|
.
Thiền
Tứ Niệm Xứ
Thích
Trí Siêu
|
|
05.
Phương pháp thực hành
A.
Ðiều kiện ban đầu
Như
chúng ta đã thấy qua ở các phần trước, phương pháp hành
thiền này trông rất tầm thường, không có gì cao siêu, nên
nhiều người cho nó là thấp kém, vô ích và không đưa đến
đâu. Vì vậy không phải ai cũng thực tập dễ dàng được,
mà phải tùy nhân duyên và điều kiện:
1/.
Ðiều kiện ban đầu là phải ý thức được chân lý không
thể có ngoài thực tại, ngoài những gì rất tầm thường.
Dù có tụng 3, 000 bộ Pháp Hoa mà không biết trớ về nhìn
quán chiếu nội tâm thì vẫn chưa nếm được mùi vị của
Phật Pháp.
2/.
Tin tưởng chắc chắn pháp hành thiền này sẽ đưa đến giác
ngộ giải thoát (lẽ dĩ nhiên trước đó hành giả phải suy
nghĩ thật chính chắn).
3/.
Cần phát nguyện mạnh mẽ. Không cần phát nhưng lời nguyện
văn hoa, dài giòng như trong các thời Kinh, chỉ cần nguyện
hai câu sau: "Nguyện đời đời kiếp kiếp không xa lìa Tam
Bảo. Nguyện mau giải thoát cứu độ chúng sanh".
4/.
Phải cố gắng tạo cho mình một bối cảnh thuận duyên. Nếu
là tại gia cư sĩ thì nên theo học những khóa Thiền Minh Sát
Tuệ trong dịp nghỉ hè. Nếu là xuất gia thì phải thực sự
xa lìa thế tục, tìm những nơi thanh vắng để tham thiền
nhập định, nếu có ai bảo mình căn cơ Nhị Thừa, không
có tâm độ đời cũng mặc, vì họ đâu có tu giùm mình đâu
mà phải sợ. Nếu không thế, suốt ngày lăng xăng việc này,
việc nọ, đến tối có ngồi thiền đi nữa cũng chỉ làm
mồi cho hôn trầm, loạn tưởng.
5/.
Tinh tấn và kiên nhẫn. Hành Thiền này rất cần sự trợ
duyên ban đầu như nhắc nhở, giảng giải của thiện tri thức,
là những người đã thực hành và đã trải qua rồi. Nếu
chỉ đọc sơ qua sách vở rồi thực hành theo thì sẽ mau chán
nản vì không thấy được sự tiến bộ.
B.
Thực hành
Về
phần thực tập, hành giả có thể y theo như nguyên văn của
Kinh Tứ Niệm Xứ đã chỉ dạy. Nhưng sợ có nhiều người
thấy văn tự trong Kinh quá giản dị mà xem thường hoặc không
biết cách áp dụng vào đời sống thực tại, nên ở đây
tôi tạm đưa ra vài cách thức giúp cho hành giả trong bước
đầu.
Cần
nhớ là trong tất cả bốn lãnh vực quán niệm (thân, thọ,
tâm, pháp) hành giả phải lấy chánh niệm (Sammà Sati) làm
đầu, và chỉ giữ chánh niệm mà thôi, có nghĩa là giác tỉnh
quan sát và ghi nhận một cách khách quan. Khi bắt đầu thực
hành, hành giả sẽ thấy sự xâm chiếm mạnh mẽ của thất
niệm, hôn trầm (trạng thái mơ mơ màng màng) và loạn tưởng
(những ý nghĩ khởi lên ào ào, liên tục lôi kéo ta theo).
Bắt
đầu sự thực tập, hành giả nên tìm đến một nơi vắng
vẻ ngoài trời, trong rừng, dưới một cội cây, hay tất cả
những nơi nào yên tĩnh xa tiếng náo động ồn ào. Ngồi xuống
theo tư thế bán già hoặc phải kiết già rồi bắt đầu quán
niệm.
1/
Niệm Thân - Hành giả có thể bắt đầu bằng phương pháp
chú niệm vào hơi thở vô-ra (ànàpànasati). Trong Kinh An Ban
Thủ Ý (Anàpànasati Sutta) có dạy 16 cách quán niệm hơi thở.
Người nào muốn biết rõ chi tiết có thể tìm đọc Kinh Quán
Niệm Hơi Thở do Thầy Nhất Hạnh đã dịch và chú giải.
Riêng ở đây chỉ đưa ra những cách thức rất giản dị
không nhất thiết phải y theo Kinh.
