Bài
3
An
tịnh thân hành
Hôm
nay, tôi xin nói về các bước thứ ba và thứ tư trong bộ
bốn thứ nhứt (1st tetrad), tức là các bước còn lại có
liên quan đến Thân (Kàya).
Bước
thứ ba: Thể nghiệm mọi thân.
Trong
bước thứ ba, mục tiêu là sự thể nghiệm tất cả các Thân
(Kàya). Cốt lõi của bước nầy là trong khi thở vào, thở
ra, hành giả cảm nhận đến tất cả thân (Kàya, nhóm, tập
hợp). Ta đã bắt đầu quan sát, trong khi thực tập hai bước
đầu tiên, rằng hơi thở là một tác viên gây điều kiện
đến tấm thân vật chất bằng xương bằng thịt của chúng
ta. Và bước thứ ba nầy cũng chẳng có gì mới mẻ, ta sẽ
giản dị quan sát thêm cho sâu xa, rõ ràng, và thận trọng
hơn trong hai bước trước. Ta quán tưởng một cách phân biệt
rõ ràng hơn về sự kiện là ta có hai thân (Kàya). Liên tục,
chẳng gián đoạn, bạn hãy quan sát điều đó trong khi thở
vào và thở ra.
Hành
giả phải nên nhớ lại một cuộc quan sát mà ta đã thể
nghiệm trước đây, nhớ lại sự kiện là hơi thở là động
lực tạo nên điều kiện, gây ảnh hưởng đến tấm thân
xác thịt. Ta sẽ phân biện rõ giữa hai sự vật (thân và
hơi thở), nhưng ta lại gọi cả hai là thân, là kàya. Hơi
thở là một thân, với nghĩa, đó là một sự tập họp, một
nhóm. Thân thể chất cũng là một thân, một kàya, vì đó
cũng là một sự tập họp (nhiều cơ quan, bộ phận). Có hai
nhóm, hay là hai thân: một nhóm là hơi thở gây ảnh hưởng
đến nhóm kia là tấm thân thể chất. Bạn hãy phân tách kinh
nghiệm nầy để thấy thật rõ ràng rằng hiện có hai nhóm,
hay hai thân. Và hãy xem cho rõ hai thân đó đã ảnh hưởng
lẫn nhau như thế nào. Hãy quán tưởng đến chúng, một cách
càng ngày càng nhấn mạnh, cho đến khi nào thấy được thật
hiển nhiên.
Khi
nghe nói đến từ ngữ "thân" (Kàya), xin bạn hãy hiểu từ
ngữ đó bao trùm ý nghĩa của chữ "nhóm". Trong văn kinh thuộc
Kinh điển hệ Pali, Đức Phật dùng chữ kàya như vầy: sabbakàyampatisamveti
(thể nghiệm mọi thân) (...) Từ ngữ nầy chẳng phải chỉ
áp dụng riêng cho tấm thân vật chất của con người mà thôi,
lại còn ứng dụng vào các sự vật khác nữa. Thí dụ như
trong tiếng Pali, một đội quân lính cũng là kàya, một kàya
quân lính. Kàya, thân, có nghĩa là một nhóm, một đống, một
tập hợp; xin đừng hiểu một cách hạn chế chữ ấy như
chỉ là một tấm thân xác thịt. Hơi thở được gọi là
thân, (Kàya) hoặc một nhóm. Muốn hiểu được "thể nghiệm
mọi thân" là gì, ta cần phải biết nghĩa đúng đắn của
chữ "thân" rồi mới thấy được cả hai nhóm, nhóm hơi thở
và nhóm thân thể.
Mục
tiêu đặc biệt của bước thứ ba nầy là ta phải biết rằng
có hai nhóm và một nhóm nầy lại nuôi dưỡng, hộ trì và
tạo nên điều kiện có ảnh hưởng đến nhóm kia. Nhóm hơi
thở nuôi dưỡng nhóm thân thể. Thật ra, ta đã có kinh nghiệm
về điều đó ngay từ khi mới bắt đầu thực tập Quán tưởng
Giác niệm về hơi thở (Ànàpànasati). Trước đây, ta đã
thể nghiệm rằng khi hơi thở thô phù thì thân thể trở nên
trầm trệ và khi hơi thở được tế nhị thì thân thể lắng
dịu xuống. Ta đã quan sát các sự kiện đó trong khi thực
tập bước thứ nhứt và bước thứ hai. Tại bước nầy,
ta đặt nặng sự quan tâm đến bí ẩn đó cho đến khi nào
nó trở thành rõ ràng tuyệt đối. Có hai nhóm. Một nhóm nuôi
dưỡng và gây ảnh hưởng đến nhóm kia. Bạn hãy biết rõ
chỗ sai biệt giữa chúng.
Ba
nghĩa của chữ Hành (sankhàra).
