MỤC LỤC.
Chương một: Thiền và sự sống
Chương hai: Con đường thiền tập.
Chương ba: Chứng nghiệm Thiền
Chương bốn: Thiền trong đời thường
Chương năm: Thuần nhất và đa thù
Chương sáu: Khối nghi và thuật khai tâm
Chương bảy: Ðốn ngộ
.
THIỀN TRONG ÐỜI THƯỜNG
 Thích Thông Huệ 
Chương 2
CON ÐƯỜNG THIỀN TẬP

Theo lời Phật dạy, tất cả chúng sanh vốn sống trong bình an muôn thuở, nhưng hốt niệm vô minh, tạo nghiệp thiện ác rồi lưu lạc khắp sáu đường ba cõi. Những cõi sống khác nhau biểu hiện nghiệp lực do riêng mình tự tạo, nhưng chúng ta lại giống nhau ở một điểm: đều là những kẻ quên cội quên nguồn. Hình ảnh gã cùng tử trong kinh Pháp Hoa là hình ảnh sống động và trung thực nhất diễn tả thân phận chúng sanh. Là con vị trưởng giả kho báu đầy dẫy mà đi ăn xin, thì khờ dại biết ngần nào. Giờ đây may mắn gặp Phật pháp, bàng hoàng chợt tỉnh, dừng bước phiêu du; và Con đường Thiền tập là lộ trình đưa ta trở về quê hương, về bản thể của chính mình. Trên đường đi, có nhiều lúc hầm hố chướng ngại khiến ta vấp ngã, cũng có khi cảnh đẹp làm ta ưa thích; nhưng nếu ta luôn luôn tâm niệm phải trở về, thì dù bao nhiêu khó khăn hay cám dỗ, dù hy sinh cả tính mạng, ta vẫn vững lòng đi tới. Bằng lập trường vững chắc và ý chí kiên cường, công phu Thiền tập của chúng ta mới mong có kết quả.

I- Ý NGHĨA THIỀN TẬP: 

1-Tự do ngay nơi thân năm uẩn:

Con người ngày nay quen sống trong tiện nghi vật chất nên mất nhiều thời giờ, công sức tạo dựng cho mình và gia đình một đời sống đầy đủ. Nhưng sự ước muốn không cùng tận, đã có càng mong có nhiều hơn, ít ai thỏa mãn với hoàn cảnh hiện tại của mình. Từ đó bị ràng buộc vào vòng danh lợi như bị cuốn vào guồng máy lớn, không bao giờ thoát khỏi.

Chính đời sống thiền tập giúp ta quán chiếu tính chất hư giả của thân ngũ uẩn. Vì thân do tứ đại kết hợp, đủ duyên thành thân, hết duyên thì tan rã; dù là một kẻ bần cùng mạt hạng hay một quốc vương hùng mạnh nhất thế giới, rốt cuộc cũng chỉ là một thây chết như nhau. Vì tâm suy nghĩ lăng xăng cũng nương vào pháp trần mà sinh, nhìn lại thì không thấy đâu, sinh sinh diệt diệt không ngừng thì làm sao thật có? Thân tâm không thật thì những sở hữu cũng không thật, có gì tồn tại bên mình suốt đời suốt kiếp mà cố chấp để sinh ra xung đột oán thù? Quán chiếu sâu sắc như thế, chúng ta từng bước cởi bỏ những ràng buộc của ngã và ngã sở, có tinh thần thiểu dục tri túc. Thiểu dục là ít ham muốn, Tri túc là biết đủ. Do ít ham muốn nên biết đủ, và vì biết đâu là đủ nên ít ham muốn. Có người cho rằng, phải hạn định một mức sống tối thiểu nào đó hoặc gò ép mình vào một khuôn khổ mới gọi là tri túc. Thật ra, tri túc là thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình, ta có hoàn cảnh phước nghiệp nào thì thỏa lòng ở đó. Tri túc như vậy chủ yếu ở ngay nơi tâm chứ không định gá nơi cảnh, vì nếu y nơi cảnh sẽ không bao giờ ta bằng lòng với hiện tại.

Nhà Thiền chủ trương, tự do đích thực nghĩa là siêu việt mọi nhận thức lưỡng phân. “Thiền” cũng là một từ ngữ khác của tự do, bởi vì người đạt Thiền là người đạt tới tâm thái tự do, tức đã vượt thoát mọi ràng buộc, mọi mâu thuẫn, mọi khuôn sáo trong cuộc sống. Có lần Ðức Phật đã dõng dạc tuyên bố: “Này các tỳ kheo! Ngay nơi thân năm uẩn gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nầy, Như –Lai tuyên bố thế giới, sự tập khởi của thế giới, sự đoạn diệt của thế giới, và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới!”. Theo đây, cơ thể năm uẩn của chúng ta là một toà thiên nhiên đẹp đẽ mầu nhiệm nhất, vì trong tự thân của mỗi người đã có sẵn tiềm năng vô tận; và chúng ta có thể vươn tới chân trời tự do thánh thiện bằng chính đôi chân vững chãi của mình. Có thể nói, trở về với tâm thái tự do là cuộc đấu tranh vĩ đại cuối cùng của đời người, và an thân lập mệnh nơi tâm thái tự do ấy chính là sống Thiền.

Nhiều khi Thiền gia nói đến sự từ khước, nhưng đó không có nghĩa là từ khước thế gian, mà từ khước mọi đắm say thế gian. Có khi Thiền gia nói đến sự xa lìa, không phải xa lìa mọi hiện trạng cuộc sống, mà xa lìa mọi bám víu vào cuộc sống. Tinh thần từ khước và xa lìa phải được thực hiện ngay trong tâm hành giả, bất cứ lúc nào và ở đâu trong sinh hoạt đời thường.

