.


 KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
biên soạn

---o0o---

 

KINH TRÍ TUỆ KIM CƯƠNG

Thứ bốn mươi lăm

Đây là những điều tôi được nghe hồi Đức Phật ở tại tu viện Kỳ Thọ Cấp Cô Độc ở gần thành Xá-vệ, với đại chúng Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Hôm ấy vào giờ khất thực, Đức Phật mặc áo và ôm bát đi vào thành Xá-vệ. Trong thành, Người tuần tự đi khất thực. Khất thực xong, Người xếp y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi.   O

Lúc ấy, tôn giả Tu-bồ-đề đứng dậy, trịch áo vai bên phải, chắp tay cung kính bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, Ngài thật là bậc hiếm có ! Thế Tôn thường đặc biệt giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn, các thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên nương tựa vào đâu và làm thế nào để điều phục tâm của họ ?”  O

Đức Phật dạy rằng: “Hay lắm, nầy Tu-bồ-đề! Ông nói thật đúng, Như Lai thường đặc biệt hộ niệm và giao phó sự nghiệp cho các vị Bồ-tát. Này Tu-bồ-đề, hãy lắng nghe cho kỹ. Như Lai sẽ vì ông mà trả lời. Những người con trai hiền hay những người con gái hiền nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì phải nương tựa và phải điều phục tâm của họ như thế này.”

Tôn giả Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, chúng con rất mong muốn nghe Thầy chỉ dạy.”   O

***

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Các bậc Bồ-tát nên hàng phục tâm họ như sau. Có cả thảy bao nhiêu loại chúng sanh, hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, hoặc sinh từ sự ẩm ướt, hoặc bằng sự biến hóa, hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tri giác, hoặc không có tri giác, hoặc không phải có tri giác cũng không phải không có tri giác, ta phải cứu giúp tất cả các loài đó đạt được Niết-bàn tuyệt đối để họ được giải thoát.  Giải thoát cho vô số, vô lượng vô biên chúng sanh như thế mà kỳ thực ta không thấy có chúng sanh nào được giải thoát. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, nếu có một vị Bồ-tát mà còn có khái niệm về “ngã,” về “nhân,” về “chúng sanh”, về “thọ giả” thì vị ấy không phải là một vị Bồ-tát đích thực.    O

***

Này Tu-bồ-đề, vị Bồ-tát thực hiện phép bố thí nhưng không trụ vào bất cứ một thứ gì cả, nghĩa là không trụ vào sắc để bố-thí, cũng không trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố-thí. Tu-bồ-đề, Bồ-tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không trụ vào tướng. Tại sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà không trụ vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Không gian về phía Đông có thể nghĩ lường được không ?”   O

- Bạch Đức Thế Tôn, không.

- Này Tu-bồ-đề, không gian về phương Tây, phương Nam, phương Bắc, phương Trên và phương Dưới có thể nghĩ và lường được hay không ?

- Bạch Đức Thế Tôn, không.

- Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát không trụ vào đâu cả để thực hiện pháp bố thí thì phước đức cũng nhiều như hư không vậy, không thể nghĩ được, không thể lường được. Này Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát nên trú tâm theo những lời chỉ dẫn vừa đưa ra.  O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua thân tướng hay không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Cái mà Như Lai nói là thân tướng vốn không phải là thân tướng.

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nơi nào có tướng là nơi đó còn có sự lường gạt. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng tức là thấy được Như Lai.”   O

***

Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật rằng:  “Bạch Đức Thế Tôn, trong tương lai, nếu nghe những câu nói như thế người ta có thể phát sinh lòng tin chân thật hay không ?”   O

Đức Phật bảo: “Ông đừng nói thế. Năm trăm năm sau khi Như Lai diệt độ, sẽ có những người biết giữ giới và tu phước; những người đó khi nghe được những lời này thì có thể phát sinh lòng tin và nhận ra đó là sự thật. Ta nên biết rằng những người ấy sẽ gieo trồng những hạt giống tốt không phải ở nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật mà thật đã gieo trồng những hạt giống lành ở nơi vô lượng ngàn muôn Đức Phật. Người nào chỉ trong một giây phút thôi, phát sinh được niềm tin thanh tịnh khi nghe những lời những câu ấy, thấy được người ấy, thì Như Lai tất nhiên biết được người ấy, thấy được người ấy thì người ấy sẽ đạt được vô lượng phước đức như thế. Vì sao? Vì những người như thế không còn kẹt vào những khái niệm về “ngã,” về “nhân,” về “chúng sanh,” về “thọ giả” về pháp, về không phải pháp, về tướng, về không phải tướng. Vì sao? Nếu còn chấp vào ý niệm pháp hay không phải pháp, thì còn kẹt vào tướng “ngã,” “nhân,” “chúng sanh,” và “thọ giả.”  Thế cho nên, đã không nên chấp vào pháp mà cũng không nên chấp vào không phải pháp. Vì vậy mà Như Lai đã mật ý nói: này các hành giả nên biết rằng pháp Như Lai nói được ví dụ như chiếc bè. Chánh pháp còn nên bỏ, huống là không phải chánh pháp.    O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, Như Lai có đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác không? Như Lai có pháp gì để tuyên thuyết hay không?

