THIÊN THỨ NĂM
LUÂN LÝ LUẬN
CHƯƠNG V
THIỆN, ÁC NGHIỆP VỚI QUẢ BÁO
1- LỜI TỰA.
Những điểm được trình bày ở
trên tuy hơi tạp loạn, nhưng cách xử lý của A-tỳ-đạt-ma chủ yếu là lấy
việc lánh ác đức tiến đến thiện đức làm căn bản. Do đó, vấn đề được nêu
lên ở đây là sự thù báo của những hành vi thiện, ác như thế nào? Những
hành vi thiện ác tự chúng đã có ý nghĩa hoàn thành, mà sự sinh hoạt ở đời
vốn lấy công lợi làm căn cứ, điều thiện cần được tưởng lệ, điều ác cần
phải xa lánh. Chính vì thế mà tư tưởng nghiệp báo được thành lập, tức
thiện nghiệp sẽ mang lại quả báo hạnh phúc, ác nghiệp sẽ đưa đến quả khổ.
Đương nhiên, cái lý tưởng tối cao của Phật giáo, như đã thường nói, là ở
chỗ giải thoát Niết bàn, lấy đó làm mục tiêu đức hạnh, tuy ở cái gọi là
“vô sở đắc” (như Đế Thích vì muốn thử hạnh bá thí của Bồ tát, mới giả hiện
ra địa ngục, rồi bảo người hành thí phải vào địa ngục, còn kẻ thụ thí thì
sinh lên cõi Trời. Nhưng Bồ tát vẫn mạnh dạn tuyên bố quyết thực hành bá
thí), song, ở trong luân hồi giới thì nhưng nhiên thiện có thiện báo, mà
ác thì có ác báo. Nhờ ở sự kỳ vọng đó mà những hành vi luân lý của người
ta mới có thể tăng tiến, đó là một sự thật hiển nhiên. Vả lại, theo Phật
giáo, đó là quy luật tự nhiên. Chiếu theo Phật giáo nguyên thủy, đức Phật
đứng trên lập trường giáo huấn, tuy thường nói “thiện nhân thiện quả, ác
nhân ác quả”, nhưng nếu thuyết minh nó dưới hình thái lý luận thì, theo
chỗ tôi tận lực nghiên cứu, trong Ni Kha Da vẫn chưa thấy biểu hiện. Song,
căn cứ trên lập trường tâm lý luận và sinh mệnh quán mà biến cải nó theo
hình thái lý luận thì thành ra pháp tắc “tự nghiệp tự đắc”, tóm lại, giữa
ý chí, kinh nghiệm, tính cách và hành vi, có một trật tự nhất định, cái
gọi là “tự nghiệp tự đắc” chính là chỉ sự thật đó. Về điểm này, tôi đã nói
qua trong cuốn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư tưởng Luận (cùng một tác giả - chú
của người dịch) rồi. Rồi lại muốn chỉnh lý nó về phương diện hình thức,
chính là A-tỳ-đạt-ma luận thư.
2- ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ VỚI
NGHIỆP.
Trước hết, hãy nói về sự thể
của nghiệp. Như đã trình bày ở trên, về mặt tâm lý, do những hành vi thiện
ác mà thân tâm ta chịu một tính cách nhất định, tuy là vô ý thức nhưng đó
là một sự thật vĩnh viễn bất diệt. Nhưng, theo quy mô Phật giáo, vấn đề
tính cách nên được thuyết minh như thế nào thì lại có nhiều giải thích
khác nhau. Thật ra, về điểm này, tôi đã thường đề cập đến ở trên, nhưng
theo thuận tự, ở đây lại xin nói một cách đơn giản về nhận xét thêm.
Đứng trên lập trường cơ giới
chủ nghĩa mà nói, thì sinh mệnh quan lấy nghiệp tập nằm trong tổ chức sinh
mệnh mà thêm vào cho đặc sắc sinh mệnh. Hữu-bộ nói vô biểu sắc chính là
đại biểu cho tưởng pháp đó. Theo lập trường này thì sinh mệnh (hay tâm)
của chúng ta là do các uẩn hòa hợp, chỉ là kết quả của sự tích tụ một cách
máy móc, bởi thế, nếu đem nó phụ thuộc vào nghiệp tập đặc thù tất kính
cũng không ngoài tính cách máy móc. Trái lại, nếu đứng trên lập trường
sinh cơ chủ nghĩa mà nói, thì vì coi tổ chức sinh mệnh (hay tâm) là một
loại có cơ thể, nên nghiệp tập, tùy theo cách phát động hữu cơ thể như thế
nào, mà rốt lại cũng không ngoài cái tính cách hoặc khuynh hướng của khả
năng thái đó. Ấy là tư tưởng đại biểu lấy kinh Lượng Bộ làm điểm xuất phát
để tiến triển trải qua đến những tư tưởng Duy Thức v.v… Luận bộ Nam phương
đã tiến đến tư tưởng “Hữu Phân Thức”, nói theo lập trường Nghiệp Luận, có
lẽ là đứng ở khoảng giữa hai tư tưởng trên đây. Hữu Phân Thức, thể vô ý
thức - về điểm được coi như chỗ chứa giữ nghiệp tập, tuy có giống như tư
tưởng chủng tử lấy Căn Bản Uẩn làm trung tâm, nhưng lấy nó làm chủ mà coi
là thụ động thì, về điểm không có sự tự phát, nó không khỏi có tính cách
rất máy móc. Thật ra, coi nghiệp như máy móc, giải thích nó như sinh sơ
với các nhà chủ trương Hữu Ngã Luận, coi nghiệp phụ thuộc Ngã, đương nhiên
đã có sự bất đồng rất lớn, thế nhưng ở điểm lấy nghiệp tập làm bản chất
sinh mệnh (nhất là khi xét về tác dụng) thì đồng nhất; tuy nhiên, về
phương diện khái niệm, nếu bảo bên nào đúng, bên nào sai, thì điểm bất
đồng giữa hai bên là: các nhà cơ giới chủ nghĩa cho nghiệp là một vật phụ
thuộc, còn các nhà sinh cơ chủ nghĩa thì cho nó là bản chất.
