NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001
TOÀN TẬP
TÂM NHƯ TRÍ THỦ
--- o0o ---
TẬP 2
LUẬT TỲ
KHEO
YẾT MA YẾU CHỈ
Hòa thượng THÍCH TRÍ THỦ Soạn
CHƯƠNG BA
TIẾT MỘT
I.
DẪN KHỞI
Theo ý
nghĩa thông thường nhất, thọ giới là một hình thức chấp nhận nội qui để một
người có thể trở thành thành viên của một cộng đồng, cùng sinh hoạt và cùng hỗ
trợ để đạt tới mục đích lý tưởng. Trên danh nghĩa, cộng đồng đệ tử của đức Thích
Tôn được phân thành 4 nhóm, nhưng trong thực tế sinh hoạt thì chỉ có hai nhóm là
xuất gia và tại gia. Do hình thức sinh hoạt thường nhật, cũng như do những quan
hệ xã hội khác nhau, mà những người tại gia và những người xuất gia có những qui
ước sinh hoạt không giống nhau. Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của đệ tử Phật, bất
kể tại gia hay xuất gia, đều chỉ có một, đó là giải thoát và giác ngộ. Cho nên
tất cả những chế định của đức Thích Tôn về các qui ước sinh hoạt cho các chúng
đệ tử đều có ý hướng nhằm phát triển tâm linh, nâng cao phẩm chất đạo đức của
mỗi người để làm chất liệu bồi dưỡng trí tuệ. Bản chất của những qui ước này là
khả năng phòng hộ, là bờ đê ngăn cản những dòng nước đục từ bên ngoài theo các
ngõ thân và ngữ chảy tràn vào tâm tư vẫn đục nó đi. Cho nên, sự thọ giới không
chỉ đơn giản là một hình thức tuyên thệ để được chấp nhận vào một đoàn thể như
thông thường ở thế gian.
Luận tạng
của các học phái Phật giáo, mặc dù xu hướng nhiều về những phân tích tâm lý và
khảo sát các nguyên tố cấu tạo vũ trụ và tác thành con người, nhưng không bao
giờ bỏ sót không nhấn mạnh đến tính quan trọng của sự thọ giới và trì giới. Sự
trì giới, chấp hành nghiêm chỉnh những chế định của đức Thích Tôn để bồi dưỡng
tâm tư và trí huệ đương nhiên là quan trọng, nhưng sự thọ giới lại càng quan
trọng không kém. Mặc dù, xét theo thời gian tính, trì giới là phận sự mà đệ tử
Phật phải chấp hành cho đến trọn đời, còn việc thọ giới chỉ giới hạn trong một
khoảng thời gian ngắn, nhưng nó là khởi điểm của quá trình tu dưỡng. Bước chân
đầu tiên bao giờ cũng quan trọng. Nó phải có hiệu lực tác động ngay vào tâm tư,
làm thay đổi bản chất tâm tư cố cựu để dẫn người thọ giới vào một cuộc đời mới,
với những sinh hoạt theo các qui ước mới. Nói theo thuật ngữ của những nhà Hữu
bộ, nếu sự truyền giới và thọ giới mà không đủ sức mạnh làm phát sinh giới thể
vô biểu trong thân tâm của người thọ giới, thì những lời tuyên thệ trong lúc thọ
giới không có hiệu lực để chi phối và hướng dẫn người trì giới chấp hành đúng
đắn nghiêm chỉnh. Giới thể vô biểu cũng gọi là giới thể vô tác, do đó được coi
như là bản chất tồn tại của giới. Một người, sau khi đã thọ giới, nếu rủi gặp
trường hợp đưa đến phá giới mà có thể cưỡng chế được, đó là do khả năng phòng hộ
của giới thể vố tác ấy. Cũng như bờ đê nếu không kiên cố, gặp cơn nước lũ sẽ bị
vỡ. Cũng vậy, giới thể vô tác nếu không đủ mạnh, sẽ bị hủy trước những cám dỗ
của tội lỗi.
Chính do
quan niệm rất cụ thể về bản chất của giới như vậy, mà sự thọ giới phải được thực
hiện theo một số nguyên tắc tất yếu, tùy theo đặc tính của giới. Những nguyên
tắc này không phải được thiết định một cách tự nhiên. Chúng được thiết định theo
các tính cách hỗ tương tác dụng và ảnh hưởng giữa các hoạt động tâm lý và vật lý
của con người. Cho nên, nếu chúng không được tuân hành một cách nghiêm chỉnh,
giới thể vô tác không đủ điều kiện để phát sinh, và như vậy, khả năng phòng hộ
của giới sẽ rất yếu hoặc không có gì cả.
Tuy giữa
các học phái đã xảy ra nhiều thảo luận khác nhau về bản chất và sự tồn tại của
giới thể vô tác hay vô biểu, nhưng trên đại thể, họ đều nhất trí với nhau về
tính thực tại của khả năng phòng hộ của giới. Cho nên, trong vấn đề truyền và
thọ giới, không phải chỉ cần chú trọng nội dung là đủ, mà hình thức truyền thọ
cũng là khía cạnh cần phải được coi trọng không kém.
Bản chất
của giới tại gia là sự toàn thiện về đạo đức cá nhân nên sự truyền thọ có thể
được thực hiện giữa một nhóm người với một người. Nhưng giới xuất gia bao gồm cả
đạo đức cá nhân và tập thể, do sự truyền thọ cần phải thông qua tập thể theo thủ
tục yết ma, tức thủ tục hành sự của tăng. Do ảnh hưởng bởi sự phát triển suy lý
của luận tạng, các luật sư của từng bộ phái thỉnh thoảng cũng dẫn chứng quan
điểm của tông phái mình để nhấn mạnh tác dụng tâm lý trong khi thọ và ảnh hưởng
của nó đối với vấn đề chấp hành giới luật sau này. Sự dẫn chứng của họ đôi khi
đi xa đến chủ nghĩa hình thức, nếu so với những trường hợp được ghi chép trong
kinh tạng. Theo tinh thần của kinh tạng, nếu nói riêng về giới xuất gia, thì
hình thức truyền thọ sở dĩ cần được chú trọng là vì để tránh những sự chia rẽ
trong tăng. Một người mới xuất gia, được chấp nhận là một thành viên của cộng
đồng đệ tử xuất gia của Phật, không phải đơn giản là vấn đề cá nhân mà trách
nhiệm nhiều lắm chỉ là mối quan hệ thầy trò. Ở đây, nó là trách nhiệm liên đới.
Sự tiến bộ hay sa đọa của một người xuất gia không phải chỉ mang lại hậu quả cá
biệt cho một người, mà có quan hệ đến cả sự hưng thịnh và suy đồi của Phật Pháp.
Cho nên, trong vấn đề truyền thọ giới xuất gia, kể từ sa di cho đến tỳ kheo, tư
cách của người thọ cũng như phẩm chất của người truyền là những vấn đề mà tăng
có trách nhiệm chung phải kiểm nghiệm, không để cho truyền thọ bừa bãi khiến cho
cộng đồng xuất gia trở thành một tập thể hỗn tạp. Chính do ý nghĩa này mà các
pháp yết ma áp dụng cho các việc truyền thọ giới xuất gia cần phải được tăng
chấp hành một cách nghiêm chỉnh.
Cho nên, dù
nói theo Kinh, hay Luật tạng hay theo Luận tạng, không bao giờ có vấn đề cho
phép một người tự thọ giới. Giới xuất gia không được phép đã đành, mà giới tại
gia cũng không hề được phép. Trừ trường hợp các vị đã đạt đến địa vị vô học của
một thánh giả A la hán. Còn ngay cả đến các thánh giả hữu học cũng chưa thấy
kinh điển nào đề cập đến trường hợp tự thọ.()
Bởi vì, trong một ý nghĩa nào đó, tự thọ có nghĩa là không biết đến sự tồn tại
của cộng đồng đệ tử Phật, và đấy là nguyên nhân chủ yếu sẽ dẫn đến tình trạng
chia rẽ giữa các đệ tử Phật.
Nói một
cách tổng quát, việc truyền thọ giới xuất gia phải tuân theo những qui định như
sau:
- Tư cách
làm thầy phải được tăng nghiệm xét và chấp nhận. Nếu tăng chưa chấp thuận cho
phép thâu nhận đệ tử, mà cứ tự ý thâu nhận thì đó là việc làm phi pháp.
- Sự thâu
nhận đệ tử phải được cáo tri cho tăng biết. Nếu tăng không chấp thuận, phải chấp
hành nghiêm túc phán quyết ấy.
Tăng phải
kiểm nghiệm cẩn thận tư cách của người thọ giới, không được truyền thọ bừa bãi.
Đó là những
điểm tổng quát. Sự áp dụng vào các trường hợp khác nhau đối với sa di, sa di ni,
thức xoa ma na, tỳ kheo và tỳ kheo ni sẽ được nói riêng trong các phần sau.
Trừ những
người vì mục đích lợi dưỡng mà ngụy trang xuất gia thì không kể, tất cả những
người xuất gia đều phải hướng đến mục đích cao thượng, đó là giải thoát và giác
ngộ. Không phải tất cả đều có thể thành đạt mục đích ấy ngay trong đời này,
nhưng cuộc sống thanh tú là nền tảng nâng cao phẩm giá của người xuất gia. Bởi
vì đó là đời sống của một thánh giả A la hán, mặc dù tâm tư vẫn còn nhiều ô
nhiễm. Một người tại gia dù đã chứng đạt các quả vị thánh giả, cố nhiên trừ quả
vị A la hán, và có thể cả quả A na hàm, vẫn không bao giờ được đặt cao trên địa
vị một sa di, một người xuất gia tập sự chưa chính thức dự phần tăng thể, không
kể sa di ấy là phàm phu hay thánh giả. Tại sao? Tại vì một đệ tử tại gia tuy
chứng đạt quả vị Dự lưu hay Nhất lai, tuy rằng đã sống với tâm tư của một thánh
giả, nhưng đời sống phàm tục, vẫn còn ràng buộc ở thế gian. Người xuất gia dù
chưa chứng đạt gì cả, ngay trong cả những cấp thiền định thấp nhất cũng chưa chứ
đừng nói gì đến trí tuệ vô lậu, tuy rằng sống với tâm tư của một phàm phu, với
những ô nhiễm chưa được đoạn trừ phần nào, nhưng đời sống ấy là đời sống của một
thánh giả vô học, một vị A la hán, là cuộc đời xứng đáng với sự kính trọng của
thế gian. Cho nên, sự giáo dục phẩm cách đạo đức của người xuất gia trở thành
trách nhiệm trọng đại của những bậc thầy trong tăng chúng. Làm bậc thầy thâu
nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội.
Vả lại, một
người phát tâm xuất gia, nương theo thầy mà học đạo, là gởi trọn cả cuộc đời của
mình cho thầy. Nên hay hư đều đặt tất cả niềm tin của mình vào thầy. Cho nên đức
phật đã nói: thà làm một tên đồ tể gây nghiệp sát hại chứ không thể thâu nhận đệ
tử xuất gia mà không biết giáo dục khiến cho chính pháp vì vậy mà sớm bị diệt
vong. Quả thật, tên đồ tể sát hại sinh vật, chỉ gây thiệt hại cho con vật trong
một đời. Còn người làm thầy mà không biết giáo dục đệ tử là nhận chìm đệ tử
xuống ác đạo không biết bao nhiêu đời kiếp lại còn làm cho Phật pháp suy vong.
Tội nghiệp ấy há không phải là trầm trọng hơn cả tên đồ tể?
Trách nhiệm
giáo dục, tài bồi phẩm cách đạo đức cho đệ tử đã quan trọng như vậy, tư cách làm
thầy phải như thế nào mới được coi là xứng đáng? Luật tạng ghi chép rất nhiều
đức tính mà một vị thầy cần phải có.()
Trong số nhiều đức tính này, ở đây có thể tổng quát bao gồm hai khía cạnh, khía
cạnh vật chất và khía cạnh tinh thần. Về khía cạnh vật chất, người làm thầy phải
có khả năng cung cấp các phương tiện sống cho đệ tử theo tiêu chuẩn thiểu dục
tri túc của người xuất gia. Nhưng quan trọng hơn cả là những đức tính thuộc khía
cạnh tinh thần. Theo đó, người thầy phải đủ khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì
giới luật và học kinh điển, tu tập thiền định, có đủ kinh nghiệm để giải quyết
những tâm tư khúc mắc của đệ tử. Nói chung, trách nhiệm làm thầy cũng như trách
nhiệm làm cha. Nhưng bổn phận làm cha phần lớn tập trung vào việc nuôi dưỡng lớn
sắc thân, còn bổn phận làm thầy là phải nuôi lớn pháp thân của đệ tử, cho nên
bổn phận đó còn trọng đại hơn cả người cha nữa.
Nói một
cách cụ thể, tổng hợp những đức tính mà các luật bộ quy định về tư cách làm
thầy, có năm điều chính yếu như sau:
1.
Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
2.
Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.
3.
Kiến thức phải rộng rãi.
4.
Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử.
5.
Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.
Nói tóm
lại, làm thầy phải biết giáo dục đệ tử về các mặt giới, định và tuệ, đó là ba
khoa mục học hỏi mà người học đạo cần phải theo đuổi trong quá trình tấn tu đạo
nghiệp. Nếu tự nhận thấy quá yếu kém trong các khoa mục đó, thì khoan làm thầy
vội, mà bản thân cần phải tự cố gắng để đạt đến trình độ khả quan, chứ không nên
thâu nhận đệ tử một cách cẩu thả vội vàng, vô trách nhiệm.
Yết ma súc
chúng là thủ tục hành sự của tăng chấp thuận một tỳ kheo được phép thâu nhận đệ
tử thế phát xuất gia, truyền giới sa di và cụ túc, sau khi đã kiểm nghiệm xét
cẩn thận tư cách của vị tỳ kheo ấy. Ý nghĩa của nó cũng giống như một người đã
học xong ngành y, tự xét hội đủ khả năng và điều kiện để trị bệnh cho người, thì
phải thông qua sự chấp thuận của hội đồng bác sĩ, mới được phép hành nghề. Thật
vậy, việc chấp thuận của tăng, ngoài mục đích kiểm nghiệm tư cách làm thầy để
bảo đảm tương lai cho những người sẽ xuất gia và tu tập dưới sự hướng dẫn và
giáo dục của thầy tỳ kheo ấy, nó còn có mục đích duy trì sự hòa hiệp của tăng.
Nếu một người tự ý xác nhận tư cách của mình, rồi tự ý thâu nhận đệ tử, thì
trong nhiều trường hợp có thể tạo thành nhóm sư môn biệt lập không cần biết đến
sự hiện diện của tăng, bất chấp thẩm quyền của tăng trong các vấn đề xử trị. Đấy
là nguyên nhân có thể đưa đến sự chia rẽ trong tăng. Gây chia rẽ trong tăng là
một trong năm tội đại nghịch không bao giờ được tha thứ trong Phật pháp.
