Thiền Nguyên Thủy - Tôi Tập Thiền tại trung tâm Pa-Auk, Miến-Điện, Thích Hạnh Tấn

 


 
Pak Auk Forest Monastery
c/- Major U Khan Sain (Rtd)
653 Lower Main Road
Mawlamyine, Mon State, Myanmar
Tel: 032 22132
Web site: www.paauk.org
Teacher: Ven. Pa Auk Sayadaw
Rangoon Contact:
U Thet Tin
30 Myananda Lane
Kyank Grove Quarter
Yankin Township, Yangon
Method: Pak Auk method of meditation
.
TRUNG TÂM PA-AUK MIẾN ĐIỆN
(Tôi tập Thiền)
Thích-Hạnh-Thức
(Click vào ảnh để xem ảnh lớn hơn)
Vừa qua, do đầy đủ nhân duyên, tôi được đi Miến-Điện (Myanmar/ Burma) 3 tháng để tu tập Thiền định tại trung tâm Pa-Auk. Miến-Điện là một nước Phật-giáo Nam-Tông thuần thành. Ngày nay, ranh giới địa dư không còn cách trở như xưa. Tây Tạng có phương pháp phát Bồ-Đề Tâm và Kim  Cang Thừa cực mạnh, có thể một đời thành Phật. Các nước Phật-Giáo Nam-Tông có Pháp môn thiền Tứ-Niệm-Xứ, Vipassana (thiền Minh Sát) thanh lọc thân tâm, chứng đắc đạo quả, ngộ nhập Niết-Bàn một cách dễ dàng. Xin ghi lại đây một vài nét để trao đổi cùng quí vị đồng môn và quí Phật-tử.
Thích-Hạnh-Thức

"Không cần phải ngồi theo thế kiết già đó, hoặc bán già. Vì ngồi lâu trên 3 tiếng đồng hồ, chịu không nỗi đâu. Cứ ngồi thoải mái như thế nầy, hai chân không cần chéo lên nhau. Theo dõi hơi thở và điểm xúc chạm của hơi thở vào ra nơi đầu mũi (nhân trung/ điểm rảnh trên môi trên). Chỉ tập trung tư tưởng vào điểm xúc chạm đó mà thôi. Chỉ khi nào đau chân quá chịu không nỗi mới đổi oai nghi (thế ngồi). Trong khi đổi thế ngồi, vẫn chú ý đến điểm xúc chạm…“ Vị Pháp sư người Miến-Điện nói như thế bằng tiếng Anh và thầy Q.P. đã thông dịch lại. Đó là buổi trình Pháp đầu tiên sau ngày chúng tôi đến đây. 

Pa-Auk là một trung tâm chuyên tu Thiền Vipassana (Thiền Minh Sát), do Thiền sư Tawya Sayadaw hướng dẫn, toạ lạc tại Mawlamyine Township-Mon State, Myanmar (Miến-Điện). Nhưng trước khi tu Vipassana, Thiền sinh được hướng dẫn tu tập Thiền-chỉ (Samatha) cho tới khi chứng được Tứ Thiền rồi mới chuyển qua. Thiền có hai loại: Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana). Muốn tu Thiền quán mau đạt kết quả thì phải tu Thiền chỉ trước (1).

Mấy ngày đầu, tôi ngồi rất khó khăn, hơi thở dồn dập, hổn hển, đứt đoạn không đều; hai chân đau nhứt, tê buốt; đầu óc mù mịt, rối bời, tán loạn, suy nghĩ miên man, hết chuyện nầy đến chuyện khác; chẳng nhận ra được hơi thở ở đâu cả. Mông lung, mơ hồ quá… Tôi thử tập theo cách ngồi ở đây, 2 chân co lại, nhưng không chồng lên nhau. Tôi cảm thấy 2 vai hơi chùng xuống, vì hai tay (để tựa lên hai chân) phải xuống thấp hơn, và do đó, lưng hơi khòm, khó chịu; đã vậy, hai chân vẫn cứ đau. Tôi không biết làm sao. Vài ngày sau nghe mấy Thầy nói, ngồi thiền chỉ có ngồi kiết già là nhất, vì đức Phật cũng ngồi như thế; tại mình ngồi không được, chớ ngồi được thì cứ nên ngồi. Có Thầy còn nói: ngồi kiết già một giờ bằng người ta ngồi hai giờ. Vì thế tôi lại trở về thế ngồi kiết già. Ngồi độ 15’, 20’ là tôi bắt đầu ngáp, cứ vài ba hơi thở là phải đưa tay che miệng ngáp, nước mắt nước mủi chảy ròng ròng. Cứ thế, tôi chịu đựng mỗi ngày 5 thời, mỗi thời 1 tiếng rưỡi thật vất vả khổ sở…

"Thưa Hoà-Thượng, đầu óc con cảm thấy mông lung mơ hồ, mịt mù đen tối, chẳng cảm nhận được hơi thở“, tôi thưa như vậy trong buổi trình pháp thứ hai với Hoà Thượng Viện chủ (lần nầy không phải là vị Pháp Sư trước nữa). Hoà Thượng nói: "Nếu thế thì tôi sẽ dạy Thầy cách quán Tứ Đại (đất, nước, gió, lửa). Nhưng… (HT ngập ngừng một lát), phương pháp quán hơi thở nầy tốt hơn. Thầy cố gắng đi. Để ý đến hơi thở. Nếu không thở thì… chết sao?“ (HT cười).

