Mục Lục.
Quyển Thượng.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
500  Lại Toản.
Hòa thượng Lại Toản ẩn cư trong một hang đá ở Hành Sơn. Đường Túc Tông rất ngưỡng mộ, đặc biệt phái sứ giả đến vời vào Hoàng Cung. Sứ giả đến trước hang kêu to:
- Thánh chỉ đến!
Lúc đó Lại Toản đang mải sao thuốc, không lên tiếng. Sứ giả không thấy động tịnh gì cả liền sai tiểu lại vào xem. Tiểu lại thấy hòa thượng nước mắt, nước mũi chẩy dòng dòng, mặt mũi nhem nhuốc đang sao thuốc bèn nói:
- Hòa thượng! Ngài hãy chùi mũi rồi nghênh tiếp thánh chỉ.
- Ta không rỗi hơi chùi mũi vì tục nhân.
Nói rồi lại tiếp tục sao thuốc. 
 (Hương Thủy Hải)

Câu chuyện này cho chúng ta thấy thiền sư thật tự tại, khí phách.

501  Tự tánh.
Hoàng Bá nói rằng:
- Cái tánh linh giác này từ vô thủy mà đến, thọ cùng hư không. Chưa hề sanh, chưa hề diệt, chưa hề có, chưa hề không, chưa hề bẩn, chưa hề sạch, chưa hề náo, chưa hề tĩnh, chưa hề trẻ, chưa hề già. Không ở nơi nào, không trong, không ngoài, không số lượng, không hình tướng, không sắc, không âm.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Cái linh giác này không thể dùng cảm quan mà tiếp xúc nhưng cái mà cảm quan tiếp xúc lại không lìa linh giác. Nghĩa là tự tánh không phải là hình tượng, nhưng lại không lìa hình tượng.

502  Không thể nói.
Thiền sư Hoa Lâm trú ở một tòa miếu lớn nhưng không có đồ đệ. Một hôm tể tướng Bùi Hưu đến bái phỏng, thấy miếu lớn mà không có người giữ, ngạc nhiên hỏi Hoa Lâm:
- Thầy không có đồ đệ sao?
- Có chứ.
- Họ ở đâu vậy, sao không thấy?
- Ta có hai đồ đệ, một tên Đại Không, một tên Tiểu Không.
- Thầy có thể kêu họ cho đệ tử gập mặt không?
- Chỉ sợ không tiện.
Nhưng Bùi Hưu cứ năn nỉ mãi, Hoa Lâm đành chấp nhận, bèn gọi lớn:
- Đại Không, Tiểu Không, mau ra tiếp khách! 
Hai con hổ từ trong chạy ra. Bùi Hưu tuy là quan lớn nhưng mật nhỏ tỏ vẻ kinh sợ. Hoa Lâm bảo hai con hổ:
- Đồ đệ ngoan! Vị khách này chưa đủ khả năng đối diện các ngươi, mau vào đi!
Hai con hổ vẫy đuôi, gầm lên một tiếng rồi chạy vào sau miếu. Lúc đó, Bùi Hưu rất ngạc nhiên và hết lời tán thán, thưa với Hoa Lâm rằng:
- Sư Phụ, thầy tu theo pháp môn nào mà có thể cảm động được hai con hổ này?
Hoa Lâm nhắm mắt yên lặng, một lúc sau mở mắt ra hỏi Bùi Hưu:
- Ngươi hiểu không?
- Thầy còn chưa nói, làm sao con hiểu được?
- A! ta đã nói rồi, lại còn nói nhiều nữa, chỉ vì ngươi không hiểu mà thôi!
- Thầy thực chưa nói mà, xin thầy rủ lòng từ bi nói cho vài câu.
- A! ngươi thực là hạng độn căn, ta giảng cao siêu ngươi không hiểu nổi; thôi được! ta cứ phương tiện mà nói thôi. Hàng ngày, sau bữa ăn ta vào rừng tản bộ cho tiêu cơm. Cứ đi được bẩy bước ta lại giơ gậy lên niệm: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lại bước bẩy bước ta lại giơ gậy lên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, hàng ngày ta đều niệm như vậy nên đã cảm động được hai con hổ này.
Bùi Hưu nghe rồi khen rằng:
- Thực hay quá! Thực hay quá! 
 (Sinh Hoạt Thiền)

Nhiều người đã từng niệm Phật, nhưng cũng chả thấy có cảm ứng gì, cho thấy niệm không phải là chìa khóa của vấn đề. Ở đây chính là lúc thiền sư nhắm mắt, không nói mới chính là thực tu, mới chính là Thiền. Nhưng như vậy là thế nào? Đó là cái không thể nói. Ngôn ngữ là dùng để miêu tả thế gian, nó có giới hạn, không thể miêu tả những trạng thái siêu việt thế gian, cho nên mới nói "Không thể nói.” Đức Phật trước khi nhập Niết Bàn đã từng nói " Ta đã thuyết pháp 49 năm rồi, nhưng ta chưa hề nói qua một chữ, một câu nào."

503  Vàng thật không sợ lửa.
Vân Cư (1582-1659) trụ trì Tùng Đảo Đoan Nghiêm Tự; mỗi đêm vào khoảng 12 giờ đến một hang núi ở Biện Thiên Đảo để ngồi thiền. Trong làng có một thanh niên biết chuyện này, tìm cách dọa cho ông sợ. Anh ta trèo lên ngồi trên cành của một cây to mà Vân Cư phải đi qua. Khi ông đi qua, anh ta thò tay ấn xuống đầu ông. Ông không tỏ vẻ sợ hãi, đứng yên tại chỗ. Khi anh ta rút tay lại, ông từ từ mà đi. Anh ta rất kính phục đảm lượng của ông. Ngày hôm sau, coi như không có chuyện gì xẩy ra, anh ta hỏi:
- Nghe nói hôm qua Thiên Cẩu xuất hiện (một loại yêu quái mặt đỏ, mũi dài trong truyền thuyết Nhật Bản). Không biết Hòa thượng có bị nó ấn đầu không?
- Đó chỉ là bọn trẻ trong thôn làm đó thôi!
- Sao thầy biết?
- Lại còn hỏi, tay ấn đầu ấm áp sao là tay quỷ được?
Thanh niên mắc cỡ, bèn hướng Hòa thượng xin lỗi.
 (Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Vàng thật không sợ lửa luyện mà càng phát sáng tươi đẹp, tương tự một thiền giả có minh nhãn, dù có gập tai nạn nào cũng không biến đổi.

504  Thông Tuệ.
Thông Tuệ lúc còn là sa di, sư phụ sai đi rửa chậu. Ngẫu nhiên có một người bán cá đi qua, một con cá nhẩy vọt vào chậu, bị quậy chết. Về sau làm trụ trì, một hôm nói với đại chúng rằng:
- Hai mươi năm trước một đoạn công án, hôm nay phải gánh rồi!
Đại chúng gạn hỏi duyên cớ, thiền sư chỉ nói:
- Đợi đến trưa sẽ biết.
Nói rồi ngồi kiết già đợi.
Lúc đó Trương Tuấn thống binh tới Quan Trung, một binh sĩ cầm cung tên đến pháp đường trợn mắt nhìn thiền sư định bắn. Thiền sư cười nói:
- Lão tăng đợi ngươi đã lâu lắm rồi!
- Chưa hề gập mặt, nay mới gập, tâm không ngăn được chỉ muốn giết là tại sao?
Thiền sư kể lại câu chuyện cũ, binh sĩ bèn đọc bài kệ:
寃 寃 相 報 何 時 了
Oan oan tương báo hà thời liễu
刦 刦 相 纏 豈 偶 然
Kiếp kiếp tương triền khởi ngẫu nhiên
不 若 與 師 俱 解 釋
Bất nhược dữ sư câu giải thích
如 今 立 地 往 西 天
Như kim lập địa vãng tây thiên
Oan  oan  tương  báo  bao  giờ  dứt?
Kiếp  kiếp  ràng  buộc  chẳng  ngẫu  nhiên.
Chi  bằng  cùng  với  sư  giải  thích
Ngày  nay  lập  tức  tới  Tây  thiên.
Nói rồi đứng mà hóa. Thiền sư lấy bút viết bài kệ:
三 十 三 年 飄 蕩
Tam thập tam niên phiêu đãng
做 了 機 番 模 樣
Tố liễu cơ phiên mô dạng
誰 知 今 日 相 逢
Thùy tri kim nhật tương phùng
卻 是 在 前 變 障
Khước thị tại tiền biến chướng
Ba  mươi  ba  năm  loay  hoay
Đã  mấy  phen  làm  mẫu  mực
Đâu  biết  gập  lại  ngày  nay 
Là  do  nghiệp  làm  lúc  trước.

Viết xong bèn hóa. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thaoại Thiền Tông)

Từ công án trên chúng ta rút ra được mấy điều:
1- Oan oan tương báo, nhân quả tuần hoàn, định nghiệp không trốn được.
2- Buông dao đồ tể, lập tức thành Phật là có thật.
3- Người ngộ đạo không bị sanh tử trói buộc.

505  Bài tụng Ngũ Vị Quân Thần của Động Sơn.
1/ Chánh Trung Thiên:
三 更 初 夜 月 明 前
Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền
莫 怪 相 逢 不 相 識
Mạc quái tương phùng bất tương thức
隱 隱 猶 懷 舊 日 嫌
Ẩn ẩn do hoài cựu nhật hiềm.
Đêm  tối,  canh  ba  trăng  rọi  hiên
Lạ  chi  cùng  gặp  chẳng  cùng  biết
Ẩn  ẩn  vẫn  còn  ôm  hận  phiền.
2/ Thiên Trung Chánh:
失 曉 老 婆 逢 古 鏡
Thất hiểu lão bà phùng cổ kính
分 明 覿 面 別 無 眞
Phân minh địch diện biệt vô chân
休 更 迷 頭 猶 認 影
Hưu cánh mê đầu do nhận ảnh.
Mất  sáng  lão  bà  tìm  cổ  kính
Rõ  ràng  đối  diện  đâu  riêng  chơn
Thôi  chớ  quên  đầu  theo  nhận  bóng.
3/ Chánh Trung Lai:
無 中 有 路 隔 塵 埃
Vô trung hữu lộ cách trần ai
但 能 不 觸 當 今 諱
Đãn năng bất xúc đương kim húy
也 勝 前 朝 斷 舌 才
Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài.
Đường  cái  trong  không  cách  trần  ai
Chỉ  hay  chẳng  chạm  ngày  nay  kỵ
Đã  thắng  tiền  triều  cắt  lưỡi  tài.
4/ Thiên Trung Chí:
兩 刄 交 鋒 不 須 避
Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị
好 手 猶 如 火 裏 蓮
Hảo thủ do như hỏa lý liên
宛 然 自 有 衝 天 志
Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí
Hai  kiếm  đua  nhau  cần  gì  tránh
     Tay  khéo  vẫn  như  lò  lửa  sen
     Nguyên  vẹn  nơi  mình  xung  thiên  chí.
5/ Kiêm Trung Đáo:
不 落 有 無 誰 敢 和
bất lạc hữu vô thùy cảm hoà
人 人 盡 欲 出 常 流
Nhân nhân tận dục xuất thường lưu
折 合 還 歸 炭 裏 坐
Chiết hiệp hoàn quy thán lý tọa

        Chẳng  rơi  không  có  ai  dám hòa
        Người  người  trọn  muốn  vượt  dòng  thường
        Tan  hiệp  trở  về  ngồi  trong  tro.
 (Thích Thanh Từ dịch)
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông) 

1- Chánh Trung Thiên:
Đây là Thể Khởi Dụng, là cảnh tượng tưởng ngộ nhưng chưa ngộ, chưa tự tin, còn dư tập chưa chặt đứt.
2- Thiên Trung Chánh:
Đây là Dụng quay về Thể, là cảnh tượng sơ ngộ, tất cả đều tự hiện thành, ngộ là ngộ, không cần phải nghi, thâm nhập thức 
tâm.
3- Chánh Trung Lai:
Đây là có Thể không Dụng, đi vào chân không, phủ định tất cả trần cảnh, ngộ cảnh này không thể nói ra được bằng lời, chỉ có thể dùng tâm mà chứng.
4- Thiên Trung Chí:
Đây là Thể và Dụng cùng tới, là cảnh ngộ đoạn trừ tất cả phiền não, hiểu rằng Thể Dụng là một, có cảm giác siêu nhiên ngoài vật.
5- Kiêm Trung Đáo:
Đây là Thể Dụng đều tịch, là cảnh tượng Hữu và Vô đều không chấp.

506  Đạt Ma giảng tâm.
Có hành giả hỏi tổ Đạt Ma:
- Nếu không lập văn tự, lấy gì làm tâm?
- Ngươi hỏi ta, đó là tâm ngươi; ta trả lời ngươi tức là tâm ta. Nếu ta không tâm thì lấy gì trả lời ngươi? Nếu ngươi không tâm thì lấy gì hỏi ta? Hỏi ta tức là tâm ngươi, từ vô thủy đến nay bất cứ lúc nào, chỗ nào đều là bản tâm của ngươi, bản Phật của ngươi. Tâm là Phật. Ngoài tâm này không có Phật nào khác. Phật là tiếng Tây Trúc, nơi đây (Trung Hoa) gọi là giác tánh. Giác là linh giác ứng cơ tiếp vật; dương mày chớp mắt, động tay, động chân đều là tánh của linh giác. Tánh tức tâm, tâm tức Phật, Phật tức Đạo, Đạo tức Thiền. Thiền không thể dùng phàm thánh đo lường được. Thấy bản tánh là Thiền. Nếu không thấy bản tánh thì không phải là Thiền vậy. (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Từ lời nói trên của tổ sư, chúng ta thấy rằng Tâm, Phật, Đạo, Thiền tuy bốn mà một. Mục đích duy nhất của Thiền là thấy bản tánh. Động, nói, nhìn, nghe, ngửi, nếm, giác, biết đều là tự tánh khởi dụng. Nhưng phàm phu bị thức tâm chi phối cho nên không thấy tự tánh. Tiểu thừa thì rơi vào không tịch, đặt chân tâm vào chỗ vô dụng. Nếu có thể sanh tâm nhưng không trụ, có thể, có dụng, không rơi vào không, hữu thì đó mới là Tâm Linh Giác vô nhiễm. Ngộ Tánh Luận nói:
- Phàm phu sanh tâm gọi là Hữu, Tiểu Thừa diệt tâm gọi là Vô. Phật và Bồ Tát chưa hề sanh tâm hay diệt tâm, nên gọi là phi hữu, phi vô tâm, là trung đạo vậy.

507  Duy Ngã ĐộcTôn.
Vân Môn có một lần kể lại: 
Thế Tôn lúc sanh ra một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, đi bẩy bước nói rằng:
" Trên trời, dưới trời chỉ có ta là hơn cả." Lúc đó, nếu ta thấy vậy liền dùng gậy đánh chết, vứt cho chó ăn thì thiên hạ được thái bình.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Thiền tông để phá trừ tướng Phàm Thánh, mắng Phật, mắng Tổ, coi thường như ăn cơm hàng bữa. Người nói lời độc địa nhất là Vân Môn. Câu nói của Thế Tôn là chỉ Pháp Thân, tuyệt đối đãi, ngoài ngã này không có một vật nào khác, còn gọi là Đại Ngã. Nếu không hiểu nghĩa này và cho đó là tiểu ngã Tất Đạt Đa (nếu ngài có tư tưởng độc tôn này) thì ngài đã có phàm thánh phân biệt. Chỉ những thiền sư đã chứng ngộ mới hiểu được, nếu như chỉ là Thiền ngoài miệng, do thức tâm mà phát ra lời mắng chửi, thì đó là pháp sanh diệt, còn rơi vào vòng nhân quả. Thiền tông có tinh thần siêu Phật, vượt Tổ, do đó không lập Phật Điện chỉ có Pháp Đường, mọi chỗ đều biểu thị tác phong bình đẳng khiến mọi người không có lòng tự ty, không mất đi tín niệm "Tức Tâm Tức Phật"; cũng không có lòng cống cao ngã mạn khinh thị người sơ học, mạt học không thể tinh tiến. Cả hai đều là chướng ngại. Có người cho mắng Phật, mắng Tổ là ung bướu của Phật Giáo. Đó là lấy thế pháp luận xuất thế pháp. Chúng ta có thể nói những người này là không có đầu óc. Nếu một người đã đọc qua kinh sách Phật quyết không có những lời vọng ngữ này.

508  Đồng tử rót trà.
Có một vị hòa thượng dẫn một đồng tử đến thăm Thuận Đức, thưa rằng:
- Đồng tử này thường hay hỏi Phật pháp, thỉnh thiền sư khảo nghiệm.
Thiền sư bèn bảo đồng tử rót trà. Đồng tử mang trà lại, thiền sư uống xong đưa chén trà cho đồng tử. Đồng tử bước lên đón. Thiền sư rụt tay lại hỏi:
- Còn nói được không?
- Xin thầy cứ hỏi!
Hòa thượng không nhịn được, xen vào hỏi:
- Thiền sư, không biết kiến giải của đồng tử thế nào?
- Chẳng qua chỉ là một ông tăng giữ giới. 
(Thiền Cơ)

Đối với Thiền tông điều quan trọng nhất là kiến tánh. Đối với các tông giáo khác của Phật giáo thì điều quan trọng nhất là giữ giới luật. Kiến tánh và giữ giới chẳng có liên quan gì đến nhau. Khi Thiền sư hỏi "Còn nói được không?" Đồng tử trả lời "Xin thầy cứ hỏi.” Kỳ thực, bản lai diện mục lại còn cần người khác hỏi mình sao? Do đó, kết quả cuộc khảo nghiệm là "Chỉ là một ông tăng giữ giới.”

509  Quy Tông.
Giang Châu Quy Tông Khả Tuyên thiền sư sau khi ngộ đạo, trú ở Quy Tông, gập lúc Quách Công Phủ nhận chức quan thú ở Nam Xương. Hai người qua lại rất thân. Thiền sư bị quận thú sở tại áp bức, viết thư cho Quách Công Phủ:
- Đời này ta còn có duyên với ông sáu năm, nay bị quận thú áp bức, sẽ thác sinh vào nhà ông nếu ông thấy không có gì trở ngại.
Công Phủ vui vẻ gật đầu. Đêm đó phu nhân nằm mơ thấy thiền sư vào màn, thất thanh kêu lên:
-  Đây không phải là chỗ hòa thượng vào được!
Công Phủ lay tỉnh và gạn hỏi. Phu Nhân kể lại giấc mộng. Công Phủ cười lấy thư cho xem. Phu nhân sau đó quả nhiên mang thai, khi sanh đặt tên là Tuyên Lão. Lớn lên nhớ rõ chuyện cũ. Sáu năm sau không bệnh mà mất. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Chuyện đầu thai có được nghe, nhưng đính ước trước khi đầu thai, sau khi sanh ra lại nhớ rõ truyện trước thì thật là hiếm, chỉ trừ những bậc đạt đạo mới có thể tự do như vậy.

510  Đạo chính ở công việc bình thường hàng ngày.
Đạo Khiêm khi chưa khai ngộ, tu học với Đại Huệ ở núi Kinh Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang. Có một lần, Đại Huệ sai Đạo Khiêm mang một phong thư đến Trường Sa ở Hồ Nam. Lúc đó, giao thông bất tiện, từ Chiết Giang đến Hồ Nam đường xá xa xôi chỉ nhờ vào đôi chân, gian khổ thấy rõ. Đạo Khiêm rầu rĩ nhưng không giám trái lệnh, chỉ than thở:
- Ta tham thiền đã 20 năm rồi mà chưa ngộ, nay lại phải bôn ba trên đường, coi bộ việc tu hành đành bỏ.
Một đạo hữu là Tông Nguyên nghe được bèn an ủi:
-  Đạo huynh đừng sợ, cứ đi đi, ta sẽ đi cùng với huynh cho có bạn.
Đạo Khiêm bất đắc dĩ phải lên đường. Đi được vài ngày không nhịn được, khóc với Tông Nguyên rằng:
- Ta một đời tham thiền, chưa thấy được gì, giờ lại phải bôn ba, làm sao ngộ đạo?
Tông Nguyên bèn nói:
- Ta đề nghị đạo huynh từ bây giờ bỏ hết những kiến thức đọc trong sách vở, những gì nghe được từ những vị thiền sư Viên Ngộ, Đại Huệ, cả những kinh nghiệm ngồi thiền trong 20 năm qua đều bỏ hết đi. Trên đường đi, có chuyện gì ta đều làm cho. 
Đạo Khiêm rất vui mừng không ngờ lại có chuyện may như thế vội đáp:
- Tốt quá! Mọi chuyện phiền huynh giúp giùm.
Tông Nguyên lại nói:
- Chỉ có 5 chuyện ta không thể giúp cho đạo huynh được, mà huynh phải tự làm đó là: mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu, đi đường.
Đạo Khiêm nghe nói giản dị như vậy, bất giác khoa chân, múa tay nói:
- Chuyện lúc trước: sở học, sở tu ta không quản nữa, bây giờ chỉ như vậy tới Trường Sa.
- Tốt lắm! bây giờ sư huynh có thể tự mình đến Trường Sa, ta phải trở lại Kinh Sơn.
Nửa năm sau, Đạo Khiêm từ Trường Sa trở về Kinh Sơn, Đại Huệ trông thấy, hoan hỉ nói rằng:
- Mừng cho ngươi, chuyến này đã thay đổi cả con người.
 (Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Tông Nguyên dụng tâm đối bệnh cho thuốc thực là cao minh. Kỳ thực Đạo Khiêm tham thiền 20 năm mà chưa ngộ vì không bỏ được Tri Thức. Một khi bỏ được, từ những sinh hoạt bình thường hàng ngày mà thể ngộ. Dần dần, cơ duyên chín mùi chỉ cần một người chỉ cho thì ba cửa đều không, tự mình xúc duyên mà ngộ, đó không phải là chuyện khó khăn. Việc sinh hoạt phải tự mình, ngộ đạo cũng không thể do người. Điều trọng yếu là dùng tâm bình thường mà sinh hoạt, không tu mà tu.