3- NGHIỆP VÀ QUẢ BÁO.
Lấy nghiệp thiện ác làm nhân
để dẫn phát đến quả như thế nào? Nếu nói một cách chặt chẽ thì do các lập
thuyết nhân quả mà có nhiều cách giải thích khác nhau (1). Nhưng, trên đại
thể, tôi tưởng ta có thể chia làm hai loại. Nói theo thuật ngữ thì đó là
phương diện đồng loại nhân nghiệp dẫn đến đẳng lưu quả (gồm tăng thượng
quả) và phương diện dị thục nhân nghiệp dẫn đến dị thục quả. Đúng ra thì
quan hệ giữa hai phương diện đó vì quá mật thiết nên không thể tách rời ra
được, tuy nhiên, để tiện lợi cho việc quan sát, chúng ta hãy tạm chia
thành hai phương diện như trên. Thứ nhất, đồng loại nhân đẳng lưu quả, khi
xét về mặt sự thực, thì dù cho là nhân quả tâm lý cũng có quan hệ, nghĩa
là nghiệp và quả, trên tính chất là đồng nhất. Thường nghĩ đến hành vi xấu
thì kết quả sẽ trở thành người xấu, tiến lên nữa sẽ trở thành ác quỷ; cũng
thế, nếu thường nghĩ đến hành vi tốt thì kết quả sẽ trở thành người tốt,
tiến mãi sẽ trở thành thánh nhân, thiên sứ v.v… Mà điều này, trên kinh
nghiệm, là một sự thật hiển nhiên. Nguyên tắc giáo dục thực tế, tuy cũng
như thế, nhưng Phật giáo còn truy nguyên nó đến ba đời, nghĩa là, người
tốt, người xấu, người ngu, người hiền ở kiếp này đều do nghiệp tập của họ
ở kiếp trước (nhưng không phải là chủ trương Túc Mệnh Luận). Thứ hai, dị
thục nhân, dị thục quả, là luật nhân quả phổ thông: làm thiện được quả báo
sung sướng, làm ác chịu quả báo đau khổ. Cái tình hình giữa dị thục nhân
dị thục quả và đồng loại nhân đẳng lưu quả có khác nhau, nguyên nhân và
kết quả, về tính chất không hẳn giống nhau, cứ theo các nhà chú giải thì
khác loài mà chín nên gọi là dị thục quả (2). Nhân tuy là thiện ác, mà quả
là khổ vui (lấy nhân khổ vui mà nói thân tâm vô ký), phạm trù tuy có khác
nhau, nhưng cái quan hệ nhân quả đó hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu luận lý
của người ta, đến như cái quan hệ tất nhiên của nó thì không dễ gì chứng
minh được. Song, nếu không lập thành nhân quả thì, trên thực tế là một đều
vô cùng thiếu sót, bởi thế, Phật giáo cho tác dụng bên trong đồng loại
nhân đẳng lưu quả là chân lý dễ nhận và khoáng trương nó qua ba đời để nói
rõ thỏa đáng tính của nó về mặt giá trị vậy.
(1) Câu xá, quyển 17, bảo
nghiệp dẫn đến nhiều loại quả; chẳng hạn: “Nghiệp thiện và bất thiện được
quả như thế nào? Tất cả đếu có thể chiêu cảm quả dị thục, đẳng lưu và tăng
thượng”. Rồi đưa ra trường hợp sát sinh làm thí dụ: Hành sát sinh trước
hết cảm quả dị thục ở địa ngục, sau sinh làm người, thọ mệnh ngắn ngũi là
đẳng lưu quả, còn những gì bên ngoài được sáng sủa là tăng thượng quả (thủ
ý).
(2) Thục có hai loại: 1- Dị
loại, Đồng loại thục, tức đẳng lưu quả, nghĩa là thiện sinh thiện, ác sinh
ác, vô ký sinh vô ký. Dị loại thục, tức là dị thục quả, nghĩa là thiện và
bất thiện sinh quả vô ký (Bà sa, quyển 49, Đại chính, 27, trang 97, cột
giữa).
Do hai loại nhân quả trên
đây, mà thấy được sự bất đồng giữa các tác dụng tâm lý và vật đồng sinh,
sự bất đồng về vận mệnh khổ vui, nếu nói một cách đơn giản, thì đó là nói
rõ những tướng trạng khác nhau của thế giới, và đó cũng chính là một đặc
trưng về thế giới quan (hay nhân sinh quan) của A-tỳ-đạt-ma. Ở đầu phẩm
Nghiệp trong Câu xá, nói “Đời khác bởi nghiệp sinh” chính là muốn nói rõ
điểm đó.
