PHẦN
HAI
Nói cho phụ
nữ
Tôi thấy
trong giảng đường hôm nay cũng có nhiều người nữ đến
nghe pháp. Phụ nữ thường dễ nổi giận, dễ khuấy động
si mê vì những chuyện tầm thường. Bây giờ tôi sẽ nói
cho các bà, nhưng ai cũng có thể nghe vì những gì tôi sắp
nói chắc chắn cũng quen thuộc với tất cả mọi người.
Vậy hãy chú ý lắng nghe.
Phần đông
các bà bận rộn về công việc may vá. Khi một bà trong đây
đang may một cái áo kimono hay bất cứ gì, mà có người nào
đến - tỉ dụ người vú em - thì có lẽ bà sẽ khởi sự
trò chuyện trong khi vẫn tiếp tục may. Việc may vá không trở
ngại câu chuyện - không phải vì bận may vá mà bà không nghe
người kia nói gì; và sự trò chuyện cũng không cản trở
việc may vá, khiến cho bà phải ngừng kim. Không bỏ dở công
việc, bà có thể nghe và trả lời thích đáng - vừa khâu
vừa nghe vừa nói, không bỏ sót một điều gì. Có phải chính
vì cái Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu nơi bà vốn bất sinh,
nên bà có thể làm đồng lúc tất cả mọi sự? Ngược lại,
giá dụ trong lúc may vá hay dệt cửi, mà lỡ ra chỉ đứt,
kim sút, hoặc bà may sai một mũi kim, bất cứ là do nguyên
nhân gì, ngay lúc đó bà bỗng mất kiên nhẫn và đùng đùng
nổi giận. Thật là hết sức điên rồ, phải không? Làm sao
bà may hay dệt cho đàng hoàng được nếu bà tự làm cho bà
nổi giận? Nếu bà quen cái thói mất bình tĩnh như thế, thì
hậu quả duy nhất là kim càng gãy nhiều hơn, chỉ càng đứt
thêm nữa.
Nếu nhờ
bà nổi giận trong khi làm việc mà công việc hoàn tất tốt
đẹp, không nổi giận thì công việc bị đình trệ, thì cũng
nên cứ việc nổi sân lên mỗi khi cần làm bất cứ việc
gì. Nhưng sự tình xảy ra lại không phải thế: khi làm việc
mà nổi giận thì không xong gì cả, và ngược lại, khi bà
không nổi xùng mà vui vẻ, có tâm trạng quân bình, thì chắc
chắn công việc của bà sẽ trôi chảy nhịp nhàng. Dù bà
có cả quyết rằng nhờ sân si mới xong việc, thì bà chỉ
có được một việc duy nhất là đổi cái Tâm Phật đồng
nhất trong bà thành ra một con quỷ chiến đấu trong khi bà
làm bất cứ gì. Bởi thế đối với tôi, dường như sự
nổi giận, đổi cái Tâm Phật bất sinh thành một quỷ a tu
la gây chiến, là việc hoàn toàn vô ích. Khi bà nổi giận
vì những chuyện không ra gì, trở thành mê muội, tức bà
đã đổi cái tâm Phật của bà thành a tu la, súc sinh, ngạ
quỷ...luân hồi qua đủ thứ ác đạo. Bởi thế mà tôi khuyên
quý bà nên nghe cho kỹ.
Có bà nuôi
người ăn kẻ làm trong nhà, nuôi nhiều tôi trai tớ gái để
sai vặt. Giả sử một trong những tôi tớ ấy lỡ vô ý làm
vỡ một đồ gia dụng quý giá, như một chén uống trà chẳng
hạn, thì mặc dù không đáng gì để làm ầm lên, bà chủ
vẫn hầm hầm nổi tam bành lục tặc mà đay nghiến chúng
một cách vô lý, làm như là chúng cố ý đánh vỡ không bằng.
Dù một tách trà có quý giá bao nhiêu, đã lỡ bể rồi thì
bà cũng không làm gì được. Thế mà vì dục vọng ích kỷ,
bà lại vội vàng chuyển cái tâm Phật quý báu bẩm sinh thành
ra một con quỷ hung dữ. Có phải việc ấy còn thiếu ý thức
hơn cả việc đánh vỡ một cái chén tách hay không? Bà luôn
luôn có thể mua một cái tách khác để thay thế. Lại nữa,
uống trà với cái tách mua ở Nhật hay tách mua từ Triều
tiên thì hương vị trà cũng không vì thế mà đổi khác, bà
vẫn có thể thưởng thức trà được như thường. Nhưng một
khi bà đã khuấy động sự giận dữ lên, thì không thể có
sự vãn hồi được nữa.
Khi quý vị
đã rõ sự việc về tách trà, thì với mọi vấn đề khác
cũng vậy, không nên cứ nhai đi nhai lại mãi trong tâm mình
về những rủi ro để tức giận và biến mình thành a tu la
hung dữ, hoặc thành súc sinh ngu muội, hoặc thành quỷ đói
vì dục vọng ích kỷ... Muốn vậy chỉ cần an trú tự nhiên
trong tâm Phật bất sinh. Khi đã nhận chân sự quý báu của
Tâm ấy, thì dù muốn dù không, quý vị cũng tự thấy mình
an trú trong Bất sinh.
Điều tôi
nói với quý vị về việc không nên đổi cái Tâm Phật có
saün nơi quý vị thành ba độc tham sân si, là điều vô cùng
quan trọng. Hãy học kỹ điều ấy, và rán đừng đổi cái
Tâm Phật bất sinh thành ra bất cứ gì khác.
U
già ở Sanuki
Tôi sẽ kể
cho quý vị nghe một chuyện liên hệ đến vấn đề này. Lúc
tôi giảng ở Marugame thuộc tỉnh thành Sanuki, một đám rất
đông người trong thành phố kéo đến nghe, trong đó có phu
nhân của một hiệp sĩ cận vệ quan lớn đến cùng với nữ
tỳ và u già. Về sau, bà phu nhân cùng u già đến nói với
tôi: "Trước đây, u già của tôi thường rất nóng tính, động
một tí cũng nổi tam bành. Nhưng từ khi được nghe ngài giảng,
đã khá lâu bà chưa lần nào nổi cơn giận dữ như trước.
Hơn nữa, bà lại chỉ nói toàn những lời hay lẽ phải và
không bao giờ để ý đến những chuyện phù phiếm. Tóm lại
là chính tôi bây giờ còn phải cảm thấy hổ thẹn với u
già này. Rõ ràng bà ấy đã thấm nhuần được giáo huấn
của ngài, và tôi tin rằng chính nhờ ngài mà được như thế,
nên chúng tôi hết sức mang ơn."
Ngay cả về
sau, mỗi khi có dịp, mọi người cũng cho tôi biết u già ấy
không bao giờ rơi vào giận dữ mê si nữa.
Cái Tâm Phật
mà tôi thường nói, vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu,
cho nên người nào để cho Bất sinh giải quyết mọi sự ,
nơi người nào mà Bất sinh vận hành một cách tự nhiên,
thì người ấy sẽ mở được con mắt sáng để thấy rõ
tâm người và để nhận ra một cách rốt ráo rằng mọi người
đều là một vị Phật đang sống. Khi ấy thì, giống như
u già kia, họ không còn bị si mê lầm lạc vì nhận ra sự
quý báu của Tâm Phật. Chính vì không nhận ra sự quý báu
của Tâm Phật nên quý vị nổi tham nổi sân vì những chuyện
vụn vặt, và do đó vẫn làm những con người mê muội. Chỉ
cần đừng tạo ra mê lầm, thì quý vị sẽ an trú trong diệu
dụng chiếu sáng của Phật tâm.
Không
dính gì đến quy luật
Đó là lý
do tôi luôn luôn nói với mọi người: Hãy an trú trong Tâm
Phật bất sinh, ngoài ra không cần làm gì khác. Ngoài việc
ấy ra, tôi không đặt ra một bảng quy luật nào đặc biệt
bắt mọi người phải tuân hành. (CT. tức Thanh quy, bảng ghi
những quy luật mà các thiền viện thường có, bắt thiền
sinh phải tuân theo khi gia nhập. ND) Tuy nhiên, vì mọi người
đã tụ họp lại với quyết định hành thiền mười hai cây
hương mỗi ngày, tôi bảo họ cứ việc làm theo ý muốn hành
thiền 12 cây hương. Nhưng cái Tâm Phật bất sinh không phải
là chuyện những que hương. Khi quý vị an trú trong Tâm Phật,
không bị mê muội, thì không cần tìm giác ngộ ở bên ngoài,
khi ấy quý vị chỉ cần ngồi trong tâm Phật, đứng trong
tâm Phật, ngủ trong tâm Phật, thức dậy trong tâm Phật -
an trú trong tâm Phật, thì trong mọi sinh hoạt hàng ngày, quý
vị làm gì cũng là như Phật làm.
