BÀI
GIẢNG
của
Thiền Sư BANKEI
PHẦN
MỘT
Lời
mở
Khi thiền
sư Bankei Butchi Kosai - người sáng lập thiền tự Ryòmonji (Long
môn) ở Aboshi thuộc tỉnh Banshù - mở kỳ kiết thất lớn
tại Long môn vào mùa đông năm thứ ba Genroku (1690), có 1.683
tu sĩ ghi danh trong sổ danh bạ. Những người đến nghe gồm
không những đồ chúng thuộc tông Thiên thai và Tào động
mà cả các tông phái Ritsu, Shingon (chân ngôn), Tendai, Tịnh
độ, và Nhật liên tông, cả tăng lẫn tục cùng chen nhau trong
giảng đường. Người ta có cảm tưởng ngài đích thực là
bậc Thiên nhân sư (Thầy của Người và Trời) của thời
nay.
Khi ấy Sư
bước lên pháp tòa và bảo đại chúng tăng tục: Hôm nay trong
đại hội này chúng ta gồm cả một đám đông tăng tục,
và có lẽ tôi đã kể cho quý vị nghe làm thế nào, lúc còn
trẻ, tôi đã trực ngộ ra rằng cái tâm vốn dĩ chưa từng
sinh ra. Cái phần về tâm ấy tuy thế, chỉ là điều phụ
thuộc. Quý vị tu sĩ, khi quý vị an trú trong Bất sinh, quý
vị sẽ thấy không có gì người khác cần nói với quý vị,
cũng không có gì quý vị cần nghe. Vì Tâm Phật bất sinh đang
chiếu sáng kỳ diệu, nên nó dễ dàng biến thành bất cứ
gì nó gặp phải. Bởi thế, trong khi tôi bảo mọi người
tại gia ở đây chớ có biến mình thành đủ loại mà họ
gặp, và đổi cái tâm Phật của họ thành những ý tưởng,
thì quý vị tu sĩ cũng có thể nghe luôn!
Lắng
nghe
Sư bảo chúng:
Trong tất cả quý vị tập trung tại đây hôm nay, không một
ai là người chưa giác ngộ. Mỗi người ở đây đều là
một vị Phật. Bởi thế hãy lắng nghe cho kỹ. Cái mà tất
cả quý vị thừa hưởng của cha mẹ lúc mới lọt lòng, chỉ
là cái tâm Phật bất sinh. Không có cái bẩm sinh nào khác
ở nơi quý vị. Cái tâm Phật mà quý vị có từ lúc cha mẹ
mới sinh ra thực sự là bất sinh và chiếu sáng một cách
kỳ diệu, và hơn thế nữa, với cái Bất sinh này, mọi sự
đều được thu xếp một cách hoàn toàn ổn thỏa. Bằng chứng
về điều này là, trong lúc tất cả quý vị đang lắng nghe
tôi nói, mà ngoài kia có tiếng quạ kêu, tiếng chim sẻ chíp
chíp, tiếng gió xào xạc... mặc dù không cố tình phân biệt
những âm thanh ấy, quý vị vẫn nhận ra và phân biệt được
từng tiếng: tiếng chim quạ, tiếng chim sẻ, tiếng gió xao
cành - quý vị nghe mà không lầm lẫn, đấy gọi là nghe với
cái Bất sinh. Với cái Bất sinh, tất cả mọi sự được
thu xếp hoàn toàn ổn thỏa cũng y như vậy. Đấy là bằng
chứng thực sự về cái Bất sinh. Hãy nhận ra một cách dứt
khoát rằng cái không sinh và đang chiếu sáng kỳ diệu ấy
đích thực là Tâm Phật. An trú ngay trong Tâm Phật Bất Sinh
ấy, thì từ đây cho đến mãi mãi quý vị là một đức Như
Lai sống.Vì khi đã nhận ra một cách rốt ráo thì từ nay
trở đi quý vị sẽ luôn an trú trong Tâm Phật, nên trường
phái của tôi mệnh danh là trường phái Phật tâm.
Vậy, trong
khi đang lắng nghe tôi nói, quý vị vẫn không lầm lẫn tiếng
chim sẻ với tiếng quạ kêu bên ngoài, không lầm lẫn tiếng
chuông với tiếng trống, tiếng đàn ông với tiếng phụ nữ,
tiếng người lớn với tiếng trẻ con - quý vị nhận ra và
phân biệt rõ ràng từng thứ tiếng quý vị nghe, không lẫn
lộn chút nào. Đấy chính là cái diệu dụng linh động chiếu
sáng của Bất sinh. Đó không là gì khác mà chính là Phật
tâm bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu, là bằng cứ
xác thực về bản chất chiếu sáng vi diệu của Tâm.
Chắc không
người nào trong đây lại bảo rằng: Tôi nghe những gì tôi
nghe vì tôi cố ý nghe. Ai nói vậy là nói láo. Vì không biết
lão Bankei sắp nói cái gì, nên tất cả quý vị mới quay cả
về một phía như vậy chỉ cốt muốn nghe những gì tôi nói,
chứ không có ai lại cố nghe những thứ tiếng động đủ
loại ở bên ngoài. Thế nên khi bỗng dưng những âm thanh ấy
xuất hiện mà quý vị nhận ra được, phân biệt được,
nghe ra được không chút lầm lẫn, thì chính là quý vị đang
nghe bằng cái tâm Phật bất sinh ấy. Không ai ở đây có thể
tuyên bố họ nghe những tiếng ấy tại vì trước đã quyết
tâm để lắng nghe. Bởi thế, sự thực là quý vị đang nghe
với cái Bất sinh.
Mỗi người,
khi dứt khoát nhận ra được cái bất sinh và chiếu sáng kỳ
diệu ấy chính là tâm Phật, an trú trong đó, thì từ nay cho
đến mãi về sau là một vị Phật sống. Cả đến khái niệm
Phật cũng chỉ là một tên gọi được đặt ra về sau, bởi
thế, từ nơi Bất sinh mà nhìn, thì đó cũng chỉ là chuyện
phụ thuộc, không có gì quan trọng. Con người của Bất sinh
ở tận nguồn gốc của tất cả các vị Phật. Cái gì bất
sinh thì đó là suối nguồn của tất cả mọi sự, là khởi
điểm của mọi sự. Không có gì sơ nguyên hơn là cái Bất
sinh, không có gì ở trước nó. Bởi thế nên khi quý vị trú
trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của tất cả
Phật, và bởi thế Bất sinh là một cái gì quý báu tuyệt
trần. Ở đây không có vấn đề diệt, cho nên khi trú trong
bất sinh thì cũng không cần gì nói đến bất diệt. Đấy
là lý do tại sao tôi chỉ nói về Bất sinh mà không đề cập
bất diệt. Cái gì không được tạo tác thì cũng không bị
hủy hoại, bởi thế, khi nó đã bất sinh thì đương nhiên
cũng bất diệt, khỏi cần phải nói. Phải vậy không nào?
Dĩ nhiên,
từ ngữ bất sinh bất diệt đã có rải rác trong kinh điển
và ngữ lục từ xưa, nhưng chưa ai nói bằng chứng thực sự
của cái Bất sinh. Ai cũng chỉ học từ ngữ bất sinh bất
diệt rồi lặp đi lặp lại, nhưng đến việc nhận cho ra
và thực sự đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, thì không
ai hiểu được Bất sinh là cái gì.
