BẮC
TRUYỀN
Mặc
Chiếu
Thiền
Sư Thánh Nghiêm
Dưới
đây là một trình bày về Thiền Mặc Chiếu, trích dịch một
phần từ cuốn Hoofprint of the Ox (Dấu Chân Trâu) của Thiền
Sư Thánh Nghiêm (Sheng Yen), dựa theo bản Anh dịch của GS Dan
Stevenson. Thầy Thánh Nghiêm nối pháp từ cả hai dòng Lâm Tế
và Tào Động, chuyên hoằng pháp Thiền Tông với cả hai truyền
thống này, có ảnh hưởng lớn ở nhiều nứơc. Năm 2000,
thiền sư là một trong các diễn giả chính trong Hội Nghị
Thượng Đỉnh Tôn Giáo Thiên Niên Kỷ tổ chức ở Liên Hiệp
Quốc. Thầy thường mở các thiền thất dài 7 ngày ở các
nước, đôi khi mở các thiền thất dài 49 ngày. Tuy chuyên
dạy về Thiền Thọai Đầu và Thiền Mặc Chiếu, Thiền Sư
Thánh Nghiêm lại là một giảng sư uyên bác, đa dạng và cũng
là một luận sư của Tịnh Độ Tông.
Sinh
năm 1931 ở Thượng Hải, thầy đi tu từ năm 13 tuổi ở Chùa
Quảng Giáo (Guang Jiao), sau đó vào Phật Học Viện ở Tu Viện
Tịnh An (Ching-an), Thượng Hải, được ảnh hưởng từ Thiền
Sư Hư Vân và Pháp Sư Thái Hư. Sau gần 10 năm phải hòan tục
vì chiến tranh, thầy vào tu trở lại năm 1959 tại Đài Bắc.
Từ năm 1961 tới 1968, thầy nhập biệt thất ở Tu Viện Chiêu
Nguyên (Chao Yuan) ở một vùng núi Đài Loan.
Trong
khi làm giảng sư tại Tu Viện Thiện Đạo (Shan Dao) ở Đài
Bắc, thầy sang Nhật Bản du học và tốt nghiệp các văn bằng
Cao Học (1971) và Tiến Sĩ (1975) về văn học Phật Giáo tại
Đại Học Rissho. Từng trải qua kinh nghiệm đại ngộ năm
28 tuổi, và nhiều năm sau thầy đã được các vị thầy lớn
ấn khả, truyền ngọn đèn pháp: năm 1975 bởi Thiền Sư Đông
Sơ (Dong Chu) của dòng Tào Động, và năm 1978 bởi Thiền Sư
Linh Nguyên (Ling Yuan) của dòng Lâm Tế (Thiền Sư Linh Nguyên
là một đại đệ tử của ngài Hư Vân). Thầy bắt đầu
hoằng pháp sang Hoa Kỳ năm 1977; tính tới năm 2002, thầy có
khỏang 3,000 thiền sinh ở Mỹ, và hơn 300,000 thiền sinh ở
Đài Loan.
Dịch
giả trân trọng cảm ơn Thiền Sư Trí Châu (Quận Cam) và quý
thầy từ dòng pháp Thiền Sư Thánh Nghiêm đã hướng dẫn
về một số cách phiên âm cho bài dịch sau đây về Mặc Chiếu
– cốt tủy của Thiền Tào Động.
(Bắt
đầu bản văn.)
Mặc
chiếu là một phương pháp đơn giản, quá đơn giản, thực
vậy, rằng sự đơn giản này trở thành sự khó khăn của
nó. Trong cùng tận, nó là phương pháp của không-phương-pháp,
trong đó học nhân buông bỏ hết mọi tìm kiếm, mọi ràng
buộc gắn bó, mọi mong đợi, và chỉ việc sống Thiền một
cách trực tiếp. Để thực hành mặc chiếu, hãy buông bỏ
tất cả mọi việc bận rộn, mọi niệm phân biệt, và hãy
tỉnh thức một cách trong trẻo lặng lẽ, chấp nhận tất
cả mọi chuyện một cách đầy đủ, [cứ để] y hệt như
chúng là chúng. Đừng mong đợi theo bất cứ gì, cũng đừng
trụ tâm vào bất cứ gì. Hãy đơn giản để cho tâm tỉnh
thức một cách tự nhiên của bạn đón nhận mọi thứ, y
hệt như chúng là chúng. Đó là sự tĩnh lặng và chiếu sáng
tự nhiên của Thiền. Khi có sự phân biệt và dính mắc, thì
sự tĩnh lặng và chiếu sáng kỳ diệu đó bị ngăn che. Tâm
vốn là bất động và vắng lặng, một cách tự nhiên, và
cùng lúc đó thì tâm lại có khả năng biết một cách tròn
đầy. Không cần ra sức để đánh bóng nó, hay làm nó chiếu
sáng, bởi vì nó vẫn là như thế đó. Về nguyên tắc, mặc
chiếu rất là đơn giản. Nhưng, bởi vì chúng ta quá phức
tạp, nó trở thành một pháp môn khó khăn để tu tập. Các
trở ngại lớn nhất khởi lên từ chỗ làm quá nhiều. Bởi
vì tất cả chúng ta có khuynh hướng làm quá nhiều – ngay
cả trong thiền định – chúng ta có thể cần phải trải
qua các tu tập tư lương sơ khởi, và rồi sẽ gỡ bỏ hết
[mọi pháp tu] trước khi chúng ta đơn sơ đủ để dùng tới
mặc chiếu một cách hiệu qủa.
