Thiền,
cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh
của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải
thoát, đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm
nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng
buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới
ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai
phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong
mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh
thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng
thoát đâu được.
Thật
vậy, thân thể ta có thể ví như một cục “pin” điện,
trong ấy tiềm phục một năng lực huyền bí. Khi nguồn nội
lực ấy không được vận dụng đúng cách thì, hoặc bị
mốc meo mà mai một, hoặc nghịch biến mà phát loạn. Nên,
đó là chủ đích của Thiền, nhằm cứu ta hoặc khỏi khùng
điên, hoặc khỏi tàn phế. Tôi muốn nói tự do là vậy, mở
thông tất cả nguồn kích động đầy sáng tạo và từ hòa
ấp ủ trong con tim chúng ta. Ta thường quáng mắt không biết
mình đang làm chủ cả một kho tàng vô tận gồm đủ năng
khiếu cần để sống vui, và thương yêu lẫn nhau. Mọi cuộc
tranh đấu diễn ra quanh ta toàn bắt nguồn từ sự vô minh
ấy, nên Thiền muốn ta mở bừng con mắt thứ ba - huệ nhãn
– theo thuật ngữ Phật giáo, trên cảnh giới ấy ta chưa
bao giờ mơ tưởng đến, bị khuất lấp bởi vô minh. Hễ
vẹt mây vô minh thì càn khôn toàn hiển, và đó là lúc nhãn
quang ta, lần đầu tiên, phóng chiếu tận thể tánh của chúng
ta. Bấy giờ, ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống, ta biết rằng
đó không phải là một nỗ lực mù quáng, mà cũng không phải
là trường thao diễn những bạo lực vô tri; nhưng dầu không
thấu triệt được ý nghĩa tối hậu của kiếp người, vẫn
có cái gì trong đó khiến ta vui không cùng để mà sống, và
qua mọi cuộc thăng trầm ta vẫn thảnh thơi mà an thân lập
mệnh, không thắc mắc, không hoài nghi, không bi quan yếm thế.
Khi
ta căng đầy nhựa sống, chưa thức tỉnh trong việc đời,
ta không thể nhận ra được tầm nghiêm trọng của những
cuộc xung đột nằm trong cuộc sống, tạm thời chúng như
ngủ im trong thế tịnh. Nhưng trước sau gì có ngày ta phải
nhìn thẳng vào cuộc sống; phải đối diện với đời, và
thẳng thắn giải quyết những bí mật khắc khoải nhất,
cấp bách nhất của kiếp người. Khổng Tử nói:
“Ta
mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ
vững bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời,
sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tuy lòng muốn mà vẫn
không ra ngoài phép tắc”.
Một
câu nói cao kiến làm sao của bậc chí thánh Trung Hoa! Các nhà
tâm lý học đều tán đồng kiến giải ấy, vì thường thường
vào lối mười lăm tuổi, người con trai mới bắt đầu trịnh
trọng quan sát quanh mình, và tra hỏi về ý nghĩa của cuộc
sống. Tất cả nguồn năng lực siêu hình, bấy lâu vùi kín
trong tiềm thức, bỗng dưng như cùng một lúc trào vọt ra.
Nếu chúng bùng ra dồn dập và bạo quá, tâm trí có thể mất
thăng bằng một thời gian, lâu hoặc mau; trên thực tế, nhiều
trường hợp kiệt quệ thần kinh như vậy đã được ghi nhận
trong tuổi trẻ, mà nguyên do chánh không ngoài sự đổ vỡ
thế quân bình nội tại. Thường thì hậu quả không vết
tích gì sâu đậm; nhưng ở đôi căn tạng thì khác hẳn; hoặc
vì những khuynh hướng nội tại, hoặc vì sức tác động
mạnh của những luồng ảnh hưởng xung quanh vào bản chất
dễ cảm kích, cơn thức tỉnh tâm linh ấy chấn động họ
đến tận cùng cá thể. Đó là lúc phải dứt khoát chọn
giữa cái “vĩnh viễn có” và “vĩnh viễn không”. Chính
sự chọn lựa ấy mà Khổng Tử gọi là “học”. Học đây
không phải là học kinh sách, mà chính là lặn sâu vào những
bí mật của cuộc sống.
