Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard
Chân Nguyên
dịch Việt
---o0o---
Mục Lục
Vài nét về bản dịch
Việt ngữ
Về nội dung
Sách này
có hai phần: Đạt-lại Lạt-ma tại
Harvard, bao gồm các khóa trình được thực hiện tại đại học
Harvard, được giáo sư Jeffrey Hopkins dịch từ Tạng sang Anh ngữ và
Nhập trung đạo cương yếu
— một tiểu luận về
Tính không được Đạt-lại Lạt-ma đích thân biên soạn bằng Tạng ngữ.
Phần đầu
được dịch từ hai bản ngoại ngữ, bản Anh ngữ của giáo sư Hopkins dưới tựa
»The Dalai Lama at Harvard — Lectures on the Buddhist Path to Peace«
(Snow Lion Publications, Ithaca New York 14851, USA 1988) và bản dịch từ
Anh sang Đức ngữ dưới tên »Einführung in den Buddhismus — Die Harvard
Vorlesungen« của Christof Spitz (»Phật
học nhập môn — Các khóa trình tại Harvard«, Herder Verlag,
Freiburg im Breisgau, 1993; cũng có tựa khác là »Die Vorträge in
Harvard«, »Các khóa trình tại Harvard«,
Aquamarin Verlag, Grafing, 1991). Vì những điểm khó hiểu, cực kì phức tạp
của các vấn đề được Đạt-lại Lạt-ma trình bày nên dịch giả người Việt phải
sử dụng cả hai bản dịch để có thể hiểu và trình bày tinh xác hơn.
Trong bản
Anh và Đức ngữ có một điểm bất đồng rất lớn giữa những đoạn văn mà trong
đó, Đạt-lại Lạt-ma trình bày, diễn giảng rất trực tiếp, rất cụ thể, dễ
hiểu — thậm chí khôi hài —, và những đoạn văn cực kì phức tạp, trình bày
triết lí Tính không, Nhận thức học, Tâm lí học Phật giáo, những điểm mà
độc giả chỉ có thể thông hiểu được khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần một
đoạn văn và làm quen với cách sử dụng thuật ngữ hết sức tinh tế của
Đạt-lại Lạt-ma. Thỉnh thoảng dịch giả phải biến đổi cấu trúc của văn bản
để có thể trình bày bằng Việt ngữ một cách thích hợp.
Chính vì
những điểm hết sức phức tạp của phần đầu mà dịch giả quyết định đưa thêm
vào tiểu luận
Nhập trung
đạo cương yếu
với mục đích làm sáng tỏ
những đoạn văn trùng phức, tối nghĩa trong phần đầu.
Nhập trung đạo cương yếu
có tên Tạng ngữ »dbu ma'i
lde mig«, Jürgen Manshardt (Tỉ-khâu Dschampa Dönsang) dịch sang Đức ngữ
dưới tên »Der Schlüssel zum Mittleren Weg«, được Trung tâm Tây Tạng
(Tibetisches Zentrum e. V. Hamburg) tại Cộng Hòa Liên Bang Đức xuất bản.
Độc giả nào muốn tham khảo phần này bằng Anh ngữ có thể sử dụng bản dịch
của giáo sư J. Hopkins dưới tên »The Buddhism of Tibet and The Key to the
Middle Way« (Unwin Hyman, London, England).
Về dịch thuật
Ghi chú ở
cuối mỗi chương trong phần Đạt-lại
Lạt-ma tại Harvard được giáo sư Hopkins thực hiện. Ghi chú của
dịch giả người Việt cũng như dịch giả người Đức được đánh dấu riêng và ghi
trong ngoặc. Cước chú trong cả hai phần được dịch giả người Việt đưa vào.
