TỰA
Trong
Thiền Luận quyển Hạ này tôi cố gắng ghi dấu mối liên
hệ giữa Thiền và hai bản kinh cốt yếu của Đại Thừa,
kinh Hoa nghiêm (Ganda vyùha) và kinh Bát nhã (Prajnàparamita), và
kế đó là sự chuyển mình phải có đối với Phật giáo
Ấn Độ khi thích ứng với tâm hồn người Trung Hoa, Trung
Hoa là một dân tộc thực tiễn khác hẳn với Ấn, một dân
tộc phú bẩm rất cao về khả năng trừu tượng cũng như
kho tàng tưởng tượng bất tận. Dĩ nhiên các học thuyết
của Đại thừa phải chuyển mình để thích ứng với Trung
Hoa, nghĩa là kinh Bát nhã và kinh Hoa nghiêm phải chuyển thành
những đối thoại của Thiền tông.
Về
những cống hiến của Thiền đối với văn hóa Nhật Bản
đã viết trong một tập sách riêng biệt[1]. Gạt đạo Phật
ra, và gạt cả Thiền tông sau thời đại Kiếm thương, lịch
sử văn hóa Nhật Bản không có nghĩa gì hết, vì đạo Phật
đã vào sâu trong mạch sống của dân tộc này. Ý định của
tôi ở đây chỉ có tính cách lược khảo. Phần nói về “Sinh
hoạt Thiền trong các Họa phẩm” cũng là một gợi ý;
tường thuật đầy đủ và có hệ thống hơn, dành cho một
dịp khác.
Một
ít những sự kiện mới, cần được nhắc đến chung quanh
chủ đề được trình bày trong bộ Thiền luận này, vốn
đã đăng tải trên báo. (a) Thủ bản Đôn hoàng về Thần
Hội ngữ lục ghi ở tr. 21 c.ch. và tr. 37 c.ch. đã được sao
chép lại, còn việc ấn hành dưới một ấn bản được hiệu
đính trọn vẹn sẽ cho ra mắt ngày gần đây. (b) Bác sĩ Keiki
Yabuki đã xuất bản một quyển sách với những giải thích
cặn kẽ về Thủ bản Đôn hoàng tuyển tập trong Echoes of
Desert của ông. Bác sĩ cung cấp cho chúng ta rất nhiều tài
liệu hữu ích đối với các Thủ bản ấy. (c) Tất cả những
trang tham khảo về kinh Hoa nghiêm hoặc theo Thủ bản Idzumi
hoặc theo Thủ bản R.A.S. (d) Thủ bản Đôn hoàng về Đàn
kinh của Huệ Năng (t.15 c.ch.) sẽ được ấn hành để lưu
hành rộng rãi, kèm theo bản của Koshoji (Hưng Thánh Tự). Đây
là bản trùng khắc cổ của Nhật, vào thế kỷ XV hoặc XVI,
nguyên bản Hán có lẽ được in khoảng thế kỷ X hoặc XI.
Có lẽ bản “khá xưa”xét theo bài thơ cho ấn bản lưu hành
của Đàn kinh. Vai trò lịch sử của nó khỏi phải nói.
Theo
thông lệ, tác giả nhờ Beatrice Lane Suzuki, người bạn đường,
đọc lại các Thủ bản, sửa lỗi ấn loát, và nhờ bà Ruth
Fuller Everett, ở Chicago, cũng đã hoan hỉ sửa các lỗi ấn
loát.
Ở
đây không quên nhắc nhở sự khích lệ lớn lao của Yakichi
Ataka, bạn của tác giả, vì ông luôn luôn sẳn sàng đáp ứng
ngay tất cá những điều cần thiết của tác giả để cho
các giáo pháp của đạo Phật Thiền tông được phổ biến
thích hợp trong những giới hạn của giải thích văn nghĩa.
DAISETZ
TEITARO SUZUKI
LUẬN
MỘT
TỪ THIỀN
ĐẾN HOA NGHIÊM
1
KHỞI
THỦY, Thiền đã không thắt chặt với Hoa nghiêm (Gandavyuha-sùtra)
như Lăng già (Lankãvatãra) hoặc Kim cương (Vajracchedikà). Bồ
Đề Đạt Ma trao truyền Lăng già cho người đệ tử Trung
Hoa tâm tủy của ngài là Huệ Khả, coi như kinh này chứa đựng
một nền giáo pháp quan hệ mật thiết với Thiền và sau Huệ
Khả kinh đã là tâm túy học tập của các môn đệ Thiền.