Thường
thường, lối thoát của cuộc tranh đấu là cái “vĩnh viễn
có” hoặc “vâng ý Cha”(1) vì rốt cuộc rồi bao giờ sống
cũng là "có", là khẳng định, mặc cho những người bi quan
quan niệm nó dưới vô số hình thức phủ nhận. Tuy nhiên,
ta không thể chối cãi trong đời có nhiều sự việc kéo lệch
trí óc dễ cảm của ta sang một hướng khác, để ta phụ
họa theo lời than vãn của nhà văn Andreyew(2) trong tác phẩm
"Nhân sinh" của ông:
“Tôi
nguyền rủa cái gì ngươi cho tôi. Tôi nguyền rủa ngày tôi
sanh. Tôi nguyền rủa ngày tôi chết. Tôi nguyền rủa tất
cả gì trong đời tôi. Tôi hắt tất cả vào mặt tàn nhẫn
mi, ôi Định Mạng vô tri giác! Khốn kiếp! Ôi khốn kiếp!
Bằng những lời thóa mạ ta thắng mi. Mi còn làm gì ta nữa?...
“Trong
hơi thở cuối cùng, ta thét vào tai trâu mi: Khốn kiếp! đồ
khốn kiếp!”
Quả
là một bản án khủng khiếp, một phủ nhận toàn triệt cuộc
sống, một bức tranh cực kỳ hắc ám về số kiếp con người
trên trái đất này. “Không lưu một dấu tích”, thật không
gì đúng hơn, vì chúng ta không biết gì hơn về tương lai
ngoài việc chúng ta sẽ tiêu mất hết, cả trái đất dung
thân này nữa. Hẳn vậy, người ta có đủ lý do để chán
đời.
Sống,
với hầu hết chúng ta, là khổ. Đó là một sự thật khó
phủ nhận. Bao giờ sống còn có nghĩa là tranh đấu thì thế
gian này chẳng qua là một trường đau khổ. Tranh đấu là
gì, nếu không là sự xô xát giữa hai đối lực mà bên nào
cũng cố chiếm phần hơn? Nếu thua thì hậu quả là cái chết,
mà chết là cái kinh khủng nhất trong đời. Tuy nhiên, dầu
có chiến thắng được cái chết, con người lại rơi vào
cô đơn, mà cô đơn lắm khi còn khó chịu hơn là tranh đấu.
Ta có thể không hay biết gì hết, và cứ buông lung theo dục
lạc nhất thời, nhưng có phải vì không hay biết mà sự đời
đổi khác phần nào khuôn mặt thực được đâu? Dầu cho
người mù cố tình không nhận có mặt trời vẫn không hủy
bỏ được mặt trời. Họ vẫn bị nắng nhiệt đới đốt
cháy tơi bời, và nếu không tìm chỗ che đụt vẫn bị
quét sạch trên thế gian này.
Thật
vậy, Phật không ngoa chút nào khi Ngài xiển mình bốn chân
lý tối thượng - tứ diệu đế - mà chân lý đầu là sống
là khổ - khổ đế. Chúng ta há chẳng mang tiếng khóc ra đời
như một lời phản đối sao? Ít ra, ta có thể nói chắc rằng
từ lòng mẹ êm ấm lọt ra ngoài để đi vào một thế giới
giá buốt, đầy bất trắc, là một biến cố đau thương.
Rồi lớn lên càng đèo theo khổ não. Mọc răng cũng đau buốt,
không ít thì nhiều; tuổi dậy thì thường trải qua nhiều
biến động, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Đối với cơ
thể lớn hơn là xã hội, sự trưởng thành cũng đánh dấu
bằng những tai ương khổ não, và hiện tại ta đang chứng
kiến một trường hợp đau đẻ ấy. Ta có thể nguội lạnh
ngồi nói lý, và cho rằng đó là việc không thể tránh, rằng
cuộc kiến thiết nào cũng mọc lên từ những hoang tàn của
chế độ cũ, và không tránh đâu được cơn đau giải phẫu.
Nhưng sự phân tách lạnh lùng ấy của tri thức có đỡ được
chút nào đâu những cấu xé của cơn đau. Nỗi khổ xoáy vào
thần kinh ta, ăn sâu mãi, không nhổ được. Dầu khéo biện
luận cho mấy thì đời vẫn vậy thôi, một trường tranh đấu
đầy khổ lụy, đau thương.
