Mục Lục.
Quyển Thượng.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.

 
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
150.  Bọn ăn hèm.
Hoàng Bá nói với tăng chúng rằng :
- Tất cả bọn ngươi chỉ là đồ ăn bã rượu, hành cước thế ấy, bao giờ mới xong? Các ngươi có biết trong đại đường quốc không có thiền sư không?
Có một ông tăng bước ra thưa :
- Chỉ biết ở khắp nơi đều có người lãnh chúng vậy là sao?
Hoàng Bá đáp:
- Không nói không thiền mà chỉ không thầy.
 (Bích Nham Lục) 
Người học thiền nếu cứ chấp vào thầy thì chẳng khác gì nhai lại những gì mà thầy đã nhai, phải có quyết tâm "không Phật, không thầy, chỉ cần chân lý" thì mới có thể ngộ, tự mình thưởng thức chính phẩm chứ không phải nhai bã.
 (Viên Thông)

151.  Đối nhất thuyết.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Thế nào là một đời thuyết pháp?
- Đối nhất thuyết.
 (Bích Nham Lục)
Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là cách giảng pháp của đức Phật như thế nào?
Cứ như truyền thuyết thì cả đời đức Phật giảng dậy 8 vạn, 4 ngàn pháp môn ghi chép trong 1420 bộ kinh; tuy nói nhiều như vậy nhưng không ngoài mục tiêu chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát.
Câu đáp của Vân Môn có nghĩa là đối diện thuyết pháp hay tùy bệnh mà cho thuốc. 
 (Viên Thông)

152.  Con rắn mũi rùa.
Tuyết Phong nói với chúng đệ tử:
- Nam Sơn có một con rắn mũi rùa, các ngươi phải nhìn cho kỹ.
Trường Khánh (859-932) nói:
- Hôm nay trong nhà có người chôn thân, mất mạng.
Có ông tăng nghe rồi hỏi đồng môn Huyền Sa (835-908) :
- Ý của Tuyết Phong là sao?
Huyền Sa nói:
  - Chỉ có Lăng huynh (chỉ Trường Khánh) mới trả lời thế được, 
  còn ta thì khác.
Ông tăng lại hỏi:
- Còn hoà thượng thì thế nào?
Huyền Sa đáp :
- Dùng Nam Sơn làm gì?
Vân Môn ném cây gậy xuống trước mặt Tuyết Phong làm ra vẻ sợ hãi. 
(Bích Nham Lục)
Tuyết Phong trú ở Nam Sơn, nơi đó có truyền thuyết có một con rắn mũi rùa có thể ăn người. Tuyết Phong dùng tích này ám chỉ phải cố gắng tu hành. Trường Khánh hiểu ý này nên câu nói của ông có nghĩa là: đệ tử đang cố gắng tu tập. Một ông tăng nghe đối thoại này chẳng hiểu bèn đi hỏi Huyền Sa. Câu đáp của Huyền Sa có nghĩa là ngươi cứ bỏ mặc họ muốn nói gì thì nói. Cử chỉ của Vân Môn có ý rằng dùng lời vô ích, phải tự mình quán sát mới được. 
 (Viên Thông)

153.  Diệu Phong Đỉnh của  Bảo Phúc.
Bảo Phúc và Trường Khánh đi tản bộ trong núi, bỗng giơ tay chỉ mặt đất nói:
- Nơi đây chính là Diệu Phong Đỉnh.
Trường Khánh nói:
- Phải thì phải, nhưng thật đáng tiếc.
Sau có ông tăng thuật lại cho Cảnh Thanh nghe.
 Cảnh Thanh nói:
- Nếu chẳng phải là Trường Khánh, liền thấy đầu lâu đầy đất. 
 (Bích Nham Lục)
Bảo Phúc nói Diệu Phong Đỉnh là chỉ sự lãnh ngộ; sự lãnh ngộ không phải tìm ở nơi xa xôi nào. Câu nói của Trường Khánh có nghĩa là "Đúng vậy! nhưng nếu ngươi định nghĩa sự lãnh ngộ có phải là đã bị trói buộc rồi không?" 
Câu của Cảnh Thanh có nghĩa là nếu cứ tin vào lời Trường Khánh thì cứ ở mãi mức độ đó không tiến lên được.
(Viên Thông)

154.  Thân bầy gió vàng.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Khi cây rụng lá thì thế nào?
- Thân bầy gió vàng.
 (Bích Nham Lục)
Lá chỉ phiền não, khi lá rụng hết chỉ đã trừ hết phiền não, là người khai ngộ. 
Gió vàng là gió mùa thu, ở đây ám chỉ đã vào được cảnh giới vô tâm. 
 (Viên Thông)

155.  Thuốc,  bệnh trị nhau.
Vân Môn nói với chúng đệ tử rằng:
- Thuốc, bệnh trị nhau, tất cả đại địa đều là thuốc, cái nào là chính mình? 
(Bích Nham Lục)
Khi có bệnh thì dùng thuốc để trị, khi bệnh khỏi rồi thì không cần dùng thuốc nữa. Lúc đó đối với người vừa khỏi bệnh, thuốc không còn là thuốc nữa. Do đó ta thấy thuốc, bệnh cùng tồn tại và cùng hoại diệt. Trong Thiền học, bệnh chỉ mê; thuốc chỉ ngộ. Vì mê nên mới có ngộ, nếu như không có mê thì đâu có ngộ.
Cả đại địa đều là thuốc là chỉ không còn mê, toàn là ngộ, toàn là không làm gì còn tự ngã. 
(Viên Thông)

156.  Thùng cơm của Kim Ngưu.
Hòa thượng Kim Ngưu mỗi khi đến giờ ăn đều ôm thùng cơm đến trước tăng đường vừa múa vừa cười lớn ha hả, nói rằng:
- Con bồ tát, lại ăn cơm!
(Về sau Tuyết Đậu bình rằng tuy là vậy, nhưng Kim Ngưu chẳng phải là có lòng tốt gì.)
Một ông tăng hỏi Trường Khánh:
- Người xưa nói "Con bồ tát, lại ăn cơm", ý chỉ là gì?
Trường Khánh đáp:
- Có gì đâu, giống như tụng kinh trước khi thọ trai vậy.
 (Bích Nham Lục)
Những người cho hành động của Kim Ngưu có thâm ý ảo diệu là bị cử động quái lạ của ông trói buộc. Thực ra, ông chỉ tùy ý hành động, không có mục đích gì đặc biệt.
(Viên Thông)

157.  Nông nô.
Một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Đạt đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa, không chọn lựa thì thế nào?
- Trên trời, dưới trời, chỉ có ta là hơn cả?
- Vậy là còn chọn lựa.
- Tên nông nô này, chọn lựa ở chỗ nào?
 (Bích Nham Lục)
Chọn lựa là bị trói buộc, chân chính không chọn lựa là chọn lựa nhưng không bị trói buộc. Đó chính là cảnh giới vô tâm trong Thiền học
 (Viên Thông)

158.  Vân Môn dang hai tay. 
Vân Môn hỏi một ông tăng mới đến:
- Vừa rời chỗ nào?
- Tây Thiền ở Tô Châu.
- Tây Thiền gần đây có lời nói nào?
Ông tăng dang hai tay ra. Vân Môn thấy vậy bèn tát ông một cái.
- Thoại đầu của con còn mà.
Lúc đó Vân Môn lại dang hai tay ra. Ông tăng im. Vân Môn lại tát ông một cái nữa.
 (Bích Nham Lục)
Ông tăng dang hai tay ra chỉ Tây Thiền giảng dậy vô tâm không thể dùng lời mà tỏ ra được. Vân Môn tát ông một cái, nhận rằng ông có khả năng có thể dậy dỗ được, đồng thời muốn xem ông phản ứng ra sao. Đáng tiếc trình độ ông tăng chỉ đến thế, tưởng dùng lời nói để biện bạch. 
Vân Môn lại dang hai tay ra ý nói  "Sư phụ ngươi dậy Không Vô Nhất vật, ta cũng không vô nhất vật, ngươi biện bạch ra sao?
 (Viên Thông)

159.  Tuyết Phong là gì?
Có hai ông tăng đến Tuyết Phong cầu học. Hòa thượng thấy hai ông tăng đến gần am, bèn mở cửa chạy ra khỏi am nói:
- Là cái gì?
Hai ông tăng cùng đáp:
- Là cái gì?
Tuyết Phong cúi đầu trở về am. Sau hai ông tăng đến Nham Đầu (828-887). 
Nham Đầu hỏi:
- Từ đâu đến?
- Từ Lãnh Nam.
- Có đến Tuyết Phong không?
- Có.
- Tuyết Phong có câu gì không?
Hai ông tăng kể lại.
- Ta tiếc lúc trước không nói cho hắn câu nói sau cùng, nếu có thì thiên hạ đâu làm gì được lão Tuyết!
Đến cuối hạ hai ông tăng lại hỏi Nham Đầu:
- Thế nào là câu nói sau cùng?
- Sao không hỏi sớm?
Hai ông tăng thưa:
- Chưa dám.
- Tuyết Phong tuy cùng ta cùng điều sanh nhưng chẳng cùng ta đồng điều tử, muốn biết câu nói sau cùng chỉ là vậy.
 (Bích Nham Lục)
Tuyết Phong chạy ra khỏi am hỏi 2 ông tăng là để xem 2 ông tăng phản ứng ra sao khi không phòng bị. 2 ông tăng lập lại câu hỏi chẳng khác gì con vẹt.
Câu nói sau cùng là câu nói trước khi mất. Trong Thiền học đó là lúc đã nghiên cứu đến tận gốc rễ vấn đề, mà nói ra. Tuyết Phong và Nham Đầu là bạn học nên nói "cùng điều sanh", nhưng lại nói chẳng "cùng điều tử" hàm ý sự lãnh ngộ và biểu hiện khác nhau.
 (Viên Thông)

160.  Bánh Hồ.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Thế nào là siêu Phật , vượt tổ?
- Bánh Hồ.
 (Bích Nham Lục)
Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là có pháp nào trên pháp Phật không? Câu đáp của Vân Môn có nghĩa là nếu ngươi có thời giờ nhàn rỗi để hỏi chuyện không thể có thì tốt hơn là ngươi đi làm bánh hồ, ăn cho no rồi có thể đạp chân trên đất mà tu hành. 
 (Viên Thông)

161.  Trẻ sơ sinh.
Có một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Trẻ sơ sinh có đủ lục thức chăng?
Triệu Châu đáp:
- Đánh cầu trên nước chẩy nhanh.
Về sau ông tăng đi hỏi Đầu Tử:
- Đánh cầu trên nước chẩy nhanh là ý gì?
Đầu Tử đáp:
- Niệm niệm chẳng dừng.
   (Bích Nham Lục)
Trẻ mới sanh gọi là Tân sanh nhi, cho đến một tuổi gọi là nhũ nhi, đến 6 tuổi gọi là ấu nhi. Cầu là chỉ tâm, nước chẩy nhanh chỉ 6 thức, trẻ con tuy đủ lục thức nhưng không bị 6 thức trói buộc như đối với người lớn. Vì vậy cổ nhân thường ví tâm trẻ con là tâm Phật. Câu đáp của Triệu Châu là "không bị 6 thức trói buộc.” 
 (Viên Thông)

162.  Kiếp hỏa.
Có ông tăng hỏi Đại Tùy (   - 919):
- Kiếp hỏa cháy rực. Cả đại thiên thế giới đều bị hủy hoại, không biết cái này có bị hủy hoại không?
- Hoại.
- Vậy theo nó đi?
- Theo nó đi. 
 (Bích Nham Lục)
Ông tăng nghĩ người tu khi lãnh ngộ hợp với vũ trụ thành một thể, nhưng khi vũ trụ bị kiếp hỏa hủy diệt thì Phật pháp ra sao? Có bị hủy diệt không? Ông tăng vì thiếu lòng tin nên bị nghi vấn này trói buộc. Câu trả lời của Đại Tùy là để phá chấp này cho ông.
         (Viên Thông)

163.  Còn Pháp nào chưa nói không?
Nam Tuyền (748-834) đại ngộ rồi đến bái phỏng Bách Trượng. 
Bách Trượng hỏi:
- Từ trước chư thánh còn có pháp nào chưa nói không?
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
- Đã nói rồi mà! 
- Đệ chỉ biết vậy, còn sư huynh thì sao?
- Ta chẳng phải đại thiện tri thức đâu biết đã nói, chưa nói.
Nam Tuyền thưa:
- Đệ không hiểu.
- Ta đã vì ngươi nói rồi!
(Bích Nham Lục)
Lúc trước Mã Tổ nói “tức tâm, tức Phật.” Tâm đã là Phật rồi, còn đi tìm Phật ở đâu nữa. Nhưng nói vậy có vẻ tự cao, tự đại nên lại nói "phi tâm, phi Phật, phi vật.”
Câu Bách Trượng nói "Ta chẳng phải thiện tri thức đâu biết đã nói, chưa nói" là chấp nhận câu trả lời của Nam Tuyền.
Nam Tuyền nói "Đệ chẳng hiểu" là cố tình truy vấn. 
Câu đáp của Bách Trượng "Ta đã vì ngươi nói rồi!" là chỉ ta đã mượn mồm ông mà biện giải rồi còn gì! 
 (Viên Thông)

164.  Ba chuyển ngữ của Triệu Châu.
Triệu Châu nói với chúng đệ tử:
- Phật bùn không độ nước, Phật vàng không độ lò, Phật gỗ không độ lửa, Phật thật ngồi trong nhà.
 (Bích Nham Lục)
Đừng tìm kiếm Phật ở bên ngoài, Phật thật chính ở trong tâm chúng ta. 
 (Viên Thông)

165.  Hươu trong hươu.
Có ông tăng hỏi Dược Sơn:
- Ruộng bằng, cỏ ít, hươu tụ thành bầy, làm sao bắn hươu 
trong hươu?
- Xem tên!
Ông tăng bèn ngã ngay xuống đất.
- Thị giả! Lôi gã chết rồi này ra!
Ông tăng nhỏm dậy, đi ra. 
Dược Sơn nói:
- Những kẻ vầy đất, nào có hạn.
(Bích Nham Lục)
Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là làm sao nhận ra người đệ tử xuất sắc nhất của Dược Sơn? Khi Dược Sơn nói "Xem tên", ông tăng bèn ngã xuống đất là nhận rằng mình là người đó. Để sửa tánh tự cao, tự đại của ông tăng, Dược Sư mới nói "Lôi gã chết rồi này đi.” Ông tăng nhỏm dậy bỏ đi, tỏ rằng mình vẫn sống nhăn. 
 (Viên Thông)

166.  Ngũ Lão Phong.
Ngưỡng Sơn (807-8833) hỏi ông tăng mới đến:
- Vừa rời chốn nào?
- Lư Sơn.
- Có đi chơi Ngũ lão phong không?
- Không.
- Xà lê không biết đi chơi núi.
 (Bích Nham Lục)
Lư Sơn có Ngũ Lão phong là một ngọn núi có hình giống 5 ông già. Ngưỡng Sơn dùng Ngũ Lão Phong để chỉ:
5 cảm, 5 dục, 5 cảnh, 5 quan, 5 uẩn
5 cảm : tham, sân, si, trí, mạn, nghi.
5 dục : tài, sắc, thực, danh, miên
5 cảnh : sắc, thanh, hương, vị, xúc.
5 quan :  nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân.
5 uẩn :  sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Ngưỡng Sơn hỏi ông tăng có đi chơi Ngũ Lão phong là muốn xem trình độ tu tập của ông ở Lư Sơn như thế nào. Ông tăng không hiểu tưởng là câu hỏi thông thường nên mới đáp là không. 
Ngưỡng Sơn nói "Xà lê không biết đi chơi núi." là chỉ ông tăng tu tập còn chưa đủ. 
(Viên Thông)

167.  Một cành hoa.
Đại Phu Lục Hoàn trong lúc nói chuyện với Nam Tuyền  thưa rằng:
- Triệu pháp sư (374-414) có nói ta cùng gốc với trời đất, cùng thể với vạn vật, thật là kỳ quái!
Nam Tuyền chỉ hoa trước sân nói:
- Người nay thấy cành hoa này giống như trong mộng.
 (Bích Nham Lục)
Câu nói của Nam Tuyền có nghĩa là; nếu lấy tâm "hữu ngã" mà xem hoa thì còn ở trong thế giới nhị nguyên đối đãi. Nếu lấy tâm "vô ngã" mà xem hoa thì giữa hoa và người không có giới hạn, hợp thành một thể của thế giới vô ngã.

168.  Vòng tròn của Tư Phúc.
Thượng thư Trần Tháo, một hôm đến viện Tư Phúc bái phỏng Trí Viễn. Trí Viễn thấy Trần Tháo đến bèn vẽ một vòng tròn trong không trung. Trần Tháo nói:
- Đệ tử đã từng đến đây, sớm đã không chấp không tướng, còn vẽ vòng làm gì?
Thiền sư nghe rồi, bền bỏ về phòng, đóng cửa lại.
 (Bích Nham Lục)
Vẽ vòng tròn là bắt đầu từ Đam Nguyên. Vòng tròn bao hàm trời, đất, vũ trụ, sum la địa võng, tâm cảnh, ngộ cảnh, Phật.
Tư Phúc biết Trần Tháo thâm cứu Thiền học, nên vẽ vòng tròn để xem Trần Tháo giải thích thế nào, tiếc thay sự hiểu biết của Trần Tháo về vòng tròn hãy còn hạn chế, vì vậy nếu có vấn đáp cũng chỉ làm phí thời giờ, vì vậy Tư Phúc mới bỏ về phòng.
 (Viên Thông)

169.  Ma Cốc hai lần dộng tích trượng.
Ma Cốc tay cầm tích trượng đến bái phỏng Chương Kính hòa thượng. Gập lúc Chương Kính đương ngồi thiền. Ma Cốc đi vòng quanh thiền sàng 3 vòng, dộng tích trượng xuống, đứng ngay trước mặt Chương Kính.
Chuơng Kính nói: 
- Phải! Phải!
Sau đó Ma Cốc lại đến Nam Tuyền, lại đi quanh thiền sàng 3 vòng, dộng tích trượng đứng trước mặt Nam Tuyền.
Nam Tuyền nói:
- Không phải! Không phải!
Ma Cốc liền hỏi:
- Chương Kính nói phải, sao hòa thượng lại nói không phải?
Nam Tuyền nói:
- Chương Kính phải, còn ngươi không phải, đây là bị sức gió chuyển, sau bị bại hoại.
 (Bích Nham Lục)
Đi vòng 3 vòng là tỏ ý kính trọng. Tích trượng tượng trưng sự khai ngộ. Ma Cốc đã ngộ, đến thăm Chương Kính lấy hành động để biểu thị tâm cảnh. Hòa thượng nhìn biết ngay là ông đã ngộ nên nói phải. 
Ma Cốc lại đến thăm sư huynh là Nam Tuyền để tỏ cho biết mình đã ngộ. Nam Tuyền nói không phải để thử Ma Cốc. Đối với người đã khai ngộ thì phải và không phải có khác biệt gì? Ma Cốc còn bị "không phải" làm cho thắc mắc là chưa hoàn toàn thoát tục. Ma Cốc được Nam Tuyền chỉ điểm, linh cơ liền chuyển khiến cho ngộ cảnh càng thâm sâu.
 (Viên Thông) 

170.  Thiết Ngưu cỏ của Phong Huyệt.
Có một lần, hòa thượng Phong Huyệt (896-973) được mời đến Nha Môn, Vĩnh Châu giảng pháp. 
Hòa thượng thượng đường nói:
- Tâm ấn của tổ sư giống như máy trâu sắt. Dời đi thì ấn hiện, ở yên thì ấn không hiện, chẳng dời, chẳng yên, ấn phải hay chẳng ấn phải.
Lúc ấy có Trưởng lão Lô Pha nói:
- Tôi có máy trâu sắt, thỉnh thầy đừng ấn.
Phong Huyệt nói:
- Ta quen bắt cá kình ở biển lớn, nay lại gập ếch nhỏ nhẩy trong cát bùn.
Trưởng lão muốn phản kích nhưng lúc đó không nghĩ ra được câu trả lời thích hợp. Hòa thượng hét:
- Trưởng lão sao không nói?
Trưởng lão mở miệng định nói, Phong Huyệt bèn dùng gậy đánh và hỏi:
- Còn nhớ thoại đầu không?
Trưởng lão định mở miệng, hòa thượng lại đánh. 
Lúc đó Châu mục bèn nói:
- Phật pháp và vương pháp cùng loại.
Phong Huyệt hỏi:
- Ngươi thấy đạo lý gì?
- Đương đoạn chẳng đoạn, trở lại chuốc loạn.
Phong Huyệt nghe rồi bèn xuống tòa giảng. 
(Bích Nham Lục)
Tâm ấn là sư phụ truyền pháp cho đệ tử.
Máy trâu sắt để ngăn dòng nước chẩy, còn tự nó chẳng có công dụng gì, giống như Phật pháp chẳng thể tự ngộ mà chỉ giúp cho thiền sinh ngộ, vì vậy giống như tâm ấn.
Dời đi thì ấn hiện: không chấp tâm ấn, thì mới có thể lãnh ngộ.
Ở yên thì ấn không hiện: ngược lại, lãnh ngộ rồi thì không bị tâm ấn trói buộc.
Phong Huyệt muốn phá chấp "tâm ấn" của trưởng lão, nhưng tiếc thay vị này không có tuệ căn. Câu nói của Châu mục có ý là mê chính là khởi thủy của ngộ, do đó cứ mặc ông ta mê, đến khi cơ duyên đã chín mùi thì sẽ lãnh ngộ, đó chính là biểu minh công năng của tâm ấn. Hòa thượng thấu rõ thiền cơ của Châu Mục  nên cắt đứt vấn đáp mà xuống tòa giảng.
 (Viên Thông)