Họ biết đến kinh Kim cương vào thời Hoằng Nhẫn và Huệ
Năng, khoảng một năm rưỡi năm sau Bồ Đề Đạt Ma. Nhưng
Thần Hội, vốn là một trong những đệ tử chân truyền của
Huệ Năng, đi xa hơn nữa, khi tuyên bố rằng chính vị cha
đẻ của Thiền đã trao tay Kim cương cho Huệ Khả[2]. Dù quan
điểm này không đúng theo lịch sử, chúng ta có thể chấp
nhận hoàn toàn rằng kinh Kim cương đã thành ảnh hưởng lớn
lao trên việc học Thiền vào thời bấy giờ, khoảng cuối
thế kỷ VII. Mối liên hệ giữa kinh Hoa nghiêm và Thiền chưa
bắt đầu, cho tới thời Trừng Quán (738-839), Tứ tổ Hoa nghiêm
tông của Phật giáo Trung Hoa, học Thiền với Vô Danh, một
đệ tử của Thần Hội. Trừng Quán là một triết gia lớn
và đã cố công kết nạp Thiền vào hệ thống của riêng
mình. Sau sư, có Khuê Phong Tông Mật (780-842), cũng từng học
thiền và cho ra một bản đại sớ về kinh Viên giác mà sư
giải thích theo triết lý của tông phái mình. Sư cũng viết
một tác phẩm về các đường lối lãnh hội Thiền khác nhau;
không may, sách đã bị thất lạc, chỉ trừ phần tựa. Đại
ý là nêu những điểm cốt yếu của Thiền và tách biệt
chúng khỏi những ngộ nhận không chỉ đã từng xảy ra đối
với bản thân của Thiền mà còn đối với sự quan hệ của
nó trong nền triết lý của đạo Phật. Như thế, do Tông Mật,
thiền mới có liên lạc với những kinh điển khác ngoài Lăng
già và Kim cương, và nhất là Hoa nghiêm.
Trong
khi các luận sư của Hoa nghiêm tông vận dụng những lối
trực chỉ của Thiền theo cách riêng của họ, các Thiền sư
được lôi cuốn đến nền triết học Viên Dung Vô Ngại[3]
do Hoa nghiêm chủ xướng, và họ cố gắng kết nạp nó vào
trong những bài giảng của mình. Chẳng hạn, Thạch Đầu (699-790)
trong Tham đồng khế, miêu tả tính cách tương giao của
Sáng và Tối như là hạn chế lẫn nhau và đồng thời hòa
hợp nhau. Động Sơn (806-859), trong một đoản văn chỉnh cú
gọi là Bảo kinh tam muội ca, giảng giải về tính cách tương
giao của thiên (lệch) và chính (ngay), phần lớn có công dụng
như của Thạch Đầu, vì cả Thạch Đầu và Động Sơn đều
thuộc về phái Hành Tư (tịch 740) được gọi là phái Thiền
Tào động[4]. Ý tưởng này, về Tương giao và Nhất thể,
chắc chắn phát xuất từ triết lý Hoa nghiêm do Pháp Tạng
thiết lập rất khéo léo. Bởi vì Thạch Đầu và Động Sơn
đều là Thiền sư, nên lối trình bày của họ hoàn toàn không
giống như của một nhà huyền học. Có lẽ “Bốn liệu giản”
[5] của Lâm Tế đáng được lần về hệ thống Pháp Tạng
(tịch 712).
Ảnh
hưởng của Hoa nghiêm tông nơi các Thiền sư càng lúc càng
tăng gia theo với thời gian, và đạt đến cao độ của nó
ở thế kỷ X kể từ Tông Mật, tổ thứ năm của Hoa nghiêm
tông Trung Hoa. Chính Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) người sáng
lập ngành Thiền Pháp nhãn, đã kết nạp triết lý Hoa nghiêm
vào trong pháp môn Thiền học của mình. Mặc dầu sư không
phải là người trong Hoa nghiêm tông, nhưng đã hẳn là có
ấn tượng sâu đậm về các tác phẩm của Đỗ Thuận (chết
640) và Pháp Tạng (chết 712), và những triết gia Hoa nghiêm
khác; vì sự thực hiển nhiên là sư đã dạy các môn đệ
mình nghiên cứu các sáng tác của họ coi như một trợ duyên
để thành tựu Thiền. Sư cũng viết một bản bình giải về
Tham đồng khế của Thạch đầu mà, như tôi đã nói ở trên,
vốn căn cứ trên siêu hình học của Hoa nghiêm.