Tuy
nhiên, đó lại là điều may lớn cho ta. Vì ông càng khổ thì
tâm chí ông càng tinh luyện, và càng tinh luyện ông càng thâm
nhập vào lẽ nhiệm mầu của kiếp sống. Tất cả những
nhà nghệ sĩ cự phách, những đấng giáo chủ siêu tuyệt,
những tay cách mạng xã hội bạt tụy, đều thường mắt
đẫm lệ, tim rướm máu, vươn lên từ những cuộc tranh đấu
gay go nhất do các ngài hào hùng đứng lên lãnh đạo. Nếu
chén cơm ông ăn chưa trộn mùi cay đắng thì ông chưa thực
nếm đủ mùi đời. Mạnh Tử sáng suốt vô cùng khi ngài nhận
xét:
Khi
trời muốn giao phó một trọng trách cho người nào thì trước
hết làm cho khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt, đói cái
thể xác, cùng túng cái thân người ấy, động làm gì cũng
nghịch ý muốn; có vậy mới khích động cái tâm, kiên nhẫn
cái tánh, thêm ích cho những điều chưa hay làm được(3).
Tôi
thấy nhà văn Oscar Wilde(4) dường như hay thích nói nghịch,
cốt được bật nổi; có lẽ ông là một văn hào, nhưng ở
ông có cái gì khiến tôi phải ngài ngại ngoảnh mặt đi.
Dầu vậy, Lời Kinh Siêu Độ của ông vẫn đầy niềm cảm
thán thâm diệu:
Suốt
mấy tháng trường vừa qua, và sau những biến cố và tranh
đấu khủng khiếp, tôi mới vỡ lẽ được một ít bài học
bấy lâu bị che lấp trong con tim của khổ đau. Các bậc tu
hành và nhiều người mê muội khác đôi khi nói đến cái
khổ như một cái bí mật. Tôi nghĩ rằng đích thực đó là
một sự khai ngộ. Người ta nhận biết những việc mà trước
kia không bao giờ nhận biết được. Người ta đi thẳng vào
tự sự của cái khổ bằng một quan điểm hoàn toàn khác.
Đoạn
văn cho ta thấy tác động kỳ diệu của ngục tù vào bản
lĩnh của nhà văn. Nếu từ lúc vào nghề, ông nếm qua những
thử thách như vậy hẳn văn nghiệp của ông còn đồ sộ
gấp bội hơn những gì hiện có.
Chúng
ta quá qui hướng vào chính ta. Ta sống trong vỏ ốc của tự
ngã, ngày càng lớn theo ta, cơ hồ không lột bỏ được. Dường
như ta mang nó theo suốt đời, từ tấm bé đến ngày nhắm
mắt. Tuy nhiên, thiên nhiên vẫn hiến cho ta nhiều cơ hội
đập vỏ bước ra, và cơ hội đầu tiên, thuận tiện nhất,
là khi ta bước vào thời hoa niên. Đó là lần đầu tiên cái
tôi của ta thoạt biết có “người khác”. Tôi muốn nói
đến sự thức tỉnh của dục tình. Một cái tôi, tưởng
là toàn nguyên, là bất khả phân, giờ đây như tự chẻ đôi
ra. Tình yêu bấy lâu ngủ say trong đáy tim vươn mình lên,
và gây bạo động. Vì đây là lúc vừa dấy lên, tình yêu
đòi hỏi ngay, cùng một lúc, vừa xác định cái tôi, vừa
trừ bỏ cái tôi. Tình yêu khiến cái tôi tự mất đi trong
đối tượng nó yêu, nhưng đồng thời cũng đòi quyền chiếm
hữu đối tượng ấy. Thật là mâu thuẫn; và chính mâu thuẫn
ấy là một đại bi kịch của nhân sinh. Cảm giác căn bản
ấy có lẽ là nguyên động lực thúc giục loài người hướng
thượng. Thượng Đế ban khổ cho con người để hoàn toàn
tất con người. Tiết mục quan trọng nhất trong văn chương
khắp thế giới nầy không ngoài sự hòa điệu, trên mọi
cung bậc, ca khúc ấy của yêu đương, chừng như không bao
giờ biết chán. Nhưng đó không phải là vấn đề của chúng
ta. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong câu chuyện liên hệ đến
chúng ta ở đây là: bằng sự thức tỉnh của tình yêu, ta
thoáng nhận ra cái vô cực, và cái hé mắt ấy giục tuổi
trẻ đi vào cuộc sống lãng mạn hoặc thuần lý, tùy tánh
ý, hoàn cảnh hoặc giáo dục.