Hành
giả bắt đầu hít vào ba hơi thật dài và thở ra thật mạnh
như để tống khứ ra ngoài mọi uế trược. Sau đó hành giả
hô hấp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không nên ráng kèm
hơi thở và làm cho nó phải như thế nào. Chỉ để cho luồng
hơi thở thong thả trôi ra rồi thong thả trôi vào dưới ánh
sáng của tâm hoàn toàn giác tỉnh.
- Khi
hít vào một hơi dài, hành giả niệm thầm trong đầu: " Híííít
". Chữ Hít phải được kéo dài theo hơi thở vào, có nghĩa
là trong suốt thời gian hít vào.
- Khi
thở ra, hành giả niệm thầm: " Thởởởởở ". Chữ Thở
phải được kéo dài trong suốt thời gian thở ra.
Cứ
thế hành giả hít thở trong chánh niệm. Trong suốt thời gian
ngồi thiền, không có một hơi thở "vô-ra" nào mà hành giả
quên niệm. Nếu trong lúc hít thở như vậy, chợt có một
ý nghĩ nào xuất hiện thì hành giả phải nhận biết liền
rồi tức khắc trở về sự chú niệm hơi thở "vô-ra".
Ban
đầu hành giả có thể ngồi khoảng mười lăm phút, đến
lúc thuần thục phải tăng dần lên cho tới ít nhất là một
tiếng đồng hồ. Trong bước đầu khởi sự hành thiền, chắc
chắn hành giả sẽ cảm thấy chán nản, bực bội, thân tâm
bị gò bó. Vì thường ngày thân của ta hết làm việc này
đến việc nọ, lăng xăng đủ thứ, tâm của ta thì chưa nghĩ
xong chuyện này đã nghĩ đến chuyện kia tựa hồ con khỉ
chuyền cành, con ngựa đứt cương (tâm viên, ý mã). Không
phải chỉ có ở kiếp này thôi, mà nó đã như vậy từ vô
thỉ kiếp trước rồi, bây giờ ta bắt thân ngồi im một
chổ, bắt tâm chăm chú vào hơi thở, làm sao tránh khỏi sự
khó chịu dày vò. Vì vậy hành thiền phải tinh tấn và kiên
nhẫn mới đi tới đích, phải chịu cực nhọc khó khăn lắm
mới thành công, không phải một sớm một chiều mới tu mà
đã thành Tổ Sư liền được.
Sau
khi hành giả thuần thục với pháp quán niệm hơi thở vô-ra
ở trên, thời gian ngồi từ một hay hai tiếng trở lên, thì
hành giả bắt đầu thực hành sang pháp "phồng xẹp" * (của
bụng), sẽ thấy sự phồng lên xẹp xuống của nó. Ban đầu,
nếu hành giả không thấy được sự "phồng-xẹp" này, thì
có thể để một hay cả hai bàn tay lên bụng để nhận thấy
rõ ràng hơn. Khi cảm thấy rõ ràng (chứ không phải tưởng
tượng) được sự phồng xẹp rồi, hành giả bắt đầu quan
sát và ghi nhận nó.
(*
Pháp quán niệm sự phồng xẹp của bụng đúng ra không có
trong Kinh Niệm Xứ, nó được Ðại lão thiền sư Miến Ðiện
Mahasi Sayadaw phát minh và ngày nay trở thành một pháp tu phổ
biến cho Thiền Minh Sát.)
- Khi
bụng phồng lên, hành giả niệm thầm: "bụng phồng" hay "phồồồồng",
chữ phồng phải được kéo dài trong suốt lúc bụng phồng
lên.
- Khi
bụng xẹp xuống, hành giả niệm: "bụng xẹp" hay "xeeeẹp".
Chữ xẹp phải được kéo dài trong suốt thời gian bụng xẹp
xuống.
Vì
sao ở đây lại có nhưng chữ kéo dài như: "Hiiiít", "Thơơởở",
"Phôôôồng", "Xeeeẹp"? Vì với người sơ sơ mới tu tập,
"ý thức suông" chưa phải hoàn toàn chánh niệm. Khi hít vào
mà hành giả chỉ ý thức "tôi đang hít vào" hay chỉ niệm
một chữ "Hít" thì ngay lúc đó hành giả có chánh niệm, nhưng
trong sát na sau hay giây phút kế tiếp hành giả có thể mất
chánh niệm dễ dàng, nên thay vì phải niệm liên tục "Hít,
Hít, Hít..." thì chỉ niệm một chữ nhưng kéo dài ra: "Hiiiít".
Cứ
thế hành giả chú tâm quan sát, theo dõi và ghi nhận sự phồng
lên xẹp xuống của bụng trong suốt thời gian ngồi thiền.
Không có một cái "phồng-xẹp" nào mà hành giả quên ghi nhận.
Hành
giả cố gắng thực hành và tăng lên thời gian ngồi thiền.
