Luận
sáu
THIỀN
PHÁP THỰC TẬP
“Thiền
là gì?”. Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, không thể
trả lời cho vừa ý người hỏi; vì Thiền từ khước tất
cả, cả ý định mô tả hoặc định nghĩa Thiền. Vậy, để
hiểu Thiền, phương pháp hay nhất hẳn là phải học thiền
và hành Thiền ít nhất vài năm tại Thiền đường. Thế nên
dầu đem hết tâm trí nghiền ngẫm thiên cảo luận này e bạn
đọc vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa của Thiền
pháp.
Thật
vậy bản chất của Thiền thoát ngoài tất cả định nghĩa
và giải thích; nói một cách khác, không bao giờ chuyển hóa
Thiền thành khái niệm được, hoặc mô tả được bằng ngôn
từ hợp lý. Vì lý do đó, các Thiền sư tuyên bố thiền độc
lập với chữ nghĩa - bất lập văn tự - vì đó là một sự
truyền riêng ngoài tất cả giáo lý chánh thống - giáo ngoại
biệt truyền. Dầu vậy, mục đích của bài luận này không
nhằm chứng minh suông Thiền là cái không thể hiểu được,
và như vậy không ích gì bàn nói đến. Chủ tâm của tôi,
trái lại, là thử tận lực làm sáng tỏ ra, dầu kết quả
phải thiếu sót và lệch lạc. Muốn vậy, có năm bảy đường,
vì về Thiền, ta có thể đề cập đến dưới nhiều phương
diện khác nhau, về tâm lý, hoặc bản thể, hoặc hình tướng,
hoặc dõi theo dòng lịch sử như tôi đã trình bày phần nào
ở những bài trước. Phương diện nào cũng đặc biệt quan
hệ như nhau, muốn thông suốt hết phải nhiều năm chuẩn
bị. Ở đây, điều tôi định làm chỉ nhằm vào phương diện
thực tiễn của vấn đề nêu lên vài khía cạnh hành Thiền
theo như chư sư đã thực hành để khai thị môn đồ. Sự
tham cứu những tài liệu ấy sẽ giúp ta đi sâu vào tình thần
đạo Thiền và đạt đến chỗ tột cùng có thể đạt tới
được.
I.
TỔNG QUAN
Thiền,
theo thiển ý, là chỗ quy thúc cuối cùng của mọi triết học
và tôn giáo. Tất cả cố gắng tinh thần phải thúc kết tại
đó, hoặc phát ra từ đó, nếu muốn có được bất cứ kết
quả cụ thể nào. Tất cả tín ngưỡng đạo giáo phải trào
ra từ đó nếu muốn chứng tỏ có hiệu năng và sinh lực
tác động vào sinh hoạt của chúng ta. Vậy, Thiền phải đâu
là nguồn nước riêng tư cho tư tưởng sinh hoạt Phật giáo;
nguồn Thiền cũng rất dồi dào trong Công giáo, Hồi giáo,
Lão giáo, và cả trong Khổng giáo duy thực nữa. Tất cả nhưng
tôn giáo và triết học ấy, sở dĩ đầy khởi sắc và sinh
lực, sở dĩ giữ được tinh thần giúp ích đầy hiệu năng,
vì trong đó có cái tôi gọi là yếu tố thiền. Nếu chỉ
bằng vào triết lý kinh viện suông, hoặc nghi thức hành đạo
suông, chắc chắn không bao giờ gây được một lòng tin sống
động. Tôn giáo đòi hỏi đến cái gì kích động tự bên
trong mới có đủ nội lực để hành động và tác động.
Tri thức vẫn có chỗ dùng trong phạm vi của nó, nhưng nếu
nó muốn bao trùm luôn miếng đất tôn giáo ắt cuộc sống
phải cạn nguồn. Còn tình cảm, cũng như tín ngưỡng suông,
bởi mù quáng, nên gặp gì nắm lấy, chấp làm cái thực cứu
cánh. Sự cuồng tín vẫn đầy sinh lực thật đấy, bởi nặng
bổn chất bạo phát, dễ nổ, nhưng đó không phải là tôn
giáo chân chánh, nên hậu quả khó tránh là dễ gây sụp đổ
cho toàn thể hệ thống, chưa nói đến vận mạng của chính
nó. Thiền là cái đưa đạo tâm vào con đường chánh, và
đem sinh khí đến cho trí thức.