171.  Đảo nhất thuyết.
Có ông tăng hỏi Vân Môn:
- Chẳng phải cơ trước mắt, cũng chẳng phải sự trước mắt, lúc đó thì sao?
- Đảo nhất thuyết.
 (Bích Nham Lục)
Đảo nhất thuyết: nói ngược lại.
Nếu cứ chấp vào thường thức, hoặc vào lời giải của cổ nhân, thiếu sự suy tư của chính mình thì không thể giải quyết được vấn đề. Chỉ có một cách duy nhất là phủ định tất cả, đó là ý nghĩa của "Đảo nhất thuyết.”
 (Viên Thông)

172.  Tháp Vô Phùng.
Đường triều, Túc Tông hoàng đế hỏi Huệ Trung quốc sư (? - 775):
- Quốc sư trăm năm rồi có cần gì không?
- Làm cho lão tăng Tháp vô phùng.
Hoàng đế lại hỏi:
- Xin thầy cho kiểu tháp.
Quốc sư im lặng một lúc rồi hỏi:
- Bệ hạ hiểu không?
- Trẫm chẳng hiểu.
- Lão tăng có đệ tử phó pháp là Đam Nguyên hiểu chuyện này, xin mời đến hỏi.
Không lâu quốc sư viên tịch. Túc Tông vời Đam Nguyên đến hỏi ý của quớc sư là sao. 
Đam Nguyên đáp:
- Phương Nam sông Tương, phương Bắc hồ, ở trong có vàng đầy cả nước, thuyền đậu dưới cây không bóng, trên điện lưu ly không tri thức. 
(Bích Nham Lục)
Vàng chỉ tự tánh. Cây không bóng: chỉ đã hết mê. Nhân loại mê nên có phiền não, thống khổ. Dùng thuyền chở chúng sinh từ bến mê qua bờ giác. Điện lưu ly là chỉ chỗ vua ở, cả câu ám chỉ vua không có thầy giỏi.
Ý của Đam Nguyên giải thích câu nói của quốc sư là "Phải lìa mê để được khai ngộ." 
(Viên Thông)

173.  Gậy cau của Liên Hoa Phong.
Trú ở Thiên Đài Sơn, Liên Hoa Phong Thiệu quốc sư thường giơ gậy hỏi ông tăng đến hỏi đạo và nói:
- Cổ nhân đến đây, vì sao không chịu ở?
Không ai trả lời được.
Về sau Thiệu quốc sư đề thị câu trả lời cho chúng đệ tử:
- Vì đường sá không đắc lực.
Sau đó lại hỏi:
- Là ý gì?
Thiệu quốc sư lại tự đáp:
- Gậy cau lật ngang, chẳng đoái hoài người, đi thẳng vào ngàn vạn núi. 
 (Bích Nham Lục)
Lấy ngọn cau đẽo thành thiền trượng, thiền trượng tượng trưng cho "ngộ cơ.”
Câu hỏi của Thiệu quốc sư có nghĩa là "người tu hành nỗ lực tu tập để đạt ngộ, nhưng ngộ rồi vì sao lại lìa bỏ ngộ cơ?" 
Câu trả lời "Vì tu hành chưa đủ.”
Ngàn vạn núi chỉ sự biến hóa. Một người chân chính ngộ đạo không bị tình thức ngoại duyên làm biến đổi. 
(Viên Thông)

174.  Vương Thái Truyền nấu trà.
Vương Thái Truyền vào chùa Chiêu Khánh nấu trà. Lúc đó thượng tọa Huệ Lãng bưng bình trà đến trước mặt Minh Chiêu hòa thượng, sơ ý làm bình trà lộn ngược. Thái Truyền trông thấy hỏi rằng:
- Dưới lò trà là cái gì?
Huệ Lãng đáp:
- Thần bưng lò.
Thái Truyền lại hỏi:
- Đã có thần bưng lò, vì sao bình trà lại bị đổ?
- Sĩ quan ngủ ngày bị mất một buổi.
Thái Huyền nghe rồi, phất tay áo mà đi. 
Minh Chiêu hòa thượng nói:
- Thượng tọa Lãng ăn cơm Chiêu Khánh xong đi ra ngoài sông đánh vào gốc cây khô.
Huệ Lãng hỏi:
- Ý hòa thượng là sao?
- Phi nhân được cơ hội thuận tiện mà vào!
 (Bích Nham Lục)
Câu hỏi của Thái Truyền "Đã có thần bưng lò, sao bình trà còn bị đổ?' có nghĩa là Thượng tọa Huệ Lãng có phải nhân ngộ mà lật ngược bình trà không?
Không ngờ Huệ Lãng vì vô ý mà làm đổ bình trà, vì vậy câu trả lời không có thiền tâm. Do đó, Thái Truyền thất vọng mà bỏ đi.
Trong câu nói của Minh Chiêu, "phi nhân" là chỉ thần bưng trà, lại căn cứ trên câu nói trong kinh "nhàn lạc phách thời, thần dã thừa hư nhi nhập", ý nói Huệ Lãng đã bị thần bưng lò trói buộc. 
 (Viên Thông)

175.  Thiên Bình hai lần sai.
Thiên Bình khi đi hành cước, có đến Tây Viện, thường mắng các ông tăng:
- Đừng nói hiểu Phật pháp, muốn tìm người nói thoại cũng chẳng có.
Một hôm Tây Viện từ xa thấy ông bèn gọi: 
- Tòng Ỷ! 
Thiên Bình ngẩng đầu lên. Tây Viện nói "Sai.” 
Thiên Bình bước hai ba bước, Tây Viện lại nói "Sai!"
Thiên Bình đến trước mặt Tây Viện. Tây Viện hỏi:
- Vừa rồi hai cái sai đó là Tây Viện sai hay hòa thượng sai?
Thiên Bình đáp:
- Tòng Ỷ sai.
Nào ngờ Tây Viện lại nói "Sai!"
Sau đó Thiên Bình Tòng Ỷ không tìm người vấn đáp nữa và muốn đi. Tây Viện lưu lại:
- Hãy lưu lại qua hạ, ta sẽ thương lượng với ông về hai lần sai này.
Lúc đó Thiên Bình không ở lại, nghe rồi bèn bỏ đi. 
Sau Thiên Bình làm trụ trì bảo đại chúng rằng:
- Ta khi trước đi hành cước tham học, bị gió nghiệp thổi đến chỗ Tây Viện Tư Minh, thiền sư liên tiếp nói hai lần sai, lại muốn giữ ta lại qua hạ để nói về hai cái sai này. Lúc đó ta chẳng nhận là mình sai, khi hành cước về Nam ta đã biết mình sai rồi! 
 (Bích Nham Lục)
Thế giới của thiền là bình đẳng, Thiên Bình thường tìm người vấn đáp để tìm lỗi của họ. Ông đã ở trong thế giới không sai biệt mà tìm sai biệt là sai.
Tây Viện muốn sửa ông nên gọi tên ông, cái tên này chính là nguyên nhân gây ra sai biệt. Nhưng Thiên Bình không hiểu còn ngẩng đầu lên để trả lời là cái sai thứ nhất. Sau đó đáng nhẽ phải nói ra một thiền ngữ để diễn tả thiền tâm thì Thiên Bình lại chẳng làm gì cả đó là cái sai thứ hai. Khi Tây Viện nói "Là Tây Viện sai hay thượng tọa sai" là chỉ cho ông thấy sự sai biệt. Nhưng Thiên Bình vẫn chưa hiểu nên đáp "là Tòng Ỷ sai" đó là cái sai thứ ba.
 (Viên Thông)

176.  Thổi lông trên kiếm.
Một ông tăng hỏi Ba Lăng:
- Thế nào là thổi lông trên kiếm?
- San hô từng cành chống dưới trăng.
 (Bích Nham Lục)
Để lông trên lưỡi kiếm mà thổi, nếu kiếm sắc lông sẽ bị đứt.
Kiếm chỉ trí huệ, lông chỉ phiền não, mê vọng; phải dùng trí huệ mà cắt bỏ mọi mê vọng.
San hô chỉ vạn tượng, từng cành thấm nhuần ánh trăng; ý nói mọi sự việc không nên bị bất cứ một yếu tố nào trói buộc, trực tiếp thọ nhận sẽ không bị mê vọng. 
(Viên Thông)

177.   Mười thân Điều Ngự.
Hoàng đế Túc Tông hỏi quốc sư Huệ Trung:
- Thế nào là mười thân điều ngự?
- Đàn việt đạp lên đầu Tỳ Lô mà đi.
- Quả nhân không hiểu.
- Đừng nhận mình là thanh tịnh pháp thân!
(Bích Nham Lục)
Túc Tông quy y Phật giáo, rất quan tâm học Thiền, ông lập chí thành Phật để trị thiên hạ. Câu hỏi của ông là còn chấp Phật, câu đáp của quốc sư là: còn chấp Phật thì không thể ngộ được.
 (Viên Thông)

178.  Cây quạt tê ngưu của Diêm Quan.
Diêm Quan (? - 842) một hôm gọi thị giả lại:
- Mang cây quạt Tê Ngưu ra đây cho ta.
- Quạt bị rách rồi!
- Quạt bị rách thì mang Tê Ngưu ra cho ta!
Thị giả không lời nào đáp lại.
Về sau Đầu Tử lấy thân phận thị giả đáp:
- Không phải không mang ra, chỉ sợ đầu sừng không đủ.
(Tuyết Đậu bình "Ta muốn đầu sừng không đủ")
Thạch Sương đáp:
- Nếu trả hòa thượng thì không còn gì!
(Tuyết Đậu bình: Con Tê Ngư vẫn còn!) 
Tư Phúc vẽ một vòng tròn, trong đó đề chữ ngưu
(Tuyết Đậu bình:Vừa rồi sao không đem ra?)
Bảo Phúc đáp:
- Hòa thượng tuổi cao, mời người khác thì tốt.
(Tuyết Đậu bình: Nhọc sức mà không công cán gì.)
                                                         (Bích Nham Lục)
Diêm Quan muốn khai thị cho thị giả, nhưng ông tăng này còn bị quạt và Tê Ngưu trói buộc.
Câu nói của Đầu Tử có nghĩa là: "Làm sao bảo ta dùng lời mà diễn tả ngộ cảnh được?
Câu của Thạch Sương: "Ngộ cảnh phải tự mình lãnh ngộ, không phải do ai cho mình được."
Tư Phúc thì bảo "Cái muốn đạt đến chẳng phải ở đây sao?'
Bảo Phúc lại có ý: "Hắn đã ngộ rồi, đâu cần cơ duyên của hòa thượng." 
(Viên Thông)

179.  Đức Phật giảng Pháp.
Một hôm, đức Phật đăng tòa, bồ tát Văn Thù gõ chùy 3 lần nói:
- Quán pháp đấng pháp vương, pháp đấng pháp vương như thế.
Thế Tôn nghe rồi, không nói một tiếng, xuống tòa.
 (Bích Nham Lục)
Đây là để đả phá thường thức thuyết pháp là phải nói ra lời, đó là một sự trói buộc. Thế Tôn đã thể hiện chân lý, không cần dùng lời để nói ra. Đi, đứng, nằm, ngồi đều là thuyết pháp, chỉ cần Thế Tôn tại trường là nói pháp rồi. Văn Thù không để cho Thế Tôn thuyết pháp là để chỉ "Thiền không cần lời nói.” 
 (Viên Thông)

180.  Lăng Nghiêm chẳng thấy.
Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn chép:"Khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chổ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy tự nhiên chẳng phải vật, sao nói chẳng phải ngươi?"
(Bích Nham Lục)
Đây là lời đức Phật dậy A Nan. A Nan muốn biết thế nào là khai ngộ. Khai ngộ là cảnh giới Thế Tôn đã chứng nghiệm. Nếu ta thấy được cảnh giới đó tức là ta được khai ngộ. Thế Tôn giảng cho ông  "Ta chẳng thấy" là phải bỏ hết mê vọng. "Sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta" phải lìa bỏ tự ngã, không bị một cái gì trói buộc, tất cả đều không đó là ngộ. 
 (Viên Thông)
181.  Khai Sĩ đi tắm.
Cổ Ấn Độ có 16 người cầu đạo, một lần đi tắm, nhân xối nước mà ngộ bèn nói:
- Diệu xúc tuyên minh, thành Phật tử trụ, cũng phải xuyên 7, 8 lần mới thủng!
 (Bích Nham Lục)
 “Diệu xúc tuyên minh, thành Phật tử trụ” có nghĩa là do xúc giác mà ngộ, được trụ ở đất Phật.
Mới đầu Bạt Đà Bà La chạm nước mà ngộ sau 15 người kia cũng ngộ luôn. Do xúc giác mà khai ngộ, ở đây là thủy nhân, ngoài ra có người thấy hoa mà ngộ là do "sắc nhân", ngửi mùi mà ngộ là "hương nhân", nếm mà ngộ là "vị nhân", nghe tiếng mà ngộ là "âm nhân.” 
(Viên Thông)
182.  Cây gậy của Ô Cữu.
Có ông tăng từ Định Châu hòa thượng (718-800) đến Ô Cữu hòa thượng. Ô Cữu hỏi:
- Định Châu nói pháp thế nào?
- Không khác.
- Nếu không khác thì về bên ấy!
Nói xong bèn dùng gậy đánh. Ông tăng nói:
- Đầu gậy có mắt, đừng đánh người bừa bãi.
- Hôm nay đánh được một người.
Nói rồi lại đánh ông tăng 3 cái. Ông tăng muốn đi, Ô Cữu nói:
- Gậy có người ăn.
Ông tăng nghe rồi quay lại nói:
- Vì cán gậy trong tay hòa thượng.
- Nếu ngươi muốn, sư núi giao cho ngươi.
Do đó ông tăng chạy lại đoạt lấy thiền trượng đánh hòa thượng ba cái.
Ô Cữu nói: 
- Gậy! Gậy!
Ông tăng: 
- Có người ăn!
Ô Cữu: 
- Đánh bừa gã này!
Ông tăng nghe rồi lạy hòa thượng.
Ô Cữu : 
- Hòa thượng lại đi thế ấy!
Ông tăng cười lớn bỏ đi.
Ô Cữu: 
- Tiêu được gì! Tiêu được gì! 
(Bích Nham Lục)
Ô Cữu bảo ông tăng nếu đã không khác thì đi nơi khác làm gì? Ông tăng trả lời đi quanh quẩn là hy vọng thầy thấy rõ là để học thiền. Hòa thượng đánh, ông tăng định đi đều là muốn xem đối phương phản ứng ra sao. Hòa thượng dùng lời lưu ông lại. Ông tăng bị hấp dẫn mà hồi đáp. Hai người đều lấy vô tâm mà đối đáp nên nếu tiếp tục thì dài vô tận không bao giờ ngưng. 
(Viên Thông)

183.  Đơn Hà đã ăn cơm chưa.
Hòa thượng Đơn Hà (739-824) hỏi một ông tăng mới đến:
- Từ đâu lại?
- Từ dưới núi.
- Đã ăn cơm chưa?
- Ăn rồi.
- Kẻ cho ngươi ăn chỉ có một mắt?
Ông tăng kinh ngạc, không lời đối lại.
Về sau Trường Khánh nghe câu chuyện này bèn hỏi Bảo Phúc:
- Đem cơm cho người ăn có phần đền ơn, vì sao chỉ có một mắt?
Bảo Phúc bảo:
- Kẻ cho người nhận đều là đồ mù!
Trường Khánh nói:
- Cơ đến lại thành mù sao?
Bảo Phúc đáp:
- Bảo ta mù sao?
 (Bích Nham Lục)
"Ăn cơm chưa?" là hỏi đã chịu sự giáo huấn của sư phụ chưa?
"Kẻ mang cơm cho ngươi ăn chỉ có một mắt?" là hỏi sư phụ ngươi có phải đã ngộ rồi không? Mắt ở đây không chỉ mắt thịt mà là tâm nhãn. Ông tăng đương nhiên nhận là sư phụ mình có tâm nhãn nên yên lặng không đáp.
"Kẻ cho người nhận đều là đồ mù" chỉ cả 2 đều ngộ.
"Cơ đến lại thành mù sao?" chỉ cần vô tâm học tập thì có thể ngộ.

184.  Trường Khánh hai loại lời.
Có một lần Trường Khánh nói:
- Thà nói A La Hán có 3 độc, chẳng nói Như Lai có 2 loại lời.
Bảo Phúc hỏi: 
- Thế nào là lời Như Lai?
- Kẻ điếc làm sao nghe!
- Đã rõ ông nói 2 đầu.
- Thế nào là lời Như Lai?
- Uống trà đi! 
 (Bích Nham Lục)
Ba độc là "tham, sân, si.”
A La Hán là bậc đã thoát ly tất cả phiền não cho nên không thể có 3 độc.
Như Lai có 2 loại lời là chỉ phương tiện và chân thật thuyết pháp. Do đó Trường Khánh nói: "Phật pháp chỉ có chân thật, sao nói chân thật và phương tiện thuyết pháp là 2 loại.
"Người điếc chẳng nghe.” Dù nói Phật pháp thế nào nếu không tự mình thể ngộ thì cũng chẳng hiểu.
"Nói 2 đầu" là trách Trường Khánh phân 2 loại người có và không có kinh nghiệm.
Cuối cùng thế nào là lời chân thật: quy nạp sự chân thật của Phật. Đó chính là "Uống trà đi!" Chân lý vốn không hạn định ở đâu, vũ trụ bao la không đâu là không có chân lý, vấn đề là có tuệ nhãn hay không. 
 (Viên Thông)

185.  Tay, mắt Đại Bi.
Vân Nham hỏi sư huynh Đạo Ngô:
- Đại Bi bồ tát dùng nhiều tay, mắt để làm gì?
- Như người nửa đêm, thò tay ra sau lưng sờ gối.
- Đệ hiểu rồi!
- Ngươi hiểu thế nào?
- Quanh thân đều là tay, mắt.
- Nói cho cùng chỉ đúng 8 phần.
- Còn sư huynh thì sao? 
- Suốt thân là tay mắt. 
 (Bích Nham Lục)
Quán âm thiên thủ, thiên nhãn: có nhiều tay, nhiều mắt, chỉ pháp lực vô biên có thể cứu giúp chúng sanh.
Vân Nham căn cứ trên bản thân Quán âm, Đạo Ngô hòa nhập năng lực của Quán âm và vũ trụ thành một nên cao hơn Vân Nham một bực. 
 (Viên Thông)

186.  Cửa kho.
Vân Môn nói với chúng đệ tử:
- Mọi người có ánh sáng, khi nhìn không thấy tối ám. Thế nào là ánh sáng của mọi người?
Đại chúng không ai đáp được; do đó Vân Môn tự đáp "Cửa kho " lại nói "Việc tốt chẳng bằng không.” 
(Bích Nham Lục)
"Mọi người đều có ánh sáng": ai cũng có tự tánh.
"Việc tốt chẳng bằng không ": biết mình có tự tánh có thể thành Phật là một việc tốt, nhưng đừng bị ý tưởng này trói buộc khiến thành tự cao, tự đại. 
(Viên Thông)

187.  Tiếng cọp của Đồng Phong.
Một ông tăng đến am chủ Đồng Phong hỏi:
- Nơi đây, bỗng nhiên có cọp thời phải làm sao?
Đồng Phong giả tiếng cọp kêu, ông tăng làm vẻ sợ hãi khiến am chủ ha hả cười lớn. Ông tăng nói: "Ngươi bậy thật!"
Am chủ đáp: "Vì ngươi bắt buộc ta.”
Ông tăng yên lặng bỏ đi.
Về sau Tuyết Đậu bình vấn đáp này "chỉ là bịt tai trộm chuông.” 
(Bích Nham Lục)
Gập hổ chỉ có nước chết. Trong Thiền học, ngộ được coi như chết đi sống lại; vì vậy câu nói của ông tăng có nghĩa là làm sao để ngộ. Am chủ giả tiếng hổ ý nói "Ngươi hiện bị chết ở đây!" Do đó ông tăng bèn chết. Nhưng đó chỉ là giả thử, không phải chết thật. Cái phải chết là tự ngã. Am chủ cười ý nói "Ngươi hãy còn ngã!" Ông tăng phản kích "Ngươi bậy thật!" Am chủ trả lời "Vì ngươi bắt buộc ta" ý nói ngươi hãy về tự soi gương mà xem. 
Câu nói của Tuyết Đậu là dẫn từ sự tích: trong một làng nọ bỗng có một con cọp xuất hiện, vồ người ăn thịt. Dân làng họp bàn cách đối phó. Một người đưa ra cách treo một cái chuông vào cổ cọp, khi nó đến mọi người nghe tiếng chuông liền biết ngay. Nhưng làm sao treo chuông vào cổ của cọp mà không bị nó ăn thịt? Người ấy lại nói: "Chỉ cần bịt tai nó lại.”
Câu chuyện này ngụ ý nói không sai, nhưng cần đào sâu hơn nữa. 
(Viên Thông)

