Mục Lục Quyển Trung.
Phần Thứ 1.
Phần Thứ 2.
Phần Thứ 3.
Phần Thứ 4.

 
.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
Dịch gỉa: Dương Đình Hỷ
Phước Quế Publications, Arlington, USA 2003
Mục Lục.
Quyển Thượng.
Quyển Trung.
Quyển Hạ.
Quyển Chung.
NHỮNG ĐOÁ HOA THIỀN
禪 之 花
QUYỂN TRUNG

880.  Chết đi sống lại.
Có một lần, Nam Tuyền đang ngồi thiền bỗng hét lên một tiếng lớn khiến thị giả giật mình vội chạy lại bên. Nam Tuyền bảo:
- Ngươi hãy đến Nát Bàn Đường xem có phải có người vừa mất không?
Thị giả vừa đi được nửa đường thì gập Nát Bàn đường chủ, do đó cùng đi báo cáo Nam Tuyền:
- Vừa có một ông tăng viên tịch
Thị giả và Nát Bàn đường chủ vừa nói dứt thì thấy tri khách tăng hốt hoảng chạy tới hướng Nam Tuyền thưa:
- Ông tăng vừa mất đã sống lại rồi.
Nam Tuyền hỏi:
- Ông ta hiện thế nào rồi?
- Ông ta muốn gặp sư phụ, nhưng đó là ông tăng không chịu tu phúc cũng không chịu kết duyên.
Do đó, Nam Tuyền đến gặp ông tăng bệnh, hỏi:
- Vừa rồi ngươi đi đâu?
- Con tới âm gian.
- Tình hình âm gian thế nào?
- Con đi được chừng 100 dậm thì chân tay bủn rủn không đi được nữa, miệng rất khát. Bỗng có một người kêu vào tòa lâu đài. Lúc đó, con rất mệt muốn vào đó nghỉ ngơi. Vừa bước vào thì thấy một vị lão tăng hét lớn ngăn không cho con vào. Tiếng hét lớn khiến con ngã bật ra đằng sau; do đó mà con còn thấy được lão sư.
Nam Tuyền bảo ông tăng:
- Đó là một tòa lâu đài tráng lệ; nhưng nếu không tích phúc thì làm sao vào được. Nếu như ngươi không gập lão tăng thì ngươi đã sa địa ngục, chịu khổ rồi!
Từ đó về sau ông tăng bệnh không ngừng tích đức tu phúc sống đến ngoài 70 tuổi mới an nhiên tọa hóa.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Nam Tuyền trong cơn đại định có thể lên trời, xuống đất, có thể hét lớn khiến một người đã chết có thể trở lại dương gian. Người ta thường nói các thiền sư hay đi nguợc lại nhân tình, nhưng Nam Tuyền thì rất quan tâm và thương mến đệ tử. Đệ tử đã sa địa ngục rồi còn cứu sống lại để ông ta có một cơ hội “Lãng tử hồi đầu, vàng cũng không chuyển.” Do đó, thiền cũng có khi khổ tâm thuận theo nhân tình.

881.  Phật nay ở đâu?
Đường Thuận Tông có một lần hỏi Như Mãn:
- Phật từ phương nào tới, nhập diệt đi về đâu? Nói Phật thường trụ thế, nay Phật ở đâu?
- Phật từ vô vi tới, nhập diệt về vô vi, pháp thân ngang hư không, thường trú ở nơi vô tâm, hữu niệm trở về vô niệm, có trú trở về vô trú; đến vì chúng sanh đến, đi vì chúng sanh đi, thể thanh tịnh trong sáng thường trú, người trí biết suy nghĩ thì không bị nghi hoặc.
- Phật sanh ở hoàng cung, diệt ở Sa La song thụ, giảng pháp 49 năm lại nói không nói một lời, sơn hà đại địa, mặt trời, mặt trăng đến kỳ cũng tận, ai nói không sinh diệt? Người trí là người giỏi phân biệt.
- Phật thể vốn vô vi, mê tình vọng phân biệt, pháp thân ngang hư không, chưa từng sanh diệt, hiểu được chỗ vô tâm thì tự nhiên thấy không có pháp nào để nói cả.
Thuận Tông nghe rồi vui vẻ, càng coi trọng Như Mãn. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Có người hỏi A Di Đà Phật ở Tây Phương Tịnh Độ, Dược Sư Phật 
ở Đông Phương thế giới, còn Thích Ca Phật nay ở đâu? Kỳ thật Phật Thích Ca ở Thường Tịch Quang Độ, nhưng Thường Tịch Quang Độ ở đâu? Vấn đề này thiền giả trả lời rất hoạt bát: Hữu tâm nhìn thế giới thấy có sinh diệt, có Ứng thân Phật; vô tâm nhìn thế giới vô sinh diệt, có Pháp thân Phật. Vô tâm chính là Thiền tâm. Chỉ có dùng Thiền tâm mới biết Phật ở đâu. “Có duyên Phật xuất thế, vô duyên Phật nhập diệt.” Chữ diệt ở đây không có nghĩa sinh diệt mà là cảnh giới Niết Bàn. Tại Thường Tịch Quang Độ, diệt trừ mọi phiền não, sai biệt, đối đãi, là thế giới tuyệt đối, tịch diệt giải thoát.

882.  Cầu Phật và hỏi Đạo.
Đời Đường, Dương Đình Quang gập Bản Tĩnh ở núi Tư Không hỏi:
- Sanh tử là việc lớn, vô thường đến mau, con một lòng một dạ cầu Đạo, xin thầy từ bi khai thị.
- Ông từ kinh đô đến, nơi đó có nhiều thiền giả ông hỏi các vị đó là hơn, đối với Đạo ông vừa hỏi, ta chẳng biết gì cả.
Dương Đình Quang năn nỉ xin chỉ dạy, Bản Tĩnh bảo:
- Ông muốn cầu Phật hay hỏi Đạo? Nếu cầu Phật thì tâm là Phật; nếu hỏi Đạo thì vô tâm là Đạo.
 Dương Đình Quang vẫn chưa hiểu rõ, nên Bản Tĩnh lại giảng thêm:
- Tâm là Phật vì Phật là do tâm mà được, nếu ngộ vô tâm thì ngay cả Phật cũng không có. Do đó vô tâm là Đạo.
- Các Đại đức ở kinh thành đều nói phải bố thí, trì giới để cầu Phật, nay thầy nói trí huệ Bát Nhã vốn tự đầy đủ không phải do tu mà được; như vậy những gì con bố thí, trì giới lúc trước đều là phí công?
Bản Tĩnh nói chắc như đinh đóng cột:
- Phí công rồi! 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Giống như Đạt Ma khi Lương Võ Đế hỏi về công đức đã trả lời “Chẳng có công đức gì cả.” Tự tánh ai ai cũng có, không thể cầu được, do đó nói vô công đức. nhưng làm sao kiến tánh thành Phật? Bờ bên kia tuy có, nhưng nếu không có bè thật thì làm sao qua? 
Cho nên công đức bố thì, trì giới làm được càng nhiều càng tốt.

883.  Không hổ là thị giả.
Một lần Thạch Thê thấy thị giả bưng bát đi về phía trai đường bèn gọi lại hỏi:
- Ngươi đi đâu?
- Đến trai đường.
- Thấy ngươi bưng bát sao ta lại không biết là ngươi đến trai đường?
- Đã biết sao còn bắt con trả lời?
- Đó là ta muốn hỏi bản phận sự của ngươi.
- Nếu thầy hỏi bản phận sự của con thì con thực muốn đến trai đường.
Thạch Thê vỗ tay khen:
- Ngươi thật không hổ là thị giả của ta. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Bản phận sự là gì? là minh tâm kiến tánh, là thoát khỏi sanh tử, là về nhà, là nhận rõ bản tánh, an trú thân tâm, từ bi nhẫn nại phát tâm làm việc. Trong sinh hoạt của nhà Thiền không đâu không là thiền: ăn là thiền, ngủ là thiền, đi đứng nằm ngồi, xách nước bửa củi không việc nào không là thiền. Thiền không những bao hàm sinh hoạt lại bao hàm cả vũ trụ. Nếu chúng ta làm việc cho tốt, không vọng cầu, đó là bản phận sự, cũng là thiền tâm vậy.

884.  Tuyết Phong và Tây Sơn.
Một ông tăng hỏi Tây Sơn:
- Ý tồ sư từ Tây sang là gì?
Tây Sơn giơ phất trần lên, ông tăng không hiểu lại đến gặp Tuyết Phong. Tuyết Phong hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
- Hạ này từ Tô Châu Tây Sơn đến.
- Tây Sơn có mạnh không?
- Khi con tới, tất cả đều an lành.
- Vì sao ngươi không ở lại học với người?
- Vì Tây Sơn không hiểu tổ sư thiền.
- Sao ngươi biết?
- Khi con hỏi “Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?” Tây Sơn chỉ giơ 
phất trần lên, không đáp được một lời nào.
- Ngươi có thấy nam nữ ở Tô Châu không?
- Có thấy.
- Vậy là đúng rồi! Ngươi thấy nam nữ, biết là nam nữ khác nhau; ngươi thấy cây cỏ hoa lá, biết chúng đều có tên gọi và công dụng khác nhau. Sơn hà đại địa, cỏ cây hoa lá chưa nói pháp với ngươi, nhưng ngươi vẫn rõ ý chúng phải không?
- Phải.
- Tây Sơn giơ phất trần lên là chỉ Phật pháp sao ngươi lại không hiểu.
Ông tăng nghe lời, có chỗ tỉnh ngộ liền lạy và thưa:
- Con thốt lời bất cẩn, thỉnh thầy từ bi cho con trở lại Tây Sơn 
sám hối.
- Cả càn khôn là một con mắt, ngươi hướng chỗ nào để lạy? 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Mắt thịt không thấy phất trần, nhưng mắt huệ thấy cả càn khôn, đâu đâu cũng là Phật pháp. Do đó ông tăng cuối cùng đã hiểu giơ phất trần lên là ý gì. 

885.  Buông bỏ.
Kim Đại rất thích hoa lan. Bên sân chùa trồng cả trăm chậu lan, đủ mầu đủ loại. Ngoài giảng kinh, thuyết pháp ông để hết tâm trí săn sóc hoa. Mọi người đều nói hoa Lan là sinh mạng của thiền sư. Một hôm, ông có việc phải ra ngoài, dặn một đệ tử tưới cho hoa. Người đệ tử này sơ ý làm đổ giàn hoa khiến các bồn lan đều bị đổ vỡ. Người đệ tử nghĩ sư phụ về chắc sẽ tức giận lắm. Ông bàn với các huynh đệ sẽ dũng cảm nhận tội, chịu bất cứ hình phạt nào. Khi Kim Đại về, nhìn thấy cảnh tượng này, không một chút tức giận, tâm bình khí hòa bảo đồ đệ:
- Ta sở dĩ yêu hoa lan là để dùng hương cúng Phật, lại còn làm đẹp cảnh chùa nữa, chứ không phải trồng để nổi giận. Tất cả mọi sự việc ở thế gian đều vô thường, không nên chấp vào sự vật ưa thích mà không buông bỏ được vì đó không phải là đường lối của người tu Thiền.
Người đệ tử nghe rồi hết thấp thỏm, càng tinh tấn trên đường tu học. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Ở đời việc khó nhất là có thể buông bỏ. Những gì mình ưa thích không thể bỏ xuống được. Cả những gì mình không ưa thích cũng không bỏ được. Đó là vì ái và hận. Vậy làm sao có được cái vui tự chủ? Phải làm sao để được không ái, không hận như Tâm Kinh nói: “viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn.” Câu nói của Kim Đại “trồng hoa không phải để nổi giận” thật là thiền công rất cao vậy.

886.  Vân thủy tùy duyên.
Pháp Nhãn tham học với Khánh Huy mãi vẫn không khế ngộ, bèn từ biệt đi vân du. Một  hôm, trên đường gập mưa, tạm trú ở một tòa Địa Tạng Viện. Tri khách tăng hỏi:
- Thiền sư định đi đâu?
- Không mục đích, chỉ tùy tiện thôi.
- Thầy đối với phương thức vân du tứ phương có cảm thọ gì?
- Vân thủy tùy duyên.
- Câu nói này thật là tiêu dao tự tại.
Pháp Nhãn nghe rồi đối tiêu dao tự tại bỗng có sở cảm.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Người ta sống ở trên đời đi Đông, đi Tây, mấy ai có thể vân thủy tùy duyên, huống chi lại còn tiêu dao tự tại.

887.  Diệu dụng của Thiền.
Tiên Nhai trên đường hoằng pháp gập một cặp vợ chồng đang cãi lộn.
Vợ:
- Ông không phải là trượng phu, không có một điểm nào là đàn ông.
Chồng: 
- Bà mắng tôi?  Nếu còn nói thế nữa tôi sẽ đánh bà.
Vợ: 
- Tôi cứ mắng! Ông thật không giống đàn ông.
Tiên Nhai kêu gọi người qua đường:
- Mọi người mau tới xem! Xem đấu bò, chọi dế, đá gà đều phải mua vé, hiện đấu người không phải mua vé, lại xem mau!
Hai vợ chồng vẫn tiếp tục cãi lộn.
Chồng: 
- Bà mà nói tôi không phải là đàn ông một lần nữa tôi sẽ giết bà.
Vợ: 
- Ông cứ giết đi, tôi vẫn cứ nói ông không phải là đàn ông.
Tiên Nhai: 
- Bây giờ lại muốn giết nhau, mau lại xem.
Người đi đường: 
- Hòa thượng, thầy làm gì mà kêu loạn lên thế? Vợ chồng người ta cãi lộn, quan hệ gì đến thầy?
Tiên Nhai: 
- Sao lại không? Ngươi không nghe họ nói giết người sao? Có người chết thì cần phải có hòa thượng tụng kinh, có tụng kinh thì ta lại có phong bao.
Người đi đường: 
- Chuyện lạ, vì phong bao mà hy vọng có người bị giết sao?
Tiên Nhai: 
- Hy vọng không bị giết cũng được, vậy thì ta sẽ thuyết pháp.
Lúc đó hai vợ chồng đang cãi nhau cũng ngưng lại xem Tiên Nhai và người đi đường tranh luận cái gì.
Tiên Nhai hướng về cặp vợ chồng vừa cãi nhau  nói:
- Trời lạnh, băng tuyết dù dầy khi mặt trời lên cũng bị tan, rau dưa tuy lạnh, củi lửa nấu cũng chín. Vợ chồng vì có duyên mới được cùng chung sống. Ta muốn được là mặt trời sưởi ấm mọi người, làm củi lửa đun rau cho chín, hy vọng hai vợ chồng hãy thương yêu và kính trọng lẫn nhau. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Tiên Nhai ứng dụng Thiền một cách thật linh động.

888.  Một khối củi.
Thạch Đầu Hi Thiên trú ở Hồ Nam, một lần hỏi một ông tăng mới đến:
- Ngươi từ đâu lại?
- Từ Giang Tây.
- Vậy ngươi có tới Mã đại sư không?
- Dạ có.
Thạch Đầu thuận tay chỉ đống củi hỏi:
- Mã Tổ có giống đống củi này không?
Ông tăng không trả lời được, ở nơi Thạch Đầu không khế hợp 
được, lại quay lại Giang Tây, thuật cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ cười hỏi:
- Ngươi thấy đống củi đó nặng bao nhiêu?
- Con không xem kỹ.
- Ngươi thật rất khỏe!
- Vì sao vậy?
- Ngươi từ Nam Nhạc xa xôi, vác một đống củi về đây chẳng là mạnh lắm sao?
 (Tinh Vân thiền thoại)
Đời Đường, các thanh niên tăng không đến Giang Tây tham học Mã Tổ thì đến Hồ Nam tham học Thạch Đầu. Đó là căn nguyên của từ ngữ giang hồ, chỉ sự tham học. Về sau từ ngữ này biến nghĩa thành lão luyện, thậm chí còn chỉ những người bán cao đơn, hoàn tán. Ông tăng trên chạy tới chạy lui cũng tỷ như các tín đồ ngày nay hết đi chùa nọ tới chùa kia, vác một đống củi tới, lui mà chẳng biết nặng bao nhiêu!

889.  Đi tham mùi khai.
Đời Tống, Giang Tây Tòng Duyệt tham phỏng Vân Cái, nói chưa được vài câu, Vân Cái bảo:
- Tuy ngươi là thủ tọa Trường Sa Đạo Ngô Sơn, nhưng ngươi nói như người say ruợu.
Tòng Duyệt đỏ mặt thưa:
- Xin hòa thượng từ bi khai thị cho.
- Ngươi có tham Xương thiền sư không?
- Học nhân có xem ngữ lục của ngài, đã dung hội tại tâm nên không đến tham phỏng.
- Vậy ngươi có tham Động Sơn Khắc Văn không?
Tòng Duyệt khinh thường trả lời:
- Động Sơn Khắc Văn ư? Cả ngày khùng khùng điên điên, mặc hoài một cái quần vải khai nồng mùi nước tiểu, thật chẳng giống một vị thiền giả.
Vân Cái nghiêm trang bảo:
- Thiền chính tại nơi đó, ngươi hãy đi tham phỏng vị nước tiểu khai nồng đó.
Tòng Duyệt thấy Vân Cái dặn dò cẩn thận như thế bèn y lời; sau 
khi thâm lãnh áo chỉ về tạ ơn Vân Cái. Vân Cái hỏi:
- Ngươi tham Động Sơn Khắc Văn thế nào?
- Nếu không được thiền sư chỉ thị, học tăng đã uổng phí kiếp này, vì vậy đến lạy tạ.
- Tạ cái gì, tạ mùi nước tiểu khai là được! 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Trông mặt mà bắt hình dong là thông bệnh của người đời. Thiền ở đâu? Thiền không ở tướng mạo trang nghiêm, cũng không ở quần áo đẹp, một quần vải khai mùi nước tiểu chỉ con mắt tuệ mới nhìn thấy chân cảnh, là hoa sen mọc trong bùn nhơ, là châu ngọc trong đất đá.

890.  Chỉ trộm một lần.
Thạch Thất đi du phương gập một người, họ mải nói chuyện không biết trời đã tối. Hai người do đó cùng vào một quán trọ qua đêm. Nửa đêm, Thạch Thất nghe có tiếng động bèn hỏi:
- Trời sáng rồi sao?
- Chưa, hãy còn tối.
Thạch Thất nghĩ một người đêm tối mà đã thức chắc phải là một người tu Đạo cao hoặc có thể là một vị La Hán không chừng, bèn hỏi:
- Ngươi là ai?
- Kẻ trộm.
- A! Thì ra là kẻ trộm, ngươi trộm bao nhiêu lần rồi?
- Nhiều không đếm hết.
- Mỗi lần trộm vui được bao lâu?
- Tùy theo vật trộm có giá nhiều ít.
- Lần vui nhất được bao lâu?
- Chỉ được vài ngày, sau đó hết vui.
- Chỉ là trộm nhỏ, sao không làm một vố thiệt lớn?
- Ông có kinh nghiệm không? Trộm bao nhiêu lần rồi?
- Chỉ một lần.
- Một lần có đủ không?
- Chỉ một lần dùng cả đời không hết.
- Vật trộm ở đâu? Ông dạy tôi được không?
Thạch Thất nắm lấy ngực tên trộm bảo:
- Cái này là bảo tàng vô cùng tận, ngươi chân chính phụng sự sự nghiệp này thì dùng hoài không hết, ngươi hiểu không?
- Dường như hiểu, dường như không hiểu, nhưng cái cảm giác thọ nhận này khiến cho rất khoan khoái.
Tên trộm sau đó sám hối hành vi trộm cắp và xin quy y với Thạch Thất. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Kỳ quái! Kỳ quái! Con người ta vì sao ham chiếm đoạt tài vật ngoài thân, còn bảo tàng của mình thì lại không muốn?

891.  Ai tội?
Một cư sĩ đang tản bộ bên bờ sông, thấy ông lái đò chống sào 
đẩy thuyền rời bến. Vừa vặn một thiền sư cũng có mặt ở đó, cư sĩ chạy lại hỏi:
- Thiền sư vừa rồi ông lái đò chống sào làm cho các sò, hến nhiều con bị chết. Xin hỏi đó là tội ông lái đò hay là tội người đi đò?
- Không phải là tội ông lái đò, cũng không phải là tội người đi đò.
- Vậy là tội của ai?
- Là tội của ngươi. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Phật giáo tuy giảng lục đạo chúng sanh nhưng mà lấy con người làm gốc; đứng trên lập trường con người. Chân lý không thể nói toạc ra, sự tướng có lúc cũng không thể nói toạc ra. Ông lái đò vì kiếm tiền để sống, người đi đò vì có việc phải qua sông, sò hến vì ở dưới đất mà bị ép chết, đó là tội của ai? Không của ai cả vì tất cả đều vô tâm. Tội nghiệp vốn do tâm tạo, nếu tâm không thì tội cũng không. Vô tâm làm sao tạo tội? Nếu có tội cũng là vô tâm tội. Cư sĩ vì từ không sinh có, vọng tự phân biệt, do đó thiền sư bảo tội ở ông.

892.  Tụng kinh tám lạng.
Một Phật tử đến chùa thỉnh Phật Quang tụng kinh siêu độ cho phụ thân. Phật Quang thắp hương, bầy hoa quả lên bàn thờ, sửa soạn tụng kinh. Vị hiếu tử này cứ thắc mắc về phí dụng của lễ cầu siêu, không ngớt hỏi Phật Quang:
- Tụng một bộ kinh A Di Đà phải tốn bao nhiêu tiền?
Phật Quang không chịu được thái độ này nên không nể nang đáp:
- Phải 10 lạng.
- Mười lạng quá nhiều đi, thầy có thể bớt 2 lạng được không?
Phật Quang tụng:
- Thập vạn chư Phật, Bồ tát, nguyện công đức tụng kinh này xin hồi hướng về người chết, mong hương linh được vãng sanh Đông Phương thế giới.
Hiếu tử liền phản đối:
- Không đúng! Con thường nghe người ta tụng vãng sanh Tây 
phương Cực Lạc thế giới chứ không phải Đông Phương thế giới.
- Vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới phải 10 lạng, ngươi đòi bớt 2 lạng thì chỉ có thể đi về Đông Phương thế giới.
Hiếu tử bất đắc dĩ nói:
- Con xin đưa thêm 2 lạng, thầy hãy tụng cho phụ thân con về Tây Phương.
Lúc đó người chết trong quan tài mắng con:
- Thằng bất hiếu, chỉ vì ngươi bớt 2 lạng khiến ta phải nhọc sức chạy  Đông, chạy Tây.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Phật pháp không phải là món hàng nên không thể trả giá.Kinh Phật nói: “Tâm Điền sự bất đồng, công đức phân thắng, liệt.” Cùng một số tiền (sự) đem bố thí, nhân vì người nhận (điền) không đồng thậm chí có ý nghĩ (tâm) to nhỏ, kết quả thiên sai vạn biệt. Công đức to nhỏ là do tâm chân, vọng chứ không phải là do số tiền nhiều ít.