Lần trình pháp sau, tôi thưa:"Thưa HT, con vẫn chưa cảm nhận được hơi thở; đầu óc nghĩ ngợi lung tung, đôi khi nó kéo con đi thật xa, chìm đắm trong những vọng niệm. Con phải mở mắt, vì nhắm mắt lại là buồn ngủ…“Vậy Thầy đếm hơi thở. Thở vào đếm một, thở ra đếm hai… hoặc thở vào đếm một, thở ra đếm một; vào hai, ra hai… đếm tới 8 rồi trở về một, một; hai, hai… Nhớ theo dõi hơi thở, tập trung vào điểm chạm. Phải tập trung vào điểm đó suốt ngày, trong khi đi đứng nằm ngồi, bất kể lúc nào…“.
Nghe lời chỉ dạy, tôi cố gắng đếm hơi thở, nhưng cứ lộn hoài, chỉ đếm được vài ba hơi rồi lại chạy theo những ý nghĩ vẫn vơ; có lúc vọng niệm và đếm số chồng chéo lên nhau, vừa suy nghĩ vừa đếm; cặp mắt không biết để đâu, mở hay nhắm; cái thân cựa quậy hoài không yên, nhất là hai chân cấn cái đau nhức, độ 15’, 20’ phải đổi thế ngồi. Thời Thiền trôi qua một cách nặng nề, cứ mong sao cho mau chóng hết giờ…

Hoà Thượng sắp đi Mỹ an cư kiết hạ 3 tháng tại đạo tràng chi nhánh bên đó. Trước khi đi, Hoà Thượng có nhã ý muốn chúng tôi trình Pháp với ngài mỗi ngày. Và vì Thầy T.T. Anh ngữ không được lưu loát lắm, nên Hoà Thượng cho gọi Sư Cô Liên-Tường lên thông dịch. Sau khi Hoà Thượng đi Mỹ rồi, cô vẫn tiếp tục thông dịch cho chúng tôi mỗi tuần 2 lần cho tới giờ phút chót. Đây quả là một may mắn lớn cho chúng tôi. Có lẽ cô muốn đền đáp phần nào ân nghĩa, vì trước đây khi còn học ở Ấn Độ cô đã nhận được học bổng chùa Viên Giác qua Sư Phụ tôi.

Cô Liên Tường thuộc hệ phái Khất Sĩ, đã tốt nghiệp tiến sĩ Phật-học tại Ấn Độ. Thay vì về nước công tác Phật sự, cô lại qua đây tu tập đã hơn 2 năm nay. Tôi có hỏi: sao học xong không về nước nhận chức vụ, mà lại qua đây? Cô bảo: ở tu một thời gian đã; chưa chứng đạt được cái gì, về nước rủi phiền não ập đến, làm sao chống đỡ? Tôi thầm cảm phục cô đã khéo lựa chọn, vừa biết học vừa biết tu. Nếu không có thực tu, ra làm việc đạo dễ đem phiền não tới cho người khác lắm…

Tôi ở Kuti (thất) số 51, giữa đường đi lên Thiền đường lớn trên đỉnh núi. Các Kuti đa phần bằng nhau, diện tích độ 3m x 3m, có giường, 1 cái tủ nhỏ, 1 cái bàn thấp và 1 vòi nước để đánh răng rửa mặt. Cũng có vài Kuti lớn hơn, được xây khuất trên núi cao, đa phần là của các vị có hảo tâm, xây cất cúng dường, hoặc mỗi năm chỉ về tu vài tháng thôi.

Khí hậu rất tốt, mát. Ban đêm có khi xuống còn 15, 18 độ C. Chỉ hơi phiền là nhà cửa ở Myanmar trên 90% là lợp bằng tôn; mà ánh nắng ở đây thật là chói chan gay gắt; bị các mái tôn dội lại, hắt hơi nóng vào, chịu không nỗi. Mồ hôi ra nhuể nhại, mỗi ngày phải thay vài ba cái áo may-dô. Ban ngày nóng bức nhưng từ 5 giờ chiều bắt đầu mát. (Nếu nhà cửa ở đây được lợp bằng ngói như ở Việt Nam, thì sống thoải mái lắm…). Ở đây một năm có 3 mùa, mùa nắng từ tháng 2 đến cuối tháng 5, mùa mưa từ tháng 6 đến cuối tháng 9 và mùa lạnh từ tháng 10 đến cuối tháng 1. Tuy nhiên thời tiết có thể thay đổi xê dịch, như chúng tôi đang ở vào mùa nắng cuối tháng 4 thế mà đã bắt đầu vào mưa.