188.  Triệu Châu bối rối.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Đại đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa thôi, có phải là sào huyệt của thời nhân không?
- Đã có người hỏi ta, mà 5 năm rồi ta vẫn còn bối rối!" 
 (Bích Nham Lục)
Ý của ông tăng là "Thầy từng dậy đừng chọn lựa, nhưng khi nói ra thì đã là chọn lựa rồi phải không?" Câu đáp của Triệu Châu là  "Thực ra ta cũng vì việc khó trả lời này mà mắc cỡ trong lòng…"
Câu trả lời không phân biện, chỉ tâm cảnh không chọn lựa của Triệu Châu. 
(Viên Thông)

189.  Chỉ là Chí Đạo Vô Nan.
Có ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Đại đạo không khó, chỉ hiềm chọn lựa, có nói là có chọn lựa, hòa thượng vì người thế nào?
- Sao không dẫn hết lời này?
- Con chỉ nhớ đến đấy!
- Đại đạo không khó chỉ hiềm chọn lựa.
 (Bích Nham Lục)
"Sao không dẫn hết lời này?": nếu chỉ lấy một phần của lời nói tức là có chọn lựa rồi. Triệu Châu nhắc lại câu "Đại đạo không khó chỉ hiềm chọn lựa" ý là đừng để bất cứ một cái gì trói buộc, cứ thuận theo tự nhiên.
 (Viên Thông)

190.  Một mũi tên phá ba cổng.
Thiền khách Lương Toại hỏi Khâm Sơn (thời Mạt Đường): 
- Lúc một mũi tên phá ba cổng thì thế nào?
- Mang chủ ra coi.
- Biết lỗi tất sửa.
- Đợi đến lúc nào?
- Tên tốt bắn chẳng trúng.
Nói rồi quay mình đi. Hòa thượng ngăn lại nói: 
- Xà lê lại đây.
Lương Toại quay đầu lại. Hoà thượng nắm lấy cơ hội nói:
- Một mũi tên phá ba cổng hãy gác lại, thử bắn tên cho Khâm Sơn coi.
Lương Toại không nói. Hòa thượng dùng gậy đánh và nói:
- Để cho gã này nghi 30 năm. 
 (Bích Nham Lục)
"Một mũi tên phá ba cổng" ý nói: Ta có thể đồng thời giải đáp ba vấn đề.
"Mang chủ ra coi": dĩ nhiên ngươi có đột phá, nhưng nói thử một câu xem sao"Biết lỗi tất sửa": vạn sự đều không, làm sao ta có thể nói ra được?
Hòa thượng không tha "Đợi đến lúc nào?": dù vạn sự đều không ít nhất ngươi cũng nói ra một câu chứ.
Lương Toại chỉ còn cách bỏ chạy.
Hòa thượng lại nói "Giả như một mũi tên không phá ba cửa hãy nói một câu coi."
Lương Toại không nói. Hòa thượng nói "Vừa rồi ngươi nói hay lắm mà sao không tiếp tục?" ý nói nếu ngươi có thể nghiệm chân chính thì bất luận trong tình huống nào cũng có thể thích ứng tự như. 
 (Viên Thông)

191.  Đại Quang múa.

I.  Công Án.
 Có một ông tăng hỏi Đại Quang:
- Trường Khánh nói nhân thọ trai mà tán thán là có ý gì?
Đại Quang nghe rồi liền múa. Ông tăng bèn lạy. 
Đại Quang hỏi:
- Ngươi hiểu gì mà lạy ta?
Ông tăng bèn múa.
- Đồ chồn hoang này!

II. Phật quả viên ngộ bình.
Thiền tông Ấn Độ truyền được 28 vị tổ. Thiền tông Trung Hoa do Đạt Ma đưa tới, truyền đến Lục tổ, đều lấy tâm ấn tâm.
Các ngươi có hiểu chỉ thú của công án này không? nếu các ngươi không hiểu thì các ngươi chỉ là là đồ chồn hoang mà thôi.
Có kẻ nói đây chỉ là lừa dối người, nếu quả như vậy thì còn đạo lý gì?
Đại Quang giỏi tiếp dẫn người, trong lời nói của ông có chỗ xoay mình mà ra, không hổ là bậc thiện tri thức có tài nhổ đinh, tháo chốt, giải tỏa những dính mắc của người. 

Đại Quang múa, ông tăng lạy, rồi sau đó cũng múa. Đại Quang nói "Đồ chồn hoang  này" vì ông tăng không thực hiểu chỉ biết múa, nếu để vậy không biết còn múa đến khi nào mới ngưng. Câu nói của Đại Quang làm đứt đoạn khiến ông ta tham "câu sống" chứ không tham "câu chết.”
Tuyết Đậu rất thích câu mắng "Đồ chồn hoang này.” Các ngươi thấy câu trên và câu "Đầu Hải trắng, đầu Tạng đen" là giống hay khác? Ngươi có biết "Chỗ chỗ đều gập va " là ý gì không?

III.  Bài kệ của Tuyết Đậu:

前 箭 猶 輕 後 箭 深
Tiền tiễn do khinh hậu tiễn thâm
誰 云 黃 葉 是 黃 金
Thùy vân hoàng diệp thị hoàng kim
曹 溪 波 浪 如 相 似
Tào khê ba lãng như tương tự
無 限 平 人 被 陸 沈
Vô hạn bình nhân bị lục trầm.
Mũi  tên  trước  còn  nhẹ
Mũi  tên  sau  vào  sâu
Ai  nói  lá  vàng  là  vàng.
Giọt  nước  Tào  Khê  nếu  giống  như  vậy
Vô  số  người  bị  chết  chìm  trên  cạn.

IV.  Phật quả viên ngộ bình.
câu 1: Đại Quang múa là mũi tên trước, câu đồ chồn hoang này là mũi tên sau.
câu 2: Ngưỡng Sơn Huệ Tịch khai thị đại chúng "Các ngươi từ vô lượng kiếp quay lưng lại sáng đưa đầu vào tối, vọng tưởng căn thâm, khó mà bỗng nhiên trừ khử đi được. Cho nên chư Phật, tổ sư mới dùng nhiều loại pháp môn mà phá trừ nghiệp thức thô trọng như dùng lá vàng dỗ con nít khóc, dùng quả ngọt thế mướp đắng. Chư Phật, tổ sư quyền nghi phương tiện dậy người lìa khổ được vui như trẻ con khóc có thể dùng lá vàng mà dỗ vậy; Thế Tôn cả đời thuyết pháp cũng tương tự. Câu nói của Đại Quang là để chuyển hóa nghiệp thức của ông tăng, trong đó có quyền, có thực, có chiếu, có dụng. Nếu ngươi hiểu được thì như hổ mọc cánh.
câu 3: Nếu như người học Thiền ở 4 phương, 8 hướng đều múa như vậy thì
câu 4: Nhiều người đi trên đất bằng mà chết chìm, như vậy thì còn thuốc nào cứu được nữa.
 (Bích Nham Lục)
 (Dịch từ bản Bạch Thoại của Hứa Văn Cung)

192.  Hề Trọng làm xe.
Hòa thượng Nguyệt Am hỏi một ông tăng:
- Hề Trọng làm một cái xe, bánh có 100 nan; bỏ hai bánh xe và trục đi thì thành cái gì? 
 (Vô Môn Quan)
Hề Trọng là người làm xe nổi tiếng thời cổ. Lúc trước bánh xe chỉ có 30 nan, Hề Trọng làm bánh xe có 100 nan.
Xe (chỉ Phật pháp) chỉ do bánh, trục kết hợp mà thành. Nếu tháo bỏ bánh, trục đi, xe không còn là xe nữa.
Con người ta cũng vậy xương thịt (Địa), máu (Thủy), hô hấp (Phong), thể nhiệt (Hỏa) kết hợp mà thành người, tan ra thì trở về với 4 đại. Đây là thuyết minh lý "vô ngã.”

193.  Phật Đại Thông Trí Thắng.
Một ông tăng hỏi Hưng Dương Nhượng: 
- Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp tọa đạo trường, Phật pháp chẳng hiển hiện, cũng chẳng hoàn thành Phật đạo là sao?
- Hỏi đúng lắm!
- Sao ngồi lâu vậy mà không thành Phật?
- Vì không thành Phật!
 (Vô Môn Quan)
Hưng Dương Nhượng là pháp tử của Ba Tiêu. Ba Tiêu là đồ tôn của Ngưỡng Sơn. Công án này xưng tán thiền phong của tông Quy Ngưỡng.
Phật Đại Thông Trí Thắng dẫn từ phẩm Hóa Thành Dụ trong kinh Pháp Hoa.
Câu trả lời của Hưng Dương Nhượng có nghĩa là  "Vốn là Phật, thì cần gì thành Phật."
 (Thánh Tham)

194.  Thanh Thoát Cô Bần.
Thanh Thoát hỏi Tào Sơn: 
- Thanh thoát, lẻ loi và nghèo khó, xin thầy cứu giúp.
- Thoát xà lê!
- Dạ!
- Ngươi đã uống 3 chén rượu Thanh Nguyên rồi, còn nói chưa nhấp môi! 
(Vô Môn Quan)
Tào Sơn là một trong 5 cao đồ của Động Sơn.
Nghèo chỉ phiền não, nếu được trợ giúp thì hết nghèo, hết phiền não.
Lời nói của Thanh Thoát là diễn tả cảnh giới giác ngộ vô, hữu, là lời trình cơ.
Câu đáp của Tào Sơn là đã rõ cơ ý.
(Thánh Tham)

195.  Triệu Châu khám phá Am Chủ.
Triệu Châu đến thăm một am chủ, hỏi: 
- Có chăng! Có chăng?
Am chủ giơ nắm tay lên.
Châu nói: "Nước cạn, chẳng phải chỗ neo thuyền", bèn đi.
Lại đến một am chủ khác hỏi:
- Có chăng? Có chăng?
Am chủ giơ nắm tay lên.
Châu nói: "Có thể nắm, có thể buông, có thể giết, có thể cứu!"  bèn vái mà lui.
 (Vô Môn Quan)
Câu hỏi của Triệu Châu có nghĩa là có thường tỉnh thức không? Hai am chủ đều nhận mình luôn tỉnh thức.
Câu nói của Triệu Châu với am chủ 1: nhận mình thô thiển (nước cạn) là căn bản của sự tiến bộ trong tọa thiền.
Câu nói của Triệu Châu với am chủ 2: diễn tả sự tự do hoàn toàn vì luôn luôn tỉnh thức. 
(Sekida)

196.  Đức Sơn bưng bát.
Một hôm Đức Sơn bưng bát xuống thiền đường, Tuyết Phong trông thấy bèn hỏi: 
- Ông già! Chuông chưa gõ, trống chưa đánh, bưng bát đi đâu vậy?
Đức Sơn bèn trở về phương trượng. Tuyết Phong kể lại với Nham Đầu.
Nham Đầu nói: "Đức Sơn chưa hiểu câu sau cùng.”
Đức Sơn nghe được bèn truyền thị giả kêu Nham Đầu lại hỏi:
- Ngươi chẳng đồng ý với lão tăng sao?
Nham Đầu bèn trình mật ý, Sơn cho lui.
Hôm sau, thăng đường có vẻ khác thường.
Nham Đầu đến trước thiền đường vỗ tay cười lớn mà rằng: 
- Mừng cho ông già đã hiểu được "câu nói sau cùng", về sau thiên hạ không ai làm phiền ông nữa. 
 (Vô Môn Quan)
Tuyết Phong và Nham Đầu là hai đồ đệ của Đức Sơn Tuyên Giám. Trong Truyền Đăng Lục có chép một hôm cơm dọn trễ, Đức Sơn đói bụng bèn bưng bát xuống phòng ăn. Điển tọa Tuyết Phong trông thấy mới hỏi và sau đó kể lại cho Nham Đầu nghe. Nham Đầu thấy đây là cơ hội giúp Tuyết Phong khởi nghi tình nên mới nói Đức Sơn không hiểu "câu nói sau cùng.” Đức Sơn nghe được không hiểu ý của Nham Đầu là sao, bèn gọi vào hỏi. Nham Đầu trình ý kiến của mình là để giúp Tuyết Phong. Đức Sơn thuận. Do đó, cử động của Nham Đầu ngày hôm sau chỉ là diễn trò. Đáng tiếc, cho đến lúc này Tuyết Phong vẫn chưa khai ngộ. 
 (Thánh Tham)

197.  Nghe tiếng chuông mặc áo cà sa.
Vân Môn nói: "Thế giới rộng rãi bao la, vì sao nghe tiếng chuông lại mặc áo thất điều?"
 (Vô Môn Quan)
Thế giới bao la chỉ cảnh giới Tuyệt đối, hoàn toàn tự do, nghe tiếng chuông lại mặc áo thất điều là bị hạn chế. Một người giác ngộ mặc dầu sống ở trong thế giới giới hạn vì những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày. Nhưng nếu mọi hoạt động đều ở trong định thì vẫn hoàn toàn tự do.
(Sekida)

198.  Ba lần gọi của Quốc Sư Huệ Trung.
Một hôm, quốc sư Huệ Trung gọi thị giả 3 lần, thị giả đều dạ. 
Quốc sư Huệ trung bèn nói:
- Tưởng ta cô phụ ngươi, không ngờ ngươi cô phụ ta! 
        (Vô Môn Quan)
Quốc sư Huệ Trung không biết sanh năm nào, mất năm 775, tục truyền sống hơn 100 tuổi, được Lục tổ Huệ Năng truyền tâm ấn. Ông sống trên núi hơn 40 năm không đi đâu cả, nhưng danh tiếng vang vọng đến triều đình. Vua triệu ông về kinh để học hỏi.
Công án này có 2 giải thích trái ngược. Chúng tôi ghi lại cả hai để độc giả tham khảo:
1. Quốc sư gọi 3 lần thị giả đều dạ, nhưng không nhận ra cái tánh nghe của mình, nên mới bị trách. 
 (Thích Thanh Từ).
2. Giữa gọi và dạ không có một cái gì cả. Sự nhận thức thuần túy chỉ thực sự xẩy ra trong trạng thái định.
"Tưởng ta cô phụ ngươi": sợ rằng những chỉ dậy kém cỏi của ta đã không làm ngươi tiến bộ.
"Không ngờ ngươi cô phụ ta": nhưng sự thực là ngươi đã đi ngược lại lời dậy của ta. Đây là lời chấp nhận của quốc sư vì trong thiền học người ta hy vọng trò phải tiến vượt thầy.
(Sekida)

199.  Que cứt khô.
Có ông tăng hỏi Vân Môn: 
- Phật là gì?
- Que cứt khô. 
 (Vô môn Quan)
Mọi thiền sinh đều cố gắng tu tập để đạt giác ngộ và trở thành Phật. Họ coi Phật như một lý tưởng thanh tịnh, hoàn hảo, đáng kính nhất, cao cả nhất. Họ cố gắng vượt qua những ác độc, tội lỗi, chết chóc, nhân loại, tầm thường để trở thành một vị Phật như thế.
Vân Môn đã cố gắng phá hủy những khái niệm về Phật này bằng cách so sánh Phật với que cứt khô, là vật dụng như giấy vệ sinh ngày nay. Đức Phật không phải là Thượng Đế, ngài là một người giác ngộ. 
(Kubose)

200.  Lìa ngôn ngữ.
Một ông tăng hỏi Phong Huyệt:
- Nói hay im đều là ly, vi, làm sao thông mà không phạm?
- Ta vẫn nhớ là ở Giang Nam vào tháng ba, chim chá cô hót trong muôn hoa. 
(Vô Môn Quan)
Ly là chủ quan, là tâm hướng nội là im.
Vi là khách quan, là tâm hướng ngoại là nói.
Nói hay im, chủ quan hay khách quan đều sai vì ở bản thể giới làm gì có chủ và khách. 
Giang Nam là nơi nổi tiếng về trồng hoa. Hoa không lời nhưng cho hương thơm, chim vô tâm mà hót lảnh lót. Đó là cảnh hoa hương, điểu ngữ của Giang Nam, còn nói gì là thông là phạm nữa? 
(Thánh Tham)

201.  Ba gậy của Động Sơn.
Động Sơn đến tham học, Vân Môn hỏi: 
- Vừa từ đâu lại?
- Tra Độ.
- Kiết hạ ở đâu?
-  Chùa Báo Từ ở Hồ Nam.
-  Rời chỗ đó lúc nào?
-  Ngày 25 tháng 8.
-  Tha cho ngươi ba gậy.
Hôm sau Động Sơn thưa: 
- Đội ơn hòa thượng tha ba gậy, nhưng không biết con sai chỗ nào?
- Đồ giá áo túi cơm, Giang Tây, Hồ Nam đi đâu chẳng được!
Động Sơn do đó đại ngộ.
 (Vô Môn Quan)
Động Sơn trong công án này không phải là Động Sơn của dòng thiền Tào Động.
Những câu hỏi của Vân Môn đều là hỏi ngộ cảnh của Động Sơn. Động Sơn không hiểu thâm ý nên chỉ trả lời theo nghĩa thông thường. Do câu nói của Vân Môn, Động Sơn mới hiểu rằng không cần phải đi đâu xa, chân lý ở ngay trước mắt.
 (Thánh Tham)

202.  Một được, một mất.
Tại Thanh Lương Tự, khi chư tăng tụ họp lại để nghe pháp trước bữa ngọ trai, Pháp Nhãn không nói, giơ tay chỉ vào bức mành tre. Hai ông tăng cùng đến cuốn mành lên.
Pháp Nhãn nói: "Một được, một mất.” 
                                                                               (Vô Môn Quan)
Mỗi sự việc đều có hai mặt, một tốt, một xấu; một  được, một mất. Hai ông tăng cuốn mành là được, vì tỏ ra hiểu ý thầy, nhưng đồng thời cũng là mất vì ra vẻ ta đây là điều cấm kỵ trong thiền học.
                              (Sekida)

203.  Đệ tam tọa nói Pháp.
Ngưỡng Sơn nằm mộng thấy đến trời Đâu Xuất của Phật Di Lặc, ngồi vào hàng thứ ba. Có một vị tôn giả nói:
- Hôm nay người ở hàng thứ ba nói pháp.
Sơn bèn đứng dậy dộng gậy xuống mà rằng:
- Nghe cho kỹ! Nghe cho kỹ! Giáo pháp của Đại thừa là ly tứ cú, tuyệt bách phi.
 (Vô Môn Quan)
Ngưỡng Sơn là học trò của Quy Sơn. Hai thầy trò là sáng tổ của dòng Quy Ngưỡng.
Đây chỉ là một giấc mộng, nhưng trời đất lại chẳng phải là mộng sao?
Ngưỡng Sơn toàn thân là tâm bồ đề, ngay trong mộng cũng còn nói pháp. 
(Thánh Tham)

204.  Trên đường gập người đạt  Đạo.
Ngũ tổ Pháp Diễn nói:
 "Trên đường gập người đạt đạo, không nói cũng không im, làm sao cho phải?" 
 (Vô Môn Quan)
Đạo là đạo, nếu đã đạt Đạo thì không chỗ nào không là Đạo, không cần phải hỏi Đạo. 
(Thánh Tham)

205.  Thiếu nữ xuất định.
Ngày xưa, thuở đức Thế Tôn còn tại thế, bồ tát Văn Thù đến hội trường của chư Phật. Lúc đó chư Phật đã về quốc độ của các Ngài, chỉ có một thiếu nữ còn ngồi gần Phật tọa, tiến nhập cảnh giới tam muội. Văn Thù bèn hỏi đức Thế Tôn rằng :
- Tại sao vị nữ nhân này có thể ngồi gần Phật tọa mà con lại không thể làm được?
Thế Tôn nói: 
 - Ngươi hãy làm nàng xuất định mà hỏi?
Văn Thù đi quanh nữ nhân ba vòng, búng tay một cái nâng nàng lên tầng trời Phạm Thiên, lại xử dụng hết thần lực mà không làm nàng xuất định được.
Thế Tôn nói :
- Dù trăm ngàn Văn Thù cũng không khiến nàng xuất định được. Phía dưới quá 12 ức hà sa quốc độ, có một vị bồ tát tên là Võng Minh có thể làm cho nàng xuất định.
Ngay đó Võng Minh bồ tát từ dưới đất vọt lên, đến trước mặt thiếu nữ búng tay một cái, thiếu nữ liền ra khỏi định.
 (Vô Môn Quan)
Thiếu nữ chỉ tâm, Phật tọa chỉ tâm điểm của định. Văn Thù còn chấp tướng Nam Nữ. Theo ý kiến lúc đó người nữ có 5 chướng thành ra không thành Phật được. Đó là: không kiên cố, không thanh tịnh, không dõng cảm, không từ bi, không trí huệ.
Phật bảo Văn Thù gọi thiếu nữ xuất định mà hỏi là bảo tự mình phản chiếu. Văn Thù đi quanh thiếu nữ 3 vòng là tỏ ý thông đạt 3 thế, biến 3 độc thành 3 đức, búng tay ám chỉ bỏ uế trược, giữ thanh tịnh, nhưng mà muốn giác người thì trước hết mình phải tự giác đã. 12 ức là chỉ 12 nhân duyên.
Võng Minh là phần sâu thẳm của tâm. Không ai có thể làm thiếu nữ xuất khỏi đại định được, trừ phi là chính cô ta.
 (Thánh Tham)

206.  Cây gậy của Ba Tiêu.
Ba Tiêu bảo đại chúng rằng: "Nếu các ngươi có gậy ta sẽ cho các ngươi gậy, nếu các ngươi không có gậy, ta sẽ đoạt đi "
 (Vô Môn Quan)
Cây gậy chỉ sự giác ngộ, nếu các ngươi đã ngộ, ta sẽ giúp các ngươi bảo nhiệm ngộ cảnh và tu đến toàn giác. Khi đã được toàn giác (không gậy) thì phải quên sự toàn giác đó đi (ta sẽ đoạt đi) không để lại vết tích gì.
 (Sekida)

207.  Người ấy  là ai.
Đông Sơn Pháp Diễn nói: "Thích Ca, Di Lặc còn là nô tài của người ấy. Xin hỏi người ấy là ai?" 
 (Vô Môn Quan)
Người ấy chỉ tự tánh.

