.

 

Tìm hiểu Trung Luận

 

NHẬN THỨC VÀ KHÔNG TÁNH
 

Hồng Dương
---o0o---

 

Vài lời bày tỏ 

Bấy lâu tôi có viết một số bài về Nhận thức luận Phật giáo và Không tánh Trung quán để đăng trong Nguyệt san Phật học ở Louisville, Kentucky, U.S.A. Đó là những bài ghi lại những kinh nghiệm học Phật thu tập theo thứ tự diễn tiến với thời gian.

Nhìn lại quãng đời sống gần 80 năm qua nhanh như chớp điển, tôi thấy mình quả thật hạnh phúc được sinh làm người Việt Nam. Là vì lớn lên và sống trong một giai đoạn đất nước trải qua lắm cuộc bể dâu, tôi may mắn sớm thấy biết cách vô thường của vạn hữu. Trên đời này không có cái gì là trường cửu bất biến, cho nên nếu vì tham, sân, si mà bám chặt hay trói buộc mình vào bất cứ sự vật gì thời chắc chắn chỉ rước khổ vào thân. Với những kinh nghiệm như vậy, việc học Phật đối với tôi là điều đương nhiên, nhất là vào giai đoạn lớn tuổi, khi có đôi chút thời giờ tĩnh lặng suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc đời sắp mãn.

Học Phật có thể ví như người biết mình bị bệnh đi tìm thầy thuốc chữa bịnh. Pháp Phật là phương thuốc cứu nguy. Muốn chữa bệnh thời phải thực hành Phật pháp. Nhưng nếu không có cơ duyên gặp được vị lương y là bậc thánh thiện như chư Phật hướng đạo tâm linh và làm nơi nương tựa thời không thể nào thực hành đúng chánh pháp hầu chữa trị khỏi bệnh. Đó là khó khăn lớn nhất tôi đang gặp phải.

Hồi còn học lớp Đồng ấu. Mẹ tôi thường dẫn tôi đến chùa của Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Bình, ở Đồng Hới, miền Trung Việt Nam và thường dạy tôi đọc và học thuộc lòng Bát nhã Tâm kinh. Dẫu không hiểu gì nhưng trong cả bài kinh, câu tôi thích nhất và nhớ rõ ràng nhất là câu “Sắc tức thị Không, Không thức thị Sắc”. Từ đó đến nay câu ấy không ngớt vang lên trong đầu óc tôi, luôn luôn giúp tôi thấy biết rõ ràng những vấn đề nan giải gặp phải trong những cảnh huống éo le trắc trở. Có lẽ vì thế mà tôi có khuynh hướng xem Phật pháp như là linh dược trên đời này mặc dầu vô số lần tôi có cơ hội rất đẹp tiếp xúc và học hỏi rất nhiều nơi kiến thức và nhân cách của nhiều vị lãnh đạo tinh thần lỗi lạc của những tôn giáo khác.

Tôi nhớ lại lúc Hòa thượng Thích Minh Châu tu học ở Ấn Độ mới trở về nước, có hỏi Thầy phải đọc sách gì trước tiên để bắt đầu tìm hiểu Phật pháp. Thầy bảo tôi nên đọc “Những gì đức Phật dạy” của Walpola Rahula. Về sau những tài liệu khai nhãn khác như Luận Chỉ Quán, Luận Khởi tín, Nhiếp Đại thừa luận, Giải thâm mật kinh, Pháp Hoa lược giải của Hòa thượng Thích Trí Quang, Lối vào Nhân Minh Học, Luận Thành Duy thức, Vô Ngã là Niết bàn, Ngũ uẩn Vô ngã, Luận Đại trí độ của Hòa thượng Thích Thiện Siêu v.v... là sức gia trì giúp tôi quyết tâm tinh tấn trên đường tu học.

Trên hết, chính những lời khuyến cáo rất tha thiết và thành khẩn trong bài văn Khuyến phát Bồ đề tâm của Đại sư Thật Hiền do HT Thích Trí Quang dịch giải mà tôi đọc được trên Hoa Sen Internet đã làm sáng tỏ lý do và ý nghĩa của sự phát tâm nhập đạo và lập nguyện tu hành. Ở phần tiểu dẫn, Hòa thượng giải thích: “Về lý do phát Bồ đề tâm, ngoài nỗi thống khổ sinh tử mà mình mục kích và ý thức, có hai việc mà kinh luận đề cập nhiều nhất, đó là tự biết mình có thể làm Phật, và tha thiết hơn cả, nghĩ đến sự suy tàn của Phật pháp”. Theo Hòa thượng, “phát Bồ đề tâm, nói đơn giản, là trước hết, lập cái chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng bồ đề, kế đó phát triển tuệ giác ấy, cuối cùng phát hiện bản thể của tuệ giác ấy là chân như. Giai đoạn trước hết, chí nguyện mong cầu tuệ giác Vô thượng bồ đề hàm có hai tính chất mà thành ngữ thường nói là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