Để tránh
trường hợp gây phức tạp thêm những gì vốn đã khó hiểu, trong phần đầu,
dịch giả không ghi thêm những thuật ngữ Phạn hoặc Tạng ngữ tương ưng trong
chính bản văn mà chỉ thêm vào dưới dạng cước chú — trong trường hợp chúng
chưa được giáo sư J. Hopkins lưu ý đến trong tổng mục ghi chú sau mỗi
chương. Trong phần hai và Từ vị, dịch giả mạnh dạn đưa vào những thuật ngữ
ngay trong chính bản — chúng được được ghi trong ngoặc đơn và viết
nghiêng —, vì quan niệm phần
này dành cho những người muốn tìm hiểu thêm, đã thông thạo một vài thuật
ngữ ở đây. Mục Từ vị và bảng đối hiếu thuật ngữ được dịch giả người Việt
đưa vào để làm sáng tỏ thêm những gì được trình bày. Ai muốn tìm hiểu thêm
về những thuật ngữ Phật giáo Tây Tạng có thể tham khảo thêm quyển
Từ Điển Phật
Học của Nguyễn Tường Bách
và dịch giả.
Những điểm
cần được lưu ý:
1. Danh từ
phenomenon của tiếng Anh
(Phạn: dharma, Tạng:
chos, Đức:
Phänomen) được dịch là »hiện
tượng« thay vì »pháp« (trong trường hợp nó không có nghĩa là Phật pháp) để
dễ hiểu và tương ưng với ngôn ngữ phổ biến hiện nay. Nhưng thỉnh thoảng
cũng được biến chuyển để câu văn được xuôi tai hơn.
2. Tính từ
exact (Đức:
exakt) và
precise (Đức:
präzis) được dịch là
tinh xác, hai tính từ
correct (Đức:
korrekt) và
valid (Đức: gültig)
được dịch là chính xác (với ý nghĩa »đúng đắn [chính] và rõ ràng [xác]«),
đúng đắn, có giá trị — tùy theo trường hợp.
3. Một
biểu thị rất quan trọng trong bản dịch này là
Tồn tại trên cơ sở (bản) tự tính,
được dịch từ danh từ inherent
existence của Anh ngữ hoặc Đức ngữ
inhärente Existenz. Danh từ
Phạn ngữ tương ưng là svabhāvasiddhi. Svabhāva có nghĩa là »tự tính«,
siddhi có nghĩa »thành tựu« hoặc »khởi lập«. Cả ba dịch giả, giáo sư J.
Hopkins cũng như Ch. Spitz và J. Manshardt đều dịch
svabhāvasiddhi
từ đầu đến cuối sách là »inherent existence (inhärente Existenz)«. Tính
từ »inherent« có nghĩa là »nội tại«, »cố hữu« và như thế, »inherent
existence« có nghĩa là một cách »Tồn tại trên cơ sở tự tính«. Trong một
vài đoạn văn, dịch giả rất có thể dùng chữ »tự ngã«, »tự tính«, »bản
tính«, hoặc »ngã« thay vào »Tồn tại trên cơ sở tự tính« — nhưng không thực
hiện vì muốn trình bày bản dịch nhất quán và vì những nguyên do khác mà
độc giả sẽ tự hiểu sau khi đọc dịch bản. »Tồn tại bởi tự tính«, »Tồn tại
trên cơ sở cố hữu« là những biến dạng đồng nghĩa trong bản dịch này.
4. Dịch
giả cố gắng trình bày tất cả bằng Việt ngữ, giảm thành phần thuật ngữ chữ
Hán nhưng rất nhiều trường hợp, rất nhiều đoạn văn không cho phép. Ví dụ
như trường hợp dịch chữ Anh ngữ
continum of mind (Phạn ngữ:
saṃtāna
hoặc tantra). Nếu chỉ dịch
đơn thuần là »dòng tâm thức« thì tất cả những khía cạnh, ý nghĩa của biểu
thị continuum này không
được trình bày trọn vẹn. Vì vậy dịch giả đành phải sử dụng thuật ngữ Hán
việt rất tinh xác là »liên tục thống nhất thể (của tâm thức)«. Trong
trường hợp không tránh được những thuật ngữ Hán việt đặc thù Phật giáo thì
cước chú kèm theo sẽ làm sáng tỏ vấn đề hơn. Và ngược lại, trong trường
hợp dịch giả biết rõ các thuật ngữ Hán việt tương ưng thì chúng sẽ được
ghi thêm vào dưới dạng cước chú. Bảng đối chiếu thuật ngữ trong phần Từ vị
có thể giúp độc giả xác định từ nguyên và cách dịch được áp dụng trong
dịch phẩm này.
