LUẬN
SÁU
TRIẾT HỌC
VÀ TÔN GIÁO
TRONG BÁT NHÃ
BA LA MẬT ĐA
ĐẠI
CƯƠNG
Bộ
kinh Bát nhã ba la mật đa[1] là một trong những kinh điển
tối cổ của Phật giáo được dịch sang Hán văn. Bản kinh
Bát nhã đầu tiên, được gọi là Đạo hạnh, xuất hiện
năm 172. Truyền thuyết cho rằng kinh Tứ thập nhị chương
được phiên dịch do sứ đoàn đầu tiên người Ấn đến
Trung Hoa năm 69, nhưng không có gì bảo đảm cho chứng cứ
lịch sử của nó. An Thế Cao, từ nước An tức (Parthia) đến
Trung Hoa vào năm 148, trải qua 22 năm thực hiện công trình
phiên chuyển các kinh Phật sang Hán văn, nhưng tất cả thuộc
kinh Tiểu thừa.
Trong
trường hợp đó, kinh Đạo hành Bát nhã bản Hán dịch của
Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksha) người Nhục chi (nước này sau trở
thành vương quốc Kusana), đáng cho là thực sự bản kinh Đại
thừa đầu tiên trong số tất cả các kinh Phật được truyền
vào Trung Hoa từ trước. Cũng nên ghi nhận sự kiện lạ lùng,
theo đó, một nền giáo thuyết của đạo Phật tuyên bố rằng
tất cả đều “không” và “không tự tánh”, lại là công
trình thực sự quan trọng được truyền bá giữa một dân
tộc nặng đầu óc thực dụng, thực tiễn. Hiển nhiên, các
môn đệ của “Tánh không” đã không nghĩ loại hoạt động
truyền giáo này là một công trình “trống không”.
Trong
thế kỷ thứ III, hai bản kinh thuộc Bát nhã được dịch
sang Hán văn, và thế kỷ IV vẫn còn xuất hiện những bản
khác.
Các
bản của Cưu Ma La Thập (Kumaràjiva) được hoàn thành khoảng
đầu thế kỷ thứ V. Cho đến hậu bán thế kỷ thứ VI. Huyền
Trang hoàn tất bản dịch đồ sộ của bộ Đại Bát nhã gồm
600 quyển. Đó là một tập đại thành bách khoa gồm hầu
hết những kinh điển thuộc bộ Bát nhã của Đại thừa.
Trong
Phạn văn, tuyển tập dài gồm 125.000 bài tụng (sloka), tức
những đoạn chỉnh cú có 32 chữ. Bốn bản ngắn hơn gồm
100.000, 25.000, 10.000 và 8.000 sloka. Bản ngắn nhất được ấn
hành năm 1888 do nhà bác học người Ấn Rajendralala Mitra, và
bản 100.000 sloka được ấn hành do Pratàpaeandra Ghosha năm 1902,
nhưng theo chỗ tôi biết chưa có ấn bản đầy đủ nào xuất
hiện. Bản xưa nhất trong số các bản kinh Bát nhã khác nhau
hình ảnh là bản ngắn nhất, bản 8.000 sloka, được gọi
là Bát nhã bát thiên tụng (Astsahasrika). Những bản dài hơn
là những ban quáng diễn về sau. Bát thiên tụng tương đương
với Đạo hành kinh của Chi Lâu ca sấm (Lokaraksha), Tiểu phẩm
bát nhã của Cưu ma La thập (Kumarajiva), và quyển thứ 538-
555 trong bản Đạt Bát nhã của Huyền Trang, và Phật mẫu
bát nhã của Thi Hộ. Bởi vì, xét trên phương diện triết
học và tôn giáo tất cả những quan điểm cốt yếu của
kinh Bát nhã đều nằm trong đó, chủ đề của tôi sẽ dựa
vào bản kinh này qua bản Sanskrit và các bản Hán dịch, mặc
dù những trích dẫn rải rác lấy từ các bản kinh Bát nhã
khác. Độc giả nếu có hứng thú đối với văn học Bát
nhã, có thể tham khảo tập tài liệu của Bác sĩ Tokumyô Matsumoto
về Die Prajnàpàramità-literatur[2]
Tuy
nhiên, vì bản Sanskrit Astasahasrikà cũng như nhiều bản kinh
Bát nhã Hán văn được đề cập ở đây hơi khó hiểu cho
độc giả vậy xin đọc kinh Kim Cương (Vajracchedika, bản dịch
tiếng Anh của Max Muller và William Gammel). Nhưng, khuyết điểm
chính nơi kinh Kim cương là quá nhấn mạnh về khía cạnh Tánh
Không của Bát nhã, khiến cho độc giả bình thường có ấn
tượng rằng đây là chỗ từ thủy chí chung của Đại thừa.
Bác sĩ Max Walleser, Heidelberg, dịch sang Đức ngữ một vài
chương của Astasahasrika.[3]
Chủ
đích của thiên luận này cốt nêu lên rằng, giáo pháp của
các kinh Bát nhã nhằm xác định tinh thể của Bồ tát đạo.