Trong
khoảng thời gian đầu của cuộc đời hóa đạo, thì chính đức Thích tôn thường trực
tiếp truyền giới cho các tỳ kheo. Về sau, do sự phát triển rộng rãi trong nhiều
địa phương, sự việc đưa một người đến trực tiếp với Ngài thật là khó khăn phiền
phức, nên Ngài cho phép các tỳ kheo được truyền giới cụ túc. Nhưng rồi, có người
chỉ mới được một hai hạ đã thâu nhận đệ tử và truyền giới cụ túc.()
Với số tuổi đạo còn ít, công phu tu dưỡng chưa bao nhiêu, nên các tỳ kheo này
thiếu sót bổn phận làm thầy. Do đó, đức Phật chế định rằng tỳ kheo phải đủ mười
hạ mới được phép thâu nhận đệ tử. Có người vừa đủ mười tuổi hạ nhưng sự học tập
của họ về giới luật chưa thông suốt, nên sau khi thâu nhận đệ tử rồi thì cũng
không đủ khả năng để dạy dỗ. Đức Phật lại chế định, dù đủ mười tuổi hạ, nhưng
phải đủ các đức tính làm thầy. Một số tỳ kheo tự thấy mình đã hội đủ tất cả các
điều kiện như thế, bèn tự tiện thâu nhận đệ tử. Do đó, Ngài chế định thêm rằng,
sau khi đủ mười tuổi hạ, có trí tuệ và khả năng dạy dỗ rồi, nếu tỳ kheo nào muốn
thâu nhận đệ tử xuất gia truyền giới sa di hay cụ túc, phải trình cho tăng biết,
để tăng nghiệm xét. Sau khi nghiệm xét tư cách làm thầy của tỳ kheo đó, nhận
thấy không có điều nào thiếu sót, mới bạch nhị yết ma cho phép. Tỳ kheo nào chưa
được tăng yết ma cho phép thì không bao giờ được thâu nhận đệ tử. Việc bạch tăng
xin phép này chỉ cần thực hiện một lần. Từ đó về sau, nếu muốn độ người xuất
gia, tỳ kheo ấy khỏi phải bạch tăng xin lại.
Tỳ kheo
muốn bạch tăng xin phép yết ma súc chúng, trước hết lễ thỉnh các tỳ kheo tập
họp. Sau khi tăng họp tỳ kheo xin yết ma súc chúng bước ra lễ tăng ba lễ, rồi
quì xuống, chấp tay bạch rằng:
Đại đức
tăng, xin lắng nghe, tôi tỳ kheo…. Yêu cầu xin được độ người, truyền giới cụ
túc. Kính mong tăng chấp thuận, tôi tỳ kheo…. Được phép độ người, tuyền giới cụ
túc, tứ mẫn cố.
Bạch như
vậy ba lần. Sau khi tăng nghiệm xét, nếu nhận thấy tỳ kheo này chưa đủ điều kiện
và khả năng, có thể bác bỏ thỉnh cầu bằng cách tuyên bố rằng:
Này đại
đức, thôi đi, hãy khoan độ người.
Trái lại,
nếu nhận thấy đủ tư cách, thì tăng tiến hành yết ma súc chúng. Thầy yết ma bạch:
Đại
đức tăng,xin lắng nghe. tỳ kheo… này nay thỉnh cầu tăng cho phép độ người,
Truyền thọ giới cục túc, nếu thời gian thích hợp đối với tăng, mong tăng chấp
thuận. Tăng nay cho phép tỳ kheo… được độ người, truyền thọ giới cụ túc. Đây là
lời tác bạch.
Đại
đức tăng, xin lắng nghe, tỳ kheo…. này, thỉnh cầu tăng cho phép độ người, Truyền
thọ giới cụ túc tăng. Nay cho phép tỳ kheo…. này được độ người, truyền thọ giới
cụ túc. Các trưỡng lão nào chấp thuận, tăng cho phép tỳ kheo… được độ người,
truyền thọ giới cụ túc, thì im lặng. Ai không chấp thuận, hãy nói.
Tăng
đã chấp thuận cho tỳ kheo… được độ người truyền thọ giới cụ túc, vì im lặng. Tôi
ghi nhận như vậy.
Theo những
điều được ghi chép trong kinh tạng cũng như luật tạng vào thời kỳ đầu của giáo
đoàn tăng lữ, những người thâm tín Phật pháp, cầu xuất gia, liền được xuống tóc
và truyền thọ cụ túc để trở thành tỳ kheo ngay. Bấy giờ đức Phật cũng chưa qui
định số tuổi thấp nhất để thọ tỳ kheo. Nhưng về sau, khi nhóm thiếu niên gồm
mười bảy người, tuổi chưa đủ hai mươi, thọ cụ túc rồi mà không khám nổi phận sự
của tỳ kheo, không chịu đựng nổi việc không ăn phi thời, nên ban đêm kêu khóc.
Đức Phật khiển trách các tỳ kheo truyền giới mà không biết nhận định. Người chưa
đủ hai mươi, không khám nổi đời sống khổ hạnh, không chịu đựng nổi các thứ muỗi
mòng, nóng lạnh đói khát, nhẫn nhịn những lời thô bạo của người đời, thì làm sao
có thể chấp hành được học xứ của tỳ kheo. Do đó, đức Phật chế định rằng, nếu tỳ
kheo độ người chưa đủ hai mươi tuổi thọ giới cụ túc, phạm ba dật đề.()
Sa di là
cấp bực đầu tiên của giới xuất gia. Trẻ nhỏ ít nhất là bảy tuổi, có thể đuổi quạ
được, có thể làm sa di. Tuổi từ bảy đến mười ba được thọ giới làm sa di, thì
được gọi là khu ô sa di, nghĩa là sa di chỉ có một phận sự là đuổi quạ. Từ mười
bốn đến mười chín được gọi là ứng pháp sa di, tức sa di thực thụ học tập đầy đủ
các phận sự của người xuất gia. Từ hai mươi đến bảy mươi gọi là danh tự sa di,
tức sa di trên danh nghĩa.()
Theo nguyên
tắc, nếu người được phép cạo tóc xuất gia thì phải được truyền giới sa di ngay.
Nếu dù đã xuống tóc mà chưa thọ sa di thì chưa thể gọi là người xuất gia được.
Tuy nhiên, theo thông lệ phổ biến ở nước ta, cũng như của Trung quốc từ xưa, bất
kể tuổi đời lớn nhỏ bao nhiêu, sau khi được thầy cho cạo tóc xuất gia, phải trải
qua một thời gian tối thiểu ba tháng, thọ trì tam qui và ngũ giới, làm tịnh nhân
để tập sự. Trong thời gian đó, ông thầy phải theo dõi quan sát tư cách và chí
hướng, nếu nhận thấy chí hướng đã vững vàng thì mới cho thọ giới sa di. Mặc dù
điều này không được qui định trong luật tạng, nhưng sự thực hành không phải là
vô ích. Vì có như thế mới tránh được nhiều trường hợp xuất gia vì lợi dưỡng, hay
vì mục đích nào khác chứ không phải để cầu đạo giải thoát. Vì đây không phải là
điều mà Luật tạng bắt buộc, trong khi thực hành cũng cần phải linh động. Nếu
nhận thấy người đã có tín tâm vững chắc nơi Phật Pháp, chí nguyện đã kiên cường,
và tuổi đã đủ hai mươi thì có thể cho xuất gia thọ sa di và cụ túc ngay, không
nên diên trì thời gian làm trở ngại sự nghiệp tiến tu của người cầu đạo.
Về nghi
thức làm lễ xuất gia, sẽ được nói trong tập sách khác với đầy đủ chi tiết. Ở
đây, trong phạm vi các pháp yết ma chỉ đề cập những đòi hỏi phải thực hiện giữa
tăng.
Tỳ kheo đã
được tăng làm yết ma cho súc chúng rồi thì có thể độ người xuất gia bất cứ lúc
nào nhưng một năm không được nuôi hai sa di và truyền giới cụ túc cho hai người.
Nếu việc độ người thế phát được thực hiện ngoài phạm vi đại giới của tăng, thì
không cần phải cáo tri cho tăng biết. Nhưng nếu ở trong phạm vi đại giới của
tăng, tỳ kheo làm thế độ bổn sư có bổn phận phải bạch cho tất cả tăng trong già
lam được biết. Tăng cùng tập họp cả vào một chỗ thì tốt, bằng không thể tập họp
thì phải dẫn người xin xuất gia đi đến từng phòng mà giới thiệu.
Sau khi
tăng đã tập họp, thầy yết ma hướng dẫn tử tác bạch:
Đaị đức
tăng, xin lắng nghe. Thiện nam tử…. kia muốn cầu tỳ kheo….cho xuống tóc. Nếu
thời gian thích hợp đối với tăng, mong tăng chấp thuận, cho thiện nam tử… xuống
tóc. Đây là lời tác bạch.
Phép này
chỉ một lần đơn bạch mà không có yết ma.
Mặc dù chưa
chính thúc là một thành phần của tăng, nhưng người đã thọ giới sa di là đã chính
thức bước vào đời sống xuất gia học tập và đời sống của một thánh giả vô học A
la hán. Do thế, địa vị của sa di được tôn trọng trên địa vị một người tại gia dù
đó là một thánh giả Tu đà hoàn (tức dự lưu) hay Tư đà hàm (tức nhứt lai). Giới
của sa di gồm 10 điều khoản. Đó là một phần quan trọng trong toàn bộ đời sống
siêu xuất thế gian của thánh giả A la hán. Là những điều khoản mà một người tại
gia dù trên mặt tu chứng đã đạt đến địa vị thánh giả nhưng do những ràng buộc
thế gian mà không thể chấp hành được.
Để xứng
đáng với địa vị được tương đối tôn trọng trong hàng đệ tử của Phật gồm cả tại
gia và xuất gia, sự hành trì cố nhiên phải nghiêm cẩn đã đành mà sự truyền trao
và lãnh thọ cũng không thể làm một cách chiếu lệ được. Nội dung của sự truyền
thọ là đòi hỏi sự thanh tịnh của tăng và tâm niệm chí thành khẩn thiết của người
thọ. Hai điều kiện chủ yếu này là cơ sở để nâng tâm tư của người thọ lên hàng
xứng đáng được kính trọng. Còn về mặt hình thức thì điểm chính là tăng phải thực
hiện đúng pháp yết ma. Những hình thức tổ chức khác chỉ là phụ thuộc có mục đích
làm hiển lộ tính chất thanh tịnh của Tăng một cách cụ thể và kích phát tâm niệm
chí thành của người thọ giới đến mức độ cao nhất.
Về nghi
thức thọ sa di các Quảng luật của các bộ phái đều quy định đại cương giống nhau
gồm có việc thọ tam quy và tiếp theo là thọ 10 giới không thấy nói việc bạch
Tăng. Trong bộ Tùy cơ yết ma của Đạo Tuyên ()
có thêm phần bạch Tăng trước khi thọ tam quy và 10 giới. trong Tăng yết ma của
Hoài Tố ()
còn có thêm phần thỉnh Hòa thượng và A xà lê trước khi bạch Tăng thọ tam
quy và 10 giới. Hướng dẫn bảo:
Này các
người lễ thỉnh sư… văn bạch trong các bộ yết ma này như sau:
Thỉnh
Hòa Thượng:
Đại
đức nhất tâm niệm, con (nói tên hay pháp danh) nay thỉnh đại đức
làm hòa thượng truyền 10 giới, nguyện đại đức vì con làm hòa thượng truyền 10
giới, con nương nơi đại đức mà được thọ giới sa di, từ mẫn cố (nói ba
lần).
Thỉnh
A xà lê:
Đại
đức nhất tâm niệm, con… nay thỉnh đại đức làm A xà lê truyền 10 giới, nguyện đại
đức vì con làm A xà lê truyền 10 giới, con nương nơi đại đức mà được thọ giới sa
di, từ mẫn cố. (nói ba lần)
Đại
đức tăng, xin lắng nghe. (nói tên hay pháp danh giới tử) này cầu
xin xuất gia theo tỳ kheo (pháp hiệu) nếu thời gian thích hợp đối với tăng, tăng
chấp thuận cho… xuất gia. Đây là lời tác bạch.
Thọ Tam
quy:
(Lời chú
của Tùy cơ yết ma có ghi thêm ở phần này là phải hỏi các già nạn trước khi
truyền thọ tam quy).
Con…
quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con nay theo Phật xuấr gia, hòa thượng của
con là… đức Như lai bậc chí chân, đẳng chánh giác là thế tôn của con.
(nói ba lần)
Thọ
mười giới:
Hòa thượng
hỏi:
1.
Trọn đời không sát sanh. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
2.
Trọn đời không trộm cắp. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
3.
Trọn đời không dâm dục. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
4.
Trọn đời không nói lời hư dối. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được
không?
Đáp:
Được.
5.
Trọn đời không uống rượu. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được
không?
Đáp:
Được.
6.
Trọn đời không dùng các món trang sức, không thoa ướp hương thơm, trang điểm
phấn son như thế tục. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
7.
Trọn đời không đàn ca nhảy múa và đi nghe xem. Đây là giới của sa di, ngươi có
thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
8.
Trọn đời không ngồi trên giường ghế cao rộng đẹp đẽ. Đây là giới của sa di,
ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
9.
Trọn đời không ăn phi thời. Đây là giới của sa di, ngươi có thể thọ trì được
không?
Đáp:
Được.
10.
Trọn đời không cầm nắm và cất giữ các thứ vàng, bạc, tiền, châu báu. Đây là giới
của sa di, ngươi có thể thọ trì được không?
Đáp:
Được.
Đây là
giới của sa di, suốt đời không được vi phạm.
Ở đây cần
thảo luận một số điểm trong nghi thức được giới thiệu trên.
Về việc
thỉnh Hòa Thượng và A xà lê, đây là khoản được thêm vào sau này. Tuy trong các
Quảng luật không đề cập việc này, nhưng trong Bách nhất yết ma của căn bản
thuyết Nhất thiết hữu bộ có quy định ()
việc bạch tăng yết ma có lẽ được thêm vào từ Đạo Tuyên.
Điểm đáng
lưu ý việc hỏi các già nạn như được ghi trong Tùy cơ yết ma của Đạo Tuyên. Trong
Quảng luật của các bộ phái, chúng không được đặt ra trong trường hợp thọ sa di
một cách minh nhiên. Nhưng trong Bách nhất yết ma của căn bản thuyết Nhất thiết
hữu bộ có quy định thành một tiế mục sau phần thỉnh Hòa thượng A xà lê.
Nhận xét
tổng quát mà nói, thì khởi thủy nghi thức thọ sa di vốn đơn giản, nhưng về sau
quá trình phát triển của Luật tạng trong các bộ phái khác nhau bao gồm cả hai
mặt thực tế hành trì và cơ sở thực tế. Chính do thực tế của hành trì mà một số
tiết mục cần thiết được thêm vào để tăng gia tầm vóc quan trọng của giới sa di.
Đây là điểm cần lưu ý trong áp dụng để được linh động tùy theo hoàn cảnh. Mặt
khác, dưới tầng sâu của từng tiết mục còn chứa đựng những cơ sở tư tưởng được
giải thích tùy theo lập trường của mỗi bộ phái. Đó cũng là điều không thể không
biết đến.
