II
VIII.
Khai thị tại Đại Hội Hoan Nghinh Các Giới Chức, 18-8-1946.
IX.
Khai thị tại Đông Liên Giác Uyển, Hồng Kông, năm 1947.
X.
Khai thị tại Áo Môn, hý viện Bình An, vào mồng 1-8-1947.
XI.
Bài diễn thuyết tại xã Liên Nghĩa, Quảng Châu vào 20-9-1947.
VIII.
Khai thị tại Đại Hội Hoan Nghinh Các Giới Chức,
tại hội quán Trung Sơn ở Quảng Châu vào ngày 18-8-1946[^]
Lần
này, bốn chúng cùng quý vị đại hộ pháp tại các tỉnh
hội mời Hư Vân tôi đến đây để hoằng dương Phật pháp.
Hư Vân tôi tri thức cạn cợt, thẹn thùng chẳng dám đảm
nhận. Hôm nay cùng quý vị đại biểu phân rõ ba điều: Thứ
nhất, cung kính hoan nghinh quý vị đến đây. Thứ hai cám ơn
quý vị đã cúng dường trai tăng. Thứ ba, không thể ở đây
lâu được. Do quý vị đại biểu yêu cầu, Hư Vân tôi mới
xuống núi. Đến đây, lại được sự ân cần tiếp đãi
của quý vị. Chùa Lục Dong nhỏ hẹp. Người đến đây không
phải ai ai cũng được tiếp đón nồng hậu. Hôm nay, đại
chúng
đồng thỉnh tôi đến đây giảng vài lời. Có vị bảo rằng
người như Hư Vân tôi thật rất khó gặp. Thật ra, tôi chỉ
là một cây gỗ già nua mục nát rất vô dụng, chẳng có tài
cán, lời hay ho, hoặc pháp gì để nói.
Hôm
nay, các giới chức đồng phát tâm kiến lập pháp hội Thủy
Lục để truy điệu các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử
nạn. Vì vậy, tôi sẽ giảng thuyết sơ về duyên khởi của
sự kiến lập đàn tràng Thủy Lục.
Sao
gọi là Thủy Lục ? Thủy tức là nước tại sông biển ao
hồ. Lục tức là đất đai tại núi non, cao nguyên, đồng
bằng. Thủy Lục (đất nước) bao hàm cả hư không. Nếu là
vật có hình tướng thì không vượt ngoài ba vật này (đất,
nước, hư không).
Đấng
Như Lai của chúng ta khởi tâm đại từ bi, cứu tế khắp
loài hữu tình, nên mới lập ra pháp môn này. Duyên khởi của
pháp hội Thủy Lục là khi tôn giả A Nan tu tập thiền định
trong rừng, có một con quỶ chúa đến cầu xin cứu độ. Tôn
giả A Nan liền trở về núi Linh Thứu, cầu Phật dạy bảo.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân đó mà thuyết pháp Thủy Lục.
Con quỶ chúa vốn là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì
thương xót chúng sanh trên đất liền đang chịu bao thống
khổ, và muốn giúp cho âm hồn trong cõi địa ngục U Minh được
vãng sanh lên cõi Cực Lạc, nên thiết pháp siêu độ.
Pháp
hội này khởi đầu từ đời vua Lương Võ Đế ở nước
Tàu. Nhà vua phát tâm Bồ Đề rất mực chân thành mà cung
thỉnh hòa thượng Chí Công, định chế nghi thức lập đàn
tràng "Thủy Lục" để làm lợi ích cho các oan hồn uổng tử.
Sắp đặt đèn cầy xong, vua Lương Võ Đế lễ một lạy;
kế đến thắp đèn "Tận Minh", rồi lễ thêm một lạy. Khi
đó, cung điện chấn động. Vua lễ lần thứ ba thì trời
mưa hoa báu. Công đức đàn tràng "Thủy Lục" như thế.
Đời
Đường, tại chùa Pháp Hải, thiền sư Anh Công lại kiến
lập đàn tràng Thủy Lục để cầu siêu độ cho vua Tần Trang
Nhượng, Phạm Tuy, Bá Khởi, Vương Long Vũ, Trương Nghị, Chẩn
Muội, v.v... đã bị trầm luân cả ngàn năm, khiến họ siêu
thăng cõi trời. Cư sĩ Tô Đông Pha đời Tống, đại sư Liên
Trì đời Minh, v.v..., cùng chư thánh hiền bao đời bổ sung
thêm vào, khiến cho nghi thức lập đàn tràng Thủy Lục ngày
một hoàn bị. Muôn pháp do tâm tạo. Mọi người đều thành
tâm, tất sẽ có cảm ứng.
