|
X
QUI
SƠN CẢNH SÁCH
Thiền
Sư Linh Hựu
Hòa Thượng
Thích Thanh Từ Việt dịch
Phần
6
Chánh
Văn:
“Tài
tương giác sát, tiện ngôn ngã thị sơn Tăng. Vị văn Phật
giáo hành trì, nhất hướng tình tồn thô tháo. Như tư chi
kiến, cái vị sơ tâm dung đọa, thao thiết nhân tuần, nhẩm
nhiễm nhân gian toại thành sơ dã. Bất giác lủng chủng lão
hủ, xúc sự diện tường. Hậu học tư tuân vô ngôn tiếp
dẫn. Túng hữu đàm thuyết bất thiệp điển chương. Hoặc
bị khinh ngôn, tiện trách hậu sanh vô lễ, sân tâm phẫn khởi,
ngôn ngữ cai nhân”.
Dịch:
Vừa
mới được người cảnh giác liền xưng: Ta là “Sơn Tăng”.
Chưa nghe lời Phật dạy để hành trì, cứ một bề giữ tánh
thô tháo. Sở dĩ thấy biết như vậy, chỉ vì tâm ban đầu
biếng nhác và theo thói ham ăn mê ngủ. Dần dà theo đời hóa
thành thô kệch. Chẳng hay lóng cóng yếu già, gặp việc xây
mặt vào vách. Hậu học thưa hỏi không biết lời chi hướng
dẫn. Dẫu có giảng nói cũng không hợp với kinh điển. Nếu
bi khinh chê liền trách hậu sanh vô lễ. Tâm sân nổi dậy,
lớn tiệng nạt người.
Giảng:
“Tài
tương giác sát, tiện ngôn ngã thị sơn Tăng”. Ở Trung Hoa
tăng sĩ có hai thành phần. Một là những vị sư ở kinh đô
vì gần Vua và dân chúng đông đảo nên giữ oai nghi nghiêm
chỉnh. Hai là những vị sư ở núi vì ít người lai vãng nên
tự do, không giữ gìn oai nghi. Vừa được người nhắc nhở
liền xưng “Ta là Sơn Tăng” mà không chịu nhận lỗi để
sửa. Đó là lỗi chồng thêm lỗi.
“Vị
văn Phật giáo hành trì, nhất hướng tình tồn thô tháo”.
Bởi chưa từng nghe lời Phật dạy để tu hành nên trong lòng
còn giữ một bề thô tháo. Chỉ tính toán chuyện thế gian,
tuy xuất gia mà chẳng hợp đạo tí nào.
“Như
tư chi kiến, cái vị sơ tâm dung đọa, thao thiết nhân tuần”.
Sở dĩ có thấy biết như vậy chỉ vì ban đầu lười biếng,
không chịu học luật, học giáo lý, chẳng biết tu hành mà
chỉ lo ăn, ngủ. Thật là tệ hại!
“Nhẫm
nhiễm nhân gian toại thành sơ dã”. Nghĩa là dần dà theo
đời, hóa thành quê kệch. Hai câu này nếu dịch thoát văn
một chút thì tôi nói là xách dù đi lang thang, chuyên đến
những nhà thế tục bèn thành kẻ quê mùa. Vì mãi đi lang
thang xóm này, làng nọ thì giờ đâu mà học hỏi giáo lý,
thì giờ đâu mà thúc liễm thân tâm? Nói đến đạo lý thì
mù tịt, không phải quê mùa dốt nát là gì?
“Bất
giác lủng chủng lão hủ, xúc sự diện tường”. Bất chợt
cái già lụm cụm đến, gặp việc liền xây mặt ngó vào
vách.
“Hậu
học tư tuân vô ngôn tiếp dẫn. Túng hữu đàm thuyết bất
thiệp điển chương”. Hậu học thưa hỏi không có lời gì
tiếp dẫn. Nếu có nói ra cũng không hợp với kinh điển.
Vì ở chùa lâu được tôn xưng là Thượng tọa, Sư bà. Bấy
giờ được người thưa hỏi thì không biết lời gì để
giải đáp. Đôi khi túng quá, không nói, sợ nó cười, nên
nói đại nói càn chẳng hợp với kinh điển. Thế mà:
“Hoặc
bị khinh ngôn, tiện trách hậu sanh vô lễ. Sân tâm phẫn khởi,
ngôn ngữ cai nhân”. Hoặc bị khinh chê liền trách hậu sanh
vô lễ. Tâm sân nổi dậy, lớn tiếng át người. Kẻ hậu
sanh vì thấy hàng tu lâu là thông suốt nên đến hỏi, chẳng
ngờ mình nói bậy, nó biết nên nói : “Thầy nói vậy e lầm
chăng?”. Vừa nghe thế liền nổi giận trách liền: “Hậu
sanh vô lễ”. Đã“Sân tâm
phẫn khởi” thì “ngôn ngữ cai nhân” là mắng nạt đuổi
đi. Đoạn này Tổ nhằm vào cái khuyết điểm của người
xuất gia không lo tu học mà quở trách. Đây, Tổ nói tiếp
hậu quả của người không tu học.