Mọi sự khốn khổ của con người đều do nhận thức chủ quan sai lạc đối với các pháp. Khi tiếp xúc với mọi vật, lập tức ta có sự phân biệt giữa mình là chủ thể nhận thức hay năng duyên, với sự vật là đối tượng nhận thức hay sở duyên. Không những thế, ta còn áp đặt cái thấy biết phiến diện của mình trên đối tượng, mà không nhận ra bản chất thật của nó. Duy thức học nêu rõ ba loại đối tượng nhận thức do thức Alaya biểu hiện ra. Một là thế giới tánh cảnh tức bản chất thật của vạn pháp, là thực tại tự thân của thế giới, mà tri giác của chúng ta không thể đạt đến. Thứ hai là Ðới chất cảnh, cảnh tượng do con người tạo ra. Cảnh này mang một ít tính chất của Thế giới tánh cảnh, được vẽ vời thêm từ nhận định chủ quan của mỗi người. Thứ ba là Ðộc ảnh cảnh, những hình ảnh khơi lại trong trí nhớ hay thấy trong giấc mơ.

Qua phân tích này, rõ ràng thế giới chúng ta đang sống, đang nhận thức, đang hiểu biết đây chỉ là những biểu hiện từ tâm, khi sáu căn duyên với sáu trần. Nói khác đi, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều là sản phẩm của thập bát giới (sáu căn, sáu trần và sáu thức). Chúng ta không thật có cũng chẳng thật không. Không thật có vì chúng do các duyên hợp lại mà thành, không có tự thể cố định. Chúng chẳng thật không vì con người có thể nhận biết và sử dụng chúng. Vì thế, tánh của các pháp là không, nhờ nhân duyên tụ hội nên tạm có. Chính vì liễu hội bản chất Không của các pháp nên các bậc ngộ đạo luôn nhấn mạnh sự từ khước và xả ly. Tuy từ khước nhưng các Ngài thương yêu cuộc đời hơn ai hết; tuy xả ly mà các Ngài luôn hòa mình với cuộc sống, làm lợi ích cho mọi người. Chính do không ham muốn ngũ dục, không dính mắc với trần cảnh, không chấp ngã, chấp pháp, nên các Ngài hoàn toàn tự do nơi thân năm uẩn.

2-Không miễn cưỡng mong cầu:

Chúng ta tu Thiền thường xem giác ngộ giải thoát như một mục tiêu để theo đuổi, để hướng về. Nhưng nếu có một mục tiêu nhắm đến, thì mục tiêu ấy đã ở ngoài mình, đã được đặt ở thì tương lai, có phân chia người đến nơi đến tức có ngã có pháp rõ ràng. Như thế không còn là Thiền nữa, vì Thiền không bị hạn cuộc, không bị định vị, không bị phân chia năng sở; và đời sống Thiền là mênh mông bát ngát.

Chúng ta thường cố gò bó mình vào một khuôn khổ đạo đức. Ðây là điều cần thiết cho những bước đầu của đời tu, nhưng sự chủ ý khiên cưỡng ấy khiến trong ta có niệm gắng gượng làm mất sự hồn nhiên tự tại của Thiền. Khi thiền hành dưới hàng cây râm mát, tai nghe tiếng rì rào qua đám lá, tiếng chim ríu rít trên cành, ta biết mình đang đi đang nghe một cách tự nhiên an lạc mà không khởi một ý niệm nào, không cần nghĩ mình sẽ đi đâu; thì ngay dưới những bước chân thảnh thơi ấy, mảnh đất Ta- bà đã trở thành Tịnh độ, mục đích giải thoát và phương tiện thiền hành đã không hai không khác.

Thường độc hành thường độc bộ
Ðạt giả đồng du Niết-bàn lộ.

Thiền sư Vĩnh Gia đã diễn tả sự cô liêu của một người đạt đạo. Các Ngài vẫn ở trong trần thế, vẫn tiếp xúc với muôn pháp để làm mọi việc giúp người giúp đời nhưng không vướng bận một pháp nào, không dính mắc một việc gì. Tâm hồn các Ngài rộng mở thênh thang, tất cả các pháp đều biểu hiện một cách vi diệu, nên bước độc hành trên đất khổ đau cũng là dạo chơi ở cõi Niết-bàn!

 Thường chúng ta tưởng tượng có một cõi Niết-bàn ở một thế giới xa xôi lý tưởng, gắng công tu hành để khi rời khỏi thân nầy có thể trở về đó như đứa con lưu lạc lâu ngày trở về quê mẹ. Con người luôn luôn cảm thấy bất an, trống vắng, thiếu thốn một cái gì, mà suốt đời mãi đi tìm để bù đắp vào. Cũng có lúc ta thấy mình đầy tội lỗi, đâm ra chán chường thất vọng, muốn có một nguồn an ủi nương tựa. Phật-Trời và các vị thần linh chính là nguồn an ủi ấy; ta tìm đến các Người như tìm một dòng suối trong mát để gột rửa hết cáu bẩn từ thể xác đến tâm hồn. Rồi khi hồi tỉnh, ta lại thấy mình đủ trong sạch, đủ sức lực để quay về lăn lộn nơi trần thế, lại chuốc lấy nhơ bẩn lên người. Cứ thế, con người qua lại giữa Bồ-tát và Dạ xoa như bị lôi kéo giữa hai thế lực hướng thượng và hướng hạ, mà không thể chủ động quyết định số phận cho mình .

Thật ra, chúng ta bất an chính vì chúng ta mãi tìm cầu một sự an lạc từ bên ngoài, mãi hy vọng nơi một thế lực siêu nhiên ban cho mình sự giải thoát. Ta không hiểu rằng, Niết-bàn chính là trạng thái thanh tịnh của tâm khi vắng bặt mọi phiền não. Ví như bệnh ghẻ làm ngứa ngáy khó chịu khiến ta phải gãi. Lúc đầu gãi rất đã ngứa, nhưng sau đó thì đau rát nếu cứ gãi hoài. Cảm thọ ngứa- đã ngứa –đau rát ta thấy rất rõ, trong đó “đã ngứa” là cảm giác khoái lạc thích thú vô cùng. Sự hưởng thụ ngũ dục cũng thế, cái khoái lạc do ngũ dục chỉ có trong nhất thời, sau đó là những tác hại về tinh thần và thể chất nếu hưởng thụ quá mức. Ăn ngon mặc đẹp là ước muốn của mọi người, nhưng ăn quá độ làm bệnh tật phát sinh, mặc quá sang thì phải ra sức làm việc, kể cả việc ác cũng không từ. Mặt khác, vì có ghẻ ngứa nên mới gãi, nhưng ta nên chấp nhận có ghẻ để gãi hay muốn da mình lành lặn? Dĩ nhiên, ai cũng muốn mình không có ghẻ, nhưng khi da ở tình trạng bình thường thì đâu có cảm giác gì? Ta không còn để ý đến da nữa, nhưng thật sự đó mới là trạng thái bình ổn, là hạnh phúc chân thật. Niết-bàn cũng là trạng thái lặng lẽ tịch tịnh như thế, khi tâm ta vắng bặt mọi vọng tưởng miễn cưỡng mong cầu.