Những sai
biệt trong các trường hợp thọ giới sa di chủ yếu là do trình độ trí năng có
nhiều biến chuyển khác nhau trong khoảng từ bảy đến hai mươi tuổi. Như trẻ nhỏ
bảy cho đến mười ba tuổi, thực tế chưa đủ trình độ ý thức rõ rệt về việc xuất
gia của mình, và các già nạn nếu được đặt ra cho chúng thì quả là không thích
hợp vì dù cố gắng đến đâu cũng khó mà giải thích cho chúng hiểu. Ngoại trừ những
trẻ nhỏ phi thường. Mà trường hợp phi thường như chú bé Tô đà di, không những
chỉ được xuất gia làm sa di mà đức Phật tự thân chấp nhận cho xuất gia làm tỳ
kheo ngay, dù chỉ mới bảy tuổi.()
Nhưng trừ Phật ra thì có lẽ không ai đủ khả năng để quyết định trường hợp phi
thường như vậy.
Trường hợp
các già nạn thực sự có ý nghĩa là các hình đồng, tức những người xuất gia thọ sa
di khoảng từ hai mươi đến bảy mươi. Hình đồng sa di, cũng gọi là danh tự sa di.
Những vị này tuy hình tướng là sa di, nhưng với tuổi tác trưởng thành thì cung
cách xử sự không khác tỳ kheo, và tất nhiên đã từng tham gia nhiều thế sự. Cho
nên các già nạn được đặt ra cũng cần thiết.
Mặc dù,
trong các nghi tiết hành sự không nên có sự chấp nhất một cách máy móc theo một
truyền thống nào nhưng nếu có sự thêm bớt cần thiết nào cho phù hợp với thực tế
của hoàn cảnh thì những thêm bớt ấy cần phải được qui định bởi tăng, chứ không
thể tự tiện theo quan điểm cá nhân để khiến có thể dẫn đến tình trạng chia rẽ
bất nhất trong toàn thể tăng già của một xứ.
Ngoại đạo
là chỉ chung tất cả những đạo giáo ngoài đạo Phật. trong thời đức Phật, và cả
trong lịch sử phát triển của đạo Phật tại Ấn độ, vấn đề quan hệ với ngoại đạo là
một vấn đề rất trọng yếu. Nó không đơn giản chỉ là vấn đề dị biệt tư tưởng, mà
còn là vấn đề trong những sinh hoạt thực tế của tăng đoàn. Lịch sử Ấn độ nổi bật
với những vấn đề giai cấp và tôn giáo. Tất cả bốn giai cấp của xã hội Ấn trong
thời đức Phật, trừ Chiên đà la không được kể là một giai cấp và bị liệt xuống
ngang hàng súc vật, đều có người xuất gia hành đạo và tổ chức thành giáo đoàn
riêng biệt theo xu hướng tư tưởng đặc thù của giai cấp mình. Cho nên sự xung đột
tư tưởng bấy giờ cũng được coi là sự xung đột về giai cấp. Bản chất giai cấp và
bản chất tư tưởng tôn giáo khó mà tách thành hai phần khác nhau trong xã hội Ấn
thời cổ. Đức Phật bằng nhiều phương tiện đã đưa giáo đoàn của Ngài vượt ngoài sự
chi phối của bản chất giai cấp. Điều này không phải là đơn giản. Trong một tập
thể sống chung như tăng đoàn, trong đó trộn lẫn đủ mọi thành phần giai cấp, kể
cả những người Chiên đà la thuộc giai cấp hạ tiện, thì sự bình đẳng và hòa hợp
là cả vô số vấn đề.
Trong các
kinh điển, sự việc những người dị giáo sau quay sang đạo Phật được ghi nhận rất
nhiều và những điều phiền toái xảy ra cho chính bản thân người cải giáo cũng
không phải là ít. Như trường hợp Ưu Ba Ly (không phải trưởng lão Ưu Ba Ly của
Luật tạng). Một đệ tử tại gia có uy tín bậc nhất của Ni Kiền Thân Tử, sau khi
tìm đến đức Phật để tranh luận, và được Phật thuyết phục, ông ngỏ lời qui y
Phật. Nhưng Phật không chấp thuận ngay mà khuyên ông nên thận trọng suy nghĩ
trong sự cải giáo, vì một người có uy tín và có địa vị trong đạo giáo cũng như
trong xã hội mà cải giáo không phải sự việc đơn giản.()
Quả thật, một số sự việc rắc rối đã xảy ra cho Ưu ba ly sau khi nguồn tin ông bỏ
Ni kiền thân tử để theo Phật được lan truyền. Đương nhiên, trong địa vị và uy
tín có sẵn, ông giải quyết vấn đề rất ổn. Và trường hợp khác, hai người Bà la
môn thuộc dòng họ Phả la đọa muốn xuất gia theo Phật. Ngài chấp nhận nhưng phải
trải qua bốn tháng sống chung với tăng trước khi chính thức xuất gia thọ cụ túc
làm tỳ kheo. Trong thời gian bốn tháng đó, có lần đức Phật đã hỏi hai ông là có
sự chống đối nào xảy ra trong gia đình và dòng họ không. Hai người trình bày
những chống đối gay gắt từ mọi phía về quyết định xuất gia làm tỳ kheo của mình.()
Như vậy,
chấp nhận một người khác đạo giáo vào trong tăng đoàn thực sự luôn có hai khía
cạnh của vấn đề. Đó là tư tưởng và xã hội. Hai khía cạnh này không được đặt ra
ngay từ đầu, sau này sẽ có thể dẫn đến những trường hợp chia rẽ của tăng. Trong
lịch sử đạo Phật chỉ sau Phật niết bàn hơn 100 năm, giáo đoàn tăng lữ đã bị phân
hóa. Các bộ phái Phật giáo khi nói về sự phân hóa này đại bộ phận đều qui kết
vào nguyên nhân là do sự trà trộn của ngoại đạo. Những người này khi vào đạo
Phật, có thể do tín tâm, nhưng tín tâm chưa đủ sâu và mang theo cả tập quán suy
tư về tôn giáo của mình nữa, và đồng thời chưa thanh lọc hết bản chất giai cấp
trong tác phong đời sống. Cho nên khi họ có địa vị ảnh hưởng trong tăng, thì ảnh
hưởng ấy dẫn đến sự phá kiến và phá giới, tức tạo nên sự chia rẽ tư tưởng và
phân hóa tổ chức.
Trong lịch
sử nước ta, sự việc ấy chưa từng xảy ra. Nguyên do bối cảnh tôn giáo và xã hội
của nước ta không phức tạp như của Ấn độ. Vả lại, với nỗ lực hòa đồng tôn giáo
dưới khẩu hiệu tam giáo đồng nguyên, nên không hề xảy ra cuộc phân hóa trầm
trọng nào trong giáo hội tăng già.
Kể từ khi
nước ta bị đặt dưới sự đô hộ của người Pháp, tư tưởng phương Tây bắt đầu tràn
ngập. Dù vậy, vẫn chưa hề có sự nứt rạn nào đáng kể trong tư tưởng và tổ chức
của Tăng. Do thế, vấn đề những người khác đạo xuất gia theo đạo Phật thực sự
chưa được đặt thành vấn đề trong tăng. Nhưng Luật tạng, do phát sinh từ bối cảnh
Ấn độ, đã tự liệu điều ấy, và các tổ sư truyền luật vẫn phải nhắc nhở đến. Tuy
vậy, do bối cảnh xã hội nước ta trước đây, nên vấn đề chỉ được đặt ra một cách
chiếu lệ chứ không được triển khai, vì không có sự va chạm của thực tế. Sau này
nếu thực tế ấy xuất hiện, thì nhiệm vụ của tăng là phải nghiên cứu và phân loại
bản chất của tôn giáo để qui định các nguyên tắc cần chấp hành. Khi chấp nhận
một người khác tôn giáo vào trong cộng đồng tăng lữ, nếu không rõ được bản chất
tôn giáo của người muốn cải đạo thì nhất thiết phải thận trọng, trừ khi đã có sự
xác định của tăng.
Về vấn đề
ngoại đạo xuất gia, văn bản các luật tạng qui định như sau (cụ thể, theo luật Tứ
phần).
Trước hết,
cho cạo tóc, khoác ca sa, đến trước tăng quỳ xuống và tự tác bạch:
Đại
đức tăng, xin lắng nghe. con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, quy y
Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Con nay cầu xin xuất gia theo đức Thế tôn. Đức Thế
tôn là Như lai chí chân, đẳng chính giác, là thầy của con. (nói ba lần)
Con
(nói tên) nguyên là ngoại đạo, đã quy y Phật, đã quy y Pháp, đã
quy y Tăng, cầu xin xuất gia học đạo theo đức Thế tôn. Đức Như lai chí chân,
đẳng chính gíac, là thầy của con, (nói ba lần)
Tiếp đến,
hướng dẫn thọ 10 giới. Văn thọ, như sa di.
Sau phần
quy y và thọ giới, người ấy lại đến giữa tăng tự tác bạch xin bốn tháng sống
chung:
Đại
đức, xin lắng nghe. con (nói tên) nguyên là ngoại đạo, thỉnh cầu
tăng cho bốn tháng sống chung mong tăng chấp thuận, từ mẫn cho con bốn tháng
sống chung. (tác bạch ba lần)
Tác bạch
xong, lui ra khỏi chỗ tăng đang họp, cách khoảng đủ để mắt nhìn thấy tăng chứ
không nghe rõ tăng đang nói. Bấy giờ thầy yết ma bạch tăng:
Đại
đức tăng, xin lắng nghe (nói tên) kia nguyên là ngoại đạo, nay
thỉnh cầu tăng bốn tháng sống chung. Nếu thời gian thích hợp đối với tăng, tăng
nay chấp thuận cho vị ngoại đạo kia (nói tên) bốn tháng sống
chung. Đây là lời tác bạch.
Đại
đức tăng, xin lắng nghe, vị (nói tên) kia nguyên là ngoại đạo,
thỉnh cầu tăng bốn tháng sống chung, tăng nay cho người ấy bốn tháng sống chung.
Các trưởng lão nào chấp thuận tăng cho người ấy bốn tháng sống chung, thì im
lặng. Ai không chấp thuận hãy nói.
Tăng
đã chấp thuận cho người ấy bốn tháng sống chung, vì đã im lặng. Tôi ghi nhận như
vậy.
Sau phần
bạch nhị yết ma, vị ngoại đạo kia được phép sống chung giữa tăng, và chấp hành
các phận sự như sa di. Luật Ma ha tăng kỳ còn qui định thêm rằng, địa vị của
người ấy ở dưới sa di, nhưng không nói rõ có cho thọ sa di hay không.()
Qua bốn
tháng sống chung giữa tăng, nếu tăng nghiệm xét thấy người ấy đã thuần thục niềm
tin trong pháp luật của Phật hay chưa. Trong bốn tháng ấy nếu nghe có người nói
xấu đạo cũ của mình mà không sinh tâm thù hận; nghe ca ngợi đạo Phật thì hoan
hỷ, và thường nhật không lân la lui tới những chỗ quen biết trước kia. Nói gọn
lại, người ấy đã xóa bỏ hẳn các tập quán tư tưởng và nếp sống cũ trước kia. Đây
có thể coi là quá trình phi giai cấp hóa. Điều quan trọng trong bốn tháng sống
chung giữa tăng này là để người ngoại đạo ấy quen với cung cách sống không giai
cấp của cộng đồng tăng lữ, một cộng đồng tập hợp đủ mọi thành phần xã hội và tôn
giáo. Qua bốn tháng mà tăng chưa hài lòng về cung cách sống chung không giai cấp
và không cuồng tín tôn giáo cũ của người ấy, thì phải bạch nhị yết ma gia hạn
thêm bốn tháng sống chung nữa.
Việc truyền
10 giới sau khi thọ tam qui ở trên là theo Tứ phần. Còn Ngũ phần, Ma ha tăng kỳ,
Thập tụng và Thiện Kiến, đều không thấy ghi. Riêng Thập tụng qui định là bạch tứ
thay vì bạch nhị yết ma như các bộ khác.
Sau bốn
tháng, nếu tăng hài lòng, sẽ bạch tứ yết ma cho người ấy thọ cụ túc.
---------------------------------------------------
TIẾT HAI
I.
TỔNG LUẬN VỀ GIỚI CỤ TÚC
Giới cụ
túc, tiếng Phạn gọi là upasampàda. Hán cũng dịch là Cận viên. Ở
Trung quốc, xưa người ta thường giải thích Cận viên có nghĩa là "sự gần gũi
với Niết bàn viên tịch", và cho rằng sở dĩ được gọi như vậy vì loại giới này
có khả năng tiến gần đến niết bàn viên tịch. Giải thích như thế là do suy diễn
từ chữ Hán. Trong tiếng Phạn, nó không có nghĩa gì là viên tịch cả. Chữ viên
trong tiếng Hán có nghĩa là viên mãn, do dịch chữ Sampàda của tiếng Phạn.
Theo nghĩa đen, Sampàda có nghĩa là "cùng đến nơi" tức chỉ cho sự
thành công, hay thành tựu. Chữ Cận trong tiếng Hán là do dịch chữ upa, có nghĩa
là gần gũi, hay ở trên. Do thế, Upasampàda; theo nghĩa thường dùng nhất, được
hiểu là sự thành tựu trọn vẹn, cũng có khi được hiểu là bước lên chỗ cao.
Giới tỳ
kheo sở dĩ được nói là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một
thánh giả A la hán. Trong khi tất cả các loại khác của Thanh văn không được gọi
là cụ túc, vì chúng chỉ mô phỏng một phần nhỏ đời sống cao thượng của A la hán.()
Đời sống
cao thượng của A la hán gồm có bốn sự thanh tịnh. Đó là sự thanh tịnh về biệt
giải thoát luật nghi, sự thanh tịnh về phòng hộ căn môn hay căn luật nghi, sự
thanh tịnh về phương tiện sinh sống hay mạng thanh tịnh, và sự thanh tịnh do
chánh niệm tỉnh giác. Giới tỳ kheo được gọi là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn
tất cả bốn sự thanh tịnh ấy.()
a) Trong
bốn sự thanh tịnh kể trên, biệt giải thoát luật nghi chỉ cho sự hộ trì nghiêm
chỉnh tất cả các học xứ hay điều khoản được quy định bởi giới bổn, thấy nguy
hiểm trong những tội lỗi nhỏ nhặt nhất. Ở đây, luật nghi có nghĩa là sự
phòng hộ.()
Đó là khả năng đề kháng những dòng nước lũ ô nhiễm từ bên ngoài ngang qua các
hành vi hay nghiệp đạo tràn ngập vào tâm làm cho tâm dơ bẩn. Nó là một danh từ
thường dùng để thay thế cho chữ giới. Biệt giải thoát luật nghi như vậy
có nghĩa là sự kiểm soát và phòng hộ các hành vi thuộc thân và ngữ bằng biệt
giải thoát. Gọi là biệt giải thoát nghĩa đen là giải thoát theo từng đối tượng
cá biệt của hành vi; vì khi thọ trì một học xứ do đức Phật chế định, thì học xứ
ấy có khả năng loại bỏ một hành vi bất thiện không cho nó len lỏi vào trong tâm.
b) Về căn
luật nghi, hay sự phòng hộ căn môn, đó là sự kiểm soát các giác quan, những cánh
cửa mà ô nhiễm có thể đi xuyên vào trong tâm. tức là, khi con mắt tiếp thu đối
tượng là sắc, tỳ kheo luôn kiểm soát sự sinh khởi và hoại diệt của các cảm thọ;
phòng hộ cẩn thận không để cho tham ái các thứ thừa cơ xâm nhập. Cho đến ý khi
tiếp thu đối tượng của nó là pháp cũng vậy.
c) Mạng
thanh tịnh, hay trong sạch trong sự sống, trong các phương tiện nuôi sống sinh
mạng. Tức là sinh sống theo bốn truyền thống của chư Phật, gọi là bốn thánh
chủng. Thánh chủng nghĩa là dòng họ hay dòng dõi cao quý. Dòng họ Bà la môn sinh
sống bằng cách tế tự; dòng họ Sát đế ly sinh sống bằng cách chiến đấu với vũ
khí; dòng họ Phệ-xá sinh sống bằng các nghề tự do buôn bán, làm thợ, hay gieo
trồng; dòng họ Thủ đà la sinh sống bằng cách làm thuê, làm nô lệ; nhưng dòng họ
của chư Phật thì không sinh sống theo các hình thức mang tính chất cạnh tranh và
áp bức người khác hay bị người khác áp bức. Cho nên, trong dòng họ chư Phật có
bốn sự truyền thừa. đó là che thân bằng ba y phấn tảo, nuôi lớn nhục thân bằng
một cái bình bát ngủ nghỉ thì nương dưới gốc cây, rừng vắng hay trong các hang
động; khi bệnh tật thì điều trị bằng các thứ thuốc được gọi hủ lạn dược.()
Nói cách khác, đó là truyền thống sống không gia đình, hoàn toàn không một tư
hữu, ngoài ca sa và bình bát cần thiết như hai cánh chim bay đến và đi bất cứ
nơi nào.()
d) Niệm
thanh tịnh, hay đời sống thanh tịnh do chánh niệm và tỉnh giác trong bốn cử chỉ
đi, đứng, nằm, ngồi. Khi bước tới, biết rõ mình đang bước tới, bước lui, biết
mình đang bước lui… luôn luôn thấy rõ và biết rõ mình đang làm gì. Niệm thanh
tịnh cũng được thay thế bằng thọ dụng thanh tịnh; sự thọ dụng trong sạch và như
pháp đối với các vật dụng nhu yếu và ẩm thực.