Chúng
ta đang làm một thí nghiệm nội tâm về hai thân đó đang
ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Cái thân làm nguyên nhân gây
ra điều kiện có ảnh hưởng được gọi là thân hành (kàya
sankhàra), để phân biệt với tấm thân kia, cái thân đang
chịu ảnh hưởng, đang nhận lấy các điều kiện, được
gọi là thân bị điều kiện hoá. Bạn hãy nghiền ngẫm trong
tâm sự kiện đó, xem nó như một cái gì bằng vật chất
có thể sờ mó, tiếp xúc đến được. Bạn hãy thấy cho
thật rõ một nhóm nầy đang gây điều kiện và điều dưỡng
nhóm kia. Bạn hãy thấy cho thật rõ cả hai cùng khởi lên
một lượt, cùng biến diệt một lượt, cùng trở nên thô
phù một lượt, cùng trở nên tế nhị một lượt, cùng tiến
triển một cách thoải mái, và cùng trở nên bất an cũng một
lượt. Bạn hãy nhận thức cho rõ chúng liên hệ thật mật
thiết với nhau như thế nào. Đấy là tất cả những gì cần
phải hiểu thật rõ về ý nghĩa của câu nói "thể nghiệm
mọi thân". Canh chừng cả hai thân và thấy rõ chúng đang ảnh
hưởng lẫn nhau. Điều nầy thật là cần thiết để có thể
thấy được Chơn lý một cách quảng bác hơn, tức là, nhận
thức được đặc tánh vô ngã (anatta). Khi quan sát đúng đắn
mối tương quan đó, ta thấy rõ những gì xảy ra chỉ giản
dị là một tiến trình tự nhiên tạo nên ảnh hưởng. Chẳng
hề có một tự ngã (atta) nào, chẳng hề cái "Ta" nào, cũng
chẳng hề có một cái gì thường được gọi là "linh hồn"
trong đó cả. Sự thông hiểu nầy vô cùng hữu ích, mặc dầu
điều đó vượt hơi xa đối với mục tiêu hiện tại của
bước thực tập nầy. Hiện giờ, ta chỉ cần thông hiểu
về sự kiện tạo điều kiên gây ảnh hưởng, vừa đủ để
ta có thể điều chỉnh thân thể, tức là tấm thân xác thịt,
xoa dịu để lắng yên nó, bằng cách điều chỉnh lấy thân
hơi, tức là cái nhóm hơi thở.
Tôi
muốn nhơn cơ hội nầy bàn luận thêm về ba nghĩa của chữ
Hành (Sankhàra). Đây là một danh từ hết sức thông dụng
và quan trọng trong Kinh điển hệ Pali, nhưng có lắm người
gặp khó khăn với chữ nầy, vì nó được dùng đến với
nhiều nghĩa khác nhau. Ngôn ngữ thì thường là như thế, chẳng
được chắc chắn và ít đáng tin cậy. Có mỗi một chữ
Hành, Sankhàra, mà có đến ba nghĩa:
(1)
nghĩa: tác viên gây điều kiện, tức là nguyên nhân đã tạo
điều kiện để gây ra ảnh hưởng;
(2)
nghĩa: điều kiện, tức là tình trạng kết quả của động
tác đã gây ra ảnh hưởng;
(3)
nghĩa: tác động của điều kiện, tức là chính các động
tác trong tiến trình tạo thành ảnh hưởng.
Ta
có thể dùng chữ Hành, Sankhàra ấy để nói đến vấn đề
các điều kiện gây thành ảnh hưởng, vừa chủ thể gây
ảnh hưởng, vừa đối tượng chịu ảnh hưởng và cả cái
động tác gây ra ảnh hưởng nữa. Như thế thì dễ cho các
bạn lầm lẫn thật, nhưng xin bạn hãy cứ nhớ chữ Sankhàra,
Hành, có đến ba nghĩa, và cái nghĩa đúng của nó thì còn
tùy theo vị trí của nó trong khung cảnh của bài văn. Kiến
thức nầy rất có ích cho sự nghiên cứu sau nầy của bạn.
Bạn
hãy học tập về ba nghĩa đó của chữ Hành ngay trên tấm
thân thể chất của bạn. Đâu cần gì phải nghiên cứu trong
sách vở, hoặc theo một đường lối lý thuyết nào. Thân
thể nầy chính là một hành (sankhàra). Nó bị điều kiện
hoá bởi một số các nguyên nhân và bởi các yếu tố đã
tạo nên nó. Do đó, thân thể nầy là một hành, với nghĩa
là một điều kiện, một tình trạng chịu điều kiện hoá.