3-Chuyển nghiệp và dừng nghiệp.

Nghiệp là thói quen huân tập trong thời gian dài, xuất phát từ thân miệng ý. Ý khởi tư tưởng, dẫn đầu cho miệng nói thân làm, nên ý là chủ tạo nghiệp. Nghiệp trở lại chi phối hoàn cảnh chánh báo và y báo của mỗi đương sự, theo đúng tiến trình nhân quả không sai một mảy may. Không một đấng quyền năng nào có thể sửa đổi tiến trình ấy; ngay cả Ðức Phật, bậc thầy tối cao của Trời người vẫn không thể ban phước hay giáng hoạ cho ai. Chiùnh vì thế, mỗi người là chủ nhân của nghiệp và cũng là đối tượng thọ nhận những kết quả do nghiệp mình gây ra.

Những gì ta nghĩ, nói hay làm đều gieo những hạt giống vào mảnh đất tâm thức, mà Duy thức học gọi là Lạc tạ ảnh tử. Tùy hạt giống ta gieo là thiện hay ác mà quả trổ ra là hạnh phúc hay đau khổ, khi đủ thời tiết nhân duyên. Nhiều khi ta không định nói hay làm một điều gì đó, nhưng như có ma lực thúc đẩy ta phải thực hiện, dù sau đó nhớ lại, ta cảm thấy ân hận vô cùng. Ðó là sức mạnh của thói quen ta huân tập từ trước, mà nguồn gốc là những hạt giống rơi rớt trong mảnh đất tâm ta. Chính những thói quen đã tạo nên phong cách riêng của từng người, và chúng ta khổ chỉ vì do mình tập nhiễm những thói quen xấu, lại còn vung vãi những hạt giống không lành mạnh ấy cho những người xung quanh.

Bước đầu thiền tập là nhìn lại mình, suy xét những gì mình đã tạo từ thân miệng ý, sửa đổi những điều xấu ác, huân tập nghiệp thiện lành. Ðây là ý nghĩa của sự chuyển nghiệp, từ nghiệp ác thành nghiệp thiện. Người tu thiền chú trọng nhất nơi tâm ý, giai đoạn đầu chưa sạch vọng tưởng nhưng biết buông bỏ những ý nghĩ bất thiện, ý luôn nghĩ điều lành, miệng nói lời lành, thân làm việc lành. Những phước đức hữu vi này không giúp ta thoát khỏi sanh tử, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho đời tu của ta. Khi gặp nghịch cảnh chướng duyên, người có phước báo cũng dễ dàng qua khỏi. Do vậy, dù theo pháp môn nào, người con Phật cũng nhớ phước-huệ song tu, như con chim có đủ hai cánh mới bay cao bay xa được.

Tiến thêm một bước, nhờ công phu thiền định, chúng ta dần dần buông bỏ tập khí, kiến chấp; tuy sống trong hoàn cảnh cũ nhưng đã có niềm vui thanh thản. Tuy vẫn tiếp duyên xúc cảnh nhưng tâm không dính mắc, không khởi vọng niệm. Ý không khởi niệm tức không còn tạo nghiệp. Ðây là tinh thần dừng nghiệp, yếu chỉ của sự giải thoát sinh tử.

Hiểu theo lý thuyết thì việc tu hành có vẻ đơn giản dễ làm, nhưng khi hành trì ta mới thấy thiên nan vạn nan. Trải qua vô lượng kiếp, chúng ta đã huân tập bao nhiêu thói quen xấu, ý thức lại suy tính nghĩ tưởng có lúc nào yên, ví như mây đen cứ cuồn cuộn che phủ cả bầu trời. Bài Trữ từ tự răn của Tuệ Trung Thượng Sĩ có câu:

Còn mảy tình tam đồ báo ứng
Tơ hào niệm lục đạo tiếp nhân.

Còn một mảy may tình cảm là còn chịu báo ứng trong ba cõi, còn tơ hào niệm là nhân trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Ngài nói thế để cảnh tỉnh những người quá vội vàng, mới hiểu Thiền qua khái niệm, biết mình có tánh giác sẵn đủ, đã vội cho mình chứng đắc, có thể sánh vai cùng chư Phật Bồ-Tát. Chúng ta thận trọng trong nhận thức trong công phu, nhưng vẫn tinh chuyên hành trì với lòng tin vững chắc vào Tam bảo tự tâm và Tam bảo tha lực. Những giờ phút thiền tập là những lúc ta có thể tiếp xúc với Niết-bàn, khi ý thức vắng mặt, tâm tĩnh lặng mà thường rõ biết. Có những lúc vì tập khí lôi dẫn, ta thấy mình yếu đuối khốn khổ, mất lòng tin vào mình và vào pháp tu. Nhưng những cơn khủng hoảng ấy cũng qua đi, ta lại trở về với niềm an lạc thanh lương nếu cứ kiên trì tu tập. Ðây là giai đoạn sơ cơ, tâm ta còn lại qua liên miên với lục đạo; lúc hiền thiện như nhơn thiên, lúc sân hận như A-tu-la, khi độc ác tham lam hay si mê u tối như chúng sanh trong ba đường ác. Nhưng khi đạt đến quả Dự lưu (Tu-đà hoàn) là bước đầu vào dòng Thánh, người tu thuận dòng chảy vào biển chân như, là địa vị kiến đạo kiến tánh bất thối chuyển. Các Ngài đã có chỗ định vị, có nơi nương tựa vững chắc làm kế chung thân, cho dù bao phen lên xuống trong cuộc đời, cho dù có khi vấp ngã, cũng vẫn có thể đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình thiên lý.