511  Nam Tuyền bác bỏ tu sĩ và cư sĩ.
Một ông tăng trẻ đến gập Nam Tuyền nhưng không vái chào theo thường lệ. Nam Tuyền phê bình:
- Ngươi quá cư sĩ!
Ông tăng bèn chắp hai tay lại vái chào, Nam Tuyền bảo:
- Ngươi quá tu sĩ!
Ông tăng không biết sau đó phải làm sao. Một thiền sư khác khi nghe được chuyện này bèn nói:
- Nếu ta là ông tăng đó, ta sẽ buông thõng hai tay và lui ra. 
(Zen Koans)

Những người trẻ thường hay phá phách, những thiền sinh trẻ ngày xưa cũng không ngoại lệ. Ông tăng trẻ trên thử thách thầy không theo sự chào hỏi thường lệ. Ông ta nghĩ rằng ông ta có thể tự do làm bất cứ việc gì không bị trói buộc bởi luật lệ. Nhưng sự tự do khác với tự do đối với một sự gì. Con người từ khởi thủy đã tự do, chỉ vì chấp nên bị trói buộc. Nếu một người không chấp vào một cái gì cả thì không bị trói buộc. Lúc đó luật tắc không bao giờ làm phiền ông. Đến và đi, vái chào hay thối lui không có gì khác biệt đối với người tự do.

512  Giảng pháp.
Thiền sư Nghĩa Trung lên giảng đàn. Một cư sĩ bước ra rồi đi từ Đông sang Tây. Một ông tăng cũng bước ra và đi từ Tây sang Đông.
Nghĩa Trung bảo:
- Cư sĩ hiểu thiền, còn ông tăng thì không.
Cư sĩ bước lại gần thiền sư và nói:
- Con cám ơn Thầy đã chấp nhận.
Trước khi dứt lời, ông đã bị thiền sư đánh một gậy.
Ông tăng lại gần và thưa:
- Xin Thầy chỉ dạy.
Ông cũng bị thiền sư đánh một gậy.
Nghĩa Trung hỏi:
- Ai kết luận công án này?
Đại chúng không ai trả lời được. Thiền sư hỏi thêm hai lần nữa nhưng vẫn không có một câu đáp.
- Vậy, để ta.
Thiền sư ném thiền trượng xuống đất và trở về phòng. 
(Zen Koans)

Phương cách truyền pháp của Thiền tông là lấy Tâm ấn Tâm, luôn luôn giản dị và trực tiếp,mặc dầu nó có vẻ kỳ lạ và phi lý. Cư sĩ và ông tăng đều diễn tả sự hiểu biết của mình. Thiền sư bảo cư sĩ hiểu còn ông tăng thì không. Nhưng khi cư sĩ cám ơn, ông bị đánh vì chấp vào sự chấp nhận. Ông tăng lo tìm sự giác ngộ cũng bị đánh. Thiền sư không bao giờ ngần ngại nghiền nát sự chấp trước của thiền sinh vì phần lớn những rắc rối và đau khổ của cuộc đời đều do chấp trước. Chấp vào sự thuận lợi là tham, chấp vào điều nghịch là sân và nguyên nhân của chấp là si. Tham, sân, si là ba chất độc của cuộc đời.

513  Trị sự tăng.
Hưu Tĩnh là một ông tăng trị sự của Thiền viện Lạc Phổ. Một hôm ông ra lệnh:
- Chư tăng từ hàng đầu đến hàng giữa ra đồng làm việc, những hàng còn lại lên núi nhặt củi.
Viện chủ hỏi:
- Còn Văn Thù thì sao?
- Lệnh của con chỉ áp dụng cho chư tăng, còn Văn Thù không ăn nhậu gì đến chuyện này.
Về sau, Viên Ngộ phê bình đoạn đối thoại trên như sau:
- Nếu ta bị Viện chủ hỏi vậy ta sẽ trả lời: Đạo giống như cái gương, không động nhưng phản chiếu tất cả những gì tới nó. 
(Zen Koans)

Trong các Thiền đường thường có tượng hay tranh của Văn Thù hoặc Bồ Đề Đạt Ma. Khi Hưu Tĩnh phân chư tăng thành hai nhóm để làm việc cho có hiệu quả, Viện Chủ hỏi còn Văn Thù thì làm gì? Hưu Tĩnh trả lời Văn Thù làm việc của ngài, như mặt trời chiếu sáng. Là vị trị sự tăng, ông phân phối công việc cho chư tăng không liên quan gì đến Văn Thù. Mỗi người làm việc riêng của mình không vì bổn phận hay kiêu hãnh. Một cây thông mọc ở ghềnh đá phô bầy những lá xanh trong tuyết. nó không có ý định trình diễn vì lá xanh là biểu thị đời sống của  nó. Ở Nhật Bản cây Mận nở hoa vào tháng hai dù trời tuyết. Hoa mận nở dưới trời tuyết vì bản chất của nó như vậy chứ không phải là trình diễn sự bạo dạn. Như Viên Ngộ phê bình, Đạo giống như tấm gương phản chiếu. Nếu A tới thì nó phản chiếu A, nếu B tới thì nó phản chiếu B. Nó tác động khi có sự hiện diện của Nhân và Duyên. Không có tính nhân tạo hay ngã trong sự phản chiếu này. Thật tốt khi phản ánh sự vật như chính nó. Tấm gương của người ích kỷ phản ánh dục vọng và chấp trước. Vì Vậy, tấm gương phải nên phá bỏ rồi ta sẽ được 
hoàn toàn tự do.

514  Hậu tục tử.
Sau khi bị bà lão đuổi đi (Xem công án 227) ông tăng đi khất thực ba năm, sau đó lại quay về xin bà lão cho nhập thất. Ít năm sau, cô gái cũng y theo lần trước ôm lấy ông và hỏi:
- Thầy thấy thế nào?
Ông tăng đáp:
- Trời biết, đất biết, cô biết, ta biết nhưng đừng nói cho bà lão biết.
Bà lão nghe được câu nói ấy rất mừng nói với ông tăng rằng:
- Mừng thầy đã ngộ! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Câu nói trước của ông tăng (công án số 227) chỉ sự thanh bạch, không nhiễm bụi trần là một vị Liễu Hạ Huệ khó kiếm. Câu nói trong công án này chỉ tâm nội chứng. Trời biết, đất biết chỉ không linh giác tánh, đừng nói cho bà lão là chỉ không thể nói được.

515  Giận dữ.
Thản Sơn tính tình phóng lãng không câu nệ tiểu tiết, uống rượu, hút thuốc đều chẳng từ. Vân Thăng trái lại rất trang trọng, ít khi nói cười. Một hôm, Thản Sơn đang uống rượu trong phòng, gập lúc Vân Thăng đi qua, Thản Sơn bèn mời Vân Thăng cùng uống. Vân Thăng cự tuyệt. Thản Sơn bảo:
- Ngay rượu cũng không uống, thật chẳng giống người!
- Ngươi dám chửi người sao?
- Ta không chửi ngươi!
- Ngươi vừa nói rượu cũng không uống thật chẳng giống người, đó không phải là chửi ta sao?
- Ngươi thật chẳng giống người!
- Được, ngươi chửi ta chẳng giống người, vậy giống gì ngươi hãy nói mau!
- Giống Phật. 
 (Thiền, Sinh Hoạt Đích Vi Tiếu)

Giận dữ làm người ta mất bình tĩnh, không thể suy nghĩ, không thể đè nén mình. Do đó, các thiền sư rất coi trọng tu sửa giận dữ.

516  Củ cải Trấn Sơn nặng ba cân.
Có ông tăng hỏi Thủ Sơn:
- Thế nào là Tâm của Cổ Phật?
- Củ cải Trấn Châu nặng ba cân. 
  (Thiền Cơ)

Tâm của Cổ Phật chỉ tự tánh. Tự tánh ở đâu cũng có, Trấn Châu, củ cải, ba cân đều là tự tánh.

517  Bồn hoa sen.
Văn Ích sai một ông tăng đi lấy đất cho thêm vào bồn sen. Ông tăng lấy đất đem về. Văn Ích hỏi:
- Ngươi lấy đất ở phía Đông hay phía Tây cầu?
- Ở phía Đông.
- Là chân thật hay là hư vọng? 
(Thiền Cơ)

Nói phía Đông cầu, phía Tây cầu là có sai biệt. Ở hiện tượng giới sự sai biệt này là thực, nhưng ở bản thể giới sai biệt là hư vọng.

518  Giải thoát.
Càn Phong hỏi đại chúng:
- Phải có con mắt nào để thoát khỏi lục đạo luân hồi?
(Zen Koans)

Những chúng sanh nào chưa giác ngộ đều phải luân hồi trong sáu đường Địa Ngục (Khổ), Ngạ Quỷ (Tham), súc sanh (Si), Atula (sát), Người (sướng, khổ), Trời  (chỉ có sướng) Đường thứ bẩy là Phật giới (không còn khổ nữa). Càn Phong hỏi Đại chúng các người phải luân hồi trong lục đạo có con mắt nào? Họ không có mắt. Lòng si mù quáng làm họ sống trong tham lam và đau khổ. Thiền dạy thực tại vượt lên lý luận. Sự việc đơn giản là không có tốt hay xấu. Mỗi đường có một con mắt riêng. Thế giới Atula có con mắt hiếu sát, súc sanh có con mắt ngu si.  Con mắt của người nông phu là trồng trọt, của thương gia là buôn bán. Những con mắt này là trở ngại, phải quên đi. Tình yêu chân thật phải quên chữ tình yêu. Lửa thì nóng, nước đá thì lạnh; ta bà là niết bàn; niết bàn là ta bà (không có sự giác ngộ ngoài cuộc đời). Con mắt thiền là nhìn sự vật như chính nó, không yêu, không ghét, không có kẻ thù, không có đồng minh.

519  Chuyện khó.
Chuyện  khó  mới  thấy  tâm  trượng  phu.
Tuyết  ngưng mới  hay  tùng  bách  nhẫn.
(Hư Đường Lục)

Khi gập trường hợp khó khăn, con người mới phát huy được tiềm lực của mình cũng như sau cơn phong ba bão tuyết mới thấy được sức chịu đựng của cây tùng, cây bách.

520  Dỡn sư tử.
Dược Sơn hỏi Vân Nham:
- Nghe nói ngươi biết dỡn sư tử phải không?
- Phải.
- Dỡn mấy xuất?
- Sáu xuất.
- Ta cũng dỡn được.
- Mấy xuất?
- Một xuất.
- Một là sáu, sáu là một. 
( Thiền Cơ)

Sư tử chỉ tự tánh, sáu xuất chỉ sáu căn. Nhà có sáu cửa hay một cửa thì cũng vậy, đều ra vào được.

521  Đo nước.
Một hôm, Triệu Châu đến thăm giảng đường Thù Du. Ông cầm 
gậy thượng đường, nhìn từ Đông sang Tây rồi từ Tây sang Đông. Thù Du hỏi:
- Ngươi làm gì vậy?
- Ta đang đo nước.
- Ngay đến một giọt nước còn không có thì đo cái gì?
Triệu Châu dựng gậy vào tường và bỏ đi. 
(Zen Koans)

Triệu Châu đến thăm Thù Du để thử sự hiểu biết của ông này. Ông đo bề sâu của tâm Thù Du. Lời trách cứ của Thù Du hay, nhưng ông tỏ ra hãy còn vướng ở trong có và không. Triệu Châu ra đi tự do như khi ông tới.

522  Thường thức.
Cá nhỏ nuốt cá lớn.
 (Ngũ Đăng Hội Nguyên)

Đối với kẻ phàm phu tục tử nghe câu nói trên nhất định là ôm bụng mà cười. Lấy thường thức mà phán đoán thì chuyện này không thể nào xẩy ra được. Nhưng thiền lý thường đột phá thường thức, vượt lên thường lý để thấy ánh sáng chói lọi của thiền đạo. lật ngược thường thức có thể thấy sự tồn tại của thiền. Lớn nhỏ bất quá chỉ là sự so sánh tương đối, nếu lấy con mắt đạo mà nhìn thì to nhỏ chỉ là một, làm gì có sai biệt.

523  Trí Thông.
Một hôm, Trí Thông đang ngồi tham thiền bỗng nhiên cười ha hả. Hôm sau bạn đồng tu hỏi:
- Hôm qua sao tự nhiên lại cười lớn thế làm chúng tôi đều bị tỉnh giấc?
- Ta khai ngộ rồi!
- Ngộ cái gì?
- Ngộ rằng sư cô nguyên lai là người nữ.
Ông lại làm bài kệ: 
舉 手 攀 南 斗
Cử thủ phan nam đẩu
回 身 依 北 辰
Hồi thân y bắc thần
出 頭 天 外 看
Xuất đầu thiên ngoại khán
誰 是 我 般 人
Thùy thị ngã bàn nhân
Giơ  tay  với  Nam  Đẩu
Xoay  mình  dựa  Bắc  Thần
Ta  hạng  người  chi  đó?
Ngoài  trời  nhìn  trân  trân. 
 (Sinh Hoạt Thiền)

Bất cứ một sự việc gì cũng đều là Phật tánh lưu lộ. Trong sư cô cũng có Phật tánh chí thiện, chí mỹ.

524  Khẳng Đường Ngạn Sung.
Đời Minh, Khẳng Đường Ngạn Sung đọc công án Niêm Hoa Vi Tiếu bèn nói:
- Thế Tôn chẳng nói mà nói, Ca Diếp chẳng nghe mà nghe.
Sau đó lại làm hai câu kệ:

水 流 黄 葉 來 何 處
Thủy lưu hoàng diệp lai hà xứ
牛 帶 寒 鴉 過 遠 村
Ngưu đái hàn nha quá viễn thôn
                      Nước  chẩy  cuốn  lá  vàng  từ  đâu  tới?
                     Trâu  đưa  quạ  lạnh  về  thôn  xa. 
(Sinh Hoạt Thiền)

Không nói mà nói vì chân lý không thể diễn tả ra bằng lời, và vì tất cả đều không, dù có nghe được thì cũng là không. Vì vậy Ca Diếp chẳng nghe mà nghe. Lá vàng ở trong nước, theo dòng nước mà trôi đi, xin hỏi lá vàng từ đâu tới? Quạ thường đậu ở trên lưng trâu, khi mục đồng dẫn trâu về nhà thì cũng dẫn luôn quạ về. Lá vàng tượng trưng cho chân lý tuyệt đối. Xin hỏi chân lý tuyệt đối từ đâu lại? Vấn đề này câu kệ thứ nhì giải đáp cùng một dạng. Trâu và quạ đều chỉ chân lý tuyệt đối, từ đây dẫn về thôn xa, nói cách khác chân lý không đâu không có.

525  Tâm thủy tinh.
無 來 無 去 本 湛 然
Vô lai vô khứ bản trạm nhiên
不 居 內 外 及 中 間
Bất cư nội ngoại cấp trung gian
一 顆 水 精 絕 瑕 翳
Nhất khỏa thủy tinh tuyệt hà ế
光 明 透 出 滿 人 間
Quang minh tú xuất mãn nhân gian.
Không  đến,  không  đi  vốn   lặng yên
Chẳng  ở  trong,  ngoài,  chẳng  trung  gian.
Một  trái  thủy  tinh  không  tỳ  vết
Chiếu  soi  khắp  cả  cõi  nhân  gian.
(Xả Đắc)
(Nhất Vị Thiền, Quyển Hoa)

Câu 1 và 2 chỉ tự tánh, không đầu không cuối, không đến không đi, sung mãn khắp sơn hà đại địa, vượt lên cả không gian và thời gian.
Câu 3 và 4: Xả Đắc khuyến khích chúng ta trong cõi đời vô minh bị ngũ trọc ô nhiễm, hãy bồi dưỡng một cái tâm thủy tinh, để tự thanh lọc mình và người khiến cho tự tánh được phát sáng.
 Xả Đắc cùng Hàn Sơn, Phong Can được người đương thời gọi là Quốc Thanh Tam Ẩn (ba người ở ẩn ở Quốc Thanh Tự). 

526  Tự kỷ.
Có ông tăng hỏi Đại Tùy Pháp Chân:
- Thế nào là tự kỷ của con?
- Là tự kỷ của ta.
- Thế nào là tự kỷ của Thầy?
- Là tự kỷ của ngươi. 
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Cách trả lời của Đại Tùy trong Thiền học gọi là Trùng Phục Ấn Chứng. Đại Tùy bảo ông tăng hỏi người chẳng thà hỏi mình, cũng như mình còn đói lại phải hỏi người rồi mới xác định được là mình chưa no ư? Ông tăng hỏi "Thế nào là tự kỷ của con?" là hỏi "bản lai diện mục của con là gì?"
Hai câu trả lời của Đại Tùy "tự kỷ của ta", "Tự kỷ của ngươi " là bảo ông tăng chính cái hỏi và đáp là nó, không hai, không khác.

527  Đạo.
Có người hỏi Vân Môn:
- Thế nào là Đạo?
- Bỏ.
- Bỏ cái gì?
- Bỏ tà làm chánh. 
(Thiền Viên)

Đó chính là diễn tả câu "Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô.” Vô là Đạo, là Phật, là Thiền. Vô cũng vì " tổn chi hựu tổn" nhân bỏ mà được. Thiền là văn hóa hình tròn không phải văn hóa đường thẳng. Văn hóa hình tròn là đi rồi lại quay, đắc Đạo thành Phật rồi lại quay lại cứu độ chúng sanh. Văn hóa đường thẳng là đi rồi không bao giờ quay trở lại, đắc đạo thành Thần rồi liền ở mãi trên cao. 

528  Bí truyền.
Một ông tăng hỏi Ba Lăng:
- Thế nào là sự bí truyền ở Đông Độ và Tây Thổ?
- Có phải ngươi dẫn lời của Tam Tổ không?
- Không, đó là lời của Tín Tâm Minh.
- Lỗi của ta, ta thật lẩm cẩm. 
(Zen Koans)

Từ khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, sự giác ngộ đã được truyền bằng cách ấn tâm từ thế hệ này sang thế hệ tiếp ở Ấn Độ (Tây Thổ) và ở Trung Hoa, Nhật Bản (Đông Độ). Thật ra sự bí truyền này là gì? Xuân tới hoa nở. Thu tới lá vàng. Mặt trời mọc ở phương Đông mỗi buổi sáng và lặn về phương Tây mỗi buổi chiều. Nước tự nhiên chẩy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Đây là sự bí truyền ở Đông Độ và Tây Thổ. Nó không có gì là bí mật cả. Nó là sự hiểu biết về chân lý. Nhiều học giả, nhà thần học, tăng sĩ quá chú trọng về những lời nói, lý thuyết; họ không nhìn thực tại. Ba Lăng không đãng trí hay quên, ông cố chỉ cho ông tăng thấy sự quan trọng của cái nhìn trực tiếp về cuộc đời.

529  Đọc kinh.
Một hôm, Triệu Châu hỏi một ông tăng:
- Một ngày ngươi đọc bao nhiêu kinh?
- Bẩy, tám hay mười quyển.
- Ngươi còn chưa biết đọc kinh.
- Thầy một ngày đọc bao nhiêu kinh?
- Mỗi ngày chỉ đọc một chữ.
 (Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Thiền ở chính ngay thân mình, chẳng phải cầu bên ngoài.

530  Sư Tử Liễu Nghĩa.
Liễu Nghĩa đã ăn chay từ nhỏ, 17 tuổi nghe danh Cao Phong Nguyên Diệu bèn đến tham phỏng. Cao Phong bảo ông tham câu "Vạn pháp trở về một.” Một hôm Liễu Nghĩa thấy tuyết đọng trên cây tùng có chút tỉnh ngộ bèn làm bài kệ dâng lên Cao Phong:
大 地 山 河 一 片 雪
Đại địa sơn hà nhất phiến tuyết
太 陽 一 出 便 無 蹤
Thái dương nhất xuất tiện vô tung
自 此 不 疑 諸 佛 性
Tự thử bất nghi chư Phật tánh
更 無 南 北 與 西 東
Cánh vô Nam Bắc dữ Tây Đông
Núi  sông  phủ  tuyết  trắng  một  sắc
Mặt  trời  rọi  sáng  thảy  đều  tan
Từ  đó  Phật  tánh  hết  nghi  nan
Chẳng  còn  phân  Đông,  Nam, Tây, Bắc
(Ngộ Không dịch)

Cao Phong chẳng nói một lời, giơ gậy đánh, đánh đến nỗi Liễu Nghĩa ngã nơi sườn núi, bị trọng thương gần chết. Trải qua 7 ngày Liễu Nghĩa bỗng nhiên đại ngộ, kêu lên:
- Lão hòa thượng, hôm nay chẳng thể che dấu con được nữa.
Cao Phong bèn cấp ấn khả. 
(Hảo Tuyết phiến phiến)

Việc ngã dưới sườn núi đối với sự cầu ngộ vẫn còn sai một bước, cho thấy ngộ thiền không phải là dễ.

531  Giám, Di của Vân Môn.
Vân Môn thường nói với học nhân "Giám" khi học nhân định trả lời , Vân Môn lại nói "Di.” Người sau gọi là Cố, Giám, Di, lại có bài kệ:
相 見 不 揚 眉
Tương kiến bất dương mi
君 東 我 亦 西
Quân Đông ngã diệc Tây
紅 霞 穿 落 月
Hồng hà xuyên lạc nguyệt
白 日 繞 須 彌
Bạch nhật nhiễu tu di.
Gập  nhau  chẳng  dương  mi
Đông,  Tây  ta  người   đi
Sương  hồng  che  trăng  lặn
Bạch  nhật  nhiễu  Tu  Di.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Cố, Giám, Di là 3 giai đoạn có tác dụng khác nhau:
1- Cố: đề tỉnh sự chú ý của học nhân, khiến học nhân chú ý lắng nghe lời chỉ thị, hàm ý pháp "chỉ.”
2- Giám: tương đương với chữ quán trong quán tâm, là bảo học nhân trực quán tự tánh. Cũng có nghĩa bảo học nhân tham cứu. Sau khi nghe chữ Giám, học nhân định trả lời, ta sẽ có hai trường hợp: một là không hiểu mở miệng hỏi, hai là nói ngộ cảnh của mình để cho Vân Môn chứng cho. Nhưng chữ Giám của Vân Môn không thể giảng được, giảng ra là xúc phạm. Vì vậy Vân Môn ngăn không cho mở miệng.
3- Di: tác dụng của chử Di là chỉ "chẳng dương mi" trong bài kệ, là chỉ không rơi vào pháp sanh diệt. Nếu có hành động (dương mi) đều là pháp sanh diệt, tức là có phân biệt Thể, Dụng là sai Đạo. Sương hồng, bạch nhật là Vân Môn chỉ tánh cách của tự tánh, chiếu sáng khắp hư không.