Đó là điều mà trong hết thảy các kinh Đại thừa gọi là
Bồ tát hạnh (Bodhisattvacarya) Carya (hạnh), có nghĩa là sinh
hoạt, vậy Bồ tát hạnh (Bodhisattvacarya) là điểm phân biệt
Bồ tát với các loại chúng sinh khác; đặc biệt trong Đại
thừa, phân biệt với Thanh văn và Duyên giác. Kinh Bát nhã
tìm thấy sinh hoạt này trong sự thấu hiểu về Bát nhã với
tất cả những hàm tàng của nó, trí thức, đạo đức và
tâm linh. Trong những trang tiếp theo, do đó, chúng ta sẽ trước
hết thử xem Bát nhã có nghĩa là gì, sau đó mới khai thác
nội dung thực tiễn của nó. Có thể, tinh thể của Bồ tát
đạo mới trở thành hiển lộ tự nhiên.
Tôi
tin rằng độc giả đã biết khá rõ về mối liên hệ rất
sâu xa giữa Thiền tông và giáo thuyết Bát nhã, trên lịch
sử và trên học thuật.
Vậy
Bát nhã sẽ được diễn tả từ nhiều quan điểm khác nhau,
và đó cũng là cách mà các kinh Bát nhã ba la mật thường
nói về Bát nhã,
I
TRIẾT
HỌC TRONG BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
1.
Bát nhã như là nguyên lý chỉ đạo
Bát
nhã là một trong sáu độ (pàramità), tức sáu đức tính của
sự toàn thiện dành riêng cho Phật tử Đại thừa hay các
Bồ tát. Khi họ tụ tập trọn vẹn sáu ba la mật này, nhất
định cuối cùng sẽ đạt tới giác ngộ. Nhưng các kinh thuộc
bộ Bát nhã coi Bát nhã như là nguyên lý chỉ đạo của các
ba la mật khác. Vì nếu không có Bát nhã, các ba la mật khác
sẽ không thể tìm thấy sở y và sở hướng của chúng. Để
riêng ra chúng sẽ lạc đường như một bọn mù trong rừng
rậm. Chúng không thể bước vào trụ xứ tối hậu của thực
tại. Chúng không thể nhận ra nhất thiết trí, vì là không
có mắt, và tất cả mọi nỗ lực của chúng đều vô bổ
nếu không có sự hướng dẫn của Bát nhã. Bát nhã là con
mắt soi thấy rất tỏ rõ trọn cả môi trường sinh hoạt
của Phật đạo và xác định các bước tiến của Bồ tát
phải được hướng dẫn như thế nào và dẫn vào đâu. Năm
ba la mật (pàramità) kia: bố thí, trì giới, tinh tiến, nhẫn
nhục, và thiền định được gọi Ba la mật (pàramità)[4]
bởi vì chính Bát nhã là con mắt của chúng[5].
Lại
nữa, Bát nhã như mặt đất cho các thứ cây cối có thể
sinh trưởng. Tất cả các điều kiện khác có thể đã hội
đủ cho hạt giống nảy mầm, nhưng nếu không có đất, chẳng
bao giờ nó sinh truởng được. Cũng vậy, nếu không có Bát
nhã, các Ba la mật khác sẽ mất hết tiềm năng của chúng;
sẽ không có mầm sống nào trong chúng[6]. Lại nữa, chính
do Bát nhã ba la mật mà các Ba la mật khác được hộ trì,
được vững chắc, được toàn vẹn, và được thực hành
tương xứng. Cũng như 62 tà kiến phát sinh từ khái niệm cho
rằng thật có bản ngã (satkàvadrsti: thân kiến)[7], cũng vậy,
năm Ba la mật kia sinh ra từ Bát nhã.
Cũng
như các thân căn thụ hưởng sinh lực của chúng khi mạng
căn còn tiếp tục, cũng vậy, năm Ba la mật kia còn sống động
khi Bát nhã ôm ấp chúng trong đôi cánh che chở của mình[8].
2.
Bát nhã so với đôi cánh chim và cái chum
Bát
nhã như những con chim trời mà đôi cánh có thể trải rộng
một do tuần, hay rộng đến năm do tuần. Nếu chưa lớn đúng
mức, không thể bay được. Chúng có thể muốn bay từ trên
những bầu trời của chúng xuống tới thế gian này, hay chúng
có thể thay đổi tâm niệm trong thoáng chốc mà bay trở về
trời.