 4-Tinh thần vong ngã:

Con người làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, đều có ý thức mình là người làm hoặc làm việc ấy cho mình. Ngay trong sự tu hành, tuy cái ngã thô được nhận diện và buông bỏ, nhưng cái ngã tế vẫn thầm ẩn hiện, mà nếu ta không chánh niệm tỉnh giác, không miên mật hành trì thì khó kiểm soát nổi. Có thể nói, ý thức chấp ngã là một bệnh thâm căn cố đế, khó điều trị và lại dễ tái phát. Vì sao như thế? Bởi vì, chúng ta mê lầm cho thân tâm nầy là thật có, là mình.Vì thấy thân thật nên làm mọi việc cốt phụng sự thân, cốt thỏa mãn những đòi hỏi dù quá đáng của nó; ai khen nó thì ưa thích, ai chê là sinh bực bội thù ghét. Vì thấy tâm thật nên luôn cho ý kiến của mình là hay là đúng, không chấp nhận ai nói ngược làm ngược với ý mình. Người tu thì cho pháp tu của mình là cao nhất, vị Giáo chủ của mình vĩ đại nhất, không biết tôn trọng pháp tu khác, tôn giáo khác. Ðây là nguồn gốc của những cuộc tranh cãi bất đồng và những cuộc chiến tranh mang những tên hoa mỹ như Thánh chiến, Thập tự chinh...

Khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma đến Trung Hoa, vua Lương Võ Ðế thỉnh Ngài về Kim Lăng (kinh đô nhà Lương). Gặp Ngài, Vua hỏi:

-Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì không?

Ngài đáp:

- Ðều không có công đức.

- Tại sao không có công đức?

- Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi trời cõi người, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

-Thế nào là công đức chơn thật ?

- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.(4)

Người tu làm nhiều Phật sự, nếu không thận trọng rất dễ phát sinh ngã chấp. Càng đóng góp nhiều cho Tam bảo, sự chấp ngã càng lớn, càng thấy mình quan trọng hơn, có ích hơn người khác. Nhưng phước báo nhơn thiên chỉ là hữu vi sinh diệt, như bóng như vang, như mũi tên bắn hết đà rơi xuống. Do chấp vào kết quả của việc làm, chấp vào ta - người nên không dính dáng với công đức của tự tánh là vô vi vô tác, không phải là công đức chân thật và không giúp ta thoát khỏi trần lao sinh tử.

Trên đây là những cái chấp ngã thô phù dễ thấy, người tu nhờ quán chiếu sự duyên sinh giả hợp của thân tâm, có thể từng bước hoá giải. Ðến cái chấp ngã tế vi thì khó nhận biết và khó giải trừ vô cùng, mà nhà Phật gọi là hết phàm tình vẫn còn Thánh giải, hết ngã phàm lại còn ngã Thánh. Ðó là chấp vào sự chứng đắc trong công phu của người đã có một trình độ tâm chứng nào đó. Thấy ta đạt đạo là còn ý niệm sở đắc; còn sở đắc là còn nguyên tứ tướng Ngã-Nhơn-Chúng sanh-Thọ giả. Ngay cả hy vọng cao nhất “Thành Phật” cũng còn bóng dáng cái ngã, làm chướng ngại rất nhiều trên đường đạo. Trong kinh Kim Cang, Ðức Phật dạy rằng: “Nếu có pháp Như Lai được vô thượng chánh đẳng chánh giác thì Ðức Phật Nhiên Ðăng ắt không thọ ký cho ta”. Ðây là tinh thần vong ngã, điều quan yếu của đạo Phật. Tu thế nào không có mục đích mà vẫn đến chỗ cuối cùng? - Ðiều này có nghĩa, hành giả không tác ý khi dụng công, không thấy thật có mình là người tu, thật có pháp để tu, thật có quả để chứng đắc. Có thể nói, đạo Phật là đạo duy nhất xương minh thuyết vô ngã, và người tu đạo Phật dùng đạo đứùc vô ngã làm thước đo định lực của chính mình.

Tinh thần vong ngã trước tiên biểu hiện ở cách đối nhân xử thế hàng ngày. Ðối xử với người khác một cách chân thành bao dung, giúp đỡ người nhưng không có vẻ ban ơn cầu báo; làm mọi việc lớn nhỏ đều tỉ mỉ chu đáo, hoàn thành tốt những công tác được giao mà không mong lợi dưỡng; trước cảnh thuận hay nghịch đều bình tĩnh giải quyết êm đẹp, không vướng mắc, không tranh đua ... Ðây là phong cách của người có chứng nghiệm Thiền. Ðối với đời trọn vẹn thì trong đạo mới hoàn toàn. Không ai sống tệ bạc với người đời, xa lạ với đồng loại, quay lưng với nỗi khổ của thế gian mà là người tu đắc đạo được.

Con người là sinh vật mang tính xã hội rất cao, có sự liên đới trách nhiệm, có đời sống tập quần. Như một bộ phận trong cơ thể, tuy có chức năng riêng nhưng vẫn liên hệ chặt chẽ và hỗ tương với những bộ phận khác; mỗi người là một phần tử trong xã hội, chịu ảnh hưởng của mọi người trong tập thể và ngược lại, cũng ảnh hưởng đến toàn bộ loài người. Ðối với môi trường thiên nhiên cũng thế, không có một hành vi nào tàn hại môi trường mà không chi phối đến sức khoẻ con người. Vô số thiên tai bệnh họa xảy ra trong thời gian gần đây đều là hậu quả của những nạn phá rừng, những tác động trực tiếp và gián tiếp của con người làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Khi quán chiếu về sự tương tức tương nhập của các pháp trong vũ trụ, chúng ta thấy rõ tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều ràng buộc lẫn nhau, đều liên quan mật thiết với nhau và hơn nữa, ÐỀU LÀ NHAU. Thiên nhiên này chính là ta, vũ trụ vạn hữu là thân ta chứ không ai khác, và tàn phá thiên nhiên cũng chính là tàn phá ngay bản thân mình.

