...... ... .

 

NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2001

 

TOÀN TẬP

 

TÂM NHƯ TRÍ THỦ

--- o0o ---

 

 

TẬP I

KINH

 

Phần 1

Phật Thuyết Vô Thường Kinh

Phật Nói Kinh Vô Thường

Kinh A Di Đà

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Chứng Tín: Thuộc Về Tự Phần

Chánh Thuyết thuộc Về Phần Chánh Văn

Lưu Thông

Kinh Pháp Hoa Phẩm Thường Bất Khinh

Kinh Bất Tăng Bất Giảm

Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng

 

PHẬT THUYẾT VÔ THƯỜNG KINH

Đường Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch.

Như thị ngã văn, nhứt thời Bạc già phạm tại Thất la phiệt thành, Thệ đa lâm, Cấp cô độc viên.

Nhĩ thời Phật cáo chư bậc sô hữu tam chủng pháp, ư chư thế gian thị bất khả ái, thị bất quang trạch, thị bất khả niệm, thị bất xứng ý. Hà giả vi tam? Vị lão, bệnh, tử. Nhữ chư bậc sô thử lão bệnh tử thế gian vô giả, Như Lai ứng chánh đẳng giác bất xuất ư thế vị chư chúng sanh thuyết sở chứng pháp cập điều phục sự. Thị cố ưng tri thử lão bệnh tử ư chư thế gian thị bất khả ái, thị bất quang trạch, thị bất khả niệm, thị bất xứng ý. Do thử tam sự Như Lai ứng chánh đẳng giác xuất hiện ư thế vị chư chúng sanh thuyết sở chứng pháp cập điều phục sự. Nhĩ thời Thế Tôn trùng thuyết tụng viết:

Ngoại sự trang thể hàm qui hoại

Nội thân lý biến diệc đồng nhiên.

Duy hữu thắng pháp bất diệt vong,

Tri hữu trí nhân ưng thiện sát,

Thử lão bệnh tử giai cộng hiền

Hình nghi xú ác cực khả yếm

Thiếu niên dung mạo tạm thời đình,

Bất cửu hàm tất thành khô toái.

Giả sử thọ mạng mãn bách niên,

Chung qui bất miễn vô thường bức,

Lão bệnh tử khổ thường tùy trục,

Hằng dữ chúng sanh tác vô lợi.

Nhĩ thời Thế Tôn thuyết thị kinh dĩ chư bậc sô chúng, thiên, long, dược xoa càn thát bà, a tu la đẳng giai đại hoan hỷ tín thọ phụng hành.

 

 PHẬT NÓI KINH VÔ THƯỜNG

Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch ra chữ Hán.

 

Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì? Là già, bệnh, chết. Này các Tỳ kheo, nếu trong thế gian không già, bệnh, chết thì Như Lai ứng chánh đẳng giác không xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục. Vậy nên biết rằng trong các thế gian, già bệnh chết này là không thể yêu, là không trong sạch, là không thể muốn, là không vừa ý. Vì ba việc này Như Lai ứng chánh đẳng giác xuất hiện ra đời vì các chúng sanh nói pháp đã chứng và cách điều phục. Bấy giờ Thế Tôn lặp lại bài tụng rằng:

Bề ngoài trang điểm đều hư hoại,

Trong thân biến đổi cũng vậy thôi.

Chỉ có thắng pháp thường chẳng mất,

Các người có trí hãy xét coi!

Đây già bệnh chết đều đáng chán,

Hình nghi xấu xí thật khó ưa

Tuổi trẻ dung nhan tạm thời đó,

Nào có lâu chi, đều héo khô.

Dẫu cho tuổi thọ trăm năm đủ,

Chẳng khỏi vô thường não bức thân.

Già bệnh chết, khổ thường theo đuổi.

Chẳng lợi gì cho thân chúng sanh.

Bấy giờ Thế Tôn nói kinh nầy xong, các chúng tỳ kheo, thiên, long, dược xoa, càn thát bà, a tu la đều rất hoan hỷ tín thọ, phụng hành.

 

KINH A DI ĐÀ

Phật dạy kinh A di đà:

Như thật tôi nghe

Một thời đức Phật

Ở nước Xá vệ

Vườn Cấp cô độc

Cùng tỳ kheo tăng

Một ngàn hai trăm

Năm mươi người đủ

Đều là những bậc

Đại A la hán

Tai mắt đại chúng

Trưởng lão Xá lợi

Đại Mục kiền liên

Ma ha Ca diếp

Đại Ca chiên diên

Đại Câu thi la

Và Ly bà đa

Châu lợi bàn đà

A nan, Nan đà

Và La hầu la

Kiều phạm ba đề

Tân đầu, La đọa

Ca lưu đà di

Đại Kiếp tân na

A nâu lâu đà

Và Bạt câu la

Như vậy đông đủ

Các hàng đệ tử

Bồ tát đại sĩ

Văn thù sư lợi

Vương tử Văn thù

Và A dật đa

Bồ tát Hương thượng

Bồ tát Bất hưu

Bồ tát Thường cần

Cùng như vậy thảy

Các đại bồ tát

Thích đề hoàn nhân

Vô lượng chư thiên

Đại chúng đông đủ,

Bấy giờ Phật gọi,

Ngài Xá lợi phất

Mà bảo như vầy:

Từ đây đi qua,

Đến hướng Tây phương,

Cách mười vạn ức,

Quốc độ chư Phật,

Có một thế giới

Hiệu là Cực lạc

Trong thế giới ấy

Có một đức Phật

Hiệu A Di Đà

Hiện đang thuyết pháp

Này Xá lợi phất!

Vì sao cõi ấy

Tên là Cực lạc?

Chúng sanh cõi ấy,

Không có các khổ,

Hoàn toàn an vui,

Nên gọi Cực lạc.

Lại Xá lợi phất!

Cõi nước Cực lạc,

Bảy lớp lan can

Bảy lớp lưới giăng,

Bảy lớp hàng cây,

Đều dùng bốn báu

Bao quanh bốn phía

Cho nên cõi kia

Gọi là Cực lạc.

Lại Xá lợi phất!

Quốc độ Cực lạc,

Có hồ bảy báu,

Có nước tám đức,

Vừa đầy trong đó,

Dưới đáy nước hồ,

Toàn bằng cát vàng,

Bốn phía bờ đường,

Vàng bạc lưu ly

Pha lê xa cừ,

Họp lại mà thành,

Trên có lầu gác,

Cũng dùng vàng bạc,

Lưu ly pha lê,

Xa cừ mã não,

Mà trang điểm đó.

Hoa sen trong hồ,

Lớn như bánh xe,

Sen xanh ánh xanh,

Sen vàng ánh vàng,

Sen đỏ ánh đỏ,

Sen trắng ánh trắng,

Hương thơm ngào ngạt

Thanh khiết nhiệm mầu.

Nầy Xá lợi phất!

Quốc độ Cực lạc

Thành tựu như thế,

Công đức trang nghiêm.

Lại Xá lợi phất!

Quốc độ Phật kia,

Thường tấu nhạc trời,

Vàng ròng làm đất,

Ngày đêm sáu thời

Rưới hoa mạn đà,

Chúng sinh ở đó

Tảng sáng mỗi ngày

Đều dùng đảy gấm

Đựng các thứ hoa

Cúng dường chư Phật.

Ở khắp mười phương

Mười vạn cõi Phật,

Trong chừng giây lát

Trở về xứ mình,

Ăn cơm, kinh hành.

Nầy Xá lợi phất!

Quốc độ Cực lạc

Thành tựu như thế,

Công đức trang nghiêm.

Còn như vầy nữa,

Nầy Xá lợi phất!

Cõi kia thường có

Các thứ chim lạ,

Màu sắc đẹp đẽ,

Bạch hạc, khổng tước,

Anh vũ, xá lợi,

Ca lăng tần già,

Và chim cộng mạng.

Các loài chim ấy

Ngày đêm sáu thời

Kêu tiếng hòa nhã,

Tuyên dương những pháp

Năm căn năm lực,

Bảy phần bồ đề,

Tám phần thánh đạo,

Các pháp ấy thảy.

Chúng sinh ở đó

Nghe tiếng ấy rồi,

Đều nhớ niệm Phật,

Niệm pháp, niệm tăng.

Nầy Xá lợi phất!

Chớ bảo chim ấy

Thật do tội báo,

Bởi nghiệp sanh ra.

Lý do vì sao?

Này Xá lợi phất!

Quốc độ Phật kia,

Không ba đường dữ.

Nầy Xá lợi phất!

Cõi kia ác đạo

Còn không có tên

Làm gì có thật?

Các loài chim ấy

Do Phật Di Đà

Muốn cho tiếng pháp

Vang khắp mọi nơi,

Mà biến hóa ra.

Nầy Xá lợi phất!

Quốc độ Phật kia,

Gió dịu phảng phất

Thổi vào hàng cây,

Và các lưới báu,

Xuất tiếng nhiệm mầu,

Ví như trăm ngàn

Các thứ âm nhạc

Đồng thời hòa tấu.

Nghe tiếng nhạc ấy,

Tự nhiên sanh lòng

Niệm Phật, niệm pháp,

Niệm thánh hiền tăng.

Nầy Xá lợi phất!

Quốc độ Phật ấy,

Thành tựu như thế,

Công đức trang nghiêm.

Nầy Xá lợi phất!

Ý ông nghĩ sao?

Phật kia vì sao

Gọi A Di Đà?

Nầy Xá lợi phất!

Ánh sáng Phật kia,

Vô lượng vô biên,

A tăng kỳ kiếp

Cho nên được gọi

Là A Di Đà.

Này Xá lợi phất!

Phật A Di Đà

Thành Phật đến nay

Đã qua mười kiếp.

Đại Xá lợi phất!

Phật kia hiện có

Vô lượng vô biên

Thanh văn đệ tử

Đều A la hán

Không thể tính kể

Mà biết số lượng

Các hàng bồ tát,

Cũng lại như vậy.

Này Xá lợi phất!

Quốc độ Phật kia,

Thành tựu như thế

Công đức trang nghiêm.

Này Xá lợi phất!

Quốc độ Cực lạc

Chúng sanh sinh về

Đều được bất thối,

Trong đó hạng người

Nhất sinh bổ xứ,

Số ấy thật nhiều

Không thể tính kể

Biết được số lượng,

Chỉ có thể nói

Vô lượng vô biên

A tăng kỳ kiếp.

Này Xá lợi phất!

Chúng sinh được nghe

Thì hãy phát nguyện,

Sanh về nước kia.

Lý do vì sao?

Sinh về đó rồi,

Thường cùng các bực

Thượng thiện trí thức

Ở chung một chỗ.

Này Xá lợi phất!

Không thể do bởi

Chút ít thiện căn

Phước đức nhơn duyên

Mà được sanh về

Quốc độ Phật kia.

Này Xá lợi phất!

Nếu có thiện nam,

Hay người tín nữ

Nghe nói cảnh giới

Phật A di đà,

Chấp trì danh hiệu

Hoặc chỉ một ngày

Hoặc hai ba ngày

Hay năm sáu ngày

Cho đến bảy ngày,

Nhất tâm bất loạn,

Người ấy lâm chung

Khi bỏ báo thân,

Phật A di đà

Và các thánh chúng

Hiện ra trước mắt.

Người ấy khi chết,

Lòng không điên đảo

Liền được vãng sanh

Quốc độ Cực lạc

Phật A di đà.

Này Xá lợi phất!

Ta thấy lợi ấy,

Nên nói lời này:

Nếu chúng sanh nào,

Nghe pháp thoại nầy,

Hãy nên phát nguyện

Sinh về nước kia.

Lại Xá lợi phất!

Như ta hôm nay,

Xưng dương tán thán

Lợi ích công đức

Bất khả tư nghì.

Phật A di đà,

Phương Đông cũng có

Phật A súc bệ,

Phật Tu di tướng,

Phật đại Tu di,

Phật Tu di quang,

Và Phật Diệu âm,

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba ngàn

Đại thiên thế giới,

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sinh

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn.

Này Xá lợi phất!

Thế giới phương Nam,

Có Phật Nguyệt đăng

Phật Danh vă quang,

Phật Đại diệm kiên,

Phật Tu di đăng

Phật lực Tinh tấn,

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba nghìn

Đại thiên thế giới,

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sanh

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Bất khả tư nghì

Công đức lớn lao

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn.

Này Xá lợi phất!

Thế giới phương Tây

Có Phật Vô lượng thọ,

Phật Vô lượng tướng,

Phật Vô lượng tràng,

Phật Đại quang,

Phật Đại minh,

Phật Bửu tướng,

Phật Tịnh quang,

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba ngàn

Đại thiên thế giới

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sinh,

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì,

Kinh nhứt thiết chư

Phật sở hộ niệm.

Này Xá lợi phất!

Thế giới phương Bắc

Thế giới phương Bắc

Có Phật Diệm kiên

Phật Tối thắng âm

Phật Nan trở

Phật Nhật Minh

Phật Võng minh

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba ngàn

Đại thiên thế giới

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sanh

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì,

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn

Này Xá lợi phất!

Thế giới phương dưới

Có Phật Sư tử

Phật Danh văn,

Phật Đạt ma

Phật Pháp tràng

Phật Trì pháp

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba ngàn

Đại thiên thế giới

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sanh

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì,

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn

Nầy Xá lợi phất!

Thế giới phương trên

Có Phật Phạm âm

Phật Tú vương,

Phật Hương thượng,

Phật Hương quang,

Phật Đại diệm kiên,

Phật Tạp sắc,

Bảo hoa nghiêm thân,

Ta la thọ vương,

Phật Bảo hoa đức,

Kiến nhứt thiết nghĩa,

Phật Tu di sơn,

Như vậy cho đến

Vô lượng vô số

Chư Phật thế tôn

Ở quốc độ mình

Hiện ra tướng lưỡi

Đẹp đẽ rộng dài

Trùm khắp ba ngàn

Đại thiên thế giới

Nói lời chân thật:

Tất cả chúng sanh

Nên tin những lời

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì,

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn

Nầy Xá lợi phất!

Ý người nghĩ sao?

Vì sao gọi là

Kinh được hết thảy

Chư Phật giữ gìn?

Nầy Xá lợi phất!

Nếu có thiện nam

Hay người thiện nữ,

Nghe được kinh nầy,

Chuyên tâm thọ trì

Và nghe danh hiệu

Chư Phật Thế tôn,

Thì người thiện nam

Hay thiện nữ ấy

Đều được tất cả

Chư Phật thế tôn

Luôn luôn hộ niệm,

Đều không thối chuyển

Vô thượng bồ đề.

Vì vậy cho nên,

Nầy Xá lợi phất!

Các người đều phải

Nên tin lời ta

Và lời chư Phật

Nầy Xá lợi phất!

Nếu có những người

Đã phát nguyện rồi

Hay đang phát nguện

Hoặc sẽ phát nguện,

Muốn sanh quốc độ

Phật A Di Đà;

Tất cả người ấy

Được không thối chuyển

Vô thượng bồ đề,

Và đã sinh về

Hoặc nay đang sinh

Hoặc sau sẽ sinh

Về quốc độ kia.

Vì vậy cho nên

Này Xá lợi phất!

Các người thiện nam

Hoặc kẻ thiện nữ

Nếu có lòng tin,

Hãy nên phát nguyện

Sinh quốc độ kia.

Này Xá lợi phất!

Như ta hôm nay,

Xưng dương tán thán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì

Của chư Phật ấy.

Thì các Phật kia

Lại cũng xưng tán

Công đức lớn lao

Bất khả tư nghì.

Các ngài nói rằng:

Đức Phật Thích ca

Mâu ni Thế tôn

Hay làm những việc

Hi hữu khó làm.

Ở cõi Ta bà

Trong đời dữ dội

Bởi năm thứ trược,

Kiếp trược, kiến trược

Phiền não, chúng sanh

Và thọ mạng trược,

Để chứng đạo quả

Vô thượng bồ đề,

Lại vì chúng sanh

Nói ra những việc

Khó tin khó làm.

Nầy Xá lợi phất!

Ngươi biết, ta ở

Trong đời ác trược

Làm việc khó ấy,

Chứng được đạo quả

Vô thượng bồ đề,

Lại vì tất cả

Chúng sinh thế gian

Nói pháp khó tin,

Thật là rất khó.

Phật dạy đến đây,

Ngài Xá lợi phất

Cùng các tỳ kheo

Tất cả thế gian

Mọi người, chư thiên,

Và A tu la

Nghe lời Phật dạy

Hoan hỷ tín thọ,
Lạy Phật mà lui.

 

 

 

 

KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

 

LỜI DỊCH GIẢ

Kinh Thập thiện nghiệp đạo nầy, xưa nay có nhiều nhà giải thích; Nhưng gần đây tôi được đọc quyển “Thập thiện nghiệp đạo kinh giảng yếu” của ngài Thái Hư Pháp sư, thấy tóm tắt dễ hiểu, lời lẽ giản dị mà ý nghĩa đầy đủ, lại rất hợp với căn cơ hiện tại. Hàng Phật tử tại gia hay xuất gia muốn lợi mình lợi người, muốn đem hạnh phúc cho nhân quần xã hội, tạo thành một cực lạc thiên quốc giữa thế giới thực tại không thể không lấy kinh này làm kim chỉ nam.

Vậy nên tôi xin dịch lại quốc văn để cống hiến toàn thể Phật tử. Trong đây, trừ ngoài chánh kinh, lời giảng giải có chỗ thêm bớt một vài phần cho thích hợp với xứ sở; có chỗ nào chưa thích đáng hoặc sai lầm, mong quí vị Thiện tri thức hoan hỷ chỉ giáo lại cho.

Dịch giả Kính bạch.

Dịch xong mùa Thu năm Kỷ sửu

Phật lịch 2512 - 1949

Tại Phật học đường Báo Quốc

 


KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

NGÀI THÁI HƯ PHÁP SƯ GIẢNG TẠI

HỘI PHẬT GIÁO CHÁNH TÍN Ở HÁN KHẨU (TRUNG HOA)

Lời bàn trước khi giảng kinh

Hôm nay giảng về kinh Thập thiện nghiệp đạo, trước khi giảng chánh văn, xin bàn qua mấy lời ở đầu kinh.