Khi tôi hăm
sáu tuổi, lần đầu tiên tôi trực nhận ra rằng mọi sự
được giải quyết ổn thỏa bằng Bất sinh, và từ đấy
trong bốn mươi năm qua tôi đã giảng dạy mọi người với
bằng chứng về cái Bất sinh: cái mà quý vị có được khi
mới ra đời chính là Tâm Phật bất sinh - cái Tâm Phật thực
sự chưa từng sinh ra, đang chiếu sáng kỳ diệu. Tôi là người
đầu tiên giảng dạy điều này. Tôi chắc chắn các tu sĩ
trong hội chúng ở đây, và tất cả mọi người khác cũng
thế, chưa ai từng nghe trước đây có người nào dạy cho
người ta về bằng chứng thực sự của Bất sinh - dạy rằng
Tâm Phật thực sự là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ
diệu. Tôi là kẻ đầu tiên nói điều này. Nếu có ai tuyên
bố họ đã nghe người nào trước đây có dạy cho người
ta với bằng cớ đích thực của Bất sinh, thì người ấy
đúng là nói dối.
Khi quý vị
an trú trong Bất sinh là quý vị ở nơi ngọn nguồn của mọi
sự. Cái mà chư Phật trong quá khứ chứng được chính là
Phật Tâm Bất Sinh, và cái mà chư Phật vị lai sẽ chứng
cũng là Phật Tâm Bất Sinh. Ngày nay chúng ta đang ở thời
mạt pháp, tuy vậy nếu có dù chỉ một người an trú trong
Bất sinh, thì Chính pháp như vậy đã được phục hưng trong
thế gian này. Có phải thế không, thưa tất cả quý vị? Chắn
chắn là vậy. Khi quý vị đã nhận ra điều này một cách
dứt khoát, thì ngay tại chỗ quý vị sẽ mở được con mắt
để thấy suốt tâm người, và bởi thế trường phái của
tôi còn gọi là tông Mắt sáng. Khi con mắt thấy suốt nhân
tâm được hiển lộ, thì dù vào bất cứ thời gian nào cũng
là lúc triệt ngộ được chánh pháp. Tôi muốn quý vị biết
rõ điều này. Khi ấy, quý vị, dù bất cứ ai, chính là người
thừa kế của tôi.
Giới
luật
Một bậc
thầy thuộc Luật tông đến hỏi: Ngài có tuân giữ giới
luật không?
Sư trả lời:
Từ khởi thủy, tất cả những gì mà người ta gọi là giới
luật đều cốt dành cho những thầy tu tồi tệ phá giới.
Với người an trú trong tâm Phật bất sinh thì không cần nói
đến giới. Giới được dạy là để giúp chúng sinh, không
để giúp Phật! Mọi người khi cha mẹ mới sinh chỉ có duy
nhất cái Tâm Phật Bất sinh, bởi thế hãy an trú trong tâm
bất sinh ấy. Khi an trú trong Bất sinh, thì bạn đã là một
vị Phật sống ngay bây giờ rồi, và vị Phật ấy cố nhiên
không vẽ vời những chuyện như thọ giới, bởi thế không
có giới điều nào cho ông ta thọ. Bày đặt những chuyện
như thọ giới thì không phải là ý nghĩa của Tâm Bất sinh.
Khi bạn an trú trong Bất sinh thì không cách gì bạn phạm giới
nổi. Từ nơi Bất sinh, giới luật cũng thành phụ thuộc nhảm
nhí, trong chỗ Bất sinh, thực sự không có gì là giới luật...
Cũng
một chuyện ấy
Một vị
giảng sư Phật giáo đến bảo tôi: Thay vì cứ nói đi nói
lại mãi một chuyện ấy trong các thời giảng hết ngày này
sang ngày khác, đáng lẽ thỉnh thoảng ngài nên kể vài mẩu
chuyện thần thông biến hóa trong đạo Phật, để cho người
ta xả hơi đôi chút có hơn không?
Dĩ nhiên
có lẽ ông ta nói có lý. Có thể là tôi rất ngu đần, nhưng
nếu làm vậy mà cung cấp được điều gì thực sự hữu
ích cho người ta, thì dù có ngu đần hay không ngu đần tôi
cũng có thể rán học thuộc lòng vài mẩu chuyện. Tuy nhiên,
giảng dạy những thứ ấy không khác gì cho người ta ăn thuốc
độc. Mà cho người ăn độc dược là điều chắc chắn tôi
không thể làm!
Tôi
không giảng đạo Phật
Sư lại nói:
Tôi không giảng dạy người ta bằng cách trích dẫn những
lời nói của chư Phật chư Tổ. Vì tôi có thể làm việc
ngay với chính tự ngã của mỗi con người, nên không cần
chất thêm lên đó những trích dẫn lời Phật, Tổ. Tôi không
nói về đạo Phật, không nói về đạo thiền. Thực sự là
không cần gì nói đến những thứ ấy. Vì tôi hoàn toàn có
thể được việc trong lúc chỉ cần trực tiếp với những
bản ngã con người ngay đây trong hiện tại, nên tôi không
cần nói Phật cũng không cần nói thiền...
Gặp
những bậc Thầy: Dòsha và Ingen
Trước năm
ba mươi tuổi, tôi vẫn tiếp tục mặc áo jittoku (CT. một
kiểu áo dành cho người tập sự và cư sĩ- ND) không khoác
thêm tăng bào. Nhưng năm tôi được 30 tuổi, thầy tôi (thiền
sư Umpo, vị thầy đầu tiên của Bankei-ND) đề nghị tôi nên
đến viếng vị thiền sư Trung hoa Dòsha Chògen ở Naninsan (nay
thuộc tỉnh Phúc kiến- ND) vừa mới đến Nagasaki. Khi tôi
quyết định đi, thầy bảo: "Lâu nay ông mặc vậy cũng được,
nhưng bây giờ khi đến yết kiến một vị sư Trung hoa, ông
mặc vậy không xong. Ông nên vì Pháp mà từ nay về sau hãy
mặc tăng bào, vậy hãy mặc mà đi viếng Dosha". Thế là, theo
lời dạy của thầy, lần đầu tiên tôi vận tăng bào mà
đi viếng Dosha. Tôi trình bày ngay kiến giải của mình. Dosha
nhìn tôi từ đỉnh đầu xuống đến gót chân rồi bảo: "Ông
đã vượt qua sống chết!"
Trong số
những thiền sư thời ấy, chỉ có Dosha có thể gọi là xác
chứng được kinh nghiệm giác ngộ của tôi; mặc dù vậy,
tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Bây giờ khi nhìn lại, tôi
vẫn không thấy Dosha khả dĩ chấp nhận được. Giá mà Dòsha
vẫn còn sống đến ngày nay, thì tôi đã có thể giúp ông
trở thành một con người khá hơn. Nhưng ông là một người
thiếu may mắn và đã chết sớm, tôi rất lấy làm tiếc.
Khi tôi là
một thành viên trong chúng hội của Dòsha, đại chúng gửi
thư sang Trung quốc để cung thỉnh thiền sư Ingen. Vị này
đến Nhật khi tôi còn ở với Dosha. Ông lên bờ tại cảng
ở Nagasaki. Tôi cùng đi trong đoàn đón rước ông, nhưng vừa
khi thấy ông bước ra khỏi tàu để lên bờ, tôi nhận ra
ngay ông không phải là con người của Bất sinh, vì lý do đó
mà tôi không bao giờ theo học với ông ta cả.
Tôi
saün sàng làm chứng cho các bạn !
