III.
TÔI ĐÃ HỌC ĐƯỢC GÌ NƠI TỒ SƯ
PADMASAMBHAVA, NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO PHẬT VÀO TÂY TẠNG Ở THẾ KỶ THỨ VIII.
[^]
Hơi thở, tất
cả, tất cả hơi thở là diệu dụng của tâm, là diệu
tác của tâm thức, bao trùm cả sum la vạn tượng, chuyển
vận thoáng nhẹ trong chim non mới đẻ, mắp máy dịu dàng
trong trái tim viễn ly của người tu kín. Cuộc đời con
người chỉ thực sự có ý nghĩa khi hơi thở mình trở
nên thơm ngát như mùi sen nở. Hơi thở đến với mình
vào lúc mình đậu trong lòng mẹ, thai tạng hữu hình trong
Thai Tạng vô hình; thai tạng tinh khiết trong sạch thì được
gọi là bông sen; trong ngôn ngữ Mật tông thì chỗ kín
của đàn bà, con gái, hay của tiên nữ cũng gọi là
"padma" (chữ Phạn có nghĩa là: bông sen).
Padmasambhava, tên chữ Phạn, có nghĩa: "sinh từ bông
sen" (vì thế người Tàu mới dịch Padmasambhava là
"Liên hoa sinh").
Khi hơi thở trở nên thơm
ngát thì đó là lúc viễn ly tính bắt đầu thấp thoáng
như mùi sen nở, và cái "tôi" bắt đầu bỏ đi
mất để chỗ trống cho sự hoạt hiện vi diệu của những
thế lực vô hình. Padmasambhava là cái tên để gợi và
để gọi một hơi thở liên tục phi thường phát sinh từ
bông sen tâm chuyển; Padmasambhava là cái tên thu liễm, hội
tụ, thu phối, tập trung lại tất cả thế lực mãnh liệt
nhất của thần trí: chỉ cần gọi tên Padmasambhava liên tục,
ít nhất một trăm ngàn lần hay năm trăm ngàn lần, thì
hơi thở trở nên thơm phức như mùi sen nở. Thực ra,
tất cả đều xảy ra đồng lúc và không có thời gian kế
tiếp; mặc dù, Padmasambhava xuất hiện ở Tây Tạng vào
thế kỷ thứ tám Tây lịch, nhưng đứng về mặt hoạt
hiện linh diệu của những thế lực vô hình thì Padmasambhava
xuất hiện đồng thời với tên gọi, đồng thời với
tâm thức mình, đồng thời với hơi thở, đồng thời
với bông sen nở, đồng thời với giây phút khoảnh
khắc hiện tại này. Mỗi giây phút hiện tại đều là
"sư phụ" của mình, "đạo sư" của mình. Mỗi
ngày phút hiện tại xuất hiện một cách sung mãn trọn
vẹn thì chính Padmasambhava thị hiện trên đỉnh đầu mình.
Cái tên Padmasambhava đốt cháy không gian và thời gian
thành tro bụi, và trong một mảy may tro bụi thì xuất hiện
tam thiên đại thiên thế giới, trong một mảy may tro bụi
lại xuất hiện hằng hà sa số chư Phật đang ngồi đạo
tràng nhập định và phóng vô lượng quang minh thuyết
pháp. Đây không phải là "mỹ từ pháp" mà là
"vỉễn ly pháp"; đây không phải là chuyện
"thần thoại hoang đường" mà là "như thực
ngữ", và "như thực ngữ" nhiều khi được
ẩn giấu bí mật qua những gì mà người ta cho là
"thần thoại hoang đường". Có một sự thực khác
ngoài sự thực lịch sử, có một sự thực nào đó
bên ngoài tất cả mọi sự thực, đó là sự thực về
sự cô độc cùng cực mà thuật ngữ Lăng Già và Bát
Nhã gọi là "viviktadharma", "viễn ly pháp"
(chữ Phạn "vivikta" có nghĩa là "cô độc,
biệt lập, xa cách, tách rời"). "Viễn ly pháp"
cũng là cái tên khác của Không Tính mà Padmasambhava là
Ứng thân, Hóa thân, Ứng hóa thân; và chính Padmasambhava
xuất phát từ Báo thân là Phật A Di Đà (Phật Vô
lượng quang cũng gọi là:Vô biên quang, Vô xưng quang, Vô
đối quang, Vô ngại quang, Bất đoạn quang, Hoan hỷ quang, Nan
tư quang, Siêu nhật nguyệt quang, Vô lượng thọ.). Trong một
cái tên Padmasambhava đồng lúc thể hiện Tam thân: Pháp
thân (Không tính viễn ly, tịch tĩnh), Báo thân (Phật A Di
Đà) và Ứng hóa thân hiện tại (chính là tâm thức
chuyển ly, tâm thức viễn ly, tâm thức lộng lẫy rực
ngời, trống rỗng mà rực ngời "hơn cả mặt
trời", vì nếu không xuất hiện cái tâm thức trống
rỗng rực ngời thì chẳng có mặt trời nào mọc lên
được ở ngoại giới).
