BÀI
LUẬN THỨ HAI
BẤT
CHÂN KHÔNG
GIẢI ĐỀ :
Luận nầy nói "Chân Không"
bất "không", đặt ra chân đế làm cảnh sở quán, "Bất Chân"
có hai nghĩa :
1. Là pháp hữu vi: Vì pháp
do duyên sanh là giả, giả mà chẳng thật thì thể tánh vốn
không, ấy là tục đế; chẳng chân nên không, gọi là "Bất
Chân Không".
2. Là chân tánh duyên khởi
thành tất cả pháp, thể tánh chẳng phải đoạn diệt, nên
chẳng phải thật không, gọi là "Bất Chân Không".
Sự "hữu" là giả tạm có, nói
là "diệu hữu"; sự "không" chẳng phải là "đoạn diệt không",
nói là "diệu không"; thế thì phi hữu phi không là trung đạo
đệ nhất nghĩa đế. Lấy diệu không để phá hai tông Tâm
Vô Luận và Bổn Vô Luận; lấy diệu hữu để phá tông Tức
Sắc Du Huyền Luận; chỉ ba chữ đầu đề đã bao gồm hết
diệu dụng của chân đế, nếu chẳng phải khế ngộ ý chỉ
Trung Đạo, đâu được sự chiếu soi huyền diệu, linh động
như thế!
CHÁNH VĂN
Việc "Chí Hư Vô Sanh" là chỉ
trung đạo đệ nhất nghĩa đế, chẳng phải cảnh giới do
ý thức phân biệt, suy lường được. Bởi vì diệu dụng
chiếu soi nhiệm mầu của Bát Nhã là tông thể căn bản của
vạn vật. Thật trí của Bát Nhã chiếu soi chánh lý, nên nói
sự chiếu soi nhiệm mầu; trung đạo là chỗ dụng của thật
trí nên nói diệu dụng, thế thì không mà chẳng không; vạn
vật lấy Trung Đạo làm căn bản của tông thể nên hữu mà
chẳng hữu; phi không, phi hữu là tả hết thể dụng của
Trung Đạo, ở đây là kiến lập tông thể.
Nếu chẳng phải bậc thánh
có minh trí thông suốt, đâu được khế ngộ giữa nơi "có"
và "không"! Cho nên, bậc chí nhân thông đạt tâm thần diệu
nơi vô cùng; sự vô cùng ấy không vật nào làm chướng ngại
được; ở sự nghe thấy cùng tột của tai mắt, chẳng phải
sức mạnh của thanh sắc có thể hạn chế được. Bởi vì
tánh thể của vạn vật tự không, nên vạn vật chẳng thể
làm lao nhọc cái tâm thần diệu quang minh được.
Cho nên bậc thánh dùng chân
tâm để thuận theo chánh lý thì không có sự chướng ngại
nào mà chẳng thông; dùng thật trí để quán sát vạn pháp,
nên gặp cảnh nào cũng đều tự do tự tại. Không có sự
chướng ngại nào mà chẳng thông, nên được lẫn lộn trong
muôn loài mà bản thể vẫn thuần chân; gặp cảnh nào cũng
tự do tự tại nên tiếp xúc vạn vật cũng như một.
Như thế thì vạn tượng dù
cho khác nhau mà chẳng thể tự thành cách biệt; chẳng thể
tự thành cách biệt nên biết "tượng" phi chân tượng, vì
"tượng" phi chân tượng nên "tượng" chẳng phải tượng;
vậy thì vật và ngã đồng một gốc, thị (chân đế) và
phi (tục đế) chẳng phải hai.
Cảnh giới vi ẩn thâm sâu
của bậc thánh thật chẳng phải kẻ mê chấp phàm tình có
thể hiểu được. Nên người đời đàm luận đến chỗ Hư
tông (lấy hư vô làm tông) đều mỗi mỗi chẳng đồng, các
Luận đua nhau ra đời, mỗi nhà chấp theo kiến giải của
mình mà thành sự bất đồng; lấy sự bất đồng đem vào
lý đại đồng thì đâu còn việc gì có thể đồng được
nữa!