Hư
Vân tôi thể theo lời khẩn thỉnh của các vị đại hộ pháp
mà làm pháp chủ cho đàn tràng này, thật khó từ chối được.
Các
chiến sĩ trận vong trong thời kỳ kháng chiến, xả thân báo
quốc, nhưng hồn họ vất vưỡng, không nơi nương tựa. Vì
tôn sùng ân đức này, chúng ta kiến lập đàn tràng để cầu
siêu độ cho họ. Nghĩa dân bất khuất, lưu lạc đường hoang,
nhà tan người mất, không hàng phục quân địch, trung thành
vì nước. Cô hồn vô chủ, lang thang khắp nơi. Lại có những
vong hồn uổng tử, chết vì bị trúng đạn, xe cán, bịnh
dịch, chết đuối, chết oan v.v... Chúng ta phải đều cầu
siêu độ hết để an ủi chúng sanh ở cõi u linh. Kẻ chết
được an, người sống được ích lợi, tức là làm lợi
ích khắp cõi dương và cõi âm.
Đây
là lý nhân quả tuần hoàn. Xoay lại đạo lý nhân tâm, không
ngoài các việc ác chớ làm mà phải hành theo những việc
lành. Bao việc khổ sở trên thế gian đều do đã trồng nhân
xấu đời trước. Nếu tán tận lương tâm, bỏ quên hiếu
để, trung tín, lễ nghĩa, khiêm, sĩ, cứ làm càn làm bậy,
thì khiến lụy đến người hiền, và thế giới mãi mãi vẫn
còn loạn lạc. Đất nước vừa được trùng quang độc lập,
phải cực lực hưng thiện dẹp trừ việc xấu, cải ác theo
lành, thì mới không bị nước ngoài xâm lăng. Nếu không lo
chuyện đại cuộc mà vẫn cứ khởi nội loạn, thì nhân dân
không biết sẽ chết nơi nào. Lúc này, nếu người có lương
tâm phải sớm giác ngộ, biết đoàn kết, giải trừ kiếp
vận cho đất nước. Nước Tàu từ lúc Hoàng Đế khởi binh
đánh vua nước Cửu Lệ cho đến ngày nay, chiến tranh mãi
không dừng.
Nếu
muốn hòa bình mãi mãi thì mọi người phải nên phát tâm
Bồ Đề, và tâm đại từ đại bi. Bồ Đề là chữ Phạn,
nghĩa tức là giác. Giác tức là đất tâm sáng chiếu. Sự
khác biệt giữa chư Phật và chúng sanh là việc giác ngộ
hay chưa giác ngộ. Những vị đã giác ngộ tất cả các pháp
trên thế gian đều do duyên sanh như mộng như huyễn, và thể
tánh vốn không, chẳng bị nhiễm ô, được gọi là thánh
hiền. Bất giác tức là vô minh. Một khi vô minh khởi lên
thì mê mờ sự lý. Từ tự tâm của chúng ta, sanh ra mười
pháp giới. Mười pháp giới đều do tâm tạo. Mười pháp
giới gồm có bốn pháp giới thánh hiền và sáu pháp giới
phàm phu. Bốn pháp giới thánh hiền là pháp giới của Thanh
Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Gọi là cảnh giới thánh hiền
vì nơi đó các ngài đã vượt ngoài ba cõi, không còn thọ
luân hồi. Nếu phân biệt thì giữa bốn pháp giới thánh hiền
có phân chia cao thấp. Pháp giới tối thượng tức là pháp
giới của chư Phật. Kế tiếp là pháp giới của Bồ Tát,
rồi đến pháp giới của Duyên Giác, và cuối cùng là pháp
giới của Thanh Văn. Sáu pháp giới phàm phu vẫn còn nằm trong
biển khổ luân hồi là pháp giới của trời, người, A Tu
La, súc sanh, địa ngục, ngạ quỶ. Pháp giới của cõi trời
có ba mươi hai tầng trời. Sau khi thọ hết phước báu, chư
thiên vẫn bị luân hồi như thường. Con người từ đế vương,
tể tướng cho đến nông dân, công thương, sĩ thứ, đều
thọ hết tất cả khổ của sanh già bịnh chết. Loài A Tu
La có phước nhưng không có đức như chư Thiên nên cuối cùng
vẫn phải bị hoại diệt. Trong loài súc sanh, cũng có sự
khác nhau về việc hưởng lạc và thọ khổ, như loài rồng
phượng, sư tử, lân giác thì thường hưởng lạc, và ít
thọ khổ hơn loài trùng kiến thấp sanh, hóa sanh. Khổ nhọc
hay an lạc trong loài quỶ cũng không đồng. Các quỶ vương
như Diêm Vương và Thành Hoàng đều hưởng lạc nhiều mà
thọ khổ ít hơn những loài quỶ cô hồn vô chủ. Khổ nhất
là loài ngạ quỶ. Chúng sanh trong địa ngục thường thọ
vô biên khổ cực, chẳng hề được sung sướng.