Sở
dĩ vậy vì Thiền đem đến cho con người một cái nhìn mới
phóng vào sự vật, một cách thưởng thức mới cái chân thiện
mỹ của vũ trụ và nhân sinh, phát minh một nguồn tinh lực
mới tự tầng sâu thẳm nhất của tâm thức, và tạo ra một
cảm giác sung mãn và tự tại ở con người. Nói một cách
khác, Thiền tạo phép lạ bằng cách khám phá toàn bộ then
máy sinh hoạt nội tâm, và mở rộng ra cả một thế giới
từ trước chưa hề mơ tưởng đến. Đó có thể gọi là
một cuộc phục sinh. Và dầu rằng chủ trương đối lập
hẳn với tri thức luận giải Thiền lại có khuynh hướng
đề cao yếu tố trí giải lên trên tất cả trong toàn bộ
then máy cách mạng tâm linh – và như vậy Thiền là Phật
giáo vậy. Đúng ra ta nên nói Thiền sử dụng ngôn cú của
triết học lý giải.
Trong
Thiền Tông, yếu tố tình cảm hẳn là không bật nổi như
trong Tịnh Độ Tông, pháp môn chủ trương lòng tin là tất
cả. Thiền, trái lại, nhấn mạnh hơn ở cái thấy (kiến)
hoặc cái biết (tri) - cố nhiên biết bằng trực giác, chẳng
phải bằng luận giải.
Theo
Thiền lý, chúng ta đều bị trói buộc quá nghiệt ngã trong
nếp cảm nghĩ giả tạo, kẹt hẳn trong thế nhị nguyên đối
đãi. Không một cánh cửa “tương nhập” nào được phép
mở, không một sự “tương dung” nào giữa các đối thể
được phép xen vào cái hợp lý thường ngày của chúng ta.
Cái gì thuộc về Chúa thì chẳng phải ở thế gian này, và
cái gì thuộc về thế gian này thì chẳng hợp với thánh thể.
Đen chẳng phải là trắng, trắng chẳng phải là đen. Cọp
là cọp, mèo là mèo, không bao giờ là một được. Sông thì
chảy dài, núi thì cao ngất.
Sự
vật là vậy, tư tưởng là vậy, trong thế giới của tình
thức và của khuôn phép luận giải này. Thiền lật đổ kế
hoạch tư tưởng ấy, và thay vào một cái mới, trong ấy không
có cái hợp lý, mà cũng không có thị phi tư tưởng hai chiều.
Vì tập quán cổ truyền nên ta tin vào tư tưởng nhị nguyên
đối lập. Tin tưởng ấy có hợp với thực tế không, đó
là một vấn đề khác, cần khảo sát riêng. Thường ta không
tra hỏi thẳng ở sự vật mà chỉ chấp nhận càn những gì
thấm nhuần sẵn trong trí óc ta; vì chấp nhận như thế thì
gọn hơn, tiện hơn, và đời ta nhân đó được thoải mái
thêm phần nào - nhưng có thật vậy không? Chúng ta ai cũng
nặng bản chất bảo thủ không phải vì ta lười, mà chính
vì nông nổi ta muốn được an phận thủ thường. Nhưng rồi
có lúc cái hợp lý cổ truyền ấy tỏ ra không thật nữa,
ấy thế là bắt đầu ta cảm thấy đủ thứ mâu thuẫn và
rạn nứt, và cố nhiên đủ thứ khắc khoải ê chề ray rứt
tâm hồn ta. Ta đánh mất cái thế an vui tưởng hưởng được
khi ta nhắm mắt đi theo những nếp cảm nghĩ ngàn đời. Eckhart
nói rằng chúng ta ai cũng tìm đến chỗ nghỉ yên, dầu hữu
ý hoặc vô tình, như những cục đá cứ lăn lóc mãi cho đến
khi gặp đất. Thật ra niềm yên vui ta tưởng hưởng được
trước ngày ta mở mắt trước những mâu thuẫn nằm trong
nếp sống luận lý cũng ví như hòn đá tiếp tục rơi xuống
đất, không phải là cái yên vui chân thực. Đâu là miếng
đất thuần nhất bất nhị (non-dualism) để ta được nghỉ
yên trong vui tươi và hạnh phúc? Xin dẫn lại lời Eckhart:
“Có
lắm người tưởng rằng ta phải thấy Chúa y như Chúa đứng
bên này, còn ta đứng bên kia. Đâu phải vậy. Chúa với tôi
chỉ là một trong động tác thấy Chúa của tôi”.
Chính
trong cái “chỉ là một” tuyệt đối ấy Thiền đặt căn
bản cho đạo pháp.
Khái
niệm “chỉ là một” không thuộc độc quyền của Thiền;
nhiều tôn giáo, triết học khác cũng giảng chung giáo lý ấy.
Giống như các đa thần, nhất thần giáo khác, Thiền chỉ
nêu suông nguyên tắc ấy, ngoài ra không có yếu tố đặc
thù nào hết, ắt nó không tồn tại như hiện nay. Nhưng trong
Thiền có cái gì độc đáo riêng tạo thành sinh mạng Thiền,
và chứng minh tin tưởng Thiền là di sản tinh thần cao quý
nhất của văn hóa Đông phương. Vài cuộc đối thoại sau
đây cho ta một ý niệm về phương pháp tu tập Thiền.