Tu-bồ-đề thưa: “Theo con hiểu điều Phật dạy thì chẳng có một pháp gì riêng biệt được Như Lai tuyên thuyết. Vì sao? Vì những pháp mà Như Lai đã chứng và đã nói thì không thể chấp thật được, cũng không thể diễn tả được. Đó không phải là pháp. Vì sao? Vì tất cả các bậc hiền thánh đều do pháp vô vi mà trở nên khác người.”     O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Nếu có người đem bảy thứ châu báu nhiều cho đến nỗi chứa đầy cả thế giới tam thiên đại thiên này để bố thí, thì người ấy có phước đức nhiều hay không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, rất nhiều.

- Vì sao?

- Bạch Đức Thế Tôn, vì phước đức ấy trong tự thân chẳng phải là phước đức nên Như Lai mới nói là phước đức nhiều.”  O

- Nếu có người tiếp nhận và hành trì kinh này dù chỉ một bài kệ bốn câu trong kinh thôi rồi đem giảng cho người khác nghe thì phước đức của người này có lớn hơn phước đức của người kia không? Tại sao? Này Tu-bồ-đề, tất cả các Đức Phật và pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác của các Đức Phật đều xuất phát từ kinh này. Này Tu-bồ-đề, cái gọi là pháp Phật, cái đó chính là cái không phải pháp Phật.       O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị Tu-đà-hoàn có nghĩ rằng: Ta đã đắc quả Tu-đà-hoàn không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Tu-đà-hoàn có nghĩa là đi vào dòng mà thật ra không có dòng nào để đi vào cả. Không đi vào dòng sắc, cũng không đi vào dòng thanh, hương, vị xúc và pháp. Vì vậy cho nên gọi là “đi vào dòng.”  O

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị Tư-đà-hàm có nghĩa là một đi, một trở lại mà thật ra không có sự đi cũng không có sự trở lại. Vì vậy cho nên gọi là Tư-đà-hàm.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Một vị A-na-hàm có nghĩ rằng: “Ta đã đắc quả A-na-hàm không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn không. Vì sao? Vì A-na-hàm có nghĩa là không trở lại. Mà thật ra làm gì có sự   không trở lại? Vì vậy cho nên gọi là A-na-hàm.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao?  Một vị A-la-hán có thể nghĩ rằng: “Ta đã đắc quả A-la-hán không?     O

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Thật ra không có pháp nào riêng biệt được gọi là A-la-hán. Bạch Thế Tôn, nếu một vị A-la-hán nào khởi niệm rằng “Ta đã đắc quả A-la-hán” thì vị đó còn chấp vào Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Bạch Đức Thế Tôn, Ngài thường nói con đã đạt tới Vô Tránh Tam-muội và trong Tăng đoàn, con là vị A-la-hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn, nếu con nghĩ rằng con đã đắc A-la-hán thì chắc Thế Tôn đã không nói rằng Tu-bồ-đề là người ưa hạnh A-lan-nhã.”      O

***

Đức Phật hỏi  tôn giả Tu-bồ-đề: “Thuở xưa lúc còn theo học với Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì chăng ?”

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Ngày xưa khi còn ở với Phật Nhiên Đăng, Như Lai không có đắc pháp gì cả.

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Bồ-tát có trang nghiêm cõi Phật chăng ?   O

- Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Trang nghiêm cõi Phật tức là không trang nghiêm cõi Phật.

- Như thế đó, này Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát và đại nhân nên phát tâm thanh tịnh theo tinh thần ấy. Không nên trụ vào sắc mà phát tâm, cũng không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm. Chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô sở trụ.