Trào
lưu này, trào lưu hổn hợp Thiền với triết học của Hoa
nghiêm kinh (Avatamsaka) hay của Pháp hoa kinh (Saddharma - pundarika)
lên đến tột đỉnh khi Vĩnh Minh Diện Thọ (904- 975) viết
trường thiên Tông sách lục, gồm một trăm quyển. Trong tác
phẩm này, sư có ý hòa tan tất cả những dị biệt của tư
tưởng Phật học vào học thuyết Duy Tâm – “Tâm” theo
nghĩa là một thực tại cứu cánh tự giác sát, chứ không
phải là sở cứ của tâm thức thường nghiệm chúng ta. Đừng
nên nhầm lẫn học thuyết Duy Tâm này với nền triết học
Duy Thức (Vijnaptimàra) của phái Du già (Yogàcàra), vì Diên
Thọ theo dòng tư tưởng xuyên qua Lăng già (Lankàvatàra), Hoa
nghiêm (Avatamsaka) và Khởi tín luận (Sraddhotpàda), vân vân.
2
Nói
cho chí lý, Thiền có lãnh vực riêng, nơi đó nó thi hành theo
sự thuận tiện nhất của nó. Ngay khi vi hành ngoài lãnh vực
này, nó đánh mất sắc thái bản hữu của mình và đến mức
nào đó thì mất luôn cả bản tính. Khi có ý định tự xiển
dương bằng một hệ thống triết lý, nó hết còn là Thiền
thuần phác và đơn giản; và xen lẫn vào những cái không
liên hệ thiết tha. Dù có giải thích hợp lý, Thiền cũng
bị giả trang. Vì lý do đó, các bậc thầy của nó đã cố
thủ để khỏi bị chen chân với bất cứ tông phái siêu hình
nào, dù Phật hay Lão hay Khổng. Ngay cả khi Bồ Đề Đạt
Ma trao tay Lăng già cho Huệ Khả, mà Huệ Khả và các môn đồ
của ngài đã không chịu viết gì hết về kinh này trong bản
chất của một luận giải. Mặc dù Huệ Năng hình như đã
phô diễn kinh Kim cương theo sở đắc, các miêu duệ của ngài
lại hoàn toàn quên lãng nó, và những pháp thoại hay những
ngữ lục của họ diễn tiến trong một chiều hướng khác
hẳn. Dĩ nhiên, họ thường nhắc nhở đến tất cả các kinh
luận, tự do dẫn chứng các đoạn văn trong ấy, nhưng họ
luôn luôn cẩn thận để khỏi bị vướng mắc vào văn tự,
khỏi bị sơn phết với những ý tưởng siêu hình làm căn
bản cho nhưng sáng tác này.
Các
Thiền sư đã dẫn chứng kinh Hoa nghiêm (Avatamsaka) ngay cả
trước Đỗ Thuận, bởi vì, theo Lăng già sư tư ký, Huệ Khả
nhắc nhở rất nhiều về kinh này hậu thuẫn cho sở kiến,
theo đó, cái Một luân lưu toàn vẹn trong thế giới đa thù;
còn Đạo Tín, đồng thời với Đỗ Thuận, cũng dẫn chứng
một đoạn trong kinh này nói rằng một hạt bụi bao trùm trong
nó vô số thế giới. Là những Thiền sư, họ không có ý
hệ thống hóa những trực giác về Thiền của mình; họ bằng
lòng dẫn chứng những đoạn văn nào đồng điệu với những
ý tưởng của mình. Vì vậy, những dẫn chứng của họ không
giới hạn vào kinh Hoa nghiêm; họ tìm thấy đâu những câu
dùng được thì dùng liền; chẳng hạn, từ kinh Pháp hoa (Saddharma-pundarika),
Duy ma cật (Vimalakìrti), kinh Kim cương (Vajracchedikà), Lăng già
(Lankàvatàra), Bát nhã (Prajnàparamità), Pháp cú (Dharmapada),
vân vân. Nhưng trong trường hợp Hoa nghiêm, sự trích dẫn
có tính cách cục bộ và chuyên biệt hơn nhiều, nó được
đặt trong toàn thể tư tưởng cốt yếu của kinh này. Từ
chỗ đó hình như các Thiền sư ngay từ đầu đã coi đây
là một kinh văn hậu thuẫn những chứng nghiệm của họ ngang
tầm Lăng già và Kim cương. Nhưng vì lập trường của họ
là nặng về tâm mà nhẹ hẳn về văn tự, nên họ không tiến
xa đến chỗ thiết định một nền triết lý truyền theo Hoa
nghiêm. Luôn luôn họ cố thủ trên nhưng sự thật chứ không
ở trên những ý tưởng. Bởi vì họ nói, dẫn kinh Hoa nghiêm,
rằng:
“Như
một người nghèo ngày đêm nghĩ đến những kho tàng không
thuộc về mình, trong lúc y không có lấy một quan tiền làm
của. Học nhiều thì cũng vậy. Lại nữa, nhất thời các
người có thể đọc sách, nhưng hãy cẩn thận để sang một