532  Ngộ Đạt quốc sư.
Đời Đường quốc sư Ngộ Đạt (Tri Huyền thiền sư) làm bài kệ:
花 開 滿 樹 紅
Hoa khai mãn thụ hồng
花 落 萬 枝 空
Hoa lạc vạn chi không
唯 餘 一 朵 在
Duy dư nhất đóa tại
明 日 定 隨 風
Minh nhật định tùy phong
Hoa  nở,  khắp  cây  hồng
Hoa  rụng,  vạn  cành  không
Chỉ  còn  lại  một  đóa
Ngày  mai  theo  gió  tung.
(Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Bài kệ mô tả tánh cách vô thường của vạn vật.

533  Phó Đại Sĩ và Lương Võ Đế. (I)
Thời đại Phó Đại Sĩ tương đương với thời Đạt Ma tổ sư đến Trung Hoa. Hành vi, cử chỉ của ông rất kỳ dị, khác người. Một hôm, ông đến thăm Lương Võ Đế, đầu đội mũ đạo sĩ, mình mặc áo cà sa, chân đi dép nho sĩ. Võ Đế thấy ông ăn mặc kỳ quái bèn hỏi:
- Thầy là ông tăng sao?
Ông bèn chỉ mũ.
- Thầy là đạo sĩ sao?
Ông chỉ xuống dép.
- Vậy thầy là người tục?
Ông chỉ cà sa. 
(Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Trong câu chuyện này Phó Đại Sĩ muốn diễn tả Thiền Tâm không phải do bên ngoài mà thấy. Thiền gồm cả Nho, Thích, Đạo. Nó có Tuệ giải của Nhà Phật, vô vi của Nhà Đạo, tinh thần nhập thế của Nhà Nho. Ăn mặc chỉ là hình thức. Thiền vượt lên mọi hình thức.

534  Phó Đại Sĩ và Lương Võ Đế. (II)
Một hôm Phó Đại Sĩ đang giảng kinh, Lương Võ Đế đến thăm. Đại chúng đều đứng dậy nghênh đón, chỉ có Phó Đại Sĩ ngồi yên không động. Cận thần của Hoàng Đế hỏi:
- Hoàng đế giá lâm vì sao thầy không đứng dậy?
- Đất pháp nếu động, tất cả đều không yên.
(Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Dưới mắt Phó Đại Sĩ, Hoàng đế và người thường đều bình đẳng không hai. Có tâm bình đẳng thì mới coi người, trâu, cầu, nước chẩy đều là sự vật ảo hóa hà tất phải chấp trước.

535  Tô Khâm.
Tổ Khâm khi còn theo học với Kinh Sơn, có một vị đồng học là Tu thượng tọa. Tổ Khâm muốn thân cận ông nhưng không có cơ hội. Quá một năm, một hôm đang đi ở hành lang, trông thấy ông bèn lại gần hỏi:
- Năm ngoái muốn nói chuyện với ông, mà ông chỉ tránh tôi là sao?
- Người tu chân chánh, ngay cắt móng tay cũng không có thì giờ, nói gì đến cùng ngươi nói chuyện!
(Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Câu đáp thật hay. người tu hành chân chánh ngay thời gian cắt móng tay, móng chân còn không có làm gì có thời gian nói chuyện tầm phào?

536  Vá hư không.
Có một người làm nghề may vá tên là Hồ Đính Giảo đến tham phỏng Bảo Thọ. Bảo Thọ hỏi:
- Có phải ngươi là Hồ Đính Giảo, người may vá nổi tiếng không?
- Không dám, chính là tại hạ.
- Ngươi giỏi may vá như vậy, có cách nào vá hư không chăng?
- Xin thầy cứ xé rách hư không đi, con sẽ vá lại.
Bảo Thọ không nói một lời, giơ gậy đánh, Hồ Đính Giảo bị đau kêu lên:
- Thầy chẳng muốn phá hư không sao, sao lại đánh lầm con?
Bảo Thọ giận nói:
- Bây giờ ta không nói vì sao ta đánh ngươi. Sau này gập được ông thầy lắm mồm, ông sẽ nói cho ngươi rõ.
Hồ Đính Giảo không hiểu, đành từ biệt. Về sau gập được Triệu Châu bèn kể lại chuyện bị đánh. Triệu Châu hỏi ông:
- Ngươi có biết vì sao bị đánh không?
- Con không biết sai ở chỗ nào?
- Cái hư không của ngươi đã phá nát đường may của ngươi, bị đánh là đúng rồi!
Hồ Đính Giảo nghe rồi liền ngộ.
 (Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Bảo Thọ nhân Hồ Đính Giảo làm nghề may vá nên nói "Vá hư không" để khai thị cho ông. Khi Hồ Đính Giảo đắc ý bảo thiền sư phá hư không đi rồi mình sẽ vá lại là nhận rằng phải phá trước rồi mới sửa sau. Không ngờ thiền sư lại vác gậy đánh. Đả phá cái chấp ngoại tướng chính là đả phá hư không. Hồ Đính Giảo không hiểu nghĩa "Không", tự mình không sửa được ngã chấp làm sao sửa được hư không? May được Triệu Châu chỉ cho mà ngộ.

537  Hư Vân.
Hư Vân pháp sư có làm một bài kệ:
杯 子 撲 落 地
Bôi tử phác lạc địa
響 聲 明 瀝 瀝
Hưởng thanh minh lịch lịch
虛 空 粉 碎 也
Hư không phấn toái dã
狂 心 當 下 息
Cuồng tâm đương hạ tức
     虛 雲
     Hư Vân
Chén   nước  rơi  xuống  đất,
Tiếng  vọng  lên  rõ  ràng
Hư  không  đà  vỡ  nát
Cuồng  tâm  lập  tức  ngưng.
(Ngộ Không dịch)
 (Nhất Vị Thiền: Quyển Hoa)

Các thiền sư thường dùng hét, đánh để khai ngộ cho thiền sinh. 
Họ đã quan sát và thấu hiểu trình độ của thiền sinh tới đâu, còn chấp trước hoặc thiếu sót điều gì, cũng như lời của Khổng Minh nói với Chu Du trong trận Xích Bích "Muôn việc đủ cả, chỉ thiếu gió đông.” Điều trọng yếu là thiền sinh đã sẵn sàng chưa; nếu chưa thì dù thiền sư có giúp đỡ đánh, hét trăm lần, ném vỡ chén ngàn lần cũng vô ích thôi.

538  Cỗ cúng của Vân Môn.
Một hôm, trong buổi giảng pháp Vân Môn hỏi đại chúng:
- Các ngươi có muốn gập chư tổ không?
Trước khi mọi người kịp trả lời, ông giơ gậy lên trên đầu họ và nói:
- Chư tổ ở trên đầu các ngươi.
Lại hỏi tiếp:
- Các ngươi có muốn nhìn thẳng vào mặt họ không?
Ông chỉ xuống đất và nói:
- Họ đều ở dưới chân các ngươi.
Sau một lúc ông nói:
- Ta sửa lễ cúng họ, nhưng bọn quỷ đói chẳng bao giờ thỏa mãn. 
(Zen Koans)

Vân Môn là một vị thiền sư lớn, sáng tổ của dòng thiền Vân Môn, là thầy của hơn 90 vị thiền sư, là một thiền sư trí tuệ và có tài nói năng lưu loát. Ở đây, ông khuyên chúng ta nếu muốn biết tinh tủy của Thiền thì đừng tìm kiếm ở Ấn Độ, hay ở thời xưa. Hãy nhìn đây, ngay ở trên đầu chúng ta. Giác ngộ, niết bàn ở ngay dưới chân ta. Vân Môn làm cỗ cúng nhưng cô hồn chẳng bao giờ thỏa mãn vì họ không ăn được. Chúng ta nào khác gì lũ qủy đói, tìm kiếm Niết Bàn khi chúng ta đang ở trong đó.

539  Chân Hòa Thượng không thể dối.
Triệu Châu lúc còn nhỏ, theo học Nam Tuyền, có một lần dẫn câu nói của Nam Tuyền "Đạo không lìa vật, lìa vật không phải là Đạo"  đem hỏi Nam Tuyền:
- Cái Đạo siêu việt đó là gì?
Nam Tuyền giơ gậy đánh, Triệu Châu nắm lấy gậy nói:
-Về sau thầy nên cẩn thận, đừng đánh lầm người!
Nam Tuyền bèn khen Triệu Châu rằng:
- Rồng, rắn dễ phân biệt, chân hòa thượng không thể dối.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Kiến thức và đảm thức của Triệu Châu đều hơn người, chân hòa thượng không thể dối, chân thiền sư cũng không thể dối người.

540  Đánh Rắm.
Có một lần Tô Đông Pha, thi sĩ trứ danh đời Tống làm một bài thi tán Phật như sau:
稽 首 天 中 天
Khể thủ thiên trung thiên
毫 光 照 大 千
Hào quang chiếu đại thiên
八 風 吹 不 動
Bát phong xuy bất động
端 坐 紫 金 蓮
Đoan tọa tố kim liên.
Ta  nay  đảnh  lễ  trước  tòa  sen
Hào  quang  Phật  tổ  chiếu  khắp  miền
Tám  gió  dù  hung  tâm  chẳng  động
Phật  vẫn  ngồi  yên  giữa  thực,  mộng.
(Ngộ Không dịch)

Ý nói: ta lễ Phật tổ, hào quang của ngài có thể chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới. Tám gió thổi không động. (tám gió là: lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc) Phật ngồi ở trên liên hoa tòa, khám phá mưa gió ở thế gian. Tô Đông Pha viết xong bài thơ, rất tự hào, bèn sai thơ đồng đem qua sông cho Phật Ấn coi. Phật Ấn xem xong không nói một tiếng chỉ viết hai chữ "Đánh rắm" vào đằng sau bài thơ, bảo thơ đồng đem về cho Tô Đông Pha. Tô Đông Pha xem rồi, tức giận chịu không nổi, đang đêm đi thuyền qua sông kiếm Phật Ấn. Phật Ấn biết Tô Đông Pha không phải là người 8 gió thổi không động, nên viết vào mảnh giấy một hàng chữ dán ngoài cửa:
八 風 吹 不 動
Bát phong xuy bất động
一 屁 打 過 江
Nhất thí đả quá giang
Tám  gió  dù  hung,  tâm  chẳng  động
Chỉ  vì  phát  rắm  phải  qua  sông.
(Ngộ Không dịch)
Tô Đông Pha đến cửa Phương Trượng, chính mắt trông thấy, không dám gõ cửa, lại lên thuyền trở về.
(Sinh Hoạt Thiền)

Câu chuyện này cho chúng ta thấy phải buông bỏ 8 gió thì mới mong giải thoát được.
Thiền giả khi xử sự mọi việc phải giữ gìn không để cho hoàn cảnh dẫn dắt, không bị tham dục làm mê hoặc định tâm, không bị mạo phạm làm mất đi sự bình tĩnh. Đó mới gọi là Thiền Định.

541  Một nụ cười trong đời.
Mặc Nguyên không bao giờ mỉm cười cho đến chót đời. Khi sắp mất ông triệu tập đồ đệ lại và bảo:
- Các ngươi đã học với ta trên mười năm, hãy nói cho ta biết các ngươi hiểu Thiền như thế nào? Ai diễn tả được rõ ràng sẽ kế vị ta và được truyền y bát.
Mọi người nhìn bộ mặt khó đăm đăm của Mặc Nguyên nhưng không ai trả lời. Diên Trường, một đệ tử lâu năm bước đến gần và đẩy bát thuốc trên bàn cạnh giường về phía trước vài phân. Mặc Nguyên nghiêm mặt hỏi:
- Đó là tất cả sự hiểu biết của ngươi sao?
Diên Trường lại đẩy bát thuốc về chỗ cũ.
Mặc Nguyên mỉm cười rạng rở:
- Tên vô lại, ngươi đã học với ta trên mười năm mà chưa thực biết ta. Hãy nhận lấy y bát.
(Zen Koans)

Diên Trường đẩy bát thuốc về phía thầy biểu thị trong giây phút cuối cùng của thầy, ông không thể bàn về Thiền, ông chỉ muốn thầy sống. Khi nghe thầy hỏi, ông dời bát thuốc về chỗ cũ có ý nói "Nếu thầy cố nài con sẽ lấy lại thuốc, dù thầy có mất, xin đừng lo, con sẽ trông nom tự viện.”
Mặc Nguyên mỉm cười vì đã yên tâm về người kế vị.

542  Thần Tú.
Thần Tú từ nhỏ đã xem nhiều sách vở, sau quyết chí xuất gia, theo Ngũ tổ tu học, được Ngũ tổ rất trọng. Ngũ tổ có lần nói với ông:
- Ta đã độ cho nhiều người, nhưng có thể thông đạt, viên mãn quán chiếu thì không có ai sánh bằng ngươi.

Thần Tú tuy không được truyền y bát, nhưng vẫn phụng sự thầy cho đến khi Ngũ tổ mất. Về sau, ông về trú ở Giang Lăng Đương Dương Sơn. Danh tiếng truyền khắp thiên hạ. Nữ Hoàng đế Võ Tắc Thiên nghe danh, hạ chiếu vời vào cung. Khi kiệu ông vào tới cung, Võ Tắc Thiên hoàng đế quỳ ngay xuống đất nghênh đón, lại sai thiết lập đạo trường ở trong cung để cung dưỡng và thường đến hỏi đạo. Về sau, ông muốn trở lại Đương Dương Sơn, Võ Tắc Thiên lại sai lập chùa cho ông. Theo sách vở chép lại, các vương công đại thần và thứ dân hàng ngày đến tham học với ông cả vạn người. Ông có lưu lại bài kệ: 
一 切 佛 法
Nhất thiết Phật pháp
自 心 本 有
Tự tâm bản hữu
將 心 外 求
Tương tâm ngoại cầu
捨 父 逃 走
Xả phụ đào tẩu
Phật  pháp do  tâm
Tất  cả  đều  vậy
Tưởng  tìm  ngoài  tâm
Bỏ  cha  mà  chạy.

Năm 705, Võ Tắc Thiên và Trung Tông hạ chiếu vời Huệ Năng vào kinh thuyết pháp. Trong chiếu nói là do Thần Tú và Huệ An suy cử. Sự kiện này cho thấy Thần Tú là một người cởi mở, hoạt bát, không hề hận Huệ Năng mà còn kính phục nữa. Vào lúc vãn niên, danh vọng của Huệ Năng ở phương Nam lên cao, một đệ tử của Thần Tú là Thích Nghị xuống phương Nam tìm Huệ Năng để tranh biện lại còn nói:
- Huệ Năng một chữ cũng không biết thì có kiến thức gì?
Thần Tú nghe được chuyện này, bảo đồ đệ rằng:
- Huệ Năng được vô sư trí, thân ngộ thượng thừa ta chẳng bằng được. Vì vậy, thầy ta là Ngũ tổ mới thân truyền y pháp đâu để uổng phí? Ta hận vì thọ quốc ân, lại ở xa quá không thể thân cận mà học hỏi được!
(Hảo Tuyết Phiến Phiến)

Lời nói của Thần Tú khiến chúng ta cảm động. Từ ngàn năm qua, rất nhiều sách Thiền coi nhẹ và nói xấu Thần Tú. Thực ra, ông là một người đáng kính phục. So sánh hai bài kệ trình Ngũ tổ (xem công án 264) thì bài kệ của Thần Tú cho thấy ông ngừng lại ở "Hữu.” Ông nhận rằng Thiền có mục đích, có thể đạt được. Kỳ thực, lau chùi bụi bặm của tâm linh chỉ là quá trình không phải là mục đích. Mặc dầu muốn tâm linh an tịnh phải trải qua giai đoạn lau chùi, nhưng muốn được Bát Nhã, thì không thể chỉ dựa vào lau chùi mà được.
Bài kệ của Huệ Năng cao hơn Thần Tú vì ông giảng thật tướng của Bát Nhã, cho chúng ta biết Bát Nhã không thể gọi thành một danh tướng. Không thể nói là đài gương sáng, cây bồ đề hoặc nói là cái này, cái kia, hoặc bất cứ cái gì. Bát Nhã là tuyệt đối không tánh. Nếu muốn tìm Bát Nhã bằng cách lau chùi thì Bát Nhã không ở đó. Bởi vì tự tánh thanh tịnh khiến bụi trần không thể bám vào, vì vậy việc gì phải lau chùi?
Đốn pháp của Huệ Năng trở thành dòng Thiền chính khiến Tiệm pháp của Thần Tú bị im tiếng. Mặc dầu vậy, nhân cách và phong cách của ông khiến chúng ta phải ngưỡng mộ.

543  Châu Quang.
Thủy tổ của Trà Đạo Nhật Bản là Châu Quang. Ông là đệ tử của Nhất Hưu, thường hay bị ngủ gục, cảm thấy bất an bèn xin thầy thuốc chữa trị. Thầy thuốc khuyên ông nên uống trà, có thể trị được ác tập buồn ngủ. Ông nhận thấy uống trà phải có quy củ, do đó trà đạo được phát sinh.
Khi quy củ trà đạo đã hoàn thành rồi, Nhất Hưu hỏi ông:
- Ngươi lấy tâm cảnh nào khi uống trà?
- Lấy tâm cảnh uống trà lợi cho sức khỏe, mô phỏng Vĩnh Tây thiền sư trong tác phẩm "Uống trà dưỡng sinh ký.”
- Một ông tăng hỏi Triệu Châu "Đại ý của Phật pháp là gì?.” Triệu Châu đáp "Uống trà đi.” Đối với câu trả lời này ngươi thấy sao?
Châu Quang im lặng không đáp. Nhất Hưu sai thị giả bưng một chén trà lại cho Châu Quang. Khi Châu Quang cầm lấy chén trà, Nhất Hưu hét lên một tiếng và lấy tay hất chén trà trong tay Châu Quang rơi xuống đất. Nhưng Châu Quang vẫn đứng yên, sau đó hành lễ và cáo lui. Khi ông ra đến cửa Nhất Hưu gọi:
- Châu Quang!
- Dạ!
- Vừa rồi ta hỏi ngươi tâm đắc khi uống trà, nếu như không nói tâm đắc mà lấy vô tâm uống trà thì sao?
- Liễu lục, hoa hồng.
Nhất Hưu bèn thôi. 
(Thiền Tông Tọa Thạch Minh)

Từ đó Châu Quang cải biến tâm cảnh uống trà, hoàn thành trà đạo bao hàm thiền cơ trong đó. Không phải vì hứng thú, sức khỏe, khảo cứu trà đạo mà là thâm ngộ thiền diệu thú "Uống trà đi.” Câu nói đó bao hàm toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh.

544  Sau bức mành giấy.
Thiền sư Tiệm Nguyên ngồi đằng sau một bức mành giấy. Một ông tăng vào độc tham phải nhấc mành lên để chào thầy; ông nhận xét:
- Lạ thật!
Thiền sư nhìn ông im lặng sau đó hỏi:
- Ngươi hiểu không?
- Con không hiểu.
- Trước khi chư Phật xuất hiện, thế giới cũng như lúc này sao ngươi không hiểu?
Về sau, ông tăng đem chuyện này đi hỏi Thạch Sương. Thạch Sương khen ngợi Tiệm Nguyên:
- Tiệm Nguyên giống như một vị thầy dậy bắn cung, ông không bao giờ buông tên mà không trúng đích. 
(Zen Koans)

Phương pháp giảng dạy của Thiền là trực giác và không lời. Tiệm Nguyên im lặng và sau đó hỏi ông tăng có hiểu không. Ông tăng này phải là một ông tăng mới vào nghiệp lâm (?) vì ông không hiểu câu hỏi. Tiệm Nguyên có giải thích cho ông nói rằng ngay từ ban sơ vạn vật đã tự như. Khi Thạch Sương nghe được chuyện này ông nhận xét rằng Tiệm Nguyên đã chỉ pháp một cách trực tiếp nhưng ông tăng không hiểu. Đáng thương cho ông tăng, ông không thể thấy sự việc ở ngay trước mắt mặc dầu đã được thiền sư chỉ điểm. 

545  Cành cây.
Đời Đường, thiền sư Tuyết Phong một hôm ngắm một cành cây thấy rất đẹp bèn nhặt về dâng sư phụ là Đạo An, trên đề mấy chữ "Vốn tự nhiên, không đẽo gọt." Đạo An nhận được lễ vật, vừa thưởng thức, vừa khen đồ đệ:
- Bản sắc của người ở núi là không dùng đao búa.
(Thiền Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Người sinh hoạt trong chân không diệu hữu không tạo tác, không tham lam, không hư ngụy đó là tông chỉ tu hành lý "không" của nhà Phật.

546  Lương Khoan.
Lương Khoan cả đời tu Thiền, thành tựu rất cao. Khi trở về già, một hôm nhận được thư nhà cho biết cháu ngoại chẳng chịu làm ăn gì cả chỉ lo ăn uống chơi bời, không chóng thì chầy sẽ khuynh gia bại sản. Người nhà hy vọng ông trở về khuyên bảo cháu. Do đó, Lương Khoan từ ngoài ngàn dậm trở về quê. Đứa cháu ngoại cũng rất vui được gập ông cậu, và giữ ông ở lại nhà một đêm. Đêm đó, Lương Khoan cũng không hề dạy dỗ hay mắng mỏ gì cháu. Sáng hôm sau khi sắp đi Lương Khoan bảo cháu:
- Cậu đã già rồi, hai tay đều run rẩy, cháu có thể giúp cậu xỏ dép vào chân không?
Đứa cháu vui vẻ giúp cậu; lúc đó Lương Khoan mới nói:
- Cám ơn cháu, đấy cháu xem người già mỗi ngày mỗi yếu, cháu nên bảo trọng cho mình, lúc còn trẻ nên làm người tốt, làm tốt sự nghiệp.
 Lương Khoan nói rồi bỏ đi, một lời trách cũng không; vậy mà từ đó người cháu không còn tiêu pha xa xỉ nữa.
(Thiền Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Cái công phu của Lương Khoan đó là lòng khoan dung, chỉ cần hai ba câu là có thể cảm động đối phương, tạo nên kết quả tốt đẹp nhất.