Chữ KINH của Phật giáo, nói cho đủ là Khế Kinh nghĩa là khế lý khế cơ. Chữ khế nghĩa là hợp. Tất cả giáo điển của Phật đều kiến lập trên nguyên tắc ấy. Khế là hợp với lý chơn thật của tất cả muôn sự muôn vật, là tánh tướng chơn thật của muôn sự muôn vật, do trí huệ tuyệt đối của Phật tự minh chứng được; rồi đem chỗ thân chứng ấy khai thị cho mọi loài sanh linh đều được chứng nhập: ấy là Phật y theo nguyên tắc khế lý mà thuyết pháp vậy. Khế cơ là hợp với cơ duyên từng chủng loại, từng căn tánh, từng thời tiết nhơn duyên. Đức Phật tìm phương tiện thích hợp với tất cả mọi loài mà thuyết pháp, chúng sanh đều được giác ngộ. Đủ hai nghĩa Khế lýKhế ấy gọi là Khế Kinh.

Nay căn cứ vào hai nghĩa ấy mà nói nghĩa đại khái của kinh nầy:

I . THIỆT NGHĨA CỦA KHẾ LÝ

Là nghĩa chân thật hợp với lý chân thật của muôn sự muôn vật, về tánh, về tướng vậy.

Thiệt nghĩa hợp với chơn lý, đây không vì thời gian mà biến đổi, không vì bờ cõi mà sai khác, không luận thời đại nào, địa phương nào, chủng loại nào, đều như thế cả. Nơi đây xin chia làm ba đoạn để nói về nghĩa chơn thật hợp lý của kinh Thập thiện nghiệp đạo này.

1) Thập thiện nghiệp là mục tiêu làm lành của thế gian và xuất thế gian. ‘Nghiệp’ là hành vi; ‘thập thiện nghiệp’ là mười hành vi lành. Về thân có ba: không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục. Về ngữ có bốn: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói ác khẩu, không nói thêu dệt. Về ý có ba: không tham lam, không sân hận, không ngu si tà kiến.

Họp cả thân, ngữ, ý thành mười nghiệp lành, trái lại tức là mười nghiệp ác.

Thiện và ác không nhứt định, cần phải xem tánh chất của nó mà định nghĩa. Nếu trong tâm thiện, thì phát hiện ra nơi hành vi lợi lạc cho chúng sanh, tức là thiện nghiệp. Tâm ác, thì hiện ra nơi hành vi làm tổn hại chúng sanh, tức là ác nghiệp. Hơn nữa, muốn biết thiện hay ác của mười nghiệp về thân, khẩu, ý, ta hãy xem sự kết quả về tương lai tốt hay xấu mà quyết định. Mười nghiệp lành này không những nơi hành vi lành của thế gian, mà trong kinh điển Phật đều nói đến; mười nghiệp lành này là cơ bản hành vi lành cả xuất thế gian nữa vậy. Ở thế gian thì do những hành vi lành này mà đi đến kết quả tốt đẹp về nhơn, về thiên. ‘Thiên’ là trời tức chỉ cho các chúng sanh ở về thế giới tốt đẹp hơn loài người; đó là sự kết quả của những người tu theo mười thiện nghiệp, vì tất cả phước báo của loài người và trời thành tựu được, đều do tu theo mười điều lành này. Thôn g thường người ta cho những hành vi đạo đức của loài người là theo năm giới trong Phật pháp của hàng tại gia thực hành. Nếu muốn sanh về cõi trời thì cần phải có hành vi đạo đức của thập thiện. Trời lại có ba cõi: cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Muốn sanh vào hai cõi sắc và vô sắc, lại cần tu theo tứ thiền bát định nữa mới được. Nhưng cũng căn cứ mười nghiệp lành này làm cơ bản; chỉ thêm một tầng nữa là cần phải có công phu tu các pháp thiền định nữa mà thôi. Cho đến các hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát phát bồ-đề tâm thoát ly ra ngoài tam giới, lợi lạc hữu tình , cũng không thể gì bỏ mười nghiệp lành này mà thành tựu được. Vì thế, giáo pháp đại thừa cũng đều thâu tóm vào trong mười điều lành này. Nhờ có ‘giới’ mới sanh thiền định, nhờ thiền định mới phát trí huệ. Cho nên ở trong Thập địa bồ tát, Ly cấu địa về thứ hai, chính là nhờ Thập thiện nghiệp mà thành tựu. Căn cứ vào thập thiện nghiệp này mà tinh tấn tu giới định, đoạn trừ cùng tột đến chỗ nhỏ nhiệm của mười nghiệp ác về thân, khẩu, ý; nhờ có định lực tăng cường, lòng không tán loạn, mới hoàn toàn thành tựu mười hạnh lành. Đi sâu vào một tầng công phu nữa, cho đến khi nhờ sức thiền định mà phát sinh trí huệ, cuối cùng đoạn trừ hết căn bản vô minh, đánh tan tà kiến, hoàn toàn thân chứng quả vô lậu chánh giác, đến đây mới là cứu cánh của thập thiện nghiệp đạo. Vì thế, sự nghiệp xuất thế của tam thừa thánh nhơn hầu hết bao quát trong Thập thiện nghiệp. Chỗ chơn thiệt công năng của Thập thiện nghiệp quyết định là như thế.

2) Thập thiện là chánh nhơn tạo thành nhơn gian và thiên quốc. Thập thiện là chánh nhơn tạo thành nhơn gian và thiên quốc mà con đường thiết thực đi đến cảnh an lạc giữa thế gian cũng là Thập thiện. Nếu muốn đạt đến mục đích an lạc trong nhơn gian, chính phải làm theo các hành vi không sát hại, không trộâm cắp... của thập thiện. Nếu ai thực hành theo mười thiện nghiệp thì không có việc gì là không thành tựu. Hiện tại sự thảm khốc tương tàn tương sát của nhơn loại, chính là do kết quả của hành vi mười nghiệp ác. Giả sử tất cả đều làm theo mười nghiệp thiện thì thế giới an lạc sẽ phát hiện ngay. Từ cá nhân cho đến đoàn thể, xã hội, rộng là thế giới, tạo thành một bể khổâ mông mênh, chẳng biết đâu là bờ bến; đó đều là kết quả của sự không tu thập thiện! Trên hoàn cầu, đại phàm có chút tư tưởng, từ các nhà tôn giáo cho đến các nhà học vấn, ai cũng nuôi hy vọng tạo thành một thế giới an vui tương thân tương ái; nếu thực hành theo mười thiện nghiệp thì những lý tưởng thiên đường cho đến cực lạc đều phát hiện rất dễ dàng vậy; thuyết Đại đồng của Trung Quốc và lý tưởng Hoàng kim thế giới của người Tây phương sẽ thực hiện không khó; cốt yếu là đổi mười hành vi ác trở thành mười hành vi thiện. Hơn nữa cũng có thể đổi cõi đời ác trược này, trở nên cõi thanh tịnh an vui. Nhân loại ngày nay chính cần phải tinh tấn một cách bao quát cùng khắp. Ngài Lô Sơn Huệ Viễn bảo rằng; Thực hành theo mười thiện nghiệp này, từ cá nhân cho đến một gia đình, một làng, rộng ra đến toàn quốc, thì phong tục được thuần mỹ, hình phạt được trừ bỏ, chính trị được an ninh, trở thành một quốc gia thái bình thịnh vượng v.v... như thế thì luật chính là mười thiện nghiệp, không luận thời gian nào, nếu muốn hưởng cảnh an vui, cần phải đi vào con đường ngay thẳng ấy. Phật dạy: “Trong bốn châu thiên hạ, Bắc-cu-lô châu là tự tại an vui hơn cả, chính là kết quả của mười thiện nghiệp vậy”. Lại nói : “Vua Chuyển luân thánh vương ra đời thời bốn bể thái bình, thiên hạ an lạc, nhơn gian đều tu theo mười thiện nghiệp ...” Thế cũng đủ chứng cho lý này vậy.

3) Thập thiện nghiệp là căn bản của Bồ-đề Niết-bàn. Hai quả chuyển y bồ-đề niết-bàn của tam thừa thánh nhân đều lấy mười thiện nghiệp làm căn bản. Vì mười thiện nghiệp là công năng ngăn đón các hành vi độc ác, triệt để đối trị tất cả hành vi bất thiện, tức là giải thoát sanh tử, chứng quả niết-bàn. Đoạn trừ hết mầm mống của mười ác nghiệp, thì công đức của mười thiện nghiệp mới phát triển đến viên mãn. Lại đem công đức ấy lợi lạc cho tất cả thế giới chúng sanh tức là viên mãn quả đại bồ-đề; đây cũng là một định luật. Lẽ dĩ nhiên, không thể bỏ mười thiện nghiệp, hoặc chưa viên mãn mười thiện nghiệp, mà có thể chứng Tam thừa thánh nhân được. Đã nói lược qua phần Khế lý, dưới đây nói phần Khế cơ.

II . ỨNG DỤNG CỦA KHẾ CƠ -

Đức Phật thuyết pháp, bao giờ cũng thích ứng với căn cơ chúng sanh. Nay giảng kinh Thập thiện nghiệp đạo này cũng chính là đem phương pháp ứng theo thời cơ mà đối trị, hầu mong cứu vãn sự khổ não thảm khốc của thế giới chúng sanh; vì rằng muốn đối trị thống khổ đau thương trở thành an vui hạnh phúc, ngoài thập thiện ra, không thể tìm phương pháp gì hơn nữa.

Đây cũng chia làm ba đoạn mà giảng.

1) Đối trị bệnh dong ruổi theo bề ngoài mà bỏ quên nơi mình, để trở lại tu nơi mình. Hiện tại thế giới đang ở trong bầu không khí ác liệt, thiên tai nhơn họa. Nhân loại đang quay cuồng trong vòng thống khổ, chưa biết đến đâu là bờ bến. Phương pháp cứu vãn không gì hơn là thiết thực tu hành theo mười thiện nghiệp. Ta không nên oán trời, trách người và cũng không nên dong ruỗi kêu cầu đâu xa lạ; trách nhiệm chính ở nơi ta. Ta cũng không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc cho người nào, hoặc oán trách chế độ xã hội bất lương, hoặc bắt tội điều kiện vật chất không đầy đủ; không biết tự trách mình; cứ mong cầu ở bên ngoài. Nếu cả thế giới mọi người đều có tư tưởng như thế thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm? Nhưng dù có người trách nhiệm đi nữa mà ta không chịu đảm nhận tự lập ở nơi ta, người nào mắc lấy bệnh này, thật không có thuốc gì chữa được. Lại còn có những hạng người không mong cầu ở nơi người, không mong cầu ở nơi vật, mà chỉ cầu với Thượng đế hay Quỉ thần cho đến tin Phật mà cũng không ngoài mục đích cầu khẩn ấy; rốt cuộc chỉ là bắt bong bóng giữa hư không mà thôi. Chơn ý nghĩa của Phật pháp là dạy cho người ta hiểu biết chơn lý nhân quả, để trở lại cầu chính ở nơi mình. Như hồi tại thế, em Phật là A-nan, tưởng ỷ lại vào Phật là được thành Phật, có nói rằng: ‘Thế nào Phật cũng ban cho phép tam muội’ (huệ ngã tam muội). Không chịu tự mình tu tập, rốt cuộc không khỏi mắc nạn với nàng Ma-đăng-già. Trong hàng đệ tử Phật, ngài A-nan là đa văn đệ nhất, mà hoàn toàn không ỷ lại được nơi Phật. Vậy nên biết, Phật pháp hướng trách nhiệm về tự thân cả.

Nếu xa bỏ mình, cầu cứu với trời đất quỉ thần, mà muốn cải tạo thế giới xã hội, thì quyết định không thể nào được. Cần phải trước hết đem mười ác nghiệp ở trong tự tâm, đổi thành hành vi thiện, vậy sau cầu Phật mới có hiệu quả. Xưa Khổng tử bị bệnh, Tử Lộ xin cầu đảo, Khổng tử bảo: ‘Khưu này đảo đã lâu rồi vậy’. Chính Nho học cũng thừa nhận sự ngoại cầu là vô dụng; phương pháp cốt yếu chỉ là tự mình phát tâm chơn chánh thực hành, rồi lần lượt khuyên mọi người làm theo mười thiện nghiệp mới mong vãn hồi được nhân tâm thế đạo.

2) Đối trị bệnh nói suông, chuyên trọng thực hành. Hiện tại người ta cao đàm hoạt luận thuyết này thuyết nọ. Nào là nhân quyền, nhân đạo, việt thánh siêu phàm v.v. ... Nhưng xét hành vi thực tế, không những không đem lại cho nhân quần một tia sáng gì gọi là siêu hiền việt thánh, trái lại càng nói lại càng làm cho nhân loại thống khổ thêm. Thậm chí con người không có giá trị là con người nữa là khác. Bịnh nói suông cao đàm hoạt luận này, đã thành một bịnh thông thường cùng khắp đây đó ở dưới vòm trời. Cũng vì thế, xã hội chẳng có gì đáng gọi là đẹp đẽ; càng hô hào, càng vang dội, sự thực hành lại càng vô lực, mà sự nguy hiểm lại càng xấp bội hơn lên. Ông Mạnh Tử bàn về việc ông Y Doản giam ông Thái Giáp, nói rằng: “Có chí như Y Doản thời được, không chí như Y Doản thời soán nghịch vậy” ở đây nên thêm vào một câu: “Có tài năng như Y Doản thời được, không có tài năng như Y Doản thời nguy vậy”.

Bởi thế chỉ có lớn lời khoe khoang không nhắm đích thực hành mà bảo rằng trị đời thì càng trị lại càng loạn thêm. Ví như trên đầu đội tảng đá ngàn cân mà múa nhảy, kết quả không nguy hiểm đến tánh mạng là ít lắm. Không những trị đời như thế mà nngười học Phật cũng vậy. Như một hạng người cuồng vọng đầu miệng khoe khoang cao đại, không kiêng kỵ gì, tự bảo mình là Phật rồi không sợ hãi gì nữa, tha hồ đàm huyền, thuyết diệu, mà cử chỉ thì không hiệp đạo một chút nào. Muốn dẹp trừ bịnh điên cuồng ấy, cần phải thực hành theo mười thiện nghiệp; trái lại, dù cho có tự xưng là đại-kỹ-thuật, đại-học-vấn cũng chẳng qua ma lực làm trợ duyên dắt dẫn làm sa rớt vào tam đồ ác đạo mà thôi, không thể nào thành được hạnh bồ-tát chân chánh Phật tử.

3) Đối trị với hạng người hy vọng cao xa mà phước đức bạc bẽo để tô bồi nên phước đức.

Hiện tại người ta lòng đã muốn so sánh với trời cao, mà phước mạng khác nào như giấy mỏng; không chịu tự tu phước đức, khi nào cũng muốn đàn áp người khác để nâng cao giá trị của mình. Nếu không biết thay đổi cõi lòng, vâng theo pháp thập thiện để trau dồi đức hạnh thì hy vọng cao xa chừng nào lại càng hạ thấp mình xuống chừng ấy. Không biết nương dựa vào đâu để cứu vớt, lòng hy vọng cao xa không phải là xấu, nhưng cốt yếu là phải tô bồi đức hạnh cho xứng mà thôi. Vô lượng công đức Phật quả, oai thần tự tại của hàng thiên long v.v. đều do phước đứ tu thập thiện mà thành tựu cả.

Nếu chỉ có hy vọng cao xa mà không tu thiện nghiệp, vun trồng cội đức, thì trọn ngày chỉ ra vào trong phiền não, quyết không thể nào kết quả tốt được mà còn đào thêm hầm thống khổ nữa là khác. Ai là kẻ muốn cứu đời giúp người, càng nên lấy phước đức làm căn bản. Xưa có một vị pháp sư giảng kinh rất giỏi, mà rất ít người nghe, sau gặp một vị thánh tăng bảo rằng: “Nhà ngươi chỉ thiếu phước đức, từ nay nên siêng tu đức hạnh, làm nhiều việc lợi ích cho người”. Pháp sư y theo lời dạy mà làm, về sau thuyết pháp quả như lời thánh tăng dạy, rất được nhiều người nghe theo. Vì thế, thiết tưởng ở đời muốn lập đại công, kiến đại nghiệp, quyết phải tô bồi phước đức tu tập theo pháp thập thiện, để làm kim chỉ nam, lợi mình và lợi người, mới hoàn toàn thỏa mãn ý muốn.

A. GIẢI THÍCH ĐỀ MỤC

Phật thuyết kinh Thập thiện nghiệp đạo. Đời nhà Đường ngài Thiệt-xoa Nan-đà nước Vu Điền dịch Phạn văn ra văn Trung Hoa.

Đại khái giáo điển đạo Phật chia làm ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Đây thuộc về Kinh tạng.

Như trên đã nói, KINHKHẾ KINH, nghĩa là những lời giáo huấn đúng chân lý, hợp lẽ phải, thuận căn cơ, một khuôn khổ bất di bất dịch. Kinh này do Phật dạy nên gọi là PHẬT THUYẾT. Phật đây chính là ứng thân Phật Thích Ca Mâu Ni giáng sanh cõi Trung Ấn Độ, đầy đủ vô lượng phước đức trí huệ, cứu cánh viên mãn đồng như hư không, khắp cả pháp giới, ai cũng tôn kính. Thích-ca là họ của ngài, Tàu dịch là Năng nhơn, Mâu-ni là tên của ngài, Tàu dịch là Tịch mặc. Y theo bản nguyện, thuận theo căn cơ chúng sanh mà khai thị tiếp dẫn mới nói kinh nầy lấy tên là THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH, mười điều thiện sẽ giảng rõ ở sau kinh văn. Chữ NGHIỆP tức là hành vi, là những hành vi về đạo đức học, về luân lý học; theo Phật pháp có thể gọi là thiện hạnh học. Muốn định nghĩa chữ THIỆN NGHIỆP cần phải căn cứ vào những hành vi đối với không gian, có lợi ích cả mình lẫn người, và đối với thời gian hiện tại vị lai đều có lợi ích. Nếu trái lại biết lợi mình, không biết nghĩ đến kẻ khác, hoặc là tham lợi chỉ trước mắt, không nghĩ đến thiệt hại về sau, đều thuộc về ác nghiệp cả. Lấy mục đích lợi tha thiện nghiệp làm lợi ích chung của đại chúng, kết quả cả mình và người đều lợi; lấy mục đích hại tha ác nghiệp làm tổn hại cho đại chúng, kết quả người và mình đều hại. Nội dung của thiện ác, đại khái như thế. ĐẠO tức là con đường đi, THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO tức là con đường quang minh chính đại đi đến cảnh giới an vui, không tối tăm hiểm trở như con đường thập ác. Đi trên con đường thập thiện nghiệp, chắc chắn sẽ đến quả an vui của cõi trời, cõi người, hơn nữa có thể đạt đến Tam thừa Thánh quả. Cho nên gọi là “thập thiện nghiệp đạo”.

