Bài
5
Quán
tưởng Tâm
Hôm
nay, chúng ta sẽ nghiên cứu bộ bốn thứ ba của Pháp Quán
tưởng về Hơi thở (Ànàpànasati), có liên quan đến Tâm (citta).
Bộ bốn nầy được gọi là Cittanupassanà, Quán tưởng về
Tâm. Xin hãy chuẩn bị tinh thần để học tập về Tâm.
Trước
khi đi sâu vào bộ bốn thứ ba nầy, có một điểm rất quan
trọng mà chúng ta thường quên, ít nhấn mạnh đến. Mỗi
khi bạn ngồi xuống để thực tập Quán tưởng Giác niệm
về Hơi thở (Ànapànasati) -- mỗi khi bạn bắt đầu bất cứ
buổi thực tập nào -- bạn cần phải bắt đầu bằng bước
thứ nhứt, tức là sự thể nghiệm về hơi thở dài. Cho dầu
hôm qua bạn tập đến bước nào đi nữa, hôm nay bạn cũng
phải bắt đầu lại ngay tại chỗ phải khởi đầu. Mỗi
buổi tập là một buổi mới. Từ hơi thở dài, bạn sang hơi
thở ngắn, và cứ liên tiếp như thế, bạn bước từng bước
qua bước kế, hoàn tất đầy đủ mỗi bước, trước khi
tiến lên nữa, cho đến khi nào bạn tới cái bước bỏ dở
ngày hôm qua. Mỗi bước tuỳ thuộc vào bước trước. Nếu
bạn còn chưa đủ khả năng để thực hiện bước thứ nhứt,
thì chẳng thể nào bạn có thể tiếp tục việc thực tập
xa hơn nữa. Ngay bây giờ, mặc dầu chúng ta đang có ý định
thực hiện việc quán tưởng tâm (cittanupassanà), chúng ta cũng
phải bắt đầu ngay tại bước thứ nhứt. Điều nầy cũng
đúng với tất cả mười sáu bước thực tập. Với hơi thở
vào, với hơi thở ra, ta thực tập luôn luôn như thế. Xin
nhớ, ta phải bắt đầu bất cứ buổi thực tập nào cũng
bằng bước thứ nhứt.
Sau
khi thực tập thành công hai bộ bốn thứ nhứt và thứ hai,
ta bắt tay vào việc với bộ bốn thứ ba nầy, là sự Quán
tưởng Tâm (cittanupassanà). Bước thứ nhứt của bộ bốn
nầy là quán tưởng, hay là thể nghiệm, tâm dưới mọi khía
cạnh của nó. Điều nầy được gọi là citta patisamvedi, sự
thể nghiệm về mọi tình trạng của tâm (= các tâm trạng)
vào mọi thời. Kể từ khi mới bắt đầu thực tập, cho đến
điểm nầy, nhiều tâm trạng đã khởi sanh lên. Nay, chúng
ta phải quán sát mỗi tâm trạng ở mỗi bước. Hiện trạng
của tâm ra sao? Nó thay đổi như thế nào? Điều gì đã khởi
lên trong tâm? Tâm có những đặc tánh gì vào lúc nầy? Trong
các bước trước, ta nhấn mạnh đến những hiện tượng,
những sự kiện, tâm linh nào, mà tâm đang biết đến, hay
là đang thể nghiệm. Giờ đây, ta sẵn sàng để quan sát đến
chính cái tâm. Ta phải tiếp tục quán sát để biết trực
tiếp được tâm ra như thế nào vào lúc ấy. Ta thể nghiệm
được những gì? Bước thứ chín nầy bắt đầu thể nghiệm
tâm xuyên qua mỗi phút giây của sự thực tập.
Nhiễm
dơ hay không?
Có
nhiều đặc tánh của tâm cần được quán sát ở đây, và
tất cả các đặc tánh đó, tự chúng, phải hiện ra một
cách tự nhiên. Chúng được ta quán sát đúng như chúng đang
là như thế, vào đúng thời gian mà chúng đang hiện hữu.
Đặc tánh cần phải được ghi nhận là, như nói theo cách
cổ truyền trong Kinh điển, là "tâm có bị nhiễm dơ không,
tức là, trong tâm có tham (ràga) hay không?" Các bạn đều biết
tham là gì, tham mê sắc dục cũng là một thứ tham. Nghĩa của
chữ tham rất rộng. Tham tiền bạc, nữ trang, thực phẩm,
nhà cửa và tài sản cũng đều là tham cả. Cũng có thể là
sự tham luyến về một cá nhân nào (chẳng phải là vì sắc
dục) như một người làm công hay tôi tớ chẳng hạn. Tâm
có nhiểm các loại tham luyến như thế không, vào lúc nầy,
hay là nó chẳng vướng đến? Nếu có tham đang hiện diện
ở đây, thì quán sát kỹ nó để phân biệt ra nó thuộc vào
loại nào. Hãy biết rõ khi tâm tham thì như thế nào? Nếu
vắng bóng sự tham thì hãy quán sát việc vắng bóng đó của
nó. Thở vào rồi thở ra, trong khi đó, thể nghiệm tâm trạng
thực sự lúc bấy giờ của tâm.