Đi xuống bình nguyên
tầm thường của sử liệu thì có thể giả định rằng
Đạo Phật đã đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ III hay
trước đó nữa; còn theo "chính sử" thì đạo sư
Santarakshita (hay Santaraksita) mới thực sự là người
truyền Đạo Phật vào Tây Tạng vào thế kỷ thứ VIII; tuy
nhiên, theo truyền thống mật sử Tây Tạng thì chính
Padmasambhava mới thực sự là kẻ truyền Mật tông Phật
Giáo vào Tây Tạng đồng thời với santaraksita (chính
Santarakshita yêu cầu vua Tây Tạng thỉnh mời Padmasambhava qua
truyền đạo, vì chỉ có giáo lý mật sự của Padmasambhava
mới chuyển hóa tâm thức con người một cách quyết
liệt hơn). Đối với dân Tây Tạng thì chỉ có Padmasambhava
mới thực sự chính thức là vị Tổ sư đầu tiên truyền
Phật Pháp vào Tây Tạng và được coi như "Đức
Phật thứ hai" (nhiều khi được coi như "vĩ đại
hơn cả Phật Thích Ca Mâu Ni" theo điệu nói cưỡng
ngôn mật nghĩa của Mật tông Tây Tạng). Padmasambhava chẳng
những là Ứng thân của Phật A Di Đà, mà cũng là Hóa
thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, và cũng giống như Quan Thế
âm Bồ Tát, Padmasambhava thường hay hóa hiện qua nhiều
tướng trạng khác nhau để giải cứu chúng sinh.
Theo truyền
thống mật sử Tây Tạng (Padma-bkahi-thang-yig) thì Padmasambhava
có thể hóa hiện qua những hình tướng dị biệt như sau
để dạy đạo, tiêu diệt gian ác vô minh và cứu độ
tất cả:
-
Padmasambhava có thể hóa hiện làm kẻ ăn mày đói rách;
-
Có lúc thì Padmasambhava hóa hiện làm đứa con trai khoảng
tám tuổi;
-
Có lúc thì hóa hiện làm tia chớp lóe sáng bừng lên
giữa trời;
-
Có khi thì hóa hiện làm gió thoảng nhẹ qua nhẹ nhàng
trên mặt đất;
-
Có lúc thì hóa hiện làm một thanh niên đẹp trai đùa
giỡn ve vãn với đàn bà;
-
Có lần lại hóa hiện làm một giai nhân tuyệt trần yêu
đương đàn ông;
-
Có khi thì hóa hiện làm một con chim đậu cành hoa, bay
chuyền hay bay bổng thơ mộng hoặc hót ca líu lo;
-
Có lúc thì hóa hiện làm một con thú vật hay một con sâu
hay một con kiến;
-
Có lần thì hóa hiện làm một lương y hay một kẻ bố thí
giàu sang;
-
Lần khác hóa hiện làm một chiếc tàu, thuyền bè hay cơn
gió thuận chiều để cứu vớt người trên biển cả;
-
Lúc thì biến làm nước lạnh dập tắt lửa;
-
Có lúc hoạt hiện làm thầy dạy kẻ ngu đần, đánh thức
kẻ lười biếng chế ngự mọi ghen tuông bằng những hành
động oanh liệt khác thường ;
-
Khi cần tiêu trừ thói lười biếng uể oải, cơn giận
dữ và lòng thèm khát dâm dật nơi loài người thì hóa
hiện làm Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Kim Cương Thủ
(hay Kim Cương Mật Tích, Kim Cương Thần, Kim Cương Lực Sĩ);
-
Lúc phải đập tan sự ngạo mạn kiêu căng thì hóa thân
chuyển hiện thể nhập Thân, Khẩu và Ý của đức Phật,
tức là Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Thân của Phật;
-
Có lúc cần chiến thắng nghi pháp hay mối ngờ vực hồ
nghi, một trong ngũ ác hay ngũ cái, tức là năm cái nấp
che đậy bưng bít tạo gây phiền não: tham dục sân nhuế
(giận hờn), thụy miên (biếng lười ưa ngủ), trạo hối
(lay động, tiếc nuối, xao xuyến), nghi pháp (nghi hoặc chính
pháp thì Padmasambhava tự chuyển hóa thành Ngữ Phật Như
Lai: Đại Nhật Phật hay Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairochana), Kim
Cang Tát Trụy (Vajrasattva), Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava), A Di
Đà Phật (Amitabha), Bất Không Thành Tựu Phật (Amoghasiddhi).