547  Pháp Nhãn. 
Đời Đường, Pháp Nhãn Văn Ích là một vị thiền sư rất trọng sự tích cực thực tiễn. Một hôm có ông tăng hỏi:
- Thế nào là đạo làm người?
- Thứ nhất là dạy ngươi làm, thứ hai cũng kêu ngươi làm. 
(Thiền Sinh Mạng Đích Vi Tiếu)

Mỗi người phải có lòng tích cực mới có thể đạt được hạnh phúc chân chính. Một câu ngạn ngữ nói "Phú quý chẳng quá ba đời.” Câu nói này không phải là hoàn toàn tuyệt đối nhưng thường chúng ta thấy các nhà khá giả thiếu xót sự dậy dỗ con cái tinh thần tinh tiến. Một người tinh tiến trước hết phải đặt mục đích hợp lý, sau cố gắng thực hiện thì mới có được khoái hoạt mãn túc.

548  Hư Minh Giáo Hanh Thiền sư.
Hư Minh thiền sư có làm bài kệ:
日 面 月 面
Nhật diện nguyệt diện
星 流 電 轉
Tinh lưu điện chuyển
若 更 遅 疑
Nhược cánh trì nghi
面 門 著 箭
Diện môn trước tiễn.
Ngày tháng trôi đi
Sao  xa  điện chuyển
Nếu  còn  trì  nghi
Bị  tên  xuyên  đến. 
(Hương Thủy Hải)

Câu (1) và (2): ngày tháng qua mau như điện chớp.
Câu (3) và (4): nếu còn nghi ngờ, chậm trễ thì sẽ bị mũi tên vô thường bắn trúng.
Nếu cho đến chết mà vẫn chưa ngộ, thì uổng một kiếp làm người.

549  Thiền của Dược Sơn.
Thái thú Lý Cao hỏi Dược Sơn:
- Con biết Phật tử phải tuân thủ giới, định, huệ; thầy có giữ giới, tập định và phát huệ không?
- Ở đây, bần tăng không có chuyện bá láp này.
- Giáo lý của thầy rất cao siêu, nhưng con không hiểu.
- Nếu thái thú muốn hiểu thì phải trèo lên đỉnh núi cao mà ngồi hay lặn xuống đáy biển sâu mà đi. Khi đi ngủ thái thú đầu còn nặng chĩu tâm tư thì làm sao mà hiểu được thiền pháp của ta?
(Zen Koans)

Có nhiều người chỉ tò mò về Thiền. Họ muốn biết người khác thực hành như thế nào và đạt được gì? Những người đó chỉ là kẻ bàng quan, họ không phải là người đi tìm chân lý. Có lẽ Dược Sơn thấy phiền lòng vì câu hỏi của Lý Cao, vì cả đời ông là sự thực hành giới, định, huệ. Nhưng câu trả lời của ông là câu trả lời tiêu biểu của Thiền: "Ở đây không có chuyện bá láp này."
Ngày nay, có nhiều người cũng như Lý Cao, bối rối, lo lắng nên ngủ chẳng yên giấc. Thiền không biếng nhác. Đó là cách sống bình yên và hòa hợp. Nếu thành thật muốn hiểu Thiền thì phải trèo lên đỉnh núi cao, lặn xuống đáy biển sâu.

550  Không đi đường chim bay.
Động Sơn thường dạy nên đi đường chim bay. Có người hỏi:
- Đường chim bay là sao?
- Chẳng gập một người nào.
- Vậy làm sao đi?
- Dưới chân vô tư.
- Đó có phải khuôn mặt xưa nay không?
Động Sơn cười đáp:
- Ngươi điên đảo rồi!
- Con điên đảo ở chỗ nào?
- Nhận nữ làm nam.
- Vậy thế nào mới là khuôn mặt xưa nay?
- Đừng đi đường chim bay. 
(Thiền Viên)

Đi đường chim bay không gập một người nào: Thiền lộ là toàn trông cậy vào chính mình, chí công vô tư. Ông tăng hỏi đó có phải là bản lai diện mục không. Dĩ nhiên không phải, đây chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh, chẳng khác gì nhận nữ là nam. Ông tăng lại hỏi: "Vậy thế nào là bản lai diện mục?" Hiển nhiên ông tăng này hãy còn ở trong tình huống tu hành, chưa thể liễu ngộ cho nên Động Sơn nói: "Đừng đi đường chim bay.” Thiền là linh hoạt phải tùy cơ, lúc nào nên nói và nói gì. 

551  Thạch Đầu.
Thạch Đầu đến viếng Thanh Nguyên, Thanh Nguyên hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
- Từ Tào Khê.
Thanh Nguyên giơ phất tử lên hỏi:
- Tào Khê có cái này chăng?
- Chẳng những Tào Khê không có mà cả Thiên Trúc cũng không.
- Ngươi đã từng đến Thiên Trúc sao?
- Nếu đến tức có.
- Chưa đủ, hãy nói lại.
- Hòa thượng hãy nói phân nửa, đừng chỉ trông vào con.
- Ta chẳng từ chối nói với ngươi chỉ e về sau không người thừa kế.
- Không phải là không có, chỉ là không ai diễn tả được thôi!
Thanh Nguyên giơ phất tử đánh và Thạch Đầu liễu ngộ. 
(Zen Light)

Vấn đề then chốt trong công án này là "cái này.” Cái này là là cái gì? là phất tử, là Phật pháp, là thiền sư? Nó không có ở Tào Khê, ở Thiên Trúc, vậy nó có ở đâu? Thạch Đầu muốn nói gì khi nói "Nếu đến tức có.” Tại sao Thanh Nguyên nói trả lời "chưa đủ, hãy nói lại"? Tương tự như công án gập Phật giết Phật. Khi hiểu được  lý do vì sao phải giết Phật thì sẽ hiểu vì sao "cái này" không có ở Ấn Độ, Trung Hoa, Phi Châu, Nữu Ước, Los Angeles. Nếu nó không có ở các chỗ này vậy thì nó có ở đâu? Lại có thơ rằng: 

Thạch  Đầu
Giống  như  con  rùa  mù
Bơi  trong  bể  vô  thường
Tới  và  đi
Lên  và  xuống
Cứ  xoay  vòng.

552  Lâm Tế ngủ.
Một hôm Lâm Tế ngủ ở tăng đường. Hoàng Bá vào trông thấy bèn lấy gậy gõ vào ghế một cái. Lâm Tế mở mắt ra xem, thấy Hoàng Bá lại nhắm mắt lại ngủ. Hoàng Bá lại gõ vào ghế một cái nữa rồi ra. Thấy thủ tọa đang ngồi thiền trước tăng dường bèn nói:
- Tên tiểu tử đang ngồi thiền ở tăng đường, ngươi ở đây loạn tưởng cái gì?
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Lâm Tế ngủ không dụng tâm, không chấp tướng tu hành. Thủ tọa chấp tướng ngồi nhưng nội tâm vẫn chưa dứt được vọng tưởng giống như Hoài Nhượng nói mài gạch để thành gương. Do đó, không được Hoàng Bá chấp nhận.

553  Huệ Trung và Ngư Triều Ân.
Ngư Triều Ân hỏi Huệ Trung quốc sư:
- Vô minh là gì? lúc nào xuất hiện?
- Phật pháp ngày nay đã suy rồi, ngay nô tài cũng biết hỏi Phật pháp!
Đây rõ ràng là một câu nói khinh miệt, Ngư Triều Ân liền biến sắc. Quốc sư bèn nói:
- Đó là vô minh, vô minh từ đó khởi.
Ngư Triều Ân lập tức tỉnh ngộ. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Ngàn vạn lời cũng chẳng bằng sự chỉ dậy này. Chúng sanh từ xưa đến nay có cách sinh hoạt và hoàn cảnh khác nhau nên tập nhiễm cũng khác nhau. Do đó đối với một sự việc mỗi người có một cái nhìn khác nhau, nhưng động cơ chỉ là một đó là ngã chấp, chỉ cần có gì lợi, hại liên quan đến ngã liền lập tức xuất hiện. Cái phản ứng mau lẹ ấy Tâm Lý học gọi là bản năng, Nhà Phật gọi là vô minh. Vô minh chính là nguyên nhân khiến chúng sanh sinh tử.

554  Hai ông tăng.
Lâm Tế thấy một ông tăng tới, giơ phất tử lên, ông tăng lạy, thiền sư bèn đánh. Lại thấy một ông tăng khác đến Lâm Tế cũng giơ phất tử lên, ông tăng không nhìn, thiền sư vẫn đánh.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Dù nhìn hay không, hai ông tăng này đều chịu ảnh hưởng của phất tử, trong tâm đều có một cái phất tử. Người có minh nhãn nhìn là biết ngay, do đó đều bị Lâm Tế đánh. Giả như lúc đó có người đoạt lấy phất tử rồi bẻ gẫy đi không biết phản ứng của thiền sư sẽ ra sao?

555  Diêm Đề.
Có một ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là Diêm Đề?
- Sao không hỏi Bồ Đề?
- Thế nào là Bồ Đề?
- Là Diêm Đề. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Diêm Đề tức Bồ Đề, cũng như hỏi lừa đáp Phật, trừ sạch quan niệm phàm thánh.

556  Huệ Minh còn nghi.
Huệ Minh được Lục tổ chỉ thị rồi ngộ (Xem công án số 1024) nhưng hãy còn chút nghi bèn hỏi:
- Ngoài mật ngữ, mật ý trên, còn mật ý nào nữa không?
- Ta đã nói với ông thì không còn là mật nữa, nếu ông phản chiếu thì mật ở nơi ông!
- Huệ Minh này tuy ở Hoàng Mai nhưng thực chưa biết bản lai diện mục, nay mông ơn được chỉ thị như người uống nước nóng, lạnh tự hay! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Mật ở nơi ông và nóng lạnh tự hay đều chỉ tâm là Phật, chẳng cần cầu xin ai khác.

557  Hổ ăn thịt người.
Có chú tiểu từ nhỏ được chùa nuôi, chưa hề nhìn thấy phụ nữ. Ông tăng trong chùa thường chỉ bức tranh vẽ người nữ bảo chú:
- Đó là con hổ ăn thịt người.
Chú tiểu lớn dần, theo tăng vào làng khất thực.
Về chùa, tăng hỏi tiểu:
- Khi xuống núi vật gì ngươi thích nhất?
Chú tiểu đáp không do dự:
- Con thích nhất con hổ ăn thịt người! 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Sắc bị tập nhiễm từ vô thủy đến nay, dứt được rất khó. Trong thiền môn, có các thiền sư uống rượu, ăn thịt, nhưng phạm sắc giới mà chứng ngộ thì chưa hề nghe qua. Đó là cửa ải khó nhất của người tu Thiền.

558  Ba cương  lãnh.
Thích Định Quang đem 8 vạn 4 ngàn pháp môn của phật giáo tóm tắt thành 3 cương lãnh:
1- Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là Phật đạo đệ nhất nghĩa, nên hết lòng nhớ tưởng.
2- Giới, Định, Tuệ là yếu quyết thành Đạo, nên hết lòng tu trì.
3- Bốn lời nguyện lớn nên hết lòng phụng hành. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

1. Phật giáo là những giáo huấn của đức Phật. Phật là người giác ngộ. Chữ giác bao hàm tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Chữ giác này là trí tuệ, là Bát Nhã; Ma Ha là to lớn; Ba La Mật Đa là tới bờ bên kia, có thể dịch là Đại trí hoàn thành, là ngộ. Lấy ngộ làm ý nghĩa của cuộc sống là Phật đạo.
2. Giới, Định, Tuệ là giáo pháp của Phật giáo nguyên thủy, với Phật giáo đại thừa thì đó là Lục Ba La Mật: trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ. Muốn được trí tuệ bát nhã thì phải thiền định, nghĩa là thân và tâm phải an định, nói cách đơn giản là phải thiền. Chỉ trong thiền định mới có thể thể hội được bát nhã đó là Định Trí (Định huệ bình đẳng) Muốn vào Định này thì điều kiện tất yếu phải là giữ giới.
3. Bốn lời nguyện lớn là:
               Chúng  sanh  vô  biên  thệ  nguyện  độ,
               Phiền  não  vô  tận  thệ  nguyện  đoạn,
               Pháp  môn  vô  biên  thệ  nguyện  học,
               Phật  đạo  vô  thượng  thệ  nguyện  thành.

559  Nói và không nói.
Có ông tăng vào cõi âm gập bồ tát Địa Tạng, bồ tát hỏi:
- Bình sinh ông tu nghiệp gì?
- Niệm kinh Pháp Hoa.
Bồ tát đọc bài kệ:
Ngừng  ngừng  chẳng  nên  nói
Pháp  ta  khó  nghĩ  bàn
Là  nói  hay  không  nói?
Ông tăng không đáp được.
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Kinh Kim Cương nói rằng: "Nếu nói Như Lai có thuyết pháp là báng Phật." Phật có thuyết pháp lại nói là không có thuyết pháp vì các pháp đều không tướng. Nói và không nói đều là pháp. Nói là không, không nói cũng là không.

560  Chẳng thấy Pháp Thân.
Vân Môn hòa thượng có một đồng môn họ Phù là một vị thượng tọa (người Thái Nguyên, năm sinh không rõ) nguyên là một vị học giả Phật giáo. Phù thượng tọa trong một buổi giảng kinh Niết Bàn, khi đề cập đến Pháp Thân có nói: "Xuyên dọc ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) xuyên ngang mười phương.” Trong đám thiền khách có một người nghe rồi bèn cười lớn. Phù thượng tọa bèn chạy xuống hỏi:
- Ta vừa nói sai sao?
- Tọa chủ, ông chỉ giảng được tánh của Pháp Thân mà không thấy được thể của Pháp Thân.
- Vậy phải làm sao?
- Ông hãy ngưng giảng kinh ít lâu, về phòng mà ngồi thiền, sẽ có một ngày ông tìm thấy chân ngã.
Thượng tọa nghe lời, một đêm ngồi thiền đang trong trạng thái vong ngã của tam muội, nghe tiếng chuông đánh bỗng nhiên đại ngộ. Phù thượng tọa bèn đến bái phỏng vị thiền khách, nói rằng:
- Ta ngộ rồi!
- Ông hãy nói một câu thử xem.
- Từ nay trở đi, ta sẽ không bóp mũi cha mẹ sinh ra nữa! 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Câu nói của Phù thượng tọa chỉ rằng ông đã thể hội được khuôn mặt xưa nay lúc cha mẹ chưa sinh.

561  Đam Nguyên.
Đam Nguyên đem 96 viên tướng của Trung quốc sư truyền cho, trao lại Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn xem một lần xong bèn đốt đi. Cách một hôm thiền sư bảo Ngưỡng Sơn:
- 96 viên tướng của quốc sư do chư tổ truyền lại, ngươi phải giữ cho cẩn thận.
- Con đã đốt rồi!
- Sao lại đốt đi?
- Muốn dùng thì dùng, không nên câu chấp, nếu muốn thì có thể vẽ lại.
Ngày hôm sau, Đam Nguyên thượng đường khảo nghiệm Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn làm trình tướng thức, khoanh tay mà đứng. Đam Nguyên hai tay nắm lại. Ngưỡng Sơn tiến ra phía trước lạy như đàn bà. Đam Nguyên chấp nhận.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Ngưỡng Sơn không bị hình tướng bó buộc, dám đốt đi viên tướng. Cái hay là hai người biểu diễn trình tướng và tiếp tướng giống như diễn kịch câm. Trình là không tướng và tiếp cũng là không tướng, trong tâm ý hai người không có vật, đó là để thuyết minh "sắc tức thị không, không tức thị sắc.” Cuối cùng Ngưỡng Sơn lạy như đàn bà là chỉ không có tướng nam, nữ, phối hợp với hành động ở trên là siêu việt hình tượng.

562  Vô Vị Chân Nhân và Phi Vô Vị Chân Nhân.
Một hôm Định thượng tọa trên đường gập Nham Đầu, Tuyết Phong, Khâm Sơn. Nham Đầu hỏi:
- Người từ đâu tới?
- Từ Lâm Tế viện.
- Lâm Tế lão sư có mạnh không?
- Đã mất rồi!
- Chúng tôi ba người định đến bái phỏng lão sư, không ngờ phúc duyên cạn mỏng chưa gập, người đã mất. Xin thượng tọa thuật lại những giáo huấn khi người còn tại thế cho chúng tôi nghe.
Do đó, Định thượng tọa thuật lại công án Vô Vị chân nhân cho ba người nghe. Nham Đầu nghe rồi thè lưỡi ra, Khâm Sơn hỏi:
- Tại sao không gọi là Phi Vô Vị chân nhân?
Định thượng tọa đột nhiên túm lấy Khâm Sơn nói:
- Vô Vị chân nhân và Phi Vô Vị chân nhân có gì bất đồng nào, ngươi nói đi!
Khâm Sơn không nói được, mặt lúc xanh, lúc trắng.
Nham Đầu và Tuyết Phong chạy lại gần, hướng Định thượng tọa tạ tội:
- Người này là tân tham giả, đắc tội thượng tọa, xin tha lỗi!
- Hôm nay nếu không nể hai vị,ta nhất định bóp chết tên tiểu hòa thượng này!
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Đây chính là cơ trí, diệu dụng của tông Lâm Tế.

563  Lâm Tế và Đức Sơn.
Có lần Lâm Tế đến tham phỏng Đức Sơn. Đức Sơn ra dáng mệt mỏi than:
- Mệt rồi!
Lâm Tế nói:
- Nói chuyện mộng làm gì?
Đức Sơn giơ gậy đánh, Lâm Tế lật ngược thiền sàng. Đức Sơn bèn thôi.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đức Sơn nói "Mệt rồi!" là ám chỉ không có một pháp nào chỉ cho người. Lâm Tế bảo "Nói chuyện mộng làm gì?" là bảo Đức Sơn không nên mở miệng. Một người giơ gậy đánh, một người lật ngược thiền sàng, đều là pháp do tâm và không nói thành lời. Có thể nói là anh hùng biết anh hùng vậy.

564  Lời giảng của Lâm Tế.
Lâm Tế nói:
- Phật pháp không dụng công, chỉ bình thường vô sự. Mặc áo, ăn cơm, đi tiêu, đi tiểu, mệt thì nằm nghỉ, kẻ ngu cười ta, người trí khắc biết.
Lại nói:
- Vô sự là quý nhân, đừng tạo tác, chỉ bình thường.
Lại còn nói:
- Nếu ngươi cầu Phật là mất Phật, nếu ngươi cầu Đạo là mất Đạo, nếu ngươi cầu Tổ là mất Tổ.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tất cả những lời nói trên đều là khuyên người học bình thường, vô sự. Vô sự là chỉ nội tâm ninh tĩnh, không thể cưỡng cầu, nếu có cầu là có sự.

565  Thân Phật.
Khi đức Phật giảng kinh Niết Bàn, ngài để tay lên ngực và nói:
- Các ông hãy quan sát thân ta cẩn thận nếu không sau này sẽ hối tiếc. Nếu các ông nói Phật nhập vô dư niết bàn, các ông không phải là đệ tử của ta. Nếu các ông nói Phật không nhập vô dư niết bàn, các ông không phải là đệ tử của ta. 
(Zen Koans)

Công án này cắt đứt sự chấp vào lời nói, một nguyên nhân lớn gây rắc rối cho cuộc đời. Nếu nói có, ta chấp vào có, nếu nói không có ta chấp vào không. Nếu có người nói ông ấy là người xấu, chúng ta luôn coi ông ta là người xấu. Cô ấy hiền điều này không có nghĩa là cô ấy luôn luôn hiền. Thời gian và hoàn cảnh thay đổi, những lời nói lúc trước, không áp dụng cho các trường hợp sau. Đức Phật có vào vô dư niết bàn hay không chỉ đơn giản là lời nói, là một sự bàn luận vô ích. Vô dư niết bàn là Niết Bàn không đầy đủ. Theo triết lý nhà Phật, bất cứ người nào cũng có thể đạt được Niết Bàn, nhưng vì còn xác thân nên còn vài yếu tố chưa trọn vẹn. Vô dư niết bàn chỉ đạt được khi chết. Vì vậy khi đức Phật chết, ngài đã vào vô dư niết bàn. Vào khoảng thế kỷ thứ tư, Đại Thừa Phật giáo đã khai triển giáo lý tam thân để giải thích sự liên hệ giữa đức Phật với con người. Phật là tuyệt đối, là lý tưởng. Nhưng Phật cũng là con người có hơi thở, không chỉ Thích Ca Mâu Ni là Phật mà tất cả các bậc giác ngộ (kể cả những người chưa giác) nữa. Ba thân Phật là:
- Pháp thân: Không hình dạng, mầu sắc, là thực tại tuyệt đối.
- Báo thân: là lý tưởng.
- Hóa thân: là xác thân Phật, như đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni.
Pháp thân Phật không bao giờ vào Vô Dư Niết Bàn, Hóa thân Phật có vào Vô Dư Niết Bàn.
Trong công án này Phật có nhiều nghĩa khác nhau, nếu ai chấp vào một trong những ý nghĩa này thì là thiếu hiểu biết vậy.