Có một điều tôi cho là trùng hợp rất ngẫu nhiên. Cái sân nhỏ xung quanh thất tôi ở  -mà tôi có bổn phận quét dọn sạch mỗi ngày- rể cây trồi lên chắn lối, chạy ngang dọc lung tung, làm trở ngại cho việc quét lá, mất nhiều thì giờ rất bực mình. Những rể cây nằm ngang dọc nầy cũng giống như đầu óc suy nghĩ rối bời chằng chịt của tôi hiện giờ. Tôi liên tưởng đến bài Pháp Tảo Địa Đức Phật đã dạy cho người đệ tử hay quên, tâm trí không được định. Rác là những phiền não, vọng niệm. Quét rác là quét đi những phiền não. Người ta quét độ 15’ là xong, còn tôi phải mất gấp đôi thời gian. Mỗi lần cầm cây chổi, nhìn những rể cây chạy ngang dọc, tôi lại bực mình. Tôi không biết phải làm sao quét cho sạch, nhanh. Sao mình "xui“ quá, ở trúng cái thất "trời ơi“ thế nầy? Phải làm sao? Đây là một bài học rất tốt cho tôi. Tôi suy nghĩ mãi, cuối cùng cũng tìm ra được một phương án để giải quyết vấn đề nầy: thay vì quét, tôi ngồi nhặt từng chiếc lá bỏ vào thùng rồi đem đi đổ. Vừa sạch, vừa gọn  nhanh, lại đở bực mình. Nhưng… hãy coi chừng! Đang ngồi nhặt từng chiếc lá bỏ vô thùng, tôi bỗng giựt mình. Tay tôi vừa chạm phải vật gì mềm mềm, trơn trơn, ướt ướt. Tim tôi đập mạnh. Tôi giựt tay lại nhanh, thảy vội chiếc lá vừa nhặt, trố mắt nhìn kỹ trước mặt. Một chú nhái màu xanh đậm, da trơn láng đang nằm thu mình núp trong kẻ đá nhìn ra. Hú hồn! Hình như chú đã "cư ngụ“ ở đó từ lâu, dưới chiếc lá khô. Nhìn chú tôi đỡ sợ hãi nhưng cũng một lác sau mới lấy lại được bình tĩnh. May quá, chỉ một chú nhái, rủi một chú rắn hay rít thì sao? Thì ra nhặt lá -hay nhặt những phiền não- không phải là dễ. Nhất là đối với những phiền não lâu đời, thâm căn cố đế nằm sâu che khuất, nguỵ trang khéo léo bằng mọi cách…, nếu không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm…

Chiều hôm nay trời chuyển mưa thật lâu. Mây đen ùn ùn kéo đến, gió thổi tứ tung, sấm chớp gầm gừ suốt buổi. Đến sẩm tối mới bắt đầu mưa, trận mưa đầu tiên trong mùa. Những hạt mưa nặng hạt rơi lốp đốp rào rạt trên mái tôn, rả rích kéo dài suốt đêm.  Điện cúp từ lâu. Tất cả chìm trong bóng đen như mực. Tôi nằm nghe mưa rơi nỉ non buồn bã, nghĩ về cuộc đời lang bạc. Ngọn gió nào đã mang tôi đến đây? Thật là một sự bất ngờ, không định trước. Tôi nghĩ đến những người thân, anh chị em, cha mẹ... Má tôi, một người đàn bà hiền thục, suốt đời chỉ biết gầy tạo sự nghiệp cho chồng con; đã lìa nơi thôn dã, từ bỏ nếp sống thanh bần ra thành phố theo nhiệm sở của cha tôi. Từ đó, chúng tôi cũng xa dần những điệu ru ngày nào người đã thường ru chúng tôi vào mộng:

  Ầu ơ… 
  Chiều chiều ra đứng ngã sau,
  nhớ về quê mẹ… à… ruột đau… chín chiều

  Ầu ơ…
  Làm trai cho đáng nên trai,
  Xuống đông đông tịnh…à…lên đoài...à… đoài… ư… yên

  Ầu ơ…
  Công cha như núi Thái Sơn,
  nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy… ư… ra
  một lòng thờ mẹ kính cha
  cho tròn chữ hiếu… à… mới là… đạo…ư… con…

Có lẽ nhờ những điệu ru đó (hay là do "chủng tử“ của cha tôi?) mà anh chị em chúng tôi đều có một chút vốn liếng về âm nhạc. Bài hát một thời vẫn còn vang vọng trong tôi:

Ngày còn thơ nằm trên võng đưa mơ màng,
lòng hằng mơ bao nhiêu giấc mơ huy hoàng
cuộc sống êm trôi, từng cánh hoa đời, sắc màu thắm tươi…
Mẹ hiền xưa ngày nay đã xa xôi rồi,
lời mẹ ru khi xưa vẫn nghe muôn đời…
nhịp võng ngày xanh
còn thắm lòng tôi… (2)

Tôi nhớ đến cha tôi, người suốt đời gương mẫu, tận tuỵ trong công việc tại nhiệm sở, lúc nào cũng nghiêm nghị không một lời dởn đùa với các con; đến chị em tôi, những người thân và những người thương. Tôi đã tạo ra những lỗi lầm, làm khổ rất nhiều người. Tôi vốn là một đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, một người thân tồi. Giờ đây tôi rất ăn năn hối hận. Tôi chắp tay, xin được sám hối. Hãy tha thứ cho tôi những lầm lỗi dại khờ! Cha mẹ nay không còn để cho con được săn sóc hầu hạ; các chị em tôi mỗi người mỗi ngã, không còn trong một mái nhà  êm ấm như xưa để tôi có thể trao những cử chỉ dịu dàng, những lời êm dịu. Thời gian ơi, làm sao quay trở lại thủa ấu thơ, nơi những người thương yêu đang quây quần dưới mái nhà êm ấm! Trong một góc rừng hẻo lánh cô quạnh của xứ Miến Điện huyền bí, tâm tôi đang thổn thức hướng về những người thân…
Trời càng về khuya càng lạnh, tôi choàng dậy lấy thêm đồ ấm ra mặc. Cái lạnh của đêm trường làm cho lòng tôi se lại. Đâu đây vọng lại vài tiếng kắc kè như nguyền rủa oán trách cuộc đời đen bạc: "đách cần, đách cần…“, sau một hồi nghiến răng dài, làm tôi chạnh nghĩ đến những mãnh đời lang bạt, thiếu thốn, nghèo khổ, đang co ro trằn trọc trong đêm trường, chờ cho trời sáng để bắt đầu một ngày lao động mệt nhọc mới. Tiếng con thằng lằn chắp miệng ngậm ngùi… Tôi thắp ngọn nến, đọc tiếp cuốn Khảo Nghiệm Duy Thức Học. Vâng, cuộc đời chẳng qua là những chuổi dài nhân quả nghiệp báo. Chúng ta đã trôi lăn từ bao nhiêu kiếp và sẽ còn mãi đến bao giờ? Vạn vật và thế giới là những ảnh tử của thế giới Chân Như, ảnh hiện qua lớp màng vô minh nghiệp tướng (3). Tôi đang cố sức trở về lại nơi chốn từ đó tôi đã xuất     thân …

Có một buổi sáng tôi ngồi thiền không yên. Lúc xả thiền, mặt mày xây xẩm, tái xanh, phải ngồi lại nghỉ một lúc lâu. Buổi trưa tôi cố gắng ăn nhưng nuốt không vô. Chiều lại, bị ói mữa. Hai Thầy hàng xóm chạy qua đở tôi lên giường. Độ 15’ sau có Thầy T. Trí và T. Lưu lại, cạo gió và giác hơi cho tôi. Thấy tôi mữa, Thầy bảo tôi uống nước muối pha loãng, và tôi lại mữa thêm một trận nữa; cơ thể mệt đừ suốt tuần lễ sau đó. Tôi nhịn đói ít ngày để chữa bệnh, thanh lọc cơ thể…

Năm ngày tết tại Miến Điện (từ 13-4 đến17-4-06) Trung Tâm lại đón nhận một số lượng Phật tử khá đông, có ngày lên đến cả ngàn người. Một số tham quan và số khác đến tu học; đa phần là những người trẻ, từ những thành phố lân cận, mặt mày trông sáng sủa, khác với dân địa phương. Đó là tục lệ của dân Miến. Ngày Tết, ngày nghỉ, họ vào chùa tu (còn dân mình, những ngày nghỉ họ làm gì ?!).

Thiền đường lớn trên đỉnh núi cao tu bổ tạm xong, được xử dụng để tiếp đón số lượng người đến tu tập đông đảo đó. Họ ngồi đầy cả thiền đường. Tất cả đều yên lặng không một lời nói. Từ ban-công tầng hai của Thiền đường tôi được ngắm cảnh mặt trời lặn đẹp tuyệt vời, với dòng sông bạc nhấp nhô phía dưới; bên trên, một quả cầu đỏ tươi đang lần lần chìm xuống sau dãy núi lam xa tít; trên nền trời là những tia ráng đủ màu sắc và núi rừng bao la một màu xanh thẩm bao quanh. Thật là một cảnh đẹp thần tiên!...