Tìm hiểu về sự liên hệ giữa hai câu “Thượng cầu Bồ đề, hạ hóa chúng sanh” và “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” là nguyên nhân dẫn tôi đến với Trung quán luận của Bồ tát Long Thọ. Trong sách này, tánh Không được gắn liền với Duyên khởi để minh giải thuyết Trung đạo theo đúng giáo lý của đức Thế Tôn, tức là phương pháp tu tập để từ bỏ hai cực đoan chấp không và chấp hữu. Mọi phân tích suy lý theo phương pháp biện chứng Trung quán đều hướng đến triển khai tuệ quán vào tánh Không, nhận biết cách thức vạn pháp hiện hữu như thật, đúng như cái thế duyên khởi của chúng. Do đó nếu chỉ đọc Trung quán luận bằng trí năng mà không đồng thời học tập quán tưởng thời không thể nào không chứng được giáo lý về tri kiến sâu xa của Bồ tát Long Thọ.

Trung quán luận mô tả lộ trình tu tập của những hành giả tiến tu Bồ tát đạo một cách ngắn gọn nhưng rất đầy đủ trong bài tụng XXIV.18: “Các pháp do Duyên khởi, nên ta nói là Không, là Giả danh, và cũng chính là Trung đạo”. Duyên khởi là Không, Không là giả danh. Vì giả danh là cái tên gọi được thiết lập y cứ vào một tập hợp nhân duyên, nên giả danh là duyên khởi. Cách phát biểu như vậy theo đúng thứ tự diễn tả tư tưởng Không trong câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” của Tâm kinh.

Trung quán luận sử dụng biện chứng pháp để tiêu diệt hý luận và chỉ đường thức tỉnh chẳng những làm phát khởi cái chí nguyện “thượng cầu Bồ đề” mà còn hỗ trợ sự tinh tấn tu hành cho đến phát minh tuệ giác Vô thượng Bồ đề. Đó là phép quán “Sắc tức thị Không”. Đương thể “Sắc” tức Không, đương thể là Không. Không đây là Tự tính Không.

Về mặt “Hạ hóa chúng sanh”, Trung quán luận xác quyết Nhị đế, tục đế và chân đế, là diệu dụng của phương tiện và trí tuệ. Tục đế ở đây là ngôn ngữ và luận lý. Ngôn ngữ của luận lý muốn có lợi ích phải tuôn ra từ Chân đế tức Không. Ngài Long Thọ nói: “Do Không mà tất cả pháp được thành tựu và hợp lý”. “Không” đề cập ở đây là “Không tức thị Sắc”, là Tha tính Không, là sự xa lìa tất cả nhiễm pháp. Đứng về hiển tánh mà nói thời gọi là Không tánh, nhưng thật thể là Sắc cứu cánh, là bất không.

Trung luận đả phá triệt để mọi vọng tưởng hý luận để minh giải cho thấy giá trị của ngôn ngữ và luận lý không ở chỗ thành công mà là ở chỗ thất bại của nó trong sự diễn đạt Tuyệt đối. Chính do sự thất bại này mà ngôn thuyết tựu thành được Trung đạo qua phép biện chứng. Đối với những người được giáo dục theo văn hóa Tây phương thường quen khẳng định sự hữu (existence), phủ định sự phi hữu (non-existence), và triệt để tuân theo luật phi mâu thuẫn của Aristotle: A không thể vừa là A vừa là phi A, thời Trung đạo, nguyên lý bản thể luận Phật giáo, thật là khó hiểu. Bởi vì Trung đạo là không khẳng định không phủ định. Theo Ngài Long Thọ, Trung đạo là một tiến trình tu tập theo biện chứng pháp, chuyển biến phương cách nhận thức thực tại từ có Duyên khởi qua không có Duyên khởi tức Không, rồi trở lại có Duyên khởi dưới hình thức Giả danh.