Khi công phu tích cực, ý thức chấp ngã tạm dừng, tâm như mặt hồ lặng sóng mênh mông, ta cảm nhận một niềm an lạc vô biên vô tận. Tâm thanh tịnh phát sinh sự minh triết; sự minh triết lại là điều kiện để tình thương chân thật nẩy mầm.Hư không không hình tướng nên rỗng rang thênh thang;tâm người tu lúc nào cũng thênh thang như thế, dung nhiếp tất cả muôn loài. Ta muốn trải lòng ra hòa điệu với mọi chúng sanh, tình thương của ta không còn nhuốm màu vị kỷ chiếm hữu mà trở nên bình đẳng không hạn cuộc, như ánh nắng mặt trời chan hòa khắp thái dương hệ

Chúng ta học đạo là muốn tìm sự bình an vĩnh cửu, một hạnh phúc chân thật, một trạng thái siêu việt của tâm linh. Mục đích ấy không dễ dàng đạt được, phải đánh đổi bằng tất cả tâm trí sức lực, thậm chí toàn bộ cuộc đời mình. Nhưng nếu khi nào ta còn quan niệm “đi tìm”, thì bình an hạnh phúc có được cũng chỉ là tạm bợ phù du. Chỉ khi nào không còn dấu vết của ngã chấp dù thô hay tế, hạnh phúc chân thật ấy, bình an vĩnh cửu ấy, Niết-bàn Bảo Sở ấy mới hiện bày. Mặt khác, không phải đợi đến đích cuối cùng ta mới có an lạc hạnh phúc, mà trong công phu thiền tập, khi tâm vắng bặt mọi vọng tưởng đảo điên, ta cũng được đôi lần cảm nhận. Vài giọt nước cam lồ là phần thưởng cao quý khuyến khích ta hăng say dấn bước trên đường đạo, vượt qua mọi thử thách cam go. Ðến khi sạch bụi phiền não, ngã chấp pháp chấp đều không, gương tâm sẽ phô bày toàn bộ tính trong sáng và chiếu soi vốn có, như hai câu kệ của Thiền sư Vĩnh Gia:

Ngân cấu tận trừ quang thỉ hiện
Tâm pháp song vong tánh tức chân

Nghĩa: 
Khi nào bụi hết gương trong lại
Tâm pháp đều quên tánh tức chân. 
 

II- NỘI DUNG THIỀN TẬP: 

 1- Lộ trình tâm linh:

Trong Bát Chánh đạo, đi đầu là Chánh kiến. Người tu trước tiên phải nắm vững phương pháp hành trì, như người đi đường trước khi khởi hành phải nghiên cứu lộ trình và nơi đến. Nếu không có kiến giải chơn chánh, tu hành theo chánh pháp, thì dù cực khổ công phu đến mấy cũng không đạt được mục đích cuối cùng, đôi khi lầm lạc vào đường tà lối rẽ. Dĩ nhiên, mỗi người có căn cơ, trình độ, sở thích khác nhau, nên sự chọn lựa pháp tu là do tâm ý của riêng mình. Kinh nghiệm tu tập cũng mang tính cách cá nhân, như mỗi bông hoa có một dáng vẻ, một hương thơm khác nhau, nhưng đều chung sức tỏa sắc khoe hương cho vườn hoa tập thể.

Thiền sinh theo dõi từng vận hành của tâm niệm, thấy chúng khởi lên và diệt đi, không còn dấu vết. Biết rõ chúng là hư dối không thật, ta không theo chúng, tự nhiên tâm liền an. Nhận diện tiến trình sinh diệt của vọng niệm là bước đầu của con đường thiền tập; trong đó, nhận ra bộ mặt của vọng là điều kiện đầu tiên tối cần để chiến đấu và chiến thắng giặc phiền não. Một vị tướng tài muốn trăm trận trăm thắng, phải biết rõ ta và địch. Giặc phiền não có tâm vương tâm sở, trận chiến ngay tự thân là trận chiến ác liệt nhất, nếu ta không nhận diện được giặc thì làm sao có chiến tích lẫy lừng? Ðây lại là cuộc trường chinh gian khổ, vì tập khí phiền não tích tụ biết bao đời kiếp, không phải một ngày hai ngày là xong việc. Pháp môn tri vọng là lối chăn trâu trong nhà Thiền, có nhiều mức đôï từ thấp đến cao(5). 

Chánh niệm là công phu ở mọi nơi mọi lúc. Thiền sinh duy trì sự tỉnh giác thường xuyên, luôn đặt tâm vào giờ phút hiện tại, nhận rõ sự động dụng của thân, sự biến đổi của tâm và sự vô thường của cảnh. Chỉ cần biết rõ tất cả mà không khởi niệm hay cưỡng chế mọi sự việc theo ý mình. Chánh niệm tự động soi sáng và chuyển hoá mọi cảm thọ ở thân và những phiền não cấu nhiễm trong tâm, như ánh nắng chiếu vào nước đá, tự nhiên nước đá tan chảy dù ánh sáng không cố ý mong cầu.

Kiến tánh là kiến chiếu vào tận thể tánh của chính mình. Hành giả nhận ra con người thật, con người nguyên thủy trước khi cha mẹ sinh ra. Kiến tánh là trở về cái uyên nguyên của vũ trụ nhân sinh; cái không thể dùng ý thức tưởng tượng nhưng luôn luôn hiện hữu; cái không hình tướng nhưng trùm khắp và không sanh không diệt; cái tịch lặng muôn đời nhưng chiếu soi tận cùng pháp giới. Trở về thể tánh chơn thật ấy, hành giả đã có chỗ y cứ chung thân, đời tu không còn lui sụt nữa.