"Tôi qua đây đã được hơn 2 năm rồi. Lúc đầu chỉ định qua tu tập vài tháng rồi về, đã tu ở Shwe Min (Trung Tâm Siêu-Minh) tại thủ đô Yangon 6 tháng, sau mới lên đây. Thấy người ta tu hành đàng hoàng, giới đức trang nghiêm, đạo tràng thanh tịnh, tôi thích quá. Tôi đã suy nghĩ, dằn vặt rất nhiều, đến nỗi phát bệnh. Không lẽ mình cứ phí bỏ cuộc đời tu hành như trước đây mãi sao? 16 năm rồi, đã quá đủ! Và tôi đã đi đến quyết định, bắt đầu làm lại từ đầu.Tôi đã xin thọ giới lại, đổi màu y, chuyển qua Nam Tông. Chuyến về Việt Nam lần đầu, tôi đã mặc lại chiếc áo tràng nâu; khi qua lại tôi cởi chiếc áo tràng ra, thay y Nam Tông vào. Nhưng sau đó tôi bị dằn vặt vì nếu làm vậy là không thành thật với chính mình. Nên lần về sau tôi không còn đổi màu áo nữa… 

Người tu sĩ trẻ trên dưới 40 ngồi đối diện với tôi, người nhỏ thó, gương mặt đăm chiêu, đôi mắt sáng, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn. Tôi ngồi nghe anh tâm sự. Từng lời nghẹn ngào phát ra tự đáy lòng sâu thẳm. Tôi thông cảm với anh, anh rất có lý trong sự lựa chọn đó; nhưng lòng không khỏi dằn vặt xót xa...Trên đời nầy có những cái đẹp, mỗi địa phương đều có một sắc thái, mỗi truyền thống đều có cái hay riêng. Mình đi là để học hỏi những cái hay, cái tinh-hoa của người để về làm giàu, bổ túc những khiếm khuyết của truyền thống mình. Phật giáo có nhiều truyền thống, truyền thống Trung Quốc, truyền thống Tây Tạng, truyền thống Nam Tông. Việt Nam, Nhật Bản, Đại Hàn theo truyền thống Trung-Quốc. Thầy tổ chúng ta đều xuất thân tại đó. Tôi đã đi nhiều nơi, trong đó có Trung Quốc, Nhật-Bản, Thái-Lan, Ấn-Độ…; thấy không nơi nào có nền văn hoá cao bằng Trung Quốc. Dĩ nhiên là hiện nay có nhiều vấn đề, đặc biệt là sau khi chế độ Cộng Sản đã đi qua Trung Quốc và Việt Nam. Trong một bài giảng tại Việt Nam trong chuyến về nước vừa rồi, H.T. Nhất Hạnh cũng có đề cập đến vấn đề nầy (4). Trước đây Thái Hư đại sư đã làm cuộc cách mạng canh tân Phật giáo, nhưng không thành công. Nếu ngài có cơ duyên qua đây tham cứu, chắc là vấn đề đã khác… (nếu có dịp, tôi sẽ đề cập đến vấn đề nầy sau).

Quả thật đạo tràng ở đây thanh tịnh thật. Mọi người đều cao ráo, mặt mày sáng sủa, trầm tĩnh, lúc nào cũng như nở nụ cười. Họ yên lặng, để tâm vào việc tu tập, không nói năng ồn ào tán loạn. Họ đắp chỉ một màu y, màu gạch đậm. Trông họ hình như đã chứng được cái gì rồi. Dự lưu? A La Hán? Trung Tâm chiếm hữu cả một khu rừng núi to lớn. Có hai "xóm“, xóm trên và xóm dưới, cách nhau chừng 2 Km. Xóm trên nằm ở trong rừng, dành cho chư Tăng, khoảng độ 500 vị; xóm dưới dành cho các tu nữ, độ trên 300 người; và độ vài chục vị cư sĩ (Ở Miến và các nước Nam Tông khác không có Tỳ Kheo Ni, chỉ có các Tu Nữ thọ trì 8 giới Bát Quan Trai mà thôi). 

Thời khoá biểu hằng ngày như sau:
3g30 sáng :    thức dậy
4g00-5g30 :    ngồi thiền
6g00 :            ăn sáng (và sau đó làm vệ sinh, quét dọn, giặt rửa)
7g30-9g00 :    ngồi thiền
9g00-11g00 :  trình Pháp
11g00  :         quá đường (ăn trưa, dưới hình thức khất thực)
13g00-14g30:  ngồi thiền
14g30-15g30:  thiền hành
15g30-17g30 : ngồi thiền
17g00-18g00:  trình Pháp hoặc thiền hành 
18g00-19g30:  nghe giảng Pháp hoặc nghe băng (bằng tiếng Miến)
19g30-21g00:  ngồi thiền 

Một ngày tổng cộng 5 thời ngồi Thiền, vị chi là 7 tiếng rưởi. Pháp môn tu ở đây -cũng như hầu hết các nước Nam Tông- là thiền Tứ Niệm Xứ và Vipassana. Tứ Niệm Xứ thì lấy niệm thân làm chính, căn cứ theo kinh Quán Niệm Hơi Thở (tức An Bang Thủ Ý/ Anapanasati). Kinh nầy được Đức Phật dạy cho các Tỳ Kheo để tu tập Thiền định: 