Đặc
tánh kế tiếp của tâm cần được quán sát là sân, (dosa)
tức là sự giận, sự hờn, sự thù nghịch, sự hiềm hận.
Nghĩa của chữ sân cũng rất rộng. Đôi khi một vật bên
ngoài, một người, một tình trạng, hoặc bất cứ sự việc
gì, cũng có thể làm ta giận. Mọi sự cau có, khó chịu của
tâm cũng là sân. Sân cũng nổi lên ngay cả đối với một
sự việc ở bên trong nội tâm. Khi tâm trở nên bị đè nén,
kích thích, va chạm, chua cay, tâm đó được gọi là tâm sân.
Ta quán sát tâm để xem tâm đó có sân cùng không. Nếu tâm
đang sân, hãy quán sát, hay biết và hiểu rõ rằng tâm trạng
đó là tâm sân. Nếu tâm chẳng giận hay hờn, thì cũng phải
biết rõ rằng nơi tâm lúc ấy chẳng có sân. Đây là đặc
điểm thứ hai mà ta cần quán sát rõ.
Đặc
tánh thứ ba cần được quán sát là sự si mê (moha)(sự mê
mờ, lầm lẫn). Sự si mê biểu hiện bằng sự say đắm vào
một sự vật gì mà còn chưa biết rõ thực sự nó như thế
nào. Thí dụ như, khi ta đang nghi điều gì, ta chẳng thể nào
chẳng nghĩ đến điều ấy. Và khi có ước mong hay kỳ vọng
nào, ta cũng chẳng thể nào tránh được sự trụ tâm vào
điều đó. Sự si mê có thể có nghĩa là đang bị "lạc lối
bơ vơ" hoặc "mờ mịt tăm tối", tức là, bị sự nghi ngờ
và ngu tối làm tràn ngập. Rồi thì, ý kiến nầy hay ý kiến
nọ, phát xuất từ sự nghi ngờ hay sự ngu tối, khởi lên
trong tâm. Đó là đìều được gọi là si mê. Ta cần phải
biết rõ trong tâm ta hiện có, hay chẳng có, sự si mê. Nếu
có si mê, thì hãy nắm ngay lấy nó và quán sát kỹ nó. Còn
nếu tâm vắng bóng sự si mê, thì hãy quát sát sự khiếm
khuyết của si mê. Luôn luôn quán tưởng tâm trạng đó trong
khi thở vào và trong khi thở ra. Đây là đặc điểm thứ ba
cần phải quán sát.
Có
một cách giản dị để phân biệt ba tâm trạng: tham, sân,
và si (ràga, dosa, và moha). Nếu đang có một cảm tưởng muốn
cần đến, tức là muốn gom về, kéo lại, ôm chầm lấy và
nắm chặt, cảm tưởng ấy là tham (ràga). Tham có tính cách
tích cực. Sân thì chẳng thích, chẳng muốn. Sân có tính cách
tiêu cực. Sân đẩy ra xa, muốn đập phá bỏ, ngay cả muốn
giết chết nữa. Trong khi tham thì muốn kéo về, sân lại tống
đi. Thứ ba là si, tức là si mê, ngu tối. Si chẳng phân biệt
được sự thật: phải trái, thiện ác. Si thì cứ chạy vòng
vòng. Và đây là chỗ khác nhau giữa ba tâm sở tham, sân, si:
một thì gom về cho mình, hai thì đẩy ra xa, ba thì chạy lẩn
quẩn. Mọi người ai cũng có thể quan sát được sự khác
biệt giữa các hành vi của chúng: lôi về, đẩy đi, và chạy
lòng vòng.
Kế
đến là tìm biết tâm có bị xao lảng hay không. Các bạn
đã được nghe đến danh từ nầy nơi tâm nhứt điểm rồi.
Tâm bị xao lảng chẳng phải là tâm nhứt điểm. Nó bị phân
tán ra khắp nơi. Nó chẳng đủ khả năng để ở yên và thư
giãn. Nó chẳng có sự tĩnh lặng, chẳng có sự an trụ. Hơn
nữa, sự xao lãng khiến tâm bị phiền muộn, bị khuấy rối,
tức là mất sự an nhiên. Tâm có bị xao lảng không? Hay tâm
đang ở trong trạng thái bình thường, chẳng bị lơ đễnh?
Hãy quán sát kỹ đặc điểm của tâm trạng nầy với hơi
thở vào và hơi thở ra. Thực tập để hiểu biết kỹ điều
đó, để có thể phân biệt rõ các loại tâm.
Bình
thường hay phấn khởi?
Hai
tâm trạng kế tiếp cần phải quán sát là khi có được một
tâm trạng tốt đẹp hơn tâm trạng bình thường: một tâm
trạng tốt, và một tâm trạng thông thường. Tiếng Pali gọi
tâm trạng tốt nầy là một tâm trạng cao quí, vĩ đại, mahàggatà.