Còn về tọa
thiền, thì tọa (ngồi) chính là tâm Phật đang ngồi một
cách thoải mái, thiền cũng chỉ là một tên khác của Tâm
Phật. Khi tâm Phật được an vị một cách ung dung thì đó
là ý nghĩa của tọa thiền. Bởi thế khi quý vị an trú Bất
sinh, thì tất cả các thời đều là tọa thiền, không phải
chỉ trong lúc chính thức thực hành thiền định mới gọi
là tọa thiền. Dù trong lúc ngồi thiền, nếu có chuyện cần
đi về, thì cứ việc đứng lên đi về. Bởi thế trong nhóm
này, mọi người được tự do làm theo ý muốn. Chỉ cần
luôn an trú thoải mái trong Tâm Phật là được. Quý vị không
thể nào ngồi suốt từ sáng đến tối, vậy hãy làm một
thời thiền hành. Cũng không thể đi mãi, vậy hãy ngồi xuống
một thời thiền tọa . Quý vị không thể ngủ mãi, vậy hãy
trở dậy; không thể cứ nói chuyện luôn mồm, vậy hãy hành
thiền. Nhưng điều này không dính dấp gì tới quy luật.
Phương
tiện
Những thiền
sư ngày nay phần đông đều dạy người bằng cách lập ra
thanh quy hoặc sử dụng các phương tiện. Vì tin rằng không
thể giảng dạy được nếu không nhờ phương tiện, nên họ
không thể giảng dạy bằng cách trực chỉ vào ngay việc trước
mắt. Dạy kiểu ấy thì hóa ra là thiền phương tiện.
Lại có những
thiền sư dạy đệ tử rằng họ sẽ không được cái gì
nếu không gom thành một khối nghi lớn để phá vỡ. Họ không
dạy người ta an trú trong Tâm Phật bất sinh, mà cứ bắt
người không có hoài nghi cũng phải nặn cho ra một khối nghi,
thế là khiến họ đổi cái tâm Phật thành một khối nghi.
Quả là việc làm lầm lẫn, phải thế không?
Nói
giản dị
Ở Trung quốc
ta cũng gặp chuyện tương tự. Như quý vị có thể thấy trong
các ngữ lục mang từ Trung quốc sang, tại đấy giáo lý chân
chính về cái Bất sinh từ lâu đã mai một, nên ngày nay ngay
tại Trung quốc cũng không tìm đâu ra những con người của
Bất sinh. Chính vì vậy mà không có ngữ lục nào được mang
đến Nhật nói về Tâm Phật bất sinh cả.
Lúc còn trẻ
vì cố khám phá Tâm Phật, nên tôi cũng đã làm một việc
sai lầm là tham dự những vấn đáp dùng văn tự của Tàu.
Nhưng về sau, khi đạt đến sự hiểu biết chân chính, tôi
đã dẹp bỏ. Người Nhật nên đặt những câu hỏi thích
hợp với người Nhật, sử dụng ngôn ngữ thông thường của
mình. Vì người Nhật không thạo Hoa ngữ nên nếu vấn đáp
mà sử dụng Hoa ngữ thì họ không thể nào hỏi cho thấu
đáo như họ muốn. Khi đặt câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ
thì có thể hỏi bất cứ vấn đề gì. Bởi thế, thay vì
vòng vo tam quốc cố đặt cho được một câu hỏi bằng Hoa
ngữ khó hiểu, sao bằng hỏi thẳng tiếng mẹ đẻ cho khỏi
nhọc công. Nếu có hoàn cảnh nào mà bạn không thể thực
chứng được Pháp nếu không dùng Hoa ngữ để đặt câu hỏi,
thì sử dụng Hoa ngữ là có lý. Nhưng khi bạn có thể đặt
câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ mà vẫn được việc, thì sự
sử dụng Hoa ngữ rắc rối để hỏi quả là một cách làm
bất thông. Bởi vậy, tất cả quý vị hãy ghi nhớ điều
này, gặp bất cứ vấn đề gì, quý vị cứ việc xử lý
nó một cách êm thấm bằng cách dùng ngôn ngữ thông thường
để hỏi.
Lý do những
tu sĩ Nhật bản cứ dùng những từ Hoa ngữ rắc rối để
dạy người đời vốn không rành Hoa ngữ, là vì chính bản
thân họ cũng chưa giải quyết xong vấn đề Tâm Phật bất
sinh, nên họ tránh né những câu hỏi của người ta bằng
cách sử dụng Hoa ngữ mà người thế tục khó hiểu được.
Lại nữa, những từ ngữ rắc rối này chẳng qua chỉ là
cặn bã của các vị tổ sư Trung quốc.
Hồi còn
trẻ, tôi đã quyết định thế nào cũng phải chứng ngộ
được cái Tâm Phật chiếu diệu, nên đã lang thang khắp chốn,
gõ cửa nhiều vị thầy, nhưng ngay cả thuở ấy tôi cũng
hỏi họ bằng ngôn ngữ thông thường, mà vẫn có thể hoàn
toàn được việc, khiến họ hiểu tôi một cách dễ dàng.
Bởi thế, mặc dù có một thời tôi cũng đã thử vấn đáp
theo kiểu thiền "xổ nho" ấy, cuối cùng tôi đã gạt bỏ
vì vô ích. Thực may, tôi không thuộc hạng đa văn học giả
gì đặc biệt, nên tôi đã không tiếp tục đeo đẳng kiểu
vấn đáp ấy.
Bệnh
và tâm Phật
Với ý định
duy nhất là khám phá Tâm Phật, tôi đã phấn đấu không kết
quả, lang thang khắp nơi một cách vô vọng. Rốt cuộc tôi
ngã bệnh và phải liệt giường một thời gian dài, nên tôi
cũng đâm ra biết khá nhiều về chuyện đau ốm bệnh tật.
Đã sinh ra ở đời, có một thân xác, thì đương nhiên phải
có lúc gặp bệnh. Nhưng khi đã rốt ráo ngộ được Tâm Phật
bất sinh, thì bạn không buồn vì những nỗi khổ của bệnh,
bạn phân biệt rõ bệnh là bệnh, khổ là khổ. Là vì Tâm
Phật - vốn từ khởi thủy đã bất sinh - không dính dấp
gì đến vui hay khổ, vì cái bất sinh vượt ngoài tư tưởng.
Chỉ khi tư tưởng sinh khởi thì bạn mới cảm nghiệm khổ
và vui. Tâm Phật không vướng vào bệnh mà vẫn ở trong Bất
sinh, nên không tạo ra khổ. Nếu Bất sinh có sinh ra tư tưởng,
thì không cách nào bạn khỏi tạo đau khổ, bám vào bệnh
và thay đổi cái Tâm Phật. Nhưng sự thật không phải vậy.
Ngay cả những khổ liên tục của chúng sinh địa ngục cũng
thế, không dính gì đến tâm Phật bất sinh (nên mới có thể
giải thoát giác ngộ thành Phật - ND.)
Vì vướng
cái khổ bám víu cơn bệnh, bạn khởi sự nghĩ đủ thứ,
như "sao đến bây giờ tôi vẫn chưa bình phục, hay vì không
đúng thuốc, vì gặp y sĩ tồi..." Khi bám lấy hi vọng khỏi
bệnh, là bạn chuyển cái Tâm Phật thành những ý tưởng
lo âu, làm cho cơn bệnh ám ảnh tâm trí bạn lại còn nặng
hơn thân bệnh. Nó như thể là bạn theo đuổi một cái gì
đang chạy trốn. Ngay dù lúc ấy cơn bệnh thể xác có giảm
dần, song tâm bệnh - tức lòng nôn nóng khỏi bệnh - lại
tăng. Đó là ý nghĩa của sự bám víu cơn bệnh và tự làm
cho bạn khổ.
Nhưng nếu
có người nào bảo rằng họ có thể chịu đựng không những
bệnh tật, mà bất cứ nỗi khổ nào cũng không đau đớn,
thì kẻ ấy nói láo, chưa hiểu thấu cái công năng chiếu
sáng kỳ diệu của Tâm Phật. Nếu có ai nói mình hoàn toàn
không cảm thấy đau đớn gì cả, thì tôi e kẻ ấy không
phân biệt được đau và không đau. Không cảm thấy đau là
điều không có. Vì Tâm Phật vốn saün đặc tính chiếu sáng
kỳ diệu, nên không những bệnh tật mà bất cứ gì hiện
hữu, tâm ấy đều có thể nhận ra và phân biệt rõ ràng.