Do học tập
bốn sự trong sạch ấy cho đến học tập 3.000 oai nghi, tám vạn tế hạnh nên giới
của tỳ kheo được gọi là cụ túc.
Nói theo
hình thức, thì sự đắc giới có nghĩa là người thọ đã hội đủ tư cách để làm tỳ
kheo và hành sự của Tăng hoàn toàn hợp pháp. Nhưng nói theo khía cạnh triết lý
của vấn đề thì đắc giới là sự phát khởi của giới thể vô tác hay vô biểu trong
thân tâm người thọ. Giới thể vô tác hay vô biểu, cần được hiểu rằng giới thể hay
bản chất tồn tại của giới chính là vô biểu. Vô tác hay vô biểu là những thế lực
điều động các hoạt động của thân, ngữ và không biểu lộ ra bên ngoài cho người
khác có thể thấy. Thế lực đó là khả năng phòng hộ của giới. Nó giống như sự phản
xạ có điều kiện của một người học võ do tập luyện lâu ngày, có khả năng phòng vệ
sinh mạng của mình trong bất cứ lúc nào và dưới bất cứ trường hợp nào. Luật nghi
biệt giải thoát là khả năng phòng hộ thân và ngữ không cho đi vào các hoạt động
bất thiện, do đó thế lực của giới thể vô tác có ảnh hưởng trực tiếp ngay trên
những phản xạ của thân và ngữ.
Giới của tỳ
kheo, tức giới cụ túc, không phải chỉ bao gồm các điều khoản với 227 điều theo
truyền thống Pàli hay 250 điều theo tuyền thống của Đàm Vô Đức (tức luật Tứ
phần) mà bao gồm cả bốn sự thanh tịnh như đã nói. Các điều khoản sở dĩ được
nêu lên một cách cụ thể với những con số có hạn định như vậy chính là để có một
cơ sở hiện thực cho sự hộ trì, và cho có sự hòa hiệp nhất trí giữa đời sống một
tỳ kheo trong cộng đồng tăng lữ. Cho nên sự đắc giới ở đây không có nghĩa là
thành tựu từng điều khoản một trong 227 điều hay 250 điều khi thọ. Do ý nghĩa
này, các sớ giải về luật tạng cũng như của luận tạng đều có đề ra nhiều trường
hợp đắc giới khác nhau.
Theo các
nhà giải thích luật của phái Tỳ bà sa (Nhất thiết hữu bộ), có 10 trường hợp đắc
giới cụ túc.()
1. Tự
nhiên đắc giới: Chỉ trường hợp đặc biệt của Phật Chánh giác và Độc giác, do
tự mình chứng ngộ mà không có sư truyền.
2. Kiến
đế đắc giới: Hay nhập chánh tánh đắc giới, chỉ chi vị chứng bốn Thánh đế,
bước vào thánh đạo. Theo ý nghĩa thì một vị đã chứng nghiệm bốn thánh đế và bắt
đầu bước vào thánh đạo là một vị Tu đà hoàn hay quả Dự lưu. Nhưng một người tại
gia cũng có thể chứng đắc quả vị Tu đà hoàn mà không bao giờ trở thành tỳ kheo,
nếu vị ấy không xuất gia thọ giới cụ túc. Nếu vị thánh giả Tu đà hoàn là một
người tại gia, thì luật nghi của vị ấy là luật nghi cận sự, chỉ thành tựu năm
giới, không đương nhiên thành tựu giới cụ túc vốn là sự viên mãn về đời sống cao
thượng của A la hán. Do đó, trong thực tế, trường hợp thấy thánh đế mà đắc giới
cụ túc chỉ duy nhất xảy ra cho năm vị đệ tử đầu tiên của đức Thích Tôn, tức nhóm
tôn giả "Kiều Trần Như.”
3. Thiện
lai tỳ kheo: Đắc giới cụ túc do đức Phật gọi: "Đến đây, này tỳ kheo.” Đây là
trường hợp đắc giới trực tiếp do chính đức Phật truyền cho. Nếu không phải do
chính Phật trực tiếp truyền thọ thì không thể gọi là đắc giới theo trường hợp
thiện lai này được. Người đầu tiên được đức Phật truyền thọ như vậy là tôn giả
Da Xá. Tuy nhiên, theo các giải thích khác thì chính nhóm tôn giả Kiều Trần Như
mới là những người đầu tiên đắc giới theo cách Phật gọi: "Đến đây, này tỳ kheo.”
4. Do
xác nhận Phật là đại sư: Đây chỉ cho trường hợp tôn giả Đại Ca Diếp, khi gặp
đức Phật Thích Tôn, liền tuyên bố rằng: "Đây là bậc đạo sư của tôi", bấy giờ
liền tự nhiên trở thành tỳ kheo không qua cách thức truyền thọ nào cả. Đây là
trường hợp độc nhất trong các đệ tử của đức Thích Tôn.
5. Do
khéo trả lời: Cũng là một trường hợp đặc biệt độc nhất chỉ xảy ra một lần
cho Tô Đà Di, khi vừa mới 7 tuổi nhưng đã trả lời câu hỏi của đức Phật một cách
khéo léo. Phật hỏi: "Nhà con ở đâu?” Tô Đà Di đáp: "Ba cõi không đâu là nhà.” Do
thế, Phật khiến tăng bạch yết ma cho thọ cụ túc liền.
6. Do
thọ 8 kỉnh pháp: Chỉ trường hợp bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề, di mẫu của đức Thích
Tôn, chấp thuận 8 phép tôn trọng đối với Tăng mà được xuất gia làm tỳ kheo ni.
7. Do
gởi đại diện: Trường hợp đặc biệt chư ni Pháp Thọ (cũng dịch là Pháp dữ).
Nàng đẹp nổi tiếng trong xứ. Khi hay tin nàng sẽ xuất gia thọ giới làm tỳ kheo
ni, nhiều thanh niên tổ chức đón đường bắt cóc, do đó Phật cho phép nàng gởi
người đại diện đến giữa tăng mà thọ, sau đó về truyền lại.
8. Do
người thứ năm là người trì luật: Người trì luật ở đây được giải thích là
người thông thạo các nghi thức yết ma. Đây là trường hợp dành cho những vùng
biên cương, nơi không thể tập họp đủ số tăng gồm 10 người, cho nên chỉ cần 5 tỳ
kheo trong đó ít nhất có một vị biết tác pháp yết ma.
9. Thọ
với tăng gồm 10 tỳ kheo: Dành cho mọi trường hợp, và bắt buộc đối với những
vùng đô thị nơi có khả năng tập họp tăng đủ số 10 người.
10. Tam
ngữ đắc giới: Thọ cụ túc bằng cách chỉ đọc ba lần qui y Phật, Pháp và Tăng.
Đây là trường hợp xảy ra thường xuyên trước khi Phật qui định sự thọ giới cụ túc
với pháp bạch tứ yết ma. Tức là khi giáo đoàn phát triển rộng, các thánh đệ tử
đi giáo hóa mọi nơi, gặp người muốn xuất gia, không thể dẫn về để Phật trực tiếp
truyền thọ cụ túc, thì họ được phép chỉ đọc ba lần những lời qui y Tam bảo là
đắc giới. Nhưng từ khi Phật qui định pháp bạch tứ yết ma để truyền giới thì cách
thọ này không còn được áp dụng cho giới cụ túc nữa.
Trong
trường hợp đắc giới dẫn chứng bởi các luật gia của Hữu bộ trên đây, bảy trường
hợp đầu là những trường hợp hy hữu. Tất cả các bộ phái đều chính thức truyền
thừa theo ba trường hợp sau, và riêng giới cụ túc thì bắt buộc chỉ áp dụng các
trường hợp thứ tám và thứ chín, gọi chung là trường hợp bạch tứ yết ma.()
Như vậy, bạch tứ yết ma là qui tắc tổng quát và cơ bản để thọ cụ túc. Nó được
thực hành dưới ba trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất, và thứ hai được áp
dụng bởi Tăng số năm và mười đã nói.
Trường hợp
thứ ba, nó được áp dụng giữa hai bộ Tăng, tức sự tập họp tăng gồm 10 tỳ kheo và
10 tỳ kheo ni để truyền giới cụ túc cho tỳ kheo ni. Trường hợp này sẽ nói chi
tiết trong mục truyền thọ cụ túc cho tỳ kheo ni đoạn sau.
Theo sự ghi
chép trong Kinh tạng và Luật tạng, thì nguyên thủy những vị xuất gia liền thọ cụ
túc ngay. Vị sa di đầu tiên của giáo hội là tôn giả La Hầu La, xuất gia lúc bảy
tuổi. Lúc bấy giờ số tỳ kheo tăng đệ tử đức Thích Tôn được ghi nhận là trên một
nghìn người. Trong tất cả những vị này không một ai đã từng thọ giới sa di cả.
cho nên, việc thọ sa di trước khi thọ cụ túc không phải là điều bắt buộc. Tuy
vậy, trong sự thực hành của cả hai truyền thống Bắc và Nam tông, cho đến nay,
trước khi thọ cụ túc phải thọ sa di, chứ không có trường hợp từ cư sĩ với năm
giới đi thẳng lên cụ túc. Mục đích của sự thực hành này nhắm giải trừ tối đa
những trường hợp mà chí nguyện xuất gia không bền vững. Nhưng trong nhiều trường
hợp nếu nhận thấy tư cách giới tử đã trọn vẹn và thời gian học tập làm sa di
không cần thiết, thì cho thọ cụ túc ngay. Trong trường hợp này, sự truyền thọ sa
di và cụ túc cho một giới tử tiến hành liên tục trong một lúc.
Về sự
nghiệm xét tư cách của người thọ giới, trong nguyên thủy chỉ đặt trọng tâm vào
sự tin tưởng Phật pháp và đời sống phạm hạnh. Nhưng sự nghiệm xét này tỏ ra chưa
đủ khi mà giáo hội tăng già được mở rộng cho mọi thành phần xã hội khác nhau, do
đó về sau cần có thêm những nhận xét về hình thức của giới tử nữa. Sự nghiệm xét
này được gọi là hỏi về các già nạn, cũng gọi là các pháp chướng ngại. Công việc
này được thực hiện bởi tăng; nó thuộc về giai đoạn chính thức tiến hành tác
pháp.
Khi giáo
hội càng được mở rộng, thì công việc nghiệm xét tư cách giới tử càng trở nên
phức tạp. Do đó, trưóc khi Tăng chính thức thẩm vấn người thọ. Lại còn đặt thêm
một giai đoạn nghiệm xét dự bị nữa. Công việc này do vị Hòa thượng chịu trách
nhiệm. Trọng tâm của sự thẩm tra này là nhằm vào nghi biểu của giới tử. Những
người mà sáu căn không đầy đủ, tức mù, què, điếc, câm, ngọng v..v.. đều không
được chấp nhận. Các điều này vốn được triển khai chi tiết từ một trong các già
nạm, sẽ được đề cập trong đoạn sau, phần chính thức tiến hành tác pháp. Nói một
cách vắn tắt, người được giới thiệu đến Tăng để cầu thọ cụ túc phải là người có
hình tướng "coi được", không quá xấu xí. Nhưng xấu xí đến mức nào mới không được
chấp nhận thì các bộ luật của các bộ phái qui định khác nhau rất nhiều. Có bộ
phái qua chú trọng về hình thái nghi biểu của người thọ, như phái Nhất thiết hữu
bộ, và Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ, qui định loại trừ hẳn những người chột,
quá cao, quá lùn, quá đen, quá trắng, cho đến cả những người mắt lé. Điều này
xét ra có khi quá đáng. Nguyên tắc mà Phật qui định tự nguyên thủy rằng những
người sáu căn không đầy đủ không được chấp nhận là với lý do rằng những người
này không thể có tiến bộ trong Thánh pháp luật, tức sự tàn khuyết của hình hài
khiến người ấy không đủ khả năng sống đời sống phạm hạnh cho đến đạt mục đích
cuối cùng, tức Niết bàn ngay trong hiện tại. Thế nhưng khi qui định loại trừ tất
cả những người xấu xí, các bộ phái này muốn rằng Tăng chỉ gồm những thành viên
có tướng mạo khả quan. Có lẽ trong quá trình phát triển, một số bộ phái đã bị áp
lực của thành kiến giai cấp và chủng tộc trong truyền thống Ấn. Trong xã hội của
ta, từ xưa đến nay vấn đề giai cấp và nguồn gốc chủng tộc không trở nên thành
kiến trầm trọng, nên các qui định chi tiết trong một số luật của các bộ phái hầu
như không có thực tế để trắc nghiệm giá trị hiện thực của chúng.
Theo thông
lệ được duy trì cho đến nay ở nước ta, trong giai đoạn nghiệm xét dự bị này còn
có cuộc thi. Nguồn gốc của thể lệ này có từ thời nhà Đường bên Trung Hoa. Vì
muốn hạn chế bớt người xuất gia, các vua chúa Đường đặt ta cuộc thi tuyển Tăng,
phỏng theo tổ chức Thi tuyển nhân tài của triều đình. Những người trúng cách, sẽ
được thọ cụ túc, được cấp phát giới đao và độ điệp.
Sự tổ chức
như thế là bên ngoài các qui định nguyên thủy của Phật, cũng như của các bộ phái
về sau, như vậy đã bị ảnh hưởng bởi điều kiện chính trị và xã hội. Tuy vậy, ngày
nay, để loại bớt số tỳ kheo thất học, việc khảo hạch để thọ giới vẫn thường
xuyên tổ chức, nhưng với sự áp dụng linh động hơn.