Ngài
Hoằng Trí Chánh Giác (Hung-chih Cheng-chueh) dạy rằng thân nên
ngồi một cách tĩnh lặng, và tâm nên mở ra tòan diện nhưng
bất động. Xuyên qua pháp môn này, học nhân làm trong sạch
tâm cho tới khi đạt được “sự trong trẻo của một hồ
nước mùa thu và sáng y hệt như mặt trăng chiếu sáng trên
bầu trời mùa thu.” Ngài chỉ dạy thêm nữa rằng, “Trong
pháp ngồi lặng lẽ này, dù bất cứ cảnh nào xuất hiện
thì tâm cũng rất là trong trẻo cho tới tòan bộ các chi tiết,
nhưng mọi thứ thì tự là nơi nó nguyên thủy là, trong nơi
chốn riêng của chúng. Tâm vẫn ở trong một niệm dài mười
ngàn năm, nhưng không trụ vào bất kỳ hình tướng nào, bên
trong hay bên ngòai.” (Hung-chih ch’an-shih kuang lu, T48)
Trong
pháp môn mặc chiếu, chúng ta nói rằng bạn không nên sử
dụng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý. Nếu bạn thấy niệm
của bạn trụ vào, một cách cố ý, các cảnh [đối tượng]
của việc thấy, nghe, ngửi, nếm, hay cảm thọ bất cứ thứ
gì, bạn nên buông xả hết. Nhưng ngay cả thế vẫn chưa đủ.
Bạn không nên dùng cái tâm lăng xăng của bạn tí nào. Bạn
nên buông xả luôn mọi phân biệt, mọi mong đợi và nuối
tiếc, mọi điều ưa thích và chán ghét, mọi tham vọng và
mục tiêu. Bạn nên buông ngay cả cái ý nghĩ về “buông xả”
nữa. Đừng nghĩ về bạn như một chúng sinh chưa giác ngộ
đời thường, cũng đừng nghĩ rằng bạn phải gột rửa hết
mọi phiền não và tận lực lo thành Phật. Không nên
có một niệm nào về giác ngộ, không niệm nào về Thiền,
không niệm nào về thành tựu hay đắc ngộ gì. Không ngay
cả một niệm về nỗ lực tu tập “vô niệm” (not- thinking).
Sự “lặng lẽ” trong mặc chiếu không phải là thứ lặng
lẽ của đè nén hay lặng lẽ cố ý, nhưng chỉ đơn giản
là buông xả và để cho mọi chuyện tự an nghỉ, để chúng
là như chúng là. Chúng ta chỉ đơn giản buông xả các nỗi
lo lắng trong tâm, mọi vạn duyên ràng buộc, và để tâm an
hòa, xa lìa các niệm, trong chỗ không có gì để làm. Thọat
tiên, điều này sẽ khó khăn. Nhưng khi bạn thiền tập sâu
thêm, sự tĩnh lặng này trở thành một sự tĩnh lặng sâu
thẳm, trong đó mọi phân biệt biến mất đi, và sẽ không
có khác biệt nào giữa sự tĩnh lặng và sự năng động kỳ
diệu. Người nào kinh nghiệm được sự tĩnh lặng thâm sâu
thì sẽ cảm thấy như dường cỏ dại mọc ra từ hai mắt
của mình, như dường đá tảng chặn hết hai tai của mình,
như dường rêu mọc trên lưỡi mình – tất cả mọi việc
chúng sinh bận rộn phức tạp đã biến mất từ lâu, để
thiên nhiên hoang dại chiếm ngập cả rồi.
So
sánh như thế không có nghĩa là nói rằng các cảm thọ không
còn họat dụng nữa, rằng mắt không còn thấy, rằng lưỡi
thì bất động, và rằng tai bịt hết mọi âm thanh. Nếu có
chuyện như thế, thì sự tĩnh lặng trong cách tu mặc chiếu
của bạn sẽ không phải là sự tĩnh lặng thâm sâu, vì tâm
sẽ vẫn còn hiện ra một hình ảnh của sự im lặng và tận
lực tránh né các họat động. Đó không phải sự vắng lặng
hòan tòan cả tâm và thân được chỉ ra bởi sự so sánh trên.
Trong sự đơn giản và vắng lặng thâm sâu – với tuyệt
nhiên không có gì để làm – bạn không phải mất ý thức,
nhưng thực ra thì bạn hiện hữu một cách tòan diện và tinh
tế. Không có một niệm thứ nhì, tất cả mọi vật đều
hiển lộ trong bạn, và [hiển lộ] bạn trong tất cả mọi
vật.
Bạn
có thể thắc mắc, làm cách nào một thiền gia đang trải
qua kinh nghiệm sự tĩnh lặng thâm sâu này có gì khác hơn
một vật vô tình, thí dụ như một khúc gỗ. Nó như là rằng,
sẽ không có sự tỉnh thức hữu tâm nào hay là sự họat
động nào. Tuy nhiên, có một dị biệt căn bản giữa sự
tĩnh lặng thâm sâu của mặc chiếu, và sự lặng lẽ im im
của sự không biết; và để chỉ ra dị biệt này, chúng ta
đã đặt chữ “chiếu” (chao) sau chữ “mặc” (mo). Thực
ra, sự tĩnh lặng không xa rời khỏi sự chiếu sáng, và sự
chiếu sáng [không xa] khỏi sự tĩnh lặng. Chúng là một và
là cùng một thứ. Ngay cả trứơc khi mọi niệm, và mọi liên
hệ tâm thức được đặt xuống để an nghỉ, cái biết đã
rất là cực kỳ trực tiếp, tinh tế, và sắc bén. Nói cách
khác, cái tánh biết chiếu sáng xuất hiện không xa lìa khỏi
cái tĩnh lặng thâm sâu.
