VI
THUẬT NGỮ “DHARMA” VÀ “ABHIDHARMA”.
ABHIDHARMAKOSA
Thành ngữ “dharma” rất thường gặp trong tài liệu của
Phật giáo, đặc biệt trong các tác phẩm triết học. Sự khác nhau căn bản
của nhiều khuynh hướng, đối với những người Phật tử, được quy về sự bất
đồng trong quan hệ với “dharma”.
Phù hợp
với những đặc trưng truyền thống, những người Sarvastivadina dạy rằng hiện
tại, quá khứ và tương lai là có thật và bản chất của dharma là thực tại
bất biến. Những người Sunyavadina cho rằng dharma là “không” và về chúng
không nên nói rằng có hay không. Còn theo những nhà Vijnanavadina, dharma
là không có và chỉ có một thực tại, chỉ có một ý thức tuyệt đối. Khi phân
tích về các tông phái Phật giáo cổ, các Phật tử Nhật bản đôi khi gọi học
thuyết của các tông phái đó là những thuyết về “những biểu hiện” và về
“các thực thể” của các “dharma”.
Khái
niệm dharma trong triết học Phật giáo có ý nghĩa quan trọng đến mức, hệ
thống Phật giáo, với nghĩa đã biết, có thể được gọi là thuyết dharma. Đồng
thời chúng tôi muốn nhấn mạnh đặc trưng riêng biệt này của triết học Phật
giáo khiến nó khác những khuynh hướng triết học khác của Ấn độ. Theo
nghĩa như vậy, chẳng hạn chúng ta có thể gọi triết học của Platon là học
thuyết về tinh thần hay triết học của Kant là triết học tiên nghiệm.
Phương
pháp phân tách cái có thể nhận thức thành những yếu tố của tất cả các hệ
thống triết học Ấn độ, sự thiết lập khái niệm những cái mang dharma tiên
nghiệm đơn nhất, và việc quy toàn bộ tồn tại về hệ thống những cái mang
như vậy cho phép chúng ta gọi giáo lý Phật giáo là lý thuyết dharma.
Trong
các tài liệu Âu châu viết về Phật giáo, không ít chỗ giành cho việc nghiên
cứu thuật ngữ “dharma”, nhưng cho đến nay không ai lý giải được một cách
rõ ràng và thuyết phục, “dharma” mà những văn bản Phật giáo nói tới là gì.
Vallezer, trong cuốn đại cương Phật giáo nguyên thủy (1910) đã chỉ ra một
cách đúng đắn rằng, để làm sáng tỏ ý nghĩa thuật ngữ dharma mà dựa theo
các tài liệu Âu châu là hoàn toàn không thể được. Tuy vậy, bản thân
Vallezer cũng bị hạn chế bởi những dự đoán giống như là Khys Davis mắc
phải trong lời giới thiệu trong bản dịch tác phẩm tiếng Pali thế kỷ III
trước công nguyên – “Dharmasangana” ra ngôn ngữ Âu châu. Về những khó
khăn để hiểu thuật ngữ dharma Mark Muller và nhiều người khác đã nói.
Những lý giải muộn mằn của Phật giáo Miến điện được diễn ra trong tác phẩm
Shwe Zan Aunga cũng không giải thích triệt để ý nghĩa triết học của thuật
ngữ dharma. Những tác phẩm hiện đại của Nhật bản về lịch sử triết học
Phật giáo cũng không làm sáng tỏ ý nghĩa của “dharma”.
Do tầm
quan trọng của thuật ngữ “dharma”, nên việc trình bày chính xác triết học
Phật giáo cũng như những khác biệt của các tông phái v.v…không thể thiếu
được sự giải thích sơ bộ ý nghĩa thuật ngữ “dharma”. Người ta thường cho
là từ này có rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng điều này cũng không cho
phép ta hình dung ra một khó khăn đặc biệt nào, vì những ý nghĩa khác nhau
có thể dễ dàng phân biệt ranh giới. Ngoài ra ý nghĩa của từ dharma hoàn
toàn không phải là những ý nghĩa của những từ khác nhau. Bằng cách giản
đơn là nhặt trong từ điển Sanskrit thôi cũng có thể tìm ra nhiều từ với số
lượng cực lớn những ý nghĩa khác nhau.
Từ
“dharma” theo từ điển, có những ý nghĩa: “Tôn giáo”, “Luật”, “Phẩm chất”.
