Phần
I
I.
Quý cư sĩ tại Thượng Hải thỉnh giảng năm 1911
II.
Phật thất khai thị tại Phước Kiến Công Đức Lâm, năm
1933
III.
Thư đáp tướng Tưởng Giới Thạch
IV.
Khai thị tại chùa Từ Vân, Trùng Khánh, 17-1-1943.
V.
Khai thị tại chùa Từ Vân, Trùng Khánh, 18-1-1943.
VI.
Khai thị tại chùa Từ Vân, Trùng Khánh vào ngày 19-1-1943.
VII.
Khai thị tại chùa Kiềm Minh, Quý Dương, vào mồng 1-2-1943.
I. Quý
cư sĩ tại Thượng Hải thỉnh giảng năm 1911
[^]
Hôm
nay, tôi được quý cư sĩ yêu cầu lược giảng Phật pháp.
Bàn về việc này, lão nạp thật hổ thẹn muôn phần. Chướng
duyên che lấp, tự mình chẳng có chút tu hành chân thật. Tuy
đàm luận những lời thô thiển, nhưng không ngoài việc nhắc
lại những lời dư thừa của cổ nhân mà chẳng có chút gì
liên hệ với mình.
Nhớ
lại khi xưa, đức Phật vì đại sự nhân duyên mà giáng thế,
giáo huấn, và dạy bảo hơn tám mươi bốn ngàn pháp môn.
Tất cả đều nhằm vào mục đích tùy theo căn bịnh mà cho
thuốc. Thật ra, nếu không có bịnh thì dùng thuốc để làm
gì ? Tuy nhiên, một khi còn bịnh thì chẳng thể không dùng
thuốc. Các phương thuốc tại cõi Hoa Mạn này là những toa
linh dược rất linh nghiệm mà không ngoài: Thiền-tông, Luật-tông,
Giáo-tông, Tịnh-độ-tông, Mật-tông. Những phương thuốc
đó đã từng một thời phát triển rạng rỡ ở phương này.
Ngoài ra, có những tông phái được xem là hưng thịnh một
thời như tông Thiên Thai, tông Hiền Thủ, tông Duy Thức, Đông
Mật, Tây Mật . Các tông phái đó tuy thù thắng vi diệu, nhưng
chỉ có Thiền-tông và Luật-tông là nhiều người không chú
ý đến.
Tuy
nay là đời mạt pháp, nhưng thực ra pháp không mạt tận,
mà chỉ tại do người. Tại sao ? Người người chỉ lo đàm
luận suông thiền này Phật nọ. Giảng Phật học rất nhiều,
nhưng không chịu học Phật. Xem thường hạnh Phật, chẳng
rõ nhân quả, phá giới luật Phật chế. Những tệ đoan xấu
xa, đại khái phát xuất từ những nguyên nhân đó. Vì vậy,
chúng ta, những người chân chánh vì sanh tử mà học Phật,
phải cẩn thận chú ý, chớ xem thường bỏ qua.
Pháp
môn tuy nhiều, nhưng mỗi mỗi đều vì cắt đứt sanh tử
luân hồi. Kinh Lăng Nghiêm thuyết: "Xoay về nguồn tánh thì
không hai, nhưng phương tiện lại có nhiều".
Trong
hai mươi lăm vị thánh, mỗi vị chuyên môn tu một pháp môn.
Do đó, chư Tổ bảo rằng phải thâm nhập một pháp môn. Chư
thánh hiền nếu tham tu tập nhiều pháp môn thì e rằng không
thể chứng đắc đạo viên thông. Vì vậy, thọ trì sáu mươi
hai ức hằng sa danh tự của các vị Pháp Vương Tử , không
bằng thọ trì một danh tự Quán Âm Bồ Tát.
Người
học Phật quý tại chân thật, chứ không biểu diễn tu đạo;
phải thường dẹp trừ những tâm kiêu ngạo giả dối; chí
nguyện phải kiên cố; chẳng tham đắm thần thông diệu dụng;
tin sâu lý nhân quả; kiên trì giữ giới như giữ hạt sương
mai buổi sớm; tận lực hành trì chẳng phạm giới pháp thì
sẽ có ngày thành Phật mà tuyệt nhiên không có gì là kỳ
lạ. Tâm, Phật, chúng sanh vốn không sai biệt. Tự tâm là
Phật. Tự tâm làm Phật. Sao có tu chứng ? Vì do sự khác biệt
giữa mê và ngộ, cùng tình ái, tập khí nặng nề, mới tạm
phân thành mười pháp giới. Phải nên hiểu rằng mười pháp
giới xuất phát từ một nguồn tâm, hay gọi là Phật. Vì
thế, phải tận lực hành trì, tiêu diệt hoặc nghiệp. Tập
khí và tật bịnh nếu được trừ hết thì tự nhiên không
cần dùng đến thuốc. Người xưa bảo:
- Dẹp
hết tâm phàm, thật không có chư thánh giải thoát.