Mười
pháp giới không ngoài một tâm. Giác ngộ hay chưa giác ngộ
cũng từ tâm này ra. Đức Phật của chúng ta thật rất đại
từ đại bi. Ngài giảng kinh thuyết pháp để khiến cho mọi
người phát tâm Bồ Đề. Phát tâm Bồ Đề cũng sai khác.
Bậc lớn thì phát tâm tu hành thành Phật. Bậc trung thì phát
tâm tu hành thành Bồ Tát. Bậc nhỏ thì phát tâm tu hành thành
Thanh Văn Duyên Giác. Chư thiên cũng có vị phát tâm Bồ Đề.
Do sự phát tâm rộng hẹp, lớn nhỏ, nên việc thành tựu
đạo quả mau chậm không đồng. Chúng ta đang sống trong cõi
người, phải nên phát tâm Bồ Đề rộng lớn, cứu độ chúng
sanh, thay họ chịu khổ. Lại nữa, nên nguyện rằng sẽ dẹp
trừ khổ lụy và khiến chúng sanh được siêu thăng. Nếu
người người đều phát tâm như thế thì cõi nhân gian sẽ
không còn khổ đau.
Có
người hỏi tôi về thần thông biến hóa, thế giới chừng
nào hòa bình, vận nước tốt xấu như thế nào ? Tuy nhiên,
tôi vốn là phàm phu, không biết việc chi, lại chỉ là cây
gỗ già nua khô mục, không thể chạm khắc. Bất quá, so với
quý vị thì ăn cơm hơn nhiều năm, ngu si hơn nhiều năm, nghe
các ngôn ngữ lời nói nhiều hơn, xem nhiều quyển kinh hơn.
Nhận biết làm người là khổ đau, nên tôi mới nói ra những
lời này. Quý vị chớ nên hỏi việc quốc gia có hòa bình
an lạc hay không, mà chỉ nên tự hỏi ngay tâm địa của mình.
Ngày đêm sáng tối, chớ nên phân biệt quan dân, nam nữ. Tự
khắc phục tâm tánh, chớ để tự tâm mê mờ. Phải thật
hành hiếu để trung tín, và cùng mọi người hỗ tương khích
lệ. Phải nên trung thành với quốc gia, giáo dục con cái đàng
hoàng, hòa thuận vợ chồng, lễ kính thân bằng quyến thuộc
bà con láng giềng, có tín nghĩa khi giao hảo với bạn bè.
Nếu người người làm được như thế thì thế gian tự nhiên
thái bình. Ngược lại, nếu biết sai mà không sửa đổi thì
khổ não tất sẽ chạy theo, không thể tránh được. Dầu
nhân tâm có phức tạp như thế nào, vẫn tự giữ bổn phận
của mình, không chìm đắm trong muôn ngàn mong cầu.
Hôm
nay, tôi bàn đến việc nước nhà bị ngoại xâm. Từ đời
Thanh niên hiệu Đạo Hàm cho tới nay, người ngoại quốc đến
nước Tàu, không phải hoàn toàn muốn chiếm đất đai mà
chỉ có mục đích quan trọng nhất là muốn thông thương vì
tiền tài lợi lộc. Chúng ta phải tự giữ bổn phận của
người quân tử: Thân không cầu an, ăn không cầu no, mến
đạo không sợ nghèo, chẳng ham hưởng nhàn. Lịch sử mấy
ngàn năm đều có những bậc quân tử như thế. Tại sao hiện
nay lại không có được những vị như vầy ? Nếu mọi người
đều đồng tâm nhất chí, giữ bổn phận của mình, dùng
đồ nội hóa thì người ngoại quốc không thể mưu đồ lợi
ích gì cả, và tự nhiên sẽ không sanh tâm xâm lược. Vàng
bạc tiền tài nếu không mang ra nước ngoài thì dân giàu nước
mạnh mà không cần phải dùng đến máy bay, bom đạn.
Hiện
tại, con người tham dục vô cùng. Ai ai cũng đều bỏ quên,
khinh rẻ học đạo đức làm người. Kẻ có lương tâm, ưu
sầu sống ẩn dật, vì sợ không có cách dạy bảo kẻ hậu
lai, nhưng cũng không tránh được kiếp đao binh chiến nạn.
