Ngài
Triệu Châu nói: Ba mươi năm chẳng tạp dụng tâm, trừ mặc
áo ăn cơm là tạp dụng tâm.
BÌNH:
Chẳng phải chẳng dụng tâm mà là chẳng dụng tạp tâm, chỗ
gọi là: “Để tâm một chỗ không việc nào chẳng xong”.
٭
Ngài
Triệu Châu nói: Ông chỉ cần tham cứu lý đạo, ngồi khán
hai ba mươi năm, nếu chẳng hội, cứ chặt đầu lão Tăng
đi!
BÌNH:
Triệu Châu sao gấp quá vậy! Mặc dầu như thế, năm tháng
dài tìm một người hai ba mươi năm tâm không đổi khác cũng
khó có.
٭
Ngài
Triệu Châu nói: Lão Tăng lúc mười tám tuổi đã biết phá
sạch gia sản.
Lại
nói: Ta thuở xưa bị mười hai thời sai sử, hiện nay sai sử
được mười hai thời.
BÌNH:
Ở trên gia sản làm kế sống thì bị mười hai thời sai sử.
Phá được gia sản thì sai sử được mười hai thời. Chợt
có một vị Tăng hỏi: “Cái gì là gia sản?” Bác Sơn tôi
đáp: “Cởi bỏ cái đảy da đi, ta sẽ nói cho ông nghe”.
٭
Ngài
Triệu Châu nói: Nếu ông một đời chẳng rời Tòng lâm, chẳng
nói năm năm, mười năm, không có người gọi ông làm người
câm, về sau, Phật cũng không làm gì được ông.
BÌNH:
“Chẳng nói” tức là chẳng tạp dụng tâm. Nếu chẳng nhằm
dưới y áo tham cứu lý thì rất cách xa vậy.
٭
Thiên
Thai Thiều Quốc Sư nói: Dẫu cho đáp thoại, biện luận như
sông dài cũng chỉ thành cái tri kiến điên đảo. Nếu chỉ
quý đáp thoại, biện luận thì có gì khó đâu, chỉ e vô
ích đối với người, trở lại thành tự dối.
BÌNH:
Người bây giờ học được một bụng, bình thường hỏi
đi đáp lại, đem Phật pháp làm trò đùa, chẳng những vô
ích, phần nhiều thành tội lỗi, mà nay phóng túng ngữ ngôn
rỗng tuếch cho là tông thừa. Xem lời của cổ nhân nói, da
mặt dày bao nhiêu!
٭
Quốc
Sư nói: Sở học trước kia của các Thượng tọa biện luận,
vấn đáp, ghi nhớ, nói đạo lý rất nhiều, vì sao cái tâm
nghi chẳng dứt, nghe nói phương tiện đặc biệt của cổ
nhân mà chẳng hội, chỉ vì nhiều hư dối mà ít chân thật.
BÌNH:
Biện luận, ghi nhớ đều thuộc về duyên lự, gốc sanh tử
chẳng chặt đứt, làm sao hội được ý của cổ nhân, vì
thế nói: Lời huyền diệu kẹt nơi đầu tâm, trở lại thành
ra duyên lự; lý chân thật ở trước mắt lại trở thành
cảnh danh tướng.
٭
Quốc
Sư nói: Thượng tọa chi bằng từ dưới gót chân nhất thời
nhìn rõ xem đó là đạo lý gì, có bao nhiêu pháp môn làm Thượng
tọa nghi, cầu giải thích mới biết sở học trước kia chỉ
là cội nguồn sanh tử, làm kế sống trong ngũ ấm, thập bát
giới, vì thế cổ nhân nói: “Chẳng thoát ra kiến, văn, như
mò trăng đáy nước”.
BÌNH:
Kiến, văn, duyên lự, người nào chẳng có, song cần phải
có sự chuyển biến lớn lao mới được. Nếu chẳng cùng
với công phu tương ưng, xuyên suốt qua cung thủy tinh thì trọn
chẳng dính dáng. Cổ Đức nói: “Tri giải nhập vào tâm như
đổ dầu vào bún không làm sao lấy ra được, phải nên thận
trọng”.