Tại sao? Tông Tâm Vô là vô
tâm nơi vạn vật; vạn vật chưa từng vô, nói vô tâm chỉ
là không có tâm để đuổi theo vạn vật mà vạn vật chưa
từng không; đó là chưa thông đạt được vạn vật thể
tánh tự không, nay đắc ở nơi tâm tịnh, thất ở nơi vật
hư. Tâm chẳng đuổi theo vật thì không bị ngoại cảnh rung
động, nên đắc ở nơi tâm tịnh; vì không hiểu vạn vật
duyên sanh tánh không, nên thất ở nơi vật hư. Bởi vì còn
chấp tâm không, cảnh có, nên chẳng hợp với trung đạo (đoạn
nầy phá Tâm Vô Tông).
Tức Sắc Du Huyền Luận chỉ
rõ được sắc chẳng tự sắc, nên dù sắc mà phi sắc (1).
Phàm phu nói sắc chỉ cho sắc vốn là sắc, đâu phải người
đặt tên rồi mới thành sắc đâu? Cho nên lời "Tức Sắc
Du Huyền" chỉ nói sắc chẳng tự sắc mà thôi; chưa hiểu
được bản thể của sắc vốn không, vì chỉ biết "y tha
khởi", tên là giả, chẳng biết "viên thành thật", thể là
chân, nên không phải chánh luận (đoạn nầy phá Tức Sắc
Du huyền Luận).
Bổn Vô Luận là có tình cảm
ham thích sự vô, hễ gặp việc gì nói ra đều tôn sùng nơi
"vô", nên nói đến phi hữu thì chấp hữu tức "vô", nói đến
phi vô thì chấp "vô" cũng "vô"; "hữu" với "vô" đều vô,
cho là hư huyền, chẳng biết đã đọa vào đoạn kiến, chưa
rõ chánh lý. Nếu hiểu được bản ý lập ngôn của bậc
thánh, thì chỉ cho lời "phi hữu" là chẳng phải thật có,
lời "phi vô" là chẳng phải thật không mà thôi, chẳng phải
cho phi hữu là không có hữu nầy, cho phi vô là không có vô
kia; đó là lời của người ham "vô", đâu phải người thuận
theo chánh lý thông suốt sự thật mà đạt đến chỗ ý chỉ
"Tức vật Tức chân"! (đoạn nầy phá Bổn Vô Luận).
Lấy tên để đặt tên cho
vật là có vật thật để đặt tên, lấy tên để đặt tên
cho phi vật như lông rùa sừng thỏ, thì chỉ có tên mà không
có vật; cho nên vật chẳng phải do tên mà thành vật thực,
tên cũng chẳng phải do vật mà thành tên chân. Vậy thì, chân
đế độc tịnh (2) ở ngoài danh tướng giáo lý, đâu phải
văn tự, ngôn ngữ có thể biện biệt cho rõ được. Nay vì
cần phá mê chấp để hiển bày chánh lý mà chẳng thể nín
đặng, nên đặt ra ngôn ngữ phương tiện để luận bàn thử.
Đại Thừa Luận nói : "Các
pháp chẳng phải có tướng, cũng chẳng phải không có tướng".
Trung Quán luận nói: "Các pháp chẳng có, chẳng không, là đệ
nhứt Chân đế vậy". Cứu xét sự chẳng có, chẳng không,
đâu phải tẩy sạch vạn vật, lấp bít thấy nghe, vắng lặng
hư vô, có, không đều bặt, rồi mới cho là chân đế ư?
Kỳ thật, "tức vật thuận thông chánh lý" nên nghĩa chánh
của vạn vật không thể phản nghịch được, ấy là "phi
hữu", nói đến "Tức ngụy tức chân" thì tánh vật không
thể sửa đổi, nếu sửa đổi hay phân tách để tìm chân
thì chẳng phải thiệt chân vậy, ấy là "phi vô".
