A. DẪN NHẬP
Khổ – một thực trạng tâm lý mà chúng sanh phải thọ nhận, cũng là một thách thức cho bao thế hệ con người đã đi qua. Bằng cách này hay cách khác người Phật tử phải tìm ra phương thức đoạn trừ nó. Nói Ta Bà Khổ! Ta Bà Khổ ! Không có nghĩa là các vị Tổ sư chúng ta gieo rắc chủ trương bi quan, yếm thế mà đó là tiếng nói của sự thật.
Nhưng đạo Phật không chấp nhận hóa giải khổ đau bằng phương pháp tu tập khổ hạnh, ép xác, cũng như phải tín ngưỡng trung thành, van xin một đấng thần linh nào đó. Thế nên, trên lộ trình giáo hóa, độ sanh, đức Phật Thích Ca Mâu Ni bao giờ cũng xác nhận Ngài là vị đạo sư dẫn đường, vị thầy cho thuốc, giúp chúng sinh tự chữa trị các căn bệnh vô minh, phiền não. Sở dĩ các đức Phật, Bồ Tát thị hiện vào cuộc đời cũng chỉ vì mục đích đó.
Ở đây, chúng ta tìm hiểu về Đức Phật Dược Sư là để xây dựng sự hiểu biết, niềm tin và sự nương tựa tu học đúng với chánh pháp.
B. NỘI DUNG
I. Hạnh nguyện độ sanh là gì ?
Sơ phát tâm của bậc Thượng Sĩ là chí nguyện cao quý, trong sáng, hồn nhiên chan hòa ánh Đạo ở chốn Thiền môn. Phải chăng, đây là nền tảng khởi nguyên để đạt đến hạnh nguyện của người xuất gia tầm đạo giải thoát. Vậy Hạnh nguyện độ sanh là gì ? Theo từ điển Phật học Hán Việt [1] : Hạnh nguyện là dịch âm - có nghĩa là hành động của thân và ý nguyện của tâm. Hai tướng này trợ giúp cho nhau làm nên việc lớn. Thanh Long sớ quyển Hạ giải thích : “Do hành và nguyện nương tựa vào nhau, cả hai cùng tu không lệch bên nào”. Do đó, Hạnh nguyện có nghĩa là tự thân hành động những ý nguyện của tâm. Ở đây, “độ sanh” là chỉ chung cho tất cả mọi loài từ hữu tình cho đến vô tình chúng sanh, mỗi mỗi đều có thể nương theo Phật, Bồ Tát vượt qua khổ ải trầm luân. Cũng tức là tế độ, độ thoát, dìu dắt chúng sanh từ nơi mê mờ đến ánh sáng rực rỡ bằng các phương tiện hay đẹp của chư Phật và Bồ Tát. Đức Phật Dược Sư phát ra 12 thệ nguyện cứu chữa các căn bệnh nghiệp cảm, vô minh của chúng sanh tức là hoạch định con đường tu tập từ nhân đến quả của các Đức Như Lai.
II. Khái quát về Đức Phật Dược Sư
1) Định nghĩa: Dược Sư tiếng Phạn là Bhaisajyaguru (Bhaisayaguru), gọi đầy đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, còn có danh hiệu là Đại y Vương Phật, Y Vương Thiện Thệ. Ngài là giáo chủ của nước Tịnh Lưu Ly ở Phương Đông, phát ra 12 thệ nguyện cứu chữa bệnh tật cho chúng sanh, chẩn trị căn bệnh vô minh.
Qua phần định nghĩa, chúng ta có thể tìm hiểu chính xác hơn về Đức Phật Dược Sư qua 12 thệ nguyện.
2) Lược giản 12 thệ nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly
+ Nguyện thứ nhất : Nguyện thân ta và hết thảy các loài hữu tình có hào quang rực rỡ.
+ Nguyện thứ hai : Nguyện có quang minh rộng lớn, uy đức vời vợi để khai nguồn thông suốt cho tất cả chúng sanh.