208.  Một đường của Càn Phong.
Một ông tăng hỏi Càn Phong: 
- Chư Phật Bạc Già Phạm mười phương chỉ có một đường. Niết Bàn, không biết đường đó ở đâu?
Càn Phong giơ gậy lên vạch một vạch và nói: 
- Tại chỗ này!
Ông tăng lại hỏi Vân Môn. Vân Môn giơ quạt lên nói:
- Cây quạt này nhẩy lên tầng trời 33 đập vào mũi Đế Thích, lại đánh vào cá chép ở biển Đông, trời mưa như đổ nước.
 (Vô Môn Quan)
Càn Phong thuộc dòng thiền Động Sơn. 
Ông tăng đặt câu hỏi còn chấp vào chữ nghĩa, kinh điển. Cử chỉ của Càn Phong hàm ý  "Đạo ở ngay đây, trước mắt ngươi, việc gì phải tìm kiếm đâu đâu.”
Câu nói của Vân Môn chỉ cảnh giới vô ngã.
                                                                                (Thánh Tham)
209.  Đại Lực Sĩ.
Hòa thượng Tùng Nguyên nói: "Đại lực sĩ vì sao giơ chân lên không nổi?" lại nói "Mở miệng lại không dùng lưỡi.”
 (Vô Môn Quan)
Đại lực sĩ chỉ người giác ngộ, chân nhấc không nổi vì Phật tánh đã bao trùm khắp vũ trụ, còn chỗ nào để giơ chân? Nhưng đã giác ngộ thì tự tại vô ngại vậy hắn sẽ cử động như thế nào? Mở miệng không dùng lưỡi vì không dùng lời để diễn tả chân lý được. Đây là 2 trong 3 chuyển ngữ của Tùng Nguyên. Câu 2 là câu trả lời của câu 1. Câu thứ 3 là  "Người có minh nhãn vì sao không cắt đứt được sợi dây đỏ?" Người có minh nhãn là người đã giác ngộ, không ngại khổ nhọc để cứu giúp những kẻ chưa giác. Đó là cái chấp cuối cùng (sợi dây đỏ) Tùng Nguyên đưa ra chuyển ngữ thứ 3 khi sắp mất.
 (Thánh Tham)

210.  Đạp đổ tịnh bình.
Hòa thượng Quy Sơn lúc đầu ở với Bách Trượng, làm Điển tọa. Bách Trượng định chọn người làm trụ trì núi Đại Quy bảo ông cùng thủ tọa đối đáp trước đại chúng, ai trúng cách sẽ được đi. Bách Trượng để tịnh bình trên đất nói: 
- Không gọi là tịnh bình, các ngươi gọi là gì?
Thủ tọa bèn nói:
- Không thể gọi là khúc cây.
Bách Trượng bèn hỏi Quy Sơn. Quy Sơn đạp đổ tịnh bình mà đi. Bách Trượng cười nói:
- Đệ nhất tọa thua mất ngọn núi rồi. 
Bèn sai Quy Sơn đi làm tổ khai sơn. 
(Vô Môn Quan)
Thủ tọa còn chấp vào bình, nên câu đáp của ông còn dính dáng vào nó, trong khi Quy Sơn đã vượt lên trên câu hỏi, ở bản thể giới làm gì có danh tướng nên gọi là bình hay không bình cũng đều sai.
                   (Thánh Tham)

211.  Cây gậy của Thủ Sơn.
Hòa thượng Thủ Sơn giơ cây gậy lên và nói với đại chúng rằng: "Nếu gọi nó là gậy thì xúc phạm, nếu không gọi nó là gậy thì trái ngược, vậy các ngươi gọi nó là gì?" 
(Vô Môn Quan)
Gọi là gậy thì sai vì ở bản thể giới không có danh tướng. Nếu không gọi là gậy thì lại trái với hiện thực. Chúng ta phải vượt lên lý và sự, sự là lý, lý là sự. 
(Thánh Tham)

212.  Long Đàm thổi tắt đèn.
Đức Sơn đến hỏi đạo Long Đàm cho đến tối. Long Đàm nói: 
- Đêm đã khuya rồi, ngươi về đi.
Đức Sơn vái chào, vén mành mà ra, thấy trời tối bèn quay lại nói:
- Bên ngoài trời tối.
Long Đàm thắp một cái đèn giấy đưa cho Đức Sơn. Đức Sơn vừa cầm đèn, Long Đàm bèn thổi tắt, Đức Sơn do đó ngộ, bèn lạy. 
Long Đàm nói:
- Ngươi thấy được đạo lý gì?
Đức Sơn đáp:
- Con từ nay không còn nghi ngờ những thoại đầu của các hòa thượng trong thiên hạ.
Đến ngày hôm sau, Long Đàm thượng đường nói:
- Ở đây có một gã, răng như rừng gươm, miệng như chậu máu, đánh một gậy mà chẳng ngoảnh đầu lại, sau này lên đỉnh núi lập đạo ta.
Đức Sơn gom sớ sao trước pháp đường, giơ đuốc lên nói rằng: 
- Mọi huyền biện chỉ như một sợi lông trong hư không, mọi yếu quyết chỉ như một giọt nước đổ xuống vực.
Bèn đốt hết sớ sao, lạy tạ rồi đi.
(Vô Môn Quan)
Công án này so sánh học vấn và trí huệ. Học vấn là loại tri thức có thể thu thập được do nghe, đọc. Trí Huệ là độc nhất, sáng tạo, cá nhân, không thể cho ai, cũng không ai có thể lấy đi được. Đức Sơn là một học giả chuyên nghiên cứu kinh Kim Cương, và nương dựa vào đó. Khi nhận đèn giấy từ Long Đàm, ông tưởng sẽ dựa vào đó mà soi đường đi. Khi Long Đàm thổi tắt đèn, ông không còn gì để nương tựa vào. Chúng ta phải có ánh sáng nội tâm để không gì thổi tắt được. 
 (Kubose)

213.  Thiến Nữ Ly Hồn.
Ngũ tổ Pháp Diễn hỏi một ông tăng: "Thiến nữ lìa hồn, cô nào là thật?" 
(Vô Môn Quan)
Trong tập Thái Bình Quảng Ký, Trần Huyền Hữu có chép truyện Ly hồn ký. Đời Đường, Trương Giật sống ở Hoành Châu, có một đứa con gái là Thiến Nữ và một đứa cháu trai là Vương Trụ. Từ nhỏ hai đứa chơi đùa với nhau rất thân. Trương thường nói đùa khi lớn lên sẽ cho hai đứa làm vợ chồng. Cả hai đều tưởng thiệt. Về sau, Trương muốn gả con gái cho người khác. Vương Trụ buồn rầu bèn từ giã cậu mà đi, nói dối là lên kinh đô. Nửa đêm, đang nằm trên thuyền bỗng nghe tiếng chân chạy đến, nhìn xem thì là Thiến Nữ. Mừng tủi lẫn lộn, cả hai cùng nhau đào tẩu. Hai người chung sống ở đất Thục được 5 năm, sinh được 2 đứa con. Thiến Nữ nhớ nhà, bèn cùng chồng trở lại Hoành Châu. Trụ về nhà trước để tạ tội. Giật kinh ngạc nói cho Trụ biết Thiến Nữ từ khi Trụ bỏ đi thì bị bệnh hôn mê chưa hề dời khỏi khuê phòng. Khi Thiến Nữ từ thuyền trở về nhà, Thiến Nữ bị bệnh choàng dậy ra đón. Hai người ôm chầm lấy nhau hòa thành một.
Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn bất biến. Tất cả đều biến đổi trong tiến trình từ nhân đến quả. 
 (Thánh Tham)

214.  Văn Thù vào cửa.
Một hôm, Văn Thù đứng ngoài cửa. Đức Phật gọi: 
- Văn Thù! Văn Thù! Sao không vào.
Văn Thù thưa: 
- Bạch đức Thế Tôn, con không thấy mình ở ngoài thì tại sao 
phải vào? 
 (Zen Koans)
Câu hỏi quan trọng trong công án này là "Cửa là gì?" Thường cửa là nơi qua đó chúng ta ra, vào; nghĩa là có phân ra trong ngoài. Nhưng ở bản thể giới, không có trong ngoài: chân lý là phải phổ quát và thường tại. Khi đức Phật bảo Văn Thù (tượng trưng cho Trí Huệ) vào cửa là để trắc nghiệm sự hiểu biết của ngài. Văn Thù trả lời ở bản thể giới không có cửa, và ngài cũng không ở ngoài. Tuy nhiên, nhân loại vẫn thấy còn có cửa. Đó là cửa không cửa (vô môn quan), rất khó vào, mặc dầu nó luôn luôn mở. Có bao nhiêu người thì có chừng nấy cửa không cửa. Mỗi người phải vào qua cái cửa của mình.

215.  Không vì gì cả.
3 người kia thấy một người đứng trên đỉnh núi bèn hỏi nhau: 
- Tại sao người kia đứng trên đỉnh núi?
- Hãy lại hỏi hắn tại sao?
Người thứ nhất hỏi: 
- Ông đứng đây để đợi bạn?
- Không!
Người thứ nhì hỏi: 
- Ông đứng đây để ngắm cảnh?
- Không!
Người thứ ba hỏi:
- Ông đứng đây để hóng gió?
- Không!
Cả ba người cùng hỏi:
- Cái gì cũng không, vậy tại sao ông đứng đây?
- Tôi chỉ đứng đây, chẳng vì gì cả! 
 (Thiền Thuyết)
Phần lớn người ta sống trong thế giới nhị nguyên vì vậy mới có được, mất, ta, cảnh vật. Cảnh đẹp ta vui. cảnh xấu ta thất vọng.

216.  Quạt lửa.
Đời Tống, Đại Huệ Quả thiền sư tu hành trong núi sâu. Có một vị tướng hồi hưu có ý muốn theo thiền sư xuất gia.
- Đợi con trừ bỏ được các tính xấu, sẽ xin theo sư phụ.
- Được!
Ít lâu sau, vị tướng trở lại.
- Sư phụ! Con đã bỏ được tự ngã, nên đến để học thiền.
- Hãy còn quá sớm, vợ ngươi đang ngủ với trai kìa!
- Tên đầu trọc, sao dám mở mồm nói láo?
- Hãy còn quá sớm để lìa nhà, ngươi hãy về tu tập thêm vài năm nữa rồi hãy nghĩ đến việc xuất gia.
 (Thiền Thuyết)
Lời nói và hành động là hai biểu hiện của Tâm. Nhưng đối với nhiều người, thì nói nhiều hơn là làm, hay có khi làm trái lại lời.

217.  Người mù không biết đèn đã  tắt.
Một người mù, lúc từ giã bạn về nhà, bạn ông đưa cho ông một cái đèn lồng.
- Tôi không cần đèn lồng, đối với tôi sáng hay tối cũng vậy thôi!
- Tôi biết chứ, nhưng nếu anh không mang đèn thì người khác có thể xô vào anh.
- Được.
Người mù mang đèn về, nhưng giữa đường vẫn bị một người xô phải, ngã lăn trên đất. Người mù hỏi: 
- Ông không thấy đèn sao?
Người kia trả lời: 
- Đèn của ông đã tắt từ bao giờ rồi!
 (Thiền Thuyết)
Những người dùng lời của kẻ khác để dậy người thì cũng giống như người mù trong truyện này, đèn tắt đã lâu rồi mà không biết.

218.  Vì ta ở đây.
Có một vị hòa thượng tuổi tác đã cao, phơi nấm dưới trời nắng gắt. Một ông tăng hỏi:
- Thầy bao nhiêu tuổi?
- 68.
- Tại sao làm việc cực khổ ở đây vậy?
- Vì ta ở đây.
- Đành vậy! Nhưng tội gì phải làm dưới trời nắng gắt này?
- Vì trời nắng!
 (Thiền Thuyết)
Trời đất nuôi dưỡng vạn vật, không bỏ bê ai, cũng không tư vị ai. Một người gắng công làm việc không ta thán là hợp với đạo tự nhiên vậy.

219.  Sắc tức thị không.
Ích Trung hòa thượng là một nhà danh họa. Một hôm, có một người đến thưa:
- Xin thầy vẽ cho con cái tâm trong câu "Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật" 
Ích Trung bèn lấy bút chấm một điểm trên má người ấy. Người ấy tức giận la lên:
- Thầy làm gì vậy?
Ích Trung bèn hoa bút vẽ một bức chân dung người ấy đang giận dữ, và giơ lên:
- Đây là tâm!
Người kia nói:
- Thấy tánh thành Phật, thầy có thể vẽ cái tánh ấy cho con coi chút được không?
- Ngươi hãy mang cái tánh ấy ra đây, ta sẽ vẽ cho ngươi. 
 (Thiền Thuyết)
Tự tánh đầy đủ không thiếu gì cả. Mỗi người phải tự mình khám phá, chứ không có cách nào khác.

220.  Đồ cổ của một vị tướng.
Có một vị tướng quân, lúc ở nhà mang đồ cổ ra ngắm nghía, sẩy tay đồ cổ rơi xuống; nhưng may mắn là ông chụp lại kịp thời. Ông sợ đến toát mồ hôi. Ông nghĩ thầm: "Ta đã từng lãnh đạo hàng ngàn vạn quân sĩ xông pha nơi trận mạc, không tiếc gì thân mạng mà chưa bao giờ sợ đến thế! Tại sao hôm nay chỉ vì một cái chén nhỏ mà trở nên như thế này?" 
Cuối cùng ông đã hiểu suốt vì chấp thủ nên đưa đến lo sợ bị mất. Do đó, tiện tay ông quẳng cái chén xuống đất, vỡ tan.
 (Thiền Thuyết)
Vì có được và mất nên mới có vui buồn. Nếu có thể vượt lên được thiện, ác, được, mất; cứ để tùy duyên thì là phúc vậy.

221.  Sóng lớn trong lòng.
Có một nhà cao thủ đô vật tên là Đại Ba. Không những ông có sức mạnh mà còn tinh nghề đô vật nữa. Bình thường trong những cuộc đấu riêng, ông rất lợi hại, ngay cả sư phụ ông cũng không địch lại được ông. Nhưng những trận đấu trước công chúng thì ông lại rụt rè, ngay đệ tử của ông cũng hạ ông dễ dàng. Do đó, ông tìm vào núi sâu, cầu giáo một vị thiền sư. Vị thiền sư bảo:
- Tên ngươi là Đại Ba (sóng lớn) vậy hãy tưởng ngươi là ngọn sóng lớn, cuốn trôi đi tất cả những gì làm trở ngại trước mặt. Cứ như thế, ngươi sẽ là nhà vô địch đô vật, không ai có thể hạ ngươi được.
Do đó, Đại Ba ngồi thiền ở chùa, cố tưởng mình là sóng. Mới đầu tâm ông không được ổn định, tạp niệm nổi lên rất nhiều, nhưng không lâu ông càng lúc càng cảm thấy mình là sóng. Đêm càng khuya sóng càng lúc càng lớn, cuốn trôi đi bình bông, tượng Phật, rồi tràn ngập cả chùa, gần sáng thì không còn gì cả, chỉ thấy đại dương bát ngát.
Đến sáng thiền sư lay tỉnh ông.
- Từ nay không gì làm ngươi phiền não nữa, ngươi giống như sóng lớn tràn ngập tất cả.
- Cám ơn sư phụ.
Từ đó trong các cuộc giao đấu, Đại Ba luôn nghĩ mình là sóng. Ông trở thành nhà đô vật vô địch trong toàn quốc. 
 (Thiền Thuyết)
Chỉ dùng phương pháp trực tiếp đối phó với hoàn cảnh: ta thành cảnh, cảnh thành ta.

222.  Bà già hay khóc.
Có một bà già có biệt hiệu là "bà già hay khóc.” Trời mưa bà khóc, trời tạnh bà cũng khóc. Một ông tăng hỏi bà: 
- Bà lão, vì sao bà lại khóc?
Bà trả lời: 
- Tôi có hai đứa con gái, đứa lớn gả cho người thợ làm giầy 
vải, đứa nhỏ gả cho người làm dù. Khi trời đẹp tôi nghĩ thương cho đứa nhỏ, dù của nhà nó không bán được. Khi trời mưa, tôi nghĩ thương cho đứa lớn. Ai mua giầy vải vào ngày mưa?
Ông tăng khuyên: 
- Bà lão, khi trời đẹp bà nên mừng cho đứa lớn vì giầy sẽ bán được; khi trời mưa bà nên mừng cho đứa nhỏ vì dù sẽ bán được.
- A! Phải ha!
Từ đó, bà già hay khóc không còn khóc nữa. Dù mưa hay nắng bà vẫn cười hì hì. 
(Thiền Thuyết)
"Tức tâm, tức Phật", bất cứ việc gì thuận lợi hay không là do cách nhìn của chúng ta.

223.  Ông tăng tương tư.
Huệ Xuân là một ni cô Nhật Bản rất xinh đẹp. Trong một thiền hội, một ông tăng yêu thầm cô. Ông viết một lá thư tình hẹn gập gỡ. Ngày hôm sau, khi thiền sư giảng xong, Huệ Xuân đứng lên, đến trước mặt ông tăng đã viết thư cho cô và nói: " Nếu quả thật anh yêu tôi tha thiết như thế, hãy đến ôm lấy tôi nào!"
 (Thiền Thuyết)
Bản chất con người là xung đột, giằng xé giữa 2 dục vọng đối nghịch làm tâm mất quân bình. Vì vậy chúng ta phải tỉnh thức trong mọi quán niệm.

224.  Chết rồi đi đâu?
Thiên hoàng Hậu Dương Thành đến tham học với thiền sư Ngu Đường. 
- Thiền tông dậy tức tâm, tức Phật có đúng không?
- Nếu lão nạp nói đúng, bệ hạ sẽ tưởng rằng mình hiểu mà kỳ thực không hiểu, nếu nói không thì trái với sự kiện nhiều người đã hiểu.
- Bậc giác ngộ khi chết đi đâu?
- Lão nạp không biết.
- Sao lại không biết?
- Vì lão nạp chưa chết. 
 (Thiền Thuyết)
Khi sống chúng ta nên hưởng thụ những vẻ đẹp và sự kỳ diệu của đời sống, bất tất phải lo lắng về đời sống sau khi chết. Ngày hôm nay, hãy sống ngày hôm nay, đừng lo buồn về ngày mai, vì những ưu phiền ngày mai, ngày mai sẽ đến.

225.  Tu hành như thế nào?
Một người kia hỏi một thiền sư:
- Người tu hành là hạng người thế nào?
- Giống như ta vậy.
- Đại sư cũng phải tu sao?
- Tu hành không ngoài mặc áo, ăn cơm.
- Đó là những việc vụn vặt hằng ngày sao gọi là tu được?
- Vậy ngươi nghĩ ta làm gì mỗi ngày? 
 (Thiền Thuyết)
Tu hành là từ trong những sự việc hàng ngày như nói chuyện, rửa mặt, ăn cơm, ta làm với sự tỉnh thức.