Này Tu-bồ-đề, ví dụ có người có thân như núi chúa Tu-di, thầy nghĩ sao? Thân ấy có lớn không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Đức Thế Tôn, lớn lắm. Vì sao? Cái mà Thế Tôn gọi là không phải thân lớn mới đích thật là thân lớn.”    O

***

- Này Tu-bồ-đề, ví dụ trong sông Hằng  có bao nhiêu hạt cát là có bấy nhiêu dòng sông Hằng. Vậy thì cát của tất cả các sông Hằng ấy có nhiều không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Số lượng các sông Hằng đã là vĩ đại, huống là số lượng những hạt cát của các sông Hằng ấy.”    O

- Này Tu-bồ-đề, bây giờ Như Lai muốn hỏi thật ông rằng, nếu có người con trai hay người con gái nhà lành nào đem châu báu chất đầy cả thế giới tam thiên đại thiên nhiều như cát của tất cả các sông Hằng kia mà bố thí thì phước đức có nhiều không ?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều.”

Đức Phật bảo thầy Tu-bồ-đề: “Nếu người con trai hay người con gái nhà lành nào mà thọ trì kinh này dù chỉ một bài kệ bốn câu thôi và đem ra chia sẻ với người khác thì phước đức của người này còn nhiều hơn phước đức của người trước.  O

Còn nữa, này Tu-bồ-đề, mảnh đất nào mà nơi đó có người thuyết kinh này, dù chỉ là thuyết một bài kệ bốn câu thôi, thì nên biết rằng mảnh đất ấy là nơi mà tất cả các giới Thiên, Nhân và A-tu-la đều phải hướng về cúng dường như là cúng dường tháp miếu của Phật. Một mảnh đất mà còn như thế, huống gì là bản thân người đứng ra hành trì và đọc tụng. Này Tu-bồ-đề, ông nên biết rằng, một con người như thế đã thành tựu được chuyện hiếm có tối thượng. Nơi nào mà có kinh này là nơi đó có mặt của bậc đạo sư, hoặc một vị đệ tử lớn của người.”     O

***

Lúc ấy thầy Tu-bồ-đề thưa với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, nên đặt tên kinh này là kinh gì và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào?”

Đức Phật bảo Tu-bồ-đề: “Nên gọi kinh này là kinh Kim Cương có năng lực chặt đứt phiền não và đưa sang bờ giải thoát. Hãy dùng danh từ ấy mà phụng trì kinh này, vì sao? Cái mà Như Lai gọi là Bát-nhã Ba-la-mật vốn không phải là Bát-Nhã-Ba-la-mật cho nên mới thật sự là Bát-nhã Ba-la-mật.”   Đức Phật hỏi: “Tu Bồ-Đề, ông nghĩ sao? Như Lai có pháp để nói không?    O

Tu Bồ-Đề thưa: “Bạch Thế Tôn, Như Lai chẳng có gì nói cả.”

- Này Tu Bồ-đề, ông nghĩ sao? Cát bụi do tam thiên đại thiên thế giới nghiền ra có nhiều không?

- Nhiều lắm, bạch Thế-Tôn.

- Này Tu-bồ-đề, những cát bụi ấy Như Lai gọi không phải là cát bụi cho nên mới thật sự là cát bụi. Cái mà Như Lai gọi là thế giới tức không phải là thế giới cho nên được gọi là thế giới. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Vì sao? Vì cái mà Như Lai gọi là ba mươi hai tướng đều không phải là tướng, vì vậy cho nên Như Lai mới gọi là ba mươi hai tướng.     O

***

- Này Tu-bồ-đề, nếu có thiện nam tín nữ nào đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà thực hiện việc bố-thí, và nếu có thiện nam tín nữ khác biết thọ trì và đem kinh này ra giảng cho kẻ khác, dù chỉ thọ trì và giảng dạy bốn câu thôi, thì phước đức của người này càng nhiều hơn phước đức của người trước.            O

***

Nghe kinh này tới đây, thấm được ý nghĩa thâm sâu, Thầy Tu-bồ-đề cảm động khóc rơi nướt mắt. Tôn giả thưa: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thật là hiếm có, từ ngày theo Thế Tôn đạt được tuệ nhãn cho đến giờ, con chưa bao giờ được nghe kinh điển thâm diệu như hôm nay. Bạch Thế Tôn, nếu có người nghe được kinh này mà có lòng tin thanh tịnh và đạt được cái thấy chân thật thì nên biết người ấy đã thực hiện được công đức hiếm có vào bậc nhất. Bạch Thế Tôn, cái thấy chân thật đó vốn không phải là cái thấy cho nên Như Lai mới gọi là cái thấy chân thực. Bạch Thế Tôn, ngày nay con nghe được Kinh điển mầu nhiệm như thế này, được tin hiểu, tiếp nhận và hành trì Kinh này cũng chưa phải là chuyện khó có lắm, nhưng trong tương lai, khoảng năm trăm năm về sau mà có người thực nghe Kinh này lại có thể tin, hiểu, tiếp nhận và hành trì thì chắc chắn sự có mặt của kẻ ấy là một sự hiếm có vào bậc nhất. O