Về mặt từ nguyên học, người ta cho nó có gốc “Dhar”-“mang”; “dharma” có
nghĩa “vật mang”. Lẽ dĩ nhiên là bản thân ý nghĩa từ nguyên còn chưa lý
giải hết nghĩa vì rằng cái biểu hiện “vật mang” có thể chứa đầy những nội
dung khác nhau. Người Trung quốc, khi dịch những tác phẩm Phật giáo, từ
“dharma” luôn được biểu đạt bằng từ tượng hình với nghĩa là “Luật” và giữ
nguyên chữ tượng hình này cả trong những trường hợp “dharma” có ý nghĩa
hoàn toàn khác.
Trong
các luận văn lôgíc, “dharma” có nghĩa là phẩm chất, cái mang phẩm chất,
tức là chủ thể S. Trong những trường hợp như vậy, “dharma” có thể dịch,
hoặc là “Vị từ” (P) hoặc thuộc tính (thuộc từ). Nghĩa chuyên sâu hơn cả
này của thuật ngữ không gặp trong tài liệu chung.
Ý nghĩa
cơ bản và có lẽ là khởi thủy của thuật ngữ được thấy trong các tác phẩm
triết học cũng như trong các bộ kinh. Ở những tác phẩm kể trên dharma được
hiểu là “vật mang” hay những bản thể chân như không thể nhận thức được.
Theo những tài liệu của những dòng Phật giáo khác nhau, số lượng các “vật
mang” như vậy là 75, 100 hoặc 84, v.v…
Định
nghĩa truyền thống: “Dharma” - vật mang dấu hiệu của mình. Cái đặc trưng
chính là ý nghĩa chung của thuật ngữ. Ý nghĩa này không được chỉ ra trong
các từ điển và cho đến nay cũng không được diễn đạt ở đâu.
Những ý
nghĩa khác của thuật ngữ “dharma” được phát triển ra từ điều đã được nêu
ở trên. Bản chất của mỗi dharma là tiên nghiệm, bất nhận thức. Chỉ có
“những dấu hiệu” hay những biểu hiện của các dharma mới tạo nên dòng đời
sống ý thức. Như vậy, những yếu tố mà dòng ý thức dựa vào không phải là
dharma, mà là “những biểu hiện của dharma” – Pháp tướng (dharma-laksana).
Tuy nhiên, vì sự ngắn gọn, thuật ngữ dharma thường được dùng thay cho câu
“biểu hiện của dharma”, trong trường hợp như vậy dharma có thể truyền đạt
trực tiếp bằng từ “yếu tố”.
Giữa
những yếu tố và cái mang chúng được nhắc đến một cái mà trong siêu hình
học và trong thuyết cứu độ chiếm vị trí hàng đầu, đó là yếu tố “yên tịch”
tức Niết Bàn. Vì mục đích cuối cùng của tồn tại là đạt tới trạng thái yên
tịch vĩnh cửu, nên yếu tố này giữa tất cả các dharma là dharma tuyệt hảo,
bởi vậy mà đôi khi, dharma là từ đồng nghĩa với Niết Bàn. “Niết Bàn” đôi
khi được dùng theo nghĩa “không” hay “cái tuyệt đối”, tức là thực tại chân
thật, và cái ý nghĩa cuối còn được gọi là dharma.
Cuối
cùng thuật ngữ “dharma” còn có nghĩa là “học thuyết” của Đức Phật. Nhưng
trong những câu như “thuyết pháp”, “lạy pháp”, hoặc trong công thức “Phật,
Pháp, Tăng”, dharma thường không phải là bản thân học thuyết, mà là đối
tượng của học thuyết tức Niết Bàn.
Trong
những tác phẩm phổ biến của Nhật bản cần hiểu mệnh đề “tất cả các Pháp”
hay “hằng hà xa số các Pháp” là toàn bộ các hiện tượng hay đối tượng trong
thế giới. Dĩ nhiên, không cho phép chuyển dịch ý nghĩa này của thuật ngữ
sang các văn bản mang tính kinh viện. Mặc dầu vậy, việc dùng thuật ngữ
dharma theo nghĩa chỉ đồ vật, vật, cũng có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn độ.
Chẳng hạn, Vasubandu, trong bản luận văn về thực tại của chỉ một ý thức đã
nói về những “giải pháp”, tức về các vật tự nó của những vật thể riêng
biệt chứ không phải về những yếu tố của đời sống ý thức.
Thuật
ngữ dharma, như vậy, có những nghĩa sau:
1)
Phẩm chất, thuộc tính, vị từ.