Người dịch : (Ghi chú của Hòa Thượng)

Kinh nầy Phật thuyết dưới Long cung chép bằng Phạn văn. Đời nhà Đường, ngài Thiệt-xoa Nan-đà nước Vu Điền dịch qua văn Trung Hoa. Nước Vu Điền tức là tỉnh Tân Cương bây giờ, về đời Đường chưa thuộc bản đồ Trung Quốc. Ngài thông cả tam tạng, đã từng dịch kinh ‘Bát thập Hoa nghiêm’ đồng thời có ngài Nghĩa Tịnh Tam tạng cũng dịch kinh này đặt tên là ‘Phật thuyết Hải long cung Đại tạng kinh’. Do đó ta có thể tin chắc chắn kinh này, đối với lịch sử đúng sự thật do Phạn văn dịch lại.

B. GIẢI THÍCH KINH VĂN

CHỨNG TÍN : THUỘC VỀ TỰ PHẦN

Tôi nghe như vầy, một thời Phật ở tại Long cung Ta-kiệt-la, cùng tám ngàn chúng Đại tỳ kheo, ba vạn hai ngàn các vị Bồ-tát Ma-ha-tát đông đủ.

Đoạn văn này là lời tín sử bằng chứng cho kinh này là ai nói, nói tại chỗ nào, về thời kỳ nào, và vì ai mà nói; do ngài A-nan sau khi kiết tập kinh điển đã ghi chép lại.

TÔI NGHE tức là ngài A-nan tự xưng, nghĩa là tự Ngài thân hành trực tiếp trước Phật mà nghe, chứ không phải nghe người khác nói lại. NHƯ VẦY chính là chỉ cho kinh nầy. MỘT THỜI tức là thời gian thích hợp Phật cần phải dạy kinh nầy, người nói và người nghe đều được hiệp ý. Ở đây không ghi lại năm, tháng, ngày giờ, là vì tứ phương quốc độ niên lịch bất đồng, nên giảm mà không nói. LONG CUNG chính chỗ Phật nói kinh nầy. PHẬT là chỉ cho đức Thích-ca Mâu-ni. Ngài là giáo chủ đời hiện tại, chính ngài nói kinh nầy. TA-KIỆT-LA Tàu dịch là Hàm hải, ở dưới bể nước mặn, có cung điện Long vương, chúa của loài rồng ở đó. Trong kinh Phật thường nói đến loài long, khác với loài long thông thường người ta nói, có thể làm mây làm mưa được. Ở trong kinh Phật, loài long có nhiều loài: loài ở trên không, loài ở trên cạn, loài ở dưới biển v.v... Long cung ở đây tức là loài long ở dưới biển vậy. Thông thường người ta cho rằng: long là một loài động vật có đủ thần thông biến hóa; các nhà sinh vật học khảo cứu các loài động vật ở trên lục địa về cổ thời, cũng thừa nhận là có loài long; cũng có thời đại người ta cho loài long là chủ-nhân-ông của nhân loại. Hiện nay ở châu Phi, thỉnh thoảng người ta còn trông thấy một vài di tích của loài long ở trên cạn, cho nên ta tin chắc thế nào cũng có loài long. Nhưng chỉ vì loài long phần nhiều hoặc ở giữa hư không, hoặc ở dưới đáy biển, toàn là những chỗ mà năng lực người ta chưa đi đến, cho nên không thể nào trực tiếp biết được. Đức Phật ngày xưa và chúng Thanh văn đại đệ tử, có năng lực tùy loại thuyết pháp, cho nên chỗ thuyết pháp của Phật, thường thường hoặc là Thiên cung, hoặc Long cung, hoặc Nhân gian, hoặc trong Thiền định v.v... Nếu gặp trường hợp tương ưng, đức Phật đều có thể thuyết pháp được cả. Chính như kinh này, Phật thuyết tại long cung của Ta-kiệt-la, đồng thời có tám ngàn đại chúng tỷ kheo và ba vạn hai ngàn các vị đại bồ-tát ở khắp cả mười phương đều đến dự thính. Có chúng thính pháp đông đúc như vậy, đó là chứng cứ cần phải tin.

 

CHÁNH THUYẾT THUỘC VỀ PHẦN CHÁNH VĂN

 
Chia làm năm chương

CHƯƠNG I : NGHIỆP QUẢ THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ GIAN

Chia làm năm đoạn

1) Từ nơi nhơn mà nói đến quả.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Long vương rằng: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các thú.”

BẤY GIỜ là chỉ cho thời gian thuyết pháp. THẾ TÔN là chỉ đức Phật, ở đời ai cũng tôn trọng nên gọi là Thế tôn. LONG VƯƠNG tức chỉ cho vị chúa tể ở Long cung, Phật kêu Long vương mà bảo. TÂM là tâm vương, TƯỞNG là 51 món tâm sở; Tâm vương, Tâm sở của chúng sanh ở trong tam giới cửu địa, năm thú, bốn loài sanh v.v... không đồng nhau, nên hành vi cũng không đồng, và chịu quả báo cũng không đồng. Cũng như vì nhân tâm không đồng nên bộ mặt chẳng ai giống ai; đây là hợp cả tâm vương và tâm sở, tóm tắt gọi là tâm; nếu phân biệt mà nói thì phải nói tâm và tưởng v.v. mới đủ. Ta nên biết: thân hành động, miệng nói phô, ý suy nghĩ, toàn là do tâm chủ động. Nên người ta nói: có ở trong tức là hiện ra ở ngoài. Nếu hành động mà không có dụng công của tâm thời không thành thiện ác; các nhà luân lý học cũng thừa nhận như thế. Nhân vì tâm tưởng không đồng nên hành vi tạo tác không đồng, thành thử có nghiệp quả xoay vần trong năm thú.

Sao gọi là XOAY VẦN? Nghĩa là loài người tạo nghiệp lành thì sanh lên cõi trời; tạo nghiệp dữ thì đọa xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v. Nghiệp địa ngục súc sanh hết, nhờ tu thiện, trở lại sanh làm người, làm người nếu không tu thiện, trở lại đọa lạc; cứ thế xoay chuyển mãi, nên gọi là Xoay Vần. Theo từ ngữ của Phật tức là luân hồi. Đoạn này là từ nơi ‘nhơn’ mà nói rõ ‘quả báo’ vậy.

2) Từ nơi ‘quả’ mà nói rõ ‘nhơn’.

Này Long vương! Nhà ngươi có thấy trong hội này và các loài ở trong đại hải hình sắc chủng loại mỗi mỗi không đồng nhau không? Tất cả đều do tâm tạo thiện hay ác của thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp mà gây nên cả.

Trước hết Phật kêu Long vương khiến chăm chú nghe. Các loài tôm cá ở trong biển hình sắc chủng loại không đồng, quả báo cũng không đồng, toàn do tâm tưởng và hành vi không đồng gây nên. Chỗ xuất hiện của hành vi là thân, khẩu và ý đều có thiện hay ác, nên thành sai biệt. Đoạn này là dẫn ‘quả’ để nói về ‘nhân’.

3) Nói rõ về tướng của nhân

a- QUÁN TÂM LÀ VÔ SANH

Tâm ấy không có hình sắc, không thể thấy được, chỉ là do các pháp nhóm họp hư huyễn không thật, rốt ráo không có chủ tể, không có ngã và ngã sở.

TÂM chỉ có danh từ mà không có hình sắc, mắt không thể nhìn được, tay không thể nắm được, chỉ vì vô thỉ đến nay gom góp các pháp hư huyển mà sanh khởi sự phân biệt, huân thành chủng tử, rồi khởi ra hiện hạnh. Ba cõi này đều là do phân biệt giả dối mà hiện khởi ra cả, rốt ráo không có chủ tể, không thể chỉ cái gì là ‘ngã’ [ta] và ‘ngã sở’ [vật của ta]. Nếu ai chấp tâm ấy có chủ tể tức thuộc về tà kiến đoạn thường của ngoại đạo.

b- QUÁN PHÁP NHƯ HUYỄN.

Tuy đều theo nghiệp, hiện ra không đồng; mà thật trong ấy không có người tác giả, nên tất cả các pháp, tự tánh như huyễn, đều là bất khả tư nghì.

Các pháp giả dối tức là chỉ cho các pháp tạo thành thân căn và khí giới như năm uẩn, bốn đại v.v. Các pháp ấy nhứt định không ai tạo thành, chỉ do nghiệp lực hiển hiện mà thôi; nghiệp lại do tâm tạo, tâm lại do các pháp mà sanh khởi, lần lữa nương nhau như huyễn, như hóa, sanh diệt vô thường, không có gì là chắc chắn trường tồn; vì không thể dùng tư tưởng nghị luận mà suy cứu, nên gọi là bất tư nghì. Ngày xưa có ngoại đạo chấp rằng: vạn vật do vị Đại tự tại thiên tạo thành, ngày nay thì Gia giáo cũng cho rằng: tất cả đều do Thượng đế tạo thành và làm chúa tể. Đối với Phật giáo, nói như thế là vọng chấp sai lầm. Đạo Phật nói rằng: Tất cả quả báo khổ hay vui đều do sự sai khác của mười nghiệp thiện hay không thiện mà thôi, nhưng phải biết tự tánh của nghiệp quả là như huyễn, vì do nhân duyên cấu hợp sanh diệt vô thường. Tức như kinh Bát-nhã nói về Chơn Không, Pháp tướng duy thức nói về Giả Hữu, thật là bao trùm không sót vậy.

c- KHUYÊN NÊN TU HỌC.

Kẻ trí giả biết thế rồi, nên tu thiện nghiệp; nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới v.v. đều được đoan chánh, trông thấy không nhàm chán.

Nghiệp tánh không phải nhầt định, thế giới cũng không phải là vật chết hẵn một bề; các pháp đều là như huyễn, không chủ tể, cho nên cần phải chuyên tu thiện nghiệp, dứt trừ ác nghiệp để tạo nên thế giới và thân thể trang nghiêm đoan chánh, khiến cho tất cả chúng sanh trông thấy, thì sanh lòng hoan hỷ hâm mộ.

UẨN tức là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. XỨ tức là thập nhị xứ: sáu căn và sáu trần. GIỚI tức là thập bát giới: sáu căn sáu trần và sáu thức vậy. Ba món trên là nguyên liệu tạo thành thân căn và thế giới

4) Đem tướng của nghiệp quả làm chứng.

a- DÙNG PHẬT QUẢ LÀM CHỨNG

Nầy Long vương! Ngươi xem thân của Phật do trăm ngàn ức phước đức mà sanh ra, các tướng trang nghiêm, quang minh chói rạng, phủ tất cả đại chúng. Dù vô lượng ức các vị Tự tại Phạm vương đều không thể hiển hiện được. Những ai chiêm ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng chóa mắt.

Thân Phật là do trăm ngàn muôn ức phước đức trí huệ sanh ra; cho nên có 32 tướng tốt, trăm phước trang nghiêm, hào quang chói rạng; dù cho hàng chư thiên, long vương, tuy đều có quang minh, một khi trông thấy hào quang của Phật, không thể gì mà hiện ra được. Ở trong các cảnh trời quang minh, lớn nhứt là cảnh Đại tự tại thiên và Phạm vương, nhưng đều không sánh kịp với quang minh của đức Phật.

b- DÙNG BỒ TÁT LÀM CHỨNG

Ngươi lại xem đây, các vị Bồ tát diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phước đức thiện nghiệp mà sinh ra.

Sắc tướng tốt đẹp, hào quang sáng ngời của các hàng Bồ tát cũng đều do tu tập thiện-nghiệp-phước-đức mà có cả.

c- ĐEM HÀNG THIÊN LONG LÀM CHỨNG

Lại nữa, các hàng thiên long bát bộ, thấy có oai thế lớn lao, cũng nhơn phước đức của thiện nghiệp mà sanh.

Thiên long bát bộ thuộc về loài A-tu-la. Loài ấy sở dĩ có oai thế cũng đều do nhơn tu tập một ít phước đức thiện nghiệp. Cho nên muốn được hưởng cảnh giới an vui tốt đẹp, trọng yếu nhứt là vun trồng phước đức thiện nghiệp.

Ba đoạn trên đây căn cứ vào quả báo thiện nghiệp mà nói. Dưới đây sẽ nói đến quả báo các nghiệp dữ để chứng minh.

d- ĐEM CÁC LOÀI Ở BIỂN LÀM CHỨNG

Này đây, các chúng sanh ở trong đại hải, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do hết thảy tưởng niệm của tự tâm gây ra bởi thân, ý các nghiệp bất thiện, vậy nên tùy theo chỗ gây nghiệp mà tự thọ báo.

Đem các loài cá, trạnh, tôm, hến ở bể, lớn hoặc nhỏ, hình sắc thô xấu tanh hôi, đều bởi tưởng niệm không đồng của tự tâm, phát ra nơi thân, khẩu, ý những nghiệp không lành, cho nên phải chịu báo thân xấu xa như vậy.

đ- KẾT KHUYÊN TU HỌC

Người nay thường nên tu học như vậy, cũng khiến chúng sanh rõ thấu nhơn quả, tu tập thiện nghiệp. Ngươi nên ở đây, chánh kiến bất động, chớ đọa vào trong tà kiến đoạn thường, đối với các phước điền, hoan hỷ kính nhường. Vậy nên các ngươi cũng được nhơn thiên tôn kính cúng dường.

Cốt yếu là dùng chánh kiến - rõ thấu luật nhơn quả mà tu tập thiện nghiệp, không bị tà kiến rối loạn; tà kiến tức là chấp đoạn, chấp thường. Chấp đoạn tức là chấp rằng ở đời, chẳng qua may rủi chớ không có gì cả, chết là hết, không chịu tin nhơn quả cho nên buông lung làm ác, chẳng sợ quả báo về sau. Chấp thường tức là chấp ở đời tất cả sự vật đều là thường còn nhất định, như nói rằng: người thì đời đời kiếp kiếp cũng là người, trâu ngựa thì đời đời kiếp kiếp vẫn là trâu ngựa; gây nghiệp lành dữ chẳng quan hệ gì với sự khổ vui của thân này. Vì tà kiến ấy mà không tin nhân quả. Cho nên cuộc đời cứ xáo trộn hoài, chẳng bao giờ được như ý muốn. Nay muốn không lạc vào tà kiến, cần phải quan sát thân này là vô thường, tâm không chủ tể, tất cả các pháp là như huyễn, tùy tâm tạo nghiệp gì, tùy nghiệp ấy mà chịu quả báo. Có thế mới là hiểu rõ chân tướng nhân quả, không gì lay động được.

PHƯỚC ĐIỀN nghĩa là những đám ruộng để vun trồng phước đức (lời thí dụ). Có ba thứ: KỈNH ĐIỀN,đối với Phật, Bồ tát, cung kính cúng dường thì sẽ được phước. ÂN ĐIỀN,cha mẹ thầy bạn rất có ân với mình, hiếu thuận cúng dường thời được phước lớn. BI ĐIỀN đối với chúng sanh khổ não thương xót cứu giúp thì sẽ được phước đức. Trong ba thứ phước điền này, nếu hoan hỷ cúng dường, thế nào cũng được hưởng quả an vui, nhơn thiên tôn kính cúng dường vậy.

CHƯƠNG II: THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

1) Công dụng của thiện pháp

Long vương nên biết, Bồ tát có một pháp dứt tất cả các khổ của đường dữ. Pháp ấy là gì? Nghĩa là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành mỗi niệm mỗi tăng trưởng; không cho một hào li bất thiện xen lẫn vào; tức là hay khiến cho các pháp hằng dứt, thiện pháp viên mãn; thường được thân cận các đức Phật, Bồ tát và các Thánh chúng.

Thường thường nhớ nghĩ quán sát thiện pháp thì tâm được thiện. Tâm thiện thì ác nghiệp không sanh. Không gây ác nghiệp tức không chịu quả báo. Như thế, chuyên tâm quán sát, chớ để cho một hào ly ác nghiệp xen lẫn vào, lần lần thiện pháp viên mãn. Thiện pháp viên mãn thời được thân cận các hàng đại Bồ tát, bầu bạn với Thánh hiền, sẽ cùng nhau ở cảnh giới trang nghiêm cực lạc. Toàn nhờ công dụng của thiện pháp cả.

2) Giải thích tên của thiện pháp.

Thiện pháp là gì? Nghĩa là thân của nhơn thiên, đạo bồ-đề của Thanh văn, đạo bồ-đề của Độc giác và Vô thượng bồ-đề đều y pháp ấy làm căn bản và thành tựu. Cho nên gọi là thiện pháp.

Vì sao gọi là thiện pháp? Là vì thân của nhơn đạo, thân của chư thiên, năm phần pháp thân của Thanh văn tiểu thừa ( giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến), pháp thân bồ-đề của hàng trung thừa độc giác và pháp thân vô thượng bồ-đề của đại thừa. Tất cả quả báo tốt đẹp an vui của thế gian hay xuất thế gian được hiển hiện đều do mười pháp này làm căn bản, cho nên gọi là thiện pháp.

3) Tướng của mười điều thiện.

Thiện pháp đây tức là mười nghiệp đạo thiện. Những gì là mười? Xa lìa: sát sanh, trôm cắp, tà hạnh, vọng ngữ, hai lưỡi, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế và tà kiến.

Căn bản thiện pháp của thế gian và xuất thế gian tức là mười nghiệp đạo thiện. Mười nghiệp đạo thiện này chính ở nơi thân mình, không phải cầu đâu xa. Do con đường lớn quang minh chính đại của mười nghiệp thiện này mà đi đến cảnh giới an vui tốt đẹp của thế gian và xuất thế gian. Từ sự giết hại sinh linh cho đến tà kiến là mười ác nghiệp; sở dĩ nói thiện, là căn cứ ở chỗ xa lìa. Xa lìa được ác nghiệp không phải dễ dàng. Nếu thời gian này xa lìa được sự giết hại mà về sau lại giết hại, hoặc đời này cố gắng giữ được giới sát sanh mà đời sau không giữ được thì cũng chưa gọi là hoàn toàn xa lìa. Phải làm thế nào cho lòng của mình luôn luôn tự đời này qua đời khác, cho đến tận vị lai kiếp không còn móng ác nghiệp giết hại sanh linh nữa, mới được bảo là hằng ‘xa lìa’.