893.  Tướng quân sám hối.
Một lần, Mộng Song quốc sư đi đò. Thuyền vừa rời bến, bỗng có một vị tướng quân vai đeo kiếm, tay cầm roi, gọi lớn:
 - Ông lái, chờ một chút cho ta đi với!
Cả thuyền đều nói thuyền đã rời bến rồi không thể quay lại, ông lái đò cũng nói to:
- Xin chờ lần sau đi.
 Lúc đó Mộng Song bảo ông lái:
- Ông lái, thuyền chưa đi xa, hãy ghé lại cho ông ta lên.
Ông lái đò thấy vị xuất gia nói vậy bèn quay thuyền lại cho vị tướng quân lên. Vị tướng quân lên thuyền đứng bên cạnh Mộng Song, giơ roi lên quất vào đầu Mộng Song và hét:
- Hòa thượng, xê ra nhường chỗ cho ta ngồi!
Roi đánh trúng đầu làm phun máu, Mộng Song im lặng xích ra nhường chỗ cho tướng quân. Mọi người đều sợ hãi không dám nói lớn chỉ thầm thì bàn tán, làm ơn mắc oán. Tướng quân biết mình sai, nhưng cũng không chịu thừa nhận. Thuyền cập bến, Mộng Song theo mọi người lên bờ, ra ven sông im lặng rửa vết thương. Tướng quân cuối cùng thấy mình không phải, lại quỳ trước mặt Mộng Song sám hối:
- Thiền sư, con xin lỗi!
Mộng Song tâm bình, khí hòa đáp:
- Không sao đâu, người ta đi ra ngoài tâm tình thường không được tốt. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Ở thế gian này sức mạnh nào là lớn nhất? Chính là sự nhịn nhục. Phật nói:
-Người tu đạo nhịn được sự mắng chửi, coi đó như được uống đề hồ thì mới là người có đại lực.
Dùng đao thương uy hiếp chỉ làm cho người ta sợ chứ không phục, chỉ có sự nhẫn nhục mới cảm hóa được ngoan cường.

894.  Nhất Hưu phơi kinh.
Nhất Hưu ở trong làng dưới chân núi Tỷ Duệ. Một hôm thấy các tín đồ kéo nhau từng đoàn lên núi. Hỏi ra mới biết chùa trên núi phơi kinh. Theo truyền thuyết khi phơi kinh, có cơn gió nào thổi qua kinh, người nào đón được gió ấy thì có thể trừ được tai ách và trí tuệ tăng trưởng. Nhất Hưu liền nói:
- Ta cũng phơi kinh.
Nói rồi, Nhất Hưu cởi trần nằm trên bãi cỏ phơi nắng. Các tín đồ lên núi trông thấy lấy làm bất nhã. Pháp sư ở trên chùa vội chạy xuống khuyên Nhất Hưu đừng làm mất uy nghi. Nhất Hưu giải thích:
- Các ngươi phơi là phơi kinh chết, còn ta phơi kinh sống, có thể thuyết pháp, làm lụng, ăn cơm, có trí tuệ, tạng kinh đó lại không đáng quý sao? 
(Tinh Vân thiền thoại)
Hành động đùa nghịch của Nhất Hưu thực ra rất chí lý không gì không từ tự tâm hiển lộ. Tu hành sợ nhất là bỏ gốc theo ngọn. Kinh chỉ là chữ in trên giấy, chân tâm mới là pháp. tại sao chỉ chú ý đến kinh mà không chú ý đến tự tâm? Huệ tăng trưởng là do đọc kinh, tham thiền nhập Phật là phải biết cơ yếu, tất cả đều do tâm tạo. Quý trọng kinh không phải là do chữ in trên giấy, mà là in trên tâm. Tạng kinh in trên tâm mới có thể sinh vạn pháp.

895.  Bánh ngọt.
Một ông tăng đến tham học Mục Châu Đạo Minh. Đạo Minh hỏi:
- Ngươi bình thường học Phật là học pháp môn nào?
- Duy thức.
- Ngươi có thể giảng Duy Thức luận không?
- Không dám.
Thiền sư bẻ một cái bánh ngọt ra làm đôi và hỏi:
- Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, ngươi làm sao thuyết pháp?
Ông tăng không trả lời được; thiền sư lại hỏi:
- Cái bánh này gọi là bánh ngọt đúng hay không gọi là bánh ngọt đúng?
Ông tăng nghĩ toát mồ hôi, trả lời:
- Không thể không gọi là bánh ngọt.
Thiền sư nhìn quanh, tùy tiện chỉ một sa di hỏi:
- Cái bánh chia làm hai, ngươi làm sao thuyết pháp?
Sa di không do dự đáp:
- Hai mảnh lưu lại nhất tâm.
- Ngươi gọi nó là gì?
- Bánh ngọt.
Mục Châu Đạo Minh cười ha hả:
- Ngươi cũng biết giảng Duy Thức luận. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Duy Thức và Thiền tông phương pháp và phương hướng khác nhau. Duy Thức trọng trí giải và phân tích, muốn người học nhận rõ Duy Thức nghĩa; còn Thiền tông thì không trọng trí giải và phân tích. Thiền là trực tiếp bản tâm, kiến tánh thành Phật. Câu nói của các thiền sư đầy khôi hài, thái độ thân thiết.  Khi họ nói Đông là để chỉ Tây; có lúc đánh  mắng  thực ra là thương yêu và giúp đỡ.

896.  Ta không phải là Phật.
Có một vị tú tài trú ở chùa để học, tự phụ thông minh thường lấy thiền cơ tranh luận với Triệu Châu.
Một hôm hỏi Triệu châu:
- Phật từ bi phổ độ chúng sanh là do tâm nguyện, không trái với những gì chúng sanh mong cầu không biết có phải thế không?
- Phải.
- Nay con muốn thiền trượng trong tay thầy, không biết có được thỏa mãn không?
Triệu Châu cự tuyệt:
- Người quân tử không đoạt của người, ngươi có hiểu đạo lý này không?
- Con không phải là quân tử.
- Ta cũng không phải là Phật.
Tú tài không đáp được nhưng không chịu thua. Một hôm tú tài ngồi thiền Triệu Châu đi ngang qua. Tú tài trông thấy nhưng lờ đi. Triệu Châu trách:
- Người trẻ thấy bậc trưởng giả tới sao không đứng dậy nghênh đón?
- Con ngồi đón thầy cũng như đứng dậy đón thầy.
Triệu Châu bèn cho ông một tát tai. Tú tài nổi giận:
- Thầy vì sao đánh con.
- Ta đánh ngươi cũng như không đánh ngươi!
 (Tinh Vân thiền thoại)
Vị tú tài là phần tử trí thức; Triệu Châu là thiền giả đã thể ngộ; trí thức không phải là đối thủ của bậc thể ngộ, huống hồ lại là Triệu Châu mà thiền phong rất hoạt bát. Triệu Châu không cho thiền trượng không phải là hẹp lượng mà là không thích lối cưỡng lời đoạt lý của tú tài, lại cho ông một tát tai là để huấn giới ông chỉ học thiền mà không ngộ thiền.

897.  Con cũng có miệng lưỡi.
Quảng Huệ Nguyên Liễn lúc mới học đạo, tham thiền ở nơi Chân Giác thiền sư. Buổi sáng phụ trách nhà bếp, buổi chiều tụng kinh coi đó là công khóa. Một hôm Chân Giác hỏi ông:
- Ngươi xem kinh gì?
- Kinh Duy Ma.
- Kinh ở đây còn cư sĩ Duy Ma ở đâu?
Nguyên Liễn không biết làm sao trả lời, tự thẹn tri thức có hạn, 
bèn hỏi lại:
- Cư sĩ Duy Ma nay ở đâu?
- Ta biết cũng được, không biết cũng được, nhưng không thể bảo cho ngươi biết.
Nguyên Liễn rất mắc cỡ, từ biệt Chân Giác đi vân du, thân cận hơn 50 vị thiện tri thức, nhưng vẫn chưa khế ngộ. Một hôm tham phỏng Thủ Sơn Tĩnh Niệm ở Hà Nam, hỏi:
- Học nhân đến Bảo Sơn, khi tay không trở về thì thế nào?
- Bỏ giữ kho báu nhà mình.
Nguyên Liễn ngộ ngay lúc đó, bèn nói:
- Con sẽ không nghi miệng lưỡi của các thiền sư nữa.
- Tại sao?
- Vì con cũng có miệng luỡi.
Thủ Sơn cao hứng bảo:
- Ngươi đã ngộ tâm yếu của Thiền rồi!
 (Tinh Vân thiền thoại)
Miệng lưỡi ai cũng có, nhưng thực sự hiểu được diệu dụng của nó thì có mấy ai. Một câu nói có thể làm đất nước hưng vượng, cũng có thể làm mất nước. Có người dùng miệng lưỡi làm công đức; có người tạo tội nghiệp. Đó là có biết cách xử dụng miệng lưỡi hay không.

898. Tâm yếu của Thiền.
Thi sĩ Bạch cư Dị có một lần hỏi Duy Khoan:
- Thân, khẩu, ý làm sao tự tu?
- Người vô thượng bồ đề ở thân là luật, nói ra miệng là pháp, hành ở tâm là Thiền. Ứng dụng có 3 nhưng chỉ là một, như sông Hoài sông Hán do nơi chảy qua mà có tên khác nhau, nhưng tánh nước thì không hai. Luật tức là pháp, pháp chẳng lìa Thiền. Lấy thân, khẩu, ý hợp nhất mà tu. Vì thân, khẩu, ý đều là tên gọi của tâm, vì vọng nên khởi phân biệt.
- Nếu đã không phân biệt, làm sao tu tâm?
- Tâm vốn không tổn thương, sao cần tu. Nên biết bất luận là tịnh là trần không nên khởi niệm.
- Trần (bụi) có thể dùng phất trần quét khiến không khởi niệm; 
Tịnh trong sạch thì làm sao còn có niệm?
- Cũng như mắt người không để vật gì bám vào, ví như mạt vàng tuy quý nhưng vào mắt sẽ sinh bệnh. Mây đen, mây trắng đều che phủ bầu trời.
- Không tu không niệm thì khác gì phàm phu?
- Phàm phu nuôi dưỡng vô minh, nhị thừa nuôi dưỡng chấp trước. Lìa bỏ hai bệnh vô minh và chấp trước là chân tu. Người chân tu không cầu, không vọng. Cầu gần chấp, vọng thì rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Thế gian có tốt, có xấu, có lớn, có nhỏ. Thí dụ như bố thí nhiều, ít thì công đức nhiều ít; tất cả đều có phân biệt. Tu thân thì không được sát, đạo, dâm. Tu khẩu thì không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu. Tu ý thì không tham dục, không sân si, không tà kiến. Tu thân, khẩu, ý dĩ nhiên có phân biệt. Nhưng chân tâm tự tánh vốn thanh tịnh đầy đủ cần gì tu chứng, sao có cầu, vọng. Do vậy, Duy Khoan cho đó là tâm yếu của Thiền.

899.  Hóa duyên độ chúng.
 Chiêu Dẫn vân du khắp nơi, có tín đồ hỏi:
- Con thường nổi giận làm sao sửa đổi?
- Nổi giận là do tâm sân mà ra; được rồi để ta hóa duyên, ngươi hãy đem tâm sân và sự nổi giận cho ta có được không?
 Con  của tín đồ ham ngủ, cha mẹ không biết phải làm sao. Chiêu Dẫn đến nhà lay tỉnh đứa con:
- Ta đến hóa duyên mê ngủ của con; hãy đem mê ngủ cho ta!
Nghe vợ chồng tín đồ cãi nhau, Chiêu Dẫn bèn hóa duyên sự cãi lộn. Tín đồ uống rượu, Chiêu Dẫn liền hóa duyên uống ruợu. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Chiêu Dẫn suốt đời hóa duyên độ chúng. Các ác tập của người đời đều được ông hóa duyên mà thay đổi.

900.  Chẳng hứa làm thầy.
 Tòng Duyệt tham phỏng Thanh Tố; có một lần đang ăn trái vải đi ngang qua cửa sổ phòng Thanh Tố, cung kính thưa:
- Đây là trái vải ở Giang Tây quê con, mời trưởng lão ăn vài trái.
 Thanh Tố hoan hỉ tiếp nhận, cảm khái bảo:
- Từ ngày tiên sư viên tịch, lâu lắm không ăn thứ này.
- Tiên sư của trường lão là ai?
- Từ Minh thiền sư, ta làm quản lý 13 năm cho ngài.
- Mười ba năm kham nhẫn, không đắc đạo sao được?
 Nói rồi cung kính dâng hết vải trong tay cho Thanh Tố. Thanh Tố cảm kích:
- Ta vì phúc bạc, tiên sư thọ ký không nhận truyền nhân, nay thấy ngươi thành kính, hãy nói tâm đắc của ngươi cho ta nghe.
 Tòng Duyệt bèn nói sở kiến, Thanh Tố khai thị:
- Thế giới có Phật, có ma, phải bỏ xuống hết, nên nhập Phật, chẳng nên nhập ma.
 Tòng Duyệt được ấn khả rồi, Thanh Tố lại bảo:
- Nay ta vì ngươi chỉ điểm khiến ngươi được đại tự tại nhưng không thể nói ngươi truyền thừa ta; Chân Tĩnh Khắc Văn mới là thầy ngươi. 
(Tinh Vân thiến thoại)
Muốn học Phật đạo trước hết phải kết nhân duyên, cầu đạo phải cung kính mà cầu. Tòng Duyệt cung kính đối với tiền bối nên đã được đạo. Câu nói “Chân Tĩnh Khắc Văn mới là thầy ngươi” biểu thị trong Thiền môn thầy trò tương trợ, tương tín.

901.  Tâm của cổ Phật.
 Động Sơn hỏi Hưng Bình hòa thượng:
- Thế nào là tâm của cổ Phật?
- Là tâm ngươi. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu của Động Sơn có nghĩa là: “thế nào là tâm yếu của chư Phật quá khứ?” Chư Phật cho đến tất cả chúng sanh đều có Phật tánh quang minh, thanh tịnh. Phật tánh không vì Phật (giác)và chúng sanh (chưa giác) mà tăng hay giảm. Vì vậy, Hưng Bình mới nói “là tâm ngươi.”

902.  Tháp vô phùng.
 Một ông tăng hỏi Pháp Chân:
- Thế nào là tháp vô phùng? (Xem công án 172)
- Cao 5 thước.
 Lại mắng:
- Hồ đồ! 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Tháp vô phùng là tháp không vá; các tháp ở thế gian đều dùng gạch xếp lên nhau, dùng vữa mà dính lại, không thể không vá, Như vậy là ở đây tháp vô phùng không chỉ thế giới hiện tượng mà chỉ cảnh giới vô lậu, không còn phiền não, là lý cứu cánh là chân tướng của sinh mạng. Lão sư đáp “cao 5 thước” có vẻ mâu thuẫn với quốc sư Huệ Trung. Có cao độ là có hình thể. Có hình thể thì không phải là cảnh giới tuyệt đối; 5 thước ở đây là thiền sư chỉ ông tăng cao 5 thước (thước Tầu).

903.  Tìm linh dương.
Có 6 học tăng cùng đến Hoàng Bá tham học. Khi mới gập mặt, năm người thành kính vái lạy, chỉ có một ông tăng tỏ ra mình là một thiền giả, giơ tọa cụ lên vẽ một vòng tròn, không nói một câu, đứng tại một bên. Hoàng Bá bảo ông tăng đó:
- Ta nghe nói có một chó săn rất hung dữ.
Ông tăng dùng Thiền ngữ trả lời:
- Chắc là nghe tiếng linh dương mà tới.
- Ngươi có nghe được tiếng linh dương không?
- Vậy nhất định là do dấu chân mà tới.
- Ngươi có thấy dấu chân linh dương không?
- Vậy thì nhìn sau lưng linh dương mà tới.
- Ngươi có thấy sau lưng linh dương không?
- Chỉ là xác một con linh dương.
Hoàng Bá bèn thối lui. Hôm sau ở Pháp đường nói lại chuyện cũ:
- Mời ông tăng nói chuyện linh dương hôm qua bước ra.
Ông tăng bước ra vài bước.
- Công án hôm qua còn chưa xong, ngươi giải thích thế nào?
Ông tăng không trả lời được.
- Tưởng ngươi là một thiền giả đã tới nhà; nguyên lai chỉ là một ông tăng nghĩa học, tông đồ trí giả.
Đại chúng nhận rằng ông tăng này mạo nhận thiền giả, liền mời ông ra khỏi cửa. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Thiền là ngộ, không phải là học. Tri thức có thể học, Thiền không thể học. Tự cổ, các thiền tăng cử chỉ, lời nói quái dị, nhưng trong sự quái dị ấy có chân thật, thường lý. Nếu không phải là thiền giả, chỉ cần mở miệng ra là người ta biết ngay là giả; còn thiền ngộ tự nhiên hiển lộ ra.

904.  Bốn chín năm trước.
Một ông tăng hỏi Tuyết Phong Nghĩa Tồn:
- Chuyện 49 năm sau không hỏi, còn chuyện 49 năm trước thì sao?
Thiền sư bỗng dùng phất tử đánh vào mồm ông tăng. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Thích Ca Mâu Ni thành Đạo rồi thuyết pháp 49 năm, sau đó nhập Niết Bàn. Chuyện 49 năm sau chỉ Phật đã nhập Niết Bàn; chuyện 49 năm trước chỉ Phật chưa thành Đạo thì cũng tu trì cầu Đạo, nỗ lực chứng Phật tánh vốn tự đầy đủ. Đây là ông tăng mượn cổ dụ kim. Dụ rằng mình cũng như Phật Thích Ca lúc chưa thành Phật, cũng nỗ lực tầm Đạo, cần lão sư chỉ dẫn. Tự tánh vốn tự quang minh do con người ta tự vọng tâm khởi phân biệt do đó có sáng tối, mê ngộ. Chính câu hỏi của ông tăng đã là một loại ý thức phân biệt rồi. Thiền sư bỗng đánh làm cho ông tăng hoảng sợ mà bỏ được vọng niệm. Nếu ông tăng tâm lực tập trung đến trình độ đại ngã thì nhân đó có thể siêu việt tất cả phân biệt, vào thẳng tự tánh quang minh.

905.   Pháp thân.
Một ông tăng hỏi Ngưỡng Sơn Huệ Tịch:
- Pháp thân còn nói pháp không?
- Ta không nói được, nhưng có một người nói được.
- Người nói ở đâu?
Thiền sư đưa cái gối đầu ra. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Pháp thân không phải là một vật cụ thể mà vô hình, vô tướng, vô sinh, vô diệt của cảnh giới tuyệt đối, đã vượt qua đối lập của hiện tượng giới. Do đó không nói pháp. Chỉ có người đã ngộ mới biết lý này, còn không thì cứ xoay quanh múa lộn ở trong vòng danh tướng. Vì vậy thiền sư mới bảo mình không nói được, nhưng có một người có thể nói được, ông tăng hỏi người nói được ở đâu? Thiền sư bèn đưa cái gối đầu ra. Vì hiện tượng và bản thể là một không hai cho nên bất cứ vật gì cũng là pháp thân, không đâu không có pháp thân nói pháp. Nếu ngộ thì cái gối đầu là một pháp thân, còn chưa ngộ thì đó chỉ là một đồ vật ở hiện tượng giới.

906.  Quý mến hiện tại.
Thân Loan Thượng Nhân của Nhật Bản, mới 9 tuổi đã quyết tâm đi tu; xin Từ Trấn xuống tóc cho ông. Từ Trấn nói:
- Ngươi còn nhỏ như vầy, vì sao muốn xuất gia?
- Con tuy mới 9 tuổi, nhưng cha mẹ đều mất cả. Con không biết vì sao người ta phải chết, vì sao con nhất định phải lìa xa cha mẹ? Vì muốn hiểu đạo lý này nên con nhất định xuất gia.
- Được! Ta biết rồi! Ta chấp nhận thâu ngươi làm đệ tử; hôm nay trời đã muộn rồi, sớm mai sẽ xuống tóc cho ngươi.
- Sư phụ, tuy thầy hứa sáng mai sẽ xuống tóc cho con, nhưng con còn trẻ vô tư, không biết ngày mai còn giữ được quyết tâm xuất gia hay không? Hơn nữa, thầy niên kỷ đã cao không biết sáng mai còn sống không?
Từ Trấn nghe lời vỗ tay khen:
- Được lắm! Ngươi nói không sai, bây giờ ta xuống tóc cho ngươi.
Đời Đường, Huyền Trang cũng 12 tuổi xuất gia. Bấy giờ muốn xuất gia phải qua một kỳ khảo hạch. Huyền Trang vì quá nhỏ không được thâu nhận. Huyền Trang thương tâm khóc lớn. Chủ khảo Thiện Quả hỏi:
- Vì sao nhất định xuất gia?
- Vì muốn làm sáng di giáo của Như Lai, giới thiệu hạt giống bồ đề của Phật.
Nhận thấy lời nguyện rộng lớn nên chủ khảo đặc biệt chấp nhận. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Gương của hai vị cao tăng trên đã trở thành giai thoại trong Phật giáo.

907.   Bịt tai.
Một ông tăng hỏi Tào Sơn Bản Tịch:
- Lỗ Tổ xoay mặt vào vách là biểu thị chuyện gì?
Sư bịt tai lại. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Lỗ Tổ xoay mặt vào vách là một thủ đoạn để tiếp dẫn thiền sinh (Xem công án 796); thủ đoạn ấy không ngoài tác dụng của tự tánh là xúc, mục. Tào Sơn bịt tai chỉ không nghe, vì câu hỏi của ông tăng trái ngược với dụng ý của Lỗ Tổ. Động tác này làm cho ông tăng rõ câu hỏi của ông là thừa, muốn ông bỏ vọng tưởng.

908.   Một đường Nát  Bàn.
Một ông tăng hỏi Như Bảo:
- Thế nào là một đường Nát Bàn?
Sư khẩy ngón tay rồi mở rộng hai tay ra. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu hỏi của ông tăng là hỏi về tự tánh. Động tác của thiền sư là chỉ diệu dụng của tự tánh. nếu ông tăng quay về tự thể nghiệm động tác của chính mình thì có thể thấy một đường Nát bàn, hiểu được câu trả lời của thiền sư.

909.   Cổ đức vì sao mà thôi?
Một ông tăng hỏi Cát chân Tư Phúc;
- Hòa thượng, cổ nhân được ý chỉ gì mà thôi?
Sư vẽ vòng tròn chỉ thị. 
(Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là cổ đức được tâm yếu gì mà giác ngộ? Tâm yếu chỉ có thể thể ngộ, không thể dùng lời mà giải thích; do đó thiền sư vẽ vòng tròn để trả lời (Xem công án 881).

910.  Cái nào không là Phật.
Một ông tăng hỏi Đại Châu Huệ Hải:
- Tức tâm, tức Phật, cái nào là Phật?
- Ngươi nghi cái nào không là Phật, chỉ ra cho ta coi!
Ông tăng không trả lời được, sư bảo:
- Nếu đạt thì mọi cảnh đều là Phật, còn không thì vĩnh viễn trái ngược. 
(Thiền sư khải ngộ pháp)

Thiền sư hỏi ngược lại, ông tăng không trả lời được, sư đành phải 
thuyết minh: Nếu ngươi chứng được tự tánh thì mọi cảnh đều là Phật. Còn như ngươi dùng lý trí để phân tích thì những gì ngươi kiến thức được chỉ là tương đối, không phải là cảnh giới tuyệt đối.