…“Thở vào một hơi dài, vị ấy biết “ta đang thở vào một hơi dài”; 
Thở ra một hơi dài, vị ấy biết “ta đang thở ra một hơi dài”; 
Thở vào một hơi ngắn, vị ấy biết “ta đang thở vào một hơi ngắn”; 
Thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết “ta đang thở ra một hơi ngắn”; 
“Cảm giác toàn thân hơi thở, ta sẽ thở vào”, vị ấy tập như vậy; 
“Cảm giác toàn thân hơi thở, ta sẽ thở ra”, vị ấy tập như vậy; 
“An tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở vào”, vị ấy tập như vậy; 
“An tịnh thân hơi thở, ta sẽ thở ra”, vị ấy tập như vậy… 
…….   (5).
Làng Mai cũng lấy kinh nầy làm căn bản cho việc tu tập chánh niệm. Hoà Thượng Nhất Hạnh đã khai triển ra thành một bài kệ: 
 “Vào…,
 ra…,
 sâu…,
 chậm…,

 khoẻ…,
 nhẹ…,
 lặng…,
 cười…” 

Nghĩa là thở vào thì nói (nhẩm thầm) “vào”; thở ra thì nhẩm “ra”; thở vào sâu thì nhẩm “sâu”; thở ra chậm thì nhẩm “chậm”… 
Nhưng bí quyết ở đây là tập trung tư tưởng vào điểm xúc chạm (Nhân-Trung) và như vậy dễ vào định hơn (6). Nếu mình tu tập giỏi, có thể một ngày là thấy được Tâm-ảnh (nimitta); hoặc trể thì một tuần, 3 tháng… tuỳ theo mỗi người. Thấy được nimitta rồi là sắp vô Sơ Thiền. Từ Sơ Thiền tới Tứ Thiền (cõi sắc), cần khoảng vài ngày tới một tháng (cô L.T. từ khi thấy nimitta cho đến khi đi hết Tứ Thiền mất 8 ngày). Từ Tứ Thiền (cõi Sắc), nếu mình muốn, có thể đi tiếp lên cõi Vô Sắc (Không-Vô-Biên-Xứ, Thức-Vô-Biên-Xứ, Vô-Sở-Hữu-Xứ, Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-Xứ). Nhưng thường thường, để khỏi phí thì giờ, tu tới Tứ Thiền họ sẽ dạy cách chuyển qua Vipassana để có được Minh Sát Tuệ, thấy rõ Danh, Sắc, chứng được Vô Thường, Vô Ngã, Khổ (chiếu kiến ngũ uẩn giai không). Chứng trên sự thể nghiệm, chớ không phải trên lý thuyết suông. Đức Phật cũng thường dạy, không phải do nghe và tư duy suông mà chứng ngộ được (7). Rồi từ đó mình mới có thể buông bỏ hết để chứng đắc đạo quả và ngộ nhập Niết Bàn…(Xem bài chi tiết về pháp môn tu ở đây của Sư Cô Liên Tường trong số nầy).

Thật là dễ tu, rõ ràng từng bậc thứ lớp, chứng tới đâu là biết tới đó. Mỗi ngày đều phải trình Pháp. Mỗi lần trình Pháp là một lần học hỏi thêm kinh nghiệm của các bạn đồng tu, và vị Pháp sư sẽ biết mình đang ở đâu. Đạo tràng đông như vậy nên có nhiều vị Pháp Sư để mình trình (4, 5 vị). Khi gặp vấn đề gì các vị ấy sẽ bày cách cho mình giải quyết.

Về chế độ ăn uống, mỗi ngày chỉ ăn hai buổi, 6 giờ sáng và 11 giờ trưa, theo lối khất thực (tất cả các nước Nam Tông đều không dùng cơm chiều, nhưng được quyền ăn mặn). Ở đây Hoà Thượng áp dụng chế độ ăn chay. Đến giờ ăn, tất cả mang bình bát sắp hàng theo tuổi hạ trước sau, đi một vòng ngang qua phòng ăn theo lối khất thực, họ bỏ gì thì ăn nấy. Các cư sĩ và nữ tu sắp làm hai hàng đứng hai bên để bỏ thức ăn vào cho chư Tăng. Vừa nhanh vừa gọn. Có điều mình không thể lựa chọn được thức ăn mình thích hay không thích. Ngày nào cũng hình như chừng đó món ăn quen thuộc và một ly nước (trà sửa, cà phê, hoặc sửa đậu nành…). Đặt biệt có hai nồi cơm riêng, một nồi gạo lứt và một nồi cơm trắng. Đi một vòng nhận thức ăn rồi ai về vị trí nấy, ngồi theo chỗ quen thuộc của mình mỗi ngày; hoặc ngồi bệt xung quanh thiền đường (từng 1 và từng 2), hoặc xuống dưới tầng hầm ngồi bàn bưng bình bát ăn (thường là dành cho các vị khách tăng người Tây Phương và… Việt Nam như chúng tôi)…