Tất cả
quý vị ở đây hiện tại thật là vô cùng may mắn. Lúc tôi
còn trẻ, không có những bậc thầy giác ngộ hoặc nếu có,
tôi đã không đủ may mắn gặp được. Lại vì thuở bé tôi
rất ngu đần nên đã phải chịu gian nan không thể tưởng.
Ôi tôi đã phấn đấu một cách vô ích làm sao. Tôi không
thể nào quên được những nỗ lực vô bổ ấy, đã để
lại một ấn tượng sâu xa trong người tôi. Tôi phải học
rất vất vả, học từ kinh nghiệm. Đó là lý do tôi rán xuất
hiện như thế này mỗi ngày, để thúc giục quý vị, vì tôi
muốn tất cả quý vị giác ngộ một cách tiện nghi thoải
mái, không có một phấn đấu vô dụng nào như tôi đã làm.
Tất cả quý vị phải tự thấy mình may mắn lắm. Quý vị
còn tìm được ở đâu thứ cơ hội như thế này?
Tôi không
định kể cho quý vị nghe chuyện này - về thời trai trẻ,
chính vì ngu độn mà tôi đã phấn đấu một cách vô ích
như thế nào - nhưng tôi sẽ đáng trách nếu trong quý vị
có người nào cũng làm như tôi, vì tưởng không phấn đấu
cam go thì không thể nào chứng ngộ chân lý. Bởi thế, mặc
dù tôi không định nói, các bạn trẻ hãy lắng nghe cho kỹ.
Bởi vì không cần phải trải gian nan như tôi, quý vị vẫn
có thể đạt đến sự chứng ngộ hoàn toàn. Trước hết
để tôi kể cho các bạn nghe về những phấn đấu của tôi,
rồi các bạn sẽ thấy không cần làm như Bankei, các bạn
cũng có thể đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Tôi muốn các
bạn hãy nhớ lấy điều ấy trong khi lắng nghe. Vậy hãy nghe
cho kỹ, tôi sẽ bắt đầu.
Cha tôi họ
Suga, vốn là một ronin hay hiệp sĩ độc lập, theo đạo Khổng,
xuất thân từ Shikoku (một trong năm đảo lớn của quần đảo
Nhật bản. Nay thuộc quận Tokushima. ND). Ông đến định cư
tại vùng này (Aboshi - bài giảng này nói ở chùa Long môn.
ND) ở đây tôi được sinh ra, nhưng ông qua đời lúc tôi hãy
còn bé, để lại một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn. Theo bà
kể thì hồi thơ ấu tôi là một trẻ hư hỏng, làm đầu
têu bọn trẻ phá làng phá xóm. Nhưng, mẹ tôi kể, vào lúc
chỉ mới chừng hai ba tuổi, tôi đã sợ chết: mỗi khi tôi
khóc mà có nguời nào làm bộ như chết, hoặc bảo tôi có
người nào chết, thì tôi nín khóc ngay, và lại còn chấm
dứt bất cứ trò nghịch phá nào nếu gặp lúc tôi đang chơi
nghịch.
Dần dà tôi
lớn lên. Khi tôi còn niên thiếu, đạo Khổng đang thịnh hành,
mẹ tôi gởi tôi đến một ông thầy bắt tôi học thuộc
lòng sách Đại học. (CT. Vào thời đại Tokugawa - thế kỷ
mười bảy - ở Nhật, sách Đại học và một chương trong
Lễ ký là chương trình học vỡ lòng chính thống, vì nó ngắn
và dễ học nhất trong các sách nho, chỉ cốt cho trẻ tập
viết và học thuộc lòng, không cần giảng nghĩa. ND). Nhưng
khi đọc câu Đại học chi đạo, tại minh minh đức (Cái học
lớn lao là phải làm sáng cái đức sáng) tôi không thể hiểu
đức sáng là cái gì. Hết sức hoài nghi, tôi thắc mắc về
nó một thời gian.
Có lần tôi
đến hỏi một vài nhà nho: Đức sáng là thứ gì? Hãy nói
cho tôi biết đức sáng là gì cái đã. Nhưng không ai biết
để trả lời tôi.
Nhưng một
hôm có người bảo tôi: Những điều khó như thế chỉ có
các thiền sư mới hiểu nổi. Hãy đi mà hỏi các vị ấy.
Dù chúng tôi có thể đọc vanh vách chữ nghĩa trong các cổ
thư (Trung hoa) nhưng khi hỏi đến Đức sáng là cái gì, chúng
tôi cũng chịu, không hiểu được.
Ổ, thì ra
sự thể là như vậy, tôi than thầm, thấy mình vẫn còn ở
mãi trong u tối. Vì trong vùng lân cận chẳng có vị thiền
sư nào nên tôi không có dịp hỏi ai. Tuy thế, tôi liền lập
chí thế nào mình cũng phải tìm cho ra ý nghĩa của Đức sáng,
và sẽ nói cho mẹ già nghe trước khi bà nhắm mắt. Mặc dù
chưa hiểu được điều ấy, tôi cũng đã mong mỏi trước
hết sẽ nói cho mẹ nghe vì bà đã già, có thể chết bất
cứ lúc nào. Với hi vọng giải quyết nghi vấn về Đức sáng,
tôi đi lang thang khắp nơi một cách vô vọng, tìm kiếm khắp
chỗ. Bất cứ nơi nào mà tôi nghe có buổi thuyết pháp, nói
chuyện, diễn thuyết, thì dù cách xa đến mấy tôi cũng vội
vàng đi đến. Khi trở về nhà, tôi thường thuật lại cho
mẹ những gì có ý nghĩa mà tôi đã nghe được, nhưng thắc
mắc của tôi về Đức sáng vẫn chưa tìm ra giải đáp.
Sau đó tôi
quyết định đi viếng một thiền sư. Khi tôi hỏi ông về
Đức sáng, ông bảo: "Nếu cậu muốn hiểu thì hãy tọa thiền
đi, rồi sẽ hiểu Đức sáng là gì". Kết quả là ngay sau
đó tôi khởi sự tập tọa thiền. Tôi đi vào trong núi, không
ăn gì cả trong vòng bảy hay cả đến mười ngày, tìm một
đỉnh núi nhọn mà ngồi, vén áo để lưng trần dựa vào
đá núi, cương quyết thiền định tới cùng dù có phải chết,
không rời khỏi chỗ ấy cho đến khi cuối cùng tôi ngã vật
xuống. Vì không có cách gì nhờ người mang thực phẩm đến,
nên thường tôi không ăn gì cả trong nhiều ngày. Nhưng vì
chỉ muốn một điều là giải đáp về Đức sáng, nên tôi
chẳng quản ngại ngất xỉu vì đói, và nhất định không
để cho sự đói khát cản trở mình. Mặc dù vậy, tôi vẫn
không thể giải quyết thắc mắc về Đức sáng.
Sau đó tôi
trở về quê hương, dựng một cái chòi để nhập thất. Có
những lúc hoàn toàn tập trung vào pháp niệm Phật (CT. nembutsu,
một pháp thiền định bằng cách niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
liên tục mà các thiền sư áp dụng để định tâm. ND) tôi
ngồi suốt cả ngày đêm không đặt lưng xuống chiếu.
Cứ thế
tôi mò mẫm một cách vô vọng, nỗ lực mỗi ngày mà thắc
mắc của tôi về Đức sáng vẫn chưa được giải quyết.
