CHƯƠNG
III
THỈNH
ÍCH (HỎI ĐẠO)
Tăng
hỏi: Lúc con ngồi tham thiền dứt vọng niệm, nhưng vọng
niệm càng dứt càng nhiều, ví như một chén nước, khi đục
thì thấy đất cát không rõ, khi lắng thì thấy đất cát
rõ ràng. Cho nên khi chẳng dứt vọng niệm, vọng niệm lại
ít hơn, hễ dứt vọng niệm thì càng dứt càng nhiều. Trước
kia có Thiện tri thức bảo con: “Vọng niệm dứt sạch tức
là Phật tánh”, tại sao càng dứt càng nhiều? Làm thế nào
mới dứt sạch được? Con nhiều nhất dứt được năm phút
thì vọng niệm lại khởi nữa, đức Phật nói: “Pháp cũng
là vọng”, tại sao Phật chẳng dứt vọng niệm mà bảo chúng
con dứt vọng niệm? Lại ngồi lâu thì nhức đầu, vậy dụng
công như thế nào mới học cách tu của Thiền tông? Xin Sư
từ bi khai thị”.
Sư
nói: Ông đã đi lầm đường, niệm khởi niệm diệt chẳng
phải Phật tánh, Phật tánh là như như bất động, chẳng
khởi vọng niệm; khởi vọng niệm là nhất niệm vô minh,
hễ lay động liền phân làm hai mặt: tức là chánh niệm và
bất chánh niệm. Bất chánh niệm là vọng, chánh niệm cũng
là vọng, đều là tác dụng của kiến, văn, giác, tri, chẳng
liên quan với Phật tánh. Nếu vọng niệm từ bên ngoài đến
thì chẳng dính dáng với ông, đâu cần đoạn dứt nó! Nếu
vọng niệm từ bên trong ra thì cũng như nguồn suối luôn luôn
có nước ra, dứt rồi lại sanh, sanh rồi lại dứt, đến
khi nào mới hết? Vậy tu hành dứt vọng niệm, lý này thật
chẳng thông. Thật ra kiến, văn, giác, tri có hai mặt: nhiễm
duyên và tịnh duyên đều là vọng niệm của nhất niệm vô
minh. Người tu hành suy nghĩ điều lành, hành việc thiện là
tịnh duyên; suy nghĩ điều ác, hành việc tà là nhiễm duyên,
hai thứ đều là vọng. Đem nhiễm duyên, tịnh duyên dứt sạch,
kiến, văn, giác, tri chẳng còn, ấy là chỗ đen tối trống
rỗng của vô thỉ vô minh. Nay Phật tánh bị vô thỉ vô minh
che khuất, muốn thấy Phật tánh ắt phải đập tan vô thỉ
vô minh mới thấy được.
Muốn
đập tan vô thỉ vô minh, cần phải dùng lục căn của vọng
niệm hướng vào chỗ hầm sâu đen tối nhìn thẳng đi, chớ
nên gián đoạn, nhìn đi nhìn lại, khi thời tiết đã đến,
“ồ” lên một tiếng thì vô minh tan rã, cái bản thể cùng
khắp hư không của Phật tánh ngay đó liền hiện ra. Sau kiến
tánh thì sanh tử, thiện ác, thị phi từ vô lượng kiếp trọn
mâm trình ra, lúc bấy giờ kiến, văn, giác, tri, lục căn,
vọng niệm, tất cả đều biến thành Phật tánh. Phật thuyết
pháp là Phật niệm, chẳng phải vọng niệm, người chưa kiến
tánh mới là vọng niệm.
Mã
Tổ nói: “Tham thiền chẳng thuộc ngồi, chấp ngồi thì bị
dính mắc”, đi, đứng, nằm, ngồi đều phải dụng công,
ngồi lâu sẽ bị nhức đầu. Ông cho kiến, văn, giác, tri
nghiệp thức là Phật tánh thì vĩnh viễn chẳng thể kiến
tánh, há chẳng nghe Trường Sa Sầm thiền sư nói: “Sao người
học đạo chẳng biết chơn? Chỉ vì xưa nay nhận thức thần,
nguồi gốc sanh tử từ vô thỉ, si mê cho là bổn lai nhơn
(Phật tánh) ư!”