 2- Thiền tập trong mọi hoàn cảnh:

Trước tiên, chúng ta nên nhận định rằng Thiền không phải chỉ là toạ, nên tu Thiền không chỉ ở lúc ngồi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu khi tâm ta còn lăng xăng đa sự, toạ thiền là công phu cần thiết và cơ bản giúp ta dễ định tâm hơn cả. Một số người dùng lời dạy của Lục Tổ, hoặc chủ trương Thiền là phải sống trong từng giây phút để bài bác việc tọa thiền. Ðây là một điều lầm lẫn lớn lao. Ðức Phật mỗi sáng sớm trước khi đi giáo hoá, Ngài đều tọa thiền, sau đó xét căn cơ trình độ của những người hữu duyên Ngài sẽ gặp, để chỉ dạy phương pháp tu thích hợp. Một số vị Tổ sư không chủ trương tọa thiền để đối trị sự cố chấp của môn đệ, cho tọa thiền là cứu cánh. Những phương tiện giáo hoá của các Ngài lập bày chỉ vì đương cơ và chỉ thích hợp với đương thời; ngày nay chúng ta lại áp dụng vào mọi nơi mọi lúc, e có khi không hợp lẽ. 

Lúc tọa thiền mà có âm thanh hay tiếng động ồn ào bên ngoài, ta vẫn biết nhưng không duyên theo tiếng hoặc sanh tâm bực bội. Những cảnh tượng quấy rầy lúc đầu làm trở ngại, nhưng đó cũng là cơ hội để ta tu trong nghịch duyên. Tuy thế, không nên cố ý tạo nghịch duyên như tự mình mở nhạc hoặc băng thuyết pháp lúc đang tọa thiền, vì thiền không chủ ý chủ tâm. Trường hợp này thường gặp trong gia đình các Phật tử đông người, không có không gian riêng cho mình tu tập. Ta có thể khắc phục hoàn cảnh bằng cách chọn giờ yên tĩnh hoặc một nơi thích hợp cho công phu thiền tọa, kết hợp với thiền hành.

Tọa thiền là công phu trong lúc tĩnh; tiến thêm một bước là tập tu trong khi động, theo tinh thần của Chánh niệm hay làm việc gì chỉ biết việc đó. Trong ngày, lúc thuận tiện ta có thể thiền hành trong phòng, trên sân thượng, trên đường vắng hay ngoài bãi biễn ..., vừa đi vừa hít thở không khí trong lành, chánh niệm trên từng bước chân, Thiền hành là lối công phu có tính cách tự do, không theo nguyên tắc cố định. Ðơn giản là ta đi bách bộ một cách chậm rãi, không có đích đến. Lúc đi ta biết mình đang đi, cái biết này chỉ mới trên bề mặt ý thức nhưng là khởi đầu cần thiết. Tâm tĩnh lặng, ta thấy an lạc hạnh phúc nơi từng bước chân. Ðến khi đi chỉ biết là đi mà không còn ngã tướng, thì tuy chân vẫn bước mà ý niệm đi biến mất. Ði trong trạng thái vong ngã thì tức khắc ta đi vào bản thể của chính mình. Ði thẳng vào bản thể hoàn toàn trái ngược với sự đi quanh của ngã tướng; điều này khó nói cho người khác hiểu, chỉ nhờ công phu mới tự mình thầm nhận.

Trong một nhóm tu hành, ta có thể tổ chức những bữa cơm nhiếp tâm. Duy trì chánh niệm trên từng động tác, nghĩa là đang gắp, nhai, nuốt ...ta đều biết rõ nhưng không chia nhỏ những động tác ấy. Ví dụ, trong trí ta cứ thầm nhủ theo từng cử chỉ “gắp-gắp lên miệng - bỏ vào miệng – nhai – nhai - nuốt...” thì những động tác ấy không thể nào tự nhiên được. Các món ăn đặt trên bàn, ta có thể gắp một cách từ tốn tự nhiên, vị chua cay ngọt mặn thế nào ta đều biết. Không phải khi ăn không cần biết ngon dở, vì như thế trởû thành vô tri, dần dần quên mất sự sống. Ta có quyền thấy nghe hay biết tất cả, nhưng điều quan trọng là không sanh tâm khen chê ưa ghét, như thế sẽ không xa rời cuộc sống, mới có cơ hội phát sinh Tri kiến Như thật.

Mặt khác, trong những công việc hàng ngày, chỉ cần tỉnh thức chú tâm vào mọi động tác, vào công việc làm. Khi ta quét nhà, chính sự quét nhà là niềm an lạc, nếu ta không xen vào những tư tưởng phức tạp của ý thức. Khi ta nấu cơm, rửa chén, cuốc đất ... cũng vậy. Nấu cơm để nấu cơm, rửa chén là để rửa chén. Chỉ chú tâm vào việc đang làm, việc làm ấy sẽ được chu toàn, năng suất cao, kết quả tốt; và đặc biệt, nơi hành động đã là mục đích, nơi phương tiện đã là cứu cánh. Như thế, Thiền là sự sống trong mọi sinh hoạt bình thường.

Các huynh đệ đồng tu thường có những buổi pháp đàm, trao đổi những kiến giải và kinh nghiệm trong công phu. Những cuộc trao đổi như thế rất hữu ích, với điều kiện phải có tinh thần hòa ái hoan hỉ, mục đích giúp nhau cùng tu tiến chứ không phải tranh luận hơn thua. Nếu không theo tinh thần Tam hòa(6), dễ gây mất sự đoàn kết nội bộ. Khổng Tử nói: “Tam nhơn đồng hành tất hữu ngã sư”, ba người cùng đi ắt có người làm thầy ta. Ta có thể học được tất cả mọi người, kể cả những người nhỏ tuổi hơn, yếu kém hơn ta. Có người thường thích phát biểu trước tập thể để chứng tỏ mình tu hay hơn, hiểu biết hơn người khác; có người bảo thủ, luôn cho ý kiến của mình là đúng, không chấp nhận những ý kiến trái ngược... Tất cả đều là hành tung của bản ngã. Người có ngã chấp quá lớn không thể tiếp thu gì thêm, như ly nước đã đầy, không rót được thêm vào. Từ đó, đường tu dần dần đi xuống mà không hay biết. Thiền tông nói lên được cái tinh hoa của đạo Phật nên rất thành tựu về mặt truyền pháp, nhưng do chỉ dạy quá thẳng tắt nên nhiều người tưởng hiểu lý Thiền là xong việc, lấy sự hiểu bằng ý thức làm lẽ sống mà không tinh cần công phu, cuối cùng từ hay chuyển sang dở. Thiền sinh chúng ta nên cảnh giác đối với bệnh khẩu đầu thiền, một bệnh phổ biến của những người nói nhiều làm ít. Tu là phải thúc liễm thân tâm, thận trọng trong từng lời nói và tỉnh giác trong từng hành động, lại cần nói ít hơn những điều mình đã thấy. Người có công phu thiền tập tự nhiên sẽ có một phong cách đặc biệt, trầm tĩnh đúng mực từ lời nói đến việc làm.

