|
X
QUI
SƠN CẢNH SÁCH
Thiền
Sư Linh Hựu
Hòa Thượng
Thích Thanh Từ Việt dịch
Phần
7
Chánh
Văn:
“Vô
thường sát quỉ, niệm niệm bất đình, mạng bất khả diên,
thời bất khả đãi”.
Dịch:
Vô
thường sát hại, niệm niệm không dừng. Mạng sống không
thể kéo dài, thời gian không thể chờ đợi.
Giảng:
Đây
nói quỉ vô thường giết người mỗi niệm mỗi niệm không
dừng. Mạng sống không thể kéo dài hơn, cũng không thể chờ
đợi được. Như bây giờ quí vị lỡ làm một công việc
gì đó chưa xong, nay hấp hối sắp chết thì quí vị có thể
hẹn với quỉ vô thường rằng: “ Làm ơn đình lại cho tôi
làm xong việc rồi sẽ chết” được không? Nhất định là
không thể hẹn. Nhưng có một chuyện hơi lạ tôi kể lại
cho quí vị nghe chứ không phải phê phán. Có một Thiền sư
trong hội Ngài Diên Quang làm chức tri sự vì bận quá nhiều
việc nên Ngài không có thời giờ tu tập. Hôm đó bất chợt
quỷ vô thường đến mời Ngài đi. Ngài bèn nói: “Mấy năm
nay tôi bận lo việc chúng không có thì giờ tu, nay ông làm
ơn cho tôi hẹn bảy ngày lo xong việc của tôi, chừng ấy
ông đến tôi sẽ sẵn sàng đi. Quỷ bảo: “Để tôi về
thưa lại với Diêm chúa nếu được tôi không trở lại, bằng
không tôi trở lại rước Ngài liền”. Suốt trong 7 ngày đó
Ngài nỗ lực tu, hết hạn quỷ vô thường đến tìm Ngài
mà không thấy. Câu chuyện này tôi không thể phê bình thật
hay không thật, nhưng kể ra cho quí vị thấy trong trường
hợp này có thể đình nhưng cũng chỉ hẹn 7 ngày thôi.
Chánh
Văn:
“Nhân
thiên tam hữu ưng vị miễn chi, như thị thọ thân phi luận
kiếp số”.
Dịch:
Ba
cõi trời người chưa thoát khỏi thì cứ như vậy thọ thân
số kiếp không thể tính bàn.
Giảng:
Ấy
chỉ vì lỗi không nỗ lực tu hành, mãi tạo nghiệp cho nên
phải chìm đắm trong luân hồi, lang thang trong sáu nẻo.
Chánh
Văn:
“Cảm
thương thán nhạ, ai tai thiết tâm, khởi khả giam ngôn, đệ
tương cảnh sách. Sở hận đồng sanh tượng quý, khứ Thánh
thời diêu, Phật pháp sanh sơ, nhân đa giải đãi, lược thân
quảng kiến dĩ hiểu hậu lai. Nhược bất quyên căng, thành
nan luân hoán”.
Dịch:
Cảm
thương than thở, đau xót cực lòng, đâu thể im lời nên cùng
nhau nhắc nhở. Tủi vì sanh vào thời mạt pháp, cách Hiền
Thánh đã xa. Phật pháp lôi thôi người tu đa số biếng nhác.
Thế nên, lược bày chỗ thấy cạn hẹp của mình để khuyên
bảo người sau. Nếu không bỏ tánh kiêu căng, thì thật khó
mong chuyển đổi.