Trước đây tôi cũng có tập qua Thiền, nhưng không đi tới đâu, vì mỗi ngày chỉ ngồi được ½ tiếng hoặc tối đa là 1 giờ. Và theo phương pháp đuổi vọng: “vọng tới bỏ, không theo; vọng tới bỏ…” Nhưng vọng cứ tới hoài, làm sao hết vọng được? Thành thử tu một thời gian lâu rồi chán, không tu nữa. Nay học được Pháp-môn nầy, rõ ràng minh bạch, lại rất dễ tu, tôi rất thích nên cố gắng đặt hết tâm trí vào đó. Theo thời khoá biểu, và nhờ lực của đại chúng, lần lần tôi vượt qua được những khó khăn tưởng như chẳng bao giờ vượt qua nỗi. Lúc đầu tôi phải đổi thế ngồi 5, 6 lần, tay chân nhức mỏi, đầu óc rối vùi như cục chỉ. Dần dần ngồi yên được lâu, không còn cựa mình nhiều, ít đổi thế. Bốn lần, ba lần, hai lần và sau cùng là không còn đổi thế nữa, ngồi suốt buổi theo thế kiết già. Thân từ từ yên, tâm cũng bớt giao động. Tôi đã tập trung được nhiều vào hơi thở, cảm giác được điểm chạm. Đôi mắt không còn trở ngại nhiều nữa. Tôi tập nhìn mà không thấy, chỉ tập trung vào hơi thở (sau nầy tôi nhắm hẳn lại được, theo cách tu ở đây). 

Có những lúc, sau khi đạt được một ít tiến bộ, thân tâm đã yên ổn không còn cựa quậy nhiều, bỗng dưng tôi bị khựng lại. Đầu óc trống rỗng, chai lì, dậm chân tại chỗ không biết bao lâu!... (Sau nầy tôi nghiệm ra, có lẽ do ảnh hưởng sức khoẻ). Trong những ngày ở đó, tôi đã 2 lần bị bịnh. Lần đầu bị ói mữa, và lần sau bị tiêu chảy. Mỗi lần như vậy, mệt cả tuân lễ. Lỗ mũi thường hay bị nghẹt, không tập trung tư tưởng vào điểm chạm được. Tai vì thiếu vận động, vì sức khoẻ yếu nên bị ù. Có những lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ lực của đại chúng thúc đẩy, nên tôi mới cố gắng vượt qua được. Thật là một thành công lớn…

Thưa Thầy hôm nay con ngồi rất là yên. Độ 20’ sau thì thấy tia sáng loé lên. Lúc đầu chỉ một đốm chớp, sau nhiều lần, và cuối cùng sáng ngập cả toàn thân…” “Tốt, anh hãy tập trung vào điểm xúc chạm, đừng để ý đến nó. Khi nào ánh sáng gom lại một điểm nơi điểm xúc chạm thì lúc đó anh mới có thể theo nó…”. 
Những lời khuyên của vị Pháp Sư làm cho chú TL và tất cả chúng tôi đều hoan hỷ ghi nhận để tu tập…

Thời gian rồi cũng qua nhanh, thấm thoát đã đến ngày chúng tôi phải về lại Đức. Những ngày ở Trung Tâm Pa-Auk thật nhẹ nhàng an lạc. Trước khi đi, Sư Phụ và các Thầy trong chùa Viên Giác đều lo ngại, sợ tôi không theo kịp thời khoá gắt gao hằng ngày ấy. Nhưng thấy tôi nhất quyết, người cũng chìu theo và nói: “ừ thôi thì cứ thử đi, hy vọng lúc trở về sẽ có một chú Phật con!”. Lời tiên đoán đó nay hình như đã trở thành sự thật vì lúc đi ba người, lúc về chỉ còn có hai. Một người đã tình nguyện ở lại tiếp tục tu: chú T.L.! Thật là một chuyến đi đặc biệt, bổ ích, khó quên. Tôi đã học được rất nhiều trong chuyến đi nầy: một pháp môn vi diệu, một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, một đất nước xanh tươi tràn ngập chùa chiền và một dân tộc thuần thành hiền hoà chất phát…
 