Không kể gì mạng sống, tôi hành thân hoại thể đến độ
da mông tôi bị rách nát, mà hậu quả là tôi chỉ có thể
ngồi một cách hết sức đau đớn khó nhọc. Tuy nhiên, khi
nhìn lại quãng đời ấy, tôi thấy lúc bấy giờ sức chịu
đựng của tôi cũng khá, nên mặc dù đau đớn như vậy tôi
vẫn không chịu nằm nghỉ lấy một ngày. Vì da thịt sau mông
bị lở loét nên tôi phải lót một lớp dày giấy bổi để
ngồi lên trên, và thay hết lớp này đến lớp khác. Mặc
dù vậy, máu vẫn không ngừng tuôn ra, và vì quá đau đớn
đôi khi tôi phải lót bông vải hay bất cứ gì ở phía dưới.
Thế nhưng tôi vẫn có thể trải qua trọn một ngày đêm không
đặt lưng nằm.
Vì nỗ lực
quá căng vào những năm ấy, cuối cùng tôi ngã bệnh nặng.
Vẫn chưa giải quyết được vấn đề Đức sáng, tôi phấn
đấu với nó một thời gian, chịu đựng gian khổ ê chề.
Bệnh tôi càng ngày càng nặng, cơ thể gầy mòn, mỗi khi ho
đàm lại khạc ra từng cục máu tròn bằng ngón tay cái, đặc
đến nỗi có khi nó bắn vào vách rồi lăn xuống. Khi ấy
mọi người quan tâm đến tôi đều nói: Nhất định không
xong rồi. Chú phải nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Bởi
thế theo lời khuyên của họ, tôi rút về gian chòi, mướn
một người tớ trai.
Nhưng bệnh
tình của tôi tới hồi nguy kịch. Suốt bảy ngày liền tôi
không thể nào nuốt được một chút gì ngoài chút ít nước
cháo lỏng. Do đó tôi nhận ra mình sắp chết. "À ra thế,
không còn gì có thể làm được nữa", tôi tự nhủ, nhưng
không tiếc nuối gì ngoài ra là nghĩ mình sắp chết mà không
hoàn tất được ước nguyện ấp ủ từ lâu.
Ngay khi ấy,
tôi có một cảm giác lạ lùng nơi cổ họng, và khi khạc
vào vách tường, tôi để ý thấy một viên tròn đông đặc
màu đen như cái hột đào đang lăn xuống. Sau đó tôi cảm
thấy lồng ngực nhẹ nhõm một cách lạ lùng, và đấy là
cái lúc tôi chạm phải Nó. Mọi sự đều tự giải quyết
hoàn toàn ổn thỏa với Bất sinh, bấy lâu nay vì không nhận
ra điều này nên tôi đã nỗ lực đến kiệt sức một cách
vô dụng! Cuối cùng tôi mới thấy tôi đã lầm.
Bấy giờ
cảm thấy tinh thần sảng khoái, tôi gọi người tớ nấu
cháo ăn. Người đầy tớ của tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy
một kẻ sắp chết lại đòi ăn như vậy, anh ta sung sướng
la lên và vội vàng luống cuống đi nấu cháo. Vì hấp tấp
nên anh ta đã dọn cho tôi ngay cháo còn sống, song tôi vẫn
mặc kệ, ăn liền mấy bát đầy mà vẫn không sao cả. Sau
đó tôi dần bình phục và sống cho đến ngày nay (CT. Lúc
ấy Bankei đã 68 tuối. ND). Cuối cùng tôi đã thực hiện được
ước mơ tôi hằng ấp ủ là san sẻ chân lý tôi đã chứng
ngộ cho mẹ tôi trước khi bà qua đời. (CT. Mẹ Bankei về
sau cũng xuất gia với tên Myosetsu, chết năm 1680 lúc bà 91
tuổi. ND)
Từ khi tôi
ngộ ra rằng mọi sự được thu xếp xong xả hoàn toàn nhờ
cái Bất sinh, không người nào trong xứ có thể phản bác
tôi được. Nếu trong lúc tôi mò mẫm một cách vô vọng như
thế, mà có người nào đã giác ngộ nói cho tôi biết ngay
từ đầu, như tôi đang nói cho quý vị hiện nay, thì có lẽ
tôi đã khỏi uổng phí bao nhiêu phấn đấu vô ích. Nhưng
vì hồi đó không tìm ra được một người nào như thế,
nên tôi đã phải trải một thời gian dài khó nhọc phấn
đấu vượt quá sức chịu đựng. Cũng vì thế mà đến bây
giờ tôi vẫn còn là một kẻ ốm yếu, không thể ra gặp
gỡ quý vị nhiều như tôi muốn.
Khi đã trực
ngộ được mọi sự đều được thu xếp ổn thỏa nhờ cái
Bất sinh, tôi mong muốn nói lên điều ấy với một người
nào. Trong khi tôi hoang mang chưa biết ai là người tôi nên
đi gặp, thì thầy tôi ( CT. tức Umpo- ND) bảo: "Ở Mino (CT.
nay là quận Gifu- ND), có bậc thầy tên Gudò (CT. Gudò Tòshoku,
1579-1661, là một trong những bậc thầy thuộc tông Thiên thai
vào đầu thời đại Tokugawa. Ông cũng thuộc hệ phái Umpo
thầy của Bankei, phái này sẽ phát xuất thiền sư nổi tiếng
vào thế kỷ 18 là Hakuin Ekaku, Bạch Ẩn, 1685-1769- ND). Nghe
nói ông là người tốt. Có thể ông ta sẽ xác chứng cho kinh
nghiệm của chú, vậy chú nên đến trình bày với ông ta."
Hi vọng gặp
được Gudò để trình bày sở chứng, tôi theo lời thầy khuyên
và khởi hành đi Mino để gặp vị thiền sư, nhưng khi tôi
đến nơi thì ông đã đi Edo (CT. tức Tokyo ngày nay- Vào thời
đại Tokugawa, đấy là thủ phủ Nhật bản thay cho Kyoto- ND).
Thế là tôi không gặp được ông, và về sau cũng không có
dịp nào để nói chuyện với ông cả.
Sau khi đã
lặn lội từ xa đến mà không đạt mục đích, tôi quyết
định thay vì bỏ về, sẽ đi viếng những thiền sư trong
vùng ấy. Khi đến nơi họ, tôi tự giới thiệu: "Tôi là một
tu sĩ thiền từ Banshù đến (CT. tức tỉnh Harima, nay là quận
Hyogò- ND) với hi vọng duy nhất là thăm viếng và nhận được
chỉ giáo của chư vị."
Khi những
vị thầy đã trình bày những lời dạy của họ, tôi xin mạn
phép được phát biểu. Tôi nói: "Tôi biết thực là không
phải phép, nhưng xin chư vị thứ lỗi cho, khi tôi nói điều
này. Tôi không phải là không biết ơn về những lời dạy
của chư vị, nhưng tôi có cảm tưởng như là người ta chỉ
gãi ngứa cho tôi ở ngoài giày, chưa đạt tới cái cốt tủy."
Rất thành
thực, những vị thầy ấy bảo tôi: Đúng như ông nói. Mặc
dù mang tiếng làm thầy, chúng tôi chỉ có học thuộc lòng
những danh từ trong kinh điển và ngữ lục để dạy lại
người ta. Chúng tôi phải hổ thẹn mà nói rằng vì bản thân
mình chưa thực chứng nên khi nói pháp, sự giảng dạy của
chúng tôi quả thật chỉ như gãi ngứa ngoài giày, không làm
ông thỏa mãn. Ông rất hiểu chúng tôi vậy. Chắc ông không
phải là người tầm thường!
Thế là,
vì không tìm ra được người nào ấn chứng cho kinh nghiệm
giác ngộ của tôi, tôi trở về nhà đóng cửa nhập thất.