Vì vậy cho nên khi đối diện với nỗi đau của cơn bệnh,
nếu bạn không bị vướng vào đấy, mắc kẹt trong ấy, thì
không có gì là bạn không thể chịu đựng. Bởi thế hãy
cứ đi cùng với cơn bệnh, và nếu cảm thấy đau đớn, thì
cứ việc rên. Nhưng dù có bệnh hay không bệnh, hãy luôn luôn
an trú trong Tâm Phật bất sinh.
Nhưng nếu
vì phản ứng lại với những nỗi khổ của bệnh mà bạn
vướng vào tư tưởng, thì ngoài cái đau của cơn bệnh, bạn
rước thêm nỗi khổ "đổi Tâm Phật thành ý tưởng". Cái
gì nguyên ủy vốn không tư tưởng, đó là Tâm Phật bất
sinh. Không nhận ra bản chất tâm Phật là Bất sinh, bạn phải
khổ vì đổi tâm Phật thành ý tưởng. Khi ấy dù có rêu
rao mình không đau, cũng chỉ là một quan niệm dựa trên tư
tưởng. Thế là bạn tuyệt nhiên chưa thoát khổ. Còn khởi
lên ý tưởng là chứng tỏ bạn đang chịu khổ sinh tử vì
không nhận chân rốt ráo Tâm Phật vốn siêu việt sinh tử.
Tự
tại trong sống chết
Khi bàn đến
vấn đề tự tại với sống chết, người ta thường dễ
hiểu lầm. Có những người công bố trước ngày giờ họ
sẽ chết, rồi đến lúc ấy, không đau ốm gì họ lăn ra
chết thực; hoặc đôi khi triển hạn qua ngày khác mới chết.
Rất nhiều người xem đấy là tự tại trong việc sống chết.
Tôi không phủ nhận điều đó. Nói về tự tại, thì những
người ấy quả là tự tại kinh khủng! Nhưng những chuyện
như thế chỉ là do năng lực khổ hạnh nơi họ, và thường
họ chưa mở được con mắt tuệ (CT. Tuệ nhãn hay Pháp nhãn
của bồ tát để thấy rõ thực chất mọi sự vật và để
cứu độ hữu tình. ND). Ngay trong số những người thường,
ta cũng thấy những trường hợp biết trước cái chết như
vậy, trong khi họ chưa mở khai đạo nhãn. Tôi không chấp
nhận điều này. Con người của Bất sinh thì siêu việt cả
sống chết.
Bây giờ,
có lẽ quý vị đang tự hỏi siêu việt sống chết là thế
nào. Cái gì đã bất sinh thì bất diệt, và cái gì bất diệt
thì không chết, nên gọi là siêu việt sinh tử. Vậy một
người tự tại trước sống chết theo tôi, là một con người
khi chết không bận tâm về chuyện sống chết. Hơn nữa, vấn
đề sống chết vẫn xảy ra hàng ngày với chúng ta, không
phải đợi đến lúc ta chạm mặt với cái chết thực sự
mới gọi là chết. Một người tự tại trong sinh tử là người
không bao giờ bận tâm đến sống chết, vì biết khi còn được
sống thì cứ sống, khi đến thời chết thì cứ chết, dù
chết ngay bây giờ cũng được, cái chuyện lúc nào chết không
quan trọng lắm. Người như thế cũng là người đã rốt ráo
thực chứng cái Tâm Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu. Cứ
nói và suy nghĩ về những chuyện vặt vãnh như bạn sẽ chết
vào giờ ngày nào, quả thực là tâm lý hẹp hòi, phải vậy
không?
Rồi lại
có ý nghĩ cho rằng "sinh tử là niết bàn", đây cũng lại
là một cái gì vẫn còn ràng buộc với sinh tử. Ai cũng biết
cảnh giới của sinh tử không khác gì cảnh giới của niết
bàn. Cái lý do người ta phải nói lên như vậy là vì họ
không thực chứng cái Tâm Phật mà mọi người bẩm sinh đã
có và hiện tại đang giải quyết mọi sự với Bất sinh.
Bị bao phủ, gói kín trong danh tự chữ nghĩa, họ cứ lang
thang tìm khắp nơi cái sinh tử và niết bàn ở bên ngoài,
đổi cái Tâm Phật bất sinh của họ để lấy những khái
niệm về sống chết và niết bàn, khiến họ tối ngày cứ
lẩn quẩn trong lĩnh vực sinh tử không có giây phút nào bình
yên. Nghĩ thật đáng thương xót.
Vì Tâm Phật
đang dàn xếp mọi sự một cách hoàn toàn ổn thỏa với cái
Bất sinh, nên nó không cần biết đến sinh tử hay niết bàn.
Từ vị trí Bất sinh, thì sinh tử và niết bàn cũng chỉ là
một mớ tư duy trống rỗng. Nên ngay cả một người mới
hôm nào vẫn ngụp lặn trong sinh diệt, mà hôm nay nhận ra
mình đã lầm, từ đó không còn đổi cái Tâm Phật bất sinh
thành ra ba độc (tham sân si) hay vướng vào sinh tử niết bàn
nữa, thì người ấy cũng sẽ an trú trong Tâm Phật bất sinh.
Khi ấy, lúc các yếu tố làm nên thân xác của mình đã đến
thời tan rã, họ cứ để cho nó tan rã, và chết không chút
lưu luyến. Đây là một con người mà đối với họ sinh tử
là niết bàn, một con người tự tại trước sống chết.
Bản
lai diện mục (mặt mũi xưa nay)
Cái được
gọi là bản lai diện mục cũng không khác gì Tâm Phật bất
sinh. Cái mà bạn thừa hưởng của cha mẹ từ lúc mới sinh
chỉ là Tâm Phật bất sinh, không gì khác. Đây là từ ngữ
mà một bậc thầy ngày xưa đã đặt ra cốt làm cho người
học nhận ra rằng Tâm Phật bất sinh chính là mặt mũi nguyên
ủy của mình, hay bản lai diện mục. Ngay danh từ cha hay mẹ
cũng là những gì đặt cho cái đã sinh ra. Con người thực
chứng được Tâm Phật thì ở tận ngọn nguồn của cha và
mẹ, đó là lý do ta nói đến một cái "hiện hữu trước
cả khi cha và mẹ ra đời". Cái đó không gì khác hơn là cái
Bất sinh; bởi thế Tâm Phật cũng chính là Bản lai diện mục
của bạn...
Những
lối vào
Bây giờ
nói về Ba quy y thì: về Phật, chúng ta nương tựa một vị
Phật do mình chọn, về Pháp, ta nương tựa một pháp đặc
biệt, về Tăng, ta nương tựa một đoàn thể đặc biệt nào
đó. Tất cả gì tôi nói cho mọi người chỉ là Tâm Phật,
vì lý do đó tôi không cần hạn cuộc vào một tông phái nào
cả. Mỗi tông phái lập thuyết một cách khác nhau để dạy
người, nhưng lý do duy nhất để thiết lập những giáo lý
ấy là cốt làm cho người ta trực nhận được cái họ có
saün từ lúc cha mẹ sinh ra, đó là Tâm Phật. Bởi thế, nói
đến sự thiết lập những tông phái khác nhau, thì vì tất
cả đều là những lối vào Tâm Phật, nên ta gọi các tông
phái là những "lối vào giáo lý."
Quý vị tăng
sĩ từ khắp nơi tụ họp lại đây trong kỳ kiết thất này
có lẽ thuộc nhiều tông phái. Khi nghe tôi giảng, có những
vị sẽ xác nhận lời tôi nói đúng. Nhưng cũng có nhiều
vị không đồng ý, và với những vị ấy, miễn sao họ không
thối thất đức tin, thì tôi chắc có một ngày nào đó họ
sẽ hiểu ra. Khi ngày ấy đến, chắc những vị ấy sẽ nhớ
lại tôi, vậy quý vị nên nghe kỹ những gì hôm nay tôi nói.
Thực
hành là khó
Ngay cả trong
số những người chấp nhận lời tôi nói, có những người
chỉ giảng dạy Bất sinh ngoài lỗ miệng. Họ không thường
xuyên an trú Bất sinh, mà chỉ có một lý giải về Bất sinh
trên bình diện tri thức. Hiểu Bất sinh bằng tri thức thì
chỉ là tư duy trống rỗng, không thể nói người nào hiểu
Bất sinh là đã thực chứng Bất sinh một cách triệt để.