911.  Không được,  không biết.
Đạo Ngô hỏi Thạch Đầu:
- Đại ý của Phật pháp là gì?
- Không được, không biết. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu đáp của Thạch Đầu có hai ý:
1/ Phật pháp không thể dùng trí mà biết được.
2/ Ta không phải là người đắc pháp. Do đó, đả phá vọng tâm của Đạo Ngộ muốn nhờ thầy chỉ cho đáp án, phải tự mình thể nghiệm tự tánh.

912.  Ý tổ sư.
Một ông tăng hỏi Ngưỡng Sơn:
- Thế nào là ý tổ sư?
Sư vẽ vòng tròn, ở trong viết chữ Phật. Ông tăng không nói được một lời. 
(Thiền sư khải ngộ pháp)
Ý tổ sư là ý chỉ của Tổ Đạt Ma vượt biển tới Trung thổ. Ý chỉ này thực là tinh tủy của Thiền: “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.” Ngưỡng Sơn dùng vòng tròn và chữ Phật để khai ngộ cho ông tăng. Nếu ông tăng chấp vào vòng tròn và chữ Phật, dùng đường lối suy luận mà tìm ý nghĩa thì vĩnh viễn không khai ngộ được. 

913.  Thế nào là Thiền,  là Đạo?
Một ông  tăng hỏi Thạch Đầu:
- Thế nào là Thiền?
- Đá, gạch.
- Thế nào là Đạo?
- Khúc gỗ. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Gạch đá là gạch đá, khúc gỗ là khúc gỗ. Đối thoại trong công án này nếu cố giải thích thì có thể nói Thiền, Đạo không lìa hiện tượng giới mà tồn tại trong mọi sự, mọi vật. Lời giải thích này là dùng lý trí phân tích. Ở đây thiền sư dùng một vật không liên quan để làm đứt đoạn suy nghĩ của thiền sinh. Nếu thiền sinh còn cố giải thích thì có đúng không? Trong quá trình dạy dỗ thiền sư không giảng lý Đạo, mục đích là giúp thiền sinh lần lượt trừ bỏ những chấp trước của nội tâm mà đạt tới mục đích minh tâm kiến tánh. Những lời nói của các thiền sư không có hàm ý rõ ràng, do đó chúng ta đứng ở góc độ nào mà giải thích thì cũng được. Như câu hỏi: Đạo là gì? Chúng ta có thể giải thích lúc đó thiền sư chạm mắt vào khúc gỗ nên tự nhiên đáp là khúc gỗ, biểu thị Đạo ở khúc gỗ, ở tất cả mọi vật. Cũng có thể giải thích cách khác là Đạo không lìa tự thân. Ông tăng vì chưa thể hội tự thân là Đạo nên bị thiền sư mắng “Ngươi sống như một người chết, không khác gì khúc gỗ.”
Cả hai lối giải thích trên không giúp ích gì cho ông tăng cả nếu ông không tự  thể nghiệm.

914.  Tây sang không ý.
Một ông tăng hỏi Đại Mai:
- Thế nào là ý của tổ sư từ Tây sang?
- Tây sang không ý. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Ông tăng hỏi tinh yếu của Thiền là gì? Câu hỏi của ông chỉ rằng ông có vọng tưởng chấp rằng có tự tánh có thể cầu được. Do đó, Đại Mai phủ định để phá chấp cho ông, khiến ông bỏ ý niệm mong cầu giải thoát mà vào thẳng ngộ cảnh.

915.  Giơ phất tử.
Hương Nghiêm Trí Nhàn hỏi ông tăng đến tham phỏng:
- Từ đâu tới?
- Từ Quy Sơn.
- Hòa thượng gần đây có lời gì?
- Có người hỏi ý Tây sang, Quy Sơn giơ phất tử lên.
- Huynh đệ nơi đó hiểu ý hòa thượng thế nào?
- Họ cho rằng hòa thượng lấy sắc minh tâm, nương vật hiển lý.
- Hiểu liền hiểu ngay, không hiểu thì gấp làm gì?
- Ý thầy thì sao?
Hương Nghiêm giơ phất tử lên. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Do đối thoại chúng ta thấy đáp án không phải ở phất tử, cũng không phải ở động tác giơ lên. Các đệ tử của Quy Sơn cho rằng thầy giơ phất tử lên là lấy săc minh tâm, nương vật hiển lý. Do lý mà nói thì suy luận này là đúng, nhưng ở lão sư là thực tiễn, còn ở đồ đệ chỉ là khái niệm, sai biệt như trời và đất. Thiền sư dùng thủ đoạn này (nương vật hiển lý) mục đích là muốn đồ đệ khế nhập không tánh; thấy được tự tánh. Do đó Hương Nghiêm phê bình đồ đệ Hương Nghiêm “Hiểu liền hiểu ngay, không hiểu thì gấp làm gì.” Ông tăng bèn thỉnh thị Hương Nghiêm, Hương Nghiêm giơ phất tử lên. Cử chỉ và lời nói của Hương Nghiêm xuất từ cảnh giới vô ngã, chỉ là động tác, không nương tựa vào đó để thuyết minh cái gì. Nói theo nhà Phật thì đó là cảnh giới diệu hữu, một thể không hai như nước và sóng không phân biệt được. Động tác của thiền sư là diệu hữu cũng là duyên khởi. Do đó giơ phất tử lên bản thân là hiện tượng, nhưng cũng là tánh không. Nếu thiền sinh bỏ được các quan niệm mà coi động tác của thiền sư thì có thể thoát khỏi sự trói buộc của khái niệm mà vào thẳng bản nguyên của nội tâm. Đó gọi là kiến tánh.

916.  Đà La Ni.
Một ông tăng hỏi Trường Sa Cảnh Sầm:
- Đà La Ni là thế nào?
Sư chỉ thiền sàng bên phải:
- Sư tăng này không tụng được.
- Người khác tụng được không?
Sư chỉ thiền sàng bên trái:
- Sư tăng này tụng được.
- Sao con không nghe?
- Đại đức không biết tụng thật không tiếng, nghe thật không nghe. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Đà la ni ý dịch là tổng trì. Có bốn loại đà la ni là: pháp, nghĩa, chú, dẫn. Ngày nay thường dùng Đà La Ni để chỉ chú Đà La Ni. Chú chỉ Phật, Bồ tát từ trong thiền định ra bảo cho biết  những lời bí mật, là tự tánh dùng âm thanh để lưu lộ. Tự tánh không thể dùng ngôn ngữ để chỉ rõ, chỉ có thể dùng Dụng để hiển thể. Vì vậy Trường Sa chỉ thiền sàng bảo nó có thể tụng Đà La Ni. Nếu ông tăng có thể trừ bỏ ý thức phân biệt, vào thẳng thế giới tuyệt đối thì không đâu không là diệu tâm của Đa La Ni. Ngược lại, nếu ông còn chấp khái niệm thiền sàng là một cá thể thì còn có phân biệt ta, người; miệng tuy đọc chú nhưng đó không phải là Đà la ni. Do đó, thiền sư lại chỉ cho ông tụng thật không tiếng, nghe thật không nghe. Có tiếng, có nghe là có chủ thể và đối tượng không phải là cảnh giới tuyệt đối. Phải trừ bỏ sự phân biệt tiếng cho đến tất cả mọi sự phân biệt; thì đó mới là tụng Đà la ni.

917.  Cá chép trên núi,  cỏ bồng dưới sông.
Một ông tăng hỏi Đạo Khâm:
- Thế nào là Đạo?
- Cá chép trên núi, cỏ bồng đáy sông. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Cá chép là sinh vật sống trong sông, cỏ bồng là loại cỏ mọc ở lục địa. Câu nói của Đạo Khâm rõ ràng là trái với thường lý. Nếu nghĩ rằng có thể căn cứ vào câu đáp của thiền sư để tìm vết tích của Đạo thì khó chẳng khác gì lên trời. Thiền sư không giảng lý luận. Khi huấn luyện có lúc dùng những câu đáp phản thường, mục đích là để cắt đứt những niệm đầu của vọng tâm. Nếu ông tăng còn dùng suy luận thì câu nói này hoàn toàn vô ý nghĩa.

918.  Thế nào là Phật.
Một ông tăng hỏi Đạo Minh:
- Thế nào là Phật?
- Là không thể nói cho ngươi biết. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Người đã hiểu thì không đặt câu hỏi này; do đó thiền sư phủ định là đối với tâm cảnh đặt câu hỏi của ông tăng lúc đó, chứ không phải là phủ định Phật tánh sẵn có nơi ông.

919.  Tự độ.
Một Phật tử đứng tránh mưa ở dưới mái hiên thấy một thiền sư cầm dù đi qua bèn gọi lớn:
- Thiền sư phổ độ chúng sanh, hãy cho con đi ké dù một quãng.
- Ta đi dưới mưa, ngươi đứng ở dưới mái hiên. Ở dưới mái hiên không mưa, ngươi không cần ta độ.
Phật tử chạy ra:
- Hiện con cũng ở dưới mưa, thầy có độ không?
- Ngươi và ta đều ở dưới mưa, ta không bị ướt vì có dù che, ngươi bị ướt vì không có dù che. Do đó dù độ ta, ta không độ ngươi. Ngươi muốn được độ thì tìm dù, đừng tìm ta.
Nói rồi đi thẳng. 
 (Tinh Vân thiền thoại) 
Mình có dù thì không bị ướt; kiến tự tánh thì không bị mê. Trời mưa không mang dù muốn người khác giúp giống như không chịu kiến tánh mà muốn người khác độ mình. Dùng dù mình mà che mưa, dùng tự tánh mình mà tự độ. Thiền sư không cho mượn dù là do lòng đại từ bi vậy.

920.  Là một,  là ba.
Huyền Sa hỏi Tuyết Phong:
- Thầy có thiền trượng không, cho con hóa duyên một cái.
- Ta có ba cái, ngươi hãy lấy một cái đi.
- Mỗi người chỉ có một cái, vì sao thầy có 3 cái?
- Mỗi cái đều có dụng xứ.
- Phải là phải, con không có dụng pháp đó.
- Ngươi dụng thế nào?
- Là ba, là một.
- Ba là ba, một là một, ba không phải là một, một không phải là ba, là ba là một, là một là ba; chuyện này giống mảnh ruộng mặc chúng trồng cấy, mọi người không nhờ đó mà sống. Là một, là ba, sao ngươi chỉ nói là ba là một?
- Thầy căn cứ vào đâu mà nói một mảnh ruộng?
Tuyết Phong vạch một vạch trong không:
- Nhìn coi! Đây là một mảnh ruộng.
- Đúng thì đúng; con không nói thế.
- Ngươi vì sao không nói thế.
- Người nào sanh, người đó chết; người nào ăn người đó no.
- Dĩ nhiên là mọi người đều vậy; sao ngươi không dùng gậy của mình mà đi mượn gậy của  người khác?
-Đạt Ma chẳng tới Đông thổ, Nhị tổ chẳng tới Tây phương. Đến thì đến, đi thì đi; dùng gậy để giúp người, không dùng để khốn người. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Gậy ở đây chỉ bản tánh mà mọi người đều có. Không thể nói có, không thể nói không; không thể nói một sao có thể nói ba. Ngươi không có gậy ta đoạt đi, ngươi có gậy ta lại cho ngươi. Giữa các thiền sư chỉ là một đến, một đi hà tất phân biệt hai, ba.

921.  Thân này ở đâu?
Một ông tăng hỏi Thảo Đường:
- Khi chưa có một pháp thì thân này ở đâu?
Sư vẽ vòng tròn, trong viết chữ thân. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
 “Chưa có một pháp” chỉ tự tánh không thể nghĩ bàn. Người ngộ nhập tự tánh thì thấy bản thể và hiện tượng là một; rời hiện tượng thì không thể có bản thể có thể cầu được. Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là ở thế giới tuyệt đối còn thân này (hiện tượng) không? Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là dẫn ông tăng ngộ nhập tự tánh.  Nếu ông tăng dùng lý luận mà cho rằng tác động của thiền sư chỉ rằng thân này và tự tánh viên dung vô ngại thì đã sai rồi.

922.  Tổ sư chưa tới.
Một ông tăng hỏi Sùng Huệ:
- Đạt Ma chưa tới Trung quốc, Trung Quốc có Phật pháp không?
- Chuyện chưa tới gãy gác lại, còn chuyện ngày nay thì sao?
- Con không hiểu, xin thầy chỉ thị.
-Vạn cổ trường không, một sáng gió trăng. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Vạn cổ chỉ thời gian vô cùng; trường không chỉ không gian vô tận. Cả câu có nghĩa là Đạo vô biên giới, vượt lên thời, không gian, là chân không. Một sáng gió trăng là chỉ bất cứ sự việc gì trong trời đất đều đương thể tồn tại; đó là diệu hữu, là cảnh giới giác ngộ tuyệt đối, không còn ta, người vì chân không là diệu hữu, diệu hữu là chân không. Vạn cổ là một buổi sáng, một buổi sáng là vạn cổ. Vì vậy thiền sư không bàn chuyện “chưa đến” mà chỉ bàn chuyện “ngày nay.” Nếu chuyện ngày nay đã rõ thì đâu cần biết Đạt Ma tới hay không tới. Phật pháp không đâu không có, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Do đó, Đạt Ma không mang Phật pháp tới Trung Quốc, mà tới giúp người Trung Hoa thể hội tự tánh.

923.  Hồng!
1/ Có ông tăng hỏi Toàn Hoát:
- Giếng sâu làm sao tới đáy?
- Hồng!

2/Có ông tăng hỏi An Phi:
- Thế nào là tháp vô phùng?
- Hồng!

3/Có ông tăng hỏi Hưng Thánh quốc sư:
- Thế nào là sự trong tông môn?
- Hồng! 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Cả 3 câu hỏi đều hỏi tự tánh là gì?  Các thiền sư đều dùng chữ “Hồng” mà đáp. Tiếng Hồng này cũng tương tự như tiếng hét khiến thiền sinh giật mình; trong khoảng khắc kinh ngạc ấy đoạn trừ tất cả mọi vọng tưởng, có cơ hội tương ứng với Đạo.

924.  Bùa hộ mạng.
Đam Nguyên hỏi quốc sư Huệ Trung:
- Trăm năm sau, có người hỏi con sự cực tắc, con phải trả lời làm sao?
- Thật đáng thương! Còn muốn bùa hộ mạng để làm gì? 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Tự tánh lìa ngôn ngữ, vĩnh viễn không có một đáp án chính xác, bùa hộ mạng chân chính cho Đam Nguyên là ông tự mình thật chứng tự tánh.

925.  Một và hai.
Trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa, đạo sĩ của Đạo giáo thường tranh luận, đấu pháp với các thiền sư. Có một đạo sĩ hỏi Pháp Ấn:
- Phật giáo các người dù dưới dạng thức nào so với Đạo giáo cũng thua cả; bởi vì cảnh giới tối cao của Phật giáo là nhất tâm, nhất thừa, nhất chân pháp giới, nhất Phật, nhất Như Lai, đều là một cả. Trong khi đó Đạo giáo chúng tôi cái gì cũng là hai như càn khôn, âm dương  . . . Hai thắng một, hai cao minh hơn một.
- Có thật không? Có thật hai của các ngươi thắng một không?
- Chỉ cần người nói một, chúng tôi sẽ nói hai, nhất định thắng các người.
Pháp Ấn liền nhấc một chân lên hỏi:
- Bây giờ ta nhấc một chân lên, ngươi có nhấc được hai chân lên không?
Đạo sĩ không trả lời được. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Phật giáo Trung Hoa có 3 võ, 1 tông pháp nạn đều là do đạo sĩ đố kỵ. Phật giáo chuộng hòa bình mà cũng không tránh khỏi, ngay cả 1, 2 cũng là đề tài để tranh luận. Cách đối phó của Pháp Ấn là ứng dụng xảo diệu của Thiền vậy.

926.   Ném gậy.
Một ông tăng hỏi Nghĩa Đoan:
- Thế nào là trực tiếp cắt đứt căn nguyên?
Thiền sư ném gậy xuống đất, trở về phòng phương trượng. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu hỏi của ông tăng dẫn từ câu: “Trực tiệt căn nguyên Phật sở ấn” của Vĩnh Gia Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca (Thẳng tận đầu nguồn phăng dấu Phật. Trúc Thiên dịch) là chỉ trực tiếp cắt đứt căn nguyên của sanh tử. Sanh tử là khái niệm của thế giới nhị nguyên, thuộc hiện tượng giới. Nếu cắt đứt được căn nguyên của sanh tử thì thể ngộ được tự tánh. Vì vậy câu hỏi: cắt đứt được căn nguyên là thế nào, có nghĩa tự tánh là thế nào? Tự tánh là cảnh giới không một sự việc, làm sao có sự tiếp dẫn; do đó thiền sư ném gậy và về phòng. Nhìn về bề ngoài thì là thiền sư từ chối không trả lời câu hỏi, nhưng thật ra đó là cách dạy rất sinh động, bảo thiền sinh phải nỗ lực để giác ngộ.

927.   Nhà điêu khắc.
Thanh niên Quang Tạng lúc chưa học Phật, quyết tâm thành một 
nhà điêu khắc tượng Phật. Ông đặc biệt đến bái phỏng Đông Vân, mong được thiền sư chỉ bảo cho những điều thường thức về tượng Phật. Đông Vân gập mặt rồi, bảo ông ra giếng múc nước. Đông Vân xem Quang Tạng múc nước xong, to tiếng mắng chửi và đuổi đi. Lúc đó trời đã tối, các đệ tử thấy tình cảnh ấy năn nỉ sư phụ cho Quang Tạng lưu lại một đêm, sáng mai sẽ đi. Đông Vân đồng ý. Đến nửa đêm Quang Tạng đang ngủ bị gọi dậy đến gập Đông Vân. Thiền sư ôn tồn bảo:
- Chắc ngươi không hiểu lý do chiều qua tại sao ta lại mắng ngươi; nay ta bảo cho ngươi biết. Tượng Phật được mọi người cúng lễ do đó tượng phải do người có tâm thành kính tạc thì mới thành tượng Phật trang nghiêm. Ta thấy ngươi múc nước để nước đổ ra ngoài thùng, tuy là chút nước nhưng đó là phúc đức nhân duyên; nhưng ngươi không thèm để ý, cái cách lãng phí không biết tiếc phúc ấy làm sao có thể điêu khắc tượng Phật được?
Quang Tạng nghe lời chỉ dạy cảm động, phản tỉnh, cuối cùng xin nhập môn làm đệ tử, trở thành một nhà điêu khắc nổi tiếng. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Tâm thành kính không phải chỉ để điêu khắc tượng Phật, bất cứ làm gì cũng nên thành kính.

928.  Cắn không?
Thời Đức Phật còn tại thế, có một vị tỳ khưu ni tên là Ưu bà tiên na, một hôm đang ngồi thiền trong sơn động bỗng lớn tiếng kêu gọi tôn giả Xá lợi phất ngồi thiền ở động đối diện.
Khi Xá lợi phất tới , bà nói:
- Tôn giả Xá lợi phất! vừa rồi tôi ngồi thiền có vật gì bò qua người, mới đầu không chú ý, sau nhìn lại thì là một con rắn độc. Tôi bị nó cắn một miếng; tôi chắc sắp chết rồi! Thừa lúc độc khí còn chưa phát xin ngài từ bi chiêu tập đại chúng lân cận, tôi muốn cáo biệt họ.
Xá lợi phất nghe xong, nhìn kỹ Ưu bà tiên na nghi hoặc hỏi:
- Có chuyện đó thật sao? Bị rắn cắn sao sắc mặt bà vẫn bình thường vậy?
- Tôn giả! Cái thân này là do tứ đại, ngũ uẩn tạo thành, vốn không có chủ tể, vốn vô thường, do nhân duyên tụ hội nên là không. Tôi đã hiểu đạo lý đó do vậy rắn độc có thể cắn xác thân tôi, nhưng làm sao có thể cắn không tuệ được?
Xá lợi phất nghe rồi, tán thán:
- Bà nói đúng lắm! Bà đã đạt đến bực giải thoát. Dù sắc thân có bị đau đớn cũng có thể dùng huệ kiến chân tâm bất biến. Người tu đạo phải điều tâm tiến vào Niết Bàn bất sinh, bất diệt.
Chết là chết đi sắc thân, không phải là chết đi chân ngã.
Đó là dùng mắt trí tuệ mà nhìn thể tướng, ra khỏi nhà lửa,thật tốt quá. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Con người vì sanh tử mà phiền não, sợ hãi. Nếu chứng được thiền quán, hoặc khế nhập không huệ thì sẽ tiến vào cảnh giới không sợ nữa. Như Ưu bà tiên na nói rắn độc có thể cắn sắc thân nhưng làm sao có thể cắn không tuệ được?
Bậc thánh sống trong cảnh giới chân thiện mỹ không phải là lìa bỏ thế giới ta bà này mà tới cảnh giới tịnh độ, chủ yếu là không tuệ thiền quán một khi chuyển thì một sát na sẽ thành vĩnh viễn, ô uế thành thanh tịnh, phiền não thành bồ đề, sanh tử thành niết bàn.

929.  Không gập được.
Tào Sơn Bản Tịch lúc mới tới tham Động Sơn. Động Sơn hỏi:
- Ngươi từ đâu tới?
- Từ Tây Viện tới.
- Xà lê tên gì?
- Mỗ, giáp.
- Nói rõ hơn một chút.
- Không nói!
- Vì sao không nói?
- Vì tên con không là mỗ, giáp.
Động Sơn vừa lòng, nhận Tào Sơn ở lại tham học, thường chỉ thị pháp yếu cho ông. Một hôm Tào Sơn đến cáo biệt. Động Sơn hỏi:
- Ngươi định đi đâu?
- Đi đến nơi không biến dịch.
- Nơi không biến dịch lại có đi sao?
- Không đi thì không biến.
Tào Sơn thọ pháp rồi, đi giang hồ; chúng thỉnh trụ trì ở Vũ Châu Cát Thủy sơn, sư cải tên là Tào Sơn, pháp độ ngày càng thạnh, đồ chúng không dưới hai ngàn người. Nam Bình Chung Lăng Vương nghe danh, 3 lần mời mà không đáp ứng do đó Vương nổi giận bảo chuyên sứ:
- Ngươi không mời được Tào Sơn đại sư đến, thì đừng gập mặt ta!
Chuyên sứ khổ sở xin đại sư;
- Thiền sư! Thầy không tuân vương chỉ, đệ tử thật không còn mạng.
- Chuyên sứ đừng lo, cứ trình bài kệ này, bảo đảm không sao.
 Sư đọc bài kệ (của Đại Mai):
摧 殘 枯 木 倚 寒 林
Tồi tàn khô mộc ỷ hàn lâm 
幾 度 逢 春 不 變 心
Kỷ  độ  phùng xuân bất biến tâm
樵 客 貝 之 犹 不 顧
Tiều  khách  bối chi du  bất cố 
郢 人 何 得 苦 追 尋
Dĩnh nhân hà  đắc khổ truy tầm
Cây  khô  gẫy  mục  tựa  rừng  xanh
Mấy  độ  xuân  về  tâm  chẳng  sanh
Lão  tiều  trông  thấy  nào  đoái  nghĩ
Dĩnh  khách  thôi  thì  chớ  hỏi  phanh.
(Thích Thanh Từ dịch)

Nam Bình Chung Lăng Vương đọc bài kệ hướng về núi Cát thủy Sơn đảnh lễ:
- Đệ tử kiếp này không dám vọng cầu gập Tào Sơn đại sư nữa.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Có người chỉ sợ người ta không biết đến mình; có người lại sợ người ta biết đến mình. Như Tào Sơn, chỉ ở ẩn núi sâu mà thanh danh ảnh hưởng đến thế đạo, khiến người ta cung kính ngưỡng mộ. Đó là đạo phong của Thiền môn vậy.

