CHƯƠNG
II
TƯ TƯỞNG
1
TƯ TƯỞNG
CĂN BẢN
Câu nói đầu
tiên của đời Ngài Huệ Năng là : “Các vị Thiện tri thức!
Tự tánh bồ đề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức
nhiên thành Phật”. Câu ấy phải được xem là căn bản của
đời Ngài Huệ Năng. Về phương diện tư tưởng, câu ấy
là tư tưởng căn bản.
Tư tưởng
căn bản này, bất cứ đứng về giáo nghĩa nào trong Phật
giáo, cũng giải thích được một cách minh bạch và do đó,
bất cứ cương vị nào, ai cũng thực hành được cả. Đó
không phải là câu nói mơ hồ như những kẻ mơ hồ nói úp
úp mở mở để tỏ ra rằng chỉ một mình họ theo nổi một
điều sâu xa.
“Tự tánh
bồ đề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tất nhiên
thành Phật” chính nghĩa là “phát bồ đề tâm” chứ không
chi khác. Đơn giản quá chăng? Nếu có ý tưởng đó thì thực
ra đã không hiểu gì về cái nghĩa phát bồ đề tâm, cái
nghĩa căn bản của Phật tử.
Mà thực
sự là như vậy. Từ ngữ phát bồ đề tâm cũng như danh từ
bồ đề, tuy là ngôn ngữ thông dụng của Phật tử, nhưng
nghĩa lý của nó được hiểu rành mạch thì không có mấy
người. Bởi vậy, để cắt nghĩa minh bạch tư tưởng căn
bản của Ngài Huệ Năng, trước hết, hãy trình bày thật
kỹ về sự “phát bồ đề tâm”, một điều mà ai cũng
sẽ thấy ở sau, nó rất quan trọng.
“Phát bồ
đề tâm”, muốn cắt nghĩa, hãy chia ra 3 phần: Bồ đề,
bồ đề tâm, và phát bồ đề tâm.
*
* *
Trước hết,
nói về “bồ đề”, thì y theo kinh luận, ta có thể cắt
nghĩa bằng 10 điều sau đây:
Danh nghĩa
của bồ đề: Bồ đề là tiếng Phạn, xưa dịch là “đạo”.
Đạo có hai nghĩa: nghĩa đen là đường đi, nghĩa suy diễn
là lý đức. Vậy nếu căn cứ cái nghĩa sở y của bồ đề
mà ta sẽ thấy ở thứ 8, rồi dùng cái nghĩa lý đức mà
dịch là “đạo” thì cũng được. Nhưng chữ đạo thường
bị lầm lẫn với cái nghĩa đen là đường đi (nghĩa này
chữ Phạn có chữ mạt để, chứ không phải là bồ đề),
nhất là hay bị hiểu theo tư tưởng mơ hồ của Lão Trang
và cố nhiên không diễn tả được hết ý nghĩa của bồ
đề, dầu chỉ một nghĩa sở y cũng vậy. Vì vậy, sau này
chữ bồ đề mới được xác định đúng nghĩa là “giác”.
Nhưng chữ giác này phải được quy định là sự giác ngộ,
sự không còn bị mê hoặc mới là bồ đề, chứ không phải
cái giác của sự cảm giác hay ảo giác.
Phẩm
loại của bồ đề: Bồ đề nghĩa là giác, nên khi giác hiện
hành thì mê phải tiêu diệt, hệt như bóng tối sẽ không
thể còn được một khi ánh sáng đã có. Bởi vậy, phàm các
vị Thánh giả đã diệt trừ mê hoặc đều được hiểnlộ
trí giác bồ đề cả. Nên bồ đề có 3 loại: thanh văn bồ
đề, duyên giác bồ đề và vô thượng bồ đề. Tuy nhiên,
chỉ có loại thứ 3 mới là trí giác tuyệt đối viên mãn,
vì ở đây mê hoặc mới được diệt sạch, như ánh sáng
của thái dương lúc đứng bóng mới thật làm tan biến hết
bóng tối.
Tự
tánh của bồ đề: Đặc tánh của bồ đề là gì? Nói chung
cả ba loại thì đặc tánh của bồ đề chính là huệ tâm
sở (đã vô lậu) trong 5 tâm sở biệt cảnh. Nếu nói vô thượng
bồ đề không, thì tự tánh của bồ đề là 4 trí. Và nếu
4 trí mới là tự tánh của bồ đề, thì 2 loại bồ đề
của thanh văn và duyên giác được một phần của diệu quán
sát trí mà thôi, chỉ vô thượng bồ đề của Phật quả
mới viên mãn. Vậy nên ba loại bồ đề là bình đẳng hướng,
vô thượng bồ đề mới là thù thắng tướng. Phần vô thượng
bồ đề mà tự tánh là 4 trí này, tôn Thiên thai gọi là “thật
trí bồ đề”.