Nếu nói theo ngôn ngữ hằng ngày, ta sẽ nói đó một sự
hay biết rằng mình đang có một tâm trạng khá hơn, đáng
vừa ý hơn, cao hơn là vào những ngày thường. Tâm ta hiện
đang có ý thức về điều đó hay chăng? Nếu có, hãy quán
sát ngay điều đó. Nếu không, hãy biết rằng tâm ta hiện
đang trong trạng thái bình thường, vào lúc nầy. Hãy quán
tưởng đôi tâm trạng đó trong khi thở vào và trong khi thở
ra.
Hai
tâm trạng cần quán sát tiếp theo là khi có được một tâm
trạng tuyệt đỉnh, vô thượng, chẳng có gì cao hơn được
nữa, với một tâm trạng còn có thể vượt lên cao hơn. Nói
cách khác là khi tâm ta đang thành tựu được một tình trạng
cao cả nhứt mà chẳng có gì cao xa hơn, tốt đẹp hơn nữa.
Nhưng tâm ta hiện còn đang phải cố gắng lắm mới đạt
đến mức tuyệt đỉnh đó. Và điều khó khăn cho chúng ta
là, một tâm trạng tuyệt đỉnh như thế, cao quí như thế,
phát triển đầy đủ như thế, chỉ có bực A la hán (Arahant,
bực giác ngộ và giải thoát hoàn toàn) mới có được. Nếu
ta chưa đạt được quả vị A la hán, thì nói theo lẽ thông
thường là, lòng ta đang rất ư vừa ý, hay là đang cảm thấy
vẫn có một việc gì cao cả hơn nữa còn chưa làm được?
Có phải là ta đang cảm thấy vừa thực hiện được một
điều gì thật mãn nguyện hoàn toàn rồi chăng? Hay ta còn
đang cảm thấy cần phải làm thêm điều gì hơn thế nữa?
Hai tâm trạng nầy mô tả tâm trong tình trạng đã có, hay
chưa có, làm một điều gì cao quí. Hãy quan sát kỹ tâm trong
trạng thái cao quí nhứt đó, quán tưởng nó càng lúc càng
rõ rệt, để hiểu được hình thức của tâm trạng đó.
Thở vào và thở ra cùng với ý thức biết rõ như thế.
Hai
tâm trạng thứ ba cần phải quan sát là khi tâm có tập trung
lại, hay chưa gom ý lại. Đó có phải là định lực hay chưa
có định lực (samàdhi). Hãy tập trung tâm ý lại. Cho dầu
chưa hẳn hoàn toàn đó là định lực, thì ảnh hưởng của
sự cố gắng cũng đã khiến cho tâm tập trung lại được.
Như thế, cũng tạm gọi là một định tâm. Bạn hãy quan sát
kỹ hai tình trạng của tâm, trước và sau khi cố gắng tập
trung tâm ý lại. Thở vào và thở ra với ý thức rõ rệt
về hai tình trạng đó.
Hai
tâm trạng chót cần phải quán sát là khi tâm được giải
thoát hay chưa được giải thoát, nghĩa là còn có các sự
ràng buộc (upàdàna), tâm đang cố bấu niú hay là đang bám
chặt vào việc gì nên chưa được giải thoát. Tâm đang bám
chặt hoặc chẳng đang bám chặt? Đó là điều mà tôi muốn
nói khi hỏi rằng tâm có được giải thoát hay chưa được
giải thoát. Ngay bây giờ, có điều gì đang cản trở tâm,
hay là tâm đang được tự do? Trong trường hợp nào, bạn
cũng nên tìm hiểu cả hai cho rõ ràng. Thở vào và thở ra
với ý thức rõ rệt về điều đó. Hãy phân biệt giữa chúng
đến mức thật rõ ràng, đứng đắn.
Ta
biết được ta.
Nhờ
thực tập như trên đây, ta biết được rõ về ta, biết rõ
được những tư tưởng nào là loại tư tưởng đặc trưng
cho ta. Rồi đó, ta sẽ hiểu biết rõ được về ta. Tâm trạng
nào thường thấy nơi ta? Thông thường, tư tưởng trong tâm
hay có khuynh hướng chạy theo một đối tượng nào đó. Nhờ
quán sát các khuynh hướng đó, ta sẽ biết rõ ta hơn. Đây
là một lợi lạc đặc biệt của bước thực tập nầy. Mục
đích trực tiếp của ta, tuy nhiên, là để biết tâm ta cho
thật rõ ràng và thật đầy đủ. Thông hiểu tâm ta một cách
cặn kẽ là lợi lạc đặc biệt của bước nầy. Đấy là
những gì cần thực tập trong bước thứ nhứt của bộ bốn
thứ ba nầy, tức là bước thứ chín trong toàn bộ Pháp Quán
tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati).
Làm
cho tâm sảng khoái.