2)
Cái mang thực thể, bản thể tiên nghiệm của một yếu tố đơn nhất
thuộc đời sống ý thức.
3)
Yếu tố, tức là yếu tố cấu thành đời sống ý thức.
4)
Niết Bàn, tức “dharma” tuyệt hảo, đối tượng học thuyết của Đức
Phật.
5)
Cái tuyệt đối, thực tại chân thật v. v…
6)
Học thuyết, tôn giáo của Đức Phật.
7)
Vật, vật thể, khách thể, hiện tượng.
Theo ngữ
cảnh và đặc trưng của tác phẩm này, ta dễ dàng tìm ra cái nghĩa cần hiểu
thuật dharma. Ý nghĩa thứ hai – “Cái mang tiên nghiệm” là quan trọng nhất
và thường gặp nhất, nhưng chính ý nghĩa này vẫn hoàn toàn chưa rõ. Những
tác phẩm Phật giáo, khi tập trung chú ý tới dharma, đã không bị hạn chế
bởi việc hiểu từ này theo nghĩa “luật” hay “học thuyết” của Đức Phật,
nhưng vẫn chỉ dừng lại ở nghĩa thứ ba và thứ bảy. Nhưng cả hai nghĩa này:
“yếu tố” và “khách thể” đều là những cái không chỉ không hoàn toàn được
xác định rõ mà chúng còn đan quện vào nhau. Trong các tác phẩm Âu châu và
Nhật bản, thuật ngữ dharma thường không được dịch. Giáo sư Levi S. trong
bản dịch “Mahayana sutra-alankara” (1911) của mình đã dịch thuật ngữ
dharma bằng từ “Ideal” (tinh thần) và chỉ ra rằng, từ đó chỉ là quy ước
của khái niệm. Kurn và Burnuph, như các nhà dịch thuật Trung quốc, giữ
lại từ tương đương:“luật” (law).
Đa số
các tác phẩm về Phật giáo hoàn toàn không đề cập tới khái niệm dharma, vì
thế thuật ngữ đó không đưọc xem xét. Mark Muller có nói phần nào tới ý
nghĩa thứ ba của thuật ngữ dharma – “yếu tố”, nhưng theo ý nghĩa yếu tố có
thể, chứ không phải của dòng ý thức. Bà Rhys Devids đề nghị dịch là:
“trạng thái ý thức”. Dù trong các dharma có nhiều dharma không thích hợp
cho khái niệm “trạng thái ý thức”, nhưng đẩy thuyết dharma gần tới tâm lý
học và phân tích nhận thức là một bước tiến khổng lồ để hiểu phần cơ bản
của thuyết dharma. Xuất hiện ngay sau bản dịch “damma-sangara”, công
trình nghiên cứu của Vallezer về cơ sở của Phật giáo nguyên thủy (1904),
đã cho những luận chứng của Rhys Devids là không có sức thuyết phục. Dựa
trên những cứ liệu của tác phẩm “Attasalina”, so sánh đối chiếu những cứ
liệu đó với những định nghĩa cho rằng dharma nghĩa là “tất cả những gì có
ở đâu đó” của các tác giả những công trình về lôgíc của Ấn độ về sau này,
Vallezer đi đến kết luận nói rằng dharma nghĩa là “khách thể” theo nghĩa
rộng của từ như Gartman đã hiểu. Ý nghĩa đó được Vallezer dùng trong bản
dịch tác phẩm của Long Thọ “Madhyamika – sastra”” (1912), nhưng ở đây, từ
“khánh thể” thường được thay bằng các từ “đối tượng”, “trạng thái”, hoặc
dùng từ nguyên chứ không dịch… Có lẽ, bởi vì khi dịch bằng từ “khách thể”
nhiều câu trở nên vô nghĩa. Phải thừa nhận là không có một từ dịch đúng
hay một định nghĩa rõ về từ dharma trong các tài liệu Âu châu.
Trong
các tài liệu Nhật bản hiện đại về Phật giáo, thuật ngữ dharma không được
sử dụng, ta chỉ gặp từ đó trong các luận giải về những khuynh hướng cổ.
Khi giải thích những đặc trưng truyền thống ngắn gọn được nêu ra ở trên,
chẳng hạn như “dharma hiện hữu”, “dharma là không”, v v…thuật ngữ dharma
được giải thích theo nghĩa tất cả các hiện tượng có trong vũ trụ, tất cả
cái có trên thế giới, tức là theo nghĩa “tất cả các vật” hay “khách thể”.