Khi thân thể nầy hiện hữu, nó chính là nguyên nhân làm khởi
sanh lên nhiều sự việc khác, như tư tưởng, cảm thọ, và
hành động. Nếu chẳng có tấm thân nầy thì các tư tưởng
và hành động chẳng thể nào hiện khởi được. Do đó thân
thể nầy là một tác viên tạo điều kiện, bởi vỉ chính
nó đã gây nên các động tác vừa nói. Sau cùng, ngay trong
tấm thân hành (sankhàra kàya) bằng xương thịt nầy của chúng
ta, hiện đang diễn ra một tiến trình điều kiện hoá chẳng
ngừng. Vậy ta có thể khám phá ra ba phương diện của Hành
(Sankhàra) ngay trong thân thể. Bạn hãy nghiên cứu nghĩa của
Hành theo cách bao quát hàm súc đó. Rồi bạn sẽ thấy việc
nhận thức về Pháp (Dhamma) càng ngày càng thâm sâu hơn, sẽ
được dễ dàng và tiện lợi, khi bạn tiến triển trên đường
tu tập.
Thể
nghiệm Hành (sankhàra).
Nơi
bước thứ ba -- "thể nghiệm mọi thân", thể nghiệm cả hơi
thở và thân thể -- mỗi ý nghĩa trong ba nghĩa vừa nói của
chữ Hành, (Sankhàra) được thực tập. Trước nhứt, ta quán
sát thân thể chất như một sự vật được điều kiện hoá
bởi hơi thở. Kế, ta xem hơi thở như một tác viên gây nên
điều kiện có ảnh hưởng đến thân thể. Và sau chót là
chúng ta quan sát cái tác động điều kiện hoá luôn luôn xảy
ra cho cả hai, hơi thở và thân thể. Như thế, trong việc thực
tập bước thứ ba, ta thấy rõ được cả ba: điều kiện,
chủ thể gây điều kiện và động tác tạo ra điều kiện.
Sự điều kiện hóa của thân thể là giai tầng vật lý của
hành (sankhàra). Ta còn chưa thấy việc nầy ở giai tầng tâm
linh. Bước thứ ba chính là việc làm để thấy được, ngay
trong nội tâm ta, đủ cả ba giai tầng đó khởi lên đồng
thời và liên tục. Rồi thì ta sẽ thấy được mọi sự việc
về Hành, nhứt là khi nó liên quan đến thân (Kàya) và các
động tác của thân ấy, ngay tại bước thứ ba nầy.
Khi
ta nghiên cứu kỹ lưỡng sự kiện đó cho đến lúc thấy
nó thật rõ ràng, hiển nhiên và hiểu biết nó một cách phổ
quát như đã được giải thích trên đây, thì ta mới có thể
thể nghiệm cùng một lúc cả ba sự kiện đó. Ngay trong khoảng
thời gian của một hơi thở vào hoặc hơi thở ra, ta cũng
có thể thể nghiệm cả ba sự kiện đó "thẳng một lèo"
trong một hơi thở duy nhứt. Nếu ta có khả năng làm được
như thế, thì ta đang "thể nghiệm trọn vẹn thân hành (kayà
sankhàra)" (tức là cái thân gây điều kiện ảnh hưởng).
Và như thế, ta đã hoàn tất được trọn vẹn bước thứ
ba.
Cốt
lõi của việc thực tập bước thứ ba là để hiểu biết
được có hai thân (kàya) và biết cách điều chỉnh một thân
(kàya) nầy qua sự điều chỉnh thân (kàya) kia. Nói cách khác,
ta có thể điều chỉnh thân thể (tấm thân xương thịt) qua
thân hơi (hơi thở vào và ra). Một khi ta biết chắc về điều
nầy, một khi ta đã thấy điều ấy rõ ràng rồi, một khi
ta đã tin chắc vào sự thể nghiệm của ta về mỗi hơi thở
vào, mỗi hơi thở ra, thì ta đã thành công trong việc thực
tập bước thứ ba nầy.
Bước
thứ tư: Làm dịu hơi thở.
Sau
khi đã biết được rằng ta có thể điều chỉnh thân thể
bằng thân hơi, ta bắt đầu thực tập bước thứ tư . Đức
Phật mô tả bước thứ tư nầy như là "làm dịu thân hành,
passambhayam kàyasankhàram". Ta có thể làm như thế được, một
khi đã biết rõ rằng, khả dĩ dùng thân hơi để kiểm soát
thân thể.
Đầu
đề của bước thứ tư là làm dịu thân hành (Kàya sankhàra)
trong khi thở vào và làm dịu thân hành trong khi thở ra. Điều
đó có nghĩa là ta có thể làm cho thân hành (hơi thở) êm
dịu hơn, và êm dịu hơn nữa, cùng một lúc với khi ta hít
vào và thở ra. Đây là vấn đề mà tôi sắp giải thích.
XIn
hãy lưu ý đến cách hành văn mô tả bước thứ tư "làm dịu
thân hành" là muốn nói đến sự làm dịu thân hơi, làm dịu
các hơi thở ra và vào. Tại bước thứ tư, mục đích của
việc thực tập là khiến hơi thở êm dịu lại. Ta làm cho
hơi thở trở nên tế nhị và an hoà bằng cách xử dụng các
kỹ thuật có sẵn. Nếu ta làm êm dịu được hơi thở, thì
sẽ có được nhiều kết quả khá thích thú và mạnh mẽ.