bên ngay khi có thể. Nếu các người không rời bỏ sách, sẽ
trở thành thói quen chỉ luyện tập văn tự. Cái đó y như
tìm băng giá bằng cách hâm nóng dòng nước chảy, hay như
tìm tuyết bằng cách đun sôi nước nóng. Vì vậy, có lúc
chư Phật nói rằng (đạo lý tối thượng) khả quyết, có
lúc nói rằng là bất khả quyết. Sự thật, thì không có
ai khả quyết, hay bất khả quyết nơi Pháp tánh, vốn là cảnh
giới của các pháp hiện tiền. Khi một cái này mà nắm được
trọn vẹn, thì muôn nghìn cái khác cũng theo luôn. Cũng vậy
kinh Pháp hoa nói rằng (Thực tại) chẳng phải thực hay phi
thực, chẳng phải Như hay không Như”.[6]
3
Kinh
điển, nhất là kinh điển Đại thừa, là những phát lộ
trực tiếp của các kinh nghiệm tâm linh; chúng chứa đựng
những trực giác đạt được do đào sâu vào hố thẳm Vô
thức; và không có ý định trình bày những trực giác này
qua trung gian của trí năng. Nếu chúng không có vẻ hoàn toàn
duy lý hay thuyết minh hợp lý, đây chỉ là ngẫu nhiên. Hết
thảy kinh điển cốt cho ra những trực giác sâu xa của Phật
trí như đã từng bộc lộ cho các môn đệ Đại thừa ở
Ấn trong thời sơ khai. Vì vậy, khi kinh nói hết thảy các
pháp là Không, vô sinh, siêu việt nhân quả, lời nói ấy không
phải hậu quả của lý luận siêu hình; nó là một kinh nghiệm
Phật trí sâu xa nhất. Chính vì thế mà rất nhiều học giả
và triết gia của đạo Phật, tích cực để lãnh hội hay
quảng diễn những trực giác này theo các luật tắc của luận
lý, đã thất bại trong nhưng nỗ lực của họ; có thể nói,
chúng là cái ngoài lề, trong kinh nghiệm Phật tính, và do đó,
chúng phải chịu lệch lạc.
Những
trực giác của kinh điển và của Thiền sư cũng như nhau cả,
nếu tất cả còn tính cách Phật. Dù có khác nhau trong lối
phô diễn, đấy là do tâm lý của các thiên tài Hoa Ấn. Nếu
Thiền vẫn là một hình thức đạo Phật Ấn du nhập Trung
Hoa, những kinh nghiệm của nó tự căn bản thảy đều là
của đạo Phật như nhau. Nhưng tính cách dị biệt tâm lý
của dân tộc được thấy rõ, một khi những kinh nghiệm ấy
bắt đầu có vị trí trong mối đồng điệu với nhưng điều
kiện mới mẻ chi phối chúng để hầu phát triển. Quá trình
phân hóa này có thể thấy rõ trong những bài pháp của các
Thiền sư, khi họ, một lần nữa, được tách khỏi ảnh hưởng
trực tiếp của vị thầy đầu tiên từ Ấn Độ. Khi Thiền
thắt chặt với tâm tính Trung Hoa, những diễn đạt của nó
trở thành Trung Hoa một cách đặc trưng, và rồi có người
bắt đầu nghi ngờ tính cách đồng nhất cốt yếu của chúng
với nguyên khởi. Lúc mà sự phân hóa đã tiến xa đến độ
chừng như nó phản đối chính nó, các sư tổ gấp rút bù
đắp chỗ tổn thương và tái hợp nó với cội nguồn của
chính nó. Đây quả thực là ý nghĩa của trào lưu khởi sắc
ở thế kỷ XVIII và XIX, với Tông Mật hay Pháp Nhãn chẳng
hạn.
Xin
đề cử những điển hình về sự biến chuyển lần hồi
diễn ra trong lối diễn đạt của trực giác thiền suốt năm
trăm năm sau khi Bồ đề đạt ma dẫn Thiền vào Trung Quốc;
ngài là một nhà sư từ Ấn đến, có lẽ mất vào khoảng
528 sau T.L. Dưới đây là những trang dẫn chứng từ các bài
pháp của các Thiền sư thuộc nhiều chi phái khác nhau phát
khởi trong suốt thời gian này. Trong những bài pháp ấy, chúng
ta lưu ý sự biến thiên từ khuôn mẫu thuyết giảng của
kinh đến khuôn mẫu của Thiền tông Trung Hoa.
4
Chúng
ta hãy bắt đầu với Bồ đề đạt ma, cha đẻ của nền
Thiền Trung Quốc, viết về Vô tâm [7]
“Lý
rốt ráo vốn không lời, nhưng mượn lời để diễn Lý. Đạo
cả vốn không hình, nhưng để tiếp xúc với phàm ngu mà hiển
hiện thành hình. Bây giờ, giả sử có hai người đang bàn
bạc về Vô Tâm. Đồ đệ hỏi thầy:
“Đ.