Vì sao vậy? Vì những kẻ ấy sẽ không bị khống chế bởi khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Tại vì sao? Khái niệm về Ngã tức là không phải là khái niệm, khái niệm về Nhân, về Chúng Sanh về Thọ giả cũng không phải là những khái niệm. Vì sao? Vì thoát khỏi sự khống chế của các khái niệm cho nên có các vị Phật.”   O

Phật bảo Tu-bồ-đề: “Đúng thế, đúng thế. Nếu có người nghe Kinh này mà không hoảng, không sợ thì nên biết rằng những người như vậy rất là hiếm có. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai gọi là đệ nhất Ba-la-mật vốn không phải là đệ nhất Ba-la-mật, cho nên mới được gọi là đệ nhất Ba-la-mật.   O

Này Tu-bồ-đề, cái gọi là nhẫn nhục ba-la-mật, Như Lai nói không phải là nhẫn nhục ba-la-mật nên được gọi là nhẫn nhục ba-la-mật. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, trong một tiền kiếp xa xưa, khi bị vua Ka-lin-ga cắt đứt thân thể, ta đã không bị kẹt vào khái niệm về Ngã, không bị kẹt vào khái niệm về Nhân, về Chúng Sanh và về Thọ Giả. Vì nếu khi đó ta bị kẹt vào những khái niệm ấy thì ta đã sinh tâm oán hận Ka-lin-ga mất rồi. Lại nhớ đến thuở xưa khi ta còn là vị tiên tu theo hạnh nhẫn nhục, trong suốt năm trăm kiếp, ta đã tu tập để không bị kẹt vào các khái niệm Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ giả. Vậy nên này Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi phát tâm Bồ-đề vô thượng thì nên buông bỏ tất cả các khái niệm, không nên trụ vào sắc mà phát tâm, không nên trụ vào thanh, hương, vị, xúc và pháp mà phát tâm, chỉ nên phát tâm vô  trụ.    O

Như Lai đã nói tất cả các khái niệm đều không phải là khái niệm, và tất cả các loài chúng sanh đều không phải là chúng sanh. Này Tu-bồ-đề, Như Lai là người nói lời chính xác, là người nói lời đúng với sự thật, là người nói lời phù hợp với thực tại, là người nói lời không dối trá, là người chỉ nói một lời. Tu-bồ-đề, nếu có pháp mà Như Lai đã đắc thì pháp ấy không phải thật cũng không phải hư dối.            O

Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn trụ vào pháp mà thực hiện bố thí thì cũng như đi vào trong bóng tối, chẳng thấy được gì. Trái lại, nếu Bồ-tát không trụ vào pháp mà bố thí thì cũng như người có mắt đi trong ánh mặt trời, có thể thấy được tất cả mọi hình mọi sắc.

Này Tu-bồ-đề, trong tương lai nếu có thiện nam tín nữ nào mà có khả năng tiếp nhận, đọc tụng và hành trì kinh này thì người ấy sẽ được Như Lai nhìn thấy với con mắt trí huệ. Như Lai sẽ biết người ấy, sẽ thấy người ấy và người ấy sẽ thực hiện được công đức vô lượng vô biên. O

***

Này Tu-bồ-đề, nếu có các thiện nam tín nữ buổi sáng đem thân mạng mình ra nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí, buổi trưa và buổi chiều cũng vậy, trong thời gian trăm ngàn vạn ức vô lượng kiếp, và nếu có một kẻ khác tuy không làm như thế, nhưng khi nghe đến kinh này thì đem lòng tin tưởng, tán thán thì phước đức còn nhiều hơn phước đức của người kia.  Nghe mà đem lòng tin còn có phước đức lớn như vậy, huống hồ là biên chép, hành trì, đọc tụng và giải thích cho kẻ khác được nghe.   O