Khi
cái tôi bể vỏ và rước “cái khác” vào tự thân, ta có
thể nói đó là lúc cái tôi tự phủ nhận nó, hoặc đó là
bước đầu trong cuộc đăng trình của cái tôi đi đến vô
cực. Trên bình diện tôn giáo, đó là khởi điểm của một
cuộc xô xát tơi bời giữa hữu cực và vô cực, giữa tri
thức và một năng khiếu cao hơn, hoặc nói nôm na hơn, giữa
xác và hồn. Đó là vấn đề trên tất cả vấn đề, từng
đẩy hơn một chàng trai vào vòng tay của quỉ Satan. Khi người
lớn tuổi dòm lại những ngày niên thiếu không khỏi rùng
mình ớn lạnh toàn thân. Cuộc tranh đấu cần dấn vào với
tất cả lòng thành có thể kéo dài đến tuổi ba mươi, như
lời Khổng Tử nói: tam thập nhi lập. Ý thức tôn giáo, tức
đạo tâm, giờ đây hoàn toàn thức giấc, nên người ta mang
tất cả nhiệt huyết, cao độ nhất, dọ thử tất cả con
đường thoát ly tranh đấu, hoặc chấm dứt tranh đấu, không
từ một thí nghiệm nào. Sách nào cũng đọc, cuộc diễn thuyết
nào cũng dự, bài giảng đạo nào cũng thèm nghe, và đủ phép
tu tập nghiệm qua thử. Và tự nhiên đạo Thiền cũng được
gõ cửa đến để hỏi thăm.
Bằng
cách nào Thiền giải quyết vấn đề trên tất cả vấn đề
ấy?
Trước
hết, giải đáp Thiền được đưa ra là trực tiếp kêu gọi
đến ánh sáng của chứng nghiệm bản thân, thay vì kiến thức
của sách vở. Là trường khắc chế giữa hai thái cực, hữu
và vô, thể tánh của con người chúng ta phải được túm
lấy bằng một năng khiếu khác hơn là tri thức(5). Vì Thiền
cho rằng chính tri thức ấy tạo ra cho ta đủ thứ vấn đề
để không bao giờ tự giải quyết được, nên cần dẹp nó
qua một bên, nhường chỗ cho một cái khác, siêu đẳng hơn,
minh triết hơn. Vì đặc chất của tri thức là tán loạn,
ưu tư. Dầu rằng nó dựng đứng lên đủ thứ vấn đề khả
dĩ quấy động sự thanh tịnh của tâm, rất ít khi nó đưa
ra nổi một giải đáp thỏa đáng. Nó lật đổ thế yên ổn
đầy thú vị của vô minh mà không phục hồi được trạng
thái ban sơ của muôn vật bằng một thứ gì khác. Nghĩ rằng
nó phát giác ra vô minh, đôi khi người ta coi nó như có khả
năng chiếu phá, nhưng sự thực nó toàn gây rối, nhất định
không rọi được một tia sáng nào trong những động dụng
lăng xăng. Nó không rốt ráo, cứ chờ ở cái gì khác, siêu
việt hơn, giải quyết cho nó tất cả vấn đề nó quen tật
đặt ra, bất chấp hậu quả. Nếu nó có khả năng đem lại
một trật tự mới trong thế hỗn loạn, dứt khoát một lần,
thì hẳn loài người không cần đến triết học nữa một
khi đã có hệ thống triết học đầu tiên dựng lên từ khối
óc lớn của một Aristole hoặc một Hegel. Nhưng lịch sử triết
học chứng minh rằng một lâu đài tư tưởng nào của một
trí óc siêu tuyệt nào dựng lên nhất định sớm muộn gì
cũng bị người sau đánh đổ. Cái trò đạp xuống dựng lên
liên miên ấy hẳn là thường tình đối với triết học,
vì lẽ chân tướng của tri thức buộc nó phải vậy, không
sao chấm dứt được những thắc mắc tìm tòi, cũng như ta
không ngưng thở được. Nhưng đã gọi rằng sống, ta không
thể ngồi chờ câu giải đáp dứt khoát của tri thức, dầu
nó làm được. Ta không thể ngưng sanh hoạt, dầu trong chốc
lát, chờ triết học vén lên màn bí mật. Bí mật mặc bí
mật, nhưng ta phải sống. Người đói không thể chờ khoa
học phân tách xong thức ăn, qui định xong phân lượng mỗi
yếu tố dinh dưỡng. Với người chết, kiến thức khoa học
về thực phẩm không nhằm vào đâu hết. Do đó Thiền không
cậy vào tri thức để giải quyết những đại sự của Thiền.