Ví
như khi nước dơ nếu bỏ phèn vào thì trở nên lắng trong.
Tu đạo cũng như thế. Tập khí và tình ái như bụi trần;
nước như tự tâm; phèn lọc nước dơ, khiến nước đó liền
được lắng trong. Lúc tu hành, người phàm phu hãy cố gắng
chuyển tánh phàm thành tánh thánh. Tuy nhiên, phải phân rõ
gì là chánh, và gì là phụ. Hoặc niệm Phật là chánh, còn
các pháp môn khác là phụ trợ, rồi hồi hướng công đức
tu hành về cõi Tịnh Độ. Niệm Phật quý nơi tâm và khẩu
không khác biệt. Niệm niệm không gián đoạn. Niệm đến
lúc không niệm mà niệm. Thức ngủ luôn nhất như. Dụng công
như vầy, sao lo gì không đến cõi Cực Lạc ?
Tham
thiền vốn là pháp môn siêu vượt hơn các pháp môn khác.
Dâng cành hoa mỉm cười, khiến xuất sanh biết bao bậc minh
tâm kiến tánh. Đây thật là tông chỉ truyền ngoài giáo lý
của đức Như Lai mà phàm phu không thể hiểu nổi. Nếu chưa
gặp được bậc minh tâm kiến tánh, chỉ nên nỗ lực tham
quán một câu thoại đầu. Chớ nên đem tâm cầu giác ngộ,
hay để tâm trống không, rồi ngồi khởi vọng tưởng, cùng
tham nghĩa huyền diệu, công án, thần thông, v.v... Phải nên
quét sạch tri kiến, chỉ trụ một câu thoại đầu, rời ngoài
niệm ý thức. Lúc một niệm chưa sanh, hãy nhìn thẳng vào,
dầu lâu chẳng thối và chẳng màng ngộ hay không ngộ. Khi
nghi tình hiện rõ, tâm tự kết thành phiến. Lúc động tịnh
nhất như , nếu gặp được cơ duyên, ngồi thiền liền cắt
đứt mạng căn, như quả đã chín thì phải rụng, rồi mới
thật tin rằng mình cùng Phật không khác. Ngài Quy Sơn bảo:
- Đời
đời nếu không thối chuyển, quyết sẽ có kỳ đạt đến
quả vị Phật.
Sao
tự khi dối mình ! Mỗi suy nghĩ và cách nhìn đều không biết
tông chỉ của Thiền-tông, nên lầm chấp giữ tà tín xằng
bậy. Dùng cuồng thiền tà định, chế nhiễu hủy báng và
bảo rằng Thiền-tông như thế này hay như thế nọ mà chẳng
biết việc tốt xấu. Nào biết đâu, từ xưa đến nay, thành
Phật làm Tổ như lột vỏ lúa, đơn độc chỉ có tông này
siêu vượt hơn những pháp môn khác.
Luận
về đời nay, trong Thiền-tông những bậc ngoại hộ thật
ích sư tử hống thật rất hiếm có. Những tông phái khác
cũng đều tệ hại như thế. Người đời nay chẳng có chút
sự tinh tấn tu hành; cứ mắc bịnh nơi bảo ăn mà chịu không
ăn, hay chỉ lo đếm trân bảo cho người khác, hoặc vứt bỏ
luật nghi nhân quả, thật tệ hại quá lắm !
Nếu
thiền gia dùng công phu tu thiền mà niệm Phật thành phiến,
thì vẫn giống như người thường niệm Phật, sao lo gì không
gặp Phật Di Đà ? Nếu người niệm Phật dùng tâm niệm đến
lúc không niệm mà niệm, thức ngủ như nhau, để tham thiền
như thiền gia thì lo gì không ngộ đạo ?
Tổng
quát, phải nên dốc tâm hành trì thâm sâu vào một pháp môn.