Nói đúng ra, loại hiểu biết ấy thực vô giá trị, dù có
đem giảng dạy cho người khác họ cũng sẽ không nhận ra
được Bất sinh. Và lý do họ không nhận ra, là vì trước
hết, chính bạn đã không để cho Tâm Phật bất sinh chiếu
sáng kỳ diệu vận hành liên tục trong bạn vào mọi thời,
mọi việc. Bản thân bạn không thực hành, mà chỉ dạy những
gì bạn biết bằng tri thức, thì không cách gì người khác
sẽ nhận ra được Bất sinh. Nếu bạn không thực chứng lời
dạy của tôi, không thực hành, không làm cho hiển lộ pháp
ấy trong tâm bạn, mà chỉ giảng dạy cho người khác những
gì bạn biết bằng tri thức, thì người nghe không thể nào
hiểu được. Việc này cuối cùng chỉ đưa tới sự hủy
báng Pháp. Bởi thế, mặc dù thỉnh thoảng có xuất hiện
vài người "chứng" được chút đỉnh, nhưng chưa có ai hành
theo chỗ chứng của mình trong mọi công việc, ngay tại đây
và bây giờ. Hiểu là chuyện dễ, hành mới là khó.
Quạ
và còng cọc
Bởi thế
mà, với những môn sinh thường trú trong chùa tôi, khi họ
chưa mở được con Mắt tuệ, chưa có được con mắt thấy
suốt tâm người, thì tôi cấm họ không được giảng dạy.
Giảng dạy như thế chỉ là bắt chước hay nhại lại lời
tôi. Như tục ngữ nói, khi con quạ cố bắt chước con còng
cọc, thì cái màu đen của nó có giống, nhưng lúc thả vào
nước, quạ lại không lội được như còng cọc. Cũng hệt
như thế, những người học theo cách nói của tôi có thể
nói về Tâm Phật bất sinh nơi lỗ miệng, nhưng vì con mắt
Tuệ nơi họ chưa mở ra để thấy được diệu dụng chiếu
sáng của Tâm Phật, và do đó cũng không có con mắt thấy
suốt tâm người, nên khi bị người ta đặt câu hỏi, họ
tự thấy mình líu lưỡi, không thể trả lời trôi chảy được.
Đấy chẳng khác nào con quạ bị thả xuống nước không lội
tung tăng được như còng cọc. Vì thế tôi tuyệt đối cấm
các môn sinh giảng dạy. Vì chưa chứng được Bất sinh thì
người ta chỉ đứng trên bình diện kiến văn giác tri (giới
hạn trong cái biết của sáu giác quan. ND), đổi Tâm Phật
thành ra những khái niệm. Đây gọi là vọng tưởng.
Để
mặc kệ
Lý do người
ta thường lầm lẫn tư tưởng (thoughts) với vọng tưởng
(delusions) là vì họ tưởng tượng tư tưởng hiện hữu ở
dưới đáy rồi từ đó trồi lên, nhưng tự nguyên ủy không
có chất liệu nào dưới "đáy" từ đó tư tưởng khởi lên
cả. Ngược lại, bạn lưu giữ những gì đã thấy nghe, rồi
thỉnh thoảng, khi gặp hoàn cảnh, những ấn tượng về kinh
nghiệm đã qua phản chiếu trở lại một cách chi tiết. Vậy,
khi những cái bóng ấy được phản chiếu lại thì hãy để
mặc kệ, đừng bám víu. Ngay cả khi những tư tưởng xấu
hiện ra cũng vẫn mặc kệ đừng quan tâm đến, thì chúng
sẽ phải tự động chấm dứt. Có phải lúc ấy cũng như
chúng chưa từng sinh khởi? Như thế thì sẽ không còn một
tư tưởng xấu nào để bạn hì hục xua đuổi, hoặc để
bạn ray rứt vì đã dung túng.
Chính vì
Tâm Phật có công năng chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên
những ấn tượng quá khứ phản chiếu lại trong tâm, mà bạn
lầm gán cho chúng cái tên "vọng tưởng" trong khi chúng tuyệt
đối chẳng có gì là vọng. Vọng tưởng hay mê muội có nghĩa
là cái khổ về nỗi tư tưởng này làm mồi cho tư tưởng
khác (tư niệm thực- ND). Thật điên rồ khi tạo ra cái khổ
mê muội này bằng cách đổi cái tâm Phật quý báu của mình
thành ra những "tơ tưởng" về điều này điều nọ, nghiền
ngẫm nhâm nhi về những chuyện không có giá trị gì. Tôi
chưa từng nghe thấy ai rốt cùng có thể thành đạt được
cái gì nhờ tơ tưởng kiểu đó cả, vậy sự suy nghĩ lung
tung quả thực là hoàn toàn vô ích, phải không? Việc chính
yếu là luôn cẩn thận đừng khuấy động tư tưởng lên,
để rồi chuyển cái Tâm Phật bất sinh thành ra quỷ chiến
đấu, chúng sinh địa ngục, quỷ đói, súc sinh, và những
thứ tương tự. Nếu làm thế, thì trong trăm ngàn kiếp bạn
sẽ không còn cơ hội nào khác để được sinh làm người.
Vụ
kiện
Tình cờ,
liên hệ đến điều này tôi lại nhớ một chuyện tôi sẽ
kể cho quý vị nghe đây. Tôi có một ngôi chùa, Fumonji (Phật
môn tự , do lãnh chúa Matsuura Shigenobu thí chủ của Bankei xây
năm 1685. Chùa Phật môn hiện nay nằm ở vị trí khác. ND)
ở Hirado thuộc tỉnh Hizen (nay thuộc Nagasaki- ND). Năm ngoái,
khi tôi giảng tại chùa ấy, có những người từ những vùng
cách đó ba bốn lý (khoảng chừng 8-10km. ND) đến nghe. Lúc
ấy trong vùng có hai chú cháu bất hòa đang thưa kiện nhau.
Người chú đã đệ đơn chính thức khiếu nại với quan thẩm
phán, cương quyết xin đưa nội vụ ra tòa, nhưng dù ngã ngũ
ra sao, thì cũng thật là khó xử. Ngay cả quan tòa cũng bị
thúc bách phải giải quyết vụ kiện, và quan đâm ra chán
ngấy về toàn thể vụ này. Vụ án đã kéo dài ba năm mà
vẫn bế tắc. Hai chú cháu không nhìn mặt nhau, dứt đường
qua lại.
Một hôm
người chú đến nghe tôi giảng, và dần dần tin tưởng vào
những gì ông đã nghe. Ông ta nói: "Thật thế, bấy lâu nay
tôi không ngờ mình đã đổi cái Tâm Phật thừa hưởng của
cha mẹ thành a tu la, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Thật
không có một sự bất hiếu nào tệ hại hơn thế đối với
cha mẹ mình. Lại nữa, một đứa cháu trai là người cùng
huyết thống chứ đâu xa lạ gì. Thế mà chỉ vì dục vọng
thấp kém, tôi đã vướng vào thói ích kỷ, tham lam mà bẩm
sinh tôi không có. Sao tôi lại để mọi sự đi đến nông
nỗi này - chú cháu hóa thành kẻ thù không đội trời chung,
toan đành lao mình vào sinh tử luân hồi mãi mãi, chết và
tái sinh trong ba ác đạo." Sau khi nghe pháp ông ta không về
nhà mà đi thẳng đến quan thẩm phán, nói: "Tôi đã gây ra
bao nhiêu phiền phức cho ngài trong vụ thưa kiện của tôi.
Xin thành thực cảm ơn những gì ngài đã làm. Nhưng hôm nay
lần đầu tiên đi nghe Hòa thượng Bankei giảng, tôi đã nhận
ra lỗi lầm. Vì quá ích kỷ nhỏ nhen, không kể tiếng đời
đàm tiếu, tôi đã đi thưa kiện chính cháu trai mình, không
ngừng hối thúc tòa án. Thật là lòng tôi chỉ tràn ngập
hận thù, tán tận lương tâm. Bây giờ khi nhận ra lỗi lầm
của mình, tôi thật vô cùng xấu hổ. Sau khi nghe Thượng tọa
Bankei giảng, quả thực tôi đã được cứu thoát, từ nay
trở đi tôi xin bãi nại. Bởi thế tôi xin ngài cho tôi được
rút lui hồ sơ tố tụng." Được lời như cởi tấm lòng,
quan trả lại ngay đơn kiện, và thốt lời thán phục: "Quả
thực, đạo đức của ngài không chỉ giới hạn trong đạo
Phật, mà còn có thể dàn xếp êm thấm những chuyện ngoài
đời và cả đến việc nhà nước. Về phần ông cũng thế,
thật kỳ diệu thay ông đã ngộ được lời dạy của ngài
mà tha thứ cho cháu trai ông và hủy bỏ vụ kiện." Với những
lời ngợi khen ấy, quan tòa trả lại đơn kiện cho ông ta.