Nói
chứng nghiệm bản thân có nghĩa là nắm lấy cơ sự khi vừa
phát khởi, không qua bất cứ trung gian nào. Lời ví thông thường
của Thiền là: dùng ngón tay chỉ mặt trăng, thấy trăng rồi
phải quên ngón tay(6); dùng nôm bắt cá, được cá phải quên
nôm. Cơ sự là vậy, cần nắm ngay giữa đôi tay trần kẻo
nó vuột mất - đó là thuật tiếp xử Thiền đề ra cho chúng
ta. Cũng như thiên nhiên, ghê tởm cái trống rỗng, Thiền ghê
tởm bất cứ gì xen giữa cái thực và chúng ta. Theo Thiền,
không có gì khác nhau hết, trên thực tế, giữa hữu cực
và vô cực, giữa xác thịt và linh hồn. Đó toàn là sự phân
biệt vu vơ, là vọng tưởng, do tri thức dụng ý đặc bày.
Ai quá chủ tâm đến chúng, hoặc nhìn đâu cũng thấy chúng
trong thực tế sanh hoạt, ắt chấp ngón tay làm mặt trăng.
Đói thì ăn, buồn ngủ thì đi ngủ, có gì là vô cực hữu
cực trong đó sao? Chúng ta há chẳng tự đủ ở chúng ta, và
ở mỗi người sao? Cuộc đời như hiện giờ chưa đủ sao?
Chỉ vì có tri thức len vào, gây lo âu, toan sát hại, nên ta
hết sống, và tưởng rằng mình thiếu một cái gì. Hãy để
yên cho tri thức động dụng trong thế giới riêng của nó,
dầu sao cũng có ích, nhưng đừng để nó cản trở dòng đời.
Nếu rốt cùng ông vẫn thèm khát nghiên cứu cuộc đời thì
cứ nghiên cứu nó trong dòng trôi chảy. Dòng trôi chảy ấy
không nên, trong bất cứ trường hợp nào, ngăn chận lại,
hoặc can thiệp vào: vì hễ ông vừa nhúng tay vào là sức
sáng rỡ, chiếu diệu của nó bị chao động, hết soi được
hình ảnh của ông, khuôn mặt ông có từ vô thỉ, và tiếp
tục có mãi đến vô chung.(7)
Hơi
tương tợ với “Bốn Qui Tắc” của Nhật Liên Tông(8), Thiền
có bốn truyền ngữ như sau:
Giáo
ngoại biệt truyền
教
外 別 傳
Bất
lập văn tự
不
立 文 字
Trực
chỉ nhân tâm
直
指 人 心
Kiến
tánh thành Phật,
見
性 成 佛
dịch:
Truyền
riêng ngoài giáo
Chẳng
lập văn tự
Chỉ
thẳng tâm người
Thấy
tánh thành Phật(9)
Câu
nói tóm lược tất cả yếu chỉ của pháp Thiền. Dĩ nhiên,
ta không nên quên rằng phải có một bối cảnh lịch sử thế
nào mới có phản ứng lại bằng chủ trương bạo như trên.
Số là khi Thiền mới du nhập Trung Quốc, đa số các nhà học
Phật ở đây đều sa đà trong những cuộc tranh luận siêu
hình về giáo pháp vô thượng, hoặc chỉ phụng trì giới
hạnh, hay suốt ngày ngầy ngật đắm say trong phép quán vô
thường. Hiểu theo danh số, hành theo sự tướng(10) các ngài
nắm hụt mất đại sự của nhân sinh, dòng luân lưu ấy hoàn
toàn diễn ra ngoài tất cả trò luyện trí suông, hoặc mơ
tưởng hão. Bồ Đề Đạt Ma và môn đệ của ông nhận thấy
thế đạo bi đát ấy, nên tuyên xướng bốn danh ngôn Thiền
vừa kể. Mặt khác, đó còn ngụ ý Thiền có xảo thủ riêng
chỉ thẳng vào thể tánh, và hễ thấy tánh là thành Phật,
nghĩa là chứng nhập trong trạng thái siêu tuyệt, thuần nhất,
hoàn toàn dung thông tất cả mâu thuẫn và tán loạn do tri
thức gây ra.