930.  Sự cấp thiết.
Một ông tăng hỏi Thiệu Châu:
- Thế nào là sự cấp thiết?
- Đồ ngu! 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Sự cấp thiết là liễu ngộ tự tánh. Ông tăng còn hướng ngoại tìm cầu thì không phải là sự cấp thiết nữa. Do đó, thiền sư mắng ông để ông lìa bỏ ngôn cú, phản hướng tự tâm mà tìm.

931.  Ý Tây sang.
Một ông tăng hỏi Đạo Thường:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
Sư giơ thiền trượng lên hỏi:
- Hiểu không?
- Không hiểu!
Sư hét lớn, đuổi đi. 
 ( Thiền sư khải ngộ pháp)
Thiên địa vạn vật, cho đến tất cả mọi hiện tượng nhà Phật đều gọi chung là “tướng.” Tướng là do nhiều điều kiện mà thành. Danh là phù hiệu của tướng. Kinh Kim Cương nói: “Phàm có tướng đều là hư vọng.” Tướng đều không thiệt, huống hồ là danh do tướng mà có, nhưng mà người thường dùng trí phân biệt mà nhận thức hiện tượng cho nên: hồng không thể đồng thời là lục, trắng không thể đồng thời là đen. Nếu có thể bỏ được sự phân biệt ta người, không còn phân biệt có không thì có thể tiến vào cảnh giới tuyệt đối.  Cho nên kinh Kim Cương nói: “Nếu thấy các tướng không tướng thì thấy Như Lai.” Thiền sư giơ gậy lên hỏi hiểu không? Ông tăng đứng trên quan điểm người thường thấy gậy và mình không thể cùng một thể, nhưng đứng trên quan điểm của cảnh giới tuyệt đối thì gậy không phải là gậy mà là giả danh do con người gán cho; kỳ thực nó cùng vạn vật một thể đều là tự tánh hiển lộ. Ông tăng không lìa danh tướng đương nhiên không thể ngộ tự tánh nên bị thiền sư đuổi đi.

932.  Huyền Chỉ.
Một ông tăng hỏi Trí Thường:
- Thế nào là Huyền Chỉ?
- Không ai hiểu được.
- Người hướng về thì sao?
- Có hướng liền sai.
- Người không hướng về thì sao?
- Ai cần Huyền Chỉ?
Sư lại nói thêm:
- Đi đi, không phải là chỗ dụng tâm của ngươi.
- Thầy không có pháp phương tiện cho đệ tử vào được sao?
- Quán âm diệu trí lực có thể cứu khổ thế gian.
- Thế nào là quán âm diệu trí lực?
Sư gõ vào đỉnh 3 lần hỏi:
- Ngươi nghe không?
- Nghe. 
- Sao ta lại không nghe?
Ông tăng không đáp được, sư giơ gậy đuổi đi.
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Huyền Chỉ là chỉ tự tánh. Tự tánh không thể dùng trí mà biết được. Do đó thiền sư bảo không ai hiểu được, đồng thời cũng chỉ ta không hiểu, sao ngươi không tự mình hướng nội mà tìm? Ông tăng lại lấy hướng và không hướng để hỏi đều bị thiền sư chặn lại. Vì ông tăng chưa bỏ được suy nghĩ nên thiền sư bảo “Đi đi, không phải là chỗ dụng tâm của ngươi.” Xét bề ngoài thì là đuổi ông tăng đi, không cho hỏi nhưng sự thực thì nếu ông tăng đã nỗ lực tu tập đến trình độ đại ngã thì chỗ không dụng tâm tức là chỗ dụng tâm. Bỏ đi tất cả mọi phân biệt đó là dụng tâm. Ông tăng không hiểu lại hỏi phương tiện để vào cảnh giới tuyệt đối. Thiền sư lấy câu kệ trong kinh Pháp Hoa để trả lời. Quán âm diệu trí lực không phải là trí phân biệt của người phàm mà là trí huệ bát nhã. Ngài Quán Thế Âm ngồi thiền bên bờ bể nghe hải triều âm lên xuống, nghe tiếng ở trong sát na sinh diệt, không vĩnh viễn, không thực có. Vọng tưởng phiền não của con người đều do chấp thanh âm mà ra. Quán Âm dùng phương pháp ‘nhập lưu vong sở” khiến âm thanh không còn là căn nguyên của phiền não. “Nhập lưu vong sở” là không dừng lại ở âm thanh vào tai mà khiến âm thanh đó như dòng nước trôi đi không ngừng, đồng thời quên hẳn âm thanh đối tượng, khiến nó không sản sanh ra được hiện tượng. Thiền sư gõ vào đỉnh 3 lần, hỏi ông tăng có nghe không? Nếu là người thường thì sẽ để ý đến âm thanh vào tai, họp thành lời, thành câu có ý nghĩa, vọng tưởng phiền não đều do đó mà sanh. Thiền sư lại hỏi ngược lại “Sao ta không nghe?” là chỉ người đã ngộ không phân biệt chủ thể và đối tượng. Thiền sư không phải là điếc mà là không còn phân biệt tiếng và người nghe nữa. Đã giảng nhiều lần như vậy, ông tăng vẫn không hiểu, thiền sư dùng gậy đuổi đi là để ông tăng không khởi vọng tưởng phân biệt nữa.

933.  Im lặng hồi lâu.
Một ông tăng hỏi Thủ Sơn Tĩnh Niệm:
- Thỉnh thầy khẩy đàn không dây.
Sư im lặng hồi lâu rồi bảo:
- Nghe không?
- Không nghe.
- Sao không hỏi to lên? 
(Thiền sư khải ngộ pháp)
Ông tăng muốn thiền sư khẩy đàn không dây. Chuyện này ở hiện tượng giới không thể làm được. Đó là cảnh giới của tự tánh. Thiền sư trực nhập thể nghiệm, nhưng ông tăng thì không; cho nên ông đã không hiểu dụng ý “im lặng hồi lâu” của thiền sư. Thiền sư thấy ông tăng không ngộ nhập được, lại sợ ông chấp vào “Im lặng hồi lâu” mà sinh vọng niệm cho nên nói là mình chưa nghe rõ câu hỏi để phá cái chấp này cho ông.

934.  Ứng vật hiện hình.
Một ông tăng hỏi Nghiêm Dương:
- Thế nào là ứng vật hiện hình?
- Mang thiền sàng lại đây! 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Ứng vật hiện hình xuất xứ từ Kim Quang Minh Kinh :”Phật chân pháp thân, do như hư không, ứng vật hiện hình, như trăng trong nước.” Ý nói pháp thân Phật tùy theo căn cơ bất đồng của chúng sanh mà hóa hiện cứu độ. Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là: Thế nào là dụng của pháp thân? Câu đáp của thiền sư nhìn bề ngoài thì chả có gì liên quan đến câu hỏi. Khi chưa mở tâm nhãn thì hiện tượng và tự tánh là hai, nhưng đối với người giác ngộ thì cái gì mà không phải là tự tánh hiển lộ. Do đó, dưới mắt thiền sư đi đứng, nằm ngồi, nói năng, im lặng, động tĩnh đều là pháp thân 
hiển hiện, đều là ứng vật hiện hình.

935.  Quỷ tàn phế.
Một lần, Huệ Khôi ngồi thiền trong sơn động, bỗng thấy quỷ không đầu tới. Nếu là người thường thì đã sợ chết khiếp, nhưng Huệ Khôi mặt không đổi sắc, bảo:
- Ngươi không có đầu, không bị cái khổ nhức đầu! Thực tốt quá!
Quỷ nghe rồi biến mất.
Một lần khác, lại có quỷ không có thân mình chỉ có tay, chân 
tới. Huệ Khôi bảo:
- Ngươi không có thân mình, không phải chịu những đau khổ do bịnh tật của lục phủ ngũ tạng gây ra; thật là hạnh phúc!
Quỷ lại biến mất.
Quỷ không mồm xuất hiện, Huệ Khôi bảo:
- Ngươi không có mồm không sợ bị tội ác khẩu, lưỡng thiệt.
Quỷ không mắt xuất hiện, Huệ Khôi bảo:
- Ngươi không mắt, không phải nhìn những hỗn loạn làm bận tâm.
Quỷ không tay xuất hiện Huệ Khôi bảo:
- Ngươi không tay, không bị tội cướp giật, đánh người!
Bất cứ quỷ nào tới, Huệ Khôi cũng dùng cách đối phó trên, các quỷ đều biến mất không tăm tích.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Đối với người thường, không đầu, không thân thật đáng sợ. Không mắt, không mồm thật xấu xí, nhưng đối với Huệ Khôi thì không đầu, không thân là rất tốt, không mắt, không mồm, không tay thật hạnh phúc. Do đó chuyển mê thành ngộ, chuyển uế thành tĩnh.

936.  Cầu người chẳng bằng cầu mình.
Phật Ấn và Tô Đông Pha cùng đi tản bộ ở vùng ngoại thành bỗng gập một pho tượng đá Quán Thế Âm. Phật Ấn liền chắp tay lạy. Tô Đông Pha hỏi:
- Chúng ta niệm Quán Thế Âm, còn tượng ngài tay cầm niệm châu không biết niệm ai?
- Ngươi tự hỏi mình.
- Đệ tử làm sao biết Quán Âm niệm ai?
- Cầu người chẳng bằng cầu mình. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Học Phật thực ra là học chính mình, hoàn chỉnh chính mình. Người học Thiền có tự tôn tuyệt đối nên mới có câu tự tu tự ngộ. Chúng ta không biết tự mình có kho tàng đầy đủ, không tự cầu mình mà đi cầu người; hy vọng người giúp đỡ, dẫn dắt.

937.  Quốc sư gọi thị giả.
Một ông tăng hỏi Tuyết Phong:
- Quốc sư gọi thị giả 3 lần là ý gì?  (Xem công án 198)
Sư đứng dậy, đi về phòng phương trượng. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Ông tăng dẫn công án quốc sư gọi thị giả 3 lần để hỏi dụng ý quốc sư ở đâu. Bất cứ người nào đọc công án này đều biết là quốc sư muốn tiếp dẫn thị giả ngộ nhập tự tánh. Ông tăng không muốn biết đáp án do suy luận mà là thật chứng lấy tâm ấn tâm. Nói cách khác ông xin Tuyết Phong truyền thọ “ý chỉ.” Hành động của Tuyết Phong không phải là đáp án. Dùng lý luận phân tích có thể nói là Tuyết Phong ám chỉ Thiền tồn tại ở sinh hoạt  của thân tâm, muốn ông tăng tự thể hội ở ngay thân mình, đừng tìm kiếm bên ngoài. Cũng có thể nói đó là biểu hiện nội chứng của Tuyết Phong. Nội chứng không thể dùng ý mà hiểu được, chỉ có thể đạt được bằng kinh nghiệm. Ông tăng chưa vượt lên được nhị nguyên tương đối thì không thể nào hiểu được, ông cũng giống như thị giả của quốc sư, phụ mình và cũng phụ luôn lão sư nữa.

938.  Hợp Đạo.
Một ông tăng hỏi Đạo Nhất:
- Làm sao hợp Đạo?
- Ta sớm đã không hợp Đạo. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu trả lời của thiền sư khiến ông tăng không còn chỗ nào mà tìm cầu nữa.

939.  Há mồm.
Hân Châu đả địa hòa thượng hễ có ông tăng nào đến hỏi, ông đều dùng gậy đánh xuống đất mà chỉ thị. Do đó, người đương thời gọi là “đả địa hòa thượng.” Có ông tăng dấu thiền trượng của sư đi rồi mới hỏi. Sư há mồm chỉ thị. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Chí Đạo không lời, nếu dùng lời e rơi vào nguy cơ tư duy. Để tránh cho thiền sinh khỏi suy luận do lời đáp nên thiền sư chỉ dùng động tác để chỉ thị. Ông tăng dấu gậy đi rồi mới hỏi để xem phản ứng của thầy ra sao. Vì Đạo không thể nói nên thiền sư chỉ há mồm.

940.  Thè lưỡi.
Một ông tăng hỏi Linh Quan:
- Phật là thế nào?
Sư thè lưỡi ra, ông tăng lạy tạ.
- Ngưng! Ngươi thấy gì mà lạy?
- Tạ ơn hòa thượng từ bi, dùng tướng lưỡi chỉ thị.
- Gần đây lưỡi ta mọc mụn. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Tự tánh không thể dùng lời để diễn tả. Nếu bất đắc dĩ phải nói các thiền sư liền từ sinh hoạt hàng ngày dùng bất cứ sự vật gì cụ thể ngay trước mắt mà có thể cảm giác được để tượng trưng cho tự tánh không thể cảm giác, không thể nghĩ bàn. Trong công án này thiền sư lè lưỡi để đáp đương nhiên là ý ở ngoài lời, không phải chỉ lưỡi là Phật; ý là sao chỉ có người cùng thể nghiệm mới rõ. Ông tăng lạy tạ thiền sư lè lưỡi để chỉ tự tánh là do suy luận, không phải là thể nghiệm, là đã chấp tướng. Thiền sư bảo lưỡi mình mọc mụn là để phá cái chấp này cho ông.

941.  Tóm chặt lấy.
Thần Án một hôm đến tham Tuyết Phong. Phong biết cơ duyên của ông đã chín mùi, bỗng đứng dậy tóm chặt lấy ông hỏi:
- Là cái gì?
Thần Án hốt nhiên liễu ngộ. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Thần Án tuy chưa mở miệng hỏi Đạo, nhưng mục đích ông đến tham Tuyết Phong là để hỏi Đạo. Tuyết Phong đã có kinh nghiệm chứng ngộ nên biết Thần Án đã đến trình độ đứng trước cửa Thiền rồi, do đó đột nhiên đứng dậy tóm chặt lấy ông và hỏi: “Là cái gì?.” Cái hành động đột ngột, mãnh liệt này giúp cho Thần Án bước vào Thiền Cảnh mà khai ngộ.

942.  Dang hai tay.
1/. Có một ông tăng hỏi Như Mẫn:
- Phật pháp chí lý là sao?
Sư dang hai tay ra.

2/. Có ông tăng hỏi Nghĩa Sơ:
- Thế nào là Đạo?
Sư dang hai tay ra. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Phật pháp chí lý và Đạo đều chỉ bản thể giới tuyệt đối, hoặc tự tánh, Phật tánh. Đó là cái mà ngôn ngữ không thể diễn tả rõ ràng được, do đó thiền sư dang hai tay ra để trả lời. Đương nhiên tay và động tác dang ra không phải là đáp án, đây chỉ là phương tiện để thiền sinh thể ngộ tự tánh.

943.  Túm ngực.
Một ông tăng hỏi Quy Bản:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
Sư túm ngực ông, ông tăng biến sắc. Sư bảo:
- Nơi đây ta không có cái đó. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Đột nhiên túm lấy ngực ông tăng, động tác này để cắt đứt ý thức suy luận của ông, khiến ông ngộ nhập tự tánh. Nhưng ông tăng này chưa vứt bỏ được thế giới nhị nguyên đối đãi nên đã không bắt được tia lửa tự tánh do hai hòn đá đập vào nhau. Ông đã đánh mất cơ hội; lại không rõ ý của thiền sư nên sợ hãi biến sắc mặt. Thiền sư biết ông rơi vào tướng bên ngoài của động tác, vọng niệm suy tư về ý nghĩa của động tác cho nên lại bảo thêm: “Nơi đây ta không có cái đó.” Cái đó là chỉ tự tánh. Câu nói này dùng lý luận phân tích có thể có 2 ý. Một là, ta không có tự tánh mà ngươi muốn, vậy đừng cầu ta. Hai là, ta không có tự tánh, do vậy động tác vừa rồi là vô nghĩa ngươi đừng suy luận làm gì. Dù ở trong trường hợp nào thì cũng là để giúp ông tăng đừng khởi vọng niệm.

944.  Đạp cho một cái.
1/. Thủy Lão đến thăm Mã Tổ , hỏi:
- Thế nào là ý tổ sư từ Tây sang?
- Ngươi lạy đi!
Thủy Lão bèn lạy, Mã Tổ đạp cho một cái. Sư đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười ha hả.

2/.  Kim  Luân  đến tham Tuyết Phong, Tuyết Phong bảo:
- Lại gần đây!
Sư lại gần, Tuyết Phong đạp cho một cái. Sư hốt nhiên khế ngộ. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Mã Tổ bảo Thủy Lão lạy, Tuyết Phong bảo Kim Luân lại gần. Cả hai nhân lúc thiền sinh lạy mà đạp cho một cái. Ở đây phải hiểu là các thiền sư đang ngồi ở mé thiền sàng. Nếu thiền sinh đứng thì cái đạp không mạnh mẽ, nếu thiền sư cũng đứng thì sức đạp cũng không đi đến đâu. Chỉ có lúc thiền sinh cúi mình lạy, không ngờ lão sư lại ra tay lúc đó, cái đạp mới có tác dụng.

945.  Im lặng.
Một ông tăng hỏi Bảo Triệt:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư ngồi im lặng. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Đại ý Phật pháp, khuôn mặt xưa nay…đều chỉ tự tánh. Phương pháp hay nhất để trả lời câu hỏi này là để ông tăng tự thể ngộ tự tánh; do đó thiền sư dùng sự im lặng để khai ngộ cho ông.

946.  Đánh.
Một ông tăng hỏi Tuệ Giác:
- Cổ nhân xoay mặt vào vách là ý gì?
Sư liền đánh. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Ông tăng dẫn chuyện Lỗ Tổ xoay mặt vào vách (Xem công án 797). Câu hỏi có nghĩa là: “Đạo là gì?.” Thiền sư đánh để khai ngộ cho ông. Công án không nói rõ là dùng vật gì để đánh nhưng thường là thiền sư xử dụng những gì thấy ngay trước mắt như thiền trượng hoặc phất trần. (Xem công án 909).

947.  Hét.
Một ông tăng hỏi Thủy Lục:
- Thế nào là một câu tối sơ?
Sư hét lên. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu tối sơ hoặc đệ nhất nghĩa đều chỉ cứu cánh của chân lý tức tự tánh. Tự tánh không thể dùng lời mà chỉ, do đó Thủy Lục bèn hét lên. Tiếng hét này có thể có 2 tác dụng: một là đoạn trừ tình giải; hai là dùng âm thanh của tiếng hét vào thẳng nội tâm sâu thẳm của ông tăng. Nếu cơ duyên đã đầy đủ thì ông tăng nhân đó mà tiến vào thiền cảnh, chân chính thể ngộ câu tối sơ.

948.  Thầy của Văn Thù.
Một ông tăng hỏi:
- Văn Thù là thầy của 7 vị Phật, còn Văn Thù có thầy không?
Thiền sư giơ phất trần lên, ông tăng lại hỏi:
- Là cái đó sao?
Thiền sư vất phất trần xuống, khoanh tay lại. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Văn Thù là thầy của 7 vị Phật, là chỉ lúc 7 vị chưa thành Phật chứ không phải là chỉ lúc thành Phật rồi.  Lúc chưa ngộ đạo còn là phàm phu thì cũng cần thầy dạy bảo, Văn Thù cũng vậy. Đứng ở góc độ tự tánh mà nói thì ai cũng có Phật tánh đầy đủ không tăng, không giảm, không cần ai giáo huấn. Tuy vậy, nhưng không phải ai cũng kiến tánh vì bị vô minh chướng ngại. Bởi vậy mới cần thầy khai thị. Từ tánh không mà nói Văn Thù, 7 vị Phật, cho đến tất cả chúng sanh vốn tự tròn đầy không có phân biệt thầy trò. Nhưng từ duyên khởi mà nói thì có Phật, có chúng sanh, có người giác, kẻ chưa giác do đó mà Văn Thù gập duyên liền có thầy. Hoa nở, hoa tàn, hòn gạch văng vào thân tre cho đến tất cả người, sự vật. . . đều là thầy của Văn Thù. tất cả những cái này đều là hiện tượng, có thể dẫn Văn Thù ngộ nhập Không Tánh. Do đó thầy của Văn Thù không phải là chỉ tướng mạo mà là chỉ tâm yếu. Vì thế thiền sư giơ phất trần lên để chỉ thị. Ông tăng lại hỏi “Là cái đó sao?” Không biết ông tăng chỉ “cái đó” là cái gì, đều tỏ ông tăng có sở kiến, chấp trước. Tự tánh không hình tướng do đó thiền sư vất phất trần  xuống đất.

949.  Pháp yếu của chư Phật.
Một ông tăng hỏi Pháp Chân:
- Thế nào là pháp yếu của chư Phật?
Sư giơ phất trần lên hỏi:
- Hiểu không?
- Không hiểu.
- Phất trần đuôi nai. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Dưới mắt người thường tự tánh và hiện tượng là hai, nhưng với người giác thì chỉ là một. Phất trần và ngã, người thường thấy là 2 cá thể không có quan hệ gì, nhưng thiền sư thì thấy nó là một bộ phận của tự tánh. Đó là cảnh giới của thiền sư. Ông tăng nếu phá bỏ được khái niệm phất trần, vào thẳng thế giới bản thể thì mới hiểu được điều thiền sư chỉ. Ngược lại thì dù cướp được phất trần trên tay thiền sư cũng không sao đạt được pháp yếu của chư Phật.

950.  Thế nào là Thiền?
Có pháp sư hỏi Nga Hồ:
- Dục giới không Thiền, Thiền ở sắc giới; nơi này dựa vào đâu mà lập Thiền?
- Pháp sư chỉ biết dục giới không Thiền mà không biết Thiền giới không dục.
- Thế nào là Thiền?
Sư lấy tay chỉ không, pháp sư không nói gì được. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Câu Xá luận, phẩm thế gian nói phàm phu sinh tử qua lại trong dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Dục giới có tình dục, thực dục, là 2 dục vọng của loài hữu tình. Sắc giới không có 2 dục này, chỉ nương vào thiền định nông sâu mà phân làm 4 thiền thiên. Bốn thiền thiên này cũng dịch là tư duy hoặc tĩnh lự, ý là thân nhiếp tâm tán loạn vào một cảnh, không bị dao động, tiến vào cảnh giới tam muội. Thiền không phải chỉ đơn thuần chỉ thiền định mà chủ yếu là phá trừ vô minh, phiền não mà đạt tới diệu dụng của tâm là trí huệ. Pháp sư chỉ hiểu Thiền là Thiền định. Sự thực thì con người trong dục giới hoặc dị loại của chúng sanh có thể tu trì mà đạt được 4 thiền thiên. Nhục thể tuy tại dục giới, nhưng tinh thần có thể đạt tới 4 thiền thiên. Câu hỏi của pháp sư cho thấy ông chấp vào văn tự. Thiền không hữu, vô; không hình tướng đương nhiên không dục. Pháp sư không hiểu nên lại hỏi “Thế nào là Thiền?” Thiền lìa tất cả ngôn ngữ văn tự, nhưng vì tiếp dẫn thiền sinh nên thiền sư phải dùng nhiều phương pháp để khai thị. Ở đây Nga Hồ chỉ không,rất tiếc pháp sư vẫn chưa được ngộ.