THẾ NÀO GỌI LÀ SÁT SANH? Nghĩa là dứt ngang mạng sống của kẻ khác, hoặc loài khác. Tự thân mình cầm khí giới, hoặc miệng mình sai bảo hay thấy sự giết hại mà ý mình sanh hoan hỷ, đều là nghiệp sát sanh cả. Mười ác nghiệp này, căn cứ vào nội tâm, ngoại cảnh và thời gian mà phân biệt nặng nhẹ khác nhau. Nay đem một nghiệp sát sanh làm thí dụ. Ở nội tâm chia làm ba thứ: Một là vì tâm sân hận, biết trái luật mà vẫn cố ý giết hại là tội nặng nhất. Hai là tuy có hận kích động, nhưng nội tâm không rõ ràng hoặc trong tâm tuy rõ ràng mà không sân hận là bực trung. Ba là không sân hận, không hiểu biết, giết lầm là nhẹ. Đối với ngoại cảnh cũng có ba bậc tội nặng nhẹ không đồng. Như phá hủy thân Phật, giết hại các bậc thánh nhân, a-la-hán, giết hại cha mẹ và các người ân nhân là tội nặng nhất. Giết các người ngang hàng là bậc trung. Giết hại các loài chúng sanh khác là tội nhẹ. Lại đối với trong thời gian móng tâm giết hại cũng có tội nặng nhẹ ba bực không đồng. Như trước khi chưa giết hại mà có ý ưa vui giết hại, đến khi đương giết và sau khi giết rồi, vui vẻ không có lòng hối hận là nặng nhất. Nếu trước khi chưa giết không móng ý gì, hoặc giết rồi sanh lònghối hận là bậc trung. Còn không có lòng sân hận mà giết lầm và sau khi giết rồi, sanh lòng hối hận là tội nhẹ.

Muốn tránh xa nghiệp sát sanh cần phải y theo ba món giới, định, huệ thứ lớp tu tập. Trước nương theo giới mà ly nghiệp sát sanh thô trọng, ở nơi thân không hành động giết hại. Thứ hai, tu tập thiền định, làm cho tâm không móng lên giết hại; nhưng cũng còn chua dứt hẳn, Lại còn cần tu tập theo định huệ, dứt sạch chủng tử thói quen từ vô thỉ đến nay. Bao giờ chứng đến quả Phật mới hoàn toàn dứt hẳn, mà thân tâm được thanh tịnh. Xưa đức Phật còn tại thế, cùng ngài Xá-lợi-phất đứng xem một đàn chim. Bầy chim thấy Phật thì không sợ hãi mà thấy ngài Xá-lợi-phất thì cuống cuồng. Ngài Xá-lợi-phất hỏi Phật vì lẽ gì? Phật dạy: “Ngươi dù đã chứng đến a-la-hán, tuy không còn tâm sát hại nhưng vì thói quen chủng tử sát hại từ vô thỉ chưa dứt hẳn, cho nên loài chim lại gần sanh lòng sợ hãi.”

Thứ hai là trộm cắp:

Lấy sức mạnh cướp bóc của người, hoặc trộm lén lấy của người, hoặc bày phương kế xảo trá lừa gạt mà lấy của người, cho đến vô công ngồi hưởng, đều thuộc về trọâm cắp cả. Nghiệp trộm cắp, tội nặng nhẹ cũng như nghiệp sát sanh trên kia. Tám nhiệp dưới đây cũng thế, căn cứ vào lý mà phân phán nặng nhẹ.

Thứ ba là tà hạnh :

Tà hạnh tức là chỉ cho sự dâm dục; thế gian lấy sự vợ chồng chính thức phối hiệp gọi là chánh hạnh, ngoài ra gọi là tà. Đó là nói về thô cạn. Nói sâu hơn thì tất cả chúng sanh ở trong dục giới đều vì dâm dục mà có tánh mạng, cho nên đối với cảnh ngũ dục mà sanh lòng say đắm đều thuộc tà hạnh cả; tu hành thoát ly dục giới mới hàng phục được dâm dục. Bao giờ chứng quả a-la-hán mới là cứu cánh ly dục.

Ba nghiệp trên này thuộc về thân.

Thứ tư là vọng ngữ :

Tức là nói lời dối trá, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, biết nói không biết, không biết nói biết, xấu nói tốt, tốt nói xấu, cho đến có nói không, phải nói quấy v.v... dối trá không thật. Ở trong Phật pháp rất kỵ là đại vọng ngữ nghĩa là tu hành chưa được mà tự xưng đã được, chưa chứng mà tự gọi đã chứng. Nếu vi phạm đại vọng ngữ này, quyết định sa về đường ma, đọa lạc tam đồ ác đạo, rất là nguy hiểm.

Bồ tát tu hạnh lợi tha gặp trường hợp đặc biệt có thể phương tiện nói dối như trong kinh Bồ tát giới đã dạy rõ. Xa tánh vọng ngữ tức là phải tu chơn thật ngữ vậy.

Thứ năm là hai lưỡi :

Tức là nói lời chia rẽ phản gián, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, xui dục bà con bất hòa, thân tình thù oán; xưa nay các nhà đi thuyết khách phần nhiều thuộc về loại này cả. Sự tai hại không phải là nhỏ. Xa tánh hai lưỡi tức là tu ‘nói lời hòa hiệp’.

Thứ sáu là ác khẩu :

Tức là nói lời thô ác, mắng chưởi nộp rủa v.v...do chửi mắng mà đi đến đánh đập giết hại; nhỏ từ cá nhân, rộng đến gia đình xã hội, cho đến quốc tế chiến tranh. Sự tai hại cũng không phải nhỏ. Xa lìa lời nói thô ác tức là được sự ‘nhu hòa’.

Thứ bảy là ỷ ngữ :

Tức là nói lời vô nghĩa lý, nghĩa là trau chuốt thêu dệt lời nói cho đẹp đẽ, khiến tăng hành vi tội lỗi, nói không chơn thật, không đúng lẽ phải, mà nghe rất êm tai; khiến cho người nghe không còn giữ được tâm trí, mất hẳn nhơn luân, rất dễ dẫn dắt người đi đến hầm tội lỗi. Xa tánh ỷ ngữ tức là nói lời đúng nghĩa lý.

Bốn nghiệp trên đây thuộc về lời nói ‘ngữ nghiệp’. Thông thường bảo là khẩu nghiệp, nhưng khẩu nghiệp không hết nghĩa vì rằng miệng chỉ là một khí cụ của lời nói mà thôi, cho nên phải nói ngữ nghiệp mới hết ý.

Thứ tám là tham dục :

‘Dục’ tức là những cảnh dục lạc trong thế gian, đối cảnh sanh lòng tham cho nên gọi là tham dục. Tham dục là nhơn cốt yếu của đường sống chết, cho nên cần phải đoạn tuyệt; nhưng lòng tham dục không phải hoàn toàn xấu xa tội lỗi, nếu đối với thiện pháp mà sanh lòng tham muốn làm theo cho đến kỳ cùng thì lại là phước đức đáng quý.

Thứ chín là sân hận :

Đối với cảnh vừa lòng thì sanh tham muốn, với cảnh trái ý thì sanh sân hận; lỗi của lòng sân không phải nhỏ. Kinh dạy: Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai, nghĩa là tâm sân khởi lên thì trăm vạn cửa nghiệp chướng đều mở. Tuy vậy, nghiệp sân này chỉ ở cõi dục giới. Nếu tu tập Thiền định và bốn Vô lượng tâm từ bi hỷ xả thì sẽ tiêu tan. Nên cõi sắc và vô sắc giới không còn sân hận.

Thứ mười là tà kiến :

Thông thường gọi là ngu si. Nhưng chữ ngu si nó không hết nghĩa. Vì rằng ngu si là không hiểu lý lẽ. Còn đây là hiểu biết không hợp chân lý, không đúng với lẽ phải của Trung đạo, thiên kiến một bên, mà cố chấp cho là phải, cho nên nói là tà kiến mới hết nghĩa. Như chấp đoạn diệt hay chấp thường còn, thành điên đảo tà kiến không hợp với chơn lý trung đạo, nhưng vẫn ở trong phạm vi của ngu si. Nay muốn xa lìa sự nhận thức sai lầm của phạm vi ngu si tà kiến, cần phải tu thiền định, nhờ đó mà phát sanh trí huệ, tăng trưởng chánh kiến đi đến quả thiện pháp viên mãn.

Ba nghiệp trên đây thuộc về ý nghiệp.

CHƯƠNG III : CÔNG ĐỨC CỦA THẬP THIỆN

1) Công đức xa lìa sự sát sanh

Long vương! Nếu xa lìa sát sanh thời được thành tựu mười pháp không còn bức não. Những gì là mười? 1 Đối với các chúng sanh cùng khắp bố thí đức vô úy, 2 Thường khởi lòng đại từ đối với chúng sanh, 3 Dứt sạch tất cả tập khí (thói quen) giận hờn, 4 Thân thường không bịnh, 5 Sống mạnh lâu dài, 6 Thường được phi nhơn [quỷ thần] ủng hộ, 7 Thường không ác mộng, thức ngủ an vui, 8 Diệt trừ oan kết, oán thù tự giải, 9 Không sợ sa đường dữ, 10 Khi chết sanh lên cõi trời. Ấy là mười công đức. Nếu hồi hướng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, sau khi thành Phật, được quả Phật thì tùy tâm tự tại sống lâu.

Muốn cứu cánh được mười nghiệp thiện, cần phải lìa hẳn mười nghiệp ác. Lìa được một nghiệp ác tức là trừ bỏ được bao nhiêu phiền não, lại được thành tựu bao nhiêu công đức. Như xa lìa nghiệp sát sanh tức là trừ bỏ các pháp hung ác, được đến cảnh giới an vui cõi người và cõi trời, thường sanh khởi lòng đại từ, dứt trừ được lòng sân hận, làm cho tất cả chúng sanh trông thấy không sanh lòng sợ hãi: chính là thành tựu được đức bố thí đại vô úy. Như thế, sanh tiền đây sẽ được vô bịnh, trường thọ, đêm ngày an vui, lại được hàng phi nhơn thiên long, quỷ thần thường ủng hộ; khi chết không sợ hãi đọa lạc vào địa ngục ngạ quỷ súc sanh các đường dữ; xa lìa được nghiệp sát sanh tức là tu hạnh vô úy, lại được sanh về các cõi trời. Nếu đem công đức ấy hồi hướng về quả Phật, tương lai thành Phật, tức là được quả Phật sống lâu, tùy tâm tự tại. Nói đến chơn thân của Phật thì bình đẳng như hư không, cùng khắp cả pháp giới, thọ mạng vô cùng vô tận; đây là nói ứng thân ở đời hoặc dài hoặc ngắn bất định, theo cơ cảm của chúng sanh mà ở đời hay nhập diệt, đều tùy tâm tự tại, chứ không bị hoàn cảnh nghiệp lực bắt buộc, như đức Phật A-di-đà, Tàu dịch là Vô lượng thọ đều do dứt sạch nghiệp sát sanh mà cảm được vậy.

2) Công đức xa lìa trộm cắp.

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa trộm cắp thời được mười pháp bảo tín. Mười pháp ấy là gì? 1. Giàu có của cải, vua, giặc, nưức, lửa và conhư không phá diệt; 2. Nhiều người thương mến; 3. Người không dối gạt; 4. Mười phương khen ngợi; 5. Không lo tổn hại; 6. Tiếng tốt đồn khắp; 7. Ở giữa đại chúng không sợ hãi; 8. Của cải tánh mạng hình sắc sức lực an vui, biện tài đầy đủ không thiếu; 9. Thường sẵn lòng bố thí; 10. Mạng chung sanh lên trời. Nếu hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác sau thành Phật, được chứng trí thanh tịnh đại bồ-đề.

Của cải ở đời có năm việc làm tiêu tan nghèo khổ: vua dữ, giặc cướp, thủy tai, lửa cháy và con phá của (gọi là con bại gia). Nếu xa lánh nghiệp trộm cắp tức là thường được quả báo tốt: của cải giàu có, không bị năm việc trên phá hại, lại được tiếng tốt đồn khắp, biện tài (tài hùng biện) vô ngại, được mọi người thương mến khen ngợi, không bị ai dối lừa, khi chết được sanh lên cõi trời. Nếu phát tâm đem công đức ấy hướng về quả Phật, sau thành Phật thì được chứng trí huệ thanh tịnh đại bồ-đề.

3) Công đức xa lìa tà hạnh (tà dâm).

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa tà hạnh thời được bốn pháp kẻ trí ngợi khen. Những gì là bốn? 1 Pháp căn điều thuận; 2 Xa lìa rộn ràng; 3 Được đời khen ngợi; 4 Vợ không ai xâm phạm. Ấy là bốn công đức về chánh hạnh. Nếu hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, sau thành Phật, được Phật trượng phu ẩn mật tàng tướng.

Pháp căn chỉ cho sáu căn: mắt tai mũi lưỡi thân ý. Điều thuận là yên lặng hòa thuận. Rộn ràng là không yên tĩnh. Nếu tu hành xa tránh được tà hạnh (tà dâm) là được thân tâm thanh tịnh, vợ chồng trinh bạch, không bị người ngoài xâm phạm. Nếu hồi hướng về quả Phật, tương lai thành Phật được tướng Phật ẩn mật đại trượng phu (một trong 32 tướng tốt của Phật tức là tướng mã âm tàng).

4) Công đức xa lìa nghiệp vọng ngữ

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa vọng ngữ thời được tám pháp trời khen ngợi. Những gì là tám? – 1. Miệng thường thanh tịnh thơm mùi hoa ưu bát; 2. Được người đời tín phục; 3. Mở lời thành chứng, nhơn thiên kính mến; 4. Thường đem lời êm dịu an ủi chúng sanh; 5. Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh; 6. Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ; 7. Mở lời tôn trọng, nhân thiên phụng hành; 8. Trí huệ thù thắng không ai chế phục. Ấy là tám công đức về hạnh không vọng ngữ. Nếu hồi hướng về đạo Vô thượng bồ-đề, sau thành Phật được chơn thật ngữ của Như Lai.

Hoa ưu bát tức là hoa sen xanh hương vị thanh tao. Nếu xa lìa được lời dối trá không thật, thời được quả báo trong miệng thường thơm mùi hoa sen xanh, lời nói chắc thật không sai lầm. Ai nghe cũng khởi lòng tin; lại hay đem lời dịu ngọt an ủi, chúng sanh đều tôn trọng làm theo, được cõi người, cõi trời kính mến, trí huệ thường sáng suốt, không ai biện luận hơn. Nếu đem công đức ấy hồi hướng Phật quả, sau thành Phật sẽ được quả Như Lai chơn thiệt ngữ .

5) Công đức xa lìa nghiệp hai lưỡi .

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa nghiệp hai lưỡi thì được năm pháp không thể phá hoại. Những gì là năm? - 1 Được thân bất hoại, không ai hại được; 2 Được bà con bất hoại, không ai phá hại; 3 Được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp; 4 Được pháp bất hoại, chỗ tu kiên cố; 5 Được thiện trí thức bất hoại không dối lừa nhau. Năm công đức này nếu hồi hướng về đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, sau thành Phật được quyến thuộc chơn chánh, các ma ngoại đạo không thể phá hoại.

Hai lưỡi rất dễ phá hoại làm hư hỏng công việc của người khác; nếu ai tu hành giữ gìn không phạm nghiệp hai kưỡi, không nói lời chia rẽ, thì được quả tốt: tự thân, bà con, lòng tin, pháp tu hành, thiện trí thức, năm món công đức ấy không ai phá hoại được. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Phật Vô thượng bồ-đề tương lai thành Phật được các hàng Bồ tát làm quyến thuộc, ma vương ngoại đạo không thể phá hoại.

6) Công đức xa lìa nghiệp ác khẩu.

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa ác khẩu thời được thành tựu tám món tịnh nghiệp. Những gì là tám? – 1. Lời nói không trái pháp độ; 2. Lời nói có lợi ích; 3. Lời nói quyết lý; 4. Lời nói đẹp đẽ; 5. Lời nói thừa lãnh được; 6. Lời nói được tin dùng; 7. Lời nói không thể chê; 8. Lời nói được ưa thích. Nếu hồi hướng đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, sau thành Phật đầy đủ phạm âm thanh tướng của Như Lai.

Nếu xa lìa lời nói thô ác, tức thời thành tựu tám món tịnh nghiệp: lời nói không trái pháp độ; khi nào cũng nói lời có lợi ích, không nói thì thôi, nếu nói thời hợp lý; lời nói nghe rất đẹp đẽ; nói lời gì cũng được người lãnh thọ. Lời nói ai cũng tín dụng. Lời nói không bị chê bai. Nói ra người đều ưa thích vui vẻ. Nếu đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô thượng bồ-đề, sau thành Phật được đầy đủ phạm âm thanh tướng, một trong 32 tướng tốt của Phật. (Phạm âm nghĩa là tiếng nói trong dịu lanh lảnh).

7) Công đức lìa ỷ ngữ (nói thêu dệt).

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa ỷ ngữ thì thành tựu ba món quyết định. Những gì là ba? – 1. Được người trí yêu mến; 2. Dùng trí như thật đáp các người hỏi; 3. Ở nhơn thiên oai đức tối thắng, không hư vọng. Nếu hồi hướng vô thượng chánh đẳng chánh giác, sau thành Phật được Như lai thọ ký, chẳng có luống dối.

Nếu xa lìa sự trau chuốt lời nói, câu văn, thêu dệt xảo trá, thời được ba món công đức quyết định: 1. Được người trí thức yêu mến.Vì ỷ ngữ là nói lời thêu dệt vô nghĩa lý, chỉ có thể lừa dối người ngu si chứ người trí nghe lừa phải nhàm chán; Nay xa lìa nghiệp ỷ ngữ, cố nhiên được người trí thức yêu mến. 2. Hay đem trí như thật mà đáp các người học hỏi. Lời đáp phải như sự thật, mới giải được sự ngờ vực. 3. Quye61t d9i5nh ở cõi nhơn thiên nào oai đức cũng thù thắng hơn người, không có hư vọng. Nghĩa là nói đúng với sự thật tức là đại hùng biện hơn hết.