(Lý rốt ráo) là hữu tâm hay vô tâm?
“T.
Vô tâm
“Đ.
Nếu là Vô tâm, ai đang thấy, nghe, nghĩ biết?[8] Cái người
nhận biết rằng vô tâm ấy là ai?
“T.
Chính do Vô tâm mà có thấy, nghe, nghĩ, biết; chính do Vô tâm
mà biết là Vô tâm.
“Đ.
Làm sao Vô tâm lại có thể thấy, nghe, nghĩ, biết? Lẽ ra
Vô tâm không thể làm được hết thảy việc này.
“T.
Dù rằng thuộc Vô tâm nhưng vẫn có thể thấy, nghe, nghĩ,
biết.
“Đ.
Nếu có thể thấy, nghe, nghĩ, biết thì không thể thuộc Vô
tâm, mà phải là một loại hữu tâm.
“T.
Thấy, nghe, nghĩ, biết, hết thảy chính là những hoạt dụng
của Vô tâm. Ngoài thấy, nghe, nghĩ, biết, không có Vô tâm.
Ta e rằng con không lĩnh hội điều đó, nên ta sẽ tìm cách
giảng giải vấn đề từng bước một để dẫn con hội diện
với chân lý. Thí dụ, khi đang thấy, tất nhiên có cái đang
thấy, như thế là vì có cái không thấy; cái đang thấy như
thế chính là Vô tâm. Khi đang nghe, tất nhiên có cái đang
nghe, như thế là vì có cái không nghe; nghe chính là của Vô
tâm. Khi đang nhớ nghĩ, tất nhiên có cái đang nghĩ, như thế
là vì có cái không nhớ nghĩ; nhớ nghĩ chính là của Vô tâm.
Khi đang biết, tất nhiên có cái đang biết, như thế là vì
có cái không biết; đang biết chính là của Vô tâm. Khi đang
làm, tất nhiên có cái đang làm, như thế là vì có cái không
làm; đang làm chính là của Vô tâm. Vì vậy, ta nói rằng thấy,
nghe, nghĩ, biết, hết thảy đều là Vô tâm?
“Đ.
Làm sao biết rằng của ấy là của Vô tâm?
“T.
Con cứ xét kỹ vấn đề thêm, rồi nói cho ta rõ Tâm có hình
tướng khả nghi nào không. Nếu có, như thế sẽ không phải
là Tâm chân thật. Phải nhìn nó có ở trong, ở ngoài hay ở
giữa. Tâm không ở đâu trong ba chỗ ấy. Cũng không phải
được trực nhận như là có ở những nơi khác nào đó. Vì
vậy, gọi là Vô tâm.
“Đ.
Bạch Thầy, nếu chính Vô tâm ở khắp mọi nơi, vậy lẽ
ra không có thiện ác. Tại sao mọi loài trôi lăn trong sáu
nẻo và mãi mãi trong vòng sống chết?
“T.
Đây là do chúng sinh điên đảo trong tâm ôm ấp ý tưởng
huyền hoặc về một thực tại (cá biệt) nơi Vô tâm, và,
khi tạo tác mọi hành vi, chấp trước mê lầm quan niệm cho
rằng quả thực có một cái tâm hữu tâm. Vì lý do đó, chúng
trôi lăn trong sáu nẻo và mãi mãi trong vòng sống chết.
“Như
một người khi thấy một cái bàn tay hay một đoạn giày trong
bóng tối mà tưởng là hồn ma hay con rắn, rồi sợ hãi. Cũng
vậy, chúng sinh chấp trước mê hoặc những tạo tác của
chúng. Ở chỗ Vô tâm, lầm tưởng là thực tại của một
tâm hữu tâm. Có bấy nhiêu hành vi tạo tác như thế, quả
thật có trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Vậy nên phải khuyên
dạy những chúng sinh như thế hãy đến kiếm một người
bạn tốt, (có đạo nhãn) rộng lớn và hãy tu tập Thiền
định, nhờ đó sẽ chứng ngộ được Vô tâm. Khi tu tập
như vầy, hết thảy nghiệp chướng của chúng tiêu trừ và
chuỗi dây sinh tử bị triệt đoạn. Như ánh mặt trời một
khi soi thấu vào chỗ tối tăm xô đuổi tất cả những gì
tối tăm, hết thảy tội lỗi của chúng đều bị diệt trừ
khi chúng chứng được Vô tâm.
"Đ.
Vì là ngu muội, tâm con chưa hoàn toàn tỏ rõ đối với công
năng của Lục tình đáp ứng (sự kích thích) ở mọi nơi
ra sao.[9]
“T.