Tu pháp môn nào cũng đều như thế. Nếu dụng công tu hành
như vậy thì tôi dám bảo đảm rằng ai ai cũng sẽ thành Phật.
Sao sợ nghiệp căn sâu dầy, tập khí thâm sâu, mà không được
đốn ngộ giải thoát ? Ngoài những pháp này ra, nếu có những
pháp thuật khác hay hơn, thật tôi không biết đến !
Những
người học đạo khó tinh tấn hay khó đạt được ích lợi,
phần nhiều vì tâm làm biếng và tham lam chưa dứt. Nay tham
thiền, mai niệm Phật, rồi mốt lại trì mật chú, cùng tu
bao loại pháp môn khác mà không phân biệt môn nào chánh, môn
nào phụ. Luôn luôn thay đổi cửa ngõ môn đình mà vọng cầu
thành Phật; chẳng hành chút hạnh Phật, chỉ tạo bao nghiệp
ma, nên thường làm quyến thuộc ma. Tu đến khi tóc bạc mà
chẳng thành, bèn trở lại phỉ báng chế giễu chánh pháp.
Người xưa bảo:
- Nếu
không muốn bị đọa vào ngục vô gián, chớ phỉ báng chánh
pháp của Như Lai.
Hôm
nay gặp thắng hội Đại Sĩ, mọi người đồng tâm làm lễ,
và phải tự nhận ra đại sĩ Quán Tự Tại trong nhà mình.
Đại sĩ Quán Tự Tại từ văn, tư, tu, rồi nhập vào tam ma
địa. Ngài A Nan vì Ỷ trí nhớ hay, nên không tránh khỏi tà
tư. Dùng tánh nghe để trì danh hiệu Phật, sao không tự biết
cái nghe ? Nghe lại tự tánh, tánh liền thành đạo vô thượng.
Hư
Vân tôi vốn là kẻ nương núi rừng hoang dã, tri thức cạn
cợt, chỉ vì do ý tốt của quý vị, thỉnh mời đến đây,
để lược bày những việc hành trì thối thất và tăng ích
của sự tu hành.
Hôm
nay là ngày mười chín tháng chín, cùng với quý vị, dùng
miệng thô tục niệm danh hiệu Quán Âm. Đại sĩ Quán Âm do
từ cái nghe mà nhập vào cửa pháp, rồi xả bỏ mọi mắt,
mũi, thân, ý, các vật sở hữu, và quên hết có, không, nơi
chốn, thân mạng. Quý vị hãy tự tại mà quán tâm niệm !
II.Khai
thị trong kỳ Phật thất tại Phước Kiến Công Đức Lâm,
năm 1933 [^]
Tu
hành trong Phật thất quý tại nhất tâm. Tâm nếu không chuyên
nhất thì mắt nhìn đông, hay tai nghe tây. Tu hành cách đó,
cho đến Phật Di Lặc hạ sanh, nghiệp chướng vẫn còn ràng
buộc nơi thân. Phật pháp hay thế gian pháp cũng đều giống
nhau. Chẳng chú tâm làm việc pháp thế gian còn không được,
hà huống tu Phật pháp ! Đối với người niệm Phật, từ
đầu đến cuối, phải liên tục niệm thầm lặng; phải niệm
rõ ràng mỗi câu mỗi chữ, không thể lầm lộn. Phật đến
cũng niệm hay ma đến cũng niệm. Niệm đến lúc gió thổi
không vào thân, hay mưa rơi không ướt mình thì mới có ngày
thành tựu. Tại sao ? Phật là bậc giác ngộ. Nếu muốn giác
ngộ thì phải tự biết dùng sự chuyên tâm mà niệm. Ma tức
là phiền não. Chúng não hại huệ mạng của chúng sanh. Biết
ma vốn thường não hại huệ mạng, đương nhiên phải nên
dụng công lực, chuyên tâm niệm Phật để hàng phục chúng.
Thế nên, khi giác ngộ viên mãn thì thường thấy Phật. Khi
bị tổn hại thì đó là gặp ma.
Trong
đạo tràng niệm Phật, nếu ngồi bất động và liên tục
niệm Phật thì chắc chắn sẽ gặp Phật. Khi tôi đến, quý
vị ra đón tiếp lễ bái. Quý vị đón tiếp để làm gì ?