Mở lời nói muốn tránh nghiệp ỷ ngữ bao giờ cũng căn cứ vào chân lý, thành thật mà nói; nên ai nghe đến cũng phải cảm phục oai đức. Nếu đem công đức ấy hồi hướng về cõi Phật vô thượng bồ-đề, tương lai thành Phật thì được công đức Như Lai thọ ký, đều đúng như lời không giả dối. Thọ ký là một công đức của Phật, thường đối với hàng đệ tử dạy những lời thọ ký như: bao giờ sẽ thành Phật hoặc bao giờ phải đọa địa ngục và những sự cát hung họa phước v.v.. đều đúng như lời nói, không sai lầm. Đó là do chỗ hiểu biết đúng sự thật, như sự thật ấy mà nói ra; chứ không phải chủ tể thưởng phạt như người tin vào Thượng đế. Chẳng luống dối, nghĩa là không phải nói suông.

8) Công đức xa lìa tham dục.

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa tham dục thời được năm món tự tại. Những gì là năm? – 1. Ba nghiệp tự tại các căn cụ túc; 2. Của cải tự tại, oán tặc không cướp hại; 3. Phước đức tự tại, toại lòng yêu muốn vật dụng đầy đủ; 4. Vương vị tự tại, đồ vật quý lạ đều được phụng hiến; 5. Những vật được thù thắng gấp trăm lòng mong cầu, vì ngày xưa không bỏ xẻn ganh ghét. Nếu hồi hướng Vô thượng bồ-đề, sau thành Phật, tam giới đặc biệt tôn trọng, thảy đều kính nhường.

Nếu xa lìa nghiệp tham dục thời được các món tự tại. Chữ tự tại nghĩa là tự do tùy tâm mình. Ba nghiệp chỉ cho thân, khẩu, ý. Các căn tức là sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đây là của cải ở trong thân; còn bao nhiêu của quý vật lạ là của cải ở ngoài thân. Của ở trong thân, của ở ngoài thân, đều được đầy đủ, tùy tâm tự do mà thọ dụng, không có sức gì chiếm đoạt được; muốn mong cầu vật gì, khi thời được gấp mười gấp trăm quá chỗ hy vọng. Nếu đem công đức ấy mà hướng về quả Phật vô thượng bồ-đề thì tương lai thành Phật, tức là được ba cõi đặc biệt tôn trọng, tất cả đều cúng dường. (Ba cõi là cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc).

9) công đức xa lìa sân nhuế (sân hận).

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa sân nhuế thời được tám món tâm pháp hỷ duyệt. Những gì là tám? - 1 Không lòng tổn não; 2 Không còn sân hận; 3 Không lòng gây kiện; 4 Lòng nhu hòa ngay thật; 5 Được từ tâm của bậc thánh giả; 6 Sẵn lòng làm lợi ích an lạc cho chúng sanh; 7 Thân tướng đẹp đẽ, chúng đều tôn kính; 8 Do sự hòa nhẫn, mau sanh về cõi Phạm thiên. Nếu hồi hướng đạo Vô thượng bồ-đề sau thành Phật được tâm vô ngại của Phật, người trông thấy không chán.

Nếu xa lìa lòng sân hận, thì hưởng được các thứ công đức vui vẻ, trong lòng luôn luôn nhu hòa hiền từ, không còn có lòng sân hận, gây tụng và tổn hại ai; lại thường sẵn lòng giúp ích an vui cho tất cả chúng sanh. Sanh ra thì thân tướng đẹp đẽ, được mọi người cung kính. (Khi lòng sân hận nổi lên, mặt đỏ người run hiện ra tướng hung tợn, tức là thân tướng không trang nghiêm; nhơn đã như vậy thì quả phải xấu xa, đó là luật nhất định của báo ứng vậy.)

Cõi trời Phạm thiên là cõi của những người đã hết nghiệp sân hận và các vị thánh nhân đã được chứng thiền định. Nếu đem công đức ấy hồi hướng về quả Phật tương lai thành Phật, liền được tâm Phật không gì chướng ngại, ai trông thấy cũng hâm mộ mà không chán.

10) Công đức xa lìa nghiệp tà kiến.

Lại nữa Long vương! Nếu xa lìa nghiệp tà kiến thì được thành tựu mười pháp công đức. Những gì là mười? – 1. Được ý vui chơn thiện, bầu bạn chơn thiện; 2. Thâm tín nhơn quả, thà bỏ thân mạng trọn chẳng làm ác; 3. Chỉ quy y Phật, không quy y các thiên thần; 4. Trực tâm chánh kiến, xa hẳn tất cả ngờ vực cát hung; 5. Thường sanh nhân thiện, không sa vào đường dữ; 6. Vô lượng phước báu lần lữa thêm nhiều; 7. Xa hẳn đường tà, tu hành đạo chánh; 8. Chẳng khởi thân kiến, bỏ các ác nghiệp; 9. Kiến giải vô ngại; 10. Chẳng bị các tai nạn. Ấy là mười. Nếu hồi hướng quả Vô thượng bồ-đề sau thành Phật, mau chóng tất cả Phật pháp, thành tựu thần thông tự tại.

Nếu lìa hẳn ngu si tà kiến, thời được các món chơn thiện công đức: tâm ý vui vẻ, chơn chánh hiền từ, bầu bạn cũng chơn chánh hiền từ; hiểu rõ nhơn quả, không còn ngờ vực, tín tâm bền chắc, thà chết không làm các điều dữ; thường qui y Phật pháp tăng; đời đời kiếp kiếp được sanh về cõi trời, cõi người, không bao giờ khởi niệm tà kiến, không mắc các tai nạn, phước đức trí huệ ngày một tăng trưởng, tu hành chơn chánh không lạc vào tà đạo, không khởi kiến chấp về thân (tức chấp thân của ta và vật sở hữu của ta). Không vì thân mà gây ác nghiệp, không vì một kiến chấp gì mà làm chướng ngại chỗ hiểu biết chơn lý. Nếu lại phát lòng sâu xa rộng lớn, đem công đức ấy hồi hướng về quả Phật vô thượng bồ-đề, tương lai thành Phật chứng được tất cả các pháp thần thông tự tại của chư Phật.

 

CHƯƠNG IV: THẮNG HẠNH CỦA THẬP THIỆN NGHIỆP

A. LỤC ĐỘ

I) BỐ THÍ ĐỘ

Bấy giờ đức Thế Tôn lại bảo Long vương rằng: Nếu có Bồ tát y thiện nghiệp ấy, trong khi tu đạo, lìa nghiệp giết hại mà hành bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, trường thọ không yểu, chẳng bị tất cả oan giặc làm hại. Lìa nghiệp chẳng cho mà lấy, thực hành bố thí thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, không ai sánh kịp, đều hay nhóm họp kho báu Phật pháp. Lìa lỗi tà hạnh mà bố thí, thường giàu của báu không ai chiếm đoạt; trong nhà trinh thuận, mẹ và vợ con, không ai đem lòng dục mà xâm phạm. Lìa lời nói dối mà làm bố thí, thường giàu của báu không ai chiếm đoạt, khỏi các hủy báng, thâu giữ chánh pháp, như lời thệ nguyện, chỗ làm thỏa mãn. Lìa lời nói chia rẽ (hai lưỡi) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, quyến thuộc hòa thuận, đồng vui một chí, thường không trái chống. Lìa lời nói thô dữ mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm chiếm, tất cả chúng hội hoan hỷ qui y, nói ra đều tín thọ, không ai trái nghịch. Lìa lời nói vô nghĩa (ỷ ngữ) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm chiếm, nói chẳng uổng lời, người đều kính chịu, hay dùng phương tiện, khéo dứt các ngờ vực. Lìa lòng tham cầu mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt có được vật gì đều đem ban cấp, tín giải kiên cố, đủ oai lực lớn. Bỏ lòng giận hờn mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, mau tự thành tựu, tâm trí vô ngại, các căn tốt đẹp, người thấy kính ưa. Xa lìa lòng tà đạo mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, thường sanh vào nhà kính tin chánh pháp, thấy Phật, nghe Pháp, cúng dường chúng Tăng, thường chẳng quên mất lòng đại bồ-đề. Ấy là bậc đại sĩ trong khi tu bồ-tát đạo, làm mười nghiệp lành, dùng bố thí trang nghiêm mà được lợi lớn.

Bố thí để diệt trừ lòng tham lam, sẽ được hưởng quả báo giàu có, của cải không còn nghèo thiếu; nhưng nếu lòng bố thí không thanh tịnh, hoặc hành vi ác chưa dứt sạch hẳn, thì tuy có nhiều của báu cũng không hưởng thọ được lâu dài và tự tại. Nếu phát tâm bồ-tát y theo mười nghiệp thiện mà tu hành bố thí, thì hình dung đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài, bà con hòa thuận, có nhiều của báu không ai sánh kịp; mà cũng không có người nào dám đem lực lượng gì để chiếm đoạt; ta lại được mọi người kính mến quy thuận ủng hộ: đó là nhờ công đức tu hành thập thiện mà bố thí, mới được viên mãn trang nghiêm, lợi ích rất lớn vậy. Trái lại như vì lòng sân hận khinh khi nhau, hoặc vì mua danh mà làm việc bố thí, hoặc vì ngu si tà kiến sai lầm, người đáng cho thì không cho, người không đáng cho lại cho, hoặc thiên vị cho người nầy không cho người khác, như thế gọi là điên đảo sai lầm làm việc bố thí, không thể nào viên mãn được. Dù có quả báo tốt, về sau cũng không cứu cánh.

2) LƯỢC NÓI VỀ NĂM ĐỘ .

Như vậy, Long vương! Tóm lại mà nói, từ mười thiện đạo: Dùng trì giớùi trang nghiêm hay sanh tất cả nghĩa lợi của Phật pháp đầy đủ nguyện lớn. Dùng nhẫn nhục trang nghiêm, được viên âm của Phật, đủ các tướng tốt. Dùng tinh tấn trang nghiêm hay phá ma oán, vào pháp tạng Phật. Dùng thiền định trang nghiêm hay sanh niệm, huệ, tàm, quý, khinh an. Dùng trí huệ trang nghiêm hay dứt tất cả phân biệt vọng kiến.

Phật pháp nghĩa lợi là sự lợi ích cứu cánh thiết thực. Trong Phật pháp, có sự lợi ích chỉ ở hiện tại, có sự lợi ích chỉ ở tương lai, và có sự lợi ích cứu cánh, khác nhau. Bồ tát tu hành lục độ, tức là được tất cả nghĩa lợi, nhưng nếu dùng thập thiện nghiệp đạo làm căn bản, thời nghĩa lợi mới hoàn toàn viên mãn. (nghĩa là tu thập thiện mà trì giới, nhẫn nhục v.v... thì trì giới, nhẫn nhục mới trang nghiêm hoàn toàn cứu cánh).

B. CÁC HẠNH KHÁC

1) TỨ VÔ LƯỢNG TÂM.

Lòng từ trang nghiêm, đối với chúng sanh không khởi não hại. Lòng bi trang nghiêm, thương các chúng sanh, thường không chán bỏ. Lòng hỷ trang nghiêm, thấy người tu thiện, lòng không ganh ghét. Lòng xả trang nghiêm, đối cảnh thuận nghịch, lòng không thương giận.

Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn đức vô lượng tâm của chư Phật, Bồ tát. Từ là cho vui, Bi là cứu khổ, Hỷ là đối với tất cả những công đức lợi ích an vui của kẻ khác, sẵn lòng hoan hỷ tán trợ, Xả là oán thân bình đẳng, không khởi phân biệt, một lòng thản nhiên không còn trú trước; như kinh Kim cang dạy: “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm” (nên sanh lòng không chỗ trú trước). Suy rộng bốn tâm ấy ra cùng khắp vô lượng cho nên gọi là tứ vô lượng tâm. Căn cứ vào mười thiện nghiệp đạo mà tu hành khiến cho bốn tâm ấy được viên mãn trang nghiêm thì hưởng phước đức vô lượng.

2) BỐN NHIẾP PHÁP

Bốn nhiếp pháp trang nghiêm thường siêng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

Nhiếp pháp nghĩa là dùng bốn pháp bố thí, ái ngữ, đồng sự, lợi hành mà thâu nhiếp hóa độ chúng sanh. Bồ tát tùy mỗi loài hiện thân đem bốn pháp ấy mà thâu nhiếp, làm cho mọi loài, mọi người đều được lãnh thọ chánh pháp, đều hiểu sự lợi ích. Căn cứ mười thiện nghiệp mà hành tứ nhiếp pháp ấy thì mới được hoàn toàn cứu cánh.

3) BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO BỒ-ĐỀ

Niệm xứ trang nghiêm khéo tu tập bốn quán niệm xứ. Chánh cần trang nghiêm hay dứt trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tất cả pháp thiện. Thần túc trang nghiêm thường khiến thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Năm căn trang nghiêm, thâm tín, kiên cố, siêng năng không biếng nhác, thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não. Năm lực trang nghiêm, các oán đều diệt, không gì phá hoại. Giác chi trang nghiêm, thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Chánh đạo trang nghiêm được trí huệ chánh, thường hiện ở trước. Chỉ trang nghiêm dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang nghiêm, như thật biết tự tánh các pháp. Phương tiện trang nghiêm, chóng được thành tựu, đầy vui vô biên.

Đây là 37 phần bồ-đề, cũng gọi là 37 trợ đạo phẩm.

Niệm xứ tức là bốn quán niệïm xứ (bốn chỗ thường quán sát nhớ nghĩ) cũng gọi là bốn niệm trú (người tu hành y cứ bốn quán niệm này mà an trú): 1, quán thân bất tịnh. 2, quán hưởng thọ là khổ. 3,quán tâm vô thường. 4, quán tất cả các pháp vô ngã.

Chánh cần tức là tứ chánh cần (bốn món siêng năng chơn chánh) lại có tên là tứ chánh đoạn: 1, những điều ác đã sanh phải kíp trừ bỏ. 2, những điều ác chưa sanh cần phải không cho sanh. 3, những điều thiện chưa sanh cần phải chóng sanh. 4, những điều thiện đã sanh phải làm cho tăng trưởng. Dứt sạch biếng nhác, cho nên gọi là chánh đoạn.

Thần túc tức là bốn món thần túc (thần thông) cũng có tên là bốn món như ý túc (thần thông như ý): 1, niệm (nhớ nghĩ). 2, dục (ưa muốn). 3, tấn (tinh tấn). 4, huệ (trí huệ). Chứng được bốn món thần túc nầy tức là được chỗ nguyện như ý, lại hay phát khởi các pháp thần thông, cho nên gọi là thần túc.

Năm căn: 1, tín (lòng tin). 2, tấn (siêng năng). 3, niệm (nhớ nghĩ). 4, định (thiền định). 5, huệ (trí huệ). Năm lực: tức là năm căn trên, nhờ rèn luyện làm cho có khí lực, nên gọi là năm lực. ‘Năm căn’ là nói về căn cứ tu hành; ‘Năm lực’ là nói về lực lượng tu hành đối trị.

Giác chi tức là bảy món giác ngộ: 1, trạch pháp (lựa chọn các pháp chơn ngụy). 2, tinh tấn (siêng năng). 3, hỷ (vui mừng). 4, khinh an (nhẹ nhàng). 5, niệm (nhớ nghĩ). 6, định (thiền định). 7, hành xả (lòng tu hành bình đẳng không vướng mắc)

Chánh đạo tức là tám đường chơn chánh, cũng gọi là tám đường thánh: 1, chánh kiến (kiến giác chơn chánh). 2, chánh tư duy (suy nghĩ chơn chánh). 3, chánh ngữ (nói phô chơn chánh). 4, chánh nghiệp (hành vi chơn chánh). 5, chánh mạng (sanh hoạt chơn chánh). 6, chánh tinh tấn (siêng năng việc chơn chánh). 7, chánh niệm (nhớ nghĩ chơn chánh). 8, chánh định (thiền định chơn chánh). Tu theo tám pháp này thì tránh được tà vạy, cho nên gọi là CHÁNH. Nhờ vậy mà đi đến cảnh giới niết-bàn, cho nên gọi là ĐẠO. Tổng cộng là ba mươi bảy phẩm, nếu Bồ tát dùng thập thiện nghiệp làm căn bản, mà tu theo các pháp này thì mau chứng được tất cả các công đức, viên mãn quả an vui vĩnh viễn.

C. NÓI RỘNG THÊM

Long vương nên biết, mười nghiệp thiện nầy, hay làm cho thập lực, tứ vô úy, mười tám pháp bất cộng, tất cả Phật pháp đều được viên mãn. Vậy nên các người phải siêng tu học.

Thập lực, Tứ vô sở úyMười tám pháp bất cộng là những pháp đặc biệt chỉ quả vị Phật mới có mà thôi. Đoạn này nói rộng ra đều căn cứ vào thập thiện nghiệp mà tất cả các hạnh thù thắng cho đến quả vị Phật đều được trang nghiêm viên mãn, và khuyên tất cả phải siêng năng tu học.

CHƯƠNG V: KẾT LUẬN - SỰ THÙ THẮNG CỦA THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

 Long vương! Ví như tất cả thành ấp, xóm, làng đều y đại địa mà được an trú, tất cả trăm hoa cây cỏ bụi rừng, cũng nương đại địa ấy mà được sanh trưởng; Thập thiện nghiệp đạo lại cũng như thế, tất cả nhơn thiên y vào đó mà an lập, tất cả Thanh văn, Độc giác bồ-đề, các Hạnh bồ-tát, tất cả Phật pháp đều chưng y vào đại địa Thập thiện này mà được thành tựu.

Đây là nói rõ công đức thù thắng của thập thiện nghiệp đạo làm căn bản cho tất cả thiện pháp, không thể nào một giây lát mà rời được, cho nên dùng đại địa làm ví dụ. Nếu rời thập thiện mà muốn tu hành chứng quả, cũng như dựng lâu đài hoặc trồng cây cỏ ở giữa hư không, muốn thành tựu kết quả không sao có được.

LƯU THÔNG

Phật dạy kinh này rồi, Ta-kiệt-la Long vương và toàn thể đại chúng, tất cả thế gian, thiên, nhơn, a-tu-la thảy đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành.

Đoạn này của người kiết tập chép lại. Ta-kiệt-la Long vương là người chủ duyên khởi kinh này. A-tu-la Tàu dịch là ‘phi thiên’ (không phải trời nghĩa là giống như trời mà không phải trời). Câu ‘đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành’ theo lời Phật dạy, tất cả các kinh phải kết thành như thế. Tiêu biểu pháp Phật dạy không phải như lời lý luận của phàm phu, nói rồi là rồi, mà cần phải vâng theo lời nói ấy thiết thực tu hành. Nhưng người nghe pháp cần phải phát lòng hoan hỷ mới sanh lòng tín, có lòng tín mới hay lãnh thọ, có ý lãnh thọ mới hay vâng theo pháp mà thật hành. Cho nên câu “ hoan hỷ tín, thọ, phụng hành” ta cần phải chú ý.