Trường
hợp đầu, chúng có thể xuống tới mặt đất mà không bị
tổn thương không? Trường hợp sau, chúng có thể an toàn trở
về quê cũ hay không? Không, cả hai trường hợp đều không
thể, mà chúng bị bắt buộc phải tự hủy vì vẫn còn là
những cánh chim non, chưa đủ sức để bay như vậy. Cũng thế,
Bồ tát dù đã trọn vẹn phát Bồ đề tâm, đã chứa nhóm
đủ tất cả các Ba la mật như bố thí, trì giới, tinh tiến
và thiền định, nhưng nếu chưa có Bát nhã và Phương tiện
(Upàya) của Bát nhã thì tất cả mọi ước vọng và nỗ lực
sẽ là vô nghĩa, và sẽ bị rơi trở lại cảnh giới của
Thanh văn và Duyên giác thừa[9]
Lại
nữa, Bồ tát không có Bát nhã có thể ví như một cái chum
bằng đất chưa nung đến độ. Người ta có thể dùng cái
chum chưa đến độ đó để mang nước từ giếng hay từ sông,
nhưng chắc chắn sẽ thấy nó rạn vỡ trước khi về tới
nhà. Tại sao? Bởi vì chum được lấy ra khỏi lò trước khi
nung chín và khô. Cũng tương tựa như vậy, Bồ tát dù đã
có tín tâm với giác ngộ, dù đã có ước vọng, dù đã có
kiên nhẫn, có hỉ, có hiểu, có kính, có hành, có chính niệm,
v.v...[10] nhưng nếu không có Bát nhã và Phương tiện của
Bát nhã hộ niệm cho quá trình của Bồ tát hạnh, thì nhất
định sẽ bị thoái chuyển, và khi lùi trở lại cảnh giới
của Thanh văn và Duyên giác thừa, sẽ không thể đạt tới
Nhất thiết trí (Sarvajnatà)[11]
Bằng
những lời tán dương Bát nhã đó, kinh gây chúng ta có ấn
tượng sâu đậm về mức quan trọng phi thường của Bát nhã
ba la mật. Trước khi phát triển quan niệm này, sáu Ba la mật
được coi như có ý nghĩa ngang nhau trong sinh hoạt của Bồ
tát. Sự hứng khởi của Đại thừa đã làm thay đổi vị
trí tương đối đó. Bấy giờ Bát nhã được tách riêng và
khoác cho ưu thế cao nhất. Không có Bát nhã, các Ba la mật
còn lại như một con thuyền lạc hướng địa bàn và lạc
mất thuyền trưởng. Đây là giai đoạn quan trọng trong diễn
tiến của tư tưởng Phật giáo.
Khi
chúng ta biết rằng, đạo Phật lấy sinh khí của nó từ tông
chỉ Giác ngộ, mức quan trọng kỳ cùng của Bát nhã chắc
chắn phải được thừa nhận. Nhưng cũng có thể rằng tác
giả của kinh Bát nhã ba la mật đã có chủ kiến nào đó
về giáo thuyết của mình sao cho các Phật tử chấp nhận
ngay và không ngại. Vì lý do đó, tôi tin rằng, kinh nêu lên
nhiều thí dụ cốt không bị kinh sợ và áp đảo bởi lý
thuyết Bát nhã ba la mật. Kinh nói, trong đời sống của mình
ai đã từng nghe đến lý Bát nhã mà không kinh sợ quả thật
hiếm hoi. Thọ trì Bát nhã và tuân hành không do dự các chỉ
thị của Bát nhã, cái đó đòi hỏi trải qua nhiều đời
chứa nhóm các thiện căn.
3.
Bát nhã như là mẹ của chư Phật và Bồ tát
Nói
rằng Bát nhã là nguyên lý chỉ đạo của các Ba la mật, ấy
là vì các nhà Đại thừa lấy nó để thiết lập Nhất thiết
trí (sarvajnaatà). Tức là, thiết lập trí tuệ viên mãn mà
bậc Nhất thiết trí đã thành tựu. Do đó, Bát nhã là ánh
sáng rọi khắp mà chúng ta phải chiêm ngưỡng. Nó đứng trên
tất cả ảnh hưởng tạp nhiễm của các vật thể trần gian.
Nó soi sáng tất cả bóng tối trong thế giới đối đãi, và
do đó mang lại thanh bình và an ổn cho mọi loài. Nó cung cấp
ánh sáng cho người mù, nhờ đó y có thể yên lành đi xuyên
qua đêm tối của vô minh. Nó dẫn những người lạc lối
trở về con đường chính. Nó vén mở cho chúng ta thấy chân
lý của vạn hữu, và chân lý đó là Nhất thiết trí (sarvajnatà).