Chúng ta chớ bị truyền thống phong tục của người thế
gian lôi cuốn; phải rõ nhân quả, biết báo ứng; trồng nhân
xấu tức gặt quả ác; cố đề xướng đạo đức. Thế nên,
nhà nào tích tụ hạnh lành thì luôn có việc vui, và tự nhiên
được trời rồng ủng hộ, khiến con cháu đầy đàn sung
túc; người người nếu an phận thủ thường thì quốc gia
cũng nhờ đó mà được thái bình an lạc.
Hư
Vân tôi tri thức cạn cợt, nay chỉ nhờ duyên khởi của thắng
hội tế trai, lược nói đại khái, khiến quý vị thêm mệt
nhọc.
IX.
Khai thị tại Đông Liên Giác Uyển, Hồng Kông, năm 1947[^]
Tuy
cơ duyên khó gặp, nhưng bảo rằng tôi nói lời khai thị thì
thật rất hổ thẹn. Quý vị thiện tri thức ! Nhân duyên tới
Quảng Châu lần này của tôi là do sự thỉnh mời của tướng
quân Trương Phát Khuê và chủ tịch La Trác Anh đến đây kiến
lập pháp hội Thủy Lục để cầu siêu độ cho các vong hồn
chiến sĩ, đồng bào tử nạn trong đại chiến thế giới
lần thứ hai. Lại vì ước hẹn với hội Phật giáo tại
Hồng Kông cùng muốn gặp gỡ các đệ tử hộ pháp, nên nay
tôi mới đến đây. Hôm nay gặp quý vị tại pháp đường,
thật là một cơ duyên khó được. Nếu nói khai thị pháp
yếu, tôi cảm thấy rất xấu hổ muôn phần. Thứ nhất ngôn
ngữ không thông, mình người ngăn cách. Thứ hai, tự không
thể khai thị cho chính mình, sao dám nói đến việc khai thị
cho người ? Thế nên, chỉ có thể cùng quý vị tùy duyên
mà đàm luận.
"Thường
nghe được Phật pháp, người Hồng Kông quả thật có phước
báu".
Chúng
ta là đệ tử Phật, biết rõ Phật pháp khó được nghe. Tuy
nhiên, tại Hồng Kông, thường có chư vị đại pháp sư từ
các đạo tràng Phật giáo khắp nơi, qua đây giảng kinh giảng
luận. Sao không thể bảo là người Hồng Kông có phước báo
nhiều ư ? Pháp sư giảng kinh nhiều; người hiểu rõ giáo
lý cũng nhiều. Tuy nhiên, trong việc hoằng pháp, điều trọng
yếu là phải dạy người chẳng nên chấp trước hình tướng
bên ngoài. Kinh nói: "Đối với tất cả vật có hình tướng,
đều là hư vọng".
Kinh
lại bảo: "Chúng sanh trên cõi đất này đều có đầy đủ
trí huệ phước đức của Như Lai".
Chúng
sanh đều đầy đủ đức tướng trí huệ phước đức của
Như Lai, nhưng chưa có thể thành Phật chỉ vì trần lao phiền
não làm mê hoặc. Phước đức và trí huệ của Phật đà
viên mãn tròn đầy; chân tâm thường trụ không còn bị mê
hoặc. Thường tức là bất biến. Trụ tức là bất động.
Chân tức là không giả dối. Tâm bất biến, bất động, không
giả dối này giác ngộ liễu tri được hết tất cả pháp,
nên gọi là chân tâm thường trụ.
"Khởi
hoặc tác nghiệp, tạo vô lượng bịnh khổ".
Chúng
sanh vì mê mờ chân tâm thường trụ nên khởi mê hoặc mà
tạo nghiệp xấu. Trong bân khuân rối rít hiện ra vô lượng
thống khổ. Đại Thừa Khởi Tín Luận viết: "Vô minh bất
giác sanh ba tế. Cảnh giới do duyên khởi thành sáu thô".
Thô
tức là tướng sự vật có thể thấy được. Những hiện
tượng trước mắt trên thế gian như tham sân si, cùng bao nghiệp
ác giết hại, ăn cắp, tà dâm, nói láo, v.v... đầy dẫy khắp
cả. Do những nghiệp ác này, chúng dẫn dắt chúng ta lưu chuyển
thọ quả báo, cho đến có sự lưu chuyển liên tục của chúng
sanh và thế giới. Truy cứu nhân duyên luân hồi, biết rõ
chỉ vì tâm mê chấp ngoại cảnh. Nếu thường giác ngộ,
bỏ vọng xoay về chân thì sẽ tiêu diệt bao thống khổ của
dòng sanh tử luân hồi.