+ Nguyện thứ ba : Nguyện cho chúng sanh không thiếu thốn, tùy theo lòng mong cầu mà được toại nguyện.
+ Nguyện thứ tư : Nguyện cầu hết thảy chúng sanh đều tu theo Đại Thừa liễu nghĩa.
+ Nguyện thứ năm : Nguyện cho tất cả chúng sanh tu hành Phạm hạnh thanh tịnh, giữ gìn đầy đủ “tam tụ Tịnh giới”.
+ Nguyện thứ sáu : nguyện hết thảy chúng sanh đầy đủ thiện căn, trang nghiêm sáng suốt.
+ Nguyện thứ bảy : Nguyện cho tất cả chúng sanh thân tâm thường an lạc, chứng quả vô sanh.
+ Nguyện thứ tám : Nguyện được chuyển nữ thành nam đủ tướng trượng phu, tu chứng đạo vô thượng.
+ Nguyện thứ chín : Nguyện cho các loài hữu tình được giải thoát mọi ràng buộc của thiên ma ngoại đạo, tà kiến, ác kiến, dẫn dắt thu nhiếp họ trở về chánh kiến.
+ Nguyện thứ mười : Nguyện cho chúng sanh giải thoát các tai nạn bất thường, giặc cướp lấn hiếp của ác ma.
+ Nguyện thứ mười một : Nguyện cho chúng sanh bị đói khát được ăn uống ngon lành và no đủ – sau đó Đức Phật ban cho “Pháp vị” để dựng nên quả đức an vui.
+ Nguyện thứ mười hai : Nguyện hết thảy chúng sanh bị nghèo cùng khốn đốn đều được đầy đủ đồ dùng qúy báu trang nghiêm, “Sở nguyện tùy tâm, sở cầu như ý”.
Để nhận thức tường tận về Đức Phật Dược Sư trên bình diện tâm linh cũng như củng cố niềm tin đúng với chánh lý, chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu qua các phần như sau.
III. Tín ngưỡng đạo lý
1) Tin vào công năng cứu độ qua đại nguyện của Phật Dược Sư
Như trên đã trình bày 12 Đại nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khiến cho tất cả các loài hữu tình cầu gì cũng được. Bởi vì, 12 thệ nguyện là biểu thị cho công năng thực hành hạnh cứu khổ, hàm nhiếp cả Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả), của chư Phật, Bồ Tát. Nếu nói về Thần lực hành đạo thì Đức Phật Dược Sư cũng có thể hóa thân làm Bồ Tát để cứu độ chúng sanh thoát khỏi mọi tai ách. Đặc biệt, Ngài chữa trị các loại bệnh tâm lý. Có người khi gặp tai nạn hay bệnh chứng khó qua khỏi cơn nguy biến liền niệm danh hiệu “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, hay đứng chấp tay nhớ tưởng hình tượng của Ngài thì sẽ được hóa giải.