Nó là nơi nương tựa của mọi loài, khiến chúng hoàn toàn
không sợ hãi; là người có năm con mắt soi rõ trọn cả thế
gian. Là chân lý vượt lên sống và chết, vượt trên tất
cả mọi tạo tác. Nó chính là Tánh Không. Là kho lẫm của
hết thảy mọi chân lý (dharmakosa). Là mẹ của hết thảy
chư Phật và Bồ tát[12]
Vì
Bát nhã là mẹ và là tổ tiên của hết thảy chư Phật và
Bồ tát nên các ngài luôn luôn lo lắng về sức khỏe, về
sự bình an và sự thịnh vượng của Bát nhã. Kinh nói[13]:
“Như một người đàn bà có một số con đông. Nếu bà bệnh
tật, hết thảy các người con của bà con trai cũng như con
gái, đều mong bà chóng bình phục. Bởi vì chúng chỉ có một
tâm niệm duy nhất rằng bà là mẹ của chúng, đã nuôi dưỡng
chúng với lòng trìu mến và thương yêu những gì mà chúng
sở hữu riêng hôm nay đều do bà ban cho với trí khôn và lòng
từ ái. Vậy không thể quên bà, phải chăm sóc bà, phải kiếm
thuốc men cho bà để bà được bình phục, qua khỏi mọi thứ
đau đớn và phiền muộn. Như thế, bà sẽ được săn sóc
bởi tất cả những người con của mình”. Cũng giống như
vậy, chư Phật và Bồ tát bận tâm sâu xa đến sự tráng
kiện của Bát nhã là bà mẹ của mình; các ngài dùng hết
mọi phương thế để bảo vệ bà tránh xa các thứ ma quỹ
và cuối cùng giúp bà đứng vững trong thế gian. Do đó, các
hoạt động truyền giáo của các ngài là sao cho kinh Bát nhã
ba la mật được sao chép, được học hỏi, được tụng đọc,
được tưởng nhớ, được suy tư và được truyền dạy cho
đến cùng tận thời gian.
4.
Bát nhã = Chính giác = Nhất thiết trí
Bát
nhã trong khởi thủy được nói là phương tiện để thành
tựu giác ngộ, mục đích tối thượng của pháp môn Phật
học. Nhưng bây giờ nó đã được đồng hóa với chính mục
đích đó, Bát nhã (Prajna) là Giác ngộ (Sambodhi); bởi vì trong
kinh nghiệm của Phật giáo, Bát nhã chỉ có thể hành động
theo bản tính thanh tịnh nguyên thủy của nó khi nào có giác
ngộ. Chừng nào Bát nhã còn đặt đích nằm ở bên ngoài,
nó chưa phải là nó, chưa ở trong trạng thái thuần tịnh
của nó; chỉ khi nào được đồng nhất với giác ngộ, nó
mới trở về nguyên tính của nó. Bao lâu giác ngộ còn phải
được săn đuổi bằng vào Bát nhã, thì không những giác
ngộ còn xa vời với các ngài mà cả đến Bát nhã vẫn không
thể hành động theo tác dụng bản hữu của nó. Bát nhã là
Bát nhã thì phải là một với giác ngộ. Do đó, chúng ta có
thể nói rằng, Bát nhã tự hiển lộ và nhận ra khuôn mặt
chân thực, không tì vết, trong giác ngộ. Khi sự thực hành
Bát nhã ba la mật được khôn khéo thực hiện tới cao độ,
sự đồng nhất của Bát nhã và giác ngộ phải hoàn tất,
phải trở thành thực tế.
Trên
khái niệm, Bát nhã khởi sự những vận động đầu tiên
của nó hướng tới thẩm định cái giả thiết làm đối
tượng cho nó. Tuy nhiên, khi Bát nhã thực sự nắm được
đối tượng, thì sở tri và năng tri trở thành một, tình
trạng thiên chấp chấm dứt và bây giờ là tình trạng của
đồng nhất vô phân biệt, gọi đó là giác ngộ, và cũng
là nhất thiết trí (sarvajnata). Kinh nghiệm này cũng có thể
được mô tả như vậy: trước hết Bát nhã tự phân đôi
hay tự mâu thuẫn để tự thấy, đó là bắt đầu tình trạng
phân đôi như phương tiện và cứu cánh, chủ thể và khách
thể, cái này và cái kia, cái thấy và cái bị thấy. Khi tác
dụng tự thấy đã hoàn tất, không còn có phân đôi trong
Bát nhã, Bát nhã hiện hành trong giác ngộ, và giác ngộ hiện
hành trong Bát nhã Bát nhã thấy đâu cũng mang danh hiệu Bát
nhã, chỉ khác trong cách gọi. Bát nhã là một danh hiệu; giác
ngộ cũng là một danh hiệu khác Niết bàn là một danh hiệu
khác nữa, cứ thế, vân vân. Thế tức là, tất cả những
danh hiệu đó chỉ giả danh, chúng được phân biệt như thế
vì tiện ích của tri thức chúng ta. Cái thực và cái chân,
là cái một của những danh hiệu đó, và chính là cái đó.