Trong khi quan sát nhu cầu mọi người và tìm phương cách trình
bày điều tôi đã chứng để cứu giúp họ, tôi nghe tin bậc
thầy về thiền là Dòsha từ Trung quốc đã đến, đang ở
Nagasaki. Theo lời chỉ giáo của thầy tôi, tôi đến yết kiến
Dòsha. Khi tôi trình bày chỗ ngộ của mình, ông tuyên bố:
"Chú là người đã vượt qua sinh tử." Thế là chỉ khi đến
nơi Dòsha, cuối cùng tôi mới nhận được một chút xác nhận
về sự chứng ngộ của mình. Vào thời ấy thực khó mà tìm
ra được người nào có thể xác chứng một cách chắc chắn
kinh nghiệm của tôi, nên tôi gặp khá nhiều vất vả. Bởi
thế cho nên, khi nghĩ lại tôi đã khổ đến thế nào, bây
giờ tôi phải đi ra mỗi ngày như vầy để gặp tất cả
quý vị, mặc dù tôi đang đau ốm. Nếu trong đây có người
nào đã kinh nghiệm được sự giác ngộ - bất cứ là ai -
thì lý do duy nhất mà tôi ra đây là để làm chứng cho vị
ấy. Quý vị quả là rất may mắn. Vì quý vị đã có một
người có thể xác chứng cho kinh nghiệm giác ngộ của mình,
nên nếu ai trong đây đã giác ngộ hoặc nghĩ mình đã hiểu
vấn đề, thì xin hãy bước ra, và hãy nói lên nghe. Tôi saün
sàng làm chứng! Tuy nhiên nếu chưa có ai hiểu, thì hãy lắng
nghe tôi nói, và hãy chứng ngộ cho rốt ráo...
Chứng ngộ
rốt ráo rằng cái Bất sinh đang chiếu sáng một cách kỳ
diệu đó chính là Tâm Phật, là như thế này: Giả sử mười
triệu người đồng thanh tuyên bố con quạ là con cò. Con quạ
đen không cần ai nhuộm, cũng như con cò trắng không cần ai
tẩy - đấy là điều chúng ta vẫn thấy biết như chuyện
đương nhiên. Bởi vậy, dù cho không những mười triệu người,
mà tất cả mọi người trong nước đều đồng thanh tuyên
bố con quạ là cò, bạn vẫn không bị lừa bịp, mà tuyệt
đối vững tin nơi mình. Đó là ý nghĩa của sự chứng ngộ
rốt ráo. Hãy chứng ngộ rốt ráo rằng cái gì bất sinh chính
là tâm Phật, tâm Phật thực sự là bất sinh và chiếu sáng
kỳ diệu, và mọi sự được sắp đặt hoàn toàn ổn thỏa
với cái Bất sinh, để cho dù có nghe bất cứ gì người ta
cố nói với bạn, bạn cũng đừng để cho họ lừa bịp.
Bạn sẽ không chấp nhận những si mê lầm lạc của người
khác.
Lúc tôi còn
trẻ và khởi sự giảng dạy giáo lý chân thực về Bất sinh,
không ai có khả năng hiểu được. Khi nghe tôi nói, người
ta dường như nghĩ tôi là một thứ tín đồ tà giáo hay theo
Ki tô giáo (CT. Vào giữa thế kỷ mười sáu, Ki tô giáo du
nhập Nhật bản do những nhà truyền giáo Tây ban nha và Bồ
đào nha. Sau một thời oanh liệt ngắn, tôn giáo mới này bị
chính quyền nghi kî và thẳng tay đàn áp suốt thời đại
Tokugawa dài hơn hai thế kỷ - ND). Vì vậy họ sợ hãi không
dám đến gần tôi. Nhưng dần dà họ nhận ra mình đã lầm,
và thấy những gì tôi giảng dạy đúng là Chính pháp. Bây
giờ, trái ngược với tình trạng lúc đầu không ai dám bén
mảng đến gần, tôi lại bị khách khứa tràn ngập - những
người nôn nóng muốn gặp tôi, lắng nghe giáo lý tôi giảng.
Họ theo tôi liên tục tới nỗi không để tôi yên dù chỉ
một ngày. Đấy, sự tình là thế.
Trong bốn
mươi năm ở đây, thỉnh thoảng tôi giảng giáo lý chân thực
về Bất sinh cho mọi người, nên kết quả là vùng này (chùa
Long môn- ND) đã sản xuất nhiều người khá hơn những giảng
sư về đạo Phật. Bởi thế, với các bạn cũng vậy, sao
cho công khó của quý vị từ xa xôi đến sẽ được đền
bù bằng cách khi trở về, quý vị đã hoàn toàn chứng ngộ
Pháp, thực chứng cái Bất sinh một cách rốt ráo để đừng
chuyển nó thành những (vọng) tưởng.
Lớn lên
trong mê lầm
Cái mà mọi
người hấp thụ từ nơi cha mẹ chỉ là Tâm Phật bất sinh.
Nhưng vì cha mẹ bạn không nhận ra điều ấy, nên bạn cũng
bị mê lầm, rồi chính bạn lại trưng bày cái mê lầm này
ra khi nuôi dạy con cái bạn. Cả đến vú nuôi và những người
giữ trẻ cũng ưa nổi nóng, mọi người quan hệ đến việc
nuôi dạy trẻ đều trưng ra mọi kiểu hành xử mê muội,
như ngu si, ham muốn ích kỷ, và thói giận dữ của loài tu
la (quỷ chiến đấu). Khi lớn lên, được đoanh vây bởi những
người si mê như vậy, trẻ em thường phát triển một loạt
thói xấu tệ nhất, trở nên rất dễ bị mê muội và biến
thành những người không giác ngộ. Lúc ban sơ khi mới sinh,
quý vị không có si mê. Nhưng vì những lầm lỗi của những
người nuôi dạy bạn, mà một con người vốn ở trong Tâm
Phật lại biến thành chúng sinh kém giác ngộ số một. Đây
là điều mà tôi chắc chắn tất cả quý vị đều biết với
kinh nghiệm bản thân.
Khi bạn mới
sinh, cha mẹ không cho bạn bất cứ mê lầm nào như thói xấu,
dục vọng ích kỷ. Nhưng về sau, khi ra giữa đời bạn mới
lượm lặt đủ thứ si mê dần dần trở thành những thói
hư tật xấu, làm cho bạn không thể không thành ra người
mê muội. Cái mà bạn không lượm nhặt từ bên ngoài, chính
là Tâm Phật bất sinh, và ở đây không hiện hữu một si
mê nào. Vì tâm Phật chiếu sáng một cách kỳ diệu, nên bạn
có thể học hỏi đủ thứ, ngay cả những hành vi lầm lạc.
Nhưng cũng vì nó chiếu sáng kỳ diệu, mà khi nghe điều này,
bạn sẽ quyết định không si mê nữa, từ đây trở đi sẽ
chấm dứt tạo nên mê lầm và sẽ an trú trong Tâm Phật bất
sinh. Cũng hệt như khi trước bạn siêng năng tập tành thói
si mê, làm cho mình trở thành mê muội thế nào, thì bây giờ
bạn cũng sẽ áp dụng chính cái khả năng ấy để lắng nghe
và chấm dứt si mê. Đấy là điều kỳ diệu về Tâm Phật.
Hãy lắng nghe, rồi bạn sẽ thấy sự quý báu của tâm Phật.
Khi đã thấy không gì bằng cái Tâm Phật quý báu này, thì
dù bạn có muốn si mê trở lại cũng không thể được!