 

KINH PHÁP HOA PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH

 

Lúc ấy, Phật dạy Đắc đại thế Bồ tát: Ông nên hiểu nếu tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di thọ trì kinh Pháp hoa mà ai độc miệng mắng nhiếc, công kích thì kẻ ấy bị những tội báo khủng khiếp như ta đã nói ở trước. Còn công đức của người thọ trì thì cũng như trước ta đã nói, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý sáu căn đều được thanh tịnh.

Đắc Đại Thế! Quá khứ cách nay những kiếp số nhiều đến nỗi không thể nghĩ và nói, có đức Phật hiệu Oai Âm Vương đầy đủ mười danh hiệu là Như lai Ứng cúng Chánh biến tri Minh hạnh túc Thiện thệ Thế gian giải Vô thượng sĩ Điều ngự trượng phu Thiên nhân sư, Phật, tôn xưng Thế tôn. Thời kỳ ngài gọi là Thoát ly suy biến, nước ngài xuất hiện là Đại Thành. Lúc ấy đức Phật Oai Âm Vương thuyết pháp cho loài người, những loài trên loài người như chư thiên và những loài dưới loài người như quỷ thần, bằng cách ai muốn cầu đạo thanh văn thì ngài dạy cho bốn chân lý giải thoát sanh lão bệnh tử, cứu cánh niết bàn; ai muốn cầu đạo quả duyên giác thì ngài dạy cho mười hai nguyên lý nhân duyên; còn đối với các vị bồ tát thì nhân vô thượng bồ đề mà nói sáu ba la mật, hoàn thành tuệ giác Phật đà.

Đắc Đại Thế! Đức Phật Oai Âm Vương sống lâu với những kiếp số bằng số cát của bốn mươi vạn sông Hằng, chánh pháp của ngài tồn tại với những kiếp số bằng số vi trần của một cõi Diêm phù, tượng pháp của ngài tồn tại với những kiếp số bằng số vi trần của bốn châu thiên hạ. Đức Phật Oai Âm Vương làm lợi ích cho chúng sanh rồi mới diệt độ, và khi chánh pháp cũng như tượng pháp của ngài chấm dứt, thế giới hệ này lại có đức Phật xuất hiện cũng hiệu Oai Âm Vương và đầy đủ mười danh hiệu là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, tôn xưng Thế tôn. ([1]). Cứ như vậy, tuần tự có đến hai vạn ức đức Phật xuất hiện, cùng một danh hiệu.

Đức Phật Oai Âm Vương đầu tiên, khi diệt độ và chánh pháp của ngài chấm dứt, trong thời tượng pháp những kẻ tỷ kheo có tánh tăng thượng mạn rất có thế lực. Lúc bấy giờ có một vị tỷ kheo Bồ tát tên là Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế! Tại sao tên Thường Bất Khinh? Là vì vị tỷ kheo ấy, hễ thấy ai, không kể tỷ kheo, tỷ kheo ni, hay ưu bà tắc, ưu bà di, đều thi lễ ca tụng, nói rằng tôi thâm kính các người, không dám khinh thị. Tại sao như thế? Vì Các người ai cũng có thể thực hành bồ tát hạnh và đều sẽ thành Phật. Vị Tỷ kheo Thường không chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ thực hành sự thi lễ như vậy, đến nỗi dầu thấy những người đằng xa, không kể tỷ kheo, tỷ kheo ni, hay ưu bà tắc, ưu bà di, đều cố đến mà thi lễ, ca tụng, thưa rằng Tôi không dám khinh các người, các người ai cũng sẽ làm Phật. Trong số người nghe, có kẻ nổi giận, tâm trí nhơ bẩn, độc miệng mắng nhiếc, rằng cái ông tỳ kheo ngu xuẩn này, ở đâu đến đây không ai bảo mà cũng nói tôi không dám khinh thị các người, và quyết đoán cho chúng ta rằng sẽ làm Phật; chúng ta không cần đến sự quyết đoán viễn vông như vậy. Mặc dù trải qua nhiều năm, thường bị mắng nhiếc như vậy, mà lòng không giận dữ, ngài Thường Bất Khinh vẫn luôn luôn nói rằng Các người sẽ làm Phật. Khi nói như vậy, có kẻ đánh bằng gậy gộc, ném bằng ngói đá, ngài chạy tránh đứng xa, vẫn lớn tiếng nói rằng Tôi không dám khinh thị các người, các người ai cũng sẽ làm Phật. Vì ngài thường nói nên những kẻ tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu ba di có tánh tăng thượng mạn gọi ngài là Thường Bất Khinh.

Vị tỷ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh ấy, khi gần mất, được nghe trọn kinh Pháp Hoa mà đức Phật Oai Âm Vương đầu tiên đã diễn thuyết, gồm có hai mươi ngàn vạn ức bài kệ ([2]). Nghe rồi ngài thọ trì được cả. Do đó mà sáu căn nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý đều được thanh tịnh như ta đã nói ở trước. Được sự thanh tịnh của sáu căn rồi tăng thêm tuổi thọ đến hai trăm vạn ức năm một cách rộng rãi, ngài vì mọi người thuyết pháp kinh Pháp Hoa ấy. Lúc ấy những kẻ tăng thượng mạn trong hàng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di đã khinh thị ngài và gọi ngài là Thường Bất Khinh, thấy ngài được năng lực đại thần thông, năng lực nhạo thuyết biện, năng lực đại thiện tịch, nên nghe sự giảng giải kinh Pháp Hoa của ngài, tất cả đều tín phục tùy thuận.

Vị tỷ kheo Bồ tát ấy lại giáo hóa cho ngàn vạn ức người khác, làm cho họ an trú vô thượng bồ đề nên sau khi mất ngài lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng một danh hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh, và ở trong thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp ([3]) của các đức Phật ấy, ngài đều giảng giải kinh Pháp Hoa. Nhờ vậy mà lại gặp được hai ngàn ức đức Phật cùng danh hiệu Vân Tự Tại Đăng Vương. Trong thời chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp của các đức Phật ấy, ngài Thường Bất Khinh vẫn thọ trì, đọc tụng và giảng giải cho tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di kinh Pháp Hoa này, do đó mà được thanh tịnh của sáu căn bình thường ([4]), thuyết pháp cho tứ chúng tâm không còn e sợ. Đắc Đại Thế! Ngài Thường Bất Khinh đại sĩ phụng sự cho bao nhiêu đức Phật đó, cung kính, trân trọng, ca tụng và gieo trồng gồc rễ thiện pháp, nên sau đó lại được gặp ngàn vạn ức đức Phật nữa và trong thời chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp của các đức Phật này cũng giảng giải kinh Pháp Hoa, công đức thành tựu, sẽ thành Phật.

Đắc đại thế! Ông nghĩ sao, Bồ tát Thường Bất Khinh lúc bấy giờ có phải ai khác đâu, mà chính là ta đây. Nếu đời trước ta không thọ trì đọc tụng và giảng giải cho người khác kinh Pháp Hoa này thì ta không thể hoàn thành mau chóng vô thượng bồ đề. Vì nơi các đức Phật quá khứ, ta đã thọ trì đọc tụng và giảng giải cho người kinh Pháp Hoa nên hoàn thành mau chóng vô thượng bồ đề ấy.

Đắc Đại Thế! Lúc bấy giờ trong tứ chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, những kẻ vì giận dữ mà khinh dễ ta thì tuy đến hai trăm ức kiếp họ không gặp Phật, không nghe pháp, không thấy tăng, ngàn kiếp chịu sự khổ sở khủng khiếp trong vô gián địa ngục, nhưng hết tội báo ấy rồi, họ lại được gặp Bồ tát Thường Bất Khinh và được ngài giáo hóa cho pháp vô thượng bồ đề. Đắc Đại Thế! Ông nghĩ sao, những kẻ trong tứ chúng khinh thị Bồ tát Thường Bất Khinh lúc ấy có phải ai khác đâu, chính là những người hiện diện trong pháp hội này, tức năm trăm bồ tát như ông Bạt đà la vân vân, năm trăm tỷ kheo như ông Sư tử nguyệt vân vân, năm trăm ưu bà tắc như ông Ni tư phật vân vân, đều là những kẻ ngày nay đã được bất thoái chuyển đối với vô thượng bồ đề.

Đắc Đại Thế! Ông nên hiểu rằng kinh Pháp Hoa này rất ích lợi cho các vị Bồ tát đại sĩ, có năng lực làm cho họ đạt đến vô thượng bồ đề. Vì lí do ấy mà sau khi ta diệt độ, các vị Bồ tát đại sĩ nên luôn luôn thọ trì, đọc tụng, giảng giải và viết chép kinh Pháp Hoa.

Bấy giờ đức Thế Tôn muốn trình bày lại ý nghĩa đã dạy nên nói bài kệ ([5]) sau đây:

Quá khứ có đức Phật

Danh hiệu Oai Âm Vương

Thần thông và trí tuệ

Tất cả đều vô lượng.

Giáo hóa và dắt dẫn

Tất cả các chúng sanh

Nhân, thiên và long thần

Hết thảy đều phụng sự.

Khi Phật ấy diệt độ

Và chánh pháp chấm hết, ([6])

Thì có một Bồ tát

Danh hiệu Thường bất khinh.

Bấy giờ trong tứ chúng,

Những kẻ nặng pháp chấp ([7])

Bồ tát Thường bất khinh

Tìm đến chỗ của họ

Và nói với họ rằng

Tôi không dám khinh người,

Vì tất cả các người

Ai cũng có khả năng

Thực hành hạnh bồ tát

Và đều sẽ làm Phật.

Những người nghe nói thế

Có kẻ khinh mà mắng;

Nhưng ngài Thường Bất khinh

Nhẫn nhục và chịu đựng.

Khi tội báo trả hết,

Sự sống sắp kết thúc,

Ngài được nghe kinh này,

Sáu căn đều thanh tịnh.

Do năng lực thần thông,

Kéo dài thêm sự sống,

Nên lại nói kinh này

Cho hết thảy mọi người.

Những kẻ pháp chấp trước

Cũng nhờ ngài tác thành

Mà được an trú nơi

Vô thượng giác của Phật

Sau khi ngài mạng chung,

Được gặp vô số Phật,

Vẫn đem nói kinh này

Nên được vô lượng phước,

Dần dần đủ công đức

Mau chóng thành Phật đạo.([8])

Thường Bất Khinh lúc ấy

Chính là thân ta đây;

Còn những kẻ pháp chấp

Trong tứ chúng lúc ấy

Nghe Thường Bất Khinh nói

Các người sẽ làm Phật,

Nhờ cái nhân duyên ấy,

Được gặp vô số Phật;

Nay trong pháp hội này

Năm trăm bồ tát chúng

Cùng với bốn bộ chúng,

Thiện nam và tín nữ

Nghe pháp trước mặt ta,

Là hàng pháp chấp ấy.

Ta trong thời quá khứ

Từng khuyến hóa mọi người

Nên kính thọ kinh này,

Là kinh pháp vô thượng.

Muốn giáo hóa mọi người

An trú nơi niết bàn

Thì đời đời thọ trì

Kinh điển Pháp Hoa ấy.

Trải qua vạn ức kiếp

Lâu đến không thể nghĩ,

Có lúc mới được nghe

Kinh điển Pháp Hoa này.

Cũng đến vạn ức kiềp

Lâu xa không thể nghĩ,

Chư Phật mới có lúc

Nói kinh Pháp Hoa này.

Vì vậy người tu hành

Sau khi Phật diệt độ

Được nghe kinh Pháp Hoa

Lòng đừng sinh nghi hoặc.

Cần phải chuyên một lòng

Đem kinh này truyền bá,

Thì đời đời gặp Phật

Mau chóng thành Phật đạo.

 

KINH BẤT TĂNG BẤT GIẢM

LỜI NÓI ĐẦU 

Tinh tú vốn tích lũy ánh sáng và thường xuyên phát ra ánh sáng. Ánh sáng luôn luôn có, vì tinh tú luôn luôn thường tại. Những đêm ba mươi hay giữa trưa đứng bóng, ánh sáng ấy không hề có thêm có bớt. Có thêm có bớt chỉ vì nó bị che khuất nhiều hay ít mà thôi.

Chơn tâm thường ở nơi mỗi chúng sanh cũng như vậy. Đó là một nguồn phát sanh ánh sáng, một thứ ánh sáng riêng của nội giới. Chơn tâm ấy ở nơi kẻ ngu cũng không vơi lưng bớt đi, mà ở nơi người trí cũng không tràn đầy thêm ra. Có vơi có đầy là chỉ bởi nó bị ngăn che dày hay mỏng mà thôi.

Ngăn che ánh sáng bằng cách bôi cho lớp vỏ kia mỗi ngày một dày thêm là giam hãm chơn tâm trong lao ngục nghiệp chướng. Lần theo cái ánh sáng chơn tâm ấy để phóng thích nó ra, thì gọi là tu.

Xưa có một vị Bồ tát tu theo cái hạnh phát huy chơn tánh ấy nơi mọi người. Gặp ai vị ấy cũng lễ bái xưng tán: “Tôi rất kính trọng các người, không dám khinh mạn, vì các người sẽ đều làm Phật”. Có kẻ nghe nói như vậy nhiều lần không chịu nổi, tức giận mắng nhiếc đánh đập tàn tệ, ngài trốn chạy mà miệng vẫn không ngớt nói với lui “Tôi không dám khinh mạn ...”. Vị Bồ tát được những kẻ kiêu mạn tặng cho danh hiệu hài hước là Bồ tát Thường Bất Khinh. Về sau, được lục căn thanh tịnh, ngài chứng quả và rộng nói kinh Pháp Hoa cho tất cả mọi người nghe. Mọi người nhờ nghe lời nói ấy gieo vào trong tạng thức mà cũng đều thành Phật cả.

Hạnh nhẫn nhục của Bồ tát Thường Bất Khinh, tự nó đã là một giá trị cao cả về mặt đạo đức. Hơn nữa, cái hạnh cao cả ấy lại được hướng về một mục đích duy nhất: Phát huy Phật tánh trong mọi chúng sanh. Phương tiện là đạo đức mà cứu cánh đạt được lại là chơn lý. Cao đẹp thay!

Vâng, “Mọi loài đều có Phật tánh” là chân lý tối thượng mà chỉ có Phật giáo mới thừa nhận và thuyết minh. Có Phật tánh, có khả năng thành Phật và cần phải phát huy khả năng ấy, đó là điều mà Phật giáo đã long trọng xác nhận qua thiên kinh vạn quyển của giáo điển. Có Phật tánh, có khả năng thành Phật, nhưng điều quan trọng không kém là cần phải phát huy khả năng ấy trong khắp mọi người, dù là hạng người mà xã hội đang khinh rẻ, cho là ngu si ti tiện, ngay đến cả những người chính tự họ đánh rơi lòng tự tín, trở lui khinh miệt mình. Với tất cả, cần phải giác tỉnh họ để gieo vào lòng họ một hy vọng, trả lại họ một địa vị xứng đáng dưới ánh sáng mặt trời, trong ngày nay hay ngày mai. Để tất cả sống một đời sống tích cực, không ỷ lại thần trời, không oán người trách đời. Tóm lại, một đời sống lành mạnh trong thanh bình an vui, không luyến tiếc vang bóng của ngày qua, không sân hận nghịch cảnh ở hôm nay. Thế nào cho mỗi cố gắng mới của họ không phải là một hy sinh mà là một thành quả xây dựng rạng rỡ, cả hôm nay và ngày mai.

Có phát huy được trọn vẹn Phật tánh nơi mỗi con người, mới trả lại hết giá trị của con người cho con người.

Phật tánh ấy, trong kinh Phật thường đem ví với viên ngọc quí bỏ quên lâu ngày trong chéo áo, mà sở hữu chủ của nó chính là chúng sanh, đã không tự biết để mang ra dùng. Trong giáo điển nhà Phật, Phật tánh ấy còn có nhiều tên gọi khác: chơn tâm, chơn như, chơn tánh, như lai tạng, tự tánh bồ đề, giác tịnh minh tâm, chúng sanh giới, nhứt giới, v.v... Danh từ có nhiều, là vì “nó” vốn có nhiều khía cạnh. Nhưng dù khía cạnh nào đi nữa thì cái bản lai diện mục của nó vẫn không ngoài bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Đem ví dụ rộng ra, Phật tánh ấy tức như mật ngọt trong bộng ong, vàng ròng rơi trong hầm xí, bào thai quí tử nằm trong dạ con của người bần nữ v.v... mà các độc giả Phật tử sẽ gặp trong kinh ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG phiên dịch sau đây.

Lại nữa, Phật tánh ấy không vì ở nơi sang chốn hèn, kẻ trí người ngu mà có tăng có giảm. Có tăng có giảm khác nhau chẳng qua chỉ tại cái vỏ bọc ngoài; thực chất bên trong không hề có sai biệt. Tất cả đều cùng một thể, Đều từ nhứt giới mà có lưu xuất và đều qui hiệp thành nhứt giới. Nhứt giới vốn hằng thường, bất biến, bình đẳng, bất nhị, không thể đem trí phân biệt để ức đoán, giảo lượng như đối với các pháp bị tạo khác. Đó là trọng tâm kinh BẤT TĂNG BẤT GIẢM tiếp theo.

Phiên dịch hai Kinh trên đây, tôi tự biết văn tài chưa đủ để phô diễn hết ý tứ sâu kín trong kinh; chỗ nào còn sót lọt, mong các bậc Thiện tri thức và thế hệ ngày mai bổ khuyết lần hồi cho.

Mục đích duy nhất của tôi chỉ cốt đóng góp phần nào công sức vào sự nghiệp hoằng pháp phát huy Phật tánh, hầu mong hàng Phật tử sơ cơ phát tâm dõng mãnh thuận theo Phật tánh ấy mà tu học và tin chắc vào thành quả sẽ gặt hái được như lời ngài Lục tổ Huệ Năng đã dạy:“Nầy các Thiện tri thức! Tự tánh bồ đề bản lai thanh tịnh, vận dụng tâm ấy tức nhiên thành Phật”. Hay như kinh Phạm Võng dạy: “Nếu Đại chúng thành tín rằng: các người là Phật sẽ thành, còn ta là Phật đã thành, và nếu thường giữ được chánh tín ấy, thì giới phẩm đã đầy đủ” ... Hoặc: “Chúng sanh thọ Phật giới, tức là đã vào được địa vị chư Phật”.