Vậy
Bát nhã tức Chính giác (Sambodhi), hay giác ngộ. Bát nhã là
Nhất thiết trí (Sarvajnatà) Bát nhã là Niết bàn, Bát nhã
là Chân như (Tathàtà), Bát nhã là Tâm (Citta), Bát nhã là Phật
tánh (Buddhatà); vậy thì tự thân Bát nhã bản lai vốn Bất
khả đắc (anupalabdha) và Bất khả tư nghị (acintya). Bất
khả đắc và Bất khả tư nghị đó, là cơ sở của hết
thảy mọi thực tại và tư tưởng. Do đó, lẽ đương nhiên,
các tác giả của các kinh Bát nhã ba la mật đa tán dương
Bát nhã như một người tạo ra những phép lạ, gần như nhân
cách hóa Bát nhã thành một đối tượng tôn sùng và sau hết
đòi hỏi những ai tin nó nên chí thành cung kính đối với
tất cả những kinh văn nào có chứa đựng giáo thuyết Bát
nhã, coi như chính chúng là những hóa thân sinh động linh hoạt
của khả năng hoàn tất những sự kỳ diệu. Không phải chỉ
nên học hỏi (paryvapti ), tụng đọc (vacarna) nhớ nghĩ (dharana),
và sao chép (lekhana), nhưng còn được khuyến khích là nên
cung kính (satkara) và cúng dường (gurakara), bằng các phẩm
vật (puja) như hoa, tràng hoa, hương, dầu, đèn, cờ, phướn,
lọng và y phục. Còn về thiện căn tăng trưởng tứ tín tâm
(abhisraddha : thâm tín) và tín nhiệm (adhmukti: thắng giải)
với sự nhiệt thành tích cực (adhyàsayata: thâm tâm hay cao
chí) trong Bát nhã ba la mật, thì không có một ai có thể mong
nhận chân nó một cách xác thực. Khía cạnh sùng bái của
Bát nhã ba la mật được nối kết kỳ lạ với tính chất
siêu hình cao vút cùng tột của nó.
Tuy
nhiên, kỳ cùng, chủ đề của các kinh Bát nhã ba la mật là
Bồ tát hạnh, tức thực hành Bát nhã ba la mật để nhờ
đó chứng tới giác ngộ tối thượng. Vấn đề thực hành
Bát nhã như thế nào, không ngớt được nêu lên và được
giải đáp; và đấy chính là trọng điểm lôi cuốn nhất
của tất cả các kinh Bát nhã.
Nếu
thành tựu được, việc học Phật đã đến cùng đích. Nhưng,
như đã nói trước, việc thực hành Bát nhã và việc khởi
tâm giác ngộ, cả hai không cùng một bản chất đồng loại.
Giác ngộ này ra từ sự thực hành đó như hoa nở ra từ cây;
đời sống tiếp nối nên tức là một. Như vậy, lý luận
sau đây rất đúng: Bát nhã hiện hình trong các sở hành, và
cái hành đó là nội dung của giác ngộ, cho nên, Bát nhã là
giác ngộ hay chính giác. Prajnà Sambodhi cũng có thể được
khẳng định theo khía cạnh thực hành của vấn đề. Tất
cả những chữ này luôn luôn được dùng thay đổi nhau trong
các kinh Bát nhã ba .la mật, cá tính của chúng có thể áp
dụng ngang nhau. Sự thực, bộ ba: Parjnà = Sambodhi = Sarvajnatà
là sợi dây nối liền nhung chuỗi giáo thuyết sai biệt trong
chúng. Các ngài thử kéo ra một khoen, là kéo luôn các khoen
còn lại. Nhưng nếu chúng ta muốn phân biệt, ở đây có thể
định nghĩa Bát nhã (Prajnà, như là một dụng cụ nhận thức
nhờ đó mà đạt tới Nhất thiết trí (Sarvvajnatà, trong khi
giác ngộ (Bondhi) hơi nghiêng về tâm lý một chút theo nghĩa
nó chỉ điểm một trạng thái thức tỉnh của tâm linh. Bát
nhã có sẵn trong mọi chúng sinh không phân biệt, dù chưa bộc
lộ bằng tác dụng thuần tịnh tuyệt đối của nó. Nơi đức
Phật, Bát nhã là Nhất thiết trí, bởi vì ngài ở trong trạng
thái giác ngộ toàn vẹn.
Trong
kinh Đại Bát nhã (Mahaprajna - paramita), Giác ngộ, hay Bồ đề,
được diễn tả bằng những chữ như sau[14]: “Bồ đề (Bodhi,
giác ngộ) là Không nghĩa (sunyata), là Chân như nghĩa (tathata)
là Thật tế nghĩa (dharmata). Thế nhưng, đấy là những danh
tướng giả lập, những ngôn thuyết tạm thời. Bồ đề là
chân thật giác, là tối thượng diệu. Bồ đề là chân, là
thật, là không hi vọng, không biến dị, không bị phá hoại,
không phân biệt; Bồ đề là thanh tịnh chân thật là giác
ngộ cùng khắp mà Phật sở hữu. Bồ đề là sự viên mãn
căn bản từ đó chư Phật hiện Đẳng chính giác soi thấy
hết thảy các pháp, hết thảy chủng tướng; vượt ngoài
mọi danh ngôn thế tục tạm thời.”