Tương
ưng của bồ đề: Ở đây phải hiểu rằng tự tánh của
4 trí cũng vẫn là vô lậu huệ trong 5 tâm sở biệt cảnh.
Bốn trí là do chuyển 8 thức mà thành: chuyển đệ bát thức
thành đại viên cảnh trí, chuyển đệ nhất thức thành bình
đẳng tánh trí, chuyển đệ lục thức thành diệu quán sát
trí và chuyển năm thức thành thành sở tác trí. Bốn trí
này, cố nhiên là ở giai đoạn vô lậu, mỗi trí đều có
21 tâm vương và tâm sở tương ưng với nó: 1 là thức căn
bản tức tâm vương của nó, cộng với 11 thiện tâm sở,
5 biến hành, 4 biệt cảnh và nó, tức huệ tâm sở. Điều
cần chú ý, là giai đoạn vô lậu có nghĩa thuần thức tức
trí, nên ẩn tâm vương thành một thứ tương ưng mà đề
cao trí làm chủ thể để khuyến khích phàm phu mê hoặc biết
mến trọng trí ấy.
Năng
sanh của bồ đề: Bồ đề do đâu mà có? Nói tóm tắt, bồ
đề phát sanh và viên mãn được, là do 3 yếu tố: Nhân thì
do chủng tử của vô lậu huệ làm nhân duyên, duyên thì do
thiện hữu (Chư Phật, Bồ Tát) và chánh pháp làm tăng thượng
duyên, do hữu lậu thiện dẫn phát vô lậu huệ làm đẳng
vô gián duyên, và do cảnh sở quán (cảnh thanh tịnh như tướng
lão của chư Phật, cảnh khổ não như khổ não của chúng
sanh) làm sở nhân duyên.
Sở
đoạn của bồ đề: Bồ đề là trí giác năng đoạn, trí
giác ấy đoạn trừ cái gì? Đoạn trừ nhị chướng: đoạn
được phân biệt ngã chấp (phiền não chướng) thì được
bồ đề của thanh văn và duyên giác, gọi là sanh không trí;
đoạn hết chủng tử cả câu sanh và phân biệt của ngã chấp
và pháp chấp thì gọi là vô thượng bồ đề. Luận nói:
“Bồ đề, bồ đề đoạn và bồ đề xứ đều gọi là
bồ đề”. Bồ đề là nghĩa tự tánh, bồ đề đoạn là
nghĩa sở đoạn, còn bồ đề xứ là nghĩa sở duyên sau đây.
Sở
duyên của bồ đề: Bồ đề là 4 trí bao gồm hết thảy tâm
vương và tâm sở tùy thuộc, nên hết thảy cảnh sở duyên
của tâm vương và tâm sở đều là cảnh của bồ đề. Thế
nên bồ đề sở duyên là duyên tất cả các pháp, không một
pháp gì không biết. Nhất là lại biết cả tự thể của
nó và trong cảnh biến chiếu của bồ đề, chúng sanh cảnh
giới cũng như chư Phật cảnh giới đều do hậu đặc vô
phân biệt trí sở duyên, mà chân như pháp tánh cũng là sở
duyên của căn bản vô phân biêt trí. Ngoại trừ thành sở
tác trí chỉ có hậu đắc vô phân biệt trí, còn 3 trí kia
đều đủ cả hai phần vừa nói.
Sở
y của bồ đề: Bồ đề cũng là một pháp, nhất là bồ đề
lại chứng ngộ chân như, nên thể tánh mà bồ đề nương
dựa chính là chân như pháp tánh. Chính vì một khi bồ đề
đã hoàn toàn tương ưng với chân như rồi thì bởi chân như
vốn bất sanh diệt, nên bồ đề vĩnh viễn hiện hành mà
không khi nào bị mê hoặc chen vào nữa. Căn cứ vào cái nghĩa
chân như là pháp tánh sở y của bồ đề ở đây, tôn Thiên
thai gọi là “chân tánh bồ đề”.
Sở
khởi của bồ đề: Bồ đề phát khởi ra những gì? Ở giai
đoạn hữu lậu, hết thảy thân độ của thức đều là sở
khởi của thức, nên qua giai đoạn vô lậu, hết thảy thân
và độ (bao gồm cả tự thọ dụng thân độ, tha thọ dụng
thân độ và tùy loại hóa thân độ) đều do bồ đề hiện
khởi. Nói tóm, hết thảy y báo và chánh báo của Phật quả
đều là sở khởi của bồ đề cả.
Sở
tác của bồ đề: Việc làm của bồ đề , tức diệu dụng
của hết thảy thân độ nói trên, là “khai thị trí giác
Phật đà cho chúng sanh ngộ nhập”, nói cách khác là làm
cho chúng sanh phát bồ đề tâm để đoạn mê hoặc, chứng
bồ đề. Vậy nên sở tác của bồ đề chính là đại bi
nguyện lực và đại bi phương tiện của Phật quả. Gồm
cả nghĩa trên và phần này, tôn Thiên thai gọi là “phương
tiện bồ đề”.