951.  Nhớ đóng cửa lại.
Một tên trộm lẻn vào một ngôi chùa tính làm một mẻ. Hắn lục lọi khắp nơi mà chẳng thấy một vật gì đáng giá để trộm cả, tính bỏ đi. Lúc đó đang nằm ngủ trên giường, Vô Tướng bảo:
- Này ông bạn, khi nào đi ra nhớ đóng cửa hộ.
Tên trộm mới đầu  kinh ngạc, rồi tùy tiện trả lời:
- Thật là lười hết nói, ngay cả cửa cũng nhờ người khác đóng hộ, chả trách trong chùa không có một vật gì đáng tiền.
- Ông bạn quá trớn rồi, muốn ta ngày ngày khổ sở kiếm tiền mua đồ để ngươi trộm sao?
Tên trộm cảm thấy gập loại hòa thượng này thực không có cách nào đối phó. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Thiền không phải là không có gì cả. Cái mà thiền sư có là một bảo tàng mà người khác không thể nào lấy trộm được.

952.  Ta về tây phương.
Đời Nam Tống, Đạo Duyệt trụ trì Giang Thiên Tự là vị thiền sư được Nhạc Phi rất tôn kính. Khi Nhạc Phi bị Tần Cối dùng 12 đạo Kim bài triệu hồi, đi ngang qua Kim Sơn Giang Thiên Tự, Đạo Duyệt khuyên ông xuất gia đừng về kinh. Nhưng Nhạc Phi vì lòng trung dù biết bất lợi vẫn cương quyết về Nam. Lúc chia tay Nhạc Phi xin chỉ thị, Đạo Duyệt bảo:

歲 底 不 足
Tuế để bất túc
謹 防 天 哭
Thận phòng thiên khốc
奉 下 兩 點
Phụng hạ lưỡng điểm
將 人 害 毒
Tương nhân hại độc.
Năm  cùng  chẳng  đủ
Nên  phòng  trời  khóc
Dưới  phụng hai  điểm
Bị  người  hạ  độc.

Nhạc Phi lúc đó không hiểu là ý gì. Cho đến khi bị vu cáo hạ ngục, bị ngộ độc rồi mới hiểu. Năm đó tháng 12 là tháng thiếu, chỉ có 29 ngày. Đêm đó trời lại mưa. Nghe tiếng mưa rơi ở ngoài Nhạc Phi biết đại họa đã tới. Chữ phụng thêm 2 nét ở dưới thành chữ Tần, chỉ gian thần Tần Cối. Quả nhiên tối đó bị Tần Cối hại chết ở Phong Ba Đình.
Tần Cối giết Nhạc Phi rồi tra hỏi Khoái tử thủ, Nhạc Phi lúc sắp chết nói gì, Khoái tử thủ thưa:
- Nhạc Phi chỉ nói hối không nghe lời Đạo Duyệt.
Tần Cối bèn sai kẻ thân tín là Hà Lập dẫn binh đến Kim Sơn bắt Đạo Duyệt. Nhưng một ngày trước khi Hà Lập đến Giang Thiên Tự, Đạo Duyệt tụ chúng thuyết pháp, sau đó đọc 4 câu kệ:
何 立 自 南 來
Hà lập tự nam lai
我 往 西 方 走
Ngã vãng Tây phương tẩu
不 是 法 力 大
Bất thị pháp lực đại
幾 乎 落 佗 手
Cơ hồ lạc tha thủ
Hà  Lập  từ  Nam  tới
Còn  ta  đi  về  Tây
Chẳng  phải  pháp  lực  lớn
Sa  vào  tay  hắn  rồi!
Đọc xong, tọa hóa. Lúc đó đại chúng nghi hoặc thương cảm. Hôm sau Hà Lập dẫn binh tới, bấy giờ đại chúng mới rõ. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Đạo Duyệt biết sự sanh tử của Nhạc Phi, đương nhiên cũng rõ sự sanh tử của mình. Nhưng tại sao không tiếc sống, tránh chết? Bởi vì sanh tử nghiệp lực không thể tránh được. Nhạc Phi không tránh được, đương nhiên Đạo Duyệt cũng không tránh được. Thiền sư tuy không tránh được nghiệp báo, nhưng ngộ đạo rồi không sợ chết nữa. Sanh cũng tốt, tử cũng đẹp!

953.  Vào núi sâu.
Động Sơn đến tham vấn Long Sơn. Long Sơn hỏi:
- Không có đường vào núi sâu, ngươi làm sao tới?
- Chuyện không có đường vào và làm sao đệ tử vào được hãy tạm gác lại, giờ xin hỏi thầy làm sao vào?
- Ta không phải từ mây trời tới, cũng không phải do dòng sông đưa lại.
- Xin hỏi thầy trú ở núi này bao năm rồi?
- Ngày tháng xoay vần với ta vô can.
- Vậy xin hỏi thầy ở đây trước hay núi này ở đây trước?
- Không biết.
- Vì sao?
- Ta không phải là người phàm, cũng không phải là tiên trời, làm sao biết?
- Đã không phải là người phàm, cũng không phải là tiên chẳng lẽ đã thành Phật?
- Không phải là Phật.
- Vậy là gì?
- Nói giống một vật là không đúng.
- Thầy vì duyên cớ gì mà vào núi này?
- Vì lúc trước ta thấy 2 con trâu bùn vừa đánh nhau vừa cùng tiến vào biển lớn cho đến bây giờ vẫn chưa thấy tung tích.
Động Sơn nghe lời này cung kính lạy tạ. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Núi sâu ở đây chỉ ngũ uẩn. Chúng ta làm sao vào tòa núi này? Đương nhiên là không thể do một đường đi nào mà vào, cũng không thể từ trời rơi xuống mà phải do nghiệp duyên mà vào. Do thân ngũ uẩn mà tu là mượn giả tu thật, do đó mà Động Sơn cung kính lạy tạ.

954.  Mười điều về sau hối hận.
Một học tăng hỏi Vân Cư:
- Đệ tử cứ làm xong một chuyện, sau lại hối hận là vì sao?
- Ngươi hãy nghe ta kể 10 điều về sau hối hận:
1/. Là gập thầy chẳng học.
2/. Là gập bạn hiền chẳng kết giao.
3/. Là thờ cha mẹ bất hiếu.
4/. Là đối với chủ bất trung.
5/. Là thấy việc nghĩa chẳng làm.
6/. Là thấy nguy chẳng cứu.
7/. Là có tiền của chẳng bố thí.
8/. Là đối với đất nước chẳng trung.
9/. Là đối với nhân quả chẳng tin.
10/. Là đối với Phật đạo chẳng tu.

Đối với 10 loại hậu hối trên ngươi thuộc loại nào?
Ông tăng gãi đầu thưa:
- Xem ra đều là bệnh của con.
- Đã biết đó là bệnh sao không sớm trị đi?
- Con không biết cách trị, xin thầy từ bi khai thị.
- Trong 10 hậu hối, ngươi hãy thay chữ chẳng bằng chữ nên là được. Thí dụ gập thầy nên học.
 (Tinh Vân thiền thoại)
Ác tập của con người, chẳng đến Hoàng Hà chẳng từ tâm, không thấy quan tài không đổ lệ. Kinh nói bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Chúng sanh khi thấy quả báo hiện tiền rồi mới hối hận, giả như ngay từ đầu đối với sự tốt khẳng định, đối với sự xấu phủ định thì về sau sẽ không bị hối hận.

955.  Rễ cây.
Có một Phật tử đọc kinh, gập câu “Kim cương không cứng rắn nhất mà nguyện lực mới cứng rắn nhất”, không hiểu ý nghĩa là sao, bèn đến hỏi Vô Tướng. Vô Tướng giảng:
- Người học Phật không bị ma nghiệp, cơ duyên, . . .  chướng ngại khiến tâm bồ đề bị thối chuyển thì phải nhờ nguyện lực duy trì. Lịch đại tổ sư, đạo nghiệp hoàn thành không người nào là không nhờ nguyện lực; thí dụ như bồ tát Phổ Hiền có 10 đại nguyện, bồ tát Quán Thế Âm có 12 đại nguyện, Phật A Di Đà có 48 đại nguyện, bồ tát Địa Tạng có đại nguyện “Nếu địa ngục còn có một người thì ta thề không thành Phật.”
- Tại sao muốn thành Phật lại phải lập nguyện phổ độ chúng sanh?
- Lấy một cái cây làm thí dụ: chúng sanh là rễ, bồ tát là hoa, Phật là quả. Muốn cây đơm hoa kết quả thì phải săn sóc tưới bón cho rễ, tránh cho rễ bị tổn hại nếu không làm sao cây trổ hoa, kết quả? Vì vậy kinh Hoa Nghiêm nói: “Muốn thành Phật, trước phải làm trâu, ngựa chúng sanh.”
- Nguyện lực của thầy là gì?
- Không thể bảo cho ngươi biết.
- Vì sao?
- Nguyện lực của ta là của ta, sao ngươi không tự phát nguyện lực?
Phật tử cuối cùng tâm khai, ý giải lạy tạ mà đi. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Mỗi người đều có nguyện lực của mình hà tất hỏi nguyện lực của người. Trước hết hãy tự hỏi ta sẽ làm gì cho chúng sanh, tỷ dụ muốn làm một chiếc thuyền để độ người qua sông, làm một con đường để người đi, làm một cây to cho bóng mát mọi người...

956.  Xô.
Một ông tăng hỏi Chỉ Quán:
- Thế nào là thầy của Tỳ Lô?
Sư xô vào ngực ông một cái. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Tỳ Lô là viết tắt của Tỳ Lô Giá Na Phật tức Pháp Thân Phật. Nhà Phật nhận rằng tất cả mọi sinh linh đều có Phật tánh đầy đủ, chỉ vì vô minh làm chướng ngại nên người phàm không thấy Phật tánh, phải nhờ người có trí huệ (thầy) khai thị. Câu hỏi có nghĩa là:”thế nào là tâm yếu”,  chứ không phải là hỏi tướng mạo. Tâm yếu của chư Phật không ngoài tự tánh. Do đó thiền sư xô cho ông tăng một cái, là dùng động tác thô bạo cắt đứt vọng tưởng của ông tăng, dẫn ông tăng ngộ nhập tự tánh.

957.  Tâm tịnh quốc thổ tịnh.
Có một nữ Phật tử mỗi ngày đều hái hoa ở vườn nhà đem đến chùa cúng Phật. Một hôm gập Vô Đức từ pháp đường đi ra, Vô Đức rất hoan hỉ bảo:
- Nữ thí chủ mỗi ngày đều thành kính hương hoa cúng Phật, theo kinh điển thì kiếp sau sẽ được tướng mạo trang nghiêm.
- Chuyện này nên làm lắm, mỗi lần con đến chùa cúng Phật đều cảm thấy tâm hồn mát mẻ, nhưng khi về nhà thì lại bị phiền não. Những kẻ nội trợ như con làm sao trong phiền não có thể giữ được tâm thanh tịnh, thuần khiết?
- Thí chủ thường dâng hoa cúng Phật, chắc là biết nhiều về hoa, xin hỏi làm sao giữ cho hoa được tươi?
- Muốn hoa được tươi thì mỗi ngày phải thay nước và tỉa bớt cành phía dưới, vì ngâm nước nó dễ bị ủng thối, không hút được nước khiến hoa mau tàn.
- Giữ cho tâm thanh khiết cũng dùng đạo lý đó. Hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta cũng giống như nước trong bình, chúng ta là hoa, chúng ta phải tĩnh hóa thân tâm, không ngừng sám hối cải tiến ác tập, khuyết điểm, mới hấp thụ được những thực phẩm của đại tự nhiên.
- Cám ơn sư phụ chỉ thị. Mong rằng con sẽ có cơ hội sống ít lâu ở chùa hưởng thụ những tiếng chuông mõ ban mai, những tiếng kinh kệ ban tối.
- Tiếng thở là tiếng niệm kinh, nhịp tim đập là tiếng trống, thân thể là chùa chiền, 2 tai là bồ đề. Không chỗ nào là không thanh tịnh, việc gì phải đợi cơ hội sống ở chùa? 
(Tinh Vân thiền thoại)
Người xưa nói dùng nơi ồn ào làm đạo trường. Chỉ cần dứt bỏ vọng duyên, tạp niệm thì chỗ nào chả an tĩnh. Dù ở núi sâu, cổ tự, nếu không bỏ được vọng tưởng thì cũng không có cách nào mà tu được. Nhà Thiền đề cao tức khắc đâu chờ ngày mai.

958.  Một mớ rau tươi.
Tuyết Phong, Nham Đầu, Khâm Sơn ba người kết bạn đi khắp nơi tham phỏng, hoằng pháp. Một hôm đang định tìm nơi xin ăn thì gập một con sông, nhìn thấy một mớ rau tươi trôi theo dòng nước.
Khâm Sơn: 
- Coi kìa, trên dòng nước có mớ rau, chúng ta hãy đi lên phía trên, nhất định có nhà ở.
Nham Đầu: 
- Mớ rau còn tươi, thật phí của trời!
Tuyết Phong: 
- Thôn dân không biết tiếc phúc, không thể giáo hóa được, chúng ta hãy tìm nơi khác khất thực.
Ba người còn đang bàn luận thì thấy một người từ mạn trên chạy xuống hỏi:
- Các thầy có thấy một bó rau trôi ngang đây không? Con rửa rau vô ý nên rau bị nước cuốn đi, nay con chạy đi vớt lại để khỏi phí của trời!
Ba người nghe xong cười lớn bảo nhau: 
- Chúng ta hãy đến nhà ông này tá túc. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Tiếc vật gọi là tiếc phúc. Chỉ có người tiếc phúc mới được phúc.

959.   Đứng lại.
Một hôm Vô Học đang đi ở pháp đường, Đầu Tử bước tới lạy, hỏi:
- Mật ý từ Tây sang, hòa thượng làm sao bảo người?
Sư dừng bước. 
(Thiền sư khải ngộ pháp)
Sự đứng lại của Vô Học cũng có tác dụng tương tự như “im lặng hồi lâu.” Đang đi bỗng đứng lại là chuyển từ động sang tĩnh. Thiền sư không nói gì cả, trực tiếp dùng sinh mạng thể nghiệm trình ra.

960.  Vung tay.
Một ông tăng hỏi Đại Lịch:
- Vô vi là thế nào?
Sư vung vẩy tay. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Vi là làm, vô vi là không nhân duyên tạo tác, do đó không có 4 tướng: sinh, trụ, hoại, diệt. Niết bàn, pháp tánh, thật tướng, pháp giới, tự tánh tuy khác tên nhưng đều chỉ chân lý. Câu hỏi của ông tăng có nghĩa là “tự tánh là thế nào?” Động tác trực tiếp diễn tả tác dụng của tự tánh, do đó thiền sư vung tay để đáp. Ở thiền sư thể và dụng là một, nhưng đối với học tăng nếu chưa ngộ thì lại là hai.

961.  Cái chùa.
Một hôm Bảo Phúc dạy đệ tử:
- Nếu tới phía sau chùa thì gập ông Trương hoặc ông Lý, nhưng nếu tới phía trước thì chẳng gập ai cả. Tại sao vậy? Trong hai đường, đường nào tốt hơn?
Một ông tăng thưa:
- Chắc là lầm cảnh, nếu không thấy gì thì có lợi gì đâu!
- Đồ ngu, chùa vẫn luôn như vậy.
- Nếu không thấy chùa thì phải thấy một cái gì chứ?
- Ta chỉ nói cái chùa chứ không nói về cái gì khác. 
 (Zen Koans)
Chùa ở đây tượng trưng cho thế giới thực tại. Sau chùa là chỉ hiện tượng giới, trước chùa là chỉ cốt tủy và thực tại của pháp. Khi tới sau chùa thì gập ông Trương, ông Lý, núi, sông; khi tới phía trước thì không thấy gì đặc biệt cả. Ông tăng phản đối nếu không nhìn thấy gì thì chẳng có lợi gì. Nhiều người ngày nay cũng nói: “Chỉ thấy mới tin.” Bảo Phúc mắng ông tăng chỉ nhìn bề ngoài mà không thấy cốt tủy, thực tại. Chùa vẫn luôn luôn là chùa chứ không là gì khác. Trong Phật giáo không có được hay mất.

962.  Phía Nam,  phía Bắc.
Thạch Sương trú ở phía Nam còn Quán Khê trú ở phía Bắc một ngọn núi. Một hôm, một ông tăng từ tự viện phía Bắc tới tự viện phía Nam để tham học. Thạch Sương bảo ông:
- Tự viện phía Nam cũng không tốt hơn tự viện phía Bắc.
Ông tăng không biết làm sao trả lời, về thuật lại cho thầy nghe. Quán Khê bảo:
- Sao ngươi không nói là thầy tôi đã sẵn sàng nhập diệt? 
 (Zen Koans)
Như câu nói “Cỏ nhà hàng xóm bao giờ cũng xanh hơn”; một người sống trong thế giới so đo luôn luôn tìm một bãi cỏ xanh hơn, như ông tăng trong chuyện này. Thạch Sương chỉ cho ông biết tự viện mà ông vừa rời bỏ là một nơi để tham học rất tốt. Thối chí vì thái độ không cạnh tranh này, ông tăng không biết làm sao trả lời. Thầy ông phản ứng với lời khen bằng câu “Ta sẵn sàng nhập diệt.” Cả hai vị thầy đều gắng chỉ cho ông tăng chân lý ở bên trong chứ không ở nơi nào khác.

963.  Giáo lý cao hơn.
Động Sơn bảo đại chúng:
- Các ngươi nên biết còn có giáo lý cao hơn Phật giáo.
Một ông tăng bước ra hỏi:
- Giáo lý cao hơn Phật giáo là gì?
- Không phải là Phật. 
 (Zen Koans)
Động Sơn sống dưới đời nhà Đường, thời hoàng kim của Phật giáo, và học hỏi với nhiều thiền sư như Quy Sơn, Nam Tuyền, Vân Nham. về sau, ông thiết lập dòng thiền Tào Động. Vài vị thiền sư rất thô bạo, hoặc đánh hoặc đuổi thiền sinh ra khỏi thiền viện; còn Động Sơn thì hiền từ và hiểu biết. Câu nói của ông là để chống lại sự ngưng trệ. Nhiều người nghe những câu như “Thiền là một cách sống,”  “Nhìn sự vật như chính nó”, “Ta bà là Niết Bàn”. . . nghĩ rằng mình đã hiểu Thiền và không học hay tìm kiếm gì nữa. Câu “Không phải là Phật” là Động Sơn chỉ cho những thiền sinh tìm kiếm giác ngộ. Nhưng với những người nhập môn Động Sơn sẽ nói là Phật. Luôn luôn có 2 cách học hỏi: Một là tiến về trước, một là quay trở lại. Chúng ta tìm giác ngộ, Phật giới bình đẳng, cái một, nhưng chúng ta cũng luôn quay lại thế giới nhân loại cụ thể này. Chúng ta tìm thấy Phật trong con người, phổ quát trong riêng biệt, bình đẳng trong bất bình đẳng, hòa hợp trong bất hòa hợp, một trong tất cả. Chúng là 2 nhưng cũng là một. Đừng chỉ chấp vào Phật hay người, đó là lời dạy của Động Sơn.

964.  Thiền trượng của Phần Dương.
Phần Dương chỉ cây thiền trượng bảo đại chúng:
- Ai hiểu cây thiền trượng này thì hiểu mục đích của Thiền.
 (Zen Koans)
Thường lệ một thiền sinh đi thăm nhiều thiền sư để học hỏi và thử nghiệm trình độ hiểu biết nông sâu của mình. Đối với những thiền sinh du phương này cây thiền trượng đã trở thành biểu tượng cho sự đi tìm chân lý. Phần Dương là một người rất sốt sắng, ông đã đi tham học hơn 70 vị tôn túc. Tới thăm một vị thiền sư không phải là để nhận một cái gì mà là một cơ hội để tự đào sâu vào chính mình. Đạo Nguyên có nói: “Học Thiền là học chính mình.”

965.  Thuyền sắt.
Khi Huyền Sa học với Tuyết Phong, một bạn đồng học tên Quang nói:
- Nếu thầy đạt được một cái gì đó, tôi sẽ đóng một cái thuyền sắt và dong ra biển lớn.
Nhiều năm sau, Huyền Sa trở thành một thiền sư, và ông tăng Quang trở thành thị giả.
Một hôm, Huyền Sa hỏi ông:
- Ngươi đã đóng cái thuyền sắt chưa?
Quang yên lặng. 
 (Zen Koans)
Huyền Sa học Thiền năm 30 tuổi với Tuyết Phong; bạn đồng học nhỏ tuổi hơn tên Quang đưa ra câu nói về cái thuyền sắt ở thế kỷ 8 và 9, khi người Trung Hoa chưa bao giờ mơ rằng có tầu bằng sắt như chúng ta có ngày nay. Tuy ông tăng Quang học thiền sớm hơn Huyền Sa, học hỏi và giữ gìn giới luật chặt chẽ nhiều năm nhưng sự giác ngộ hãy còn xa vời. Nhiều năm sau khi Huyền Sa đã là thiền sư và ông tăng trở thành thị giả của mình, ông hỏi về cái thuyền sắt không phải là để châm biếm hay trả thù Quang. Đó là câu nói hiền từ nhất mà ông có thể cho Quang để đánh thức Quang dậy. Ngộ không thể đạt được bằng thời gian thực hành và giữ giới, cũng không bằng sự thu lượm kiến thức.

966.  Chém rắn.
Một ông tăng đến tham học với Trí Thường, gập lúc Trí Thường 
đương cuốc đất. Trong đám cỏ bỗng có một con rắn bò ra, thiền sư giơ cuốc lên bổ. Ông tăng nói:
- Từ lâu ngưỡng mộ đạo phong, đến nơi chỉ thấy một gã tục nhân thô lỗ.
- Như lời ngươi thì ta thô hay ngươi thô?
- Thế nào là thô?
Trí Thường hạ cuốc xuống.
- Thế nào là tế?
Trí Thường giơ cuốc lên làm bộ chém rắn.
Ông tăng không hiểu ý, phàn nàn:
- Thầy nói thô, tế làm người ta chẳng hiểu gì cả.
- Vậy đừng nói thô, tế; xin hỏi ngươi thấy ta chém rắn ở đâu?
- Ngay đây!
- Ngay đây ngươi đã không kiến tự kỷ, còn xem chém rắn làm gì?
Ông tăng cuối cùng tỉnh ngộ. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Cấm sát sanh là một đại giới. Trong Thiền sử đã có chuyện Nam Tuyền chém mèo, hành động đó là đại cơ, đại dụng là để chặt đứt vật dục và chấp trước cho đại chúng. Trong công án này, Trí Thường giơ cuốc lên làm bộ chém rắn, ông tăng thấy gió nghĩ đến mưa nên phê bình thiền sư là thô lỗ, không có lòng từ bi. Trí Thường dạy ông tăng không nên ngưng lại ở kiến văn giác tri (biết do thấy, nghe). Thiền phải cắt đứt cái thường tình, thường thức. Tại sao cứ nhất định phải theo ngoại cảnh phân biệt mà không lập tức quan tâm đến chính mình?