Khi
Bodhi, giác ngộ, được diễn tả bằng những đồng hóa khác
nữa như thế, kết quả cho thấy hơi hỗn tạp, vậy cần
có thêm những nhận xét sau đây. Nếu chúng ta đề cập thẳng
vào tính cách biểu lộ của nó, thì Bát nhã có thể tự hiển
lộ bản thân, và chúng ta có thể nói thế này: Bát nhã là
soi thấy yếu tính của sự vật như thế là như thế (yathàbhùtam);
Bát nhã soi thấy sự vật y theo bản tánh Không của chúng;
khi soi thấy sự vật như thế là đạt tới biên tế của
thực tại, tức là vượt ra ngoài lãnh vực tri kiến của
con người; và do đó, Bát nhã nắm cái không thể nắm, đạt
cái không thể đạt, hiểu cái không thể hiểu; khi lối diễn
tả bằng trí năng về tác dụng của Bát nhã ấy được diễn
dịch thành những hạn từ luận lý, nó là cái không trước
vào đâu dù nó là một ý tưởng hay một cảm giác.
Chúng
ta đọc trong phẩm “Devaparivarta”[15] của Astasàhasrika-pàramità:
“Những ai khởi sự thực hành Bát nhã phải thực hành tất
cả sáu Ba la mật để hồi hướng công đức cho chứng ngộ
vô thượng chính giác. Tuy nhiên, khi hồi hướng như thế,
đừng bao giờ thủ trước (paràmrksa) giác ngộ coi đó là
mục tiêu cho các thực tập của mình, cũng đừng thủ trước
năm uẩn (skandha) coi đó như là những thực tại cá biệt
bất loại[16]. Bởi vì nhất thiết trí (sarvajnatà) là cái
vô thủ trước (aparàmrstà)[17].
“Vô
thủ trước” tức là “vô chấp”. Bất khả đắc và Bất
khả tư nghị là bản tánh của Bát nhã, Bồ tát khi đã khôi
phục được hoạt dụng nguyên thủy của nó, tự nhiên sẽ
không chấp thủ dù là chấp thủ Bát nhã Nhất thiết trí
hay Chính giác. Đây là một giai đoạn quan trọng trong đời
sống của Bồ tát, mà tôi sẽ có cơ hội nhắc nhở thêm
sau này.
5.
Bát nhã như là soi thấy các Pháp Như thực
Do
công năng vô chấp đó, chúng ta có thể nói rằng Bát nhã
có khả năng nhìn thấy thế giới như thế là như thế, thấy
các pháp trong bản tính như thực (yathàbhùtum) của chúng.
Đây là hoạt dụng đặc sắc nhất của Bát nhã mà Bồ tát
sở đắc khi ngài chứng ngộ rằng đến thì như thế mà đến,
đến từ Bát nhã, và do đó biết rằng Bát nhã sinh ra ngài
cũng như sinh ra hết thảy chư Phật. Một khi đôi mắt của
Bồ tát mở ra cho sự thực này, Bồ tát quan sát thế gian
và hết thảy thiên sai vạn biệt của thế gian trong tổng
trạng chân thực của chúng. Nói thế tức là, trong tầm tri
giác của chúng ta, thế gian không ngừng biến đổi, chịu
đủ hình thái thành và hoại. Nhưng Bồ tát khi mà trí Bát
nhã của ngài đã khai ngộ hoàn toàn, nhận thấy rằng, năm
uẩn tạo thành thế gian này dù có những biến dịch bên ngoài
của chúng, trong tự tánh (svabhava) chúng không hề bị hoại
diệt, chúng không mang những hoại tướng, không bị chi phối
bởi những thành hoại, không bị chi phối bởi sinh tử, không
bị chi phối bởi những tham dục và phiền não.
Kinh
điển Bát nhã ba la mật vừa là một nền triết học và vừa
là một nền tôn giáo, nên giáo thuyết của nó luôn luôn hỗn
hợp bản thể học và tâm lý học. Sự thực, nó không nói
tới sự hữu là như thế nào, nhưng nói tới những gì có
nơi con người. Biết rõ thế gian tức biết rõ tinh thần của
con người và những tạo tác của nó. Không có những vấn
đề siêu hình nào mà cùng lúc không là những vấn đề về
giải thoát và giác ngộ. Do đó khi Bồ tát nhận thấy thế
gian như là như thực (yathàbhùtam) ngài cũng nhận thấy các
loại tâm của con người như thế là như thế; thế rồi ngài
mới thi thiết các phương tiện thiện xảo (upàya) của mình.