Dù qui định
và tổ chức theo hình thức nào đi nữa, thì sự tuyển tăng xứng đáng về phẩm chất,
đạo đức cũng như về trình độ hiểu biết Phật pháp vẫn là vấn đề quan trọng. Tổ
chức và định chế xã hội càng phức tạp, việc tuyển tăng càng cần được tiến hành
nghiêm túc, để tránh cho tăng không bị coi là một tập thể ô hợp.
Hòa thượng
là một thổ âm của các xứ thuộc miền Tây vực Trung quốc, do phát âm trại đi từ
upàdhyàya mà Hán có phiên âm chính xác là Ô ba đà da hay Ưu ba đà da
và thường dịch là thân giáo sư nhưng thường gọi là bổn sư. Theo nghĩa đen
Upàdhyàya được hiểu là vị giám hộ, là vị thầy trực tiếp dạy dỗ việc học đạo cũng
như hành đạo cho đệ tử. Hòa thượng cho cạo tóc xuất gia và truyền giới sa di gọi
là Hòa thượng thế độ. Hòa thượng truyền giới cụ túc thì gọi là Hòa thượng truyền
giới, và Hòa thượng truyền dạy kinh luật gọi là Hòa thượng y chỉ. Thông thường,
Hòa thượng thế độ, truyền giới và y chỉ là một, vì có trách nhiệm trực tiếp
hướng dẫn học tập các bổn phận của người xuất gia. Trừ trường hợp đặc biệt, như
Hòa thượng thế độ hoàn tục hay đã qua đời thì mới được phép thỉnh cầu vị khác
làm Hòa thượng truyền giới cụ túc. Hoặc cần học hỏi thêm nhiều Thánh pháp luật
mà Hòa thượng thế độ không đủ khả năng hướng dẫn mới thỉnh cầu vị khác làm Hòa
thượng y chỉ.
Những đức
tính cần thiết phải có để làm Hòa thượng như đã nói trong đoạn trên, phần nói về
tư cách làm Thầy. Theo đó, phải đủ 10 hạ, có phẩm chất đạo đức cao và có trí
tuệ, cũng như có khả năng giải quyết những tâm tình khúc mắc cho đệ tử. Và điều
quan trọng nữa là phải được Tăng tác pháp yết ma cho thâu nhận đệ tử và truyền
giới sa di và cụ túc.
Theo qui
định của Phật được ghi trong các luật tạng một vị Hòa thượng không được đồng
thời nuôi dạy hai sa si và trong một năm không được truyền giới cụ túc cho hai
người. Bởi vì Hòa thượng truyền giới đồng thời cũng là vị giám hộ, có trách
nhiệm thay Tăng giáo dục người mới thọ học tập các bổn phận của một tỳ kheo và
thông suốt tất cả giới luật của tỳ kheo, tối thiểu trong thời gian 5 năm kể từ
ngày thọ giới. Nếu cùng lúc truyền giới cho hai ngưòi, thì sẽ không chu toàn
trách nhiệm giáo dục ấy.
Đó là nói
theo các nguyên tắc mà Luật tạng qui định. Còn trên thực tế thì nưóc ta từ xưa
các nguyên tắc này không được áp dụng hoàn toàn. Bởi vì, lúc bấy giờ việc thọ
giới thường được tổ chức theo qui mô rộng rãi cho nhiều người y như một cuộc sát
hạch để tuyển chọn nhân tài của thế gian. Do đó việc tổ chức giới đàn không thể
thường xuyên, hay bất cứ lúc nào. Thỉnh thoảng vài ba năm hoặc một năm mới có
một giới đàn. Một lần tổ chức như vậy là phải thỉnh các cao tăng từ nhiều địa
phương về một chỗ để làm giới sư, và các giới tử nhiều địa phương khác cũng qui
tụ về một chỗ được chọn làm địa điểm tổ chức giới đàn. Sự qui tụ như vậy trong
điều kiện giao thông thời trước không phải là đơn giản. Cho nên một giới đàn
thường truyền luôn cả giới sa di, giới cụ túc và Bồ tát, và số giới tử ít khi
dưới một trăm người. Trong trường hợp như vậy mà áp dụng đúng theo nguyên tắc
luật tạng qui định, một Hòa thượng chỉ được phép truyền cụ túc cho một người
(hoặc tối đa là hai người) thì việc tổ chức thành ra phiền phức. Vì lý do đó,
tại mỗi giới đàn truyền giới, chỉ thỉnh một vị Hòa thượng truyền giới, gọi là
hòa thượng Đường đầu, cùng với hai vị A xà lê và bảy vị tôn chứng.
Kể từ thời
trung hưng hiện đại của đạo Phật Việt Nam, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi quan
trọng trong các sinh hoạt của Tăng, nhưng thể lệ tổ chức giới đàn này vẫn còn
được duy trì. Hầu như rất ít có trường hợp mà một giới đàn chỉ truyền thọ giới
cụ túc cho một người. Đại đa số những người từ các địa phương qui tụ về một chỗ
để thọ giới, sau đó ai trở về trú xứ ấy, còn vị Hòa thượng truyền giới sau khi
đã truyền giới xong hầu như không biết rõ số giới tử mà mình đã truyền, và không
có trách nhiệm giáo dục gì đối với họ cả. Rồi trong những người đã thọ giới trở
về địa phương mình, y chỉ theo bổn sư mình thì phần lớn ít ai được học tập tương
đối đầy đủ bổn phận của tỳ kheo, bởi vì ngay cả vị bổn sư ấy có người không
thông hiểu luật gì cả, làm sao dạy dỗ? Khiến cho các người thọ giới đã trên mấy
chục năm, nếu kể về hạ lạp thì đã được dự vào hàng Thượng tọa, nhưng không hiểu
biết gì về ba la đề mộc xoa, không hiểu biết gì cá yết ma thông thường như kết
giới, truyền giới, an cư, tự tứ v.v… Thảng hoặc những người này tập họp tại một
trú xứ, đủ túc số để trở thành tăng, mà từ Thượng tọa xuống đến hạ tọa không ai
biết rõ các phận sự của Tăng cả. Tăng như vậy thì làm sao mà chánh pháp không
suy đồi? Đây là sự kiện nghiêm trọng, quan hệ đến toàn bộ sinh mạng của chánh
pháp, cho nên những vị trì luật không thể không lưu tâm để chỉnh đốn.
Nói tóm
lại, nguyên tắc qui định rằng một Hòa thượng trong một năm chỉ được phép truyền
giới cụ túc cho một ngưòi, đó là ngăn ngừa sự thiếu sót trong trách nhiệm giáo
dục. Ngày nay, như tại các Phật học viện, có ban giám viện, ban giám học, ban
giám luật, ban lãnh chúng v.v… thì sự giáo dục tập thể có khả năng chu toàn
được. Do đó nguyên tắc nói trên cần được áp dụng một cách linh động.
Tác pháp
chính yếu để đắc giới cụ túc là bạch tứ yết ma. Nhưng trước khi chính thức bạch
yết ma còn có một số thủ tục cần phải được tiến hành một cách hợp pháp thì yết
ma mới thành tựu. Có bốn điều kiện để yết ma được thành tựu. Đó là, giới thành
tựu tức điều kiện giới trường; sự thành tựu, giới tử không có các trường hợp trở
ngại; Tăng thành tựu, Tăng phải đủ túc số; và yết ma thành tựu tức bạch yết ma
đúng pháp.
a)
Giới thành tựu: Tất cả mọi hành sự của Tăng đều phải thực hiện trong
cương giới đã ấn định, để cho khỏi có sự chia rẽ trong tăng. Trong việc truyền
giới cụ túc, túc số tăng chỉ cần 10 tỳ kheo; không phải tập họp tất cả tăng
trong một trú xứ, cho nên tác pháp yết ma không được tiến hành trong đại giới
tức cương giới sống chung của số đông tỳ kheo. Nơi trú xứ già lam nào đã có giới
trường thì tăng tập họp tại giới trường để tác pháp. Trong trường hợp gặp các
trở ngại, hay có thể bị cản trở nếu tác pháp trong giới trường, thì số tỳ kheo
liên hệ truyền giới nên tập họp tại một địa điểm ngoài đại giới. Tại đó, tăng
phải tác pháp kết tiểu giới trước, sau đó mới tiến hành yết ma truyền giới. Các
điều kiện và thủ tục kết cũng như xả tiểu giới thọ giới như đã được nói trong
chương II.
Thông
thường, tại mỗi trú xứ của Tăng đều có giới trường trong phạm vi đại giới. Giới
trường này thường là chánh điện của già lam. Nhưng việc truyền giới là công việc
của Tăng do Tăng chủ trì, nên cần có sự phân biệt Phật và Tăng ở đây. Tức chỗ
ngồi của các giới sư được bố trí như thế nào để có sự cách biệt Phật và Tăng thì
Tăng pháp mới thành tựu.
b) Sự
thành tựu: Sự ở đây chỉ các già nạn hay các trở ngại đối với các giới
tử. Các già nạn này thường phải được Hòa thượng bổn sư xét nghiệm kỹ trước.
Nhưng sự xét nghiệm này chỉ có tính cách dự bị chính Hòa thượng cũng bị đại tăng
trực tiếp xét nghiệm vì Hòa thượng được kể trong túc số trong khi tiến hành tác
pháp kiết ma của Tăng. Nhưng nay trong khi tiến hành tác pháp chính thức này,
tăng cần phải hỏi lại đầy đủ để chính thức xác nhận tư cách của người thọ giới.
Nếu các già nạn không được hỏi và trả lời minh bạch trước Tăng, thì dù yết ma có
đúng pháp vẫn không thành tựu, và như vậy giới tử không đắc giới, mà giới sư đắc
tội.
Luật
Tứ phần qui định, trước khi bạch yết ma cho thọ cụ túc, Tăng phải hỏi
13 già nạn. Tiếng Phạn nói Autàrayikadharma, dịch là già nạn, cũng dịch
là Chướng pháp hay chướng Thánh quả. Vì những điều này trở ngại cho việc chứng
đắc các Thánh quả. Một người xuất gia mà thân và tâm không đủ điều kiện để đạt
thành mục đích phạm hạnh tức chứng các Thánh quả ngay trong đời này, thì không
được phép thọ cụ túc. Nếu do không nghiệm xét kỹ mà cho thọ, nhưng sau đó các
chướng pháp này được khám phá, thì người đã thọ cụ túc ấy dù yết ma có hợp pháp
vẫn phải bị tẩn xuất. Bởi vì sự hưng thịnh của Tăng là do sự chứng đắc Thánh quả
của các tỳ kheo chứ không do con số đông. Nay một người vĩnh viễn không thể
chứng đắc Thánh quả, thì đó là một dấu hiệu cho sự suy thoái của Tăng, do đó cần
phải tẩn xuất.
Muời ba già
nạn hay chướng pháp được kể chi tiết như sau:
1. Phạm
biên tội: tức người đã xuất gia, nhưng phạm một trong bốn trọng cấm.
2.Phá
tịnh hạnh của tỳ kheo ni: chỉ người trước khi xuất gia đã có lần phá trinh
của một tỳ kheo ni dù cưỡng hiếp hay được thỏa thuận. Nhưng nếu tỳ kheo ni đã
chứng quả A la hán, dù mất trinh, nghĩa là đã có chồng trước khi xuất gia, mà
cưỡng hiếp, thì nhất định phải kể là một chướng pháp.
3. Tặc
trú: nghĩa đen là hạng người ăn cắp chánh pháp. Đây chỉ cho những người vì
lợi dưỡng, tự mình cạo tóc, núp lén trong chúng xuất gia để thụ hưởng. Nếu họ
chưa hề tham dự các yết ma thuyết giới cụ túc, tự tứ v.v… thì không kể, nhưng
trái lại thì bị liệt vào hạng chướng pháp. Cho đến những người dù đã xuất gia
hợp pháp đã thọ giới sa di mà lén nghe Tăng yết ma thuyết giới cụ túc, nếu nghe
mà không nhớ và không hiểu, thì không kể, trái lại hiểu rõ nội dung và ghi nhớ
đầy đủ, thì bị gọi là phạm chướng pháp.
4. Phá
nội ngoại đạo: Người ngoại đạo xuất gia thọ cụ túc một thời gian lại chán,
tự động trở về đạo cũ, sau đó lại đến xuất gia nữa. Người như vậy, vừa phá hủy
đạo cũ của mình mà cũng phá hủy đạo Phật, tâm tình bất định, lui tới không chừng
như vậy, được liệt vào hạng phạm chướng pháp.
5. Giết
cha.
6.
Giết mẹ.
7. Giết
A la hán.
8. Phá
hòa hợp tăng: Có hai trường hợp. Thứ nhất, phá pháp luân Tăng: tự xưng mình
là Phật, đặt ra những luật lệ khác với Phật đã chế định, lôi cuốn một số tỳ kheo
đi theo lập thành tăng đoàn riêng biệt. Thứ hai, phá yết ma tăng: Tăng trong
cùng một trú xư, mà xúi dục, kích động, với bất cứ phương tiện nào, khiến cho
chia rẽ thành hai nhóm trở lên, không chịu thuyết giới chung, và tự tứ chung.
Trong hai trường hợp trên, Tổ Đạo Tuyên cho rằng chỉ tội phá pháp luân tăng mới
thành chướng pháp.
9. Với
ác ý gây thương tích thân Phật: nay là thời không có Phật tại thế nên trường
hợo này không xảy ra.
Trên đây,
các điều 5, 6, 7, 8, và 9 được gọi là năm tội đại nghịch.
10.
Bất năng nam: Tức đàn ông bất lực, cũng gọi là một hoàng môn. Có 5 loại: 1:
Sanh hoàng môn, tức là sanh ra không có cả nam căn và nữ căn; 2. Kiền hoàng môn:
bị thiến như thái giám hay hoạn quan các thứ; 3. Đổ hoàng môn: thấy kẻ khác hành
dâm nổi máu ghen, nam căn bị biến đổi; 4. Biến hoàng môn: với dâm tâm thúc đẩy
muốn hành dâm nhưng khi giao hợp thì nam căn biến đổi; 5. Bán nguyệt hoàng môn:
trong một tháng có 15 ngày nam căn bị biến đổi, trở thành bất lực.
11. Phi
nhân: nghĩa đen là không phải là người. Mặc dù nghĩa đen như vậy, nhưng từ
nay áp dụng cho các loài ma quỉ như a tu la, và một số thần linh như dạ xoa, càn
thát bà, các loại này về năng lực trí tuệ có thể bằng được loài người nhưng hiện
thân không thể chứng đắc Niết bàn nếu không tái sinh làm người.
12. Súc
sinh: Theo tín ngưỡng phổ thông của Ấn thời xưa, một số loài súc sinh, như
loài rồng hay rắn thần có thể hóa hiện ra hình người nhưng chúng không thể chứng
đắc niết bàn trong hiện tại trừ khi tái sinh làm người. Ở những nơi không có tín
ngưỡng như vậy, mà giới tử bỗng nhiên được hỏi: "Ngươi có phải súc sanh không?"
thì không thể không ngạc nhiên. Do đó cần giải thích cho rõ trước khi hỏi. Vả
lại, hai câu hỏi 11, 12 này cũng có ích về một mặt tức nó xác nhận tư cách giới
tử với vinh dự là đã được sinh làm người.