Này Tu-bồ-đề, nói tóm lại thì kinh này có công đức vô biên, không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết, cũng không thể đo lường. Nếu có người nào có khả năng thọ trì, đọc tụng và phổ biến cho người khác biết thì kẻ ấy sẽ được Như Lai thấy biết và người ấy sẽ thực hiện được công đức không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết, không có biên giới, không có đo lường, không thể so sánh. Người như thế có thể gánh vác sự nghiệp vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai. Tại sao? Này Tu-bồ-đề, nếu chỉ ưa thích pháp nhỏ, nếu còn vướng mắc vào Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả thì không có khả năng nghe, nhận, đọc tụng và giải thuyết cho kẻ khác. Tu-bồ-đề, bất cứ nơi nào mà có kinh này thì tất cả các giới Thiên, Nhân, A-tu-la đều phải đến cúng dường, những nơi ấy đều được coi là bảo tháp cần được cung kính, hành lễ, đi quanh và cúng dường bằng hoa và bằng hương.O

Này Tu-bồ-đề, nếu thiện nam tín nữ nào đọc tụng và hành trì kinh này mà bị người khác chê bai hủy báng thì người ấy sẽ tiêu trừ được các tội chướng trong các kiếp trước kể cả những tội chướng có thể đưa người kia rơi xuống các nẻo ác và sau đó sẽ thực hiện được quả vị chánh đẳng chánh giác. Tu-bồ-đề, ta nhớ vô lượng a-tăng-kỳ kiếp về trước, trước khi được gặp Phật Nhiên Đăng, ta đã từng gặp tám trăm bốn vạn ức na-do-tha các vị Phật. Và với vị nào ta cũng đều có cúng dường và hầu cận. Nếu vào thời Mạt thế mà có người có khả năng đọc tụng và thọ trì kinh này thì phước đức đạt được còn lớn hơn hàng trăm ngàn vạn ức lần phước đức của ta ngày trứơc. Dùng thí dụ về toán số cũng không thể hình dung được phước đức ấy.  O

Này Tu-bồ-đề, vào thời Mạt thế, nếu có thiện nam tín nữ nào thọ trì, đọc tụng kinh này thì công đức đạt được lớn cho đến nỗi nếu ta nói ra thì sẽ có người hồ nghi, không tin và tâm có thể trở nên cuồng loạn. Tu-bồ-đề, nên biết: nghĩa lý của kinh này không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho hết và hoa trái của sự thọ trì kinh này cũng không thể nghĩ cho cùng, không thể nói cho        hết.   O

Lúc ấy, Tu-bồ-đề thưa với Phật: “Thế Tôn, con xin phép được hỏi lại: thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên dựa vào đâu và nên hàng phục tâm mình như thế nào?.”

Phật bảo: “Này Tu-bồ-đề, thiện nam tín nữ nào muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên phát tâm như thế này: ta phải đưa hết tất cả chúng sanh qua bờ giác ngộ rồi thì ta chẳng thấy có chúng sanh nào được giác ngộ cả. Vì sao thế? Này Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát mà còn vướng vào các khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả thì vị ấy chưa phải là vị Bồ-tát chân thực. Tại sao như thế ?  O

Này Tu-bồ-đề, thật ra chẳng có pháp gì riêng biệt gọi là tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác để mà phát ra cả. Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Ngày xưa khi còn ở với Phật Nhiên Đăng, Như Lai có đắc pháp gì gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác hay không?   O

- Bạch Đức Thế Tôn, không. Theo cách con hiểu lời Phật dạy thì không có pháp gì sở đắc gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Đức Phật dạy: “Đúng như thế, đúng như thế! Này Tu-bồ-đề, thật ra không có pháp gì gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai có đắc. Nếu có thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho ta như thế này. Sau này ngươi sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.”   Chính vì không có pháp có thể sở đắc gọi là vô thượng chánh giác chánh đẳng cho nên Phật Nhiên Đăng mới nói với ta như thế. Vì sao? Như Lai có nghĩa là chân như của các pháp. Nếu có người nói Như Lai đắc pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác có thể đắc. Tu-bồ-đề, pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Như Lai đắc ấy, thật ra không phải thật cũng không phải hư. Cho nên Như Lai đã từng nói: tất cả các pháp đều là pháp Phật. Cái mà ta gọi là tất cả các pháp, thật   ra không phải là tất cả các pháp cho nên mới gọi là tất cả các pháp. Tu-bồ-đề, cũng ví dụ như thân người cao lớn.            O

Tu-bồ-đề thưa: “cái mà Như Lai gọi là thân người cao lớn, chẳng phải là thân cao lớn.”