*
* *
Giải
thích bồ đề xong, bây giờ cắt nghĩa “bồ đề tâm”.
Trong sự cắt nghĩa này chỉ căn cứ vô thượng bồ đề mà
nói về bồ đề tâm thôi. Bồ đề tâm có 3 nghĩa: là tâm
cầu bồ đề, tâm có bồ đề và bồ đề là tâm.
1) Tâm
cầu bồ đề gọi là bồ đề tâm, thì tâm ở đây là chí
nguyện: Cái chí nguyện mong cầu làm sao cho đạt được vô
thượng bồ đề của Phật, mà không cầu bồ đề của Thanh
văn, Duyên giác và Bồ Tát, chí nguyện ấy gọi là bồ đề
tâm. Phải hiểu rằng bồ đề tâm như vậy, tức chí nguyện
như vậy, cũng tức là dục tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh
chứ không chi khác. Khi phát nguyện “Phật trí vô thượng,
thệ nguyện thành”, chính là dục tâm sở phát bồ đề tâm
đó.
2) Tâm
có bồ đề gọi là bồ đề tâm, tâm ở đây là chỉ cho
hết thảy tâm vương và tâm sở đã tương ưng với trí giác
bồ đề mà bản thân là vô lậu huệ: Tâm vương và tâm sở
có trí giác bồ đề nên gọi là bồ đề tâm.
3) Bồ
đề là tâm gọi là bồ đề tâm, thì tâm ở đây vẫn là
tâm vương và tâm sở, nhưng kể cả giai đoạn hữu lậu và
vô lậu, chứ không phải chỉ kể đến lúc đã tương ưng
với trí giác bồ đề. Còn chữ bồ đề ở đây cũng không
phải chỉ kể 4 trí hay căn nguyên 4 trí là huệ tâm sở; mà
chính là cái đặc tính tri giác chung của hết thảy tâm vương
và tâm sở. Chính cái tri giác ấy là khả năng của tri giác
bồ đề và tri giác bồ đề chỉ là cái tri giác ấy phát
triển viên mãn. Như vậy, như đặc tính của tâm là tri giác
(bồ đề) nên tâm tức là bồ đề đó.
*
* *
Bây giờ
giải thích từ ngữ “phát bồ đề tâm”. Từ ngữ này có
4 nghĩa quan trọng sau đây:
1) Thệ nguyện
phát: tức lập chí nguyện mong cầu bồ đề, gọi là phát
bồ đề tâm. Như vậy chữ phát nghĩa là lập, chữ tâm là
thệ nguyện và bồ đề là vô thượng bồ đề. Nghĩa này
thông thường nhất.
2) Tự tánh
phát: Tức là bản tánh bồ đề tự phát hiện. Như vậy chữ
phát ở đây là phát hiện ra, phát khởi lên; chữ tâm là
hết thảy tâm vương và tâm sở đang ở giai đoạn hữu lậu;
còn chữ bồ đề chính là đặc tính tri giác chung của hết
thảy tâm ấy. Nghĩa này chứng minh tâm như cánh tay vậy, đặc
tính của cánh tay là chỉ tỏ, nhưng chỉ xuống thì người
ta bảo là ngược, rồi cũng chính cái chỉ ấy mà chỉ lên
thì người ta cho là xuôi. Tâm ta cũng vậy, đặc tính là tri
giác, là biết, nhưng biết sai thì gọi là mê hoặc, mà quay
lại vận dụng cái biết ấy cho đúng thì gọi là giác ngộ.
Điều quan trọng là do đặc tính tri giác của tâm (nói theo
từ ngữ khác, là tự tánh bồ đề) chứng minh tâm đã biết
sai tức có thể biết đúng, chính là mê rồi sẽ ngộ;
vấn đề chỉ ở chỗ biết quay cái biết ấy lại, vận dụng
cho đúng thì tri giác sẽ phát triển thành trí giác. Cho nên
tri giác đến trí giác chỉ là đặc tánh bồ đề của tâm:
tự cái đặc tánh ấy phát hiện ra, làm tri giác thành trí
giác, thì gọi là tự tánh phát bồ đề tâm. Căn nguyên của
sự tự phát hiện này là bắt nguồn từ các chủng tử vô
lậu,
đặc biệt là chủng tử vô lậu của huệ tâm sở. Chính
do chủng tử này, vốn có như bao nhiêu chủng tử khác, nên
dầu mê hoặc luân hồi đến thế nào, một khi gặp trợ duyện
(sẽ nói sau đây) chúng cũng sẽ phát hiện làm cho tri giác
phát triển thành trí giác.