Từ đó, nếu chúng ta tu tập 12 hạnh nguyện trong đi, đứng, nằm, ngồi mỗi mỗi đều nhất tâm, tất nhiên sẽ cảm nhận một cách vi diệu trong từng ý niệm trong sáng của tâm thức. Và từng ý niệm trong sáng đó tác động đưa cơ thể vượt qua mọi bệnh tật. Ngày nay, khoa học đã công nhận “Nhân điện” là một phương thức trị bệnh. Họ có thể nhận “Thiên khí” vào cơ thể con người, sau đó kết hợp năng lượng sẵn có để có thể chẩn trị tất cả mọi chứng bệnh. Thế nên, chúng ta là đệ tử Phật sao không dùng pháp môn niệm Phật để điều hòa hơi thở và tự chữa trị bệnh cho tự thân. Đối với những hành giả tu tập, trên lộ trình chứng đắc đạo quả như Phật, tất nhiên phải cần thể nhập một cách hoàn hảo về 12 hạnh nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Vì Ngài là biểu thị cho chân lý và nhân cách hoàn mỹ, là bậc giác ngộ thành tựu Phật quả làm giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly
Đông phương Giáo chủ Đại Y Vương
Tiêu Tai Diên Thọ bảo an khương
Dược Sư Hải hội Dược Vương Thượng
Thất Phật Như Lai phương hộ trì. [1]
Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về, trăm hoa khoe sắc sau 3 ngày Tết Nguyên Đán, Lễ Hội Dược Sư được tổ chức thường niên. Theo truyền thống Phật Giáo, vào ngày mồng 8 đầu năm, các chùa thường “khai đàn Dược Sư” hay còn gọi là “Lễ Cầu An”. Hàng xuất gia cũng như tại gia chuyên tâm trì chú để cầu nguyện “thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc”. Đặc biệt, gồm có 49 ngọn đèn thắp lên tượng trưng cho ánh sáng và trí tuệ, đó là ánh sáng mầu nhiệm của Đức Phật Dược Sư và chư Phật mười phương soi sáng đến cho nhân loại.
Đức Phật Thích Ca dạy : “Ở phương Đông có một thế giới đặc biệt, đời sống an lạc và hạnh phúc tương đương với thế giới cực lạc của Đức Phật A Di Đà ở phương Tây : - “Này Mạn Thù Thất Lợi! … Trong khi tu Bồ Tát đạo ngài đã phát ra 12 đại nguyện làm cho tất cả chúng sanh có chỗ sở cầu đều toại nguyện”. Thế nên :
“Lòng từ tế độ khắp tam thiên
Trăm ngàn ức kiếp Đại Y Vương
Thường đem mắt tuệ soi phàm tục
Chúng sanh mong cầu thảy hiện tiền”. [1]
Mười hai thệ nguyện của Đức Phật Dược Sư có mãnh lực rất lớn. Bất luận người xuất gia học đạo hay cư sĩ tại gia, nếu tu tập, trì tụng kinh Dược Sư nhớ nghĩ hình tượng hoặc niệm danh hiệu của Ngài đều có thể vượt qua tất cả nguy hiểm, như bị giam cầm lao ngục được an vui tự tại. Hoặc thờ tượng Đức Phật Dược Sư hàng ngày chiêm ngưỡng, lễ bái thì được thân tướng đẹp đẽ, trang nghiêm, trí tuệ sáng suốt. Đặc biệt, tại làng Hồng, Hòa Thượng chủ giảng : “Đối với hàng xuất gia trong lúc tu tập, nếu bị sai lạc thì Ngài gia hộ cho chúng ta tu hành chơn chánh không bị tà ma ngoại đạo quấy nhiễu. Hoặc đối với những người phạm giới phá trai, nếu chí thành cầu nguyện Đức Phật Dược Sư thì sẽ được khôi phục lại giới thể, phát huy những hạnh lành, tu hành tinh tấn chứng được đạo vô thượng Bồ Đề”. Cho nên trong kinh Dược Sư có bài kệ :
Hạnh nguyện của Phật khó nghĩ bàn
Đưa hết chúng sinh lên cõi tịnh;
Muốn lên phải tụng và phải tu
Bỏ hẳn đường tà, theo đường chính
[Tuệ Nhuận]
Vậy, hạnh nguyện là món ăn tinh thần của mỗi hành giả, bởi vì chúng ta thường quan niệm “sống phải có ý nghĩa, tu phải có hạnh nguyện”. Điều đó chứng tỏ trong việc mong cầu hạnh phúc, an vui người Phật tử không thể thiếu hiểu biết, niềm tin và hạnh nguyện cũng như những gì thuộc về tâm linh. Phật giáo vẫn thừa nhận người tu hành chân chánh sẽ được Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp thiện thần hộ niệm, nhưng muốn thành Phật thì phải áp dụng 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư trong đời sống tự thân. Những công đức hành trì đó có thể tự trị các bệnh tật.