٭
Tăng
hỏi: con dụng công tu Thiền tông đã nhiều năm, trước kia
ở núi Chung Nam, khi tĩnh tọa thân tâm hoàn toàn quên mất,
ban sơ trống rỗng được mười phút, sau kéo dài đến hai
mươi phút, cái không của thân tâm với cái không của hư
không hợp lại, khi ấy thân tâm rỗng không như gương chiếu
gương, cảnh giới này phải là minh tâm kiến tánh chăng?
Sư
nói: Minh tâm kiến tánh là việc vĩnh viễn vô tận, chẳng
thể mê trở lại, cảnh giới của ông thấy như ngồi chẳng
phải Phật tánh, ấy là vô ký không của Lục Tổ nói, cũng
gọi là hầm sâu vô minh. Ông cho khi ngồi thấy cảnh giới
này thì ngộ, khi đứng dậy thì mê, vậy bỗng mê bỗng ngộ
thì Phật tánh cũng thành có luân hồi. Theo phương tiện dụng
công của ông là cảnh giới ngoại đạo Tiểu thừa. Ông chớ
nên dứt niệm, phải lợi dụng lục căn hướng vào chỗ cảnh
giới mênh mông trống rỗng nhìn thẳng đi, khi công phu thuần
thục, cơ duyên bỗng đến, “Ồ” lên một tiếng thì hầm
sâu vô minh bị phá tan, liền thấy Phật tánh. Dụng công như
thế này mới hợp với phương pháp của Thiền tông.
٭
Tăng
hỏi: Trước kia con ở Đại Triệt Đường trong chùa Kim Sơn,
khi tĩnh tọa dụng công, chẳng chấp có cũng chẳng chấp không;
nếu chấp có Phật tánh thì ngoài pháp sanh tâm, nếu chấp
không có Phật tánh là phế bỏ nhân quả, con có với không
đều chẳng chấp, cũng chẳng dứt niệm, vậy hợp với cách
dụng công của Thiền tông chăng?
Sư
nói: Ông chẳng chấp Có, Không là tác dụng suy nghĩ của kiến,
văn, giác, tri, với Phật tánh trọn chẳng dính dáng. Phật
tánh là như như bất động, ông phải buông bỏ cái niệm
“chẳng chấp có chẳng chấp không” ấy, rồi đề thoại
đầu khởi nghi tình, khi công phu đến mức, hễ vô thỉ vô
minh được phá tan, liền thấy Phật tánh.
٭
Tăng
hỏi Lục Tổ nói chẳng suy nghĩ thiện ác thì có thể minh
tâm kiến tánh, con hiện nay chẳng suy nghĩ thiện ác, tại
sao không được kiến tánh?
Sư
nói: Lục Tổ nói “Chẳng suy nghĩ thiện ác, đang lúc ấy
ai là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Ý của Lục
Tổ là bảo ngay chỗ chẳng suy nghĩ thiện ác ấy phát khởi
nghi tình tham cứu thì được thấy bản lai diện mục. Ông
chỉ là chẳng suy nghĩ thiện ác, không có tham cứu thì đâu
thể kiến tánh được!
٭
Có
Cư sĩ hỏi: Phật tánh vô sanh, vậy Phật tánh từ chỗ nào
đến? Nếu Phật tánh từ vô sanh đến lúc đang dụng công,
khởi niệm là sanh, niệm dứt rồi là chẳng sanh, tức là
Phật tánh vô sanh, dụng công như thế này hợp với cách tu
của Thiền tông chăng?