Song, vấn đề được đặt ra ở
đây là, thế giới duy chỉ có nghĩa là hữu tình thế gian hay còn bao hàm cả
ý nghĩa khí thế gian nữa? Ở thời đại Phật giáo nguyên thủy chỉ luận về cái
gọi là “thế giới của chúng ta”, còn thế giới vật lý thì không thành vấn đề
đặc biệt. Nhưng đến A-tỳ-đạt-ma thì vì đồng thời với Nghiệp Luận, thế giới
quan cũng đã phát đạt, cho nên nó đã thành vấn đề rõ rệt. Về điểm này,
trưng theo Luận Sự thì Án Đạt La Phái chủ trương “Địa cầu này cũng là
nghiệp quả (K, V, VII)”. Phái này và Chính-lượng-bộ cùng chủ trương “Vật
chất cũng là dị thục quả (K,V. XVI, 8)”, hiển nhiên ta thấy thế giới vật
lý cũng y vào kết quả của nghiệp, Thượng tọa bộ Nam phương trước sau vẫn
giữ lập trường của Phật giáo nguyên thủy, tuy muốn hạn cục nghiệp quả vào
hữu tình thế gian, nhưng như thế không khỏi có điểm không triệt để.
Hữu-bộ, lúc đầu tuy không được rõ, nhưng đến Bà sa (quyển 98 và 127), Câu
xá, (quyển 13) v.v… không những cho hữu tình thế gian mà ngay cả khí thế
gian cũng y vào sự sai biệt của nghiệp (như Câu xá, nói: “Hữu tình thế
gian và khí thế gian đều sai biệt nhiều và những sự sai biệt ấy do đâu mà
có? Đáp: thế giới sai biệt do nghiệp sinh”, (quyển 13). Chúng tướng của
hữu tình là do biệt nghiệp chiêu cảm, chủng tướng của khí giới là do cộng
nghiệp chiêu cảm, cách thuyết minh này, có thể nói, cách thuyết minh cộng
thông từ Bà sa trở về sau (1) đến Luận bộ Bắc phương, như luận Thành thật
(2) cũng rõ ràng đã dùng thuật ngữ cộng nghiệp. Từ thuyết này lại tiến lên
một bước nữa là luận Duy Thức bảo rằng hết thảy chủng tử của A lại gia
thức biến hiện.
Còn một điểm nữa tuy không
quan trọng, nhưng vì nó có liên quan đến vấn đề này nên không thể bỏ qua.
Đó là: sự quan hệ giữa nghiệp và quả dị thục duy chỉ hạn cục trong nghiệp
thiện ác mà không có trong vô ký? Về vấn đề này, chủ trương của các bộ
phái, trưng theo Luận sự 12, 2, cho rằng tất cả nghiệp đều có dị thục quả,
cho dù nghiệp vô ký cũng có quả dị thục. Nhưng Thượng tọa bộ Nam phương,
Hữu-bộ (Bà sa, quyển 19. Đại chính, 27, trang 918, trung và quyển 115, Đại
chính, 27, trang 598, cột trên) và Thành-thật-luận (quyển 7, Tam Nghiệp
phẩm 100, Đại chính, 32, trang 295, cột giữa) đều phản đối thuyết này.
Song, nói một cách thực tế, cũng có phái triệt để thừa nhận vô ký nghiệp
nhưng nhiên vẫn có quả. Theo Phật Âm cho ta biết thì phái chủ trương
thuyết này là Đại chúng bộ.
(1) “Hỏi: Trong khí thế giới
Tô-mê-ly-sơn châu này, tất cả hữu tình đều do cộng nghiệp phát khởi. Trong
đó người ban Niết bàn thì tại sao những vật ấy lại không giảm thiểu? – Tôn
giả Thế Hữu đáp rằng: “Nếu vật do sĩ dụng quả và tăng thượng quả gần sinh
cũng có giảm thiểu” (Bà sa quyển 21, Đại chính, 27, trang 106, hạ). “Song,
số hữu tình trong các thế gian đều do tự nghiệp phiền não mà sinh; tình số
thì hết thảy nghiệp hữu tình do sức tăng thượng cùng dẫn khởi” (như trên,
quyển 8, Đại chính, 27, trang 508, thượng). Loài hữu tình ở đây do cộng
nghiệp tăng trưởng mà thành thế giớ, nếu cộng nghiệp hết thì thế giới hoại
diệt (như trên, quyển 134, Đại chính, 27, tr. 692, hạ).
(2) Hết thảy vạn
vật đều do cộng nghiệp sinh (Thành thật, quyển 8.
Thập-bất-thiện-đạo-nghiệp phẩm 116, Đại chính, 32, trang 304, hạ).
Tất cả chúng sinh
đềucó quả báo cộng nghiệp, nghĩa là được nơi cư ngụ là nhờ nghiệp nhân
duyên mà có đất. Do nghiệp nhân duyên sang tỏ mà có mặt trời, mặt trăng.
Nên biết sinh vật đều lấy nghiệp làm gốc (như trên, quyển 7. Hệ nghiệp
phẩm 103. Đại chính, 32, trang 296, hạ).
4- NGHIỆP BA THỜI.
Tóm tắt, nghiệp của người ta
tất phải đưa đến quả báo nhưng đến thời kỳ đưa đến quả báo ấy như thế nào?
Để trả lời cho câu hỏi này, có một thuyết mà ai cũng biết, đó là thuyết
Tam Thời Nghiệp (đặc biệt về quả dị thục). Thuyết đã được nói đến Ni Kha
Da rồi, đến A-tỳ-đạt-ma nó được phân tích tỉ mỉ mà trở thành một đề mục
luận cứu. Tam Thời Nghiệp (1) là: 1- Thuận Hiện Pháp Thụ (Thành Thật gọi
là Hiện Báo), 2- Thuận Thứ Sinh Thụ (Thành Thật gọi là Sinh Báo), Thuận
Hậu Thứ Thụ (Thành Thật gọi là Hậu Báo).