Sau khi bỏ
tờ đơn vào trong áo, người chú đi đến nhà cháu trai mà
ông không thèm nhìn mặt đã ba năm nay. Người cháu hết sức
ngạc nhiên, nghĩ quái lạ, đã ba năm nay chú đưa đơn kiện
mình, dứt tình chú cháu không hề qua lại, mà bây giờ lại
đến thăm mình như thế. Tại sao? Thật khó tưởng tượng,
chắc phải có chuyện gì đây. Anh ta nói: "Chào chú. Mời chú
vào." Trong khi người cháu đang tự hỏi không biết chú sẽ
nói gì, thì người chú lên tiếng: "Chú đến đây quả là
chuyện lạ lùng, nhưng chú phải nói điều này với cháu:
Cháu là cháu của chú, thế mà mặc dù đã già, chú vẫn cư
xử thật trẻ con, đi khởi tố cháu, để dứt hết tình bà
con đã ba năm trời. Hôm nay sau khi nghe bài giảng kỳ tuyệt
của Thượng tọa Bankei, chú hết sức hổ thẹn về hành vi
của chú. Thật chú đã không biết xấu hổ với người ngoài.
Bây giờ chú hết sức hối hận, chú đến đây để xin lỗi
cháu, vậy xin cháu hãy tha thứ cho chú những điều quấy mà
chú đã làm. Để chứng tỏ với cháu từ nay chú không thưa
kiện cháu nữa, chú đã đến quan để rút đơn về cho cháu
an tâm. Cháu hãy xem đây." Nói xong ông lôi tờ đơn trong áo
ra. Người cháu nói: "Thật là kỳ diệu. Chính cháu mới có
lỗi vì cháu không biết kính trọng bề trên. Cháu đã phạm
tội với trời đất, cháu hết sức ăn năn. Cháu không còn
cha mẹ, đáng lẽ phải nghe lời chú mới phải đạo làm người.
Dù chú dạy bảo gì đáng lẽ cháu cũng phải vâng lời mới
phải đạo, thế mà cháu lại chống đối để chú phải đâm
đơn kiện cháu ra tòa. Thật cháu đã hành xử không kể gì
trời đất Phật thánh. Cháu còn biết trốn vào đâu khi về
suối vàng gặp cha cháu. Xin chú tha lỗi cho cháu. Đáng lẽ
cháu đi đến xin chú tha thứ mới phải. Thế mà chú lại
đích thân đến đây, khiến cháu hổ thẹn biết chừng nào.
Thật cháu xin đội ơn chú." Nói xong anh ta trào nước mắt
khóc và tuyên bố: "Cháu hoàn toàn có lỗi, thưa chú. Xin chú
thứ tha."
Người chú
nói: "Không, không. Lỗi hoàn toàn ở chú, chính chú mới phải
xin lỗi cháu. Cháu còn trẻ, người trẻ thì thói thường
là hung hăng táo bạo bất kể tốt xấu thị phi, không cần
biết đến dư luận. Thế mà chú lại đi chống đối với
cháu, cho cháu là một kẻ khả ố thực sự, khiến cháu cũng
tin chắc rằng chú đã tán tận lương tâm, cả hai chú cháu
suýt nữa thì phải đọa vào luân hồi vĩnh viễn không ngày
giải thoát, tội lỗi chất chồng! Thật chú hổ thẹn vô
cùng khi nghĩ đến chuyện ấy."
Cả hai người
ai cũng nhận lỗi về mình, và hàn gắn lại sự đổ vỡ
từ ba năm qua. Người chú ở lại nhà cháu khá lâu, được
đãi đằng hậu hĩ trước khi trở về nhà mình, và về sau,
người cháu cũng y phục chỉnh tề đi thăm ông chú. Từ đấy
họ còn tử tế với nhau hơn cả trước khi xảy ra vụ kiện.
Chuyện như thế thực sự có thể xảy ra.
Những người
chứng kiến sự hàn gắn giữa hai chú cháu rất ngạc nhiên
cảm động. Những người ở các tỉnh thành lân cận khi nghe
chuyện này, ai có đâm đơn kiện nhau cũng hồi tâm rút lại
đơn khởi tố. Kết quả là tôi được nghe có đến mười
bảy hồ sơ kiện tụng đệ lên tòa án đã được rút về.
Xét toàn
thể vấn đề kiện tụng giữa hai chú cháu, ai cũng thấy
thật là bi đát khi cả hai bên vì ngã chấp mà đã trở nên
mù lòa không biết xấu hổ, không thấy được rằng mọi
người đang khinh bỉ chê bai mình, trở thành đề tài cho mọi
cuộc đàm tiếu. Dĩ nhiên khi đấy là chuyện kiện tụng của
người nào khác thì bạn có thể bình luận phải quấy một
cách trôi chảy, nhưng khi chính bạn là người trong cuộc thì
thật không dễ gì! Vì dục vọng ích kỷ mà bạn gân cổ
cãi cho được phần hơn về mình, đổi cái tâm Phật quý
báu thành ra tham lam và rơi vào cõi ngạ quỷ - thật là việc
làm bất hiếu nhất đối với cha mẹ đã sinh ra mình.
Tôi nói chuyện
này với hy vọng nó sẽ là một bài học cho tất cả quý
vị. Sự việc người chú đã hồi tâm sau khi nghe pháp cũng
hoàn toàn do cái diệu dụng của tâm Phật quý báu mà tất
cả mọi người đều có một cách bẩm sinh.
Vô
Một vị
tăng đến tham vấn Sư, thưa: Con nhận công án Vô của Triệu
châu từ một thiền sư, và đã tham cứu nhiều năm nay rất
chuyên cần, tập trung toàn lực, không bao giờ để nó rời
khỏi tâm con dù trong lúc cử động tay chân, thế mà con vẫn
chưa có thể giải được công án. Hơn nữa, ngay cả khi con
gắng sức đến độ lâm bệnh một thời gian, cũng chẳng
có gì xảy ra đáng nói. Rốt cuộc con chỉ thành một người
bệnh, và sau một năm tròn kiệt sức vì bệnh, con đã bỏ
tham công án ấy. Khi con chỉ để tâm như bầu trời trống
rỗng, con cảm thấy khá thoải mái cả thể xác lẫn tinh thần,
và dần dần phục hồi sức khỏe. Bây giờ, con không còn
tham công án, nhưng trong lúc con không nghĩ là mình đã giải
được nó, con lại thấy tâm con khá an ổn vì lúc nào cũng
rỗng rang như bầu trời. Tuy vậy, con rất muốn được nghe
ngài chỉ giáo.
Sư dạy:
Dẹp công án Vô qua một bên và để tâm như bầu trời trống
rỗng cũng không tệ, vì ít nhất nó chứng tỏ bạn có năng
lực tu tập. Nhưng đó chưa phải là rốt ráo.Vì bạn chưa
chứng ngộ được Tâm Phật bất sinh, nên chưa thể dàn xếp
êm thấm những công việc hàng ngày. Khi đổi Tâm Phật thành
ra một cái gì "như bầu trời trống rỗng" là bạn đang làm
lu mờ cái diệu dụng chiếu sáng của Phật tâm, kết quả
là bạn thiếu con mắt tuệ để thấy suốt tâm người. Khi
chưa mở con mắt tuệ để thấy suốt nhân tâm, thì bạn vẫn
còn là một người mù. Tại sao thế? Tôi chắc rằng bạn
hoàn toàn chưa thấy được tâm người khác.
- Thưa vâng,
đúng như thế.
- Đương
nhiên là vậy rồi. Hãy làm như tôi nói, xác chứng một cách
triệt để những gì tôi nói đây. Khi bạn chấp nhận những
gì bạn đã nghe, rồi thực chứng nó một cách thấu đáo,
thì ngay tại chỗ, con mắt thấy suốt tâm người sẽ xuất
hiện, bạn sẽ không còn lầm lẫn về bất cứ gì. Lúc ấy
là lúc triệt ngộ về Pháp.
Quạ
kêu quà quạ, sẻ kêu chíp chíp
Sư bảo chúng:
Cũng như mọi ngày mỗi khi tôi ra giảng, hôm nay những con
chim quạ cũng kêu quà quạ, chim sẻ kêu chíp chíp, còn tôi
thì không có gì khác để nói. Nhưng khi quý vị thực sự
nhận chân một tiếng Bất sinh duy nhất, thì sẽ thấy mọi
sự đều được dàn xếp êm thấm. (Bankei ngụ ý rằng sự
giảng giải về danh từ duy nhất này, "Bất sinh", cũng dai
dẳng nơi Ngài như tiếng chiêm chiếp của sẻ và tiếng kêu
của quạ-ND)
Chứng cớ
là, trong khi tất cả quý vị quay cả về một phía chỉ cốt
nghe tôi nói, tự hỏi lão Bankei sẽ nói cái gì, thì quý vị
không cố tình nghe hay không nghe tiếng quạ kêu, sẻ chiêm
chiếp ngoài sân. Thế nhưng khi chúng cất tiếng kêu là quý
vị nhận ra ngay tiếng chim quạ, chim sẻ. Không những quạ
hay sẻ, mà tất cả mọi thứ tại đây, khi quý vị nhìn nghe
với cái Bất sinh, cũng đều đồng lúc phân biệt được
rõ ràng cái nào ra cái ấy, như tiếng chuông tiếng trống...