Cách phát âm Phạn và
Tạng ngữ
Phạn ngữ
được trình bày ở đây dưới dạng phổ biến nhất trong kinh sách Phật giáo
nước ngoài. Sau đây là một vài qui tắc phát âm cơ bản, giản lược:
c |
như
ch của Anh ngữ. Cakra
được đọc như chakra |
ṃ, ṅ |
phát âm
gần như -ng, nhưng
kéo dài một chút, ví dụ như saṃ-sā-ra như
sang-sā-ra, kéo dài
ng- với giọng mũi. |
ṛ |
phát âm
như ri, đọc nhanh,
phớt qua chữ y. Rajāgṛha đọc như
ra-jā-gri-ha. Ṛddhi đọc
như riddhi. |
ś, ṣ |
như
sh trong Anh ngữ,
ś được phát âm mạnh hơn
ṣ một chút,
ś như
(t)sh và
ṣ như (d)sh.
Śikṣāsamuucaya được đọc như
shik-sh-sa-much-cha-ya. |
ū |
đọc như
u Việt ngữ kéo dài |
ā |
đọc như
a Việt ngữ kéo dài |
ō |
đọc như
ô Việt ngữ kéo dài |
e |
đọc như
ê Việt ngữ kéo dài |
ī |
đọc như
y Việt ngữ kéo dài |
Những dấu
chấm dưới các chữ sau có thể bỏ qua như
ḍ, ḷ, ṭ, ṇ.
Dh được đọc như
d với chữ
h thật nhanh phía sau như
dhātu.
Trong độc
bản, Tạng ngữ được trình bày dưới dạng Hán việt hoặc cách dịch âm Việt
hóa, có thể đọc gần như tiếng Việt; trong cước chú, ghi chú và Từ vị được
la-tinh hóa theo hệ thống của Turrell Wylie (xem thêm trong »A Standard
System of Tibetan Transcription«,
Harvard Journal of Asiatic Studies, vol. 22, 1959, trang
261-267).
Viết tắt
engl.: Anh
ngữ; ger.: Đức ngữ; jap.: Nhật ngữ; skrt.: Phạn ngữ; tibet.: Tạng ngữ;
tk.: Thế kỉ;
Lời nói đầu
Giáo sư
Jeffrey Hopkins[1]
Vào tháng 8 năm 1981, Đạt-lại
Lạt-ma XIV Tây Tạng thực hiện một loạt khóa trình tại Đại học Havard dưới
sự tổ chức của Viện Nghiên Cứu Phật Học Mĩ
[2]
và Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Thế Giới.[3]
Giáo sư Robert Thurman, chủ tịch Viện Nghiên Cứu Phật Học Mĩ là người chịu
trách nhiệm cho các khóa trình, diễn ra tại Emerson Hall, Harvard Yard.
Các buổi diễn giảng này đã đạt yêu cầu của các vị tổ chức một cách trọn
vẹn, đó là sự hướng dẫn tổng quát vào lí thuyết và thực hành của đạo Phật.
Các khóa trình kéo dài khoảng
hai giờ và được thực hiện trong năm ngày, mỗi ngày hai lần — sáng và
chiều. Trong các khóa trình này, Đạt-lại Lạt-ma trình bày trong phạm vi Tứ
thánh đế trạng thái khổ của chúng sinh đang ở trong luân hồi, một trạng
thái được lưu giữ qua các tác động. Các tác động này lại chính là trở ngại
chính của hạnh phúc, xuất phát từ một cách hiểu biết sai lầm về sự tồn tại
của con người và các hiện hữu khác. Từ cái nhìn về vô minh, nguồn gốc của
khổ, Ngài trình bày rõ ràng con đường thoát khỏi hoàn cảnh này và ngăn
ngừa sự tái xuất của các quan niệm sai lầm, bất thiện; phương pháp phát
triển lòng từ bi vô lượng hướng về tất cả chúng sinh khi đã thấu hiểu được
trạng thái của chính mình. Đặc biệt là Ngài nhấn mạnh đến sự phát triển
trí huệ, một trí huệ cắt đứt, xuyên suốt tấm màn che đậy của các trình
hiện, dẫn đến sự nhận thức chân chính về tính chất của chúng, thoát khỏi
tất cả những yếu tố lệ thuộc.