Vậy, kinh nói, bằng con mắt của trí Bát nhã, Bồ tát thấy
rõ các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và ngài
biết rõ chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính,
sai biệt về hoạt dụng, sai biệt về thọ báo, sai biệt về
giá trị đạo đức, về tâm tính, vân vân. Rồi tri kiến
như thực (yathàbhùtam) của ngài thấu triệt qua những giả
tướng này và nhận ra rằng các tâm của chúng; tịnh hay bất
tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm hay ly nhiễm tâm,
tất cả đều không tự tánh, không thủ trước, không phân
biệt. Đấy được coi là nhìn vạn hữu trong chân như tướng
của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng thời
tự hiển lộ tự thân như thực trong ánh sáng của trí Bát
nhã.[18]
Do
đó, đương nhiên tri kiến như thực trong các kinh Bát nhã
ba la mật có nghĩa là tri kiến xuyên qua bức màn trùng điệp
phủ tối đôi mắt chúng ta, và rồi dùng trí Bát nhã nắm
lấy vạn hữu trong chân như của chúng. Chân như (tathatà)[19]
là một chữ quá lạ, nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, nó
là một trong những chữ ý vị nhất. Hiểu rõ nghĩa của nó
là hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Chân
như là như như và đừng có hiểu lộn thành như nhau hay như
một. Khi người ta nói đến vô dị tướng, thì có thể tưởng
rằng các dị tướng bị biến thành vô sở tri hay vô sở
hữu, để bộc lộ cái tướng như một của chúng. Nhưng cái
mà các hành giả Bát nhã muốn nói là những cái được thấu
hiểu trong những tương quan chân thực của chúng, không chỉ
tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý
tính hiện hữu của chúng.
Kinh
Bát nhã có một đoạn[20] dành cho Tu Bồ Đề (Subhùti) luận
về Như lai Tùy sinh (Tathàgata-anujata)[21]. Tùy sinh (Anujàta)
có nghĩa, sinh sau hay “sinh ra tùy theo”. Chính Tu Bồ Đề
(Subhuti), người nói triết học Bát nhã, sinh ra sau Như lai,
tức em ruột của Như lai, hay nói đúng hơn, Tu Bồ Đề được
sinh ra tùy theo tự tướng của Như lai. Đó là một trong các
đoạn quan trọng nhất của Bát nhã, nhất là khi xét tới
liên hệ với giáo thuyết Chân như. Như Lai (Tathagata)
thông thường được coi như là một biệt hiệu của Phật,
nghĩa đen hoặc “người đến như thế” hoặc “người
đi như thế”. Điểm quan trọng ở đây là ý nghĩa của chữ
Như (tatha) hơn là Lai (agata, đến hay ga ta, đi); hình như tác
giả của kinh Bát nhã nhấn mạnh trên chữ tatha coi đó là
chìa khóa để hiểu giáo pháp Tathata (Chân như) hay Yathabhutam
(Như thực). Khi ông nói tới Chân như của Như Lai (tathagata-
tathata), ông muốn nói lý tánh, căn nguyên, hay lý tắc cho sự
xuất hiện có thể có của Như Lai trong thế gian. Vì vậy,
Tu Bồ Đề mà được sinh ra sau (anujata) Chân như của Như
Lai, thì có nghĩa là Tu Bồ Đề và Như Lai cùng đến từ bào
thai vũ trụ mà kinh Lăng già (Lankavatara) và các kinh Phật khác
gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Với giải thích sơ khởi
này, đoạn dưới đây nói về Tùy sinh (Anujata) và Như Lai
(Tathagata) sẽ trở nên dễ hiểu hơn.
“Khi
nói Tu Bồ Đề sinh ra sau Như Lai, nói thế có nghĩa như vầy:
Như của Như Lai là Như của Tu Bồ Đề, Như Như không hai
không khác, vì Chân Như là một trong hết thảy các loại hữu
tình và ở đây không hai tưởng, không phân biệt, không phân
đôi; trong hết thảy Chân Như không có đến và cũng không
có đi vì bản lai vô sinh; chúng không chỗ trụ nơi chúng thường
trụ như là những pháp sai biệt; chúng là vô tác, vì có nghĩa
rằng chúng không phải là sở tri như là đang hoạt dụng trong
một phương thế quyết định nào đó để biểu lộ những
tự tướng sai biệt của chúng; thế nhưng chúng cũng không
phải là thường tịch và vô sở tác; chúng luôn luôn như
Như trong tất cả mọi xứ sở, trong tất cả mọi thời gian,
trong tất cả mọi cảnh giới, trong tất cả mọi tụ tập
nhân duyên; trong chúng không từng có quá khứ, không từng
có hiện tại, không từng có vị lai mặc dù chúng hữu tình
được coi như đang hiện hữu, tồn tại và biến mất; chúng
không lệ thuộc sự phân biệt, không sắc tướng sai biệt,