Vì những lý do vừa nêu, nên trước khi tìm hiểu và viết về từng phẩm một của Trung quán luận, tác giả gia công tìm tòi học hỏi nhận thức luận và quá trình phát triển tư tưởng tánh Không Phật giáo. Các tông phái Phật giáo Trung quán quan niệm rằng các pháp thức suy tư và biết rõ chỗ đúng sai của tư duy suy lý là rất cần thiết cho mục đích tự ngộ. Mặt khác, hiểu rõ các phép tắc biện luận và cách thức trình bày qua ngôn ngữ để giúp kẻ khác thông hiểu chủ trương của mình cũng rất cần thiết cho mục đích ngộ tha.

Trong Phần Một: Nhận thức luận Phật giáo, những nét đặc thù của nhận thức luận Phật giáo được trình bày qua ba bài: Nhận thức luận Phật giáo, Nhận Minh luận, và Biện chứng pháp apoha. Ba bài trước đó, thấy vậy mà không phải vậy, hãy đến mà thấy! và Lý Duyên khởi, mô tả một cách tổng quát phương cách nhận thức khác thường của Phật giáo và đường lối giải thích lý pháp duyên khởi qua các giai đoạn phát triển tư tưởng Phật giáo.

Trong Phần Hai: Không tánh Trung quán luận, bài “Trung quán luận: Phá tà hiển chánh” đặt Trung quán luận vào giai đoạn mà có vai trò giáo hóa quan trọng nhất trong quá trình tu chứng. Kế tiếp, bài “Nhị đế: Triết học về Không thuyết và Ngôn thuyết” đưa ra nhận xét về sự tương tợ giữa hai hình ảnh tuyệt đẹp là sự im lặng của đức Phật và điểm nguyên thủy của vũ trụ.

Trong công việc nghiên cứu các quan điểm khác nhau về cách trình bày tánh Không, hai bài “Mười ba bài tụng chủ yếu của Trung luận” và “Tánh Không phủ định cái gì?” đề cập Không tánh Trung quán và những luận cứ dùng để phản bác sự ngộ nhận Bồ tát Long Thọ chủ trương hư vô luận. Bài “Cái còn lại trong tánh Không” tìm cách chứng minh rằng tuy cả hai học phái Trung quán và Du già đều lấy kinh Đại Phẩm Bát nhã làm cơ sở tư tưởng, nhưng Du già còn tựa trên kinh Tiểu Không để thuyết minh tánh Không. Bài “Tự tính Không và tha tính Không” nêu ra một bên là Trung quán và Du già y cứ từ nhân duyên sanh pháp, hư vọng sanh pháp để luận về tính siêu việt tổng hợp đối lập của tánh Không, và bên kia, kinh Thắng Man, kinh Lăng Già, luận Khởi tín y cứ từ Như Lai tạng tính mà thuyết minh nghĩa tánh Không là “không và bất không”. Do đó mà phát hiện thuyết Tha tính Không liên quan mật thiết với các pháp môn tu tập thiền quán như các giáo pháp Minh sát thiền, Thiền tông, Đại thủ ấn, và Đại toàn thiện.

Mục đích của bài “Biện chứng pháp Trung quán” là để biện minh luận chứng căn cứu trên tứ cú của Ngài Long Thọ không phạm lỗi lầm đối với phi mâu thuẫn và luật triệt tam của logic Aristotle mặc dầu có tính chất siêu việt luận lý. Những điều nói đến trong bài này sẽ được lặp lại với nhiều chi tiết hơn khi giải thích ý nghĩa của từng Phẩm. Ngôn ngữ Toán học dùng phát biểu một số khái niệm về tánh Không, Pháp giới, và biện chứng pháp cũng được đề cập trong bài “Toán ngữ và Tứ cú”.

Bài mở đầu “Ngôn ngữ và Biện chứng” và hai bài gần cuối “Hý luận về Không”, “Sinh mệnh tức Không” dùng nhãn quan và ngôn ngữ Phật giáo để phân tích một số thành quả của Vật lý học và Sinh học hiện đại.

Cuối cùng, bài Nhận thức và Không tánh ở Phần Ba tổng kết hai Phần đầu và luận bàn về “Bài tụng tán khởi” với mục đích nối kết tập sách này với tập sách kế tiếp. Tập sách này mới là phần đầu của quyển “Tìm hiểu Trung quán luận” mà tác giả dự định viết. Phần giữa sẽ gồm những bài giải thích 27 Phẩm của Trung quán luận và phần cuối sẽ trình bày về các tông phái Phật giáo Trung quán.