Tại
sao lại thế? Khi tâm đã lắng xuống và an tỉnh, các niệm
phân biệt biến mất; khi niệm phân biệt biến mất, thì cũng
biến mất luôn các hạn chế khả nghiệm của quá khứ, hiện
tại và tương lai, của trong và ngòai, của cái này và cái
kia, của ta và người khác. Với không còn một chỉ số nào
để ghi dấu mốc sự trôi qua, thế là thời gian không có
thể hiện hữu nữa. Tương tự, với không còn một biên giới
lăng xăng nào giữa cái ta và người khác, giữa cái này và
cái nọ, nên sẽ không còn hạn chế nào hay hệ quy chiếu
nào để định nghĩa không gian nữa; do vậy việc lập biên
giới không gian cũng không còn hiện hữu nữa. Cái tánh biết
chiếu sáng của mặc chiếu không bị hạn chế bởi bất cứ
thứ gì, bởi vì không có niệm nào về “cái tôi” hay bất
cứ dính mắc nào các hình tướng, mà các hình tứơng này
sẽ cách biệt tâm và môi trường. Tâm của bạn thì y hệt
như một tấm gương không biên giới, mà, cho dù chính nó bất
động, gương này phản chiếu mọi thứ, hệt như nó là. Không
có chi tiết nào bị lọai trừ ra; không có gì bị ngăn che
lại. Tấm gương và thế giới nó phản chiếu thì hòa vào
nhau một cách tòan hảo như là bất khả tách biệt.
Ngài
Hoằng Trí Chánh Giác so sánh trạng thái này như mặt hồ mùa
thu, hay bầu trời mùa thu. Với khí trời mát và khô của mùa
thu, hồ nước lắng đọng, trở thành rất mực tĩnh lặng
và trong trẻo, tới nổi bạn có thể thấy cá lơ lửng dưới
các chiều sâu; bầu trời thì rất cao và quang đãng tới nổi
bạn có thể thấy các cánh chim bay dịu dàng trên bầu trời
xanh. Ngài cũng so sánh nó với mặt trăng mùa thu, chiếu sáng
trong trẻo và cao tới nổi mọi thứ dưới đất được chiếu
sáng bởi ánh trăng dịu và mát.
Trong
một số phương diện, mặc chiếu, với dị biệt giữa tĩnh
lặng và chiếu sáng, giữa lặng lẽ và quan sát, thì gợi
lại pháp môn Phật Giáo kinh điển về Chỉ Quán, đặc biệt
như được công thức hóa bởi trường phái Thiên Thai Tông
của Trung Quốc. Nhà sư Trí Khải (538-597) của Thiên Thai Tông
viết trong cuốn Đại Chỉ Quán của sư như sau:
Học
nhân hãy trọn lòng tin rằng tâm này chính nó là Pháp Tánh.
Khi niệm khởi lên, thì đó chỉ là Pháp Tánh khởi lên. Khi
niệm diệt đi, thì đó chỉ là Pháp Tánh biến đi… Trở
về tận gốc, trở lại về nguồn, Pháp Tánh tự nó là sự
tĩnh lặng tòan diện. Điều này gọi là “chỉ” (an định).
Khi tu pháp Chỉ như cách này, tất cả hành vi niệm tưởng
trứơc đó đều ngừng lại. Trong pháp tu Quán, hãy quán tưởng
rằng, nguyên khởi, tâm vô minh thì đồng nhất với Pháp Tánh.
Do vậy, nơi tận gốc của nó, nó là sự rỗng vắng tận
nền tảng. Tòan bộ các hành vi thiện và ác khởi lên
từ niệm mê vọng thì y hệt như không gian rỗng vắng. Hai
pháp tu này thì tuyệt nhiên không hai. Chúng không dị biệt
nhau gì cả.
Trong
các hệ thống Phật Giáo Aán Độ cổ điển, chỉ (samatha)
và quán (vipasyana) thường được tu tập riêng biệt nhau. Thí
dụ, kỹ thuật như ngũ đình tâm quán (năm phương pháp làm
tâm tĩnh lặng) hay là pháp quán tưởng các đĩa màu có tên
là kasinas có thể được sử dụng lúc đầu để đạt sự
tĩnh lặng sâu và nhập định. Một khi định lực đã có
được, thì phương pháp quán có thể áp dụng, như pháp tứ
niệm xứ. Xuyên qua pháp sau này [tứ niệm xứ], tuệ giải
thóat được phát triển. Dần dần, sau khi sức định sâu
hơn, và tuệ giác bén hơn, các chức năng này hòa vào nhau
và giác ngộ sâu thẳm xảy ra. Trong Đại Thừa, điều này
gọi là “chánh định, xa lìa vọng tưởng” hay là “tối
thượng tam muội” (the most supreme of supra- mundane samadhis).
Thành tựu như thế chỉ tới từ một sự giác ngộ tòan triệt,
thâm sâu, không phải các kinh nghiệm tiểu ngộ ngắn hạn
có ảnh hưởng hạn chế. Mặc dù đường đi tới pháp chánh
định này thì lâu dài và chậm, nhưng một khi đạt được,
thì nó không bao giờ lặn mất. Chánh định này liên tục
hiển lộ trong bạn, và xuyên qua sức mạnh của trí tuệ và
năng lực sinh khởi từ chánh định này, bạn có thể làm
việc như một tâm nguyện bồ tát để giúp chúng sinh khác.
Mặc
dù chúng ta đã phân biệt hai phương diện của mặc chiếu
nhằm làm sáng tỏ pháp tu này, nhưng thực tế lại không chính
xác khi xem mặc và chiếu như hai cái riêng biệt. Vì nếu làm
thế, thì đã diễn dịch sai pháp tu đúng của mặc chiếu,
cũng như là con đường đốn ngộ của Thiền. Để khởi sự,
tỉnh lặng và chiếu sáng thì không thể tách rời nhau, và
phải hiện hữu đồng thời: Trong cái chiếu chân thật, bạn
đã buông hết việc dính mắc theo các niệm và cảm thọ,
và một cách trực tiếp đón nhận vạn pháp, do vậy một
cách đồng thời đưa tâm về chỗ tỉnh lặng hòan tòan. Rồi,
một lần nữa, trong cái tỉnh lặng và làm an hết các niệm,
thì những dính mắc vào các đối tượng và hình tướng đặc
biệt đều sẽ biến mất, và tánh biết hiện ra chiếu sáng
vạn pháp một cách phổ quát mà không bị ngăn che. Do vậy,
bạn luôn luôn mặc và chiếu một cách đồng thời, trong một
và cùng khỏanh khắc đó của cái biết.