Sư
nói: Phật tánh là như như bất động, bổn lai vô sanh nên
vô diệt. Theo lời giải thích của ông thì Phật tánh biến
thành có sanh có diệt rồi, dụng công như thế này giống
như Lão Tử nói “Vạn vật sanh nơi hữu, hữu sanh nơi vô”,
ấy là luân hồi. Phật tánh là muốn siêu thoát luân hồi,
đâu còn muốn chui vào luân hồi như ông vậy! Dụng công như
thế thành người Tiểu thừa, Nhị thừa, nhà lý học, chẳng
hợp với Thiền tông. Vô sanh của ông nói tức là hầm sâu
vô minh, ông hãy dùng niệm hướng vào chỗ vô sanh phát khởi
nghi tình nhìn thẳng đi, như ngọn dao đâm vào, phá tan vô
thỉ vô minh, liền thấy Phật tánh, tức là chứng Vô sanh
Pháp nhẫn. Vô sanh Pháp nhẫn nghĩa là Phật tánh chẳng sanh
chẳng diệt, vạn tượng trang nghiêm, muôn đức tròn đầy,
khi ấy vũ trụ vạn vật tất cả đều biến thành Phật tánh.
٭
Tăng
hỏi: Lúc con ở Thiền đường chùa Cao Mân, một hôm đang
tĩnh tọa, thân tâm vọng niệm tạm dứt sạch, bỗng thấy
một tia sáng màu trắng, đại khái có hai phút mới tan mất.
Lúc sau cách vách tường thấy vật, có một lần qua sông bị
trôi xa năm dặm gặp người cứu, chẳng bị chết chìm; có
một lần hai tay ôm cục đá sáu trăm cân chẳng thấy phí
sức; có một lần tĩnh tọa nhập định bảy ngày chẳng ăn
uống; có một lần nhập định hai mươi mốt ngày chẳng ăn
cơm. Những cảnh giới kể trên có phải là thần với ngộ
đạo chăng?
Sư
hỏi: Nay ông cách tường còn thấy vật chăng? Còn có thể
bảy ngày chẳng ăn cơm và ôn lên cục đá sáu trăm cân được
chăng?
Tăng
nói: Hiên nay thì không thể được.
Sư
nói: Tham thiền ngộ đạo là muốn minh tâm kiến tánh, liễu
thoát sanh tử. Trong Phật tánh vốn sẵn đủ ngũ nhãn, lục
thông, chẳng cần cầu bên ngoài; nếu người đã kiến tánh
thì đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, cuộc sống hằng
ngày đều ở trong định. Thuở xưa ngoại đạo có một phương
pháp bí truyền, mỗi ngày uống một tách mật ong hoặc nước
muối, có thể luôn bảy ngày chẳng ăn cơm. Ông là Phật tử,
sao lại học ngoại đạo tà ma! Nay ông đem tư tưởng cảnh
giới ngoại đạo đã kể trên đều quăng hết xuống biển,
trở lại dụng công tham cứu, khi thân tâm diệt chớ nên dứt
hẳn tư tưởng tham cứu, cần phải tham mãi, khi cơ duyên đến,
“ồ” lên một tiếng thì vô thỉ vô minh phá tan, liền
được kiến tánh. Phật tánh là đại định, đâu có xuất
nhập!
Tăng
nghe Sư nói, cảm kích rơi lệ, lễ tạ rồi ra đi.
٭
Tăng
hỏi: Khi con dụng công, quán xét thế giới thân tâm đều
là giả là không, con lìa không với giả, đem tâm niệm ngưng
nơi chính giữa của không với giả, dụng công như thế này
hợp với pháp tu của Thiền tông không?
Sư
nói: Dụng công như thế chẳng hợp cách tu của Thiền tông,
giữa không với giả là tương đối, Phật tánh là tuyệt
đối. Ông đem tâm niệm ngưng nơi khoảng giữa, khoảng giữa
chẳng phải Phật tánh. Ông hãy đem tâm niệm ngưng nơi khoảng
giữa này nhìn thẳng vào hầm sâu vô minh (tức là khởi nghi
tình), khi vô minh tan rã mới được thấy Phật tánh, ấy mới
là phương pháp dụng công của Thiền tông.
