Đại
Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, pháp môn ta đây
lấy Định Huệ làm căn bổn. Đại chúng chớ mê lầm
mà nói Định với Huệ là khác nhau. Định và Huệ chỉ
là một thể, chẳng phải hai. Định là cái thể của
Huệ, Huệ là cái dụng của Định, tức là lúc Huệ thì Định
ở trong Huệ, lúc Định thì Huệ ở trong Định. Nếu
biết cái nghĩa ấy, thì Định và Huệ đều phải học.
Các
người học Đạo chớ nói rằng trước Định rồi mới phát
Huệ, trước Huệ rồi mới sanh Định, mà phân biệt Định
với Huệ là khác nhau. Nếu thấy hiểu như thế, là pháp
có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong lòng chẳng
lành, nói khống rằng có Định Huệ mà Định Huệ chẳng
đồng một thể. Nếu lòng và miệng đều lành, trong
ngoài như một, thì Định và Huệ tức đồng nhau. Pháp
tự ngộ tu hành chẳng phải tại chỗ tranh. Nếu tranh
chỗ trước sau, tức đồng với người mê. Chẳng dứt
lòng phân hơn thua, thì quả nhiên làm lớn thêm lòng chấp
ngã, chấp pháp, mà không lìa khỏi bốn tướng (Ngã tướng,
nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.)
Chư
Thiện tri thức, Định và Huệ giống như vật gì? Giống
như cái đèn và cái ánh sáng. Có đèn tức là sáng, không
đèn tức là tối. Đèn là cái thể của ánh sáng, ánh
sáng là cái dụng của đèn. Tên tuy có hai, mà thể vốn
có một. Pháp Định Huệ này cũng giống như thế. “
Sư
bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, chuyên ròng một hạnh
Chánh Định nghĩa là trong cả thảy chỗ đi, đứng, ngồi,
nằm, thường giữ một lòng ngay thẳng. Kinh Tịnh Danh
nói: “Lòng ngay thẳng là Đạo Tràng. Lòng ngay thẳng
là Tịnh Độ.” Đừng lòng tưởng điều tà vạy mà
miệng nói điều ngay thẳng. Đừng miệng nói chuyên ròng
một hạnh Chánh Định, mà chẳng giữ lòng ngay thẳng.
Nếu giữ lòng ngay thẳng thì đối với cả thảy các pháp,
tâm đừng chấp trước. Người mê chấp trước pháp
tướng, chấp một hạnh Chánh Định, nói rằng thường ngồi
chẳng động, dối rằng lòng không sanh niệm tưởng, gọi
đó là một hạnh Chánh Định. Nếu hiểu như thế, tức
là đồng với loài vô tình. Quả thật là cái duyên cớ
cãn ngăn cái Đạo vậy.
Chư
Thiện tri thức, Đạo phải là thông lưu, sao lại làm cho nó
ngưng trệ. Tâm không trụ pháp, thì Đạo thông lưu.
Còn tâm trụ pháp, ấy là mình trói lấy mình. Bằng nói
rằng thường ngồi chẳng động, thì cũng như Xá Lợi Phất
ngồi im lặng trong rừng mà bị Duy Ma Cật quở vậy.
Chư
Thiện tri thức, lại có người dạy ngồi xem cái tâm, quán
tưởng tâm cảnh vắng lặng, ngồi yên chẳng dậy, bảo y
theo đó mà lập công phu. Người mê chẳng hiểu, cố
chấp làm theo, rồi thành điên dại. Số người lầm
như thế chẳng phải là ít. Truyền dạy nhau như vậy,
thiệt là lầm to !”
Sư
bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức, cái chánh giáo xưa
nay không có mau chậm, chỉ tánh người có sáng tối mà thôi.
Người tối thì tu tập lần lần, người sáng thì thức tỉnh
tức khắc, tự mình biết Bổn Tâm, tự mình thấy Bổn Tánh.
Thế thì, không có chỗ gì sai khác. Vì chỗ sáng tối
chẳng đồng sở dĩ mới lập ra cái giả danh mau chậm.