Sẽ
nhầm lẫn khi nghĩ rằng bạn trước tiên phải thiết lập
bình an nội tâm, và chỉ lúc đó, mới ứng dụng cái tỉnh
biết mở ngõ. Khi tâm trở nên sáng rõ hơn, nó trở thành
rỗng hơn và lặng hơn, và khi nó trở thành rỗng hơn và lặng
hơn, thì nó sáng rõ hơn. Khi bạn càng quên đi các nỗ lực
giả tạo trong việc bồi đắp sự tỉnh lặng và sự chiếu
sáng, thì tâm càng trở thành tỉnh lặng hơn và chiếu sáng
hơn. Nhưng một điểm cũng cốt tủy tương đương để ghi
nhớ về mặc chiếu lại là, theo Thiền Tông, tâm trong tự
tánh đã sẵn tỉnh lặng, rỗng vắng và chiếu sáng. Nó không
cần bồi đắp tí nào. Khi càng ra sức nỗ lực ngăn niệm,
hay cố gắng làm sáng tâm hơn, thì chỉ chồng chất thêm mê
vọng lên trên mê vọng. Nếu có bất cứ kiểu nào gọi là
tu tập “một kỹ thuật” về mặc chiếu, thì nó lại không
phải mặc chiếu chút nào, nhưng chỉ là dính mắc và phân
biệt mạnh mẽ thôi. Đây là thông điệp chân thực của Thiền
Tông về mặc chiếu: Nó là một phương pháp không phương
pháp. Trong mặc chiếu, nhân (tu tập) và quả (giác ngộ) trong
tận cùng thì không hề tách rời nhau.
Khái
niệm và pháp tu mặc chiếu được mô tả khá rõ bởi hai
dòng trong Kinh Kim Cương:
Hãy
để tâm này sinh khởi: không trụ [tâm] vào bất cứ gì.
Trong
tu tập mặc chiếu, bạn sẽ không nắm lấy hay trụ vào bất
cứ phương diện nào của thân, tâm, hay môi trường (cảnh).
Do vậy, như kinh nói, bạn chỉ đơn giản “không trụ vào
bất cứ gì hết.” Nếu bạn chỉ riêng nhấn mạnh phương
diện này, bạn có thể làm tâm bình lặng, và vào các tầng
định tâm được mô tả trong truyền thống Nam Tông. Trong
các trạng thái này, có sự tỉnh lặng sâu thẳm, nhưng lại
rất ít hay không có sự chiếu sáng, vì tâm vẫn còn bị buộc
vào một hình tướng cụ thể – tức là, sự tỉnh lặng
(stillness) và sự vô tướng (formlessness). Khả năng của nó
để chiếu sáng một cách phổ quát, hoặc khả năng biết
về vạn pháp lại bị ngăn che bởi sự dính mắc vào niệm
về tánh không. Trong mặc chiếu chân thực, có sự chiếu sáng
thêm vào sự tỉnh lặng, một cách chính xác bởi vì tâm không
an trú vào bất kỳ niệm nào về sự tỉnh lặng hay về tánh
không. Thiền gia phải buông bỏ cả mọi khái niệm về nắm
lấy và về không nắm lấy, về buông xả và về không buông
xả: đây mới là “vô trụ” chân thực. Vô trụ không dính
gì tới chuyện [các căn] bỏ chạy hay cách ly với môi trừơng
[cảnh]. Nó có nghĩa là buông xả dính mắc thiên lệch, và
thấy không ngăn ngại thẳng vào các vật, và đón nhận cái
tòan thể, để cho bạn tỉnh biết về vạn pháp, cả trong
và ngòai, y hệt như nó đang là. Vì lý do này, kinh viết, “Hãy
cứ để cho tâm sinh khởi và năng động.”
Ngài
Huệ Năng đưa ra một giải thích về pháp tu này và quan hệ
của nó với Thiền trong Kinh Pháp Bảo Đàn:
“Kẻ
mê chấp pháp tướng, chấp nhất hạnh tam muội, cứ nói ngồi
yên chẳng động, vọng chẳng khởi nơi tâm tức là nhất
hạnh tam muội; kiến giải như vậy đồng với vô tình, đó
là nhân duyên chướng đạo. Thiện tri thức, đạo cần phải
linh động, chớ nên làm cho ngăn trệ. Tâm chẳng trụ pháp
thì đạo được linh động, tâm nếu trụ pháp, gọi là tự
trói.” (Phẩm Định Huệ. Theo bản dịch Kinh Pháp Bảo Đàn
của cố Hòa Thượng Duy Lực.)
Vào
các thời kỳ đầu của pháp môn mặc chiếu, việc buông xả
và chiếu sáng này là một niệm, một pháp tu tập đầy nỗ
lực và ý thức – mà pháp tu tập này được sinh khởi từ
khả năng phân biệt của tâm. Do vậy, người tu nương vào
nó, và thực tập với các mong đợi, y hệt như bất kỳ niệm
mê vọng nào. Nhưng khi pháp tu thuần thục được, thì niệm
về pháp tu này biến mất. Khi chúng ta thực sự trở thành
chính chúng ta, và pháp môn của không-pháp-môn thực sự trở
thành không còn phương pháp nào hết, thì đó là mặc và chiếu
chân thực. Tâm không còn dao động hay phân biệt nữa, và
mặc chiếu trở thành tỉnh lặng và chiếu sáng. Đây là Thiền.
(Hết
bản văn.)