Trước hết là thân thể trở nên thư giãn, êm ả và rất
dễ thương. Kế đó, một sự lắng yên tâm tư lại khởi
lên. Lại còn nhiều kết quả khác nữa, nhưng tôi xin gát
lại về sau sẽ nói đến. Bài học tức thời hôm nay là làm
êm dịu hơi thở. Biết cách điều lý hơi thở là điểm quan
trọng nhứt cần phải cứu xét trong việc thực tập bước
thứ tư.
Năm
kỹ thuật khéo.
Khi
thực tập bước thứ tư, ta có các loại phương pháp hay phương
tiện -- ta còn có thể gọi chúng là các xảo thuật nữa --
để xử dụng trong việc làm êm dịu hơi thở. (...) Có tất
cả năm kỹ thuật khéo để làm hơi thở êm dịu lại và
năm kỹ thuật đó được xếp vào năm giai đoạn:
1.-
theo dõi hơi thở;
2.-
canh giữ hơi thở ở một điểm nào đó;
3.-
làm khởi lên một tâm ảnh (định tướng, nimitta) tại điểm
đang canh giữ đó;
4.-
vận dụng các hình ảnh đó theo bất cứ cách nào cũng được,
cốt để ta có thể điều khiển, kiểm soát chúng;
5.-
chọn một trong các hình ảnh đó và quán tưởng về nó một
cách thật chú tâm, cho đến khi hơi thở trở nên thật sự
êm dịu và an hoà.
Đây
là năm kỹ thuật: theo dõi, canh giữ, khởi lên tâm ảnh, vận
dụng các tâm ảnh và chọn một tâm ảnh là đối tượng
đặc biệt của định lực (samàdhi) cho đến khi nào có được
sự hoàn toàn êm dịu.
Về
giai đoạn thứ nhứt -- theo dõi hay đuổi theo hơi thở -- ta
đã làm ngay tự lúc mới bắt đầu thực tập. Với các hơi
thở dài và hơi thở ngắn, ta nên săn đuổi theo, hoặc theo
dõi chúng. Nay, ta chỉ cần ôn và duyệt lại cho đến khi nào
ta trở nên thành thạo, thuần thục trong việc theo dõi hơi
thở. Chẳng cần phải giải thích dài dòng thêm, vì ta đã
xét kỹ qua các bước thứ nhứ, thứ hai và thứ ba rồi.
Kỹ
thuật thứ nhì về sự canh giữ là chọn một điểm trên
lộ trình của hơi thở và canh chừng, hay là giữ gìn hơi
thở ngay chỗ đó. Ta chẳng còn cần phải theo dõi hơi thở
nữa, nhưng kết quả cũng vẫn như là ta đang theo dõi chúng
vậy. Cái tâm nầy (citta), cái giác niệm nầy (sati)chẳng được
rời đi chỗ nào khác, mà phải trụ lại đúng vào điểm
đã chọn. Giác niệm ấy canh chừng các hơi thở khi chúng
vào và ra ngang qua điểm ấy, và kết quả cũng giống như
sự theo dõi hơi thở, với một sự khác biệt là canh chừng
thì tế nhị hơn.
Thông
thường, ta dùng chót mũi làm điểm canh chừng, vì chính nơi
đó các hơi thở va chạm vào. Điểm đó rất dễ giữ, ngoại
trừ khi mũi bạn quắm xuống, hoặc môi trên của bạn quá
cao; trường hợp nầy bạn sẽ cảm thấy hơi thở chạm vào
môi trên. Đối với mỗi chúng ta, điểm va chạm có thể ở
vào chỗ khác nhau, tùy theo hình dạng và cấu trúc của mũi
và môi.
Hãy
tìm một chỗ nào dễ nhứt để quan sát hơi thở. Kể cũng
khó tìm khi ta thở bình thường; bạn hãy thở một hơi dài
và sâu và điểm đó sẽ nổi bật lên hiển nhiên. Điạ điểm
cho thật đúng chính xác cũng chẳng cần thiết, chỉ cần
tìm ra được một điểm nơi mà hơi thở chạm vào chót mũi
hay ở môi trên của bạn khi bạn cảm thấy hơi thở di chuyển
thật rõ ràng. Một khi bạn thấy ra được rồi, hãy canh chừng
điểm đó mỗi khi hơi thở vào và ra. Giác niệm (Sati) trụ
tại đấy và quán tưởng hơi thở khi vào, khi ra. Hãy cứ
thở vào, cứ thở ra bình thường với giác niệm canh chừng
tại điểm đó. Đấy là giai đoạn hai, trong năm kỹ thuật
khéo của chúng ta.