967.  Thuận buồm suôi gió.
Một tối Động Sơn thuyết pháp nhưng không thắp đèn, có ông tăng Năng Nhẫn hỏi Động Sơn vì sao không thắp đèn. Động Sơn kêu thị giả thắp đèn rồi bảo Năng Nhẫn:
- Ngươi lại đây.
Năng Nhẫn bước ra trước; Động Sơn bảo thị giả:
- Ngươi đi lấy 3 cân dầu tặng vị thượng tọa này.
Năng Nhẫn phất tay áo ra khỏi giảng đường. Qua một đêm tham cứu Năng Nhẫn có chỗ ngộ, liền mang hết tiền ra biện trai cúng dường đại chúng. Sau đó ông theo chúng sinh hoạt. 3 năm sau, ông đến từ biệt Động Sơn. Động Sơn cũng không giữ lại chỉ nói:
- Chúc ngươi thuận buồm suôi gió.
Lúc đó, Tuyết Phong đứng bên cạnh Động Sơn; khi Năng Nhẫn bước ra ngoài rồi, bèn hỏi:
- Ông tăng này đi rồi, không biết bao giờ trở lại?
- Ông ta biết ông ta có thể đi, nhưng không biết bao giờ có thể về. Nếu ngươi không ngại, hãy đến tăng đường coi thử.
Tuyết Phong đến tăng đường mới biết Năng Nhẫn ngồi thiền mà tọa hóa rồi. Tuyết Phong chạy đi báo cáo cho Động Sơn. Động Sơn bảo:
- Ông ta tuy chết rồi, nhưng so với ta đã chậm 30 năm. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Thiền tăng Năng Nhẫn trách Động Sơn thuyết pháp mà không thắp đèn; trong tối cần ánh sáng đó là thường tình. Động Sơn sai thị giả thắp đèn đó là thuận theo thường tình, nhưng lại sai thị giả tặng Năng Nhẫn  3 cân dầu đó là bất bình thường. Có thể nói đây là Động Sơn rất từ bi; cũng có thể nói là Động Sơn bóng gió chỉ trích Năng Nhẫn tham cầu. Dù thế nào, Năng Nhẫn ngộ đạo rồi, thí tài thiết trai là hiển thị xả bỏ tham cầu. Năng Nhẫn ngộ đạo rồi còn trú 3 năm, khi thế duyên đã dứt mới cáo từ nhập diệt Động Sơn chúc ông thuận buồm suôi gió. Dưới mắt nhà Thiền, chết là về nhà. Nhưng Động Sơn sống mà nói Năng Nhẫn chậm hơn ông 30 năm tức là nói Động Sơn 30 năm trước đã sớm biết pháp thân không có sanh tử vậy.

968.  Tất cả đều là Thiền.
Một ông vân thủy tăng nghe nói Vô Tướng thiền sư Thiền đạo cao diệu, liền tìm đến tranh biện. Chú sa di thị giả ra tiếp đãi:
- Thầy tôi đi vắng, có chuyện gì xin cứ cho biết, tôi có thể thay thế.
- Chú còn nhỏ quá, không được đâu!
- Tuổi tuy nhỏ nhưng trí tuệ không nhỏ.
Vân thủy tăng nghe có lý, bèn dùng ngón tay vẽ một vòng tròn nhỏ rồi chỉ ra phía trước. Thị giả dùng cả 2 tay vẽ vòng tròn lớn. Ông tăng giơ ngón tay lên, thị giả giơ 5 ngón tay. Ông tăng lại giơ 3 ngón lên, thị giả lấy tay chỉ vào mắt. Ông tăng hoảng sợ lạy 3 lạy rồi đi. Ông tăng nghĩ bụng ta vẽ vòng tròn nhỏ rồi chỉ ra phía trước là hỏi tâm ngươi lớn nhỏ thế nào? Hắn dùng 2 tay vẽ vòng tròn lớn ý nói to như biển lớn. Ta giơ một ngón tay lên là hỏi coi thân ngươi thế nào? Hắn giơ 5 ngón tay là chỉ thân thọ ngũ giới. Ta lại giơ 3 ngón tay hỏi 3 giới thì sao? Hắn chỉ vào mắt nói 3 giới chỉ ở trong mắt. Thị giả đã cao minh như vậy thì thầy hắn phải cao thâm vào bậc nào, 36 kế chỉ có chạy là hơn cả.
Khi Vô Tướng về thị giả thuật lại cho thiền sư nghe:
- Bạch thầy, không biết ông tăng đó làm sao biết nhà con bán bánh nên giơ 1 ngón tay lên vẽ vòng tròn nhỏ, là bảo bánh của nhà ngươi làm chỉ to thế này là cùng. Con vung 2 tay vẽ vòng tròn lớn để bảo lớn như thế này cơ. Ông ta giơ một ngón tay lên hỏi có phải bán 1 đồng một cái không? Con giơ 5 ngón tay trả lời 5 đồng chỉ mua được một cái thôi. Ông ta lại giơ 3 ngón tay lên mặc cả 3 đồng một cái có được không? Con giơ tay chỉ vào mắt là mắng ông đồ vô lương tâm có mắt không tròng, bánh ngon và rẻ như vậy mà còn trả giá. Ông ta sợ quá chạy mất.
Vô Tướng nghe rồi dạy:
- Tất cả đều là Pháp, tất cả đều là Thiền, chú hiểu không? 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Phật pháp giảng cơ duyên, Thiền là cơ duyên. Nếu hiểu thì bất cứ ở đâu, lúc nào, người nào, việc nào đều là Thiền. Nếu không hiểu thì có nói đến hoa trời rơi loạn, đối với Thiền cũng vô can. Trong Thiền sử có trà Triệu Châu, có bánh Vân Môn đều là Thiền. Tục ngữ có câu “Người giảng vô tâm, người nghe hữu ý.”, cho nên Vô Tướng nói tất cả đều là pháp, là Thiền vậy.

969.  Ý Tây sang.
Hồng Châu Pháp Hội hỏi Mã Tổ:
- Ý tổ sư từ Tây sang là sao?
- Ngươi lại gần đây ta bảo nhỏ cho nghe.
Sư bước lại gần, tổ cho một tát tai, và bảo:
- Sáu tai chẳng đồng mưu, ngày mai hãy tới.
Hôm sau sư đến vừa vào pháp đường thưa:
- Thỉnh hòa thượng nói.
- Đi đi, đợi lão hán thượng đường sẽ chứng minh cho ngươi.
Sư bèn ngộ, thưa:
- Tạ ơn đại chúng chứng minh.
Sư đi nhiễu pháp đường một vòng rồi đi. 
 (Thiền sư khải ngộ pháp)
Ý Tây sang là chỉ Đạt Ma từ Tây thổ sang truyền ý chỉ gì? Câu này giống như câu “Đại ý Phật pháp là gì?” đều là hỏi về tự tánh. Để trả lời Mã Tổ cho một bạt tai lại nói sáu tai chẳng đồng mưu, và ra lệnh ông ngày mai tới. Người không có 6 tai, vì vậy 6 tai ở đây là chỉ 6 căn là sáu khí quan của con người. Khi sáu căn gập sáu trần thì sinh ra chủng chủng kiến văn giác tri. Tác dụng này khiến tâm phân biệt cho hiện tượng và tự tánh là 2. Nếu muốn nắm lấy tự tánh thì phải không cho sáu căn nương vào ngoại duyên, mà phải luyện cho thân tâm là một, do đó Mã Tổ mới nói sáu căn chẳng đồng mưu, cũng là chỉ Pháp Hội hãy còn vọng tâm. Mã Tổ cho ông một tát tai là để giúp ông rời bỏ vọng tâm mong cầu. Pháp Hội vẫn chưa hiểu khổ tâm của Mã Tổ, hôm sau lại đến. Mã Tổ lại nói thác là đợi mình thượng đường sẽ chứng minh cho ông. Cuối cùng Pháp Hội đã hiểu mình còn vọng tâm mong cầu.

970.  Gương cổ chưa lau.
Hữu Đạo lúc mới đi hành cước, trên đường gập một quán trà, nhân đang khát bèn vào quán. Chủ quán thấy là một vị vân thủy tăng bèn ra chào hỏi:
- Thiền sư, thật là khổ!  Mời vào uống trà.
Chỉ thấy Hữu Đạo mắt bình đạm nhìn trà bầy trên giá, im lặng gật đầu. Chủ quán có vẻ là một cao thủ về Thiền, thận trọng nói:
- Chắc thầy là một vị thiền sư cao thâm, tôi có một vấn đề xin thỉnh giáo, nếu thầy đáp được tôi xin cúng dường, có được không?
- Ông hỏi đi.!
- Khi gương cổ chưa lau thì sao?
- Đen như sơn.
- Lau rồi thì sao?
- Chiếu trời, chiếu đất.
- Thật xin lỗi, tôi không cúng dường!
Nói rồi, chủ quán xoay mình đi vào. Hữu Đạo ngạc nhiên nghĩ thầm: Chẳng lẽ 10 năm tham thiền của ta cũng không bằng chủ quán trà? Do đó, ông quyết tâm bế môn thâm tu. Ba năm sau, Hữu 
Đạo lại đến quán trà. Chủ quán thân thiết chào hỏi:
- A! Ba năm không gập, xin nhắc lại câu hỏi cũ: gương cổ chưa lau thì sao?
Hữu Đạo thuận miệng đáp:
- Chỗ này cách xa Hán Dương không xa.
- Gương cổ lau rồi thì sao?
- Lầu Hoàng Hạc ở trước Hoàng Hạc châu. 
- Thỉnh thầy tiếp thọ cúng dường của chúng tôi.
Chủ quán quay vào trong gọi:
- Tiểu nhị, mang trà ngon ra đây! 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Gương cổ ở đây là chỉ tự tánh. Tự tánh vốn thanh tĩnh không sanh diệt, tự chiếu sáng làm gì có chưa lau với lau rồi. Do đó, lần đầu Hữu Đạo không được uống trà. Lần thứ hai ông tùy tiện đáp, tức là nhận biết tự tánh ngay đó, vì vậy đã được uống trà.

971.  Bay vượt sanh tử.
Đạo Tụ chuyên cần tu hành nhưng vẫn không khế ngộ. Nhìn quanh các bạn đồng tu không thiếu người có thể ngộ. Tự nghĩ mình không có tư cách học Thiền. Đã không có óc khôi hài, lại không linh xảo, có lẽ nên làm một vị hành cước tăng thì hơn. Do đó, thu xếp hành lý đến pháp đường từ biệt sư phụ:
- Lão sư, con đành hạnh phụ từ tâm của thầy. Con theo thầy tu học đã 10 năm rồi mà chẳng đạt được gì cả; con không có căn cơ học Thiền, nay đến từ biệt, vân du nơi khác.
Quảng Ngữ kinh ngạc:
- A! Vì sao chưa ngộ lại muốn đi? Chẳng lẽ đi nơi khác lại có thể ngộ sao?
- Con trừ ăn, ngủ ra đều tinh tiến tu trì, có dụng công nhưng nhân duyên chẳng hợp. Nhìn các bạn đồng tu người nào cũng khế cơ hồi quy căn nguyên cả. Con nghĩ nên làm một vị khổ hạnh hành cước tăng là hơn.
Quảng Ngữ nghe rồi bèn khai thị:
- Ngộ là một loại nội tại lưu lộ, vốn không thể hình dung, cũng vô pháp truyền đạt cho người khác, không thể học, cũng không thể gấp. Cảnh giới của người khác là cảnh giới của họ, ngươi tu Thiền là cảnh giới của ngươi. Đó là 2 chuyện sao lại gom vào làm một?
- Sư phụ! thầy không biết con so với bạn đồng học như chim sẻ nhỏ so với đại bàng lớn.
- Thế nào là lớn, là nhỏ?
- Đại bàng dương cánh là có thể bay hàng trăm dậm trời, chim sẻ nhỏ chỉ bay quanh sân vài trượng thôi.
- Đại bàng bay trăm dậm, nhưng có vượt qua sanh tử không?
Đạo Tụ không đáp, dường như đã ngộ. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
So sánh là căn nguyên của phiền não. Thông minh, cơ trí như đại bàng có thể bay trăm dậm, nhưng cũng không thể vượt bể sanh tử. Chim sẻ nhỏ và đại bàng so sánh thì có nhanh chậm, nhưng Thiền là bình đẳng. Đạo Tụ khi lìa bỏ so sánh liền ngộ.

972.  Bài học thứ nhất.
Đại Niên là một ông tăng rất ham tạc tượng Phật. Nhưng vì không được chuyên gia chỉ bảo nên những tượng ông tạc không được như ý. Do vậy, ông quyết tâm đi tham học.Ông đến tham Vô Đức hy vọng học được những kiến thức và kỹ xảo về tạc tượng. Mỗi ngày Đại Niên đến pháp đường, Vô Đức đều đưa cho ông một viên đá quý bảo ông cầm, sau đó cùng ông nói chuyện trên trời, dưới biển, chuyện gì cũng nói nhưng tuyệt nhiên không nói gì về tạc tượng cả. Cứ như vậy, một giờ sau đòi lại viên đá quý và bảo Đại Niên về tăng đường. Năm tháng liên tục như vậy, Đại Niên rất phiền muộn nhưng không dám hỏi, cũng không dám đề cập đến việc bảo mình cầm viên đá quý để làm gì. Một hôm theo thường lệ Vô Đức đưa viên đá cho Đại Niên, sắp sửa nói chuyện trên trời, dưới biển. Đại Niên chạm tay vào viên đá thấy không đúng viên đá mọi khi bèn hỏi:
- Lão sư, hôm nay thầy không đưa viên đá quý cho con.
- Vậy là gì?
Đại Niên không nhìn, đáp ngay:
- Chỉ là một hòn đá thường.
Vô Đức vui vẻ cười, đáp:
- Đúng rồi! Tạc tượng nhờ công phu bàn tay. Ngươi đã qua bài học thứ nhất rồi. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Người đời khi học một kỹ thuật là muốn thành tựu ngay, thậm chí người học Phật cũng muốn thành Phật ngay. Ngộ tu chỉ trong một sát na, nhưng các thiền sư đã phải trải qua một thời gian dài tu trì, khảo nghiệm. Nhẫn nại là bài học đầu tiên phải học.

973.  Quốc sư là báu vật.
Huệ Trung quốc sư, người Chiết Giang, tên tục là Nhiễm hiệu Quang Trạch, là đệ tử của Lục tổ. Năm 26 tuổi vào Hà Nam Đảng tử Cốc tu hành trải 40 năm, sau đó trú ở Nam Dương Long Hưng Tự. Huyền Tông, Tang Tông, Đại Tông đều mời vào cung thuyết pháp. Một hôm Đại Tông triệu kiến, chỉ một vị nhân sĩ là Thái Bạch Sơn Nhân, không rõ tên tuổi, quê quán bảo Huệ Trung:
- Vị này tự nhận là kỳ nhân, thỉnh quốc sư khảo nghiệm.
Quốc sư nhìn Thái Bạch Sơn Nhân rồi hỏi:
- Bệ hạ nói ông là dị sĩ, xin hỏi sở trường của ông là gì?
- Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, làm văn, nhận chữ 
không gì không biết, lại giỏi toán mạng.
- Xin hỏi Sơn nhân, núi Thái Bạch ông trú là núi đực hay cái?
Thái Bạch không đáp được. Huệ Trung lại chỉ đất hỏi:
- Xin hỏi đây là đất gì?
- Toán một quẻ liền biết.
Huệ Trung vạch một vạch trên đất hỏi:
- Đây là chữ gì?
- Chữ nhất.
- Trên đất (thổ) thêm một vạch là chữ vương.
Lại hỏi:
- Ba bẩy là bao nhiêu?
- Ba bẩy là hai mốt, ai chả biết?
- Ba bẩy là mười, sao nhất định phải là hai mốt?
Đại Tông đứng bên vui vẻ nói:
- Trẫm có quốc vị chưa kể là quý; trẫm có quốc sư mới thiệt là quý vậy! 
(Tinh Vân thiền thoại)
Bọn giang hồ thuật sĩ hoặc thông thiên văn, địa lý, hoặc giỏi xem quẻ, xem tướng tự cho là thần kỳ, dị sĩ nhưng trước Phật Đạo họ chỉ là bàng môn, tả đạo. Nhân vì đạo do bên ngoài mà giải nên gọi là ngoại đạo. Thiền sư nội tu, nội chứng cho nên Phật pháp còn gọi là nội học. Huệ Trung khảo nghiệm sơn nhân tuy không phải là Phật pháp, nhưng những lời nói từ thiền huệ mà ra nên ngoại đạo làm sao ứng phó được.

974.  Chặt ngón tay cầu pháp.
Đời Đường, Ngưỡng Sơn Huệ Tịch là người Quảng Châu, họ Diệp. Lúc 9 tuổi, cha mẹ đưa đến Quảng Châu Hòa An Tự xuất gia. Đến năm 16 tuổi đón ông về nhà, khiến ông hoàn tục, lập gia đình. Huệ Tịch kinh sợ hỏi:
- Tại sao lại như vậy?
Bố Huệ Tịch bảo:
- Lúc trước ta và mẹ ngươi đưa ngươi vào chùa, vì có một ông thầy bói nói mạng ngươi bị nguy phải đầu cửa Phật, cầu Bồ Tát bảo hộ, nếu không thì không thể nào ngươi lớn lên được. Bây giờ ngươi đã qua khỏi vận nguy rồi, có thể hoàn tục, kế thừa hương hỏa nhà họ Diệp. Ta và mẹ ngươi đã xếp đặt một cuộc hôn nhân tốt đẹp, ngươi bất tất phải về chùa sống khổ hạnh nữa.
Huệ Tịch nghe rồi bi thống vạn phần. Một mặt thấy cha mẹ dụng tâm rất khổ, ân tình thâm trọng, một mặt lại thấy cha mẹ lợi dụng cửa Phật để bảo toàn tính mệnh cho con, bây giờ vận nguy đã qua lại bỏ cửa Phật. Đây là loại hành vi giả thiện, giả tín tự tư, tự lợi thật là tội lỗi. Suy đi tính lại, Huệ Tịch quyết không tạo nghiệt duyên, không theo lời cha mẹ mà thành hôn, nhưng dùng lời mà cãi lại không được. Vì vậy thừa lúc người nhà không để ý, dùng dao chặt đứt ngón tay út và ngón vô danh, quỳ trước mặt cha mẹ thưa:
- Con đã vào cửa Phật, chính là đệ tử, kiếp này nguyện được chính đẳng, chính giác. Đại ân, đại đức của cha mẹ con xin nguyện sẽ hồi hướng. Con không muốn hoàn tục, nay chặt 2 ngón tay này để tỏ quyết tâm. Xin cha mẹ thành toàn tâm nguyện cho con.
Cha mẹ thấy máu chẩy đầm đìa từ 2 ngón tay, biết ý ông đã quyết, đành phải cho phép ông về chùa. Về sau, lúc 18 tuổi ông đến Giang Tây Cát Châu bái phỏng Đam Nguyên, được truyền cho 96 loại viên tướng. Năm 26 tuổi đến tham học Quy Sơn Linh Hựu, theo hầu 15 năm. Năm 35 tuổi lãnh chúng xuất thế, thành đại đệ tử của Linh Hựu, sáng lập tông Quy Ngưỡng, 73 tuổi thị tịch. Người đời tôn xưng là Tiểu Thích Ca. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Người đời đối với kẻ xuất gia thường không có nhận thức đúng đắn. Có người cho là vì nghèo khổ mà phải xuất gia, có người lại cho là vì thất tình mà xuất gia . . . Ngưỡng Sơn nếu không có đại tâm, đại nguyện không thể vào cửa Phật, làm sao có thể thành bậc tôn sư của một thời?

975.  Chân chính trả lời.
Vân Nham là đệ tử của Dược Sơn, là sư phụ của Động Sơn. Một hôm ông bảo đại chúng:
- Có một người, hỏi câu nào hắn cũng đáp được.
Động Sơn hỏi:
- Trong nhà ông ta chắc có nhiều sách lắm?
- Một chữ cũng không.
- Vậy sao ông ta biết nhiều vậy?
- Ông ta ngày đêm không ngủ.
- Con có thể hỏi một câu không?
- Câu trả lời của ông ta là không trả lời.
- Nếu câu hỏi nào cũng trả lời được, tại sao lại không trả lời?
- Vì không trả lời chính là chân chính trả lời. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Nghi vấn của Thiền là tâm trí nở hoa. Câu đáp của thiền sư quả là thần bí. Thần bí vì không nói toạc ra. Không nói toạc ra là dụng ý của thiền giả. “Nhà chứa vạn quyển sách”, đó chỉ là mê, là trí thức sách vở.  Ngày đêm không ngủ là chỉ lúc đã ngộ, không ngủ là chỉ chân như Phật tánh, lại còn muốn trả lời cái gì nữa? Do đó, không trả lời là trả lời chân chính.

976.  Làm sao thấy đạo?
Mã Tổ lúc còn trẻ đến gập Hoài Nhượng hỏi:
- Dụng tâm làm sao để có thể khế hợp với vô tướng tam muội?
- Ngươi học tâm địa pháp môn giống như gieo hạt; ta nói pháp giống như trời mưa. Chỉ cần duyên hợp là có thể thấy Đạo.
- Thầy nói thấy Đạo là thấy Đạo gì? Đạo vốn không hình tướng làm sao thấy?
- Tâm địa pháp nhãn có thể thấy Đạo. Đạo vốn là vô tướng tam muội, từ tâm địa pháp môn có thể thấy Đạo.
Thấy Mã Tổ còn chưa rõ, Hoài Nhượng nói thêm:
- Muốn khế hợp Đạo, thì Đạo vốn không đến, không đi; không đầu, không cuối; không thành, không hoại; không trụ, không tán; không dài không ngắn; không tịch, không náo; không nhanh, không chậm. Nếu hiểu rõ vậy thì đó là hợp đạo. 
 (Tinh Vân thiền thoại)
Đạo là gì? Đạo không thời gian: không đầu, không cuối; Đạo không không gian: không trong, không ngoài. Làm sao thấy Đạo? Chỉ có rõ tự mình thường trú chân tâm mới thấy Đạo.