226.  Giầu và nghèo.
Có một nông phu đào đất được một tượng La Hán bằng vàng đáng giá. Thân thích, bạn bè đều mừng cho ông.
- Tượng ít nhất cũng nặng 100 cân vàng.
- Ha! Ha! Tiêu cả đời cũng không hết.
Nhưng ông nông phu vẫn buồn rầu, cả ngày nhăn mày, nhăn mặt.
Bạn bè hỏi:
- Ông đã thành phú ông rồi, còn việc gì lo rầu nữa?
- Tôi cứ nghĩ mãi không biết 17 vị La Hán kia ở đâu?
(Theo truyền thuyết Trung Hoa thì có 18 vị La Hán)
(Thiền Thuyết)
Giầu thật không phải là có nhiều tiền, mà là có biết đủ hay không.

227.  Khô mộc Thiền.
Có một bà lão dựng một am cỏ, cung dưỡng một ông tăng trong 20 năm trời. Bình thời đều do một cô gái xinh đẹp tuổi đôi tám phục thị. Một hôm, bà lão muốn thử công phu tu tập của ông tăng bèn dặn cô gái khi mang cơm đến thì ôm lấy ông tăng coi ông phản ứng như thế nào? Cô gái làm y lời dặn và hỏi ông tăng:
- Thầy cảm thấy thế nào?
- Giống như cây khô trên núi lạnh, giống như trời Đông băng giá không chút hơi ấm.
Nghe cô gái thuật lại, bà lão bèn đuổi ông tăng đi, đốt trụi am cỏ, nói rằng:
- Ta đã phí 20 năm cung dưỡng một tên tục tử. 
(Thiền Thuyết)
Tu sĩ dĩ nhiên là không được gần nữ sắc, nhưng mà tu hành 20 năm mà một điểm từ bi cũng không có thì quả thật là một tên tục tử.

228.  Bế một cô gái qua vũng bùn.
Thản Sơn hòa thượng và một đạo hữu đi đường gập một cô gái xinh đẹp đang đứng tần ngần trước vũng lầy không biết làm sao qua.
- Để ta giúp cô.
Nói rồi Thản Sơn bế thốc cô gái qua vũng bùn.
- Tạ ơn sư phụ.
Hai người lại tiếp tục đi, quá nửa buổi, người bạn trẻ hỏi Thản Sơn:
- Sư huynh, chúng ta là người xuất gia không được gần nữ sắc, sao sư huynh lại làm vậy?
- Sư đệ, ta đã đặt cô gái xuống bờ bên kia vũng bùn rồi, sao sư đệ vẫn còn bế cô ấy theo vậy?"
 (Thiền Thuyết)
Thản Sơn bế cô gái qua vũng bùn nhưng lòng không dục vọng. Ông hành động tức khắc và không chấp trước. Người có dục vọng chính là vị tiểu hòa thượng vậy.

229.  Trở lại đời thường.
Một ông tăng hỏi Hoa Nghiêm:
- Một bậc giác ngộ trở lại đời thường như thế nào?
- Gương vỡ không bao giờ lành, hoa rụng chẳng thể trở lại cành."
 (Zen Koans)
Sống thiền không có "nếu" và "nhưng.” Sống thiền là sống ở đây và ngay bây giờ. Nhiều người sống trong thế giới "nếu", chỉ giả thiết chứ không làm. Nếu việc không thành, nếu tôi bị đau, nếu tôi chết... Những người "nếu" luôn luôn tìm một lý do nào đó để tự bào chữa trong thế giới "nhưng.” Tôi muốn làm nhưng...  Tôi muốn gập anh nhưng... 
Ông tăng trong công án này hỏi một bậc giác ngộ trở lại đời thường thì phản ứng như thế nào? Vì vậy, ông đã vượt lên kinh nghiệm của ông và tưởng tượng trong thế giới của "nếu", thay vì ông chịu khó tu tập để giác ngộ lúc đó ông sẽ hiểu câu trả lời.
Câu trả lời của Hoa Nghiêm sẽ bị hiểu lầm nếu ta không hiểu rằng Đức Phật hay bậc giác ngộ nào cũng sống đời sống thường này với người thường chúng ta. Đối với bậc bồ tát đời sống thường này là đời sống giác ngộ; thế giới Ta Bà chính là Niết Bàn, gương vỡ và hoa rụng đều có vị trí của nó.

230.  Tánh Khí.
Một thiền sinh phàn nàn với Bàn Khuê:
- Bạch thầy, tánh khí của con thật bất trị, làm sao chữa được?
- Thế thì lạ thật, hãy đưa ta coi!
- Bây giờ con không trình ra được.
- Vậy khi nào?
- Nó đến đi bất chợt.
- Vậy thì nó không phải là bản chất của ngươi, nếu phải, ngươi có thể đưa ta coi bất cứ lúc nào. Khi ngươi sanh ra không có nó, nó không phải là ngươi. 
 (Zen Koans)
Trong thiền thường nói: "Cái gì ở ngoài tới không phải là cái ta thật.” Nếu ta có thể bỏ qua những gì ở bên ngoài thì ta có thể tự thanh tịnh.

231.  Con rùa trong vườn.
Một ông tăng thấy một con rùa trong vườn của thiền viện bèn hỏi Đại Tùy:
- Mọi chúng sinh đều có da bọc thịt xương, tại sao con rùa này lại lấy xương bọc da và thịt?
Đại Tùy tháo dép ra, che lên con rùa. 
(Zen Koans)
Ông tăng còn chấp da, thịt, xương, trong, ngoài. Sự phân biệt này còn có thể tiến xa đến tâm ở trong hay ngoài thân? Thái độ này chỉ đưa đến bàn cãi và giảng giải. Đời sống không phải vậy, nó là hữu cơ và sống động. Đại Tùy dùng dép che con rùa là để chỉ cho ông tăng thấy sự hiểu biết của ông chưa vượt qua hiện tượng giới.

232.  Bữa cơm chiều của Đăng Sử.
Một gia đình Phật tử mời Đăng Sử đến dự bữa cơm chiều. Ông chủ nhà bưng ra một khay cỏ, để trước mặt thiền sư. Đăng Sử để nắm đấm trên trán, và giơ ngón tay cái lên giống như sừng bò. Ông chủ nhà bèn bưng khay cơm thường ra. Về sau, có đạo hữu bảo Đăng Sử hãy giải thích lý do hành động lạ lùng ấy. Đăng Sử trả lời: "Bồ Tát Quán Thế Âm.”
 (Zen Koans)

Ngày xưa, sự thử thách giữa các thiền sinh rất là thông dụng. Ông chủ nhà có lẽ muốn thử Đăng Sử nên mang ra một khay cỏ thay vì một khay cơm. Đăng Sử không tức giận, không hỏi han, giảng giải, chỉ bắt chước một con bò. Ông chủ nhà còn làm gì được nữa ngoài việc bưng khay cơm ra? Đăng Sử bị thử thách và ông đã thắng dễ dàng. Về sau một đạo hữu hỏi Đăng Sử về ý nghĩa đích thực của chuyện này. Đăng Sử cũng vẫn không giải thích chỉ trả lời đơn giản "Bồ tát Quán Thế âm" (tượng trưng của lòng từ bi). Câu trả lời này không liên quan trực tiếp gì đến câu hỏi, giống như là kêu lên "Hôm nay trời đẹp quá! Thực tạ ơn trời!"

233.  Sư tử con.
Một hôm, Đức Sơn đang làm vườn, thấy một ông tăng đương đi đến, bèn đóng cửa lại. Ông tăng gõ cửa, Đức Sơn hỏi:
- Ai đó?
Ông tăng đáp:
- Sư tử con."
Đức Sơn mở cửa, ông tăng khom lưng lễ, Đức Sơn bèn cưỡi lên lưng ông và nói:
- Súc sanh! Từ đâu tới vậy?
(Zen koans)

Tài giỏi của một vị thầy là có khả năng lượng định sức học của một thiền sinh. Mỗi thiền sinh đều có một trình độ khác nhau, nên sự giáo huấn của thiền sư cũng phải tùy theo trường hợp. Đức Sơn nổi tiếng là một vị thầy bạo tợn. Ông tăng trong truyện này biết thế và đến để thử Đức Sơn.
Câu trả lời của ông tăng là một lời thách thức. Cho một con sư tử con vào nhà là một việc nguy hiểm; nhưng Đức Sơn vẫn mở cửa. Ông tăng khom lưng lễ, Đức Sơn bèn cưỡi ngay lên lưng ông. Sự giáo huấn luôn thay đổi tùy theo trường hợp, thời gian, địa điểm và con người.

234.  Sau khi chết gập nhau ở đâu?
Đạo Ngộ đến thăm Vân Nham đang ốm. Đạo Ngộ hỏi: 
- Ta sẽ gập ngươi ở đâu khi ngươi chết chỉ để lại xác?
Vân Nham trả lời: 
- Ta sẽ gập ngươi ở chỗ không sanh, không tử.
Đạo Ngộ phê bình: 
- Ngươi nên nói “không có chỗ không sanh, không tử, và chúng ta cũng chẳng cần phải gập nhau.”
 (Zen Koans)
Có nhiều người cùng ăn, cùng ngủ nhưng chẳng gập nhau thực sự bao giờ. Đạo Ngộ và Vân Nham có thực sự gập nhau không? Có nhiều người sống như những cái xác chết di động. Sự gập gỡ thực sự trong đời là sự gập gỡ cuộc sống. Trừ phi có hiểu biết chân chánh, còn không thì nghe mà không thủng, nhìn mà không thấy. Nếu Đạo Ngộ và Vân Nham thực sự giác ngộ thì vấn đáp thông thái trên không cần thiết. Chỉ cần nắm lấy tay nhau là đã quá đủ rồi. Huyền Lộ có một bài kệ về công án này như sau:
Cây mận già nở hoa.
Cành phía Nam có cả mùa Xuân
Cành phía Bắc cũng vậy.

235.  Kho báu nhà ngươi.
Huệ Hải đến tham học Mã Tổ. 
Mã Tổ hỏi:
- Ngươi tìm gì?
- Giác ngộ!
- Trong nhà ngươi có kho báu, sao tìm kiếm bên ngoài?
- Kho báu của con ở đâu?
- Cái mà ngươi hỏi, chính là kho báu của nhà ngươi.
Huệ Hải nghe rồi đại ngộ. 
 (Zen Koans)
Trong thế giới vật chất tìm kiếm hạnh phúc và tự do là thường tình, cũng như tìm kiếm tiền tài, danh vọng: đều là những thứ ở bên ngoài. Thiền dậy trái lại: phải tìm vào trong. Kho báu bên trong: Phật tánh luôn luôn mới mẻ, sống động và vô giới hạn.

236.  Câu nói của Thủ Sơn.
Một lần, một ông tăng hỏi Thủ Sơn:
- Có câu nói nào không đúng không sai không?
Thủ Sơn trả lời: 
- Một đám mây trắng.
 (Zen Koans)

Ông tăng muốn Thủ Sơn diễn tả cốt tủy của Phật giáo: cái thế giới vô chấp vượt lên đúng, sai. Một đám mây trắng bay từ chỗ này đến chỗ khác, dọc theo một dặng núi vừa tự nhiên, thanh khiết, vô tội, vượt lên cả đúng sai. Nó đến rồi đi tự như.

237.  Một ông tăng bị chối bỏ.
Một ông tăng lại gần Tuyết Phong và lạy. Tuyết Phong đánh ông 5 gậy. Ông Tăng hỏi:
- Con lỗi ở đâu?
Tuyết Phong đánh thêm 5 gậy nữa và hét đuổi đi.
 (Zen Koans)

Giáo huấn của Thiền không dùng sách vở, vượt lên lời nói, lấy tâm truyền tâm. Thiền cũng dùng gậy và hét như công án và vấn đáp. Lâm Tế nổi tiếng về tiếng hét, Đức Sơn nổi tiếng về đánh bằng gậy. Ông tăng lạy Tuyết Phong để chào và tỏ ý kính trọng. Nhưng Tuyết Phong đánh ông 5 gậy. Dĩ nhiên ông tăng ngạc nhiên và hỏi tại sao? Kết quả là ông nhận thêm 5 gậy và thêm một tiếng hét. Nếu chào hỏi đến từ một người giác ngộ thì nó có một ý nghĩa sâu xa. Nhưng ông tăng này cũng như đa số chúng ta chỉ thực hành nghi thức một cách vô nghĩa. Con số lần bị đánh không có ý nghĩa gì. 5 gậy đầu còn nhẹ, 5 gậy sau đã sâu hơn, tiếng hét có ý hãy thức tỉnh mau!

238.  Giải quyết vấn đề của một ông tăng.
Sau buổi thượng đường, một ông tăng lại gập Dược Sơn và thưa: 
- Con có một vấn đề, thỉnh thầy giải giùm.
- Được, ta sẽ giải quyết cho ngươi vào buổi giảng chiều.
Khi mọi người tụ tập ở giảng đường chiều hôm đó, Dược Sơn nói:
- Sáng nay ông tăng bảo ta có vấn đề hãy bước ra trước ngay bây giờ!
Khi ông tăng bước ra, thiền sư nắm chặt lấy ông và nói: 
- Chư tăng nhìn đây! Ông tăng này có vấn đề.
 Nói rồi đẩy ông tăng sang một bên và đi về phòng.
(Zen Koans)

Cuộc đời để sống, chân lý thì cụ thể. Thiền phải tức khắc và trực tiếp vì thiền là đời sống. Một vấn đề mà có thể chờ cả một ngày để giải quyết thì khó có thể gọi là vấn đề. Bạn có thể chờ một ngày khi đầu bạn đang bị dìm dưới nước không? Buổi giảng chiều của Dược Sơn quả là một màn kịch.

239.  Tâm không phải là Phật.
Nam Tuyền nói :
- Tâm không phải là Phật, Trí không phải là Đạo. 
 (Zen Koans)

 Nam Tuyền là đệ tử của Mã Tổ. Mã Tổ dậy "tức tâm, tức Phật.” Câu trả lời nổi tiếng, phổ biến cho câu hỏi "Phật là gì?"  Khái niệm hóa Phật mà không có kinh nghiệm sống là điều tệ hại nhất trong Thiền học. Để phá cái chấp này Nam Tuyền nói: "Tâm không phải là Phật, Trí không phải là Đạo."

240.  Tượng Phật Quán Thế Âm.
Có một lần dân chúng Đại Hàn nhờ một nhà điêu khắc Trung Hoa tạc một pho tượng Quán Thế Âm bồ tát. Bức tượng hoàn tất và được mang đến hải cảng để chở về Đại Hàn. Bỗng nhiên pho tượng trở nên nặng một cách khác thường, sức người không làm sao mà di chuyển được. Dân Đại Hàn và Trung Hoa họp nhau thương lượng và quyết định để pho tượng lại Trung Hoa.
Sau đó, pho tượng trở lại sức nặng bình thường và được thờ ở một ngôi chùa ở Minh Châu. Một người đến chiêm ngưỡng bức tượng và nói: "Trong kinh có nói bồ tát Quán Thế Âm có huyền năng có thể thị hiện ở bất cứ đâu, sao pho tượng này lại không chịu đi Đại Hàn?" 
(Zen Koans)

Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi, pho tượng này không ở Trung Hoa, Đại Hàn hay Hiệp Chủng Quốc. Nếu tâm từ bi rộng mở thì pho tượng ở bất cứ đâu. Kẻ nào đi tìm Quán Thế Âm ở Trung Hoa nhất định sẽ trở về tay không.

241.  Am cỏ của Nam Tuyền.
Một hôm, khi Nam Tuyền đang sống trong một am cỏ trên núi, một ông tăng lạ đến thăm gập lúc Nam Tuyền ra đồng làm việc. Nam Tuyền chào hỏi ông tăng và nói: 
- Xin cứ tự nhiên như ở nhà, nấu nướng tùy thích, đồ ăn dư xin đem lại chỗ ta làm việc.
Nam Tuyền làm việc chăm chỉ đến chiều, trở về am trong bụng đói meo. Ông tăng đã nấu cơm, ăn xong vứt mọi thực phẩm dự trữ, đập vỡ nồi niêu!
Nam Tuyền thấy ông bình thản nằm ngủ trong am trống. Khi Nam Tuyền ngả thân thể mệt nhọc xuống cạnh ông, ông chỗi dậy và đi mất.
Sau nhiều năm Nam Tuyền kể chuyện này cho đại chúng nghe và nói: 
- Thật là một ông tăng tốt! Đến nay ta vẫn còn nhớ. 
(Zen Koans)

Thiền sư sống một đời giản dị, yên tĩnh và tự do. Khi Nam Tuyền sống trong một am cỏ trên núi, một ông tăng lạ đến thử thách ông. Ngay cả đến tự do cũng không còn là tự do nếu ta bị ràng buộc vào nó. Thật dễ dàng thoát khỏi những vụn vặt của đời sống con người. Nhưng nếu không biết nó chúng ta có thể bị chấp vào pháp, niết bàn, nghèo và những dạng thức khác của "những cái thiện.” Ông tăng lạ nấu ăn, ngủ như là am của mình, không kiểu cách, không giả đò. Cả thế giới thuộc về ông. Ông đập vỡ mọi nồi niêu - những dụng cụ của thiền, niết bàn, nghèo khổ - Nam Tuyền thực sự hiểu cái thế giới vô chấp nên không bao giờ quên ông tăng lạ đó.

242.  Trước thời Đức Phật.
Một hôm, Nam Tuyền chậm vào phòng ăn. Hoàng Bá đệ tử của ông bèn ngồi vào chỗ của thầy. Nam Tuyền nói: 
- Chỗ này dành cho người lớn tuổi nhất trong thiền viện, còn 
ngươi bao nhiêu tuổi?
- Tuổi con đi ngược lại thời trước Đức Phật.
- Vậy ngươi là cháu ta, mau lui xuống.
Hoàng Bá trả chỗ nhưng vẫn ngồi bên cạnh thầy. 
(Zen Koans)

Công án này cho chúng ta thấy trong thiền viện chư tăng luôn thử thách nhau. Luôn luôn tỉnh thức, họ mài giũa trí huệ cho hoàn mỹ. Nam Tuyền hỏi tuổi của Hoàng Bá không phải là hỏi tuổi thật, nhưng là hỏi trình độ của Hoàng Bá đến đâu. Hoàng Bá trả lời chỉ "thời không thời", là tuyệt đối. Thiền là phải vượt lên mọi đối đãi, độc lập, tự do.

243.  Phật đá.
Lục Hằng bạch với Nam Tuyền:
- Trong nhà con có một tảng đá để đứng hoặc nằm, con định tạc thành tượng Phật được không?
- Được.
Lục Hằng hỏi gạn:
- Con làm được thật sao?
- Không! Ngươi không làm được. 
(Zen Koans)

Tảng đá chính là Lục Hằng. Ông hỏi Nam Tuyền mình có thể thành Phật không? Nam Tuyền lập tức trả lời được. Nhưng Lục Hằng còn nghi ngờ. Vì vậy Nam Tuyền bèn trả lời là không được. Thiền không suy luận nhưng hành động.

 244.  Làm sao thấy Phật Tánh?
Một ông tăng hỏi Tuyết Phong:
- Một vị La Hán thấy Phật tánh như nhìn trăng ban đêm, một vị bồ tát thấy Phật tánh như mặt trời lúc ban ngày, còn thiền sư thì sao?
Để trả lời Tuyết Phong đánh ông 3 gậy. Ông tăng đến hỏi Nham Đầu cùng câu hỏi. Nham Đầu tát ông 3 cái. 
 (Zen Koans)

La Hán chỉ tự độ, bồ tát tự độ rồi độ tha. Ông tăng trong công án này chỉ hỏi người khác thay vì tu tập để tự thấy Phật tánh. 
Đương nhiên là phải đánh cho ông thức tỉnh.

245.  Tâm này là Phật.
Đại Mai hỏi Mã Tổ: 
- Phật là gì?
- Chính tâm này là Phật. 
 (Zen Koans)

Câu trả lời cho câu hỏi đơn giản này có thể là bất cứ cái gì. Quan trọng là không chấp vào lời, nhưng hiểu rõ lời chỉ về đâu. Mọi người đều đã có tiên kiến rằng Phật là hoàn toàn, cao quý, thánh thiện, giác ngộ. Nhưng Phật không phải là một đấng Thượng Đế, tách rời ra khỏi đời thường. Phật tánh thì thanh tịnh nhưng đồng thời hiển hiện ở mọi vật kể cả những vật ô uế, tầm thường.