Bạn
có thể tự mình quán sát thấy rằng khi bạn chẳng màng ghi
nhận hơi thở và cứ để cho nó tự ra vào như ý nó, thì
nó sẽ gây ra chút cảm giác nào đó. Vừa khi ta bắt đầu
ghi nhận nó, ngay cả khi chỉ giản dị theo dõi nó, hơi thở
liền trở nên tế nhị và êm dịu hơn. Hơi thở, tự nó,
tự điều chỉnh lấy và trở nên tế nhị để gạt gẫm
ta. Hơi thở "mưu mẹo" mánh khoé như vậy đó. Rồi thì ta
ngừng chẳng đuổi theo hơi thở nữa, chỉ canh chừng tại
điểm đặc biệt trên chót mũi, thì bấy giờ hơi thở lại
càng lắng dịu xuống hơn nữa. Các bạn có thể kiểm chứng
lại điều nầy theo kinh nghiệm riêng của các bạn.
Một
tâm ảnh (định tướng) hiện lên.
Giờ
đây, hơi thở trở nên tế nhị và lắng dịu hơn nữa, khi
ta tạo một tâm ảnh (nimitta, định tướng) tại chỗ điểm
canh chừng. Tâm ảnh đó chỉ là một hình ảnh tưởng tượng,
chẳng hề có thật. Nó được tâm (citta) tạo nên. Đó là
một sản phẩm của tâm. Bạn có thể nhắm mắt lại và "nhìn"đến
nó; và khi mở mắt ra, bạn cũng vẫn còn "thấy" nó. Nó cũng
như một ảo ảnh của thị giác mà tâm đã tạo ra để làm
lắng dịu hơi thở. Muốn làm được như thế, tâm phải tế
nhị. Hơi thở, hay bất cứ việc gì, cũng phải được thanh
lọc để có thể làm khởi lên được một tâm ảnh. Hơi
thở phải trở nên càng tế nhị hơn, êm dịu hơn, cho đến
khi nào tâm ảnh đã tạo xong.
Tâm
ảnh có thể mang bất cứ hình thể nào, tùy theo sự thích
hợp với thân thể của mỗi người. Vài người tạo một
trái cầu -- đỏ, trắng, xanh hay bất cứ màu nào. Nó cũng
có thể là một ngọn lửa đèn cầy, hoặc một cục bông
gòn, hay một làn khói. Nó có thể xem giống như mặt trời,
hoặc mặt trăng, hay một vì tinh tú. Khả năng sáng tạo của
tâm còn có thể gợi lên ngay cả hình ảnh của một mạng
nhện bóng loáng phản chiếu ánh mặt trời nữa. Các loại
tâm ảnh tùy thuộc vào người tạo nên nó. Tâm chỉ nghiêng
về một hướng nào đó và tâm ảnh tự nó liền khởi lên.
Nó thuần túy là một hiện tượng tâm linh chẳng có thực
thể vật chất. Và kỹ thuật khéo thứ ba được hoàn tất
khi nào ta đủ khả năng tạo nên một tâm ảnh ngay tại điểm
canh chừng.
Giờ
tới phiên kỹ thuật khéo thứ tư. Kỹ thuật nầy là làm
thay đổi hay vận dụng các tâm ảnh theo ý ta muốn. Biến
đổi hình nầy ra hình khác. Biến đổi chúng theo cách nầy,
theo cách khác, theo bất cứ cách nào ta muốn. Điều nầy có
thể làm được, vì việc làm trước tiên của tâm là tâm
thường tạo luôn ra các hình ảnh. Do đó, tâm có đủ khả
năng để biến đổi các hình ảnh, vận dụng chúng, và "chơi
đùa" với chúng. Tất cả những việc đó đều có thể thi
hành dễ dàng vì nằm trong khả năng của tâm. Và đồng thời
ta lại phát triển được khả năng làm chủ được tâm, hướng
nó theo ngõ tế nhị hơn và hùng dũng hơn.
Ta
có thể kiểm soát tâm nhiều hơn lúc trước và cái tâm ấy
(citta), tự nó, càng ngày càng được thanh lọc và trở nên
tế nhị hơn. Nó lắng dịu xuống đến tận mức mà ta có
khả năng làm cho nó êm dịu hoàn toàn. Giờ đây ta chỉ cần
kiểm soát các tâm ảnh, biến đổi chúng theo khuynh hướng
của tâm. Tùy theo khuynh hướng của tâm, ta thể nghiệm sự
thay đổi của các tâm ảnh để có thể khiến cho hơi thở
càng lúc càng trở nên êm dịu. Điều nầy cũng chẳng khác
hơn là một mánh khoé, một xảo thuật. Tuy vậy, đó là một
xảo thuật tiến bộ giúp ta nắm thêm quyền lực đối với
tâm. Rồi thì hơi thở, tự nó, tự động lắng dịu xuống.
Hơi thở cần phải lắng dịu hơn mới có thể vận dụng
các tâm ảnh. Mặc dầu tâm cũng lắng dịu xuống, nhưng sự
nhấn mạnh hiện giờ là nhằm vào sự lắng dịu của hơi
thở. Vậy, kỹ thuật khéo thứ tư là kiểm soát các tâm ảnh
theo ý ta muốn.
Tâm
ảnh cuối cùng .
