấn tượng ông quả là ‘nhà tư tưởng’ Phật giáo vĩ đại theo nghĩa
đặc trưng của thuật ngữ này. Ông có đôi mắt của nhà tiên tri nhìn thấu
suốt xương tủy của sự vật. Ông thấu rõ bản chất của con người và
đồng cảm sâu xa trước những bất hạnh của họ. Ông luôn biết lắng
nghe. Ông thường phê phán một người mà trên quan niệm rộng hơn vẫn cho
thấy ông xem trọng họ. Suy cho cùng, ông là ‘chiếc bình chứa’ mênh
mông vô hạn.
Bác sĩ Suzuki và tôi, ngoài việc
là đồng nghiệp ở Viện đại học Otani, thỉnh thoảng còn gặp nhau trong
tư cách diễn giả ở những buổi thuyết trình về Phật giáo do các Hội
đoàn Phật giáo tổ chức. Những dịp như vậy chúng tôi có cơ hội lắng
nghe lẫn nhau. Sự phê phán của ông về tôi là một nguyên tắc chân thành
và thẳng thắn. Ông thường nói: "Bài giảng của ông nghe ra quá trừu
tượng và tư biện. Tôi không thích lắm, nó không hợp với tôi." Tôi
sung sướng tiếp nhận lời phê bình của nhà học giả lão thành đáng
kính này của chúng ta, và luôn suy xét chúng cặn kẽ. Tuy nhiên phân tích
đến cùng sẽ thấy sự khác biệt cơ bản giữa hai cách tiếp cận Phật
giáo của chúng tôi.
Về điểm này tôi có một điều
phải suy nghĩ. Bác sĩ Suzuki thường giới thiệu tên tôi với các học giả
và văn giới ngoại quốc muốn tìm hiểu Phật giáo Tịnh độ. Ông gợi ý
họ đến thăm tôi. Phải chăng điều này có nghĩa là ông thừa nhận tư
tưởng của tôi đáng được giới thiệu cho người ngoại quốc từ một
quan điểm rộng rãi hơn, bất kể ông thích hay không thích nó? Dù thế
nào, tôi vẫn rất cảm kích cử chỉ biểu hiện tinh thần cởi mở và
chân tình này của ông.
Ngày 13 tháng 6 năm nay (1966),
dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Phật tử Tại gia, tôi đã đến Liêm
thương để đối thoại với Bác sĩ Suzuki về chủ đề "Bản Nguyện".
Bác sĩ Suzuki đã vui mừng tiếp đón tôi một cách nồng nhiệt, như gặp lại
người em ruột thịt xa cách đã lâu. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp
ông. Giờ đây tôi vẫn nhớ như in sự tĩnh lặng của những bụi cây mọc
hai bên con đường dài dẫn lên đỉnh đồi và thư phòng của Bác sĩ
Suzuki, trong khu vườn điểm xuyến đầy hoa cỏ mùa hè và những vật dụng
tự nhiên khác. Tất cả đều hoàn toàn hòa vào tính cách con người Bác sĩ
Suzuki.
EVA VAN HOBOKEN -
NỤ CƯỜI
Eranos Tagung đã được tổ chức
vào năm 1954 ở Ascona, Thụy sĩ, nơi tôi đang sống với gia đình bên bờ hồ
Lago Maggiore. Nhiều học giả danh tiếng đã thuyết trình về tôn giáo Đông
phương, chủ nghĩa thần bí Thiên chúa giáo, thi ca, và Phân tâm học phái
Jung - đặc biệt trong quan hệ với "hiện tượng nguyên tượng" của
nó như được biểu hiện trong những giấc mơ, những tập quán tôn giáo,
phong tục dân gian, và trong sự hoang tưởng của người điên cũng như
trong tư cách sinh hoạt hàng ngày.
Trong danh mục các buổi thuyết
trình đó có một buổi của Bác sĩ Suzuki, một giáo sư Nhật Bản về Thiền.
Lúc ấy tôi chưa biết đến đề tài này cũng như chưa từng biết Bác sĩ
Suzuki hoặc đọc sách của ông; tâm tôi lúc ấy trắng tinh như một tờ giấy
mới. Và một người đàn ông mảnh dẽ nhỏ thó đã xuất hiện trên giảng
đường, với một cô gái khả ái đi theo, cô Okamura. Ông mỉm cười với
cô, nhìn qua khán thính giả, cúi đầu chào họ với nụ cười tươi tắn,
và bắt đầu buổi thuyết trình.
Ông có giọng nói rất trầm,
rất dễ hiểu, và nhiều người còn gắng ghi lại những từ ông đang dùng.
Nhưng không may, cái mi-crô lại hỏng. Bác sĩ Suzuki bèn không thực hiện một
bài giảng theo cách thông thường là bắt đầu bằng dẫn đề A, triển
khai nó thành B để rồi kết luận đại loại A là A và B phải là B. Ông
không thừa nhận cái gì không thể giải thích, cái đó là ‘thần bí’
hay ‘huyền nhiệm’. Ông cũng không hứa hẹn bất cứ điều gì có thể
thỏa mãn những tâm hồn khát khao và đơn độc. Cho nên bài thuyết trình
của ông như dường một con ếch nhảy tỏm xuống hồ, chỉ khua động vài
gợn nước rồi tan nhanh không để lại dấu vết.
Lúc ấy tôi chẳng hiểu nổi
một lời của ông; ông kể chuyện gì đó về ba vị tổ của Thiền tông
đang luận bàn một điều mà tôi mù tịt, tuy nhiên tôi giật mình trước
lối diễn tả "và những hòn đá, hay một hòn đá, gật đầu."
Làm sao một hòn đá biết gật
đầu? Tôi tìm mua những quyển sách của Bác sĩ Suzuki và đọc trong sự
suy ngẫm về câu hỏi này, nhưng không thấy ở đâu, cho tới tận ngày
nay, đoạn nào nói về những hòn đá gật đầu. Tuy thế sự kiện một hòn
đá biết gật đầu đối với tôi bây giờ là chuyện hoàn toàn tự
nhiên.
Năm sau Bác sĩ Suzuki đã trở
lại Eranos để thuyết giảng về Mười bức tranh chăn trâu. Ông phân phát
cho thính giả một tập sách mỏng in hình tranh với lời bình. Ông không kết
thúc được buổi giảng vì đã vượt quá thời hạn, và thính giả lại một
phen bối rối. Tôi muốn gặp riêng ông, và sau nhiều trở ngại, cuối
cùng cũng được một cái hẹn. Nghĩ là người ta không phải lúc nào cũng
tốt đối với ông, tôi đã mang đến tặng ông hoa, hương, và một bức
tranh cuộn vẽ núi Phú sĩ của Hokusai, lấy từ bộ sưu tập của chúng
tôi, để gợi nhớ về phong cảnh quê hương ông. Trông thấy bức tranh,
ông già ốm yếu nhảy lên ghế với sức lực trẻ trung không ngờ để tìm
một cây đinh treo tranh. Cô Okamura đã kéo áo ông và hỏi tại sao chúng
tôi không nhìn thấy một cây đinh đã có sẵn trên tường. Bác sĩ Suzuki
sung sướng nhìn ngọn Phú sĩ sau một hồi lâu chăm chú, rồi ông mỉm cười
và khởi đầu câu chuyện bằng tình yêu sông hồ, cây cỏ và núi non của
ông khiến tôi thấy mình ‘điếc đặc’. Tôi không còn thiết đến buổi
mạn đàm và chỉ chực cáo lui.
Sau buổi gặp này, dù không
trao đổi chuyện gì đặc biệt, Bác sĩ Suzuki, với lòng tử tế muôn thuở,
đã giúp tôi vượt qua hầu hết các giai đoạn khó khăn có tính quyết định
trong sự học Thiền của tôi. Tôi được mời viếng thăm Nhật Bản như một
món quà đáp lại 25 năm cộng tác của chồng tôi, Bác sĩ Anthony van
Hoboken, nhà âm nhạc học đã thực hiện vựng tập đầu tiên về các tác
phẩm của Joseph Haydn, quyển vựng tập mà 100 năm sau khi nhạc sĩ mất vẫn
chưa có ai hoàn thành.
Bác sĩ Suzuki, vẫn còn ở Mỹ,
đã giới thiệu tôi đến Hòa thượng Furukawa, Viện trưởng Myôshin-ji (Diệu
tâm tự), Hòa thượng Asahina chùa Engaku-ji (Viên giác tự), và Lão cư sĩ Kôryu
Osaka thượng thủ Hannya Dôjô (Bát nhã Đạo tràng) ở Tokyo. Khi tôi đến
thăm, lão sư Osaka không có ở nhà, nhưng tôi được gặp ông Akizuki và người
này đã dạy tôi cách ngồi Thiền, một sự hướng dẫn hoàn toàn ngẫu
nhiên. Trở lại châu Âu tôi bắt đầu tập ngồi theo tư thế của phụ nữ
Nhật và thấy ngày càng đau đớn, cần phải có người chỉ dẫn thêm. Nhưng
ở đây chẳng có ai để hỏi. Nên khi nghe tin Bác sĩ Suzuki trở qua châu
Âu, tôi viết cho ông và cô Okamura xin gặp ở Luân đôn. Vấn đề được
giải quyết ngay. Bác sĩ Suzuki mỉm cười, bảo ông không nhớ ngồi kiết
già (tư thế hoa sen) thì để chân trái lên trước hay chân phải. Tôi còn
nhớ bấy giờ chúng tôi đang ở trong phòng khách của khách sạn Rembrandt,
Bác sĩ Suzuki ngồi kiết già trên ghế, còn tôi và cô Okamura ngồi trên
sàn nhà theo kiểu phụ nữ Nhật bản. Sau cuộc chuyện trò thân mật, Bác
sĩ Suzuki giản dị chào tạm biệt tôi: "Hẹn gặp lại ở Nhật Bản".
Tám tháng sau tôi nhận được
một món quà quí từ Tokyo gởi đến dưới cái tên Sazô Idemitsu, một người
lúc ấy tôi hoàn toàn không quen biết. Đó là một quyển lịch gồm các
tranh vẽ của Sengai, cùng với bức thư đề được gởi theo yêu cầu của
Bác sĩ Suzuki. Lại một trùng hợp thú vị, bởi mấy tháng nay tôi có nhận
một vựng tập về cuộc triển lãm của Sengai được tổ chức ở
California, do một người quen gởi cho. "Vũ trụ" là bức tranh mà
ngày nào tôi cũng không khỏi ngắm nhìn.
Quyết định thăm lại Nhật Bản
lần nữa đã được thực hiện nhanh chóng. Trong chuyến đi này tôi đã gặp
Bác sĩ Suzuki ở Tokyo và Atami. Sau đó tôi bắt tay dịch tác phẩm Mười bức
tranh chăn trâu sang Đức ngữ, và theo đề nghị của Bác sĩ Suzuki, ông
Akizuki đã giúp kiểm tra phần Hán văn. Tôi cũng gặp ông Sazô Idemitsu và
được ông ưu ái cho xem vài họa phẩm của Sengai mà nhiều bức trước đây
tôi chỉ được biết qua các phiên bản. Rồi tôi gia nhập Hannya Dôjô
(Bát nhã đạo tràng) để học Thiền truyền thống phái Lâm Tế. Ở Tokyo,
tôi được gặp Lão sư Shônen Morimoto và Đại đức S. N. Kobori. Bác sĩ
Suzuki, với lòng tốt bẩm sinh của ông, đã lo cho tôi hết mọi sự. Hầu
như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau nhờ sự thu xếp chu đáo của cô
Okamura, một người có tấm lòng tận tâm luôn mở rộng. Chuẩn bị cho kỳ
phát hành vựng tập của Sengai lần tới, tôi được ông Idemitsu đề nghị
dịch các bài của Bác sĩ Suzuki viết về Sengai ra tiếng Đức, Ý, và
Pháp. Lúc ấy việc dịch Mười bức tranh chăn trâu cũng đang tiến triển
thuận lợi. Việc này đòi hỏi chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Tôi vẫn
nhớ như in những buổi gặp này thường tràn ngập những nụ cười tuyệt
diệu và những tràng cười thân mật đã khích lệ tôi rất nhiều trong
công việc. Nụ cười luôn đến trên gương mặt Bác sĩ Suzuki ngay cả lúc
ông nghiêm trang hay bực mình, và làm nhẹ đi khi ông mệt mỏi hay lo lắng,
hoặc lúc đang đối phó với một vấn đề thực tiễn hóc búa, đang ngồi
thư giãn trên chiếc ghế của ông, hay đang cùng chúng tôi trên những chiếc
taxi chạy đua bạt mạng đến một phòng triển lãm thi họa Thiền nào đó.