Thiền
Công Án
Thiền
sư Genjo Marinello
Thầy
Genjo Marinello là Viện Chủ Chùa Dai Bai Zan Cho Bo Zen Ji tại
Seattle, Hoa Kỳ. Thầy đã tập Thiền từ năm 1975, xuất gia
và thọ giới năm 1980, rồi thọ cụ túc giới năm 1990. Ngòai
việc trách nhiệm các chương trình dạy Thiền ở chùa, Thầy
còn hành nghề Tham Vấn Về Y Tế Tâm Thần và là Giám
Đốc về Tâm Linh (Washington State Licensed Mental Health Counselor
and Spiritual Director) tại khu vực Capitol Hill của Seattle, và
là một thành viên trong hội đồng khoa của đại học Antioch
University. Bài sau đây của Thiền sư Genjo Marinello nói về
pháp tu công án. Chỗ này xin mạn phép góp một ý nhỏ nơi
đây: Thiền sư Genjo Marinello trong bài khuyên rằng nên để
công án nơi bụng, tuy nhiên theo người dịch thấy, nên để
nghi tình về công án ngòai thân, lơ lửng dưới tầm mắt,
sẽ có lợi hơn và sẽ duy trì dễ hơn, nhất là khi rời oai
nghi ngồi, tới một lúc chỗ nào mắt nhìn cũng thấy niệm
nghi tình hiện ra. Nếu thấy khó để niệm ngoài thân, độc
giả cũng không nên để niệm riêng vào một điểm nào trong
thân, mà nên để niệm này ở tòan thân một cách tự nhiên.
Tùy độc giả sẽ thấy cách nào thích hợp. Tham công án khác
với tham thọai đầu. Công
án là một tích truyện, mang trong đó một vấn đề, có khi
mang cả nhiều vấn đề. Còn thọai đầu là công án được
chọn để sẽ hướng về một câu hỏi đơn độc, dễ hướng
tâm hơn. Bài của Genjo Marinello như sau.
(Bắt
đầu bản văn.)
Công
án (koan) là một chữ Nhật tới từ chữ Trung Quốc, kung-
an, có nghĩa là nguyên tắc chung. Đây là một tham khảo tới
các điển hình được dùng làm hướng dẫn đời sống; hay
như trong trừơng hợp Thiền Tông, các công án dùng như chất
xúc tác để đánh thức bản chất thật/sâu thẳm/trong sạch
của bạn. Công án thường kể lại một cuộc gặp gỡ giữa
thầy và trò, trong đó câu hỏi hay câu trả lời của vị
thầy được kể là khai mở bản chất sâu thẳm của vạn
pháp như chúng là thế. Có lẽ, điển hình sớm nhất của
một công án là tới từ câu chuyện, khi Đức Phật lịch
sử cầm lên một cành hoa trước một hội chúng và không
nói một lời. Chuyện kể rằng tất cả hội chúng đều im
lặng và ngơ ngác không hiểu, chỉ trừ Ngài Ca Diếp – chuyện
kể rằng Ngài Ca Diếp đã mỉm cười nhận ra. Cái gì đã
được trao truyền khi Đức Phật cầm lên cánh hoa? Đừng
giải thích nó, hãy cho ta thấy cái đang hiểu của ngươi!
Vị Thiền Sư hét lên như thế. Để làm thế, bạn phải ngay
tức khắc trở thành Đức Phật, Ngài Ca Diếp và bông hoa!
Công
án là một công cụ cao cấp, và không có sức mạnh ẩn tàng
nào ở trong và thuộc về chúng, nhưng lại có thể giúp giác
ngộ khi sử dụng đúng đắn. Tôi từng nghe Thầy Genki (Thiền
Sư và là Viện Chủ) gọi chúng là cái mở nắp lon cho Tâm.
Chúng giống như cái gõ cửa, chúng không có công dụng nào
cả trừ phi được dùng đúng đắn như một công cụ để
gõ vào cửa Tâm của bạn.
Công
án chỉ nên được dùng sau khi bạn đã vào được chánh định
(samadhi). Chánh định là trạng thái của tâm khi tất cả bọt
bèo và sóng (ý niệm, suy nghĩ, cảm thọ, phán đóan) đã im
bặt, và tâm đã trở nên sáng tỏ, lặng lẽ, phản chiếu
một cách tự nhiên, và trôi chảy tự do trong khỏanh khắc
này. Nếu tâm bạn chưa đắc định, thì đừng tu tập gì
với công án. Công án sẽ quậy lên dòng nước của tâm, và
nếu tâm đang sẵn hỗn lọan thì pháp tham công án sẽ chỉ
làm mọi chuyện tệ hơn. Đó là lý do vì sao Thầy Genki chỉ
trao cho công án trong khi vào các kỳ nhập thất Sesshins (có
sách dịch là nhiếp tâm, có thầy nói là tiếp tâm, một kỳ
thất dài nhiều ngày. LND) trong đó học nhân dễ nhập định
hơn.
Nếu
tâm đắc định tới một mức độ nào đó, thì một công
án có thể được dùng để trải dài tâm định của bạn
tới một chiều kích lớn hơn. Bằng cách giải quyết hòan
tất một công án, có nghĩa nói rằng bao trùm câu hỏi/nan
đề với hiểu biết của bạn, thì cái tâm hạn cục sẽ
một cách chậm rãi hay một cách đột ngột được trải rộng
ra và thức tỉnh vào cõi Chân Tâm.
Công
án sẽ KHÔNG được giải đáp. Bất kỳ đáp ứng mô tả
nào, đáp ứng kiểu có/không, hay đáp ứng cái này/cái kia
đều sẽ bị bác bỏ. Dù vậy, không đáp ứng cũng không
tốt. Như thế, làm sao bạn có thể đáp ứng? Khi ý nghĩa
sâu thẳm của công án được hiểu trực tiếp, thì một mảnh
của sự hiểu biết đó sẽ được trình bày dễ dàng.
Thường
thường, không cần gì tới lời nói ngôn ngữ. Một vài cử
chỉ đột khởi hay thi tính cũng là đủ rồi. Đó là lý do
vì sao tôi nói công án không được trả lời, nhưng là được
giải quyết.