Nếu
ta muốn quán sát tiến trình theo thứ tự, của việc làm hơi
thở trở nên êm dịu, ta phải coi chừng và thấy rằng, khi
ta huấn luyện theo cách được mô tả ở đây, hơi thở tự
nó tự thanh lọc lấy và lắng dịu xuống một cách tự động.
Khi ta thực tập theo cách nầy, hơi thở sẽ trở nên êm dịu.
Khi hơi thở êm dịu thì thân thể cũng tự động êm dịu
theo. Và khi thân thể đã lắng dịu thì có một hiệu quả
ảnh hưởng đến tâm tư. Tâm (citta) lắng dịu theo chiều
tỷ lệ thuận với sự lắng dịu của thân thể, nhưng đây
còn chưa phải là ý định của chúng tôi ở điểm nầy. Sự
lắng dịu tâm tư sẽ được bàn luận đến trong một bước
sau nầy. Hãy làm lắng dịu hơi thở và rồi thân thể sẽ
lắng yên. Và cộng thêm vài hiệu quả đến tâm tư nữa.
Ta có thể quan sát được tiến trình lắng dịu đó trong khi
thực tập.
Kỹ
thuật khéo thứ năm là chọn một tâm ảnh (nimitta) nào thích
nghi nhứt. Ta chẳng biến đổi tâm ảnh đó nữa. Lựa được
một tâm ảnh vừa vặn và thích hợp, ta quán tưởng đến
nó với sự chú tâm hoàn toàn, hầu có thể đạt đến trình
độ đầy đủ của định lực (samàdhi). Tôi khuyên bạn nên
chọn một tâm ảnh nào êm dịu, thư giãn và dễ để gom vào
tiêu điểm. Hãy chọn một tâm ảnh nào chẳng làm khởi dậy
tư tưởng hay tình cảm, một tâm ảnh nào chẳng mang sẵn
một ý nghĩa đặc biệt. Một điểm trắng giản dị thì cũng
đủ tốt rồi.
Loại
tâm ảnh tốt nhứt là lọai trung hoà. Nếu ta chọn một tâm
ảnh màu mè, nó sẽ gợi lên nhiều tư tưởng và cảm thọ.
Với các tâm ảnh hấp dẫn, ngộ nghĩnh hay phiền phức thì
cũng như thế. Vài người chọn hình ảnh của Đức Phật
để làm tâm ảnh (nimitta), nhưng họ sẽ bị lôi kéo theo nhiều
loại suy tư khác. Tư tưởng giản dị là đi theo hình ảnh
được thấy, thay vì cắm sâu xuống vào sự lắng yên. Vì
lẽ đó, ta sẽ chọn một hình ảnh nào tự nhiên, chẳng có
ý nghĩa đặc biệt, chẳng gợi lên các mối liên tưởng khác.
Một điểm trắng là thích hợp nhứt. Một điểm nhỏ ánh
sáng cũng phù hợp. Vài người chọn hình tượng của Đức
Phật, hoặc bất cứ hình ảnh nào thấy hợp với sở thích
của họ. Còn chúng ta thì không làm như vậy; ta chọn môt
điểm nào dễ quán tưởng mà chẳng làm tư tưởng nào khởi
sanh lên. Ta chọn một hình ảnh như thế và gom tất cả tâm
ý vào tiêu điểm đó, để phát triển định lực của tâm
ý. Chú tâm nhìn vào tiêu điểm giản dị đó. Tâm (citta) chẳng
còn đi lang thang nơi nào nữa, mà qui chiếu vào một đìểm
duy nhứt. Vậy, kỹ thuật khéo thứ năm là chú tâm quán tưởng
vào một điểm.
Định
lực hoàn toàn.
Và
rồi ta chọn một tâm ảnh (nimitta) thích hợp nhứt cho tâm
để quán tưởng. Đến điểm nầy, ta cần phải biết rằng
tâm thường hay phân tán, trải rộng ra và rọi chiếu ra ngoài
về mọi hướng. Giờ đây, ta cần phải quay lại vào trong,
gom tất cả luồng hướng ngoại đó vào tiêu điểm. Danh từ
Pali gọi tình trạng gom tâm ý lại nầy là ekaggatà, tâm nhất
điểm, có nghĩa là "tại đỉnh duy nhứt, tiêu diểm hay là
điểm cao tuyệt đích" Mọi sự việc đều gom vào tiêu điểm
duy nhứt. Ta đã tìm thấy một tâm ảnh thích hợp nhứt --
một điểm nhỏ ở giữa -- thì giờ đây tâm ý sẽ cắm sâu
vào điểm đó. Dòng tâm linh gom về một điểm đó cũng tựa
như một tấm kính lúp phóng đại gom các yến sáng của mặt
trời hội tụ về một điểm duy nhứt, mạnh mẽ cho đến
mức làm phát cháy lên. Thí dụ nầy cho thấy sức mạnh được
tập trung lại khi tất cả năng lực của tâm đều gom về
một điểm. Một khi tâm chuyên chú vào một đối tượng được
lựa chọn, thì sự rạng rỡ của nó tập trung về nơi ấy
và trở nên ekaggatà, tâm nhất điểm -- qui về điểm duy nhứt,
đến một đỉnh cao duy nhứt.