2) Công đức đọc tụng và trì chú Dược Sư :
Thần lực của Đức Dược Sư Như Lai sẽ giữ gìn che chở cho hành giả (người tu theo bản nguyện của Phật Dược Sư) và được sự bảo hộ của 12 đại tướng :
(1) Cung – Tỳ – La Đại Tướng, (2) Phạt chiếc – La Đại tướng, (3) Mê – Súy – La Đại tướng, (4) An Để – La Đại tướng, (5) Át – Nễ – La Đại tường, (6) San – Để – La Đại tướng, (7) Nhơn Đạt La Đại tướng, (8) Ba – Di - La Đại tướng, (9) Ma – Hổ - La Đại tướng, (10) Chơn – Đạt - La Đại tướng, (11) Chiêu Đỗ La Đại tướng, (12) Tỳ Yết La Đại tướng.
Trong cuộc sống bình nhựt của người xuất gia cũng như tại gia, nếp sống tâm linh ảnh hưởng rất lớn đối với tự tâm của mỗi người. Nếu hằng ngày chúng ta trì niệm, đọc tụng hoặc xưng danh hiệu của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì sẽ được ứng nghiệm ngay trong hiện tại. Đặc biệt “Chú Dược Sư” mang một ý nghĩa rất quan trọng khi chúng ta hành trì, vì chẳng những vượt qua mọi khổ ách, mà sau khi mạng chung còn được sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly, dần dần tu chứng đến đạo qủa Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác.
Duyên khởi của thần chú Dược Sư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho Mạn Thù Sư Lợi Bồ Tát trong Kinh Dược Sư Bổn Nguyện công Đức trang 74 : “Này Mạn Thù Thất Lợi! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia khi chưa chứng được đạo Bồ Đề, do sức bổn nguyện mà Ngài quan sát biết chúng hữu tình, gặp phải các thứ bệnh khổ như da vàng, gầy ốm, cảm nhiệt thương hàn”… Vì muốn những bệnh khổ ấy được tiêu trừ và lòng mong cầu an lạc của chúng hữu tình được mãn nguyện, nên Ngài liền nhập định tên là “Định diệt trừ tất cả khổ não cho chúng sanh”. Khi Ngài nhập định, từ trong nhục kế phóng ra luồng ánh sáng lớn, trong luồng ánh sáng ấy nói chú Đại Đà La Ni :
“Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã, lũ lô thích lưu ly bác lặc bà, hắc ra xà giả. Đát tha yết đa gia, a ra hắc đế. Tam miệu tam bột Đà gia, dát điệt tha, Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tammột yết đế tóa ha!!”
Phạn Âm :“Namo bhagavate bhaisajya guơu vaidurya prabharajaya tuthàgtàya asahate Samyak Sambuddhaya tacljathà : Om bhaisajye bhaisajya Samudgate Svàhà!!” [1]
Như vậy, công đức đọc tụng, hành trì chú Dược Sư rất vi diệu. Chúng ta có thể gặt hái những thành qủa tốt đẹp ngay trong hiện tại. Bời vì, đó là, những âm thanh của Chư Phật nói ra có ảnh hưởng trực tiếp đến nhịp điệu rung chuyển của làn sóng quang minh trong tâm thức chúng sanh. Từ đó, niềm tin được vững chắc, chí nguyện được viên mãn, chính là nhờ công đức bất khả tư nghì của bản nguyện Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Nhất là lúc lâm chung chỉ cần nghe danh hiệu của Ngài liền có tám vị Đại Bồ Tát có sức thần thông đến chỉ lối đưa đường sang thế giới Cực Lạc, hoa báu trang nghiêm.
3) Ảnh hưởng cuộc sống tinh thần tín ngưỡng
Phàm là con người ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc an lành, cho dù là ít học hay là người trí thức. Nhưng đường đời đã có thuận ắt phải có nghịch. Những vấn đề cuộc sống khi không giải quyết được chắc chắn họ sẽ tìm đến tôn giáo. Điều đó có nghĩa là trong cuộc sống, vấn đề tín ngưỡng ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần của mỗi người. Song thực tập 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư có lợi ích gì?