13. Nhị
hình: Tức một thứ lại cái hay bán nam bán nữ, vừa có nam căn vừa có nữ căn.
Ngoài ra
còn có thêm 10 câu hỏi nữa mà giới tử phải trả lời. Chúng không phải là những
chướng pháp không vĩnh viễn chướng ngại sự chứng đắc Niết bàn trong hiện tại.
Nhưng đó là những ràng buộc từ bản thân, từ gia đình và xã hội, mà giới tử cần
phải giải quyết cho xong trước khi thọ cụ túc để có thể gọi là "rủ sạch nợ đời"
mà học đạo. Nội dung những câu hỏi này rất rõ ràng nên không cần giải thích chi
tiết ở đây, mà sẽ được kể ra trong phần chính thức tiến hành tác pháp.
c)
Tăng thành tựu: Túc số tăng để tác pháp yết ma truyền giới cụ túc là 10
tỳ kheo thanh tịnh, còn đủ tư cách, không phạm các điều khoản trong giới bổn,
hoặc có phạm nhưng đã sám hối, trừ tội ba la di. Ở biên địa thì số tăng là 5 tỳ
kheo thanh tịnh, trong đó có 1 tỳ kheo biết tác pháp yết ma. Các tỳ kheo được kể
túc số này phải tập hợp lại một chỗ trong cương giới được ấn định. Luật Ma ha
tăng kỳ còn nói rõ các tỳ kheo nếu ngồi cách xa nhau mà vói tay không đến nhau
thì yết ma không thành.()
Nói cụ thể, khi tập họp, các tỳ kheo không được cách nhau quá xa, và cũng không
được khuất mặt nhau. Thậm chí, giả sử có người có thần thông cũng không được bay
khỏi mặt đất.
Trong túc
số tăng, chỉ có một Hòa thượng cũng như một vị yết ma. Có nhiều hơn thì yết ma
cũng bất thành.
d)
Yết ma thành tựu: Những qui định về yết ma hợp pháp đã được nói trong
chương I, ở đây không nhắc lại nữa. Điều cần nói thêm là, khi tác pháp yết ma mà
có một tỳ kheo nào trong túc số Tăng phủ quyết, tức nói lên sự không đồng ý của
mình, thì yết ma bất thành. Hoặc giới tử cũng có quyền phủ quyết yết ma, mặc dù
không được kể trong túc số tăng. Thí dụ, giới tử trong lúc Tăng đang tiến hành
tác pháp yết ma, đột nhiên hối hận, tuyên bố mình không muốn thọ giới nữa, thì
yết ma đương nhiên bất thành phải hủy bỏ.
Đối tượng
của yết ma là giới tử. Mỗi lần tác pháp chỉ được phép với một giới tử mà thôi.
Trong trường hợp đặc biệt có thể hai hoặc ba giới tử. Nhưng 4 giới tử trở lên đã
thành số tăng nên không thể là đối tượng của tác pháp, yết ma bất thành.
Trong các
nghi truyền thọ giới ở nước ta, ngoài phần tác pháp căn bản theo sự truyền thừa
của luật tạng, chủ yếu là luật Tứ phần, các tổ xưa còn kết hợp thêm vào
nghi thức hiến tế của người Trung quốc nữa. Do đó trong giới đàn, ngoài 10 giới
sư ra, còn một số tỳ kheo trợ lễ. Thông thường, ít nhất là thêm một vị diễn lễ,
cũng gọi là vị dẫn thỉnh, phụ trách xướng hiệu các tiết mục, để tăng và giới tử
hành sự, tiến thối, có qui củ nhịp nhàng, trang nghiêm và nghi vệ. Nếu là giới
đàn lớn thì có bốn tỳ kheo khác làm giám đàn, cầm nghi trượng ngồi hai bên trước
Tăng. Đây là những nghi tiết phỏng theo tập tục cổ truyền của nước ta và Trung
quốc. Xét ra không phải là những điều bắt buộc phải có, cho nên ở đây không đề
cập.
Các tỳ
kheo trợ lễ này không thuộc túc số tăng, nhưng thảy đều ở trong phạm vi giới
trường cả. Theo luật chế, khi các tỳ kheo cùng hiện diện trong một cương giới mà
làm yết ma, thì tất cả hòa hợp. Nay trong trường hợp thọ giới, túc số tăng để
yết ma chỉ gồm 10 tỳ kheo, nhưng số tỳ kheo hiện diện trong giới trường lại
nhiều hơn, khiến cho trong cùng một cương giới mà có hai nhóm tăng, và tác pháp
yết ma thành ra biệt chúng là phi pháp. Vì vậy điều này cần lưu ý để cho tác
pháp được thành tựu và tăng không mắc tội đột kiết la.
Thông lệ
giới đàn ở nước ta từ xưa không thể thiếu các vị dẫn thỉnh và giám đàn, do đó sự
sắp đặt vị trí của họ cần phải được hợp lý. Hoặc họ ngồi ngoài phạm vi giới
trường, để khi tăng tác pháp yết ma khỏi mắc tội biệt chúng. Nhưng nói túc số
tăng mười vị tỳ kheo là tối thiểu, mà số tỳ kheo nhiều hơn cũng vẫn không trái
luật. Như vậy vị trí của họ có thể ở trong giới trường, và khi tăng yết ma các
vị này phải ngồi yên một chỗ, phát tâm tùy hỉ, không được đứng hay qua lại.
Trên đây là
xét theo lý mà áp dụng linh động để cho nghi thức truyền thọ được long trọng
thêm. Chứ theo đúng luật chế thì những việc dẫn giới tử tiến hay thối đều do vị
giáo thọ mà Tăng đã cử ra.
Dưới đây
chỉ nói đến các tiết mục tiến hành tác pháp theo luật chế, áp dụng cho tất cả
mọi trường hợp truyền thọ giới cụ túc. Những chi tiết thêm thắt khác cho trang
nghiêm hơn sẽ được nói đầy đủ trong một tập sách khác.
Nếu có diễn
lễ, thì giới tử nói theo sự hướng dẫn của thầy diễn lễ. Nếu không có, giới tử
phải học thuộc các thỉnh để tự mình nói lấy.
+
Thỉnh Hòa thượng
Thầy diễn
lễ xướng:
- Các
giới tử hướng về Hòa thượng lạy một lạy.
Giới tử lạy
xong, xướng tiếp:
- Hồ
qùi hiệp chưởng
Giới tử quì
xuống, diễn lễ xướng:
- Các
giới tử, tôi nay hướng dẫn các vị thỉnh giới sư. Theo phép thỉnh giới sư các vị
phải tự nói, nhưng vì các vị chưa biết rõ cách nói, nay tôi hướng dẫn các vị nói
theo.
Đại
đức nhất tâm niệm, con pháp danh là…. Nay thỉnh Đại đức làm Hòa thượng, cúi xin
đại đức vì con làm Hòa thượng. Con nương theo đại đức mà được thọ giới cụ túc.
Từ mẫn cố. (nói ba lần)
Hòa
thượng đáp:
-
Lành thay, vậy các ngươi hãy chí thành thanh tịnh, chớ có buông lung.
Giới tử
nói:
-
Y giáo phụng hành.
+
Thỉnh yết ma a xà lê:
Giới tử nói
theo thầy diễn lễ, hoặc tự nói. Văn thỉnh trên chỉ đổi các tiếng "Hòa
thượng" thành ra "yết ma a xà lê.”
+
Thỉnh giáo thọ a xà lê
Cũng như
trên, nhưng đổi các tiếng hòa thượng v.v… thành ra là Giáo
thọ a xà lê.
Về việc
thỉnh các tôn chứng, trong luật không có ghi. Nhưng sự thỉnh cầu này nếu có càng
tốt. Văn thỉnh, với một ít thay đổi, cũng như các trường hợp trên.
Sau phần
thỉnh giới sư, các giới tử lui ra khỏi giới trường.
Thầy tỳ
kheo yết ma xướng, và một trong các vị tôn chứng đáp. Về điều này, có sách ghi
là thầy yết ma xướng hỏi, thầy diễn lễ đáp. Nhưng nếu thầy diễn lễ không được kể
trong túc số tăng, thì khi tăng yết ma sai giáo thọ, vị ấy phải ra ngoài giới
trường. Chỉ trừ khi được kể trong túc số tăng, thầy diễn lễ mới có đủ tư cách để
trả lời. Đây là điểm tế nhị cần lưu ý để tác pháp được thành tựu.
Thầy yết ma
xướng:
-
Tăng đã họp chưa?
-
Tăng đã họp.
- Hòa
hiệp không?
- Hòa
hiệp.
-
Người chưa thọ cụ túc đã ra chưa?
- Đã
ra.
-
Tăng nay hòa hiệp để làm gì?
- Yết
ma truyền giới cụ túc.
Đại
đức Tăng, xin lắng nghe. có các sa di (pháp danh) xin cầu thọ cụ
túc với Hòa thượng (pháp hiệu) nếu thời gian thích hợp đối với
Tăng, tăng nay chấp thuận tỳ kheo…. Làm giáo thọ. Đây là lời tác bạch.
Thầy giáo
thọ dẫn giới tử đến chỗ khuất giới trường mà Tăng đang tập họp. Việc làm này
không thuộc phận sự của Tăng. Thầy giáo thọ cần dạy trước giới tử những điều
phải trả lời trước Tăng cho thông thuộc, để khi đến trước Tăng, giới tử không
bối rối hay sợ sệt mà nói năng không thông suốt, không rõ ràng, khiến Tăng không
nghe đầy đủ, và như thế, yết ma sẽ không trọn vẹn. Vì là việc làm không thuộc
Tăng, nên không được hỏi trước Tăng, tức trong phạm vi của giới trường.
Thầy giáo
thọ ngồi yên vị xong, giới tử đảnh lễ 1 lạy, quì xuống nghe giáo thọ nói.
Giới tử
dâng ba y, bình bát và tọa cụ cho giáo thọ. Giáo thọ đưa ra từng cái và hỏi:
Đây là
an đà hội, đây là uất đa la tăng, đây là tăng già lê, đây là bình bát, đây là
tọa cụ, ba y, bình bát và tọa cụ này có phải là của ngươi không?
Giới tử
đáp:
-
Bạch, phải.
Giáo thọ
nói:
- Này
(nói pháp danh giới tử), hãy lắng nghe. Lát nữa ta sẽ dẫn ngươi
lên bậc cao tột. Đây là thời gian chí thành. Đây là thời gian nói sự thật. Những
điều ta sắp hỏi ngươi ở đây, lát nữa ngươi cũng phải trả lời trước Tăng như vậy,
điều gì có thật, hãy trả lời là có thật, điều gì không có thật, hãy trả lời là
không có thật. Đừng khiếp sợ. Đừng bối rối. Lát nữa Tăng sẽ hỏi ngươi như sau:
-
Ngươi có phạm biên tội không?
Giới tử
đáp:
-
Bạch, không.
Giáo thọ
hỏi tiếp:
-
Ngươi có phá tịnh hạnh của tỳ kheo ni không?
- Bạch,
không.
-
Ngươi có phải là tặc trú không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là kẻ phá nội ngoại đạo không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có giết cha không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có giết mẹ không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có giết A la hán không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phá hòa hiệp tăng không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có gây thương tích Phật với ác ý không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là bất năng nam không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là phi nhân không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là súc sinh không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là nhị hình không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là quan viên tại chức không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là người trốn nợ không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là đầy tớ trốn chủ không?
-
Bạch, không.
-
Ngươi có phải là đàn ông không?
-
Bạch, phải.
- Là
đàn ông mà có bệnh sau đây, cùi, hủi, ung thư, ghẻ mủ, động kinh, lao phổi,
ngươi có các bênh ấy không?
-
Bạch, không.
-
Tuổi đủ hai mươi chưa?
-
Bạch, dạ đủ.
- Y
bát có đủ không?
-
Bạch, có đủ.
- Cha
mẹ đã cho phép chưa?
-
Bạch, đã cho.
-
Pháp danh ngươi là gì?
- Con
pháp danh là…
- Hòa
thượng của ngươi hiệu thượng… hạ…
Hỏi và đáp
đầy đủ. Những điều cần giải thích, giáo thọ nên giải thích. Rồi giáo thọ nói
tiếp với giới tử:
Những
điều ta vừa hỏi ngươi, lát nữa Tăng cũng sẽ hỏi như vậy, và ngươi cũng phải như
vậy mà trả lời.
Sau đó,
giáo thọ dẫn giới tử trở lại giới trường đứng chờ bên ngoài. Giáo thọ đến trước
tăng và bạch:
- Đại
đức Tăng, xin lắng nghe. sa di… cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… tôi đã giáo thọ
xong. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, tăng chấp thuận, tôi sẽ gọi sa di…
vào.
Thầy yết ma
nói:
- Nếu
thanh tịnh hãy cho vào.
Giáo thọ
dẫn giới tử vào.
Giới tử vào
trước tăng, lạy ba lạy, y bát để trước mặt, hoặc giáo thọ giữ hộ. Giáo thọ hướng
dẫn giới tử bạch Tăng, hoặc giới tử tự nói lấy nếu biết cách.
-
Bạch Đại đức Tăng, con sa di… cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… con nay cầu xin
Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… cúi mong Tăng rủ lòng thương tưởng đưa con
lên bực cao. (nói ba lần)
Thầy yết ma
xướng:
Đại
đức Tăng, xin lắng nghe, sa di…. này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng…. Sa di này
nay cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… nếu thời gian thích hợp đối với
tăng, Tăng chấp thuận, tôi hỏi các chướng pháp.
Giới tử
dâng y bát của mình lên cho thầy yết ma xem. Thầy yết ma xem xong, hỏi:
- Đây
là an đà hội, đây là uất đà la tăng, đây là tăng già lê, đây là bình bát, đây là
tọa cụ, ba y, bình bát và tọa cụ này có phải là của ngươi không?
Giới tử
đáp:
-
Bạch, phải.
Thầy yết ma
nói:
-
Này (pháp danh giới tử),
hãy lắng nghe đây. Đây là thời gian chí thành. Đây là thời gian nói sự thật.
Những điều ta sắp hỏi ngươi sau đây, điều nào có thật, hãy trả lời là có thật;
điều nào không có thật, hãy trả lời là không có thật.
- Ngươi
có phạm biên tội không?
Giới tử
đáp:
- Bạch,
không.
Hỏi và đáp
đủ như trong phần giáo thọ trên, cho đến:
- Hòa
thượng của ngươi hiệu là gì?
- Hòa
thượng của con hiệu là…
Sau phần
Tăng chính thức hỏi các chướng pháp, hòa thượng nói lời khai đạo, khích lệ giới
tử về sự thọ giới và trì giới để hướng tâm lên bực cao thượng; nói về uy lực của
bạch tứ yết ma để giới thể vô tác được thành tựu. Tiếp theo, thầy yết ma bạch
Tăng:
- Đại
đức Tăng, xin lắng nghe. Sa di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa di này nay
cầu xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa di này đã tự nói là thanh tịnh,
không có các chướng pháp, tuổi đủ hai mươi, ba y và bình bát, tọa cụ đã đầy đủ.
Nếu thời gian thích hợp với Tăng, Tăng chấp thuận cho thọ cụ túc với Hòa thượng.
Đây là lời tác bạch.