٭
Cư
sĩ hỏi: Xưa nay con tu Duy Thức Quán, theo Duy Thức, trí với
thức chứa trong thức thứ tám, nay con dùng đậu trắng dụ
cho trí, đậu đen dụ cho thức. Sức trí mạnh thì thức biến
thành trí, sức của thức mạnh thì trí biến thành thức,
đậu trắng nhiều hơn đậu đen tức là sức trí mạnh hơn,
đậu đen nhiều hơn đậu trắng tức là sức của thức mạnh
hơn, trí huân thức, thức huân trí, dụng công nhiều thì đậu
trắng nhiều hơn đậu đen, dụng công ít thì đậu đen trở
lại nhiều hơn đậu trắng, vậy hợp với cách tu của Thiền
tông chăng?
Sư
nói: Ông dụng công như thế vĩnh viễn chẳng thể kiến tánh.
Chủng tử của trí với thức chứa trong thức thứ tám là
đã sẵn đủ từ vô lượng kiếp, dẫu cho ông đem tất cả
thức biến thành trí, cái trí này chẳng phải Phật tánh,
Phật tánh là trí thể của pháp giới, chẳng có biến đổi,
chẳng thọ huân nhiễm. Ông đã phát tâm học Phật, mục đích
là muốn liễu thoát sanh tử, phải thấy trí thể của pháp
giới mới là cứu cánh. Trí thể của pháp giới tức là Phật
tánh, Thiền tông gọi là Bản lai diện mục, ông nên dùng
Tiền ngũ thức chuyển thức thứ sáu, thức thứ sáu chuyển
thức thứ bảy, thức thứ bảy chuyển thức thứ tám, thức
thứ tám chuyển Bạch tịnh thức (hầm sâu vô minh), khi “ồ”
lên một tiếng, Bạch tịnh thức tan rã, bèn thấy trí thể
của pháp giới. Diệu dụng của trí thể pháp giới hiện
ra thì thức thứ tám chuyển thành Đại viên cảnh trí, thức
thứ bảy chuyển thành Bình đẳng tánh trí, thức thứ sáu
chuyển thành Diệu quan sát trí, Tiền ngũ thức chuyển thành
Thành sở tác trí, như thế mới vĩnh viễn là Trí, chẳng
thể trở lại làm Thức. Dụng công như thế này mới hợp
với chánh pháp, theo cách tu của ông bỗng trí, bỗng thức,
trở đi trở lại thì khi nào mới xong!
٭
Tăng
hỏi: Ý nghĩa chữ Phật là giác, chỉ cần trong tâm luôn luôn
giác ngộ chẳng mê tức là minh tâm kiến tánh, như thế hợp
với cách dụng công của Thiền tông chăng?
Sư
nói: Ý nghĩa chữ Phật là Đại giác, là cái giác tuyệt đối,
tìm sự mê ngộ trọn bất khả đắc. Cái giác của ông nói
là cái giác của kiến, văn, giác, tri, là tác dụng của bộ
não, thuộc về tương đối. Ông luôn luôn muốn giác là dùng
bộ não để làm việc, dụng công như thế vĩnh viễn chẳng
được kiến tánh. Ông nên dùng cái tư tưởng giác chiếu
ấy nhìn thẳng vào hầm sâu vô minh, khi vô minh tan rã, liền
thấy Phật tánh. Sau khi kiến tánh, giác và mê trong bộ não
đều biến thành Phật tánh. Nên Duy Ma cật nói: “Pháp lìa
kiến, văn, giác, tri; nếu hành theo kiến, văn, giác, tri thì
chẳng phải cầu pháp”.