Năm 1961, tôi được Bác sĩ
Suzuki, ông Sazô Idemitsu và tổ chức Kokusai Bunka Shinkò Kai (Quốc tế Văn hóa
Tiến hành Hội-ND) đề nghị hỗ trợ cho cuộc triển lãm của Sengai có thể
đến với nhiều quốc gia ở châu Âu. Những cuộc triển lãm này đã trở
thành một thắng lợi tinh thần thực sự, kể cả thành công thực tế ở
các viện Bảo tàng, vì đó là chân Thiền được thể hiện qua phương tiện
các nụ cười trong vắt và tinh thần trào phúng của Bác sĩ Suzuki, kèm
theo những bản dịch và lời bình của ông. Tinh thần chân chính bất biến
không có cách nào giải thích được, chính điều này giúp cho, trong nhiều
phương diện, sự thông hiểu nhau tốt hơn qua trực giác. Chúng tôi đã tổ
chức triển lãm ở mười hai nước châu Âu, từ Bắc xuống Nam, Đông sang
Tây, từ Stockholm đến Madrid, Vienna đến London, với tất cả mười bốn
cuộc triển lãm đầy thành công. Điều này chỉ có thể thực hiện nhờ
sự thông hiểu và giúp đỡ toàn diện của ông Idemitsu, và cũng nhờ lòng
tin tưởng tuyệt đối của ông nơi tôi và các thành viên cùng làm việc
trong nhóm. Trong bốn năm ở châu Âu mọi người đều ngạc nhiên trước sự
thành công của các lần triển lãm. Bác sĩ Suzuki thực sự vui mừng và nụ
cười của ông càng đậm đà ý vị khi chúng tôi nói về việc giới thiệu
Sengai đến châu Âu.
Cuộc chia tay thật sự của
chúng tôi diễn ra vào tháng 12 năm 1965, ở Liêm thương trong ngôi nhà của
ông. Khi tôi chào ông và bước qua khu vườn, ông đã kêu tôi lại. Tôi
quay lại và cúi đầu chào, cúi mình thật thấp theo kiểu người Nhật
thường làm. Ông mỉm một nụ cười mà tận thâm tâm tôi cảm thấy nó bất
diệt - một nụ cười tôi thật sự nhận được khi nói lời cảm ơn ông
vì những điều ông đã làm trong suốt cuộc đời. Lần cuối cùng tôi
nhìn thấy ông là lúc ông đang vẫy tay chào một cách vui vẻ và tươi cười
trước khi tôi bước lên xe ra phi trường. Ông nói: "Đi đường bình
an, hẹn gặp lại, ở đây hoặc ở đâu đó".
Và công việc của
chúng ta vẫn tiếp diễn. Nó giúp ta quên đi những căng thẳng hay nỗi sợ,
và cả nụ cười trong suốt của Bác sĩ Suzuki cùng với nụ cười của
Sengai. Tôi muốn nói rằng người thầy vĩ đại này không bị giới hạn
trong những từ ngữ ông đã viết và những cái được in ra trong sách của
ông. Tri thức về Thiền của ông là không thể nghĩ bàn. Nhưng sự truyền
đạt của ông về cái-bất khả truyền để lại những dấu ấn sâu xa
trên thế giới giữa những con người bình dị. Và những tảng đá gật
đầu.
JOHN C. H. WU
KỶ NIỆM CỦA TÔI
Trong những năm 1949 - 1951, tôi
là giáo sư thỉnh giảng về triết học và văn chương Trung hoa ở viện Đại
học Hawaii. Người sinh viên xuất sắc trong lớp tôi lúc ấy là Richard
DeMartino, cùng lúc đang học Thiền dưới sự dẫn dắt riêng của Bác sĩ
Suzuki, và qua anh mà tôi đã có dịp gặp ông. Ngay từ phút đầu gặp gỡ
ông đã cho tôi ấn tượng đây không chỉ là một người dạy triết, ông
còn sống thực với triết.
Tác phẩm Sống Thiền của
ông cũng ra mắt trong khoảng thời gian này. Tôi hoàn toàn bị thu hút bởi
sự trình bày của ông về những kiến giải vi diệu của các đại Thiền
sư như Mã Tổ, Triệu Châu, Lâm Tế, và Vân Môn. Cho tới lúc ấy kiến thức
của tôi về Thiền tông chủ yếu dựa trên bộ Đàn Kinh của Lục tổ Huệ
Năng, quyển sách tôi đã đọc từ nhiều năm trước và coi là một trong
ba tác phẩm uyên bác nhất trong lịch sử Trung Hoa; hai quyển kia là cuốn
Luận ngữ của Khổng tử và Lão tử Đạo đức Kinh. Đến khi đọc Sống
Thiền tôi bắt đầu nhận ra ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Huệ
Năng và, còn hơn thế, được tiếp cận phong vị Thiền tông đã phát triển
qua lời dạy của những hậu duệ vĩ đại của ngài. Từ đó tôi rất
thích văn học Thiền và sức hấp dẫn của nó không ngừng lớn mạnh
trong tôi.
Lần thứ hai tôi gặp Bác sĩ
Suzuki ở Honolulu. Đó là mùa hè năm 1959, khi viện Đại học Hawaii tổ chức
cuộc Hội thảo các triết gia Đông-Tây lần thứ ba. Cả hai chúng tôi đều
có tên trong danh sách diễn giả. Một buổi chiều, tôi nghe ông nói như vầy
khi đang báo cáo về triết lý sống của Nhật Bản: "Người Nhật sống
với Khổng giáo và chết với Phật giáo". Tôi bất ngờ trước lời
tuyên bố lạ lùng này. Dĩ nhiên tôi hiểu ý ông muốn nói gì, vì điều này
cũng ít nhiều đúng như ở Trung quốc. Nhưng dù sao tôi vẫn cho rằng đó
là sự cường điệu cần cho sự cải thiện và làm sáng tỏ vì lợi ích
của chúng ta những người Tây phương. Vì vậy, ngay khi ông kết thúc bản
báo cáo, tôi đã xin phép vị chủ tọa đặt một câu hỏi với ông, và đã
được chấp thuận. "Tôi thật sự bị thu hút trước nhận xét của
Bác sĩ Suzuki rằng người Nhật sống với Khổng giáo và chết với Phật
giáo. Vậy thì, mấy năm trước đây tôi đã có dịp đọc quyển Sống Thiền
của Bác sĩ, Thiền tông có phải là một trường phái Phật giáo đang thịnh
hành ở Nhật? Nếu đúng, hẳn phải có nhiều người Nhật đang sống với
Phật giáo chứ. Như vậy, theo tôi hiểu, dường như nói người Nhật chết
với Phật giáo là nói theo nhu cầu một sự xét lại nào đó". Vị chủ
tọa đã cẩn thận chuyển câu hỏi của tôi cho Bác sĩ Suzuki (vì ông hơi
bị lãng tai), và cả nhóm thảo luận nóng lòng chờ câu đáp của ông. Nhưng
ngay sau khi vị chủ tọa trình bày xong vấn đề, Bác sĩ Suzuki trả lời với
sự đột ngột và tự nhiên của một Thiền sư thực sự: "Thì sống
cũng là chết!" Câu đáp làm cả hội trường rộn lên. Mọi người
cười ồ, như thể cười tôi. Chỉ mình tôi bừng tĩnh. Hiển nhiên đâu
phải ông trả lời câu tôi hỏi, mà ông đẩy tôi lên một bình diện cao
hơn, bình diện vượt ngoài lý và luận, vượt khỏi sinh và tử. Tôi muốn
vỗ vai ông một cái để biểu thị rằng tôi đã thấm lời ông. Nhưng đáo
cùng, chẳng phải tôi vẫn phải sống với Khổng giáo đó sao, nhất là trước
những vị giáo sư khả kính như thế này?
Qua kinh nghiệm thú vị này
tôi càng cảm thấy gần ông hơn. Chúng tôi hiểu nhau từng ánh mắt, dù
nhiều bạn hữu người Mỹ vẫn nhắc tôi rằng Bác sĩ Suzuki chưa giải đáp
vấn đề tôi nêu, và họ hết sức hoang mang khi tôi bảo điều đó còn hơn
là một lời giải đáp. Chỗ nào hai triết gia Đông phương hoàn toàn nhất
trí thì hai triết gia Tây phương có thể chẳng thấy gì ngoài sự bất đồng.
Mùa hè năm 1964, chúng tôi lại
gặp nhau trong Hội thảo các triết gia Đông-Tây lần thứ tư ở Honolulu.
Chúng tôi sung sướng họp lại và cô Okamura, người tự nguyện làm thư ký
cho ông, đã chụp cho chúng tôi mấy kiểu hình. Ông hài lòng khi biết tôi
đang viết một quyển sách về thời hoàng kim của Thiền tông, nói về
các Thiền sư dưới triều đại nhà Đường. Ông đã vui vẻ nhận lời viết
giới thiệu sách khi tôi viết xong. Ông đã xem qua một trong các chương của
sách, và khích lệ tôi nên tiếp tục.
Mùa đông năm 1965, cuốn sách
cơ bản được hoàn tất, và tôi viết gởi ông hai lá thư, bức thứ hai
như sau:
43 Cottage Street
South Orange, N.J. 07079
ecember 20, 1965
Bác sĩ Suzuki kính mến,
Tôi rất vui mừng báo thầy biết
tôi đã hoàn tất cuốn Thời hoàng kim của Thiền tông, trong đó có 44
trang kèm theo là Lời Bạt của sách. Tôi xin gởi thầy phần này trước vì
nó liên quan tới vài điều có tính riêng tư. Vả chăng, đó là việc đọc
nhẹ nhàng thích hợp trong kỳ nghỉ lễ. Các chương còn lại như sau:
Phần mở đầu: từ Bồ Đề
Đạt Ma đến Hoằng Nhẫn
Lục tổ Huệ Năng: Cuộc đời và
các môn đồ xuất chúng của ông.
Những kiến giải căn bản của
Huệ Năng (đây là phần đã trình ông xem mùa hè năm ngoái)
Mã Tổ Đạo Nhất
Bách Trượng và Hoàng Bá
Triệu Châu Tùng Thẩm
Những Thiền sư lỗi lạc trong dòng
Thần Tú.
Qui Sơn: Tổ sáng lập phái Qui Ngưỡng
Lâm Tế Nghĩa Huyền: Tổ sáng lập
phái Lâm Tế
Động Sơn: Tổ sáng lập phái
Tào Động
Vân Môn Văn Yễn: Tổ sáng lập
phái Vân Môn
Pháp Nhãn Văn Ích: Tổ sáng lập
phái Pháp Nhãn
Lời bạt (gởi kèm theo đây)
Tôi còn dự tính bao quát cả
những thời kỳ tiếp theo, nhưng nền văn học Thiền phong phú đến độ
muốn viết một biên sử thích đáng về Thiền tông Trung hoa tôi cần ít
nhất là năm năm nghiên cứu cật lực. Như ở đây, chỉ riêng các Thiền
sư triều đại nhà Đường, tôi đã viết đến ba trăm trang sách.
Tất cả các chương trên đều
đã được in rô-nê-ô trừ chương đầu còn đang viết. Tôi đang đọc lại
hai tác phẩm uy tín của thầy về Kinh Lăng già. Thực ra, những kiến giải
sâu sắc của thầy đã hướng dẫn tôi viết sách này. Nhưng để viết
chương mở đầu, cần phải thấu đáo những nghiên cứu cặn kẽ của thầy.
Tôi đã theo những kiến giải
quan yếu của thầy nhưng không với tinh thần nô lệ, mà bởi vì khi đã
nghiên cứu cẩn thận những tư liệu gốc trong Hán văn, tôi không thể
không đồng ý với thầy trên nhiều phương diện. Chẳng hạn như những
điều thầy nói về sự tương đồng căn bản giữa Đạo của Lão tử và
Trang tử và Thiền tông - trong bài giới thiệu bản dịch Trang tử của
James Legge - chính xác một cách sâu sắc đến độ không ai có thể bài
bác. Sự thật là Thiền tông đã mang nhiều ảnh hưởng của Triệu luận,
và theo tôi biết, Tăng Triệu là người thực sự hiểu Trang tử.
Tôi sẽ gởi đến thầy tất
cả các chương trên ngay khi thầy bảo. Mong thầy sẽ giúp cho tôi lời giới
thiệu sách như thầy đã nói mùa hè năm ngoái.