Một
ông tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu (778-897) một cao tăng Trung
Hoa: “Thế nào là câu nói cùng tuyệt?”[1] Thay cho lời đáp
thỏa đáng, Sư chỉ nói: “Phải”. Ông tăng không nhận ra
ý nghĩa của chữ “phải”, tưởng là Sư chưa đáp, bèn
hỏi lại. Sư hét to: “Bộ tôi điếc sao?”
Lần
khác, cũng về câu nói cùng tuyệt ấy, Triệu Châu ho. Ông
tăng hỏi gạn: “Như vậy đó chăng?” – “Già cả như
bần đạo ho chút không được sao?”, Sư hỏi quật lại ông
tăng.
Lần
khác, vẫn với Triệu Châu, có ông tăng hỏi:
- Thế
nào là đệ nhất cú?
- Ông
hỏi gì?
Ông
tăng lặp lại: “Thế nào là đệ nhất cú?”
- “Ông
biến thành nhị cú rồi”, đó là lời phán quyết của Triệu
Châu[2].
Một
ông tăng hỏi Thủ Sơn (926-992):
Người
xưa nói: “Có một câu ai thấu được là tự nhiên siêu thoát
ngàn ức kiếp nghiệp thân”[3], đó là câu nói gì? Sư đáp:
“Trước
mũi ngươi đó”.
- Rốt
ráo nghĩa là gì ?
- Tôi
chỉ biết nói thế.
Như
ta thấy đó, thật không gì tầm ruồng hơn là giải quyết
như vậy vấn đề trọng đại nhất của nhân sinh, là cái
một, hoặc nguyên lý tối thượng! Nhưng đó chính là chỗ
độc đáo của Thiền, siêu lên lý luận, vượt ngoài vòng
khống chế của tư tưởng và phù hiệu hư ảo. Như đã nói
trước, Thiền không tin tri thức, không viện phép biện luận
cổ truyền đối đãi, tự nắm lấy vấn đề bằng những
thủ đoạn riêng.
Tôi
xin dẫn thêm vài thí dụ khác trước khi đi vào chánh đề.
Ngày kia có người hỏi lão sư Triệu Châu:
“Một
ánh sáng chia ra muôn ngàn ánh sáng, tôi xin hỏi do đâu có
cái ánh sáng một ấy?”
Câu
hỏi này, cũng như mấy câu hỏi trước đây, là một trong
số những vấn đề cao siêu và hóc búa nhất của triết học.
Nhưng lão sư khỏi bỏ công giải đáp, cũng không cần cãi
vã lắm lời. Sư chỉ vứt một chiếc giày cỏ đang mang, không
nói gì hết. Thế nghĩa là gì? Muốn hiểu, ta phải mở được
“con mắt thứ ba”, huệ nhãn, và tập nhìn sự vật bằng
một nhãn quang mới.
Còn
nhiều câu vấn đáp thuộc chung một đề mục. Xin dẫn vài
câu:
Một
ông tăng hỏi Thiền sư Lư Sơn: “Muôn vật rốt cùng trở
thành không, cái không trở thành gì?” Sư đáp:
- Lưỡi
ngắn quá không giảng được.
- Sao
lại ngắn quá?
- Trong
và ngoài đồng một thể “như”
Một
ông tăng hỏi Thiền sư Khê Sơn (?):
“Khi
nhơn duyên hết thì tất cả trở thành không, vậy cái không
trở thành gì?” Sư gọi tên ông tăng, ông tăng “vâng”.
Sư hỏi: “Đâu là cái không?” - Thỉnh sư chỉ dạy. Sư
đáp: “Cũng như tên rợ Hồ cắn hột tiêu”
Hỏi
về ánh sáng là hỏi về căn nguyên, còn hỏi về cái không
như trên là hỏi về mục đích, vì vấn đề cần giải quyết
là sự trở thành đến cực vi của cái không. Nhưng siêu lên
thời gian và lịch sử, Thiền chỉ nhận có trở thành trong
vô thủy và vô chung. Hễ biết căn nguyên của một ánh sáng
thì đồng thời ta cũng biết luôn đâu là chỗ đến của
cái không.
Các
Thiền sư chứng minh như thế nào cái thấy mới lạ ấy cho
môn đệ? Phương pháp dùng đến tự nhiên vượt ngoài thói
thường, lề lối, luận lý, nên người ngoài cuộc không hiểu
nổi. Mục đích thiên cảo luận này là mô tả những phương
pháp ấy, xếp thành hai loại chánh như sau :
- Phương
pháp nói
- Phương
pháp chỉ thẳng.