246.  Cây bách trước sân.
Một ông tăng hỏi Triệu Châu: 
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Cây bách trước sân. 
 (Zen Koans)
Bồ Đề Đạt Ma mang thiền đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6. Do đó, câu hỏi có nghĩa là "Thiền là gì?" Triệu Châu đã cho một câu trả lời hay "Cây bách trước sân.”
Thực ra trong Triệu Châu lục còn một đọan nữa như sau:
- Xin thầy đừng dùng cảnh mà thuyết minh.
- Ta không dùng cảnh chỉ người.
- Ý tổ sư từ Tây sang là gì?
- Cây bách trước sân.

Cây bách là một loại cây phổ thông trồng rất nhiều ở Triệu Châu (Hà Bắc).  Cây to lớn, cho bóng mát vào mùa hạ.  Các chùa đều thích trồng loại cây này. Ông tăng cho rằng đã bị cảnh chuyển, nhưng Triệu Châu đã phủ nhận. Ông tăng hỏi ý của tổ sư từ Tây sang là gì? Là hỏi cốt tủy của Phật giáo là gì? Hay đạo là gì?  Triệu Châu thấy cây bách ngay trước mắt nên nói là cây bách; giả sử ông trông thấy chim bay ngang trời thì ông sẽ nói là chim bay trên trời.  Quả thực là ông đề cập tới cây bách nhưng ông chỉ dùng nó để chỉ về đạo. Ông tăng liền chấp vào cây bách nên đã không thể tiến lên được. Đạo ở cây bách, đạo cũng ở trong mọi vật.
(John C. H. Wu)

247.  Thổ thần báo mộng.
Nam Tuyền đến một thôn trang, trang chủ ra tiếp đón.
Nam Tuyền hỏi: 
- Sao biết lão nạp tới?
Trang chủ đáp: 
- Vì nằm mộng thấy thần thổ địa mách bảo.
Nam Tuyền nói: 
- Vì ta công phu chưa tới chỗ, nên bị quỷ thần nhìn thấy.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Vô tâm là Đạo, mọi cảnh giới tồn tại đều không phải là tự tánh vì cảnh giới chướng ngại tự tánh. Kinh Kim Cương nói "Nếu lấy sắc nhìn ta, lấy âm thanh cầu ta, đó là dùng tà đạo, không thể thấy Như Lai." Huệ Hải nói "Tánh vô hình tướng, tùy Dụng lập danh.” Do hình tượng mà cầu, cái mà ta thấy là Dụng chứ không phải là Thể.

248.  Bàn tay của Nhật Trí Mặc Tiên.
Nhật Trí Mặc Tiên sống trong một ngôi chùa ở Đơn Ba. Một đệ tử phàn nàn về tính keo kiệt của vợ anh ta. Nhật Trí Mặc Tiên đến viếng vợ anh và giơ nắm đấm trước mặt bà. Người đàn bà ngạc nhiên hỏi: 
- Ý thầy là gì?
- Nếu tay ta luôn luôn như thế này, ngươi gọi là gì?
- Tàn tật.
Thiền sư lại mở bàn tay ra: 
- Giả sử nó luôn luôn như thế này thì sao?
- Cũng là tàn tật.
- Nếu ngươi hiểu nhiều như thế, ngươi là một người vợ tốt.
Nhật Trí Mặc Tiên nói rồi bỏ đi. Sau cuộc thăm viếng đó, bà vợ giúp chồng trong việc chi tiêu và dành dụm. 
 (Zen Koans)

Người đàn bà đã nhận được gì trong cuộc thăm viếng này? Bà ta đã thấy được sự tàn tật của bà ta. Chúng ta nhanh chóng thấy sự tàn tật của kẻ khác mà thường quên đi sự tàn tật của chính mình.

249.  Lăn quả bóng gỗ.
Một hôm Tuyết Phong bắt đầu bài giảng cho đại chúng bằng cách lăn một quả bóng gỗ trên bục. Huyền Sa nhặt quả bóng để lại chỗ cũ. 
(Zen Koans)

Thường thường một hành động giản dị nhất, dễ dàng nhất lại có vẻ phức tạp nhất. Tuyết Phong lăn quả bóng gỗ trên bục, chư tăng nghĩ rằng hành động này phải có một ý nghĩ thâm sâu nào đó. Huyền Sa nhặt lên và để về chỗ cũ, ý nghĩa là gì? Nếu một người đánh rơi một vật gì đó, nhặt lên và để về chỗ cũ, nếu trời mưa đi vào trong nhà. Sự việc tự nhiên như thế. Khi có vấn đề, đừng chấp vào nó hãy quan sát và giải quyết trọn vẹn. Dưa hấu thì tròn, dưa gang thì dài; đó là bản chất của chúng. Ta không thể nói vòng tròn thì tốt hơn hình vuông. Tuyết Phong lăn bóng, Huyền Sa nhặt lên. Hành động đầu không có cuối. Hành động sau có cuối không có đầu. Không hành động nào có ý nghĩa hơn hành động nào.

250.  Ba ngày.
Một hôm Vân Môn dạy đại chúng: 
- Nếu các ngươi không gập một người 3 ngày thì đừng nghĩ hắn vẫn là người đó, còn các ngươi thì sao?
Không ai trả lời, do đó thiền sư tự đáp: "Một ngàn." 
(Zen Koans)

Ở đây Vân Môn đề cập đến vấn đề căn bản của Phật giáo. Mọi sự vật luôn thay đổi, không có gì là vĩnh viễn. Đời sống là một tiến trình trở thành. Mọi người đều luôn luôn thay đổi, dù họ nghĩ thế hay không. Mỗi ngày là một ngày mới. Ngay cả cá cũng không bơi trong cùng một dòng nước mỗi ngày. Dĩ nhiên 3 ngày có thể làm thành một người mới. Vân Môn tự trả lời 1000. Dĩ nhiên đây không chỉ con số 1000. Nó chỉ sự thay đổi nhiều lần liên tục, không đếm được. Có nghĩa là chúng ta chào đón mỗi ngày với một thái độ mới. Đừng chấp vào ngày hôm qua. Sống mỗi ngày một đời sống mới trọn vẹn.

251.  Giấy trắng của Huyền Sa.
Huyền Sa sai một ông tăng đưa một bức thư tới vị thầy già là Tuyết Phong. Tuyết Phong tập họp đại chúng lại và mở lá thư ra. Trong phong bì chỉ có ba tờ giấy trắng. Tuyết Phong chìa ra cho chư tăng coi và hỏi:
-  Các ngươi có hiểu không?
Vì không có ai trả lời, thiền sư nói tiếp như đang đọc:
-  Khi Xuân tới hoa nở; khi Hạ tới quả chín.
Khi ông tăng trở về và kể lại mọi việc cho Huyền Sa nghe, Huyền Sa nói: 
- Ông già đã lẫn rồi! 
 (Zen Koans)
Huyền Sa pháp tử của Tuyết Phong là một người đánh cá mù chữ khi thế phát. Về sau ông trở thành một vị thiền sư lớn, đủ lớn để phê bình thiền của thầy mình. Khi Huyền Sa nghe thuật lại lời nói của Tuyết Phong, ông nói: "Thư của ta tối giản tới chân tủy của thiền, ông thầy già của ta đã bắt đầu lẫn rồi!"

252.  Ba giới.
Một ông tăng hỏi Nham Đầu :
- Khi 3 giới đe dọa, con phải làm gì?
- Ngồi xuống.
- Con không hiểu.
- Hãy nhấc quả núi đem đến đây ta sẽ bảo ngươi. 
 (Zen Koans)
Ba giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Ba giới không tốt, xấu, đúng, sai. Chúng không đe dọa cũng không tư vị. Ba giới hiện diện, sự vật tới, đi ngoài vòng kiềm tỏa của ta. Mưa, gió, lạnh, nóng, gập gỡ, chia lìa, lớn lên, già, chết. Đây là những Thực tại của đời sống và chúng ta phải đối diện với chúng dù muốn hay không. Hãy để ba giới đến và đi, hãy công nhận cái "không thể" như nhấc một ngọn núi lên, và hãy là chính mình.

253.   Phật là gì?
Một ông tăng hỏi Trừng Thực: 
- Phật là gì? 
- Trương Tam, Lý Tứ. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Đó là nói ai ai cũng là Phật, không có phân biệt phàm và thánh. Vương Dương Minh nói: "Đầy đường đều là thánh nhân" là cũng cùng ý này vậy.

254.  Tiến, lui.
Pháp Vân nói với tăng chúng rằng:
- Nếu ngươi tiến một bước thì mất Đạo, lui một bước thì mất  Vật, không tiến không lui thì như hòn đá vô tri.
Một ông tăng hỏi:
- Làm sao để không vô tri?
- Xả bỏ chấp trước, hết sức mà làm.
Lại hỏi:
- Làm sao để không mất Đạo cũng không mất Vật?
- Tiến một bước lại lui một bước. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tiến là Hữu, lui là Không, nếu chỉ chấp một bên là không đúng. Có tiến, có lui là lìa cả thiện, ác, vượt lên Thị Phi.

255.  Cái này, cái kia.
Minh Giác nói:
- Cái này không đúng, cái kia không đúng, cái này, cái kia đều không đúng.
Thiên Y đứng bên cạnh định mở miệng nói. Minh Giác dùng gậy đánh đuổi đi. Về sau Thiên Y gánh nước, đòn gánh bị gẫy, thùng nước bị đổ. Bỗng nhiên khai ngộ.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Lúc trước, Thiên Y chấp vào khẳng định và phủ định nên không tìm thấy đường ra. Minh Giác biết vậy bèn chỉ cho ông thấy tất cả quan niệm của thức tâm đều không đúng. Thiên Y được lão sư chỉ điểm, gia sức công phu, đến khi đòn gánh gẫy, thùng nước đổ mới xúc động linh cơ. Đòn gánh có 2 đầu, thùng nước cũng có 2 cái. Đều là cái này, cái kia. Đòn gánh gẫy, 2 thùng nước đổ. Cái này, cái kia đều không tồn tại, trở về thanh tịnh, vượt ra khỏi phạm vi của khẳng định và phủ định, chính là tự tánh.

256.  Không nói.
Tùng Sơn cùng Bàng cư sĩ uống trà. Bàng cư sĩ nói:
- Ai cũng có phần vì sao nói không được?
Tùng Sơn đáp:
- Vì ai ai cũng có nên nói không được.
Bàng cư sĩ hỏi:
- Thầy vì sao nói được?
- Không thể không nói. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tự tánh không có đối đãi. Nói mọi người đều có là có đối đãi. Không nói thì hỗn nhiên một thể, không người không đối đãi. Vốn không đối đãi, nói ra liền có đối đãi. Vốn không thị phi, nói ra liền có thị phi. Thiền sư nói được vì phải độ người không thể không nói. Ngón tay trỏ mặt trăng, nhưng ngón tay không phải là mặt trăng. Nhưng không thể không trỏ, vì vậy mới nói "không thể không nói.”

257.  Một câu của  La Hán.
Khi La Hán thượng đường có một ông tăng hỏi:
- Thế nào là một câu của La Hán?
- Nếu ta nói cho ngươi nghe thì đã thành 2 câu rồi!
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Câu nói nào cũng có đối đãi, tuyệt đối không có cô lập. Chẳng hạn 2 tay có 10 ngón. 10 là do 1 tích lũy mà thành. Không có 1 thì cũng không có 10.

258.  To, nhỏ.
Có người xem bức họa trên tường hỏi Mãn thiền sư rằng:
- Đã là cây tùng ngàn năm sao lại ở dưới mái nhà?
- Hạt cải đựng núi Tu Di là sao? 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tâm tùy hình tượng mà sinh, do đó có tướng to, nhỏ. Tâm không hình tượng, thì tướng to, nhỏ cũng không.

259.  Không tên.
Lục tổ Huệ Năng có một lần nói với đại chúng rằng:
- Ở đây, ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không lưng, không mặt, các ngươi có nhận biết không?
Thần Hội thưa:
- Đó chính là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.
- Ta đã nói nó là Vô danh, ngươi còn nói là bản nguyên và Phật tánh, về sau ngươi sẽ chỉ là một kẻ tông đồ trí giải. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tự tánh nếu rơi vào trí giải, liền biến thành đối tượng của thức tâm. Đặc điểm của Thiền tông là "chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng.” Do đó, nếu dùng trí giải thì không phù hợp với "chẳng lập văn tự.” 
Hướng cư sĩ đã từng nói: "Lấy không tên làm tên, do đó sanh thị phi; lấy không lý làm lý do đó khởi tranh luận."

260.  Không Pháp trao người.
Tuyết Phong hỏi Đức Sơn:
- Từ xưa chư thánh dùng pháp nào để dậy người?
- Tông ta không lời nói, không có pháp nào cho người!
Tuyết Phong do đó tỉnh ngộ. Về sau, có ông tăng hỏi Tuyết Phong về truyện này:
- Sư phụ được gì mà đi?
- Ta đi tay không, về tay không!
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Câu nói của Đức Sơn diễn hết tác phong của con nhà Thiền "không lời nói" vì Thiền không thể nói.
"Không một pháp cho người" vì tự tánh ai ai cũng có, không người nào không.
Thiền sư chỉ có thể bảo người học tham cứu mà chứng ngộ chứ không thể đem linh giác của mình mà phân chia cho học trò được. Không trí, không đắc đó mới là thấy được tự tánh. Do đó Tuyết Phong mới nói: "Ta đi tay không, về tay không."

261.  Tâm.
Một vị sư già viết chữ Tâm lên cửa và vách của căn lều mà ông cư trú. Pháp Nhãn sửa ông: "Cửa phải viết chữ Môn, vách phải viết chữ Bích."
Nhưng Huyền Giác lại bàn rằng: "Cửa là cửa, vách là vách, không cần phải viết chữ gì cả."
 (Zen Koans)
Trong Phật giáo Tâm tông chủ trương vạn pháp do tâm tạo. Mọi sự việc mà chúng ta thấy chỉ là hình bóng của chính tâm ta. Vị sư già viết chữ Tâm, dán khắp nơi là để tự nhắc nhở. Nhưng nếu ta chấp vào một cái gì, dù là chân lý đi nữa thì nó sẽ trở thành một khái niệm, một gánh nặng, Huyền Giác đã chỉ cho thấy cửa là cửa, vách là vách; nhìn, hiểu, xử dụng chúng như chính tự thân chúng vậy.

262.  Giáo huấn của La Hán.
Một hôm La Hán tiếp một đệ tử của Bảo Phước, ông hỏi:
- Thầy ngươi dậy thế nào?
- Sư phụ con dậy con hãy nhắm mắt đừng nhìn việc xấu, hãy 
bịt tai đừng nghe tiếng xấu, không nghĩ và không khởi vọng niệm.
La Hán nói:
- Ta không bảo ngươi nhắm mắt, nhưng ngươi không nhìn, ta không bảo ngươi bịt tai nhưng ngươi không nghe, ta không bảo ngươi ngừng nghĩ nhưng ngươi không khởi một niệm nào cả. 
 (Zen Koans)
Mục đích giảng Thiền là giúp thiền sinh tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống (do đó đời sống sẽ trở nên bình an, thanh thoát, vui tươi và đầy sáng tạo). Một vị thầy thật luôn luôn tìm được bài học thích đáng cho học trò mình.
Ông tăng trong công án này mới tu hãy còn chấp vào nhìn, nghe, nghĩ. Vì vậy, ông thầy đầu tiên cho ông bài học căn bản: đừng chấp vào nhìn, nghe, nghĩ. Sự giảng dậy của La Hán lại đi sâu hơn: phải mở con mắt Huệ. Thực tại không mầu, không sắc. Hãy nhìn vạn vật như chính tự thân của chúng nhưng không bị ràng buộc vào chúng.

263.  Bài kệ của Phó Đại  Sĩ
Phó Đại Sĩ có một bài kệ nổi tiếng:
空 手 把 鋤 頭
Không thủ bả sừ đầu
步 行 騎 水 牛
Bộ hành kị thủy ngưu
人 從 橋 上 過
Nhân tòng kiều thượng quá
橋 流 水 不 流
Kiều lưu thủy bất lưu.
Tay  không  nắm  cán  mai
Đi  bộ:  lưng  trâu  ngồi
Theo  cầu  qua  bến  nước
Cầu  trôi  nước  chẳng  trôi. 
(Trúc Thiên dịch)
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Câu 1: tay không mà lại nắm cán mai, là siêu việt không hữu, là không hữu bất nhị.
Câu 2: đi bộ mà lại cưỡi trâu, là siêu việt tự tha, là năng sở bất nhị.
Câu 4: cầu trôi mà nước chẳng trôi là nói ngược là siêu việt động tĩnh, là động tĩnh bất nhị.
Câu 1 và 2 chỉ không gian, câu 4 chỉ thời gian. Tóm lại cả bài là siêu việt thời không.

264.  Hai bài kệ củaThần Tú và Huệ Năng.
Ngũ tổ sắp nhập diệt kêu môn hạ mỗi người làm một bài kệ biểu hiện tâm đắc, ai đạt đạo sẽ được truyền y bát. Thần Tú viết bài kệ của mình lên vách như sau:
身 是 菩 提 樹
Thân thị bồ đề thụ
心 如 明 鏡 臺
Tâm như minh kính đài
時 時 勤 拂 拭
Thời thời cần phất thức
勿 使 惹 塵 埃
Vật sử nhạ  trần ai
Thân  là  bồ  đề  cội
Tâm  như  gương  sáng  đài
Giờ  giờ  siêng  phủi  quét 
Chớ  để  nhuốm  trần  ai.
 (Trúc Thiên dịch)
Ngũ tổ nhận định bài kệ chưa kiến tánh, chỉ mới tới ngoài cửa Đạo chứ chưa vào được, nhưng người sau cứ thế mà tu hành thì cũng tốt.
Huệ Năng nghe người đọc bài kệ của Thần Tú bèn nói:
- Hay thì hay thật nhưng chưa đạt.
 Bèn nhờ người viết bài kệ của mình bên cạnh:
菩 提 本 無 樹
Bồ đề bổn vô thụ
明 鏡 亦 非 臺
Minh kính diệc phi đài
本 來 無 一 物
Bổn lai vô nhất vật
何 處 惹 塵 埃
Hà xứ nhạ trần ai
Bồ  đề  vốn  không  cội
Gương  sáng  cũng  không  đài
Nguyên  chẳng  có  một  vật
Sao  gọi  phủi  trần  ai?
(Trúc Thiên dịch)
Ngũ tổ thấy bài kệ bèn lấy tay áo chùi đi nói:
- Cũng chưa kiến tánh.
 Rồi thân đến chỗ Huệ Năng làm việc, ám thị Huệ Năng đến canh ba thì đến phòng phương trượng và giảng kinh Kim Cương cho Huệ Năng nghe. Đến câu: "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" thì Huệ Năng đại ngộ, than rằng: "Nào ngờ tự tánh vốn không sinh diệt, dao động, tự thanh tịnh, đầy đủ, có thể sanh vạn pháp!" Và được Ngũ tổ truyền y bát. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Bài kệ của Thần Tú rõ ràng là chủ trương tiệm tu. Bài kệ của Huệ Năng chấp không, có Thể không Dụng. Vì vậy Ngũ tổ nói chưa kiến tánh, chỉ khi Ngũ tổ giảng kinh Kim Cương đến câu " ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" thì mới thật là đại ngộ. 
"ưng vô sở trụ" là không chấp Hữu.
"Nhi sanh kỳ tâm" là không chấp Không.
Tâm sanh mà không trụ là Thể Dụng bất nhị, tức tự tánh.
Chúng tôi xin chép thêm lời giảng của thiền sư Huệ Minh về câu kinh này để độc giả hiểu rõ hơn.
"Ưng vô sở trụ" là Thể, "Nhi sanh kỳ tâm" là Dụng. Dụng không lìa Thể, Thể không lìa Dụng, vì "ưng vô sở trụ" nên không chấp có, lại "nhi sanh kỳ tâm" nên không rơi vào không. Vì không trụ vào đâu nên đó chính là cảnh giới thực tướng, vô tướng. Cổ Đức  đã có câu "Một niệm không sanh, toàn thể hiện." Nếu có sở trụ tức có sở cầu làm sao thấy được tự tánh? Phật tử chúng ta trước phải y thể sau đó khởi dụng. Thế nào là y thể? Đó là buông bỏ những gì sở trụ, sở cầu. Vì bỏ tất cả nên vọng tâm tự diệt. Khi vọng tâm diệt thì vô trụ chân tâm hiện tiền. Nếu ta nương vào thực tướng, trụ vào chỗ không trụ thì đó là y thể khởi dụng. Phật khác chúng sanh ở chỗ giác và không giác, từ bi và không từ bi. Giác tức là tướng lìa tướng, không trụ vào đâu nên  thành Phật; không giác nên thấy cảnh sanh tâm là có trụ, nên là chúng sanh. Từ bi là bình đẳng coi vạn vật là một thể nên là Phật, không từ bi là tham sân si tạo nhiều tội nghiệp nên là chúng sanh. Vậy giác là Thể, từ bi là Dụng. Thể, Dụng không hai, đều là một Tâm. Phật có 3 thân là Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân. Câu "ưng vô sở trụ" là diễn tả Pháp Thân. Tại sao? Vì không trụ vào đâu nên vượt lên cả không gian và thời gian, sung mãn khắp hư không nên đó là Pháp Thân. "Nhi sanh kỳ tâm" là diễn tả Báo Thân và Hóa Thân. Tại sao? Vì ác tâm thì sanh ác báo, thiện tâm thì sanh thiện báo. Đó chính là Báo Thân. Khi một niệm khởi thì biến hóa vô cùng, nghĩ tà thì là Địa Ngục, nghĩ thiện thì là Niết Bàn.  Đó là Hóa Thân vậy. Hiểu được lý này chúng ta luôn luôn dụng công tâm như hư không mà không tại Hư Không, độ tận cả nhưng không trụ vào 1 tướng nào cả. Đó gọi là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Bất biến là "Vô sở trụ", tùy duyên là "sanh kỳ tâm.” Nói tóm lại câu kinh này diễn tả tự tánh, vì vậy Huệ Năng nghe rồi , đại ngộ.