Ở đây, “khách thể” cần hiểu theo nghĩa rộng, như Vallezer chỉ ra, mà có lẽ
ông chịu ảnh hưởng bởi những lý giải của Nhật bản hiện đại, bởi vì trong
các bản dịch của ông có sự tham gia của Tiến sĩ Vatanabe. Theo nghĩa này,
dharma hay “khách thể” không chỉ là núi, sông, mặt trời, cái bàn, con chó,
màu sắc, mùi vị, v.v…mà còn là suy nghĩ, tình cảm hay khái niệm làm đối
tượng để ý thức của chủ thể hướng tới. Quan niệm như vậy có thể thấy trong
hàng loạt các tác phẩm hiện đại về Phật giáo. Các tác giả khác hiểu từ
dharma theo nghĩa hẹp, ngụ ý coi dharma chỉ là những khách thể bên ngoài
tức là những vật thể của thế giới bên ngoài. Quan niệm như vậy có lẽ xuất
hiện do ảnh hưởng của các tài liệu Âu châu về triết học Ấn độ, bởi vì
cách hiểu này có ở những đại diện của trường phái nghiên cứu triết học
Phật giáo mới ở Nhật bản không hề có chuyên sâu về tài liệu triết học cổ.
Những người Nhật bản am hiểu về tài liệu cho quan niệm như vậy là sai và
hoàn toàn không thể dùng để giải thích các văn bản cổ bàn 75 hay 100
dharma.
Từ những
dharma liệt kê trong các bản, rõ ràng rất nhiều dharma không có thể gọi là
“ngoại thể” chẳng hạn như ý thức và toàn bộ những yếu tố tâm lý kéo theo
nó. Nhưng là ”những khách thể” hay “những vật thể” theo nghĩa rộng, cũng
không phải là tên gọi cho nhiều dharma, chẳng hạn như khát vọng, hay “ý
thức”, hay “sự xuất hiện” và “sự biến mất”, v.v…
Đôi khi
thuật ngữ dharma được giải thích một cách tùy tiện, thậm chí đến mức không
hiểu được. Ví dụ, các tác phẩm viết về triết học Phật giáo của Kakehi –
Giáo sư luật, thì thuật ngữ dharma được hiểu là “luật”, “luật của tự
nhiên”.
Có thể
nói rằng tài liệu khoa học phổ biến hiện đại về Phật giáo của Nhật bản,
khi đề cập tới những vấn đề nhận thức luận và tâm lý học của Phật giáo Ấn
độ thời cổ đại, thì quả là một mớ lộn xộn những dự đoán và giả thuyết y
hệt như tài liệu Âu châu viết về giáo điều Phật giáo. Chỉ cần trình bày
những từ tương đương “khách thể”, “sự vật”, “quy luật” của thuật ngữ
dharma trong các văn bản triết học, sẽ lập tức thấy trong tài liệu Phật
giáo Nhật bản hiện đại những vấn đề và những điều băn khoăn không thể trả
lời được.
Tính bất
định như vậy trong quan niệm về thuật ngữ học quả là một sự kỳ lạ. Điều
này được lý giải bởi sự việc ở Nhật bản, ngay từ buổi đầu của lịch sử Phật
giáo, khuynh hướng Đại thừa, những tông phái của Long Thọ và Vô Trước cũng
như của những nhà duy thức (Vijnanavadina) là những xu hướng thống trị.
Bởi vậy, Những giáo lý ở Nhật bản hầu như chỉ tập trung chú ý đặc biệt vào
những vấn đề siêu hình và tôn giáo, chỉ một vài tác phẩm ít quan trọng
được giành cho những vấn đề nhận thức luận và tâm lý học. Họ thường tự
hào nói rằng Nhật bản không bao giờ quan tâm đến học thuyết “nhỏ nhoi”
không sâu sắc như hệ thống Tiểu thừa. Quả vậy, triết họcTiểu thừa cực kỳ
khó, cực kỳ kinh viện và khó tiếp thu hơn Đại thừa. Hệ thống thuật ngữ
học Phật giáo cơ bản được tạo ra bởi Tiểu thừa, bởi vậy thiếu tri thức về
Tiểu thừa sẽ không hiểu được triết học của Phật giáo các giai đoạn sau.