566  Tùy duyên bất biến.
Vân Môn nói:
- Cả ngày nói chuyện mà chưa hề nhếch môi, cũng không một lời. Cả ngày mặc áo, ăn cơm mà chưa hề đụng một sợi tơ, một hạt gạo. 
     (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Đây là nói nhà Thiền không bài trừ thế duyên, chỉ tùy duyên bất biến, không bị nhiễm thế pháp. Người ta cũng truyền tụng ba câu nói gán cho Vân Môn; che (trở) chứa càn khôn, cắt đứt mọi dòng, theo sóng đuổi sóng. Câu (1) là chỉ Đạo thì không đâu không có, không gì không bị nó bao bọc. Những sự việc hàng ngày đều ở trong đó cả. Câu (2) loại bỏ thức tâm làm chướng ngại đạo nhãn. Câu (3) tất cả đều tuỳ duyên. Đó là chân tâm, cũng là Đạo tâm.

567  Hoa mẫu đơn.
La Hán cùng hai sư huynh là Trường Khánh và Bảo Phước đi xem hoa Mẫu Đơn được vẽ trên một tấm bình phong. Bảo Phước phê bình:
- Thật là đẹp!
Trường Khánh bảo:
- Đừng quá tin vào thị giác của ngươi!
La Hán than:
- Bậy quá! Làm hỏng cả bức họa! 
 (Zen Koans)

Bảo Phước chấp vào bức họa. Để cảnh cáo ông, Trường Khánh lại chấp vào sự không chấp. La Hán chỉ trích cả hai người. Ba vị thiền sư này bàn cãi về hoa Mẫu Đơn thật hay hoa vẽ? Nếu Bảo Phước chấp thị giác, Trường Khánh chấp thính giác và La Hán chấp vào cuộc biện luận của hai người trên. Chúng ta nên nở rộ và im lặng.

568  Siêu việt động tĩnh.
Kinh Hoa nghiêm nói rằng:
- Chân Như lúc trước chẳng sanh, lúc sau chẳng động, hiện tại không khởi.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Động tĩnh bao quát sanh, diệt, đến đi, biến hóa là hình thức của không gian và thời gian. Nhà Phật đối với vấn đề động tĩnh rất coi trọng đã liệt Định vào trong Tam học (Giới, Định, Tuệ). Trước hết phải có Định rồi sau mới phát Huệ như nước trong thì mới có thể soi vật, còn nước đục thì không. Nhà Thiền nói bất động không phải chỉ hình tượng mà chủ ý cầu tâm Định, do đó từ trong tướng động thấy được chân lý bất động, giống như máy chụp ảnh có thể chụp người đang hoạt động ra một tấm ảnh bất động.

569  Vô lễ.
Có một ông tăng đến lạy Quy Sơn, Quy Sơn nhỏm người dậy, ông tăng thưa:
- Xin thầy đừng đứng dậy!
- Ta không biết ngồi.
- Con cũng không biết lạy.
- Sao vô lễ vậy?
Ông tăng không trả lời được.
(Thiền Cơ)

Quy Sơn phá cái chấp đứng, ngồi của ông tăng.

570   Một chút.
Triệu Châu đang quét đất, có ông tăng hỏi:
- Vì sao có bụi?
- Từ ngoài tới.
- Thiền viện thanh tịnh vì sao còn có bụi?
- Có một chút. 
(Thiền Cơ)

Thiền sư có thể ở trong bụi mà lìa bụi.

571  Đi chết đi.
Có ông tăng hỏi Tăng Mật:
- Về chuyện sanh tử, xin thầy nói cho một lời.
- Lúc nào ngươi ra khỏi sanh tử?
- Con không hiểu, xin thầy nói lại.
- Không hiểu? Đi chết đi! 
(Thiền Cơ)

Phải chết đi rồi mới sống lại được.

572  Tới Nam Đường mà nghỉ.
Có ông tăng bạch với Chí Hạnh:
- Con từ ngàn dậm lại, xin thầy tiếp.
- Ngươi từ đâu lại?
- Từ Giang Bắc lại.
- Hãy tới Nam Đường mà nghỉ. 
 (Thiền Cơ)

Cầu người tiếp chẳng thà mình tự tiếp.

573  Làm phiền đại chúng.
Một hôm, Thần Hội nhận được thư nhà báo tin cha mẹ đều mất. Thần Hội vào pháp đường giơ dùi trống lên nói:
- Cha mẹ đều mất, xin đại chúng niệm kinh Ma Ha Bát Nhã.
Chư tăng tụ tập lại, Thần Hội bèn đánh trống, nói:
- Làm phiền đại chúng. 
(Thiền Cơ)

Câu nói của Thần Hội ám chỉ không bị sự tử vong bó buộc.

574  Hừ!  Hừ!
Một buổi chiều, chư tăng đến tham kiến đồng thời thỉnh an Vô Đẳng, thiền sư hỏi:
- Thanh âm mà đại chúng vừa thỉnh an đi về đâu?
Có một ông tăng giơ ngón tay lên, thiền sư nói:
- Trân trọng.
Cách một hôm, ông tăng giơ ngón tay lại đến thỉnh an. Thiền sư quay mặt vào tường giả rên hừ hừ:
- Lão tăng 2, 3 ngày nay thân thể khiếm an. Ngươi có mang thuốc gì đến cho ta không?
Ông tăng lấy tay đập vào tịnh bình hỏi:
- Tịnh bình này ở đâu mà có?
- Đó là của ta, còn của ngươi ở đâu?
- Của thiền sư cũng là của con. 
(Thiền Cơ)

Tịnh bình chỉ tự tánh.

575  Lẩm bẩm gì đó?
Một ông tăng đang rửa bát, Phổ Nguyện đến cướp lấy. Ông tăng tay không, đứng yên. Phổ Nguyện mắng:
- Bát trong tay ta, miệng ngươi lẩm bẩm gì đó?
 (Thiền Cơ)

Phổ Nguyện cướp lấy bát, chỉ không có bát để rửa, cũng ám chỉ bản lai vô nhất vật, lại mắng ông tăng tay không đứng yên, sao không thể ngộ tự tánh?

576  Gánh phẩn.
Dược Sơn hỏi Vân Nham:
- Làm gì vậy?
- Gánh phẩn.
- Phẩn của ai?
- Tại.
- Ngươi đi đi, lại lại vì ai?
- Giúp hắn gánh Đông, gánh Tây.
- Sao không cùng đi?
- Thầy đừng mắng hắn.
- Chẳng nên nói thế sao?
- Nói gì?
- Còn biết gánh không? 
(Thiền Viên)

Hắn chỉ tự tánh.

577  Hiếu thuận.
Động Sơn hỏi thị giả của Đức Sơn:
- Ngươi từ đâu tới?
- Từ Đức Sơn.
- Tới làm gì?
- Tới hiếu thuận thiền sư.
- Cái gì hiếu thuận nhất thế gian? 
 (Thiền Viên)

Câu hỏi của Động Sơn ám chỉ thị giả tự kiến tánh là tối hiếu thuận đối với thiền sư.

578  Lời giảng của Hoàng Bá.
Hoàng Bá cổ tôn túc Ngữ lục nói rằng:
- Bồ Đề không thể lấy thân mà được vì thân vô tướng, không thể lấy tâm mà được vì tâm cũng vô tướng, không thể lấy tánh mà được vì tánh là bản nguyên của tự tánh. Không thể lấy Phật mà được Phật, không thể lấy vô tướng mà được vô tướng, không thể lấy không mà được không, không thể lấy Đạo mà được Đạo. Vốn không có gì để được, cho nên nói "Không pháp có thể được.” Ý này khó biết, chỉ dạy các ngươi đừng tìm cầu, tìm cầu là mất. Như người ngu lên núi kêu một tiếng. Tiếng vọng từ hang ra, bèn chạy xuống núi tìm không thấy. Lại kêu lên một tiếng nữa. Trên núi tiếng vọng lại dội lại. Lại chạy lên núi tìm. Cứ như vậy ngàn vạn kiếp chỉ là người đuổi theo tiếng vọng mà tìm tiếng, uổng cả kiếp người. Nếu ngươi không phát ra tiếng thì không có tiếng vọng. Nếu coi Niết Bàn không nghe, không tiếng, không biết, không tung, không tích. Nếu được như thế thì là hàng xóm của tổ sư vậy. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tất cả mọi hình tượng đều do tâm sanh.

579  Lâm Tế trồng tùng.
Có lần Lâm Tế trồng nhiều tùng. Hoàng Bá hỏi:
- Ngươi ở chỗ núi sâu này trồng nhiều tùng để làm gì?
- Thứ nhất làm đẹp sơn môn, thứ nhì làm mẫu mực cho người sau.
Nói rồi dùng cuốc cuốc một hai nhát.
Hoàng Bá nói:
- Dù vậy, ngươi vẫn bị đánh 30 gậy.
Lâm Tế lại cuốc ba nhát, vừa cuốc vừa rên hừ hừ.
Hoàng Bá nói:
- Tông phái ta đến ngươi sẽ hưng thịnh hậu thế.
(Zen Koans)

Phàm làm việc gì ta cũng nên làm với lòng tự tin. Hoàng Bá biết Lâm Tế đã ngộ và đang trồng Thiền Lâm Tế ở tự viện, nhưng ông vẫn khảo nghiệm. Ngay cả khi bị Hoàng Bá chỉ trích Lâm Tế vẫn không lay động. Cuối cùng, Hoàng Bá bầy tỏ sự hoan hỉ. Khi một người giác ngộ, sự biểu hiện có thể khác, nhưng bản chất thì đồng.

580  Theo dòng mà đi.
Đại Mai nhân nghe Mã Tổ nói "Tức tâm, tức Phật" mà ngộ, sau đó vào núi sâu kết thảo am, ẩn cư. Có một lần, một đệ tử của Diêm Quan (bạn học của Đại Mai) vào núi chơi, bị lạc đường gập một lão hòa thượng tiên phong đạo cốt, bèn hỏi:
- Hòa thượng ở núi này bao lâu rồi?
- Ta chỉ thấy 4 mặt, 8 phương núi xanh lại vàng.
Ông tăng lại hỏi:
- Đi lối nào để ra khỏi đây?
- Theo dòng nước mà đi.
Ông tăng khi trở về đem chuyện trên bạch với sư phụ. Diêm Quan đoán là bạn đồng học Đại Mai bèn sai ông tăng đó mang thư vào mời. Đại Mai từ chối làm bài kệ trả lời:
摧 殘 枯 木 倚 寒 林
Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm
幾 度 逢 春 不 變 心
Kỷ độ phùng xuân bất biến tâm
樵 客 貝 之 猶 不 顧
Tiều khách bối chi do bất cố
郢 人 何 得 苦 追 尋
Dĩnh nhân hà đắc khổ truy tầm
Cây  khô  gẫy  mục  tựa  rừng  xanh
Mấy  độ  xuân  về  chẳng  đổi  lòng
Tiều  phu  trông  thấy  nào  đoái  nghĩ
Dĩnh  khách  thôi  thì  chớ  kiếm  tìm.
(Thích Thanh Từ dịch)
Sau chuyện này ông không muốn tiếp cận người đời bèn di chuyển đi nơi khác. Ông có làm bài kệ:
一 池 荷 葉 衣 不 盡
Nhất trì hà diệp y bất tận
數 樹 松 華 食 有 余
Số thụ tùng hoa thực hữu dư
剛 被 世 人 知 住 處
Cương bị thế nhân tri trú xứ
更 移 茅 舍 入 深 谷
Cánh di mao xá nhập thâm cốc
Áo  mặc,  một  ao  sen  bất  tận
Đồ  ăn,  mấy  cội  tùng  già  dư
Đã  bị  người  đời  biết  chỗ  ở
Rời  sâu  am  cỏ  để  lánh  cư.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
"Theo dòng nước mà đi" là chỉ cứ theo tự nhiên mà sống, đó là sống trong chân lý vậy.
(Trần Hòa Chương)

581  Lâm Tế đối thoại với ni cô.
Lâm Tế hỏi ni cô:
- Thiện đến hay ác đến?
Ni cô hét lên, Lâm Tế giơ phất tử lên, nói:
- Nói lại! Nói Lại!
Ni cô lại hét lên, Lâm Tế bèn đánh. 
(Lâm Tế Lục)

Thiện đến dẫn từ chữ Phạn Svagata, dịch ra chữ Hán là "Thiện lai tỳ khưu" là lời đức Phật nói khi có tín đồ đến xin thế phát. Ở đây, Lâm Tế thêm "ác đến" để thành một cặp đối đãi. Ni cô hét lên tỏ rằng cô đã vượt qua quan niệm về thiện ác. Lâm Tế vớ lấy gậy (chưa đánh) bảo cô nói lại để trắc nghiệm cô có thực sự vượt qua những quan niệm này không. Cô lại hét lên chứng tỏ mình vẫn giữ vững lập trường, đáng nhẽ cô nên nắm lấy gậy của Lâm Tế và đánh lại, ám chỉ sao dám hỏi cô một câu như thế. 
 (Paul Demiéville)

582  Chôn sống.
Một lần, Lâm Tế cùng mọi người làm ruộng, thấy Hoàng Bá đến, bèn dựng cuốc mà đứng. Hoàng Bá nói:
- Gã này mệt dữ!
- Cuốc còn chưa sờ đến, mệt cái gì?
Hoàng Bá bèn đánh. Lâm Tế nắm lấy gậy, đẩy một cái Hoàng Bá liền ngã. Hoàng Bá kêu lên:
- Duy na! Duy na! Mau đỡ ta dậy!
Duy na đỡ Hoàng Bá đứng lên và thưa:
- Hòa thượng! Sao lại dung túng cho gã sư điên này?
Hoàng Bá đánh Duy na.
Lúc đó Lâm tế dùng cuốc, cuốc đất và nói:
- Ở các nơi đều hỏa táng, còn ở đây thì ta bị chôn sống!
Quy Sơn hỏi Ngưỡng Sơn:
- Hoàng Bá đánh Duy na là ý gì?
- Tên trộm nhà nghề chẳng để kẻ đuổi theo đánh. 
(Lâm Tế Lục)

Câu nói của Lâm Tế có nghĩa là ở các nơi khác phải chờ đến khi chết mới được lên Niết Bàn, còn ở đây và ngay bây giờ ta đã ở Niết Bàn vì đã cắt đứt mọi liên hệ với thế giới hiện tượng.
(Lu K'uan Yu)

583  Lâm Tế phỏng vấn Long Quang.
Lâm Tế hành cước đến Long Quang, Quang thượng đường, Lâm Tế hỏi:
- Không dùng mũi nhọn, làm sao đắc thắng?
Quang cứ ngồi yên.
- Đại thiện tri thức không có phương tiện sao?
Quang trợn mắt: A!
Lâm Tế chỉ tay nói:
- Lão hán này, hôm nay bị thua rồi.
(Lâm Tế Lục)

Quang cứ ngồi yên; Tuy không nói, nhưng đây là một cách trả lời. Sự im lặng cố ý của Long Quang để diễn tả sự " yên lặng sấm sét." 
(Paul Demiéville)

584  Lâm Tế phỏng vấn Tượng  Điền.
Lâm Tế đến Tượng Điền, hỏi:
- Không phàm không thánh, thỉnh sư nói mau!
- Ta chỉ thế đó!
Lâm Tế hét lên:
- Có nhiều tú hòa thượng chỉ ở đây mà tìm bát! 
 (Lâm Tế Lục)

Câu nói của Lâm Tế không phải là một lời mắng mà là một lời khen vì Tượng Điền đã tránh không bị mắc bẫy vào cặp đối đãi phàm thánh. 
(Paul Demiéville)

585  Núi Hồn Lôn.
Lâm Tế thấy một ông tăng đi tới bèn dang hai tay ra, ông tăng không nói gì. Thiền sư hỏi:
- Hiểu không?
- Không hiểu!
- Muốn phân núi Hồn Lôn ra cũng không được, ta cho ngươi hai tiền! 
 (Lâm Tế Lục)

Người xưa tin rằng ở giữa Tây Phương có một ngọn núi lên là Hồn Lôn, nghĩa là hắc ám, ở đây chỉ ông tăng ngu. Hai tay dang ra, hai tiền đều chỉ nhị nguyên đối 
đãi. Lâm Tế cho ông tăng hai tiền để đi mua dép cỏ mà tham học các vị tôn túc. 
(Paul Demiéville)

586  Năm trăm đệ tử của Kinh Sơn.
Kinh Sơn có năm trăm đồ đệ, ít chịu tham thiền. Hoàng Bá sai Lâm Tế đến Kinh Sơn. Hoàng Bá hỏi:
- Ngươi đến đó rồi làm gì?
- Con đến đó sẽ có cách.
Lâm Tế đến Kinh Sơn mang hành trang vào pháp đường gập Kinh Sơn, Kinh Sơn vừa ngửng đầu lên, Lâm Tế liền hét. Kinh Sơn định mở miệng, Lâm Tế phất áo mà đi.
Chúng đệ tử hỏi:
- Ông tăng này ở đâu đến, định nói gì, sao lại hét sư phụ?
- Ông tăng này từ Hoàng Bá tới, muốn biết người nói gì hãy tự mình đi hỏi.
Sau đó, đa số đệ tử tự phân tán.
 (Lâm Tế Lục)

Hoàng Bá sai Lâm Tế từ Quảng Tây đến Chiết Giang (theo đường chim bay là 600 cây số) chỉ để hét một tiếng, đủ để tiêu tán đồ chúng một tự viện.
 (Paul Demiéville)

587  Tứ liệu giản.
Trong một buổi giảng chiều, Lâm Tế nói:
- Có lúc đoạt người không đoạt cảnh, có lúc đoạt cảnh không đoạt người, có lúc cảnh và người đều đoạt, có lúc cảnh và người đều không đoạt.
Có ông tăng hỏi:
- Thế nào là đoạt người không đoạt cảnh?
Sư đáp:
Ngày  ấm,  đất  bầy  gấm
Con  trẻ,  tóc  rũ  trắng  như  tơ.
- Thế nào là đoạt cảnh không đoạt người?
Sư đáp :
Lệnh  vua  vừa  ban  khắp  thiên  hạ
Tướng  ngoài  quan  ải  không  chiến  tranh.
- Thế nào là người cảnh đều đoạt?
Tịnh  Châu  và  Phần  châu  không  tiến  cống
Độc  lập  một  phương
- Thế nào là người và cảnh đều không đoạt?
Vua  lên  điện  báu
Ông  lão  quê  ca  ngợi  thanh  bình.
(Lâm Tế Lục)

1- Đoạt người không đoạt cảnh: Người ở trong câu này chỉ ngã chấp, phải trừ bỏ, tức là không tâm nhưng chẳng không cảnh.
     Ngày ấm bầy đất gấm: cảnh còn.
     Con trẻ tóc rũ trắng như tơ: đoạt người.
Vừa thấy trẻ nhỏ, chớp mắt  đã thấy tóc bạc, đời người mấy chốc? chấp ngã ích gì?
2- Đoạt cảnh không đoạt người: Cảnh ở trong câu này là chỉ pháp chấp, phải trừ bỏ tức là không cảnh nhưng chẳng không tâm. Có vua có tướng là còn người. Thấy vua nhưng không thấy lệnh, thấy tướng nhưng không thấy chiến tranh là cảnh không.
3- Người cảnh đều đoạt: nói đến cùng chỉ là không, tâm cảnh đều diệt.
Tịnh châu và Phần châu không tiến cống: đoạn tuyệt tin tức.
Độc lập một phương: độc cư.
4- Người cảnh đều không đoạt: là vật ngã là một, thể dụng chẳng hai. Vua và ông lão quê là người, điện báu và ca ngợi thanh bình là cảnh. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

588  Lâm Tế phỏng vấn Minh Hóa.
Lâm Tế đến Minh Hóa, Hóa hỏi:
- Đến đến, đi đi để làm gì?
- Để mòn dép cỏ.
- Chính ra ngươi làm gì?
- Lão hán, ngay cả thoại đầu ngươi cũng chẳng hiểu. 
(Lâm Tế Lục)

Câu của Lâm Tế có nghĩa là: ta đã đi tham học với các vị tôn túc đến mòn cả dép mà chỉ gập những câu hỏi vớ vẩn như  của Minh Hóa. 
(Paul Demiéville)

589 Tháp Đạt Ma.
Lâm Tế đến viếng tháp Đạt Ma, tháp chủ hỏi:
- Trưởng lão lễ Phật trước hay lễ tổ trước?
- Ta chẳng lễ Phật cũng chẳng lễ tổ!
- Xin hỏi Phật và tổ có oán thù gì với trưởng lão?
Lâm Tế bèn phất tay áo mà đi. 
 (Lâm Tế Lục)

Câu hỏi 1 của tháp chủ chứng tỏ ông còn chấp phàm thánh. Câu trả lời của Lâm Tế là để phá chấp cho ông.
Câu hỏi 2 của tháp chủ chứng tỏ ông chẳng hiểu gì cả, Lâm Tế chỉ còn cách bỏ đi. 
 (Lu K'uan Yu)

590  Bài kệ của Huệ Khả phó Pháp cho Tăng Xán.
Bản  lai  duyên  hữu  địa
Nhân  địa  chủng  hoa  sinh
Bản  lai  vô  hữu  chủng
Hoa  diệc  bất  năng  sinh

Xưa  giờ  vì  có  đất
Do  đất,  mọi  hoa  sanh
Xưa  giờ  không  có  giống (hạt)
Hoa  cũng  chẳng  thể  sanh. 
(Tổ Đường Tập)

Câu (1) và (2) chỉ phương tiện của Tâm pháp: từ đất tâm nở hoa pháp.
Câu (3) và (4) : trong tự tánh thanh tịnh không có hạt cũng không có hoa.
(Lu K'uan Yu)

591  Bài kệ của Tăng Xán phó Pháp cho Đạo Tín.
花 種 雖 因  地
Hoa chủng tuy nhân địa
從 地 種 花 生
Tòng địa chủng hoa sinh
若 無 人 下 種
Nhược vô nhân hạ chủng
花 種 盡 無 生
Hoa chủng tận vô sinh
Giống  hoa  tùy  nhân  đất
Từ  đất  giống  hoa  sanh,
Nếu  không  người  gieo  giống
Hoa  đất  trọn  không  sanh.
 (Thích Thanh Từ dịch)
(Tổ Đường Tập)

Câu (1) từ đất tâm hạt bồ đề nở thành hoa trí tuệ vì ta giảng cái tâm pháp này.
Câu (2) vì tự tánh của ngươi vốn thanh tịnh làm sao có hạt và hoa?
Câu (3) giờ ta giảng cái tâm pháp này làm duyên đất cho hạt bồ đề nở thành hoa trí tuệ.
Câu (4) nếu không ai gieo hạt bồ đề thì không có đất cũng không có hoa.
(Lu K'uan Yu)

592  Bốn tiếng hét của Lâm Tế.
Lâm Tế nói:
- Có lúc tiếng hét như kim cương vương bảo kiếm, có lúc tiếng hét như sư tử ngồi xổm, có lúc tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ, có lúc tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét.
(Nhất Vị Thiền: Quyển nguyệt)

1/ Kim cương vương bảo kiếm rất sắc có thể cắt đứt tất cả các giây leo. Cắt đứt mọi mê hoặc, vọng tưởng.
2/ Sư tử ngồi xổm trước sơn môn: thảo tặc khiếp đảm, chỉ cần gầm lên một tiếng trăm  thú hoảng sợ, có tác dụng khiến hành giả hồi quang phản chiếu vạn hữu chư pháp.
3/ Người đánh cá dùng gậy đầu có buộc lông chim quơ trên mặt nước dụ cá thấy bóng mà vào lưới, đây là thử trình độ của hành giả.
4/ Tiếng hét này không có tác dụng gì, mặc theo vận mệnh mà hét, loại tiếng hét này không hét mà hét là tiếng hét tối cao vô thượng, là tiếng hét chỉ có khi đã khai ngộ.