265.  Vạn Tượng.
Thượng tọa Tử Phương đến thăm Văn Ích. Văn Ích hỏi:
- Thế nào là trong vạn tượng riêng lộ thân?
Tử Phương giơ phất tử lên. Văn Ích nói:
- Ngươi hiểu thế sao được?
Tử Phương nói:
- Cổ nhân chẳng trừ vạn tượng.
- Trong vạn tượng riêng lộ thân nói gì là trừ với chẳng trừ?
Tử Phương hoát nhiên đại ngộ. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tử Phương giơ phất tử lên là diễn ý độc lộ thân. Trong tâm Tử Phương có phất tử là có hình tượng vì vậy Văn Ích chẳng chịu. Tánh Thể vốn không hình tượng, vạn tượng là do theo Dụng mà lập danh. Vì vậy Văn Ích mới hỏi "Vạn tượng là gì " Tử Phương hiểu lầm là Văn Ích trừ vạn tượng, nhưng vạn tượng chính là Pháp Thân không thể trừ được. Chư pháp đều như, sóng tức là nước làm gì có phân biệt giữa vạn tượng và Pháp Thân. Đó là bất nhị pháp môn.

266.   Đơn Hà Thiên Nhiên.
Đơn Hà lúc thiếu thời, dám nói dám làm. Sau khi thọ giới với Thạch Đầu bèn đến thăm Mã Tổ. Chưa gập mặt đã vào tăng đường, cưỡi lên đầu tượng thánh tăng mà ngồi. Đại chúng kinh ngạc, khi Mã Tổ vào tăng đường nói "Con ta thiên nhiên."
Đơn Hà lạy tạ nói:
- Tạ ơn sư phụ đã cho pháp hiệu.
Do đó có tên là Thiên Nhiên. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Lão Tử nói: "Đạo pháp tự nhiên" còn Phật gia gọi là "Tự Tánh.” Lời của Mã Tổ là khen cử động của Đơn Hà hợp với Đại Tự Nhiên.

267.  Tể tướng Bùi Hưu.
Tể tướng nhà Đường là Bùi Hưu hâm mộ thiền đạo của Hoàng Bá, mời vào phủ, trú ở Khai Nguyên Tự. Một hôm, Bùi Hưu viết một chương về những kiến giải của mình trình lên thiền sư. Thiền sư cầm lấy để ở chỗ ngồi, không đọc qua. Một lúc, hỏi: 
- Ngươi hiểu không?
- Không hiểu.
- Nếu hiểu được còn khá một chút, còn nếu căn cứ vào giấy, mực thì không phải là tông ta.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Thiền sư chỉ bảo chúng ta tự tham, tự ngộ, không được dùng tri kiến mà suy luận, dùng thức tâm mà tìm đường ra, càng vào sâu càng mê man.
Có thể viết ra được, là tri kiến không phải là thiền.

268.  Ăn trộm măng.
Triệu Châu gập một bà già trên đường bèn hỏi bà đi đâu. Bà già đáp:
- Đi ăn trộm măng của Triệu Châu.
- Nếu bỗng nhiên gập Triệu Châu thì phải làm sao?
Bà già bèn tát cho Triệu Châu một tát. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Ăn trộm là một hành vi bí mật, cũng để diễn ý "Không thể nói được" đồng thời cũng là để khảo nghiệm Triệu Châu, xem Triệu Châu đối đáp ra sao. Triệu Châu cũng là một tác gia dĩ nhiên không chịu đáp bèn hỏi ngược lại. Bà già nhanh tay, lẹ mắt bèn đánh cho một tát tai. Triệu Châu vẫn không nói gì.

269.  Cổ đức ở đâu?
Bùi Hưu vào chùa thấy bức họa một vị cổ đức bèn hỏi chư tăng:
- Bức họa còn đây, cổ đức ở đâu?
Chư tăng không đáp được. Khi Hoàng Bá ra, Bùi Hưu lại hỏi Hoàng Bá cùng câu hỏi. Hoàng Bá gọi: 
- Bùi Hưu.
- Dạ.
- Là thế đó!
Bùi Hưu hoát nhiên đại ngộ. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
"Cổ đức ở đâu?" là giới hạn tự tánh ở một khoảng không gian và thời gian nhất định. Bùi Hưu hỏi là cổ đức, Hoàng Bá chỉ Bùi Hưu là cổ đức, là chỉ đối với thời gian không kim, cổ; đối với không gian không nhân, ngã. Tự tánh vượt lên trên thời, không.

270.  Tân Như Lai.
Có một vị cư sĩ tán tụng Triệu Châu: 
- Thiền sư quả là một vị cổ Phật.
- Ngươi cũng là một vị tân Như Lai. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Công án này cũng tương tự như công án trên bất tất giải thích, cũng còn một công án tương tự nữa chúng tôi cũng xin chép ra luôn. Có một ông tăng hỏi:"Phật là gì?" Triệu Châu đáp: "Còn ngươi là ai?"

271.   Lạy chó.
Một ông tăng đến tham học Thúy Nham, gập lúc thiền sư đi vắng, bèn đến thăm chủ sự.
- Đã tham kiến hòa thượng chưa? chủ sự hỏi.
Ông tăng trả lời: "Chưa."
Chủ sự chỉ một con chó nói rằng:
- Muốn tham kiến hòa thượng, hãy lạy con chó này!
Ông tăng không lời đáp được. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Đương thời, mắng Phật, mắng tổ rất thịnh hành không ai lấy thế làm lạ. Ông tăng gập được sư đệ của Thúy Nham đã học được chân lý Vật Ngã là một.

272.  Không biết.
Văn Ích đến tham học Địa Tạng. Địa Tạng hỏi: 
- Thượng tọa đi đâu?
- Đi hành cước.
- Hành cước để làm gì?
- Không biết.
- Không biết tối thân thiết.
Văn Ích hoát nhiên khai ngộ. 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
"Không biết" tức không phân biệt , mà không phân biệt chính là tự tánh. Trong truyện Liêu Trai, khi đi thi khảo Thành Hoàng, có vị thí sinh đã viết hai câu: "Có tâm làm thiện, tuy thiện nhưng không thưởng. Vô tâm làm ác, tuy là ác nhưng không tội." Có thể nói đã hiểu thiền rất sâu vậy.

273.  Thần Tán.
Thần Tán thiền sư thọ nghiệp ở Đại Trung Tự, sau đi hành cước, gập được Mã Tổ mà khai ngộ. Sau đó sư trở về chùa cũ. Một hôm thọ nghiệp sư đọc kinh trong phòng, có con ong chúi đầu vào giấy dán ở cửa sổ để tìm lối ra. Sư bèn nói bài kệ:
空 門 不 肯 出
Không môn bất khẳng xuất
投 窗 也 大 癡
Đầu song dã đại si
百 年 贊 故 紙
Bách niên toàn cố chỉ
何 日 出 頭 時
Hà nhật xuất đầu thì

Cửa  không  chẳng  chịu  ra
Quá  ngu  chui  cửa  sổ
Giấy  cũ  trăm  năm  dùi
Ngày  nào  dùi  được  phủng.
 (Thích Thanh Từ dịch)
Bổn sư để kinh xuống hỏi: 
- Ngươi đi hành cước gập được người nào mà ta thấy ngươi nói những lời lạ thường.
- Con nhờ ơn Bá Trượng chỉ cho chỗ dứt, nay muốn đáp lại ơn đức thầy.
Bổn sư bèn bảo sư đến giờ trai nói pháp cho đại chúng nghe. Sư lên tòa, đề xướng môn phong Bá Trượng:
- Linh quang độc chiếu, vượt thoát căn trần, thể lộ chân thường, chẳng nệ chữ nghĩa, tâm tánh chẳng nhiễm, vốn tự viên thành, chỉ cần lìa vọng duyên tức là Phật.
Bổn sư nghe rồi liền ngộ, bèn nói:
- Không ngờ đến già lại được nghe việc tốt thế này.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Tất cả tri kiến đều là vọng duyên. Nếu lìa được vọng duyên là trừ được tri kiến.

274.  Xem hoa đào nở.
Linh Vân Chí Cần thiền sư nhân xem hoa đào mà ngộ bèn làm bài kệ:
三 十 年 來 尋 劍 客
Tam thập niên lai tầm kiếm khách
幾 回 洛 葉 又 抽 枝
Cơ hồi lạc diệp hựu trừu chi
自 從 一 見 桃 花 後
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu
直 至 如 今 更 不 疑
Trực chí như kim cánh bất nghi.
     靈 雲 至 勤
     Linh Vân Chí Cần
Ba  chục  năm  qua  tìm  kiếm  khách
Bao  hồi  lá  rụng  với  cành  trơ
Một  lần  từ  thấy  đào  hoa  đó
Cho  đến  bằng  nay  hết  cả  ngờ.
(Tuệ Sĩ dịch)
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Trước khi hoa đào nở là tĩnh, hoa nở là động, sau đó lại trở về tĩnh. Như vậy là trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Linh Vân Chí Cần xem hoa nở, từ trong động mà nhìn thấy tĩnh, vượt lên Động Tĩnh đối đãi, do đó mà ngộ.

275.  Đầu sào trăm trượng. 
Thạch Sương hỏi:
- Người đã lên đến đầu gậy dài trăm trượng, làm sao có thể bước tới nữa?
Trường Sa Cảnh Sầm làm một bài kệ về công án này:
百 尺 竿 頭 坐 底 人
Bách xích can đầu tọa để nhân
雖 然 得 入 未 為 真
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
百 尺 竿 頭 須 進 步
Bách xích can đầu tu tiến bộ
十 方 世 界 現 全 身
Thập phương thế giới hiện toàn thân
Gậy  đầu  nghìn  thước  chẳng  lung  lay
Dù  đã  lên  đây,  chưa  thật  đây
Chót  gậy  nghìn  tầm  còn  bước  nữa
Mười  phương  thế giới  thiệt  thân  này. 
(Tuệ  Sĩ dịch)
 (Zen Koans)
Bất cứ người nào cố gắng cũng có thể leo tới chót sào trăm trượng, nhưng leo xa hơn thì theo lý không thể nào làm được. Thiền sinh phải làm sao? Thiền sinh có thể hiểu ngộ là gì, nhưng biết ngộ là gì không phải là thiền. Thiền là đời sống, và đời sống thì vượt lên lý luận. Nếu thiền sinh không để cả đời vào đó, thì sẽ không bao giờ đạt được. Dùng lửa thử vàng, muốn bắt cọp con thì phải vào hang cọp. Leo lên chót gậy, là giác ngộ, chưa đủ. Phải đi xa hơn (mười phương), phải sống giác ngộ. Ta bà là Niết Bàn, Niết Bàn là Ta Bà.

276.  Vân Môn bị què.
Vân Môn đến Mục Châu Trần Tôn Túc để tham học. Lần thứ nhất không được vào cửa. Lần thứ hai cũng không được vào cửa. Lần thứ ba thấy cửa hé mở, Vân Môn đưa chân vào cửa để mở. Mục Châu đẩy ông ra và đóng nhanh cửa lại, nhanh đến nỗi chân Vân Môn bị kẹt và gẫy. Do sự đau đớn ấy Vân Môn hốt nhiên đại ngộ. 
 (Zen Koans)
Ngày xưa gẫy chân thường là bị què suốt đời. Nhưng đối với Vân Môn tìm kiếm chân lý là việc sống chết, quan trọng và giá trị hơn đời sống vật lý.

277.  Chân Như.
Có vị tam tạng hỏi Đại Châu thiền sư:
- Chân như có biến dịch không?
- Có biến dịch.
- Thiền sư lầm rồi!
- Tam tạng có chân như không?
- Có.
- Nếu không biến dịch, tam tạng nhất định là phàm tăng.
- Vậy theo thầy, chân như có biến dịch.
- Nếu chấp chân như có biến dịch thì là ngoại đạo.
- Thầy vừa nói có biến dịch, giờ lại nói không biến dịch, vậy thế nào mới đúng?
- Nếu đã kiến tánh, như ma ni châu hiện sắc nói biến cũng được, nói không biến cũng được. Nếu chưa kiến tánh nghe nói biến dịch liền hiểu biến dịch, nghe nói không biến dịch liền hiểu không biến dịch.
Thế mới biết Nam Tông không lường được! 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Thể của chân như vốn không biến dịch, nhưng dụng thì không lúc nào không biến dịch.
Chân như bất biến mà tùy duyên nên nói: "Vốn tự đầy đủ, có thể sanh vạn pháp.”
Chân như tùy duyên nhưng không biến nên lại nói: "Vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, vốn không giao động."
Chân là không giả, như là không biến.
Nhà thiền trọng tùy duyên nên từ Dụng mà nói sợ người ta chấp "Không"; có lúc lại từ Thể mà nói sợ người ta chấp "Hữu.”

278.  Tiếng vỗ của một bàn tay.
Mặc Lôi đại sư nói với chú tiểu Đông Dương: "Ngươi có thể nghe tiếng vỗ của 2 bàn tay, bây giờ hãy chỉ cho ta tiếng vỗ của một bàn tay.” 
 (Zen Koans).
Mặc Lôi là vị trụ trì ở Kiến Nhân Tự, Kyoto. Đông Dương là một chú tiểu mới 12 tuổi. Chú hãy còn quá nhỏ để học tập công án như các thiền sinh lớn tuổi hơn. Nhưng chú vẫn kiên trì nài nỉ và cuối cùng Mặc Lôi cho chú công án này. "Thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?"
Đông Dương suy nghĩ miên man và chú trình cho thầy đủ mọi loại tiếng: tiếng nước rơi róc rách, tiếng đàn của kỹ nữ, tiếng gió rì rào, tiếng chim hót, tiếng dế, tiếng cào cào và còn nhiều nữa. Chú tiếp tục trong nhiều tháng cho đến khi cạn hết các loại tiếng, không thể nghĩ ra được tiếng nào nữa. Chú tiểu Đông Dương tiến vào thiền định thực sự và vượt lên mọi tiếng.
Chú nói: “Tôi không thể gọi ra được một tiếng nào nữa. Do đó tôi đạt tới "tiếng không tiếng.”
Tiếng vỗ của một bàn tay to hơn tiếng vỗ của 2 bàn tay, nó rung chuyển khắp thế giới.”

279.  Gia đình Bàng Uẩn.
Gia đình Bàng cư sĩ có 4 người: 2 vợ chồng, 1 con trai và một con gái đều tập thiền. Ông có làm một bài kệ 4 câu:
有 男 不 婚 
Hữu nam bất hôn 
有 女 不 嫁 
Hữu nữ bất giá 
大 家 團 圓 頭
Đại gia đoàn viên đầu
共 話 無 生 話
Cộng thoại vô sinh thoại
Có  trai  không  cưới
Có  gái  không  gả
Cả  nhà  chung  hội  họp 
Đồng  bàn  lời  vô  sanh.
 (Thích Thanh Từ dịch)
Đủ thấy gia đình sống rất vui vẻ. Một hôm, ông bỗng nói :
難 難 難 十 石 油 蔴
Nan nan nan thập thạch du ma
樹 上 攤 
thụ thượng than 
- Khó, khó, khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt.
Bà vợ bèn đáp:
易 易 易 百 草 頭 上
Dị dị dị bách thảo đầu thượng
西 來 意 
Tây lai ý 
- Dễ, dễ, dễ, trên đầu trăm cỏ, ý tổ sư.
Đứa con gái là Linh Chiếu liền tiếp:
也 不 易 也 不 難 飢
Dã bất dị dã bất nan cơ
來 吃 飯 困 來 眠 
Lai ngật phạn khốn lai miên 
- Cũng chẳng dễ, cũng chẳng khó, đói thì ăn, mệt thì ngủ.
Một gia đình đáng yêu, sống trong bầu không khí thiền duyệt ai nỡ buông bỏ? Nhưng mà họ không có một ý tham luyến nào, nói đi là đi, tự do, tự tại. Trước tiên là Bàng cư sĩ muốn đi, bèn bảo con gái:
- Ta định nhập diệt vào chính ngọ.
Bèn sai cô ra coi mặt trời lên tới đâu. Cô con gái quay lại thưa:
- Đã gần chính ngọ rồi nhưng có nhật thực.
Ông ra ngoài coi thì không có nhật thực gì cả. Khi trở vào phòng thì thấy con gái ngồi ở chỗ của mình mà đã đi rồi. Ông bèn cười nói:
- Con gái ta thật lanh lợi!
Qua 7 ngày sau, Chân Mục Vu Công đến thăm bệnh, ông nằm gác đầu trên gối Vu Công mà mất. Bà vợ thấy chồng và con gái đều đi, bèn chạy ra đồng báo tin cho con trai. Con trai nghe tin bố và em gái đều đi bèn đứng dựa vào cái bừa mà hóa. Bà vợ nói:
- Các ngươi đều vậy!
Rồi lo việc chôn cất, về sau ra sao thì không rõ. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Trong công án này có nhiều tính cách truyền kỳ. Một vị cư sĩ có thể chứng đạo đã là khó, lại còn làm cho cả gia đình đều vượt lên sanh tử, thật không đơn giản. 2 vợ chồng già thời gian tham ngộ hẳn lâu, nhưng cô con gái đang tuổi thanh niên mà cũng đạt được cảnh giới ấy. Câu chuyện này chứng minh 2 điều:
1- Thiền là đốn chứ không tiệm.
2- Thiền không phải cứ ngồi mà tham

280.  Triệu Châu gập Hàn Sơn Tử.
Triệu Châu đi lên núi Thiên Đài, trên đường gập Hàn Sơn Tử. Nhìn thấy vết chân trâu, Hàn Sơn Tử bèn hỏi Triệu Châu:
- Còn nhận biết trâu không?
- Không biết.
Hàn Sơn Tử chỉ vết chân trâu nói:
- Đây là 500 vị La Hán lên chơi núi!
- Nếu là La Hán sao lại làm trâu?
Hàn Sơn Tử kêu: 
- Trời xanh! Trời Xanh!
Triệu Châu ha hả cười lớn. 
Hàn Sơn Tử hỏi: 
- Ngươi làm gì vậy?
Triệu Châu đáp:
- Trời Xanh! Trời Xanh!
Hàn Sơn Tử nói: 
- Tên oắt con này lại có tác phong người lớn! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông).

Hàn Sơn Tử coi trâu là La Hán là vượt Phàm, Thánh, để khảo nghiệm Triệu Châu. Triệu Châu không trả lời mà hỏi ngược lại.
Trời xanh là chỉ không, trâu và La Hán đều không có thể tánh, do đó không có phân biệt phàm thánh. 
Hàn Sơn Tử dùng trời xanh để đáp Triệu Châu, Triệu Châu dùng trời xanh để đáp lại. Cả hai người đều là tác gia, do đó Hàn Sơn Tử khen ngợi Triệu Châu.

281.  Sanh tử.
Có ông tăng hỏi Khai Sơn: 
- Làm sao để thoát ly khỏi sự trói buộc của sanh tử?
Khai Sơn đáp: 
- Ở đây không có sanh tử! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Qua tác phong của thiền sư, chúng ta thấy đối với nhà thiền sanh và tử chẳng có gì  khác biệt.