Giảng:
Sau
khi chỉ rõ lỗi lầm xong, đến đây Tổ nhắc nhở sách tấn
chúng ta tu hành. Ngài thấy chúng ta si mê quá nên lòng rất
thương xót nói lên những lời thật thống thiết để cảnh
tỉnh chúng ta, thật là lòng từ vô hạn. Người xưa phần
đông đều dõng mãnh chỉ có một ít không cố gắng mà Ngài
còn than trách như thế. Huống là chúng ta ngày nay đa số đều
giải đãi, ngồi thiền có một giờ đồng hồ, mà đã loạn
cuồng cả lên, đâu sánh được với người xưa cả ngày
đi, đứng, ngồi nằm đều Thiền. Đôi khi lại hiểu Phật
pháp hết sức sơ sài rồi đem những tà thuyết ra truyền
bá, khiến cho Phật pháp ngày càng lu mờ. Xưa Phật làm một
đàng, giờ chúng ta đi một ngả. Tôi nói đây không phải
để kích bác, mà cốt để xây dựng những cái lệch lạc
của đa số người tu hiện tại. Như đức Phật hồi thuở
xưa Ngài đâu có đi đám ma, chẳng riêng đức Phật mà ngay
cả 1250 vị đệ tử của Ngài, Ngài cũng chưa từng bảo ai
đi đám ma cả. Thế mà các chùa ngày nay thì đi đám liên
miên. Như một chùa có 1000 tín đồ, thỉnh thoảng có người
này đau, người kia chết, rồi phải đi thăm, đi đám, cúng
49 ngày…hết gia đình này đến gia đình khác. Cứ loanh quanh
như thế làm sao có thì giờ gạn lọc tâm tư, thì giờ đâu
tu tập thiền quán? Thấm thoát một đời qua, sự nghiệp tu
hành nhìn lại nào có gì đâu??? Đến chừng sắp chết thì
kêu thiên hạ độ mình, còn ngày thường thì mình mắc “độ
thiên hạ”! Là Phật tử, chúng ta đi con đường của Phật
hay đi con đường nào? Đây là sự thật khá đau lòng. Tôi
cũng biết Phật giáo ngày nay đã mang nặng màu sắc “tín
ngưỡng”, nhưng chúng ta cũng nên đặt tín ngưỡng đúng
chỗ thanh cao thì hay, còn để cho tín ngưỡng đi quá đà nó
sẽ thành những hình thức khô khan, biến Tăng sĩ thành những
ông Thầy cúng. Đây là điều lầm lẫn của chúng ta vậy.
Nếu chúng ta thật tâm cầu giải thoát thì phải tạo cho mình
một khung cảnh đơn giản, tránh bớt những xả giao phiền
toái, giữ gìn những nghi lễ trang nghiêm mới đúng tinh thần
Phật pháp. Như vậy mới là người vì đạo, thương mình
và dẫn dắt tín đồ. Nếu không được như thế thì e rằng
mình đã lầm lại làm lầm lây cho người.
Đến
đây Ngài nói thật khiêm nhường. Ngài lược bày chỗ thấy
nhỏ hẹp của mình để mà nhắc nhở người sau, mong người
sau dẹp trừ tánh kiêu căng ngã mạn để tự sửa thì mới
có thể tiến được. Bằng không dẹp trừ tánh ngã mạn thì
không thể chuyển hướng được.
Chánh
Văn:
“Phù
xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu
long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt
tế tam hữu”.
Dịch:
Phàm
người xuất gia là cất bước đến phương trời cao rộng,
tâm hình khác tục. Nối thạnh giòng Thánh, hàng phục quân
ma, nhằm đền trả 4 ân, cứu giúp 3 cõi.
Giảng:
“Phù
xuất gia giả, phát túc siêu phương”. Chữ “phương” nghĩa
hẹp là chỉ cho địa phương, nghĩa rộng là chỉ cho tam giới.
Nghĩa là khi đã phát tâm xuất gia chúng ta phải ý thức rằng
mình sẽ thoát ra khỏi tam giới, không còn kẹt trong vòng sanh
tử nữa.
“Tâm
hình dị tục”. Mấy chữ này thật vô cùng cô đọng. Hình
dị tục thì chúng ta dễ nhận rồi như đầu trọc, mặc áo
nhuộm… Còn tâm dị tục là thế nào? Người thế gian thấy
tư tưởng là thật, thân này là thật, tất cả cảnh vật
chung quanh đều là thật, nên họ mê lầm và đắm chìm trong
ấy. Còn người xuất gia thì thường dùng trí tuệ Bát nhã
quán chiếu thân tứ đại là không, ngoại cảnh sáu trần
đều huyễn hóa…Hoặc giả với tinh thần Nhị thừa thấy
tất cả sự vật hiện có đều là vô thường, khổ, không
v.v…đó là “tâm dị tục”. Tâm người thế gian và người
xuất gia khác nhau là như vậy. Nhưng bây giờ có lắm người
xuất gia mà tâm không dị tục, nghĩa là cũng thấy thân cảnh
đều thực, cho nên cũng muốn kinh doanh, tạo sự nghiệp gì
đó ở đời. Như thế, thân tuy xuất gia mà tâm chẳng khác
người thế tục. Cho nên người xuất gia chúng ta phải nhìn
lại mình, thấy thân đã khác tục thì phải cố gắng làm
sao cho tâm cũng khác tục. Nếu chỉ khác hình thức mà tâm
không khác thì chưa phải là người xuất gia. Tổ chỉ dùng
bốn chữ cô đọng “tâm hình dị tục”, nhưng đã nói lên
được hoài bảo của người tu là vượt ra khỏi tam giới
để:
“Thiệu
long Thánh chủng” tức nối tiếp hạt giống giác ngộ. Người
xuất gia là người thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp, soi đường
cho kẻ lầm mê, vì thế phải có tâm giác ngộ, khác hẳn
thế tục mới có đủ khả năng làm cho hạt giống Thánh được
tiếp nối và hưng thạnh nữa.