Có những người bạn ở Đài
loan đã đề nghị tôi viết một tiểu sử của Bác sĩ Tôn Dật Tiên bằng
tiếng Anh. Tôi phải đi Đài bắc vào mùa xuân tới, nhưng tôi vẫn muốn
ghé qua Nhật vài ngày để thăm thầy trước khi đến Đài Loan, có được
không? Chúng ta sẽ cùng thưởng ngoạn mùa hoa Anh đào năm nay?
Trong Lời bạt (tr. 11ff) thầy
sẽ thấy một phần tường thuật cá nhân về "Phong vị Thiền của
Suzuki". Mùa hè năm trước, nhiều thành viên cao niên của Hội thảo vẫn
cho rằng dù sao thầy cũng chưa trả lời câu hỏi của tôi! Vì vậy tôi
nghĩ đây là dịp để kết thúc sự im lặng của tôi.
Thầy sẽ thấy trong Lời bạt
tôi đã lấy tư liệu hầu hết từ những nguồn sau thời Đường. Điều
này nêu bật ý kiến của tôi trong chừng mực nào đó. Tôi hy vọng phần
viết về Đại Tuệ Tông Cảo không quá khắc khe. Có lẽ tôi có ấn tượng
tốt hơn về ông ấy nếu tôi tìm hiểu ông ấy kỹ hơn. Thầy nghĩ sao về
trường hợp này?
Cha Thomas Merton, một người bạn
thân của tôi, vừa cho xuất bản cuốn Đạo của Trang Tử. Tôi rất mừng
thấy ông củng cố thêm ý kiến của thầy về Trang Tử và Thiền. Ở
trang 15, ông viết: "Những người kế thừa chân chính tinh thần và tư
tưởng của Trang Tử chính là những Thiền giả triều đại nhà Đường".
Mong thầy hằng an vui và một
cuộc sống trường thọ ít ra cũng như Cổ Phật Triệu Châu.
Học trò nhỏ của thầy,
John C. H. Wu
Xin thầy vui lòng chuyển giúp
lời chúc mừng Giáng sinh và Năm mới đến cô Okamura. Tôi gởi kèm theo đây
bản dịch sang chữ Hán bài thơ haiku của Ba Tiêu, không biết thầy có
thích không? Tôi có thể dịch nhiều bài khác nữa sang Hoa ngữ.
Ước gì tôi có thể diễn tả
niềm vui sướng rộn ràng khi nhận được thư trả lời của ông vào
tháng hai năm đó. Nó là một kho tàng vô giá mà tôi muốn chia sẻ với độc
giả:
Matsugaoka Bunko
1375 Yamanouchi
Kamakura, Japan
Ngày 30 tháng Giêng, 1966
Bác sĩ Wu thân mến,
Cảm ơn ông đã gởi hai bức
thư. Nó đến đúng lúc, nhưng tôi bận đi vắng một thời gian. Hơn nữa gần
đây thị lực của tôi yếu kém nên thật khó đọc thư và bản thảo,
càng khó hơn với những cuốn sách in chữ nhỏ xíu. Vì thế mà hồi âm trễ,
xin vui lòng miễn thứ.
Bản thảo "Lời bạt"
của ông rất hay. Bản dịch bài haiku của Ba tiêu về con ếch đã đạt đến
tinh yếu của mọi kinh nghiệm xác thực về tôn giáo. Tôi mong được gặp
ông khi ông đi Đài Loan. Bằng mọi giá cũng ráng đến Liêm thương để tôi
được hàn huyên cùng ông về những đề tài chúng ta quan tâm. Việc viết
lách làm mất rất nhiều thời giờ. Cho biết tin khi nào ông dự tính lên
đường.
Rất mong được gặp ông và
chúc ông mọi sự tốt lành.
Thân ái,
Daisetz T. Suzuki
Tái bút: xin vui lòng tìm giúp
một bức ảnh chụp ở Hawaii năm 1959.
Phần Lời bạt nói trên
đương nhiên là quá dài để có thể chép ra đây. Tôi chỉ muốn ghi lại
phần có liên quan tới bài thơ haiku của Ba Tiêu vì ông rất tâm đắc:
Thời gian và Vĩnh cửu
Một trong những liên thơ quen
thuộc nhất trong văn học Thiền Trung hoa là hai câu sau:
Một trời miên viễn:
Một ngày gió trăng.
Nó đưa chúng ta về buổi
bình minh của sáng thế. Và không có gì khuấy động tâm trí chúng ta hơn
là nhớ lại cái run rẫy đầu tiên của thời gian ở giữa lòng vĩnh cửu.
Một Cõi Không vô hạn, tuyệt đối tĩnh lặng. Trong một khoảnh khắc nảy
ra sự sống và sự chuyển động, hình và sắc. Ai biết nó diễn ra thế
nào! Nó là một ẩn mật huyền bí. Nhưng chỉ cần nhận ra sự huyền bí
này cũng đủ cho một người mẫn cảm say sưa trước niềm vui thú kỳ tuyệt.
Đây là bí ẩn của nét đẹp
trong bài thơ của Ba Tiêu:
Ao xưa
Con ếch nhảy vào -
Bõm!
Cái ao là hình tượng của
"Môt trời miên viễn", con ếch nhảy vào và khua động mặt nước
như "Một ngày gió trăng". Còn kinh nghiệm nào đẹp hơn và rung động
tâm hồn hơn kinh nghiệm nắm bắt được sự tĩnh lặng ngàn đời lần đầu
tiên vỡ tan thành tiếng hát? Hơn bao giờ hết, mỗi ngày là bình minh của
sáng tạo, bởi mỗi ngày là duy nhất một ngày đầu tiên và cuối cùng.
Thượng đế không là Thượng đế của sự chết, mà của sự sống.
Ngày mồng một tháng năm năm
đó (1966) tôi từ New York bay đi Tokyo trong vài ngày để thăm Bác sĩ Suzuki
ở Liêm thương. Đó là lần thứ ba tôi gặp ông, cùng với người bà con
của tôi, ông C. F. Liu và thư ký của ông, ông Ikeba. Cô Okamura đón chúng
tôi, cho biết Bác sĩ Suzuki đã trông đợi tôi từ mấy ngày nay và xem trọng
tình bạn này đến mức cho rằng nó làm ông cảm thấy ông không sống vô
nghĩa! Và con người vĩ đại ấy đã xuất hiện cùng với những nụ cười,
chào đón chúng tôi. Mọi người đều ngạc nhiên thích thú trước dáng vẻ
khỏe mạnh của ông. Tôi đưa tặng ông bản thảo cuốn Thời hoàng kim của
Thiền tông mà ông sẽ viết lời giới thiệu. Ông đã hào phóng cho tôi
nhiều quyển sách, trong đó có những tác phẩm công phu của ông viết về
Đàn Kinh, những đoạn sưu tập về Bồ Đề Đạt Ma, và ngữ lục của
Triệu Châu. Cô Okamura lại chụp cho chúng tôi thêm vài tấm ảnh.
Rõ ràng ông có thiện cảm với
Đại Tuệ Tông Cảo hơn tôi, vì ông đã bình luận một cách ưu ái về những
trước tác của ông này, và khuyên tôi nên tìm hiểu thêm. Tôi đã nghe
theo và ấn tượng của tôi về Đại Tuệ có cải thiện, tuy nhiên, phải
thừa nhận rằng tôi vẫn cảm thấy con người này hơi quá đa đoan lý sự.
Chúng tôi đã dành trọn buổi
chiều hôm đó với ông, và chúng tôi nhận thấy ông vẫn rất sôi nổi so
với tuổi tác. Làm sao biết được chỉ hai tháng sau là ông hoàn tất cuộc
hành trình trên cõi đời này. Tôi chỉ một lần mơ thấy ông, vẫn đang nói
về Triệu Châu. Nhưng nếu, như ông đã bảo "sống ấy là chết",thì
chết cũng là sống vậy thôi.
Suzuki là một Chân nhân, người
thuộc về cả thế giới ở mọi thời đại. Chỉ một đất nước vĩ đại
như Nhật Bản mới sinh một con người vĩ đại như Suzuki.Ông đã trở về
cõi vĩnh hằng, nhưng đáng yêu làm sao một ngày lộng gió và trăng!
JEANNETTE SPEIDEN GRIGGS
HỒI KÝ 1950 - 1961
Lần đầu tiên tôi gặp Bác sĩ Suzuki
vào mùa xuân năm 1950 khi ông đến Claremont, California, để giảng ở Đại
học Claremont về "Luận lý học của Thiền Phật giáo".
Trong buổi nói chuyện mở đầu,
Bác sĩ Suzuki đã đề cập theo một phong cách thú vị lạ đời rằng ông
hiểu rất rõ sự phù phiếm khi tìm cách giảng dạy bằng thuyết trình, bởi
lẽ sinh viên chỉ hiểu những gì vị giáo sư nói trong phạm vi kinh nghiệm
của họ mà thôi. Lời lẽ vị giáo sư nói ra chỉ có thể soi sáng sinh
viên nào đã thực sự sáng tỏ, mà như vậy thì không cần lời lẽ nữa.
"Tuy nhiên", Bác sĩ Suzuki nói với nụ cười không ai bắt chước
được, "tôi vẫn tiếp tục giảng dạy vì đặc tính của con người
là cần được thông tri". Chính thái độ vui vẻ chấp nhận những giới
hạn của ngôn từ này đã thúc đẩy tôi đếnvới ông và dự khóa thỉnh
giảng của ông.
Đó chỉ là một lớp học nhỏ
nhưng có nhiều học giả nổi tiếng tham gia. Khách mời lần lượt tiếp xúc
với chúng tôi bằng những bài thuyết trình, và trong số họ có những người
cho đến nay tôi vẫn xem là bạn quí. Trong suốt học kỳ, Bác sĩ Suzuki đã
mô tả tiến trình của tư tưởng Phật giáo trong nền văn hóa Nhật từ
thời kỳ Nara đến Kyoto (Fujiwara) rồi đến kỷ nguyên Kamakura. Chúng tôi dần
biết đến nhiều vị Thiền sư, bắt đầu bằng hình ảnh của Huệ Năng
vị tổ thứ 6 của Thiền tông. Huệ Năng người miền Nam Trung quốc dạy
rằng "Phật Tánh" vốn có sẵn nơi mọi người bất kể người
sanh ở đâu. Ông vẫn nói với chúng tôi như nói với các huynh đệ của
ông: "Chớ niệm thiện, chớ niệm ác, mà hãy nhìn xem gương mặt thật
của anh ngay lúc này là gì, cái gương mặt của anh từ trước khi sinh
ra". "Nhìn vào bản tánh của mình" là cách của Huệ Năng truy
tìm Trí tuệ tối thượng mà đức Phật đã sở đắc.
Trong một bài giảng đáng nhớ
khác, Bác sĩ Suzuki đã nói về "Tánh không" (Sunyata) trong đó tồn
tại những mặt đối lập của thế giới đối đãi này. Khi ông viết
lên bảng những ký tự Phạn, Hán, Nhật và Anh, tôi còn nhớ biểu hiện nơi
gương mặt ông cho thấy không có ký tự nào của bất cứ ngôn ngữ nào
có thể chuyển tải trọn vẹn kinh nghiệm về "Không". Ông nói:
"Giác ngộ không phải là một kinh nghiệm thụ động mà là một kinh
nghiệm tích cực đến mức vượt ngoài mọi năng lực của văn tự. Chúng
ta chỉ có thể bàn về nó bằng cách nói tới những gì không phải là
nó".
Có những dịp bên ngoài giảng
đường Bác sĩ Suzuki đã nói bằng những từ đơn giản nhất về kinh nghiệm
‘Satori’. "Thần bí là trái tim của tôn giáo. Theo tôi, ý thức tôn
giáo giống nhau trong mọi truyền thống, ở mọi thời đại". Một hôm
ông viết chữ ‘Advaita’ trên một mẩu giấy nhỏ màu vàng mà tôi vẫn
còn lưu giữ và nhấn mạnh ý nghĩa ‘Bất-Nhị’ mà là ‘Một’, cái Một
gồm cái Nhiều, cái Không, mà trong đó mọi đối lập được hóa giải,
"ngọn gió Nó cũng Vô-Tâm". "Trong Thiền", ông lưu ý,
"chúng ta nói Satori hay ngộ là nói Trí (Prajĩà) và Bi (Karuịa)". Ta
biết rõ trong khi ta sử dụng hai từ khác nhau, trong kinh nghiệm Trí và Bi
là ‘Bất-Nhị’.