(1) (Visuddimagga; Chap. 19
(p. 601) Warren: Buddhism inTranslation p 245, Thuận Hiện, Thuận Thứ,
Thuận Hậu Định. Lạc Tạ nghiệp (pháp không sinh?). Phẩm Loại Túc Luận,
quyển 17 (Đại chính, 20, trang 718, thượng). Đại tỳ bà sa, quyển 14, Đại
chính, 27, trang 599), Câu xá luận quyển 15. Thành-thật-luận quyển 8, Tam
báo nghiệp phẩm 106 (Đại chính, 32, trang 297).
Thứ nhất, Thuận Hiện Pháp
Thụ, nghĩa là đời này gây nghiệp, đời này chịu quả báo. Thứ hai, Thuận thứ
Sinh Thụ, nghĩa là đời này tạo nghiệp, đời sau mới chịu quả báo. Thứ ba,
Thuận Hậu Thứ Thụ, nghĩa là đời này gây nghiệp, trong nhiều đời sau mới
chịu quả báo. Cứ theo Phật giáo thì nghiệp không phải thành quả báo cùng
một lúc với sự tạo tác (Bà sa quyển 114, Đại chính, 27, trang 592, cột
trên; Thành Thật, quyển 8, Tam báo nghiệp phẩm 104), mà phải có thời gian
liên tục, dần dần lớn mạnh mới thực hiện được quả, và do thời gian thực
hiện đó có nhanh, chậm khác nhau nên mới chia ra ba thời kỳ như trên.
Nhưng thật ra, nếu người ta muốn lấy thiện, ác và họa, phúc hoàn nhất trí
ở đời này là một điều rất khó khăn. Ở đời này duy chỉ hoàn thành được một
phần nhỏ, còn đại bộ thì, trái lại, lại là một sự thật tương phản. theo ý
nghĩa ấy, muốn tìm cầu cái thỏa đáng tính của nó. Thành-thật-luận, trong
phẩm Tam báo nghiệp, có trích dẫn một bài kệ xưa như sau: “Kẻ làm ác được
sung sướng là vị ác chưa chín, đến khi ác chín thì tự thấy đau khổ. Kẻ làm
thiện phải chịu khổ là vì thiện chưa chín, đến khi thiện chín thì tự thấy
sung” để nói rõ cái ý nghĩa luân lý của thuyết Tam Thời Nghiệp. Nói một
cách rốt ráo thì nghiệp nào là nghiệp chịu quả báo trong đời này, nghiệp
nào là nghiệp chịu quả báo trong đới sau hay đến nhiều đời sau nữa? Đúng
ra, đây là một vấn đề. Câu xá (quyển 15), Thành Thật (Tam báo nghiệp
phẩm), Bà sa v.v… đều muốn theo tính chất của nghiệp mà quy định vấn đề
này. Nếu theo nghiệp thì là hành vi ý chí, tuy cực mãnh liệt nhưng nếu
động cơ hay quy mô của nó không trọng đại thì được quả báo trong đời này;
còn tuy không mãnh liệt nhưng rất sau nặng thì chịu quả báo ở đời sau; hai
tính chất trên giao thoa nhau thì chịu quả báo ở nhiều đời sau nữa (Thành
Thật, như trên). Còn một thuyết nữa căn cứ theo lòng mong cầu: mong cầu
đựợc hưởng quả ngay trong đời này là Thuận Hiện thụ, nếu mong cầu hưởng
thụ ở tương lai là hai báo sau (Thành Thật, như trên). Bà sa (quyển
114,Đại chính, 27, trang 594, cột trên), lại còn so sánh giá trị của Tam
Báo, bảo: hiện báo nhẹ nhất, thứ báo nặng hơn, và hậu báo nặng nhất. Cũng
như trái cây, chín sớm thì kém, chín muộn thì hơn. Vậy, nói cho dễ hiểu
quả báo càng lớn thì càng chậm chín, cũng như ý nghĩa chí khí lớn, lâu
thành công, hoặc như sự trúng độc thấm dần thì khó chửa trị: có thể nói
đều ám thị ý nghĩa ba đời.
Phật giáo thành lập thuyết
Tam thời Nghiệp, tuy gọi là định nghiệp, nhưng trong A-tỳ-đạt-ma , ngoài
định nghiệp, còn lập nên bất định nghiệp nữa. Như Tam Thời Nghiệp, thời kỳ
chịu báo và chủng loại đều không nhất định, mà giới hạn trong Tam Thời
Nghiệp, do quan hệ thế nào mà sự thụ báo trở thành bất định: đó là bất
định nghiệp (như vậy, thành ra bốn nghiệp). Bất định cũng có hai thứ, tức
là, thời kỳ định chịu báo mà chủng loại không quyết định, và cả thời kỳ
lẫn chủng loại đều không quyết định (thêm hai thứ bất định này vào ba thời
kỳ trên thành ra năm nghiệp). Lại tiến lên một bước nữa mà khảo sát thì
Tam Thời Nghiệp kể trên tuy thời kỳ có quyết định, nhưng chủng loại chịu
báo thì sẽ thành ra tám thứ: đây là chủ trương của Bà sa (quyển 114, Đại
chính, 27, trang 593, cột dưới), đều quyết định thì không thể chuyển được,
nhưng bất định nghiệp thì nhờ nỗ lực hậu thiên mà có thể chuyển được,
song, về vấn đề này, xin sẽ bàn đến sau.