Vì
sao có tham sân si khiến sanh khởi những nghiệp ác, giết hại,
ăn cắp, tà dâm ?
"Nếu
tâm mọi người đều thanh tịnh thì thế giới sẽ được
thanh bình, và nhân dân được an lạc".
Như
trong một gia đình, cha mẹ luôn thương mến ái hộ con cái,
trai lẫn gái. Vì có ái nên có tham. Vì tham đắm ái dục này,
nên thường thích hưởng thụ những việc sung sướng. Vì
tham cầu không được nên tâm sân hận nổi lên. Tâm sân nổi
lên hừng hực nên khởi tranh đấu. Việc nhỏ thì nhà này
cùng nhà khác tranh. Việc lớn thì nước này cùng nước khác
tranh, rồi khởi bao chiến tranh khốc liệt. Nếu muốn thế
giới hòa bình nhân dân an lạc thì mỗi người phải tự thanh
tịnh thân tâm. Có tham sân si cũng như người có tâm bịnh.
Nếu muốn dẹp trừ tâm bịnh này thì phải y theo lời chỉ
bảo, rồi dùng toa thuốc vi diệu của thầy thuốc. Đức Phật
là vị lương y, trị tâm bịnh cho tất cả chúng sanh. Tất
cả Phật pháp đều là những toa thuốc vi diệu. Tâm bịnh
của chúng sanh có rất nhiều loại, nên phải có nhiều pháp
môn để trị liệu.
"Học
Phật pháp phải nên chú ý phần thực hành".
Nếu
tin tưởng sự chẩn bịnh và toa thuốc của thầy thuốc, rồi
tự dùng thuốc đó thì bịnh tất sẽ tiêu trừ. Ngược lại,
tuy tin thầy thuốc và toa thuốc vi diệu, nhưng lại không uống
thì bịnh vẫn y nhiên còn mãi. Cũng như thế, người tu học
Phật pháp nếu muốn tự thanh tịnh thân tâm thì phải chú
trọng phần thực hành. Vì tâm bịnh của chúng sanh không đồng,
nên Phật thiết lập ra bao loại pháp môn. Đối với người
có tâm sân hận nặng nề thì dạy tu quán từ bi. Để trị
tâm tán loạn, phải dạy tu chỉ quán. Để trị bịnh nghiệp
chướng nặng nề, phải dạy niệm Phật. Đức Như Lai thuyết
ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo mà không thiên vị
gì là trọng (nặng) hay gì là khinh (nhẹ); thật không thể
nghĩ bàn !
"Bất
ly bổn tông, chuyên tâm tín lại".
Chỉ
nên chọn lựa pháp môn nào thích hợp cho chính mình, rồi
dùng pháp môn đó làm chính, còn những pháp môn khác thì làm
phụ. Trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi thường chuyên
tâm tu học mà không rời tông chính. Ví dụ, niệm Phật thì
lúc nào cũng không quên niệm. Kinh nói: "Thọ trì danh hiệu
sáu mươi hai ức hằng hà sa số chư Bồ Tát cũng đồng như
nhất tâm niệm một danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Công
đức trì niệm này, thật không khác biệt".
Vì
miễn cưỡng, muốn khích lệ chúng sanh chuyên tâm tin tưởng
tông này, nên đức Phật mới thuyết như thế. Người học
Phật, nếu không biết gì là chủ bạn, và không chuyên tu
học, thì kết quả nhất định sẽ không đạt chi cả.
"Nỗ
lực phá trừ tất cả vọng tưởng".
Lại
nữa, người học Phật phải y theo giới luật Phật chế.
Giới là cội gốc của đạo Bồ Đề vô thượng. Nếu y theo
giới luật của Phật chế thì không luận tham thiền, niệm
Phật, giảng kinh, v.v... tất cả đều là Phật pháp. Nếu
không y theo giới luật Phật chế mà cuống quẩn tham thiền,
niệm Phật, giảng kinh, thì cùng đạo cách xa muôn trùng, và
dễ dàng lạc vào ngoại đạo. Người tu hành học Phật, chớ
hướng ngoại truy cầu, chỉ nên tự trừ khử nghiệp chướng,
thì sẽ không lưu chuyển trong dòng sanh tử. Nếu cắt đứt
được dòng sanh tử thì không cần hành trì chi nữa.
Kinh
thuyết: "Phật thuyết hết thảy pháp, để đối trị hết
thảy tâm. Nếu không có tất cả tâm, thì không có tất cả
pháp".
Tâm
này chỉ cho tâm vọng tưởng. Ý của đoạn kinh này là nếu
không có bịnh thì cần gì đến thuốc.