- Đại
đức Tăng, xin lắng nghe. Sa di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng…Sa di này cầu
xin Tăng được thọ cụ túc với Hòa thượng… Sa di này đã tự nói là thanh tịnh,
không có các chuớng pháp, tuổi đủ hai mươi, ba y và bình bát tọa cụ đầy đủ. Tăng
nay chấp thuận cho sa di… thọ cụ túc với Hòa thượng… Các trưởng lão nào chấp
thuận, Tăng cho sa di… thọ cụ túc với Hòa thượng… thì im lặng. Ai không chấp
thuận hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất.
- Đại
đức tăng, xin lắng nghe. Sa di… này cầu thọ cụ túc với Hòa thượng… (như
trên, cho đến) Ai không chấp thuận hãy nói. Đây là yết ma lần thứ hai.
- Đại
đức tăng, xin lắng nghe. Sa di này… (như trên) Đây là yết ma lần
thứ ba.
Tăng
đã chấp thuận cho Sa di… thọ cụ túc với Hòa thượng… vì im lặng. Tôi ghi nhận như
vậy.
Đến đây,
sau khi tất cả tiết mục đều được tiến hành đúng pháp, yết ma thành tựu, giới tử
từ giờ phút này được kể là tỳ kheo. Giới tử nói ít lời nhắc nhở vị tân tỳ kheo
về cách tính ngày tháng, và tuổi theo hạ lạp. Lịch pháp xưa ở Ấn độ không được
phổ biến quần chúng, cho nên tân tỳ kheo được chỉ dạy chi tiết để có thể biết
ngày nào tăng thuyết giới, ngày nào kết hạ an cư, ngày nào tự tứ, theo tháng
thiếu và tháng đủ, năm bình thường và năm nhuận như thế nào. Ngày nay lịch pháp
được phổ biến rộng rãi, do đó việc chỉ cách tính tháng, tính mùa và tính năm
không cần thiết. Giới sư chỉ cần nhắc tân tỳ kheo rằng ngày này, tháng này, năm
này, giờ này mình đắc giới cụ túc, như người đời ghi nhớ kỹ ngày tháng và năm
sinh vậy. nhưng giới sư phải chỉ cho tân tỳ kheo biết cách tính tuổi hạ lạp. Kể
từ giờ phút đắc giới cụ túc này cho đến trước ngày tự tứ lần đầu tiên, nếu có ai
hỏi tuổi thì phải trả lời mình chưa được tuổi nào. Sau đó, cứ theo ngày tự tứ
mỗi năm mà tính thôi.
Giới tử thọ
cụ túc đã thành tựu, nghi thức thọ giới đã hoàn tất. Tuy nhiên, Hòa thượng hay
giới sư lại cần giảng cho tân tỳ kheo biết về tứ y và tứ khí, để biết mà chấp
hành và học tập. Theo các truyền thống khác, pháp tứ y được nói trước, kế đó mới
nói pháp tứ khí. Nhưng theo truyền thống luật Tứ phần thì tứ khí được nói
trước. Nước ta hành trì theo luật Tứ phần do đó dưới đây cũng sẽ nói về
tứ khí trước.
Tiếng Phạn
nói Pàrjka. Hán âm là ba la di hoặc ba la thị ca, dịch là
đọa, khiù, hoặc tha thắng. Tứ khí tức bốn ba la di hay bốn
trọng cấm. Nếu tỳ kheo phạm một trong bốn trọng cấm này, không còn tư cách là tỳ
kheo nữa, không được sống chung với các tỳ kheo khác, nghĩa là bị khai trừ ra
khỏi giáo đoàn tăng lữ.
Hòa thượng
hay giới sư nói:
Này
tân tỳ kheo, đức Như Lai, bậc chí chân, đẳng chánh giác, đã nói bốn pháp ba la
di. Nếu tỳ kheo phạm một trong bốn pháp này, người đó không còn là sa môn, không
còn là Thích tử nữa.
Thứ
nhất, tỳ kheo đã đắc giới cụ túc, không được hành pháp dâm dục, bất tịnh hạnh,
cho đến cùng với loài vật. Tỳ kheo nào hành pháp dâm dục, bất tịnh hạnh, người
đó không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. Đức Thế tôn đã nói thí dụ
rằng: Cũng như một người bị chặt đầu thì không thể sống được nữa. cũng vậy, tỳ
kheo nếu phạm pháp ba la di này, phẩm chất tỳ kheo không thể phục hồi được nữa.
Thứ
hai, tỳ kheo đã đắc giới cụ túc, không được cố y lấy vật không cho, nhẫn đến một
cọng cỏ. Nếu tỳ kheo lấy trộm năm tiền hay vật tương đương năm tiền trở lên, tự
mình lấy hoặc bảo người khác lấy, tự mình phá hoặc bảo người khác phá, tự mình
chặt hoặc bảo người khác chặt, hoặc đốt, hoặc chôn, hoặc hủy hoại mất màu sắc,
người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. cũng như cây đa la bị
cắt đứt lõi, không thể sinh trưởng được nữa. Cũng vậy, tỳ kheo phạm pháp ba la
di này, phẩm chất tỳ kheo không thể phục hồi được nữa.
Thứ
ba, tỳ kheo đã đắc giới cụ túc không được cố ý giết hại mạng sống, nhẫn đến con
kiến. Tỳ kheo nào cố ý giết người, tự tay mình cầm dao giết, hay đưa người khác
giết, hoặc xúi dục người tự sát, ca ngợi để người tự sát, đưa thuốc độc cho
người, làm trụy thai, hoặc bằng chú thuật mà giết, hoặc tự mình đặt phương tiện
giết hay bảo người khác giết; người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích
tử nữa, như cây kim đã sút lỗ không còn dùng được nữa. Cũng vậy, tỳ kheo đã phạm
pháp ba la di này rồi, phẩm chất tỳ kheo không thể phục hồi được nữa.
Thứ
tư, tỳ kheo đã đắc giới cụ túc không được cố ý nói dối, nhẫn đến nói dối mà
chơi. Nếu tỳ kheo tự mình không thật sự chứng đắc mà nói rằng: "Tôi đã chứng đắc
pháp thượng nhơn, đắc thiền, đắc giải thoát, đắc định, đắc bốn không định, đắc
quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. A la hán, trời, rồng, quỷ, thần đến cúng
dường tôi; như vậy người ấy không còn là sa môn, không phải là Thích tử nữa. Như
tảng đá lớn bị vỡ làm hai không còn dính lại được nữa. cũng vậy, tỳ kheo phạm ba
la di này rồi, phẩm chất tỳ kheo không thể phục hồi được nữa.
Tứ y tức
bốn chỗ nương tựa, là bốn căn bản cho đời sống của tỳ kheo; cũng gọi là bốn
thánh chủng, như đã đề cập đoạn trên.
Hòa thượng
hay giới sư nói:
Này
tân tỳ kheo, đức Như Lai, bậc chí chân, đẳng chánh giác, đã nói bốn pháp sở y;
tỳ kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới cụ túc, thành phẩm chất tỳ kheo.
Thứ
nhất, tỳ kheo sống y trên y phấn tảo; y trên đây mà xuất gia, mà thọ cụ túc,
thành phẩm chất tỳ kheo. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc
biệt được phép thọ dụng y do đàn việt cúng dường, y đã được cắt rọc hay hủy hoại
(màu sắc).
Thứ
hai, tỳ kheo sống y trên sự khất thực; y trên đây mà xuất gia, mà thọ giới cụ
túc, thành phẩm chất tỳ kheo, ngươi phải trọn đời thọ trì điều này, trường hợp
đặc biệt được thọ dụng, là Tăng sai thọ thực, hay đàn việt cung cấp các bữa ăn
định kỳ mỗi tháng các ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm, hoặc các bữa ăn thường
của tăng, hay được đàn việt mời.
Thứ
ba, tỳ kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ, y theo đây mà xuất gia, mà thọ giới
cụ túc, thành phẩm chất tỳ kheo, ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường
hợp đặc biệt được thọ dụng là một căn phòng riêng biệt, một ngôi nhà nóc nhọn,
một căn phòng nhỏ, một hang đá, hay hai căn phòng có chung một cửa.
Thứ tư,
tỳ kheo sống y nơi các loại thuốc hủ lạn, y trên đây mà được xuất gia, mà thọ
giới cụ túc. Ngươi phải trọn đời thọ trì điều này. Trường hợp đặc biệt được thọ
dụng là tô, sanh tô, dầu, đường phèn và mật.
Này tân
tỳ kheo, việc thọ giới của ngươi đã xong. Bạch tứ yết ma như pháp thành tựu, xứ
sở thành tựu, Hòa thượng như pháp, A xà lê như pháp, chúng tăng đầy đủ túc số.
Vậy ngươi phải khéo thọ trì giới pháp, cần phải khuyến hóa mọi ngừời làm việc
phước, xây tháp, cúng dường Phật Pháp Tăng, Hòa thượng, A xà lê; tất cả những gì
các ngài dạy như pháp không được trái nghịch. Ngươi phải học hỏi, tụng đọc kinh
điển, siêng năng nỗ lực để ở trong Phật pháp mà chứng đắc các quả vị Tu đà hoàn,
Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, thì sơ tâm xuất gia của ngươi mới không luống
uổng, quả báo không dứt. Còn những điều nào mà ngươi chưa biết, thì hãy thưa hỏi
Hòa thượng A xà lê.
Những tiết
mục căn bản trong nghi đến đây hoàn tất. Việc xả y cũ, thọ y, bát mới, và việc
xin y chỉ, là phận sự đầu tiên mà vị tân tỳ kheo phải biết. Những điều này sẽ
được nói tiếp trong các phần dưới đây.
-----------------------------------
TIẾT BA
Việc xả y
bát cũ, thọ y bát mới là một tiết mục trong sự hành trì nghi thức thọ giới. Nó
có thể được nói trong mục thọ giới ở trên. Nhưng ở đây được nói thành mục riêng
vì tầm mức quan trọng của nó.
Y và bát là
vật dụng tùy thân của một tỳ kheo, là phương tiện để sinh sống đúng theo bốn
thánh chủng, cho đến đây cũng là tín hiệu truyền thừa trong thánh chủng. Vị tân
tỳ kheo, sau khi đã đắc giới cụ túc, phận sự đầu tiên phải biết là các cách thức
xả và thọ. Phận sự này không phải chỉ được thực hiện một lần sau khi mới đắc
giới, mà là phận sự phải thực hiện trọn đời. Do đó, ngay sau khi thọ giới, thì
giới sư hoặc Hòa thượng, hay vị có trách nhiệm giáo dục và hướng dẫn tân tỳ kheo
trên đường tu tập, phải chỉ bảo tường tận.
Theo Phật
chế, một tỳ kheo phải có đủ ba y và một bình bát. Chỉ ba y và một bình bát chứ
không được có nhiều hơn. Nhưng vấn đề y phục có những quan hệ chặt chẽ với phong
tục tập quán của mỗi nước. Do vậy, trên thực tế, trong sinh hoạt thường nhật của
người xuất gia, vấn đề y phục đã có một số đổi khác ở Trung quốc, so với truyền
thừa từ Ấn độ, và ngay trong những nước chịu ảnh hưởng văn minh Trung quốc, như
nước ta và nước Nhật bản, cũng đã có thêm những điều khác biệt so với Trung
quốc. Do vậy, trên nguyên tắc luật định, một tỳ kheo chỉ có được ba y, nhưng
trên thực tế nước ta, ngoài ba y theo luật ấn định ấy còn có y phục thường nhật
khác nữa và ba y theo luật định trở thành lễ phục.
Ba y mà
Phật chế gồm có: 1. An đà hội, tiếng Phạn là Antarvàsas, nghĩa là y trong
hay y dưới; 2. Uất đà la tăng, tiếng Phạn, là uttara sangha, y khoác vai.
Hán dịch là thượng y; 3. Tăng già lê, tiếng Phạn, Sanghàtì, nghĩa là y có
hai lớp, loại y trùm kín thân thể.
Về kích
thước mẫu y An đà hội được qui định cỡ trung bình là dài hay chiều cao hai khuỷu
tay, khoảng một mét; chiều ngang 4 khuỷu tay, khoảng 2 mét. Về Uất đà la tăng
cao ba khuỷu tay khoảng 1,5 mét, và rộng 5 khuỷu tay, khoảng 2,5 mét. Tăng già
lê cũng vậy. Tuy nhiên, luật cũng nói rằng dài hay rộng tùy theo tầm thước của
mỗi người.
Nếu là y
mới thì An đà hội và Uất đa la tăng may một lớp; Tăng già lê có hai lớp. Nếu là
y cũ, thì An đà hội và Uất đa la tăng có hai lớp, Tăng già lê có 4 lớp.
Về cách
may, vải may y phải được rọc thành miếng rồi ráp lại như thửa ruộng, để tiêu
biểu cho ruộng phước. Người khoát y như vậy là người gìn giữ ruộng phước cho
trời và người có thể gieo trồng hạt giống phước thiện vào đó. về hình thức thửa
ruộng, chiều ngang nếu có 5 khoảng thì gọi là y năm điều, 7 khoảng thì gọi là y
bảy điều, cho đến 25 khoảng. Ít nhất là 5 khoảng, và nhiều nhất là 25 khoảng.
Chỉ chia khoảng theo số lẻ chứ không bao giờ chia theo số chẵn. Còn theo chiều
đứng, nếu y năm điều, thì gồm một khoảng dài và một khoảng ngắn. Từ 7 đến 13
điều gồm 2 dài 1 ngắn. Từ 15 đến 19 gồm 3 dài 1 ngắn. Từ 21 đến 25 gồm 4 dài 1
ngắn. Cách chia khoảng không ảnh hưởng đến tên gọi của y, nghĩa là gọi Uất đà la
tăng hay tăng già lê tùy theo chiều kích, lớp vải, và công dụng chứ không tùy
theo các điều. Tuy nhiên, theo thông dụng, y An đà hội có 5 điều và do đó cũng
thường gọi là y ngũ; Uất đà la tăng gồm 7 điều và thường gọi là y thất. Tăng già
lê có ba bậc, từ 9 đến 13 điều là bậc hạ, tù 15 đến 19 là bậc trung, và từ 21
đến 25 là bậc thượng.
Theo phép,
nếu y đã cũ không muốn dùng nữa thì phải làm phép xả, và y mới phải làm phép thọ
trước khi dùng. Thọ là xác nhận nó thuộc sở hữu riêng của mình, và xả là tuyên
bố nó không còn thuộc sở hữu của mình nữa.
Trước khi
thọ y mới phải làm phép điểm tịnh, tức ghi một hay ba dấu chấm lên trên một góc
y. Dấu chấm lớn nhất bằng con mắt của đuôi con công; nhỏ nhất có thể bằng đầu
chiếc đũa. Khi điểm tịnh, tự tay mình cầm cây viết ghi một hay ba dấu chấm lên
trên y, vừa nói thành tiếng hay tâm niệm rằng: "tôi điểm tịnh.”()
Sau khi đắc
giới cụ túc, vị tân tỳ kheo phải xả man y đã thọ lúc sa di. Văn xả như sau. Vị
tân tỳ kheo hướng về thầy yết ma hay giới sư, lễ một lễ, quì xuống, hai tay bưng
y bạch rằng:
Đại đức
tăng rủ lòng thương tưởng, con… man y này trước con đã thọ nay xin xả.