Giờ
ta tới bước thứ hai trong bộ bốn thứ ba, làm cho tâm được
sảng khoái (abhippamodayam cittam). Từ buổi đầu, ta đã thực
tập nhiều cách để kiểm soát soát tâm, đặc biệt nhứt
là trong bộ bốn thứ nhì, tâm phát triển được khả năng
tự chủ đối với các cảm thọ và có thể kiểm soát được
chúng. Điều nầy có nghĩa là đã tiến gần đến với tình
trạng khuất phục được tâm, kiểm soát được tâm. Một
khi ta đã biết rõ tất cả mọi loại tâm sở và tình trạng
của chúng một cách thật đầy đủ rồi, cả tích cực và
tiêu cực, thì ta có thể đặt tâm vào một tình trạng thích
hợp, hay đáng mong muốn. Bước thứ mười nầy chính là việc
thực tập để khiến cho tâm trở nên vừa lòng, vui sướng
và sảng khoái đó. Có nhiều tiếng để nói đến tình trạng
đó: bằng lòng, vui thích, hân hoan, hay bất cứ tiếng nào
mà ta muốn dùng đến. Nhưng điều quan trọng là có đủ khả
năng để kiểm soát tâm để cho tâm cảm thấy hài lòng và
vui thích khi ta thở vào và thở ra.
Mỗi
khi tâm cảm thấy buồn chán, sầu não, chẳng thiết đến
gì vui, ta có thể xua đuổi phiền não đó đi và đưa đến
một tâm trạng vui vẻ. Hoặc là, ngay cả khi tâm ở trong tình
trạng bình thường, ta cũng có thể làm cho nó vui lên, sảng
khoái lên, với kỹ thuật nầy. Đây là một điều rất có
ích lợi. Ta đâu cần phải chịu đựng lâu dài một tâm trạng
đau buồn, bởi vì ta có thể kiểm soát được tâm ta. Mỗi
khi cần đến, ta có đủ năng lực để làm bất cứ điều
gì ta cần phải làm về phương diện tâm linh. Ta có thể vui
lên bất cứ lúc nào. Nhưng xin hãy thận trọng, hai tiếng
vui thích và sảng khoái đều mang hai loại ý nghĩa khác nhau.
Có loại vui thích và sảng khoái tầm thường, trần tục,
dựa trên vật chất và nhục cảm. Tuy đó cũng là một loại
vui thích và sảng khoái, nhưng đấy chẳng phải là loại mà
ta chú trọng đến. Chúng tôi đòi hỏi sự vui thích do Chánh
Pháp (Dhamma) mang đến, do thông hiểu Chánh Pháp, và biết cách
ứng dụng Chánh Pháp. Ta đâu cần lệ thuộc vào vật chất
và nhục cảm để kích thích chúng ta, ta đã có Chánh Pháp
giúp tâm ta được sảng khoái. Như thế, có hai loại vui thích:
sự vui thích bị ô nhiễm và sự vui thích thanh cao, chẳng
vướng vào các cấu nhiễm (kilesa, lậu hoặc). Cả hai loại
đều sẵn có đấy cho ta tiện dụng. Nếu bạn muốn có loại
vui thích ô nhiễm, thì rất dễ để đạt được nó. Còn
vui thích về Chánh Pháp (Dhamma) thì cần phải đi tìm thật
đứng đắn mới gặp được. Vì lẽ nầy, xin nghiên cứu
thật kỹ điều nầy cho tường tận.
Sảng
khoái vì Chánh Pháp (Dhamma)
Kể
cũng dễ để làm cho tâm trở nên sảng khoái, một khi ta hiểu
được nguyên nhân của sự vui thích. Sự vui thích bắt nguồn
từ cảm giác thành công, vì vừa thành tựu được một hành
vi đứng đắn và đáng khích lệ. Một cách dễ dàng, để
làm tâm sảng khoái lên, là quay lại thực tập bước thứ
nhứt, thứ hai và thứ ba một lần nữa. Hãy quay lại các
bước đầu và thực tập một cách thành công. Rồi thì sẽ
có sự bằng lòng và vui thích với mỗi bước. Đây là sự
vui thích có liên quan mật thiết với Chánh Pháp (Dhamma). Chúng
ta hãy quay về thực tập lại bước một, lần nữa, nhưng
lần nầy thì đặc biệt đặt tiêu điểm vào cảm giác thành
công, bằng lòng, vui thích và sảng khoái. Hãy tiến tập như
thế qua mỗi bước, giống cách như thế, mãi cho tới lúc
đến với niềm vui thích làm cho ta thỏa mãn nhứt. Sự vui
thích bắt nguồn từ sự bằng lòng, và sự bằng lòng bắt
nguồn từ sự thực hiện một hành vi được thành công. Bằng
cách làm khởi lên sự xác tín rằng chúng ta được an toàn
và giải thoát khỏi mọi sự trói buộc sẽ khiến cho sự
bằng lòng và vui thích đến có mặt ở đây.
Một
phương pháp dễ dàng, mà ta có thể dùng đến bất cứ lúc
nào, là nghĩ đến điều lành và làm được điều lành. Ta
có được đờì sống an lành, một đời đã gặp được
Chánh Pháp (Dhamma) và biết rõ chắc chắn cách dứt trừ được
sự khổ sở (dukkha). Chúng ta những người may mắn nhứt trong
nhơn loại, những người đã biết được Chánh Pháp và dứt
trừ sự khổ sở. Suy tư như thế sẽ làm cho ta vui thích và
sung sướng. Đấy là cách tự làm cho mình thật là vui thích
và sảng khoái. Thực hiện điều lành, thành tựu một cuộc
sống an lành, làm một người tốt, khám phá được Chánh
Pháp đủ để bảo đảm cho mình chẳng bị đau khổ -- loại
suy tư nầy là một cách giản dị để làm cho tâm được
sảng khoái.