3) Trợ duyên
phát: Tức là tự tánh bồ đề mà phát hiện được, mặc
dầu bởi lẽ tự tánh vốn bồ đề (đặc tánh vốn là tri
giác) nhưng cũng phải do sự kích động, giúp đở của các
yếu tố khác, như thiện hữu dẫn dụ, chánh pháp huân tập
vân vân, mới phát hiện được.
4) Đẳng
lưu phát: Tức là tự tánh phát như đã nói ở trên, tiếp
tục phát triển. Nên đẳng lưu phát là tự tánh bồ đề
(tức là đặc tánh tri giác của tâm) mà căn nguyên là chủng
tử vô lậu huệ được liên tục phát triển cho đến hoàn
thành vô thượng bồ đề, bằng cách trải qua các bồ tát
địa đoạn các lớp vô minh mê hoặc, cho đến khi mê hoặc
bị đoạn trừ rốt ráo thì bồ đề được phát hiện rốt
ráo.
*
* *
Hiểu nghĩa
“phát bồ đề tâm” như vậy rồi, bây giờ ta nói đến
tư tưởng căn bản của Ngài Huệ Năng. Như đã nói, tư tưởng
ấy biểu hiện trong câu: “Tự tánh bồ đề bản lai thanh
tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật”. Nói tự
tánh bồ đề bản lai thanh tịnh là nói đến trí giác bồ
đề qua chân như tánh sở y (nghĩa thứ 8) tự tánh vô lậu
huệ (nghĩa thứ 3), nhất là căn cứ nghĩa “bồ đề tâm”
mà nói. Nói vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật tức
là nói tự tánh phát và đẳng lưu phát. Chính như vậy, câu
“Tự tánh bồ đề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy
tức nhiên thành Phật” mới có nghĩa, mới thành tư tưởng
căn bản, mới làm cho Ngài Huệ Năng thành Ngài Huệ Năng đó.
Nhưng cái
căn bản này Ngài Huệ Năng được từ đâu? Ta nhớ lại rằng
Ngài đã được từ Kinh Kim Cang như lời Ngài tự thuật trong
sự đắc pháp của Ngài. Mà quả như vậy, vì chính kinh ấy
Phật dạy ra là để đáp lại câu hỏi chính sau đây, mà
nói vắn tắt, cũng là phát bồ đề tâm:
“Nếu người
phát bồ đề tâm thì làm cách nào an trú (sống theo) tâm ấy?
và làm cách nào hàng phục (diệt trừ) tâm mình?”
Câu hỏi
ấy cần phải giải thích kỹ càng. Cứ như tất cả sự cắt
nghĩa về “phát bồ đề tâm” ở trên, ta có thể tóm tắt
như sau. Phát bồ đề tâm có 2 giai đoạn: Trước hết, lập
chí nguyện cầu vô thượng bồ đề, gọi là phát bồ đề
tâm; sau đó, làm cho trí giác bồ đề phát hiện và sự phát
hiện ấy liên tục phát triển cho đến viên mãn thành vô
thượng bồ đề, gọi là phát bồ đề tâm. Khi đã phát bồ
đề tâm như vậy, tức “Phật trí vô thượng thệ nguyện
thành”, thì những việc “phiền não vô tận thệ nguyện
đoạn”, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” và “pháp
môn vô lượng thệ nguyện học” gọi là an trú bồ đề
tâm, tức là sống đúng theo bồ đề tâm ấy. Nhưng sự an
trú ấy không thật hiện nổi, gặp đủ mọi sự chướng
ngại, là chính vì ngã chấp (phiền não) và pháp chấp (mê
hoặc); có đoạn trừ những thứ này mới an trú bồ đề
tâm được. Vậy câu hỏi là thế này: Phát bồ đề tâm thì
làm cách nào hàng phục tâm mình để an trú tâm ấy? Vấn
đề ở chỗ làm cách nào đoạn trừ được ngã chấp và
pháp chấp để phát triển đến viên mãn vô thượng bồ đề.
Đáp lại, Phật dạy vắn tắt bằng câu “ưng vô sở trú
nhi sanh kỳ tâm”, một câu mà Ngài Huệ Năng đại ngộ khi
mới nghe đến.
“Ưng vô
sở trú nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa đơn giản là nên bằng cách
vô sở trú mà vận dụng tâm bồ đề. Vận dụng tâm bồ
đề là an trú, là phát tâm bồ đề, tức là đoạn vô tận
phiền não, độ vô biên chúng sanh, học vô lượng pháp môn
để thành vô lượng trí giác. Nhưng sự vận dụng ấy sở
dĩ bị chướng ngại, nguyên nhân chính là do ngã chấp và
pháp chấp, tức không đạt được tánh chân không. Tánh chân
không là bằng trí bát nhã, tức vô lậu huệ, quán xét ngã
và pháp vốn không thật. Vì không thật nên phiền não có
thể đoạn, chúng sanh có thể độ, pháp môn có thể học,
trí giác có thể thành, nói tóm, có thể an trú, nghĩa là phát
triển trí giác bồ đề thành vô thượng bồ đề.