977.  Chẳng thiếu tương.
Bách Trượng là đồ đệ của Mã Tổ trú ở Đại Hùng Sơn, Mã Tổ sai thị giả mang cho 3 vò tương. Bách Trượng nhận 3 vò tương rồi sai đánh chuông tập chúng, giơ gậy lên bảo:
- Đây là 3 vò tương Đạo Nhất cho. Nếu có ai trong các ngươi nói được thì 3 vò tương không bị đập, ngược lại thì sẽ bị đập.
Đại chúng không ai đáp được. Bách Trượng dùng gậy đập vỡ cả 3 vò tương.
Khi thị giả trở về, Mã Tổ hỏi:
- Ngươi đã đem 3 vò tương tới chưa?
- Đem tới rồi!
- Bách Trượng nhận tương rồi có biểu thị gì? nói gì?
- Bách Trượng nhận tương rồi tập họp đại chúng; vì đại chúng không ai nói được, liền dùng gậy đập vỡ hết.
Mã Tổ nghe rồi cười ha hả, rất cao hứng khen rằng:
- Thằng nhỏ này không sai!
Sau đó Mã Tổ sai truyền lời đến Bách Trượng bảo ông viết thư cho biết tình huống tu hành lúc ấy thế nào?
Bách Trượng hồi đáp:
- Lão sư, cám ơn thầy quan tâm. Từ khi đập vỡ vò tương, 30 năm đồ đệ chưa hề thiếu tương ăn.
Mã Tổ rất bằng lòng lại viết cho Bách Trượng:
- Nếu đã không thiếu thì hãy mang lại cho người.
Về sau Bách Trượng sáng lập Bách Trượng thanh quy. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Các vị thiền sư qua lại cũng có lúc theo nhân tình thế thái; nhưng đều có hàm ý. Tương là đồ chấm không thể thiếu của người tu. Mã Tổ cho tương ngụ ý không thể ly khai sinh hoạt hàng ngày, tu luyện mù quáng. Bách Trượng đập vỡ vò tương ngụ ý Thiền Đạo cái gì cũng có không cần lão sư phải phiền tâm.

978.  Phật Ấn và Tô Đông Pha.
Một hôm Phật Ấn đăng đàn thuyết pháp. Tô Đông Pha đến tham gia. Mọi người ngồi chật hết phòng, chẳng còn một chỗ trống. Phật Ấn bảo:
- Chật hết rồi, không còn chỗ cho học sĩ!
- Nếu phòng này hết chỗ, tôi lấy thân tứ đại, ngũ uẩn của thầy làm chỗ ngồi.
Phật Ấn thấy Tô Đông Pha muốn luận Thiền liền nói:
- Học sĩ! Ta có một vấn đề hỏi ông, nếu ông trả lời được thì thân ta sẽ là chỗ ngồi cho ông, bằng không thì ông phải để thắt lưng ngọc lại bản tự làm vật kỷ niệm.
Tô Đông Pha vốn tự phụ bèn đáp ứng. Phật Ấn hỏi:
- Bốn đại vốn không, năm uẩn cũng chẳng có, xin hỏi học sĩ ngồi ở chỗ nào?
Tô Đông Pha không trả lời được, đành phải cởi thắt lưng ngọc trao cho Phật Ấn. Thắt lưng này ngày nay vẫn  còn lưu giữ ở Kim Sơn Tự. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Sắc thân chúng ta là do tứ đại: đất, nước, gió lửa giả hợp mà thành, không phải là thực tại.

979.  Nhặt nhiều một chút.
Đỉnh Chân cùng một chú tiểu đi kinh hành trong sân chùa. Bỗng nhiên có một cơn gió, lá từ cây rụng rào rào. Thiền sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào túi. Chú tiểu đứng bên thưa:
- Xin thầy đừng nhặt nữa, sáng mai chúng con sẽ quét.
Đỉnh Chân không cho là phải:
- Đừng nói thế, chẳng lẽ cứ quét là sạch hết sao? Ta nhặt nhiều một chút thì đất sạch thêm một chút.
- Lá rụng nhiều như thế, thầy nhặt phía trước, phía sau lại rơi, thầy nhặt làm sao cho xuể?
Đỉnh Chân vừa nhặt vừa trả lời:
- Lá rụng không nhặt thì còn trên mặt đất, lá rụng ở tâm địa chúng ta, ta nhặt nhất định có lúc phải hết.
Chú tiểu nghe xong đã hiểu sinh hoạt của thiền giả như thế nào. (Tinh Vân thiền thoại)
Khi Đức Phật còn tại thế, có một đệ tử là Chu Lợi Bàn Gia rất ngu xuẩn. Dạy ông một bài kệ, đọc câu trước quên câu sau, đọc câu sau quên câu trước. Bất đắc dĩ Phật hỏi ông hiểu cái gì? Ông thưa chỉ biết quét nhà. Phật dạy ông khi quét nhà thì niệm quét sạch bụi bẩn. Lâu dần ông nghĩ: bên ngoài bụi bẩn thì quét, trong tâm ô uế thì phải làm sao quét? Cứ thế cuối cùng Chu Lợi Bàn Gia khai ngộ. Đỉnh Chân nhặt lá là kiểm điểm những vọng tưởng phiền não của tâm. Đại địa sơn hà có bao nhiêu lá rụng không cần biết. Trong tâm có lá rụng nhặt một cái là ít đi một cái. Chỉ cần tâm được an, lập tức có cả đại thiên thế giới.

980.  Là tà, là chánh?
Tiệm Nguyên khi làm thị giả cho Đạo Ngô, có một lần bưng một tách trà đến cho thầy, Đạo Ngô chỉ tách trà hỏi:
- Là tà, là chánh?
Tiệm Nguyên đến trước mặt Đạo Ngô, không nói một tiếng. Đạo Ngô bảo:
- Tà thì luôn tà, chánh thì luôn chánh.
Tiệm Nguyên lắc đầu phản đối:
- Con không nghĩ vậy.
- Vậy ý ngươi thế nào?
Tiệm Nguyên đoạt chén trà trong tay Đạo Ngô, hỏi ngược lại:
- Là tà, là chánh?
Đạo Ngô vỗ tay cười lớn: 
- Ngươi không hổ là thị giả của ta.
Tiệm Nguyên lạy tạ. 
(Tinh Vân thiền thoại)
Đạo Ngô khai thị cho đồ đệ “là tà, là chánh?” là diễn tả đạo lý người tà nói chánh pháp, chánh pháp liền thành tà, người chánh nói tà pháp,tà pháp liền thành chánh. Có người nói pháp làm mất tín tâm của người ta, có người thích đánh, chửi lại làm cho người ta nhập Đạo. Người thầy thuốc giỏi thì chất độc như thạch tín cũng trở thành thuốc hay. Tiệm Nguyên nhận rằng trong vũ trụ các pháp đều do nhân duyên mà sanh, diệt. Nếu hiểu rối thì chẳng chấp thường, chấp đoạn là chánh, còn nếu cho vật nắm trong tay là có là không thì là tà. Tiệm Nguyên đem đạo lý này hỏi lại Đạo Ngô. Đạo Ngô hoan hỉ khích lệ Tiệm Nguyên, hai thầy trò đã ăn ý với nhau.

981.  Nơi mát mẻ.
Có ông tăng hỏi Động Sơn:
- Khi trời lạnh, nóng đệ tử đến nơi nào để tránh?
Động Sơn đáp:
- Sao không đến chỗ nào không lạnh, không nóng?
Ông tăng hỏi:
- Đó là chỗ nào vậy?
- Đó là chỗ khi lạnh làm ngươi chết cóng, khi nóng làm ngươi chết thiêu. 
(Thiền Chi Hoa)
Sợ nóng, lạnh là vì có thân thể. Nếu như chứng được tự tánh (pháp thân) vượt lên hình tướng thì chỗ nào cũng mát mẻ, không chỗ nào là không tiêu dao, còn sợ gì nóng lạnh nữa.

982.  Ngày nào cũng tốt.
Vân Môn có lần hỏi đồ chúng:
- Ta không hỏi các ngươi: trước ngày rằm như thế nào mà chỉ hỏi sau ngày rằm như thế nào?
Đồ chúng không ai đáp được, Vân Môn bèn nói:
- Ngày nào cũng tốt cả. 
 (Thiền Chi Hoa)
Ngày rằm trỏ sự khai ngộ, khi khai ngộ rồi thì tiêu dao, tự tại, có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Tác giả Vô Môn Quan tán thưởng cái “tâm bình thường là đạo” của Nam Tuyền làm một bài kệ như sau:
春 有 百 花 秋 有 月 
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt
夏 有 凉 風 冬 有 雪 
Hạ  hữu  lương phong đông hữu tuyết
若  無 閒  事  掛  心  頭 
Nhược  vô nhàn sự quải tâm đầu
便 是 人  間  好 時 節
Tiện thị nhân gian   hảo       thời     tiết.
Hoa  Xuân  muôn  đoá  bóng  trăng  Thu.
Hạ  có  gió  vàng,  Đông  tuyết  rơi.
Tuyết  nguyệt  phong  ba,  lòng  chẳng  chấp.
Mỗi  mùa,  mỗi  thú  mặc  tình  chơi.
(Trúc Thiên dịch)
“Lòng chẳng chấp” chỉ tâm không nhiễm trần, không bị trói buộc, cũng tương tự như câu trong Tâm Kinh: “Tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố viễn ly điên đảo mộng tưởng.”
Nếu được như thế thì ngày nào cũng là ngày tốt vậy.

983.  Nước trong,  trăng hiện.
Có một lần Nham Đầu, Tuyết Phong và Khâm Sơn đương nói chuyện, Tuyết Phong bỗng chỉ vào bồn nước trong.
Khâm Sơn nói:
- Nước trong, trăng tự hiện.
Tuyết Phong bảo:
- Nước trong, trăng chẳng hiện!
Nham Đầu không nói, đạp đổ bồn nước đi. 
 (Thiền Chi Hoa)
Câu của Khâm Sơn: “Nước trong, trăng tự hiện” là khẳng định, câu của Tuyết Phong: “Nước trong, trăng chẳng hiện” là phủ định. Còn Nham Đầu không nói mà đạp đổ bồn nước tỏ rằng mình đã vượt trên cả khẳng và phủ định. Vì sao? Vì khi đạp đổ bồn nước đi rồi thì không còn nước, cũng không còn trăng, ly khai sự chấp trong và đục (nước) hiện và không hiện (trăng) tất cả đều tịch tĩnh, vọng niệm chẳng sinh; đó chính là tự tánh chân chánh vậy. 

984.  Không chỉ một đường.
Có ông tăng hỏi:
- Triệu Châu là gì?
Triệu Châu ngoảnh nhìn xung quanh rồi đáp:
- Cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc! 
 (Thiền Chi Hoa)
Ông tăng hỏi: “Triệu Châu là gì?” là có ý hỏi thiền phong của Triệu Châu như thế nào? Triệu Châu có ý coi Triệu Châu là một địa danh. Đó là thành Triệu Châu có bốn cửa Đông, Tây, Nam Bắc; gián tiếp thuyết minh thiền phong của mình khai phóng, không chỉ một đường mà tứ thông bát đạt vậy. Cửa chân chính của thiền là không cửa. Lão Tử có nói đại tượng vô hình, có hình là tiểu tượng. Nhà là tiểu tượng, chân lý là đại tượng. Đại tượng hình còn không có lại còn có cửa sao?

985.  Hạt cải đựng núi Tu Di.
Thích Sử Giang Châu Lý Bột hỏi Trí Thường:
- Phật lý có giảng Tu Di đựng hạt cải, điều đó là tự nhiên, đệ tử không thắc mắc; nhưng đối với câu hạt cải đựng Tu Di thì cái hạt cải nhỏ xíu đó làm sao đựng được cả một tòa núi to lớn kia, đó chẳng phải là dối người hay sao?
Trí Thường hỏi lại:
- Nghe nói ông đọc qua thiên kinh, vạn quyển có hay không?
- Có.
- Đầu ông chỉ to bằng trái dừa, xin hỏi “Cái vạn quyển ấy của ông làm sao mà xem được?”
 (Thiền Chi Hoa)
Tâm sinh thì các pháp đều sinh, tâm diệt thì các pháp đều diệt. Vạn pháp đều do tâm. Công án này thuyết minh tự tánh lớn không ngoài, nhỏ không trong, không bị hạn chế; cũng như không gian thì vô tận, hạn chế chỉ là do tâm của chúng ta mà thôi.

986.  Phật mặt trời,  phật mặt trăng.
Mã Tổ lúc sắp mất, viện chủ hỏi rằng:
- Gần đây, Hòa thượng tâm cảnh ra sao?
Mã Tổ đáp:
- Phật mặt  trời, Phật mặt trăng. 
 (Thiền Chi Hoa)
Phật mặt trời là chỉ trường kỳ (dụ cho Pháp thân), Phật mặt trăng là chỉ đoản kỳ (dụ cho Sắc thân). Ý của Mã Tổ là: ở trên đời này, sống lâu hay chết yểu không có gì là quan hệ cả; tối cần yếu là sống làm sao cho có ý nghĩa, làm sao phát hiện được chân ngã. Khổng Tử có nói: “Sáng đuợc nghe đạo, chiều chết cũng cam!” Kinh Nát Bàn cũng có nói: “Phật tánh không thường, không vô thường mà là không gián đoạn!” Đời sống của chúng ta có ý nghĩa khi thể nghiệm đuợc cái bất đoạn ấy của tự tánh.

987.  Phó Đại Sĩ giảng kinh.
Thiện Huệ bồ tát có danh là Phó Đại Sĩ sinh năm 497 dương lịch là một vị thiền sư tiên phong xuất sắc. Có lần Lương Võ Đế mời giảng kinh Kim Cương. Ngài lên giảng đàn, đánh vào mõ một cái rồi đi xuống làm Lương Võ Đế rất ngạc nhiên.
Thiện Huệ hỏi Lương Võ Đế:
- Bệ Hạ hiểu không?
Lương Võ Đế trả lời:
- Trẫm không hiểu gì cả!
Thiện Huệ nói:
- Đã giảng xong bộ kinh rồi! 
 (Thiền Chi Hoa)
Kinh Phật là sự miêu tả cảnh giới giải thoát của chư Phật. Nếu chúng ta muốn giải thoát thì phải thực tu, thực chứng. Giảng kinh chẳng qua chỉ là một phương tiện thôi. Khi không giảng kinh thì cái đạo lý của kinh vẫn tồn tại trong vũ trụ, nếu giảng ra thì khó mà không bị sơ xuất. Do đó phương pháp giảng kinh hay nhất là không giảng. Phó Đại Sĩ không giảng kinh là để chỉ cái Thể của Đạo tròn đầy, thông suốt không thể dùng lời mà nói được.

988.  Hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang.
Cư sĩ Bàng Uẩn lần đầu gặp Thạch Đầu hỏi rằng:
- Ai là người không cùng vạn pháp là bạn?
Thạch Đầu lấy tay bụm miệng cư sĩ lại. Cư sĩ phảng phất khai ngộ, lại tìm Mã Tổ mà đặt cùng câu hỏi.
Mã Tổ nói:
- Đợi ngươi, hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang ta sẽ bảo!
Nghe lời nói đó Bàng Uẩn đại ngộ. 
 (Thiền Chi Hoa)
Câu hỏi của Bàng cư sĩ: “Ai là người không cùng với vạn pháp là bạn?” là hỏi về tự tánh. Thạch Đầu bụm miệng cư sĩ không cho nói. Và câu đáp của Mã Tổ: “Hớp một ngụm cạn hết nước Tây Giang” là một việc không thể làm được; cả hai 
đều ngụ ý: không thể dùng lời mà diễn tả tự tánh được.

989.  Đầu con mèo chết là quý nhất.
Có ông tăng hỏi Tào Sơn:
- Ở thế gian này, cái gì là quý nhất?
- Đầu con mèo chết là quý nhất.
- Tại sao đầu con mèo chết lại quý nhất?
Tào Sơn đáp:
- Vì không có người ra giá. 
(Thiền Chi Hoa)
Tào Sơn dùng đầu con mèo chết để đả phá sự bó buộc của tánh lý luận và tánh tương đối khiến cho tự tánh tuyệt đối hiển lộ. Cái tự tánh này ở trong vạn vật và không thể ly khai ra được.

990.  Trị  bệnh.
Có ông tăng bạch với Tào Sơn:
- Đệ tử biết mình có bệnh, mong lão sư trị cho.
Tào Sơn đáp:
- Không trị.
Ông tăng kinh ngạc hỏi:
- Tại sao không trị?
- Muốn bảo ngươi cầu sanh chẳng được, cầu chết chẳng xong. 
 (Thiền Chi Hoa)
Sanh và tử là tương đối, vì có chấp sanh tử nên mới cầu trị bệnh. Giả như hiểu được vạn vật trong thế gian này đều là do nhân duyên giả hợp. Duyên tụ thì thành, duyên tán thì diệt; hỗ tương mà tồn tại, không có độc lập tính và chủ thể tính. Nếu hiểu được như vậy thì chứng nhập được cảnh giới chân không. Lúc đó, sanh tử không làm động tâm thì hà tất phải cầu trị bệnh. Dĩ nhiên, đây chỉ là một công án thiền, trong đó thiền sư lợi dụng những sinh hoạt thường ngày để khai ngộ cho thiền sinh chớ không phải kêu người có bệnh không trị, nằm mà chờ chết.

991.  Chân dung Triệu Châu.
Có một ông tăng vẽ một bức chân dung Triệu Châu, bức họa sinh động như thực, mang tặng Triệu Châu.
Triệu Châu không cám ơn, còn nói rằng:
- Giả như bức họa này chính là ta, thì là giết ta đó, còn không thì đem mà thiêu nó đi.
 (Thiền Chi Hoa)
Bức chân dung của Triệu Châu chỉ là do những duyên hư ảo hòa hợp mà thành, chớ không phải là Triệu Châu chân chính. Giả sử bức chân dung có thể đại biểu cho Triệu Châu thì ta có hai Triệu Châu. Vậy Triệu Châu nào là thực, Triệu Châu nào là giả? Câu nói của Triệu Châu hàm ý phá trừ ngẫu tượng (tượng thần), muốn chúng ta không bị hình tướng không thực bên ngoài làm mê hoặc tự tánh.

992.  Trừ danh.
Động Sơn biết mình không còn sống được bao lâu nữa chiêu tập môn đệ lại, nói rằng:
- Ta tại thế gian có lưu lại một chút hư danh, ai vì ta mà bỏ nó đi?
Mọi người không lời đáp lại.
Lúc đó, có một sa di chạy ra nói:
- Xin hỏi Hòa thượng pháp hiệu là gì?
Động Sơn hoan hỉ :
- Cái hư danh của ta đã bỏ được rồi! 
 (Thiền Chi Hoa)
Động Sơn nhận rằng muốn minh tâm kiến tánh trước hết phải quên danh. Nếu không muốn quên danh mà muốn thành Phật thì chẳng khác nào xây lâu đài trên bãi cát. Sa di hỏi pháp hiệu tỏ rằng không biết có Động Sơn, cũng chỉ Động Sơn chẳng có danh tiếng gì lưu lại ở đời. Danh lợi, tư dục làm che mất tự tánh vậy.

993.  Kêu tự ngã ra.
Đại phu Lục Hằng hỏi Nam Tuyền:
- Người xưa nuôi một con ngỗng nhỏ ở trong bình, dần dần con ngỗng nhỏ lớn lên không có cách nào ra khỏi bình. Giờ xin hỏi, làm sao cho con ngỗng ra mà không phải phá bình, cũng không làm con ngỗng bị thương.
Nam Tuyền gọi lớn:
- Đại phu.
Lục Hằng thưa:
- Dạ!
Nam Tuyền nói:
- Đã ra rồi! 
 (Thiền Chi Hoa)
Nam Tuyền không trả lời thẳng vào vấn đề vì loại vấn đề này không có lời giải. Giả như động niệm trả lời tức là tự mình làm cho mình mắc lưới vậy. Nam Tuyền cố ý kêu lớn tiếng để thức tỉnh Lục Hằng. Chỉ cần tâm không bị ràng buộc, tự tánh tự nhiên hiển lộ. Tìm kiếm bên ngoài chẳng khác gì vấn đề trên, càng tìm kiếm càng mê man, vĩnh viễn không thấy được tự tánh. Nam Nhạc Huệ Tư đại sư đã nói: “Đạo vốn không xa, bể tánh không động, hướng ngoại tìm, cầu chẳng bao giờ thấy!” là cũng ý đó vậy.

994.  Uống rượu,  ăn thịt.
Hồng Châu Liêm Sứ hỏi Mã Tổ:
- Nên hay không nên uống rượu , ăn thịt?
- Uống rượu, ăn thịt là duyên phận, không uống rượu, ăn thịt là phúc khí! 
(Thiền Chi Hoa)
Theo thuyết Luân Hồi của nhà Phật, gieo nhân thì gặt quả, “Muốn biết đời trước tạo nhân gì, hãy xem đời này chịu quả nào. Muốn biết đời sau chịu quả gì, hãy xem đời nay tạo nhân gì.” Quả báo đối với người như bóng theo hình, do đó nếu một người có phúc báo uống rượu, ăn thịt thì đó là những chủng tử từ đời trước đã chín mùi nay hiện thành. Do đó mới nói vinh hoa phú quý là duyên phận. Nhưng nếu có phúc báo mà không hưởng thụ lại giữ giới tu thiền thì đó là phúc khí. Vì phúc báo đã hưởng hết rồi thì cũng bị đọa lạc lại; cũng như bắn một mũi tên lên trên không, khi lực tận thì tên phải rơi xuống. Bậc trời mà phúc báo hết cũng phải quay lại luân hồi huống hồ chúng ta là người phàm, do đó chẳng nên giữ giới làm lành ư? Đây là Mã Tổ khuyên chúng ta nên tiếc phúc, bồi phúc, tu phúc vậy.

995.  Lạc vào giai cấp nào?
Hành Tư tham bái Lục Tổ hỏi rằng:
- Phải làm thế nào để khỏi rơi vào giai cấp?
Lục Tổ hỏi:
- Từ trước đến giờ ngươi làm gì?
- Thánh đế cũng chẳng làm!
- Vậy ngươi rơi vào giai cấp nào?
- Thánh đế cũng chẳng làm thì còn rơi vào giai cấp nào nữa?
Lục Tổ nghe rồi, cho là bậc pháp khí. 
 (Thiền Chi Hoa)
Phật giáo có bốn thừa, mười địa, bốn thiền, tám định đều là những giai đoạn của sự tiệm tu. Thiền tông chủ trương đốn ngộ, kiến tánh thành Phật đương nhiên không dùng những phương pháp này. Nguyên lai, Hành Tư đã khai ngộ đến bái phỏng Lục Tổ là để cầu chứng mà thôi. Lục Tổ đem những phương pháp tu trì phổ thông để khảo nghiệm, ông đều phủ nhận. Đã phủ nhận Thánh đế tức cũng phủ nhận Tục đế đều là danh tướng đối đãi. Lục Tổ thấy Hành Tư đã vượt lên cả hai cảnh giới phàm thánh do đó mà hoan hỉ.