Khi
chúng ta đã vững niềm tin rằng chắc chắn ta sẽ diệt trừ
được sự khổ sở (dukkha), hoặc khi chúng đạt được điều
tối hảo nhứt mà con nguời có thể đạt đến nổi, thì
tự nhiên chúng ta sẽ trở nên bằng lòng và vui thích. Chúng
ta nghiên cứu để hiểu được Chánh Pháp có thể dập tắt
được sự khổ sở, để thành tựu được điều tối hảo
mà nhơn loại cần đạt đến. Và ta được bằng lòng. Ta
có đủ khả năng làm cho tâm vui thích lên, sảng khoái lên,
bằng cách xử dụng kỹ thuật nầy.
Khiến
tâm định tĩnh.
Một
khi ta có thể làm cho tâm hân hoan, sảng khoái như ý ta muốn
rồi, thì ta thực tập bước kế tiếp. Đối tượng của
bước thứ chín nầy là định tâm (samàdaham cittam). Điều
nầy có nghĩa là ta có thể làm cho tâm tập trung lại, đưa
tâm vào định lực (Samàdhi) mỗi khi ta muốn hay ta cần đến.
Bước nầy chẳng khó, bởi vì chúng đã thực tập nó ngay
từ buổi đầu, nhứt là trong bước thứ tư (an tịnh thân
hành) và bước thứ tám (an định tâm hành). Nếu ta đã có
thể làm được như thế trước đây, thì bây giờ ở đây
ta cũng có thể làm được như vậy. Hãy khiến tâm tập trung
vào định lực. Ta có thể dẹp bỏ các cảm thọ khác ngay
tức thời. Rồi tâm sẽ nhập định và trở nên hoan hỉ.
Hơn nữa, tâm còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác
tiếp theo nữa. Khả năng nầy rất có lợi ích.
Một
vấn đề thông thường lại đặt ra tại đây. Nhiều người
lầm tưởng rằng một khi tâm đã nhập định rồi thì nó
phải bất động và chẳng thể nào di chuyển được. Họ
còn tưởng rằng rồi chẳng còn có bất cứ cảm thọ nào
khởi lên cả. Đấy là sự hiểu biết rất lầm lẫn. Ngồi
bất động và cứng rắn tựa như khúc gỗ, đó chỉ là một
bài thực tập huấn luyện. Nó giản dị chỉ là sự luyện
tập ở một cấp định lực cao hơn cấp bình thường. Phát
triển định lực thâm sâu hơn ở Nhị thiền, Tam thiền, Tứ
thiền, cho đến mức thân thể chẳng còn hơi thở, cũng chỉ
là những bài tập về huấn luyện. Mặc dầu vậy, nếu thân
thể có thể đạt đến các cấp thật cao đó của định
lực, thì ngay ở các cấp định lực thấp hơn, cũng vẫn
chẳng có vấn đề gì. Ngay đây, ở bước thứ mười một
nầy, đưa tâm nhập vào định lực (samàdhi) có nghĩa là tâm
ấy đã có những đức tánh tốt đầy đủ và sẵn sàng để
làm nhiệm vụ của nó. Tâm ấy đang được chuẩn bị để
thực hiện các công tác của nó khi cần đến. Ở các bước
trước, tâm đã làm thế nào để được vui sướng. Khi tâm
đó được vui sướng, nó có thừa khả năng để hoàn thành
các nhiệm vụ. Vậy, xin đừng hiểu lầm mà cho rằng khi tâm
nhập định, thì ta phải ngồi cứng bất động như khúc gỗ.
An
định thanh tịnh linh hoạt.
Nếu
tâm nhập định một cách đứng đắn, ta quán sát sẽ thấy
có ba đức tánh rõ rệt nơi tâm ấy. Đức tánh của tâm trở
nên cứng cỏi, ổn cố, chẳng xao lảng, và rọi chiếu về
một đối tượng duy nhứt, được gọi là tánh an định (samàhito).
Tâm ấy trong sáng và thanh tịnh, chẳng bị khuấy động bởi
bất cứ gì, chẳng vướng bất cứ cấu nhiễm nào. Một tâm
chẳng ô nhiễm được gọi là tâm thanh tịnh (parisuddho). Thứ
ba, tâm ấy thích hợp nhứt và được chuẩn bị đến cao
độ nhứt để hoàn thành các nhiệm vụ của tâm. Điều nầy
được gọi là tánh linh hoạt (kammaniyo) (tánh hoạt động,
tánh sẵn sàng). Cũng chẳng có hại chi khi phải ghi nhớ nằm
lòng ba chữ Pali nầy: samàhito, parisuddho và kammaniyo vì cả
ba đức tánh đó cần phải có đủ khi biết thế nào là một
tâm nhập định một cách đứng đắn. Đây chẳng những là
loại định lực thường hành trong các cuộc thực tập quán
tưởng chánh thức mà còn được dùng trong các công tác cần
thiết hằng ngày nữa.