Bởi vậy,
nếu nhất niệm bát nhã trí phát hiện, tương ưng với tánh
chân như, thì hoát nhiên đại ngộ ngã pháp đều không, không
còn chấp trước (vô sở trú) một thứ gì. Mà nhất niệm
tương ưng thì niệm niệm tương ưng, làm cho trí bát nhã (nghĩa
thứ 3 của bồ đề) càng viên mã vá tánh chân như (nghĩa
thứ 8 của bồ đề) càng hiển lộ; bấy giờ bao nhiêu thân
độ mới thấy đều là các pháp vốn có, diệu dụng vốn
sẵn (nghĩa thứ 9 và thứ 10 của bồ đề), nên khi nghe câu
“ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, Ngài Huệ Năng đại ngộ
và than rằng: Đâu có dè tự tánh vốn tự thanh tịnh, vốn
bất sanh diệt, vốn tự viên mãn, vốn bất động chuyển,
vốn sanh vạn pháp!
Điều quan
trọng cần phải lặp lại, là nhất niệm trí bát nhã tương
ưng với tánh chân như, tức gọi là kiến tánh đó. Rồi khéo
tự hộ trì, sao cho niệm niệm tương ưng để trí bát nhã
(thật trí bồ đề) triệt để viên mãn và tánh chân như
(chân tánh bồ đề) triệt để hiển lộ, thì công phu ấy
là sự tự tánh phát và đẳng lưu phát của bồ đề tâm
mà Phật đã dạy bằng chữ “sanh kỳ tâm” và Ngài Huệ
Năng nói “vận dụng tâm ấy” đó.
*
* *
Như vậy
là tư tưởng căn bản của Ngài Huệ Năng đã được minh
bạch. Vì tư tưởng căn bản này, Ngài Huệ Năng đặc biệt
trọng thị trí bát nhã. Điều ấy phù hợp với sự “vận
dụng tự tánh bồ đề bản lai thanh tịnh để đi đến Phậy
quả”. Như đã nói nhiều ở trên, Trí Bát Nhã chính là vô
lậu huệ, tức là bản thân của bồ đề. Trí ấy niệm niệm
tương ưng với Tánh Chân Như, tức là thật tánh của bồ
đề, tìh sự niệm niệm tương ưng ấy chính là sự tự tánh
phát hiện và đẳng lưu phát triển của Bồ đề đó. Cho
nên đối với Trí Bát Nhã ta cần phải hiểu kỹ càng.
Trí Bát Nhã
cũng gọi là “vô phân biệt trí”, tức trí tuệ quán chiếu
các pháp vốn chân không, vốn đồng một thể tánh chân như.
Trí ấy có 3 giai đoạn: Khi đang dụng công mà chưa tương
ưng với chân như thì gọi là “da hạnh vô phân biệt trí”;
đến giai đoạn đã tương ưng với chân như thì gọi là “căn
bản vô phân biệt trí”; sau đó phát khởi hằng sa trí dụng
biết rõ hằng sa các pháp thì gọi là “hậu đắc vô phân
biệt trí”. Bốn trí của vô thượng bồ đề, trừ thành
sở tác trí chỉ có phần hậu đắc, còn 3 thứ kia đủ cả
những phần này. Cũng nên biết phần căn bản thường gọi
là chân trí hay nhất thế trí, phần hậu đắc thường gọi
là tục trí hay nhất thế chủng trí. Tuy nhiên, khi nói Trí
Bát Nhã thì thông thường nói đến hành tướng căn bản nhiều
nhất. Ta hãy nghe nguyên văn sau đây, những lời Ngài Huệ
Năng tự thuật về Trí Bát Nhã.
*
* *
“Tất cả
mọi người hãy tịnh tâm nhớ đến Ma ha bát nhã ba la mật
đa!”. Ngài bảo đại chúng như vậy rồi, một lát, lại
nói: Các vị Thiện tri thức! Trí Bát Nhã của Bồ đề là
trí mà người đời ai cũng vốn tự có cả, chỉ vì tâm mê
mờ không thể tự ngộ, nên phải nhờ các vị Đại thiện
tri thức chỉ thị dẫn đạo làm cho kiến tánh. Các người
phải biết người ngu cũng như kẻ trí, Phật tánh vốn không
sai biệt, chỉ vì mê và ngộ không đồng mà có ngu có trí
thôi. Nay tôi nói pháp Ma ha bát nhã ba la mật đa cho các người,
làm cho các người ai cũng được trí huệ cả. Vậy các người
hãy đế thính.