“Chấn
nhiếp ma quân” là nhiếp phục ma quân, khiến chúng khiếp
đảm. Chữ “ma quân” có nhiều người hiểu lầm, tưởng
là con ma có hình tướng, có nanh vuốt dễ sợ lắm. Nhưng
ma quân trong nhà Phật thì có nhiều thứ. Ở đây tôi lược
nói hai thứ thôi, đó là nội ma và ngoại ma. Nội ma là những
gì làm chướng ngại tâm thanh tịnh của mình như tham, sân,
si đều gọi là ma. Thí dụ đang ngồi thiền bỗng nhớ khi
nãy cô kia nói mình một câu nặng quá. Cái nhớ đó là ma,
nó làm mình mất thanh tịnh. Ngay khi đó mình dừng lại không
cho nó nghĩ tiếp đó là hàng phục ma. Hoặc thấy của rơi
mà không lấy ấy là nhiếp phục ma tham. Hoặc có ai vô cớ
trêu chọc, sắp nổi nóng lên liền nghĩ: nóng giận là bậy,
nghĩ vậy nên nén xuống bỏ qua, đó là nhiếp phục được
ma sân. Vì thế chúng ta ngồi thiền trông im lìm nhàn hạ mà
thật sự khi ấy chúng ta đã tranh đấu một cách mãnh liệt
với ma quân, khi ấy chúng ta là người dũng sĩ lâm trận chứ
đâu phải ngồi chơi thong thả như người lầm tưởng. Một
cuộc chiến vô hình mà vô cùng phức tạp gay go. Như thế
gian đánh giặc họ dàn trận ra, hai bên thấy nhau trận chiến
là lẽ thường. Còn giặc của chúng ta là ẩn núp chẳng có
nơi chốn gì cả, chỉ đợi chúng ta sơ hở một tí là nhảy
vô liền. Vì thế cuộc chiến đấu thật trường kỳ chẳng
biết bao giờ mới thái bình. Giặc quá nhiều mà chúng ta lại
không biết rõ mặt mũi chúng, những chú giặc ấy hoặc quá
khứ, hoặc vị lai, nào chuyện mới, chuyện cũ… cứ hàng
hàng lớp lớp nhảy ra tấn công mình. Vì thế chúng ta phải
gan dạ và chăm chăm nhìn nó, nếu lơ là nó sẽ chiếm mất
gia bảo của mình. Cho nên người xưa nói: “Việc xuất gia
chẳng phải là việc của tướng võ có thể làm được”.
Như vậy người xuất gia đánh giặc hơn cả tướng cầm quân
chứ đâu phải thường. Giả sử muốn cất một ngôi chùa
mấy vị phải đi quyên góp tiền bạc suốt ba bốn tháng trường
mới tạo được ngôi chùa, như vậy cũng nhọc nhằn đấy,
song đâu có khó bằng ngồi thiền tranh đấu với chúng ma.
Có người thấy ngồi thiền im lìm một chỗ cho là tiêu cực
yếm thế chẳng giúp ích gì được cho ai, họ đâu biết chính
lúc ấy phải tranh đấu hết sức gay go. Vì vậy mà phải
có thế ngồi thật vững chắc, để nhìn nó mới thắng nó
nổi. Nếu lơ là nó sẽ tràn ra mãi, rồi có ngày chúng ta
sẽ mất quyền làm chủ. Muốn khôi phục lại ngôi vị của
mình thì phải đánh hết bọn ma ra ngoài. Đó là nhiếp phục
nội ma. Giờ nói đến ngoại ma. Ngoại ma có nhiều thứ như:
tử ma, ma ngũ dục, thiên ma v.v…Nhưng ngoại ma không nguy hiểm
bằng nội ma. Sở dĩ ma ngoài xâm nhập tâm của chúng ta được
cũng do bọn ma bên trong móc nối. Thí dụ ngoại ma là ngũ
dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Nếu tâm chúng ta không còn
nhiễm ái, không còn tham tiền, không ham ăn uống, ngủ nghỉ
thì ma ngoài dù có rủ rê cũng không được. Lòng tham dục
lắng xuống tức thời ma ngoài tự tiêu. Kế đến là loại
ma vì nghiệp phải làm quỷ. Loại ma này thường nhiễu hại
người tu bằng cách khi chúng ta ở nơi vắng vẻ, nó liền
hiện hình hay biến tướng lạ để quấy phá. Khi thấy những
tướng quái lạ ấy chúng ta phải làm sao? Như trong đoạn
đối đáp của vua Trần Thánh Tông với Tuệ Trung Thượng
Sĩ, có câu:
“Kiến
quái bất kiến quái
Kỳ
quái tất tự hoại”.