Các bậc hiền sĩ ngày xưa thường chủ trương Thà chết vinh hơn sống nhục. Danh dự nhiều khi quý giá hơn tài sản, tính mạng. Nhưng làm sao trong vinh dự được tôn xưng mà ta không ngã mạn cống cao, thì có lúc nào đó bị người khinh chê, ta sẽ không quá buồn khổ. Gặp lửa nóng ta biết ngay mà tránh, còn nước mát lại dễ làm mất cảnh giác, chết đuối lúc nào không hay. Nghịch cảnh như lửa nóng, người tu dễ thức tỉnh nhớ xoay lại mình, còn cảnh ấm êm thuận thảo đôi lúc gây kiêu ngạo. Cho nên nhà Thiền không sợ thất bại, mà lại ngại sự thành công; vì chính thất bại là nghịch duyên cần thiết để hành giả có thêm kinh nghiệm tự thân, biết mình còn xấu dở mà tinh cần tu học.

Có một điều tế nhị chúng ta cần lưu ý: Một hôm nào đó ta gặp một người dáng vẻ tu hành mẫu mực, sống trong cảnh bần hàn và luôn chê bai xem thường danh lợi. Tiếp xúc với người ấy đôi lần, ta rất ngưỡng mộ và muốn tôn làm thầy dạy đạo. Nhưng cần tỉnh táo sáng suốt nhận định rõ vấn đề. Ngụ ngôn Pháp kể chuyện con cáo chê chùm nho xanh, không đáng để nó bỏ công hái. Nhưng thật ra, vì chùm nho trên cây cao quá, cáo ta năm lần bảy lượt nhảy lên mà không với tới, nên mới ra bộ chê bai. Ðó chỉ là tâm lý phản ứng trước một thứ mà mình không thể có dù thâm tâm rất muốn. Trong đời, chúng ta có thể gặp rất nhiều hình ảnh “con cáo và chùm nho” như thế.

Cổ đức nói:
Phiền não khởi giai do đa sự
Thị phi sanh dĩ thị đa ngôn.

Con người chúng ta không nhiều thì ít đều có những ham muốn đam mê. Chính sự ham muốn tạo thành kiết sử, trói buộc và sai khiến ta phải tìm mọi cách thỏa mãn; đạt được lại muốn nhiều hơn, không đạt khởi sanh sân hận. Nhu cầu bản thân càng cao thì phải ôm đồm nhiều việc, phiền não càng lẫy lừng. Con người trở thành nạn nhân cho chính dục vọng của mình, ngày càng bất an, thần kinh căng thẳng đưa đến những hậu quả khó lường. Lại nữa, khi ngồi với nhau, thường thì chúng ta hết bàn sự phải quấy lại đến chuyện đông tây kim cổ. Nhưng bàn chuyện người thì có ích gì cho mình, càng nói nhiều càng lắm thị phi. Chúng ta có mâu thuẫn là muốn bình an nhưng lại thích luận bàn thế sự, lại thấy rõ cái dở của người mà không biết tìm khuyết điểm nơi mình. Chúng ta tu là chấp nhận những điểm yếu của mình một cách thẳng thắn, và sửa đổi để ngày càng hoàn thiện. Ta nhận định mọi người mọi vật bằng cặp mắt khách quan, không thần tượng hoá người nào, không lý tưởng hoá vật gì. Trên đời không có cái gì tuyệt đối, không chỉ có thầy mình là hay nhất, không chỉ có pháp tu của mình là đúng nhất. Những cái nhìn thiển cận biên kiến là tư tưởng cục bộ chủ quan, làm đóng khuôn và che mờ thực tại. Ðạo Phật là đạo trí tuệ, người con Phật phải có chánh kiến, nhìn mọi vấn đề một cách toàn diện và bao dung được mọi tư tưởng lập trường khác biệt. Từ đó, ta có thể hòa đồng với mọi người và chịu đựng mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ bản chất, phong thái riêng của mình.

Thiền sư Vạn Hạnh có bài kệ nổi tiếng:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu vô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Nghĩa:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu nhuốm hồng.
Mặc cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.

Khi biết vạn pháp đều không thật, đều vô thường, thì sự thăng trầm thịnh suy của cuộc sống đối với các Ngài như hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Chúng ta chưa được tự tại như các Ngài, nhưng nhờ công phu thiền tập, ít nhiều cũng có sự trầm tĩnh. Trước khi quyết định một việc gì, ta suy nghĩ chín chắn, xử thế có lý có tình và có lập trường vững chắc. Ta không từ nan việc gì trong khả năng mà có ích cho đời, làm nhưng không dính mắc vướng bận. Ðời sống của ta sẽ có ý nghĩa dù thọ mạng ngắn hay dài; ta hiến dâng nhiều bao nhiêu thì sự an lạc hạnh phúc đến với ta tương đương như thế.

Một số thiền sinh thường thắc mắc: Trong cuộc sống, ai cũng phải tính toán lo toan cho bản thân, cho gia đình. Người tu càng nhiều việc sắp xếp, tổ chức trong tự viện và những việc Phật sự bên ngoài. Suốt ngày suy tính bận bịu như thế có trái với tôn chỉ nhà Thiền là vô sự vô tâm?. Các bậc ngộ đạo cũng trăm công nghìn việc, nhưng các Ngài sắp xếp việc nào ra việc ấy, tính xong rồi buông xả, nên các Ngài làm tất cả mà cũng như không làm. Chúng ta học theo các Ngài, cũng phải lo toan cho cuộc sống hàng ngày một cách chu đáo, làm tròn mọi trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, nhưng không dính mắc, thì dù đa sự mà vẫn không phiền não.