Tóm lại, thuyết của Tam Thời
Nghiệp là đem kết hợp yêu cầu đạo đức của người ta với Luân Hồi luận rồi
truy đến ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai để tìm thỏa đáng tính của nó.
Về điểm này, tuy không thể chứng minh một cách rõ ràng, nhưng nếu khảo sát
nó về nhiều phương diện, thì bất luận theo kiến địa tâm lý học hay luân
lý, có thể nói, đều có một ý vị.
5- NGHIỆP VÀ CÁC LOẠI DỊ
THỤC.
Trở lên, chủ yếu là nhận xét
về thời kỳ nghiệp báo, giờ đây xin bàn qua về chủng loại của nghiệp báo.
Nghiệp vô lậu không chiêu cảm quả dị thục (nhưng chiêu cảm bốn quả khác),
nhưng nghiệp hữu lậu thì có quả dị thục. Song, nghiệp hữu lậu đoạn đạo (ta
hành) cuối cùng có thể đạt đến quả ly hệ (tức giải thoát). Ai cũng biết,
đường thiện ác chịu quả báo trong năm đường hay sáu đường mà trong đó
người ta gặp những vận mệnh khác nhau. điều này đã được nói đến trong Ni
Kha Da nhưng chỉ tản mạn thôi, đến A-tỳ-đạt-ma nó mới được tập hợp lại.
Song, theo chỗ tôi tận lực nghiên cứu, Thành Thật luận (1), quyển 8, Lục
Nghiệp phẩm 100 mới nói lên được cái yếu nghĩa của nó, bởi thế, ở đây tôi
thử dẫn ra những điểm khái quát.
(!) Lục Nghiệp phẩm: “Về báo
nghiệp ở địa ngục, trong Lục Túc A Tỳ Đàm, Lâu khối phận đã nói rõ (Đại
chính, 22, trang 300, cột giữa).
Thứ nhất, là nghiệp cảm chiếu
quả báo địa ngục, dĩ nhiên là nghiệp nặng nhất. Những người làm đủ ba hạnh
sát sinh, trộm cắp, tà dâm, những người phá giới, phá kiến cố nhiên chịu
quả báo địa ngục, những gia hại các bậc thánh hiền và liên tục làm ác,
cũng chiêu cảm quả địa ngục. Tựu trung, có năm tội sau khi chết phải đọa
địa ngục Vô gián gọi là Ngũ Vô Gián Nghiệp: 1- Giết mẹ, 2- Giết cha, 3-
Giết A la hán, 4- Phá hòa hợp tăng, 5- Do ác làm cho thân Phật chảy máu
(Bà sa, quyển 19, Đại chính, 27, tr. 619, thượng). Giết cha mẹ, bội ơn
dưỡng dục, giết ba hạng sau là phá hoại ruộng phúc, đều là tội nặng, và
bất luận hễ phạm một trong các tội ấy thì chết đi sẽ phải đọa địa ngục Vô
gián. Tựu trung, nói theo lập trường của Phật giáo, phá hòa hợp tăng, vì
là phá hoại Giáo Hội, nên là ác nghiệp lớn nhất. Trong thời đại Phật, Đề
Bà Đạt Đa, vì tạo hai nghiệp sau, nên một mặt vẫn sống, mặt khác phải đọa
địa ngục. Tuy đây là truyền thuyết, nhưng đến đời sau, vì việc làm cho
thân Phật chảy máu không thể xẩy ra nữa, nên đặc biệt nhấn mạnh ở việc phá
hòa hợp tăng và cho đó là một việc đại ác. Bà sa (quyển 99) bảo vị khai tổ
(theo truyền thuyết) của Đại Chúng Bộ là Đại Thiên cho rằng, trừ làm cho
thân Phật chảy máu, còn bốn tội kia đều là đại Vô gián nghiệp: xem thế đủ
biết, đối với việc phá hoại Giáo hội, Phật giáo chán ghét đến mức độ nào
rồi.
Thứ hai, thành nghiệp bàng
sanh (súc sanh), nói một cách đại thể, so với nghiệp địa ngục thì nhẹ hơn,
tuy có chút ít thiện nhưng vẫn là nghiệp ác hơn. Tựu trung, theo Thành
Thật quyển 8, Lục Nghiệp phẩm 110 – Khi người ta phát huy nhiều động vật
tính, và thích ứng với tính chất đó, sẽ thành những động vật khác nhau.
Như đa dâm chẳng hạn, sẽ thành chim sẻ, chim bồ câu, chim uyên ương v.v…
Nếu đa sân thì sẽ thành trăng, rắn, rết, bò cạp v.v… Nếu ngu si nhiều sẽ
thành lợn (heo), dê v.v… Nếu kiêu căng phóng túng nhiều sẽ thành sư tử,
hổ, lang v.v… Nếu hay bỡn cợt đùa nghịch sẽ thành khỉ vượn v.v… Nếu nhiều
ghen ghét, keo bẩn sẽ thành chó. Nếu lười biếng nhiều sẽ thành mèo. Nếu
theo nịnh hót sẽ thành dã can v.v… Cứ như thế tùy theo tính chất mà thành
nhiều loài khác nhau. Lại nữa, tùy theo lòng khao khát tưởng niệm lúc chết
mà sanh vào các loài động vật khác nhau. Chẳng hạn, chết ở chỗ chật chội,
khao khát tưởng nhớ đến rộng rãi sẽ sinh làm chim; do chết đói mà sinh làm
họ ở nhà xí; vì chết mà sinh làm trùng dưới nước v.v… Trong Pháp Uẩn Túc
Luận có thuyết minh về quan hệ luận khi thác sinh theo mười hai nhân duyên
như sau: có các loài chúng sinh do tâm mong cầu mà thụ sinh cõi người hay
thụ sinh cõi trời (Pháp Uẩn Túc Luận, 12, Đại chính, 26, trang 512, cột
dưới). Cứ theo Ni Kha Da thì bắt chước lối sống của súc sinh sẽ là nhân
đưa đến sự cùng chịu kiếp súc sinh. Chẳng hạn có một hạng người tu đạo bắt
chước trâu, dê, tự hành hạ thân mình và tin rằng đó là nhân sinh lên cõi
trời. Đức Phật phê bình họ, bảo rằng, làm theo hạnh trâu sẽ thành trâu,
làm chó sẽ làm chó v.v… Tóm lại, cái nhân đưa đến súc sinh là ngu si, hoặc
có ý nghĩa là bắt chước lối sống của súc sinh mà thành.