Cái sự bạn phân biệt được mọi thứ bạn thấy nghe như
vậy một cách tự nhiên không cần khởi lên một ý tưởng
nào cả, chính là công năng chiếu sáng kỳ diệu linh hoạt
của Tâm Phật bất sinh.
Hai
phần ba với cái bất sinh
Nếu bạn
chia ngày làm ba phần, bạn sẽ thấy rằng mọi hoạt động
của bạn từ sáng đến tối, hết hai phần trong đó được
thu xếp bởi Bất sinh. Thế mà không nhận ra điều ấy, bạn
tưởng tượng mình làm việc toàn nhờ ở tài khôn lanh và
sự phân biệt - quả là một sai lầm nghiêm trọng. Cái một
phần ba (thời gian) còn lại, vì không thể trú trong Bất sinh,
bạn đổi Tâm Phật của mình thành ra tư tưởng, bám lấy
những gì bạn gặp, đến nỗi ngay trong đời này bạn cũng
đang tạo ra những tu la, súc sinh, quỷ đói, và khi đời bạn
chấm dứt, bạn rơi thẳng vào ba ác đạo. Tưởng rằng ba
ác đạo này chỉ có sau khi bạn chết là lầm to.
Tìm
sự giác ngộ
Rán sức
tu hành, cố tọa thiền để được giác ngộ, đều sai. Không
có gì khác nhau giữa tâm của chư Phật với cái phật tâm
nơi mỗi con người. Mong cầu đạt giác ngộ là tạo ra một
sự phân hai, thành ra có người giác ngộ và chân lý được
giác ngộ (năng chứng, sở chứng). Khi còn đeo đẳng một
chút nào cái ước muốn giác ngộ, thì lập tức đã giã từ
cái Bất sinh, đi ngược lại Tâm Phật. Cái tâm Phật mà bạn
có từ thuở sơ sinh ấy chỉ là một, không có hai hay ba.
Không
có mê và ngộ
Tất cả
quý vị đều tưởng mình mới là Phật lần đầu tiên, song
cái tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ mới sinh vốn
đã bất sinh, nên không có đầu cuối. Không thực có chút
gì gọi là vô minh dù chỉ một tơ tóc. Vậy, hãy hiểu rõ
rằng, không có gì khởi lên từ bên trong. Điều chính yếu
là đừng vướng vào ngoại cảnh (tức là những gì có đối
đãi, trong tâm cũng như ngoài tâm, như giác quan và đối tượng,
hay cả nhữngcảm giác phát sinh do ý xúc. ND) Cái gì không
vướng vào thế giới ngoại tại chính là Tâm Phật, và vì
Tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên khi bạn an trú
trong Tâm Phật bản nhiên, thì không có mê hay ngộ. Khi an trú
trong tâm bản nhiên ấy thì làm gì cũng là diệu dụng của
Tâm Phật bất sinh. Nhưng nếu bạn có một chút nào nôn nóng
muốn trở thành một con người siêu việt, thì ngay khi ấy,
bạn đã đi ngược lại cái Bất sinh và bỏ xa nó ngàn dặm.
Trong Tâm Phật, không có vui, buồn, giận...không bất cứ thứ
gì, chỉ độc một Tâm Phật chiếu diệu và phân biệt được
mọi sự.
Bởi thế,
khi bạn phân biệt những sự vật bạn gặp phải trong thế
giới bên ngoài - như vui buồn giận hay bất cứ gì dưới
mặt trời - thì đó là công năng linh hoạt của Tâm Phật
chiếu diệu ấy, cái Tâm Phật mà bạn có từ khởi thủy.
Nước
và băng
Vì cái Tâm
Phật mỗi người sinh ra đã có vốn không do tạo tác mà thành,
nên nó không chứa đựng một chút mê lầm nào hết trọi.
Bởi thế, người nào bảo "tôi mê lầm, vì tôi là một con
người không được giác ngộ" là một người con hết sức
bất hiếu vì đã phỉ báng cha mẹ mình. Về cái Tâm Phật
mà mỗi người có saün từ lúc cha mẹ mới sinh, thì chư Phật
quá khứ và những con người hiện tại đều có cùng bản
chất, không gì khác nhau. Việc ấy cũng như nước ở đại
dương: Giữa mùa đông, nước đông lại thành băng giá nên
có những hình thù khác nhau như vuông tròn, nhưng khi băng tan,
thì tất cả chỉ là một thứ nước biển. Khi bạn ngộ được
bản chất bất sinh của Tâm Phật, thì đó chính là nước
như xưa nay nó vẫn là, và bạn có thể tha hồ thọc tay vào
đó. (Nghĩa là, khi cái tâm trở về nguyên trạng của nó -
như băng trở lại thành nước - thì nó trở nên lưu nhuận,
trong suốt, không gì ngăn bít dòng chảy tự do của nó. Bankei
ví cái tâm bị "đông cứng" thành những hình dạng đặc biệt
cũng như nước đông lại thành băng ở trong một bình chứa,
khi tan ra thành nước trở lại thì có thể thọc tay vào múc
được. ND)
Chấm
dứt tư tưởng
Vì trong Tâm
Phật bất sinh chiếu sáng kỳ diệu ấy vốn không có một
chút thiên kiến nào, nên nó tha hồ thích ứng, mỗi khi gặp
cảnh là những tư tưởng lại ló ra. Nếu bạn không quan tâm
đến chúng thì không sao cả; nhưng nếu bạn vướng vào chúng
và tiếp tục triển khai những ý tưởng ấy thì bạn không
thể dừng lại. Khi ấy bạn làm mờ cái công năng chiếu diệu
của tâm Phật và tạo nên si mê lầm lạc. Trái lại, vì từ
khởi thủy, Tâm Phật vẫn chiếu sáng kỳ diệu, saün sàng
soi sáng và phân biệt mọi thứ, nên khi bạn căm ghét những
ý tưởng si mê đã khởi lên ấy, và cố ngăn chặn chúng,
thì bạn bị vướng vào công việc ngăn chặn, tạo ra mâu
thuẫn giữa người ngăn chặn (tức ý tưởng sau-ND) và cái
bị ngăn chặn (ý tưởng trước-ND). Nếu bạn cố dùng ý
tưởng để ngăn ý tưởng, thì sẽ không bao giờ đi đến
cùng tận. Việc ấy cũng như dùng máu rửa máu, dù bạn tẩy
được lớp máu trước, vẫn còn lại lớp máu sau.
Gương
sáng
Vì tâm Phật
vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, nên nó ngàn vạn lần
sáng hơn một tấm gương, không có cái gì mà tâm ấy không
nhận ra và phân biệt được. Với một mặt gương, hình thể
của vật nào vừa đi qua trước mặt thì liền có bóng hiện
ra. Gương không có ý định nhận vào hay bỏ ra vật gì, cũng
không định phản chiếu hay không phản chiếu một cái bóng
nào. Đấy là công năng của gương sáng. Vì không có ví dụ
nào tốt hơn nên chúng ta đành phải mượn tấm gương để
ví với diệu dụng chiếu sáng của Tâm Phật, kỳ thực Tâm
Phật còn ngàn vạn lần kỳ diệu hơn thế nữa.
Với công
năng chiếu sáng kỳ diệu của tâm Phật, mọi đối tượng
xuất hiện trước mắt bạn đều được nhận ra và phân
biệt rành rẽ, bạn không cần phải làm bất cứ gì. Bởi
thế mặc dù không cố ý, bạn vẫn nhận ra trăm ngàn ấn
tượng khác nhau qua hình sắc hoặc âm thanh. Đấy là những
vật thể có hình dáng. Nhưng ngay cả những thứ vô hình,
như những gì xảy ra trong tâm người, cũng được phản chiếu
rõ ràng. Dù bạn gặp nhiều gương mặt khác nhau đủ loại,
những tư tưởng thiện hay ác của họ đều được phản
chiếu nhờ tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu. Ví dụ trong chúng
hội đang nghe pháp tại đây, nếu có người ho lên, thì mặc
dù bạn không cố ý lắng nghe, mà vừa khi có tiếng ho, bạn
có thể phân biệt ngay tiếng ho ấy là của đàn ông hay đàn
bà, già hay trẻ. Hoặc lấy ví dụ một người bạn đã hai
mươi năm không gặp, nay tình cờ gặp lại trên đường, tự
nhiên những biến cố thuộc hai mươi năm trước tuôn dậy
rõ ràng trong ý thức. Việc này thật khác xa công năng của
tấm gương !