Ba
đức tánh đó có thể hiện diện trong khi ta đi hoặc đứng,
hoặc ngồi, hoặc nằm. Có một đoạn Kinh văn trong Tạng Pali,
đáng lưu tâm, nói rằng, nếu có đầy đủ ba đức tánh trên
đây trong khi đứng, thì ta gọi đó là thiên lập, (divine standing).
Nếu cả ba đức tánh đó đều có đủ trong khi đi thì gọi
đó là thiên bộ (divine walking). Nếu có đủ cả ba đức tánh
đó trong khi ngồi thì gọi đó là thiên tọa (divine sitting).
Nếu có đầy đủ ba đức tánh trên đây trong khi nằm, thì
gọi đó là thiên ngoạ (divine lyìng). Rõ ràng là nhập định
đâu phải ngồi như một phiến đá hoặc một khúc gỗ --
dưới con mắt của thế gian, đó là ù lì, cứng ngắt, và
chết lịm. Tinh hoa của định lực (samàdhi) là tâm (citta)
hoàn toàn sẵn sàng để thực hiện mọi nhiệm vụ của nó,
tức là, phát triển kiến thức và sự thông hiểu từ phút
nầy đến phút khác. Ở mức tối thiểu, tâm sẽ hân hoan
khi ba đức tánh đều hiện diện. Có được sự an lạc (sukha),
đó cũng là một nhiệm vụ của tâm. Và tâm trở nên sẵn
sàng để làm tròn nhiệm vụ ấy khi nó hội đủ ba đức
tánh kể trên.
Hành
giả khi tâm nhập định nhờ ba đức tánh nói trên được
xem như là một "bực có tâm an định"; tiếng Pali gọi là
samàhito. Đức Phật có nói, được ghi lại bằng tiếng Pali,
rằng "Khi nhập định, tâm thông hiểu hết tất cả muôn pháp
(dhamma, sự vật) đúng như thật sự chúng là như thế (samàhito
yathàbhutam pajànàti)". Lợi lạc tối thượng của samàhito,
định tâm, là tâm an định để hiểu biết mọi sự vật
đúng như sự thật. Nếu có một vấn đế nào trong đời
sống mà ta còn chưa tìm ra lời giải đáp, thì hãy nhập định
và câu trả lời sẽ tự động tìm đến. Khi tâm nhập định
đi đến đâu, nó cũng thấy sự vật đúng theo thực tế.
Nếu ta nhìn vào bên trong chúng ta, ta sẽ thấy mọi sự kiện
đúng theo chơn lý. Điều đó có nghĩa là ta sẽ thấy vô thường,
khổ sở, và vô ngã cách dễ dàng (aniccam, dukkham, anattà),
nếu tâm hội đủ ba đức tánh về định lực.
Tự
bạn, bạn sẽ thấy rằng ba đức tánh đó đều liên quan
hỗ tương nhau mật thiết. Cả ba phối hợp nhau lại thành
một đơn vị duy nhứt. Chẳng thể có sự thanh tịnh của
tâm mà thiếu đi được sự an định. Nếu chẳng có sự thanh
tịnh, thì chẳng thể nào có sự an định. Và cần phải có,
vừa sự thanh tịnh, vừa sự an định, thì mới có thể có
sự linh động được. Cả ba liên hợp hoạt động với nhau.
Chúng là ba thành tố của một định tâm. Xin bạn hãy cố
tìm hiểu rõ cả ba tiếng: an định, thanh tịnh và linh hoạt.
Cả ba cần được bình đẳng hoá và hợp nhứt lại để
gọi là định tâm (samàhito). Chúng thật là hữu ích, hết
sức vô giá, và mãnh liệt. Thứ định lực nầy đủ khả
năng để giải quyết tất cả các bài toán của đời sống,
liên quan đến các vấn đề thiên nhiên, vật chất của thế
giới, và cả đến các câu hỏi về cõi siêu thế vượt khỏi
thế gian.
Sau
cùng, xin bạn hãy nhớ và hiểu cho điểm cốt yếu nầy. Khi
tâm nhập định (samàdhi), ta vẫn còn có thể đi, đứng, hoặc
ngồi, nằm, hoặc làm việc, hoặc thưởng thức thành quả
của công tác mình đã làm, hoặc giúp kẻ khác hay tự giúp
nữa. Tâm nhập định (samàdhi citta) có thể dùng vào bất
cứ vấn đề nào, trong mọi hoàn cảnh. Nó có thể dùng để
giải quyết mọi vấn đề. Xin hãy quan tâm đến chữ samàhito
-- người có định tâm. Nó có đủ khả năng để hoàn tất
mọi nhiệm vụ.
Giải
thoát tâm.
Trong
khi thở vào và thở ra, ta thực tập cho đến khi nào đủ
khả năng đạt đến ba thành tố của định tâm. Và bước
thứ mười một chấm dứt, để tới bước thứ mười hai.
Bước thứ mười hai là giải thoát tâm (vimocayam cittam). Giải
thoát tâm có nghĩa là đừng để cho tâm vướng mắc vào đâu
cả. Hãy thúc dục tâm buông bỏ những gì đang bám níu vào.