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát cũng thế, nếu một vị Bồ-tát nghĩ rằng ta phải độ tất cả chúng sanh thì vị ấy chưa phải là vị Bồ-tát. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, không có pháp gì riêng biệt gọi là Bồ-tát cả. Cho nên Phật đã nói tất cả các pháp đều không có Ngã, Nhân, Chúng Sanh và Thọ Giả. Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát nghĩ ta phải trang nghiêm đất Phật thì người đó chưa phải là Bồ-tát. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là trang nghiêm đất Phật vốn không phải là trang nghiêm cho nên mới gọi là trang nghiêm. Tu-bồ-đề, nếu một vị Bồ-tát nào thông đạt được lý vô ngã, vô pháp thì Như Lai gọi người đó là một vị Bồ-tát đích thực.O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, Như Lai có mắt thịt không?

Thầy Tu-bồ-đề nói: “Bạch Đức Thế Tôn, có. Như Lai có mắt thịt.”

Đức Phật hỏi: “Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt trời hay không ?”

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, có. Như Lai có mắt trời.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt tuệ không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, có, Như Lai có mắt tuệ.”   O

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Như Lai có mắt pháp không?

Tu-bồ-đề thưa: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có mắt pháp.”

Đức Phật hỏi: “Như Lai có mắt Phật không?”

- Bạch Thế Tôn, có, Như Lai có mắt Phật.  O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Cát trong sông Hằng, Phật có thấy là cát không ?

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Đức Thế Tôn, Như Lai cũng gọi là cát vậy.”

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, nếu mỗi hạt cát trong sông Hằng là một sông Hằng, thì số lượng thế giới Phật nhiều như số cát trong tất cả những sông Hằng ấy có nhiều không?   O

- Bạch Thế Tôn rất nhiều.

Đức Phật bảo thầy Tu-bồ-đề: “Trong tất cả các thế giới ấy có đủ tất cả các loài chúng sinh mà tâm lý các chúng sinh ấy cũng có đủ loại. Vậy mà loại tâm lý nào trong số ấy Như Lai cũng đều biết hết. Tại sao? Tu-bồ-đề, tại vì cái mà Như Lai gọi là các loại tâm ý đều không phải là các loại tâm ý, cho nên mới gọi là các loại tâm ý. Vì sao vậy? Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không nắm bắt được, tâm hiện đại không nắm bắt được, mà tâm vị lai cũng không nắm bắt được.  O

Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Nếu có người đem châu báu nhiều cho đến nỗi phải chất đầy cả thế giới tam thiên đại thiên mà bố thí thì người đó có nhiều phước đức không ?”

- Bạch Đức Thế Tôn, được phước đức rất nhiều.

- Này Tu-bồ-đề, nếu phước đó là phước đức thật thì Như Lai đã không nói là người ấy đạt được nhiều phước đức. Chính vì phước đức ấy vốn không có thực thể cho nên Như Lai mới nói người ấy đạt được phước đức nhiều.   O

***

Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao, có thể nhận diện Như Lai qua sắc thân đầy đủ không ?

- Bạch không, cái mà Như Lai gọi là sắc thân đầy đủ thì không phải là sắc thân đầy đủ cho nên mới gọi là sắc thân đầy đủ.

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có thể nhận diện Như Lai qua tướng mạo đầy đủ không ?

- Thưa Thế Tôn, không . Không thể nhận diện Như Lai qua tướng mạo đầy đủ. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là tướng mạo đầy đủ thì không phải là tướng mạo đầy đủ cho nên mới gọi là tướng mạo đầy đủ.  O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông đừng bảo rằng Như Lai có ý niệm: ta sẽ thuyết pháp. Đừng nghĩ như thế. Vì sao? Nếu có người nghĩ rằng Như Lai có pháp để nói tức là người đó phỉ báng Phật, vì lẽ người đó không hiểu được điều ta nói. Tu-bồ-đề, thuyết pháp có nghĩa là không có pháp nào được nói, như vậy gọi là thuyết pháp.            O

Lúc đó Tu-bồ-đề bạch với Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, đời sau khi được nghe pháp này chúng sanh có thể phát sanh lòng tin hay không ?”

Đức Phật dạy: “Tu-bồ-đề, những chúng sanh đó không phải là chúng sanh mà cũng không phải là không chúng sanh. Vì sao thế? Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai gọi là không phải chúng sanh mới thực sự được gọi là chúng sanh.”             O

***

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Thế Tôn, pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác mà Phật đắc có phải là cái vô sở đắc ?”