Ít nhất phải ngồi liên tục hai giờ đồng hồ trở lên,
hành giả mới thấy được những gì thay đổi và tiến triển.
Và khi thấy được những gì thay đổi, tiến triển đó thì
hành giả mới cảm thấy hứng thú trong việc thiền tập.
Vì phải tinh tấn và kiên nhẫn nên ít có người thực hành
pháp này. Ngược lại có rất nhiều người tu theo Thiền ngoại
đạo, vì được quảng cáo mới tu đã xuất hồn, hoặc có
thần thông liền! Người tu chân chính cần phải biết rằng
từ đời vô thỉ kiếp đến giờ, ta đã bị vô minh, tà kiến,
chấp trước bao phủ dầy đặc, làm sao mà trong phút chốc
có thể gột rửa cho hoàn toàn được. Còn những việc như
xuất hồn, thần thông đều là những ma chướng, ngoại đạo,
ta đã tích lũy chúng từ nhiều kiếp, nên nay mới khởi vọng
cầu liền có một cách dễ dàng. Ðó là lý do tại sao người
tu theo chánh pháp thì ít, mà tu theo tà đạo lại nhiều.
2/
Niệm Thọ - Khi hành giả ngồi lâu sẽ có những cảm
giác phát sanh như mỏi mệt, đau nhức, ngứa ngáy,v.v... Lúc
đó hành giả hãy làm như sau:
Ðang
theo dõi sự "phồng xẹp", bỗng nhiên hành giả cảm thấy
đau nhức nơi chân. Hành giả liền niệm: "có một cảm giác
đau nhức đang phát sanh (nơi chân)", hoặc hành giả có thể
niệm một cách vắn tắt: "có sự đau". Niệm như vậy cũng
đủ để cho hành giả ghi nhận một cách khách quan cảm giác
đau đang có nơi chân. Hành giả tuyệt đối không được niệm:
"Tôi đang đau hay chân tôi đau". Sau khi niệm như vậy xong,
hành giả lập tức trở về sự "phồng-xẹp" của bụng. Tất
cả những cảm giác đều trải qua tiến trình: phát sanh, tăng
trưởng, suy yếu, tan biến, chỉ có lâu hay mau mà thôi. Sau
một thời gian, cảm giác đó bỗng biến mất, thì hành giả
niệm: "cảm giác đau đã biến mất" hoặc "cái đau đã hết".
Nếu cảm giác đau không hết mà lại tăng thêm thì hành giả
niệm: "cảm giác đau đang tăng", rồi sau đó liền trở lại
công việc chính là quán niệm sự "phồng xẹp". Nếu cái đau
tăng lên quá mức chịu đựng thì hành giả có thể lấy tay
gỡ chân ra, hay sửa đổi tư thế, nhưng phải làm thật chậm,
giữ chánh niệm như sau:
- Trước
hết khi muốn lấy tay gỡ chân ra niệm: muốn, muốn, muốn.
- Khi
nhấc tay lên niệm: nhấc, nhấc, nhấc.
- Khi
tay đụng chân niệm: đụng, đụng, đụng.
- Khi
tay nắm chân gỡ ra niệm: gỡ, gỡ, gỡ.
- Khi
gỡ ra xong, rút tay về niệm: rút, rút, rút.
- Khi
rút tay về xong, để lại chỗ cũ niệm: để, để, để.
Trên
đây chỉ là một sơ đồ giản dị, giúp cho người mới tập
giữ chánh niệm, chứ thật ra từ lúc muốn nhấc tay, rồi
gỡ chân, cho đến lúc kéo tay trở về chỗ cũ, có rất nhiều
cử động khác phải niệm. Trong lúc lấy tay gỡ chân ra hành
giả phải làm "thật chậm", vì thế nên mỗi cử động phải
được niệm ít nhất ba lần, giúp cho hành giả giữ được
chánh niệm. Khi thuần thục rồi thì hành giả không cần niệm
như vậy nữa mà chỉ cần giác tỉnh quán sát từng cử động
trong từng sát na, muốn được vậy đương nhiên các động
tác phải được làm thật là chậm.
3/
Niệm Tâm - Niệm Tâm là một việc rất quan trọng trong Tứ
Niệm Xứ. Trong Thiền Ðốn Ngộ có nói "Kiến tánh khởi tu"
hay "Ðốn ngộ tiệm tu", tu ở đây là diệt trừ vọng tưởng.
Niệm Tâm chính là một phương pháp duy nhất để diệt trừ
vọng tưởng. Niệm Tâm là quan sát ghi nhận một cách khách
quan những hoạt động của Tâm. Hoạt động của Tâm là những
tư tưởng hay ý nghĩ chợt khởi chợt biến.
|