Lại
nữa, người học Phật phải có đầy đủ niềm tự tin. Trong
kinh Phạm Võng, đức Phật nói:
- Ta
đã thành Phật. Các ông trong tương lai cũng sẽ thành Phật.
Phải có niềm tin như thế thì giới phẩm mới đầy đủ.
Đoạn
kinh này bảo rằng nếu người người tự tin là mình có đầy
đủ đức tánh của chư Phật thì đời tương lai sẽ thành
Phật. Vì thế, phải nỗ lực giải trừ hết tất cả vọng
tưởng khách trần.
"Lại
như một tuồng kịch, đời người vốn là mộng huyễn".
Phải
tự tin tâm mình vốn là Phật. Tất cả phiền não, tất cả
tướng, tất cả chướng ngại, đều là vọng tưởng điên
đảo. Do đó, người tu đạo chớ nên chấp trước mà phải
xả bỏ hết tất cả. Vì thế bảo rằng muôn pháp đều là
không, nên chẳng thể chứng đắc một pháp gì. Kinh Kim Cang
thuyết:
-
"Tất
cả pháp hữu vi,
-
Như mộng
huyễn, như bong bóng nước
-
Như sương
mai, như điện chớp
-
Phải
nên quán sát như thế".
Tại
sao tất cả pháp hữu vi trên thế gian đều như mộng huyễn
không thật ? Lấy một ví dụ để hiểu rõ ràng. Như trong
một tuồng kịch cải lương, khi đánh trống khởi nhạc lên,
các nghệ sĩ nam nữ già trẻ y theo vai tuồng của mình mà
lên sân khấu diễn xuất. Trong khi diễn xuất, có bao tình
tiết vui buồn, nóng giận, ghen ghét, v.v... Có người đóng
vai làm Hoàng Đế oai phong lẫm liệt, nhưng khi xuống sân khấu
thì trở lại làm người dân bình thường. Khi lên sân khấu
thì diễn xuất bao cảnh giết người phạm pháp, hung ác, cùng
bao cảnh tượng kinh hoàng khủng khiếp, hay ưu sầu buồn bã.
Tuy nhiên, khi xuống sân khấu thì cười bảo:
- Chỉ
đóng tuồng thôi.
"Phải
nên hiểu rõ, vì sao có khổ đau sung sướng ?"
Khi
diễn tuồng thì những tình tiết trên sân khấu trông giống
như thật, nhưng lúc hạ màn thì chẳng có một tình tiết
nào là thật cả. Chúng sanh cũng như thế. Lúc chưa cắt đứt
hết phiền não thì vinh hoa phú quý, vui buồn giận tức, xuất
hiện rõ ràng. Ai ai cũng vốn là Phật, giống như người đóng
kịch. Lúc lưu chuyển theo phiền não, cũng giống như đang
đóng tuồng trên sân khấu. Phải nên hiểu rõ cảnh tượng
thế gian giống như kịch trường sân khấu. Được lên tận
thiên đường chưa phải là vui. Bị đọa xuống địa ngục
chẳng phải là khổ. Người nam vốn chẳng phải nam. Người
nữ vốn chẳng phải nữ. Phật tánh đồng một thể. Người
thế gian không biết, trong mộng tự phân biệt rằng đây là
mình, đây là người, đây là thân, đây là oán, nên mê muội
không ngừng nghỉ. Người xuất gia tuy xả bỏ thân bằng quyến
thuộc, nhưng vẫn phân biệt chấp trước mê muội rằng đây
là chùa viện, là thầy, là đệ tử, là pháp hữu, và là
bạn thân của tôi.
"Bỏ
vọng xoay về chân. Tự lợi chính mình và làm lợi ích cho
người".
Người
tại gia bị ái dục thế tình làm mê mờ. Người xuất gia
cũng bị pháp hữu, và pháp quyến thuộc làm mê hoặc. Những
người như thế, vẫn chưa đắc được giác ngộ chân thật.
Nếu cố gắng thoát ly hết tất cả mê hoặc, bỏ vọng xoay
về chân thì mới thành Phật. Do đó, Lục Tổ đại sư khi
nghe đến đoạn "ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" trong kinh
Kim Cang liền đột nhiên đốn ngộ. Tám chữ này, nếu dùng
ngôn từ để giải thích thì không thể được mà nội tâm
phải lãnh hội. Chân lý Phật giáo tuy không thể dùng ngôn
ngữ để biểu thị, nhưng nếu phế bỏ hoàn toàn thì không
thể được. Phải y theo văn tự mới có thể hiểu rõ nghĩa
lý. Ngày nay, người học Phật phải nghiên cứu tất cả giáo
lý, nhưng vẫn lấy sự hành trì làm căn bản, rồi hoằng
dương Phật pháp, khiến ngọn đuốc chánh pháp mãi mãi tiếp
tục lan truyền.