Lắm nhiều mưu chước được tiếp diễn bằng lời.
“Đ.
Tham dục và Giác ngộ, Sinh tử và Niết bàn, phải chăng chúng
cũng là của Vô tâm?
“T.
Quả vậy, chúng thuộc Vô tâm. Chính vì chúng sinh chấp trước
sai lầm ý tưởng về một tâm hữu tâm nên có đủ tất cả
những Tham dục và Sinh tử, Giác ngộ và Niết bàn. Nếu tỏ
ngộ Vô tâm, không có Tham dục, không có Sinh tử, không có
Niết bàn. Bởi vậy, vì những người ôm giữ ý tưởng về
một cái tâm hữu tâm, nên Như lai nói về Sinh tử; Giác ngộ
đối đối với Tham dục, và Niết bàn đối đãi với Sinh
tử. Tất cả những danh tự đó đều là pháp nhân duyên.
Khi chứng đạt Vô tâm, không còn có Tham dục hay Giác ngộ,
Sinh tử hay Niết bàn.
“Đ.
Nếu không có Giác ngộ, không có Niết bàn, vậy nói sao về
sự giác ngộ mà chư Phật trong quá khứ đã chứng đắc?
“T.
Cái đó chỉ nói theo văn cú ước lệ. Đối với chân lý
tuyệt đối, chẳng có cái gì như vậy. Do đó, kinh Duy ma cật
(Vimalakìrti) nói rằng trong thân không có giác ngộ để mà
chứng, trong tâm không có giác ngộ để mà chứng. Lại nữa
kinh Kim cương nói rằng không có pháp cần phải chứng đắc,
sự chứng đắc của hết thảy chư Phật là không chứng đắc.
Do đó, nên biết rằng tất cả các pháp khởi lên khi thấy
có hữu tâm, các pháp diệt mất khi chứng được Vô tâm.
“Đ.
Bạch Thầy, thầy nói rằng Vô tâm biến hành mọi nơi. Vậy
ra, gỗ đá đều thuộc Vô tâm, phải chăng (hết thảy chúng
sinh) đều như gỗ đá?
“T.
Nhưng Vô tâm được chứng ngộ trong tâm thức ta không phải
là của gỗ đá. Tại sao? Nó như cỗ trống trời, đang im
lìm bỗng chốc tự nhiên trỗi lên nhiều thứ âm thanh vi diệu
để giáo huấn hết thảy các loài. Lại cũng như hạt như
ý bảo châu (mai), tự nhiên đột khởi vô số hình sắc. Cũng
vậy, Vô tâm tạo tác ngang qua tâm thức của ta, khiến cho
nó thấu hiểu chân tính của thực tại; nó có cả trí tuệ
siêu việt chân thật, nó là chủ của Ba Thân, nó có công
năng tự tại. Như kinh Bảo Tích (Ratnakùta) có nói rằng tâm
tạo tác do Vô tâm mà không hay biết. Vậy sao lại có thể
như gỗ đá? Vô tâm là chân tâm, Chân tâm là Vô tâm.
“Đ
Vậy phải tự tu tập như thế nào với tâm (tương đối)
của chúng ta đây?
“T.
Chỉ cần tỏ ngộ Vô tâm trong tất cả các pháp, trong tất
cả các hành vi. Đây là con đường tụ tập, không có con
đường nào khác, như thế biết rằng khi ngộ Vô tâm thì
các pháp không còn nhiễu loạn chúng ta nữa.
“Khi
nghe điều này, đồ đệ tức thì chứng ngộ và nhận ra rằng
không có vật ở ngoài tâm, không có tâm ở ngoài vật, đạt
được tự do viên mãn trong tất cả cử chỉ và hành vi của
mình; hết thảy màng lưới nghi ngờ bị xé thành mảnh vụn
và không thấy còn có chướng ngại nào nữa”.
Đạo
Tín (tịch 651) thường được coi là Tứ tổ của Phật giáo
Thiền tông Trung Hoa, nói bài pháp sau đây về: “Xả bỏ Sắc
thân”:[10]
“Phương
pháp xả bỏ sắc thân trước hết do tư duy về tánh không,
nhờ đó mà tâm thức trở thành không. Hãy để cho tâm cùng
với thế giới của nó nghỉ yên nơi trạng thái hoàn toàn
trầm lặng; hãy buộc tư tưởng trong các nhiệm mầu của
tịch tĩnh, để cho tâm không còn dong ruỗi từ vật này đến
vật khác. Khi tâm được bình lặng trong chỗ sâu xa nhất
của nó, những triền phược của nó bị cắt đứt hết.