Do
đó, Thiền nhằm chỉ thẳng, không bao giờ giải thích, không
viện đến lối trình bày quanh co, mà cũng không qui nạp. Luôn
luôn, Thiền tiếp xử với những cơ sự thực tế, cụ thể,
rờ mó được. Xét về mặt luận lý, có lẽ Thiền chứa
đầy mâu thuẫn và trùng ngôn. Nhưng, siêu việt trên tất
cả, Thiền cứ thẳng đường mà đi, thanh thản, nhẹ nhàng,
đúng như một Thiền sư nói: “Gậy mình mình vát, đường
mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng”. Đó không có gì
là biện luận cả, mà toàn dẫm trên những sự kiện cụ
thể, phó tất cả cho duyên phần. Chỉ khi nào tinh thần lý
luận xao lãng nhiệm vụ riêng mà sấn bước vào con đường
Thiền, lúc ấy, Thiền mới lớn tiếng tuyên cáo ý chỉ, và
trục xuất bằng võ lực tên xâm lăng. Dầu vậy, Thiền không
phải là cừu địch của bất cứ gì; thật vậy, không có
lý do nào Thiền đối nghịch với tri thức, dầu sao thỉnh
thoảng vẫn có công dụng cho chánh nghĩa Thiền. Vài câu truyện
chọn lựa sau đây đủ biểu thị con đường hiện thực của
Thiền trong việc ứng cơ tiếp vật:
Ngày
kia, tổ Lâm Tế nói: “Trên đống thịt đỏ lòm có một
vô vị chân nhân thường ra vô theo lối cửa mở trên mặt
các ngươi. Thầy nào sơ tâm chưa chứng cứ được thì nhìn
đây”. Có một thầy bước ra hỏi: “Vô vị chân nhân ấy
là cái gì?”. Lâm Tế vụt bước xuống thiền sàng, nắm
cứng thầy ta hét lớn: “Nói đi! nói đi!”. Thầy ta đang
lính quýnh thì Tổ buông ra, trề môi nói: “Vô vị chân nhân,
ồ chỉ là một cái cọc phân khô”. Rồi đi thẳng vào phương
trượng (11).
Lâm
Tế nổi tiếng trong Thiền giới bởi lối tiếp xử thẳng
và bạo với môn sanh. Sư không tán thành lối nói pháp quanh
co, sở trường của các pháp sư thiếu nhiệt huyết. Chắc
là Sư thừa hưởng phép Thiền trực chỉ ấy ở sư phụ là
hòa thượng Huỳnh Bá, trước kia ba lần đánh Sư đúng ba
lần Sư đến tham vấn về yếu chỉ của Pháp Phật. Khỏi
nói Thiền không liên quan gì đến việc đánh đá người hỏi
đạo ấy. Nếu ông cho rằng đánh đá là yếu tố Thiền ắt
ông chấp lầm như người ta chấp lầm ngón tay là mặt trăng.
Như ở các giáo thuyết khác, nhưng đặc biệt hơn ở Thiền,
ta đừng nên coi những hình thức phát hiện hoặc biểu hiện
bên ngoài như là cứu cánh; đó chỉ nhằm chỉ hướng nhắm
vào cái thực. Những chỉ dẫn ấy dầu là quan trọng, không
thể không có được, nhưng một khi mắc phải chúng là hỏng
hết, khác nào bị bó rọ trong lưới, và không bao giờ hiểu
được Thiền. Có người cho rằng Thiền luôn luôn cố chụp
ta trong mạng lưới lý luận, hoặc trong bẫy ngôn từ. Một
bước lỗi lầm đủ cho ông trầm luân muôn kiếp, không bao
giờ cởi mở được để hưởng tự do, sự tự do từng đốt
nóng trái tim ông. Do đó Lâm Tế bắt cứng trong bàn tay trần
những gì thoắt hiện đến cho mỗi người chúng ta. Nếu con
mắt thứ ba, con mắt Bát Nhã, mở bung được ở ta, ắt ta
thấy rõ, không chút sai lầm, chỗ Lâm Tế đưa ta đến. Trước
hết, ta cần thâm cảm với thực tâm của sư, và chất vấn
thẳng với con người nội tại ngay tại đó.