Tánh vật không thể sửa đổi
nên dù "không" mà "có", chẳng phải thật "không"; nghĩa chánh
của vạn vật chẳng thể phản nghịch được, nên dù "có"
mà "không", chẳng phải thật "có". Dù có mà không, ấy là
phi hữu (bất chân nên không); dù không mà có, ấy là phi vô
(chẳng phải thật không), như thế thì chẳng phải tuyệt
đối vô vật, chỉ là vật ấy chẳng phải vật thật mà
thôi! Vật chẳng phải vật thật (xứng với nghĩa đề "Bất
Chân") thì ở đâu mà có vật để gọi? (xứng với nghĩa
"không").
GHI CHÚ :
(1) Sắc chẳng tự cho là
sắc, chỉ vì người đặt tên nó là sắc, nếu tâm chẳng
cho là sắc thì sắc tức phi sắc.
(2) Chân đế độc tịnh rỗng
không, lìa tướng, lìa danh, hiện tượng và số lượng chẳng
thể giải thích, siêu việt sự hiểu biết của phàm tình,
ý thức suy lường chẳng thể đến, nên gọi là độc tịnh.
LƯỢC GIẢI
Tác giả lấy phi hữu phi vô
để bàn đi bàn lại, giải thích nghĩa "Bất Chân Không" để
phá những người chấp "Vốn không". Bởi vì tức hữu để
rõ nghĩa "không", gọi là "diệu không"; tức không để rõ
nghĩa "hữu", gọi là "diệu hữu". Hai chữ "Bất Chân" tả
hết nghĩa "không" của đại thừa, huyền diệu đến cực
điểm của giáo lý, chân đế đều được hiển bày nơi đây.
CHÁNH VĂN
Nên kinh nói : "Tánh của sắc
tự không", chẳng phải sắc hoại rồi thành không, nghĩa là
sắc không bất nhị, để sáng tỏ bậc thánh đối với vạn
vật, ngay chỗ vạn vật thấy tánh không, vì vạn vật bản
tánh tự không, chẳng đợi mổ xẻ, phân tách rồi mới thành
không, vậy kẻ chấp "vốn không" đã lọt vào đoạn diệt
rồi.
Cho nên Duy Ma Cật nói: "Bệnh
của Bồ Tát phi chân, phi hữu", là lời nói có nghĩa "Bất
Chân".
Kinh Siêu Nhật Minh Tam Muội
nói: "Chẳng có thọ, chẳng bảo mạng, vì tứ đại chẳng
thật vậy" là lời có nghĩa "Tất Không".
Vậy thì, vạn vật của Tam
Tạng khác nhau nhưng đều qui về một để hiển bày ý chỉ
của sắc không bất nhị. Nên Kinh Phóng Quang Bát Nhã nói:
"Đệ nhất chân đế là chẳng có thành, chẳng có đắc; thế
tục đế thì có thành, có đắc". Vì chân đế lìa duyên nên
không có thành và đắc, tục đế duyên sanh nên có thành và
đắc. Có đắc tức là ngụy danh của vô đắc, vô đắc tức
là chân danh của có đắc. Chân danh nên dù chân mà "phi hữu",
ngụy danh nên dù ngụy mà "phi vô". Bởi vì sự có là y chân
kiến lập nên "có" mà "phi hữu"; chân thì tùy duyên biến
hiện nên "không" mà "phi vô"; cho nên nói chân chưa từng có,
nói ngụy chưa từng không, hai lời chẳng phải một, hai lý
chẳng phải khác. Nên trong Kinh nói: "chân đế, tục đế,
có khác ư?" Đáp rằng: "không khác". Kinh nầy biện minh chân
đế để rõ "phi hữu", biện minh tục đế để rõ "phi vô",
đâu phải vì có hai đế mà vật cũng có hai đâu!