٭
Thiền
sư Thiệu Nham nói: Này chư nhân giả! Hôm nay Quốc chủ đến
thỉnh chỉ muốn chư nhân giả minh tâm, ngoài ra không có đạo
lý nào khác. Chư nhân giả có minh tâm chưa? Phải chăng là
lúc ngữ ngôn nói cười, lúc nín thinh im lặng, lúc tham tầm
Thiện tri thức, lúc đạo bạn thương lượng, lúc du ngoạn
sơn thủy, lúc tai mắt bặt dứt đối cảnh là tâm của ông
chăng? Những kiến giải như trên đều là chỗ chấp của
ma mị, đâu phải minh tâm?
BÌNH:
Nói chẳng phải, nín chẳng phải, thấy nghe chẳng phải, lìa
thấy nghe cũng chẳng phải, làm sao hội? Chỉ cần thiền giả
chớ nắm bắt bậy bạ là tốt.
٭
Ngài
Thiệu Nam nói: Còn có một bọn người lìa vọng tưởng trong
thân ra, riêng nhận mười phương thế giới bao hàm nhật nguyệt,
thái hư là bổn lai chân tâm, đây cũng là chỗ chấp của
ngoại đạo, chứ chẳng phải minh tâm.
BÌNH:
Đây gọi là Thiên Không ngoại đạo, lại đâu có được
thân tâm nhứt như, ngoài thân không thừa ư? Chính người
tham thiền ngày nay chẳng từng gặp Thiện tri thức, tự mình
làm chủ tể, phần nhiều rơi vào kiến chấp này.
٭
Lại
nữa, chư nhân giả muốn hội chăng? Tâm không “Phải”,
cũng không “Chẳng phải”. Ông tính chấp nhận có thể được
sao?
BÌNH:
Hai thứ trước đều là bệnh, lỗi ở tại hai chữ chấp
nhận. Đoạn trước là thuốc, chỉ cần không chấp nhận
là “Phải” và “Chẳng phải” thì bệnh liền lành.
٭
Thiền
sư Thoại Lộc nói: Đại phàm, tham học vị tất học vấn
thoại là tham học, vị tất học đại ngữ là tham học, vĩ
tất học biệt ngữ là tham học, vị tất hiểu rõ ngôn ngữ
kỳ đặc trong kinh luận là tham học. Nếu tham học như vậy,
mặc cho ông thông đạt đến mức nào đi nữa, đối với
Phật pháp nếu không thấy rõ ràng (kiến tánh) thì gọi đó
là bọn Càn Huệ. Đâu chẳng nghe: “Thông minh chẳng địch
nổi sanh tử, càn huệ há thoát khỏi cái khổ luân hồi”.
BÌNH:
Người thời nay đều như vậy, đúng là bỏ vàng ròng, lượm
ngói gạch; chẳng chịu chân thật tham cứu, phóng túng tam
muội đầu mồm. Như Hương Nghiêm, hỏi một đáp mười, hỏi
mười đáp trăm, chẳng phải người thông đạt sao, mà ở
trong Phật pháp không thấy gì cả, chỉ một câu “Trước
khi cha mẹ chưa sanh”, không biết phải làm thế nào. Bọn
học ngữ ngày nay hãy nói xem giúp được cái gì?
٭
Thiền
sư Thoại Lộc nói: Nếu là tham học, cần phải chân thật
tham học mới được, lúc đi thì đi tham, lúc đứng thì đứng
tham, lúc ngồi thì ngồi tham, lúc ngủ cũng tham, lúc nói cũng
tham, lúc nín cũng tham, lúc đang làm công việc cũng tham. Lúc
nào cũng tham như thế, hãy nói: Người tham là ai? Cái lời
tham cái lời gì? Đến chỗ này, cần phải tự có chỗ minh
bạch mới được. Nếu chẳng như vậy, gọi là bọn vội
vàng hấp tấp ắt không có chỉ thú cứu cánh.