Thứ ba, là nhân ngã quỷ, tức
quỷ đói. Vì tham lam, keo kiệt, cướp đoạt của người, của mình thì giữ bo
bo, không chịu cho ai, không có tâm giúp người, cứu vật cũng thuộc loại
này, có thể nói quả báo là thường cảm thấy thiếu thốn, đói khát.
Thứ tư, là nhân cõi người,
đại khái là kết quả của nghiệp thiện như bá thí, giữ giới và tu thiện.
Tựu trung, nếu cao thì sinh cõi trời, còn trung bình thì cõi người. Còn
như ở cõi người sở dĩ có những vận mệnh khác nhau là vì trong những nhân
thiện có lẫn lộn nhân ác. Tuy do nghiệp thiện rõ rệt nào đó được sinh vào
cõi người, nhưng vì cái gọi là “mãn nghiệp”, trợ lực cho thiện nghiệp như
thế nào mà cho nhân gian trình hiện những tướng trạng khác nhau. Chẳng
hạn, nhờ người giúp mà được sống lâu, do sát sinh mà phải chết yểu, nhờ
ngay thẳng không trộm cắp được phúc, vì trộm cắp mà phải nghèo khổ, không
tà dâm mà lấy được vợ trinh tiết, còn nếu trái lại thì lấy phải vợ lăng
lòn, bất chính v.v… (Thành Thật, quyển 8, Lục Nghiệp phẩm 118, về phần cõi
người và cõi trời; Câu xá, quyển 17). Câu xá còn nói: những vật sở hữu của
người ta tốt hay xấu cũng là do nghiệp. Như người sát sinh thì vật sở hữu
xấu xí, người ăn trộm thì ruộng vườn nhiều sương tuyết gây tai hại, người
tà dâm thì gia đình rối loạn, người nói dối thì miệng hôi thối; xa lìa
những tội nghiệp đó thì tất cả đều tốt lành. Ngoài ra, còn nhiều cách
thuyết minh khác, nhưng sợ phiền phức nên chỉ nói tóm tắt, thế thôi. Duy ở
đây không thể không bàn thêm về vấn đề pháp tướng, tức trong Phật giáo có
hai lớp quả báo (thưởng phạt). Như làm thiện được sinh lên cõi trời, nhưng
khi sinh lại cõi người có thể vẫn được quả báo thiện không? Cũng thế, tạo
ác nghiệp phải đọa địa ngục, nhưng khi chịu hết tội khổ, được sinh làm
người thì có còn phải chịu sự rủi ro nữa không? Vấn đề này hình như có
nhiều dị luận, nhưng Bà sa (quyển 113, Đại chính, 27, trang 588, hạ), Câu
xá (quyển 17) v.v…tựa hồ đã thừa nhận điều đó một cách rõ ràng. Như nói:
“Khi sát sinh, làm cho kẻ khác chịu khổ nên phải đọa địa ngục chịu quả khổ
dị thục; vì dứt mệnh sống của kẻ khác nên trong kiếp sau phải chịu chết
yểu, là đẳng lưu quả; phá hoại uy danh của kẻ khác nên sắc diện phải xấu
xí, là tăng thượng quả (Câu xá, quyển 17). Vô luận là thiện hay ác, tác
dụng của nó đều suy giảm dần dần, nếu không có sự tu dưỡng đặc biệt thì
khó có thể biến đổi nó một cách mau chóng được.
Thứ năm, là cõi thiên thượng,
nếu nói một cách tóm tắt thì nhờ nghiệp thượng thượng thiện mà được sinh
lên đó, nhưng thiên thượng cũng có nhiều loại nên không giống nhau. Ở Dục
Giới Thiên, tức đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, cho dù cũng là thiện nhưng do
trình độ động cơ thuần tịnh và các loại thiện sự như thế nào mà quả báo
cũng có nhiều loại khác nhau. Tiên lên đến Sắc giới, Vô sắc giới thì vì
đây duy chỉ là định xứ nên nhân là thiền định. Nghiệp sinh ở cõi Sơ thiền
tuy có nhân phụ nhưng chủ yếu là do tu Sơ thiền, cho đến cõi cao tột là sự
tu dưỡng Phi-tưởng-phi-phi-tưởng định. Điểm này đã được nói rõ trong Ni
Kha Da rồi. Dù là thượng giới sinh địa, hay Tứ thiền tam vô sắc định tu
địa, tất cả đều như nhau (Trung a hàm, quyển 34, Phân biệt ý hành kinh,
Đại chính, 1, trang 700, trung, M. 120 Sankhàruppatti Sutta).