Nghĩa
là thấy quái đến mà mình không quái thì quái tự tiêu. Đến
đây chúng ta nhớ lại chuyện Phật trị ma dưới cội Bồ-đề
trước giờ thành đạo. Ngài chẳng dùng ấn chú gì hết.
Khi ma hiện trăm thứ kỳ quái, Ngài chỉ giữ tâm an nhiên
không động, một hồi lâu ma tự xấu hổ rút lui. Tâm không
động là thắng ma, còn sợ hãi thì ma thắng mình. Trong khi
ngồi thiền nếu trường hợp ma hiện đến, mở mắt thấy
sợ thì nhắm mắt lại, nếu còn thấy sợ nữa thì nên quán
tưởng thân này do tứ đại hợp thành, mà thể tánh của
tứ đại là không, sáu trần đều huyễn hóa thì sợ cái
gì? Tưởng một hồi thì tự nhiên nó mất, chẳng cần bùa
chú gì cả. Sở dĩ có một số người ngồi thiền phát điên
cuồng là do thấy những tướng lạ đâm hoảng hốt, sợ hãi.
Giả sử đang ngồi thiền an tịnh, bỗng có ai thình lình đi
tới, lúc đó nghe tim đập thình thịch muốn xuất mồ hôi
hột. Vì lúc ngồi yên những tiếng động bên ngoài có tác
động gấp mười lần khi chúng ta đang động. Thế nên khi
ngồi yên mà phát sợ thì nó tác động tinh thần, nếu động
quá độ sẽ loán lên mà phát cuồng. Quí vị nên nhớ kỹ
điều này, để tránh tai hại trong khi tu thiền. Một trường
hợp nữa cũng có thể điên được, như khi đang ngồi thiền
bỗng thấy Phật đến xoa đầu thọ ký rằng: “Ông sẽ thành
Phật một ngày gần đây”. Bấy giờ mừng quá la lên, cũng
thành cuồng loạn. Tâm động thấy Phật thấy ma gì cũng là
bịnh. Nên trong nhà thiền thường nói: “Phùng ma sát ma, phùng
Phật sát Phật” là ý này. Thấy ma thấy Phật gì cũng đều
tưởng đó là bóng dáng không thật, tưởng như vậy thì hình
ảnh ấy sẽ biến mất, không nên phát tâm mừng rỡ hay kinh
sợ, mà chỉ giữ tâm an tịnh. Đa số người ngồi thiền
thường ở trong trạng thái nửa tỉnh nửa say, lúc ấy vọng
tưởng dấy lên thành những giấc chiêm bao với những hình
ảnh tạp nhạp, rồi cho là ngồi thiền thấy này, thấy nọ…đó
là trạng thái sắp ngủ gục. Nếu lúc ấy sực tỉnh, mở
mắt sáng lên thì những hình ảnh ấy sẽ mất, nếu là ma
thật thì mở mắt vẫn còn thấy. Vì thế điểm cốt yếu
là chúng ta phải nhiếp phục ma trong, thì ma ngoài không nhiễu
hại được. Nếu ma trong không dẹp, thì dù có bùa chú gì
vẫn bị ma dẫn đi như thường. Chi bằng ta dẹp sạch ma trong,
tâm an định thì dù ma có đến cũng mặc nó, ta vẫn là ta,
ấy là hay nhất. Chinh phục ngoại cảnh đâu bằng chinh phục
nội ma, chinh phục mình mới là điều gay go nhất. Ngồi thiền
là để tự chinh phục ma, lũ ma vọng tưởng đã dẫn dụ
chiếm đoạt cái ngôi vị làm chủ của mình từ bao nhiêu
kiếp.
“Dụng
báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Nhiếp phục được ma quân
rồi, mới có thể đem công đức tu hành mà đền đáp bốn
ân, cứu giúp chúng sanh trong ba cõi. Nếu việc mình chưa xong
mà lo đền ơn đáp nghĩa…thì chưa chắc đã đền đáp được
gì, đôi khi còn chướng ngại đường tu nữa. Tóm lại, Tổ
nhắc nhở người xuất gia trước phải lập chí giải thoát,
tâm chớ giống người thế tục, kế làm sáng tỏ chánh pháp
và nhiếp phục ma quân. Người như thế mới khả dĩ trên
đền đáp bốn ân, dưới cứu giúp ba cõi.
|