Suốt mùa thu năm 1951, Bác sĩ
Suzuki đã trở lại Claremont và thỉnh thoảng ông là khách mời của gia đình
chúng tôi. Trẻ con trong nhà cảm nhận được tính giản dị độ lượng của
ông. Ông rất vui tính và thân tình, luôn dễ dãi mà điềm đạm. Lũ trẻ
cảm thấy ngay nét trầm lặng và trí tuệ uyên áo của ông dù chúng chẳng
biết gì về Thiền. Với ông chúng được trải qua kinh nghiệm sống Thiền
nơi một người mà sự hiện diện nói lên tất cả không cần ngôn ngữ.
Cách Claremont chừng 50 dặm có
một tu viện Vedanta dành cho những môn sinh của giáo phái Ramakrishna tu học.
Bác sĩ Suzuki tỏ ra muốn thăm viếng Trabuco nên tôi đã thu xếp cùng vài
người bạn ở đó đưa ông đi một buổi trưa. Chúng tôi đến nơi vào giờ
cơm trưa. Bác sĩ Suzuki quả là một vị khách hoạt bát và sôi nổi, ông
thích thú trước mọi chi tiết của cuộc sống và giáo luật phái Vedanta.
Ông thoải mái kể lại thời kỳ tu học của mình ở Engakuji. Những tăng
sinh trẻ của giáo phái nhận thức được ông là người đã tìm thấy dưới
tên gọi ‘Satori’ cái kinh nghiệm mà họ đang mưu tìm dưới tên gọi ‘Samadhi’.
Họ tỏ ra kính trọng và quí mến ông vô cùng, và rất thích cuộc viếng
thăm này. Trên đường về, Bác sĩ Suzuki, mệt mỏi sau nhiều
giờ liền tiếp chuyện, đã thiếp
ngủ trên xe. Nhìn gương mặt nhỏ thó đang thư giãn bên cạnh mình, bất
giác tôi cảm thấy trách nhiệm vô cùng phải hết sức cẩn thận không
làm xáo động sự nghỉ ngơi của ông.
Mười năm trôi qua, Bác sĩ
Suzuki đã chu du diễn thuyết ở châu Âu và ở Columbia, New York. Sự diễn
giải của ông về Thiền đã khiến ông trở thành nhân vật quốc tế mà
tôi thường nghe nhắc đến. Năm 1961, Viện Nghiên cứu Cao cấp Văn hóa và
Tôn giáo thế giới Blaisdell đã giúp tôi thực hiện dự định qua Nhật để
viếng thăm các Thiền viện và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Thiền tông.
Cùng đi với tôi trong chuyến này còn có con gái tôi, Sylvia 18 tuổi. Vừa
đến Tokyo chúng tôi đã được tin nhắn của Bác sĩ Suzuki và lời mời dự
buổi cơm tối ở Bắc Liêm thương. Bác sĩ Suzuki và cô Okamura đưa chúng
tôi đến một quán trọ nằm dưới thung lũng phía dưới nơi cư ngụ của
họ. Tôi sẽ không bao giờ quên bữa cơm Nhật Bản đầu tiên đó. Quán trọ
mở cửa ra một khu vườn đỗ quyên và những cây đậu tía đang ra hoa màu
tím nhạt. Khi thức ăn được dọn ra, Bác sĩ Suzuki nói về
những món ăn được pha chế cho
có màu sắc tươi đẹp và có nhiều hương vị. Những cái tô bằng sơn mài
đen dát vàng theo kiểu cổ hay màu đỏ ấm, cầm rất nhẹ tay và thích
thú. Và Bác sĩ Suzuki kể chuyện Thiền giữa bữa ăn ung dung nhàn nhã. Ông
nói về chuyện một cánh hoa duy nhất được coi là tuyệt mỹ, nhưng ông cũng
giải thích thái độ của người Nhật trước những cây hoa bị người làm
vườn đốn bỏ để tôn vinh vẻ tuyệt trần của duy nhất một bông hoa.
Yêu sự toàn mỹ bao hàm cả tình yêu hiếm có dành cho sự bất toàn.
Khi bữa tiệc tuyệt vời kết
thúc, chúng tôi muốn tìm lời bày tỏ sự trân trọng chủ nhân và người
phục vụ đã dày công chuẩn bị và trình bày món ăn cách hoàn hảo như
thế. Nhưng ý tại ngôn ngoại và kể cả những cái cúi chào cung kính chừng
như cũng chưa xứng. Bác sĩ Suzuki dẫn chúng tôi băng qua thung lũng, leo lên
những bậc thang dốc đứng hướng về nhà ông. Ông là người nhanh nhẹn
nhất trong đoàn, bước thoăn thoắt trên những bậc đá như đi trên đất
bằng. Chúng tôi theo sau, kinh ngạc. Con gái tôi bị hấp dẫn bởi chủ
nhân hào hiệp đến mức muốn ở lại Nhật Bản, học tiếng Nhật, và
vào trường Nhật. (Hộ chiếu du lịch của chúng tôi không cho phép làm như
vậy nên nó phải miễn cưỡng quay về, cùng với những kỷ niệm sẽ còn
giữ
mãi.) Về đến nhà, chúng tôi dừng
lại ngắm những cành mẫu đơn đỏ tía bên khung cửa. Bác sĩ Suzuki mỉm
cười và đứng nói chuyện bên một bụi mẫu đơn cao lớn khi tôi quay
phim ông. Rồi ông mời chúng tôi vào nhà và chúng tôi nhìn thấy một bức
họa vẽ cảnh Phật nhập Niết bàn, một "quốc bảo". Ông chỉ
cho chúng tôi xem những quyển sách minh họa các "Bảo khố
Shôsôin" và chúng tôi sững sờ trước những thớ vải mỏng manh và
đồ khí tự tinh xảo từng được sử dụng từ thế kỷ thứ tám trong
hoàng triều Nhật Bản vẫn được giữ gìn nguyên vẹn trên 1000 năm nay.
Đọc những quyển
sách trong đó ông đã đưa những "chân lý bất diệt" của truyền
thống Thiền đến với thế giới nói tiếng Anh, tôi vô cùng cảm ơn đã
vinh dự được quen biết Bác sĩ Suzuki, vô cùng biết ơn ông vì ông chính
là ông. Tôi thấy mình thật may mắn so với những người khác khi được
biếtông một giáo sư thông thái, một thiên tài ngôn ngữ, một khách mời
đáng trân trọng và một gia chủ mến khách tuyệt vời. Ông sẽ luôn được
nhớ đến như một "Người giác ngộ" ung dung tự tại, như một Công
dân thế giới đã mang đến chúng ta vẻ đẹp của nền văn hóa Nhật Bản
và trí tuệ vuột thời gian của Thiền tông. Daisetz Teitaro Suzuki, chúng tôi
xin kính cẩn cúi chào Ông, một Người mà Phật-Tánh hiển hiện trong một
chúng sanh ấm áp tình người.
DOUGLAS V. STEERE
LỮ HÀNH THƯ
(Mùa thu năm 1954, Giáo sư
Douglas Steere, một tín đồ giáo phái Quaker, đến thăm Bác sĩ Suzuki và đã
viết bức thư cho đăng báo về cuộc viếng thăm này. Nó cho thấy phần
nào chân dung Bác sĩ Suzuki mà nhiều bạn hữu của ông thừa nhận. Trong thư
gởi Ban biên tập, ông viết: - Tôi mới gặp lại Bác sĩ Suzuki hôm 29
tháng 4 năm nay (1966) và đó là cuộc gặp gỡ thú vị. Ở tuổi 95, ông vẫn
rất sinh động và một mực đòi tự tay châm nước pha trà cho chúng tôi.
Tôi kể cho ông chuyện một người bạn của tôi, cũng 96 tuổi, đã nói rằng
ông không hiểu tại sao ông vẫn còn sống trên đời này nhưng ông nghĩ có
lẽ vì Thượng đế cũng chưa biết làm gì với ông. Bác sĩ Suzuki cười
nhẹ nhàng và bảo có lẽ đó cũng là trường hợp của ông. - Ed.)
"Một trong những điều đầu
tiên tôi nghe nói khi đặt chân đến Nhật là Giáo sư Daisetz Suzuki, một học
giả có hạng về Thiền Phật giáo, đã trở về từ New York và đang ở tại
Liêm thương. Từ ba năm nay, tôi mời ông làm khách quý của chúng tôi mỗi
năm một lần ở Đại học Haverford, vì vậy tôi đã thu xếp đến thăm
ông vào ngày hôm sau. Anna Brinton và tôi đã di chuyển bằng hệ thống xe
điện tuyệt hảo, đi qua nhiều vùng ngoại ô Tokyo trong một hoặc hai tiếng.
Liêm thương từng là một trong các thủ phủ chính trị và tinh thần của
Nhật Bản, được điểm xuyến đó đây bằng những tu viện và đền đài
Phật giáo tuyệt đẹp do các Nhiếp chính thời đó xây dựng.
Tư thất và tàng kinh các của
Giáo sư Daisetz Suzuki nằm trên khu vực vốn là đất chùa, phía cao trên
thành phố. Ở đó nhìn qua đồi là Engakuji, một Thiền viện Phật giáo
mà vị trụ trì là Sôgen Asahina vừa đến thăm Haverford mùa xuân vừa qua.
Sau một hồi mải miết trèo lên những bậc cấp, chúng tôi gặp cô Mihoko
Okamura, một cô gái Nhật-Mỹ duyên dáng đi theo làm thư ký cho Giáo sư
Suzuki. Cởi giày ra như người Nhật thường làm trước khi vào nhà, chúng
tôi mang những đôi dép mềm của gia chủ đưa cho và được đưa tới một
gian phòng đơn sơ có trải một chiếc chiếu tatami. Chúng tôi ngồi xuống
những tấm nệm mỏng bên một cái bàn thấp theo kiểu Nhật.
Bác sĩ Suzuki bước vào trong bộ
đồ Kimino, gương mặt sáng lên với những nụ cười chào đón chúng tôi.
Ông quì xuống cạnh cái bàn đối diện với chúng tôi và bắt chuyện
ngay, nói từ khi trở về Nhật ông không thể làm việc được vì tất cả
bạn hữu đồng hương đến thăm ông suốt cả ngày; đó là chưa kể vô số
người thỉnh nguyện. Ông sẽ quay lại New York vào tháng giêng năm sau không
chỉ vì khóa dạy của ông ở Đại học Columbia, mà còn để tìm sự yên
ắng cho công việc mà ở Nhật ông không thể có được.
Tôi trích lời Jacques Maritain,
"một người tư bản là một người không có thời giờ", và
chúng tôi cười về sự hăm hở muốn trở lại cái bình yên, tĩnh lặng,
vô danh của ông ở giữa lòng thành phố New York để có thể viết tiếp
những quyển sách về Thiền. Tôi còn muốn tăng thêm gánh nặng cho ông khi
nhận lời đề nghị của ông từ mùa xuân trước để giới thiệu tôi với
vài người giỏi nhất trong giới Phật giáo Thiền tông Nhật Bản, cho tôi
cảm nhận được sức sống của nó trên đất Nhật ngày nay. Sau tuần
trà xanh và ăn bánh ngọt, ông viết cho tôi 4, 5 cái thiệp giới thiệu tôi
với những người ở Tokyo và nhiều nơi khác mà ông nghĩ là hữu ích cho
tôi. Sau này tôi mới biết, với những tấm thiệp đó tôi đã được tiếp
đón nồng nhiệt hơn bất cứ phương tiện nào khác.
Việc thăm hỏi xong, ông dẫn
chúng tôi đi xem hai gian nhà lớn bên cạnh tö thất ông, nơi lưu giữ toàn
bộ kinh sách đáng kinh ngạc của ông. Nơi này tương lai sẽ là một trung
tâm nghiên cứu Thiền Phật giáo khó có nơi nào sánh kịp ở Nhật Bản.
Ngoài những thủ bản Thiền xưa cổ, ông còn có đầy đủ các kinh điển
Thiên chúa giáo, thần học. Quả không dễ quay lưng trước một tàng kinh
các như vậy khi ông chọn sống ở hải ngoại.
Nghị lực vô hạn,
tư thái thong dong, nét sảng khoái nội tâm, phong cách nhã nhặn và độ lượng
khôn dò nơi nhà học giả vĩ đại này, ở độ tuổi tám mươi ông đã tiễn
chúng tôi trong một đám mây kinh ngạc khi lần bước theo những bậc thềm
trên con đường quanh co sẫm tối mà người thư ký của ông đưa chúng
tôi ra về. Cái gì trong Thiền đã nhen nhóm trong con người già nua này khiến
ông rực sáng và khả ái đến vậy?