Thật có uổng phí thời gian lắm không ? Làm sao chứng đắc
được gì ? Có phải khi tôi đến, khiến làm não hại tịnh
nghiệp nhất tâm của quý vị không ? Việc này, cũng vì quý
vị đặt tôi vào điện Diêm Ma La. Thật buồn thay !
Thương
thay cho người thế tục ! Họ không biết cung kính Tam Bảo.
Họ đem heo quay, gà quay, cá nướng đến cúng dường Bồ Tát
Quán Thế Âm; đó là phạm giới giết hại, lại không biết
cung kính Ngài. Lần nọ, tôi ở Thượng Hải, gặp lúc bọn
ca múa hát xướng đến ca diễn. Một vị cư sĩ nọ mua vé
cho vài chỗ ngồi, mất cả trăm đồng. Ông ta mời tôi đi
xem ca diễn. Tôi bèn bảo ông ta rằng hãy nói thử xem, đệ
tử tại gia khi thọ tám giới quan trai, không được đi xem
ca diễn, hà huống tôi là người xuất gia ! Ông mời tôi đi
xem diễn kịch, cũng giống như đem heo quay cúng Bồ Tát. Ông
ta liền cúi đầu sám hối, và thưa rằng hôm nay bỏ ra cả
trăm đồng mới được nghe lời giáo huấn, cùng biết cách
thức cung kính chư tăng.
Phật
pháp vô thượng, quý tại dụng tâm.
III. Thư
đáp tướng Tưởng Giới Thạch [^]
...Ngày
nay, Phật giáo lan truyền khắp thế giới. Phật giáo tiên
phong mở đường cho chủ nghĩa đại đồng. Trên thế giới,
xem xét kỸ càng, nhận thấy có hai luồng tư tưởng: Luận
Duy Thần và luận Duy Vật. Tuy nhiên, chủ thuyết quả báo
luân hồi ảnh hưởng phổ cập khắp nơi; đây là điều không
thể nghĩ bàn ! Theo luận Duy Thần của đạo Cơ Đốc thì
Thần thường ban an vui cho người hiền, nhưng lại trừng phạt
những kẻ ác. Vì vậy mà chấp nhận sự tồn tại của thần
linh, và cho đó là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, những nhà Duy Thần
đó chẳng biết giáo điều như thế, không thể khiến người
đời tin sâu, nên đưa đến việc họ cùng những nhà Duy Vật
tranh cãi bài bác. Do đó, đạo Cơ Đốc không thể duy trì
nền hòa bình cho thế giới. Thật ra, thần tức là vật. Vật
tức là tâm. Tâm cũng là thần. Tuy nhiên, thần cũng không
phải thần, hay vật cũng không phải vật, và tâm cũng không
phải tâm. Đức Phật giải thích rõ rằng ba cõi vốn không
có một pháp nào cả, mà chúng đều là vọng khởi từ chân
tâm. Từ chân tâm này sanh ra muôn pháp. Tuy gọi là "Chân Tâm",
nhưng thực ra vì có vật chất hư vọng đối đãi nên mới
giả lập danh tự. Bàn đến lẽ cùng tột, gọi là "Chân Tâm"
cũng không đúng.
Ví
như trong biển cả, tâm là nước, và muôn pháp (muôn sự vật)
là sóng. Khi biển êm gió lặng thì gọi là nước biển. Khi
gió thổi biển động thì gọi là sóng biển. Khi sóng lặng
thì là nước biển. Lúc nước biển khởi dậy thì biến thành
sóng biển. Giả sử không có tướng nước chảy cuồn cuộn
thì không thể lập danh từ hư giả là sóng biển. Nếu không
có danh từ sóng biển thì danh từ nước biển hư giả do đâu
mà sanh ra ! Những danh từ hư giả này, chỉ do chúng ta tùy
tiện lập ra. Vì vậy, vật tức là tâm. Hữu vi tức là vô
vi. Sắc tức là không. Vọng tức là chân. Phiền não tức
là Bồ Đề. Chúng sanh tức là chư Phật. Lúc một niệm bị
mê hoặc thì tâm trở thành vật; vô vi biến thành hữu vi;
không biến thành sắc; chân biến thành vọng; Bồ Đề biến
thành phiền não; chư Phật biến thành chúng sanh; nước biển
chảy cuồn cuộn thì biến thành sóng biển. Khi có một niệm
giác ngộ thì vật chẳng khác tâm; hữu vi chẳng khác vô vi;
sắc chẳng khác không; vọng chẳng khác chân; phiền não chẳng
khác Bồ Đề; chúng sanh chẳng khác chư Phật; sóng biển lặng
thì là nước biển. Lại nữa, vì tâm khởi mê hoặc nên mới
giả lập ra vật chất, hữu vi, sắc tướng, vọng không, phiền
não, chúng sanh, v.v... để đối đãi với chân tâm, vô vi,
chân không, Bồ Đề, chư Phật. Vì thế, dẫu gọi là duy tâm,
duy vật, hữu thần, hay vô thần, tất cả đều do tâm thức
phân biệt đặt để. Có người bảo:
- Nếu
như thế thì Phật giáo cũng theo luận Duy Tâm !