Để
tham một công án có nghĩa là để một công án họat động
trên bạn. Một khi một mức độ chánh định đã đạt được,
bạn đưa câu chuyện trong công án, hay câu hỏi công án, vào
tâm. Cách khởi công án vào thích nghi duy nhất là nêu câu
hỏi một cách dịu dàng nhưng liên tục vào ý thức. Đừng
mất thì giờ tìm cách hiểu công án. Hãy để nó trải tâm
của bạn xuyên qua chất vấn này thôi, và đừng có nỗ lực
nào giải đáp nó. Bất kỳ phân tích nào cũng chỉ làm uổng
phí thì giờ, và tận cùng kiểu đó chỉ cao lắm là sản
xuất ra một câu trả lời kiểu chồn hoang, hay là Thiền giả
mạo. Công án là một khí cụ quỷ quái bởi vì chúng nhắm
dụ chúng ta vào chỗ diễn dịch, giải thích, bắt chước
hay phân tích; và rồi, chỉ sau khi chúng ta cạn kiệt hay là
buông bỏ hết mọi kiểu khảo sát điều tra lọai đó, thì
một mức độ thâm sâu hơn của tham cứu mới có thể dò
tới được.
Thường
thường, chỉ khi nào chúng ta có thể thú nhận rằng chúng
ta không biết gì hết, thì pháp tham công án chân thực mới
bắt đầu được. Hãy để công án trong bụng của bạn, nơi
đó có có thể khởi đầu như là bạn đã nuốt một quả
cầu sắt nóng, tới nổi nó không thể bị tiêu hóa hay trục
xuất đi. Thực tế, đôi khi sau nhiều năm tu tập, công án
sẽ làm phần việc của nó, tâm sẽ mở ra trong sự hiểu
biết sâu thẳm dịu dàng, và bất kỳ những đáp ứng trực
tiếp đơn giản nào rồi sẽ như dường xuất hiện hiển
nhiên.
Công
án là các câu hỏi, hay các lời tuyên thuyết mà y hệt như
một thách thức đối với con người bạn, đối với cái
khái niệm nền tảng nhất về tự ngã của bạn.Công án họat
động như lưỡi kiếm đâm vào tự ngã của bạn và [từ
đó] tuôn trào ra là Phật Tánh của bạn. Công việc của hành
giả không phải là tác chiến hay vật lộn với các cú tấn
công này, nhưng là trung hòa chúng. Điều này thực hiện được
bằng cách đưa ra một đáp ứng tự cốt tủy, hồn nhiên,
chân thực.
Bất
cứ khi nào một đáp ứng đối với một công án khởi lên
trong tôi, trước khi vào độc tham (tham vấn riêng giữa Thầy
và trò), tôi để mặc cho nó trôi mất đi; đó là bảo đảm
tốt nhất rằng [cái] đáp ứng khởi lên trong khi độc tham,
hay trước mặt vị Thầy, sẽ là [một đáp ứng] tươi mới.
Bây giờ, thường thì đáp ứng mà tôi trình trong buổi độc
tham thì gần như giống hệt như cái phản ứng lúc đầu của
tôi; tuy nhiên, bằng cách buông bỏ các đáp ứng đầu tiên
và kế tiếp đó, công án có cơ hội tốt nhất để mở rộng
hiểu biết của bạn vào trong sự hiển lộ đầy đủ nhất.
Để
hiểu một công án bằng tâm suy luận của bạn chỉ là phần
nhỏ nhất của những khởi đầu; để hiểu công án kỹ càng
và kỹ càng đầy đủ, với từng mảnh nhỏ của thân tâm
bạn, mới là một khởi đầu tốt. Để đáp ứng với một
công án, chúng ta phải học cách hiển lộ hiểu biết của
mình một cách đơn giản và trực tiếp, không chút do dự.
Hiển lộ đáp ứng của chúng ta nghĩa là đưa ra một phản
chiếu thuần tịnh trong trẻo về cái đang được hướng tới.
Thí
dụ, trả lời công án “Cái gì là tiếng vỗ của một bàn
tay” là sự VẮNG LẶNG: niềm vắng lặng tịch diệt bao trùm
khắp vũ trụ, cái tự thân là Đạo. Nhưng, cái hiểu biết
có phần suy lý này không nói được gì cả. Khi xem như là
một đáp ứng, thì nó đã chết từ lâu. Làm cách nào bạn
cảm nhận niềm vắng lặng tịch diệt này trong từng mảnh
thân tâm bạn, và khi điều này được kinh nghiệm một cách
trực tiếp, thì làm cách nào bạn sẽ hiển lộ được kinh
nghiệm của bạn để cho vị Thầy hài lòng?
Hãy
can đảm, đừng ngồi yên và đông lạnh; ít nhất hãy nói,
“Con không biết.” Bất kỳ đáp ứng nào bị Thầy
bác bỏ đều sẽ khép lại một ngõ hẹp không tới đâu,
hay là sẽ đẩy bạn tới một vài hướng mới. Từ từ, vị
Thầy sẽ giúp gạt bỏ mọi đáp ứng, chỉ trừ một phản
chiếu thuần tịnh trong trẻo về cái đang được hướng tới.
Mỗi công án đòi hỏi một đáp ứng riêng biệt, độc đáo,
trong khung của câu hỏi. Nếu một công án hệt như một
tay quyền đánh vào đầu, thì sẽ vô dụng khi đáp ứng bằng
cú đá vào ống quyển. Nếu Thầy đòi có một quả táo, hãy
mang tới đủ thứ riêng của bạn; nhưng hãy hiểu rằng một
quả cam hay một ổ bánh mì sẽ không đáp ứng được.
Công
án thì hệt như hạt giống của tỉnh ngộ. Đôi khi có một
thời gian dài lâu để trưởng dưỡng gian nan, đôi khi thời
kỳ trưởng dưỡng này ngắn và trực tiếp. Luôn luôn, chúng
ta vẫn cứ chờ đợi trái từ đáp ứng của người nào đó
chín cây và rụng xuống đúng thời. Để giải quyết trọn
vẹn một công án, bạn phải để cho nó lớn lên trọn vẹn;
một công án phải tự hiển lộ nó ra. Để nuôi dưỡng và
chăm sóc cho một công án, hãy một cách đơn giản và liên
tục kích vào cái chăm chú tỉnh biết của bạn cái cốt tủy
của “câu hỏi” hay của “cuộc trực diện” đó.