٭
Tăng
hỏi: Cách con dụng công, đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả
cuộc sống tiếp xúc hàng ngày đều chẳng chấp trước; ví
như ăn cơm chẳng chấp trước ăn cơm, mặc áo chẳng chấp
trước mặc áo, nói chuyện chẳng chấp trước nói chuyện,
tất cả tiếp xúc chẳng chấp trước tiếp xúc, như thế
thì được đại giải thoát đúng như phá chấp trước của
Phật nói. Vậy cái chẳng chấp trước của con phải minh tâm
kiến tánh chăng? Hợp với lý Thiền tông chăng?
Sư
nói: Phật nói phá chấp trước là phá chấp trước “có
tu Tứ Đế” của Tiểu thừa, ấy là hóa thành chẳng phải
bửu sở, khích lệ họ tu Nhị thừa; Phật lại phá Nhị thừa
chớ nên chấp trước Thập Nhị Nhân Duyên, lọt vào Không
chấp, ấy chỉ là phương tiện tạm thời, chưa thể kiến
tánh, cần tu Lục Độ của Đại thừa mới được kiến tánh.
Cái phá chấp trước của Phật là bảo Tiểu thừa, Nhị thừa
chớ chấp trước ngã chấp, pháp chấp, không chấp, chẳng
phải muốn họ giữ cái “không chấp trước” ở trong bộ
não. Cái chẳng chấp trước của ông tức là chấp trước,
nếu chẳng chẳng chấp trước phân biệt, làm sao nhận được
mặc áo nói chuyện, ăn cơm? Nói tóm lại, cái chẳng chấp
trước của ông đều là tác dụng của kiến, văn, giác, tri,
thật ra đối với bản thể của Phật tánh, phàm sanh, tử,
hữu, vô… mỗi mỗi danh tướng đều chẳng có chỗ nương
tựa, như thế mới là chơn thật chẳng chấp trước. Huỳnh
Bá thiền sư nói: “Suốt ngày ăn cơm chưa từng ăn một hạt
gạo, suốt ngày mặc áo chưa từng mặc một sợi chỉ, suốt
ngày đi đường chưa từng dẫm nửa tấc đất”, như thế
này mới có thể nói: “Được đại giải thoát”. Sau khi
kiến tánh thì tất cả tư tưởng chấp trước hay chẳng chấp
trước đều biến thành Phật tánh, đi, đứng, nằm, ngồi
đều là diệu dụng của Phật tánh, khi ấy chẳng cần ông
nghĩ đến chẳng chấp trước, nó tự nhiên chẳng chấp trước.
Bản thể Phật tánh mới là thật chẳng chấp trước, theo
kiến, văn, giác, tri thì phải có chấp trước. Nay ông nên
đem cái niệm chẳng chấp trước ấy đề thoại đầu khởi
nghi tình, nhìn thẳng chỗ đen tối mịt mù là cái gì, đi,
đứng, nằm, ngồi chớ nên gián đoạn, cơ duyên thuần thục
“ồ” lên một tiếng, hầm sâu đen tối phá tan, liền thấy
bổn lai Phật tánh, tức là được giải thoát và chẳng chấp
trước rồi.
٭
Tăng
hỏi: Con dụng công than thiền luôn luôn chẳng lìa cái này,
“cái này” tức là thoại đầu, như tham niệm Phật là ai,
đi, đứng, nằm, ngồi suốt ngày cũng chẳng lìa câu “niệm
Phật là ai?” này, tại sao dụng công nhiều năm mà chẳng
minh tâm kiến tánh?
Sư
nói: Ông dụng công như thế là niệm thoại đầu, chẳng phải
tham thoại đầu, tham thoại đầu phải hướng vào nội tâm
tham cứu, tức là khởi nghi tình, đâu phải dùng miệng niệm
mà được kiến tánh, Phật tánh vốn là Phật, Phật chẳng
niệm Phật, nay ông nên dùng cái tư tưởng niệm thoại đầu
này hướng vào chỗ Phật chẳng niệm Phật nhìn thẳng đi,
xem coi là cái gì, đi, đứng, nằm, ngồi chớ nên gián đoạn,
một hôm hầm sâu vô minh bị phá tan, liền được kiến tánh.