A-tỳ-đạt-ma cố gắng nghiệp và
quả dị thục, nếu nói một cách chặt chẽ thì trong đó có nhiều điểm khó
khăn, nhưng đứng về phương diện chỉnh lý hình thức mà nói, ta phải thừa
nhận đó là một nổ lực rất lớn. Thế rồi, nếu lại theo cách phân loại về
tính chất của nghiệp thì, như ai cũng biết, có thuyết Bốn Nghiệp (1). Đó
là: Hắc hắc dị thục nghiệp, Bạch bạch dị thục nghiệp, Hắc bạch hắc bạch dị
thục nghiệp, Phi hắc phi bạch dị thục nghiệp. Thứ nhất, Hắc hắc dị thục
nghiệp (2) nghĩa là nghiệp tự nó là đen (tức là ác), do đó mà chiêu cảm
quả dị thục ở ác thú. Thứ hai, Bạch bạch dị thục nghiệp nghĩa là thiện
nghiệp ở Sắc giới (Vô sắc giới) hệ. Thứ ba, Hắc bạch hắc bạch dị thục
nghiệp nghĩa là thiện nghiệp ở Dục giới hệ, chủ yếu cảm chiêu qiả báo ở
cõi người, cõi trời. Thứ tư, là nghiệp vô lậu không cảm dị thục, tức là
chỉ cái công dụng của sự đã vĩnh viễn đoạn diệt nghiệp hữu lậu. Trong bốn
nghiệp, có thể nói thứ tư là nghiệp giải thoát và đứng trên lập trường tu
dưỡng, dĩ nhiên, nó có giá trị của nó. Phật giáo bảo bạch bạch dị thục
nghiệp nếu ngưng ở ba cõi thì vẫn là còn chướng ngại đạo giải thoát. Trong
kinh gọi tắt phiền não, nghiệp dị thục là ba chướng chính (3) là vì thế.
(1) Xuất xứ của bốn nghiệp
(hắc, bạch v.v…) Trung a hàm quyển 27, Đạt Phạm kinh (Đại chính, 1, tr.
690, thượng). Tập Dị Môn Túc luận, quyển 7 (Đại chính, 26, tr. 396,
thượng); Bà sa, quyển 114 (Đại chính, 27, tr. 599, hạ); Câu xá, quyển 17;
Thành Thật, quyển 8 (Tứ nghiệp phẩm 107).
(2) Visuddimagga XIX, p. 601
giới thiệu bốn nghiệp bất đồng. Tức Sinh nghiệp, Chỉ trì nghiệp, Ức chế
nghiệp, tức khi nghiệp quả sinh khởi thì, ức chế sự khổ vui của nó; phá
hoại nghiệp, tức phá hoại nghiệp khác để tự khai phóng vận mệnh.
(3) Về ba chướng, xin xem Bà
sa quyển 115 (Đại chính, 27, tr. 519, trung trở đi); Câu xá, quyển 17;
Thành Thật, quyển 8 (Tam chướng phẩm 106).
6- DẪN NGHIỆP VÀ MÃN NGHIỆP.
Về nghiệp quả báo vẫn còn một
vài điểm nữa cần phải bàn qua, đó là: trong các nghiệp người ta tạo tác,
quyết định nơi sinh như thế nào? Nói khác đi quyết định thứ sinh hay thứ
thứ sinh là các nghiệp tổng hợp hay là một nghiệp rõ rệt? Về điểm này,
A-tỳ-đạt-ma bảo có dẫn nghiệp và mãn nghiệp (1). Dẫn nghiệp là nghiệp
quyết định nơi sinh, còn mãn nghiệp là nghiệp, dù cùng một nơi sinh, như ở
cõi người, chẳng hạn, cũng chia vận mệnh thành nhiều loại. Song, cứ theo
A-tỳ-đạt-ma thì dẫn nghiệp là một nghiệp rõ rệt nhất trong cuộc sống;còn
mãn nghiệp là các nghiệp khác. Do đó, nói một cách đơn giản, bảo là: “Một
nghiệp dẫn một đời, nhiều nghiệp có thể viên mãn” (2). Cái mà ta bảo là
“tối hậu nhất niệm” dẫn đến thứ sinh chính là căn cứ vào giáo lý này.
Song, nói thật thì cái nghiệp hiển trứ nhất trong một đời là gì? Vấn đề
này người thường thật khó mà quyết định được, cho nên trong Bà sa, quyển
19 (Đại chính, 27, tr. 98, thượng), đã phát sinh ra luận đề “Dẫn nghiệp
trước hay Mãn nghiệp trước”.và kết quả, cho là bất định. Rồi đến Bà sa 20
(Đại chính, 27, tr. 99) dẫn nhiều kinh luận bảo rằng do một nghiệp thù
thắng chiêu cảm thiện ác nhiều đời để luận cứu ý nghĩa vấn đề này. Vấn này
tuy rất phức tạp, nhưng trên đại thể, theo A-tỳ-đạt-ma, không thể quên lập
trường “Một nghiệp dẫn một đời, nhiều nghiệp có thể viên mãn”.
(1) Xuất xứ của Dẫn nghiệp và
Mãn nghiệp; Bà sa quyển 19 (Đại chính, 27, tr. 98, thượng); như trên,
quyển 20 (Đại chính, 27, tr. 99, thượng); Câu xá, quyển 17.
(2) Bà sa quyển (Đại chính,
27, tr. 99, trung); Câu xá, quyển 17. Trong Yogssutra II, 13 (chú thích
của Vyasa) lần lượt nói thuận hiện thụ, bất thuận hiện thụ, định nghiệp,
bất định nghiệp, luận về quan hệ giữa nhất, đa (nghiệp) và nhấ, đa (sinh),
có thể tham khảo.