Nói một
lần, giới sư đáp:
-
Thiện.
Tân tỳ kheo
nói:
- Mô
Phật.
Trong ba y,
y nào không dùng nữa, phải xả, khi xả, hoặc đối trước bàn Tổ, làm phép tâm niệm
xả. Hoặc đối trước một tỳ kheo khác, làm phép đối thủ xả. Văn xả như sau:
Đại
đức nhất tâm niệm, con tỳ kheo… Tăng già lê (hoặc Uất đa la tăng
v.v…) là một trong ba y của con trước đã thọ trì, nay xin xả.
Như đã nói
ở trên, theo luật chế nguyên thủy thì tên gọi các y An đà hội, Uất đa la tăng
hay Tăng già lê không theo số điều. Do đó, như Uất đà la tăng chẳng hạn, có thể
từ 5 đến 25 điều. Nhưng thông dụng thường có sự phân biệt như sau: chiều kích cả
ba y giống nhau và cách khoác như nhau, nhưng An đà hội chỉ có 5 điều, Uất đa la
tăng 7 điều, và Tăng già lê từ 9 điều trở lên.
Văn thọ ba
y trong Tùy cơ yết ma của Đạo Tuyên ()
có hai mẫu thọ điển hình về An đà hội: mẫu 5 điều và mẫu 25 điều.
Nay theo
thông dụng ở nước ta, sự phân biệt các loại y tùy theo số điều chứ không tùy
kích thước và lớp vải.
Cách thọ cả
ba y đại khái giống nhau: hoặc tâm niệm thọ, tức đối trước bàn Tổ mà đọc văn
thọ, hoặc đối trước một tỳ kheo khác làm chứng minh cho mà thọ.
Văn thọ ba
y như sau:
a) An
đà hội
Người thọ y
đảnh lễ vị chứng minh một lễ, quỳ xuống hai tay bưng y dâng lên, tác bạch:
Đại
đức nhất tâm niệm, con tỳ kheo… đây là An đà hội 5 điều, mỗi điều gồm một khoảng
dài và một khoảng ngắn, là y được cắt rọc, nay con xin thọ trì (nói ba
lần).
Vị chứng
minh nói:
-
Thiện.
Người thọ
đáp:
- Mô
Phật.
Khi đắp đọc
bài kệ:
Lành thay y giải thoát,
Y vô thượng phước điền.
Con nay cúi đầu thọ,
Nguyện kiếp kiếp không rời.
Án tất đà da ta bà ha (ba lần).
b)
Uất đa la tăng
Tác lễ
như thọ An đà hội, Văn bạch:
Đại
đức nhất tâm niệm. Con tỳ kheo…. Đây là Uất đa la tăng 7 điều, mỗi điều gồm hai
khoảng dài và một khoảng ngắn, là y cắt rọc, nay con xin thọ trì (ba
lần)
Kệ đắp y:
Lành thay y giải thoát,
Y vô thượng phước điền.
Con nay cúi đầu thọ,
Nguyện đời đời thường khoác.
Aùn độ ba độ ba ta bà ha (ba lần)
c)
Tăng già lê
Tác lễ
như trên. Văn bạch:
Đại
đức nhất tâm niệm. Con tỳ kheo… đây là Tăng già lê chín điều, gồm ba khoảng dài,
một khoảng ngắn, là y được cắt rọc và gấp lớp (tiếp điệp), nay con
xin thọ trì. (ba lần)
Kệ đắp
y:
Lành thay giải thoát
Y vô thượng phước điền.
Vâng lãnh mạng Như Lai,
Nguyện độ khắp quần sanh.
Án ma ha ca bà ba tra tất đế ta bà ha (ba lần).
Bình bát,
tiếng Phạn nói Pàtra, Hán âm là bát đa la, chỉ chung các thứ chén
bát, tất cả những thứ dùng để đựng các thức ăn và uống. Hán dịch là ứng lượng
khí, nghĩa là vật dụng để lường mức thích hợp. Bình bát là một trong sáu vật
dụng để lường mức thích hợp. Bình bát là một trong sáu vật dụng tùy thân cần
thiết của một tỳ kheo, là phương tiện thực hành thánh chủng, là tín hiệu truyền
thừa của Thánh chủng. Đời sống của người xuất gia phải dựa trên sự khất thực, do
đó, bình bát trở thành vật dụng cũng quan trọng như ba y. ba y và bình bát đối
với tỳ kheo được ví như hai cái cánh của con chim. Chất liệu làm bình bát có thể
bằng sắt hay là bằng đất nung. Theo qui định, bình bát cỡ nhỏ nhất phải chứa
được 1 đấu rưỡi, và cỡ lớn nhất không được quá ba đấu.
Tác lễ như
thọ y. Tay trái bưng bát. Tay mặt úp lên bát. Văn bạch:
Đại đức
nhất tâm niệm, con tỳ kheo… đây là bát đa la, đúng cỡ để thường dùng, nay con
xin thọ.
Kệ thọ bát:
Lành thay Bát đa la,
Như Lai ứng lượng khí.
Vâng giữ để nuôi thân,
Nuôi lớn trí tuệ mạng.
Án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra (ba lần).
Tác lễ như
trên, văn bạch:
Đại
đức nhất tâm niệm, con tỳ kheo… đây là Bát đa la, trước đã thọ trí, nay xin xả
(ba lần).
Tiếng Phạn
nói Nisìdana, Hán âm là Ni sư đàn và dịch là tọa cụ, là vật dụng để lót
ngồi. Đây cũng là vật dụng tùy thân cần thiết của một tỳ kheo. Về kích thước,
được qui định phần giữa lòng chiều dài bằng hai gang tay của phật, khoảng 1,6
mét, và chiều ngang 1,5 gang tay của Phật, khoảng 1,2 mét, kế đó phần rìa chung
quanh bốn bên, mỗi bên thêm 0,5 gang tay Phật nữa, khoảng 0,3 mét. Lớn quá cỡ
này là phạm tội ba dật đề. Tọa cụ mới có thể may làm hai lớp, tọa cụ có thể bốn
lớp.()
Tác lễ như
thọ y và bát. Văn bạch:
Đại
đức nhất tâm niệm, con tỳ kheo… đây là Ni sư đàn được may đúng lượng, nay con
xin thọ trì (nói 3 lần).
Kệ thọ
ni sư đàn:
Tọa cụ Ni sư đàn,
Nuôi lớn chồi tâm tánh.
Trải bày lên đất thánh,
Vâng giữ mạng Như Lai.
Án đàn ba đàn ba ta bà ha (ba lần).
Phỏng theo
các cách xả trên.
Vật dụng
tùy thân thứ tư của tỳ kheo là đãy lọc nước. Không có văn tác bạch thọ và xả,
chỉ có bài kệ như sau:
Lành thay đãy lọc nước,
Biểu hiệu đức từ tâm.
Tùy thân tùy thời dụng,
Mới hợp đạo thánh hiền.
Án phạ tất ba ra ma ni ta bà ha (ba lần)
----------------------------------------------------
TIẾT BỐN
Người mới
thọ giới tỳ kheo, công việc trước hết là phải học tập đầy đủ các bổn phận của
một tỳ kheo. Phật chế, tỳ kheo chưa đủ 5 tuổi hạ không được phép rời thầy y chỉ
mà sống riêng biệt một mình. Nếu đủ 5 tuổi hạ, nhưng chưa học hết giới bổn, chưa
rõ những điều nào nên làm hay không nên làm, trường hợp nào phạm tội hay không
phạm tội, trường hợp nào phạm tội nặng, trường hợp nào phạm nhẹ, không biết làm
các pháp yết ma, không rõ các phận sự thuyết giới, an cư, tự tứ; tỳ kheo đó vẫn
chưa được phép rời thầy y chỉ. Dù tuổi hạ 60, và tuổi đời 80 mà không thông các
phận sự ấy thì cũng chưa được phép rời y chỉ.
Một tỳ kheo
mà không thông suốt các phận sự của tỳ kheo, nếu sống tự lập không y chỉ, thảng
hoặc đến một trú xứ nào mà tại nơi đó tình cờ cũng tập hợp các tỳ kheo đủ túc số
tối thiểu để thành tăng, nhưng trong đó lại không một ai biết yết ma, biết
thuyết giới hay tự tứ, thì làm sao họ có thể thực hiện các phận sự thông thường
của Tăng, thì hạng tăng ấy, đức Phật ví như một đàn dê, ngu si, chỉ biết ăn và
ngủ.
Mặc khác,
một tỳ kheo chưa đủ 5 tuổi hạ, dù đã tinh thông luật tạng, nhẫn đến chứng đắc
các quả vị hiền thánh, trừ đắc quả A la hán, vẫn không được rời y chỉ.
Thông
thường, vị y chỉ sư chính là bổn sư thế độ cho xuất gia, và cũng là Hòa thượng
truyền giới cụ túc. Tuy nhiên, y có những trường hợp đặc biệt, hoặc Hòa thượng
tịch hoặc bãi đạo, thì phải tìm đến một vị Thượng tọa đủ các đức tính, như đã
nói mục tư cách của vị Hòa thượng ở trên, thỉnh cầu làm, chỉ sư, sống nương tựa
theo vị này mà học đạo. Trong khi đang nương tựa theo y chỉ sư mà sống, nếu có
duyên sự cần đi xa, phải trình bày rõ, để thầy trù lượng có nên đi hay không, và
nơi đến là nơi nào, đi bao nhiêu ngày. Nơi cần đến mà không có vị nào đủ tư cách
làm y chỉ sư, không được phép dừng lại đó cho đến đêm thứ sáu mà vẫn không có
người làm y chỉ. Nếu tại đó có Thượng tọa có thể làm y chỉ, Thượng tọa cần hỏi
han cẩn thận về bổn sư của người xin y chỉ, về gốc trú xứ, về sự học hỏi kinh
điển như thế nào. Nếu trả lời đúng pháp thì mới chấp nhận; còn trả lời mơ hồ,
không đúng pháp, thì Thượng tọa nên nói: "Tôi không quen biết ông. Vậy ông
nên đi nơi khác mà cầu y chỉ.” Hoặc Thượng tọa có một vài điểm nghi ngờ nào
đó, có thể tạm thời cho lưu lại ít ngày để dò xét, cho đến đêm thứ sáu phải cho
y chỉ, nếu thấy hiệp ý.
Luật cũng
nói rằng, khi vị tân tỳ kheo tìm đến một Thượng tọa xin y chỉ, nếu Thượng tọa
không đủ khả năng cung cấp cho Phật pháp cũng như vật thực, thì tân tỳ kheo ấy
có thể tự động bỏ đi khỏi cần thưa hỏi. Nếu Thượng tọa chỉ có khả năng cung cấp
vật thực nhưng không thể dạy cho Phật pháp, thì nên thưa hỏi rồi mới đi. Trường
hợp vì Thượng tọa có khả năng dạy bảo Phật pháp, nhưng không có đủ vật thực, thì
cho dù kham khổ cũng cần phải suốt đời nương tựa theo mà học đạo. Nếu Thượng tọa
có đủ cả thực lẫn pháp, thì cho dù có bị xua đuổi cũng không được bỏ đi.
Trong
lúc đang tiền an cư, nếu thầy y chỉ tịch, phải đi tìm vị khác mà tác pháp hậu an
cư. Nếu trong lúc hậu an cư thầy y chỉ tịch, có thể lưu lại chỗ cũ trong một
thời gian hai kỳ bố tát, sau đó phải đi đến nơi khác tìm thầy y chỉ, không được
để quá ngày bố tát thứ hai. Hoặc tại trú xứ có nhiều tân tỳ kheo cùng y chỉ một
Thượng tọa, mà vị Thượng tọa ấy nửa chừng viên tịch, thì nên thỉnh cầu một
Thượng tọa đủ đức khác về đây làm y chỉ. Trong khoảng hai kỳ bố tát nếu không
tìm được thầy y chỉ, các tân tỳ kheo ở đây phải tự động lên đường đi tìm y chỉ,
không được quá ngày bố tát thứ hai.
Thượng tọa
y chỉ và các tỳ kheo y chỉ đối đãi nhau như tình cha con. Tân tỳ kheo có bổn
phận hầu hạ, chấp tác những công việc nặng nhọc thay thầy y chỉ. Bổn phận thờ
thầy không khác như sa di thờ thầy, được nói trong luật sa di, ở đây không cần
thiết phải nhắc lại.
Trong
trường hợp tân tỳ kheo y chỉ ngoan cố, khó dạy bảo, Thượng tọa tự thấy không đủ
khả năng tiếp tục dạy bảo, dù với bất cứ phương tiện nào, nhẫn đến trách mắng
hay trừng phạt, thì Thượng tọa hoặc đuổi đi, hoặc tuyên bố dứt y chỉ, nhưng nếu
tân tỳ kheo đó lại là người có thế lực, không thể tuyên bố dứt y chỉ theo cách
thông thường, thì Thượng tọa có thể đi ra khỏi đại giới một đêm, hoặc vào ngủ
trong giới trường một đêm, cho đến ánh sáng ban mai xuất hiện mới trở lại đại
giới trú xứ. Đây là phép dứt y chỉ. Bởi, theo luật quy định, tân tỳ kheo sống
khác phạm vi cương giới với thầy y chỉ cách một đêm, thì sự y chỉ bị dứt. Phép
dứt y chỉ này áp dụng cho cả Thượng tọa và tân tỳ kheo. Như trường hợp ngược
lại, khi Thượng tọa có những hành vi mà mình không kham chịu đựng; và cũng không
thể can gián; và đã có can gián mà Thượng tọa đó cũng không nghe; và bản thân
không thể rời trú xứ ấy được, vị tân tỳ kheo có thể làm pháp dứt y chỉ như đã
nói.
Những sự
việc liên hệ vấn đề y chỉ là những phận sự đầu tiên và căn bản của tân tỳ kheo,
do đó, không thể không biết, hoặc biết sơ sài. Cách ngôn Ấn độ có câu: "Con sâu,
cái kiến dù là thân phận thấp hèn nhưng nếu bám lên được cánh hoa thì có thể ở
trên đầu của hàng vương giả.” Người mới xuất gia cũng vậy, phải nương theo những
bậc đạo cao đức trọng để được cất nhấc lên cao, hướng dẫn tới đời sống cao
thượng hơn, như thế mới không phụ sơ tâm của mình.
Phép thỉnh
y chỉ:
Y áo chỉnh
tề, đến trước Thượng tọa, lễ ba lễ, quì xuống, chấp tay bạch:
Đại đức
rủ lòng thương tưởng. Con tỳ kheo… nay cầu xin đại đức làm thầy y chỉ. Ngưỡng
mong đại đức làm nơi nương tựa cho con. Con nương tựa đại đức mà sống và học
đạo.
Thượng tọa
nói:
Được
vậy, ta làm y chỉ cho ngươi. Hãy cẩn thận chớ buông lung.
Tỳ kheo cầu
y chỉ đáp:
Y giáo
phụng hành.
--- o0o ---
Mục Lục Toàn Tập
Tập 1
|
1
|
2-0
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
Tập 2
|
7
|
8
|
9-1
|
9-2
| 9-3
|
9-4
|
9-5
|
9-6
|
9-7
|
9-8
|
10
Tập 3 |
11
|
12
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
18
|
19
|
20
--- o0o ---
Source:
www.phatviet.net
Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường - Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật ngày 01-06-2004