Phương
pháp nói có thể chia ra :
1.
Nói nghịch
2.
Nói vượt qua
3.
Nói chối bỏ
4.
Nói quyết
5.
Nói nhại ;
6.
Hét.. v.v...
Phương
pháp trực chỉ hoặc chỉ thẳng dùng đến cơ thể, và có
thể chia ra nhiều nhóm nhỏ như cử động, đánh đá, làm
một loạt động tác nhất định, sai bảo người làm, v.v...
Ở đây tôi không định đưa ra một bản xếp loại theo khoa
học, và đầy đủ tất cả phương pháp chư sư sử dụng
nhằm khai thị cho môn nhân trong diệu lý Thiền, nên không
tận dụng đề tài trong thiên cảo luận này. Sau này tôi sẽ
trình bày đầy đủ hơn về phép trực chỉ. Nếu bạn đọc
nhân đấy có được một sự hiểu biết nào về khuynh hướng
chung và đặc tánh Thiền, tác giả tự coi như nhiệm vụ đã
tròn.
II.
NÓI NGHỊCH
Chúng
ta đều biết các nhà huyền học thích dùng lối nói nghịch
để phô diễn cái thấy riêng. Chẳng hạn như nhà huyền học
Công giáo có thể nói như thế này: “Chúa là thật, nhưng
Chúa không là gì hết, Chúa là hư không vô biên; Chúa có mà
không có. Nước của Chúa khách quan hiện hữu ở ngoài và
đồng thời cũng ở trong tôi. Tôi là địa ngục là cũng là
thiên đàng”. Một thí dụ khác: Eckhart nói đến “cái hắc
ám thánh kinh” hoặc “cái động ngưng đứng”. Tôi tin rằng
lược qua phần văn học bí giáo, ta có thể lượm lặt đủ
câu đàm huyền luận diệu thành một pho hợp tuyển phi lý
nghịch đề.
Thiền
vẫn nằm trong công lệ ấy, có khác là ở cách diễn đạt
chân lý, Thiền có cái gì kỳ đặc của Thiền. Cái gì ấy
là sắc thái cụ thể và sinh động trong lối nói. Thiền không
chịu nổi cái trừu tượng. Xin đưa vài thí dụ.
Phó
đại sĩ[4]nói :
Tay
không: nắm cán mai
空
手 把 鋤 頭
Đi
bộ: lưng trâu ngồi
步
行 騎 水 牛
Theo
cầu qua bến nước
人
從 橋 上 過
Cầu
trôi nước chẳng trôi
橋
流 水 不 流
Thật
là phi lý không gì hơn, nhưng cái phi lý ấy lại tràn ngập
trong Thiền. “Hoa không đỏ, liễu không xanh”, đó là một
câu nói đầu miệng trong đạo Thiền, thuộc thể phủ định,
và được coi như tương đương với thể khẳng định này
:
Hoa
thì đỏ, liễu thì xanh. Đặt theo hình thức luận lý học,
câu ấy sẽ là thế này: “A vừa là A vừa chẳng phải là
A” Nếu vậy, tôi là tôi, mà ông cũng là tôi. Triết học
Ấn Độ gọi thế là tat tvam asi, “ông là cái kia”. Nếu
vậy thì thiên đường tức địa ngục, và Thiên Chúa tức
Sa Tăn.
Với
người Công giáo mộ đạo, thật không gì chói tai hơn là
Thiền? Ai đời Cam uống rượu mà Quít say! Ấy thế mà ông
Duy Ma, con người im lặng như sấm sét ấy[5], lại tâm sự
rằng ông bịnh vì chúng sanh bệnh. Quả thật tất cả những
tâm hồn chí thánh chí thiện đều thân thiết mang trong người
cái Đại Nghịch Lý của vũ trụ vậy. Nhưng tôi đi xa đề
quá rồi. Điều tôi muốn nói là, trong lối nói nghịch, Thiền
dám cụ thể một cách táo bạo hơn những đạo giáo huyền
học khác. Thật vậy, những câu nói của các phái này thường
chỉ lẩn quẩn quanh nhân sinh, hoặc Chúa, hoặc vũ trụ, còn
Thiền mang luôn cái điên đảo thị phi vào cả trong tình tiết
sinh sống thường tục hằng ngày. Thiền không ngại thờ ơ
chối bỏ tất cả những gì thân thiết nhất trong kinh nghiệm
của chúng ta. “Tôi đang viết đây mà chưa hề viết một
chữ; có lẽ ông đang đọc đấy, nhưng trong đời không có
ai đọc hết. Tôi điếc tôi mù, nhưng tôi thấy đủ thứ
sắc màu, phân biệt đủ tiếng động”. Cứ thế, các Thiền
sư tiếp tục mãi, không cùng.