Lửa
nóng
Cái sự bạn
nhận ra và phân biệt được ngay lập tức, một cách tự
nhiên bất cứ gì bạn thấy và nghe, chính là công năng linh
hoạt của tâm Phật mà bạn có được một cách bẩm sinh
từ lúc mới lọt lòng, cái tâm Phật bất sinh và chiếu sáng
kỳ diệu.
Một ví dụ
khác về công năng bẩm sinh của tâm Phật là: khi bạn đang
ngồi yên bỗng có ai dí vào tay một đóm lửa thì bạn giật
mình, và tự động rụt tay lại. Điều này cũng chứng tỏ
cái tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh và dàn xếp
một cách toàn hảo mọi sự. Ngược lại, khi bạn nghĩ "vừa
rồi là một đóm lửa" rồi nhận ra "lửa nóng" và tức giận
kẻ nào đã đốt bạn, thì chính bạn đã rơi vào lãnh vực
của kinh nghiệm phụ thuộc sau khi sự kiện đã xảy ra.
Hãy
ngu đi
Tôi thường
bảo những người đến học với tôi và những người thường
đến chùa: "hãy ngu đi". Bởi vì bạn đã có công năng linh
động của tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, nên dù cho bạn
dẹp bỏ trí phân biệt, bạn cũng không phải là người ngu.
Bởi vậy tất cả các bạn từ nay về sau hãy ngu đi! Dẫu
có ngu đần, khi đói bạn cũng biết xin cái gì để ăn, khi
khát bạn cũng biết xin ít nước trà để uống, lúc nóng
bạn biết mặc y phục mỏng, và lúc rét bạn cũng biết mặc
thêm áo; bạn sẽ không quên thứ gì liên hệ đến sự sống
hằng ngày. Nhưng với những người khôn lanh, thì chắc chắn
có rất nhiều khuyết điểm. Cái mà tôi bảo "ngu" ở đây
chính là vượt trên những người khôn lanh ấy, những người
mà hầu hết thế gian đều rất kính nể. Thật cũng không
hề hấn gì khi làm một kẻ ngu như vậy!
Khi nghe đồn
về người nào khôn lanh, tôi thường yêu cầu gặp họ. Nhưng
khi gặp được người ấy và có dịp nói chuyện với nhau,
tôi có cảm giác rằng dường như mọi người trên thế gian
đều ca tụng những chuyện điên rồ. Những người mà họ
xem là khôn lanh trước hết đều bị mờ mắt vì chính sự
khôn lanh của họ. Họ bóp méo tâm Phật và làm lu mờ diệu
dụng chiếu sáng của nó, xem người khác không ra gì, nói
ngược lại bất cứ những gì người ta nói, khinh thường
và lăng nhục người khác. Dĩ nhiên vì những người bị họ
lăng nhục cũng có tâm Phật chiếu sáng, nên nổi giận và
phản công ngay, tuôn ra những lời nguyền rủa. Lý tưởng
của con người chân chính là tử tế với người ngu và giúp
đỡ những người xấu ác. Được thế gian công nhận là
người tốt mới chính là điều làm cho sự sinh làm người
là đáng đồng tiền bát gạo. Có hay ho gì khi bạn được
tiếng là một con người khôn lanh mà xấu xa ác độc?
Bởi thế
khi về nhà gặp lại những người quen biết, các bạn hãy
làm sao cho họ ngạc nhiên về mình như sau: "Không biết thằng
cha này đã nghe lão Bankei dạy những gì, mà bây giờ y còn
ngu hơn trước!"
Cái ngu mà
tôi nói đây không phải là cái ngu ngược lại với trí mà
chính là cái ngu vượt trên cả trí và ngu.
Hút
thuốc
Tôi biết
đây là điều ngày nào tôi cũng lặp lại: đừng vướng vào
những thói quen xấu. Thói quen xấu xảy ra khi các bạn bám
lấy những gì người khác làm. Những điều này trở thành
thâm căn cố đế đến nỗi bạn không thể xua đuổi chúng
ra khỏi tâm mình, và cuối cùng trở thành những thói tệ.
Ví dụ hút
thuốc: Có ai mới sinh ra đã biết hút thuốc đâu? Quả là
không có. Khi trông thấy người khác hút, bạn bắt chước,
rồi sự hút thuốc của bạn dần dần ăn sâu, trở thành
một thói quen xấu. Ngay cả khi ở trước những nhân vật
quan trọng, hoặc tại những nơi cấm hút thuốc, bạn vẫn
bị thúc bách phải hút, đấy là vì bạn đã vướng vào tệ
đoan quen phì phào thuốc lá. Hơn nữa, khi khát nước mà bạn
hút thuốc cũng không thể đỡ khát, và khi đói, tôi cũng
chưa nghe ai nói nhờ hút thuốc mà no được. Tuy nhiên, một
khi bạn đã vướng vào bệnh ghiền thuốc thì nó trở thành
một chuyện bạn không thể dứt được mặc dù hoàn toàn
vô ích. Từ một ví dụ này, các bạn có thể hiểu mọi thói
quen xấu khác. Bởi thế, dù trong những việc nhỏ nhặt cũng
nên tránh tạo những thói quen xấu và tự làm cho bạn mê
lầm.
Không
có gì gọi là giác ngộ
Một vị
tăng từ Sendai đến bảo: Tôi nhớ đâu đó có một thành
ngữ rằng: "Tâm bị lụy vì hình hài." (một câu trong bài
thơ danh tiếng của thi sĩ Đào Tiềm, 371-427, nhan đề Quy khứ
lai hề, Hãy trở về - ND). Tôi mong sống hợp với tâm nguyên
thủy vào mọi thời, nhưng làm sao tu tập để được như
thế? Xin Ngài chỉ giáo cho.
Sư dạy:
Trong tông phái tôi, không có hình thức chỉ giáo nào đặc
biệt về pháp tu, cũng không có phương pháp đặc biệt nào.
Vì người ta không nhận ra rằng ngay trong chính mình đã saün
đủ cái tâm Phật mà họ có từ thuở sơ sinh, nên họ mất
hết tự do giải thoát và nói về chuyện muốn sống hợp
với tâm nguyên thủy. Khi bạn ngộ được rằng tâm Phật
bạn có từ cha mẹ sinh, vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu,
thì tay chân bạn vận hành thoải mái, và đấy là công năng
của tâm Phật chiếu sáng vốn bất sinh. Bằng chứng là, vì
muốn nghe Bankei, bạn đã từ Sendai lặn lội đến đây qua
một đoạn đường dài. Nhưng khi bạn dừng chỗ này chỗ
kia dọc đường để nghỉ, thì không phải lúc nào bạn cũng
nghĩ đến Bankei. Ban ngày, bạn ngắm phong cảnh trên đường,
và nếu có người cùng đi, bạn nói chuyện với họ. Mặc
dù trong lúc đi, bạn không nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với
tôi, cuối cùng bạn vẫn đến chỗ tôi. Đây là ý nghĩa về
tâm Phật vốn bất sinh và dàn xếp mọi sự một cách êm
đẹp.
Lại nữa,
ở Sendai bạn thấy những con cò màu trắng và những con quạ
màu đen không cần ai nhuộm. Ở đây cũng vậy, mặc dù không
cố ý phân biệt, vừa khi thấy chúng xuất hiện, bạn biết
ngay con trắng là cò và con đen là quạ. Không cần dấy lên
ý tưởng nào, tất cả điều đó được dàn xếp một cách
trơn tru phải thế không?
Khi ấy vị
tăng hỏi: Tôi thấy không thể nào kiểm soát tất cả những
sân si dục vọng trong tôi. Tôi phải làm sao, xin Ngài chỉ
giáo.
Sư trả lời:
Cái ý tưởng muốn kiểm soát của bạn chính là một vọng
tưởng, đổi tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng
vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng
chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và
nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.
Vị tăng
lại hỏi: Giác ngộ là gì?
Sư trả lời:
Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một
đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng tâm
Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn bất sinh và chiếu sáng kỳ
diệu - đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là
si mê. Vì tâm Phật nguyên ủy vốn bất sinh, nên nó vận hành
không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ.
Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị
trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì tâm Phật
là bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư
tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì
vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần
gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?
An
trú trong tâm Phật
Một vị
tăng hỏi: Con thường đọc kinh và tọa thiền, vì con cảm
thấy những việc này có công đức. Bây giờ con có nên dẹp
hết vì vô ích chăng?