٭
Tăng
hỏi: Con tham thiền dụng công “Muôn pháp về một, một về
chỗ nào?” Đem muôn niệm gom thành một niệm, một niệm
này rõ ràng tinh minh, vậy phải là kiến tánh chăng?
Sư
nói: Muôn niệm từ kiến, văn, giác, tri sanh khởi, ông đem
muôn niệm gom thành một niệm, một niệm này cũng là kiến,
văn, giác, tri, với Phật tánh trọn chẳng dính dáng, ông nên
dùng cái niệm “muôn pháp về một” nhìn coi một về chỗ
nào? Chớ nên gián đoạn, hễ cơ duyên đến thì hầm sâu
vô minh tan rã, liền thấy Phật tánh. Khi kiến tánh rồi, như
người uống nước, lạnh nóng tự biết, chẳng cần hỏi
người.
٭
Tăng
hỏi: Con dụng công tham câu thoại đầu “Giảng kinh là ai?”
Con cho rằng giảng kinh thuyết pháp là dùng vọng niệm của
lục căn mà giảng, nghe cũng dùng vọng niệm của lục căn
mà nghe, nếu đem lục căn đoạn dứt thỉ giảng chẳng thể
giảng, nghe chẳng thể nghe. Vậy là minh tâm kiến tánh chăng?
Sư
nói: Lục căn có hai cái dụng là kiến, văn, giác, tri, lục
căn không nên đoạn dứt, nếu minh tâm kiến tánh thì lục
căn biến thành Ứng thân. Nay ông chớ nên đoạn dứt lục
căn, phải đem cái niệm đoạn dứt lục căn ấy dùng để
tham cứu Bổn lai diện mục, Phật tánh vốn không có lục
căn, nên chẳng cần dứt nó, dụng công như thế mới hợp
với cách tu của Thiền tông. Theo cách tu của ông là phương
pháp Tiểu thừa, chẳng được cứu cánh.
٭
Tăng
hỏi: Con tham câu thoại đầu là “Trước khi cha mẹ chưa
sanh, thế nào bổn lai diện mục?” Con cho là trước khi cha
mẹ chưa sanh là thanh thanh tịnh tịnh, vì có vọng niệm mới
đến đầu thai, nếu dứt hết vọng niệm thì được khôi
phục cái thanh tịnh của bổn lai diện mục kia, như vậy có
hợp với lý của Thiền tông chăng?
Sư
nói: Trước khi cha mẹ chưa sanh chẳng phải bổn lai diện
mục, ấy là thân Trung ấm, một niệm bất giác mới đến
đầu thai; nếu đầu thai là bổn lai diện mục thì Phật tánh
cũng là luân hồi, chẳng phải cứu cánh. Nay ông dứt hết
vọng niệm, đến cảnh giới thanh thanh tịnh tịnh (vô thỉ
vô minh), cần phải khởi nghi tình nhìn thẳng cảnh giới này,
nhìn đến sơn cùng thủy tận, hầm sâu vô minh phá tan, tức
là bản lai diện mục. Bản lai diện mục chẳng khởi vọng
niệm, vọng niệm từ kiến, văn, giác, tri đã biến thành
Bản lai diện mục rồi, vậy mới được gọi là minh tâm
kiến tánh.
٭
Tăng
hỏi: Con dụng công theo kinh Đại Bát Nhã, trong Kinh nói: “Kiến
vô sở kiến tức chơn kiến, tri vô sở tri tức chơn tri, tất
cả trí huệ trong sạch, chẳng hai chẳng khác, chẳng phân
biệt hai và chẳng hai, cũng chẳng đoạn diệt”. Con dụng
công như thế. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả tiếp xúc,
lúc thấy chẳng phân biệt sở thấy, lúc biết chẳng phân
biệt tâm biết, tư tưởng chẳng cần dứt sạch, chỉ cần
không phân biệt, vậy phải là minh tâm kiến tánh chăng? Hợp
với lý Thiền tông chăng?