Chính vì
không nhận ra sự quý báu của tâm Phật mà bạn sa vào ngã
chấp tạo ra đủ thứ si mê lầm lạc làm hại mình. Tuy thế,
những mê vọng ấy đối với bạn lại quý báu đến nỗi
tất cả các bạn đều muốn mê, dù có phải vong mạng! Thật
điên rồ, phải không? Vì không thể cưỡng lại những thúc
bách thấp kém do dục vọng ích kỷ phát sinh, bạn trở thành
mê si. Tất cả các mê lầm đều từ đấy mà ra cả.
Ai cũng cho
rằng cái lối hành xử mà họ thích là do bẩm sinh đã vậy,
nên không thể nào sửa đổi. Họ không bao giờ nói kỳ thực
họ sa vào thói chấp ngã là do dục vọng ích kỷ, cứ bám
lấy những thói xấu mà họ ưa thích. Trái lại, họ cố làm
ra vẻ thông minh, bảo rằng cái nghiệp bẩm sinh của họ đã
vậy. Cái mình không nhận từ cha mẹ mà lại gán cho cha mẹ,
đó là đứa con đại bất hiếu. Có ai mới sinh ra đã nghiện
rượu, cờ bạc, trộm cướp và có saün những thói hư tật
xấu không? Không ai cả. Nhưng một khi bạn đã nhấm nháp
hơi men, thì sẽ nhanh chóng phát triển thành thói nghiện rượu,
rồi vì ham muốn ích kỷ, bạn không thể dừng uống, cũng
không nhận ra được mình đã mê lầm. Đó chỉ là sự điên
rồ mới bộc phát, bạn không có lý do nào để tuyên bố
nó là bẩm sinh để đổ thừa cho cha mẹ!
Khi nghe điều
này, tôi mong tất cả quý vị từ nay trở đi hãy an trú trong
Tâm Phật Bất sinh, cái tâm mà bạn có từ khi cha mẹ mới
sinh. Như vậy, bạn sẽ không tạo những mê lầm về bất
cứ gì, và khi không còn mê lầm, thì từ đây bạn sẽ mãi
mãi là những vị Phật sống. Không gì rõ ràng trực tiếp
hơn thế nữa. Tất cả quý vị cần phải dứt khoát thực
chứng điều này.
Ba
mươi ngày trong bất sinh
Tất cả
mọi người hãy làm đúng như tôi nói, theo lời tôi chỉ dẫn
quý vị hãy khởi sự trú trong Bất sinh trong ba mươi ngày.
Hãy tập an trú Bất sinh trong 30 ngày, rồi từ đấy về sau,
dù muốn dù không, quý vị cũng sẽ phải trú trong Bất sinh.
Quý vị sẽ thành công an trú Bất sinh! Vì cái Bất sinh chính
là tâm Phật, quý vị sẽ vận hành với cái tâm Phật vào
mọi thời. Như vậy quý vị sẽ là những vị Phật sống
ngay hiện tại, phải thế không? Vậy hãy lắng nghe tôi như
thể là tất cả quý vị mới sinh trở lại ngày hôm nay, bắt
đầu lại mọi sự. Khi đã có một định kiến thì bạn sẽ
không thâu nhận vào những gì mình nghe. Ngay bây giờ quý vị
hãy lắng nghe như thể mình mới sinh ra, thì sẽ như là mới
nghe tôi nói lần đầu. Nếu quý vị trong tâm không saün định
kiến, thì vừa nghe một lời quý vị cũng sẽ hiểu ngay, và
đạt đến thực chứng hoàn toàn về Pháp.
Cứ
hỏi rồi tôi sẽ nói
Một hôm
Sư bảo đại chúng: Tôi chỉ ra đây mỗi ngày để gặp gỡ
tất cả quý vị, tôi không có gì trong tâm đặc biệt muốn
nói với quý vị. Vậy nếu ai có điều gì muốn hỏi, hãy
bước ra. Hãy hỏi bất cứ về cái gì, rồi tôi sẽ nói cho
quý vị. Tôi không có gì đặc biệt muốn nói.
Kappa
Lúc tôi còn
trẻ, có một kẻ cướp tên gọi là Kappa, chuyên cướp giựt
tiền của người đi đường. Anh ta có biệt tài về cướp
bóc. Mỗi khi trông thấy một người nào trên đường, anh
ta có thể biết đúng số tiền người ấy mang theo, không
bao giờ sai một tơ tóc. Đấy quả là một tên cướp ghê
gớm. Tuy thế một hôm anh ta bị tóm, và ở tù dài hạn trong
nhà lao ở Osaka. Nhiều năm trôi qua, và vì anh ta là một tên
trộm tài danh, nên được cái lợi thay vì bị hành quyết,
anh ta được làm người điềm chỉ cho cảnh sát. Một thời
gian sau, anh ta lại còn được phóng thích. Khi được tự do,
anh học nghề tạc tượng Phật, và lại trở thành một nhà
chuyên môn tạc tượng Phật, lập nghiệp ở Osaka. Hoàn toàn
đổi bỏ tâm lý tệ ác ngày trước, anh ta chuyên chú vào
việc tu hành để giải thoát, và vào những ngày cuối đời
anh chuyên thực hành pháp môn niệm Phật.
Vậy, ngay
một tên cướp khét tiếng như Kappa một khi đã sửa đổi
cũng thành người thánh thiện. Ở đây các bạn có thể tìm
thấy một người nào trộm cướp bởi vì cái nghiệp của
họ sâu dày và tội lỗi đã quá nặng? Trộm cướp chính
là nghiệp, trộm cướp chính là tội lỗi. Nếu không có sự
trộm cướp thì cái tội và cái nghiệp trộm cướp không
thể có. Bạn có trộm cướp hay không là tùy thuộc vào trạng
thái tâm của bạn trong hiện tại, chứ không phải vào cái
nghiệp của bạn trong quá khứ. Và điều tôi đang nói đây
không chỉ liên hệ đến việc trộm cướp, mà nói chung tất
cả những si mê lầm lạc đều như thế cả. Bạn có si mê
hay không si mê là tùy thuộc vào trạng thái hiện tại của
tâm bạn. Khi si mê thì bạn là một chúng sinh, khi không si
mê thì bạn là Phật. Không có con đường tắt đặc biệt
nào để thành Phật ngoài con đường này. Có phải vậy không?
Thế thì mọi người hãy thực chứng điều này một cách
rốt ráo.
Đừng
đánh thầy tu ngủ gục
Vào ngày
đầu tiên của lễ rohatsu (CT. tuần lễ tọa thiền tại các
thiền viện Nhật bản để kỷ niệm ngày Phật thành đạo,
kéo dài từ mồng một đến khuya mồng tám tháng chạp âm
lịch. ND) Sư bảo đại chúng: Tại thiền viện chúng tôi,
đời sống bình thường mỗi ngày đã là thiền, không như
các nơi khác phải công bố Từ hôm nay trở đi, hãy thiền
định! rồi mọi người mới lăn xả vào chẳm bẳm hành thiền.
Rồi Sư tiếp:
Một lần, khi tôi ở trong hội chúng của Dosha (CT. tức thiền
sư Trung hoa Tao-che đời Minh, mà Bankei theo học - ND) có một
thiền sinh ngủ gục trong thời thiền bị một thiền sinh khác
đánh, nhưng tôi bảo vị này: "Tại sao ông đánh một người
đang ngủ êm? Khi ngủ, anh ta có khác gì khi thức?"