Tâm như thế là một tâm trong sạch chẳng chút bợn nhơ. Nó
hoàn toàn tự do. Giải thoát tâm khỏi mọi ràng buộc có hai
khía cạnh. Hoặc chính tâm tự buông bỏ lấy những gì nó
đang bám níu vào, hoặc chính ta đem các sự việc đó ra khỏi
tâm. Kết quả thì cũng như nhau. Bạn hãy lấy đem ra hết
tất cả những gì mà tâm chẳng nên bám níu vào. Rồi bạn
quan sát kỹ coi còn lại những gì đang bám níu vào tâm. Hãy
cố gắng cởi mở chúng ra khỏi tâm. Đây là bước thứ mười
hai.
Hiểu
thật thấu đáo ý nghĩa của sự việc mà ta gọi là ràng
buộc (attachment, chấp thủ) là điều thiết yếu. Có lẽ chúng
ta còn chưa quen lắm với sự việc đó. Nhưng nếu ta còn chưa
hiểu sự ràng buộc, thì làm thế nào ta có thể tìm cách
chữa trị nó? Xin tất cả các bạn hãy nghiên cứu nó với
một sự quan tâm đặc biệt. Mặc dầu đó là một hiện tượng
tâm linh, nhưng tôi dùng chữ nầy trong điạ hạt vừa vật
chất lẫn tinh thần để nói đến nó. Tôi dùng các tiếng
như là: ràng buộc, nắm chặt và bám níu. Tuy nhiên, nó vẫn
là một hành vi thuộc điạ hạt tâm linh. Tâm trí còn mê mờ
và hành động theo sự mê mờ đó. Do đó, tâm trí ấy khởi
lên các hành vi mà tôi gọi là ràng buộc, hoặc bám chặt
hay là bấu níu. Ta cần phải nghiên cứu nó thật cẩn thận,
vì đó là điều có mặt ở đời sống của mọi dân chúng,
ở mọi người. Để mô tả gọn với vài tiếng, thì ràng
buộc là nhìn một sự vật gì như là "Ta" hoặc là "của Ta".
Hãy nắm vững nghĩa chữ ràng buộc đó và việc thực tập
bước nầy sẽ được suông sẻ.
Cách
trực tiếp nhứt để thực tập bước thứ mười hai là cứu
xét cho rõ các sự trừng phạt, nguy cơ, độc hiểm, thống
khổ, và đau đớn, mỗi khi ta tự ràng buộc vào việc gì
và coi đó như là "Ta", hoặc là "của Ta". Hãy chiếu rọi thật
kỹ vào các trừng phạt độc hiểm đầy nguy cơ và thống
khổ mà toàn bộ sự bị ràng buộc sẽ mang đến cho ta chẳng
thể nào tránh khỏi được. Mặt khác, nên nghiên cứu và
nhận thức được các lợi lạc, tốt đẹp và ưu điểm của
việc cởi mở. Khi ta chẳng bị ràng buộc, ta có những lợi
lạc gì? Niềm an lạc nào có sẵn ở đó? Hãy quán sát kỹ
lưỡng. Khi ta tự ràng buộc mình vào một sự vật gì, thì
hậu quả sẽ là loại thống khổ nào, với cấp độ nào?
Hãy xem xét cả hai mặt của đồng tiền. Thấy cho rõ ra rằng
hình phạt của sự ràng buộc và giá trị của sự cởi mở
luân phiên nhau liên tục trong tâm trí. Xuyên qua loại quán
tưởng đó, tâm trí sẽ tự động được giải thoát. Tâm
trí tự nhiên sẽ buông bỏ các sự vật, và các sự vật
cũng tự nhiên thôi bám chặt nữa, nhờ quán chiếu rõ hai
sự kiện đó. Tiếp tực quán chiếu đến khi nào thấy rõ
các hình phạt và sự thấp hèn của việc ràng buộc. Tiếp
tục quán chiếu cho đến khi nào thấy rõ được các lợi
lạc của sự cởi mở. Quán chiếu cả hai vào mỗi lúc ta
thở vào và thở ra. Đấy là cách thực tập bước nầy.
Bốn
loại ràng buộc (chấp thủ).
Đối
tượng của sự ràng buộc có rất nhiều. Hơn nữa, chúng
rất tế nhị và thâm sâu. Chúng rất khó cho ta nhìn thấy,
nghe và hiểu thấu đến chúng. Tuy nhiên, ta có thể xếp chúng
vào bốn loại, hay là bốn thể thức ràng buộc. Loại thứ
nhứt là tất cả mọi sự vật vật chất được dục vọng
(kàma) trân quí. Dầu đó là tài sản, vật dụng cần thiết,
bảo ngọc, nữ trang, vàng và bạc; hoặc những sự vật mà
ta thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó đến và tưởng nghĩ đến,
tất cả những thứ đó đều làm căn bản nguồn cội cho
nhục cảm và dục vọng. Chúng là những đối tượng của
sự ràng buộc về nhục cảm. Ba loại ràng buộc còn lại
có các đối tượng phi vật chất. Loại thứ nhì là những
sai lầm về ý kiến, tin tưởng, quan kiến và lý thuyết. Chúng
là những điều mà ta còn chưa hiểu nỗi, nhưng vì bị vô
minh (avijjà) che lấp nên ta chấp nhận chúng, bám níu vào chúng
và có rất nhiều tà kiến. Loại thứ ba là hình thức cổ
truyền hành động và thực hành mà chúng ta noi theo. Mỗi thứ
nầy, kể cả về tôn giáo hay thế tục, cũng là hình thức
của sự mê tín. Chúng là những tục lệ mà ta tự đồng
hoá với chúng và bảo vệ chúng. Sau cùng, và cũng là quan
trọng hơn cả ba loại trước, là loại ràng buộc vào các
sự vật mà đồng hoá như là "Ta" hoặc là "của Ta".