"Tương
thử thâm tâm phụng trần sát. Thị tắc danh vi báo Phật ân",
tức là dùng thâm tâm này để phụng sự chúng sanh như số
cát vi trần. Đây gọi là báo ân chư Phật".
Hy
vọng tất cả người học Phật, nên lấy hai câu này làm
tiêu chuẩn cho việc tự lợi và lợi người.
X. Khai
thị tại Áo Môn, hý viện Bình An vào 1-8-1947 [^]
Do
sự yêu cầu của hội Phật giáo tại hý viện Bình An, Hư
Vân tôi nay đến đây để cùng quý vị đàm luận.
"Pháp"
tức là tâm chúng sanh. Tâm chúng sanh cùng tâm Phật vốn không
khác biệt. Tâm này đầy đủ tất cả pháp. Pháp tức là
tâm, và tâm tức là pháp. Luận Khởi Tín viết: "Gọi là pháp,
tức tâm chúng sanh. Tâm này vốn đầy đủ tất cả pháp thế
gian và xuất thế gian".
"Pháp
thế gian" tức là trời, người, A Tu La, địa ngục ngạ quỶ,
súc sanh. Hết thảy loài hữu tình và vô tình hoặc những
pháp y báo hay chánh báo, v.v... đều thuộc về sáu pháp giới
của phàm phu.
"Pháp
xuất thế gian" tức là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật,
cũng được gọi là bốn pháp giới Thánh Hiền. Gom chung bốn
pháp giới của Thánh Hiền và sáu pháp giới của phàm phu,
thành mười pháp giới. Mười pháp giới này chẳng ngoài một
tâm niệm tạo nên. Nếu chạy theo duyên điên đảo ô nhiễm
mê mờ thì sanh ra sáu pháp giới của phàm phu. Nếu không chạy
theo duyên điên đảo ô nhiễm mê mờ mà tịnh tâm giác ngộ
thì sẽ nhập vào bốn pháp giới của Thánh Hiền. Quán sát
như thế, thấy rằng Thánh Hiền hay phàm phu đều do tâm cấu
uế hay thanh tịnh mà hiển hiện. Tâm cấu uế của sáu loài
phàm phu khiến hiện ra tướng của sáu đường thiện ác,
tội phước. Bốn pháp giới Thánh Hiền, do tâm tịnh nên hiện
oai đức tự tại, quang minh sáng chói, đức tướng dung mạo
từ bi. Kinh nói: "Bồ Tát như vầng trăng sáng thanh tịnh mát
lành, thường đi khắp hư không. Trong tâm thanh tịnh và cấu
uế của chúng sanh, Bồ Đề thường ảnh hiện".
Thế
nên khổ đau hay an lạc đều do tâm. Nóng lạnh do mình. Tự
tâm tạo nghiệp, rồi tự thân thọ quả báo. Cảnh Thánh cùng
phàm hãy hỏi lại tự tâm thì sẽ rõ !
Phàm
phu ngu muội hôn ám chẳng biết yếu chỉ tất cả đều do
tâm tạo, nên vọng khởi nghi hoặc. Nếu gặp nghịch cảnh
thì oán trời hận người. Nếu gặp thuận cảnh thì kiêu
căng tự thị. Hoặc cả đời làm việc thiện nhưng lại bị
quả báo ác, hoặc làm ác nhưng hưởng quả báo lành, nên
hủy báng nhân quả. Phải biết rằng lý nhân quả rất thâm
sâu; ví như sau khi gieo giống trồng cây, quả nào chín trước
thì rụng trước. Đời nay, tuy mình luôn làm nghiệp lành,
nhưng lại chiêu quả báo xấu; phải biết đó là do nghiệp
ác trong đời quá khứ đã thành thục chín mùi, nên đầu
tiên phải thọ quả báo xấu. Nghiệp lành làm trong đời nay,
vì chưa thành thục, nên hiện tại không thể thọ quả báo
lành. Nếu tin lý này thì không nghi hoặc gì hết. Từ đời
vô thủy, lầm đường lạc lối, tạo bao nghiệp chướng thâm
trọng. Ngày nay quả báo chín muồi, nên phải thọ biết bao
đắng cay khổ nhọc, không có lối thoát. Muốn thoát khổ
thì phải làm sao ? Kinh Lăng Nghiêm nói: "Tất cả chúng sanh,
bị sanh tử liên tục, đều do không biết chân tâm thường
trụ, tánh tịnh thể sáng. Vì sống với vọng tưởng không
chân thật, nên mới bị luân hồi".