Trước mỗi buổi thuyết giảng,
Ngài trả lời các câu hỏi của khán thính giả. Các câu trả lời bao gồm tất
cả những thắc mắc, câu hỏi mà nhiều người — mặc dù chỉ biết chút ít về đạo
Phật — đã nuôi trong thâm tâm từ vài mươi năm nay: sự liên hệ giữa khoa
học và tôn giáo, đặc tính và những tầng cấp của tâm thức, ý nghĩa của cá
nhân trong một hệ thống triết lí vô ngã, nhị nguyên và phi nhị nguyên, sự
khác biệt giữa một tâm trạng thiếu tự tin và giáo lí vô tự tính, phương
pháp chữa trị phiền muộn, ý nghĩa của những »thân cầu vồng«, điểm khác
nhau giữa tâm trạng mong muốn thanh tịnh và bất tịnh, vai trò của phụ nữ
trong đạo Phật, điểm mâu thuẫn giữa sự tăng trưởng trong thuyết tiến hóa
và khả năng thoái hóa trong đạo Phật, sự kết hợp giữa tính dục và tu tập
trong hệ thống tan-tra, cách sáng tạo một đạo hạnh phối hợp cả hai, hành
động lợi tha và hành động phát triển nội tâm. Các câu trả lời của Đạt-lại
Lạt-ma phản ánh một tư cách uyên thâm, một cách nhìn gần gũi, khiêm nhường
đầy hóm hỉnh về những câu hỏi quan trọng được đặt ra.
Các bài giảng — phần lớn được
dịch ra từ tiếng Tây tạng và xuất bản thành tập — dung hàm cả hai, tài
liệu chuyên chú về hoàn cảnh của con người theo cách nhìn của đạo Phật và
song song với nó là những lời khuyên, những lời khuyến khích phát triển
lòng từ bi. Cách phối hợp một tri thức sắc bén, khả năng thuyết giảng
tuyệt vời và sự thực hành Phật pháp với một tấm lòng từ bi là những biểu
hiện của Đạt-lại Lạt-ma, chính là yếu tố căn bản của tất cả các khóa
trình. Lời nói của Ngài xuất phát từ tận đáy lòng, là biểu hiện của một sự
nhận thức siêu việt bắt nguồn từ đạo Phật, đã đạt một cấp cao trong truyền
thống văn hóa Tây Tạng. Mục đích chính của Ngài là tạo hòa bình — hòa bình
trong mọi tầng lớp, bắt đầu từ gia đình, làng xóm, cho đến quốc gia và lan
tỏa khắp cả thế giới.
Tôi là người phiên dịch trực
tiếp những bài thuyết giảng và đã dịch lại để đưa vào quyển sách này với
mục đích là thâu tóm lại những chi tiết đã bị mất mát vì lí do thời gian
trong một buổi phiên dịch trực tiếp. Tôi thành thật cảm ơn Kensur Yeshi
Thupten, vị trụ trì của một ngôi chùa vừa được kiến lập lại tại Nam Ấn Độ,
về việc xác định tác giả của những bài văn được trích dẫn.
Một vài lời chú giải riêng
biện giải một cách phiên dịch nhất định nào đó, nêu rõ những tài liệu bổ
sung và nguồn gốc của những lời dẫn chứng.
Jeffrey
Hopkins — University of Virginia
________
[1]
được dịch giả người Việt giản lược đôi chút.
[2]
AIBS, American Institute
for Buddhist Studies.
[3]
Center for the
Study of World Religions.
---o0o---
Mục lục
| 01
|
02
|
03
| 04
| 05
|
06
| 07
| 08
| 09|
10
---o0o---
|
Thư Mục Tác Giả |
---o0o---
Chân thành cảm ơn
Ðạo Hữu
Chân Nguyên
đã gởi tặng phiên bản
điện tử Unicode này
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật : 01-11-2002