RICHARD GARD
GỞI BÁC SĨ DAISETZ TEITARO
SUZUKI
Ojii-san kính mến,
Biết bao người trên thế giới
này kính trọng và nhớ mãi đến Bác như một nhà tư tưởng, nhà văn,
người thầy, người sưu tập kinh sách, và người bạn. Tôi cũng vậy,
mong muốn được cùng họ hôm nay tỏ lòng chân thành biết ơn Bác.
Là một nhà tư tưởng, trong
những cuộc mạn đàm của chúng ta ở Nhật Bản, Hawaii, và nhất là ở
California, Bác đã khích lệ và hướng dẫn tôi không ngừng truy tìm những
ý tưởng mới, và xem xét lại những cái cũ.
Là một tác gia, Bác đã cho
tôi đọc vô số tác phẩm và luận đề bằng Anh ngữ cũng như Nhật ngữ,
đặc biệt về tư tưởng Đại thừa, phương pháp luận của Thiền, và văn
hóa Nhật.
Là người thầy, ở Ban Cao học
Claremont Bác đã dạy tôi những kiến thức mới mẽ về thời đại Liêm
thương giúp tôi thực hiện luận án bác sĩ của mình.
Là người sưu tập kinh sách,
Bác đã cho tôi xem thư viện của Bác ở Kyoto vào năm 1940, bây giờ đã
được xây dựng thành nhà Matsugaoka Bunko ở Liêm thương, đã khích lệ
tôi phát triển bộ sưu tập chuyên đề về tư tưởng Á đông và Phật
giáo của riêng mình.
Và là một người bạn, từ
năm 1939, đã nhiều lần ở nhiều nơi chốn khác nhau, Bác đã chia xẻ những
hy vọng và thất vọng riêng tư cũng như những thành tựu trong lĩnh vực học
thuật. Đáp lại, tôi đã vô cùng sung sướng được giúp thu xếp cuộc định
cư lâu dài lần thứ hai của Bác ở Hoa kỳ, thương lượng việc bổ nhiệm
thầy ở Ban Cao học Claremont, làm người bảo lãnh Bác trên đất nước chúng
tôi, và mời Bác lưu ngụ tại gia đình tôi ở Ontaraio, California, trong năm
1950.
Nhưng trên tất cả, tôi vẫn
nghĩ về Bác trước hết là Ojii-san: tấm lòng từ ái đặc biệt của Bác
đối với súc vật, nhất là mèo; Bác yêu thiên nhiên, nhất là hoa; và những
nụ cười rộng mở trước tất cả mọi người, lạ cũng như quen.
Với Gasshò
Richard A. Gard
MARGARET J. RIOCH
NHỮNG KỶ NIỆM VỀ
BÁC SĨ DAISETZ SUZUKI
Tôi gặp Giáo sư Suzuki vào khoảng
năm 1952. Lúc ấy tôi được biết ông có buổi nói chuyện chuyên đề ở
Viện Đại học Columbia mà ai cũng có thể đến dự. Vì tìm thấy trong
các tác phẩm của ông có điều gì làm tôi nóng lòng muốn tìm hiểu rõ hơn,
tôi đã nhân thời cơ này đến New York để tham dự khóa chuyên đề của
ông. Thính giả ngồi quanh mép ngoài một căn phòng lớn và ông nói chuyện
với một nhóm sinh viên quây tròn phía trong. Hôm đó, ông nói về nếp sống
ở Thiền viện ("Một ngày không làm là một ngày không ăn") và cả
tiến trình làm đồ gốm như một người thợ gốm Thiền vẫn làm. Ông
mô tả chi tiết cách người thợ gốm cẩn thận chọn và trộn đất thó,
lấy một ít ở chỗ này và một ít ở chỗ kia, nhận biết một cách tinh
tế sự khác nhau của chất liệu ở những vùng khác nhau. Tôi có cảm
giác vài người đã mất kiên nhẫn vì sự mô tả dài dòng như tính thủng
thẳng mà người thợ gốm phải có khi quan sát các chi tiết. Nhưng rồi
điều gây ngạc nhiên cũng đến khi ông bảo tất cả sự cẩn trọng, tài
năng, và kinh nghiệm đó cũng chưa đủ để làm ra sản phẩm thật sự. Phải
có yếu tố bất chợt, một ngẫu nhiên may mắn nào đó xảy ra. Có thể
tôi chưa thật hiểu rõ, nhưng tôi nhớ lúc ấy đã xem ý tưởng này như sự
tương đồng của Thiền tông với ân sủng của Thiên chúa. Và tôi tự nhủ
người thợ gốm sẽ làm ra sản phẩm thật sự khi y và chất liệu và vũ
trụ quanh y là một.
Không rõ đề tài đã chuyển
đổi thế nào mà bỗng nhiên Bác sĩ Suzuki nói về chuyện săn bắn. Rõ
ràng ông ghét cái ý tưởng rình bắn những con chim và ông nói một cách
giận dữ là ông không thể nghĩ ra điều gì xấu hơn việc một con người
rình rập để bắn một con chim nhỏ bé. Tôi nghĩ ông muốn nói người ta
ít ra hãy đương đầu với cái xứng với tầm vóc của mình hơn, như một
con sư tử chẳng hạn!
Sau đó vài năm tôi trở thành
học trò của nhà tâm lý học người Pháp, Bác sĩ Hubert Benoit, và đã viết
một tiểu luận trình bày tư tưởng của Benoit. Tôi gởi tập tiểu luận
này cho Bác sĩ Suzuki và xin gặp ông để thảo luận thêm về đề tài
này, ông đã vui vẻ nhận lời.
Tôi đến thăm ông tại gian
phòng của ông ở New York. Trợ lý của ông, cô Okamura xinh đẹp, đưa tôi
vào nhà. Tôi đoán chắc gia đình cô cũng sống trong tòa nhà này. Theo những
điều tôi đã đọc về Thiền và Nhật bản, tôi đinh ninh sẽ nhìn thấy
một gian phòng trống trải với một món đồ mỹ thuật duy nhất. Chưa bao
giờ, thế mới biết, tôi lại nhìn thấy nơi nào bừa bộn một cách tuyệt
hảo như vậy! Bác sĩ Suzuki đang ngồi thanh thản và mỉm cười, lọt thỏm
giữa bao nhiêu bàn ghế chất chồng đầy sách, bản thảo, tạp chí trong
cái đẹp ngỗn ngang. Còn có mấy chú chim trong chiếc lồng đôi đang hót
líu lo liếng thoắng. Cô Okamura pha trà, loại trà cánh dày, xanh đậm được
gởi từ Nhật sang; và Bác sĩ Suzuki hài lòng khi thấy tôi thích thú nếm.
Thính giác của ông rất yếu, nhưng nếu ta ngồi đối diện ông và nói
rõ ràng thì không có vấn đề gì.
Ông gật đầu tỏ ý tán
thành bản thảo của tôi. Bác sĩ Benoit, ông xác nhận, đã hiểu trung thực
về Thiền. Cô Okamura nói thêm: "Chẳng phải Thầy đã nói từ khi đọc
bài tiểu luận của Bác sĩ Rioch Thầy mới thật sự hiểu những gì Bác sĩ
Benoit muốn giải bày?" Ông bật cười đồng ý. Khi ngồi đối diện với
ông bên chiếc bàn này, tôi thấy hầu như ông thường xuyên cười.
Tôi muốn biết làm sao để bắt
đầu tham Thiền nên đã hỏi ý kiến của ông. Dường như câu hỏi này
làm ông vui nên ông cười một cách chân tình. Tôi hỏi lại lần nữa và
kết quả cũng như cũ. Bấy giờ tôi bối rối. Tôi đã hỏi một câu ngớ
ngẩn và có nên thôi đi chăng? Hay đây là trường hợp tương tự của một
môn sinh văn minh, hiện đại đứng dưới tuyết suốt mùa đông để chứng
tỏ lòng chân thành cầu đạo? Tôi quyết định phải kiên trì nên đã hỏi
lại lần nữa. Cuối cùng, ông khuyên tôi nên gặp Bác sĩ Hisamatsu khi ông
này đến Harvard vào mùa thu tới. Ông nói Hisamatsu là một tay lão luyện về
"ngồi" mà tôi nên tham vấn.
Mùa thu năm đó tôi đã có dịp
gặp Bác sĩ Hisamatsu ở Cambridge, Massachusetts, trong một buổi chiều ở nhà
của Bác sĩ và phu nhân Robert Lifton, cùng với ông DeMartino làm phiên dịch
và Bác sĩ Suzuki ngồi ở cuối ghế sofa thiu thiu ngủ. Cô Okamura cũng có mặt.
Cái khó của chủ đề cũng như trở ngại về ngôn ngữ đã hạn chế nhiều
tác dụng của buổi mạn đàm. Bác sĩ Suzuki dường như để mặc chúng
tôi xoay sở trong lúc ông ngủ gà gật. Nhưng thỉnh thoảng cần thì ông thức,
tỉnh táo hoàn toàn. Và chỉ với vài lời ngắn gọn ông giúp chúng tôi hiểu
rõ những gì Bác sĩ Hisamatsu đã nói, rồi lại liu thiu ngủ tiếp. Tất
nhiên sự lãng tai của ông là một trở ngại, nhưng ông không bao giờ tỏ
ra khó chịu vì nó. Một khi đã tham dự là ông thật sự "nhập cuộc".
Khi ông không tham dự, chẳng vì thế mà chúng tôi cảm thấy ái ngại cho
ông hay có ý nghĩ ông là người tàn tật hoặc "lơ là".
Trong năm đó ông đến
Washington và cùng với Bác sĩ Hisamatsu dành ra một buổi chiều ở nhà
chúng tôi để gặp gỡ nhóm các nhà tâm lý và phân tâm học yêu thích Thiền.
Chuyện cũng diễn ra như trước. Ôõng là một người ốm yếu đáng kính
thường tự làm tươi tỉnh bằng những cái chợp mắt ngủ ngắn nhưng vụt
tỉnh dậy với tất cả khí lực mạnh mẽ. Nhờ có cô Okamura phụ giúp,
ông nói, ông tự cho phép mình được nuông chiều một chút.
Có biết bao câu hỏi
đặt ra cho ông. "Nhà khoa học có thể thành người giác ngộ
không?" "Có thể", ông đáp. "Làm sao bắc được nhịp cầu
nối hai bờ chủ thể-tôi và khách thể-nó, như tách trà kia? Ông có phải
cố gắng đồng cảm với khách thể?" Ông lắc đầu, cầm lên chén
trà đặt trước mặt ông và nói chắc nịch: "Không, không, không giống
như vậy. Tôi không tự hòa mình vào chén trà. Tôi không tìm cách cảm nhận
như chén trà. Tôi là chén trà."
JIKAI FUJIYOSHI
DAISETZ SUZUKI VÀ SHIN’ICHI
HISAMATSU
Mùa thu năm 1957, tôi đi Mỹ để phiên
dịch cho Bác sĩ Shin’ichi Hisamatsu khi ông được mời giảng dạy về
"Thiền và văn hóa Thiền" với tư cách giáo sư thỉnh giảng tại
khoa Thần học viện Đại học Harvard. Cùng với Bác sĩ Suzuki, chúng tôi lưu
trú tại khách sạn Continental ở Cambridge khoảng sáu tháng. Ông thường giúp
chúng tôi tháo gỡ các vấn đề khó khăn trong việc dịch thuật ở hội
thảo. Và khi Bác sĩ Hisamatsu có buổi giảng thuyết đại chúng ở thủ đô
Washington, Bác sĩ Suzuki đã tình nguyện làm phiên dịch cho ông.
Bác sĩ Hisamatsu trẻ hơn Bác sĩ
Suzuki mười bảy tuổi, là người mà ông gọi là Sư thúc, vì Bác sĩ
Suzuki và Bác sĩ Kitarô Nishida, Sư phụ của Bác sĩ Hisamatsu, là bạn thâm
giao từ thuở nhỏ. Bác sĩ Suzuki rất yêu và kính Bác sĩ Hisamatsu và coi
ông như người có uy tín về Thiền tông.
Sau hôm đến Cambridge, tôi đi
chợ cùng với Bác sĩ Suzuki. Trên đường đi ông bảo tôi: "Bác sĩ
Hisamatsu rất giỏi về nghệ thuật Thiền. Ông có hiểu các họa phẩm Thiền
không?" Tôi trả lời, "Không, con không rành lắm". "Thật
sao? Tôi cũng không rành lắm. Vì Bác sĩ Hisamatsu là một người có thẩm
quyền trong lĩnh vực nghẹõ thuật Thiền, tôi thường hỏi ý kiến của
ông khi chọn tranh minh họa cho các sách của tôi. Nhưng ông ấy có khả năng
phân biệt thật lạ lùng!" Ông nói, đầu hơi nghiêng nghiêng cúi xuống.