Tất
cả bốn loại ràng buộc đó bao gồm hết mọi sự vật mà
ta bám níu vào. Hãy quán sát chúng và thấy ra được sự hiểm
độc thấp hèn khi bám vào chúng. Thấy cho rõ giá trị của
sự cởi mở ra khỏi chúng. Liên tục quán tưởng mỗi loại
với mỗi hơi thở vào và mỗi hơi thở ra. Bằng cách ấy,
chúng được cổi ra bằng sự cởi mở tự động. Hãy phóng
thích các đối tượng ràng buộc ra. Hãy buông bõ, hãy buông
bỏ, hãy buông bỏ.
Khi
chúng ta nhìn đến đạo Cơ đốc (Christianity), ta thấy đạo
nầy cũng chia xẻ một mối lo về sự chấp thủ (ràng buộc).
Trên thực tế, biểu hiệu chánh của đạo Cơ đốc là hình
cây Thánh giá chữ Thập (+ ) -- dạy rằng chữ "I" thẳng đứng
(trong Anh ngữ có nghĩa là "Ta") bị dấu ngang (-) cắt bỏ đi.
Điều nầy tượng trưng cho sự dẹp bỏ mọi ràng buộc. Tất
cả mọi tôn giáo đều có điểm tương đồng nơi mục tiêu
chánh: sự tận trừ mọi ràng buộc vào cái "Ta" và "của Ta".
Đây là điểm cao tột, trác tuyệt nhứt của sự tu hành.
Nó xoá bỏ mọi vấn đề, đặc biệt là sự ích kỷ là nguồn
gốc gây ra các vấn đề khác. Cắt đứt sự ích kỷ thì
mọi vấn đề sẽ chấm dứt. Xin hãy quan tâm đến việc buông
bỏ muôn vật. Buông bỏ bốn loại ràng buộc là điều tốt
nhứt mà ta có thể làm được.
Một
nhóm sự vật khác mà tâm cần buông bỏ vì chúng đang khuấy
rầy tâm lúc nầy, là năm món che đậy, gọi là ngũ cái (nivarana),
năm thứ cản trở tâm. Chúng là những thái độ khởi lên
trong tâm từ các thói quen và các khuynh hướng suy tư của
ta. Năm món che đậy, ngũ cái, đó là: tham dục, sân hận,
thụy miên (mê ngủ), trạo hối (xao động) và nghi ngờ. Ta
cần dẹp bỏ ngay ngũ cái là năm món làm che mờ tâm trí.
Xa hơn nữa, có các lậu hoặc (kilesa, cấu nhiễm, phiền não).
Các tình cảm phiền não của sự tham lam (lobha), giận hờn
(dosa), và si mê (moha) cần phải được đuổi đi khỏi. Các
cảm thọ thương thích hay oán ghét, mọi khí sắc thoả ý
hay bất mãn, bất cứ cố chấp nào vào sự vật thuộc nhị
nguyên thường hiện diện trong tâm, cũng đều nên gạt bỏ
ra khỏi. Sau cùng, ta sẽ nhận thức được rằng chẳng còn
vấn đề nào lưu lại để đưa tâm vào khổ sở (dukkha) nữa.
Còn có ràng buộc, là còn có khổ sở. Tâm đã hoàn toàn vắng
bóng mọi ràng buộc rồi, thì tâm sẽ chẳng còn thể nghiệm
sự khổ sở, vì còn đâu cơ sở nữa để cho sự khổ sở
khởi lên.
Mỗi
khi tâm thấy có sự vật gì đang đeo níu, nó liền cởi mở
ra ngay. Bạn hãy thực tập như thế vào mọi thời, khi bạn
thở vào và thở ra, nơi bước thứ mười hai nầy, là bước
chót của bộ bốn thứ ba (3rd tetrad) của Pháp Quán tưởng
Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati). Tính chung lại, ta có
bốn bước liên quan đặc biệt đến tâm (citta): thể nghiệm
các tình trạng khác nhau của tâm, làm cho tâm hân hoan, làm
cho tâm định tĩnh, và giải thoát tâm. Xuyên qua sự học hỏi
và thực tập nầy, ta đã thành công trong việc nghiên cứu
hoàn toàn về tâm thức của chúng ta.
Xin
phép được chấm dứt buổi pháp thoại tại đây.