Những học giả uyên bác ở Nhật bản cũng ý thức được điều đó, nhưng do có ưu
thế hơn về mặt thực tiễn tôn giáo và đạo đức, đã khiến họ đánh giá không
đúng về ý nghĩa lý luận củaTiểu thừa. Sự coi thường đối với Tiểu thừa và
với giáo lý của nó, làm cho Nhật bản ít cần cơ sở lý thuyết tôn giáo hơn
là Ấn độ, thậm chí cả Trung quốc. Phật giáo ở Nhật bản không chỉ không có
địch thủ ngang tài ngang sức, mà còn không bị công kích từ phía những
khuynh hướng tư tưởng khác. Người ta phê phán Phật giáo vì nó phủ nhận
thế giới này, vì chủ nghĩa bi quan tiêu cực của nó. Phật giáo không có
địch thủ dám phê phán mình về quan điểm triết học.
Trong
các tác phẩm hiện đại, những điều cho học thuyết Tiểu thừa là nhỏ nhoi và
không quan trọng, hoàn toàn không có căn cứ. Quan niệm đúng về Tiểu thừa,
chứ không nói gì về sự đánh giá đúng, chỉ gặp rất ít trong giới tăng ni
Phật tử. Giáo sư Murakami trong tự thuật của mình (1913), đã vẽ ra một
bức tranh lý thú về lịch sử của Phật giáo trong vài thập niên gần đây, và
chỉ ra một cách chính xác rằng những người có khả năng hiểu được sự khác
nhau giữa Tiểu thừa và Đại thừa, trong giới tăng ni của tông phái Sinsu
quả là “hiếm như sao buổi sớm”.
Dù có sự
phủ nhận như vậy đối với Tiểu thừa, nhưng như mọi khi, họ vẫn không ngừng
nghiên cứu đặc biệt là Abhidharmakosa, tác phẩm có uy tín của Thế Thân,
người được kính trọng như vị giáo chủ của khuynh hướng Đại thừa, của những
người duy thức luận (Vijnanavadina), cũng như của những người sùng bái
Adiđà.
Hệ thống
của các dharma được trình bày trong các văn bản thuộc phần ba kinh điển
Phật giáo trong tập Abhidharma được gọi là Abhidharma-Pitaka. Thuật ngữ
“abhidharma” có thể được giải thích trong mối liên hệ với thuật ngữ
dharma. Theo định nghĩa của Thế Thân, nghĩa hẹp của abhidharma là “tịnh
thức” cùng các dharma đi theo nó. “Tịnh thức” là sự suy tư hoặc hướng tới
dharma tuyệt hảo: tức là Niết Bàn, hoặc hướng tới dharma theo nghĩa các
yếu tố hay những biểu hiện của tồn tại kinh nghiệm. Các “dharma đi theo”
là những yếu tố tâm lý và những yếu tố khác liên kết khắng khít với hiện
tượng suy tư triết học tôn giáo. Do vậy, abhidharma có nghĩa là một tập
hợp những yếu tố tạo ra cái phần cuộc đời cá thể mà ở đấy, con người ta
“hướng tới” bản chất của các vật thể; hoặc là những yếu tố làm nảy sinh ra
xu hướng dập đi cái tồn thể kinh nghiệm- những yếu tố này là tiền đề dẫn
đến giải thoát. Theo “nghĩa hẹp” abhidharma là tên gọi chung cho nhóm
những yếu tố siêu hình hướng tới dharma Niết Bàn, hay đến dharma bản thể.
Theo
nghĩa thông thường abhidharma là “thức” hướng đến suy tư về những khách
thể vừa nói trên - về Niết Bàn và những vật mang. Thức không phải là
“Tịnh thức” vì nó trộn lẫn vào mình các yếu tố ba động, tức yếu tố là cơ
sở của cá nhân, duy trì sự tồn tại kinh nghiệm, nhưng vẫn gắn liền với
những yếu tố nhận biết “thuần túy” của bản chất sự vật. Cuối cùng
Adhidharma, học thuyết cũng như các tác phẩm giải thích về “tịnh thức” tức
những tác phẩm có khả năng sinh ra tịnh thức trong con người. Phần ba của
kinh điển Phật giáo được gọi là abhidharma là những suy tư hay lý thuyết
về dharma Niết Bàn hay dharma yếu tố.