593  Lâm Tế đến Phụng Lâm.
Trên đường Lâm Tế gập một bà lão, bà lão hỏi:
- Đi đâu?
- Đến Phụng Lâm.
- Phụng Lâm không có nhà!
- Đi đâu vậy?
Bà lão bước đi không trả lời. Lâm tế gọi:
- Bà lão!
Bà lão ngoảnh đầu lại, Lâm Tế bỏ đi.
( Lâm Tế lục)

Lâm Tế lập lại câu hỏi của bà lão, nêu lên vấn đề đến, đi. Tự tánh là như như bất động làm gì có đến, đi. Bà lão này không hiểu gì nhiều về thiền. Khi bà lão bước đi không trả lời Lâm Tế là đúng. Nhưng khi Lâm Tế gọi bà để trắc nghiệm, thì bà ngoảnh đầu lại chứng tỏ bà không hiểu gì cả, do đó Lâm Tế vẫn đi.
(Lu K'uan Yu)

594  Lâm Tế đối thoại với Hạnh Sơn.
Lâm Tế hỏi Hạnh Sơn:
- Thế nào là trâu trắng ngoài nhà?
Hạnh Sơn không đáp, giả làm tiếng trâu kêu: Hồng! Hồng!
- Ngươi câm sao?
- Trưởng lão định làm gì?
- Đồ súc sanh!
(Lâm Tế lục)

Câu hỏi của Lâm Tế có nghĩa là Đại Thừa có phải là đường giải thoát không? Lâm Tế đặt câu hỏi này là giăng ra một cái bẫy để dụ Hạnh Sơn vào cuộc tranh luận, nhưng Hạnh Sơn khôn ngoan không mắc bẫy, bằng lòng kêu hồng hồng như trâu. 
                                                                             (Paul Demiéville)
595  Định thượng tọa.
Định thượng tọa đến tham Lâm Tế, hỏi:
- Thế nào là đại ý của Phật pháp?
Lâm Tế bước xuống thiền sàng, túm lấy ông, tát cho một cái rồi buông ra. Định thượng tọa sửng sốt đứng yên. Ông tăng đứng bên bèn nhắc:
- Định thượng tọa! sao không lạy?
Định bèn lạy, hoát nhiên đại ngộ. 
(Lâm Tế lục)

Định thượng tọa tưởng Lâm Tế sẽ cho mình một câu trả lời, ngờ đâu lại lãnh một cái tát, do đó đứng ngây người ra. May nhờ ông tăng nhắc nhở do đó toàn bộ suy tư đều tiêu diệt, nói cách khác ông đã triển khai tự ngã thành vô ngã. Lâm Tế đánh ông là để nhắc nhở ông không phải là suy tư ở trong đầu “thiền là gì?”, mà là muốn ông trong hành động thực tế tìm ra thiền lý. 
 (Trần Hòa Chương)

596  Mua một cỗ quan tài.
Ngày nọ Phổ Hóa trên đường xin tăng phục, mọi người ưng cho, nhưng Phổ Hóa lại không nhận. Lâm tế phái viện chủ đi mua một cỗ áo quan. Khi Phổ Hóa về Lâm Tế bảo:
- Ta đã dành cho ngươi một bộ cà sa rồi!
Phổ Hóa lập tức vác áo quan ra đường nói lớn rằng:
- Lâm Tế đã cho ta bộ cà sa này, do đó ta định ra cửa Đông mà hóa.
Người đi đường nghe vậy bèn theo mà xem rất náo nhiệt.
Phổ Hóa lại nói:
- Hôm nay ta chưa kịp chuẩn bị, thôi để ngày mai đi ra cửa Nam mà chết.
Như vậy liên tiếp ba ngày, mọi người không còn ai tin lời nữa. 
Do đó đến ngày thứ tư không ai đi theo xem. Phổ Hóa một mình ra ngoài thành, tự vào quan tài, kêu người đi đường đóng đinh nắp quan tài. Tin tức mau chóng lan truyền khắp thành. Hàng vạn người trong thành đều chạy đến xem. Tới khi mở nắp quan tài ra thì không thấy thi thể đâu cả. Lúc đó mọi người chỉ nghe thấy trên không có tiếng chuông rung. Tiếng chuông xa dần rồi mất hẳn. 
 (Lâm Tế lục)

Ý nghĩa chủ yếu của công án này là đừng để những sự vật bên ngoài làm động tâm. chân tướng của sự tình không phải mắt có thể nhìn thấy được. 
 (Trần Hòa Chương)

597  Không đi Hà Nam thì đi Hà Bắc.
Lâm Tế đến từ biệt Hoàng Bá, Hoàng Bá hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Không đi Hà Nam thì đi Hà Bắc.
Hoàng Bá bèn đánh, Lâm Tế nắm lấy tay Hoàng Bá và đánh lại một chưởng.
Hoàng Bá ha hả cười lớn, kêu:
- Mang kỷ án và thiền trượng Bách trượng cho ta ra đây!
Lâm Tế nói:
- Tiểu hòa thượng mau mang lửa tới.
- Tuy ta nói vậy, nhưng ngươi đi thì cứ đi, sau này ngươi sẽ chiết phục được thiên hạ.
(Lâm Tế lục)

Câu nói của Lâm Tế  "Không đi Hà Nam thì đi Hà Bắc" biểu thị thân tâm tự do tự tại, không bị bó buộc. Hoàng Bá đánh ông để xem ông có phải là do tục niệm muốn đi Hà Nam hay Hà Bắc không, Nếu phải thì đánh là đúng rồi. Nhưng câu nói của Lâm Tế là một loại "liễu ý" do đó Hoàng Bá muốn đánh thì lại là không hiểu. Do đó Lâm Tế đánh lại. Tâm của Hoàng Bá và Lâm Tế tương thông do đó lập tức cấp ấn khả. 
(Minh Cảnh)

598  Vòng tròn của Mã Tổ.
Một ông tăng hỏi Mã Tổ:
- Cái gì là Phật pháp? Làm sao để tu?
Mã Tổ lấy tích trượng vẽ một vòng tròn trên đất, bảo ông tăng bước vào. Sau đó giơ tích trượng mà đánh. Ông tăng thầm nghĩ sư phụ bảo mình bước vào vòng tròn mà đánh, vậy nếu mình bước ra chắc khỏi bị đánh, ông bèn bước ra, nhưng Mã Tổ vẫn đánh. 
(Sinh Hoạt Thiền)

Giả dụ trong vòng tròn là hữu thì ngoài vòng tròn là không. Ông tăng ở trong vòng 
tròn là chấp hữu, ra ngoài vòng tròn là chấp không, đều là biên kiến nên đều bị đánh.

599  Hai đệ tử của Đại Mai.
Giáp Sơn và Định Sơn đều là đệ tử của Đại Mai. Một hôm tranh luận vấn đề có Phật hay không. Sư đệ Giáp Sơn chủ trương có Phật. Chỉ cần trong tâm chúng ta lúc nào cũng có Phật thì không sợ 6 đường luân hồi, không sợ những khổ sở của thế gian, thậm chí địa ngục cũng không sợ nữa. Dù gập khổ nạn, nghịch cảnh lúc nào tâm cũng niệm Phật, bồ tát thì sẽ khắc phục được. Nhưng sư huynh Định Sơn lại không đồng ý. Ông nói: "Chỉ cần tất cả đều không, cả Phật cũng không thì không có 6 đường luân hồi. Đó mới thật sự là giải thoát." Hai sư huynh, đệ tranh luận, không ai chịu ai. Sau đó, hai người đến nhờ sư phụ là Đại Mai phân sử. Sau khi nghe xong, Đại Mai nói:
- Hai người đều đúng, nhưng một gần, một xa.
Giáp Sơn hỏi:
- Sư phụ! Vậy ai gần, ai xa?
Đại Mai đáp:
- A! Hôm nay ta mệt rồi, muốn hỏi gì ngày mai hẵng hỏi.
Ngày hôm sau, mới sáng sớm sư đệ Giáp Sơn đã đến gõ cửa phòng sư phụ. Đại Mai hỏi:
- Hãy còn sớm mà ai đã gõ cửa?
- Là con, Giáp Sơn.
- Đến làm gì?
- Hôm qua chúng con chả hỏi sư phụ là gì, sư phụ nói một gần, một xa. Con có hỏi nhưng sư phụ bảo hôm nay lại.
- Kẻ gần không đến, kẻ đến không gần.
(Sinh Hoạt Thiền)

Trong tâm có Phật và tất cả đều không, đều là dẫn ở trong kinh điển Phật giáo và đều đúng. Nhưng ai gần chân lý hơn? Dĩ nhiên trong tâm có Phật thì không sợ 6 nẻo luân hồi, nhưng tất cả đều không thì mới thực sự là giải thoát. Chấp ác dĩ nhiên là sai, nhưng chấp thiện cũng là sai nốt vì chưa được hoàn toàn giải thoát.

600  Ngưỡng Sơn và Như Hội.
Một hôm Ngưỡng Sơn đến tham phỏng Như Hội. Như Hội hỏi:
- Ngươi là người ở đâu?
- Con là người Quảng Nam.
- Ta nghe nói Quảng Nam có viên trấn hải minh châu phải không?
- Thật như vậy.
- Ngươi có thể tả viên trấn hải minh châu cho ta nghe được không?
- Đêm tối ẩn đi, ngày sáng lại hiện ra.
- Vậy sao? Ngươi có đem theo viên ngọc không?
- Đương nhiên có đem theo.
- Vậy sao không đưa ra cho lão tăng coi thử?
Ngưởng Sơn chắp tay vào trước ngực, đến gần Như Hội thưa lớn:
- Hôm qua con đến Quy Sơn, Quy Sơn cũng giống như thiền sư đòi xem minh châu, lúc đó con không có lời nào nói được, cũng không có cách gì làm cho phải lẽ.
- Thật là sư tử hống, tiếng rất to! 
 (Sinh Hoạt Thiền)

Trấn hải minh châu là chỉ tự tánh. Như Hội hỏi Ngưỡng Sơn có mang theo không. Ngưỡng Sơn đáp dĩ nhiên có vì ai ai cũng có Phật tánh. Đêm tối ẩn đi: tự tánh bị phiền não che lấp. Ngày sáng lại hiện ra: khi khai ngộ thì tự tánh hiển hiện. Không có lời nào nói được: vì không thể dùng lời nói để diễn tả tự tánh. Sư tử hống: lời khen ngợi người nói pháp hay.

601 Tỉnh thức.
Ba Tiêu, một thi sĩ nổi tiếng của Nhật Bản viết một bài hài cú như sau:
Nhìn  cẩn  thận
Hoa  Nazuna
nở 
dọc  hàng  rào.
(The Center Within)

Nazuna là một loài hoa dại, nhỏ, mầu trắng, nếu không để ý thì nhìn không thấy. Ba Tiêu có lẽ đã đi dọc theo hàng rào nhiều lần nhưng cũng không để ý đến loài hoa dại này, cho đến buổi sáng đặc biệt đó. Dưới ánh mặt trời, hoa nở rộ. Một loài hoa dại nhỏ bé không đáng kể, không ai nhìn nó, khen ngợi nó, nhưng nó vẫn sống trọn vẹn. Ba Tiêu đã được gợi hứng và được học một bài học lớn về nó và ông đã kết tinh sự hiểu biết của ông trong bài hài cú. Bài học ở khắp nơi quanh ta, chỉ cần ta mở tâm nhãn. Dù ta học nhiều bao nhiêu đi nữa nếu không có sự tỉnh thức thì đó chỉ là sự thu thập kiến thức không phải là học. Thiền dạy chúng ta tỉnh thức.

602  Năm nào, ngày nào cũng tốt.
Ngày Nguyên Đán, Hư Đường thượng đường bảo đại chúng rằng: 
Năm  nào  cũng  tốt
Ngày  nào  cũng  tốt. 
 (Xuân Canh)

Hư Đường là một thiền sư tu hành rất nghiêm, là một vị cao tăng danh vọng rất lớn. Mỗi năm, ngày Nguyên Đán ông đều nói với đệ tử câu nói trên. Câu nói này hàm ý con người ta làm việc gì cũng phải dốc toàn lực ra mà làm không kể gì đến được, mất, khen, chê, lấy thái độ quang minh, thản nhiên tiếp thọ bi, hỉ của cuộc đời. Thị phi, thành bại, quay đầu lại chỉ là không, chẳng bằng quay về tự tánh thanh tịnh, vô vi.

603  Ẩn Phong Đến Thăm Quy Sơn.
Ẩn Phong một lần đến thăm Quy Sơn (đệ tử của Bách Trượng Hoài Hải). Đến nơi, vào ngay thiền đường để y bát ở nơi thủ tọa. Quy Sơn nghe sư thúc đến vội sửa y phục chỉnh tề, đến thiền đường thăm hỏi. Ẩn Phong thấy Quy Sơn đến bèn nằm ngay xuống ra dáng đang ngủ. Quy Sơn chỉ còn cách trở về phòng phương trượng. Ẩn Phong bèn đi. Một lúc sau, Quy Sơn hỏi thị giả:
- Sư thúc còn ở đây không?
- Đã đi rồi!
- Khi đi, sư thúc có nói gì không?
- Không nói gì cả.
- Tuy rằng không nói, nhưng tiếng như sấm! 
(Nhất Vị Thiền: Quyển nguyệt)

Các vị thiền sư đối đáp nhau, không nhất thiết phải dùng đến lời nói. Ẩn Phong không hổ là sư thúc.

604  Dược Sơn Xem Kinh.
Dược Sơn đang xem kinh, có ông tăng hỏi:
- Hòa thượng bình thường cấm xem kinh, sao tự mình lại xem?
- Ta chỉ độ mắt.
- Con muốn học hòa thượng có được không?
- Nếu là ngươi xem da trâu cũng thủng.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Người chỉ học cách bơi lội trong sách, nhưng không bao giờ xuống nước thì không bao giờ biết bơi. Người giỏi bơi lội, nhất định đã từng bị uống nước. Muốn bơi trong bể Thiền, phải qua giai đoạn xem kinh.

605  Túc Tông hỏi Đạo Huệ Trung.
Túc Tông đến tham phỏng Huệ Trung, vua hỏi nhiều vấn đề, thiền sư đáp nhưng không nhìn vua. Túc Tông giận nói:
- Trẫm là thiên tử Đại Đường mà sao thầy không thèm nhìn đến?
- Bệ hạ có thấy hư không chăng?
- Có.
- Xin hỏi, hư không có để mắt đến bệ hạ không?
Túc Tông không nói gì được nữa. 
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Quốc sư Huệ Trung tâm như hư không, đối đãi hoàng đế cũng như người thường. Thiền là bình đẳng, vì vậy không có vua, tôi, quý, tiện.

606  Chứng Ngộ.
Ngưu Đầu Pháp Dung thiền sư nói:
- Bồ đề vốn chẳng cần giữ, phiền não vốn chẳng cần bỏ, linh tri tự chiếu, vạn pháp về như.
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt) 

Người mê chẳng hiểu sắc không, người ngộ vốn không nghịch thuận. Tám vạn bốn ngàn pháp môn nói đến cùng chẳng sai biệt ly tấc. Nếu lấy kinh điển để giải thích Phật pháp chỉ là giải ngộ, phải lìa chữ nghĩa, chân chính thể nghiệm, nhân duyên chín mùi, do thiện tri thức chỉ thẳng vào tâm, thùng sơn thủng đáy không còn quái ngại, lúc đó mới chính là chứng ngộ.

607  Tượng Phật Bùi Hưu.
Một hôm Bùi Hư mang một tượng Phật đến trước mặt Hoàng Bá, quỳ xuống thưa rằng:
- Thỉnh sư phụ an danh (đặt tên cho tượng Phật).
Hoàng Bá gọi:
- Bùi Hưu!
- Dạ!
- Tốt, ta đã an danh rồi đó.
 Bùi Hưu lạy tạ. 
 (Nhất Vị Thiền: Quyển  Nguyệt)

Rõ ràng là Bùi Hưu muốn thử thách sư phụ. Nếu coi tượng Phật là Phật thì là còn chấp. Bùi Hưu cũng là giả danh, gọi tượng Phật là Bùi Hưu nào có trở ngại gì? Đối với một người đã khai ngộ thì chúng sanh đều là Phật, huống hồ Phật vốn không danh, gọi là gì mà chả được?

608  Tỳ Lô Giá Na Phật.
Có một ông tăng hỏi Huệ Trung:
- Tỳ Lô Giá Na Phật là gì?
- Ngươi bưng ang nước lại đây.
Ông tăng mang ang nước lại, Huệ Trung nói:
- Bưng trả về chỗ cũ.
Ông tăng mang ang nước trả về chỗ cũ và nhắc lại câu hỏi:
- Tỳ Lô Giá Na Phật là gì?
- Cổ Phật lâu lắm rồi. 
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Huệ Trung muốn ông tăng do động tác mà cảm thọ. Cái có thể nhận lệnh của thiền sư chẳng phải là pháp thân Phật sao? Sự chỉ dậy này còn hơn là nói ngàn lời.

609  Rửa ra cái đó.
Bố Nạp đang rửa tượng Phật. Dược Sơn hỏi:
- Cái này ngươi có thể rửa, còn cái đó ngươi có rửa ra được không?
- Thầy mang cái đó ra cho con coi!
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Cái này chỉ tượng Phật, cái đó chỉ tự tánh. Người không hiểu cái đó nhất định không trả lời được. Tự tánh không cần rửa, cũng không có ra vào. Ông tăng khôn ngoan không rơi vào bẫy của câu hỏi mà hỏi ngược lại.

610  Không Thể Nói.
Có ông tăng hỏi Tuyết Phong:
- Thỉnh sư phụ giảng Phật pháp cho con nghe.
- Ngươi nói cái gì? 
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Có nhiều người học Phật pháp, đi tứ xứ tham phỏng danh sư, hy vọng được nghe một lời có thể ngộ. Phật pháp trong thật tu, tự ngộ. Các vị thiền sư chỉ trỏ đường cho đi mà thôi, chứ không thể nắm tay mình mà dẫn đến đích được.

611  Không có gì được tức là được.
Có ông tăng hỏi Long Nha:
- Cổ nhân được gì mà thôi?
- Giống như kẻ trộm vào nhà trống. 
  (Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Thật là một tỷ dụ cực hay. Kẻ trộm có tâm "có được gì”, nhà trống là "không được.” Cả câu nghĩa là không được tức được, giống như câu trong Tâm Kinh "Vô trí diệc vô đắc.” Huệ Trung quốc sư cũng nói "Thiện ác đều không nghĩ đến thì thấy tự tánh.” Còn nói thiện, nói ác là tự buộc thân tâm, bỏ cả đi thì thân tâm mới được giải thoát, tự tại.

612  Không mượn tay người.
Vân Chi đến thăm Thúy Nham, xin phép được vào thất để cầu đạo. Thúy Nham nói:
- Phật pháp chẳng sợ hư nát, bây giờ trời lạnh lắm, ngươi mau đi đốt than đi!
(Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Phật pháp vốn tự hiện thành, trong thất ngoài thất đều không thiếu việc gì phải vào thất mới cầu đạo được? Trời lạnh, đốt than để trừ lạnh, sưởi ấm cũng tương tự như cầu đạo để trừ nghi, giải hoặc. Còn nữa, việc đốt than cũng phải tự mình làm lấy.

613  Ở đâu?
Pháp Dung ở nơi thâm sơn tu hành, ông rất lười, lười đến nỗi thấy người dến thăm cũng không chắp tay mà chào. Do đó, mọi người đều gọi ông là "Dung lười.” Tứ tổ sau khi truyền y bát cho Ngũ tổ rồi, thấy trên núi Ngưu Đầu có khí tượng đoán biết trên núi chắc có người phi thường ở. Một hôm lên núi tham phỏng, thấy Pháp Dung ngồi thiền không lý gì đến mình bèn hỏi:
- Ông ở đây làm gì?
- Quán tâm.
- Ai quán tâm? Và tâm là vật gì?
Pháp Dung không đáp được, bèn hướng Tứ tổ lễ và hỏi:
- Đại đức trú ở đâu?
- Bần đạo không định dừng ở đâu, hoặc Đông, hoặc Tây.
   (Nhất Vị Thiền: Quyển Nguyệt)

Câu đáp thật hay, có chỗ dừng tức có chỗ trú. Người ngộ đạo không có định sở, không có chỗ nào gọi là nhà, nhưng không đâu không là nhà.