 3- Một vài ngộ nhận trong công phu:

* Có người cho rằng, tu hành là phải tránh bớt duyên khi chưa triệt ngộ, nên chủ trương tự tu tự học khi đã biết cách dụng công. Ðây là một quan niệm hữu lý, có cơ sở, nhưng nếu ta cố chấp lại sinh ra cực đoan. Ngày xưa, các vị Thiền sư khi kiến tánh, thường vào núi rừng ẩn tu một thời gian gột sạch tập khí, sau đó mới vào cuộc đời giáo hoá chúng nhân. Ngày nay, chúng ta không thể sống một mình nơi hoang dã, uống nước suối ăn trái rừng qua ngày, chưa kể lúc ốm đau hoặc chướng duyên làm trở ngại. Vì thế, phần đông chúng ta đều chấp nhận cuộc sống chung cùng bạn lữ, tuy kết quả không nhanh chóng bằng người xưa, nhưng được lợi là giúp mình giúp người. Mặt khác, nếu nắm vững pháp tu, trong lúc động lại tiến nhanh hơn khi tĩnh. Cùng sống với tập thể, một mặt ta giúp được người đi sau, mặt khác ta nương vào người để củng cố lòng tin, ý chí, để được bảo vệ trước những cám dỗ của ngũ dục. Nhiều người thích tu nơi vắng vẻ, một thời gian tưởng mình đã xong việc, không ngờ khi trở về thế gian lại sanh phiền não, có trường hợp sa ngã, uổng một đời tu. Ðây không những là kinh nghiệm đối với người xuất gia, mà còn cho những đạo tràng cư sĩ tại gia.

* Có người hiểu lầm chỉ có tọa thiền mới là tu, nên xem thời gian tọa thiền trong ngày là chuẩn mực đạo đức. Thật ra, khi mới phát tâm, tọa thiền giúp ta dễ an định tâm, do các căn ít tiếp xúc với trần cảnh. Nhưng trong các giai đoạn sau, khi công phu đã thuần thục, ta cần tu trong mọi thời khắc, mọi nơi chốn, mọi oai nghi. Các Thiền sư, khi trả lời câu hỏi “Thiền là gì?”, thường bảo “Dưới gót chân ông” hoặc “Trong thân chỗ nào không có máu?”. Lục Tổ chủ trương kiến tánh chứ không chủ trương tọa thiền, vì chưa kiến tánh thì chưa bước chân vào cửa Thiền tông.

* Một số thiền sinh quan niệm Thiền là cắt đứt mọi hoạt động tâm lý. Ðây là lối tu theo kiểu đá đè cỏ, luôn phải chú tâm đè nén vọng tưởng nên hành giả rất sợ cảnh sợ duyên, không có sự sáng tạo và sức sống riêng cho chính mình; đến khi gặp chướng ngại không biết làm cách nào để tránh. Có người lại hiểu Thiền qua sách vở, nghĩ Thiền dễ tu dễ chứng, chưa gì đã tự tôn xưng, thỏng tay vào chợ. Thật là một lầm lẫn tai hại, sao khỏi đọa vào khổ xứ? Tất cả ngôn từ, dù cao siêu hoa mỹ đến đâu, cũng không diễn đạt đến lẽ thật. Muốn ngộ lý Thiền, ta phải khéo thông qua ngôn ngữ mà thầm lãnh hội thực tại phi ngôn. Thiền là đời sống tự mình kinh nghiệm, tự thấu triệt ngay từ những điều bình dị đơn giản nhất.

* Ðức Phật bảo “Chúng sanh là Phật sẽ thành”, ấy là muốn sách tấn hàng môn đệ, vì quả thật mỗi chúng sanh đều có mầm mống giác ngộ. Không có nhân thành Phật, không thể nào chúng ta tu đến quả vị cuối cùng. Nhưng nếu chúng ta hiểu đơn giản rằng, chữ “sẽ thành” có nghĩa là một tương lai nào đó, thì vô hình trung ta có sự vọng cầu mong mỏi. Như thế là không hợp lý đạo. Phật là Phật tâm tại hiện tiền, chứ không phải là một Ðấng Cứu thế bên ngoài hay một quả vị Phật ở thời điểm nào xa xôi. Người tu thiền có tâm mong cầu kết quả, có khi công phu thấy cảnh lạ lại khởi lòng vui mừng hay sợ hãi, thường dễ phát sinh bệnh tật, điên cuồng. Ðây là điều chúng ta cần thận trọng ghi nhớ. 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

增上生和决定胜 人间佛教 秽土成佛 末法时代 me va tieng mua dem å¾ Muốn giảm cân hãy ăn bơ Chữ Hiếu viết như thế nào Sách Trà van dap ve viec an chay 什么是佛度正缘 七五三 小山 Lâm 念佛机 大般若經 簡易摘要 о ят ьея корчое наебывал mối nhung diem den khong the bo qua khi du lich tay lich su phat giao tay tang 忏悔 An hai khuynh huong lon trong lich su tu tuong phat 元代 僧人 功德碑 chuyến Bàn dieu kien den voi kinh phap hoa tâm thức suy tư liên tục thiền giữa đường hoa trí tuệ và kỉ cương 中孚卦 อาจารอเกว sự tích quan thế âm bồ tát お墓のお手入れ方法 xuân trong nét đẹp người tu æ æ æœ ç quay về với hiện tại 什么叫斋主 tứ thập nhị chương お寺との付き合い 檀家 大学生申请助学金的申请理由怎么写 曹洞宗 御禅会 参加方法 tranh phat giao qua cach nhin nghe thuat dao nguoc Tuà chua son thuy Mứt hoa hồng thắm đỏ Nguyễn 8 cách giúp bạn cai thuốc lá hiệu quả Những loại cây và hoa độc 山西林业职业技术学院