Nhà
Phật tuy nói duy tâm, nhưng khác hẳn với luận lý Duy Tâm
của các nhà triết học. Luận Duy Tâm của triết học là
nơi tâm chấp có và nơi vật chấp không. Vì vậy, Phật Thích
Ca bảo rằng chúng sanh chấp tâm suy tính so đo làm tự tánh
và chấp vọng tưởng sanh tử làm thật thể. Người theo chủ
nghĩa duy vật, chấp vật thể là có thật và chấp tâm là
hư vô. Phật Thích Ca bảo rằng những người này thường
làm những việc điên đảo, vì ngộ nhận vật chất mà cho
là mình, nên mãi mãi lưu chuyển trong dòng sanh tử. Luận Duy
Thần phân tách rõ ràng giữa thật thể của vật chất và
thật thể của thần linh. Vì thế, luận Duy Thần và Duy Vật
phân biệt thành hai thế giới riêng biệt. Phật Thích Ca bảo
rằng khi tâm thức bị mê hoặc thì nhận lầm bọt biển làm
biển cả. Đó gọi là sự hiểu biết sai lầm. Hoặc vì gần
gũi, thấy hình trâu mà cho là trâu thật. Hoặc nhìn sơ qua
sừng trâu mà lầm nhận sừng trâu là con trâu. Hoặc do thấy
đầu trâu mà cho đầu trâu là con trâu. Thật ra, chẳng phải
như thế ! Họ không nhìn thấy toàn thể tướng chân thật
của con trâu. Phật giáo đàm luận cùng tận cội nguồn và
thấu triệt chân lý qua việc chỉ rõ con trâu trắng chân thật.
Nếu chỉ xem sơ qua mà chưa thật thấy toàn thể con trâu,
đó là lạc vào thiên chấp của luận Duy Tâm và Duy Vật.
Biệt
danh chân lý của nhà Phật là minh tâm kiến tánh, bản nhiên
thanh tịnh, chân tâm thường trụ, giác tánh chân như, thật
tướng pháp thân, v.v... Rời các danh tướng thì không có nơi
chốn định nghĩa chân lý. Thể tánh tự giác vốn tự sáng
soi và là đức tánh bổn hữu mà không có năng và sở đối
đãi. Gốc vốn không có gì gọi là mười phương hay ba đời.
Lại nữa, chẳng có chi gọi là đất đai, con người, thú
vật, cây cỏ, ngói đá, địa ngục, thiên đường, v.v...Thật
ra, chỉ vì một vọng niệm mà khởi ra pháp hữu vi.
Trong
kinh Lăng Nghiêm, ngài Phú Lâu Na bạch hỏi Phật:
- Bạch
đức Thế Tôn ! Tánh giác vốn tự thanh tịnh, nhưng vì cớ
sao lại đột nhiên sanh ra đất đai núi sông ?
Phật
đáp:
- Này
Phú Lâu Na ! Ông hỏi rằng chân tâm đã vốn thanh tịnh, vì
sao bỗng nhiên lại sanh ra núi, sông, đất liền ? Vậy ông
có thường nghe Như Lai chỉ dạy rằng chân tâm nhiệm mầu
vắng lặng mà thường sáng suốt chiếu soi không ?
- Bạch
đức Thế Tôn ! Con có thường nghe Phật dạy nghĩa ấy.
- Vậy
chân tâm này, ông cho nó tự có tánh sáng suốt phân biệt
chiếu soi hay là không có sáng suốt phân biệt chiếu soi ?