Tôi không
khuyến khích người ta ngủ, nhưng đánh người ngủ thì thực
là sai lầm. Bây giờ tại đây, tôi không cho phép làm như
vậy. Mặc dù không khuyến khích họ ngủ, tôi cũng không đánh
hay la rầy họ vì ngủ gục. Tôi không khiển trách hay ca ngợi
ngủ, mà cũng không khiển trách hay ca ngợi không ngủ. Hãy
để tự nhiên cho người ta ngủ hay thức. Khi một người
ngủ, là ngủ với cái tâm Phật của lúc tỉnh thức; khi thức,
cũng là thức với tâm Phật. Họ vẫn luôn an trú trong tâm
Phật, không lúc nào an trú chỗ nào khác. Vậy thực là lầm
khi tưởng rằng một người nào lúc ngủ, sẽ biến thành
cái gì khác. Nếu bạn tưởng người ta chỉ ở trong tâm Phật
lúc thức, còn khi ngủ sẽ biến thành cái gì khác, thì đấy
không phải là chân lý tuyệt đối, mà là một sự biến hóa
vô cùng.
Tất cả
quý vị đều đang nỗ lực để thành Phật quả, bởi thế
nếu có ai ngủ gục thì đánh hay mắng người ta quả là việc
sai lầm. Điều mà tất cả quý vị có từ lúc cha mẹ sinh
chỉ là tâm Phật bất sinh, không gì khác, vậy thay vì nỗ
lực thành Phật, hãy luôn an trú trong tâm Phật bất sinh. Khi
ấy thì dù thức hay ngủ, quý vị vẫn luôn luôn là một vị
Phật sống, không lúc nào không là Phật. Đã luôn luôn là
Phật, thì không có quả Phật gì đặc biệt để mà chứng
đắc. Thay vì cố thành Phật, đơn giản hơn hết là đi tắt
bằng cách vẫn là Phật.
Biết
tâm người khác
Có người
hỏi: Ai cũng nói ngài có tha tâm thông, có phải thế không?
Sư đáp:
Trong trường phái của tôi, không có những chuyện phi thường.
Và dù nếu có, chúng tôi cũng không sử dụng, vì tâm Phật
vốn bất sinh. Khi nói với bạn, thì tôi làm việc với chính
bản ngã của bạn, nên bạn tưởng là tôi có tha tâm thông.
Nhưng tôi không có thần thông như thế. Tôi cũng giống như
bạn mà thôi. Khi bạn trú trong Bất sinh, là bạn ở tận ngọn
nguồn của tất cả thần thông diệu dụng của chư Phật,
không cần tìm kiếm thần thông mà có thể xử lý mọi chuyện
một cách êm thấm dễ dàng. Trong chính giáo về Bất sinh,
bạn có thể dàn xếp mọi sự bằng cách làm việc với chính
bản ngã bạn, không cần đưa vào những vấn đề ngoại lai.
Tiến
và thối
Có người
hỏi: Tôi đã nỗ lực hết sức để tiến đừng lùi, nhưng
dù làm gì đi nữa, khuynh hướng thụt lùi vẫn mạnh hơn,
và có những lúc tôi lùi thực sự. Và càng cố tiến tới,
thì tôi chỉ có thấy mình lại thụt lùi. Làm sao cho tôi khỏi
thụt lùi ?
Sư nói: Hãy
an trú trong Tâm Bất sinh! Khi an trú, bạn không cần bận tâm
về tiến hay thoái. Quả vậy, khi bạn an trú Bất sinh, thì
nỗ lực tiến tới là lập tức lùi khỏi vị trí Bất sinh.
Người của Bất sinh không can dự gì đến tiến hay lùi, mà
vượt trên cả hai.
Giấy
lộn
Một vị
tăng nói: "Từ lâu tôi tham công án "Hyakujò và con chồn hoang
(CT. Một mẩu chuyện trong Vô môn quan thế kỷ 13, về một
vị tăng khi được hỏi bậc giác ngộ có rơi vào luật nhân
quả hay không, đã trả lời là không, và chính vì trả lời
vậy mà ông ta bị đọa làm chồn trong 500 kiếp. Vị tăng
này cuối cùng được tổ Bách trượng Hoài hải cứu vớt,
bằng cách sửa lại câu trả lời như sau: bậc giác ngộ không
mê mờ luật nhân quả. Ở Viễn đông, con chồn là con vật
nổi tiếng về tài vờ vĩnh, và từ ngữ "thiền chồn hoang"
là để ám chỉ những người giả vờ làm như mình đã thực
chứng- ND.) Mặc dù đã nỗ lực nhiều, tôi vẫn chưa giải
quyết được công án ấy. Tôi chắc là do tôi đã không tu
tập đúng mức. Xin ngài chỉ giáo cho."
Sư nói: Tại
đây chúng tôi không tham khảo những thứ giấy lộn ấy. Vì
bạn chưa từng nhận ra cái bất sinh đang chiếu sáng kỳ diệu
chính là Tâm Phật, hãy để tôi nói cho nghe, rồi mọi sự
sẽ thành ra sáng sủa. Vậy, hãy lắng nghe những gì tôi nói.
Khi ấy Sư
trình bày giáo lý của ngài về Bất sinh như thường lệ.
Sau khi chăm chú nghe, vị tăng thâm nhập chân lý, và về sau
đã trở thành một bậc thầy xuất sắc.
Khi ấy một
vị tăng ngồi kế bên đã hỏi: Vậy thì những công án của
các bậc thầy ngày xưa là vô dụng, không cần thiết hay sao?
Sư trả lời:
Những cách trả lời của các bậc thầy ngày xưa nhắm giải
nghi cho từng người hỏi khi trực tiếp vấn đáp, tự bản
thân chúng không có lợi ích gì đặc biệt. Tôi không cách
gì nói được là chúng cần thiết hay không cần, ích lợi
hay vô ích. Người ta chỉ cần duy nhất an trú trong Bất sinh,
không có cách nào khác để tránh né. Hãy an trú Bất sinh!
Trong trường hợp của bạn, thì chính vì tránh né đối diện
trực tiếp với vấn đề nên bạn đã bị lầm. Hãy buông
bỏ sự tránh né, vì cái bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu
ấy là tâm Phật không gì khác, hãy an trú trong đó.
Ngã
chấp
Một ngày,
Sư bảo đại chúng: Tất cả si mê lầm lạc không chừa thứ
nào, đều được tạo ra do hậu quả của sự tập trung vào
bản ngã. Khi thoát khỏi ngã chấp thì si mê không sinh. Ví
dụ, giả sử bà con lối xóm đang cãi nhau. Nếu sự việc
không liên hệ gì tới bạn, bạn sẽ bình tĩnh nghe lời qua
tiếng lại, không nổi giận. Chẳng những thế, bạn còn có
thể sáng suốt nhận định phải quấy, biết rõ ai đúng ai
sai. Nhưng nếu việc cãi nhau có liên can đến mình, bạn sẽ
thấy mình vướng vào một trong hai phe tranh chấp, chấp chặt
những gì phe kia làm hoặc nói. Khi ấy bạn làm mờ đi cái
diệu dụng chiếu sáng của tâm Phật nơi bạn. Trước kia,
bạn có thể phân biệt phải quấy, nhưng bây giờ, bị ngã
chấp dẫn đạo, bạn nhất định cho cái gì mình nói đúng
là đúng, bất kể nó có đúng thật hay không. Khi giận dữ,
bạn chuyển cái tâm Phật của mình thành ra tâm của loài
tu la (quỷ chiến đấu), và thế là mọi người hăng tiết
lao vào trận cãi vã cay chua.