Đó là mục đích để dịch hai cuốn kinh này. Mong thay!

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Thiền thất, Quý Thu Canh tý (2504)

THÍCH TRÍ THỦ

 

 

KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG

 Tam tạng pháp sư hiệu là Phật đà Bạt đà la

người xứ Thiên trúc, đời Đông Tấn dịch Phạn văn ra

Hoa văn. Tỳ kheo Thích Trí Thủ dịch ra Việt văn.

 

 Tôi nghe như vầy:

Một hôm, đức Phật ở tại thành Vương Xá, trên núi Kỳ xà quật, trong tòa lâu đài Chiên đàn, giữa giảng đường Bửu nguyệt. Bấy giờ ngài thành Phật đã mười năm, cùng với trăm ngàn đồ chúng đại tỳ kheo nhóm họp, trong chúng có sáu mươi Hằng hà sa đại bồ tát thảy đã thành tựu sức đại tinh tấn, đã từng cúng dường trăm ngàn ức na do tha chư Phật và đủ sức thay Phật đẩy bánh xe pháp hướng thượng (thuyết pháp hướng thượng). Các bậc đại bồ tát này nếu có chúng sanh nào nghe được danh hiệu thì vĩnh viễn không còn có tâm thối chuyển đối với đạo vô thượng bồ đề. Ấy là các ngài Pháp Huệ Bồ tát, Sư Tử Huệ Bồ tát, Kim Cang Huệ Bồ tát, Điều Huệ Bồ tát, Diệu Huệ Bồ tát, Nguyệt Quang Bồ tát, Bửu Nguyệt Bồ tát, Mãn Nguyệt Bồ tát, Dõng Mãnh Bồ tát, Vô Lượng Dõng Bồ tát, Vô Biên Dõng Bồ tát, Siêu Tam Giới Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Hương Thượng Thủ Bồ tát, Hương Tượng Bồ tát, Hương thượng Bồ tát, Thủ tạng Bồ tát, Nhựt tạng Bồ tát, Chàng tướng Bồ tát, Đại Chàng Tướng Bồ tát, Ly Cấu Chàng Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát, Phóng Quang Bồ tát, Ly Cấu Quang Bồ tát, Hỷ Vương Bồ tát, Thường Hỷ Bồ tát, Bửu Thủ Bồ tát, Hư Không Tạng Bồ tát, Ly Kiêu Mạn Bồ tát, Tu Di Sơn Bồ tát, Quang Đức Vương Bồ tát, Tổùng Trì Tự Tại Vương Bồ tát, Tổng Trì Bồ tát, Diệt Chúng Bịnh Bồ tát, Liệu Nhứt Thế Chúng Sanh Bịnh[9] Bồ tát, Hoan Hỷ Niệm Bồ tát, Yếm Ý[10] Bồ tát, Thường Yếm[11]  Bồ tát, Phổ Chiếu Bồ tát, Nguyệt Minh Bồ tát, Bửu Tuệ Bồ tát, Chuyển Nữ Thân Bồ tát, Đại Lôi Âm Bồ tát, Đạo Sư Bồ tát, Bất Hư Kiến Bồ tát, Nhứt Thế Pháp Tự Tại Bồ tát, Di Lặc Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát v.v... hết thảy sáu mươi Hằng sa Bồ tát ma ha tát, từ vô lượng cõi Phật, cùng vô số hàng Thiên long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Cẩn na la, Ma hầu la già, đều đến nhóm họp đông đủ và tỏ lòng thành kính cúng dường đức Thế Tôn.

Bấy giờ Thế Tôn đang nhập chánh định tam muội trong lâu đài Chiên đàn, biến hiện thần thông hóa ra vô số hoa sen ngàn cánh, lớn như vành xe, sắc hương đầy đủ, nhưng chưa nở hẳn. Trong tất cả các hoa sen đều có hóa Phật, đều bay lên giữa hư không, che lấp cả thế giới như những bửu cái. Mỗi hoa sen phóng ra vô lượng hào quang rồi đồng loạt tất cả các hoa sen cùng nở, tốt tươi xinh đẹp. Bỗng nhiên, Phật vận thần thông, trong chốc lát, tất cả hoa sen thảy đều tàn héo. Các vị Hóa Phật trong các hoa sen kia liền xếp chân ngồi kiết già, và hết thảy đều phóng ra vô số trăm ngàn hào quang chói lọi. Bấy giờ, thế giới ấy trở nên trang nghiêm tuyệt diệu, khiến toàn thể đại chúng hoan hỷ nhảy nhót. Những điều chưa từng có ấy cũng khiến đại chúng có niệm nghi ngờ, không biết vì lẽ gì, hết thảy các đóa hoa đẹp đẻ kia, hốt nhiên trở nên tàn úa hôi hám, không sao chịu được.

Bấy giờ, đức Thế Tôn rõ biết niềm nghi của các vị Bồ tát và đại chúng, liền gọi ngài Kim Cang Huệ Bồ tát mà bảo rằng:

“Này Thiện nam tử! Đối với Phật pháp còn chỗ nào nghi ngờ, cho phép ông được tỏ bày gạn hỏi?”

Ngài Kim Cang Huệ Bồ tát cũng biết hết thảy đại chúng đều có lòng nghi, liền bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, vì nhơn duyên gì, trong vô số hoa sen đều có hóa Phật, rồi thảy đều bay lên giữa hư không che lấp cả thế giới, bỗng nhiên trong nháy mắt hoa nào hoa nấy đều tàn héo, chỉ còn có hóa Phật ngồi phóng vô số trăm ngàn hào quang, khiến tất cả hội trường này đều trông thấy và đều chấp tay cung kính?”

Thế rồi, ngài Kim Cang Huệ Bồ tát liền nói bài kệ, tụng rằng:

“Chúng tôi chưa từng thấy,

Thần biến như ngày nay:

Hóa Phật trăm ngàn ức,

Tỉnh tọa trong hoa sen

Phóng vô số hào quang,

Che phủ cả thế gian;

Vằng vặc hình đạo sư

Trang nghiêm khắp thế giới.

Hoa sen bỗng tàn héo,

Nực xông mùi xú uế.

Vậy vì nhơn duyên gì,

Hiện ra thần hóa nọ?

Tôi thấy hằng sa Phật

Cùng vô lượng thần biến,

Nhưng chưa thấy như nay,

Cúi xin Phật giảng dạy”.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ và đại chúng Bồ tát rằng:

Này các Thiện nam tử! Có kinh Đại Phương Đẳng tên là Như Lai Tạng. Ta sắp nói cho đại chúng nghe nên hiện ra điềm ấy. Các ngươi nên lắng nghe và chín chắn suy xét!

Đại chúng thảy đồng thanh bạch Phật: “Sung sướng thay, chúng con xin hoan hỷ đợi nghe”.

Phật dạy: “Này các Thiện nam tử! Như ta biến hóa vô số hoa sen, rồi hốt nhiên sen kia tàn úa, chỉ còn lại vô lượng hóa Phật ngồi kiết già trong hoa, tướng tốt trang nghiêm, phóng ra hào quang rực rỡ; đại chúng trông thấy việc hy hữu ấy, đều sanh lòng cung kính. Này các Thiện nam tử! Như vậy là ta dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh đang ngụp lặn trong phiền não tham dục, sân nhuế, ngu si, nhưng vốn sẵn có trí Như lai, mắt Như lai và thân Như lai, xếp chân ngồi kiết già, nghiễm nhiên bất động. Này các Thiện nam tử: Hết thảy chúng sanh tuy mang thân phiền não, ra vào sáu đường mà vẫn có Như lai tạng thường không nhiễm ô. Đức tướng của Như lai tạng ấy đầy đủ như ta không khác. Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như người có thiên nhãn, khi trông hoa chưa nở mà đã thấy được trong hoa kia có toàn thân Như lai ngồi xếp chân kiết già, thì khi trừ bỏ hoa héo đi, liền được thân Như lai hiển hiện. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đã thấy Như lai tạng của chúng sanh, lại muốn Như lai tạng ấy hiển hiện, vì thế mà nói kinh pháp. Nói kinh pháp là để diệt trừ phiền não, khiến hiển hiện Phật tánh. Này các Thiện nam tử! Pháp của hết thảy chư Phật là vậy đó. Dù Phật có ra đời hay không ra đời, hột giống Như lai tàng trữ trong mỗi một chúng sanh vẫn thường trú bất biến. Hột giống Như lai không xuất hiện được chỉ vì phiền não che lấp. Như Lai ra đời, rộng nói các kinh pháp, là chỉ nhắm trừ diệt trần lao, tịnh hóa nhứt thế trí. Này các Thiện nam tử! Nếu có Bồ tát nào vui tin pháp này nên chuyên tâm tu học, sẽ được giải thoát, thành bậc Đẳng chánh giác, thi hành Phật sự, lợi lạc cho khắp cả thế gian”.

Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:

“Ví như hoa tàn héo,

Khi nó đương còn búp,

Người thiên nhãn đã thấy

Thân Như lai vô nhiễm;

Loại trừ hoa héo rồi,

Thân kia liền tả hiện.

Dứt được nhơn phiền não,

Quả chánh giáo lưu xuất.

Mắt Phật quán chúng sanh,

Đều có Như lai tạng,

Vì phiền não che khuất,

Nên đem hoa héo ví.

Ta vì các chúng sanh,

Trừ diệt các phiền não,

Nên rộng nói chánh pháp

Khiến mau thành Phật đạo.

Ta dùng Phật nhãn quán

Hết thảy thân chúng sanh

Phật tạng thường núp kín

Nói pháp khiến khai hiện”.

“Lại nữa, các Thiện nam tử! Ví như mật ngọt tinh hảo ở trong bộng cây, có vô số ong đoanh vây gìn giữ. Lúc ấy có người dùng trí xảo phương tiện, trước tất phải đuổi bầy ong kia đi hết, rồi sau mới lấy chất mật ngọt ra, tùy ý sử dụng, hoặc đem tặng bà con kẻ xa người gần. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng như mật ngọt kia ở trong bộng cây. Như lai tạng bị phiền não che lấp cũng như mật kia bị bầy ong vây kín. Ta đem Phật nhãn mà quan sát đúng như sự thật rồi dùng phương tiện thích nghi tùy cơ nói pháp, để diệt trừ phiền não, khai thông tri kiến Phật rồi thi hành Phật sự cho khắp cả thế gian”.

Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng

“Như mật trong bộng cây,

Vô số ong đoanh vây.

Người dùng phương tiện khéo,

Trước phải đuổi bầy ong.

Như lai tạng chúng sanh

Cũng như mật trong cây;

Trần lao phiền não buộc,

Như bầy ong đoanh vây,

Ta vì các chúng sanh,

Phương tiện nói chánh pháp,

Diệt trừ ong phiền não,

Khai phát tạng Như lai

Đủ vô ngại biện tài,

Diễn thuyết pháp cam lộ,

Khiến thảy đều giác ngộ

Đại bi cứu quần sanh”.

“Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có loại ngũ cốc, khi chưa xay giã, kẻ bần ngu khinh tiện cho là vật bỏ nhưng đến khi xay giã tinh sạch rồi, đó là món ăn thường được cung tiến nhà vua ngự dụng. Này các Thiện nam tử! Cũng như vậy đó, ta đem Phật nhãn quán sát mọi loài chúng sanh bị vỏ phiền não che khuất vô lượng tri kiến Như lai, cho nên dùng mọi phương tiện, tùy từng căn cơ để nói pháp, khiến trừ diệt phiền não, tịnh hóa nhất thế trí, làm bậc Tối Chánh Giác trên khắp thế gian”.

Bấy giờ, Thế Tôn nói bài kệ, tụng rằng:

“Ví như loài ngũ cốc,

Chưa xay giã sạch vỏ,

Người bần ngu khinh rẻ,

Cho là vật bỏ đi.

Ngoài trông như vô dụng,

Trong thật vô cùng quý.

Xay giã vỏ sạch rồi,

Cung tiến lên vua xơi.

Ta thấy các chúng sanh,

Phiền não che Phật tánh,

Nói pháp khiến trừ diệt,

Chứng được nhất thế trí.

Như lai tánh nơi ta

Cùng chúng sanh không khác,

Khai hóa cho thanh tịnh,

Đạo vô thượng chóng thành.”

“Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như vàng ròng rơi vào hầm xí, lấm dơ nhiều năm, trông rất ghê gớm, nhưng chất vàng không mất, nào ai biết hay! Người có mắt thiên nhãn nhìn vào bèn bảo các người khác rằng: Trong hầm xí này có khối vàng ròng rất quí, các người nên lấy ra mà tùy ý sử dụng. Như vậy, này các Thiện nam tử! Hầm xí dơ bẩn kia chính là vô lượng phiền não; khối vàng ròng quý báu chính là Như lai tạng; người có mắt thiên nhãn tức là Như Lai. Vậy nên Như Lai tùy cơ thuyết pháp, hướng dẫn chúng sanh trừ bỏ phiền não, đặng thành chánh giác, rồi thi hành Phật sự”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn tóm lược lại trong một bài kệ, tụng rằng:

 “Như vàng rơi chỗ dơ,

Khuất lấp nào ai thấy.

Duy kẻ thiên nhãn rõ,

Liền bảo với mọi người:

Các người nếu lấy ra,

Chùi rửa cho sạch sẽ,

Tùy ý mà tiêu dùng,

Bà con đều được hưởng.

Mắt Thiện thế ([4]) quán thấy

Chúng sanh thảy như vậy:

Thân ngập bùn phiền não

Tánh Như lai không mất

Tùy cơ mà nói pháp,

Khiến rõ hết mọi sự,

Phật tánh  phiền não che,

Mau trừ đặng thanh tịnh”.

 “Lại nữa, Này các Thiện nam tử! Ví như nhà nghèo có hầm của báu. Của báu không nói được “ta ở nơi đây”. Đã không tự biết, lại cũng chẳng ai mách cho hay, nên không khai phát được. Tất cả chúng sanh thảy đều như vậy. Có đầy đủ kho tàng quí giá là Tri kiến, Thập lực và Tứ vô sở úy của Như Lai ở chính trong thân, nhưng chưa hề nghe biết, đắm mê theo năm dục, luân hồi sống chết, chịu vô lường đau khổ. Vậy nên chư Phật thị hiện ra đời, khai thị cho chúng Bồ tát biết Như lai pháp tạng có sẵn trong thân. Với căn cơ Bồ tát, nghe xong tất liền tín thọ, tịnh hóa được nhứt thế trí, rồi đem vô ngại biện tài làm đại thí chủ, trở lại khai phát Như lai tạng cho tất cả chúng sanh.Như vậy, Này các Thiện nam tử! Ta đem Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng nên nói cho các Bồ tát nghe pháp ấy”.

Bấy giờ, Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:

 “Ví như nhà người nghèo,

Trong có giấu kho báu.

Chủ nhà vốn không hay

Báu thì không tự nói.

Quẩn bách trong ngu tối,

Nào ai nói mà hay!

Có báu mà chẳng biết,

Nên thường chịu khó nghèo.

Phật nhãn quán chúng sanh,

Tuy trôi lăn năm đạo,

Của báu ẩn trong thân

Thường còn, không biến đổi.

Quán sát như thế rồi,

Khai thị cho chúng sanh:

“Biết rằng tự có báu,

Giàu có và lợi lạc”.

Nếu ai tin lời ta,

Biết mình có kho báu,

Dùng phương tiện khai phát,

Đạo vô thượng chóng thành”.

Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như hột yêm ma la, mầm cây trong hột còn tốt, đem gieo nó xuống đất, mầm cây nứt lên và sau thành cây đại thọ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta đem Phật nhãn quán sát tất cả chúng sanh, thấy có Như lai bửu tạng nằm trong bọc vô minh, như mầm cây nằm trong hột. Nầy các Thiện nam tử! Cái hột giống Như lai trong sáng mắt mỏ kia, tích tụ trí huệ lớn lao, niết bàn vắng lặng, tên gọi là “ Như lai ứng cúng đẳng chánh giác”. Này các Thiện nam tử! Ta quán sát chúng sanh như thế rồi, nên tỏ bày nghĩa ấy để khai thị cho các hàng đại bồ tát biết mà tịnh hóa Phật trí”.

Bấy giờ đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:

 “Ví như trái yêm la

Mầm trong không hư hỏng,

Gieo xuống nơi đất tốt

Aét thành cây đại thọ.

Mắt vô lậu Như Lai

Quán hết thảy chúng sanh,

Thân chứa Như lai tạng

Như hạt, chứa mầm cây.

Các ngươi nên tự tin

Mình đủ trí tam muội,

Không cách gì hư mất;

Chỉ vì vô minh che,

Vậy nên ta nói pháp,

Chỉ rõ tánh Như lai.

Hãy thành đạo vô thượng.

Như hạt mọc thành cây.”

“Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như có người mang cái tượng bằng vàng ròng đến một nước khác, gặp đường hiểm trở, sợ bị giặc cướp chiếm đoạt, bèn lấy giẻ rách bọc lại, khiến đừng ai hay biết. Bất ngờ giữa đường, người kia hốt nhiên bị bịnh mà chết.

Lúc bấy giờ, cái bọc tượng vàng kia cũng bỏ lăn lóc ngoài nội. Người qua kẻ lại giày đạp lên trên, cho là đồ dơ. Gặp người có thiên nhãn, thấy được trong bọc rách nhớp kia có cái tượng bằng vàng ròng, liền tháo bọc lòi ra, mọi người trông thấy đều sanh tâm cung kính hoan hỷ. Như vậy, này các Thiện nam tử! Ta thấy chúng sanh bị phiền não nhiễu nhương, trôi lăn trong đêm dài sanh tử, chịu vô lượng khổ đau, nhưng Như lai tạng tánh ở trong thân vẫn nghiễm nhiên thanh tịnh như ta không khác. Vậy nên ta nói pháp cho chúng sanh nghe, khiến đoạn trừ phiền não, tịnh hóa trí Như lai, rồi trở lại hóa đạo cho tất cả thế gian”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:

Như người mang tượng vàng

Đi qua một nước khác,

Dùng uế vật bọc quanh

Vứt bỏ ngoài đồng nội.

Người thiên nhãn trông thấy

Liền mách với mọi người;

Tháo bọc bày tượng vàng,

Hết thảy đều hoan hỷ.