Phật nói: “Đúng thế, Tu-bồ-đề, đối với vô thượng chánh đẳng chánh giác ta chẳng có một chút xíu nào pháp sở đắc cho nên mới gọi nó là vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

- Này Tu-bồ-đề! Pháp ấy bình đẳng, không có cao thấp nên gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu tập tất cả các thiện pháp theo tinh thần vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả thì đạt được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tu-bồ-đề, cái gọi là thiện pháp thì Như Lai bảo không phải là thiện pháp, cho nên đó mới thật là thiện pháp.            O

***

- Này Tu-bồ-đề, giả dụ có người tom góp bảy thứ châu báu chứa đầy từng đống cao như tất cả các núi Tu-di trong thế giới tam thiên đại thiên này, để mà bố thí thì công  đức của những người ấy đem so với công đức của những người đọc tụng và thọ trì Kinh Trí Tuệ Kim Cương này, rồi đem giảng nói cho người khác nghe, thì trăm phần không được một, trăm ngàn vạn ức phần không được một. Phước đức của người hành trì kinh, dù chỉ là hành trì một bài kệ bốn câu, cũng không thể nào dùng ví dụ hay toán học để mà diễn tả nỗi.     O

***

- Này Tu-bồ-đề, các vị đừng có bảo rằng Như Lai có ý niệm ta sẽ độ chúng sanh. Tu-bồ-đề, đừng nghĩ như thế. Tại sao vậy? Sự thật thì không có chúng sanh nào để cho Như Lai độ. Nếu Như Lai nghĩ là có, thì Như Lai đã vướng vào khái niệm Ngã, khái niệm Nhân, khái niệm Chúng Sanh và khái niệm Thọ Giả rồi. Tu-bồ-đề, cái mà Như Lai nói là có ngã vốn không phải là có ngã mà người phàm phu cho là có ngã. Này Tu-bồ-đề, kẻ phàm phu đó, Như Lai không cho đó là phàm phu cho nên mới gọi họ là phàm phu.   O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ sao? Có nên quán tưởng Như Lai qua ba mươi hai tướng không?

Tu-bồ-đề nói: “Thưa vâng, phải dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai.”

Đức Phật nói: “Nếu nói lấy ba mươi hai tướng mà quán Như Lai thì một vị Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao ?”    O

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, con hiểu lời Phật dạy rồi, không nên dùng ba mươi hai tướng mà quán Như Lai”

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói lên bài kệ này:

Tìm ta qua hình sắc

Cầu ta qua âm thanh

Là kẻ hành tà đạo

Không thể thấy Như Lai.  O

***

- Này Tu-bồ-đề, ông đừng nghĩ rằng Như Lai đạt tới vô thượng chánh đẳng chánh giác mà không cần tới các tướng đầy đủ. Tu-bồ-đề, đừng nghĩ như thế. Tu-bồ-đề ! Ông đừng nghĩ là khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta phải coi các pháp là hư vô, đoạn diệt. Đừng có nghĩ như thế. Kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác không chủ trương rằng các pháp là hư vô đoạn diệt.   O

***

- Này Tu-bồ-đề, nếu có một vị Bồ-tát đem bảy thứ châu báu nhiều cho đến nỗi chất đầy cả các thế giới nhiều như cát sông Hằng mà bố thí thì công đức ấy cũng không lớn bằng công đức của một người đã hiểu được rằng tất cả các pháp đều là vô ngã và chấp nhận được sự thật đó một cách hoan hỷ. Vì sao? Tu-bồ-đề ! Vì Bồ-tát không cần phải tom góp phước đức.   O

Tu-bồ-đề bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, Bồ-tát không cần tom góp phước đức nghĩa là sao ?”

- Này Tu-bồ-đề, Bồ-tát tạo phước đức mà không vướng mắc vào ý niệm tạo phước đức cho nên ta mới nói là Bồ-tát không cần tom góp phước đức.   O

- Này Tu-bồ-đề nếu có kẻ nói: “Thế Tôn có tới, có đi, có ngồi, có nằm” kẻ ấy không hiểu được điều ta nói. Tại sao? Như Lai có nghĩa là không từ đâu tới cả và cũng không đi về đâu cả, cho nên gọi là Như Lai.         O

***

 

- Này Tu-bồ-đề, nếu có thiện nam tín nữ nào đem thế giới tam thiên đại thiên nghiền thành bụi nhỏ thì thầy nghĩ sao? Bụi nhỏ như thế có nhiều không ? O