Không
một giải thích bằng chữ nghĩa nào đưa ta vào được thể
tánh của chính ta. Ông càng giải thích, nó càng chạy mất
khỏi ông. Đó chẳng khác nào ông cô đuổi bắt bóng ông.
Ông chạy theo nó, và nó chạy với ông, theo đúng một tốc
lực như nhau. Khi ông thấu đạt được lẽ ấy là đọc ngay
vào thâm tâm của Lâm Tế và Huỳnh Bá, và thâm cảm mối
từ tâm vô lượng của các Ngài.
Tổ
Vân Môn, (12) tự Văn Yển, là một cao tăng khác thời vãn
Đường. Sư phải thí mất một chân mới chứng được lẽ
đạo nhiệm mầu của vũ trụ và nhân sinh, luôn cả lẽ sống
đạm bạc của Sư. Sư kiên nhẫn ba lần gõ vào nhà tổ Mục
Châu, (một cao đệ của Lâm Tế, Tế là pháp từ (13) của
Tổ Huỳnh Bá) mới được vào tham vấn. Mục Châu hỏi:
-Ngươi
là ai?
-Văn
Yển
Sư
vừa xô cửa bước vào thì Mục Châu chụp lấy vai Sư, ra
lịnh: “Nói đi! nói đi!”. Sư chưa biết nói gì thì Mục
Châu mắng: “Đồ vô tích sự”, rồi đẩy ra khỏi cửa.
Cánh cửa đóng sập lại, tàn nhẫn, một bàn chân của Vân
Môn kẹt gãy trong đó. Trong cơn đau ngất, nhà sư khốn nạn
kia hoát nhiên đại ngộ, nghĩa là chứng nhập trong chân lý
của nhân sinh. Ông không còn là chú tiểu đi ăn mày chân lý
nữa; cái ông vừa chứng được bù lại gấp bội cái ông
vừa thiệt mất; một bàn chân. Tuy nhiên, trường hợp của
Sư không phải là một biệt lệ, vì có nhiều người xả
thân cầu đạo như vậy trong Thiền sử. Đúng như lời Khổng
Tử nói: “Sớm nghe được đạo, chiều chết cũng cam”.
Quả có nhiều người coi trọng chân lý hơn thân mạng của
kiếp sống như cây cỏ thú cầm. Nhưng, than ôi, trong đời
có biết bao cây thịt đành lặn hụp trong bùn hôi của ngu
mê và dục lạc!
Đó
là chỗ cực kỳ khó hiểu của Thiền. Tại sao có lối mắng
quở gắt gỏng ấy? Tại sao có vẻ như tàn nhẫn vậy? Chú
tiểu Vân Môn phạm tội gì đến phải trả bằng bàn chân
gãy nát? Chú ta chỉ là một bần tăng đi cầu đạo, và thiết
tha mong thầy khai ngộ cho. Thầy có lợi gì ba lần đóng cửa
trước tâm nguyện cầu Thiền của chú tiểu, và khi cửa vừa
hé mở lại đóng sập lại ngay, một cách tàn bạo và bất
nhân như vậy? Phải chăng đó là chân lý của Phật giáo mà
Vân Môn hằng nhiệt thành tìm kiếm? Có điều lạ nhất là
cả hai, thầy và trò, đều hài lòng như nhau vì biến cố
ấy. Thầy hoan hỷ thấy trò chứng nhập trong cơ huyền diệu
của thể tánh. Trò mang nặng thâm ân khai ngộ của Thầy.
Hiển nhiên, Thiền là cái phi lý nhất, khó quan niệm nhất
trong đời. Nên trước tôi có nói Thiền không phải là đề
tài để lý phân, hoặc trí giải. Trái lại, Thiền phải được
thân chứng và trực ngộ tự thâm tâm mỗi người chúng ta.
Cũng như hai tấm gương trong phản chiếu lẫn nhau, cũng vậy,
cái thực, cái chân tế, của thể tánh ta phải được đặt
đối diện nhau, tuyệt đối không gián cách. Có vậy, ta mới
nắm được dòng đời từ nơi nhịp sống đang luân lưu.