Padmasambhava là
bậc Đại Chủ về mọi thần thông biến hóa; tùy cơ
nghiệp cảm của chúng sanh mà Padmasambhava hóa thân trong
sáu cõi (thiên, a tu la, người, địa ngục, ngạ quỉ, súc
sinh) để hóa độ. Ngoài những sự hóa hiện bất
thường kể trên vì lợi ích chúng sanh. Padmasambhava
thường khi xuất hiện liên tục qua tám Hóa thân thông
thường mà tất cả dân Tây Tạng đều quen thờ lạy trong
những tu viện, đền chùa hay bàn thờ ở nhà:
I. Guru Padma
Jungna: Bậc Đạo sư được sinh từ bông sen, vì lợi
ích cho tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới);
II. Guru
Padmasambhava: Bậc Đạo sư được sinh ra từ bông sen,
pháp vương. Cứu đời bằng giáo pháp;
III. Guru Padma Gyelpo:
Bậc Đạo sư Chính Vị Vương về Tam tạng kinh điển (kinh,
luật, luận);
IV. Guru
Dogje Dolo: Bậc đạo sư Kim Cương ủy lạo an ủi, phủ uy
vỗ về tất cả chúng sinh trong mọi nghịch cảnh bi đát;
V. Guru Nima
Odzer: Bậc Đạo sư Mặt Trời chiếu rực soi sáng đẩy
lui đêm tối vô minh khổ nạn khắp nơi;
VI. Guru
Sakya Senge Bậc Đạo sư dòng họ Thích Ca, Sư Tử, thể
hiện tám hóa thân trong độc nhất hiện thân;
VII. Guru
Genge Dadola: Bậc đạo sư truyền đạo trong sáu cõi
với tiếng rống oanh liệt của sư tử rừng thiêng;
VIII. Guru
Loten Chog Se: Bậc Đạo sư trao truyền Trí Tuệ cho tất
cả mọi thế giới trong mọi thái dương hệ và thái âm
hệ ở khắp vũ trụ.
Chúng ta đã nhìn thấy gì
trong những hóa thân đa hình đa tướng trên? Chỉ nội một
cái tên Padmasambhava thôi cũng đã gợi cho biết bao nhiêu
liên tưởng vô hạn trong tâm thức của những kẻ
được nuôi dưỡng trong truyền thống Tây Tạng. Đó cũng
là nghĩa linh nghiệm của danh hiệu Đạo sư như trong mọi
cảnh giới trong một câu thần chú linh thiêng rất quen
thuộc ở Tây Tạng gọi sư phụ thần chú: OM AH HUM VAJRA GURU
PADMA SIDDHI HUM. Chúng ta sẽ có nhiều dịp trở lại ý nghĩa
sâu rộng của câu thần chú này.
Tôi đã học
những gì nơi Padmasambhava ?
Không thể kể
ra hết được, vì những gì tôi đã học được nơi
Padmasambhava quả thực là bất tư nghì và vô hạn. Tuy
nhiên, cũng tạm nêu ra mười điều rất ư giản ước sau
đây để châm lửa cho cơn chuyển động toàn diện của
tâm thức đồng điệu:
- Bài học
thứ nhất:
Tất cả mọi
sự xảy ra trong đời đều phát sinh từ những hí lộng
liên tục dị thường của tâm thức;
- Bài học
thứ hai:
Những biến
hiện của tâm thức chính là những hoạt hiện kỳ diệu
của Padmasambhava,
- Bài học
thứ ba:
Padmasambhava
không phải là cái tên một nhân vật lịch sử mà chính
là cái tên để gọi bản tính vô tự tính: thể tính
đích thực của tâm thức viễn ly, lặng lẽ, trong sạch,
siêu việt, trống rỗng và rực sáng.
- Bài học
thứ tư:
Tất cả
những gì xảy ra đều là sự xuất hiện ẩn mật của
Padmasambhava: nói một cách khác, những gì xảy ra trong mỗi
giây phút của đời mình niềm vui hay nỗi khổ, thuận cảnh
hay nghịch cảnh, đều là thầy của mình: tất cả hoàn cảnh
đều là sư phụ của mình.