Vậy thì, vân vật quả thật
có cái sở dĩ "chẳng có", có cái sở dĩ "chẳng không". Có
cái sở dĩ "chẳng có" nên dù có mà "phi hữu", có cái sở
dĩ "chẳng không" nên dù không mà "phi vô". Dù không mà phi
vô, "vô" là không tuyệt hư, dù có mà phi hữu, "hữu" là chẳng
thật có. Nếu hữu chẳng chân thật, thì vô cũng chẳng đoạn
diệt, vậy thì hữu và vô tuy gọi có khác nhau nhưng ý là
một vậy.
Nên Đồng Tử than rằng : "Thuyết
pháp chẳng có cũng chẳng không, vì nhân duyên nên các pháp
sanh". Kinh Anh Lạc nói : "Sự chuyển pháp luân cũng chẳng phải
có chuyển, cũng chẳng phải không chuyển, nên nói chuyển
vô sở chuyển". Đây là lời vi ẩn của các Kinh vậy. Nói
vật quả thật "không" thì người đoạn kiến chẳng phải
là kẻ mê hoặc; nói vật quả thật "có", thì người thường
kiến cũng là đúng sao? Vì vật "phi vô" nên đoạn kiến là
mê hoặc; vì vật "phi hữu" nên thường kiến là chẳng đúng.
Như thế lời "phi hữu", "phi vô" đáng tin là chân đế vậy.
Nên Kinh Đạo Hạnh nói: "Tâm
cũng chẳng có cũng chẳng không". Trung Quán Luận nói: "Vật
do nhân duyên sanh, khi chưa sanh là không, nên chẳng có; có
nhân duyên sanh khởi thì chẳng phải đoạn diệt, nên chẳng
không". Tìm xét lý đạo là đúng như thế!
Sở dĩ như thế, sự "có" nếu
thật có thì "có" phải thường có, đâu cần đợi duyên hợp
rồi mới có! Ví như thật không thì sự "không" phải thường
không, đâu cần đợi duyên tan rồi mới không ? Nếu "có"
chẳng tự có, đợi duyên hợp rồi mới có thì biết sự
có chẳng thật có, sự có chẳng thật có thì dù "có" chẳng
thể cho là có vậy! Nói đến chỗ chẳng không, nếu "không"
là thật không, thì trạm nhiên chẳng động mới được cho
là không, vạn vật nếu "không" thì chẳng thể sanh khởi,
có sanh khởi thì chẳng không, đây là để tỏ rõ duyên khởi
nên chẳng không vậy.
Nên Đại Thừa Luận nói: "Tất
cả các pháp, do tất cả nhân duyên sanh nên phải có; tất
cả các pháp, do tất cả nhân duyên sanh nên chẳng phải có.
Tất cả các pháp "không", do tất cả nhân duyên sanh nên phải
có, tất cả các pháp "có" do tất cả nhân duyên sanh nên chẳng
phải có". Cứu xét lời "có" và "không" nơi đây, đâu phải
là lời Luận phản nghịch nhau mà thôi đâu!
Nếu "phải có" tức là có,
chớ nên nói "không"; nếu " phải không" tức là không, chớ
nên nói có. Nói có chỉ là giả có, để tỏ "phi vô", mượn
chữ "vô" để biện biệt "phi hữu". Ở đây, việc tuy một
mà gọi thành hai, xem văn hình như chẳng đồng, nếu lãnh
hội được chỗ đồng thì không có sự khác biệt nào mà
chẳng đồng vậy. Thế thì, vạn pháp quả thật có cái sở
dĩ chẳng có, không được cho là "có"; có cái sở dĩ chẳng
không, chẳng được cho là "không".