Như vậy,
thành phần của tồn tại tức những yếu tố của nó, những quy luật đan bện của
các yếu tố, v.v…và mục đích của tồn tại tức Niết Bàn hay “yên tĩnh” là đề
tài của những tác phẩm về abhidharma. Bởi vậy, có thể nói, phần đầu là
thuyết kinh nghiệm, còn phần thứ hai - thuyết cứu độ. Cả hai phần liên hệ
chặt chẽ với nhau đến mức chúng đồng thời tạo nên một chỉnh thể, chính là
thuyết về các dharma mà tất cả các hệ thống giáo lý Phật giáo được quy
về. Abhidharma như một văn bản, là thuyết cứu độ siêu hình và là cơ sở
cho thuyết phân tích tâm thức. Khẳng định rằng abhidharma không mang tính
chất của siêu hình học là không phù hợp với hiện thực.
Một
trong những tác phẩm nổi tiếng nhất về abhidharma là luận văn của Thế Thân
– Abhidharmakosa. “Kosa” nghĩa là “kho báu”, “nơi tàng chứa”; bởi vậy đầu
đề của tác phẩm có nghĩa là “nơi tàng chứa abhidharma”. Với nghĩa đó,
trong tuyển tập này đã tập hợp các học thuyết triết lý có trong các tác
phẩm trước đây về abhidharma. Ở đây, abhidharma có nghĩa là học thuyết về
abhidharma, nhưng tên gọi đó có thể được giải thích theo một nghĩa hơi
khác, “Abhidharmakosa” có thể được hiểu là kho báu tư liệu về abhidharma.
Về thực chất, đó chỉ là một bản luận văn trong đó có tài liệu của
Abhidharma hay là bản luận văn được rút ra từ tài liệu liên quan tới
Abhidharma.
Việc
nghiên cứu văn bản về Abhidharma và thuyết dharma ở Nhật bản được quy định
là phải bắt đầu từ việc lĩnh hội tác phẩm abhidharmakosa – tác phẩm có uy
tín đối với tất cả những lập luận hiện đại. Thường là những lập luận này
bị hạn chế vì chỉ nghiên cứu một bản ghi tóm tắt nào đó hiện có của tác
phẩm này, cốt để hiểu những thuật ngữ quan trọng. Việc nghiên cứu nghiêm
túc hơn tuyển tập này với những chú giải của các học trò Huyền Trang đòi
hỏi một thời gian đáng kể. Để thấu hiểu hệ thống giáo lý Abhidharmakosa
đòi hỏi không ít hơn 8 năm, còn để nghiên cứu bản luận thứ hai của Thế
Thân cùng những chú giải cần tới 3 năm. Sơ đồ của hai bản luận đã được chỉ
ra ở trên, cuối chương V.
Những
tác phẩm của Thế Thân được nghiên cứu một cách thận trọng; Abhidharmakosa
- theo lời giáo sư Vogihara - là “trò chơi trong tay các nhà bác học” đã
biên soạn và ghi nhớ nhiều bảng dharma và vô vàn những thuật ngữ khác
nhau. Đáng tiếc là người ta còn ít chú ý đến mối liên hệ của Kosa với
những tác phẩm khác, cũng như ý nghĩa của Thế Thân trong lịch sử triết học
Phật giáo.
Cách
hiểu truyền thống trước hết có trong những bản chú giải Trung quốc, còn
việc nhận thức được những chi tiết lại chủ yếu phụ thuộc vào lòng kiên
nhẫn và khả năng triết học của người thầy thông thái.
Tài liệu
Nhật bản về triết học của Thế Thân là khá rộng lớn. Đại đa số những tác
phẩm Nhật bản cổ về thuyết dharma được viết bằng tiếng Trung quốc theo
phong thái bắt chước các tác giả Trung quốc cùng việc giữ lại luôn những
thuật ngữ bằng tiếng Trung quốc của họ.
Truyền
thống Nhật bản đã giữ lại được tài liệu và cách hiểu đúng, nhưng nó còn
chưa thâm nhập vào trong tài liệu hiện đại và không được phổ biến rộng rãi
vì những nguyên nhân đã được trình bày ở chương hai.
Những
trình bày tiếp sau đây về thuyết dharma sẽ dựa trên những văn bản cơ bản
của các tác giả cổ và những nhà chú giải Trung quốc, tức là không dựa vào
những tác phẩm Âu châu và Nhật bản hiện đại. Tuy nhiên những lập luận của
những tác giả quan trọng nhất, đặc biệt là những tác giả Nhật bản sẽ được
chỉ ra khi phân tích từng thuật ngữ riêng biệt.
--- o0o ---
Mục Lục | 01
|
02
|
03 |
04
|
05
|
06 |
07
|
08 |
09 |
10
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19
--- o0o ---
Vi tính: Chúc Thượng
Trình bày: Nhị Tường
Cập
nhật:
01- 5 -2004