Thí
dụ, nếu công án là “Hãy mang cho tôi tự tánh của tiếng
chuông chùa,” thì trước tiên, chúng ta phải sửa sọan cái
nền đất nơi mà công án sẽ được trồng vào bằng cách
nhập định (tình trạng khi tâm bạn một cách hòan tòan, một
cách tự nhiên tỉnh lặng, quân bình, và tỉnh giác tròn đầy
trong cái khỏanh khắc mà các hành họat của bạn trôi chảy
dễ dàng như nước chảy xuống đồi). Một khi hành họat
an định đã thiết lập (ở cả các oai nghi: ngồi, tức tọa
thiền; đi bộ, tức kinh hành; làm việc), chúng ta trồng công
án vào một cách dịu dàng, một cách liên tục và một cách
chăm chú bằng cách đưa công án vào sự tỉnh giác của bạn,
và đặt nó an nghỉ trong bụng mình. Nơi đó nó sẽ mọc lên
và lớn dậy mà không cần thêm bất kỳ nỗ lực nào của
bạn.
Trong
thí dụ đi tìm tự tánh của tiếng chuông chùa, chúng ta hãy
để cho tiếng chuông chùa vọng lên trong bụng của bạn, cho
tới khi nó có thể trôi ra khỏi người chúng ta mà không có
bất kỳ phân biệt suy lý nào, không bất kỳ phân tích hay
do dự suy lý nào. Vào khỏanh khắc của tỉnh ngộ, quả trái
của công án sẽ tự nhiên đứt rời khỏi chúng ta như là
một đáp ứng rõ ràng vang vọng mà không chút màu mè nào
về “nó” hay “tôi.”
Không
có gì sẽ tách rời hành giả và tiếng chuông; chúng sẽ là
một, mà không có can thiệp nào từ ý thức phân biệt.
Qua
nhiều năm tu tập công án với 4 Thiền Sư khác nhau, tôi đã
hiểu rằng công an có thể chia làm 5 lọai khác nhau. Thực
sự, cũng có thể chia chi tiết thêm nhiều nhóm phụ nữa,
và tất cả trong tận cùng đều vô nghĩa, một công án chỉ
là một công án thôi. Tuy nhiên, để tìm cách giải thích về
cách tu công án, tôi nghĩ nên chia làm 5 nhóm sau.
Một
số công án đòi hỏi hành giả buông bỏ các hàng rào giữa
bạn và thiên nhiên [quanh bạn]. Những công án như hãy mang
cho tôi tiếng mưa rơi, tự tánh của đóa hoa, hay một ngọn
núi trên một sợi dây thừng, tất cả đều đẩy học nhân
vào hướng của sự tỉnh giác mở rộng.
Các
công án khác thì đòi hỏi hành giả buông bỏ các rào cản
khái niệm và giả tạo đang dựng lên giữa chính bạn và
Phật. Các công án như, hãy mang cho tôi tự tánh của pho tượng
[Phật] đứng trên bàn thờ kia, hãy đưa cho tôi xem yếu nghĩa
việc làm của Thiền Sư (Câu Chi, Sư Ngạn, Lâm Tế…); hay
là khi hàm răng của ngươi cắn vào cành cây giữa bờ vực
mà tay chân đều không bám đâu được, làm sao ngươi trả
lời một câu hỏi chân thành xin giải bày pháp yếu (Chân
Lý/ Ý chỉ tổ sư)?
Một
số công án đòi hỏi hành giả mở hết các cửa về đời
người bằng cách yêu cầu “hãy mang tới cho ta tự tánh của
lão già (hay [của] phụ nữ, đứa trẻ, hài nhi, thằng bịp,
tên ngốc, pháp sư, nhà sư, thầy giáo, cái chết, sự sinh,
bạn hữu, kẻ thù, niềm vui, nỗi buồn).”
Một
số công án đòi hỏi hành giả hiển lộ Đạo trong tự thân
(nền tảng của Thực Tại, cái vượt qua sinh tử, qua tướng
và vô tướng, qua đúng và sau, qua âm và dương, qua nam và
nữ, và qua mọi nhị nguyên khác). Các công án đưa học nhân
trải tỉnh giác về chiều hướng này có thể hỏi như “cái
gì là tiếng vỗ của một bàn tay,” hay là “hãy chỉ ra
yếu nghĩa của Mu [Vô],” hay là “hãy đưa cho ta xem cái cội
nguồn của đất, nước, gió, lửa.”
Cuối
cùng, có những công án đòi hỏi hành giả đưa nó vào chung
nhau, và hiển lộ các hành vi bình thường như là các hành
vi giác ngộ trọn vẹn. Các công án đẩy chúng ta vào lối
này có thể là yêu cầu “hãy hiển lộ chân tánh của khắp
pháp giới trong khi rửa chén,” hay là “ngươi sẽ làm gì
sau khi ngươi tới đỉnh cột cao trăm trượng (sau khi ngộ
thì cái gì),” hay là “làm sao ngươi leo ngọn núi Phật,”
hay là “vô vị chân nhân của Thầy Lâm Tế bây giờ đang
ở đâu.”
Tất
cả các công án đều đòi hỏi chúng ta tỉnh ngộ hiện tiền,
và sống trọn vẹn cái hiện tiền mà không cón màng lọc
nào giữa chúng ta và phần còn lại của thực tại.