Sâu thẳm thay! Mịt mù thay! Trong thanh tịnh tuyệt đối của
nó, Tâm chính là Không. Nó tựa hồ dửng dưng thay! Nhưng cái
chết không còn có hơi thở. Nó an trụ trong chỗ thanh tịnh
rốt ráo của Pháp thân và không còn lệ thuộc vào một đời
sống tương lai nữa. Khi tâm thức bị khuấy động và mê
hoặc khởi lên trong nó thì không thể trốn khỏi khổ đau
phải chịu đựng một đời sống khác. Vì vậy, trước hết
hãy tự mình tu tập để chứng đắc trạng thái hoàn toàn
tịnh tĩnh trong tâm mình, và cả trong thế giới của nó. Đây
là con đường tu tập cần phải thực hiện.
“Thế
nhưng, trong sự tu tập này, quả thực không có gì để coi
là một thành tựu quyết định, và sự không thành tựu này
là cái được thành tựu bởi sự tu tập đó; bởi vì thực
tại đạt được do vô-tác, và vô tác chính là chân lý. Do
đó, kinh nói: “Không, Vô tác, vô nguyện, vô tướng, ấy
là giải thoát chân thật!”. Vì lý do đó, thực tại là vô
tác.
“Con
đường xả bỏ sắc thân là phải có một cái thấy sâu xa
soi vào bản chất giả tạm của nó khi tâm cùng với thế
giới của nó, trở thành trong suốt và những công năng của
nó bừng sáng.
“Thêm
nữa, nói như Trang Tử “Trời đất là một ngón tay, muôn
vật là một con ngựa (Nhưng điều đó không đúng); kinh Pháp
cú nói. “Đừng nghĩ cái một là một. Vì để diệt trừ
ý tưởng về đa thù nên cái một gọi là một, nhưng cái
đó chỉ cốt nói cho tâm hồn bịnh hoạn”. Vì lẽ đó, chúng
ta có thể nói rằng, Trang Tử không vượt ra ngoài cái Một
nổi.
“Lão
Tử nói: Hốt hê? hoảng hề? Kỳ trung hữu tượng. “Sâu
thẳm thay! Mịt mù thay! Trong đó có tượng!”. Với Lão Tử,
ngoại sắc bị trừ khử nhưng nội tâm vẫn còn ôm ấp. Kinh
Hoa nghiêm nói: “Đừng chấp vào hai tướng, vì một cũng
không, hai cũng không?”. Kinh Duy ma cật nói: “Tâm không ở
trong, không ở ngoài, không ở giữa - đó là chứng ngộ. Vì
lý do đó, chúng ta biết rằng Lão Tử vẫn còn đứng với
ý tưởng về một tâm tượng”.
Nơi
khác, Đạo Tín giảng giải ý nghĩa của tịch tĩnh và tánh
không như sau:
“Hãy
nhìn lại sắc thân của mình xem nó là cái gì. Nó là không,
bất thực như một bóng mờ. Nó được cảm nghiệm (như là
có thật), nhưng không có gì ở đó để mà nắm giữ. Trí
Bát nhã khởi lên ngay giữa những vật ủ bóng này, nơi nó
định cư, không có căn cứ rốt ráo. Tự mình mãi mãi bất
động, nhưng nó bước vào những mối tương quan không ngớt
chịu những thay hình đổi dạng.
“Từ
giữa lòng tánh không trỗi dậy lục tình và lục tình cũng
thuộc về tánh không trong khi sáu trần cảnh được cảm thọ
như một giấc mộng hay một huyễn tượng. Như con mắt khi
cảm thọ những đối tượng của nó, nhưng đối tượng này
không ở ngay trong nó. Như tấm gương soi mặt, mặt được
tiếp nhận toàn diện nơi đó rất tỏ rõ; những phản ảnh
ở đây hoàn toàn trống không, nhưng tấm gương tự nó không
giữ lại chút vật nào được phản chiếu nơi đó. Mặt người
không đi vào bộ phận của tấm gương, tấm gương cũng không
ra khỏi mình để đi vào mặt người. Nếu nhận ra mặt gương
và mặt người liên hệ nhau như thế nào, và nhận ra rằng
ngay từ đầu, không có đi vào, không có đi ra, không có đi
qua, không có đi đến trong mối liên hệ nhau, thì hiểu được
ý nghĩa của Chân như và Tánh không”[11]
5
Ta
có thể thấy ngay rằng Bồ Đề Đạt Ma và Đạo Tín cùng
nói về một chủ đề từ những góc cạnh khác nhau của hiểu
biết. Cái Vô tâm của Bồ Đề Đạt Ma là “Không”, “
Tịch tịnh “Hoảng hốt”, v.v... của Đạo Tín. Một người
dùng những từ ngữ tâm lý học, còn một người thì hướng
tới triết học Bát nhã. Trong khi bài giảng của Bồ Đề
Đạt Ma về Vô tâm có thể được coi như còn phù hợp với
lề lối tư tưởng Ấn Độ, thì Đạo Tín ít nhiều pha màu
tư tưởng Đạo giáo. Tuy nhiên, không có gì riêng biệt của
Thiền hiển lộ ở họ. Chính ở Huệ Năng và các môn đệ
của ngài, Thiền mới bắt đầu rõ rệt là Trung Hoa, cả trong
diễn đạt cũng như giải thích.