Trong khách sạn, phòng của
Bác sĩ Suzuki nằm kế phòng của Bác sĩ Hisamatsu, còn phòng của tôi ở tầng
trệt. Buổi tối, tôi thường thấy Bác sĩ Suzuki ngồi làm việc rất
khuya. Gần như lúc nào ông cũng tham dự các buổi thuyết giảng đại chúng
và các cuộc nói chuyện chuyên đề của Bác sĩ Hisamatsu. Có một hôm có
chuyện rắc rối phải giải quyết, không đến được, ông bảo, "Thật
tiếc tôi phải vắng mặt trong buổi hội thảo tối nay vì thấy hơi mệt."
Bác sĩ Hisamatsu quí trọng nhất sự hiện diện đều đặn của Bác sĩ
Suzuki ở các cuộc hội thảo, nên ông đáp, "Xin Thầy giữ gìn đừng
để kàm việc căng quá có hại sức khỏe." Tối hôm đó, khi dự hội
thảo về, tôi thấy Bác sĩ Suzuki đang ngồi Thiền. Ông ngồi trong ánh
sáng lờ mờ, bên những nén nhang trầm tỏa cháy. Tôi sẽ không bao giờ
quên hình ảnh của Bác sĩ Suzuki ngồi đó với cái cằm của ông hơi nhô
ra.
Bài giảng của Bác sĩ
Hisamatsu tiến triển, số người dự thính xin được ông hướng dẫn trực
tiếp càng tăng. Người ta thường hỏi, "Hình như Thiền của Bác sĩ
Suzuki hoàn toàn khác với Thiền của thầy. Theo thầy cái nào chính thống
hơn?"
Loại câu hỏi như vậy giúp
tôi thấy những khó khăn Bác sĩ Suzuki đã trải qua trên tiến trình đưa
Thiền đến với phương Tây, và sự vĩ đại của ông trong việc làm cho
nó trở thành phổ biến như ngày nay.
Ở Mỹ, Bác sĩ Suzuki được
đông đảo người ngưỡng mộ. Ông gây sự chú ý của cử tọa ngay khi xuất
hiện trên bục giảng, với dáng vẻ độc đáo và cách sử dụng tiếng
Anh lưu loát ông chiếm ngay cảm tình của họ. Sau khi thuyết trình, nếu
có câu hỏi, Bác sĩ Suzuki thường nhận được những câu viết để bổ
sung cho thính giác yếu kém của ông. Đọc xong là ông trả lời lập tức
từng câu một. Với những lời đáp sâu sắc và dí dỏm, thường là trường
hợp trong các vấn đáp Thiền, cử tọa vỗ tay tán thưởng một cách
thích thú. Có lần sau khi dự một cuộc thuyết trình như vậy, trên đường
về tôi nói với Bác sĩ Hisamatsu: "Bác sĩ Suzuki quả là một người trác
tuyệt, đúng không?" Bác sĩ Hisamatsu đáp: "Bác sĩ Suzuki độc đáo,
nhưng chúng ta không nên cố bắt chước ông. Người ta phải tuyệt đối
chính xác và trung thực khi nói về Thiền."
Trở về Nhật, Bác sĩ Suzuki với
tư cách cố vấn Thiền viện F.A.S., thường đóng góp nhiều ý kiến quí
báu cho chúng tôi. Ông nhận lời thuyết trình bất cứ lúc nào chúng tôi
đề nghị. Một hôm, khi chúng tôi rảo bước từ Bắc môn chùa Myôshinji
(Diệu tâm tự) đến Hôsekian (Bảo thạch am? am của Bác sĩ Hisamatsu), bất
chợt Bác sĩ Suzuki nói, giọng xúc động: "Không biết Thiền sẽ như
thế nào trong tương lai? Dù hiện tại chúng ta có những tự việntráng lệ
như thế này, trừ khi chúng bị quét sạch hoàn toàn, chân Thiền sẽ không
bao giờ có thể hiển lộ."
Sáng ngày 12 tháng 7, 1966, nghe
tin tức trên đài tôi được biết Bác sĩ Suzuki đã từ trần. Ngay hôm sau
tôi đi Liêm thương dự tang lễ của ông với tư cách đại diện của Viện
F.A.S.. Tôi đến Tôkeiji (Đông khánh tự) buổi chiều ngày 13 đúng lúc quan
tài ông đang được chuyển từ Đồ thư quán Matsugaoka xuống khu chính của
chùa. Tại đây chúng tôi đã thức suốt đêm bên di thể của ông. Bằng hữu
của ông từng người lần lượt nói lời vĩnh biệt. Sau chót, Cô Mihoko
Okamura, thư ký của ông, đặt một xấp giấy trên ngực ông, và nắp quan
tài được đóng lại. Cô khóc.
Không thể dự tang lễ của
Bác sĩ Suzuki vì bịnh, Bác sĩ Hisamatsu đã gởi đến bức điện:
"Vĩnh viễn chia tay, hằng hội ngộ". Cô Okamura, trong lúc đau buồn,
nói là cô vô cùng cảm ơn những lời này. Khi tôi trở lại Đồ thư quán
Matsugaoka, cũng chính trong căn phòng đã đặt quan tài của ông, tôi nhìn thấy
bức trướng đề bài thơ của Sengai mà Bác sĩ Suzuki rất thích:
Ở giữa lòng thiện ác,
Ta nghe trong chiều
Gió mát.
Hôm sau, tang lễ của ông được
cử hành tại chùa Tôkeiji, tôi thật sự xúc động trước bài kệ tống
biệt của ngài Sàm chủ, Hòa thượng Sogen Asashina:
Kệ tống biệt
Vô vị chân nhân,
Con người vĩ đại;
Chín mươi lăm năm
Quay Bánh xe Nguyền;
Chợt biến mất.
Người đi đâu?
Trên Đồi Thông,
Lá xanh tươi;
Tháng Sáu.
Đèn Thiền lên tiếng,
Tỏa rạng thế gian.
Công đứữc người ai tưởng,
Kém La-thập, Huyền Trang?
Kwatz!
Lặng nghe những lời này, tôi
cảm thấy bản thân Bác sĩ Suzuki đúng là "một chân nhân vĩ đại không
danh hiệu". "Chín mươi lăm năm Quay Bánh xe Nguyền" quả đúng
là người. Và ấn tượng hơn hết là hai câu này:
Chợt biến mất.
Người đi đâu?
Trên Đồi Thông,
Lá xanh tươi;
Tháng Sáu.
Sau này cô Okamura nói với tôi
ngày ông ra đi, Bác sĩ Suzuki mặc bộ kimono mà Bác sĩ Hisamatsu đã tặng
ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của ông. Bác sĩ Hisamatsu nói ông
"thật xúc động" khi nghe tôi kể lại chuyện này.
Sinh nhật lần thứ 88 của
ông, chúng tôi đang ở Đại học Harvard, đã tổ chức buổi tiệc nhỏ
trong một nhà hàng Trung hoa ở Cambridge. Lúc ấy trông ông rất khỏe mạnh
và ông đã vui vẻ thổi tắt tám ngọn nến, cho rằng ông phải sống thêm
ít lâu nữa để có thể làm việc. Ông bảo: "Tôi thường nói với những
người muốn thác sanh cõi Tịnh độ rằng bạn muốn làm gì ở đó? Tịnh
độ không là nơi để ở lâu. Các bạn nên xuống địa ngục hơn, để cứu
giúp bao người đang đau khổ ở đó." Và ông tiếp: "Thiết nghĩ lòng
Từ bi nên có trước Adiđà và Tịnh độ. Chưa thấu rõ lòng Từ bi, các bạn
không thể hiểu A-di-đà và cõi Tịnh độ. Trừ phi bạn ôm chặt lòng Từ
bi, các bạn sẽ không bao giờ hiểu được Di-đà hay Tịnh độ."
Ngoài những trước tác về
Thiền tông, ông còn để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm viết về học
thuyết Tịnh độ như Tính cách tâm linh Nhật Bản, Luận về tư tưởng Tịnh
độ, và Myôkônin (Diệu hảo nhân). Trong nỗ lực phi thần thánh hóa học
thuyết Tịnh độ, ông đã làm được nhiều hơn cả Bultmann đã làm với
học thuyết Cơ đốc giáo. Ông đã nhận thấy sự đồng nhất cơ bản của
tư tưởng Thiền và Tịnh độ, vì thế ông đã giới thiệu với thế giới
những vị Myôkônin mà hầu hết đều là những người không học vấn.
Ta không nên đánh giá sai một
trong những đóng góp quan trọng của ông, đã trình bày với Tây phương Tín
ngưỡng Tịnh độ thực chất là một so với Thiền tông, dù vẫn còn vài
vấn đề cần lý giải trong lãnh vực này.
Ngài Tenkô Nishida ở Ittôen
(Làng Nhất đăng) có bài đoản thi:
Nghỉ một chút thôi,
Rồi tôi sẽ trở lại nơi này
Khi Anh đào nở.
Bác sĩ Suzuki cũng vậy, chỉ tạm
dừng chân nơi cõi Tịnh độ một chút thôi, có thể ông sẽ quay lại. Hay
là, xuống địa ngục trước khi về Tịnh độ, biết đâu có ngày ông sẽ
ôm đầu mình trong tay mà reo vang, "Xin chào! Số mệnh run rủi lại gặp
các bạn ở đây!"
A. W. SADLER
NHỚ VỀ D.T. SUZUKI
Người nào có thể
ôn chuyện cũ mà biết được điều mới, người đó đáng làm thầy.
Khổng tử, Luận ngữ,
II, 11.
Tháng 2, New York. Đó là năm
1952, trong một giảng đường của tòa nhà Low Library trong khuôn viên Viện
Đại học Columbia, một cuộc tụ hội những học giả, đã thành và chưa
thành danh, đến để dự khai giảng khóa học của Daisetz Suzuki. Giảng đường
có cái vẻ mênh mông thời đại Victoria và Tiên sinh Suzuki gần như mất hút
trong đó; chỉ có thể nhận ra giọng nói nhỏ nhẹ và cặp chân mày quắc
thước phát ra từ bục giảng. "Đây sẽ là một khóa giảng," ông
nói, "về triết lý của phi thời gian và không gian không khởi đầu.
Cho nên khóa này cũng không có khởi đầu." Tên chính thức của khóa học
là Triết học Trung Hoa, nhưng tất cả chúng tôi đều đến dự vì biết
đó là khóa giảng của Daisetz Suzuki.
Buổi khai giảng này rõ ràng
là một biến cố ở Columbia; trên hàng ghế phía sau ngồi đầy các học
giả tên tuổi. Bác sĩ Suzuki nói tiếp: "Chúng ta phải bắt đầu với
Đức Phật. Hầu hết các nhà văn lãng quên những kinh nghiệm mà ngài từng
trải qua: họ nói về nhân cách đã đi qua những kinh nghiệm này. Tư tưởng
của ngài biểu hiện kinh nghiệm của ngài, trong bối cảnh thời đại mà
ngài sống. Mọi diễn đạt của bất cứ con người nào đều được tôi
luyện bởi kinh nghiệm của ngài. Làm thế, chúng ta có thể diễn đạt những
kinh nghiệm của ngài trong khuôn khổ thời đại của chúng ta. Chúng ta cần
phải minh xác những diễn đạt ghi lại nói là của Đức Phật." Để
giúp chúng tôi làm việc này, ông sẽ giới thiệu với chúng tôi khóa
chuyên đề này về triết học Hoa nghiêm, mà tiếng Nhật nói là Kegon.
"Hoa nghiêm được coi là thuyết giảng của Phật trong khi thành Chánh
giác. Tất cả những lời dạy khác được Phật nói ra cho đệ tử sau khi
ngài đã thành Chánh giác. Trong Hoa nghiêm, ngài không tùy duyên thuyết Pháp
cho người nghe. Đó là sự diễn đạt trực tiếp ngay trong nội tâm Chánh
giác của ngài. Không có người nghe; chỉ có Phật tự thân hiện hữu."
Khóa chuyên đềử kéo dài,
hàng quan khách tên tuổi dần thưa thớt và biến mất, chỉ còn lại các
nghiên cứu sinh với Bác sĩ Suziki. Từng lời giảng của ông, ở mỗi lần
lên lớp, là những lời như đã ghi nhận ở trên: được suy nghĩ cặn kẻ,
chọn lọc, đầy tính phản biện mẫn tiệp, mà vẫn trực tiếp, mạnh mẽ
và giản dị một cách hiệu quả. Anh ngữ không phải là ngôn ngữ quê hương
ông, nhưng rõ ràng đó là phương tiện truyền đạt của ông.