282.  Thượng thư Trần Tháo.
Có một lần thượng thư Trần Tháo cùng thuộc hạ lên lầu. Nhìn thấy một đám tăng đi ở dưới đường, một người trong bọn nói:
- Chắc họ là thiền tăng.
Trần Tháo đáp: 
- Không phải!
Người kia hỏi: 
- Sao biết là không phải?
- Đợi họ đi qua sẽ biết!
Khi chư tăng tới trước lầu, Trần Tháo gọi lớn: 
- Thượng tọa!
Chư tăng đều ngẩng đầu lên. Trần Tháo nói: 
- Ta nói có sai đâu! 
 (Zen Koans)

Câu chuyện này chứng tỏ phần lớn chúng ta phân biệt và phán đoán do bề ngoài. Ở đây câu chuyện xẩy ra trong một tự viện, không phải ở một công thự, do đó đối đáp đều thuần túy thiền. Trần Tháo không những là một vi quan to mà còn là một cư sĩ nổi tiếng. Bọn người tùy tùng đều là những viên chức thuộc cấp, và cũng mới học thiền. Trần Tháo thường giảng thiền cho họ. Khi một người tùy tùng trông thấy mấy người ở ngoài tự viện liền tự hỏi không biết họ có phải là thiền tăng không. Trần Tháo nói không phải. Đây là một dịp tốt để chỉ cho đám thuộc hạ cái tâm phân biệt của họ. Khi chư tăng đến gần, Trần Tháo gọi và dĩ nhiên là họ ngẩng đầu lên. Trước khi người thuộc hạ có thể nói:"Tôi đã chẳng nói thế sao?" thì Trần Tháo đã nói trước. Ông nhấn mạnh "không phải" đã nói. Cái "không phải" này không chỉ các ông tăng mà thôi mà chỉ tất cả mọi sự vật. Chân lý của sự vật, cốt tủy của con người không thể phán đoán bằng bề ngoài. Một chiếc áo không làm nên một thầy tu. Ta không thể nói con người tốt hơn con ngựa vì con người có thể nói. Cũng không thể nói con ngựa tốt hơn con chó. Mỗi con có một cuộc sống quý báu riêng. Mầu đỏ không tốt hơn mầu xanh, mỗi mầu có một giá trị riêng của nó. Câu nói không phải của Trần Tháo áp dụng cho mọi so sánh, phân biệt.

283.  Kiếm vị của Võ Tạng.
Liễu Sinh Hựu Thọ Lang là con của một kiếm khách trứ danh. Cha ông từ ông vì ông không học được kiếm thuật. Ông tìm vào Nhị Hoang Sơn để bái kiến kiếm khách Võ Tạng. Võ Tạng cũng đồng ý với nhận xét của cha ông.
- Ngươi muốn học kiếm thuật với ta sao? Nhưng ngươi không thỏa mãn được những yêu cầu của ta!
- Nếu con cố gắng học tập, phải bao lâu mới trở thành một kiếm khách?
- Cả đời còn lại của ngươi!
- Con không thể chờ lâu như vậy. Chỉ cần thầy chịu dậy con, con 
nguyện sẽ đạt tới mục đích. Nếu con làm một tên nô bộc trung thành với thầy thì tốn bao lâu?
- 10 năm.
- Cha con tuổi đã cao, không bao lâu con phải trông nom người, nếu con càng cố gắng hơn nữa thì phải bao lâu?
- 30 năm.
- Sao vậy! Mới đầu thầy nói 10 năm, giờ lại nói 30 năm. Con không ngại cực khổ, chỉ muốn nhanh chóng học kiếm nghệ.
- Nếu vậy thì phải 70 năm., dục tốc bất đạt.
- Được, con chịu.
Liễu Sinh Hựu Thọ Lang cuối cùng đã hiểu rằng mình thiếu nhẫn nại. Ông được dậy rằng không được nói đến kiếm thuật, cũng không được sờ đến cây kiếm. Thầy ông chỉ sai ông thổi cơm, rửa bát, làm giường, quét sân, coi sóc vườn hoa, không hề đề cập đến kiếm thuật. 3 năm trôi qua, ông vẫn tiếp tục công việc khổ nhọc, mỗi khi nghĩ đến tương lai ông không khỏi buồn bã, việc học kiếm vẫn chưa được bắt đầu. Nhưng một hôm, Võ Tạng bước tới rất nhẹ từ sau lưng ông và dùng kiếm gỗ đâm ông một kiếm. Hôm sau, lúc ông đang bận thổi cơm, Võ Tạng lại nhân lúc bất ngờ đâm ông một kiếm. Từ đó về sau, bất luận ngày đêm ông đều phải đề phòng bị kiếm đâm. Một ngày 24 giờ không thời khắc nào ông không thưởng thức phẩm vị lưỡi kiếm của Võ Tạng. Cuối cùng ông trở thành một kiếm khách lừng danh nhất nước.
 (Zen Koans)

Công án này chứng minh rằng con đường thiền học phải gồm: quyết tâm, kỷ luật, tỉnh thức, tự tín, trung thành và kính trọng thầy. Liễu Sinh Hựu Thọ Lang tiêu biểu cho tánh khí người ngày nay là muốn đạt được kết quả mau chóng. Trong thiền học phương tiện chánh là cứu cánh.

284.  Độ rắn.
 Thiền sư Thần Chiếu nhân đốt rừng làm giẫy, thấy một con rắn bèn lấy gậy đẩy vào trong lửa nói rằng: 
- Cái hình hài này không tự phóng xả, hãy vào trong đây mà tử, như trong tối mà được đèn.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Nghe lời ông nói thì con rắn đã được ông siêu độ. Chuyện này cũng tương tự như Nam Tuyền chém mèo, nhưng động cơ không hoàn toàn giống nhau. (Xin xem công án số 1073) Nam Tuyền ngoài sự siêu độ cho con mèo còn phá chấp cho chư tăng. Nhưng cả hai người có một điểm tương đồng là đều chứng ngộ cảnh giới siêu việt sanh tử. Do đó, chúng ta đừng từ góc độ sát sanh mà phán đoán 2 sự việc trên, và cũng đừng tùy tiện mà bắt chước họ.

285.  Không sợ chết.
Một vị bác sĩ trẻ tên là Nam Điền nghe nói nếu học thiền sẽ không sợ chết. Một hôm, ông dấu một con dao găm trong áo và đến thăm thiền sư Nam Ẩn muốn thử xem thiền sư có sợ chết hay không. 
 Khi Nam Ẩn trông thấy Nam Điền liền nói:
- A! chào bạn, lâu lắm không gập, bạn mạnh giỏi không?
Nam Điền ngạc nhiên hỏi: 
- Chúng ta chưa hề gập mặt mà!
- Đúng rồi! Ta lầm bạn với một y sĩ khác.
Với sự khởi đầu như vậy, Nam Điền đã mất cơ hội khảo nghiệm thiền sư. Do đó ông miễn cưỡng xin chỉ dậy về thiền. Nam Ẩn nói: 
- Bạn là bác sĩ, hãy trị bệnh tốt cho bệnh nhân, đó là thiền. 
Bốn lần hỏi đạo Nam Ẩn đều cho ông cùng một bài giảng. Nam Điền phàn nàn rằng ông không tới nữa nếu cứ được giảng dậy như thế. Vì vậy, Nam Ẩn nói:
- Ta sẽ cho ông một công án.
Và thiền sư cho ông công án chữ Vô của Triệu Châu. Nam Điền tham công án này trong 2 năm nhưng Nam Ẩn vẫn nói chưa được. Một năm rưỡi nữa trôi qua, tâm Nam Điền trở nên sáng suốt và chữ "Vô" đã trở thành chân lý. 
 (Zen Koans)

Nam Điền tiêu biểu cho những người trẻ bây giờ: tò mò, hoài nghi, thực tế. Ông đến để thử xem thiền sư có sợ chết hay không và kết quả là chính mình lại theo học thiền nhiều năm. Chỉ khi tâm Nam Điền đã trở nên sáng suốt và hiểu "vô" là "vô", ông không còn bận tâm đến sống chết nữa.

286.  Chánh Đạo.
Trước khi Quyền Xuyên mất, thiền sư Nhất Hưu đến thăm ông.
- Có muốn ta dẫn đạo không?
- Ta đến đây một mình và sẽ ra đi một mình, ông có thể giúp gì cho ta?
- Nếu ông nhận rằng có đến, đi thì đó là vọng tưởng, để ta chỉ ông con đường không có đến, đi.
Với lời chỉ đạo rõ ràng của Nhất Hưu, Quyền Xuyên mỉm cười mà mất. 
(Zen Koans)

Nhất Hưu là một vị thiền sư nổi tiếng Nhật Bản, ông là con vua, và mẹ ông cũng là một thiền sinh. Trong công án này ông chỉ cho chúng ta cuộc sống vĩnh hằng của thiền không có đầu và cuối. Vì là vĩnh hằng nên không có đến, đi. Sống và chết chỉ là biểu hiện của đời sống vĩnh hằng. Đời sống không bao giờ chết. Chúng ta nói rằng chúng ta tới tới từ vĩnh hằng và trở về vĩnh hằng. Vĩnh hằng có nghĩa là ở đây và bây giờ. Vô thủy và vô chung đều ở đây. Mỗi giây phút là biểu hiện của vĩnh hằng. Có nhiều người lo lắng về cái chết! Sao Vậy? Chết cũng tự nhiên như sanh.

287.  Cây, cỏ giác ngộ.
Một hôm, một thiền sinh 50 tuổi hỏi Chân Quán:
- Thiên Thai tông dậy rằng ngay cả cây, cỏ cũng sẽ giác ngộ. Sao có thể thế được?
- Bàn luận về cây cỏ có thể giác ngộ được có ích gì chứ? Vấn đề là làm sao ngươi giác ngộ?
- Con chưa bao giờ nghĩ thế. 
 (Zen Koans)

Chân Quán sống dưới thời Liêm Thương ở Nhật Bản, ông theo học Thiên Thai tông trong 6 năm, sau đó học thiền 10 năm. Ông sang Trung Hoa và học thiền thêm 13 năm nữa. Khi trở về nước, nhiều người đến tham học với ông, nhưng ông ít tiếp khách và ít khi trả lời những câu hỏi của họ. Người hỏi trong công án này đã phô bầy cái sai lầm lớn của trí thức học và biện luận những gì không liên quan đến mình. Thiền luôn luôn chỉ vào trong. Thật thích thú khi một người giác ngộ, cây cỏ cũng giác ngộ nữa! Sự giác ngộ của cây cỏ thực ra là sự giác ngộ của chính chúng ta về cây cỏ.

288.  Đại ý của Phật Pháp.
Một ông tăng hỏi Huyền Sa:
- Khi các vị cổ đức dậy pháp không lời bằng cách giơ thiền trượng lên có phải là họ diễn tả đại ý của Phật pháp?
- Không.
- Vậy họ diễn tả cái gì?
Huyền Sa giơ cây thiền trượng lên. Ông tăng hỏi:
- Đại ý của Phật pháp là gì?
- Đợi tới khi ngươi giác ngộ! 
 (Zen Koans)

Mặc dầu chúng ta luôn giãi bầy đại ý của Phật pháp nhưng rất khó mà diễn tả nó. Giảng dậy chỉ là chỉ về chân lý, mỗi người phải tự thấy. Tuy nhiên, đa số chúng ta chấp vào khái niệm và tiên kiến thay vì nhìn sự vật như chính bản thân chúng. Ông tăng trong công án này chấp rằng giơ thiền trượng lên có thể diễn tả đại ý của Phật pháp. Huyền Sa muốn phá chấp này cho ông nên nói không.

289.  Tụng kinh siêu độ.
Một ông tăng phái Thiên Thai được mời tụng kinh siêu độ cho vợ một người nông phu mới chết. Nông phu hỏi:
- Thầy có nghĩ rằng vợ con được ích lợi gì trong pháp sự này?
Ông tăng đáp:
- Không những bà nhà mà tất cả chúng sinh đều được ích lợi.
Nông phu phản đối:
- Thầy nói tất cả chúng sinh, nhưng vợ con vốn yếu đuối làm sao tranh được với những người khác. Xin thầy làm ơn chỉ tụng riêng cho nàng thôi.
Ông tăng giải thích rằng Phật tử phải coi chúng sinh bình đẳng và do đó họ phải được hưởng pháp ích như nhau.
- Giáo lý đó rất hay, nhưng con có một người hàng xóm đối với con rất thô lỗ và khắc bạc, thầy có thể loại hắn ra ngoài chúng sinh được không! 
 (Zen Koans)

Chúng ta đều cười bác nông phu, nhưng chúng ta có khác gì bác ta đâu? Con người là loại chúng sinh ích kỷ nhất khi hãy còn ngã chấp.

290.  Đi, về.
 Một ông tăng hỏi sư phụ:
- Thầy nghĩ sao về một ông tăng rời tự viện và không bao giờ trở lại?
- Là một tên vô ơn.
- Còn ông tăng rời tự viện và trở lại?
- Là một người biết ơn. 
 (Zen Koans)
Tự viện là căn nhà tinh thần để tu đạo. Khi một ông tăng vào tự viện là vì ông thầy nơi đó chứ không phải vì tự viện. Pháp không sắc mầu vậy làm sao mà thấy và hiểu được?  Đó là nhờ cá tánh của thầy được gọi là thiện tri thức. Khi một ông tăng ngộ nhờ gập thiện tri thức. Ông và thầy là một trong pháp, do đó không có đi, về. Thiền không có lễ tốt nghiệp.

291.  Con trâu qua cửa.
Pháp Diễn nói:
- Con trâu qua cửa đầu, sừng và 4 chân đều qua, tại sao cái đuôi lại không qua? 
(Zen Koans)

Con trâu tượng trưng cho nhục thể. Đầu, sừng và bốn chân đều qua là tượng trưng cho Thân, Khẩu, Ý bị ảnh hưởng của năm giác quan, cái đuôi tượng trưng cho Phật tánh không bị ảnh hưởng bởi mê vọng.

292.  Lệch đường.
Một ông tăng nói với Vân Môn:
- Hào quang của Phật soi rọi cả vũ trụ...
Trước khi ông dứt câu Vân Môn hỏi:
- Ngươi đang đọc thơ người nào đó, phải không?
- Phải.
- Ngươi đã lệch đường rồi!
Về sau, một vị thiền sư khác hỏi đệ tử:
- Gã tăng đó đã đi lệch ở chỗ nào? 
 (Zen Koans)

Khi một người nói thực và thành thật người đó chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Nhiều người thường nói "Họ nói" hay "người ta nói" thay vì "tôi nói.” Thiền giống như đời sống luôn luôn tức khắc và trực tiếp. Thiền gạt bỏ vòng vo vì cuộc đời không có thặng dư, không thể phí phạm.

293.  Nghe gà gáy.
Trần Đề Hình vào núi tham học, Pháp Diễn hỏi:
- Lúc nhỏ Đề Hình có đọc qua thơ Tiểu Diễm không?  Tôi nhớ có hai câu:
頻 呼 小 玉 元 無 事
Tần hô tiểu ngọc nguyên vô sự
只 要 檀 郎 認 得 聲
Chỉ yêu đàn lang nhận đắc thanh.
"Cô  nàng  gọi  mãi  những  vô  ích
Chỉ  thằng  tốt  mã  nghe  ra  thôi.”
 (Tuệ Sĩ dịch)
Đề Hình ứng tiếng "Dạ!" Tổ nói: "Phải xét cho kỹ!"
Viên Ngộ từ ngoài về đứng hầu một bên hỏi:
- Nghe sư phụ đọc thơ Tiểu Diễm, Đề Hình có hiểu không?
- Ông ta chỉ nhận được tiếng: "Chỉ thằng tốt mã nghe ra thôi.”
- Nếu Đề Hình nhận được tiếng thì ông sai ở chỗ nào?
Tổ nói: 
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang? là cây bách trước sân.
Viên Ngộ có chút tỉnh ngộ, bèn ra ngoài, bỗng nhiên thấy một con gà bay lên hàng dậu, vỗ cánh gáy, bèn tự nhủ: "Đây chẳng là tiếng sao?" bèn vào thất làm bài kệ tỏ ngộ cảnh của mình trình lên tổ:
金 鴨 香 消 錦 繡 幃
Kim áp hương tiêu cẩm tú vi
笙 歌 叢 裏 醉 扶 歸
Sanh ca tùng lý túy phù quy
少 年 一 段 風 流 事
Thiếu niên nhất đoạn phong lưu sự
只 許 佳 人 獨 自 知
Chỉ hứa giai nhân độc tự tri
     昭 覺 克 勤
     Chiêu Giác Khắc Cần
Ngỗng  vàng  màn  gấm  hết  hương  rồi
Say  giữa  đàn  ca,  đỡ  dậy  thôi
Một  đoạn  phong  tình  qua  tuổi  trẻ 
Đành  riêng  người  đẹp  nhận  ra  ngươi. 
(Tuệ Sĩ dịch)
Pháp Diễn nói: " Đó là việc lớn của Phật, Tổ bọn căn nhỏ lực kém không thể làm được. Ta chỉ giúp vui cho ngươi thôi." 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông).

Trong thơ Tiểu Diễm, theo ngữ khí thì mục đích chỉ là cần nhận ra tiếng, nhưng theo bản ý thì nhận tiếng chưa đủ mà là muốn nhận tâm của người phát ra tiếng đó, do nhận tiếng mà vào thẳng nguồn tâm.

 294.  Quả linh.
Vân Môn có lần trú ở Linh Thụ Viện. Một sáng kia, có một viên quan đến thăm và hỏi:
- Quả linh của thầy bây giờ đã chín chưa?
- Chúng chưa hề xanh bao giờ. 
(Zen Koans)

Ý của ông quan là Thiền pháp của Vân Môn đã chín mùi chưa? Vân Môn đơn giản đáp " Quả pháp luôn luôn chín mùi và chưa hề xanh bao giờ.” Quả pháp chính là tự tánh, là cốt tủy của thực tại, là cái vượt lên thời và không gian. Nó đã chín từ vô thủy. Kích thước của nó làm còi vũ trụ. Nó cứng như cục sắt và không có hàm răng người nào có thể cắn. Chỉ có hàm răng pháp mới có thể cắn và nếm vị ngọt của quả pháp này.

295.  Cột  gỗ,  lò  lửa.
Một ông tăng hỏi Pháp Chân:
- Thiền sư trăm năm rồi, pháp truyền cho ai?
- Cột gỗ, lò lửa.
- Còn tiếp thụ không?
- Lò lửa, cột gỗ. 
 (Thiền Cơ)

Tự tánh không đâu không có; cột gỗ, lò lửa đều là tự tánh hiện thành.

296.  Thương lượng.
Tuyết Phong hỏi Huệ Toàn:
- Ngươi được chỗ vào phải làm sao?
- Cùng thiền sư thương lượng. 
- Thương lượng ở đâu?
- Ở nơi đến, đi.
- Ngươi được chỗ vào phải làm sao?
  Huệ Toàn không đáp được, thiền sư liền quơ gậy đánh. 
 (Thiền Cơ)

Ông tăng đã được chỗ vào còn thương lượng với thiền sư hay nên tự thương lượng?

297.   Bài ca chăn trâu.
Nam Tuyền nói với Hy Vận:
- Lão tăng hát bài ca chăn trâu, thỉnh hòa thượng cùng hát.
- Ta tự có thầy.
 Hy Vận đáp rồi từ biệt mà đi. Nam Tuyền tiễn ra đến cửa đưa lời nhận xét:
- Hòa thượng thân thể to lớn sao cái nón lại nhỏ vậy?
- Tuy là vậy, nhưng đại thiên thế giới đều ở trong đó. 
(Thiền Cơ)

Ta tự có thầy là ta tự biết kiến tánh. Nón để đội che mưa, nắng; bên ngoài nhiễm bụi trần, bên trong là tự tánh: đại thiên thế giới đều ở trong tự tánh.

298.   Pháp đường tốt.
Một ông tăng vào pháp đường nhìn Đông, nhìn Tây không thấy thiền sư bèn nói:
- Thật là pháp đường tốt, chỉ phải cái là không người.
Đại An từ cửa sau bước vào hỏi:
- Làm cái gì?
Lúc đó, ông tăng không sao đáp được. 
 (Thiền Cơ)

Pháp đường chỉ tự tánh.

299.  Vách núi vạn trượng.
Tào Sơn hỏi Đại Diên:
- Có một người từ vách núi vạn trượng nhẩy xuống, đó là người nào vậy?
- Không tồn tại.
- Cái gì không tồn tại?
- Cái ném mà chẳng vỡ. 
 (Thiền Cơ)

Một người chỉ tự tánh. Không tồn tại là chỉ mắt thịt nhìn không thấy.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nguyên nhân nào làm tăng nguy cơ tim トO Giữ sức khỏe khi ôn thi Đậu hũ cay xốt nấm 栃木県 寺院数 ß Rau mùi Gia vị ngon thuốc quý tuc 元音老人全集 曹洞宗 お盆 名古屋流祭り方 こころといのちの相談 浄土宗 Phật đản nhớ Phật 今之儒者 自以为正心诚意之学者 积极向上的名言警句 Lời khẩn cầu trong đêm æåŒ một linh cảm ứng quán thế âm đừng vội phán xét người æµæŸçåŒçŽ làm gì khi chúng ta gặp thị phi mùng พระอ โบสถว ดสระเกศ 塩谷八幡宮 hiểu 白色袈裟图片画法 æ æ hoc phat Vu lan nhớ mẹ 簡単便利戒名授与水戸 大安法师讲五戒 教师节的对联 河南有专属的佛教 Phật giáo 仏壇の線香の位置 投影备品备件方案 Về ماتش مصر والراس الاخضر يلا 增上生和决定胜 人间佛教 秽土成佛 末法时代 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay 什么是佛度正缘 七五三 小山