Thiên nhãn ta cũng vậy,

Quán hết các chúng sanh,

Đầy phiền não ác nghiệp

Trói buộc trong khổ đau.

Lại thấy chúng sanh kia,

Trong vô minh trần cấu

Tánh Như lai bất động,

Không hề bị hư hỏng.

Phật đã thấy như vậy

Nên nói, Bồ tát nghe:

Các phiền não ác nghiệp

Che lấp thân Như lai.

Nên tinh tấn đoạn trừ,

Hiển xuất trí Như lai.

Trời, người, rồng, quỷ, thần,

Thảy đều cùng quy ngưỡng.

 “Lại nữa, này các Thiện nam tử! Ví như người đàn bà nghèo hèn xấu xí, người người trông thấy đều chê, nhưng hiện người ấy đang mang bào thai quý tử, sẽ sanh hạ một bậc chuyển luân vương có đầy đủ các thánh đức và sẽ trị vì cả bốn châu thiên hạ. Có sự quý báu ấy mà người đàn bà kia không tự biết, thường nghĩ mình hèn hạ con cái chẳng ra gì. Như vậy, này các Thiện nam tử! Như lai quán sát hết thảy chúng sanh, mặc dù trôi lăn trong đường sanh tử , chịu lắm điều khổ đau, nhưng trong thân của mỗi chúng sanh đều có Như lai bửu tạng mà không tự biết, như kẻ bần nữ kia không tự biết cái bào thai quý tử đang nằm trong bụng. Vậy nên Như Lai nói pháp nhắc nhở mọi loài không nên tự khinh tự tiện. Các người nên biết tự thân các người đều có Phật tánh, nếu siêng năng tinh tấn diệt trừ các tội lỗi thời sẽ thành Bồ tát và chư Phật thế tôn, hóa đạo tế độ cho vô lượng chúng sanh”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm lại trong một bài kệ, tụng rằng:

 “Ví như người bần nữ ,

Sắc mạo rất xấu xa

Nhưng mang thai quý tử,

Sẽ thành chuyển luân vương,

Oai đức, đầy bảy báu,

Trị vì bốn thiên hạ.

Nhưng kẻ kia chẳng hay,

Thường nghĩ mình hèn hạ.

Ta quán các chúng sanh,

Nỗi khổ cũng như vậy.

Thân mang Như lai tạng,

Mà nào có tự hay.

Vậy nên các Bồ tát,

Chớ nên tự khinh khi,

Như lai tạng trong thân

Thường có đức tế thế.

Nếu siêng tu tinh tấn,

Khôn g lâu sẽ thành Phật,

Độ vô lượng chúng sanh

Đồng lên bờ giải thoát”.

 “Lại nữa, này Thiện nam tử! Ví như thợ đúc đúc tượng bằng vàng. Đúc xong, cả khuôn lẫn tượng đều bỏ lăn lóc giữa đất, chờ cho khuôn nguội. Bề ngoài tuy trông xấu xa đen bẩn, bên trong tượng vàng vẫn không đổi sắc. Tháo khuôn bày tượng ra rồi, lau chùi đánh bóng, sắc vàng hiển hiện vô cùng chói lọi! Như vậy, này các Thiện nam tử! Như Lai quán sát tất cả chúng sanh đều có Phật nằm trong thân, đầy đủ vô biên đức tướng. Quán như thế rồi, chỉ bày lại cho chúng sanh thấy rõ, trong lòng được khoan khoái mát mẻ. Các chúng sanh kia giác ngộ tu tập, dùng trí huệ kim cang công phá phiền não, khai xuất thân Phật như người thợ đúc tháo khuôn để lấy tượng vàng ra”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lược tóm trong một bài kệ, tụng rằng:

“Ví như trong lò đúc,

Ngổn ngang khuôn, tượng vàng,

Người ngu xem bên ngoài

Chỉ thấy khuôn đất đen.

Thợ đúc dò khuôn nguội,

Tháo khuôn lấy tượng ra,

Lau chùi cạo gọt xong,

Bóng lộn vàng rực chói.

Ta dùng Phật nhãn xem,

Chúng sanh đều như vậy,

Trong bùn đen phiền não,

Đều có tánh Như lai.

Trao gươm báu kim cang,

Đập tan khuôn phiền não,

Khai phát Như lai tạng,

Như thợ đúc lấy tượng.

Như trên, ta quan sát,

Nói với chúng Bồ tát,

Các ngươi gắng thực hành

Đặng chuyển hóa quần sanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Huệ Bồ tát rằng: “Nếu có thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn, xuất gia hay tại gia, thọ trì đọc tụng, sao chép cúng dường và giảng giải cho mọi người nghe kinh Như lai tạng này, sẽ được công đức không thể kể xiết. Này Kim Cang Huệ! Nếu có người phát tâm Bồ tát, vì Phật đạo mà siêng năng tinh tấn tu tập thần thông, nhập định tam muội để vun bồi cội đức, lại phát tâm cúng dường hằng hà sa số quá khứ, hiện tại chư Phật, tạo lập hằng hà sa số lâu đài thất bửu, cao mười do tuần, ngang dọc mỗi bề rộng một do tuần chưng bày vật dụng ghế bàn giường nệm, đủ các thức tân kỳ đẹp đẽ, ngày ngày tạo lập hằng hà sa số lầu đài như thế để hiến cúng từng đức Như lai cùng các Bồ tát, Thanh văn đại chúng, rồi cứ thế tiếp tục mãi mãi theo thứ lớp mà tạo lập hơn năm mươi hằng hà sa số lâu đài để cúng dường hơn năm mươi hằng hà sa số chư Phật, Bồ tát, Thanh văn đại chúng, như vậy cho đến vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, công đức cũng không bằng có kẻ vì sùng thượng đạo Bồ đề mà thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường kinh Như lai tạng này dù chỉ trong một thí dụ mà thôi. Này Kim Cang Huệ! Kẻ vun trồng cội đức như trên kia, tuy đã là vô lượng, nhưng so với công đức của người thọ trì đọc tụng kinh Như lai tạng này, trăm ngàn phần chưa được một phần, cho đến giá có dùng toán số để tính hay ví dụ để so sánh cũng bất cập”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lập lại bằng bài kệ rằng:

 “Nếu cầu Bồ đề đạo,

Nghe kinh này thọ trì,

Hoặc sao chép cúng dường,

 Dù chỉ một bài kệ

Như lai tạng nhiệm mầu,

Chốc lát phát tùy hỷ,

Lắng nghe chánh giáo này

Công đức thật vô lượng.

Nếu ai cầu Bồ đề,

Trú sức đại thần thông,

Muốn cúng dường chư Phật,

Cùng Bồ tát Thanh văn,

Tạo hằng sa lầu các,

Cúng hằng sa chư Phật,

Muôn kiếp không cùng tận,

Lầu cao mười do tuần,

Ngang dọc bốn mươi dặm,

Chưng dọn đồ thất bửu,

Trang trí thật huy hoàng,

Nệm trải toàn nhung sô,

Chỗ ngồi thật tuyệt diệu,

Vô lượng hằng hà sa,

Dâng Phật cùng đại chúng,

Hiến cúng các món kia,

Ngày đêm không dừng nghỉ,

Trải trăm ngàn vạn kiếp,

Phước dường ấy đem so

Kẻ trí nghe kinh này,

Dù thọ trì một kệ,

Hoặc nói cho người nghe,

Không phước nào sánh kịp;

Cho đến dùng toán số

Thí dụ cũng khó luờng.

Thậm thâm Như lai tạng

Là chỗ chúng sanh nương,

Mau thành bậc Chánh giác.

Bồ tát lắng tư duy,

Biết mình có Phật tánh

Chóng thành vô thượng quả”.

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Kim Cang Huệ rằng:

 “Về thời quá khứ lâu xa vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, có một đức Phật hiệu là Thường Phóng Quang Minh Vương Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế tôn

Nầy Kim Cang Huệ! Vì sao đức Phật ấy gọi là Thường Phóng Quang Minh Vương? Vì rằng lúc phát tâm tu hạnh bồ tát, đức Phật ấy khi mới giáng thân vào thai mẹ, thường phóng ra hào quang chiếu suốt mười phương ngàn vi trần thế giới chư Phật, chúng sanh thấy được ánh hào quang ấy thảy đều hoan hỷ, phiền não tiêu sạch, sắc thân sức lực đầy đủ, chánh niệm trí tuệ thành tựu và đạt được vô ngại biện tài. Nếu là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, diêm la vương, a tu la v.v... mà trông thấy hào quang ấy thời đều xa lìa được ác đạo, sanh về cõi nhơn thiên. Nếu là chư thiên, nhơn mà trông thấy hào quang ấy thời đối với đạo vô thượng bồ đề không còn thối chuyển nữa, lại còn có đủ năm món thần thông. Nếu đã là bậc bất thối chuyển rồi, thời sẽ chứng được vô sanh pháp nhẫn, năm mươi món công đức triền đà la ni.

Nầy Kim Cang Huệ! Hào quang kia chiếu vào quốc độ nào thời thảy đều biến thành nghiêm tịnh, chói sáng như ngọc lưu ly, có dây vàng ngăn cách chia thành tám ngã; lại có các hàng cây báu, hoa quả xinh tươi, hương thơm ngào ngạt, thoảng có gió nhẹ thổi quâ liền phát ra âm thanh vi diệu, tán dương công đức Tam bảo, Bồ tát về những pháp ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, thiền định, giải thoát; chúng sanh nào nghe được, thảy đều hoan hỷ, lòng tin kiên cố và vĩnh viễn xa lìa ác đạo.

Nầy Kim Cang Huệ! Hết thảy chúng sanh trong mười phương quốc độ kia, nhờ có ánh sáng hào quang ấy chiếu vào mà đêm ngày sáu thời luôn luôn cung kính, thiện niệm thường tăng trưởng.

Nầy Kim Cang Huệ! Bồ tát kia từ khi xuất thai cho đến khi thành Phật nhập vô dư niết bàn, thường phóng hào quang sáng chói như thế, cho đến sau khi nhập niết bàn, xá lợi được phân chia và nhập tháp rồi mà vẫn còn thường phóng hào quang. Vì nhơn duyên kia nên chư thiên và thế nhơn gọi Ngài là Thường Phóng Quang Minh Vương.

Nầy Kim Cang Huệ! Đức Phật Thường phóng Quang Minh Vương lúc đầu mới thành Phật, hàng thính chúng Bồ tát đến nghe Ngài nói Pháp có đến hai mươi ức vị, trong số đó có một vị tên gọi Vô Biên Quang. Vô Biên Quang Bồ tát Ma ha tát đã từng hỏi đức Phật Thường Phóng Quang về kinh Như lai tạng này. Vì lòng lân mẫn nhiếp thọ đại chúng Bồ tát, nên ngài đã trải qua năm mươi đại kiếp không rời pháp tọa, đem hết biện tài, dùng vô số nhơn duyên thí dụ, rộng giảng kinh này cho chúng Bồ tát nghe, cú pháp rõ ràng, âm thanh vang dội đến vô lượng thế giới chư Phật. Các hàng Bồ tát nghe xong kinh này rồi, liền thọ trì đọc tụng, y như giáo pháp tu hành; riêng trừ bốn vị bồ tát còn tất cả đều đã thành Phật.

Nầy Kim Cang Huệ! Ngươi đừng lấy làm ngạc nhiên, Vô Biên Quang Bồ tát kia nào phải ai xa lạ, chính là ta ngày trước đó! Còn bốn vị Bồ tát chưa thành Phật tức là Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và Kim Cang Huệ nhà ngươi đó!

Nầy Kim Cang Huệ! Kinh Như lai tạng thật là lợi ích vô cùng; ai nghe được sẽ thành Phật đạo”.

Bấy giờ, Thế Tôn lặp lại, bài kệ rằng:

“Quá khứ vô số kiếp

Có Phật Quang Minh Vương

Thường phóng đại hào quang

Chiếu khắp vô lượng cõi.

Lúc Phật mới thành đạo,

Vô Biên Quang Bồ tát

Đến thưa hỏi kinh này,

Phật liền nói cho nghe.

Những kẻ có duyên lành,

Được nghe lời Phật dạy,

Thảy đều đã đắc đạo,

Duy trừ bốn Bồ tát:

Văn Thù, Quán Thế Âm,

Đại Thế, Kim Cang Huệ;

Bốn vị Bồ tát kia,

Trong số đó có ngươi

Từng có nghe kinh nầy.

Thần thông nhứt buổi ấy,

Vô Biên Quang là ta

Đã từng nghe giảng dạy.

Kiếp xưa ta cầu đạo,

Đời Phật Sư Tử Chàng

Kinh nầy cũng từng nghe.

Nghe xong y pháp tu,

Ta nhờ thiện căn đó,

Chóng được thành Phật đạo.

Vì vậy các Bồ tát,

Nên tu học kinh nầy,

Nghe rồi y pháp tu,

Sẽ thành như ta vậy.

Thọ trì được kinh nầy,

Được lễ kỉnh như Phật,

Thật hành đúng như kinh,

Xứng danh Phật pháp chủ.

Dưới giúp được thế gian

Trên chư Phật tán thán.

Nếu ai trì kinh nầy

Người đó là Pháp vương,

Là con mắt giữa đời

Đáng xưng tán như Phật”

Đức Thế Tôn dạy kinh này rồi, Kim Cang Huệ và các Bồ tát, tứ chúng quyến thuộc, cùng chư thiên, nhơn, long thần, bát bộ v.v... Nghe xong thảy đều hoan hỷ phụng hành.

 


[1] Mười danh hiệu biểu lộ mười đức tánh mà một vị Phật phải có đủ. Thiếu một danh hiệu nghĩa là thiếu một đức tánh trong mười danh hiệu ấy thì không thể gọi là Phật. Pali mở đầu danh hiệu là Thế tôn, như thế Hán văn, Thế tôn là danh hiệu tổng quát. (Như có ngài xưa đã giải thích).

[2] Chữ bài kệ ở đây hay chữ bốn câu kệ ở các kinh khác, như kinh Kim cang chẳng hạn, không phải chỉ cho những bài kệ chỉnh cú (số câu và số chữ là số chẵn). Cách tính chữ theo Phạn văn xưa, khi người ta muốn tính một cuốn hay một bộ kinh có mấy chữ thì người ta đem số chữ ấy, hoặc năm chữ hoặc bảy chữ làm một câu rồi bốn câu làm một bài kệ, trọn một cuốn hay một bộ kinh tính được mấy bài kệ như vậy thì số bài kệ ấy là số thành mà người ta gọi về số chữ của một cuốn hay bộ kinh ấy. Trong các kinh hay nói “ thọ trì dầu chỉ bài kệ bốn câu” (tứ cú kệ) có nghĩa không cứ đoạn nào trong một cuốn hay bộ kinh, dầu chỉ thọ trì được bốn câu gồm có hai mươi hay hai mươi tám chữ cũng là quý. Trong phẩm Thường Bất Khinh này nói: Kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương dạy và ngài Thường Bất Khinh thọ trì gồm có hai mươi ngàn vạn ức  bài kệ, có nghĩa chính văn tự của kinh ấy đã rất nhiều, không phải chỉvắn tắt như văn tự của kinh Pháp Hoa hiện chúng ta được trì tụng do Phật dạy cho chúng sanh cõi ta bà vốn ít phước và ít trí.

[3] “Ư thử chư Phật pháp trung” câu này, ở đây phải hiểu chữ pháp ấy là chỉ cho cả ba thời của pháp Phật. Chỗ nào muốn tách các thời kỳ chánh pháp hay tượng pháp ra mà nói thì đã tách ra rõ ràng. Câu này, ở đây, lại càng không phải là ở trong pháp hội của Phật. Ba thời kỳ của pháp Phật như sau: chánh pháp là ngay sau khi Phật mới diệt độ, đệ tử Phật còn thiền định giải thoát rất nhiều; tượng pháp là sau đó, khi đệ tử Phật phần nhiều chỉ có đa văn, tức lý thuyết thịnh hành; còn mạt pháp là thời sau hết, đệ tử Phật phần nhiều chỉ tranh luận và phân hóa.

[4] Sáu căn bình thường, chữ bình thường có nghĩa là sáu căn do cha mẹ sinh ra.

[5] Kệ ở đây mới là thể văn chỉnh cú.

[6] Chánh pháp ở đây là thời kỳ chánh pháp.

[7] Pháp chấp ở đây có nghĩa tự túc tự mãn cái mình đã được, nên cũng gọi là tánh tăng thượng mạn.

[8] Chữ Phật đạo ở đây có nghĩa là Phật trí, tức phật tri kiến (tuệ giác Phật đà). Cũng tức vô thượng bồ đề (gọi tắt chữ a nậu đa la tam miệu tam bồ đề: vô thượng chánh đẳng chánh giác hay vô thượng giác).

[9]  Trị lành tất cả các bệnh của chúng sanh. 

[10]  Đầy đủ tư tưởng. 

[11]  Thường no đủ.

--- o0o ---

Mục Lục Toàn Tập

  Tập 1 |  1 2-0 | 2 | 3 | 4 |  5 |  6

  Tập 2 | 7 |  8 9-1 | 9-2 | 9-3 | 9-4 | 9-5 | 9-6 | 9-7 | 9-8 | 10

  Tập 3 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20

--- o0o ---

 

Source: www.phatviet.net

Vi tính: Nguyên Trang, Nhị Tường -  Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật ngày 01-06-2004

 

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

八大人覺經註 点点用心议论文 除了学习外 平时有时间也会多看看书 离开娑婆世界 lên chùa làm đám cưới 义云高世法哲言 国庆演讲稿 hỡi Cỏ 净空老法师临终遗言 linh ứng hay nhiệm mầu 心经 お位牌とは 一念心性是 หอำนาตแตตฉตตแแอตอตตปหตตตตตฅปถถถถถถคชถถถถมๅถถถถตตกปลาดต hấp b Địa tạng ï¾ï½½ Д ГІ å åœ å é ½ç žå ç hành i cuối tam long chan thien la suc manh de cam hoa long 牧牛 ปฏ จจสม 地藏十轮经 Tập thể dục thế nào để giảm cân 因地不真 果招迂曲 佛语不杀生 Bất 激安仏壇店 khi nhin lai cuoc doi minh ban hoi tiec dieu gi trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc hien 閼伽坏的口感 hạt cơm này con xin dâng mẹ thổ เพรงดนต ฟ æåŒ bÃo 生日祝福语 tức 青瓷周传雄歌曲主要想表达什么 履职总结 Dễ Háu 大乘教 à Å