Khi
thiền công án được tu tập đúng hướng, chúng ta sẽ khám
phá rằng chính đời sống chúng ta là công án lớn nhất của
mọi công án. Bất kỳ trở ngại nào hay hòan cảnh nào có
vẻ như tách rời chúng ta xa khỏi chính chúng ta, hay xa khỏi
bất kỳ ai hay bất kỳ vật gì khác, đều có thể được
dùng như một công án. Hãy đưa trở ngại hay nan đề đó
vào tâm bạn, như cách đã mô tả trên, và chờ cho nó chín
cây, và rụng xuống mà không cần tìm cách sửa chữa, thay
đổi hay phân tích nó. Bạn sẽ khám phá rằng tất cả các
trở ngại đề là ảo giác của kiểu này hay kiểu khác.
Để
thấy thực tại một cách rõ ràng là hãy gỡ bỏ hết mọi
rào cản bên trong bạn, và giữa tự ngã của bạn và mọi
thứ khác với nó. Tam Tổ của Thiền Tông nói rằng không
hề có gì cách biệt hay bị lọai trừ ra, vạn pháp vẫn chuyển
động và đan vào nhau mà không phân biệt gì.
Thí
dụ, tôi thường bị ám ảnh bởi nhiều lọai niệm cứ như
dường lập đi lập lại không ngừng; nhưng rồi, nếu tôi
lui lại khỏi các lọai niệm đó, hay là [lui khỏi] nỗi đau
đớn, và giữ nó một cách dịu dàng và chăm chú trong bụng
hay trên đùi, rồi trong một trật tự tương đối ngắn thì
đợt sóng niệm này hay nỗi đau đớn đó sẽ tan biến đi,
đôi khi lại hiển lộ ra một câu chuyện hay một chân lý
trước đó chưa thấy, đôi khi chỉ là tan biến đi mà không
còn vết tích nào. Đôi khi sự nhẹ gánh này chỉ là tạm
thời, đôi khi là vĩnh viễn, nhưng luôn luôn với sự tỉnh
giác chăm chú dịu dàng thì nó giải quyết xong, hay ít nhất
có tiến triển. Một lần, tôi được hỏi là có phải đáp
ứng với một công án thì y hệt như đóng kịch không, và
tôi nói: “Vâng, y hệt như đóng kịch giỏi, nơi mà, trong
sự chân thành thuần tịnh, không có gì cách biệt người
diễn viên với vai trò đang được đóng.”
(Hết
bản văn.)
Yếu
Chỉ Tu Chứng Cho Người Sơ Học
Thiền
Sư Hám Sơn Đức Thanh
Thiền
Sư Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623) là một vị thầy lớn trong
Thiền Tông Trung Hoa. Năm 7 tuổi, cậu bé đã quan tâm về ý
nghĩa sống và chết. Năm 9 tuổi, cậu rời nhà để vào chùa
Báo Ân tu học, nơi vị trụ trì là Hòa Thượng Tây Lâm đang
giữ chức Gián Nghị tại triều đình nên khuyến khích các
học tăng học cả Tam Giáo – Phật, Nho, Lão. Tới năm 19 tuổi,
ngài xuống tóc, chính thức xuất gia. Năm sau, ngài dự khóa
thiền thất do Thiền Sư Vân Cốc mở tại chùa Thiên Giới,
được trao cho tham công án, “Ai đang niệm Phật?” Trong 3
tháng liền, tâm ngài Hám Sơn không khởi một niệm, như sống
trong mộng, không thấy đại chúng chung quanh…
Một
lần, ngài hốt nhiên hiểu thông giáo lý tương tức trong khi
nghe giảng về Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka Sutra) và bộ luận Thập
Huyền Môn (The Ten Wondrous Gates). Một thời gian sau, ngài lại
trải qua một kinh nghiệm chứng ngộ thâm sâu khác tại Ngũ
Đài Sơn, khi ngài đọc bộ luận Vật Bất Thiên (Things Do
Not Move, Vật Không Hề Chuyển Động) trong tập Triệu
Luận (Book of Chao). Ngài sau đó còn trải qua nhiều lần
ngộ đạo nữa.
Sau
khi viên tịch, nhục thân ngài vẫn trụ trong tư thế ngồi
kiết già, đưa về thờ tại Chùa Nam Hoa, bên cạnh nhục thân
của Lục Tổ Huệ Năng. Ngài Hám Sơn đã viết chú giải nhiều
kinh luận. Khi hoằng pháp, ngài dạy cho tứ chúng cả Tịnh
Độ Tông, khuyến khích lập các pháp hội Niệm Phật.
Bản
Việt dịch dưới đây dựa theo “Essentials of Practice and Enlightenment
for Beginners,” bản Anh dịch của Guo-gu Shi. Bài viết cô đọng
của ngài Hám Sơn gồm ba phần, và sẽ được dịch tòan văn
nơi đây.
(Bắt
đầu bản văn.)
I.
Cách Để Tu Tập và Đạt Ngộ
Về
cội rễ và nhân duyên của Đại Sự này, [cái Tánh Phật
này] thì đã nằm sẵn trong mọi người; do vậy, nó đã viên
mãn bên trong ngươi, không thiếu gì cả. Điều khó chính là,
từ vô thỉ, hạt giống mê đắm, vọng niệm, thọ tưởng
chấp thủ, và tập quán sâu dày đã ngăn che tánh sáng chiếu
diệu này. Ngươi không có thể thực chứng nó bởi vì ngươi
đang chìm đắm trong vọng niệm rời rạc về thân, tâm và
pháp giới, miệt mài phân biệt và say đắm [về cái này và
cái kia]. Vì các lẽ đó, ngươi cứ luân hồi sinh tử bất
tận.
Nhưng,
tất cả chư Phật và chư tổ đã xuất hiện trong đời, dùng
vô lượng lời nói và các phương tiện thiện xảo để giảng
nghĩa về Thiền và làm sáng tỏ tông nghĩa. Để thích ứng
với các căn cơ chúng sinh khác nhau, tất cả các phương tiện
thiện xảo hệt như công cụ để nghiền nát cái tâm lăng
xăng dính mắc, và chứng ngộ rằng ngay từ khởi thủy vốn
thật không có cái gì gọi là “các pháp” (dharmas: vật)
hay là [trong ý nghĩa của] “cái ngã” (self).