Chánh
Văn:
“Nhất
triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách,
hiểu tịch tư thổn tâm lý hồi hoàng. Tiền lộ mang mang,
vị tri hà vãng. Tùng tư thỉ trihối
quá, lâm khát quật tỉnh hề vi”.
Dịch:
Một
mai bịnh nằm trên giường, mọi thứ đau đớn doanh vây bức
bách. Sớm tối lo nghĩ, trong lòng lo sợ bồi hồi. Đường
trước mịt mờ chưa biết về đâu. Bấy giờ mới biết hối
hận ăn năn, đợi khát đào giếng sao kịp?
Giảng:
Đến
đây Tổ dùng lời trách thật thống thiết. Một hôm đau nặng
nằm liệt giường, lúc ấy các khổ dồn đến ép ngặt: thân
thể đau nhức, cổ họng tắt nghẽn… chừng ấy mới suy
nghĩ lại mấy chục năm nay mình đã làm những gì? Tu tiến
thế nào? Có lợi ích gì cho ai? Thì chỉ thấy mình là con
số không. Bấy giờ trong tâm hoảng sợ, đường trước mịt
mờ nào biết về đâu? Thật là khổ! Chừng ấy mới biết
ăn năn nhưng đã muộn rồi, đợi đến khát nước mới lo
đào giếng thì sao cho kịp? Vì thế bây giờ còn trẻ có duyên
tốt xuất gia, lại may mắn gặp những nơi giảng kinh dạy
đạo thì phải ráng nỗ lực học hỏi tu hành, khả dĩ mới
tránh khỏi lỗi lầm này.
Chánh
Văn:
“Tự
hận tảo bất dự tu, niên vãng đa chư quá cựu. Lâm hành
huy hoắc, phạ bố chương hoàng. Hộc xuyên tước phi thức
tâm tùy nghiệp. Như nhân phụ trái, cường giả tiên khiên.
Tâm tự đa đoan, trọng xứ thiên trụy”.
Dịch:
Hận
mình sớm chẳng lo tu, đến lúc tuổi già nhiều điều tội
lỗi. Khi sắp rời bỏ cuộc đời sự sống tan rã nhanh chóng,
trong lòng khiếp sợ kinh hoàng. (Giống như) lụa thủng chim
bay, (cũng vậy) tâm thức theo nghiệp. Như kẻ mắc nợ, ai
mạnh kéo trước, trong tâm nhiều mối, nặng đâu sa đó.
Giảng:
Đến
đây tôi giải thích kỹ cho toàn thể quí vị nghe và nhận
được yếu chỉ tu hành, để đến phút chót mình cố tự
chủ. Đối với người thường không biết tu hành chỉ lo
chạy theo danh lợi, khi sắp chết họ tự kiểm điểm thấy
mình không có phước đức, nên tâm hoảng sợ không biết
mình sẽ ra sao? Đi về chỗ nào? Tâm hãi hùng tay chân co rút,
không làm chủ được mình. Khi ấy nếu tắt thở, thì thần
thức nơi thân liền xuất ra.
Chữ
“Hộc xuyên” Phật ví dụ như cái hủ ngoài có tấm lụa
bịt miệng, trong hủ có con chim. Nếu tấm lụa thủng thì
con chim sẽ bay ra chỗ nào nó thích. Cái hủ bịt miệng ấy
dụ cho thân tứ đại của chúng ta, khi thân sắc uẩn hư hoại.
Tâm thức liền tùy nghiệp mà đi, nghiệp nào nặng thì lôi
mình đi trước. Thế thì thái độ của người tu khi chết
phải làm thế nào? Trong kinh Phật dạy: khi sắp chết phải
được tự chủ.Nếu tu về
pháp môn niệm Phật thì nhớ niệm Phật, tu pháp môn trì chú
thì nhớ câu chú. Còn chúng ta tu thiền thì sao? Lúc ấy không
nhớ gì hết phải không? Nếu không nhờ phương tiện gì cả
thì lúc ấy hoảng hốt làm sao tự chủ? Thực sự, nếu người
tham thiền đầy đủ nghị lực, khi chết họ sẽ cười. Chỉ
có người chưa đủ nghị lực mới sợ. Cũng như người niệm
Phật khi đến chỗ nhất tâm bất loạn rồi, thì khi chết
sẽ vui tươi, vì thấy mình đầy đủ công đức, nhắm mắt
là được Phật rước. Người tham thiền cũng thế, khi thấy
được tánh, đạt được đạo thì có gì mà sợ hãi? Như
Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ khi có người hỏi:
-Đối
với vấn đề sanh tử Ngài nghĩ sao?