Nếu
muốn không bị thọ quả báo trong vòng sanh tử thì phải thường
thanh tịnh hóa các vọng tưởng. Vọng tưởng nếu được
thanh tịnh thì dòng luân hồi sẽ ngưng ngay. Do đó, tâm mê
thì gọi là chúng sanh. Tâm giác gọi là Phật. Vì vậy, Phật
và chúng sanh chỉ khác nhau ở mê và ngộ. Nên biết tâm giác
tri linh minh sáng suốt này tức là Phật tánh tự nhiên mà
ai ai cũng có đầy đủ, mỗi mỗi hiện thành. Phàm phu tuy
có đủ Phật tánh, như vàng thật trong mỏ vàng, nhưng chỉ
vì đất cát phiền não che lấp, nên trước mắt không thể
dùng được. Đức Như Lai bao kiếp tu hành, đã đào thải
cát đá hoặc nghiệp. Ngày nay, Ngài đã được một khối
vàng tinh khiết, không lẫn lộn với cát đá, nên đại dụng
hoàn toàn hiện rõ, và được gọi là bậc vượt khỏi chướng
ngại, bậc viên minh, bậc Thế Tôn đại giác.
Hiện
tại, chúng ta nếu muốn tu hành thành Phật, đầu tiên phải
xem thử nhân địa phát tâm tu hành của mình như thế nào.
Phải trừ khử cội gốc phiền não. Gốc khổ của phiền
não nếu diệt thì Phật tánh hiển hiện tròn đầy. Nếu nhân
địa tu hành không chân chánh, thì sẽ chịu quả báo cong vạy.
Luận
về phương pháp tu hành, có ba thành phần: Thượng, trung, hạ
khác nhau. Pháp cũng có ba thừa. Pháp môn tu học của loài
người và loài trời đều không đồng. Đối với người
căn cơ bậc thượng thì thuyết giảng pháp môn Đại Thừa
vi diệu. Người căn cơ bậc trung thì thuyết giảng các pháp
môn giải thoát xuất thế gian. Đối với những kẻ căn cơ
bậc kém, thì thuyết pháp môn giải thoát khiến họ thoát
khỏi những đường khổ nhọc của địa ngục, ngạ quỶ,
súc sanh. Phật tuy thuyết bao pháp môn, như giới luật Đại
Thừa và Tiểu Thừa, nhưng đều dùng tam quy ngũ giới làm
căn bản, khiến người thọ những giới luật này, thường
không làm các việc ác, và luôn hành các điều lành. Phải
y theo những lời bên trên mà lập thân, tề gia, trị quốc,
thì đó mới là điều rốt ráo của chủ nghĩa nhân đạo.
Nếu ngừng gieo nhân khổ thì quả khổ sẽ tự diệt mất.
Thoát khỏi ba đường khổ và sanh trong cõi trời người thì
dễ dàng nhập vào Phật thừa. Đó là nền tảng căn bản
học Phật. Tam quy ngũ giới là bờ bến của thế gian, và
là diệu pháp an lạc cứu khổ. Đầu tiên giải nghĩa tam quy
y, sau đó nói rõ về ngũ giới.
Tam
quy y: Thứ nhất là quy y Phật. Thứ hai là quy y Pháp. Thứ
ba là quy y Tăng.
Tại
sao đầu tiên phải quy y Phật ? Phật là đấng Thế Tôn đại
giác, cứu cánh thường lạc, mãi mãi xa lìa khổ não, dạy
dỗ chúng sanh, xuất ra khỏi lưới mê, đi trên đường giác.
Phật Thích Ca là vị giáo chủ ở cõi Ta Bà, nên đầu tiên
phải quy y Phật.
Thứ
hai, quy y Pháp, tức là những pháp môn của Phật truyền dạy.
Ba đời chư Phật đều y theo những giáo pháp này mà tu hành,
thành tụu vô lượng công đức thanh tịnh. Ngày nay muốn xoay
về cội gốc, tịnh trừ tâm cấu uế, cần phải tu trì theo
Phật pháp. Vì thế, phải quy y Pháp.
Thứ
ba là quy y Tăng. Xả thân vì Phật pháp, và xiển dương chánh
pháp, phải có người đảm đương hoằng truyền. Dùng phương
tiện văn, tư, tu mới chứng quả thành Phật. Nếu Phật pháp
không có người thuyết giảng, tuy biết mà khó có thể lãnh
hội. Phật pháp thâm sâu khó hiểu, phải nghe chư tăng giảng
giải, nên ân đức của các ngài vô cùng cực. Do đó, phải
quy y Tăng.