Vì tâm Phật
chiếu sáng kỳ diệu, nên mọi sự gì bạn đã làm đều tự
nhiên để lại những cái bóng phản chiếu trong tâm. Chỉ
khi nào bạn bám víu vào những cái bóng ấy, bạn mới phát
sinh vọng tưởng. Những ý tưởng không thực sự có saün
nơi những ảnh tượng được phản chiếu ấy, rồi sau khởi
lên. Chúng ta lưu giữ những gì đã thấy và nghe trong quá
khứ, và khi chúng hiện lên, thì đó là những ảnh tượng
được phản chiếu. Lúc đầu, tư tưởng không có thực chất;
nếu chúng được phản chiếu và khởi lên thì cứ để mặc
chúng phản chiếu và khởi lên; nếu chúng chấm dứt thì cứ
để mặc chúng chấm dứt. Nếu bạn không bám víu vào những
cái bóng phản chiếu ấy thì vọng tưởng không sinh. Khi bạn
không bám víu vào những ảnh tượng trong tâm, thì bạn không
bị mê hoặc. Khi ấy, dù có bao nhiêu ảnh tượng được phản
chiếu cũng như không. Dẫu trăm ngàn ý tưởng vọt lên cũng
như chúng chưa từng sinh khởi. Điều đó sẽ không thành vấn
đề đối với bạn - bạn không có ý tưởng nào cần phải
dẹp bỏ hay cắt đứt. Hãy hiểu rõ điều này.
Quán
thế âm
Tượng Phật
chính được thờ ở Long môn tự là một pho tượng Quan âm
do chính Sư tạc nên. Khi Sư đang giảng Pháp, có một vị tăng
từ Òshu đến đã biết mà đứng dựa cột hỏi:
- Tượng
này là Phật cũ hay Phật mới ?
- Sư trả
lời: Ông thấy pho tượng thế nào?
- Tôi thấy
như là một vị Phật mới.
- Sư bảo:
Nếu ông xem như Phật mới, thì đó là Phật mới, chỉ có
vậy. Thế thì có vấn đề gì? Bởi vì ông chưa hiểu thấu
cái Bất sinh là Tâm Phật, nên mới đến đây hỏi câu vô
dụng như vậy, mà tưởng là thiền ngữ. Thay vì đặt câu
hỏi vớ vẩn quấy rầy mọi người, ông hãy im đi, ngồi
vào chỗ, và lắng nghe kỹ những gì tôi nói.
Tránh
né vấn đề
Một cư sĩ
từ Izumo đến thỉnh vấn: Đối với một người đã giác
ngộ như ngài, có phải là Ba cõi thuộc quá khứ, hiện tại,
vị lai hiện rõ như trong lòng tay?
Sư trả lời:
Có phải là bạn hỏi tôi, khi một người đã giác ngộ như
tôi, thì Ba cõi hiện ra như được nhìn thấy trong lòng bàn
tay, đúng không?
Cư sĩ đáp:
Vâng, đúng thế.
Sư bảo:
Câu hỏi ấy bạn đã suy nghĩ, hay mới đột nhiên nảy sinh
để hỏi ?
- Không hẳn
là tôi mới hình thành câu hỏi đó ngay tức thì, mà tôi nghiền
ngẫm nó đã lâu rồi mới đây nghĩ lại, tôi đem ra hỏi
ngài.
Sư bảo ông
ta: Trong trường hợp đó, anh bạn không cần phải bận tâm
hỏi chuyện của tôi. Còn việc bạn muốn thấy Ba cõi thì
có thể đợi đó. Trước hết, hãy xem xét tường tận cái
ngã của chính bạn - điều thực sự quan yếu ngay bây giờ
và ở đây. Khi mà bạn chưa thấu rõ tự ngã của mình, thì
dù tôi có bảo cho bạn biết vạn pháp đối với tôi ra sao,
bạn cũng sẽ không nhận ra, không thấy được và do đó bạn
sẽ không tin. Dù có tin, bạn cũng không thể xác chứng những
lời tôi nói. Vì bản thân bạn chưa thấy được Ba cõi, tôi
nói cũng không ích gì cho bạn. Khi đã hoàn toàn cứu xét tự
ngã của mình, bạn sẽ tự biết cả cái thấy được lẫn
cái không thấy được (hữu hình vô hình). Tôi không cần
phải nói với bạn, bạn cũng không cần phải hỏi tôi. Làm
như vậy chỉ là đánh trống lấp, tránh né vấn đề. Việc
ấy hoàn toàn không dính gì đến bạn, chẳng khác nào đếm
tiền cho người ta mà bản thân mình không có lấy nửa xu
teng. Trước hết hãy lắng nghe kỹ lời tôi nói, và khi đã
thực sự nhận thức được nó, thì hôm nay mọi sự đối
với bạn sẽ được xong xả một lần dứt khoát. Vậy hãy
chú ý lắng nghe, và theo lời tôi chỉ giáo. Khi bạn đã nhận
ra được và thực chứng một cách rốt ráo lời tôi nói,
bạn sẽ thành một vị Phật sống ngay tại đây và bây giờ.
Còn về câu hỏi có thể thấy Ba cõi hay không, bạn không
cần phải bôn ba khắp nơi đi hỏi người này người khác.
Hãy đơn giản nhận ra lỗi lầm của bạn, rồi bạn sẽ chấm
dứt làm chuyện lạc đề ấy, và lắng nghe tôi.
Khi ấy Sư
trình bày giáo lý về Bất sinh như thường lệ. Khi người
cư sĩ nghe xong, liền saün sàng xác nhận lời Sư dạy, và
tuyên bố: "Thực cảm ơn Sư xiết bao" rồi lui ra.
Tự
lực tha lực
Giáo lý của
tôi không dính gì đến tự lực hay tha lực. Cái gì vượt
ngoài tự lực và tha lực, ấy là điều tôi giảng dạy. Tôi
xin chứng minh việc này cho quý vị: Trong khi mọi người quay
cả về phía này mà nghe tôi nói, ngoài kia có chim sẻ chíp
chíp, chim quạ quác quác, tiếng đàn ông đàn bà, tiếng gió
thổi...Dù không cố tình nghe những tiếng ấy, mà khi mỗi
tiếng đến tai, quý vị đều nhận ra và phân biệt rõ ràng.
Cái việc nghe ấy không phải là do bạn làm, nên không phải
chuyện tự lực. Mặt khác, vì không phải ai khác nghe giùm
cho bạn, nên cũng không thể nói là tha lực được. Thế thì,
cái gì vượt ngoài tự lực và tha lực, không dính dấp đến
cả hai chuyện ấy, giáo lý của tôi nói về cái đó. Có phải
thế không nào? Khi quý vị nghe với cái Bất sinh như vậy,
quý vị vượt ra ngoài bất cứ gì. Và tất cả hoạt động
khác của quý vị cũng đều hoàn tất nhờ cái Bất sinh như
thế. Với bất cứ người nào để cho Bất sinh vận hành
như vậy, thì mọi sự đều tự giải quyết một cách toàn
hảo. Bởi thế, con người của Bất sinh không can dự đến
tự lực hay tha lực, mà vượt trên cả hai.
Mộng
mị
Một vị
tăng hỏi: Khi ngủ say tôi thường chiêm bao. Tại sao chúng
ta nằm mộng? Tôi muốn biết tôn ý của ngài về vấn đề
này.
Sư nói: Khi
một người ngủ say thì không mộng mị. Khi bạn nằm mộng,
là bạn không ngủ say.