Tại sao? Muốn nói nó có thì
cái "có" ấy chẳng phải thật sanh; muốn nói nó không thì
sự tướng đã hình thành, có hình tướng thì chẳng phải
thật không, cả hai đều chẳng chân thật, thế thì nghĩa
"Bất Chân Không" hiển bày ở đây rồi. Nên Kinh Phóng Quang
nói: "Các pháp giả danh chẳng thật, ví như người huyễn
hóa, chẳng phải không có người huyễn hóa, người huyễn
hóa chẳng phải người thật vậy". Về việc lấy tên để
tìm vật thì vật chẳng có chỗ thật để gán tên, lấy vật
để tìm tên, thì tên ấy chẳng có công dụng để đắc được
vật. Vật chẳng có chỗ thật để gán tên thì chẳng phải
vật; tên không có công dụng để đắc vật thì chẳng phải
tên, cho nên tên chẳng đúng thật, thật chẳng đúng tên.
Tên và thật đều chẳng đúng thì vạn vật ở đâu?
Nên Trung Quán Luận nói: "Vật
không bỉ thử mà người này (thử) lấy thử làm thử, lấy
bỉ làm bỉ, người kia (bỉ) thì lấy thử làm bỉ, lấy bỉ
làm thử. Bỉ, thử chẳng định vào một tên mà kẻ mê hoặc
ôm lấy cái thành kiến nhất định. Cũng như hai người đông,
tây đối lập, cùng xem một vật ỡ giữa, người bên đông
cho vật ở hướng tây, người bên tây thì cho vật ở hướng
đông; sự thật vật chẳng có đông tây, vì kẻ mê có thành
kiến chấp sự nhất định. Cho nên bỉ, thử vốn chẳng có,
kẻ mê vốn chẳng không.
Đã ngộ bỉ thử là chẳng
có thì đâu có vật gì có thể chấp thật! Nên biết "vạn
vật chẳng chân, giả danh đã lâu rồi". Cho nên Kinh Thành
Cụ nói: "Các pháp chẳng có thật mà cưỡng lập danh để
gọi".
Tề Vật Luận của Trang Tử
nói :
Lấy "ngón tay" dụ cho ngón
tay chẳng phải ngón tay, không bằng lấy "phi ngón tay" dụ
cho ngón tay chẳng phải ngón tay; lấy "ngựa" dụ cho ngựa
chẳng phải ngựa, không bằng lấy "phi ngựa" dụ cho ngựa
chẳng phải ngựa. Trời đất là một ngón tay, vạn vật là
một con ngựa.
Ý Luận nói rằng : vạn vật
chẳng tề (không bằng nhau) bởi do mọi người kiến chấp
thị phi. Ngón tay và ngựa vốn không có thị phi, mà người
vọng chấp nhất định cho là có bỉ thử, đâu chẳng phải
là mê hoặc ư? Việc trên để thí dụ thật tướng của các
pháp đâu có tự, có tha, mà người mê chấp lầm có lầm
không, là cũng như vậy. Nếu được ý quên lời, khế lý,
thì sự tình chấp bỉ-thử đều quên sạch, lời thị-phi
cũng tiêu luôn cả, thì đâu còn có pháp nào để dính dáng
đến tình cảm. Như thế thì lời thâm sâu của kinh Luận
ở nơi nào mà chẳng có!
Cho nên bậc thánh độ chúng
sanh, thiên bá ức hóa thân mà chẳng biến đổi; vào thế
giới ác trược, sống chung với chúng sanh mà chẳng bị phiền
não chướng ngại là vì vạn vật ngay đó tự không, chẳng
cần nhờ sự "không" để không giùm cho vật.
Nên Kinh nói : "Lạ quá Thế
Tôn! Ngay chỗ bất động chân tâm mà kiến lập vạn pháp,
chẳng phải lìa chân tâm mà có chỗ để kiến lập, ngay chỗ
kiến lập tức là chân tâm vậy".
Như thế, đạo có xa xôi đâu!
Sự tiếp xúc nào cũng là chân đạo. Thánh có xa xôi đâu!
Thể hội ngay việc trước mắt tức là bậc Thánh vậy!