Dĩ nhiên, trong thời đại ngày nay đối với người xuất gia hay cư sĩ ít có ai thực hành hay phát nguyện điều gì gọi là “theo dấu chân xưa” của Đức Phật Dược Sư. Vì sao ? Đa phần, niềm tin bị hạn chế bởi những người đặt nặng vấn đề vật chất lên trên đời sống tinh thần. Vì thế, mặc dù hàng ngày có trì niệm đọc tụng kinh Dược sư nhưng hiệu quả rất thấp, đó là vì họ không thành tâm thành ý. Mỗi hạnh nguyện có một công năng đặc thù, nếu trong đời này, bất cứ hành giả nào khi có tín tâm rồi nên phát nguyện sanh về cõi Tịnh Lưu Ly của Đức Phật Dược Sư. Sự phát nguyện này, đòi hỏi hành giả ứng dụng 12 lời nguyện vào cuộc sống để phát huy công đức lành của tự tâm, đưa tâm mình thể nhập chân lý tuyệt đối. Chẳng hạn chuyện cách đây 10 năm : “Có một gia đình giàu có, nguồn gốc Tổ tiên vì theo truyền thống Phật Giáo nhiều đời nên rất mộ đạo. Họ chỉ có một người con trai độc nhất, bất hạnh thay! người con trai ấy chỉ biết theo những bạn bè xấu ăn chơi, sa đọa, vào tù ra khám. Những hành động như vậy khiến cha mẹ buồn rầu, khổ não. Vì thế, người mẹ hàng ngày thường đến chùa cầu nguyện. Được Quý thầy hướng dẫn nên cô thờ đức Phật Dược Sư, mỗi đêm quỳ trước hình tượng của Ngài niệm danh hiệu hoặc trì tụng kinh Dược Sư… Vi diệu thay ! Sau một thời gian thành tâm cầu nguyện như vậy, dần dần chuyển hóa được tâm tánh của cậu con trai…”
Qua câu chuyện trên, từ niềm tin tín ngưỡng tác động đến hiện thực cuộc đời qua 12 hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư. Thực sự nó ảnh hưởng rất sâu sắc, quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người đệ tử Phật. Những hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư được ví như là những phương thuốc đặc trị những tâm bệnh của chúng sanh.
Như vậy, đối với hàng xuất gia và tại gia trong cuộc sống hiện thực, không thể không thực hành những hạnh nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Hạnh nguyện độ sanh của Đức Dược Sư với bao năng lực huyền bí để tế khổ bảo an, như chiếc thuyền “Từ” luôn sẵn lòng “vị tha vô ngã” để chuyên chở bao chúng sanh từ bể khổ lầm than đến bờ giác ngộ, giải thoát.
Đó là chân giá trị bất hũ, bởi vì sự hành trì hiện tại vẫn mang lại hữu ích lớn lao cho hành giả tu tập “bản nguyện công đức của Đức Dược Sư Quang Như Lai”.
Như vậy, hy vọng rằng với nhận thức trên, có thể góp phần xây dựng niềm tin về hành nguyện độ sanh của Đức Dược Sư Như Lai.
IV. Giá trị biểu trưng và hiện thực
Theo Phật Giáo, lộ trình thể nhập cõi đạo có nhiều phương tiện, trong đó có giáo pháp dựa trên cơ sở khai quyền, hiển thật (mở phương tiện để hiển bày thật tướng), hoặc từ thật tướng mở ra phương tiện (quyền). Do đó,ngoài góc độ tín ngưỡng, siêu hình, Triết học Phật giáo bao giờ cũng đặt giá trị biểu trưng và hiện thực để giúp người Phật tử trở về với cội nguồn tuệ giác chính mình. Thế thì, hình ảnh biểu trưng cũng như giá trị hiện thực về Đức Phật Dược Sư có ý nghĩa như thế nào ?