Tôi xin trích thêm một đoạn
trong các ghi chú của tôi ở trong lớp. Hôm ấy Bác sĩ Suzuki bàn về bài kệ
cốt lõi trong Dhammapada, XI, 8, 9: Bài ca chiến thắng của Phật mà ngài đã
tán thán trong lúc thành Chánh giác. ‘Ồ, người thợ xây, ta đã nhìn thấy
ngươi.’ Điều này chứng minh khía cạnh lý trí của Giác ngộ. Chính sự
thấy làm cho toàn thể ngôi nhà sụp đổ. Thế giới này là kết quả của
sự khái niệm hóa. Bao lâu trí năng của chúng ta còn vận hành, nó còn tồn
tại. Chỉ sự thấy một vật thông thường không thay đổi nó. Nhưng khi
ta đưa trí năng vào sự thấy, vật sẽ thay đổi. Khi đức Phật nhìn người
thợ làm nhà, sự thấy ấy khiến người thợ ngưng việc làm nhà. Vật
được thấy thường là đối lập với chủ thể thấy; chúng luôn đối
nghịch nhau. Trong kinh nghiệm của đức Phật, có thể chưa từng có đối
nghịch. Khi thế giới hòa tan trước đức Phật, ngài cũng đã từng hòa
tan với nó. Ngài không đứng lùi lại để nhìn sự hoại diệt. Ngài
không thể nắm bắt được người thợ bởi y chính là chiếc bóng của
ngài. Muốn bóng mất đi, chính ngài phải tan biến. Sự thấy như vậy là
sự thấy tuyệt đối chứ không phải đối đãi. Khi Thượng đế nhìn
chính mình ngài không còn là ngài nữa; khi đức Phật nhìn người thợ xây
nhà đang lao động, ngài đã rọi cái bóng của riêng mình ra phía trước,
cố nắm bắt nó, giải thoát khỏi nó. Ở đây đức Phật đã trải nghiệm
sự thấy tuyệt đối của ngài. Ngài muốn giải thoát khỏi vòng sanh-tử,
mà cũng phải giải thoát khỏi cả ý muốn này. Khi ngài thốt lên ‘ta đã
nhìn thấy ngươi’ thì người thợ xây mà ngài nói đó chính là ngài. Nếu
ngài còn ý nghĩ được giải thoát khỏi một cái gì bên ngoài mình, ngài
đã chẳng thể được giải thoát. Điều ngài muốn nói là ‘Ta biết ta
là ai’; ‘Ta biết ta là ta’. Ngài đã nhìn thấy chính mình."
Trong những ngày Bác sĩ Suzuki
giảng dạy triết lý của ông ở Columbia, thì ở trường Dòng Union, Paul
Tillich đang dẫn giải về Phương pháp luận Thần học của ông. Có lần
Bác sĩ Tillich nói với chúng tôi ông đã trở về Đức sau chiến tranh và
đã thuyết trình một buổi trước đông đảo cựu học viên của ông. Một
người trong số họ đã chúc mừng và nói với ông: "Những năm tháng
sống ở Hoa kỳ của thầy thật hữu ích. Bây giờ cuối cùng chúng tôi đã
có thể hiểu được thầy". Và Tillich cho rằng có lẽ thiên hướng siêu
hình kiểu Đức của ông cuối cùng đã hòa trộn với năng khiếu diễn đạt
ngắngọn và trực tiếp kiểu Anglo-saxon. Lạ thay cả hai người này đều
truyền đạt những tư tưởng uyên thâm thường là nghịch lý của họ bằng
thứ ngôn ngữ xa lạ với họ, mà cả hai đều được học trò của mình
yêu quí, một mặt vì tính nhân bản xuyên suốt của họ, nhưng mặt khác,
theo tôi, cũng vì tư tưởng trong sáng hiếm hoi của họ đã được diễn
đạt bằng thứ tiếng Anh mà hiếm người bản xứ ở Mỹ sánh kịp. Một
thứ tiếng Anh tưởng là đơn giản; thực ra rất phù hợp để chuyển tải
những tư tưởng mà, vì nó xới tận tâm can của cuộc sống, rất trong
sáng và căn bản. Sự trong sáng trong diễn đạt dẫn ta đến sự trong sáng
của tư tưởng. Và sự trong sáng của tư tưởng dẫn ta đến tính nhân bản
của họ. Cuối cùng, đó không chỉ là một khóa học với Bác sĩ Suzuki.
LUNSFORD P. YANDELL
CHẾT: TRĂNG TRÔI
Có lẽ câu ngạn ngữ "Khi nào học
trò sẵn lòng, thầy sẽ xuất hiện" sẽ rõ nghĩa hơn với những người
học trò tương lai nếu nói "Trò đã sẵn lòng, thầy chưa xuất hiện".
Bởi vì vấn đề chính không phải là sự mưu tìm của môn sinh như là sự
sẵn lòng của y, vốn quyết định khả năng nhận ra người thầy. Dù vậy,
ngày nay, như trong thời đại của Sòyen ông đã nói: "Rất hiếm khi người
ta có dịp được giới thiệu với một vị minh sư".
Từ giã những công vụ rộn
ràng từ năm 1950 để đi tìm lời giải đáp căn cơ cho câu hỏi của tuổi
về chiều: "Chân lý là gì?", sự tìm kiếm này đã dẫn đến những
bài học Yoga ở Ấn độ. Rồi quay về Trung Đông với những bài học của
giáo phái Sufis và của G. Gurdjieff. Rồi tìm đến Krishnamurti, quay sang Ramana
Maharshi - tất cả những bậc thầy và những bài học đã chứng nhận cho
biết bao người khát khao tầm đạo. Nhưng giống như Huệ Khả, tôi đã
vô vọng đi tìm một người để "an tâm cho mình". Sự tầm cầu
vô vọng này kết thúc, và tôi bắt đầu hiểu, trong một giảng đường
khoa Triết viện Đại học Columbia vào khoảng giữa thập niên 1950, dưới
sự chủ trì của Daisetz Teitaro Suzuki.
Ngày nay, dù nhiều người đã
biết Bác sĩ Suzuki từ lâu và còn gần gũi hơn, vẫn có một yêu cầu
thân thương về những kỷ niệm và ấn tượng cá nhân. Dharmakàya (Pháp
thân) đã từng được gọi là "lý tính, sự sống và qui tắc của tất
cả hiện hữu cá biệt - yếu tính của nó thì vô hạn, nhưng hiện hình của
nó thì hữu hạn". Những điều sau đây do đó sẽ được phân thành Hữu
hạn hay Vô hạn.
HỮU HẠN
Ta không thể quên được những
bài thuyết giảng về Thiền của Bác sĩ Suzuki ở Đại học Columbia, vì
nhiều lý do ngoài nội dung hấp dẫn của chúng. Trước hết, vì sự
"hiện hữu" của chính ông. Không có bài viết nào của ông có thể
lột tả được thần thái ông - một "chân nhân". Sự hiện diện
mạnh mẽ này càng được nâng cao bởi phong cách tận tụy và kính trọng
của người thư ký phụ tá ông, Cô Mihoko Okamura.
Ở mỗi bài giảng thường có
từ ba mươi đến bốn mươi người tham dự mà thành phần khác biệt của
họ càng thêm thú vị cho lớp học. Đầu tiên là khoảng mươi sinh viên Đại
học, cũng chừng ấy sinh viên sau Đại học mà nhiều người gốc châu Á,
rất chú tâm tìm hiểu. Thêm vào đó là khoảng năm, sáu người trong các
lãnh vực tâm thần học, tâm lý trị liệu và phân tâm học mưu tìm những
phương cách trị liệu hiệu quả hơn, và có thể cả lời giải đáp cho
những vấn nạn của chính họ. Cuối cùng là số ít người dự thính vì
bận tâm với những nghiên cứu của riêng họ.
Những bài giảng của Bác sĩ
Suzuki tự nó là kiểu mẫu của sự uyên bác, nhất là về triết học Hoa
nghiêm. Có lần tôi đã hỏi trong chỗ riêng tư tại sao ông vẫn còn giảng
thuyết, trong khi ông có thể trình bày sự phong phú của Thiền tông bằng
tác phẩm với lượng độc giả rộng lớn hơn nhiều. Ông trả lời:
"Bài giảng chiếm nhiều thời gian hơn, nhưng chúng bắt tôi phải suy
nghĩ và thôi thúc tôi phải chuẩn bị chu đáo". (Ông nói điều này
ở tuổi 85!)
Cuối mỗi tiết giảng, đứng
trước tấm bảng đen đầy những biểu đồ giải thích cũng như những ký
tự Nhật và Hán, ông mời mọi người nêu câu hỏi. Đây là khoảng thời
gian sôi động nhất của nhóm nghiên cứu sinh, và trong một dịp như vậy
việc sử dụng thuốc kích thích mescalin đã được mô tả một cách sinh
động bởi một nghệ sĩ đã sử dụng nó để đạt những cảm nhận cao
độ về màu sắc trước khi đến viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Điều này dẫn đến cuộc bàn cãi sôi nổi vì lúc ấy có nhiều bài viết
về chất kích thích mescalin và cả chất gây ảo giác peyote. Chẳng mấy chốc,
Bác sĩ Suzuki được hỏi liệu loại thuốc như vậy có ích gì cho việc mưu
tìm sự thức tỉnh. Ông đáp, một cách bình thản và mắt không rời tập
tài liệu: "Không có lối tắt để cảm nhận Chân lý".
Vì quan tâm sâu sắc đến những
điều ông truyền đạt, tôi đã xin thọ giáo ông để được hướng dẫn
riêng. Ông giải thích là mình chưa bao giờ nhận đệ tử, nhưng ông cho
phép tôi thỉnh thoảng đến nhà gia đình Okamura ở New York là nơi ông
đang lưu trú để trao đổi những vấn đề vượt quá tầm hiểu biết của
tôi. Trong những dịp đó, những gì Bác sĩ Suzuki phát biểu thật rõ ràng
như để giải thích mọi việc ông đã nói.
Có lần tôi đã mang đến một
trong những tập sách đẹp của Krishnamurti, Commentaries on Living (Bình luận
về cuộc sống) và đọc to cho ông nghe nhiều luận đề, vì tôi thấy ông
có vẻ đồng ý là chúng diễn đạt nhiều luận điểm tương tự như
trong Thiền tông. Có hai đoạn được ông nhận xét là "Rất gần với
Chân lý. Phải, cái cách của nó là như vậy". Nhưng ông cũng nêu rõ hầu
hết các nhà tư tưởng Ấn độ đều có khuynh hướng phân biệt
"là" và "trở thành" - bay lượn trên trời và phủ nhận mặt
đất. "Nhưng Là cũng là Trở thành", ông nói, một cách xác quyết.
Tôi còn hỏi ông việc huy động
sinh lực từ xương sống đến trung tâm thần kinh, như trong Mật tông và
như được mô tả trong Kim hoa bí điển (The Secret of the Golden Flower), có phải
là phương cách để đạt sự tỉnh ngộ. "Không phải bằng cách đó",
ông đáp, "Một ngày nào ngồi lặng lẽ, ông sẽ hiểu."
Lần khác tôi lại hỏi ông,
người ta sẽ hành động thế nào sau khi chứng ngộ, nếu gặp một đứa
trẻ hay con vật bị đối xử thô bạo. Ông nói: "Họ sẽ hành động
như mọi người có thể hành động, nhưng không bắt nguồn từ cái tôi của
mình".
Chúng tôi còn bàn về việc uống
ruợu, ông cho rằng "Nó đã bị lạm dụng để ức chế bản ngã",
và tiếp tục nồng nhiệt nói về bản dịch Thi phẩm Ba tư (Rubaiyat) của
Fitzgerald, cho đó là bản dịch hay nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, cũng
về việc dịch thuật, ông coi Trang Tử là nhà tư tưởng vĩ đại nhất
Trung hoa xưa nay. Và dù đã viết một bài giới thiệu ca ngợi bản dịch của
Legge mới đây, Bác sĩ Suzuki vẫn xem bản dịch của H. A. Giles là hay nhất.
Đối với Lão giáo, có lần
tôi nói tôi cảm thấy một tác giả đương đại quen thuộc viết về Thiền
có vẻ Lão giáo hơn Thiền tông. Ông đáp: "Phải, Lão giáo dễ hiểu hơn
Thiền".
Một câu hỏi nữa là, nếu
không có mong cầu, làm sao người ta có thể duy trì tâm trạng hài lòng?