Chư
Thiện tri thức, pháp môn của ta đây từ trên truyền xuống,
trước hết lập Không Niệm (Vô Niệm) làm tông, Không Tướng
(Vô Tướng) làm thể, Không Trụ (Vô Trụ) làm gốc. Không
niệm nghĩa là trong khi niệm, lòng không động niệm.
Không tướng nghĩa là đối với sắc tướng, lòng lìa sắc
tướng. Không trụ có nghĩa là đối với các điều lành
dữ, tốt xấu ở thế gian, cùng với kẻ thù, người thân,
đối với lúc nghe các lời xúc pham, châm chích, khinh khi, tranh
đấu, Bổn tánh con người xem cả thảy như không không, chẳng
nghĩ đến việc đền ơn trả oán. Trong niệm niệm lòng
không nghĩ đến các cảnh mình đã gặp trước. Nếu
niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối tiếp nhau
chẳng dứt, thì gọi là bị buộc ràng. Đối với các
pháp, niệm niệm lòng không trụ vào đâu thì khỏi bị buộc
ràng. Ấy là lấy Không Trụ làm Gốc.
Chư
Thiện tri thức, ngoài lìa cả thảy các sắc tướng, gọi
Không Tướng. Đối với các sắc tướng mà tâm lìa được,
thì cái thể của các pháp tự nhiên thanh tịnh. Ấy là
Không Tướng làm Thể.
Chư
Thiện tri thức, đối với các cảnh mà tâm chẳng nhiễm gọi
là không niệm. Trong các niệm tưởng của mình, tâm thường
lìa cảnh, chẳng vì đối cảnh mà sanh tâm. Bằng đối
với trăm việc, tâm chẳng nghĩ đến, các niệm tưởng đều
bỏ hết, và nếu một niệm dứt tuyệt, thì chết liền và
phải chịu đầu sanh nơi khác. Ấy là một điều lầm
to, người học Đạo khá suy nghĩ lấy đó. Nếu chẳng
biết cái ý chỉ của pháp, tự mình lầm còn khá, sợ e lại
khuyên dạy người khác. Tự mình mê mà chẳng thấy,
lại còn nhạo báng kinh Phật. Bởi vậy mới lập Không
Niệm làm Tông.
Chư
Thiện tri thức, sao gọi lập Không Niệm làm tông? Chỉ
vì người mê, miệng nói thấy tánh, mà đối cảnh tâm còn
vọng niệm, trong chỗ vọng niệm, lại khởi tà kiến.
Cho nên cả thảy các sự trần lao vọng tưởng đều do đó
mà sanh ra. Bổn tánh mình vốn không có một pháp gì mà
tìm được. Nếu có cái chỉ tìm được trong tánh mình,
mà nói dối là họa phước, thì cái ấy là trần lao tà kiến.
Cho nên, pháp môn này lập Không Niệm làm Tông.
Chư
Thiện tri thức, Không là không sự gì? Niệm là niệm
vật chi? Không nghĩa là không chấp hai tướng, không có
lòng phiền não. Niệm, nghĩa là niệm cái Chơn Như Bổn
Tánh. Chơn Như tức là cái Thể của niệm, niệm tức
là cái dụng của Chơn Như. Tánh Chơn Như của mình khởi
niệm, chớ chẳng phải con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi
mà niệm được. Cái Chơn Như có tánh, sở dĩ mới sanh
ra niệm tưởng. Nếu như cái Chơn Như ấy không có, thì
mắt, tai, màu, tiếng, đương lúc ấy liền hư hoại.
Chư
Thiện tri thức, tánh Chơn Như của mình khởi niệm, thì sáu
căn tuy có thấy nghe, biết hiểu, mà chẳng nhiễm muôn cảnh.
Bởi thế nên Chơn Tánh của mình bao giờ cũng tự tại.
Cho nên kinh nói: “Phân biệt đặng các pháp tướng một cách
tường tận chi lý, mà cái tánh Thanh Tịnh Niết Bàn chẳng
động.” “