614  Lá Phong. 
Lương Khoan là một thiền sư đồng thời cũng là một nhà thư họa suất sắc. trong đời ông, ông sáng tác nhiều thi phẩm trong đó có một bài nói về lá phong trong một buổi trưa mùa thu:
Lá  phong
bầy  mặt  trước
bầy  mặt  sau 
khi  rơi. 
(The Center Within)

Trong tiếng Nhật, bài này rất nên thơ. Khi dịch ra tiếng Việt, đặc điểm này không còn, nhưng ý nghĩa thì vẫn hiểu được. Khi Lương Khoan nhìn thấy chiếc lá phong rơi ông không nén được nói với nó. Này lá phong, ngươi thực là kỳ diệu. Ngươi không bầy mặt trước, dấu mặt sau. Ngươi thực là tự nhiên. Mặc dầu ta là một tu sĩ không có cuộc đời hai mặt, nhưng vẫn còn trong ta ý muốn bầy mặt trước, dấu mặt sau. Nhưng đối với ngươi, lá phong, mặt trước và mặt sau đều giống nhau. Không giả đò, không kiêu ngạo, không giả tạo. Ước gì ta sống được như ngươi trước sau không phân biệt, ta là ta, Lương Khoan được lá phong gợi hứng và cúi đầu bái phục.

615  Bách Trượng Khóc Và Cười.
Bách Trượng sau khi bị Mã Tổ bóp mũi (xem công án 1061) trở về phòng, buông tiếng khóc lớn. Mọi người kinh ngạc hỏi:
- Nhớ nhà có phải không?
Bách Trượng lắc đầu.
- Bị ai làm nhục chăng? 
Bách Trượng vẫn lắc đầu.
- Vậy vì duyên cớ gì?
- Mũi ta bị sư phụ bóp đau quá.
- Vì nhân duyên không khế hợp hay sao?
- Các ngươi hãy đi hỏi sư phụ.
Mọi người đi hỏi Mã Tổ, Mã Tổ nói:
- Hắn tự biết mà, sao các ngưoi không hỏi hắn?
Mọi người lại quay về Bách Trượng hỏi:
- Chuyện này sư phụ bảo sư huynh tự biết mà, người dạy chúng tôi đến hỏi huynh.
Bách Trượng nghe rồi ha hả cười lớn, mọi người nói:
- Vừa mới khóc, bây giờ lại cười, vậy là sao?
Bách Trượng đáp:
- Vừa rồi là khóc, bây giờ là cười.
Mọi người không hiểu ra sao, bàn tán rồi lui. Hôm sau mọi người tụ tập ở pháp đường để nghe sư phụ giảng pháp. Mã Tổ vừa lên toà giảng nói pháp, thấy Bách Trượng lìa chỗ định đi, Mã Tổ không giảng pháp nữa, lập tức xuống tòa giảng. Lúc đó Bách Trượng đang đi sát sau Mã Tổ. Mã Tổ hỏi:
- Ta định giảng pháp, sao ngươi lại bỏ đi?
- Hôm qua, mũi con bị bóp đau lắm.
- Hôm qua, ngươi để tâm tới đâu vậy?
- Hôm nay, mũi con hết đau rồi!
- Ngươi đã hoàn toàn hiểu rõ chuyện hôm qua rồi! 
(Phật Dữ Thiền)

Bách Trượng khóc là do đã liễu ngộ. Khi nghe mọi người nhắc lại câu nói của Mã Tổ lại cười vì biết sư phụ đã biết mình giác ngộ.

616  Nghe tiếng quạ kêu.
Duy Chính một hôm nói chuyện về Thiền với Đỗ tướng quốc. Ông nói:
-  Ta dạy người mới học Thiền đừng nghĩ Đông, nghĩ Tây để ý thức bình lặng. Ý thức giống như nước có sóng. Nước có sóng không thể phản chiếu hình ảnh rõ ràng, chỉ khi nước lặng thì hình ảnh mới rõ. ngay cả đến sự ngộ đạo cũng đều do vô niệm. 
Ngay chính lúc đó, trên cây ngoài sân có con quạ kêu lên. Đỗ tướng quốc hỏi:
- Quạ kêu, thiền sư có nghe không.
- Có nghe thấy.
Sau một lúc, quạ bay đi mất, Đỗ tướng quốc hỏi:
- Quạ đã bay đi rồi, thiền sư có nghe không?
- Có nghe thấy.
- Lúc quạ bay đi, chỉ thấy bay không nghe thấy kêu, sao thiền sư lại bảo nghe thấy?
- Nghe có, nghe không đối với tánh nghe vô can. 
(Thiền Viên)

Tiếng quạ kêu là thanh trần, có sanh, có diệt. Nhưng tánh nghe vốn không có sanh diệt, không vì thanh trần sanh diệt mà sanh diệt.

617  Ai quán?
Đại sư Quật Đa Tam Tạng là người Thiên trúc đông du đến Thiệu Dương tham vấn Huệ Năng mà ngộ. Sau vân du đến Ngũ Đài Sơn gập một ông tăng đang ngồi thiền một mình bèn hỏi:
- Ngươi làm gì mà ngồi một mình ở đây?
- Tĩnh quán.
- Ai quán và tĩnh vật là gì?
Ông tăng thấy câu hỏi không phải tầm thường bèn hành lễ và hỏi:
- Đạo lý này làm sao nói?
- Sao ngươi không tự quán, tự tĩnh. 
(Thiền Viên)

Người đời thường coi tham thiền và ngồi thiền là một. Nhưng Thiền không phải vậy, nó có sinh mạng, sinh cơ hoạt bát. Ngồi thiền tĩnh tâm cũng tốt, nhưng đừng ngồi lâu thành khô tọa.

618  Ngồi lâu ích gì?
Lục tổ nói với Chí Thành:
- Trụ tâm quán tĩnh là bệnh chứ không phải là thiền, ngồi lâu chẳng nằm nào có ích gì?
(Thiền Viên)

Hãy làm một người hoạt bát, sáng suốt, thiền không ở ngồi hay nằm.

619   Ni cô thuyết pháp.
Có vị ni cô định khai đường thuyết pháp. Đàm Không nói:
- Nữ ni không nên khai đường thuyết pháp.
- Long Nữ mới 8 tuổi đã thành Phật, người nói làm sao?
- Long Nữ có 18 phép biến, ngươi thử biến một phép cho lão tăng coi?
- Biến được thì cũng chỉ là dã hồ tinh mà thôi.
(Thiền Viên)

Trong xã hội ngày nay, ni cô dĩ nhiên có thể khai đường thuyết pháp. Người thuyết pháp không cứ là nam hay nữ, mà là có ích cho thính chúng hay không. Biến là chỉ thần thông. Thần thông nếu có, chỉ là trợ duyên cho sự thuyết pháp, nếu không có cũng không cần phải cưỡng cầu. Mục Kiền Liên tôn giả là một trong 10 đại đệ tử của Phật được tôn xưng là Thần thông đệ nhất mà cũng không cứu được mẹ ngài thọ khổ.

620  Không nghi,  không ngộ.
Động Sơn Lương Giới, họ Du người Hội Kê thuộc tỉnh Chiết Giang, xuất gia từ nhỏ. Một hôm thầy dạy tụng Tâm Kinh, khi tụng tới câu "vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý" lấy tay beo má tự hỏi rằng "Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ta đều có, vì sao kinh lại bảo rằng không?" Tâm Kinh là một bài kinh quan trọng của Phật giáo, một đứa nhỏ mà đã biết nghi hoặc như vậy dĩ nhiên là ông thầy phải lấy làm ngạc nhiên và tán thưởng, thậm chí còn nói "Ta không đáng làm thầy ngươi."   (Thiền Viên)

Phần lớn các tôn giáo ở thế gian, các tín đồ phải có lòng tin, không được nghi ngờ. Trái lại, đức Phật dạy chúng ta phải nghi. Nghi lớn, ngộ lớn; nghi nhỏ, ngộ nhỏ; không nghi, không ngộ.

621  Đại hảo sơn.
Khi Duy Khoan ở Thiếu Lâm Tự có ông tăng hỏi:
- Đạo là gì?
- Núi lớn tốt.
- Đệ tử hỏi đạo sao thiền sư lại nói núi lớn tốt?
- Ngươi chỉ biết núi lớn tốt, không biết đạo. 
(Thiền Viên)

Kỳ thực, núi lớn tốt cũng là đạo.

622  Lời nguyện của bà lão.
Một bà già hỏi Triệu Châu:
- Con mang thân người nữ, làm sao trừ năm chướng?
- Nguyện mọi người đều sanh về cõi trời, nguyện lão bà này mãi chìm trong bể khổ.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Đem lòng từ bi mà chịu khổ cho thế nhân.

623  Cưỡi lừa.
Thanh Viễn cho rằng: "Người học thiền thường có hai bệnh: thứ nhất là cưỡi lừa đi tìm lừa, thứ hai là cưỡi lừa rồi không chịu xuống." Lại nói thêm: "Chẳng cần cưỡi, vì chính mình là lừa, cả thế giới này là lừa, ta không thể cưỡi." Nếu nghĩ không cưỡi thì cả thế giới này là yên lừa.
 (Thiền Viên)

Cưỡi lừa tìm lừa: đạo ngay trong tâm ta, còn đi đâu mà tìm?
Cưỡi rồi không chịu xuống: nếu cứ ngoan cố cưỡi lừa đi tìm lừa thì kết quả chỉ là không.
Một gốc cây, một hòn đá đều là đạo, Phật nói pháp 49 năm mà còn nói: ta chưa hề nói một chữ, cưỡi hoài không chịu xuống, còn cưỡi đi đâu chứ?

 624  Cơ duyên ngươi ở nơi Đức Sơn.
Tuyết Phong khi đang tu ở Động Sơn thiền viện, phụ trách công việc thổi cơm. Một hôm, Động Sơn hỏi:
- Ngươi đang làm gì đó?
- Đang lựa gạo.
- Ngươi đãi cát bỏ gạo hay đãi gạo bỏ cát?
- Cát và gạo đều bỏ.
- Vậy chư tăng lấy gì mà ăn?
Tuyết Phong nghe nói bèn lật sàng gạo; gạo rơi tung tóe trên mặt đất. Động Sơn nói:
- Cơ duyên ngươi ở nơi Đức Sơn.
Do đó, Động Sơn chỉ thị Tuyết Phong theo Đức Sơn tu hành. 
(Thiền Viên)

Về sau Tuyết Phong quả nhiên thành một vị thiền sư nổi tiếng.

625  Lúa, đậu, mạch.
Có ông tăng hỏi Tổng Ấn:
- Thế nào gọi là tam bảo?
- Lúa, đậu, mạch. 
- Con không hiểu.
- Đại chúng hoan hỉ phụng trì.
Tổng Ấn lại nói:
- Nói đến tam bảo, kỳ thực chỉ trong khoảng nhướng mày, chớp mắt, thời cơ đã thành quá khứ rồi.
Ma Cốc hỏi:
- Nếu trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chuyện đó đã trở thành quá khứ rồi, vậy chúng con có cần hỏi hay không hỏi chuyện đó thực sự ra sao không?
Quá khứ rồi! 
(Phật Dữ Thiền)

Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Phật là giác, pháp là Phật nghĩa, tăng là nhân duyên hòa hợp. Giác của tam bảo là điều người ta phụng trì, nhưng lúa, đậu, mạch lại chẳng phải là vật thực mà chúng tăng hoan hỉ phụng trì sao? Tinh thần học hỏi của ông tăng thực đáng khen, nhưng ngộ tánh thì chưa đủ. Thời gian thì chớp mắt đã trở thành quá khứ. Thiền cơ cũng vậy nếu trong một sát na mà mất đi khế cơ thì cơ hội gập lại đã hiếm lại còn hiếm hơn nữa.

626  Con sẽ làm Phật.
Đơn Hà Thiên Nhiên là bạn đồng môn của Bách Trượng, lúc nhỏ theo mẹ lên chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ:
- Đây là vật gì?
- Là Phật.
- Hình dung đâu có khác gì người ta, sau này con cũng sẽ làm Phật!
  (Niêm Hoa Vi Tiếu)

Thiền Tông mượn lời đứa nhỏ để đặt nghi vấn tượng Phật là vật gì, rồi lại mượn lời mà xướng xuất Phật không phải là gỗ đẽo ra, cũng không phải là đất bùn nặn lên. Nếu mình đã là Phật thì việc gì phải lạy tượng Phật hư giả đó?

627  Thật lạ kỳ!
Có một lần, Động Sơn đến Phần Đàm thấy một hòa thượng đang lớn tiếng nói với đại chúng rằng :
- Thật  lạ  kỳ! Thật  lạ  kỳ!
Phật  giới,  đạo  giới  không  thể  nghĩ  bàn!
Động Sơn nghe rồi bèn hỏi:
- Ta không hỏi Phật giới, Đạo giới, ta chỉ hỏi ngươi vừa nói Phật giới, Đạo giới là gì?
Người vừa nói là một vị thủ tọa, người ta gọi ông là Sơ thủ tọa. Sơ thủ tọa nghe hỏi ngồi yên không nói. Động Sơn lại hỏi:
- Sao không nói mau?
- Nói mau liền không được gì!
- Ngươi đã không nói, lại còn nói "nói mau không được gì" là thế nào?
Sơ thủ tọa lại ngồi yên không nói, Động Sơn lại hỏi:
- Phật và Đạo chỉ là danh từ sao không dẫn giáo nghĩa luận bàn thử coi?
- Làm sao nói đây?
- Được ý quên lời! 
(Phật Dữ Thiền)

Động Sơn đáp rất hay, nhưng đoạn đối thoại không hợp thiền cơ. Sơ thủ tọa hai lần im lặng không nói, Động Sơn cũng không hề tiếp dẫn, có thể cơ duyên hoàn cảnh chưa được chín mùi.

628  Vốc nước và nghịch hoa.
Vốc  nước,  trăng  trong  tay
Nghịch  hoa,  hương  vương  áo.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Hai câu này trích trong Hư Đường Lục. Ở đây Người là Chủ Thể, Cảnh là Khách Thể, chỉ cảnh giới chủ khách là một. Đây chính là cảnh giới Vô tâm tam muội (thân tâm là một) của thiền giả.

629  Sắc Tức Là Không.
Có người mang một bức họa tiên nữ đến nhờ Thạch Am (1573-1645) ở Đông Hải Tự đề chữ. Ông nghĩ hòa thượng chắc sẽ lộ vẻ mặt khó coi, nào ngờ hòa thượng cười nói:
- Vẽ đẹp quá! Ngay đến ta cũng muốn có người đẹp như vậy ở bên cạnh.
Nói rồi thuận tay lấy bút đề lên tranh:
"Phật bán pháp, Tổ bán Phật. Thời mạt, tăng bán tổ sư, ngươi bán bốn thước chính trung, an tất cả phiền não của chúng sanh. Sắc tức là không, không tức là sắc. Liễu lục, hoa hồng. Trăng đêm đêm rọi trên mặt hồ, vì không lưu tâm, nên cũng không lưu hình." 
(Nhất Nhất Nhất Thiền Ngữ)

Sắc là dịch từ chữ Phạn Rũpa, chỉ vật có hình thể, cũng chỉ hiện tượng vật chất, vì sắc tức là không nên không có tự tánh, là để cảnh giới người đời đừng chấp vào hình thức. Nhưng Thạch Am lại dùng sắc theo nghĩa sắc của Nam, Nữ để đùa chơi.

630  Đạo ở trong không ở ngoài.
Nham Đầu và Tuyết Phong khi sư phụ là Đức Sơn mất rồi, bèn cùng nhau vân du bốn phương. Một hôm, hai người tới Ngao Sơn trấn, Hồ Nam, gập lúc trời tuyết lớn, hai người đành phải dừng lại.
Lúc đó Nham Đầu tâm bình tĩnh, đêm đến an tâm mà ngủ. Tuyết Phong không ngủ được, mỗi ngày đều ngồi thiền đến canh tư, trời sáng rồi mà vẫn không ngủ được. Có một lần Nham Đầu bỗng thức giấc thấy Tuyết Phong còn ngồi thiền bèn nói:
- Sao ngươi không ngủ?
- Đệ tâm chẳng an, không ngủ được.
- Ngươi có gì chẳng an, hãy nói nghe thử.
Do đó Tuyết Phong nói ra tâm lý chẳng an, thỉnh sư huynh chỉ điểm. Nham Đầu hét lên một tiếng và nói:
- Cái gì từ cửa vào chẳng phải là đồ gia bảo. Chỉ những gì phát xuất từ ngực ra có thể lật ngược trời đất thì mới có chút thành tựu.
Tuyết Phong nghe rồi khai ngộ, nói rằng:
- Hôm nay, ta tại Ngao Sơn trấn, tiến, lui chẳng được mới thực là chân chính ngộ đạo. 
(Thiền Viên)

Đạo không phải từ ngoài vào, mà ở trong vốn sẵn có. Tuyết Phong tâm chẳng an là do bị ngoại cảnh chi phối. Một vị thiền giả có thể nghĩ cũng có thể dừng nghĩ, có thể kháng chế nghĩ và không nghĩ là một sự thành tựu lớn.

631  Giỗ Vân Nham.
Khi Động Sơn đã hơn 50 tuổi (thế kỷ 9) làm phương trượng ở Động Sơn (thuộc giang Tây). Có một lần làm giỗ Vân Nham. Có một ông tăng hỏi:
- Sư phụ khi ở với Vân Nham có được chỉ dậy đặc biệt gì không, xin nói cho chúng con nghe.
- Không có, tuy ta có ở đấy nhưng cũng không được chỉ dạy gì khác với các huynh đệ.
- Nếu vậy sao còn làm giỗ cúng?
- Ta ở đó đâu dám trái ý thầy.
- Sư phụ đến bái Nam Tuyền trước cơ mà, sao lại làm giỗ cho Vân Nham?
- Ta không phải tôn trọng đạo đức của người, chỉ trọng vì người chẳng nói cho ta điều bí mật đó!
(Phật Dữ Thiền)

Có lúc không nói lại là một phương pháp chỉ dạy hữu hiệu.

632  Lỗ Mũi.
Có ông tăng hỏi Phổ Nguyện: 
- Lúc cha mẹ chưa sanh, lỗ mũi ở đâu?
- Cha mẹ sanh rồi, lỗ mũi ở đâu? 
(Thiền Cơ)

Lỗ mũi chỉ tự tánh.

633  Không Mồm.
Có ông tăng hỏi Bảo Vân:
- Thế nào là không nói mà nói?
- Mồm ngươi ở đâu?
- Không mồm.
- Vậy lấy gì ăn cơm.
(Thiền Cơ)

Ăn chỉ hiện tượng giới, không mồm chỉ bản thể giới.

634  Đóng Cửa.
Một ông tăng hỏi Như Bảo:
- Thế nào là ứng cơ?
Như Bảo im lặng, ông tăng lại hỏi:
- Thế nào là im lặng?
Như Bảo đáp:
- Ngươi ra đóng cửa cho ta!
(Thiền Cơ)

Im lặng không nói là lời ứng cơ, đóng cửa chỉ thiền cơ ở giữa ta và ngươi.

635  Trâu Tốt.
Thật Tánh hỏi một ông tăng:
- Ngươi từ đâu lại?
- Từ Vân Môn.
- Ở đó có bao nhiêu trâu?
- Một hai con.
- Trâu tốt! 
(Thiền Cơ)

Trâu chỉ tự tánh.

636  Dấu Vật Ở Đây.
Có một ông tăng đến tham kiến Trần Tôn Túc, thiền sư hét lên:
- Ngươi vì sao trộm quả để ăn?
- Con vừa mới đến sao thầy lại bảo trộm quả để ăn?
- Dấu vật ở đây! 
(Thiền Cơ)

Quả chỉ tự tánh, trộm quả là hướng ngoại mà tìm tự tánh.

637  Động Đất.
Một trận động đất xẩy ra, một ông tăng hỏi Đạo Khuông:
- Còn có không động chăng?
- Có.
- Chỗ nào không động?
- Động từ Đông lại, mất hút về Tây. 
   (Thiền Cơ)

Động chỉ hiện tượng giới, không động chỉ bản thể giới.

638  Viên Thuốc Trị Bá Bệnh.
Một ông tăng hỏi Đạt Không:
- Thế nào là viên thuốc trị bá bệnh?
- Ngươi mắc bệnh gì?
(Thiền Cơ)

Viên thuốc trị bá bệnh chỉ tự tánh.

639  Nghe Tiếng Chuông Chùa.
Có một hôm Dịch Đường hòa thượng (1805-1879) ngồi thiền lắng nghe tiếng chuông chùa ban mai. Khi xuất định, kêu thị giả lại hỏi người thỉnh chuông là ai. Thị giả cho biét đó là một chú tiểu mới tới, Dịch Đường hòa thượng bèn cho gọi chú tiểu đó đến hỏi rằng:
- Ban mai lúc thỉnh chuông tâm tình ngươi thế nào?
- Chẳng có gì đặc biệt, chỉ thỉnh chuông thôi.
- Không thể nào! Nhất định tâm ngươi có niệm gì đó, vì ta nghe tiếng chuông rất cao quý.
Lúc đó, chú tiểu chợt nhớ ra, thưa rằng:
- Ở quê con, sư phụ thường dạy rằng khi thỉnh chuông thì tưởng chuông là Phật. Do đó phải thận trọng trai giới, kính chuông như kính Phật, dùng tâm lễ bái mà thỉnh chuông.
Dịch Đường hòa thượng nghe rồi hoan hỉ nói rằng:
- Về sau xử lý mọi chuyện, đừng bao giờ quên tâm cảnh sáng nay.
Chú tiểu đó sau này là Quán Thủ Sâm Điền Do thiền sư (1834-1915) ở Vĩnh Bình Tự.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Chân đế của Thiền là lấy vô tâm mà nhìn, nghe.

640  Một Chiếc Dép Cỏ Rách.
Một ông tăng hỏi Ba Tiêu:
- Trộm đến thì đánh, khách đến thì tiếp; bỗng nhiên trộm và 
khách đều đến thì phải làm sao?
- Trong nhà có một chiếc dép cỏ rách.
- Còn dùng được không?
- Nếu ngươi vứt nó đi thì xấu nhiều, tốt ít. 
(Thiền Cơ)

Trộm, khách chỉ ngoại cảnh, ngoại duyên, ngoại trần, dép cỏ rách chỉ tự tánh.