Ngài
đáp:
“Trường
không túng sử song phi cốc
Cự
hải hà phòng nhất điểm âu?”
Dịch:
“Giữa
trời phỏng có đôi vành chuyễn
Biển
cả ngại gì hòn bọt con”.
Với
hư không vô cùng tận thì hai vành xe trong ấy nào có nghĩa
gì? Một hòn bọt nào có đáng gì với biển cả mênh mông!
Hai vành xe dụ cho sanh tử, khi chúng ta đã đạt được pháp
thân thì vấn đề sanh tử trở thành vô nghĩa. Lại nữa,
pháp thân chẳng khác nào biển cả, còn sắc thân huyễn hóa
này chẳng khác nào hòn bọt. Bọt tan trở về biển nào có
lo gì? Vậy thì có gì sợ hãi? Chỉ ngại chúng ta biết bọt
mà không biết biển thì mới lo sợ. Vì thế mà đa số Thiền
sư ngộ đạo rồi, đối với vấn để sanh tử các Ngài xem
như trò chơi. “Ư chư sanh tử bất quan hoài”, đối với
vấn đề sống chết chẳng còn để lòng nữa. Lúc đó là
xong, cần gì phải nghĩ mình đi đâu. Đây là chủ yếu của
Thiền Tông. Tổ Qui Sơn khi sắp tịch, có người hỏi:
-Hòa
Thượng sau khi tịch về đâu? Ngài đáp:
-Ta
sẽ làm con trâu dưới núi, trên lưng có đề 4 chữ “QUI
SƠN LINH HỰU”. Khi ấy gọi Qui Sơn là phải, hay gọi con trâu
là phải?
Quí
vị chưa thông hiểu thiền lý, nghe chuyện này ắt hoảng hốt
sanh nghi. Ông già tu hành bao năm đã được tôn làm Tổ, mà
chết làm trâu thì nguy quá, tu hành như mình chẳng biết sẽ
ra sao? Thông thường chúng ta quan niệm người tu chết thì
phải về cõi Phật hoặc thành Thánh mới được, ai ngờ Ngài
nói sẽ làm con trâu Ngài Nam-Tuyền cũng nói tương tự như
vậy. Chúng ta lúc nào cũng thấy trên là Thánh dưới là phàm,
muốn bỏ phàm theo Thánh, mà còn thấy Thánh là còn thấy hai.
Sự thật thì không hai, đấy chỉ là phương tiện giả lập
trong vòng tương đối mà thôi. Vì thế đối với những vị
đạt đạo thấy Phàm Thánh không hai thì nói thế nào? Thôi,
làm con trâu vui vậy. Nhưng nói thế chớ các Ngài có làm trâu
đâu, chỉ cốt để phá cái chấp phàm Thánh của chúng ta
thôi. Bọt tan về biển, chớ hỏi về đâu? Vừa khởi nghĩ
hỏi là đã sai rồi. Nếu còn có chỗ về tức là còn hòn
bọt, bởi vì bọt mới trôi giạt Đông Tây, chứ khi bọt
tan đồng với biển cả thì ai thấy được chỗ về? Nếu
thực tình chúng ta đã gột sạch bản ngã, dứt được tâm
phàm Thánh thì có lo gì, chỉ ngại chúng ta không dứt được
mà thôi. Chẳng những Thiền sư nói bọt tan về biển mà chính
đức Phật đã từng giải thích về điều này: Có một vị
Tỳ Kheo chứng A-La-Hán, khi vị này tịch, một Tỳ Kheo khác
hỏi Phật:
-Bạch
Thế-Tôn, vị Tỳ Kheo này sau khi tịch sẽ đi về đâu?
Phật
đáp:
-Vị
này sau khi tịch chẳng khác nào như củi hết lửa tắt.