là bất khả đắc; và sau hết dù với những phẩm tính đó
chúng vẫn xuất hiện như là những thực tại, có thể được
định danh, được định nghĩa và được phân biệt, mặc
dù như thế chúng không còn là Chân như nữa. Vì những lý
do đó, Chân như của Tu Bồ Đề là Chân như của Như Lai,
và Chân như của Như Lai là Chân như của hết thảy các pháp,
cả hai không hai không khác. Chân như nhất như hiển hiện
ở đây, nhưng ngay khi nói về Chân như như thế, Chân như
không còn là Chân như nữa. Chân như chỉ là giả danh, nhưng
nếu không có giả danh đó không có Như Lai, không có Tu Bồ
Đề, không có Phật, không có A la hán, không có các loại
hữu tình. Duy chỉ Như Lai mới thấu triệt như thế, không
một chúng sinh nào có thể nắm nổi lý này. Tu Bồ Đề, vì
ngài thấu hiểu, nên có thể diễn nói nhưng huyền diệu sâu
xa của Bát nhã ba la mật đa, và vì lý do đó, ngài là Tùy
sinh của Như Lai.”[22]
Thêm
nữa, chúng ta đọc trong chương XVII, “Tướng Bất thối chuyển
của Bồ tát” (Avinivartaniyakaralinganimitta parivarta):
“Phật
tử hành đạo trải qua các giai đoạn khác nhau của tâm linh,[23]
nhưng ở trong Chân như chúng không hai, không phân biệt. Bồ
tát từ Chân như nhất tướng đó mà có thể nhập vào Pháp
tánh (nói gọn: Chân lý). Sau khi nhập vào Pháp tánh, ở đó
cũng không sinh ra phân biệt. Dù khi nghe những giáo pháp khác,
Bồ tát cũng không hủy báng, vì biết rằng có nhiều pháp
môn sai khác dẫn vào Pháp tánh. Dù khi nghe những danh tướng
và ngôn thuyết, Bồ tát cũng không sinh nghi hoặc đối với
công năng thù thắng của Chân như mà ngài đang hộ trì trong
mình”.
Một
trong những hoạt dụng của Bát nhã, vậy thì, chính là tri
nhận các pháp Như thực hay thấy Chân như tướng của chúng.
Trong Chân như đó, thấy rằng hết thảy mọi loài, mọi sự
hữu, không bị nhiễm ô, do đó chúng là một với chư Phật
và trong phương diện đặc biệt này có thể gọi các ngài
là chư Như Lai. Vì tất cả là một như thế, nên tất cả
cùng là anh em (anujatà) với nhau, kể cả chư Phật và Bồ
tát. Cái thai mẹ sinh ra hết thảy những anh em này đích danh
là Như Lai tạng (Tathagata- garbha). Vai trò làm mẹ của Bát
nhã ở đây thành xác chứng hơn bao giờ hết, và ý nghĩa
đó thường được dùng để tán dương Bát nhã càng là tự
nhiên.
6.
Bát Nhã và Tánh Không.
Kinh
Bát nhã thông thường được coi như chỉ giảng riêng triết
học về Tánh Không (sùnyatà). Đa số, kể cả các học giả
về đạo Phật, thừa nhận quan điểm này, nhưng đối với
nghĩa của Tánh Không hình như họ không có một khái niệm
nào cho sáng sủa. Bởi vì học Bát nhã có nghĩa là nhìn vạn
hữu trong Như tướng và Không tánh của chúng, ở đây tôi
xin đưa ra một ít nhận xét về học thuyết Tánh Không.
Trong
bản dịch Đại Bát nhã của Huyền Trang, có kể đến 18 hình
thức của Không[24], và chúng được giải thích kỹ trong luân
Đại trí độ của Long Thọ (Nagarjuna). Thực ra lối liệt
kê này nói đến khá nhiều ngã đường khác nhau quyết định
dẫn tới ý niệm về Không. Mười tám con đường diễn tả
Không như sau:
1.
Nội Không (Auhyatma synyata), Không của các pháp nội tại
2.
Ngoại Không (Bahirdha sunyata) Không của các pháp ngoại tại.
3.
Nội Ngoại Không (Adhyatma-bahirdha-sunyata), Không của các pháp
nội ngoại tại.
4.
Không Không (Sunyata-sunyata), Không của Không.
5.
Đại Không (Maha-sunyata), Không lớn.
6.
Đệ Nhất Nghĩa Không (Paramartha-sunyata), Không của chân lý
cứu cánh.
7.
Hữu Vi Không (Samskrita-sunyata), Không của các pháp hữu vi.
8.
Vô Vi Không (Asamskrita-sunyata), Không của các pháp vô vi
9.
Tất Cánh Không (Atyanta-sunyata), Không tối hậu.
10.
Vô Tế Không (Anavaragra-sunyata), Không không biên
11.
Tán Không (Anavakara-sunyata), Không của sự phân tán.
12.
Bản Tánh Không (Prakriti-sunyata), Không của bản tánh.
13.
Tự Tướng Không (Svalaksana-sunyata), Không của tự tướng.
14.
Nhất Thiết Pháp Không (Sarvadhanna-sunyata), Không của vạn hữu.
15.
Bất Khả Đắc Không (Anupalambha-sunyata), Không của cái bất
khả đắc.
16.
Vô Tánh Không (Abhava-sunyata) Không của vô thể.