Sư
nói: Ông thật quá ngu dại, mấy lời này trong kinh Bát Nhã
là lời của người đã kiến tánh, lời ấy phát huy từ trong
trí huệ Bát nhã, nói “Kiến vô sở kiến tức chơn kiến”
là thấy vũ trụ vạn vật đều là Phật tánh, khi đã kiến
tánh, khởi tâm động niệm, suy nghĩ đều là Phật tánh. “Tất
cả trí huệ trong sạch, chẳng hai chẳng khác, chẳng phân
biệt hai và chẳng hai, cũng chẳng đoạn diệt” là nói khi
kiến tánh rồi, khởi tâm động niệm đều chẳng lìa Phật
tánh, tất cả chẳng hai chẳng khác chẳng đoạn, những lời
này là người đã kiến tánh mới được nói vậy. Ý Kinh
nói vũ trụ vạn vật đều là trí huệ, khởi tâm động niệm
đều là trí huệ, trong Kinh nói: “Tất cả sắc vô biên,
nên bát nhã cũng vô biên”, Bát nhã dịch là trí huệ, cách
dụng công của ông phân biệt và chẳng phân biệt đều là
tác dụng của kiến, văn, giác, tri, với Phật tánh chẳng
dính dáng. Nếu thật chẳng phân biệt, đâu biết mặc áo
ăn cơm. Dụng công như ông muôn kiếp chẳng thể kiến tánh.
Ông nên đem cái niệm chẳng phân biệt ấy sửa lại là “đời
này quyết định phải thấy Bát nhã Phật tánh” rồi khởi
nghi tình nhìn thẳng đi, khi nhân duyên đến, hầm sâu vô minh
phá tan thì được thấy Bát nhã của Phật tánh, rồi mới
thấu rõ cái lý “Kiến vô sở kiến tức chơn kiến, tri vô
sở tri tức chơn tri” vậy.
٭
Tăng
hỏi: Con ở núi Chung Nam bốn mươi mấy năm, dụng công như
thế này: Niệm đã sanh là vọng niệm, niệm chưa sanh là Phật
tánh chơn tâm, mỗi ngày khởi niệm động niệm mỗi mỗi
rõ ràng, lúc niệm chẳng khởi thì tịch mà chiếu, lúc động
niệm thì chiếu mà thường tịch, cũng đều mỗi mỗi rõ
ràng, dụng công như thế hợp với cách tu của Thiền tông
chăng?
Sư
nói: Ông tu nhiều năm là bậc lão Tôn túc, nhưng dụng công
như thế thật là sai lầm lớn. Ông cho nghiệp thức của kiến,
văn, giác, tri là Phật tánh, Phật tánh như như bất động,
đâu thể khởi vọng niệm! Cái tịch mà thường chiếu với
cái chiếu mà thường tịch mỗi mỗi rõ ràng của ông nói,
đều là tác dụng của bộ não, với Phật tánh trọn chẳng
dính dáng, nay ông nhận giặc làm con, Phật nói bọn này thật
đáng thương xót! Ông nên đem cái niệm mỗi mỗi rõ ràng
đó nhìn thẳng chỗ hầm sâu vô minh, khi nhân duyên đến,
hầm sâu vô minh tan rã, liền thấy bổn lai Phật tánh. Khi
kiến tánh rồi, khởi niệm động niệm, tịch mà thường
chiếu, chiếu mà thường tịch thảy đều là Phật tánh, chẳng
cần phân biệt nữa.
٭
Tăng
hỏi: Người xưa nói “Nhận lấy tự tánh, bổn lai thành
Phật, chẳng nhờ tu trì, chẳng thuộc đốn, tiệm, vạn đức
viên mãn, thể tự như như”. Con từng theo ý này dụng công,
một niệm chẳng khởi tức là Phật tánh, chẳng nhờ tu trì,
như thế có phải minh tâm kiến tánh chăng?