1) Hình ảnh biểu trưng
Như chúng ta đã biết, chân dung Đức Phật Dược Sư được tín ngưỡng xưa nay là hình tượng có tóc xoắn ốc, tay trái cầm bình thuốc (còn gọi là ngọc qúy), tay phải kiết ấn thí vô úy. Hai bên có 2 vị Bồ tát làm thị giả Đức Phật, như bên trái là Bồ tát Nhật Quang, bên phải là Bồ tát Nguyệt Quang. Đây là hình ảnh được gọi là Dược Sư tam tôn.
Về hình tượng tóc xoắn ốc là một trong những tướng tốt của Đức Phật. Tay cầm bình thuốc (hoặc cầm ngọc qúi) là biểu thị cho ý nghĩa – Đức Phật Dược Sư có vô lượng công đức, báu vật và diệu pháp mầu nhiệm để giúp Hành giả tu tập, chuyển hóa tự thân. Điều đặc biệt ở đây là tay phải Ngài kiết ấn vô úy. Vô úy chính là không sợ hãi. Hình ảnh kiết ấn của Đức Phật Dược Sư với mục đích giúp Phật tử tự tin để thiết lập sự bình yên cho thân và tâm.
Hai vị Bồ tát đứng hầu Đức Như Lai Dược Sư là biểu trưng cho căn bản trí (nhật Quang Biến Chiếu) và hậu đắc trí (Nguyệt Quang Biến chiếu). Điều đó, xác định mọi phương tiện mà Ngài vận dụng đều phát xuất từ hai Trí này. Hơn nữa, Lưu Ly là chỉ cho một trong bảy báu vật, đó là loại đá quý màu xanh. Màu xanh là biểu thị từ bi và sự sống. Hình ảnh Đức Phật trụ Phương Đông là biểu trưng nơi có nguồn sống vô tận. Thế nên, Đức Phật Dược Sư là tổng thể, bao hàm mọi hình ảnh, có tác dụng khai phóng tâm thức hành giả. Từ ý nghĩa trên, có thể khẳng định rằng, mọi chúng ta là một Đức Phật Dược Sư, nếu phát huy tận cùng công đức, trí tuệ và diệu pháp nhiệm mầu của Bản tâm. Thế nhưng, muốn đạt được, chúng ta phải ứng dụng 12 đại nguyện Đức Dược Sư vào đời sống tự thân, thì chắc chắn những đức tính cao qúy đó sẽ được thành tựu.
2) Giá trị hiện thực :
Cũng như Phật A Di Đà, Đức Dược Sư Như Lai đã trang nghiêm tự thân và cõi nước của Ngài bằng 12 đại nguyện. Từ khi phát tâm, lập nguyện cho đến ngày thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là cả quá trình hành đạo Bồ Tát. Đây là kết quả của sự nỗ lực, tinh tấn không ngừng trong việc tu tập, ban vui cứu khổ chúng sanh nhiều đời.
Ở đây, dựa trên 12 đại nguyện, chúng ta thấy Đức Phật Dược Sư đã xây dựng mô hình tịnh độ, trong đó lấy chúng sanh làm trung tâm để hoàn thiện. Do đó, nội dung mỗi lời nguyện đều nói lên mục đích là giải phóng khổ đau cho tất cả chúng sanh. Chúng sanh là đối tượng để Bồ tát thực hiện viên mãn về hạnh nguyện. Hơn nữa, theo quan niệm của Phật giáo, sự thành tựu mỗi vị Phật, ngoài yếu tố hạnh nguyện, mục đích, bước tiếp theo còn phải cụ thể hóa bằng hành động. Chính hành động lợi mình lợi người mới là điều kiện căn bản để trang nghiêm cho báo thân Phật (chánh báo) và cõi nước (y báo) đạt đến hoàn bị. Và khi còn ở lộ trình tu nhân, Đức Phật Dược Sư đã thể hiện được điều đó, nên cảnh giới tịnh độ của Ngài là một mô hình lý tưởng cho Phật tử chúng ta hướng về noi gương, tu học.