- Bạch
đức Thế Tôn ! Nó sẵn có tánh sáng suốt phân biệt chiếu
soi nên mới gọi là tâm. Nếu không có tánh sáng suốt phân
biệt chiếu soi thì không gọi là tâm, vì nó không phân biệt
được cái gì cả.
- Ông
nói rằng nếu nó không sáng suốt phân biệt chiếu soi thì
không phải là tâm, vì nó không phân biệt được cái gì cả.
Vậy ông có hiểu chăng: Nếu có chiếu soi phân biệt thì không
phải là chơn, còn không có chiếu soi thì chẳng phải là tâm.
Nếu tâm mà không sáng suốt thì không phải là chân tâm thanh
tịnh rồi.
Ông
nên hiểu rằng chân tâm vẫn sáng suốt; vì ông vọng chấp
cái Sáng Suốt Phân Biệt làm tâm, nên thành ra có năng phân
biệt (tâm) và bị phân biệt (cảnh).
Chân
tâm của ông không phải cái bị phân biệt, nhưng vì ông khởi
ra cái năng phân biệt nên nó (chân tâm) trở thành cái bị
phân biệt (cảnh). Đã vọng thành cái bị phân biệt thì dĩ
nhiên ở nơi ông phải vọng sanh ra cái năng phân biệt.
Thế
là ở nơi chân tâm của ông vẫn thanh tịnh, không có năng
và sở, mà thoạt nhiên thành ra có năng và sở.
Thể
tánh chân tâm vốn không khác biệt. Do vọng niệm phân biệt
có năng sở và bỉ thử sai khác, nên hiện ra có hư không
và thế giới. Do có hư không và thế giới nên mới có chúng
sanh. Đã có thế giới và chúng sanh lăng xăng đối đãi lẫn
nhau nên khởi lên vô số vọng tưởng phân biệt: Tốt xấu,
phải trái, v.v... Vì vậy mà sanh ra đủ các phiền não trần
lao nhiễm ô. Cái có hình tướng và sanh diệt là thế giới;
cái không có hình tướng và yên tịnh là hư không. Khác với
hư không và thế giới là chúng sanh.
Ngay
trong chân tâm, do vô minh vọng động mà có hư không. Hư không
mờ mịt vì vô minh sanh ra. Trong hư không có chất động, vì
nó là vọng. Do đó, trong hư không có gió (phong luân) để
duy trì thế giới.
Do
hư không sanh ra gió và do nơi tâm chúng sanh có tánh cố chấp
phân biệt, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có những chất
cứng chắc là vàng ngọc (vàng ngọc cứng chắc là vì tâm
cố chấp sanh ra. Nó sáng ngời là do tâm phân biệt sanh ra).
Đây là nguyên nhân có chất kim khí để bảo trì thế giới.
Vì
tâm chúng sanh có tánh cố chấp phân biệt nên sanh ra chất
cứng chắc là kim khí, và vì có vọng động mà thành ra gió.
Rồi gió thổi kim khí và cọ xát mãi, khiến kim khí đó nóng
lên, nên nháng sanh ra ánh sáng là lửa. Đây là nguyên nhân
có lửa để nấu đốt các vật.
Chất
vàng ngọc vừa sáng ngời và đượm mát. Do lửa xông lên
nên có hơi nước rịn ra. Đây là nguyên nhân có nước để
bao bọc cả mười phương thế giới.
Vì
tánh lửa bốc lên, còn nước thì lại chảy xuống, nên chỗ
có thấp ướt thì là sông biển, chỗ cao nổi lên là cồn
đảo. Bởi lửa và nước dung hòa nhau, cho nên trong biển thỉnh
thoảng bốc lên ánh sáng của lửa, và trong cồn đảo lại
có sông rạch thường chảy ra nước.
Vì
thế lực của nước yếu hơn lửa, nên bị lửa bốc lên
kết thành núi cao. Do đó, đập đá thì có lửa, còn đốt
quá nóng thì nó chảy ra nước.
Vì
thế lực của đất yếu hơn nước, nên nó bị nước rút
lên làm cỏ cây. Vì vậy, nếu đốt cỏ cây thì chúng trở
thành tro, còn vò ép thì chúng lại ra nước.
Tóm
lại, vì trong tâm chúng sanh có các vọng tưởng xen nhau phát
sanh, nên ứng hiện ra ngoài thế giới có các cảnh vật. Do
nhân duyên này mà thế giới tiếp nối nhau sanh ra mãi không
dứt.