Sư
nói: “Lời của người xưa nói ấy là lời đã kiến tánh,
người chưa ngộ chẳng thể dùng suy nghĩ để đoán mò. Ông
cho một niệm chẳng khởi tức là như Phật tánh, nhưng một
niệm chẳng khởi chỉ là tạm thời, chẳng phải Phật tánh,
ông nên khởi một niệm này hướng vào chỗ chẳng khởi niệm
nhìn thẳng, đến khi công phu thuần thục, “ồ” lên một
tiếng, vô thỉ vô minh phá tan, liền thấy Phật tánh, mới
biết tự tâm vốn là Phật, chẳng nhờ tu trì, chẳng thuộc
đốn tiệm, cảnh giới này mới thật là vạn đức viên mãn”.
٭
Tăng
hỏi: cách dụng công của con là ban đêm bất đảo đơn, đến
bốn giờ sáng thì buồn ngủ, ban ngày dụng công thì theo phương
pháp của Cổ Đức nói “Chẳng sợ vọng khởi, chỉ e giác
chậm”, luôn luôn chiếu cố một niệm, một niệm mê rồi
liền mau mau đề khởi, dụng công như thế hợp với pháp
Thiền tông chăng?
Sư
nói: Vọng niệm khởi là từ kiến, văn, giác, tri, ông muốn
giác ngộ cũng phải dùng kiến, văn, giác, tri, cho nên mê với
ngộ chẳng ngoài tác dụng kiến, văn, giác, tri; nơi phạm
vi của kiến, văn, giác, tri chẳng liên quan với Phật tánh.
Trong bản thể Phật tánh chẳng có mê với giác, ông dùng
cái niệm “chẳng sợ vọng khởi, chỉ e giác chậm” ấy
nhìn ngay chỗ mịt mù đen tối, nhìn đến sơn cùng thủy tận,
được thấy bản thể Phật tánh mới biết rõ mê ngộ trọn
chẳng dính dáng, khởi niệm diệt niệm đều là tác dụng
của Phật tánh. Bất đảo đơn có ảnh hưởng sức khỏe,
buồn ngủ thì phải ngủ, có sức khỏe dụng công mới tốt
hơn.
٭
Tăng
hỏi: Cách dụng công của con là theo kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri
kiến lập tri là căn bản của vô minh, tri kiến vô kiến ấy
là Niết bàn”. Con cho rằng tri kiến lập tri là ấn tượng
trong bộ não, đã gieo hạt giống tức là căn bản vô minh,
tri kiến vô kiến là nói cái tâm giống như cái gương trơn,
vật gì in vào cũng không dính, vậy tâm không trụ tức là
Niết bàn.
Sư
nói: “Tri kiến lập tri tức là căn bản của vô minh” là
nói người chưa kiến tánh tất cả đều do kiến, văn, giác,
tri làm chủ, tất cả tri kiến lập ra đều là căn bản vô
minh. “Tri kiến vô kiến ấy tức Niết bàn” là nói người
đã kiến tánh rồi thì Phật tánh làm chủ, tất cả tri kiến
đều biến thành Phật tánh, giống như hai câu Kinh “Kiến
vô sở kiến tức chơn kiến, tri vô sở tri tức chơn tri”
vậy. Cách dụng công của ông nói chẳng trụ chẳng chấp
trước, cái tâm muốn chẳng trụ chẳng chấp trước đó tức
là trụ, là chấp trước rồi. Sau khi kiến tánh, trụ và chấp
trước đều là Phật tánh, cho nên chấp trước và chẳng
chấp trước chẳng dính dáng với sự thành Phật, ông nên
dùng cái niệm chẳng trụ chẳng chấp trước ấy chuyên tâm
nhìn thẳng đi, hễ công phu đến mức, liền thấy Phật tánh,
lúc ấy mới thấu rõ tất cả tri kiến đều là Phật tánh.