Khi
tâm đến tình trạng tâm nhứt điểm, thì chẳng còn cảm
thọ, tư tưởng hoặc đối tượng nào khác của tâm nữa.
Nơi đây chỉ có các thiền chi (jhànanga), tức là các yếu
tố thiền định. Ở tình trạng Sơ thiền, có năm thiền chi.
Ở tình trạng nầy, tâm vẫn còn thô phù để thực hiện
nhiệm vụ quán tưởng đối tượng. Tâm đang ghi nhận đối
tượng được gọi tầm (vitakka). Tâm đang thể nghiệm đối
tượng đó gọi là tứ (vicàra). Do nhờ có tầm (vitakka) và
tứ (vicàra), nên tâm trở nên thỏa mãn và mừng (piti). Và
một khi có nỗi mừng (piti) ở đó, thì cũng sanh niềm vui
(sukha) cùng một lúc. Sau cùng, tâm nhứt điểm lại tiếp tục
như trước. Như thế, tâm ở trình độ định lực (samàdhi)
nầy có năm yếu tố: ghi nhận (vitakka), thể nghiệm (vicàra),
nỗi mừng (piti) cùng niềm vui (sukha) và tâm nhứt điểm (ekaggatà).
Năm yếu tố đó cho thấy tâm đang đi vào Sơ Thiền, tình
trạng thiền định hoàn toàn thứ nhứt. Sự hay biết nầy
chẳng bao trùm bất cứ sự suy tư nào, nhưng cả năm hành
vi đó của tâm đều khởi sanh ra. Ta gọi chúng là các thiền
chi (Jhànanga) của Thiền (Jhàna). Nếu ta có thể nhận diện
được các yếu tố đó đầy đủ hết, thì ta có thể thoả
mãn vớí sự thể nghiệm đã thành công vì đạt đến Định
lực (Sanàdhi), mặc dầu còn ở giai đoạn thứ nhứt, ở Sơ
Thiền. Điều đó xem như lạ lùng thật -- hoàn toàn, mà vẫn
ở giai đoạn đầu tiên.
Trên
đỉnh cao.
Tôi
muốn nói kỹ thêm về từ ngữ Ekaggatà, tâm nhứt điểm.
Tiếng Pali Ekaggatà nầy thường được dịch ra là "tánh nhứt
điểm" (one pointedness). Dịch sát nghĩa từ chữ thì Ekag là
"có một điểm duy nhứt" và Agga là "đỉnh cao". Thái ngữ
dịch là yod. Chữ yod của Thái có thể chỉ vào cái ngọn,
đỉnh cao nhứt, đỉnh nhọn của một sự vật gì như ngọn
núi chẳng hạn, hoặc một kim tự tháp, hay là đọt cây non
nhô lên. Tôi chẳng lấy làm chắc lắm chữ Anh "point" có đồng
một nghĩa hay không. Một điểm thì có thể ở vào bất cứ
nơi nào. Nó có thể lộ ra bên hông, hoặc ở thấp bên dưới.
Đây là lý do vì sao tiếng Pali dùng chữ Agga (đỉnh, ngọn,
thiên đỉnh). Ekaggatà cũng như là chóp đỉnh của ngọn kim
tự tháp. Đâu có xứng đáng cho tâm gom vào một điểm thấp
ở bên dưới. Nó phải được tập trung lại từ dưới thấp
mà vượt lên cao tận đỉnh. Đấy mới là nghĩa đứng đắn
của chữ Ekaggatà.
Bạn
chớ quá âu lo nếu tâm tập trung lại tại một tiêu điểm
nào chẳng được cao nhứt. Đó chỉ là bước đầu. Khi nào
có Ekaggatà, tâm nhứt điểm, thì bắt đầu có một việc
thật là hữu dụng. Khi nào có một chút tâm nhứt điểm là
khi đó có định lực (samàdhi). Trong việc thực tập của
chúng ta về Quán tưởng Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati),
ở bước thứ tư nầy, cũng chẳng cần thiết phải đi vào
thiền định hoàn toàn. Sự thực tập Quán tưởng Giác niệm
về Hơi thở còn chưa đòi hỏi đến các giai tầng thật tế
nhị của định lực. Ta chỉ cần có một cấp bậc vừa phải
và thích hợp về định lực để tiếp tục việc thực tập,
tức là, có khá đủ định lực (samàdhi) để nhận thức
các cảm thọ mừng (piti) và vui (sukha) Ta cần xử dụng nỗi
mừng và niềm vui trong bước thực tập kế tiếp. Nếu ta
nhập vào các bực Thiền của cõi sắc giới (rùpa jhàna) thì
rất tốt, vì điều đó khiến cho các bước thực tập về
sau sẽ dễ dàng hơn. Nhưng ngay khi chưa đạt đến Thiền,
mà vẫn cảm nhận được nỗi mừng (piti) và niềm vui (sukha)
thì cũng là đang thực tập tốt. Giờ đây, chẳng có chi là
quá khó, phải vậy không?