Ghi lại tại chùa Viên-Giác Đức-Quốc ngày 21-6-2006
Hạnh-Thức

(1)-  sách “Giác niệm về hơi thở” của Ajahn Buddhadasa, Thiện Nhựt phỏng dịch, in tại Canada
(2)- “Nhip võng ngày xanh”, thơ Thanh-Nam, nhạc sĩ Hoàng-Trọng phổ nhạc
(3)- sách “Khảo nghiệm Duy Thức Học” Thích Thắng Hoan tái bản lần thứ hai 1998, Đường Sáng Printing, CA 95112 .
(4)- bài Pháp Thoại ngày 13-03-05 tại chùa Từ Hiếu Huế của HT Nhất Hạnh; (Lá Thư Làng Mai số 29 ngày12-01-2006)
(5)- sách ”biết và thấy (knowing and seeing”) Hoà Thượng Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayadaw, Tỳ Kheo Pháp Thông dịch, bài giảng số 1 tại Đài Loan; hoặc:
 -  xin xem đầy đủ chi tiết bản Kinh nầy trong cuốn “Giác Niêm Hơi Thở” đã dẫn, phần phụ lục. 
(6)-  “không nên theo dõi hơi thở đi vào trong thân hoặc đi ra khỏi thân vì làm như vậy, hành giả sẽ không thể hoàn thiện được định của mình. Chỉ cần ý thức rõ về hơi thở ở chỗ nó chạm vào hay tiếp xúc dễ nhân ra nhất, hoặc ở môi trên hoặc quanh lỗ mũi” (sách Biết Và Thấy đã dẫn); hoặc: - chỉ cần trú niệm (tức là biết) ở nơi chót mũi hay môi trên là nơi hơi thở ra vào. Như người thợ cưa cây xẻ gỗ, sau khi lấy mực xong, không cần để ý tới lưởi cưa đi xuống sâu hay cạn, chỉ chú ý đến lằn mực, chỗ lưỡi cưa lên xuống, điều chỉnh sao cho lưởi cưa không ra khỏi lằn mực ấn định (sách”Tìm hiểu pháp giác ngộ” tỳ kheo Minh Chánh, trang 63, NXB Tôn Giáo 2004)
(7)- Xin trích dẫn một đoạn trong kinh Hoa Nghiêm: Thiện Tài đồng tử hỏi: “Môn giải thoát nầy làm sao hiện tiền? lam sao chứng đắc? Diệu Nguyệt trưởng giả đáp: “Một người thân chứng hiện tiền môn giải thoát nầy khi nào người ấy khởi tâm Bát Nhã Ba La Mật và cưc kỳ tương thuận; rồi thì người ấy được chứng nhập trong tất cả những gì mà mình thấy và hiểu. Thiện Tài đồng tử lại thưa: “có phải do nghe những ngôn thuyết và chương cú về Bát Nhã Ba La Mật mà được hiện chứng?” Diệu Nguyệt đáp: “Không phải. Tại sao thế? Bởi vì Bát Nhã Ba La Mật thấy suốt thể tánh chân thật của các pháp mà hiện chứng vậy”. Thiện Tài thưa: “Há không phải do nghe mà có tư duy, và do tư duy và biện luận mà được thấy Chân Như là gì? Và há đây không phải là tự chứng ngộ?”  Diệu Nguyệt đáp: “Không phải vậy. Không hề do nghe và tư duy mà chứng ngộ được….” 

Website của Thiền Viện:http://www.paauk.org

Đọc Thêm:
Thiền Lâm Pa-Auk, Miến Điện
Căn Bản Pháp Hành Thiền, Bình Anson
Giác Niệm Về Hơi Thở, Tỳ Kheo Phật Lệ - Thiện Nhựt phỏng dịch
Giới thiệu pháp Thiền Nguyên thủy của Đức Phật
Giới Thiệu về Thiền Vipassana
Những Bài Giảng Tóm Tắt của Khóa Thiền Minh Sát Mười Ngày
Những Nguyên Tắc Căn Bản của Thiền Quán, HT. Sayādaw U Janaka
Sống Trong Hiện Tại, Nguyên tác: H. E. LIM - Dịch giả: Trần Minh Tài
Thiền Tứ Niệm Xứ, Thích Trí Siêu
Thiền định sáng suốt thực tiễn, Venerable Mahāsi Sayādaw - Dịch Việt : Mỹ 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

佛教中华文化 tinh cach tuc thoi lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap ò văn Tạp bút Tham thực sà c ß 清华间谍 nguồn gốc của khổ đau 课程表鼓励孩子的话 佛观音 新学期新展望内容怎么写 hÓng 即刻往生西方 Tây 成绩不好检讨 أبا درج น ท tái sinh ý nghĩa của sự giác ngộ lặng 净地不是问了问了一看 trạng 印顺法师关于大般涅槃经 4 lời khuyên cho người lười tập thể สโตร ส รา คนธรรพ มาเก ด 簡単便利戒名授与水戸 háºu قصص نسونجي Thoát Nhớ ơi khoai lang ngày cũ á Ÿ phần ii tình thiên thu 履职总结 願力的故事 tịnh xá ngọc trung tịnh nghiệp đạo 一念心性是 S a b Địa tạng i ปฏ จจสม ç¼½ç åœ å æ³ Người Sài Gòn nô nức đi ăn chay Ï