Ý
thức của Thiền, đặc sắc là sự đốn ngộ của Vô niệm,
trỗi dậy trong tâm trí của Huệ Năng. Nếu Bồ Đề Đạt
Ma đã dùng chữ Vô tâm để chỉ cho Vô thức, thì Huệ Năng
đã thay thế tâm bằng niệm. Niệm thông thường có nghĩa
là “nhớ nghĩ ”, “tưởng nhớ”, “suy về quá khứ”
vân vân, và được dùng tương đương với Smriti của Phạn
ngữ. Do đó, khi nó được sử dụng liên hệ với vô như
vô niệm, thì đây là asmriti, có nghĩa là “mất hết ý nghĩa”
hay “quên lãng” và trong các bản Phạn văn nó được dùng
theo nghĩa này. Tuy nhiên, việc dùng chữ Vô niệm theo nghĩa
“Vô thức” và hàm súc một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, theo
xét đoán của tôi, bắt đầu với Huệ Năng. Vô niệm ở
đây không chỉ là quên lãng không nhớ lại một việc làm;
nó không chỉ là một từ ngữ tâm lý học. Khi Huệ Năng lấy
vô niệm làm sự kiện căn bản nhất của sinh hoạt Thiền,
nó phù hợp với ba môn giải thoát: Không (Sùnyatà), vô tướng
(animitta) và vô tác (apranihita); vì đối với các môn đệ
Thiền, chứng vô niệm tức là chứng giải thoát. Và tự bản
chất, đây là từ ngữ Trung Hoa.
Một
ý tưởng đặc sắc khác ở Huệ Năng là Đốn giáo, trực
nhận về thực tại. Theo ngài , nét đặc sắc của chính Thiền
là đốn, vì đây là bản chất của chính tuệ giác Bát nhã.
Tiệm giáo của chính tuệ giác Bát nhã. Tiệm giáo do đối
thủ của ngài, Thần Tú chủ trương, không thể ứng dụng
cho trực giác diễn ra trong tư duy của Thiền. Bát nhã hoạt
dụng theo trực giác hiện tiền, và cái mà nó tiếp nhận
được tiếp nhận tức khắc, không có diễn trình của tư
duy, giải kết hay liên tục. Như Huệ Năng nói: trong giáo lý
của ta không có phân biệt Định và Tuệ; Định là thể của
Tuệ và Tuệ là dụng của Định. Khi các người có Tuệ ở
trong Định, chúng không phải là một, không phải là hai”.
Bằng cách lặn sâu vào hố thẳm của thực tại như thế,
Huệ Năng dạy các môn đệ của ngài hãy nhìn ánh sáng hiện
tiền của Tuệ giác Bát nhã chớp ngang qua lớp vỏ cứng của
ý thức thường nghiệm. Chỉ lặn chìm vào hố sâu ấy không
phải là chủ đích của pháp môn Thiền, nếu Định không
cùng đích trực giác hiện tiền, Vô niệm, trong nó không có
Thiền (Zen). Bây giờ, chúng ta hãy coi Huệ Năng nói gì về
Vô niệm:[12]
“Thiện
tri thức; giáo pháp của ta từ trước đến nay, dù Đốn hay
Tiệm, lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể và Vô trụ
làm gốc. Vô tướng là gì? Là đối với tướng mà lìa tướng.
Vô niệm là đối với niệm mà không niệm. Vô trụ là bản
tánh của người. Niệm niệm không dừng nghỉ. Niệm trước
rồi niệm sau, niệm niệm tiếp nối không có đoạn tuyệt.
Nếu một niệm đoạn tuyệt thì pháp thân lìa khỏi sắc thân.
Niệm niệm trong mọi thời không dừng nghỉ trên một pháp.
Nếu một niệm dừng nghỉ thì niệm niệm liền dừng nghỉ,
đây gọi là hệ phược. Nơi hết thảy các pháp, niệm niệm
không dừng nghỉ, tức là không hệ phược. Vì vậy, lấy
vô trụ làm gốc (của đời sống chúng ta).
"Thiện
tri thức; bên ngoài lìa hết thảy tướng, gọi là vô tướng.
Nếu lìa được tướng, tánh và thể (của vô niệm) vốn
là thanh tịnh. Do đó lấy vô tướng làm thể.