Các vị Thiện
tri thức! Người đời suốt ngày tụng bát nhã mà không biết
đến tự tánh bát nhã, thật như kẻ nói đến món ăn mà
không bao giờ ăn để no bụng. Nói suông như vậy, vạn kiếp
cũng không được kiến tánh, thì có ích lợi gì. Các vị
Thiện tri thức! Ma ha bát nhã ba la mật là Phạn ngữ, dịch
là đại trí huệ đáo bĩ ngạn. Điều đó phải tâm làm,
không
chỉ miệng nói. Miệng nói mà tâm không làm thì chỉ như huyễn
hóa, như lộ điển mà thôi; miệng nói tâm làm thì tâm miệng
tương ưng, bản tánh là Phật chứ không có gì khác nữa.
Ma ha là đại,
đại là tâm lượng quảng đại, in như hư không, không có
giới hạn, không hình không sắc, không thị phi, không ái ố;
mười phương quốc độ đều là hư không, diệu tánh vốn
không, không có một pháp gì là thật, chính đó: tự tánh
chân không của mọi người. Các vị Thiện tri thức! Nhưng
đừng nghe tôi nói không thì liền chấp là không. Thứ nhất
là đừng chấp không. Cho dẫu không tâm tĩnh tọa thì cũng
là cái không vô ký đó. Các vị Thiện tri thức! Hư không
kia mà vẫn bao hàm cả vạn tượng, hết thảy nhật nguyệt
tinh tú, sơn hà đại địa, khe suối sông ngòi, cỏ cây rừng
rú, người ác kẻ thiện, thiện pháp ác pháp, thiên đường
địa ngục, cho đến đại hải tu di cũng đều bao hàm trong
hư không ấy; tự tánh chân không cũng vậy. Các vị Thiện
tri thức! Tự tánh chân không bao hàm vạn pháp nên gọi là
đại; vạn pháp ở cả nơi chân tánh mọi người; nên sự
dụng tâm là thấy điều ác cũng như thấy điều thiện của
mọi người, tâm mình không làm theo cũng không khước từ,
không ghét bỏ cũng không thiên vị, không nhiễm trước như
hư không, nên gọi là đại. Các vị Thiện trí thức! Các
đại như vậy người mê chỉ miệng nói, kẻ trí thì tâm
hành. Lại có một hạng mê mờ không tâm tĩnh tọa, trăm điều
không nghĩ đến, bèn tự xưng là đại. Hạng người như vậy
đừng bao giờ nói với họ, bởi lẽ họ là tà kiến đấy.
Các vị Thiện tri thức! Tâm lượng quảng đại, châu biến
pháp giới, dụng tức liễu liễu phân minh, quán chiếu tất
cả, tất cả là một, một tức tất cả, khứ lai tự tại,
tâm thể viên dung, chính đó: Trí Bát Nhã. Các vị Thiện tri
thức! Toàn thể Trí Bát Nhã đều từ tự tánh phát sanh, không
phải đâu ở ngoài đem vào: vận dụng tâm tánh như vậy mà
đừng lầm đi, thì gọi là chân tánh tự dụng, một chân
thật thì tất cả đều chân thật. Tâm lượng chỉ dung đại
sự, không thể đi theo đường nhỏ. Miệng đừng suốt ngày
nói không mà trong tâm không tu hạnh đó. Làm như vậy không
khác gì một kẻ tầm thường tự xưng vua chúa mà không bao
giờ làm vua chúa được.
Các vị Thiện
tri thức! Bát nhã là gì? Bát nhã dịch là trí tuệ, vậy nơi
tất cả chỗ, trong tất cả thời, phải niệm niệm không
ngu, thường làm theo trí huệ, như thế tức là hạnh bát nhã
đó. Nếu một niệm ngu thì bát nhã mất, mà một niệm trí
thì bát nhã sanh. Thế nhân mê mờ, không thấy bát nhã, miệng
nói bát nhã mà trong tâm thường ngu; thường tự nói mình
tu bát nhã, niệm niệm nói không, mà không hề nhận thức
được chân không. Bát nhã không hình tướng, tâm trí tuệ
là chính nó, lý giải được như vậy gọi là Trí Bát Nhã.
Còn ba la
mật là gì? Chữ ấy dịch nghĩa là đáo bĩ ngạn, chính ý
là cứu cánh ly phân biệt. Hễ chấp cảnh thì phân biệt phát
khởi, khác nào nước nổi sóng cồn: ấy đó là thử ngạn.
Hễ ly cảnh thì phân biệt không còn, như nước vĩnh viễn
lưu thông: chính đó là bĩ ngạn, nên mệnh danh là ba la mật.
Các vị Thiện tri thức! Người mê miệng nói, trong khi nói
thì có vọng có trái, nếu chứ niệm niệm thật hành thì
gọi chân tánh. Ngộ pháp ấy là pháp bát nhã, tu hạnh ấy
là hạnh bát nhã. Không tu là phàm, mà nhất niệm tu hành thì
tự thân ngang Phật. Các vị Thiện tri thức! Phàm phu tức
Phật, phiền não tức bồ đề: niệm trước mê là phàm phu,
niệm sau ngộ là Phật; niệm trước vướng cảnh là phiền
não, niêm sau ly cảnh tức bồ đề.