Tu-bồ-đề nói: “Bạch Thế Tôn, rất nhiều, vì sao? Nếu bụi nhỏ mà có thật thì Phật đã không gọi chúng là bụi nhỏ. Vì sao? Cái mà Phật gọi là bụi nhỏ, vốn không phải là bụi nhỏ cho nên mới là bụi nhỏ. Bạch Thế Tôn! Cái mà Như Lai gọi là thế giới tam thiên đại thiên, nó không phải là thế giới, cho nên mới gọi nó là thế giới. Vì sao? Nếu thế giới mà có thật thì đó là một hợp tướng. Cái mà Như Lai gọi là một hợp tướng vốn không phải là một hợp tướng cho nên mới gọi là một hợp tướng.”

- Này Tu-bồ-đề ! Cái gọi là hợp tướng chỉ là một ước lệ ngôn ngữ không có thật chất. Chỉ có kẻ phàm phu mới bị vướng mắc vào đó mà thôi.  O

***

- Này Tu-bồ-đề , nếu có kẻ bảo Phật có nói về ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến, kẻ đó có hiểu được ý ta không ?

- Thưa không, Bạch Thế Tôn. Kẻ ấy không hiểu được ý Như Lai. Vì sao? Cái mà Như Lai gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến vốn không phải là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến cho nên mới gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến và thọ giả kiến.  O

- Này Tu-bồ-đề, kẻ phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác  phải biết như thế về tất cả các pháp, phải thấy như thế về tất cả các pháp, phải tin như thế về tất cả các pháp mà không nên có khái niệm về pháp. Này Tu-bồ-đề ! Cái gọi là khái niệm về pháp Như Lai nói không phải là khái niệm về pháp, cho nên mới gọi là khái niệm về pháp.    O

***

Này Tu-bồ-đề, nếu có người đem bảy thứ châu báu số lượng lớn đến nỗi chứa đầy các thế giới nhiều tới vô lượng a-tăng-kỳ để bố thí thì phước đức của một người con trai hay một người con gái nhà lành khi người này phát tâm bồ-đề, đọc tụng thọ kỳ kinh này và đem giải thuyết cho người khác nghe, dù chỉ là một bài kệ bốn câu trong ấy. Giải thuyết theo tinh thần nào? Giải thuyết mà không kẹt vào tướng, như như và không động chuyển. Vì sao thế?

Tất cả pháp hữu vi,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như sương mù, điện chớp,

Hãy quán chiếu như thế.   O

***

Sau khi nghe Đức Phật nói kinh này, tôn giả Tu-bồ-đề và các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và tất cả các giới Trời, Người, A-tu-la đều rất hoan hỷ, tin tưởng tiếp nhận để thực hành.  

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO

---o0o---

Mục lục

Ý nghĩa tụng Kinh | Hướng dẫn hành trì | Nghi thức dẫn nhập

1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18

19 |20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27| 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33

34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41| 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48

Phụ lục:  pl1-pl1a| pl2a-c | pl2d-l | pl2m-q | pl 2s-xpl3pl4 | pl5

Sám nguyện và hồi hướng

--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |
--- o0o ---
Chân thành cảm ơn Thầy Nhật Từ đã gởi tặng bản Kinh điện tử này
( Quang Duc Website 04/2002)
--- o0o ---
Trình bày :  Nguyên Hân- Nguyên Phúc

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

nhung cau doi hay cho ngay tet 关于青春的议论文 五痛五燒意思 人间佛教 秽土成佛 neu ban that su muon binh yen day la chia khoa å æžœ 築地本願寺の年末恒例行事帰敬式 阿彌陀經教材 BÃi tứ Lửa 原子电负性的影响因素 lãå giÒi tháºn 忏悔 dục lòng từ bi và vấn đề công lý 佛教中华文化 å œæ Nằm 一日禅修 æµæŸçåŒçŽ 否卦 ห เดกก 心经 Bệnh loãng xương không chỉ gặp ở nữ Táo chúng Ï nga à TP å žå æ メス 禅の旋 藥師琉璃光如來本願功德經 Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay 一息十念 phan tich ngu uan vo nga 教师节的对联 Vu lan nhớ má cung thuc tap phat phap de gia dinh duoc hanh phuc Nhận xử 禅と世界文化のオンライン講座 å æžœå žå¾ 佛语不杀生 บทความบรรยายธรรม 地藏十轮经