Sư trả lời:
Tọa thiền và xem kinh là việc tốt. Tọa thiền là việc mà
tất cả tu sĩ muốn uống nước từ nguồn Thích Ca đều phải
thực hành không được coi khinh. Bồ Đề Đạt Ma quay mặt
vào vách, Đức Sơn dẹp kinh, Gutei dơ lên một ngón tay, Lâm
tế hét...Mặc dù tất cả những pháp này thay đổi tùy hoàn
cảnh khác nhau và tùy cách dạy của mỗi bậc thầy, song tất
cả đều liên hệ đến việc bạn phải tự mình thực chứng
cái tâm Phật bất sinh duy nhất. (Bồ đề đạt ma, vị sư
Ấn vào thế kỷ thứ 6 đã mang đạo thiền đến Trung quốc,
được tôn là sơ tổ của đạo thiền Trung hoa. Tương truyền
Ngài đã quay mặt vào vách thiền định suốt 9 năm tại chùa
Thiếu Lâm thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay- Đức Sơn Tuyên giám,
782-865, là một vị tăng chuyên nghiên cứu kinh Kim Cương, nhân
trong lúc hành cước đi vào một hàng quán xin ăn điểm tâm.
Bà già bán quán hỏi: trong kinh Kim Cương Phật dạy tâm quá
khứ tâm hiện tại tâm vị lai đều không thể nắm bắt,
vậy ngài điểm cái tâm nào. Đức Sơn không trả lời được,
bèn đốt hết các luận giải ông đã làm và về sau ngộ
đạo. Chuty hay Gutei, tương truyền đã ngộ đạo nhờ bị
thầy chặt đứt một ngón tay- Lâm tế Nghĩa huyền mất năm
866, là tổ sáng lập thiền phái Thiên Thai, nổi tiếng về
sử dụng tiếng hét để khai đạo -ND). Bạn không lầm tiếng
chuông với tiếng trống, tiếng chim sẻ với tiếng chim quạ,
tất cả những âm thanh nghe qua, bạn đều nhận ra và phân
biệt từng thứ một không sót tiếng nào. Đấy chính là cái
tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu đang lắng nghe, cái tâm Phật
vốn bất sinh. Những gì nói trong Lâm tế ngữ lục và những
gì tôi nói chỉ là một thứ không có gì khác nhau. Vấn đề
duy nhất là bạn có đức tin hay không. Nếu bạn không thể
an trú trong tâm Phật bất sinh mà khuấy động lên đủ thứ
tư tưởng nuối tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, thì
chính là bạn đang xoay vần biến hóa trong sinh tử mà không
tự biết. Bạn đã đổi tâm Phật thành ra những tư tưởng
phù du, không bao giờ có một giây phút an ổn.
Bây giờ
bạn có thể tọa thiền đọc kinh, nhưng hãy an trú trong tâm
Phật mà bạn có, và thực chứng cái bất sinh. Nếu bạn tọa
thiền hay đọc kinh, với mục đích hay hy vọng tích lũy công
đức, thì thế là bạn đổi tâm Phật lấy công đức, đổi
tâm Phật lấy tọa thiền và tụng kinh! Thế đấy, nên điều
bạn cần làm là nhận ra với niềm tin tưởng sâu xa rằng,
mọi sự tự nó được nhận chân và được phân biệt mà
không cần bạn phải để tâm suy nghĩ. Tất cả đấy là vì
tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu vốn bất sinh, và thu xếp mọi
sự một cách trôi chảy.
Khi
tư tưởng khởi lên
Một chú
tiểu 14, 15 tuổi hỏi: Khi con tọa thiền, những tư tưởng
lại khởi lên. Con phải làm sao?
Sư dạy:
Phân biệt được và nhận ra được từng ý nghĩ khởi lên,
đấy chính là công năng linh hoạt của tâm Phật. Vì tâm Phật
vốn bất sinh mà cũng chiếu sáng kỳ diệu nữa, nên bất
cứ gì được lưu giữ trong tâm con bây giờ trồi lên. Trong
tâm Phật không có một tư tưởng hay một vật gì, bởi thế
khi con không để mình vương vấn với chúng, tức là đã phù
hợp với tâm Phật bất sinh. Đừng lo cố xua đuổi chúng
hay ngăn chặn chúng.
Để
cho mọi sự tự xếp đặt
Sư chỉ giáo
một vị tăng từ Tamba đến: Ông nghĩ rằng đã khó nhọc
lặn lội từ xa đến đây, thì phải đạt giác ngộ càng
nhanh càng tốt, thái độ ấy chính là bị lòng ham muốn thành
Phật làm cho mê mờ. Mong muốn giác ngộ có vẻ là chuyện
hoàn toàn tốt đẹp đáng khen, nhưng kỳ thực là si mê. Với
tôi, tôi không bao giờ trích dẫn lời Phật tổ trong các kinh
điển và ngữ lục. Nếu bạn muốn biết vì sao, thì chính
vì tôi có thể hoàn toàn được việc bằng cách nhắm thẳng
bản ngã của mỗi người, nên tôi chỉ nói với họ về chuyện
ấy.
Sự mong muốn
thành Phật của bạn trước hết là điều vô ích. Bởi vì
tâm Phật bạn có từ sơ sinh vốn bất sinh và chiếu sáng
kỳ diệu, nên chưa cần suy nghĩ, mọi sự đã được nhận
ra rõ ràng mà không cần đến một thứ khôn lanh nào cả.
Không cần bám vào những khái niệm mê hay ngộ, hãy ở nguyên
trong tình trạng ở đó tất cả mọi sự đều được nhận
ra và phân biệt rõ ràng. Hãy để cho mọi sự tự thu xếp
lấy, bất cứ gì xảy ra sẽ được giải quyết trôi chảy
- dù bạn muốn hay không. Đấy chính là sự vận hành của
tâm Phật và diệu dụng chiếu sáng linh động của nó. Cũng
như một tấm gương bóng loáng, không cần phát sinh một ý
tưởng nào cũng không cần ý thức, mà mỗi sự vật bên ngoài
đều được phản chiếu rõ rệt. Vì không hiểu điều này,
các bạn cứ tưởng chính mình dàn xếp mọi sự nhờ tài
khôn lanh! Chính vì thế mà các bạn vẫn bị mê mờ. Nếu
bạn hiểu rõ rằng tư tưởng là do chính bạn sản xuất khi
vướng ngoại cảnh, và không chuyển tâm Phật của mình thành
ra một cái gì khác, thì đấy chính là căn bản của sự tu
hành, và đó cũng là ý nghĩa của điều tôi nói rằng tâm
Phật là bất sinh, bản năng nội tại chiếu sáng kỳ diệu
nơi chúng ta.
Không
thực chất
Một cư sĩ
hỏi: Con rất đội ơn Ngài về giáo lý Bất sinh, nhưng con
nhận thấy rằng tư tưởng dễ dàng khởi lên do hậu quả
những thói xấu ăn sâu nơi con, và khi con bị những ý tưởng
ấy đánh lạc hướng thì con không thể nào nhận ra được
cái Bất sinh một cách rõ rệt. Làm sao con có thể tin tưởng
hoàn toàn vào tâm Phật bất sinh?
Sư dạy:
Khi cố ngăn tư tưởng đừng khởi lên, là bạn tạo một
mâu thuẫn giữa cái tâm ngăn và cái tâm bị ngăn, nên bạn
sẽ không bao giờ có được bình an. Chỉ cần tin rằng tự
nguyên ủy, những ý tưởng vốn không hiện hữu, chúng chỉ
tạm thời khởi diệt tùy theo những gì bạn thấy và nghe,
tự chúng không có một thực chất nào.
Chó
và gà
Một cư sĩ
hỏi: Con nghe rằng những ý tưởng ngu si biến người ta thành
súc sinh, đi từ bóng tối vào bóng tối không thể thành Phật.
Tuy nhiên, khi một con thú không ý thức điều đó là đáng
tiếc, thì nó sẽ không nhận ra mình đang khổ. Vậy, phải
chăng nó cũng hoàn toàn thỏa mãn ?
Sư dạy:
Không đáng buồn sao, khi người ta chuyển cái tâm Phật và
thân Phật mà mọi người vốn có, thành ra nỗi khổ của
một chúng sinh địa ngục, mà lại còn không nhận ra điều
ấy là bi đát như thế nào! Ví dụ, bạn đuổi đánh một
con chó vì hôm qua nó đã ăn trộm gà. Không nhận thức được
điều ấy, khi bị đánh đập nó kêu lên tru tréo. Súc sinh
không hiểu luật nhân quả nên phải tiếp tục đau khổ bất
tận. Nhưng con người thì do trí tuệ bẩm sinh, khi được
gặp minh sư họ có thể dễ dàng giác ngộ. Thật là điều
kỳ diệu khi có cơ may được sinh làm thân người, vì với
thân ấy bạn có thể dễ dàng thành Phật. Đấy là một vấn
đề lớn ở ngay trước mắt bạn, đừng phí thì giờ!
Cày
cuốc với tâm Phật
Một nông
phu hỏi: Con có tính dễ nổi nóng, vì con là một nông dân
vướng vào công việc cực nhọc, thật khó cho con nhận ra
được Bất Sinh. Làm sao con có thể sống phù hợp với tâm
bất sinh?