7- TÚC NGHIỆP CHUYỂN HAY
KHÔNG CHUYỂN.
Theo Phật giáo thì vận mệnh
của người ta là do nghiệp hiện tại định đến vị lai, nói khác đi, là vận
mệnh hiện tại do kết quả của nghiệp quá khứ, như vậy, chung cùng, Phật
giáo đã chẳng biến thành Túc Mệnh luận rồi sao? Như đã nói trước kia, đức
Phật đã bác bỏ Túc Mệnh luận, nhưng căn cứ theo quan điểm trên đây,
A-tỳ-đạt-ma đã biến thành khuynh hướng Túc Mệnh luận, đó là sự thật không
thể che dấu được. Trong bộ phái Phật giáo, như Vương sơn bộ, Nghĩa thành
bộ thuộc Đại chúng bộ, bảo: “Tất cả đều do nghiệp” (K. V. XVII, 3). So với
quan điểm này, chủ trương Túc Mệnh luận cũng rõ ràng. Song. Nói một cách
tổng quát tuy A-tỳ-đạt-ma túc nghiệp, nhưng thừa nhận rằng tùy theo những
nỗ lực hậu thiên ra sao mà nghiệp có thể chuyển hóa. những điều được trình
bày trên kia chủ yếu nói về hành vi theo ý muốn, chứ không phải khảo lự về
nỗ lực đặc thù. Không những thế, nhận xét về mặt pháp tướng, ngoài Tam
Thời Nghiệp ra, Hữu-bộ còn lập Bất định nghiệp, Tam Thời Nghiệp là định
nghiệp không thể chuyển nhưng bất định nghiệp thì nhờ nỗ lực, có thể
chuyển. Cứ theo thuyết Tám nghiệp nói ở trên thì phạm vi của Bất định
nghiệp rất rộng, như Tam Thời Nghiệp, thời kỳ tuy quyết định, nhưng các
loại dị thục thì đều không quyết định. Trong tám nghiệp đến năm nghiệp, ít
ra, không thể không thừa nhận có tính chất chuyển quả báo. Vả lại, chủ
trương của các nhà Thí Dụ là hết thẩy nghiệp đều có thể chuyển (Bà sa,
quyển 114, Đại chính, 27, tr. 593, cột giữa). Nếu bảo Tam Thời Nghiệp rốt
cục là chỉ quá trình như thực thì, khi cố gắng, không thể không thừa nhận
hết thảy là bất định. Tuy không nói rõ, vì nghiệp tất kính không ngoài
tính cách của ý chí, nên tập khí cho dù sâu dày đến đâu, nhưng do sự cố
gắng liên tục cũng có thể biến cải được. Theo ý nghĩa ấy, Thành Thật luận,
kế thừa Thí Dụ Sư đã dẫn lời trong Kinh, nói: “Nếu người chăm tu thân
giới,tâm tuệ, thì báo nghiệp địa ngục cũng có thể giảm khinh”. Lại như bài
kệ nói: “Tu tâm từ bi, vô lượng vô ngại, tất cả trọng nghiệp không thể
sánh kịp”. Dẫn chứng trong Kinh, thừa nhận túc nghiệp có thể chuyển. Đương
nhiên, Thành Thật chủ yếu luận về các bậc Thánh (1) (Bà sa) giới hạn trong
các bậc Thánh vô học) nếu là Thánh hữu học thì, vì gần với phàm phu, tuy
là người phổ thông, nhưng nhờ sức cố gắng phi thường mà tự tiến đến bậc
Thánh, chủ trương hết thảy túc nghiệp đều có thể chuyển: tôi cho rằng có
thể giải thích vậy. Phật giáo chủ trương “sám hối diệt tội” lý do chính là
ở đó. Ta cần ghi nhận điểm này. Tương truyền, khi Đại Thiên phạm vào ba
tội nghịch thì lòng thường bất an. Một hôm, ông nghe thấy một vị Tỷ khưu
ngâm bài kệ rằng: “Nếu kẻ gây trọng tội, tu thiện để diệt trừ, họ có thể
sáng chói, như trăng không mây che” (Bà sa, quyển 99, Đại chính, 27, trang
511, cột trên) và đó chính là động lực đã thúc đẩy ông xuất gia. Trường
hợp của Đại Thiên trên đây cho thấy Phật giáo thừa nhận trọng tội cũng có
thể được miễn trừ nếu người ta biết ăn năn, tu thiện. Điều này cứ xem ý
nghĩa trong bài kệ trên thì đủ rõ.
Tóm lại, nói một cách đại
thể, Phật giáo tuy thừa nhận túc nghiệp, nhưng chưa thể quyết định được là
túc nghiệp ấy có giống như cái gọi là Thần Ý luận hay Túc Tác luận không.
Ở hiện tại, con người có ý chí tự do, đồng thời, tuy có túc nghiệp quá
khứ, nhưng nhờ nỗ lực, tập quán, tín ngưỡng và giác ngộ nó có thể được
biến đổi. Thừa nhận thuyết Nghiệp mà không biến thành Túc Mệnh luận, có
thể nói, đó là đặc trưng của Phật giáo vậy.
(1) Nếu họ không hăn hái tu
đạo để thành A la hán thì sẽ đọa địa ngục để chịu nhân quả ; nếu hăn hái
tu đạo A-la-hán thì có thể lấy các nổi khổ ở địa ngục trong bản thân để
chịu nghiệp này (Bà sa quyển 20, Đại chính, 27, trang 109, thượng).