Khi
các cảm thọ mừng và vui có đủ sức mạnh để tâm thức
cảm nhận chúng thật rõ ràng, thì đó là có đầy đủ định
lực để tiếp tục thực tập bước thứ năm. Nếu bạn nhập
vào các bực Thiền, Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ
thiền của cõi Thiền sắc giới (rùpa jhàna) thì thật là
tuyệt rồi!
Nhưng,
có định lực cần và đủ để thể nghiệm được nỗi mừng
(piti) và niềm vui (sukha) một cách thật rõ ràng, đó cũng
là vừa đủ cho bước thứ tư.
Cũng
dễ, khi ...
Vài
bạn ở đây thắc mắc chẳng biết có khó hay dễ để thực
tập. Đó là điều mà tôi chẳng thể nào giải đáp cho bạn
được. Nhưng tôi có thể nói, chẳng có chi khó khăn nếu
phương pháp được ứng dụng một cách đứng đắn. Nếu
bạn đã lắng nghe cẩn thận, thì bạn sẽ hiểu cách thực
tập thế nào cho đúng. Nếu bạn tuân theo kỹ thuật đúng
đắn, thì chẳng có gì quá khó đâu. Bạn có thể hoàn tất
trong một thời gian ngắn. Nếu bạn chẳng thực tập đúng
theo phương pháp, thì sẽ có nhiều khó khăn và có thể chẳng
bao giờ bạn hoàn tất được. Đối với vài người, có thể
là ba ngày; hoặc ba tuần đối với người khác, hay là ba
tháng, hoặc ba năm, nào ai biết được chắc?
Phần
lớn các bạn còn ở giai đoạn đầu, tập luyện về bước
thứ nhứt, nhưng điều đó chẳng có nghĩa là các bạn ấy
chẳng cần chú ý đến các lời giảng dạy về bước thứ
tư nầy. Nếu bạn chẳng biết được sẽ phải làm gì, thì
sẽ vấp nhiều khó khăn khi gặp việc xảy đến. Chúng tôi
cống hiến các lời chỉ dẫn thật rõ ràng theo sự cố gắng
của chúng tôi, để các bạn có thể hiểu được đường
lối đúng đắn nhứt mà thực tập. Tuy nhiên, nhiều người
chẳng thích tập theo lời chỉ dẫn. Họ muốn pha trộn tất
cả vào các ý kiến và tư tưởng riêng của họ. Họ thích
dồn chung lại một cách hỗn tạp những điều họ đã nghe
được ở nơi nầy, đọc thấy ở nơi kia. Bạn có thể làm
theo cách bạn thích. Nhưng nếu bạn muốn khiến cho việc thực
tập nầy thành công và dễ dàng nhứt cho bạn, thì tôi khuyên
bạn nên theo các lời chỉ dẫn đã được giải thích rõ
ràng, hữu hiệu và thành tựu về đường lối của kỹ thuật
nầy.
Thực
tập theo đúng phương pháp cũng chẳng quá khó. Chẳng theo
đúng lời chỉ dẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó,
ta cần học kỹ phương pháp đúng đắn và cách áp dụng như
thế nào. Rồi ta mới kỳ vọng vào các kết quả mong muốn.
Ngoài việc đó, cũng chẳng còn gì phải làm thêm, ngoại trừ
việc lập đi lập lại, và lập đi lập lại các bước cho
đến khi trở thành thuần thục như một chuyên viên. Hãy lập
lại chúng cho đến khi bạn có thể nhanh chóng làm êm dịu
được hơi thở và lắng dịu thân tâm. Hãy thực tập cho
đến khi nào các bước đó chẳng cần đòi hỏi cố gắng,
nỗ lực gì cả, bạn trở nên nhuần nhã trong các hoạt động
đó.
Và
cũng xin chớ quên! Ở mỗi bước, ở mỗi giai đoạn và mỗi
khoảng cách giữa hai cuộc thực tập, ta vẫn phải ghi nhận
các hơi thở vào và các hơi thở ra. Đây là bối cảnh và
cơ bản của giác niệm (sati). Đây là cách làm thế nào để
luôn luôn giữ tâm tuyệt đối trong chánh niệm. Ghi nhận sự
thở vào và ghi nhận sự thở ra ở mỗi giai đoạn của việc
thực tập. Rồi sự thành công trong bộ bốn thứ nhứt của
Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati) sẽ đến với ta. Đây
là bối cảnh lý thuyết của Giác niệm về Hơi thở (Ànàpànasati)
và cũng là các nguyên tắc hướng dẫn sự thực tập đó.
Đã
hết giờ. Xin chấm dứt buổi pháp thoại ở đây.