Các vị Thiện
tri thức! Ma ha bát nhã ba la mật tối tôn, tối thượng, tối
đệ nhất, không trú ở, không đến đi, tam thế chư Phật
xuất sanh từ trong đó. Phải dùng đại trí huệ đả phá
ngũ uẩn phiền não trần lao, tu hành như vậy quyết định
thành Phật đạo, biến tham sân si thành giới định huệ.
Các vị Thiện tri thức! Pháp môn như vậy từ một Bát nhã
sanh tám vạn bốn ngàn trí huệ, tại sao, vì người đời
có tám vạn bốn ngàn trần lao, nếu không trần lao ấy tức
là trí tuệ thường hiện, không ly tự tánh. Ngộ pháp này
tức không niệm, không nhớ, không vướng, không khởi mê vọng,
vận dụng tánh chân như của mình, dùng trí huệ quán chiếu,
đối với tất cả các pháp không lấy không bỏ, ấy đó:
kiến tánh thành Phật vậy.
Các vị Thiện
tri thức! Nếu muốn nhập thậm thâm pháp giới, nhập bát
nhã tam muội, thì phải tu hạnh bát nhã, trì tụng Kinh Kim
Cang, tức được kiến tánh. Kinh ấy năng lực vô lượng vô
biên, trong Kinh Phật đã tán dương rõ ràng, ở đây không
thể nói hết được. Pháp môn Kim Cang là tối thượng thừa,
Phật vì người đại trí mà nói, vì người người thượng
căn mà dạy; kẻ tiểu căn tiểu trí nghe tất tâm nghi ngờ,
tại sao, ví như cơn mưa dữ dội, thành ấp làng xóm gặp
phải thì bị cuốn đi như cuốn chiếc lá rụng vậy, nhưng
gặp bể cả thì cơn mưa ấy không làm cho bể cả thêm hay
bớt. Bực đại thừa, bực tối thượng thừa hễ nghe kinh
Kim Cang thì tâm liền khai ngộ, biết bản tánh tự có trí
bát nhã, nên thường tự vận dụng trí huệ mà quán chiếu,
không cần văn tự. Kinh Kim Cang mà gặp Trí Bát Nhã của bản
tánh chúng sanh cũng như cơn mưa lớn quay về bể cả vậy,
hợp lại một bản thể. Các vị Thiện tri thức! Người tiểu
căn nghe đốn giáo này thì cũng không khác chi cây cỏ mà gốc
rễ không to, nếu bị cơn mưa lớn tất phải tự ngã hết,
không thể to lớn được. Người tiểu căn, cái Trí Bát Nhã
vốn có thì đâu có khác gì với kẻ đại trí, vậy mà vì
lẽ gì nghe pháp không tự khai ngộ? Ấy là bởi tà kiến nặng
nề, phiền não quá sâu, khác nào thái dương bị mây lớn
che khuất, nếu không được luồng gió mạnh thổi bạt đi
thì ánh sáng thái dương ấy không hiện ra được. Vậy nên
Trí Bát Nhã không có đại căn tiểu cơ, chỉ vì chúng sanh
tự tâm hoặc mê hoặc ngộ mà không đồng nhau thôi. Hễ mê
tự tâm thì hướng ngoại tu hành tìm Phật, chưa ngộ tự
tánh, như thế đó là tiểu căn; còn nếu khai ngộ đốn giáo
thì không chấp ngoài mà tu, cỉh nơi tự tâm thường khởi
chánh kiến, phiền não trần lao không khi nào ô nhiễm được,
ấy đó là kiến tánh. Các vị Thiện tri thức! Trong ngoài
không mắc, khứ lai tự tại, trừ diệt tâm chấp trước,
thông suốt vô ngại: tu được hạnh như vậy là không sai
khác gì với Kinh Bát Nhã hết. Các vị Thiện tri thức! Hết
thảy khế kinh và toàn thể văn tự đều vì người mà đặt
ra, đều do tánh trí huệ mà kiến lập được. Nếu không
bởi thế nhân thì hết thảy vạn pháp vốn tự không có,
nên biết vạn pháp vốn bởi người mà phát hiện, hết thảy
kinh sách vì người mà nói ra. Người có ngu có trí, ngu là
tiểu căn, trí là đại cơ, người ngu học hỏi người trí,
người trí thuyết pháp cho người ngu, người ngu hoát nhiên
tâm trí khai ngộ thì không khác biệt gì với người trí hết.