Thật
đơn giản. Chính chỗ củi hết lửa tắt này khiến lắm người
không hiểu và đâm hoảng, nghĩ rằng đến đây rồi chẳng
còn gì nữa. Thật sự, ở đây củi là dụ cho nghiệp, lửa
dụ cho sanh tử.Nếu nghiệp
đã hết thì sanh tử đâu còn. Bậc đã chứng A-La-Hán, dứt
sạch nghiệp thì đâu còn sanh tử, đó là giải thoát, nên
nói: như củi hết lửa tắt. Chính đức Phật khi còn tại
thế có người đặt câu hỏi: “Bạch Thế-Tôn, sau khi tịch
rồi, Ngài còn hay không còn?”. Phật không đáp mà gác qua
một bên cho rằng câu hỏi vô lý. Tại sao vô lý? Vì theo quan
niệm của thế gian thì hoặc là có hoặc là không. Nếu có
thì phải có hình tướng, nếu không thì là không ngơ. Cho
nên Phật không đáp còn hay không, vì nếu đáp còn thì người
ta sẽ nghĩ đến hình tướng thế nay thế nọ, mà Phật là
đấng đã giác ngộ thoát khỏi vòng luân hồi sanh diệt thì
đâu có hình tướng. Còn nếu đáp không, thì họ sẽ tưởng
là không ngơ, cả hai đều là bịnh, bịnh chấp “thường”,
chấp “đoạn” chúng sanh luôn thấy có hai, còn bậc giác
ngộ thì không còn thấy có hai nữa. Đối với hàng Thánh
giả mà hỏi sau khi tịch đi về đâu là điều vô lý. Vì
một khi thể nhập pháp thân rồi thì tràn đầy pháp giới,
tùy duyên ứng hóa, đâu hạn cuộc chỗ nơi nào, không thấy
đi cũng không thấy có chỗ để đi, đây mới thật là giải
thoát. Chỉ những người còn lẩn quẩn trong vòng sanh tử,
thì Phật mới thọ ký cho họ sau khi chết sẽ về chỗ nào
đó trong lục đạo, tùy theo nghiệp của mỗi người. Nếu
còn chỗ đi ấy là còn luân hồi. Nay quí vị hỏi: Tu Thiền
chết đi về đâu? Nếu tôi nói chết đi về đâu tức tôi
chỉ quí vị luân hồi. Mà ở đây tôi muốn quí vị làm sao
thể nhập được pháp thân, tùy duyên ứng hóa. Điểm thiết
yếu của người tu là cốt được vô sanh, vô sanh tức nhập
Niết-bàn. Niết-bàn thì không có hình tướng, nhưng đừng
nghĩ là nó không ngơ, nói không ngơ là rơi vào đoạn mà nói
có tướng tức lạc vào thường. Cả hai đều là bịnh. Chỉ
có người thể hội được mới rõ, chứ không thể giải
thích theo lối chấp hai của thế gian mà hiểu được.
Ở
đây tôi giải thích thêm một điểm ngờ vực nữa của người
thế gian. Người thế gian cho rằng mọi người đều riêng
có một linh hồn là cái tính linh khôn ngoan sáng suốt, mà
đã khôn ngoan thì sao lại chịu vào nơi khổ? Ai cũng nghĩ
rằng sau khi chết linh hồn mình sẽ sinh ra làm người nữa
và chấp chặt cho linh hồn đó là mình. Đạo Phật thì gọi
đó là tâm thức. Cái tâm thức này tùy theo chỗ huân tập
thiện ác mà đến, chứ không cố định. Vì không cố định
nên nó không phải là cái khôn ngoan biết lựa chọn, mà chỉ
tùy nghiệp mà thôi. Tâm thức khác linh hồn ở chỗ đó. Nếu
nói chúng ta có linh hồn thì sẽ tưởng như đó là một tinh
thần duy nhất, nếu là duy nhất cố định thì thiện ác,
mãi mãi không thay đổi. Nhưng, tâm thức chúng ta luôn luôn
biến chuyển, gần người lành thì hấp thụ điều lành, gần
kẻ ác thì hấp thụ điều ác. Như vậy, tâm thức là một
dòng thiện ác, sinh diệt, chính dòng thiện ác đó sẽ đưa
chúng ta đến chỗ lành hay dữ, nghiệp nào nặng sẽ lôi mình
trước, đó là ý nghĩa “trọng xứ thiên trụy”.
Tóm
lại, Tổ chỉ cho chúng ta thấy người tu nếu không tu đến
nơi đến chốn, mà một bề chạy theo danh lợi, khi lâm chung
thần thức vừa ra khỏi thân liền bị nghiệp lôi, nghiệp
nào nặng thì sẽ lôi mình trước. Nếu thiện mạnh thì sẽ
lôi mình đến chỗ lành, nhưng hưởng phước lành hết thì
sẽ rơi vào chỗ dữ. Nếu ác mạnh sẽ lôi đến chỗ dữ
trước, trả hết nghiệp ác rồi mới tới chỗ lành, đấy
là tuần tự mà trả nợ, nhưng tùy chủ nợ mạnh yếu mà
lôi kéo chúng ta đến trước hay sau. Đây là chỗ chúng ta
cần lưu ý.
|