641  Ý Tổ Sư.
Một ông tăng hỏi Dược Sơn:
- Đạt Ma tổ sư chưa qua Trung Thổ, Trung Thổ có ý tổ sư chăng?
- Có.
- Nếu có sao còn qua?
- Vì có nên mới qua.
(Thiền Cơ)

Ý tổ sư chỉ tự tánh, không đâu không có.

642  Mặc Kệ Nó.
Một ông tăng hỏi Thọ Chiểu:
- Lúc bị vạn cảnh nhiễu loạn phải làm sao?
- Mặc kệ nó.
Ông tăng bèn lạy, Thọ Chiểu nói:
- Đừng lạy mà gẫy lưng. 
(Thiền Cơ)

Ông tăng lạy là còn chấp pháp.

643  Tối Nay Không Trả Lời.
Dược Sơn thượng đường nói:
- Tối nay ta không trả lời câu hỏi, ai hỏi sẽ bị đánh 30 gậy.
Một ông tăng bước ra lạy, thiền sư bèn hươi gậy đánh. Ông tăng hỏi:
- Con không hỏi sao thầy lại đánh?
- Ngươi là người ở đâu?
- Người Tân La (Đại Hàn).
- Lúc ngươi bước chân lên thuyền đã đáng đánh 30 gậy rồi! 
 (Thiền Cơ)

Tự tánh ai cũng có, đến Trung Quốc làm gì?

644  Vì Sao Chẳng Ngộ?
Có ông tăng hỏi Giáp Sơn:
- Đệ tử vì sao không ngộ?
- Vì ngộ làm Xà lê mê.
Sau đó lại làm bài kệ:
明 明 無 悟 法
Minh minh vô ngộ pháp
悟 法 卻 迷 人
Ngộ pháp khước mê nhân
長 舒 兩 脚 睡
Trường thư lưỡng cước thụy
無 僞 亦 無 眞
Vô ngụy diệc vô chân
Rõ,  rõ  không  ngộ  pháp
Ngộ  pháp  làm  mê  nhân
Ruỗi  thẳng  hai  chân  ngủ
Chẳng  giả  cũng  chẳng  chân. 
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Có tâm muốn ngộ là đã chấp tướng rồi, cứ để tùy duyên thì đi, đứng, nằm, ngồi đều là đạo.

645  Hai Mươi Năm Lại Từng Cay Đắng
Vì Anh Chỉ Thẳng Hang Rồng To.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)
Đây là hai câu trong bài tụng của Tuyết Đậu (980-1052):
日 面 佛 月 面 佛 
Nhật diện Phật nguyệt diện Phật 
五 帝 三 皇 是 何 物
Ngũ đế tam hoàng thị hà vật
二 十 年 來 會 苦 辛
Nhị thập niên lai tằng khổ tân
爲 君 幾 下 蒼 龍 窟
Vi quân cơ hạ thương long quật
屈 堪 述 明 眼 衲 僧
Khuất kham thuật minh nhãn nạp tăng
莫 輕 忽 
mạc khinh hốt 
Mặt  trời Phật,  mặt  trăng  Phật
Ngũ  đế,  tam  hoàng  là  vật gì?
Hai  mươi  năm  lại  từng  cay  đắng
Vì  anh  chỉ  thẳng  hang  rồng  to.
Cúi,  cam  nói
Thiền  tăng  mắt  sáng  chớ  xem  thường.
 (Thích Thanh Từ dịch)

Ý tưởng là 20 năm cay đắng cầu đạo, đã có mấy lần vào được hang rồng xanh? Theo truyền thuyết ở hàm rồng có ngọc, do đó người đời ví tham thiền như vào hang rồng lấy ngọc. Trong thực tế vào hang rồng là chỉ vào phòng sư phụ độc tham. Tu thiền điều căn bản là phải tìm được thầy, rồi sau đó nhập thất. Còn như chỉ đọc sách vở các học giả chưa từng vào hang rồng thì chẳng ích lợi gì, điều cốt yếu là làm sao lấy được minh châu trong hàm rồng. Đông Lĩnh hòa thượng (1721-1793) thuyết pháp ở am Đông Bắc, bà mẹ 60 tuổi của Sài Điền Nguyên Dưỡng nghe Đông Lĩnh giảng Phật mặt trời , Phật mặt trăng nhẩm đọc theo, bất giác tiến vào trạng thái vong ngã và cuối cùng đại ngộ. Do đó, thấy rằng xuất gia hay tại gia, ở thiền đường hay ở nhà không thành vấn đề, mọi người đều có thể đắc đạo.

646  Bính Đinh Đồng Tử Đến Xin Lửa.
Huyền Tắc là giám viện ở Thanh Lương Tự của Pháp Nhãn. Pháp Nhãn thấy ông không hề tham thiền, nhập thất bèn hỏi:
- Này viện chủ, sao không thấy ông tham thiền?
- Khi con ở nơi Thanh Phong đã ngộ rồi.
- Ngộ thế nào, nói ta nghe coi!
- Con hỏi Thanh Phong "Phật là gì?" lão sư đáp "Bính Đinh đồng tử đến xin lửa ", con nghe câu đó mà ngộ.
- Câu nói hay nhưng ngươi chưa hiểu rõ ý, hãy thử nói ý ngươi coi.
- Bính Đình đồng tử đều là thần lửa. Bính là anh, Đinh là em đều đến xin lửa ý nói mình đã là Phật lại còn đi cầu Phật.
- Ngươi còn chưa ngộ!
Huyền Tắc tức giận, bèn rời bỏ Thanh Lương Tự. Đi được một đoạn đường lại nghĩ: "Lão sư có 500 thiền sinh, nhất định không phải là bình phàm.” Bèn quay trở lại lạy sám hối rồi bạch rằng: 
- Phật là gì?
- Bính Đinh đồng tử đến xin lửa.
Huyền Tắc tức thời đại ngộ. 
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Hỏi cũng hay, đáp cũng hay; thuốc không đổi, nhưng cơ duyên thật kinh người. Khi Pháp Nhãn bảo “ngươi còn chưa ngộ”, Huyền Tắc tức giận bỏ đi vì còn ngã chấp.  Sau khi suy nghĩ, quay trở lại sám hối và xin thỉnh giáo, là đã bỏ được ngã chấp.  Pháp Nhãn lập lại câu nói của ông là ám chỉ câu nói không sai, thiền sư chỉ phá ngã chấp cho ông mà thôi.
(Bồ Đề Học Xã)

647  Bệnh Nhân.
Đức Sơn lúc sắp mất, có ông tăng hỏi:
- Có người nào không bao giờ bị bệnh  không?
- Có.
- Người vĩnh viễn không bị bệnh là thế nào?
- Ái chà! 
 (Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)

Tiếng kêu là người bệnh không bệnh nữa. Câu đáp có vẻ như mâu thuẫn nhưng thực ra không mâu thuẫn chút nào vì chân ngã không bệnh. Bệnh là hình tượng của pháp sanh diệt. Nếu vượt lên hình tượng thì bệnh không ảnh hưởng gì đến chân ngã cả.

648  Pháp Nhãn.
Pháp Nhãn nói với chúng đệ tử:
- Không được dùng mắt thịt mà xem vạn pháp, mà phải dùng mắt pháp. Nếu mắt đạo không thông đó là do mắt thịt trở ngại.
(Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông)
Mắt thịt nghe mệnh lệnh của thức tâm, những gì nó nhìn không phải là tự tánh.

649  Ta Muốn Bán Thân.
Phổ Nguyện hỏi:
- Ta muốn bán thân, có ai muốn mua không?
Một ông tăng thưa:
- Con muốn mua.
- Chưa cho giá, làm sao ngươi mua được?
Ông tăng há mồm, rụt lưỡi.
(Thiền Cơ)

Thân chỉ tự tánh. Tự tánh ai cũng có, mỗi mỗi viên thành, làm sao có thể bán cho người khác được? Phổ Nguyện không bán, ám chỉ ông tăng tự có, việc gì phải mua của người.

650  Đánh Phèng La.
Phổ Nguyện hỏi Thần Sơn:
- Làm gì đó?
- Đánh phèng la.
- Dùng tay hay dùng chân?
- Xin thầy chỉ thị?
- Đi hỏi chuyên gia đánh phèng la. 
(Thiền Cơ)

Đi hỏi người là thừa, chi bằng tự hỏi mình.

651  Chỉ Đông, Chỉ Tây.
Phổ Nguyện và Sam Sơn đang sao thuốc. Phổ Nguyện hỏi:
- Đừng chỉ Đông, chỉ Tây hãy chỉ thẳng bản phận sự coi.
Sam Sơn ném que cời vào lửa, khoanh tay đứng.
- Tuy là vậy, vẫn khác ta một bước.
(Thiền Cơ)

Bản phận sự chỉ tự tánh, ở khắp mọi nơi. Sam Sơn ném que cời vào lửa là chỉ Đông, chỉ Tây, còn chấp lưỡng biên.

652  Không Còn Hơi Sức.
Một hôm, Tăng Mật cùng cuốc vườn trà với Động Sơn. Động Sơn quẳng cuốc xuống nói:
- Hôm nay ta thấy trống rỗng quá, một chút hơi sức cũng không có.
- Một chút hơi sức cũng không có, làm sao còn sức mở mồm?
- Ngươi nói có hơi sức sao?
(Thiền Cơ)

Ở hiện tượng giới (vườn trà) cần có hơi sức, nhưng ở bản thể giới thì không.

653  Cắt Cỏ.
Một hôm, Thạch Đầu đang cắt cỏ, Ẩn Phong đứng khoanh tay ở 
bên. Thạch Đầu cắt đến đám cỏ trước mặt Ẩn Phong. Ẩn Phong nói:
- Thầy chỉ cắt được cái này, có cắt được cái kia không?
Thạch Đầu đưa liềm cho Ẩn Phong, Ẩn Phong nhận lấy rồi làm bộ cắt cỏ, Thạch Đầu bèn nói:
- Ngươi chỉ biết cắt cái kia mà không biết cắt cái này. 
  (Thiền Cơ)
Cái này chỉ cỏ, cái kia chỉ tự tánh.

654  Trời Sáng Lại Mất Lửa.
Phổ Nguyện thấy một ông tăng đang bổ củi bèn bước tới gõ vào củi ba cái. Ông tăng buông búa, trở về tăng đường. Phổ Nguyện về pháp đường một lát, lại chạy tới tăng đường thấy ông tăng đang ngồi thiền, bèn nói:
- Thật là lừa giết người!
- Thầy trở lại pháp đường có chỉ thị gì?
- Tối qua mất trâu, trời sáng lại mất lửa. 
(Thiền Cơ)

Phổ Nguyện gõ vào củi ba cái chỉ tự tánh ở khắp mọi nơi; trâu, lửa đều chỉ tự tánh. Mất trâu, mất lửa là chỉ tâm bị nhiễm trần.

655   Mê Thời,  Ba Giới Có
          Ngộ Rồi,  Mười Phương Không.
(Tòng Dung Lục)

Con người nếu mê, chấp vào vọng niệm thì cũng giống như con ngựa hoang sút dây, chạy mãi chẳng ngừng. Vọng tưởng sanh vọng tưởng làm cho khốn quẫn. Thậm chí (tướng do tâm sanh) diện mạo cũng thay đổi nữa. Nếu ngay lập tức có thể cắt đứt mê chấp thì có thể đạt không. Lấy tâm bình thản không lo lắng, không bị bất cứ cái gì ràng buộc mà sống thì cuộc sống mới thực là khoái hoạt.

656  Đầu Hổ Đuôi Rắn.
- Cảnh Thanh hỏi Hà Ngọc:
- Ngươi từ nơi nào tới?
- Từ Thiên Thai tới.
- Ai hỏi núi Thiên Thai của ngươi?
- Sư phụ nói vậy chẳng là đầu hổ đuôi rắn sao?
- A! Hôm nay ta bất lợi.
 (Phật Dữ Thiền)

Câu nói của Cảnh Thanh "Ai hỏi ngươi núi Thiên Thai" có ý bảo Hà Ngọc hãy ra khỏi hiện thực, nhưng Hà Ngọc vẫn chấp một phía nên mới nói đó chẳng phải là "đầu hổ đưôi rắn sao?" Thiền không phải là đầu hổ, cũng không phải là đuôi rắn. Thiền vượt lên cả không gian và thời gian.

657  Gia Phong Của Vân Môn.
Một ông tăng hỏi Vân Môn:
- Thế nào là gia phong của Vân Môn?
- Giống như thiền sinh muốn đến tham học, đã đứng ở ngoài cửa rồi. 
(Zen Koans)

Vân Môn kế thừa Tuyết Phong và lập nên dòng thiền Vân Môn. Ông dạy nhiều thiền sinh và dòng thiền của ông có nhiều đặc điểm. Nhưng ở đây, ông tăng không hỏi về kỹ thuật và phương pháp, mà hỏi về sự sống thiền hàng ngày của Vân Môn. Câu trả lời của Vân Môn không nói gì đến Phật, Đạo, Thiền. Và nếu ông tăng cứ tiếp tục hỏi về thiền sinh đứng ở cửa, thì ông càng đi xa đích. Thiền sinh muốn học, không những chỉ đứng ở cửa mà còn luôn sẵn sàng. Mỗi người trong chúng ta đều có một thiền sinh bên trong muốn học. Vân Môn tự mình đã đứng ở cửa học, và chúng ta cùng đứng với ông.

658  Thọ Trai.
Một hôm Lâm Tế và Phổ Hóa đi thọ trai; sư hỏi:
- Sợi lông nuốt biển lớn, hạt cải đựng Tu Di, đó là thần thông diệu dụng hay là bản thể như nhiên?
Phổ Hóa đạp đổ bàn ăn, Lâm Tế nói:
- Thô bạo quá!
- Đây là đâu mà ngươi nói thô với tế?
Hôm sau sư lại cùng với Phổ Hóa đi thọ trai, sư hỏi:
- Sự cung dưỡng hôm nay so với hôm qua như thế nào?
Phổ Hóa cũng y như trước đạp đổ bàn ăn, sư nói:
- Được thì được, nhưng thô bạo quá!
- Đồ mù, Phật pháp đâu có nói thô với tế! 
 (Lâm Tế Lục)

Hạt cải đựng núi Tu Di là chuyện không thể nghĩ bàn, là để diễn ý không có phân biệt to nhỏ, rộng hẹp. Nếu cố giải thích thì là chưa ngộ vì vậy Phổ Hóa mới đạp đổ bàn ăn. 
(Trần Hòa Chương)

659  Vô Học Tổ Nguyên.
Ở thời Liêm Thương, tổ sư khai sơn của chùa Viên Giác là quốc sư Phật Quang tức hòa thượng Vô Học Tổ Nguyên. Khi còn ở Trung Quốc, để tránh loạn ông từ chùa Chân Như ở Đài Châu di chuyển đến chùa Năng Nhân ở Ôn Châu. Không ngờ vẫn không tránh khỏi quân Nguyên. Một hôm quân Nguyên vào chùa, tăng chúng đều chạy trốn cả, chỉ một mình Tổ Nguyên là thản nhiên ngồi thiền. Thủ lãnh của quân Nguyên rút dao bén, kề cổ thiền sư, thiền sư mặt không biến sắc đọc bài kệ nổi danh:
乾 坤 無 地 孤 筑 卓
Càn khôn vô địa cô trúc trác
且 喜 人 空 法 亦 空
Thả hỉ nhân không pháp diệc không
珍 重 大 元 三 尺 劍
Trân trọng đại nguyên tam xích kiếm
電 光 影 裡 斬 春 風
Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.
Trời  đất  không  đâu  chỗ  cắm  dùi.
Là  không,  không  hết  ông  và  tôi
Vui  thay  ba  thước  gươm  Nguyên  xuống
Cắt  ngọn  gió  xuân  giữa  chớp  lòe.
(Trúc Thiên dịch)
Nghe thiền sư đọc xong bài kệ, thủ lãnh quân Nguyên sám hối, lạy rồi kéo quân đi.
(Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ)

Tổ Nguyên đã vượt qua sanh tử cho nên không sự uy hiếp nào làm ông hoảng sợ.

660  Tăng Xán.
Có một cư sĩ, không biết tuổi tác là bao, nhìn bề ngoài ước độ 14, 15 tuổi , đến tham bái Huệ Khả, cũng không báo tánh danh, thưa rằng:
- Con bị bệnh cùi khổ sở, xin thầy sám tội cho con.
- Ngươi hãy đem tội ra, ta sám hối cho ngươi.
- Con tìm tội nhưng chẳng thấy.
- Ta đã sám tội cho ngươi rồi, nay ngươi nên quy y tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
- Con thấy thầy là biết được tăng, nhưng chưa biêt thế nào là Phật, là Pháp?
- Tâm là Phật, đồng thời cũng là Pháp. Phật và Pháp chẳng sai biệt ngươi có hiểu không?
- Giờ con đã rõ tội chẳng ở trong ngoài, giữa. Tâm cũng như vậy, Phật và Pháp chẳng hề sai biệt.
Huệ Khả nghe nói rất vui, cho xuống tóc, bảo:
- Ngươi là vật báu của ta, nên đặt tên là Tăng Xán.
(Tổ Đường Tập)

Công án này diễn một ý kiến cho rằng bệnh do nghiệp sanh. Một tội lỗi trong quá khứ đã làm cho chúng ta bị bệnh. Nhưng tội này ở hiện đời hay ở đời trước? Theo như câu trả lời của Tăng Xán "Con tìm tội nhưng chẳng thấy" cho thấy tội lỗi này không thể ở trong đời này mà ở đời trước. Chúng ta thấy công án này tương tự như công án an tâm của Huệ Khả, chỉ thay tâm chẳng an bằng tội lỗi. Tại sao Tăng Xán không tìm thấy tội lỗi? Ông là thánh hay sao? hay là ông cho rằng giữa tội và bệnh không có liên quan gì cả? Ông đã vượt lên luân lý, vượt lên đúng sai? hay ông chỉ đơn giản mô tả sự kiện? Khi Huệ Khả bảo Tăng Xán mang tội ra, có lẽ Tăng Xán đã hiểu ý đằng sau câu nói đó. Trong thiền định ông đã hiểu rằng tội lỗi chỉ là danh tướng của luân lý. Đó là hư ảo, chỉ có hành động, chẳng có đúng hoặc sai. Bị bệnh cùi không tốt cũng không xấu. Người cùi phải chấp nhận và đương đầu với bệnh của mình. 
(Barragato)

Hết Quyển Thượng

Các  Sách  Trích  Dịch

Bích Nham Lục bạch thoại chú giải            Hứa Văn Cung
Bình Thường Tâm Thị Đạo                        Bồ Đề Học xã
Ch’an and Zen Teaching                            Lu K’uan Yu
Chích Thủ Chi Thanh                                Dư Tiến Phu
Đồ giải thiền vấn đáp                                Trần Hòa Chương
Entretiens de Lin-Tsi                                Paul Demiéville
Hảo Tuyết phiến phiến                              Lâm Thanh Huyền
Hương Thủy Hải                                      Lâm Thanh Huyền
Minh Tâm Kiến Tánh Thoại Thiền Tông       Bồ Đề Học Xã
Mumonkan & Hekiganroku                        Katsuki Sekida
Nhất Nhật Nhất Thiền Ngữ                        Long Mãn
Nhất Vị Thiền - quyển phong                     Lý Anh Đệ
                     - quyển hoa                        Hoàng Tĩnh Nhã
                     - quyển nguyệt                    Lâm Tân Cương
Niêm Hoa vi Tiếu                                      Cố Vĩ Khang
Phật dữ Thiền                                          Minh Kính
Sinh hoạt Thiền                                        Dương Huệ Nam
The Center Within                                    Gyomay M. Kubose
Thiền Cơ                                                 Lâm Minh Dục
Thiền Cơ Sử Nễ Tại Chân lý Trung Giác Tình      Viên Thông
Thiền Đích Cố Sự Hựu Nhất Tập               Giản Huệ Căn
Thiền Lâm Tuệ Ngữ                                  Vân Lăng
Thiền Lý Dữ Nhân Sinh                             Bồ Đề Học Xã
Thiền Ngộ                                                Bình Điền Tinh Canh
Thiền Ngoại Thuyết Thiền                          Trương Trung Hành
Thiền Sinh Mạng Đích Vi Tiếu                    Trịnh Thạch Nham
Thiền Sư Khải Ngộ Pháp                           Thái Vinh Đình
Thiền Tông Dật sự                                    Đạo Long 
Thiền Tông Tọa Thạch Minh                       Bồ Đề Học Xã
Thiền Tông Trí Tuệ Ngữ Lục                       Bồ Đề Học Xã
Thiền Tông Công Án Bí Truyền                   Dư Tiến Phu
Thiền Thuyết                                            Thái Chí Trung
Thiền Viên                                                Vương Trần Canh
Tinh Vân Thiền Thoại                                 Tinh Vân
Trung Quốc Thiền                                      Khang Hoa 
Vô Môn Quan bạch thoại chú giải               Thánh Tham
Zen Koans                                                Gyomay M. Kubose
Zen Light                                                  Barragato 
 
 
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nguyên nhân nào làm tăng nguy cơ tim トO Giữ sức khỏe khi ôn thi Đậu hũ cay xốt nấm 栃木県 寺院数 ß Rau mùi Gia vị ngon thuốc quý tuc 元音老人全集 曹洞宗 お盆 名古屋流祭り方 こころといのちの相談 浄土宗 Phật đản nhớ Phật 今之儒者 自以为正心诚意之学者 积极向上的名言警句 Lời khẩn cầu trong đêm æåŒ một linh cảm ứng quán thế âm đừng vội phán xét người æµæŸçåŒçŽ làm gì khi chúng ta gặp thị phi mùng พระอ โบสถว ดสระเกศ 塩谷八幡宮 hiểu 白色袈裟图片画法 æ æ hoc phat Vu lan nhớ mẹ 簡単便利戒名授与水戸 大安法师讲五戒 教师节的对联 河南有专属的佛教 Phật giáo 仏壇の線香の位置 投影备品备件方案 Về ماتش مصر والراس الاخضر يلا 增上生和决定胜 人间佛教 秽土成佛 末法时代 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay 什么是佛度正缘 七五三 小山