Quyết định viết bàn về một tác phẩm có tiếng khó hiểu như Trung quán luận tất có sự khích lệ và hỗ trợ lớn lao của nhiều bậc thiện tri thức. Số là ở Louisville, tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ, nơi tôi cư ngụ, hơn thập niên nay, có một nhóm Phật tử trẻ tuổi hơn tôi nhiều, tuy bề bộn với nghề nghiệp chuyên môn và đời sống gia đình, nhưng thường xuyên phát hành đều đặn một nguyệt san biếu không lấy tên là Phật học, thực hiện một Trang nhà trên Mạng nhện Toàn cầu, www.phathoc.org, đăng nhiều tài liệu tham khảo có giá trị về Phật giáo, ấn hành nhiều sách Pháp luận và phát hành nhiều băng giảng pháp, tổ chức mời Thầy về nói Pháp và giảng Thiền ở địa phương những mùa lễ lớn, đóng góp công lực và tài lực vào Phật sự khắp nơi, v.v... Đối với tôi, không những đó là tấm gương sáng chói mà còn là một công trình lợi ích khó thực hiện gấp trăm ngàn lần học đọc thông hiểu và viết ra những bài luận bàn về Trung quán luận. Lại được quý vị trong nhóm yêu cầu và khuyến khích tôi mới mạnh dạn ghi lại và nói lên những kinh nghiệm học Phật trong thời gian qua.

Suốt thời gian viết về tánh Không, tôi chưa bao giờ rời khỏi quyển Triết học về tánh Không của Thầy Tuệ Sỹ. Trong giai đoạn gần hoàn thành tập sách này, nhờ nhiều thiện duyên tôi được Thầy Tuệ Sỹ tùy hỷ chỉ giáo tận tường và gửi cho tài liệu về Pháp giới Hoa Nghiêm qua điện thư. Cuối cùng, Thầy có nhã ý viết lời Tựa khi sách được hoàn tất. Kính xin Thầy nhận ở đây tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu xa của tôi.

Tôi chân thành cảm tạ và tỏ lòng biết ơn quý vị xa gần đã bỏ thời giờ đọc và phê phán những bài tôi viết bấy lâu được đăng trong Phật học. Về trang bìa, tôi rất cảm kích được họa sĩ Bửu Chỉ giúp trình bày về một tác phẩm diễn tả đầy đủ ý nghĩa nội dung tập sách. Riêng đối với nhóm Phật học ở Louisville, để khỏi phụ lòng thương yêu và tin tưởng của quý vị, tôi nguyện tinh tấn tu học và tiếp tục viết ra những kinh nghiệm thấy biết bản thân hầu đóng góp phần nào vào công việc hoằng dương Phật pháp mà quý vị đang chí tâm thực hiện.

 

Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
Tháng Hai, 2001

 

 

-- o0o --

Mục Lục

 Phần 1:  1  |  2  |  3 4 | 5 | 6 | 7  

Phần 2:  1 | 2 3 4 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10

Phần 3: 1 | 2

---o0o---

| Thư Mục Tác Giả |

---o0o---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Phúc Trungđã gởi tặng tài liệu này.
Vi tính: Hải Hạnh
 Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật : 11-05-2002

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

义云高世法哲言 æˆ å šæ 伊人已逝 chi co phat phap moi ngan duoc toi loi cua gioi สโตร ส รา çš những giả định đau lòng nhung nguoi nu xuat gia tu phat co chung duoc ta là ai giữa cuộc đời này Tùy bút Hoàng Hải Lâm Đất tam binh the gioi binh 11 nang luc cua tap trung hay chung song than ai voi cac ban dac biet Vì sao không nên uống rượu bia 首座 ta Ï 4 cách giảm stress đơn giản và Đường Thiền lối cũ Gene có phải nguyên nhân chính gây ra tiêu nghiệp vãng sinh và đới nghiệp le tuong niem huy nhat lan thu 15 co dai lao ht 士用果 禅の旋 luc mÊ塩谷八幡宮 tim lai chinh minh 大学生申请助学金的申请理由怎么写 æ Æå ç å ä¹ lãå บทถวายสงฆทานสด chua 中国佛教新闻网 å å 同分 hòa thuongj thích tâm hoàn lãi 地藏十轮经 三年级上册数学应用题 观宗寺香港 Phật giáo 护法 cach Lâm Đồng Thành kính tưởng niệm HT 簡単便利戒名授与水戸 Dạy Phật pháp cho trẻ em giï å眼ä½æ Chùa Quán Thế Âm