Các vị Thiện tri thức! Không ngộ thì vốn là Phật mà làm
chúng sanh, khi nhất niệm ngộ được thì chúng sanh ấy là
Phật. Vậy nên nếu biết vạn pháp đều ở nơi tự tâm thì
đốn kiến chân như tự tánh. Kinh Bồ tát giới có dạy “ta
vốn nguyên là tự tánh thanh tịnh, nếu biết tự tâm, thấy
tự tánh, là thành Phật đạo tất cả”. Kinh Tịnh danh cũng
có dạy rằng “tức thời hoát nhiên khai ngộ, được lại
bản tâm”. Các vị Thiện tri thức! Tôi ở nơi Ngài Hoằng
Nhẫn Tổ Sư mới nghe, là ngay dưới câu nói tức thì khai
ngộ, đốn kiến chân như bản tánh, vậy nên đem giáo pháp
ấy truyền bá ra, làm cho những người học đạo đốn ngộ
bồ đề, ai nấy tự quán bản tâm, tự kiến bản tánh. Nếu
tự mình không ngộ được thì phải tìm đại thiện tri thức,
tức những người đã lý giải pháp tối thượng thừa, để
họ trực thị đường chánh cho. Thiện tri thức là đại nhân
duyên, tức là hóa đạo làm cho ta được kiến tánh. Hết
thảy thiện pháp đều do Thiện tri thức mà phát khởi ra được.
Tam thế chư Phật, mười hai bộ kinh đều ở trong tâm tánh
vốn tự có đủ, nhưng không tự ngộ được thì phải cầu
Thiện tri thức chỉ thị cho mới thấy, còn nếu tự ngộ
thì cần ngoại cầu. Tuy nhiên, nếu nhất định cho rằng phải
có Thiện tri thức để cậy nhờ giải thoát thì vô lý. Tại
sao vậy? Vì trong tự tâm có tri thức tự ngộ. Nếu khởi
tà mê, vọng niệm điên đảo, thì thiện tri thức ở ngoài
du c chỉ dạy cũng không cứu chữa được. Nếu khởi chân
chánh bát nhã mà quán chiếu, thì ngay trong một sát na vọng
niệm diệt hết. Nếu biết tự tánh thì một khi giác ngộ
tức đến Phật quả.
Các vị Thiện
tri thức! Trí huệ quán chiếu, nội ngoại minh triệt, biết
tự bản tâm. Nếu biết bản tâm tức được bản tánh giải
thoát tức là Bát Nhã tam muội. Bát Nhã tam muội là ly niệm.
Ly niệm là gì? Là minh kiến tất cả pháp, tâm không n hiễm
trước. Như vậy dùng ra thì khắp tất cả mà không trú ở
vướng mắc một chỗ nào. Chỉ thanh tịnh tự tâm, xuất 6
thức ra 6 căn mà đối với 6 trần vẫn không nhiễm không
tạp, khứ lai tự tại, thông dụng vô ngại, ấy đó là Bát
nhã tam muội, tự tại giải thoát gọi là hạnh ly niệm. Nếu
trăm điều không nghĩ, tuyệt diệt tâm niệm, thì đấy là
đảo ngược pháp lại mà trói lấy mình, ấy là biên kiến.
Các vị Thiện tri thức! Ngộ pháp ly niệm thì vạn pháp đều
thông đạt, ngộ pháp ly niệm thì thấy cảnh giới chư Phật,
ngộ pháp ly niệm thì đến Phật địa.
Các vị Thiện
tri thức! Ai được thì đem pháp môn đốn giáo này chuyền
cho những người đồng thấy đồng làm, phát nguyện thọ
trì như là thờ Phật vậy, chung thân không lùi bước. Ấy
vậy, muốn vào thánh vị phải truyền thọ pháp này. Nhưng
từ xưa đến nay chỉ mặc nhiên truyền thọ. Tuy không được
dấu pháp này, nhưng những người không thể đồng thấy đồng
làm, thì hãy hướng dẫn họ bằng pháp khác, không được
truyền phú pháp này, vì lẽ chỉ tổn hại cho họ mà tuyệt
đối không ích lợi gì. Tôi căn dặn như vậy là vì e người
ngu không hiểu thì sẽ phỉ báng pháp môn này, khiến họ trăm
kiến ngàn đời đoạn Phật chủng tánh.
Cuối cùng,
Ngài Huệ Năng có nói một bài tụng mà Ngài mệnh danh là
vô tướng, và nói không kể tại gia hay xuất gia, đều có
thể và phải tu theo bài tụng ấy. Mà quả vậy, bài tụng
vô tướng thật là quan trọng. Nội dung không những diễn
đạt tư tưởng căn bản của Ngài Huệ Năng, mà còn bao gồm
hết thảy tư tưởng đặc thù và an lạc diệu hạnh của
Ngài nữa, nên cuốn sách này để vào đoạn cuối cùng biến
thành bài tổng kết về Ngài Huệ Năng.