Dùng cây viết chì vạch hai đường nằm ngang và một đường dợn sóng
ở giữa, ông giải thích người ta luôn sống trên hai bình độ ý thức
xen kẻ nhau - bình độ tương đối và bình độ tuyệt đối. Rồi ông bảo:
"Khi ở Tokyo, tôi muốn đến New York. Khi ở New York, tôi muốn đến
Tokyo. Nhưng tự căn bản, tôi mãn nguyện".
Trong thời gian những cuộc
chuyện trò này ở New York đang trình chiếu một bộ phim về sự nở hoa của
hãng Walt Disney, quay từng phút để cho toàn bộ tiến trình sinh trưởng
khai nở một đóa hoa xuất hiện trên màn ảnh đầy màu sắc. Nghĩ rằng sự
vén mở điều tuyệt diệu của "cái đang là" như vậy chắc sẽ hấp
dẫn Bác sĩ Suzuki, tôi đã mời ông đi xem. Sau khi xem phim, ông nhận xét:
"Khoa học ngày nay thật tài tình. Nhưng dù đã xem những hình ảnh kỳ
tuyệt này, người ta vẫn chưa biết về hoa".
Trong chuyến đi New York lần cuối
của ông vào tháng 6, 1964, tôi thấy ông không sút giảm chút nào ngoại trừ
thính giác. Mà về mặt tinh thần, ông đang sung mãn nhất. Ông kể lại
ngày hôm trước khi tôi đến, Cha Thomas Merton đã đến thăm ông, và ông
sôi nổi nói về kiến giải sâu sắc bất ngờ của Cha Merton về Thiền
tông. Đưa cho tôi đọc một bài viết về Thiền của Cha đăng gần đây
trên tạp chí định kỳ Continuum, ông nói: "Trong bài báo này có nhiều
hiểu biết về Thiền hơn bất cứ tác giả Tây phương nào tôi từng biết."
Về phần Cha Merton, ông đã viết một tuần sau cái chết của Bác sĩ
Suzuki: "Tôi chia xẻ sự đau buồn sâu xa của quí vị khi mất đi một
người vĩ đại như Bác sĩ Suzuki, người mà tôi coi như một trong các bậc
thầy tôn giáo trong thời đại của chúng ta."
Từ những giai thoại tương tự
mà chủ đề của họ - ‘Tôi rất vinh dự quen biết ông ấy’ - đã
thoát khỏi một cách phi thường điều người Pháp thường gọilà
"tính khoa trương khốn kiếp của các học giả" vốn tạo nên bao
cuộc tranh luận nơi chốn hàn lâm. Ông biết rõ dù thế nào Chân lý cũng
vượt ngoài ngôn tự. Tuy vậy, để chỉ ra con đường vào tri thức nằm
ở đâu, ông phải trải qua vô vàn khó nhọc. Có lần tôi đã viết:
"Làm thế nào mà việc ‘chăn được trâu’, Yoga, hay bất cứ hình thức
tự rèn luyện nào tương tự cũng thất bại không thể củng cố cái bản
ngã đáng lẽ bằng mọi giá phải lắng đọng xuống?" Nhiều tuần trôi
qua không thấy hồi âm. Rồi một thư xin lỗi vì chậm trễ, nói rằng câu
trả lời phải được viết ra, nhưng ‘nó chưa hoàn toàn chính xác’. Bẵng
đi khoảng vài tuần nữa, một lá thư khác cho biết câu trả lời đã được
viết lại, song đã bị thất lạc vì những chuyến đi trong mùa hè. Cuối
cùng, một lời đáp dài 35 trang đánh máy - "Thiền và bản ngã" -
đến cùng với lời xin lỗi.
Như một ví dụ khác về khó
khăn lớn mà Bác sĩ Suzuki vấp phải nếu ông cảm thấy có một nhu cầu
thực sự, mới đây tôi đã viết thư hỏi làm sao tìm được hai quyển sách
đầu tay của ông ở đâu. Chúng được xuất bản khoảng năm 1906, một là
bản dịch Anh ngữ cuốn Những bài thuyết pháp của Phương trượng của Sòyen
Shaku, và cuốn Tóm tắt lịch sử triết học Trung Hoa thời kỳ đầu. Ông
biết tôi đang truy tìm những cội nguồn minh triết đã nuôi dưỡng ông từ
buổi đầu, và đã hồi âm tháng 6 vừa qua: "Trong kho ở đây hầu như
chẳng còn gì. Tôi nghĩ phải sao chụp lại những sách này và sẽ gởi
ông ngay khi có được." Mấy tuần sau khi ông mất, tôi nhận được bản
sao hai quyển sách của ông, một lần nữa như lời nhắc nhớ thấm thía về
những bài thuyết pháp của Sòyen Shaku, nêu bật tính cách hiếm hoi của một
vị "thầy tinh thần đích thật".
Trong những lá thư viết vài năm
trở lại đây, Bác sĩ Suzuki luôn nhắc đến hy vọng "có đủ thời
gian" để chu toàn việc giới thiệu kho tàng Thiền tông cho thế giới
Tây phương, bằng hình thức thuần túy những lời dạy của các bậc thầy
xưa. Bởi lẽ ông biết rõ những ai viết hay diễn giảng về Thiền mà bản
thân chưa có ánh sáng bên trong thì không những họ đang làm việc vô bổ
mà còn có nguy cơ tác hại người khác. Và ông cảm thấy lo ngại gia tăng
mãi trước những diễn giải và quan niệm sai lầm đang được nhiều tác
giả viết về Thiền tông như vậy đưa ra. Tuy nhiên ông đã viết cách đây
không lâu rằng ông được an ủi ít nhiều khi nhớ lại lời than của một
Cổ Đức, rằng ngay trong thời đại của ông, những quan niệm và diễn giải
sai lầm cũng "nhiều như mưa phùn mùa xuân". Lạ thay một tình trạng
như thế mà Thiền vẫn cứ tồn tại.
Thật là một người hy hữu,
ở tuổi chín mươi lăm vẫn lo mình chẳng đủ thời gian để chu toàn phận
sự! Lo lắng dù ông đã để lại một khối lượng trước tác đồ sộ
như thế! Thầy của ông, Sòyen Shaku, đã nói trong một lần thuyết pháp:
"Chúng ta chỉ cần có một ý tưởng hay cảm xúc đáng để trình bày
hay biến thành hiện thực, chúng ta sẽ đến với cuộc đời này nhiều lần
theo yêu cầu để hoàn tất sứ mệnh đó, dù cho đến ngày tận thế."
Trong những năm cuối đời mình, Bác sĩ Suzuki đã có thể nói "Bây giờ
tôi cảm thấy điều đó chưa đúng hẳn", vì có lần tôi hỏi ông có
tin vào sự tái sinh không, ông đáp: "Đối với tôi, tái sinh là tái
sinh trong từng khoảnh khắc."
Và như vậy, trong lá thư cuối
cùng của ông viết một tháng trước khi mất, ông đã nói về trích đoạn
trong cuốn "Ngôi nhà Ngoài cùng" của Henry Beston mà tôi đã gởi
cho ông:
Chúng ta cần một quan niệm
khác hơn và thông minh hơn và có lẽ huyền nhiệm hơn về các động vật.
Tách rời thiên nhiên phổ quát, sống với những cái giả tạo phức tạp,
con người văn minh quan sát tạo vật qua lăng kính tri thức của nó, do đó
chỉ nhìn thấy sợi lông được phóng đại và một hình ảnh méo mó.
Chúng ta làm chủ chúng vì sự bất toàn của chúng, vì số phận nghiệt
ngã của chúng có hình hài thấp kém xa chúng ta. Đây là chỗ chúng ta sai lầm,
và sai lầm lớn. Vì không nên đo lường thú vật bằng tiêu chuẩn con người.
Trong một thế giới cổ xưa hơn và hoàn hảo hơn của chúng ta, chúng tiến
tới hoàn tất và hoàn chỉnh, có phạm vi giác quan mà chúng ta đã đánh mất
hoặc chưa bao giờ có, sống với những âm thanh chúng ta chưa bao giờ nghe.
Chúng không phải anh em đồng bào, cũng không phải bộ hạ tay chân; chúng
thuộc những xứ sở khác, tình cờ gặp chúng
ta trong mạng lưới của thời
gian và sự sống, cùng bị giam hãm trong dáng vẻ huy hoàng và nỗi nhọc nhằn
của trần gian.
Trong thư hồi đáp vào tháng
6, Bác sĩ Suzuki viết:
Đoạn trích từ Breston thật
thú vị và phản ánh tinh thần đích thực của trí tưởng tượng của
người Hoa, và tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của tácgiả cho rằng
"thú vật tiến tới hoàn tất và hoàn chỉnh". Những con mèo của
chúng ta chẳng hạn, tôi tin chắc tự chúng rất toàn hảo. Tuy vậy, tôi muốn
nói thêm, có lẽ chúng ta những con người, cũng toàn hảo trong sự bất
toàn của chúng ta. Sự toàn hảo của con người nằm ở nỗ lực miên viễn
để nhận chân sự bất toàn, ý thức được sự bất toàn và cố gắng
hoàn thiện nó. Sống là sự nỗ lực không ngừng hướng tới toàn mỹ.
Toàn mỹ nhất là cái chết, tuy thế chúng ta chưa bao giờ đạt đến.
Bằng trực giác ông biết,
cùng với Bankei, rằng ông chưa từng sinh - rằng vì bất sinh, do đó ông cũng
bất tử. Và chúng ta cũng vậy.
VÔ HẠN
Có thể nói được gì với
câu hỏi hữu hạn "Hắn đã đi đâu?" Lời đáp hẳn phải là
"Hắn có thể đi đâu?" Ý thức rõ thực tế phi cá thể, đã từ
lâu ông tự biết mình là CÁI NÀY trong tất cả những cái kia theo vẻ
ngoài. Cũng như CUỘC SỐNG trong mọi cuộc đời cách biệt nhau theo vẻ
ngoài, ông bây giờ đang tản bộ và trò chuyện với những "con người
thời xưa" mà ông rất yêu không ít hơn với chúng ta hiện tại, thoát
khỏi ảo tưởng về sự cách biệt, "sống trong Ánh sáng của Vĩnh cửu",
nói theo ông, từ vô thỉ cho đến vô cùng. Ông không cần nói thêm "Ồ,
tôi chưa thể hoàn thành phận sự của mình!" mà chỉ giản dị: "Ồ,
CÁI NÀY!"
Còn chúng ta hiện tại có thể
nói gì? Có lẽ chúng ta có thể diễn giảng bằng bài thơ này của Genro:
Y đã trở về nhà
Nhìn thấy tia nắng đẹp ban mai
Và ngắm sát trăng sao gần gũi
Thong dong bước trên đường
Tận hưởng làn gió nhẹ
Cuối cùng mở cửa kho tàng
Đã lâu lắm rồi y vẫn biết
Mình có nó từ vô thỉ.
Nếu Daisetz Teitaro Suzuki trở
thành một tu sĩ, chắc chắn ông phải là vị Sư trưởng lẫy lừng trong
tu viện của riêng ông. Ở đó, nếu chúng ta đến với ông, có lẽ ông sẽ
nhóm lên những ngọn lửa giới luật tinh nghiêm.
Là cư sĩ, không những ông là
một học giả, giáo sư và nhà văn tài ba, ông còn là nhà đại hiền triết,
người đã đến với chúng ta, và thắp lên trong chúng ta ngọn đèn bằng
chính ánh sáng của ông.
Với những người được ông
thắp sáng lên ngọn đèn của mình, Ngọn đèn xưa vẫn cháy, tinh thần
ông vẫn được nhen nhóm trong tâm hồn họ. Với những người này và với
cả những người ông sẽ còn đến sau, qua ánh sáng truyền lại từ những
tác phẩm vượt thời gian của ông, ông sẽ chiêm nghiệm dài lâu như họ
sống - cả trong cái ở đây và bây giờ và "trong Ánh sáng của Vĩnh cửu."
Sống: mây qua đỉnh
Chết: trăng trôi.
Vô Môn.
---o0o---
Mục Lục
| 1
| 2
| 3
| 4
| 5 | 6
| 7
---o0o---
Source:
PhatViet (Phật
Giáo Việt Nam)
Chân thành cảm ơn Ðạo Hữu Tâm Diệu
đã gởi tặng phiên bản diện tử Unicode này
---o0o---
|
Thư mục Tác Giả |
---o0o---
Trình bày:
Nhị Tường
Cập nhật : 01.02.2003
Nguồn: www.quangduc.com
Về danh mục