Lại
nữa, nầy Phú Lâu Na ! Cái Hư Vọng Phân Biệt đó không có
gì lạ, chỉ vì ông chấp cái Phân Biệt Chiếu Soi làm tâm.
Đã có cái Phân Biệt thì dĩ nhiên phải có cái Bị Phân Biệt
đối đãi lẫn nhau. Vì vậy, cái Năng Phân Biệt không vượt
ra ngoài cảnh Bị Phân Biệt. Do nhân duyên này mà nghe không
ngoài tiếng, thấy không ngoài sắc, ngửi không ngoài mùi,
nếm không ngoài vị, v.v... rồi vọng thành sáu căn và sáu
trần đối đãi nhau, nên phân ra có: Thấy, nghe, hiểu, biết.
Đồng
nghiệp trói buộc lẫn nhau mà có hợp, có tan, có thành, có
hóa. Khi thấy sáng tỏ thì thấy các màu sắc phát ra. Nhận
rõ sự thấy thì kiến chấp thành tư tưởng; ý kiến khác
nhau thì thành ra ghen ghét; tư tưởng đồng nhau thì thành ra
yêu thương.
Dòng
ái lan ra làm thành hạt giống, rồi do giao cấu phát sanh, khiến
thu nạp tưởng thành bào thai, tức là chiêu dẫn chúng sanh
đồng nghiệp, nên có nhân duyên sinh yết la lam, át bồ đàm,
v.v...
Thai
sinh, noãn sinh, thấp sinh, hay hóa sinh, tùy chỗ của các loài
ấy mà ứng hiện. Loài noãn sanh chỉ do tâm tưởng mà sinh;
loài thai sinh do tình dục mà ứng hiện; loài thấp sinh do tâm
hợp mà cảm sanh; loài hóa sinh do phân ly mà hiện ra.
Khi
tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các
loài thọ nghiệp báo và theo đó mà có thăng trầm, lên xuống.
Do nhân duyên ấy mà chúng sanh tiếp nối sanh sản không ngừng.
Này
Phú Lâu Na ! Tư tưởng yêu thương ràng buộc lẫn nhau, khiến
mến luyến mãi không rời. Thế nên, trong thế gian, cha mẹ
con cháu nương nhau sinh ra tiếp nối không dứt. Những việc
như thế, đều do tham dục làm gốc.
Lòng
tham và yêu mến cùng tăng trưởng. Tham mãi không dừng, nên
trong thế gian, các loài noãn sinh, hóa sinh, thấp sinh, thai sinh,
tùy theo sức mạnh yếu mà ăn nuốt lẫn nhau. Những việc
như thế, đều do tâm tham giết hại làm gốc.
Người
ăn thịt dê; dê chết làm người và người chết làm dê.
Như thế cho đến mười loài chúng sanh, chết sống và sống
chết ăn nuốt lẫn nhau, khiến đồng tạo ác nghiệp, suốt
đời vị lai. Những việc như thế, đều do tâm tham lam trộm
cắp làm gốc.
Loài
này cướp giựt thân mạng loài kia; loài kia giết hại lại
loài này; trả vay, vay trả lẫn nhau đến trăm ngàn kiếp không
thể ra khỏi sanh tử.
Trai
mê sắc gái; gái thương tình trai; vì tình ân ái thương yêu
lẫn nhau, nên trăm ngàn kiếp bị triền phược trói buộc
mãi trong vòng luân hồi.
Tóm
lại, chỉ có ba thứ như giết hại, trộm cắp, dâm dục làm
cội gốc, nên nghiệp (nhân) và quả tiếp nối không ngừng.
Này
Phú Lâu Na ! Ba thứ điên đảo (thế giới, chúng sanh, nghiệp
quả) đều nằm trong chân tâm; vì vô minh vọng động sanh
ra Năng Phân Biệt và Sở Phân Biệt đối đãi lẫn nhau, nên
vọng thấy có núi sông đất đá, thế giới, chúng sanh, rồi
tiếp tục sanh diệt biến hóa, vô cùng hư vọng...
Trong
tánh giác thể chân như bỗng nhiên sanh ra chân và vọng. Từ
đó lại phân thành tướng bất biến và tùy duyên. Thể tánh
bình đẳng bất biến, vượt ngoài những tướng sai biệt,
chẳng phàm chẳng thánh, không thiện không ác, chân thật như
thường, vốn là chân như bất biến.