996.  Mai đã chín rồi.
Đại Mai lần thứ nhất đến gặp Mã Tổ hỏi rằng:
- Thế nào là Phật?
Mã Tổ đáp:
- Tức tâm, tức Phật.
Ngay chính lúc đó Đại Mai khai ngộ, về sau lên tu ở trên núi. Mã Tổ phái một Hòa thượng đến khảo nghiệm Đại Mai.
Vị Hòa thượng này hỏi Đại Mai:
- Khi ông ở với Mã Tổ học được những gì?
- Mã Tổ dạy tôi, “Tức tâm, tức Phật”.
Vị Hòa thượng này lại nói:
- Hiện nay Mã Tổ đã cải biến pháp rồi, ngài nói “Phi tâm, phi Phật!” Ông thấy thế nào?
Đại Mai quát lên:
- Cái lão Hòa thượng già này chỉ giỏi trêu người, ai cần biết phi tâm, phi Phật là cái quái gì, ta chỉ biết tức tâm, tức Phật.
Vị Hòa thượng này về thuật lại cho Mã Tổ nghe, Mã Tổ cao hứng nói:
- Mai đã chín rồi! 
 (Thiền Chi Hoa)
“Mai đã chín rồi”, chỉ Đại Mai đã khai ngộ. “Tức tâm, tức Phật”, chỉ sự khẳng định. “Phi tâm, phi Phật” chỉ sự phủ định. Mặc dầu Mã Tổ đã cải biến thuyết pháp nhưng tín niệm của Đại Mai vẫn không bị dao động, không tin theo thầy một cách mù quáng; vì vậy mà được Mã Tổ khen ngợi.

997.  Câu chuyện cái bánh.
Long Đàm thuở chưa xuất gia rất nghèo túng, Đạo Ngộ ngăn phòng cho ở căn nhà nhỏ cạnh chùa. Cảm kích sự trợ giúp của Đạo Ngộ, mỗi ngày Long Đàm mang biếu thiền sư mười cái bánh. Đạo Ngộ mỗi lần nhận bánh đều giao hoàn lại một cái cho Long Đàm và nói:
- Đây là ta cho ngươi, hy vọng con cháu ngươi sẽ sung túc!
Long Đàm lấy làm lạ nghĩ thầm bánh là của mình, giao trả lại một cái sao lại nói là cho? Bèn hỏi Đạo Ngộ.
Đạo Ngộ nói:
- Đúng là do ngươi mang tới, cho lại ngươi thì có gì là sai quấy đâu?
Long Đàm nghe rồi có chỗ lãnh ngộ, bèn quyết tâm xuất gia. 
 (Thiền Chi Hoa)
Đạo Ngộ ngăn phòng cho Long Đàm ở là chỉ của ta là của người. Lấy bánh của Long Đàm rồi cho lại Long Đàm là chỉ của người là của ta. Đó là Năng Sở chẳng hai., ta người một thể; (Năng là chủ thể, Sở là khách thể) nghĩa là không có tự tha, vật ngã. Tương tự như Mạnh Tử trên dưới cùng trời đất luân chuyển và Trang Tử, “Trời đất và ta cùng sinh, vạn vật với ta là một.” Nhà Phật đặc biệt nhấn mạnh đến ngã không và pháp không. Ngã không là không chấp tự tha; pháp không là không chấp vật ngã. Vượt ngoài tự tha, vật ngã là vượt ngoài chủ thể và khách thể chứng nhập chân như bản tánh. Có lẽ Long Đàm đã hiểu được ý đó nên mới quyết tâm xuất gia.

998.  Con chó ở Tử Hồ.
Để khảo nghiệm ngộ tánh của đại chúng Nam Tuyền nói:
- Tử Hồ có một con chó rất lợi hại; có thể ở trên cắn đầu, ở giữa cắn tim, ở dưới cắn chân. Giả sử các ngươi gặp con chó đó thì phải làm thế nào?
Mọi người xôn xao bàn tán mà chẳng đi đến đâu.
Sau có Tang Sinh hỏi thiền sư:
- Con chó ở Tử Hồ như thế nào?
Nam Tuyền sủa ra ba tiếng.
(Thiền Chi Hoa)
Tử Hồ là tên núi nơi Nam Tuyền cư trú. Ở đây, con chó là trỏ Nam Tuyền, ám chỉ ý tưởng vật ngã bình đẳng vì chúng sinh đều có Phật tánh, đều có  khả năng thành Phật. Cái Phật tánh ấy ở bậc thánh nhân không tăng thêm, ở kẻ phàm không giảm đi. Tiếng sủa là thanh trần không phải là con chó; nhưng muốn tìm con chó thì ta có thể nương theo tiếng sủa của nó mà tìm thấy được. Công án này cho ta thấy sự liên quan của Thể, Tướng, Dụng vậy.

999.  Có và không.
Có vị cư sĩ hỏi Trí Tạng:
- Có thiên đàng, địa ngục không?
- Có.
- Có Phật, Pháp, Tăng tam bảo không?
- Có.
Cư sĩ hỏi liên miên qua nhiều vấn đề khác, Trí Tạng đều trả lời “Có.”
Cư sĩ không nhẫn nại được nữa tức giận nói:
- Sao cái gì thiền sư cũng đáp có, không nói khác được sao? Đệ tử đã từng đem những vấn đề trên ra hỏi Hòa thượng Kinh Sơn, cái gì ngài cũng đáp là không. Tại sao thiền sư và hòa thượng Kinh Sơn lại tương phản như thế?
Trí Tạng hỏi cư sĩ:
- Ngươi có vợ con không?
- Có.
- Hòa thượng Kinh Sơn có vợ con không?
Cư sĩ cười đáp:
- Không có.
- Cứ thế mà nói, hòa thượng Kinh Sơn đáp không lại chẳng đúng sao?
Cư sĩ nghe rồi tức khắc đại ngộ. 
 (Thiền Chi Hoa)
Dùng “Có” là để chỉ thế gian pháp, “không” là để chỉ xuất thế gian pháp. Không phải cứ ly gia cắt ái mới là học Phật; người Phật tử tại gia trong những sinh hoạt hàng ngày cũng đều có hòan cảnh để tu học. Vì thế, không cần phải xả thế gian pháp, trốn tránh trách nhiệm làm người mà chỉ cần phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo, lấy tinh thần xuất thế mà nhập thế, lập nên đại nghiệp.

1000.  Mời uống trà.
Có lần Triệu Châu hỏi một ông tăng mới đến tham học:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
- Đã.
- Ủa, vậy đã đến đây rồi, mời uống trà.
Sau đó lại có một ông tăng khác tới, Triệu Châu lại hỏi:
- Ngươi đã từng đến đây chưa?
Ông này đáp:
- Dạ, chưa. Đây là lần đầu tiên đệ tử đệ tử tới tham học.
Câu trả lời này với câu trả lời trên hoàn toàn tương phản, nhưng câu nói của Triệu Châu thì vẫn vậy:
- Ủa, chưa từng đến đây hả? Mời uống trà!
Viện chủ hỏi Triệu Châu:
- Thiền sư đối với ông tăng đến rồi và ông tăng mới đến lần đầu tiên đều mời uống trà là có ý gì?
Lúc đó Triệu Châu gọi:
- Viện Chủ!
Viện chủ lập tức trả lời:
- Dạ.
Triệu Châu nói:
- Ủa, thì ra là viện chủ, mời uống trà! 
 (Thiền Chi Hoa)
Cả ba trường hợp trên đều mời uống trà; dù hoàn cảnh bất đồng, nhưng cùng nêu lên một vấn đề “Ai uống trà?” Cái động tác uống trà này phải chính mình thể hội chứ không ai có thể thay thế cho mình được. Tâm bình thường là Đạo, mỗi động tác bình thường đều là biểu thị của Đạo vậy.

1001. Pháp chẳng hai.
Duy Ma Cật hỏi Văn Thù Sư Lợi:
- Bồ Tát nhập pháp chẳng hai là thế nào?
- Cứ ý ta thì đối với mọi pháp không lời, không nói, không biết, không biểu lộ, xa lìa mọi hỏi đáp. Đó là nhập pháp chẳng hai.
Lúc đó, Văn Thù lại dùng đúng câu hỏi trên hỏi lại Duy Ma Cật. Duy Ma Cật yên lặng không nói.
Văn Thù bồ tát tán thán rằng:
- Lành thay! Lành thay! ngay cả ngôn ngữ văn tự cũng chẳng có, đúng là nhập pháp chẳng hai.
 (Thiền Chi Hoa)
Pháp chẳng hai, dùng lời không tới, dùng ý chẳng đặng. Do đó trong những công án thiền có người hỏi tới tự tánh tuyệt đối hoặc bản thể. Nếu người bị hỏi đã giác ngộ thì yên lặng không nói, dùng sự yên lặng mà trả lời. Đó là không nói mà nói vậy.

1002.  Người câm ăn mật.
Có ông tăng hỏi Huệ Lâm Từ Ái:
- Người tỏ ngộ nhưng không nói ra được thì giống gì?
- Giống người câm ăn mật.
- Người không tỏ ngộ mà nói ra thinh sắc thì giống gì?
- Giống con vẹt kêu người. 
 (Thiền Chi Hoa)
Công án này diễn tả rất đúng câu, “Người biết chẳng nói, người nói chẳng biết.” (Lão Tử- Đạo Đức Kinh) chỉ rằng sự tỏ ngộ tự tánh không thể nói được, nếu nói ra thì đã sai rồi. Người tu thiền trong quá trình tu tập dù đạt tới cảnh giới nào cũng không tỏ lộ cho người khác biết huống chi bản thân không có tu chứng mà nói ra thì khác gì con vẹt học nói tiếng người, tâm không sở đắc mà chỉ loạn ngôn. Vì vậy mới có văn tự thiền và khẩu đầu thiền (thiền ngoài miệng).

1003.  Động tĩnh là một.
Ẩn Phong khi còn tham học với Mã Tổ có một lần đang đẩy xe gập lúc Mã Tổ cũng đang ngồi duỗi chân trên đường. Ẩn Phong thỉnh Mã Tổ co chân lại để mình đẩy xe qua.
Mã Tổ nói:
- Ta chỉ duỗi chứ không co.
Ẩn Phong không chịu lùi:
- Đệ tử chỉ tiến chứ không lui.
Hai người không ai nhường ai. Về sau, Ẩn Phong tức giận cứ đẩy xe qua làm chân Mã Tổ bị thương. Mã Tổ nhịn đau, về pháp đường, cầm lấy một cái búa giơ lên mà hét lớn rằng:
- Ai đả thương chân ta, mau ra đây.
Ẩn Phong chạy tới trước mặt Mã Tổ, vươn cổ ra cho chém. Mã Tổ chỉ còn cách ném búa xuống.
 (Thiền Chi Hoa)
Yếu chỉ của sự học Phật là phá chấp. Đối với vạn pháp không khởi một niệm chấp trước. Như kinh Kim Cương nói rằng: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” Câu của Mã Tổ: “Chỉ duỗi không co.” là có ý chấp tịnh; còn câu của Ẩn Phong:”Chỉ tiến không lui.” là chấp động. Cứ như câu truyện trên cả hai dường như đều có chấp. Thực ra, đây chỉ là Mã Tổ muốn khảo nghiệm Ẩn Phong mà thôi, và cả hai người đều đã vượt qua quan niệm về động tĩnh. Vì vậy muốn làm là làm không bị động tĩnh bó buộc. Đó là tác phong của những vị thiền sư đã khai ngộ, không thể bắt chước một cách khinh xuất được.

1004.  Xuất thế,  nhập thế.
Có một lần, Ngưỡng Sơn từ ruộng về, Quy Sơn hỏi:
- Ngươi từ đâu về?
- Ở ruộng về.
- Ngoài ruộng có nhiều người không?
Ngưỡng Sơn chống gậy mà đứng.
Quy Sơn lại nói:
- Hôm nay tại Nam Sơn, có nhiều người cắt cỏ lắm.
Ngưỡng Sơn lập tức nhổ gậy mà đi. 
 (Thiền Chi Hoa)
Câu “Ngươi từ đâu về?” là hỏi Ngưỡng Sơn đã khai ngộ chưa. Câu đáp, “Ở ruộng về”  là nói đã ngộ rồi, còn đang trong cảnh giới tiệm tu. Câu “Ở Nam Sơn có nhiều người cắt cỏ lắm!” là bảo cứ y thể khởi dụng, phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo mà phổ độ chúng sinh. Ngưỡng Sơn hiểu ý đó nhổ gậy mà đi. Động tác này biểu tỏ Ngưỡng Sơn vào hiện tượng giới vì người mà phục vụ, lấy tinh thần xả thế mà nhập thế lập đại nghiệp.

1005.  Con trâu đực.
Quy Sơn tại giảng đường, khai thị đại chúng:
- Một trăm năm sau lão tăng xuống núi làm một con trâu đực, tại sườn bên trái có viết năm chữ “Quy Sơn tăng mỗ giáp.” Lúc đó, nếu kêu ta là Quy Sơn tăng thì ta không phải là con trâu đực, nếu kêu ta là con trâu đực thì ta không phải là Quy Sơn tăng. Vậy ta hỏi các ngươi phải kêu ta làm sao?
Ngưỡng Sơn từ đại chúng bước ra, cảm kích lạy tạ mà lui. 
 (Thiền Chi Hoa)
Quy Sơn nói đến cái tự tánh chân như, tự tánh của Quy Sơn và con trâu đực không hề sai biệt. Một người nếu không còn tâm phân biệt năng sở thì sẽ vượt trên tự tha, vật ngã. Cũng như câu của Trang Tử, “Trời đất và ta cùng sinh, vạn vật với ta là một.” Quy Sơn vì đại chúng khai thị cảnh giới đó, do đó Ngưỡng Sơn cảm kích lạy tạ cũng không phải là lạ vậy.

1006.  Làm giống khác.
Có lần Nam Tuyền nói với Triệu Châu:
- Nay chính là lúc tốt nhất để chúng ta lìa nhân loại mà gia nhập dị loại.
Triệu Châu không chịu bèn trả lời:
- Trước chẳng nói dị, xin hỏi loại là gì?
Nam Tuyền chống hai tay xuống đất bắt chước thú bốn chân. Triệu Châu chạy ra đằng sau đạp cho Nam Tuyền một đạp.
Sau đó chạy vào Nát Bàn Đường kêu lớn: “Tiếc quá! Tiếc quá!”
Nam Tuyền rất hân thưởng cái đạp của Triệu Châu, nhưng không biết vì sao Triệu Châu kêu tiếc quá. Nhân đó sai người vào hỏi Triệu Châu tiếc cái gì?
Triệu Châu trả lời:
- Ta tiếc không đạp cho sư phụ vài cái nữa!
Nghe câu nói đó Nam Tuyền lại càng coi trọng Triệu Châu hơn. 
 (Thiền Chi Hoa)
Tự tánh là tuyệt đối, do đó nếu có phân biệt dị loại và đồng loại là có tư tưởng dị đồng, là có đối đãi. Chẳng hạn vì dài nên có ngắn, vì lớn nên có nhỏ, vì ta nên có người. Nam Tuyền nói là lìa nhân loại mà gia nhập dị loại là để khảo nghiệm xem Triệu Châu có ngộ thật không. Triệu Châu thâm hiểu ý của Nam Tuyền nên hỏi ngược lại thế nào là loại. Nam Tuyền biết Triệu Châu đã giác ngộ tự tánh, không dùng ngôn ngữ mà diễn tả được nên dùng hình ảnh mà hình dung; do đó giả làm dã thú. Nhưng vì bản thể chân như, một pháp chẳng lập lại có thể dùng ảnh tượng mà tỏ ra được sao? Do đó Triệu Châu đạp cho Nam Tuyền một cái để đả phá quan niệm ảnh tượng của sư phụ. Nam Tuyền tưởng khảo nghiệm đệ tử không ngờ mình lại chưa vượt qua quan niệm về hình tượng nên bị đạp một đạp. Vì vậy không mừng sao được!

1007.  Cứu hỏa.
Triệu Châu thường tại nhà bếp làm hỏa phu. Có lần thiền sư đóng cửa và đốt lửa; đốt đến phòng bếp lửa cháy ngút trời. Sau đó kêu lớn, “Cứu hỏa, cứu hỏa!” Cho đến khi mọi người lại, thiền sư từ trong phòng nói:
- Các ngươi nói đúng thì ta mới mở cửa.
Mọi người nhìn nhau không biết ý gì. Lúc đó Nam Tuyền lấy chìa khóa, không nói một tiếng, giao qua cửa sổ cho Triệu Châu. Triệu Châu nhận chìa khóa, nhìn Nam Tuyền cười rồi mở cửa chạy ra.
 (Thiền Chi Hoa)
Tự mình không chịu mở cửa, làm sao kêu người ngoài đến cứu hỏa. Đó là hướng ngoại mà tìm Phật thì sao mà thấy được. Nam Tuyền đưa chìa khóa cho Triệu Châu là chỉ cửa của tự tánh phải do mình mở, không thể nhờ người khác giúp. Triệu Châu đã sớm hiểu điều đó nên mới nói, “Nói đúng sẽ mở cửa”. Đó chỉ là để khảo nghiệm ngộ tánh của đại chúng.

1008.  Tâm đệ tử chẳng an.
Nhị tổ Huệ Khả có lần hỏi Đạt Ma tổ sư:
- Tâm đệ tử chẳng an, thỉnh lão sư an cho.
- Người đem tâm ra đây, ta vì ngươi mà an cho.
Qua một lúc, Huệ Khả đáp:
- Đệ tử tìm đã lâu mà không thấy tâm đâu cả.
- Tốt, ta đã an tâm cho ngươi rồi đó! 
 (Thiền Chi Hoa)
Tâm mà Huệ Khả muốn an không phải là chân tâm mà là vọng tâm. Chân tâm là chủ thể của tư tưởng, như như bất động, thường an định. Nếu chúng ta nghĩ tới nó hay tìm kiếm nó thì không phải là chủ thể mà là khách thể. Đạt Ma bảo Huệ Khả đưa tâm ra là muốn Huệ Khả tự mình phát hiện tâm mà mình nói đó là hư ảo và do lời nói bất ngờ của tổ sư khiến Huệ Khả khởi chân quán, do đó mà liễu ngộ đuợc chân tâm.

1009.  Ngươi còn cái đó sao?
Có một sớm mai, một vị ni cô hỏi Triệu Châu:
- Thế nào là ý mật?
Triệu Châu lấy tay chộp vào ngực ni cô. Ni cô thấy cử động của Triệu Châu có vẻ nông nổi bèn nói:
- Ngươi còn cái đó sao?
Triệu Châu lập tức đáp lại ngay:
- Thì ra, ngươi còn cái đó! 
 (Thiền Chi Hoa)
“Ý mật” là vấn đề tối căn bản của đạo lý, nó chính là bản thể tự tánh. Cử động của Triệu Châu có ý bảo ni cô là tự tánh chính ở ngay cô. Khi ni cô nói, “Ngươi còn cái đó sao?” (ám chỉ dục tánh) cho thấy ni cô hãy còn chấp tướng nam nữ. Một người đã siêu việt thì không còn chấp tướng nữa; do đó Triệu Châu mới nói, “Thì ra, ngươi còn cái đó!” ám chỉ ni cô còn chấp tướng nam nữ thì làm sao có thể hiểu được mật ý là cái gì?

1010.  Tác dụng của mật.
Thản Nhiên khi tham học với quốc sư Huệ An hỏi rằng:
- Ý của tổ sư từ Tây sang là gì?
- Sao không hỏi ý của mình?
- Ý của mình là gì?
- Đương quán tác dụng của mật.
- Tác dụng của mật là gì?
Huệ An nháy mắt ra hiệu. Thản Nhiên bỗng khai ngộ, lạy tạ mà  lui. 
(Thiền Chi Hoa)
Ý của tổ sư từ Tây sang, tức ý của mình cũng tương tự như “tức tâm, tức Phật.” Chân tâm không có hình tướng nên không dùng lời mà tả được, cũng như ý niệm “mật” không thể thấy được (nên được dùng để chỉ bản thể) nhưng tác dụng của nó thì quan sát được. Huệ An dạy Thản Nhiên quan sát tác dụng của “mật” nhưng Thản Nhiên vẫn chưa ngộ nên Huệ An dùng động tác nháy mắt để diễn tả tác động của “mật” bởi vì tác dụng của lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý) không cái nào là không do tâm làm chủ. Vì vậy do dụng mà có thể thấy thể. Đó là lý do tại sao Thản Nhiên thấy Huệ An nháy mắt mà tỏ ngộ.

1011.   Như bò kéo xe.
Mã Tổ là người Tứ Xuyên, lúc nhỏ thường vào chùa chơi. Đến năm 12 tuổi xuất gia làm sa di, đến học thiền ở Nam Nhạc. Lúc đó Hoài Nhượng là vị trụ trì chùa Bát Nhã. Hoài Nhượng thấy Mã Tổ có tài bèn hỏi:
- Ngươi học tọa thiền để làm gì?
- Để thành Phật.
Hoài Nhượng lấy một viên ngói mài ngay trước mặt Mã Tổ.
Mã Tổ háo kỳ hỏi:
- Thiền sư mài viên ngói làm gì?
- Để làm gương.
Mã Tổ kinh dị hỏi:
- Mài gạch sao thành gương được?
- Mài gạch không thành gương được, vậy ngươi ngồi thiền lại thành Phật sao?
- Vậy làm sao mới thành Phật?
- Đạo lý này như bò kéo xe, nếu xe không đi ta hỏi ngươi đánh xe hay đánh bò?
Mã Tổ bị hỏi không lời đáp được.
Hoài Nhượng lại hỏi:
- Ngươi học tọa thiền hay học tọa Phật? Như ngươi học tọa thiền, thì thiền không phải ở ngồi hay nằm, như ngươi học tọa Phật, thì Phật không có hình tướng nhất định. Pháp không có chỗ trú do đó chúng ta cầu pháp không nên có thủ, xả, chấp trước, như ngươi học tọa Phật chẳng khác gì giết Phật. Nếu ngươi chấp tướng ngồi thì vĩnh viễn không thấy được đại đạo.
Nghe lời dạy ấy Mã Tổ như người đương khát mà được uống đề hồ, do đó bái Hoài Nhượng làm thầy.
 (Thiền Chi Hoa)
Ý của Hoài Nhượng là ngồi thiền không phải là thiền. ngồi thiền chỉ là một phương pháp không phải là bản thân của thiền. Nếu chỉ có ngồi thiền không thì chẳng khác gì ngón tay trỏ mặt trăng. Nếu không làm phát xuất được trí huệ Bát Nhã thì chỉ là khô tọa, không cách chi mà kiến tánh thành Phật được.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Nguyên nhân nào làm tăng nguy cơ tim トO Giữ sức khỏe khi ôn thi Đậu hũ cay xốt nấm 栃木県 寺院数 ß Rau mùi Gia vị ngon thuốc quý tuc 元音老人全集 曹洞宗 お盆 名古屋流祭り方 こころといのちの相談 浄土宗 Phật đản nhớ Phật 今之儒者 自以为正心诚意之学者 积极向上的名言警句 Lời khẩn cầu trong đêm æåŒ một linh cảm ứng quán thế âm đừng vội phán xét người æµæŸçåŒçŽ làm gì khi chúng ta gặp thị phi mùng พระอ โบสถว ดสระเกศ 塩谷八幡宮 hiểu 白色袈裟图片画法 æ æ hoc phat Vu lan nhớ mẹ 簡単便利戒名授与水戸 大安法师讲五戒 教师节的对联 河南有专属的佛教 Phật giáo 仏壇の線香の位置 投影备品备件方案 Về ماتش مصر والراس الاخضر يلا 增上生和决定胜 人间佛教 秽土成佛 末法时代 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay 什么是佛度正缘 七五三 小山