Trên cơ sở này, sự tôn kính, lễ bái đi đôi với việc thực hành 12 đại nguyện sẽ giúp chúng ta xây dựng cõi nước trang nghiêm, thanh tịnh như Ngài. Điều đó hành giả phải hoàn thiện trên hai mặt, nghiêm tịnh tự thân và cõi nước. Về tự thân, chúng ta cần giữ gìn tịnh giới, thực tập thiền định, phát huy trí huệ vô lậu để chuyển hóa những ý niệm tham muốn, hờn giận, si mê, ích kỷ, ghen ghét, chấp ngã, pháp v.v… trở về tự tánh sáng suốt, bình đẳng, thanh tịnh. Sự chuyển hóa đó cần phải thực hiện với tâm vô trú, vô hành. Đây cũng là cách kiến tạo thế giới tịnh độ nơi lòng mình.
Song song với việc hoàn thiện tự thân, hành giả còn phải tu tập hạnh Bồ tát trên cơ sở mười hai đại nguyện, tức lấy chúng sanh làm đối tượng, hướng dẫn họ đạt đến an lạc và giải thoát; làm được điều này cũng có nghĩa là kết duyên quyến thuộc với chúng sanh, cùng sống chan hòa trong ánh đạo, biến cõi ta bà thành nước Phật.
Ngày nay, trên thế giới, có những quan niệm, khuynh hướng và hành động đẩy nhân loại đến vực thẳm tương tàn, tương sát, nhất là nạn chiến tranh, khủng bố, thù hận, bệnh tật đang hoành hành. Là người Phật tử, tại sao chúng ta không đem mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, ứng dụng cho đời sống tự thân và mọi người, mọi thành phần xã hội, giúp họ một hướng đi đích thực trong việc phục vụ nhân sinh. Đây là hành động tích cực, nhằm xây dựng cõi nhân gian trở thành cảnh giới Tịnh độ đầy đủ chánh báo và y báo trang nghiêm. Nếu làm được điều đó, mỗi người Phật tử sẽ là một thành viên tích cực trong công tác kiến tạo nền hòa bình, tự do và thịnh vượng cho thế giới.
C. KẾT LUẬN
Đức Phật Dược Sư là vị Đạo sư đầy đủ diệu pháp, diệu dược, có khả năng hóa giải mọi khổ đau chúng sanh. Qua mười hai hạnh nguyện cũng như sự thành tựu viên mãn về sự kiến tạo Tịnh độ của Ngài đã cho chúng ta nhiều bài học thực tiễn trong con đường tu tập và hành đạo Bồ Tát.
Từ thành quả và những năng lực siêu việt của Ngài, nên không những Phật giáo đồ Việt Nam, mà Phật giáo các nước Châu Á đều luôn tôn kính và ngưỡng vọng.
Sự sùng tín bằng niềm tin có thể đem lại một kết qủa nào đó nhất định, nhưng nếu coi đây là điều kiện tuyệt đối, sẽ dẫn đến xem Đức Phật Dược Sư là vị thần linh.
Song căn cứ trên tính biểu trưng và giá trị hiện thực, Phật tử chúng ta cần nên nhận thức Đức Phật Dược Sư là vị thầy có vô số diệu pháp, giúp tự thân chúng sanh chuyển hóa khổ đau thành an lạc, giải thoát, biến cõi Trần gian thành Tịnh độ huy hoàng, hơn là chỉ biết cầu nguyện, van xin…
Con đường dẫn đến an lạc và hạnh phúc cho tự thân và muôn loài đang nằm trong tầm tay mọi người, nếu chịu quay về sống với đạo lý từ bi, trí tuệ và mười hai hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư./.
Nguồn: www.quangduc.com