- Bài học
thứ năm:
Cái mà mình
tưởng có thực như cái "tôi" là cái không có
thực: đó chỉ là cái vang bóng của tâm thức suy liệt,
tinh túy khó tế nhận của cái "tôi" ấy chính là
hơi thở thuần khiết trong sạch thơm phức như bông sen;
mọi sự sẽ được nhìn thấy khác hẳn hoàn toàn mỗi khi
hơi thở mình trở nên thơm ngát mùi sen nở giữa thanh
thiên bạch nhật, giữa đống phân của đời sống
thường nhật;
- Bài học
thứ sáu:
Cái thân giả
hình của mình, phù du vô thường, từ thai mình hiện thế
trăm năm bèo bọt ở đời, phải được chuyển động
trọn vẹn thành ra Huyễn Mộng Thân hóa phát từ bông sen,
tức là sự Trống Rỗng tràn trề rực ngời của Trí
Tuệ Bát Nhã;
- Bài học
thứ bảy:
Ngũ Ác hay Ngũ Cái (tham
dục, giận dữ, lười biếng, xao động, nghi hoặc) chỉ là
những phát hiện tiêu cực của tâm thức hằng ngày, chỉ
cần xê dịch và chuyển động qua diệu tính viễn ly thì Ngũ
Ác (Ngũ Cái) trở thành Ngũ Phật Như Lai (Tỳ Lô Giá Na,
Kim Cương Tác Trụy, Bảo Sinh, A Di Đà, Bất Không Thành
Tựu);
- Bài học
thứ tám:
Không có hai
thực thể phản nghĩa đối nghịch nhau mà mọi sự đều là
tương nhiếp viên dung vô ngại, Padmasambhava là hiện thân
của tính Bất Nhị (không hai) của tất cả: bất nhị giữa
hiễn giáo và mật giáo, bất nhị giữa niết bàn và luân
hồi, giữa Phật và mình, giữa Giáo lý và mình, giữa
Sư phụ thánh Tăng và mình, và bất nhị giữa Padmasambhava
và bản thân mình;
- Bài học
thứ chín:
Tất cả những sở học
từ bài học thứ nhất đến bài học thứ tám đều là
những bước đi cần thiết, nhưng vẫn còn thiên chấp một
cách gián tiếp hay trực tiếp vào tứ cú phân biệt
(cái lối suy diễn lý luận phân hai thành bốn, điệu suy
tư khuôn rập theo hai cực đoan, gọi là "nhị biên",
"lưỡng biên"); tất cả những sở học đều là
những bước chuẩn bị để nhảy vào Hố Thẳm không đáy
của Không Tính mà Padmasambhava chính là hiện thân; bài
học vô niệm chính là Vô học và Vô hành, cái gọi là
"tâm thức" không có tự tính và tất cả đều
là "mộng huyễn, bào, ảnh, lộ, điện". Padmasambbava
là một Đại Huyễn Mộng, Đại Huyễn Thân khả dĩ chuyển
hóa tiêu trừ tất cả những giả thân phù phiếm.
"viễn ly tất cả điên đảo mộng tưởng cứu cánh
niết bàn";
- Bài học
thứ mười:
Padmasambhava
chính là "bản lai diện mục" của chính mình mỗi khi
mình tự chiến thắng mình, mỗi khi mình tự vượt qua cái
"tôi", cái "của tôi" và cái "thuộc
về tôi" của mình, mỗi khi mình sống mà không cảm
thấy rằng "mình" sống; chỉ còn lại cái gì khác
sống tràn trề bất tận, niềm vui lớn, lòng từ bi bao la
và cáì nhìn sâu trí tuệ xuyên thấu đại mộng trần gian.
Khi mình tế nhận được như thế thì không còn phải dụng
công, lao tâm khổ trí học hành tìm kiếm gì nữa, mỗi hơi
thở là mỗi bài học vĩ đại nhất, mỗi một hơi thở
là sự thị hiện của một Bồ Tát xuất sinh từ bông sen,
mỗi một hơi thở là chủ động quyết định tất cả mọi
thần thông biến hóa, mỗi một hơi thở là padmasambhava ra
đời chuyển nghiệp. Vì thế chỉ cần nhất tâm tín thành
xưng danh hiệu Padmasambhava thì tất cả điên đảo mộng
tưởng đều được giải biến; tất cả sức mạnh bí mật
mầu nhiệm của hơi thở nhịp nhàng đã được hội tụ
thành ra năng lực tinh thần siêu việt ẩn tàng trong câu
thần chú Sư phụ Liên hoa sinh: OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHl
HUM. Hơi thở thiêng liêng trong sạch, thơm nức mùi sen nở
cô đọng lại trong mười hai vần trong câu thần chú. Theo
truyền thống Mật tông Tây Tạng thì mỗi lúc mình có
đức tin, có tín tâm thì Padmasambhava sẽ ngồi ngay cửa
nhà mình lúc mình ngủ. Có tín tâm thì trì chú Sư phụ
trên tất nhiên thân, khẩu và ý của mình sẽ được
tự động chuyển hóa thành Thân, Khẩu và Ý của Sư phụ
Padmasambhava, Hóa thân hiện hoặc của Chư Phật quá khứ,
hiện tại, tương lai.